Lạm phát dưới góc nhìn của người dân
Tô Văn Trường (TuanVietnam) - Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, đi đâu, ở đâu cũng chỉ được nghe nói đến chuyện "cơm áo, gạo tiền" mà người dân, nhất là tầng lớp công nhân, nông dân, người sống bằng tiền lương, bằng thu nhập cố định đang phải vật lộn hàng ngày với "bão giá"!
Không cần những thuật ngữ cao siêu trong nhiều bài viết của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách phân tích về lạm phát, người dân hiểu một cách đơn giản là hàng ngày họ đang phải đối mặt với sự gia tăng liên tục của giá cả chung.
Lạm phát do đâu?
Lạm phát đang là nỗi lo toàn cầu, mối quan tâm hàng đầu của các nước, nhất là ở Châu Á. Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ với 6 nhóm giải pháp nhằm chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội được công luận hoan nghênh và các ngành , các cấp đang tích cực triển khai, thì chỉ số giá tiêu dùng bốn tháng đầu năm liên tục tăng nhanh, đã lên tới 9,64%, vượt qua chỉ tiêu năm 2011 là 7%. Trong lúc đó, lạm phát năm tính đến cuối tháng 3/2011 ở Thái Lan và Malaysia chỉ là 2,9%; Singapore 5%.
Tìm đọc các tài liệu, thấy người này nói nguyên nhân lạm phát là do vấn đề tỷ giá, nhập siêu cao, người kia lại bảo chủ yếu do chính sách tài khóa. Cảm giác đấy chỉ là những phần ngọn, chưa phải gốc của vấn đề, đem thắc mắc hỏi chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, được giải thích đại ý như sau : "Ảnh hưởng của lạm phát do chi phí ấy chỉ khoảng trên 5% bao gồm cả lan tỏa vòng 2. Thế nhưng quý I đã gần 10%. Điều này có nghĩa là trên một nửa là do nguyên nhân tích tụ từ lâu nay. Hay nói cách khác lạm phát chính là do 2 vấn đề lớn liên quan đến hiệu quả sản xuất và cơ cấu kinh tế lệch lạc. Ngoài ra, còn do nguyên nhân các chính sách kiểu tung tiền ra bình ổn giá để đảm bảo thành tích trong một thời gian nào đấy gây ra lạm phát của giai đoạn tiếp theo. Hiệu quả sản xuất kém của các doanh nghiệp khu vực nhà nước và FDI, như vậy, việc thắt chặt tín dụng quá mức chỉ làm khó các doanh nghiệp vừa và nhỏ.". Anh Trần Viết Cư công nhân nghề mộc cho hay hai vợ chồng có lương hưu, sống rất tằn tiện nhưng vẫn phải "giật gấu, vá vai". Đọc báo thấy các chuyên gia nhận định nếu không thực hiện các giải pháp quyết liệt thì CPI cả năm có thể lên đến 15 - 17% càng làm cho người dân trăn trở, lo âu.
Ngẫm suy, chúng tôi cũng hiểu lạm phát có yếu tố chu kỳ, khó tránh khỏi, luôn có trong phát triển kinh tế, do chính sách tiền tệ và tài khóa, do chi tiêu quá tay của Chính phủ, do cung tiền tăng, do năng lực điều hành kinh tế v.v... Lạm phát cũng có thể có nhiều nguyên nhân cùng lúc hay kết hợp, do cả chủ quan và khách quan.
Để trấn an người dân, cảm thông, chia sẻ trong giai đoạn khó khăn của đất nước, rất cần những bài viết phản biện về đánh giá tình hình lạm phát trong 5 năm, từ năm 2006, và đặc biệt trong năm 2011, tuy mới qua 4 tháng, lạm phát đã gần 10%.
Nói một cách cụ thể hơn, khi phân tích về lạm phát nên dự báo và đánh giá năm 2011 lạm phát ở mức độ nào trong các mức độ đáng lo ngại, so sánh với các nước chung quanh như là Thái Lan, Malaysia. Cần vạch rõ phần khó tránh, gần như tất yếu, và phần oan uổng, không đáng có, phần do khiếm khuyết về chính sách và điều hành gây ra, và phần do phản ứng không lành mạnh của các tác nhân kinh tế (Chính phủ, các quan chức, người đầu tư, người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng) gây ra.
Phản ứng không lành mạnh của các tác nhân kinh tế
Theo chúng tôi, có thể nhận thấy mấy điểm chính như sau:
(1) Phản ứng xoay xở, kiếm chác, kiểu "đục nước béo cò", nhân lạm phát cao mà trục lời, đẩy lạm phát càng lên cao, chỉ riêng bản thân mình, nhóm lợi ích của mình được hưởng lợi.
(2) Phản ứng hùa theo số đông (có người dân còn gọi thẳng tên là "phản ứng bầy đàn"), thấy giá nói chung lên cao thì cũng đẩy lên cao giá thứ hàng mà mình sản xuất hoặc có nguồn cung ứng, giá loại dịch vụ là nghề nghiệp của mình, thường đẩy lên cao hơn cả mặt bằng chung của giá cả nhằm tăng thu nhập riêng, vì thế mà góp phần thúc đẩy vòng xoay lạm phát.
(3) Phản ứng theo dự đoán cá nhân về cái gọi là kỳ vọng lạm phát sắp tới, thường dự đoán có số dư về lạm phát cho "chắc chắn", rồi ứng xử theo dự đoán ấy,vì thế mà cũng góp phần thúc đẩy vòng xoáy lạm phát.
(4) Phản ứng rũ trách nhiệm, không thấy phần trách nhiệm của mình, chỉ phê phán, đòi hỏi ở Chính phủ, ở tổ chức khác, ở người khác.
Các giải pháp phòng chống lạm pháp
Lạm phát do cả nguyên nhân tình thế có tính chất trước mắt, ngắn hạn, và do cả nguyên nhân cơ bản về tư duy kinh tế, xã hội, về chính sách và về thực trạng của cơ cấu kinh tế, xã hội. Phải chăng do cơ cấu kinh tế lệch lạc, chưa có sự chuẩn bị đầy đủ đã chạy theo "mốt" công nghiệp hóa, và chạy đua tốc độ tăng trưởng? Phải chăng do lựa chọn cơ cấu kinh tế không dựa trên lợi thế của nước đi sau và trên nền tảng của phân công lao động liên kết vùng trong hội nhập, cho nên Việt Nam trở thành nơi gia công nhiều nhất trên thế giới?
Có người cho rằng Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng chỉ là các giải pháp tình thế có tính chất "chữa cháy", cần phải dũng cảm tái cơ cấu kinh tế một cách căn bản và toàn diện. Theo chúng tôi, lạm phát là một biểu hiện giàu ý nghĩa phản ánh tình hình chung của nền kinh tế, không thể chỉ nhìn nhận và xử lý đơn độc. Giải pháp thì nhiều, có thể đơn lẻ hoặc kết hợp. Kinh tế vĩ mô luôn là vấn đề khó, hóc búa không đơn giản để giải quyết nếu không tường tận căn nguyên. Do đó trước khi đưa ra giải pháp khắc phục, điều đầu tiên là phải xác định được nguyên nhân "đầu mối" , sau đó cần có một "giải pháp tổng thể".
Giải pháp phòng, chống lạm phát phải đặt trong tổng thể, tính đầy đủ các mối tương tác giữa các mặt, các phần, các lĩnh vực kể cả trước mắt cũng như lâu dài. Trong giải pháp ấy, cực kỳ quan trọng là chính sách tài chính, nâng cao hiệu quả đầu tư, biết vận dụng đúng đắn, đúng mức cơ chế thị trường, không lạm dụng biện pháp hành chính. Cần phải tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, phát huy vai trò của tư nhân, của các tác nhân kinh tế ngoài nhà nước, không chỉ dựa cậy vào các tổ chức, quan chức, công chức và nhân viên của Chính phủ.
Một mô hình sinh động về giải pháp chống lạm phát là việc chữa trị bệnh của người thầy thuốc. Khó khăn nhất, cũng là thước đo trình độ chuyên môn là chẩn đoán cho ra bệnh; trừ những bệnh đơn giản, "nhìn thấy là biết", như rách da, gãy xương có di lệch, đa số bệnh đều đa dạng, phức tạp đòi hỏi phải có những thăm dò chẩn đoán và nhiều xét nghiệm chuyên sâu. Khi căn bệnh đã phơi bày có chứng cứ ( evidence based ), việc điều trị cũng không hề đơn giản, chỉ một căn bệnh thôi, nhưng bác sĩ kê toa cũng cần đầy đủ "quân, thần, tá, sứ" ( thuốc chính, thuốc phụ, thuốc trợ và tá dược). Ví dụ bệnh nhiễm trùng sẽ được cho kháng sinh (một hoặc nhiều loại), thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, giảm viêm, thuốc bổ vitamin...và cả tâm lý trị liệu để bệnh nhân "an tâm".
Suy cho cùng, đối với căn bệnh lạm phát, người dân chỉ lo là có ai đó "té nước, ăn theo" lợi dụng tình huống để "đục nước, béo cò", biết nhưng không nói (makeno) hay nói một đường làm một nẻo, hoặc giả không đủ năng lực điều hành.
Thay cho lời kết
Lạm phát có hại chung cho hầu hết mọi tầng lớp nhân dân, nhưng chịu nặng nhất là những người nghèo và người thuộc diện cận nghèo, những người sống bằng tiền lương, bằng thu nhập cố định, không theo được tốc độ và đà lạm phát. Những người thuộc tầng lớp trung lưu, có thu nhập loại trung bình, cũng gặp khó khăn. Chịu đựng được lạm phát có lẽ chỉ là những người giầu.
Nguyên nhân chính của lạm phát ở Việt Nam là hiệu quả sản xuất kém và cơ cấu kinh tế lệch lạc. Phòng chống lạm phát đòi hỏi sự đồng thuận và hợp lực của toàn dân tộc. Những người có trách nhiệm quản lý đất nước cần tỉnh táo: (1) rà soát lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến tư duy, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước; (2) tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thông qua chỉ số ICOR, mạnh tay cắt giảm đầu tư công, cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, kiểm soát chặt chẽ nợ công, và nhập siêu; (3) phát huy vai trò của tư nhân, các tác nhân kinh tế; (4) xem lại các bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực về chống lạm phát và phải biết vượt lên chính mình để lấy lại lòng tin của người dân vì mất lòng tin là mất tất cả.
Tô Văn Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét