“Có 2 tỷ đồng, đầu tư vào đâu?”
Trong chuỗi hội thảo về đầu tư cho 2011 và những năm khó khăn sắp đến, câu hỏi tôi nhận nhiều nhất từ khán thính giả Việt Nam là “tôi đang có khoảng từ 1 đến 5 tỷ đồng tiền tiết kiệm. Tôi phải đầu tư vào đâu cho an toàn và hiệu quả?”Câu trả lời của tôi vẫn là những giải pháp bền vững sau 42 năm quan sát kinh tế thế giới. Thực ra, đây là những nguyên tắc căn bản cho sự đầu tư dài hạn, dành cho một thành phần tương đối khá giả của xã hội và nó ứng dụng vào những thời điểm cực thịnh của kinh tế toàn cầu cũng như những lúc bong bong tài sản thi nhau vỡ. Nhiều người tham dự hội thảo đã thất vọng vì tôi không đưa ra một công thức nào kỳ diệu để giúp họ chụp giựt cơ hội trong suy thoái; hay để họ biết thêm một kênh "đầu cơ" hay hơn. Họ luôn có quan niệm là đầu tư thì phải biết "đi tắt đón đầu" hay "mượn đầu heo nấu cháo".
Trước hết, tôi muốn khẳng định lại sự khác biệt giữa đầu tư và kiếm tiền. Nếu đầu tư cần một tỷ lệ hoàn trái tốt (ROI-return on investment) dựa trên mức rủi ro mà nhà đầu tư đã chấp nhận sẵn; thì việc kiếm tiền lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và địa phương, đôi khi không liên quan gì đến đầu tư. Một khế ước cung cấp lớn với một công ty đa quốc, một bắt tay với một quan chức dưới gầm bàn, một tin tức nội gián chính xác của đội lái tàu chứng khoán, một việc làm với số lương hậu hĩnh... là một ngàn lẽ một những chuyện kiếm tiền. Và theo nhiều nhà tỷ phú thế giới, tiền kiếm được nhiều và khả quan nhất là vào thời điểm cực thịnh của bong bóng hay vào những lúc đại suy thoái của nền kinh tế. Người Tàu vẫn thường ca tụng "nguy cơ", trong nguy hiểm mới thấy rõ cơ hội.
Trở lại vấn đề đầu tư: đây là một quy trình để bảo vệ tài sản của mình và hy vọng một lợi nhuận khả quan có thể được tìm thấy qua những quyết định đầu tư dựa trên khả năng chấp nhận rủi ro. Mức lợi hoàn trái (ROI) luôn có tỷ lệ thuận với các điều kiện rủi ro.
Nguồn ảnh: haiduongintrade |
1. Giáo dục: Một tài sản mà chúng ta không thể mất được khi còn sống là tài sản trí tuệ. Tôi đã nói nhiều về Zuckerberg và ý tưởng Facebook của anh sinh viên 26 tuổi này. Chỉ với 1 ngàn đô la và 4 năm khai thác, anh đã biến ý tưởng mình thành 60 tỷ đô la. Dù không mấy người có những đột phá hay may mắn như Zuckerberg, nhưng một thống kê năm 2006 của Bộ Lao Động Mỹ cho thấy thu nhập trung bình của một người tốt nghiệp Tiến Sĩ là $89,600 và Cao Học là $62,300. Trong khi đó, thu nhập trung bình của một Cử Nhân là $52,200 và một bằng Trung Học là $32,200.
Tóm lại, một đầu tư vào giáo dục sẽ đem lại cho bạn, gia đình bạn, hay những người thân yêu một hoàn trái khoảng 67% mỗi năm, liên tục trong vài chục năm khi bạn có tài sản này. Không một kênh đầu tư có thể qua mặt con số ROI này trong bất cứ tình trạng kinh tế nào.
Tại Việt Nam, vì kinh tế còn dựa vào nông nghiệp và sản xuất gia công, thay vì vào dịch vụ và công nghệ cao, nên ROI có thể ít hơn. Nhưng đây là hướng đi bắt buộc của mọi nền kinh tế trong các thập kỹ tới. Ngay cả những khóa học bổ túc kéo dài chỉ vài ba tuần cũng đem lại những kết quả rất khả quan cho tài chánh cũng như công việc, nhờ có thêm kỹ năng quản lý và chuyên nghiệp chuyên sâu hơn.
2. Công ty riêng của mình: Theo cuốn sách nỗi danh của hai Giáo sư Stanley và Danko, có đến 74% các nhà triệu phú ở Mỹ thành công nhờ tài sản kiếm được từ công ty riêng của cá nhân; nhiều hơn tất cả mọi loại tài sản khác như địa ốc, chứng khoán hay tiền thừa kế từ gia đình.
Đầu tư vào công ty của mình để tăng cường nội lực: như gia tăng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu lâu dài, tạo khách hàng trung thành, đào tạo đội ngũ nhân viên, thuê quản lý bài bản... là một đầu tư khôn ngoan nhất trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Vì khi hoạt động chậm lại, bạn sẽ có thì giờ để tái cấu trúc tổ chức và nhất là tài chánh, để có một dòng tiền vững bền hơn trong tương lai, về doanh thu cũng như lợi nhuận
3. Căn nhà cho gia đình: Một căn nhà là một tài sản dài lâu cho nhiều thế hệ trong gia đình và là một đầu tư cần thiết để chống đỡ những trắc trở, khó khăn có thể xảy đến trong tương lai.
Một căn nhà cho gia đình khác hẳn với một đầu tư về địa ốc. Căn nhà phải phù hợp với ý thích chủ quan của nhiều thành viên trong gia đình, và mục tiêu là để tạo dựng một môi trường để chúng ta an cư lạc nghiệp. Vì đây không phải là một đầu tư thuần túy, các yếu tố về thiên nhiên, tập quán, văn hóa, về định hướng phát triển của cá nhân và gia đình, sự thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày... có thể có tầm quan trọng hơn.
Tuy vậy, với một đầu tư cho căn nhà gia đình, mức độ hoàn trái vài chục năm vẫn còn cao hơn những đầu tư ngắn hạn về địa ốc. Một nhận xét khác của tôi là đầu tư dù là để kiếm thu nhập cố định hay đầu cơ thứ cấp (flipping) về địa ốc lúc này tại Việt Nam là một điều rất khó khăn, không nên liên quan vào, nếu không có một lợi thế cạnh tranh nào đặc biệt.
4. Vàng, bạc và các kim loại quý: Đây không thực sự là một kênh đầu tư, nhưng đây là một chiến lược phòng thủ hay nhất cho để bảo vệ tài sản lâu dài.
Trong nhiều cuộc hội thảo, tôi đã so sánh vàng với đồng US dollar được coi như là một bản vị bền vững nhất trong 40 năm vừa qua.
Trước 1971, chánh phủ Mỹ cam kết là nếu bạn có 35 dollars, chánh phủ sẽ bán cho bạn 1 lượng vàng. Sau khi Nixon hủy bỏ điều lệ này, đồng đô la đã bị suy thoái toàn diện. Không những bạn phải mất hơn $1,400 để mua một lượng vàng vào 2010, bạn chỉ cần 160 lượng là mua được một căn nhà trung bình (giá $230,000) thay vì 400 lượng như vào năm 1971 (giá $14,000).
Nếu so sánh với các bản vị khác hơn US dollar như với tiền Franc của Pháp (ngày trước Euro), peso của Mexico và Argentina, hay HK dollar của Hồng Kông, số vàng lưu giữ được suốt 40 năm qua đã tương đương với những giá trị cao ngất trời khi so với các tài sản khác. Các loại kim loại khác như bạc, platinum... thường giữ giá trị song song với vàng; nhưng việc mua bán hơi phức tạp hơn.
5. Các hợp đồng dầu thô và khoáng sản: Tôi không hiểu về luật lệ hay cách thức để mua bán tại Việt Nam các hợp đồng nguyên liệu (commodity contracts, options, delivery...) nhưng đây cũng là một kênh đầu tư có nhiều tính thanh khoản để giải ngân hay thoái vốn; và thường rất độc lập với những "thủ thuật làm giá" hay "ảnh hưởng của quản lý" như các cổ phiếu của SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Dĩ nhiên, những nhà kinh tế và chuyên gia hàng đầu có thể có nhiều lợi thế về thông tin và phân tích; nhưng nếu các bạn có những kinh nghiệm mua bán thực tế như giao dịch mua bán về những nguyên liệu này trong nhiều năm, bạn có thể suy đoán vững vàng còn hơn các doanh gia.
Một anh bạn tôi ở Panama, chuyên trồng và mua bán ca cao (cocoa) suốt 45 năm trong nghề, giờ kiếm tiền rất thanh nhàn với việc mua bán các hợp đồng ca cao mỗi tuần nhờ kinh nghiệm.
6. Cổ phiếu của các công ty đa quốc: Kinh tế toàn cầu có thể chậm lại trong thập niên tới, nhưng sự tăng trưởng dân số trung lưu ở nhiều nước mở mang sẽ tiếp tục gia tăng thị phần của các công ty đa quốc có thương hiệu tốt, bền vững và dòng sản phẩm đa dạng toàn cầu. Tôi muốn nói đến những công ty như P&G, Unilever, CocaCola, McDonald, Pfizer, Visa, Nestle, Sony, Honda...Các công ty này có thể có vài năm hoạt động yếu kém, nhưng nhìn ở thời điểm 10 năm, chiều hướng đi lên của các cổ phiếu gần như chắc chắn.
7. Bản vị của các quốc gia may mắn: Tôi đọc ở một thống kê đã lâu cho biết là 97% các chánh phủ trên toàn cầu luôn bội chi ngân sách và để bù vào sự thiếu hụt, họ vay mượn tối đa và in thêm tiền bừa bãi. Ngay cả chánh phủ bị nhiều kiểm soát như Mỹ cũng nằm trong danh sách bê bối này. Do đó, dù đầu tư vào bản vị nào, 97% là bạn sẽ mất tiền vì bản vị mất giá (yếu tố chính của lạm phát).
Tuy nhiên, có một vài bản vị của các quốc gia tôi gọi là may mắn như Úc (Australia) có một lượng khoáng sản dồi dào trên mỗi đầu dân cao nhất thế giới. So với các bản vị khác, đồng đô la Australia sẽ giử vững giá trị dù chánh phủ Úc cũng không tốt lành gì trong việc tiêu tiền của dân. Các quốc gia may mắn khác là Canada, Brunei, Saudi Arabia, Kuwait...
8. Trái phiếu của các chính phủ bền vững: Sau cùng tôi không thích kênh đầu tư này nhưng phải bao gồm cho những cá nhân thích bíết rõ mức hòan trái trước khi đầu tư. Tôi nghĩ có những chánh phủ rất biết trách nhiệm và không tiêu tiền bừa bãi. Khi họ phát hành trái phiếu, họ cân nhắc rất cẩn thận về khả năng trả nợ và tương lai bền vững của nền kinh tế quốc gia họ sẽ giảm thiểu mọi rủi ro. Tôi nghĩ đến trái phiếu của Đức, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Singapore, ...những sản phẩm này có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
Như tôi đã nói, mức hoàn trái cuả đầu tư tùy thuộc rất nhiều vào tỷ số rủi ro. Khi biết rõ mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận được, thì kênh đầu tư và thời hạn đầu tư sẽ là một bài toán khá đơn giản. Có vài nguyên tắc cần nhớ:
1. Bạn có thể có một cảm nhận tốt hơn các chuyên gia tài chánh về những vấn đề địa phương, cá nhân, đặc thù ... và nhất là khi liên quan đến tiền của mình. Nên nhớ là các quỹ đầu tư luôn luôn đánh bạc với OPM (other people's money- tiền người khác) nên những quyết định của họ thường mang lợi đến cá nhân hay sự nghiệp của họ nhiều hơn của bạn
2. Nếu mình đã phân tích kỹ lưỡng và tin tưởng vào chiến thuật đầu tư lựa chọn của mình nên kiên trì chờ đợi vì tình hình hay biến đổi bất chợt và mọi thay đổi nhanh chóng trong giao dịch sẽ chỉ làm tối loạn mục tiêu và phán đoán. Quên đi những tình trạng vĩ mô hiện thời, mọi thứ đều thay đổi trước khi mình nhận thức được thực tại. Khi nghĩ đến đầu tư, đừng suy nghĩ ngắn hạn.
3. Đừng đầu tư dàn trãi, hay chăm chú đến một hay hai lĩnh vực mà mình thông suốt. Đừng liên quan đến những mô hình kinh doanh mà mình không rõ ràng. Khi tất cả mọi người nhảy vào một lãnh vực đầu tư, thì đó là lúc mình nên rút lui để tránh tổn thất; ngoại trừ đây là một chiến thuật mình đã hoạch định và chắc chắn
Đây có thể là một bài viết hữu ích cho số vốn bạn đang tiết kiệm. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm những công thức đầu tư thần kỳ (cũng như hay mơ mộng về những chuyện tình lãng mạn cháy bỏng); nhưng một người vợ hiền đảm đang hay một người chồng đàng hoàng có trách nhiệm, là điều tốt nhất cho cuộc sống hàng ngày hiện nay. Hãy nhìn vào thực tại, lo cho tương lai tài chánh của mình và gia đình, đừng để mất tiền vì những hoang tưởng nhất thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét