Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Những ngày cuối cùng của Đảng Cộng sản? (Phần 1)

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Những ngày cuối cùng của Đảng Cộng sản? (Phần 1)

(VNTB) - Tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh Việt nam dường như sẽ có được một cuộc chuyển mình dân chủ bất bạo động... Trước biến cố Mùa xuân Ả rập thì tình trạng ở Tunisia cũng tương tự như vậy, hay như Azerbaijan ngày nay.
............................................................................................................................
Việt nam, quốc gia độc đảng có vẻ như là một quốc gia tự do.
Người Việt chế giễu chính phủ lộ liễu mà không sợ sẽ bị liên lụy. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người mặc quân phục cả nhà binh lẫn cảnh sát nhưng trông họ không có vẻ gì là đáng sợ hay cũng làm ra vẻ đe dọa ai. Cách họ mặc quân phục cũng tự tin giống như những binh lính Mỹ hay Canada.
Tôi thậm chí cũng không chút mảy may lo lắng căn phòng trong khách sạn của tôi sẽ bị họ cài máy do thám. Họ không cài và nếu cho là có đi nữa thì tôi cũng không quan tâm tới điều đó. Tôi không cần phải che giấu thân phận nhà báo của tôi như khi tôi ở Cuba hay Libya. Nếu ở Trung quốc hay đặc biệt ở Bắc Triều tiên thì tôi đã phải che giấu nhân thân thật của mình. Nhưng chuyện này không hề cần thiết ở Việtnam.
Trước biến cố Mùa xuân Ả rập thì tình trạng ở Tunisia cũng tương tự như vậy, hay như Azerbaijan ngày nay. Còn Đài loan và Hàn quốc cũng trải qua quá trình này ngay trước khi họ chuyển mình sang chế độ dân chủ.
Nếu thật thận trọng xem xét, thì có người sẽ cho rằng những ngày tàn của chế độ độc tài hết thời đã và đang được định hình không phải là chuyện xấu. Ít nhất là khi các chế độ này được so sánh với những quốc gia độc tài và đặc biệt là các quốc gia cực quyền khác.
Ý tưởng về một chính thể độc tài tốt trong số các quốc gia này là một sự lố bịch. Tuy nhiên rồi thì sẽ có một chính thể độc tài tử tế hơn xuất hiện sau một quãng thời gian dài đen tối. Robert D. Kaplan đã định nghĩa các thể chế hiếm hoi đó như “một người có các chuyển biến ít tính mạo hiểm hơn khi họ chuẩn bị cho dân chúng chờ đón một chính thể đại nghị”. Ông đã đơn cử trường hợp của ông Lý Quang Diệu như một minh chứng.
Không phải chính phủ của ông Lý Quang Diệu ưu việt hơn một chính thể dân chủ nào khác. Ông Lý Quang Diệu chỉ hơn hẳn các nhà độc tài khác ở chỗ ông đã tạo ra được những điều kiện cần thiết để kiến tạo các  chuyển giao bất bạo động nhằm đạt được sự tự do và cởi mở hơn.
Trong quyển sách “Asian's Cauldron”, Kaplan đã viết “ Nhà độc tài ghê gớm nhất sẽ để lại cho người kế nhiệm sự hỗn loạn tệ hại nhất. Đó là do những kẻ độc tài kém cỏi đã xóa bỏ các tổ chức trung gian giữa những nhà lãnh đạo chóp bu và các cơ quan đoàn thể bên dưới như các các hiệp hội chuyên nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhóm chính trị, ... trong khi các tổ chức trung gian này là những yếu tố cốt lõi của một xã hội dân sự.”
Đó là những gì mà Saddam Hussein làm ở Iraq, Bashar al- Assad đã làm ở Syria. Moammar Quaddafi đã hủy hoài Libya cùng một cách thức như Pol Pot đã đối xử với người dân Campuchia, hay như Hitler và gia đình Kim nhật Thành.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng chế độ cộng sản đã thi hành chính sách này ở tất cả các quốc gia mà họ nắm quyền nhưng tôi không chắc rằng đó là sự thật hiển nhiên. Đảng cộng sản Việt nam đã đổi mới, trước hết là việc chủ nghĩa kinh tế Mác đã bị xóa bỏ, sau đó là hủy bỏ việc quản lý cuộc sống cá nhân của công dân Việt nam ở tầm vi mô. Chính phủ hiện hành đã thực hiện những điều này một cách tự nguyện.
Kaplan chỉ ra tiếp rằng “ những nhà độc tài tốt sẽ dung dưỡng sự phát triển kinh tế, cùng với những việc khác, họ sẽ khuyến khích xã hội đa dạng để hình thành các hội nhóm xã hội dân sự và sự phân chia quyền lực chính trị dựa trên quyền lợi kinh tế một cách ôn hòa chứ không phải là sự phân chia vì lợi ích nhóm và sắc tộc bè phái.”
Chính quyền Việt nam đang mấp mé ở ngưỡng cửa đó. Nhưng cũng phải rạch ròi nhận biết điều này có nghĩa gì. Điều này không có nghĩa là do chế độ độc tài của Việt nam khá tốt so với các chế độ độc tài khác và nó sẽ phải tồn tại. Chính thể độc tài không thể nào tồn tại được. Chính thể độc tài Việt nam chỉ “tốt” khi so sánh với các chính thể tương tự nếu Việt nam cũng có thể chuyển mình sang một hế thống dân chủ hơn mà không cần dùng đến vũ lực hay thảm sát như Syria, Ai cập, Yugoslavia thời hậu cộng sản, Ukraine sau khi lật đổ Viktor Yanukovych, Somalia sau khi đảng cộng sản của Siad Barre sụp đổ năm 1991, và cả Lybia sau khi chế độ độc tài Quaddafi bị tiêu diệt.
Việt nam ngày nay đang tiến gần đến với chế độ tiền dân chủ nhu ở Đài loan và Hàn Quốc, và chính thể Việt nam được định hình tốt hơn về mặt kinh tế và chính trị nếu so với chính thể Việt nam cộng hòa trước đây. Việt nam không có kinh nghiệm với nền dân chủ, ngay cả Hàn quốc cũng không có được kinh nghiệm này trước những năm cuối của thập kỷ tám mươi và thực thi dân chủ một các thông suốt. Người Đài loan cũng chưa từng trải qua bầu cử dân chủ dưới thời Quốc dân đảng của Tưởng Giơi Thạch nắm quyền nhưng họ đã chuyển mình khá mềm mại trong hai thập kỷ 80 và 90. Sự chuyển biến của Tunisia trải qua nhiều biến cố hơn nhưng ít ra họ đã đón đầu trước được những rủi ro.
Tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh Việt nam dường như sẽ có được một cuộc chuyển mình dân chủ bất bạo động. Tôi có thể sai. Nhưng những nhà sử học lạc quan thường sai lầm và tôi cũng thế. Điều sai lầm có thể xảy ra với bất cứ ai khi họ nghĩ rằng họ có thể đoán biết trước được sự việc nào sẽ xảy ra.
Du khách khi tới thăm Hà nội nên cân nhắc lời khuyên của Bill Hayton trong quyển sách “ Vietnam: Rising Dragon”, một nơi đang khoác lên mình cái vẻ bên ngoài là thủ đô của một quốc gia tự do. “ Bộ cánh tự do hiện diện ở mọi ngóc ngách đường phố nhưng  từ lĩnh vực kinh tế cho tới truyền thông, Đảng cộng sản vẫn duy trì quyền lực độc tài. Bên dưới sự chuyển mình kỳ diệu đó ẩn giấu sự hoang tưởng và hệ thống chính trị độc đoán sâu đậm. Bức tranh toàn cảnh ở Việt nam không trong sáng như nhiều người lầm tưởng. ”
Hòa thượng Thích Quảng Độ, chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng trong nước. Hòa thượng đã giành được giải thưởng Homo Homini về nhân quyền năm 2002 và đã được đề cử giải Nobel Hòa bình chín lần. Ngài hiện bị quản thúc tại một ngôi chùa ở Sài gòn ( Thành phố Hồ Chí Minh). Ngài phạm tội gi? Tội yêu cầu Dân chủ.
Trong một cuộc phỏng vấn hòa thượng cho biết “ Trong mấy năm qua tôi sống như một người tù bị xích lại. Cả ngày tôi chỉ ở trong phòng. Tôi ăn một ngày một bữa. Ngày nào cũng giống y như khi tôi còn ở trong tù. Ngoài cửa phòng có một cái ghế, vào mỗi bữa ăn trưa lức 11:00  họ sẽ mang đồ ăn từ bếp lên và đặt lên ghế cho tôi. Tôi mang đồ ăn vô phòng và ăn trong đó. Khi tôi ăn xong thì mang đặt trả cái khay lại trên ghế. Họ sẽ tới và mang cái khay đi. Giống hoàn toàn như khi tôi ở trong tù”.
Ông Al Jacobson thuộc Tổ chức ân xá quốc tế đã thụ lý hồ sơ của Hòa thượng Thích Quảng Độ từ năm 2002. Ông cho biết: “Chúng tôi kiên trì sau khi chúng tôi tiếp nhận hồ sơ ông ta. Vì tầm ảnh hưởng lớn của ông mà chính phủ Việt nam đã xem Giáo hội Phật giáo thống nhất như một sự đe dọa cho chính phủ và không thừa nhận giáo hội này. Họ đã thừa nhận nhà thờ thiên chúa giáo một vài năm trước nhưng số con chiên của nhà thờ vẫn ít hơn nhiều so với số lượng phật tử của giáo hội phật giáo.”
“ Đây chỉ là vấn đề về chính trị hoặc tôn giáo hay là cả hai?” Tôi hỏi.
“ Đây là một vấn đề chính trị lớn lao. Nhà thờ đã có được một lượng lớn giáo dân và họ bày tỏ sự phản kháng mạnh mẽ với chính quyền cộng sản. Tôi theo dõi vấn đề này sít sao và tôi chưa bao giờ nghe bất cứ điều gì cho thấy chính quyền cộng sản chống lại nhà thờ vì bất kỳ lý do tôn giáo nào”.
Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất chỉ yêu cầu tự do bày tỏ quan điểm, tự do tín ngưỡng, và tự do hội họp. Ông Jacobson cho biết: “ Họ phản đối sự độc quyền của Chính phủ Việt nam nói chung”.
Gần đây khi tranh chấp về biển Đông dâng cao, Hòa thượng Thích Quảng Độ bày tỏ ý muốn tổ chức một cuộc biểu tình của phật tử chống Trung quốc, nhưng cảnh sát bao quanh chùa đã không cho phép ông rời khỏi nơi giam giữ. Chính quyền lo ngại việc tụ tập đông người vì bất cứ lý do gì cũng là sự đe dọa cho nhà cầm quyền ngay cả khi chính quyền và Giáo hội Phật giáo đã hoàn toàn thống nhất chương trình biểu tình.
“ Chính quyền rất mánh khóe trong việc đối xử với ông ta” Jacobson nhận xét. “ Họ nói Anh thấy đó, ông ta đâu có bị bỏ tù, ông ta vẫn ở trong chùa của ông ta mà. Nhưng hòa thượng không có quyền gì và chúng tôi – tổ chức Ân xá quốc tế xem ông ta là một tù nhân lương tâm”.
Chính quyền giam lỏng hòa thượng trong chùa mà không bỏ tù vì những lý do tinh khôn, nhưng dù gì đi nữa thì họ cũng đã không có quẳng hòa thượng vô trong trại lao động khổ sai như hầu hết những người Bắc Triều tiên phải gánh chịu. Việt nam làm gì có trại lao động khổ sai. Cái trại cải tạo ở Việt nam cũng đã bị xóa sổ. Tôi đã dự định đến diện kiến hòa thượng ở Sài gòn nhưng rồi tôi phải rút ngắn chuyến đi vì lý do sức khỏe.
Tôi nói với Jacobson, “ Nếu có một cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Việt nam thì anh nghĩ chính quyền sẽ làm gì để đối phó? Họ có sẽ hành động như chính quyền Trung quốc đã làm với Thiên An Môn năm 1989 và giết hại hàng trăm người? Tôi có cảm nghĩ là họ sẽ không làm. Giờ đây Việt nam dường như bị ảnh hưởng tính cách tư sản hơn rồi.” Nhưng tôi nghĩ Jacobson sẽ có cảm nhận tốt hơn tôi về vấn đề này.
“ Có sự liên hệ lớn giữa thảm sát diện rộng và việc ngăn cản ôn hòa. Tự do ngôn luận, tự do hội họp đã bị hạn chế và đây là những vấn đề mà Tổ Chức Ân xá quốc tế quan ngại. Việc vi phạm nhân quyền không chỉ riêng đối với Hòa Thượng Thích Quảng Độ mà ngay cả với những nhà bất đồng chính kiến trên mạng khác là sự hiển nhiên. Tôi không nghĩ họ sẽ dùng bạo lực để ngăn chận các hoạt động lớn, nhưng cũng không ai có thể biết chắc được. Dù bằng cách nào đi nữa  thì vị thế của chúng tôi vẫn không thay đổi.”
Micheal J. Totten
Người dịch: Phương Thảo
(Theo Việt Nam Thời Báo)

“Tự do báo chí ở Việt Nam tệ hơn rất nhiều”

(VNTB) - “ Mảng báo chí điều tra chỉ có thể phát triển trong một nền báo chí tự do. Hay nói một cách khác, tự do báo chí nuôi dưỡng mảng báo chí điều tra. Không có tự do báo chí sẽ không có báo chí điều tra. Báo chí điều tra là sự thể hiện sinh động sức sống của một nền báo chí có chất lượng”, ông David E. Kaplan- Giám đốc Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu (Global Investigative Journalism Network) đã nói như vậy trong lần gặp gỡ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) tại Manila- Philippines.
Hiểu một cách đơn giản, tự do báo chí đối với ông có nghĩa là gì?
Ông David E. Kaplan: Tự do báo chí là việc bạn có thể nói, đăng tải và phát sóng bất cứ gì bạn muốn. Trong một xã hội tự do, mọi người đều có quyền tranh luận với nhiều ý tưởng khác nhau. Tương tự thị trường hàng hóa và dịch vụ, bạn cũng cần một thị trường của những ý tưởng.
Theo ông, quốc gia nào có chỉ số tự do báo chí cao nhất?
Ông David E. Kaplan
Ông David E. Kaplan: Câu hỏi này tôi không phải là chuyên gia để trả lời, một số tổ chức chuyên theo dõi vấn đề này sẽ biết rõ hơn tôi. Tuy nhiên, theo tôi thấy, thông thường những thứ hạng cao nhất thuộc về các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Hoa Kỳ và Canada cũng có thứ hạng khá cao. Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt ở Liên Xô và Đông Âu, tự do báo chí đã lan rộng trên thế giới. Giờ đây hầu hết các nước đều có tự do báo chí nên nhà báo và những người làm nghề viết khác có thể đăng tải mọi điều họ muốn. Nhưng thật sự thì vẫn còn một số ít quốc gia cho rằng việc kiểm duyệt dư luận là cần thiết.
Trong một thế giới đã toàn cầu hóa, để cạnh tranh với các nước khác, bạn cần phải có dòng chảy tự do của thông tin. Nơi nào vẫn chưa gỡ bỏ gọng kìm kiểm soát truyền thông và tự do tư tưởng thì nơi đó sẽ bị tụt lại phía sau. Đó không chỉ là vấn đề nhân quyền mà nó còn là trở ngại cho phát triển kinh tế. Nhận thấy được điều đó nên Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận tự do ngôn luận và tự do báo chí là những quyền phổ quát.
Vì sao các tổ chức quốc tế như Phóng Viên Không Biên Giới và Freedom House luôn xếp hạng những quốc gia có thể chế độc tài như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam có chỉ số tự do báo chí thấp nhất?
Ông David E. Kaplan: Do tư duy lạc hậu của những người lãnh đạo vẫn còn sống trong quá khứ. Việt Nam vốn có tiềm năng vô cùng to lớn. Các bạn là những người rất chăm chỉ, các bạn còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú và một lớp người trẻ muốn hướng đến tương lai. Nhưng các bạn không thể hướng đến tương lai nếu không có tự do thông tin. Chủ trương kiểm soát mọi mặt thông tin trong xã hội đang ngày càng trở nên lỗi thời. Làm thế nào có thể giữ kín mọi bí mật trên Internet? Bạn không thể áp đặt sự kiểm soát lên thông tin khi mà ngày nay nó không còn bị ngăn trở bởi biên giới nữa. Vì vậy, điều quan trọng là bạn đưa được tiếng nói của mình đến với nhiều người. Tất nhiên, chính quyền Việt Nam có quyền trình bày quan điểm của họ, nhưng họ phải biết sống chung với các chỉ trích. Chính quyền cần học cách tiếp nhận các phê phán và chỉ trích như Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Brazil hay Tổng thống của Indonesia ngày nay.
Việt Nam rồi sẽ thay đổi, đó không phải là câu hỏi “có hay không” mà là “khi nào” mà thôi. Kiểm soát thông tin chỉ hiệu quả trong thế kỷ 20. Bây giờ là thế kỷ 21, thời đại mà trên Internet thông tin có mọi cách để tìm đến mọi người. Vì vậy, với các nước như trên, khi nào họ mới tính đến viễn cảnh tương lai, bây giờ hay khi đã trễ?
Trong tương lai gần và tương lai xa, chỉ số tự do ở các nước vừa nói trên liệu có được cải thiện không và mức độ cải thiện đến đâu?
Ông David E. Kaplan: Từ những bài học lịch sử gần đây, chúng ta thấy mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhanh một khi thông tin gần như không thể bị ngăn chặn được nữa. Thanh niên ngày nay lớn lên trong sự tiếp nhận một lượng lớn thông tin từ Internet. Và bạn thử nhìn xem, chính quyền không còn có thể kiểm soát mọi thứ. Từ những thông tin ở cấp lãnh đạo chóp bu cho đến những vấn đề thời sự hằng ngày như y tế, thuốc men, giáo dục, hay tính hiệu quả của chính quyền địa phương. Ở những nước trải qua quá trình hiện đại hóa – Việt Nam đang bắt đầu quá trình này – sẽ xuất hiện một tầng lớp trung lưu. Những người từ tầng lớp này sẽ có những câu hỏi yêu cầu sự trả lời. Họ có quyền đặt câu hỏi. Bạn biết đấy, chẳng hạn như, ‘Vì sao dịch vụ hành khách công cộng lại không hoạt động hiệu quả?’, ‘Vì sao tuyến đường này vẫn chưa được sửa?’, hay ‘Vì sao ngày càng có nhiều công an nhận hối lộ?’. Không thể kìm nén những thắc mắc đó mãi được. Cuối cùng cả hệ thống sẽ thay đổi. Công việc của nhà báo đơn giản là đại diện cho tiếng nói của công chúng. Chúng ta là những người giám sát với nhiệm vụ phản ánh tâm tư và thắc mắc từ xã hội. Vì vậy khi tư duy và tiếng nói của xã hội ngày càng độc lập và mạnh mẽ hơn, báo chí cũng sẽ theo đó phát triển.
Thưa ông, ông có quan tâm đến báo chí Việt Nam hay không? Theo ông, Việt Nam có tự do báo chí hay không và Việt Nam cần phải làm gì để có tự do báo chí?
Ông David E. Kaplan: Tôi nghĩ các bạn sẽ là người quyết định phải nên làm gì. Các bạn luôn phải đối mặt với nguy cơ tù tội, sách nhiễu và đàn áp vì những điều các bạn viết ra. Đó là việc rất khó để tôi có thể hiểu được, và tôi không muốn các bạn phải gặp bất kì nguy hiểm nào.
Truyền thông chỉ là một phần của xã hội, và xã hội của các bạn đang thay đổi. Vì vậy bên cạnh các nhà báo, có những người khác cũng đang nỗ lực cho cải cách. Đó là thanh niên, sinh viên, giới chuyên môn, tầng lớp trung lưu, những người làm ăn kinh doanh cần sự minh bạch thông tin; đó còn là các quan chức cấp tiến trong chính phủ các bạn. Áp lực thay đổi sẽ đến từ nhiều nơi khi xã hội dần hiện đại hóa.
Chúng ta biết rằng để quá trình hiện đại hóa diễn ra thành công, cần hội đủ các điều kiện gồm chính sách thương mại tốt, một nền kinh tế lành mạnh, dịch vụ y tế và giáo dục có chất lượng. Và chúng ta cũng cần có truyền thông độc lập với vai trò là người giám sát – một phần không thể thiếu. Một số quốc gia đang phát triển nhanh chóng là vì họ đã khôn ngoan nhìn thấy rõ điều này.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì tự do báo chí ở Việt Nam tốt hơn hay tồi tệ hơn?
Ông David E. Kaplan: Phải nói là tệ hơn rất nhiều. Việt Nam hiện đang bị đẩy ra rìa, đất nước tách biệt so với các quốc gia còn lại. Myanmar đã bắt đầu hiện đại hóa và dỡ bỏ kiểm duyệt. Indonesia và Philippines giờ là những nước tự do. Thailand đang có dấu hiệu thụt lùi nhưng so với Việt Nam vẫn có sự tự do hơn. Bạn biết không, khi chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị hội thảo này (Hội thảo báo chí điều tra Châu Á lần thứ nhất), một nhà báo Việt Nam vì quá sợ nên đã từ chối có tên trong danh sách diễn giả. Đó là kiểu luật pháp gì khi mà làm một diễn giả trong một hội thảo cũng bị cho là phạm tội? Thật điên rồ.
Việt Nam đang cầm tù rất nhiều nhà báo, blogger do họ có chính kiến khác với nhà cầm quyền. Ông đánh giá như thế nào về hành xử của chính quyền Việt Nam đối với sự bắt giữ này?
Ông David E. Kaplan: Trong ngắn hạn, những hành động này khiến những người cầm quyền cảm thấy an tâm, nhưng về lâu dài đó là sự lãng phí thời gian và phản tác dụng đối với xã hội. Cần có môi trường tự do trao đổi ý tưởng, cần có sự chấp nhận những khác biệt để tranh luận công bằng. Đó là cách một xã hội tiến lên. Thoạt nhìn đó là một không gian hỗn độn nhiều chiều nhưng cuối cùng lại rất hữu ích. Bởi nếu tồn tại tham nhũng, yếu kém, thiếu năng lực hay lãng phí trong quản lý, những vấn đề này sẽ được công khai trước ánh sáng. Và điều đó tốt cho tất cả mọi người từ trên cao xuống thấp.
Tóm lại, điều tôi muốn nói là truyền thông tự do và độc lập không chỉ đơn thuần là một quyền con người, nó còn là phần không thể thiếu của quá trình phát triển. Vì vậy, để Việt Nam tiến lên phía trước, song song với kinh tế, đất nước các bạn cũng cần mang lại tự do cho truyền thông báo chí.
Tâm Don- Alex Truong thực hiện
(Việt Nam Thời Báo)

-Rada sân bay Tân Sơn Nhất “tê liệt”, máy bay Hà Nội phải quay đầu

Giadinh

Ngày 20 Tháng 11, 2014 | 02:06 PM
GiadinhNet – Sự cố nghiêm trọng này được cho là xảy ra vào khoảng hơn 11h ngày hôm nay. Máy bay của hãng hàng không VietJet đã không thể hạ cánh và quay đầu trở lại sân bay Nội Bài.
Sự cố rada khiến máy bay không thể hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. (ảnh minh họa)
Sự cố rada khiến máy bay không thể hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. (ảnh minh họa)
Theo hành khách đi trên máy bay chuyến Hà Nội – Cần Thơ, số hiệu là Vj461 cho biết vào hồi 12h14 phút, chuyến bay nêu trên, cất cánh lúc 11h và phải quay đầu lại sân bay Nội Bài.

Lý do được các bên thông báo cho hành khách là trạm ra đa của sân bay Tân Sơn Nhất gặp sự cố nên tất cả máy bay không thể hạ cánh.
Về sự cố này, hang VietJet cũng xác nhận việc có chuyện máy bay của họ phải quay trở lại sân bay Nội Bài. Lý do đúng như thông tin khách hàng của hãng này cung cấp là do trạm ra đa của đài không lưu Tân Sơn Nhất không bắt được tín hiệu nên tất cả các chuyến bay đều không thể hạ cánh xuống sân bay này.
Cũng liên quan đến sự cố của đường hàng không, chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines và một máy bay trực thăng của quân sự đã suýt đụng nhau trên bầu trời Tân Sơn Nhất – TPHCM. Sự việc xảy ra khi đài chỉ huy quân sự và dân dụng đều cấp huấn lệnh cho máy bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất.
Minh Anh
 

-Số phận của văn học miền nam sau 1975


Nguyễn Hưng Quốc  -VOA

Lời tác giả: Nhân dịp một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75 sắp được tổ chức tại hai toà soạn hai nhật báo Người Việt và Việt Báo tại California trong hai ngày 6 và 7 tháng 12, 2014, tôi xin đăng lại một đoạn trong cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản 1945-1990 để quý bạn đọc thấy được số phận bi thảm của văn học miền Nam sau năm 1975.
***
Tháng 4.1975, chế độ Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ. Đảng Cộng sản nắm chính quyền trong cả nước.
Chính sách có tính chất “chuyên chính vô sản” đầu tiên được áp dụng tại miền Nam là nhắm vào văn hoá, văn học miền Nam trước 1975.

Trước khi chủ trương bắt các sĩ quan và các công chức trung, cao cấp thuộc chính quyền cũ đi học tập cải tạo, trước khi tung ra chiến dịch đánh tư sản mại bản tại các thành phố lớn miền Nam, cộng sản, ngay từ tháng 3 và tháng 4.1975, chiếm được địa phương nào, đã tức khắc ra lệnh đóng cửa toàn bộ các cơ sở sinh hoạt văn học nghệ thuật, từ báo chí đến nhà xuất bản, nhà phát hành và các hiệu sách, đã ra lệnh cho dân chúng phải tiêu huỷ toàn bộ dấu vết của nền văn học nghệ thuật miền Nam. Trong lúc vẫn tiếp tục duy trì nền kinh tế năm thành phần thì cộng sản chỉ chấp nhận một thành phần văn học duy nhất: thành phần văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, chịu sự thống trị tuyệt đối của đảng.
Mà thật ra, không phải đợi đến tháng 4.1975, ngay trước đó nữa, từ những năm đầu tiên của thập niên 1960, ở miền Bắc, cộng sản đã có ý đồ huỷ diệt văn học miền Nam bằng hai biện pháp: một là chụp mũ nền văn học miền Nam là “văn học thực dân mới” để qua đó, xoá bỏ vị trí uy nghi của nó trong tiến trình văn học dân tộc, hai là, ngụy tạo ra cái gọi là “văn học giải phóng miền Nam Việt Nam” với những người cầm bút ở miền Bắc được lén lút đưa dần vào miền Nam, ẩn náu trong rừng núi, bưng biền, tự xưng là nói lên những tiếng nói tâm huyết nhất của đồng bào miền Nam.
Phụ hoạ với hai biện pháp trên, báo chí miền Bắc không ngớt vu khống, xuyên tạc văn học miền Nam. Theo Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức, trong quyển Nhà văn Việt  nam, tập 1, từ năm 1954 đến 1975, không kể các bài phát trên sóng của đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ tính riêng trên các tạp chí và tuần báo lớn tại Hà Nội như Học Tập, Thống Nhất, Nghiên cứu nghệ thuật, Văn Nghệ, Tạp Chí Văn Học… đã có tới 286 bài viết thực hiện âm mưu này (tr. 305).
Sau năm 1975, chiếm được miền Nam, mức độ chống phá văn học miền Nam của đảng Cộng sản ngày càng gia tăng với một quy mô rộng khắp và với một mức độ vô cùng dữ dội. Không có cuộc Đại hội đảng nào, cộng sản lại không nêu việc xoá bỏ văn học nghệ thuật miền Nam lên thành một nhiệm vụ chính trị khẩn cấp. Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội khoá 5, Lê Duẩn chỉ thị: “Sau ngày giải phóng, nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hoá ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để”.
Để chống lại ảnh hưởng của nền văn học miền Nam trước đây, cộng sản sử dụng cùng lúc hai biện pháp chính: tuyên truyền và khủng bố.
Chưa có ai thống kê thử số lượng những bài báo nhằm bôi nhọ văn học miền Nam từ năm 1975 đến nay là bao nhiêu. Chắc chắn là không ít hơn con số 286 bài viết mà Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức đã nêu ra trong thời kỳ 1954-1975. Có những tờ báo và những tạp chí dành hẳn một số đặc biệt về chủ đề phê phán văn học miền Nam như Đại Đoàn Kết số ra ngày 21.7.1977, Nghiên cứu Nghệ thuật số 3.1977, tạp chí Văn Học số 4.1977… Rồi còn sách nữa. Sách của một người và sách của nhiều người. Sách chửi bới một cách không khống hồ đồ và sách giả vờ nghiên cứu một cách khệnh khạng, trịch thượng. Thuộc loại này, đến nay (1990), có cả thảy mười một “tác phẩm” đã được xuất bản: một, Văn hoá văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ Ngụy (hai tập) của các tác giả: Phong Hiền, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Hoa Lục Bình (1977); hai, Tiếp tục đấu tranh xoá bỏ tàn dư văn hoá mới của Hà Xuân Trường (1979); ba, Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hoá, tư tưởng của các tác giả: Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Khánh, Vũ Hạnh, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phong Hiền, Phan Đắc Lập, Bùi Công Hùng (1980); bốn, Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam của Lữ Phương (1981); năm, Nọc độc văn học thực dân mới của Trần Trọng Đăng Đàn (1983); sáu, Nọc độc văn hoá nô dịch của Chính Nghĩa (?); bảy, Những tên biệt kích cầm bút của nhà xuất bản Công an Hà Nội (1986); tám, Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Ngụy của Lê Đình Kỵ (1987); chín, Lại bàn về nọc độc văn học thực dân mới Mỹ của Trần Trọng Đăng Đàn (1987); mười, Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-1975 (tập 1) của Trần Trọng Đăng Đàn (1988); và mười một, Văn hoá văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam cũng của Trần Trọng Đăng Đàn (1990).
Trong hầu hết những bài báo và những quyển sách kể trên, cộng sản đều sử dụng một thủ đoạn bất lương quen thuộc: vu khống. Vu khống những tác giả chống cộng là CIA. Vu khống những người chuyên viết về các chuyện tình cảm nhẹ nhàng là “trụy lạc”. Vu khống cả những người chỉ biết mải mê làm văn chương thuần tuý là “tâm lý chiến”. Với cộng sản, tất cả những gì nằm ngoài quỹ đạo thống trị của cộng sản đều là “phản động” và đáng bị lên án. Luận điệu sau đây rất tiêu biểu: “…các loại sách truyền bá chủ thuyết hiện sinh, hư vô chủ nghĩa, kích động dục tình, tuy bề ngoài không phát ngôn quan điểm chính thức của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhưng thực chất thuộc hệ tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới, phục vụ cho âm mưu của chính trị và tư tưởng phản động của Mỹ và tay sai”. (Sài Gòn Giải phóng ngày 15-2-1987).
Song song với các hoạt động tuyên truyền mà bản chất là vu khống và xuyên tạc, cộng sản còn huy động công an và thanh niên xung phong đi lùng sục tịch thu sách báo cũ, bắt bớ những người lưu hành sách báo cũ. Ngày 20 tháng 8.1975, Bộ Thông tin Văn hoá của cộng sản miền Nam Việt Nam ra thông tri số 218/CT.75 về việc cấm lưu hành cách “loại sách phản động về chính trị và loại sách dâm ô”. Ngày 8.3.1976, cũng cái Bộ Thông tin Văn hoá ấy lại tiếp tục ra tiếp thông tri số 15 nhắc lại lệnh cấm trên. Riêng tại Sài Gòn, tháng 5.1977, Sở Văn hoá Thông tin ra thông tri số 1230/STTVH/XB yêu cầu dân chúng hoặc phải tiêu huỷ hoặc phải giao nộp toàn bộ các ấn phẩm văn hoá của chế độ cũ.  Mỗi bản thông tri trên đều được đính kèm một danh sách dài ngoằng những tác phẩm bị kết tội là “phản động” và “dâm ô”. Cả bản thông tri lẫn bản danh mục đều được đăng tải rộng rãi trên báo chí trong nước. Riêng bản danh mục thì sau này được bổ sung và tập họp thành một quyển sách khổ lớn, dày cộm, nhan đề là Danh mục những sách cấm lưu hành được bày bán khắp các hiệu sách trong nước.
Sau mỗi bản thông tri, hầu như là một quy luật, cộng sản lại mở chiến dịch truy quét văn hoá phẩm một cách rầm rộ. Công an bủa giăng đầy các đường phố để chận bắt những người lén lút mua bán sách báo cũ. Công an xông vào tận nhà dân chúng, lục lọi  khắp nơi để tìm kiếm và tịch thu sách báo cũ. Cho đến nay, cộng sản đã mở ít nhất năm chiến dịch truy quét lớn như thế vào các thời điểm: cuối năm 1975, đầu năm 1976, giữa năm 1977, giữa năm 1981 và giữa năm 1985.
Việc tàng trữ và lưu hành các sách báo cũ bị xem là một “trọng tội” trước pháp luật nhà nước. Trong bộ Luật hình sự do cộng sản công bố, đăng trên báo Nhân dân từ ngày 12 đến ngày 17.7.1985, điều 82 dưới danh xưng “Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa”, thuộc mục A, chương I, phần “Các tội phạm” ghi rõ:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt từ 3 năm đến 12 năm:
a/ Tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa.
b/ Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
c/ Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Cũng trong phần Các tội phạm, điều 99 dưới danh xưng “Tội truyền bá văn hoá đồi trụy”, mục B, chương I, ghi rõ:
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, tàng trữ, nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những phẩm vật khác có tính chất đồi trụy cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá đồi trụy thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a/ Có tổ chức.
b/ Vật phạm pháp có số lượng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
c/ Tái phạm nguy hiểm.
Không phải chỉ đe dọa suông. Trong những năm 1980, 1981 cộng sản đã truy tố trước toà án nhiều người buôn bán sách báo cũ, trong đó, gây xôn xao trong dư luận nhất là vụ án Vinh Sử và Bùi Đình Hà bị kết tội 20 năm tù giam tại Sài Gòn.
Tịch thu sách báo cũ. Bắt bớ những người lưu hành sách báo cũ. Chưa hết. Từ năm 1975 đến nay, cộng sản còn tung ra nhiều chiến dịch khủng bố tàn khốc nhắm vào những văn nghệ sĩ cũ của miền Nam. Cơ man những người bị bắt, bị đày ải trong các nhà tù, các trại cải tạo. Năm 1978, sau nhiều năm tháng điều tra, tạp chí Quê Mẹ tại Paris đã công bố bản danh sách 163 văn nghệ sĩ miền Nam bị cộng sản giam giữ trong các trại cải tạo. Báo Express số ra ngày 12.8.1978, đã đăng tải đầy đủ tên tuổi 130 văn nghệ sĩ trong số 163 văn nghệ sĩ nạn nhân của chính sách trả thù của cộng sản. Ngày 30.4.1980, trong một cuộc họp báo tại Paris, tạp chí Quê Mẹ lại cung cấp thêm danh sách 40 văn nghệ sĩ mới bị bắt hoặc bị bắt lại trong năm 1980.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét