Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Tin khó tin: Tham nhũng trốn kiểm toán, yên bình ra đầu ra

LĐO LAM CHI 
Số tiền ngân sách bị chi tiêu sai phạm do Kiểm toán nhà nước (KTNN) phát hiện chỉ trong 5 năm bằng 21 năm trước đó cộng lại, mà nếu viết bằng số thì trình độ cử nhân phi toán học không đọc được. Cùng lúc đó, phải thêm 20 năm nữa Việt Nam mới có cơ hội bằng với Hàn Quốc trước đó… 36 năm. Và tiếp tục vẫn là xứ Hàn: Đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 – Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM) sẽ mất trắng 1.000 tỉ tiền dân. Và nữa, những ai không thích số cũng ráng đọc tin này: 2 Công ty có vốn 30 tỉ đồng đã “tự nguyện” lỗ 1.100 tỉ đồng mua cổ phiếu.
1 .Tham nhũng làm cho Việt Nam 20 năm nữa mới bằng Hàn Quốc trước đó 36 năm?
Tham nhũng, chống tham nhũng đang có quá nhiều chuyện. Đây là chuyện mới toanh hôm 24.2, Các Ủy ban của Quốc hội lên tiếng về tình hình kiểm toán nước ta, rằng kiểm toán ở các quốc gia khác phát hiện tham nhũng rất dữ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Trong 5 năm (2011-2015), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỉ đồng. Có đại biểu Quốc hội đã thốt lên như thể vừa mới tìm ra chân lý ngay ngày hôm nay “tiền của Nhà Nước chính là tiền của nhân dân”; "làm sao để kiểm soát quản lý tài chính công chứ kết quả 5 năm mà bằng 55% của 21 năm thì lo quá". 
Phát hiện chi tiêu tiền dân sai lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng mà chủ yếu chỉ kiến nghị thu hồi, xử lý hành chính thì không nói ai cũng biết là do có abc này nọ, và nó làm sáng lên câu trả lời tại sao các nước kiểm toán phát hiện tham nhũng nhiều mà ở xứ ta thì ngược lại.
Và có phải chính đó là nguyên nhân khiến “20 năm nữa Việt Nam sẽ có cơ hội bằng với Hàn Quốc… trước đó 36 năm”. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và chuyên gia của Việt Nam cảnh báo một cách thắng thắn và đau xót rằng “Chúng ta sẽ không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức. Việt Nam sẽ rơi vào nguy cơ tụt hậu xa hơn, và khó tránh khỏi tình trạng rơi vào bẫy thu nhập trung bình” nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng 7%/năm. 
Còn nếu duy trì được thì sao? Câu trả lời nghe cứ tưởng có một sự nhầm lẫn nào đó: “20 năm nữa bằng Hàn Quốc năm 2000 là kịch bản "tốt đẹp nhất", kèm khuyến mại một khuyến cáo: “Còn để nó thành hiện thực thì Việt Nam chắc chắn sẽ phải trải qua quá trình cải cách không hề đơn giản”.

Làm sao có thể duy trì được sự tăng trưởng khi mà tình trạng phung phí nguồn lực diễn ra tràn lan và không có biểu hiện dừng lại. Hôm qua một tờ báo đưa tin rằng chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp số 3 tại Phước Hiệp Củ Chi – TPHCM của UBND TPHCM sẽ làm cho ngân sách phải mất khoảng 1.000 tỉ đồng cho chi phí đã xây dựng và bồi thường hợp đồng. Trong thư gửi UBND TPHCM, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM cho rằng “Việc chính quyền TP dừng hay tạm dừng dự án bãi chôn lấp số 3 không có lý do chính đáng mà chỉ vì chính sách thay đổi là điều không công bằng và không chấp nhận được”.
2. Yên bình gắn với… đầu ra
Lâu nay dân tình thuộc làu cái câu “sản xuất phải gắn với đầu ra”. Từ hôm nay có thêm câu mới: “yên bình phải gắn với đầu ra”. Mới hôm trước đây, mạng xã hội được một phen dậy sóng với câu nói của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải “Thà sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”. Còn hôm qua, chuyện xảy ra ngay tại Thủ đô cũng đã làm cộng đồng mạng có “một ngày ném đá” không mỏi tay: Chàng thanh niên trong trang phục sang trọng, dừng xe ôtô ngay giữa đường phố và ngay giữa ban ngày ban mặt, kéo quần, tè ngay vào dải phân cách. Vậy là có vè “thà nghèo mà sống yên bình/ hơn là giàu có mà tè ngay giữa đường”. 


Cũng hôm qua, báo đưa tin về một khu chung cư ở Hà Nội, người dân phải ăn uống, sinh hoạt trong mùi xú uế do hầm cầu nhà vệ sinh tập thể xập xệ mục nát, xì hơi nhiều nơi. Và cũng chỉ trong hôm qua, ở một chung cư khác của Hà Nội đã xảy ra vụ cháy do chập điện. 
Như vậy, hạ tầng nói chung, hạ tầng “đầu ra” của thành phố Thủ đô đang có nhiều “nan đề”. Phải tổ chức khảo sát, thiết kế để làm lại, làm mới hệ thống nhà vệ sinh công cộng, đường phố, khu chung cư… đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của một thành phố trung tâm tập trung đông dân cư là một đòi hỏi cấp thiết. Để có yên bình, văn minh, văn hóa trước hết chính quyền phải lo cho dân một hạ tầng cở sở đủ năng lực đáp ứng nhu cầu.
3. Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai và thương vụ lỗ 1.100 tỉ đồng
Ngày 24.2, tờ Vn Economic đưa tin: Ngày 23.2, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã HNG) công bố thông tin đã phát hành thành công 59 triệu cổ phần cho hai đối tác chiến lược là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh. Với giá phát hành 28.000 đồng/cổ phần, HAGL Agrico đã thu về số tiền lên tới 1.652 tỉ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 22.2, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico tăng trần, đạt mức giá 9.400 đồng/cổ phiếu. 
Như vậy, ngay sau khi mua vào, hai Cty mua cổ phiếu đã lỗ gần 1.100 tỉ đồng. Bản tin đã hé lộ thêm: Hai Cty có giao dịch “lạ” này cùng được thành lập vào tháng 3.2014 và có cùng địa chỉ tại L14-08B lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Vốn điều lệ của hai Cty trên đều ở mức 30 tỉ đồng.

Những nhà kinh tế thuộc “trường phái bảo thủ” lo ngại rằng nếu tiền mua cổ phiếu lỗ cả nghìn tỉ này là từ vốn vay ngân hàng thì đây là một lối làm ăn tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm, chứ nếu nói rủi ro là chưa phản ánh đúng và hết. Trong khi đó, ít giờ sau khi Vn Economic đăng bài viết này, trên mạng đã xuất hiện một bài viết khác cho rằng: Ngay cả trong trường hợp Hoàng Anh Gia Lai dùng tiền kiểu "tay trái, tay phải" để mua cổ phiếu, các nhà đầu tư vẫn cho rằng đây là tín hiệu tốt đối với công ty.
Thật đúng là không biết đâu mà lần!
4. Ấn tượng nhất trong ngày: “Thành phố đáng sống” không có trách nhiệm trả lời Trang tin điện tử
Đã có những thông tin gửi đến các đường dây nóng lãnh đạo các địa phương. Và đã có những vị lãnh đạo không thèm trả lời. Hôm qua trên mạng xã hội công bố rằng đó là kết quả trắc nghiệm và nhận được những cách phản ứng khác nhau. Địa phương phản pháo ngay và luôn là “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, rằng Đà Nẵng không có trách nhiệm trả lời Trang thông tin điện tử vì đó không phải là cơ quan báo chí.

Còn đây là chuyện đường dây trực tiếp. Tại miền núi Nghệ An đang xảy ra tình trạng đào bới gốc cây gỗ pơmu để bán cho thương lái đến thu mua. Nguy cơ tái diễn phiên bản của các trò thu mua đĩa, rễ cây hồ tiêu, đuôi trâu, móng bò… đang làm náo động cả vùng núi rừng xứ Nghệ. Nhưng phóng viên gọi hàng chục cuộc vào số máy điện thoại của Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong) Lữ Thanh Bình - để trao đổi về tình trạng trên nhưng ông này không nghe máy.
Trang tin điện tử và nhà báo tác nghiệp có thẻ hẳn hoi mà còn như thế. Người dân thường liệu có dám và có được phúc đáp không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét