Biểu tình Ðiện Biên có tới 8,500 người Hmong
WASHINGTON DC 7-5 (TH) -Ít nhất 49 người sắc tộc Hmong đòi tự do tôn giáo và các quyền căn bản của con người và hơn một ngàn người bị bắt dẫn đi mất tích, theo một cơ quan nghiên cứu ở Washington loan báo.
Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Công (Center for Public Policy Analysis - CPPA) trụ sở ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn đưa tin như vậy hôm Thứ Bảy sau khi có tin một lực lượng lớn quân đội Việt Nam có chiến xa yểm trợ đã được điều động tới đàn áp các người Hmong biểu tình từ ngày 3 tháng 5, 2011 đến nay.
Bản tin của CPPA nói họ căn cứ vào các nguồn tin riêng từ tỉnh Ðiện Biên và từ Lào để thông tin cập nhật về các cuộc đàn áp khối người sắc tộc Hmong đòi tự do tôn giáo và các quyền tự do căn bản của con người chứ không phải đòi hỏi gì khác.
Ngày Thứ Sáu 6 tháng 5 năm 2011, CPPA nói có 28 người đã bị chết trong các cuộc đàn áp từ mùng 3 tháng 5. Bản tin cập nhật ngày Thứ Bảy nói có thêm 21 người Hmong nữa bị thiệt mạng và thêm 132 người bị thương theo các tin cập nhật. Ðồng thời, có 1,263 người Hmong đã bị bắt đưa đi bằng các loại xe mà người ta không rõ số phận của họ sẽ ra sao.
Hãng thông tấn Reuters dựa vào các nguồn tin ngoại giao và các nguồn tin khác nói số người Hmong tham gia biểu tình chống đối từ 5,000 đến 7,000 người. Nhưng CPPA thì cho rằng số lượng người Hmong tham gia biểu tình kéo dài từ ngày 30 tháng 4, 2011 đến nay khoảng hơn 8,500 người.
“Chúng tôi nhận được phúc trình từ các nguồn tin đáng tin cậy nói 1,263 người đã bị bắt lên các xe tải quân sự để đưa đến những địa điểm không biết ở đâu”. Ông Philip Smith, giám đốc điều hành CPPA nói trên bản tin của cơ quan này.
Còn bà Christy Lee, giám đốc điều hành Tổ Chức Thăng Tiến Người Hmong (Hmong Advance, Inc.) ở Hoa Thịnh Ðốn thì nói “Lính CSVN đã giết thêm 21 người và gây thương tích cho hàng trăm người khác” đưa theo các bản báo cáo từ Ðiện Biên và khu vực giáp giới với Lào.
CPPA thì nói thêm 21 người Hmong đã thiệt mạng, 132 người Hmong bị thương trong các ngày quân đội CSVN đàn áp biểu tình từ 6 đến 7 tháng 5, 2011 tại huyện Mường Nhé.
Theo Linh Mục Phạm Thanh Bình, một linh mục thuộc giáo xứ ở Sapa tỉnh Lào Cai mà địa phận của ngài cai quản gồm cả khu vực đang có biểu tình ở Mường Nhé, nói với hãng thông tấn Reuters rằng các người tiếp xúc của ngài cho hay quân đội đã phong tỏa hoàn toàn khu vực có biểu tình cũng như cắt hết mọi phương tiện thông tin và cắt luôn điện. Không ai được phép vào hay ra khỏi khu vực bị phong tỏa, nơi có ít nhất một viên chức nhà nước được cử tới dàn xếp bị người biểu tình bắt làm con tin. Không có tin tức nào nói viên chức này đã được thả ra hay chưa.
Tình hình thật sự đã xảy ra, số lượng người biểu tình, số lượng đơn vị quân đội Việt Nam, số người chết và bị thương và nhất là nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình tập thể kéo dài suốt nhiều ngày hoàn toàn không thể kiểm chứng, ngoài những lời tuyên truyền một chiều của nhà cầm quyền Hà Nội.
“Người Hmong biểu tình chống đối là để đòi cải cách, chống lại những bất công căn bản và đang bị quân đội CSVN đàn áp và chiến dịch tuyên truyền vu cáo từ nhà cầm quyền Hà Nội.” Bà Christy Lee tố cáo.
Bà lo ngại những người bị bắt giữ có thể bị tra tấn, giết chết hay bị mất tích một cách đơn giản.
Hãng thông tấn chính thức của Hà Nội phổ biến bản tin phỏng vấn chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên tên Mùa A Sơn gọi cuộc biểu tình của người Hmong ở Mường Nhé là “bất hợp pháp”.
Bản tin TTXVN dẫn lời ông Sơn, để biện minh cho cuộc đàn áp, nói rằng “trong những ngày vừa qua, một số phần tử xấu đã có hành vi lừa gạt, lôi kéo bằng những luận điệu mê tín dị đoan, thậm chí chúng còn khống chế bà con người Mông, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ở bản Huổi Khon và một số bản lân cận ở huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên tụ tập trong rừng, rêu rao về cái gọi là “thành lập vương quốc Mông”.
Ngày hôm trước, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội đọc bản tin của TTXVN đổ cho người Hmong biểu tỉnh ở Mường Nhé là “tin đồn nhảm” xuất hiện “một thế lực siêu nhiên”. Hôm sau, chủ tịch tỉnh lại bẻ quẹo qua chính trị khi vu cho họ là đòi hỏi thành lập “Vương quốc Mông”.
“Phần lớn những người Hmong bị chết hay bị thương là do lính CSVN bắn bằng súng, hay bị đánh đập và đâm bằng lưỡi lê”. Ông Smith nói trong bản tin của CPPA. “Hàng ngàn lính và cảnh sát CSVN đã tấn công các người Hmong biểu tình đòi cải cách ruộng đất, đòi nhân quyền và tự do tôn giáo”.
Hiện chưa có một nguồn tin độc lập nào có thể tiếp xúc được với người Hmong ở Mường Nhé để hiểu đúng sự thật ra sao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét