Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

AI LÀM CHỦ THẾ GIỚI hay THẾ GIỚI QUAN CỦA HOA KỲ

Đăng bởi anhbasam on 08/05/2011

AI LÀM CHỦ THẾ GIỚI  hay

THẾ GIỚI QUAN CỦA HOA KỲ



TỪ THẾ GIỚI A RẬP ĐẾN WISCONSIN

Sự trổi dậy của phong trào dân chủ trong thế giới A Rập – một biểu tượng dấn thân can đảm và ngoạn mục của lực lượng quần chúng – bất ngờ trùng hợp với sự trổi dậy đáng ngạc nhiên của hàng chục nghìn ngưởi ủng hộ giới lao động  và dân chủ ở Madison, Wisconsin, và nhiều thành phố khác ở Mỹ. Tuy nhiên nếu qũy đạo hai phong trào chống đối ở Cairo và Madison gặp nhau, hai phong trào lại theo hai hướng đi trái ngược: Ở Cairo, mục tiêu là giành các nhân quyền sơ đẳng bị chế độ độc tài chối bỏ, ở Madison lại nhằm bảo vệ những quyền lợi đã giành được sau nhiều năm tranh đấu cam go và nay đang bị tấn công nghiêm trọng.
Mỗi phong trào là một thế giới vi mô các xu thế xã hội toàn cầu, dõi theo hai hướng khác nhau. Đã hẳn cả hai sẽ mang lại nhiều hậu quả lớn lao: một trong trung tâm kỹ nghệ suy sụp của một xứ giàu có và hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại; và một trong “vùng chiến lược kỳ diệu và có lẽ là phần thưởng kinh tế phong phú nhất thế giới trong địa hạt đầu tư nước ngoài,”[1] như T T Dwight Eisenhower đã từng gọi,  hay, theo ngôn từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong thập kỷ 1940, một phần thưởng nước Mỹ nhất định phải chiếm giữ cho chính mình và đồng minh trong Trật Tự Thế Giới Mới đang diễn ra vào thời đó.
Cho đến nay, chúng ta vẫn có đủ lý do để tin, các nhà làm chính sách, trong căn bản, vẫn tuân theo phán đoán của A.A. Berle, cố vấn thân cận của T T Franklin Delano Roosevelt: kiểm soát tiềm năng năng lượng vô song ở Trung Đông có nghĩa “kiểm soát được phần lớn thế giới”.[2] Điều đó cũng có nghĩa: đánh mất quyền kiểm soát có thể đe dọa dự án thống lĩnh toàn cầu đã ra đời trong Đệ Nhị Thế Chiến, và luôn được duy trì và củng cố trước nhiều đổi thay quan trọng trên thế giới.
Ngay từ ngày đầu của Đệ Nhị Thế Chiến năm 1939, Hoa Thịnh Đốn đã tiên liệu chiến tranh sẽ chấm dứt với Hoa Kỳ giữ địa vị cường quốc áp đảo. Suốt trong thời gian cuộc chiến tiếp diễn, các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao và các chuyên gia đối ngoại đã sọan thảo các kế hoạch cho thế giới thời hậu chiến. Họ đã hoạch định Khu Vực Rộng Lớn -Grand Area, Hoa Kỳ sẽ thống lĩnh, gồm Tây Bán Cầu, Viễn Đông, và các vùng nguyên thuộc đế quốc Anh, và giàu tài nguyên năng lượng ở Trung Đông. Trong khi Nga bắt đầu đánh bại quân Đức Quốc Xã sau Stalingrad, đối tượng của Grand Area đã được nới rộng đến nhiều nơi trong hai châu lục Âu-Á  (Eurasia), ít ra trong vùng kinh tế cốt lõi Tây Âu. Bên trong Grand Area, Hoa Kỳ sẽ duy trì “quyền lực vô điều kiện”, với “bá quyền kinh tế và quân sự”, trong khi làm mọi cách “hạn chế cách hành xử quyền tối thượng” của các quốc gia khác có thể gây khó khăn cho kế hoạch toàn cầu của Mỹ. Ngay sau đó, các kế hoạch thời chiến đã được thực thi.
Người Mỹ luôn tin Âu châu có thể chọn lựa theo đuổi một đường lối độc lập. NATO ra đời một phần nhằm ngăn chận đe dọa đó. Ngay sau khi lý do biểu kiến chính thức mất hết hiệu lực vào năm 1989, NATO đã được mở rộng về phía Đông – vi phạm những cam kết với lãnh tụ Xô Viết Mikhail Gorbachev. Từ đó, NATO đã trở thành lực lượng can thiệp do Mỹ lãnh đạo, với pham vị hoạt động rộng lớn hơn. Và Tổng Thư Ký NATO, Jaap de Hoop Scheffer, đã thông báo trong một hội nghị: “lực lượng quân sự  NATO có nhiệm vụ bảo đảm an ninh các tuyến dẫn dầu và hơi đốt cho các xứ Tây Phương,” và nói chung, phải bảo vệ các tuyến đường hàng hải cho các tàu dầu và các “hạ tầng cơ sở quan trọng khác” của hệ thống năng lượng[3].
Chủ thuyết Grand Area rõ ràng đã cho phép can thiệp quân sự khi cần. Kết luận đó đã được chính quyền Clinton chính thức diễn dịch khi tuyên bố: Hoa Kỳ có quyền sử dụng quân lực để bảo đảm khả năng “tự do tiếp cận các thị trường then chốt, các nguồn cung năng lượng, và các tài nguyên chiến lược,” và phải duy trì những lực lượng quân sự lớn ngay trong địa bàn Âu châu và Á châu “khả dĩ định hình các ý niệm của dân địa phương về chúng ta và định hình các biến cố ảnh hưởng đến đời sống và an ninh của chúng ta”[4].
Cùng những nguyên tắc đã biện minh cho kế hoạch xâm lăng Iraq. Vì mục tiêu chiến lược ở Iraq đã rõ ràng thất bại, người Mỹ không còn có thể che đậy kế hoạch xâm lược bên sau các chiêu bài và mỹ từ. Tháng 11-2007, Tòa Bạch Ốc đã buộc lòng phải công bố Tuyên Ngôn các Nguyên Tắc đòi hỏi lực lượng quân sự Hoa Kỳ phải lưu lại Iraq vô hạn định và dành đặc quyền ở Iraq cho các nhà đầu tư Mỹ. Hai tháng sau, T T Bush đã thông báo với Quốc hội: ông sẽ bác bỏ mọi dự luật có mục tiêu hạn chế sự đồn trú thường trực các lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Iraq hay “quyền kiểm soát của Mỹ đối với các tài nguyên dầu lửa của Iraq” - những mục tiêu Hoa Kỳ ít nhiều đã phải từ bỏ ngay sau đó trước phong trào kháng chiến kiên cường của người Iraq.
Ở Tunisia và Ai Cập, các phong trào trổi đậy của quần chúng đã ghi được nhiều thắng lợi ấn tượng. Tuy nhiên, theo phúc trình của Carnegie Endowment, trong khi danh tánh các lãnh đạo đã thay đổi, các chế độ vẫn còn y nguyên: “Một thay đổi trong giới thượng lưu lãnh đạo và hệ thống cai trị vẫn còn là một mục tiêu xa vời”[5]. Phúc trình đã  thảo luận những trở ngại nội bộ đối với dân chủ, nhưng đã làm ngơ trước các rào cản luôn lớn lao và quan trọng từ bên ngoài.
Hoa Kỳ và các đồng minh Tây Phương chắc chắn sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa dân chủ chân chính trong thế giới A Rập. Để hiểu rõ, chúng ta chỉ cần lưu ý đến công luận trong thế giới A Rập, như đã được các cơ quan thăm dò công luận của chính Hoa Kỳ phản ảnh. Mặc dù chỉ được phổ biến hết sức hạn chế, các nhà hoạch định Mỹ chắc chắn đều am tường: đại đa số người A Rập xem Hoa Kỳ và Do Thái như những đe dọa lớn lao họ đang đối diện – 90% người Ai Cập và 75% trong toàn vùng. Một số ít người A Rập, 10%, xem Iran như một đe dọa. Lập trường chống đối chính sách của Hoa Kỳ mạnh đến nổi đa số người A Rập, và  80% dân Ai Cập, tin: an ninh sẽ được cải thiện nếu Iran có được vũ khí hạt nhân . Một bách phân tương tự trong nhiều lãnh vực khác. Nếu công luận có thể được phản ảnh trong chính sách, Hoa Kỳ và các đồng minh, không những không thể kiểm soát toàn vùng, mà còn có thể  bị trục xuất khỏi thế giới A Rập, phương hại đến các nguyên tắc căn bản thống trị toàn cầu của Mỹ.

BÀN TAY VÔ HÌNH

Yểm trợ dân chủ là sở trường của các nhà ý thức hệ và tuyên truyền. Trong thế giới thực tế, giới thượng lưu thường chẳng yêu thích dân chủ. Bằng chứng rất hiển nhiên: dân chủ chỉ được hậu thuẩn trong chừng mức đóng góp vào các mục tiêu kinh tế xã hội của Mỹ và các đồng minh – một kết luận chỉ những nghiên cứu nghiêm túc hơn bất đắc dĩ phải thú nhận.
Thái độ khinh thường dân chủ của giới thượng lưu đã được biểu lộ một cách bi hài trong phản ứng đối với các tiết lộ của WikiLeaks. Những tiết lộ được chú ý nhiều nhất, với những lời bình lạc quan, là các công điện tường trình người A Rập hậu thuẩn lập trường Hoa Kỳ về Iran. Đó chỉ  là thái độ của những nhà cầm quyền độc tài trong khu vực. Thái độ của quần chúng không hề được nhắc tới. Nguyên tắc chỉ đạo được diễn tả bởi chuyên viên Trung Đông Marwan Muasher thuộc Carnegie Endowment, nguyên một viên chức cao cấp của chính quyền Jordan: ” Chẳng có gì sai, mọi sự đều trong vòng kiểm soát.”[6] Tóm lại, nếu giành được hậu thuẩn của các lãnh đạo độc tài, chẳng còn gì khác quan trọng để phải âu lo.
Chủ thuyết Muasher là duy lý và đáng kính. Chỉ cần ghi lại một trường hợp rất thích ứng, trong thảo luận nội bộ năm 1958, T T Eisenhower đã tỏ ra quan tâm đến “chiến dịch căm thù” (the campaign of hatred) đối với người Mỹ trong thế giới A Rập, không phải bởi chính quyền, mà bởi chính người dân. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) đã giải thích: trong thế giới A Rập, người ta có nhận thức Hoa Kỳ hổ trợ các chế độ độc tài và ngăn chận dân chủ và phát triển, nhằm bảo đảm quyền kiểm soát các tài nguyên trong vùng. Hơn nữa, NSC kết luận, nhận thức trong căn bản là đúng, và đó là “điều chúng ta nên làm”, căn cứ trên chủ thuyết Muasher. Các nghiên cứu của Ngũ Giác Đài sau sự kiện 11-9 cũng đã xác nhận cùng thực tế hiện nay.
Kẻ thắng thường ném lịch sử vào sọt rác và nạn nhân luôn đọc lịch sử nghiêm túc. Thái độ đó là thường tình. Có lẽ một vài nhận xét về vấn đề quan trọng nầy có thể hữu ích. Ngày nay không phải là lần đầu  Ai Cập và Hoa Kỳ cùng đối diện nhiều vấn đề tương tự, nhưng theo hướng đối nghịch. Điều nầy cũng đúng vào đầu thế kỷ 19.
Các sử gia kinh tế đã đưa ra luận cứ: Ai Cập trước đây cũng đã ở trong vị trí khá thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh chóng như Hoa Kỳ. Cả hai đều giàu , kể cả bông vải,  nhiên liệu của cách mạng kỹ nghệ thời đó - mặc dù khác với Ai Cập, Hoa Kỳ đã phát triển ngành sản xuất bông vải và lực lượng lao động bằng các chính sách chinh phục, tàn sát, và nô lệ, với hậu quả rất hiển nhiên hiện nay trong những vùng dành riêng cho những người còn sống sót và trong các nhà tù đã bành trướng nhanh chóng từ thời Reagan, nơi cư trú của  số dân thừa thải còn sót lại sau thời giải-thể-kỹ-nghệ-hóa — deindustrialization.
Một dị biệt căn bản là Hoa Kỳ đã được độc lập, và nhờ đó, đã có thể tự do làm ngơ trước những đòi hỏi của lý thuyết kinh tế Adam Smith đương thời, những huấn lệnh tương tự như những những lời thuyết giảng đối với các xã hội đang phát triển ngày nay. Smith đã khuyến cáo các cựu thuộc địa vừa được giải phóng nên sản xuất các sản phẩm nhất đẳng để xuất khẩu và nhập khẩu những sản phẩm biến chế cao cấp của Anh Quốc, và nhất là đừng tìm cách nắm độc quyền các sản phẩm cốt lỏi, đặc biệt là bông vải. Smith cảnh cáo, bất cứ con đường nào khác cũng “làm chậm trễ thay vì tăng tốc sự gia tăng hơn nữa trong giá trị sản xuất hàng năm của mình, và có thể gây trở ngại, thay vì phát huy, đà tiến bộ đến thịnh vượng và cao cả thực sự của các xứ sở tại.” [7]
Sau ngày độc lập, các thuộc địa đã được tự do ở Bắc Mỹ, thay vì đi theo khuyến cáo của Smith, đã theo chân Anh Quốc, phát triển theo đường lối độc lập, với nhà nước giữ vai trò lãnh đạo, với thuế quan cao để bảo vệ kỹ nghệ non trẻ đối với hàng xuất khẩu của Anh Quốc, trước là vải vóc, về sau là thép và nhiều biến chế phẩm khác, và chấp nhận nhiều phương cách tăng tốc phát triển kỹ nghệ. Cộng Hòa độc lập cũng tìm cách giữ độc quyền bông vải khả dĩ đè bẹp các xứ khác, nhất là kẻ thù Anh quốc, như T T Jackson đã loan báo khi chinh phục Texas và phân nửa Mexico.
Đối với Ai Cập, Anh Quốc đã ngăn chặn con đường phát triển tương tự. Lord Palmerston tuyên bố “không ý niệm công bằng nào [đối với Ai Cập] được ngăn đường các quyền lợi lớn lao và cao cả” như bảo tồn quyền bá chủ kinh tế và chính trị của Anh quốc, bày tỏ sự “thù ghét” đối với “tên man rợ dốt nát” Muhammed Ali dám tìm kiếm một đường lối độc lập, và gửi hạm đội và dùng sức mạnh tài chánh của Anh quốc để bóp chết chính sách phát triển kinh tế độc lập của Ai Cập.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi đã thay thế Anh quốc trong vai trò bá chủ toàn cầu, Hoa Kỳ cũng chọn cùng lập trường, nói rõ: Hoa Kỳ sẽ không cấp viện cho Ai Cập trừ phi Ai Cập theo đúng các quy luật chuẩn của một tiểu nhược quốc – những quy luật Hoa Kỳ tiếp tục vi phạm, áp đặt thuế quan cao để ngăn chặn bông vải Ai Cập và gây nạn thiếu hụt đồng dollar, phương hại cho kinh tế xứ nầy – dĩ nhiên luôn sử dụng lối giải thích thông thường dựa trên các nguyên tắc thị trường.
Chẳng trách Ai Cập đã phát động“chiến dịch căm thù” đối với Hoa Kỳ; và  Eisenhower đã phải quan tâm và công nhận: Hoa Kỳ luôn hổ trợ các lãnh tụ độc tài, ngăn chận dân chủ và phát triển; không khác các đồng minh của Mỹ.
Để công bằng với Smith, tưởng cần nói thêm Smith đã công nhận những gì có thể đã xẩy ra nếu Anh quốc theo đuổi các quy luật kinh tế lành mạnh, ngày nay được gọi là tân tự do – neoliberalism.  Smith đã cảnh cáo: nếu các kỹ nghệ gia , các thương gia, và các nhà đầu tư Anh quốc quay ra ngoại quốc, họ  rất có thể thủ lợi nhưng Anh quốc lại có thể đã phải chịu thiệt. Nhưng ông linh cảm với thiên kiến quốc gia (home bias), và tác động của”bàn tay vô hình” trong kinh tế cổ điển, Anh quốc vẫn có thể tránh tai họa của quy luật kinh tế duy lý.
Tác động vừa nói rất khó bỏ quên. Đó chính là câu bất hũ “bàn tay vô hình” trong tác phẩm The Wealth of Nations. Một sáng lập viên hàng đầu trường phái cổ điển khác, David Ricardo, cũng đã rút tỉa những kết luận tương tự, hy vọng thiên kiến quốc gia có thể khiến giới sản xuất biến chế phẩm “bằng lòng với một tỉ suất lợi nhuận thấp trong nước, thay vì tìm kiếm một cách sử dụng tài sản một cách hữu lợi hơn ở các nước ngoài,” những tình cảm, ông nói thêm,”tôi cảm thấy buồn vì đã bị suy yếu.” Tạm quên đi những tiên đoán của cả hai tác giả, linh tính của các kinh tế gia cổ điển luôn khá lành mạnh.

ĐE DỌA CỦA IRAN VÀ TRUNG QUỐC

Phong trào dân chủ trong thế giới A Rập đôi khi được so sánh với Đông Âu năm 1989, nhưng trên những nền tảng đáng nghi ngờ. Năm 1989, phong trào dân chủ ở Đông Âu đã được người Nga chấp nhận, và được các cường quốc Tây phương hậu thuẩn,  đúng theo chủ thuyết chuẩn: cuộc nổi dậy rõ ràng phù hợp với các mục tiêu kinh tế và chiến lược, và vì vậy, là một thành tựu cao thượng, được tán thưởng và đề cao , không như những phong trào đấu tranh bảo vệ các nhân quyền căn bản cùng thời ở Trung Mỹ, theo lời Tổng Giám Mục El Salvador đã bị ám sát, một trong hàng trăm nghìn nạn nhân của các lực lượng quân sự được Hoa Thịnh Đốn huấn luyện và trang bị. Không có một Gorbachev ở Tây Phương trong suốt những năm ghê rợn thời đó, và ngay cả hôm nay.
Vì nhiều lý do riêng, các cường quốc Tây Phương vẫn luôn thù nghịch với dân chủ trong thế giới A Rập.
Chủ thuyết Grand Area vẫn tiếp tục được áp dụng để đối phó với các khủng hoảng và xung đột hiện nay. Trong giới làm chính sách và bình luận chính trị Tây Phương, đe dọa từ Iran được xem như nguy cơ lớn nhất đối với trật tự thế giới, và do đó, phải là mục tiêu căn bản của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, với Âu châu lẻo đẻo theo sau một cách ngoan ngoãn.
Nói một cách chính xác, đe dọa Iran là gì?  Câu trả lời có thẩm quyền của Tây Phương đã đến từ Ngũ Giác Đài và Hệ Thống Tình Báo Hoa Kỳ. Phúc trình về an ninh toàn cầu năm 2010 nói rõ: đe dọa không mang tính quân sự. Cả Ngũ Giác Đài lẫn Cơ Quan Tình Báo Trung Ương đều kết luận, ngân sách quốc phòng của Iran tương đối thấp so với phần còn lại của khu vực. Chủ thuyết quân sự của Iran mang tính “triệt để tự vệ, được thiết kế nhằm giảm tốc độ một cuộc xâm lăng và đem lại một giải pháp ngoại giao cho sự thù nghịch.”[8]Iran chỉ có “một khả năng hạn chế về quân sự bên ngoài lãnh thổ quốc gia”[9]. Với khả năng nguyên tử, “chương trình hạt nhân của Iran và ước muốn duy trì khả năng khai triển các vũ khí nguyên tử chỉ là phần cốt lõi của chiến lược răn đe”[10].
Đã hẳn chế độ thần quyền hà khắc là một đe dọa đối với nhân dân Iran, tuy vậy, vẫn kém xa các đe dọa từ phía các đồng minh Hoa Kỳ. Nhưng một đe dọa khác của Iran là khả năng răn đe tiềm tàng hay cách hành xử chủ quyền “thiếu chính đáng” có thể gây khó khăn cho khả năng tự do hành động của Hoa Kỳ trong khu vực. Đó mới là lý do thật sự tại sao Iran đã phải tìm kiếm khả năng răn đe. Chúng ta chỉ cần nhìn lại các căn cứ quân sự và lực lượng nguyên tử trong vùng để hiểu rõ.
Thực vậy, cách đây 7 năm, nhà sử học quân sự Do Thái đã viết: “Thế giới đã chứng kiến bằng cách nào Hoa Kỳ đã tấn công Iraq, như sự thật nay đã rõ – chẳng có lý do nào. Nếu Iran đã không tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân, thì có lẽ họ đã là những người điên,”[11] nhất là họ thường xuyên sống dưới sự đe dọa của các cuộc tấn công vi phạm Hiến Chương LHQ.  Họ có điên hay không vẫn còn là một vấn đề chưa có giải đáp, nhưng có lẽ là như vậy.
Ngũ Giác Đài và Cơ Quan Tình Báo còn nhấn mạnh, đe dọa Iran còn vượt quá răn đe. Iran cũng tìm cách mở rộng khu vực ảnh hưởng trong các xứ láng giềng, và vì vậy,  gây “bất ổn định” trong khu vực ( theo từ kỷ thuật trong ngành ngoại giao). Chiến lược xâm lăng và chiếm đóng quân sự của Hoa Kỳ trong các xứ láng giềng của Iran là để đem lại “ổn định”. Nổ lực của Iran nhằm mở rộng ảnh hưởng đến các xứ nầy là yếu tố gây “bất ổn định”, và vì vậy, rõ ràng “không chính đáng”.
Sử dụng ngôn từ như vậy là thường tình. Trong nghĩa nầy, nhà phân tích chính sách đối ngoại nổi tiếng James Chace đã sử dụng đúng từ “ổn đinh” trong nghĩa kỷ thuật của từ nầy khi ông giải thích: để đạt được ổn định ở Chí Lợi, người ta cần phải bất ổn định xứ nầy (bằng cách lật đổ chính quyền dân cử Salvador Allende và thay thế bằng chế độ độc tài của tướng Augusto Pinochet).
Cố nhiên, còn nhiều quan ngại khác về Iran cũng cần được thăm dò phân tích. Tuy nhiên, thiết tưởng chừng đó cũng đã đủ để hiểu rõ những nguyên tắc chỉ đạo và vai trò của những nguyên tắc nầy trong ngôn từ và văn hóa đế quốc. Như các nhà hoạch định của Franklin Delano Roosevelt đã nhấn mạnh ngay từ lúc khởi đầu hệ thống trật tự thế giới đương đại, Hoa Kỳ không thể tha thứ bất cứ cách hành xử chủ quyền nào gây trở ngại cho trật tự toàn cầu do mình thiết kế.
Hoa Kỳ và Âu châu hiện đang nhất trí trừng phạt Iran như một đe dọa tình trạng ổn định trong khu vực. Tuy nhiên,  tưởng cũng cần nhắc lại tình trạng cô lập của chính họ. Khối phi liên kết đã ủng hộ mạnh mẻ quyền làm giàu uranium của Iran. Trong khu vực, công luận A Rập còn hậu thuẩn mạnh mẻ hơn, ngay cả quyền có vũ khí hạt nhân của Iran. Thổ Nhĩ Kỳ, một đại cường trong khu vực, đã cùng với Brazil, một cường quốc được nhiều quốc gia thán phục trong vùng Nam Mỹ, gần đây nhất, đã bỏ phiếu chống nghị quyết chế tài do Mỹ đề xướng trước Hội Đồng Bảo An LHQ -UNSC. Thái độ bất phục tùng của hai cường quốc đã đưa đến những lời lên án gay gắt, nhưng không phải là lần đầu: năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị lên án khi –tuân theo đa số ý dân -  95% — từ chối tham gia vào cuộc chiến xâm lăng Iraq; do đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ chưa hiểu rõ dân chủ theo kiểu Tây Phương.
Sau hành động “ngỗ ngược” trước UNSC  năm rồi, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Philip Gordon, quan chức ngoại giao hàng đầu về Âu châu trong chính quyền Obama, cảnh cáo: “Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng tỏ sự cam kết của mình như một đối tác với Tây Phương”.[12] Một học giả bên cạnh Hội Đồng Đối Ngoại đã hỏi, “Làm cách nào chúng ta  có thể giữ người Thổ Nhĩ Kỳ trong lối đi dành riêng cho họ?”[13] -- đúng như một thành viên dân chủ tốt. Nguyên Tổng Thống Brazil “Lula” cũng đã bị cảnh cáo trong một hàng tít lớn trên báo The New York Times: nổ lực của ông cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đem lại một giải pháp cho vấn đề làm giàu uranium bên ngoài khuôn khổ của Hoa Kỳ là một “Chấm đen trong Di Sản của nhà Lãnh Đạo Brazil”.[14]Một cách ngắn gọn, làm theo chỉ thị của chúng tôi, bằng không, hãy coi chừng!
Một chuyện bên lề khá thú vị, đã bị nhận chìm một cách hiệu quả, là đề xuất Iran-Turkey-Brazil đã được Obama chuẩn y trước, với ước đoán là sẽ thất bại, do đó, trở thành một vũ khí ý thức hệ chống lại Iran. Khi đề xuất thành công, sự chấp thuận đã tức khắc trở thành lời khiển trách. Để thay thế, theo tạp chí Foreign Affairs số mới nhất, Hoa Thịnh Đốn đã hậu thuẩn thành công một nghị quyết khác trước UNSC, èo ọp đến độ TQ đã sẵn sàng ký, và nay đang bị chỉ trích vì đã chấp hành đúng với nghị quyết, nhưng không đúng với chỉ thị đơn phương của Hoa Thịnh Đốn.
Trong khi Hoa Thịnh Đốn, dù rất bức xúc, có thể tha thứ thái độ thiếu kỷ luật của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng với Trung Quốc, Hoa Kỳ thật khó lòng làm ngơ và rất khó xử. Báo chí cảnh cáo: “các thương gia và các nhà đầu tư TQ hiện đang lấp vào khoảng trống ở Iran khi giới doanh thương từ nhiều xứ khác, nhất là Âu châu, rút khỏi thị trường”[15], và đặc biệt hơn cả, TQ đang bành trướng địa vị vốn sẵn áp đảo của mình trong phạm vi kỹ nghệ năng lượng.
Hoa Thịnh Đốn đang phản ứng với ít nhiều tuyệt vọng. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cảnh cáo: nếu muốn được chấp nhận trong cộng đồng thế giới — một từ kỷ thuật ám chỉ Hoa Kỳ và những xứ đồng ý với họ — TQ không nên “luồn lách và trốn tránh các trách nhiệm quốc tế, rất rõ ràng”[16]: nói rõ ra, phải theo chỉ thị của Mỹ. TQ chắc chẳng mấy ấn tượng.
Ngoài ra, đe dọa quân sự ngày một gia tăng của TQ cũng là một quan tâm lớn. Một nghiên cứu gần đây của Ngũ Giác Đài đã cảnh cáo ngân sách quân sự của TQ đang nhích lên gần “1/5 ngân sách Ngũ Giác Đài dành cho hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan”[17], đã hẳn chỉ một phân số của ngân sách quân sự của Mỹ. Báo The New York Times còn thêm: Sự kiện bành trướng lực lượng quân sự của TQ có thể “chối bỏ khả năng các tàu chiến Hoa Kỳ hoạt động trong hải phận quốc tế bên ngoài bờ biển TQ.”[18]
Đó mới chỉ là bên ngoài bờ bể của TQ; có lẽ TQ còn phải đề nghị Hoa Kỳ nên thanh toán các lực lượng quân sự đang chối bỏ khả năng các tàu chiến TQ qua lại trong hải phận quốc tế trong vùng biển Caribbean. Sự thiếu hiểu biết quy luật của thế giới văn minh của TQ còn được minh chứng qua những phản kháng đối với các kế hoạch hàng không mẩu hạm nguyên tử tiền tiến của Hoa Kỳ tham gia các cuộc thao diễn hải quân một vài dặm ngoài bờ bể TQ, có đủ khả năng tấn công Bắc Kinh.
Ngược lại, Tây Phương hiểu rõ tất cả các hoạt động và thao diễn thuộc loại nầy đều được hoạch định để bảo vệ ổn định và an ninh của chính Tây Phương. Tờ báo thuộc khuynh hướng tự do New Republic đã tỏ ra quan ngại “TQ đã gửi tàu chiến xuyên qua hải phận quốc tế đến phía ngoài đảo Okinawa của Nhật.” Quả thật, đó là một khiêu khích –  không giống như sự kiện, không được ghi nhận, Hoa Thịnh Đốn đã  biến hải đảo nầy thành một căn cứ quân sự khổng lồ chẳng quan tâm gì đến làn sóng chống đối kịch liệt của người dân Okinawa. Đây không phải là một khiêu khích, trên căn bản một nguyên tắc chuẩn: Thế giới thuộc về Hoa Kỳ hay “America owns the world”.
Trong mọi trường hợp, các quốc gia láng giềng cũng  có đủ lý do để quan ngại trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày một gia tăng của TQ.
Và mặc dù công luận của thế giới A Rập đã hậu thuẩn mạnh mẻ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, người Mỹ cũng chẳng nên làm như thế.
Các sách báo về chính sách đối ngoại đầy dẫy những đề nghị đối phó với đe dọa. Phương cách rõ ràng nhất, nhưng rất ít khi được thảo luận: vận động thiết lập một khu vực phi nguyên tử (Nuclear-Weapons-Free-Zone  — NWFZ) trong vùng Trung Đông. Vấn đề đã được nêu lên trong hội nghị Cấm Phổ Biến Nguyên Tử (Non-Proliferation-Treaty — NPT) tại LHQ tháng 5-2010. Ai Cập, trong tư cách chủ tịch 118 quốc gia thuộc Phong Trào Phi Liên Kết, đã kêu gọi thương nghị về một NWFZ, như đã được các quốc gia Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, đồng ý , tại hôi nghị tái thẩm NPT (review conference), năm 1995.
Đề nghị đã được đại đa số các quốc gia trên thế giới hậu thuẩn mạnh mẻ, đến nổi Obama đã phải chính thức đồng ý. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn đã thông báo cho hội nghị: đây là một ý kiến hay, nhưng không phải bây giờ. Vả chăng, Hoa Kỳ cũng nói rõ Do Thái là một ngoại lệ: không một đề nghị nào có thể kêu gọi đặt chương trình nguyên tử của Do Thái dưới sự bảo trợ của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) hay phổ biến thông tin về “các cơ sở và hoạt động nguyên tử của Do Thái.”[19]
Bấy nhiêu đó là phương pháp đối phó với sự đe dọa nguyên tử của Iran.

TƯ NHÂN HÓA HÀNH TINH

Tuy chủ thuyết Grand Area vẫn còn thắng thế, khả năng thực thi, trong thực tế, cũng đã suy giảm. Quyền lực của Hoa Kỳ đã lên đỉnh điểm ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi Hoa Kỳ sở hữu khoảng 50% tài sản toàn cầu. Nhưng tình trạng dĩ nhiên phải suy giảm, khi các nền kinh tế kỹ nghệ bị chiến tranh tàn phá đã hồi phục và phong trào giải thể chủ nghĩa thực dân đã vượt qua quá trình hấp hối. Vào đầu thập kỷ 1970, tài sản của Hoa Kỳ đã sụt xuống còn 25% toàn cầu, và thế giới kỹ nghệ đã trở thành tam cực: Bắc Mỹ, Âu châu, và Đông Á (lúc đó dựa trên Nhật).
Kinh tế Hoa Kỳ cũng đã trải nghiệm một thay đổi đột ngột trong thập kỷ 1970, đổi qua hướng tài chánh hóa và xuất khẩu sản xuất. Một số yếu tố hội tụ đã tạo nên vòng lẫn quẩn tập trung tài sản quá độ, nhất là trong 1% dân số sang giàu nhất  - hầu hết là các CEO, các nhà quản lý các hedge funds, và các người cùng tầng lớp. Khuynh hướng nầy đã đưa đến hiện tượng tập trung quyền lực chính trị, và từ đó,  chính sách tăng gia tập trung kinh tế của nhà nước: chính sách tài chánh, luật lệ quản lý các công ty, bải bỏ giám sát, và nhiều thứ khác. Trong lúc đó, phí tổn vận động tuyển cử tăng vọt, các đảng phái chính trị ngày một lệ thuộc nhiều hơn vào túi tiền của giới đại tư bản, ngày một mang tính tài chánh: Cộng Hòa trước, rồi Dân Chủ tiếp theo sau không xa.
Bầu cử đã trở thành trò chơi dối trá vô nghĩa, điều khiển bởi kỹ nghệ PR (Public Relations – Quan Hệ Quần Chúng) hay Marketing. Sau khi đắc cử vào cuối năm 2008, Obama đã được kỹ nghệ PR trao giải thưởng Chiến Dịch Marketing thành công nhất trong năm. Các lãnh đạo kỹ nghệ doanh thương nhởn nhơ hồ hởi. Báo chí doanh thương giải thích: họ đã Marketing hay rao bán các ứng viên như các món hàng kể từ thời Ronald Reagan, nhưng 2008 là năm thành công nhất và có thể làm thay đổi phong cách trong phòng hội ban quản trị các công ty. Người ta dự phóng cuộc bầu cử 2012 sẽ tốn khoảng 2 tỉ, phần lớn tài trợ bởi các đại công ty. Chẳng trách Obama luôn lựa chọn các lãnh đạo doanh thương vào các chức vụ hàng đầu. Quần chúng căm giận và bức xúc, nhưng chừng nào nguyên tắc Muasher thắng thế, điều đó cũng chẳng quan trọng gì.                               
Trong khi tài sản và quyền lực tập trung vào một thiểu số, đối với tối đại đa số quần chúng, thực lợi tức hay real income ngưng trệ và người dân vất vã kiếm sống hàng ngày phải lao động nhiều giờ hơn, với nợ nần và lạm phát tích sản luôn tiêu tan với khủng hoảng tài chánh – những tai họa bắt đầu với guồng máy giám sát được gở bỏ kể từ thập kỷ 1980.
Tất cả những điều đó không còn là vấn đề đối với 1% dân giàu có. Họ thủ lợi qua chính sách bảo kê của chính quyền, mệnh danh “quá lớn để thất bại” -”too big to fail.”Các ngân hàng và các xí nghiệp đầu tư tham lam có thể lao vào những giao dịch liều lĩnh đầy bất trắc, với lợi nhuận kếch sù, và khi hệ thống đổ vỡ, họ có thể  trông cậy vào nhà-nước-vú-em để vòi tiền cứu trợ từ người dân chịu thuế, không quên mang theo các sách giáo khoa kinh tế của Friedrich HayekMilton Friedman.
Đó là diễn tiến bình thường  kể từ thời Reagan, khủng hoảng lần sau luôn nghiêm trọng hơn lần trước, dĩ nhiên chỉ đối với công chúng. Hiện nay, số thất nghiệp thực sự, khoảng trên dưới 25 triệu, ngang mức thời Đại Khủng Hoảng, trong lúc Goldman Sachs, một trong các kiến trúc sư chính gây nên đại suy thoái đang tiếp diễn, lúc một giàu hơn. Goldman Sachs vừa thầm lặng phân phối món thù đáp 17,5 tỉ trong năm 2010, với CEO Lloyd Blankfein nhận khoản tiền thưởng 12,6 triệu cùng với lương căn bản tăng gấp ba.
Tập trung sự chú ý vào những sự thật trên đây không mấy bổ ích. Vì vậy, guồng máy tuyên truyền phải tìm cách đổ lỗi: trong mấy tháng vừa qua, cho giới công nhân viên nhà nước, mức lương béo bở, hưu trí hậu hĩnh, v.v..: tất cả đều tưởng tượng,  mô phỏng theo hình ảnh bà mẹ da đen ngồi xe limousines đi lãnh chi phiếu trợ cấp xã hội của Reagan — và nhiều mô hình khác chẳng cần phải liệt kê. Người dân được chờ đợi thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa – có nghĩa, hầu hết mọi người.
Giới giáo viên là mục tiêu đặc biệt tốt, một phần trong nổ lực quyết tâm phá hủy hệ thống giáo dục công lập, từ vỡ lòng cho đến đại học, qua chương trình tư nhân hóa, một lần nữa, có lợi cho giới nhà giàu, nhưng một tai họa đối với quần chúng cũng như kinh tế về lâu về dài. Nhưng đây chỉ là một trong số các vấn đề ngoại vi có thể gạt qua một bên, chừng nào các Nguyên Tắc Thị Trường còn thắng thế.
Một mục tiêu tốt khác, dĩ nhiên, là các người nhập cư. Đây là một sự thật trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, nhất là trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đặc biệt trầm trọng hiện nay bởi ý tưởng Hoa Kỳ đang bị xâm chiếm: dân da trắng sẽ trở thành thiểu số trong nay mai. Chúng ta có thể hiểu sự căm giận của các cá nhân đang phiền muộn, nhưng tính tàn nhẫn của chính sách lại quá phủ phàng.
Nhưng dân nhập cư nào được chọn làm mục tiêu? Ở phía Đông tiểu bang Massachusetts, nhiều người Mayan trong các vùng cao nguyên Guatemala,  lánh nạn diệt chủng bởi những tên sát nhân sủng ái của Reagan. Một số di dân nhập cư khác người Mexico là nạn nhân của thỏa ước NAFTA thời Clinton, một trong những thỏa ước gây tổn thương cho giới lao động trong cả ba xứ thành viên. Khi Quốc Hội phê chuẩn NAFTA trước sự chống đối của dân Mỹ năm 2004, Clinton đồng thời cũng quân sự hóa biên giới Hoa Kỳ-Mexico, trước đó có thể qua lại tương đối tự do. Ai  cũng biết campesinos của Mexico không thể cạnh tranh với khu vực nông doanh Hoa Kỳ được chính quyền trợ cấp, và các doanh thương Mexico không thể cạnh tranh với các công ty đa quốc gia của Mỹ luôn được thụ hưởng quy chế đối xử quốc gia” hay “national treatment”, qua các thỏa ước “mậu dịch tự do” [một nhãn hiệu sai lầm] — một đặc ân chỉ dành cho các pháp nhân hay corporate persons, loại ra ngoài các thể nhân hay individual persons. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các biện pháp nầy đã đưa đến các làn sóng tỵ nạn tuyệt vọng, và các làn sóng chống đối nhập cư cuồng loạn bởi các nạn nhân của chính sách ưu đải các pháp nhân sở tại (state-corporate policies).
Tình trạng tương tự cũng thường gặp ở Âu châu, nơi phân biệt chủng tộc còn lan tràn và trầm trọng hơn cả Hoa Kỳ. Người ta chỉ có thể nhìn với ngạc nhiên khi Ý Đại Lợi than phiền làn sóng tỵ nạn từ Libya, nơi diễn ra nạn diệt chủng đầu tiên sau Đệ Nhất Thế Chiến, trong khu vực Đông Âu nay đã được giải phóng, dưới tay chính quyền phát xít Ý. Hay khi Pháp, ngày nay vẫn còn bảo vệ các chế độ độc tài chuyên chế trong các cựu thuộc địa, đang cố tình làm ngơ trước những tàn bạo đáng ghê tởm của chính mình ở Phi châu, trong lúc Tổng Thống Pháp,  Nicolas Sarkosy, nghiêm khắc cảnh cáo “làn sóng nhập cư”, và Marine Le Pen phản đối  tổng thống đã không làm gì để chận đứng. Đó là chưa kể nước Bỉ, có thể xứng đáng được giải thưởng về điều Adam Smith gọi sự “bất công dã man của người Âu châu”[20].
Sự trổi dậy của các đảng tân-phát-xít trong khắp Âu châu là một hiện tượng đáng sợ ngay cả khi chúng ta không nhắc lại những gì đã xẩy ra trong lục địa Âu châu trong một quá khứ gần đây.
Những ai có đầu óc châm biếm có thể nhớ Benjamin Franklin, một trong những gương mặt lãnh đạo thời Khai Sáng, đã cảnh cáo các thuộc địa mới được giải phóng nên thận trọng trong việc nhận người Đức nhập cư, bởi lẽ da họ quá ngăm đen; người Thụy Điễn cũng vậy. Ngay trong thế kỷ 20, những chuyện hoang đường lố bịch về tính thuần khiết Anglo-Saxon vẫn rất phổ thông ở Hoa Kỳ, kể cả các tổng thống và các gương mặt lãnh đạo khác.
Văn hóa phân biệt chủng tộc là điều độc hại tồi tệ; càng bỉ ổi hơn trong thực tế. Có thể quả quyết diệt trừ polio còn dễ hơn tệ nạn phân biệt chủng tộc, một dịch bệnh càng độc hại hơn trong thời kinh tế khủng hoảng.
Tưởng cũng cần nhắc đến một vấn đề ngoại vi rất dễ bị xem thường trong  hệ thống thị trường. Các bất trắc trong hệ thống tài chính có thể bổ cứu bởi giới chịu thuế, nhưng không ai có thể cứu trợ khi môi trường bị hủy hoại. Và hủy hoại môi trường hiện đang được xem như một việc cần và phải làm trong định chế thị trường. Các lãnh đạo doanh thương  đang phát động chiến dịch tuyên truyền nhằm thuyết phục dân chúng: hiện tượng hâm nóng toàn cầu bởi con người  chỉ là một trò dối trá lường gạt – mặc dù họ hiểu rất rõ tính nghiêm trọng của tai ương nầy. Nhưng trong đoản kỳ họ phải tối đa hóa thị phần và doanh lợi. Nếu họ không làm, người khác sẽ làm.
Vòng lẩn quẩn có thể trở nên nguy hiểm. Để hiểu rõ tính trầm trọng của tai họa thay đổi khí hậu, chúng ta chỉ cần nhìn ở Quốc Hội mới của Hoa Kỳ, phần lớn được giới doanh thương hậu thuẩn và tài trợ. Hầu như tất cả đều là những thành phần chối bỏ hiện tượng thay đổi khí hậu. Họ đã bắt đầu cắt xén ngân sách dành cho các biện pháp tiết giảm tai họa môi trường. Tệ hơn nữa, vài người đang thực sự tin tưởng ở việc làm của họ. Chẳng hạn, người đứng đầu tiểu ban môi trường mới đã giải thích: thay đổi khí hậu không  là một vấn đề vì Thượng Đế đã hứa với Noah sẽ không có nạn lụt nào khác.
Nếu những việc như thế xẩy ra trong vài xứ nhỏ bé xa xôi, chúng ta có thể mỉm cười. Nhưng không ai có thể mỉm cười khi xẩy ra trong xứ giàu có nhất, hùng mạnh nhất thế giới.  
Trong mọi trường hợp, nguyên nhân chính của khủng hoảng kinh tế hiện nay là lòng cuồng tín và giáo điều “bàn tay vô hình của thị trường”, hay  nói chung,  là điều kinh tế gia Joseph Stiglitz, người đã được giải thưởng Nobel 15 năm trước đây, đã gọi là “tôn giáo thị trường hiểu biết hơn ai hết” hay “markets know best”. Chính thái độ cuồng tín vừa nói đã là nguyên nhân ngăn ngừa các ngân hàng trung ương và các kinh tế gia ghi nhận bong bóng bất động sản 8,000 tỉ USD không có cơ sở nào trong các học thuyết kinh tế – bong bóng 2008, khi xìu xẹp, đã hủy hoại kinh tế thế giới.
Tất cả những gì trên đây, và nhiều hơn nữa, có thể tiếp diễn chừng nào chủ thuyết Muashar thắng thế. Chừng nào quần chúng còn thụ động, còn thờ ơ, bị lung lạc bởi chủ nghĩa tiêu thụ  hay thái độ thù ghét những người dễ bị tổn thương, lúc đó giới giàu có và quyền hành có thể làm bất cứ điều gì họ muốn và những người sống sót sẽ chỉ có thể ngồi chiêm nghiệm hậu quả.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
05-5-2011


[1] President Dwight Eisenhower: …the most strtegically important area in the world — a stupendous source of strategic power and probably the richest economic prize in the world in the field of foreign investment.
[2] …substantial control of the world.
[3] Jaap de Hoop Scheffer: “NATO troops have to guard pipelines that transport oil and gas that is directed for the West,” and more generally to protect sea routes used by tankers and other “crucial infrastructure” of the energy system.
[4] The U.S. has the right to use military force to ensure “uninhibited access to key markets, energy supplies, and strategic resources,” and must maintain huge military foeces “forward deployed” in Europe and Asia “in order to shape people’s opinions about us” and “to shape events that will affect our livelihood and our security.”
[5] A change in ruling elites and system of governance is still a distant goal.
[6] There is nothing wrong, everything is under control.
[7] Adam Smith: …Any other path “would retard instead of accelerating the further increase in the value of their annual produce, and would obstruct instead of promoting the progress of their country towards real wealth and greatness”.
[8] Its military doctrine is strictly “defensive, designed to slow an invasion and force a diplomatic solution to hostilities.”
[9] Iran has only “a limited capacty to project force beyond its borders.”
[10] With regard to the nuclear option, “Iran’s nuclear program and its willingness to keep open the possibility of developing nuclear weapons is a central part of its deterrent strategy.”
[11] The world has witnessed how the United States attacked Iraq for, as it turned out, no reason at all. Had the Iranians not tried to build nuclear weaponns, they would be crasy.
[12] Turkey must “demonstrate its commitment to partnership with the West.”
[13] How do we keep the Turks in their lane?
[14] …a Spot on Brazilian Leader’s Legacy.
[15] China’s investors and traders are now filling a vacuum in Iran as businesses from many other nations, especially in Europe, pull out.
[16] …China must not “skirt and evade international responsibilities, [which] are clear”: namely, follow U.S. orders.
[17] China’s military budget is approaching “one-fifth of what the Pentagon spent to operate and carry out the wars in Iraq and Afghanistan,” a fraction of the U.S. military budget, of course.
[18] The New York Times: China’s expansion of military forces might “deny the ability of American warships to operate in international waters off its coast.”
[19] The U.S. made clear that Israel must be exempted: no proposal can call for Israel’s nuclear program to be placed under the auspices of the International Atomic Energy or for the release of information about Israeli nuclear facilities and activities.
[20] …the savage injustice of the Europeans.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét