Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Giá xăng dầu ở Việt Nam đã giảm đủ chưa?

Giá xăng dầu ở Việt Nam đã giảm đủ chưa?

Lê Anh Hùng
Thời gian gần đây, không ít người dân vẫn “phấn khởi” vì giá xăng dầu giảm tới 9 lần liên tục, một hiện tượng chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Họ coi đấy là dấu hiệu cho thấy nhà nước đã biết “lắng nghe” nhân dân, chiếc vòi bạch tuộc của nhóm lợi ích trong lĩnh vực xăng dầu đã bị chặn lại.
Tuy nhiên, việc giá xăng dầu giảm lại diễn ra trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm suốt mấy tháng nay, và giá dầu thô hiện tại đã xuống đến mức thấp nhất trong 4-5 năm qua.
Vì vậy, để đánh giá xem giá xăng dầu trong nước đã giảm đủ mức hay chưa thì chưa cần phải so sánh với giá xăng dầu ở các nước trong khu vực và trên thế giới, mà trước hết chúng ta chỉ cần so sánh mặt bằng giá hiện tại ở Việt Nam với thời điểm cách đây 4 năm.

Ngày 9.8.2010, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam ra Thông cáo Báo chí điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu như sau: Xăng không chì RON 95 là 16.900 đồng/lít; Xăng không chì RON 92 là 16.400 đồng/lít; Diesel 0,05S là 14.750 đồng/lít; Diesel 0,25S là 14.700 đồng/lít; dầu hoả là 15.100 đồng/lít; madút 3S là 12.990 đồng/kg và madút 3,5S là 12.690 đồng/kg.
Theo Thông cáo Báo chí của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giảm giá xăng dầu từ 11 giờ 00 ngày 22.11.2014 thì mức giá mới từ thời điểm này như sau:
Cần lưu ý là ở thời điểm này cách đây 4 năm tỷ giá VND/USD cũng xấp xỉ như bây giờ: 21.380 - 21.450 VND/USD cuối tháng 11.2010 và 21.390 VND/USD ngày 28.11.2014.
Như vậy, so với thời điểm cách đây 4 năm, với cùng mặt bằng giá dầu thô trên thế giới và tỷ giá ngoại tệ tương đương, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng hơn khoảng 25% (Xăng A95 tăng 23,4%; xăng A95 tăng 23,5%; Diesel 0,05S tăng 26,4%; Diesel 0,25S tăng 26,5%; Dầu hoả tăng 27,5%).
Rõ ràng là gánh nặng chi phí vẫn ngày càng đè nặng lên vai người dân Việt Nam. Ngoài ra, xăng dầu là một loại nhiên liệu chiến lược, thiết yếu nên dĩ nhiên đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế Việt Nam cạnh tranh kém, khó lòng “cất cánh”./.

“Vừa hợp tác vừa đấu tranh” và … Vương Thúy Kiều

Hạ Đình Nguyên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra phương châm 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” nghe hay hay, để nói về đối sách của ta với Tàu. Ông còn nói thêm: “Đối với Trung Quốc, dù mưa bão… mãi mãi là láng giềng”.
Tôi bỗng nghĩ đến nàng Vương Thúy Kiều trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Xin nói ngay rằng, tôi không có ý mỉa mai khi liên hệ “lục tự phương châm” này của Thủ tướng Dũng với hình ảnh nàng Thúy Kiều, mà là một liên hệ nghiêm túc, vì rằng truyện Kiều được thừa nhận là một tác phẩm văn học kiệt xuất vượt thời gian của nền văn học Việt Nam. Nhân vật Thúy Kiều lại đã làm rơi nước mắt của bao thế hệ, từ người bình dân cho đến giới văn nhân, thi sĩ, học giả… Hình ảnh của Thúy Kiều như là biểu trưng của một thứ định mệnh của dân tộc. Nàng Kiều cũng đã từng “vừa hợp tác vừa đấu tranh” gần hết quãng đời thanh xuân nhan sắc của mình.
Thúy Kiều khởi sự ra đi bằng một động cơ tốt “chuộc cha, cứu nhà” với biện pháp “bán mình” cho Mã Giám Sinh. Một sự chọn lựa tự nguyện hy sinh để lao vào cuộc phiêu lưu mơ hồ với ý tưởng thực thà và ngây thơ, rồi nhận lấy một hệ quả đau thương, đầy nước mắt, đến cả tự sát.
Trong suốt quá trình phiêu lưu, bao giờ Kiều cũng có tinh thần hợp tác chân thành với kẻ xấu với mình, và luôn canh cánh bên lòng một cuộc đấu tranh âm thầm, cố thoát ra khỏi cảnh cá chậu chim lồng để tìm tự do. Lần cuối cùng rơi vào âm mưu nham nhở của Hồ Tôn Hiến, Kiều tuyệt vọng muốn kết thúc cuộc đời bằng cách lao mình xuống dòng sông chảy xiết. Ngoài sự vô vọng về mơ ước tự do, Kiều còn mang theo nỗi ân hận không thể tự tha thứ, vì đã gây nên nhiều tội lỗi, nhất là cái chết của Từ Hải, người đã hết lòng yêu thương mình, đồng thời cũng là niềm hy vọng cuối cùng cho cuộc vượt thoát. Cái chết mà Thúy Kiều tìm đến lần này, là sự kết thúc trọn vẹn một phương thức nhập nhằng, thiếu tự tin của một tư tưởng không độc lập tự chủ. Cái chết của Kiều khi lao xuống sông Tiền là cái chết giả định, tượng trưng cho một sự chuyển đổi tâm thức triệt để. Nếu không có cái quyết liệt ấy, Kiều sẽ tiếp tục cuộc trôi lăn vô vọng trong tình cảnh nô lệ. Thực ra, Kiều đã tắm gội một cách tận cùng rốt ráo để lấy lại sự tinh khiết, và được trở về cố hương với “thiện căn” ban đầu, như “đứa con đi hoang đã trở về”. Thời đại của Kiều là thời đại bi đát, vì không “bán” mình thì không biết làm gì hơn! Nhưng bán mình của Kiều không có nghĩa là “bán mình” để nuôi thân như nghĩa thông thường ngày nay, mà trao đổi trân trọng giá trị của cuộc sống.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời từ một nghĩa cả, với niềm mơ ước độc lập tự do. Tầm vông vạc nhọn và đôi dép râu, giống như Kiều, là cống hiến giá trị sống với một niềm tin “ảo/không thật có ” về cái tốt của người.
Xét một cách công bằng, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cũng là lời nói đúng. Đó là nhìn nhận một sự thật, không thể không “hợp tác” với Tàu, vì đó là một nước lớn, ở sát nách, có mối quan hệ lịch sử từ ngàn xưa, lại cùng thân phận lệ thuộc. Nhưng cũng đã “dám” công khai thừa nhận, nó có cái xấu nên phải “đấu tranh”. Thật ra đây là chuyện không mới, vì đã có cả 4000 năm lịch sử trần ai với chúng, nhưng lại khá mới với lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi ra đời đến đây là 70 năm.
Cũng nên công bằng để nhắc lại, có một thời gian ngắn ngủi khi Trung Quốc đem 60 vạn quân đánh bất ngờ vào sáu tỉnh biên giới, giết sạch, phá sạch và tuyên bố “dạy một bài học” (1979) thì Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng – thấy niềm tin của ông bị phản bội trắng trợn – mới công khai gọi chúng là kẻ thù truyền kiếp và ghi thẳng vào Hiến Pháp. Một nỗi thất vọng không đáng có vì một niềm tin không nên có. Nhưng không bao lâu thì câu ấy bị gỡ ra, và xóa cả chứng tích cả bia mộ, lệnh cho toàn dân không được nhắc tới, xuất phát từ Hội nghị bí mật ở Thành Đô, và thay vào đó là lời thú tội nghiêm túc, nguyện trung thành với phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt, dịu ngọt ngoan hiền, toàn Đảng học thuộc với một tấm lòng cung kính. Cái “nổi trận lôi đình” của ông Lê Duẩn xem là chuyện nhất thời phải quên đi, phải lau chùi sạch sẽ một cách khiếp nhược, so với lịch sử gắn bó dài hơi của Đảng.
Sự nín nhịn và chịu đựng qua vụ mất Hoàng Sa, Gạc Ma… Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn mang thân phận Thúy Kiều, chịu lép một bề, với lời sám hối trong đòn roi: tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa. Lời thề thốt không vượt qua số phận. Chiếc giàn khoan 891ngang nhiên xuất hiện chiếm đóng vùng lãnh hải, thì nhân dân và một bộ phận trong đảng không thể cam chịu được nữa. Sự thật đã bung vỡ. Lý tưởng “xã hội chủ nghĩa cùng nhau” (trong Thông cáo chung) mà Đảng hoài mong đã hoàn toàn sụp đổ trong sự thảng thốt. Chiếc giàn khoan 891, như trò thô bỉ bẽ bàng lần cuối của Hồ Tôn Hiến, đã làm giọt nước tràn ly, khiến cho Kiều tỉnh ngộ để đi đến một quyết định triệt để đổi đời. Gieo mình vào sóng nước trùng khơi, với Kiều là sự tỉnh ngộ rốt ráo. Nhưng với Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa thể buông lơi cái “hợp tác” đã lỡ, nên xuất hiện thêm một chữ “đấu tranh”. Người ta còn nhiều hồ nghi về mức độ của từ ngữ ấy, phần nào như một lời gượng ép. Nó là lời thật hay lời giả để đối phó? Đặc biệt đã kèm theo một thề thốt đáng lẽ không nên: “dù mưa bão… mãi mãi là láng giềng”. Khó ai đi hiểu chữ “láng giềng” với ý nghĩa thuần túy về địa lý.
Kiều đã trải qua một đoạn đường dài trồi sụt của niềm tin trong nỗi đắng cay, từ Mã Giám Sinh, Sở Khanh, các loại Tú Bà, Thúc Sinh, đến Từ Hải, và đã cho thấy Kiều chưa từng không hợp tác, chưa từng không đấu tranh, để rồi kết thúc niềm tin, lần cuối cùng và cũng triệt để, bởi sự kiện Hồ Tôn Hiến. Cũng như Thúy Kiều, trong cuộc trần ai mà Đảng trải qua về mặt sinh lý và lý trí, cũng không thiếu nổi trồi sụt những cơn đau âm thầm và những cơn hưng phấn mây mưa. Cơ thể Đảng hẳn nhiên là không đồng bộ. Thủ tướng Dũng đã nói lên tiếng “đấu tranh” có phải là tiếng nói của 16 ủy viên Bộ Chính trị hay 1/16 Bộ Chính trị, hay chỉ là tiếng rên nhất thời lúc cố cựa mình trong một cơn mê? Mà cho dù đủ 16, thì cũng chưa đủ là niềm tin của nhân dân.
“Thiện căn” của Đảng phải nằm ở ý muốn và ý chí của toàn dân. Hợp tác trên cơ sở nào, và đấu tranh trên cơ sở nào, nếu không phải trên nền tảng của một thể chế dân chủ mà tiếng nói và sức mạnh của nhân dân được thể hiện minh bạch và đầy đủ? Hợp tác trong âm thầm và đấu tranh cũng trong âm thầm, thông qua những tay áp phe và dắt mối, là cách thế riêng của Kiều, chứ không thể là cách riêng của Đảng, nếu Đảng là đại biểu của nhân dân? Là điều mà cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói bóng gió theo cách nể nang e thẹn là “lỗi hệ thống”, nói trắng ra là cái hỏng hóc nằm ở toàn bộ thể chế chính trị? Nguyên cớ từ một thằng bán tơ (với Kiều), rồi dẫn đến Chủ nghĩa Mác-Lênin (với Đảng Cộng sản Việt Nam), chính là sự ngã giá phỉnh phờ đầu tiên mà Mã Giám Sinh đã lừa được Kiều trong cơn hoạn nạn, và cũng bắt đầu từ đó, cuộc phiêu bạt lãng phí máu xương của Đảng và Nhân dân tiếp diễn. Thời gian đằng đẵng những 70 năm, nhân cho nhiều thế hệ, mà mỗi thế hệ bình quân nhân cho 15 năm Thúy Kiều! Nước mắt nhiều như nước sông Hằng trong kinh Phật, vẫn tiếp tục chảy.
Nàng Kiều đã hồi phục “thiện căn” sau một lần tắm gội kỹ càng ở sông Tiền, nhưng với Đảng Cộng sản Việt Nam thì cuộc tắm rửa chưa đồng bộ, mỗi bộ phận trong cơ thể đang vận hành trong tình thế phân liệt, chập chờn giữa tỉnh giữa mê. Vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa đau thương vừa sảng khoái. Gươm đàn nửa gánh non sông mấy chèo!
Những tay anh hùng giai cấp, nhân danh nghèo khó và ra đi từ nghèo khó, nay trở về trong thênh thang lâu đài dinh thự, hãnh tiến và hiên ngang giữa xóm nghèo, họ ngâm vang chứ chẳng cần phải “ca len lén bài ca nửa thú vật nửa thiên thần” như lời của Mác chỉ trích tôn giáo!
Những đứa con đi hoang hãy trở về, nhưng không phải về với tư cách ấy.

Trở về trong “hoành tráng” !
Thi hào Nguyễn Du nói:
Thiện căn ở tại lòng ta
 Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
“Thiện căn” của một dân tộc nằm ở chỗ Độc Lập, không lệ thuộc, dù nước có nhỏ như một hòn đảo Singapore, hay chưa tiến bộ như Campuchia, như Lào, như Myanmar… Cái tâm chưa chuyển đổi, cái tài cũng như vứt xuống sông. Ngôn ngữ nhảy múa. Có những lời không đáng nghe, lại có những lời đáng nghe mà không đáng tin. Đấu tranh phải chăng là loại ngôn ngữ phấn son của hợp tác? Nó che giấu cái phần hợp tác bất chính ngoài ý muốn của một đời Kiều? Vì sao có Bauxite Tân Rai, có Vũng Áng, có “Hải Vân quan”, có Ải Nam quan, có thác Bản Giốc, có thỏa thuận bí mật Thành Đô, v.v.? Sự thỏa hiệp mơ hồ của niềm tin hợp tác phảng phất nơi Thúy Kiều hãy còn đó với Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh. Chưa dám dấn thân với Từ Hải thì chưa có điều kiện để đến bước giác ngộ ở sông Tiền.
Phương châm của Thủ tướng Dũng đưa ra “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” thoạt nghe có chút phân vân về sự lưỡng tính, mà thêm “mãi mãi là láng giềng” như vỡ ra một tình thế lưỡng nan, từa tựa như sự quay đầu; hoặc, xét cho cùng dù ngôn ngữ có vẻ tân kỳ, bay bướm hơn đôi chút, nhưng không khác mấy với phương châm “đánh chuột không để vỡ bình” của ông Tổng Bí thư Trọng, dù ý tưởng của ông Dũng ở phạm vi rộng lớn hơn là trong cõi chén bát bình lọ.
Hóa ra lại như nhau???

Hợp tác trong “bình đẳng”! 
Sông Tiền Đường phải là biểu trưng sự kết thúc một nhân sinh quan yếm thế, một ý thức hệ lạc hậu. Nỗi trầm luân của Vương Thúy Kiều chưa đến đoạn cuối./.
25-11-2014
Đ. N.
Tác giả gửi BVN.

Kỳ Duyên - Lỗi cậu 'kíp trưởng' và chuyện 'thầy bói mù sờ voi'

Nếu năng lực cán bộ, công chức 'hoàn hảo' vậy, quả là… “phúc ấm” cho dân tộc với một hệ thống công chức, viên chức toàn tâm, toàn trí, mẫn cán cao độ.

I-Khi những nỗi đau trong ngành hàng không thế giới liên tiếp xảy ra, khiến năm 2014 này trở thành năm thảm họa của ngành hàng không quốc tế vừa tạm lắng dịu, thì một vụ việc nghiêm trọng xảy ra mới đây của ngành hàng không Việt Nam khiến xã hội bàng hoàng.

Đó là vào ngày 20/11, tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC/ HCM) ở sân bay Tân Sơn Nhất đã xảy ra sự cố sập nguồn điện dẫn đến mất quyền điều hành bay. Tại thời điểm này, có 54 máy bay trong khu vực trách nhiệm của ACC/ HCM trong tổng số 92 máy bay bị ảnh hưởng. Thót tim nhất là sự việc mất quyền điều hành bay xảy ra trong vòng 1 giờ 15 phút đã khiến hai máy bay suýt đụng nhau trên bầu trời, 05 chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh, 05 máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời từ 20 đến 50 phút chờ có tín hiệu trở lại mới dám tiếp đất, và an toàn của 50 chuyến bay với hàng ngàn mạng sống trên đó có thể bị đe dọa (TBKTSG, ngày 27/11).

Nhiều máy bay trong vùng thông báo bay của t/p HCM, Hà Nội, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn, quay trở lại sân bay khởi hành hoặc hạ cánh sân bay dự bị.
Ấn tượng trong tuần, cậu kíp trưởng, thầy bói sờ voi, Kỳ Duyên, kiểm soát không lưu,

Thử tưởng tượng, nếu sự cố bất ngờ này không được khắc phục, thì sẽ ra sao? Chính vì thế lãnh đạo Cục HKVN đã thừa nhận- “đây là vấn đề kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại VN, cần phải được tiến hành điều tra”.
Cứ thỉnh thoảng, HKVN lại cho xã hội thót tim. Trước đó, ngày 29/10, cũng trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất, một chiếc máy bay quân sự của VN bất ngờ rẽ phải, cắt qua hướng cất cánh của một máy bay dân sự khác. Trước đó nữa, tháng 06, một chiếc máy bay chở gần 200 hành khách đi Đà Lạt lại đỗ “nhầm” xuống Cam Ranh, khiến hành khách dở khóc dở cười, còn hãng HK này thì… ngượng vô kể.
Thế nên vụ việc tại Trung tâm Kiểm soát không lưu ở sân bay TSN khiến người ta có quyền đặt câu hỏi, an toàn hàng không VN đang đứng ở đâu?
Một chiếc xe máy, một chiếc ô tô không may gặp nạn, đã kéo theo nỗi đau vô hạn của một gia đình, nhiều gia đình, một dòng họ, nhiều dòng họ. Nữa là tai họa rủi ro xảy ra với máy bay.
Mặt khác, xã hội chúng ta hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức cam go của một quốc gia chậm phát triển, không ít tệ nạn, niềm tin con người giảm sút, trong khi an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc với nỗi đau Hoàng Sa- Trường Sa luôn thường trực. Đặt tâm lý xã hội đó trong bối cảnh những tai họa rủi ro của giao thông đường bộ đã thành “thảm họa”, giao thông đường sắt, đường sông, đường HK hiện hữu, thì lòng người khó có thể nói là bình an.
Thế nên, vốn được coi là dân tộc lạc quan nhất nhì thế giới, nhưng mới đây, khi tạp chí danh tiếng hàng đầu nước Mỹ- Business Insider xếp hạng nước Việt đứng trong top 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới, thì người Việt lại… giãy nảy lên. Cũng dễ hiểu.
Ấn tượng trong tuần, cậu kíp trưởng, thầy bói sờ voi, Kỳ Duyên, kiểm soát không lưu,
Vụ việc tại Trung tâm Kiểm soát không lưu ở sân bay TSN khiến người ta có quyền đặt câu hỏi, an toàn hàng không VN đang đứng ở đâu? Ảnh minh họa
Và vụ việc xảy ra ở Trung tâm Kiểm soát không lưu để lại trong lòng xã hội một hoài nghi dai dẳng? Lỗi tại ai, cái gì? Con người hay kỹ thuật? Sự kém cỏi, vô trách nhiệm hay có bàn tay phá hoại bên ngoài?
Mặc dù trên thế giới, ở một số sân bay như Burbank (bang Nam California- Mỹ), sân bay quốc tế Soekarno- Hatta (đảo Java- Indonesia), sân bay quốc tế Indira Gandi (Ấn độ), và mới đây nhất, ngày 14/11 tại sân bay Bogota (cửa ngõ chính của Colombia), cũng từng xảy ra những sự cố nguy hiếm- mất điện trong lĩnh vực kiểm soát không lưu. Nhưng với nước Việt, sự cố khá hy hữu này ngay lập tức đã khiến các hãng thông tấn nước ngoài- Tân Hoa Xã, AFP và Channel News Asia (Singapore) đưa tin với nhận xét “nghiêm trọng chưa từng có”
Rồi xã hội cũng có câu trả lời từ Tổng Công ty Quản lý bay VN. Đó là nguyên nhân sự cố do kíp trực, mà đích danh là kíp trưởng Lê Trí Tình, đã thao tác sai về kỹ thuật, gây nên sập hệ thống.
Hệt câu thành ngữ dân gian hiện đại lâu nay được tổng kết: Lỗi cậu đánh máy. Còn ở sự cố nghiêm trọng này: Lỗi cậu kíp trưởng!
Ngược lại, ý kiến của TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM, ý kiến của TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật HK (ĐH Bách khoa t/p HCM) lại đều có chung một nhận định: Vụ việc vừa qua không phải là sự cố kỹ thuật đơn thuần, trái lại "rất khó hiểu". TS Nguyễn Thiện Tống còn đặt ra nghi vấn có thể có kẻ phá hoại.
Bởi theo cả hai ông, nguồn điện thứ nhất bị sự cố, thì nguồn thứ hai lập tức hoạt động. Nếu cả 02 nguồn đều mất điện, thì nguồn thứ 03 là động cơ diezen sẽ lập tức hoạt động. Nguồn thứ 04 là hệ thống tích điện UPS. Khi hệ thống mất điện đột ngột, UPS tự động chuyển sang chế độ cung cấp điện, đảm bảo hoạt động trong một thời gian. Nếu đã sử dụng đến UPS cũng có nghĩa là cả 03 nguồn kia đã bị hỏng. Nếu tính cả UPS thì cả 04 nguồn cung cấp điện đều gặp sự cố. Hiện tượng đó chưa bao giờ có thể xảy ra kể cả trên thực tế hay lý thuyết. Càng kỳ lạ hơn, việc mất điện vừa qua xử lý rất đơn giản nhưng không hiểu sao phải mất hơn 01 giờ đồng hồ (TPO ngày 23/11).
Đến thời điểm này, sự nghi vấn “rất khó hiểu, vô lý” của các chuyên gia kỹ thuật dần dà có vẻ như đã được giải mã, mặc dù cách nhìn nhận, giải thích sự cố còn có những điểm chưa chịu nhau giữa các chuyên gia với ý kiến Tổng CT Quản lý bay VN. Khi  ông Đinh Việt Thắng, Tổng GĐ Tổng CT này báo cáo tại cuộc họp Bộ GTVT sáng 24/11 khẳng định, do lỗi chủ quan của con người.
Vì về nguyên lý, khi sự cố xảy ra, các nhân viên tiến hành cần đóng lại điện lưới, nhưng trong quá trình này, vị kíp trưởng lại có một tác động can thiệp sai vào UPS khiến UPS nhảy ngược lại, hệ thống lại tiếp tục mất điện. Tức là, thay cho việc đơn giản đóng lại điện lưới thì ông kíp trưởng lại… sửa UPS.
Nếu đây là cách giải thích khoa học căn cứ trên kết luận chuẩn xác của cơ quan chức năng, thì hẳn sự nghi ngờ của các chuyên gia, nghi ngờ của dư luận xã hội trở thành bất ngờ. Bởi không thể hình dung vụ việc lại khôi hài và nguy hiểm đến vậy, ở một Trung tâm Kiểm soát không lưu máy bay, nắm trong tay sinh mạng hàng ngàn, hàng vạn con người đang bay trên trời (?)
Mặc dù hiện nay, các phương án xử lý nhân viên kém năng lực, các quan chức có trách nhiệm liên đới xung quanh vụ việc này cũng đã được thông tin trên truyền thông, có điều dường như ít ai để ý đến những điều đó. Mà dư luận xã hội lại tập trung hơn cho cái gốc của sự cố nghiêm trọng đang lộ ra, theo kiểu em tệ hại dần lên trong mắt anh.
Cái sự tệ hại đó không thể giấu đi đâu được trong con mắt nhân gian. Đó là có tới “40% nhân viên không lưu thiếu chuẩn…” đăng trên VietNamNet (ngày 25/11).
Theo bài báo, “thống kê của Cục Hàng không VN, được chính Cục trưởng Lại Xuân Thanh xác nhận, hiện nay 40% kiểm soát viên năng lực trung bình yếu”.
Vì sao, có tới 40% nhân viên không lưu năng lực yếu đến vậy, mà vẫn lọt qua cái cửa tuyển dụng sàng lọc nổi tiếng khe khắt của ngành HK? Trong số đó, có bao nhiêu người thuộc thành phần COCC (con ông cháu cha)? Khi mà bài báo trên đã chỉ rõ, trong vụ việc 02 máy bay quân sự- dân sự suýt va đầu vào nhau, thì có 04 kiểm soát viên chính là con cháu lãnh đạo Công ty quản lý bay miền Nam!
Vì sao, vụ việc chỉ cần xử lý một thao tác kỹ thuật đơn thuần, không cần đòi hỏi trình độ quá cao, mà một kíp nhân viên kỹ thuật, trong đó, đứng đầu là một kíp trưởng lại có thể làm ngược quy trình, thao tác sửa chữa đến nỗi suýt gây họa lớn?
Đặt trong bối cảnh, từ lâu dân gian nước Việt thời hiện đại đã có “thành ngữ” mới: Tiền tệ, quan hệ, trí tuệ…, trong đó, tiền tệ hàng đầu, quan hệhàng hai, thì không biết vụ việc này có…họ hàng thân thiết gì với cái thành ngữ mới không?
Lỗi tại cậu “kíp trưởng” hay “lỗi hệ thống”  đã tạo ra con số 40% nhân viên không lưu kém cỏi nói trên?
                               ******************************
II- Có một sự trùng hợp vô tình ngược nhau mà thành thú vị.
Trong tuần, dư luận xã hội, các ĐBQH cũng xôn xao bàn luận về một con số “đẹp như mơ” mà Bộ trưởng Nội vụ đưa ra trước nghị trường. Theo báo cáo này thì tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cho thấy có 34, 33% cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 58,08% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 4,94% hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế; và chỉ có 0,46% không hoàn thành nhiệm vụ.
Ấn tượng trong tuần, cậu kíp trưởng, thầy bói sờ voi, Kỳ Duyên, kiểm soát không lưu,
Đây là một trong 20 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới?
Cũng theo báo cáo, có 23 bộ, ngành, địa phương thống kê không có công chức nào bị đánh giá, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ; 07 bộ, ngành, địa phương không có viên chức nào bị đánh giá, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ (Đất Việt, ngày 20/11).
Nếu vậy, quả là “phúc ấm” cho dân tộc với một hệ thống công chức, viên chức toàn tâm, toàn trí, mẫn cán cao độ!
Thế nhưng, cũng giống như danh hiệu VN thuộc top 20 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới, những chỉ số “phúc ấm” đó khiến cho các ĐBQH ngay ở trong nghị trường đã… giãy nảy, nỏ tin!
Còn theo người viết bài này, ít nhất có 23 bộ, ngành, địa phương đang mắc “hội chứng” trong GD. Hội chứng này có tên gọi văn hoa- bệnh thành tích.
Bởi nếu cứ “chiếu’ giữa tỷ lệ % cao chót vót, toàn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì nên hiểu thế nào đây về thực trạng phát triển kinh tế- xã hội nước Việt và những thách thức cam go trên hành trình hội nhập hiện đại.
Đó là quy mô dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới, nhưng kinh tế VN lại xếp tận thứ 42/ 177 nền kinh tế, do WB công bố tháng 7/2013, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, đó là quá yếu kém. Theo bảng xếp hạng này, khu vực Đông Nam Á, nước có xếp hạng cao nhất là Indonesia (16) với hơn 1.223 tỷ USD. Theo sau là Thái Lan (21) với hơn 655 tỷ USD, Malaysia (26), Philippines (29) và Singapore (39) (Đất Việt, ngày 19/7/2013)
Trong khi bẫy thu nhập trung bình vẫn tiếp tục giăng ra, nợ công, nợ xấu đều đứng ở mức báo động, theo TS Alan Phan, một doanh nhân nổi tiếng làm việc tại Mỹ và TQ thì các chỉ số khác cũng không lấy gì làm ...kiêu hãnh.
Đó là về GD, VN đứng hàng 121/187 quốc gia. Về bằng sáng chế, đứng hàng 108/130. Về ô nhiễm, đứng ở vị trí 102/124. Về tham nhũng, đứng hàng 116/177 (có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng). Về chỉ số phát triển xã hội, đứng hàng 72/76. Về y tế, đứng hàng 160/ 190, trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.
Mặt khác, tuy thu nhập quốc gia của VN đứng hàng 57/193, VN lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người, vẫn đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
Hoặc nếu tỷ lệ hơn 99% là con số thực chất, chứng tỏ năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người VN quá thấp, hoặc có vấn đề.
Dù vậy, khó có thể chê trách Bộ Nội vụ, vì bộ này chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp các số liệu của các bộ, ngành, địa phương. Có điều, những số liệu đẹp bất ngờ lại không làm "đẹp" lòng nghị trường và cả xã hội, bởi nó bộc lộ ra những nhược điểm sau:
Bản thân bộ tiêu chí cũ mà Bộ Nội vụ xây dựng để các bộ, ngành, địa phương dựa vào đó làm thước đo đánh giá chất lượng công chức, viên chức đã tỏ ra không còn phù hợp với thời cuộc mới. Nó chỉ thể hiện một thứ tư duy lối mòn xưa cũ, không thể là một bộ công cụ làm thước đo khoa học, bản chất trong việc đánh giá công chức, viên chức thời kinh tế thị trường, gắn với những thang bậc giá trị mới, dưới cái nhìn của tư duy mới.
Dựa trên cái thước đo cũ kỹ đó, các bộ, ngành, địa phương không chỉ mắc hội chứng bệnh thành tích, mà còn mắc cả bệnh của thầy bói mù sờ voi. Bởi cho dù có được những con số tổng hợp mỹ mãn, các bộ cũng vẫn không tường minh được bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức của mình tốt xấu hay dở ở những điểm nào, vì nó rất chung chung. Và như thế, rất khó góp phần hữu ích cho công cuộc cải cách hành chính mà Bộ Nội vụ cần triển khai.
Nói như ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): Nếu có tới 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ thì Bộ Nội vụ không cần phải thực hiện cải cách thủ tục hành chính nữa!
Mặt khác, cũng phải thấy danh hiệu thi đua, như mặt bên kia của tấm huân chương, có tác động không nhỏ vào động cơ đánh giá, sự trung thực trong đánh giá. Vì thế, nếu không tỉnh táo, cẩn thận, thi đua vô tình trở thành… "chất xúc tác" của những cách đánh giá bề nổi, hình thức, và thậm chí là dối trá.
Đánh giá con người- cán bộ, công chức, viên chức- là một việc cực kỳ quan trọng và cần thiết cho công cuộc CCHC, cho việc cải thiện và thúc đẩy bộ máy dịch vụ, hành chính công các bộ, ngành, địa phương. Thế nhưng, nếu không có một bộ tiêu chí với kỹ thuật đánh giá con người một cách sát thực nhất, nếu vẫn với những cách đánh giá hình thức, bề nổi của một thời xã hội vận động theo các phong trào kiểu đầu voi đuôi chuột thì rồi các địa phương vẫn giống như thầy bói mù sờ voi.
Rút cục, CCHC vẫn còn … e lệ nép vào cũ xưa.
Và câu chuyện lỗi cậu kíp trưởng kém cỏi, chuyện 40% COCC hẳn không phải là chuyện riêng biệt của ngành hàng không nước Việt nữa.
  Kỳ Duyên
(Tuần Việt Nam)

Hoàng Sa ‘là của An-nam’

LTS: Bài báo này Hoàng Đạo viết năm 1938 trên Ngày Nay, tròn 76 năm, nhưng giá trị thời sự vẫn còn nóng bỏng. Đảo Hoàng Sa, mà người Pháp gọi là Paracels, đã là nguyên nhân tranh chấp giữa nhiều quốc gia thời ấy. Hoàng Đạo đã bình luận một cách tiên tri, rằng hòn đảo ấy “chỉ là của sức mạnh”.Ngày nay, nó còn là kết quả của sự thần phục và tinh thần nhược tiểu.
***
Bia khắc Việt Nam trên đảo Hoàng Sa
Bia khắc Việt Nam trên đảo Hoàng Sa

Quần đảo Paracels bỗng nhiên hóa ra quan trọng.

Mấy hòn núi nhấp nhô trên mặt biển Đông, bỏ hoang đã bao nhiêu thế kỷ, bỗng nhiên ai nấy đều đến hỏi han một cách âu yếm lắm.

Nước Pháp và nước An-nam bảo là lĩnh thổ của mình và cố tìm trong kho sách mọt những chứng cớ cổ: Người An-nam đến đảo đã hơn một trăm năm, và vua Gia Long đã có dụ sát nhập đảo vào nước Nam. Và hăng hái đem quân đến.

Nước Nhật không bằng lòng, và cả quyết nói: đảo ấy của người Nhật. Vì có người Nhật được khai khẩn trong đảo. Rồi cũng hăng hái đem quân đến.

Nước Tàu của Tưởng Giới Thạch cũng ra mặt đòi là của mình. Vì từ 1909, Tàu đã sát nhập quần đảo vào lĩnh thổ Tàu rồi. Nhưng không hăng hái đem quân đến, vì có muốn cũng chẳng còn quân đâu mà kéo đến nữa.

Vậy quần đảo là của ai?

Lấy mới cũ mà nói, thì nó là của An-nam. Nhưng ở trường quốc tế, người ta không ai theo luật mới cũ cả.

Cho nên quần đảo ấy chẳng là của ai cả. Nó chỉ là của sức mạnh.
Rồi đây, Pháp mạnh hơn Nhật, thì nó là của Pháp. Mà nếu Nhật mạnh hơn Pháp, thì nó là của Nhật.

Còn Tàu, cái nước to mà yếu, thì ai người ta kể đến làm gì cho nhọc.
 Hoàng Đạo
Trích Người và Việc, Ngày Nay số 120, ngày 24/7/1938

Hàng chục tàu cá Quảng Ngãi bị đập phá từ đầu năm đến nay

Quảng Ngãi thống kê có ít nhất 34 tàu cá của tỉnh này bị nước ngoài ngăn cản, đập phá, tịch thu tài sản trong lúc đánh bắt thủy sản trên biển. 
Tại Hội nghị tỉnh ủy sáng 27/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết, từ đầu năm đến nay có 7 tàu cá với 72 ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ. Ít nhất 34 tàu và 422 ngư dân bị nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc) ngăn cản, đập phá, tịch thu tài sản trong lúc hành nghề trên biển. 
27-11-Anh-1-Tau-ca-bi-dap-pha-4015-14170
Tàu cá của ông Lê Khởi (quê huyện đảo Lý Sơn) bị đập phá tan hoang trong lúc hành nghề hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 8. Ảnh: Trí Tín.
Trước tình hình phức tạp, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng Trung ương có giải pháp kịp thời nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, đưa ngư dân về nước an toàn và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo.

Để giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp can thiệp, chấm dứt tình trạng bắt giữ, xử phạt, đánh đập, tịch thu tài sản bất hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các địa phương điều tra, khởi tố nhóm người móc nối, tổ chức đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở nước ngoài.

Tỉnh này cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với các nước trong khu vực, ký các hiệp định nghề cá để ngư dân có thể khai thác hải sản hợp pháp với các vùng biển nước ngoài. Buộc tàu cá có công suất 90 CV trở lên phải trang bị thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh (GPS) để quản lý và có cơ sở xác định vị trí tàu khi bị nước ngoài bắt giữ.

Hiện, Quảng Ngãi có hơn 5.450 tàu cá với 38.000 ngư dân lao động trên biển, trong đó có hơn 2.800 tàu có công suất lớn hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ.
Trí Tín
  (VnExpress) 

Vụ Cửa Khẻm. Phải gọi đích danh là bán nước

vnexpress_nocredit.jpg
Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân
Những tin tức về việc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép cho một công ty của Hồng Kông xây dựng khu nghỉ dưỡng đồ sộ tại mũi Cửa Khẻm án ngữ đèo Hải Vân, một vị trí trọng yếu chiến lược bảo vệ Tổ Quốc đã gây bất ngờ với tất cả mọi người. Và từ bất ngờ đến căm phẫn. Người ta gọi đó là hành vi “bán nước”. Phải chăng thành phố Đà Nẵng chính là nơi phát hiện và phản đối đầu tiên ?Và Thừa Thiên- Huế đã phản pháo rằng đó là vùng đất của Thừa Thiên Huế quản lý và rằng mảnh đất đó nằm trong quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Lăng Cô Chân Mây đã được Chính phủ phê duyệt. Và rằng Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh đã thẩm định không có gì ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng . Không nói ra nhưng Thừa Thiên –Huế hận Đà Nẵng đã phá hỏng con mồi đã đưa gần tới miệng

Đưa lá bài “nằm trong khu kinh tế Lăng Cô- Chân mây đã được Chính phủ phê duyệt” Thừa Thiên –Huế định lặp lại con bài Bô xít Tây Nguyên và Vũng Áng, Cửa Việt. Nhưng dư luận bây giờ đã hết sức cảnh giác, mà khi các tướng lĩnh đã nghỉ hưu và đang tại chức đã phản đối thì chắc chắn chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng Trung Hải sẽ không đời nào hy sinh danh dự và tương lai của mình cho một dự án đầy tai tiếng. Tai tiếng”bán nước”.

Thói đời khi làm quan, người ta đều lo đến hạnh phúc của nhân dân. Lo cho hôm nay và lo cho mai sau. Nếu không đủ sức lo cho mai sau thì hãy lo cho hôm nay. Đằng này, từ ông bí thư tỉnh ủy, ông chủ tịch tỉnh, ông đại tá chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đều thống nhất ý kiến bảo vệ quan điểm sai trái của mình đến cùng.

Nhưng trên các ông còn có những người chức vụ to hơn, có tiếng nói quyết định hơn . Tiếng nói của ông đại tá chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chắc cũng là Thường vụ Tỉnh ủy chẳng qua cũng là ý kiến bảo vệ một nghị quyết sai trái của Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế làm sao bác được ý kiến của các tư lệnh quân khu IV, quân khu V và Bộ Tổng tham mưu. Trong phi vụ này, người ta chờ đợi ý kiến của Phùng Đại tướng sau khi đi Trung Quốc về nhưng ông này khôn ngoan không có ý kiến gì . Chứ nếu ông lại ủng hộ viên Đại tá địa phương thì “thôi rồi Lượm ơi!”. Nhưng nếu ông lên tiếng phản đối thẳng thừng trên cương vị Tổng tư lệnh chịu trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc thì uy tín của ông sẽ dâng cao và ghế Chủ tịch nước có thể sẽ tới tay ông trong nhiệm kì tới. Nhưng không biết vì lí do gì ông giữ im lặng. Phải chăng trong lúc này “im lặng là vàng “

Trước sức ép của dư luận, sức ép từ cấp trên mà trực tiếp là yêu cầu báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên –Huế đã “tự nguyện” rút giấy phép cho nhà đầu tư xây dựng ở Cửa Khẻm không phải chờ Chính phủ ra quyết định thu hồi. Nhưng không phải cứ thế là các ông có thể ăn ngon ngủ kĩ.

Quyết định cấp phép là một quyết định sai lầm nghiêm trọng nếu không muốn dùng hai từ tệ hại “bán nước” . Quyết định này sẽ đưa tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế vào thế mất hết uy tín và phải kiểm điểm đến nơi đến chốn. Ai chứ các ông bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh phải xin từ chức còn nếu không cũng phải cho thôi việc để người có tâm có tầm lên lãnh đạo tỉnh .Đừng có chơi cái trò đổ lỗi cho “thằng đánh máy” là Ban quản lý dự án Lăng Cô Chân mây. Riêng ông Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thì theo phép nhà binh trái lệnh cấp trên thì phải đưa ra Tòa án binh và trong chiến tranh là có thể bị xử bắn tại trận

Việc làm sai trái này của Thừa Thiên-Huế phải là bài học cho các địa phương khác trong cả nước đang nhăm nhe bán rừng, bán hầm mỏ, bán đất cho các Tập đoàn nước ngoài để họ đưa công nhân sang lập “ấp chiến lược” ngay tại quê hương mình. Đảng ta đã xác định Mỹ là kẻ thù nhất thời , nhưng Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp và trực tiếp , Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ đã phát biểu công khai trước Quốc hội âm mưu bành trướng của Trung Quốc không thay đổi. Thủ tướng đã cảnh báo tại hội nghị Manila về cái gọi là “hữu nghị viển vông” và bây giờ thì ông xác định bằng sáu chữ “ vừa hợp tác vừa đấu tranh” chứ chẳng có bạn vàng gì sất . Vậy mà vẫn có những cán bộ trung cao cấp của ta ngây thơ với 16 chữ vàng và 4 tốt .

Không ngây thơ đâu! Có giá của nó cả đấy

Trong phi vụ này việc đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư không nhỏ. Tình nghèo lại oằn lưng ra mà trả nợ. Nhưng chuyện này đâu có quan trọng. Tiền chùa chứ có phải tiền túi của các ông đâu. Nhưng những ai, một bầy sâu đã được nhà đầu tư mời đi nước ngoài, đã nhận “phong bì” bằng đô la của họ, đã gái gú với các mỹ nhân , đã bị họ quay phim bí mật thì bây giờ đang ngồi trên đống lửa đó thưa các ông. Tại kì họp Quốc hội vừa qua đã có khái niệm hối lộ tình dục. Đã có bao nhiêu quan chức Trung Quốc có bồ nhí đã sa lưới Tập Cận Bình. Chắc các vị lãnh đạo Thừa Thiên Huế biết rõ điều đó và đang lo sốt vó .
Lương Kháu Lão
(Blog Lương Kháu Lão)

Sức mạnh kinh tế đáng ngờ của Trung Quốc

Ngân hàng Thế giới mới đây vừa công bố rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong năm nay, tính theo sức mua tương đương (PPP). Nhưng đây vẫn chưa phải là một môt tả mang tính toàn diện về vị thế kinh tế của Trung Quốc trên thế giới.
Dù PPP có thể hữu ích trong việc so sánh sự thịnh vượng của các quốc gia, quy mô dân số lại có ảnh hưởng đáng kể tới chỉ số này. Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ mười trên thế giới tính theo tỷ giá thị trường của đồng đô la Mỹ và đồng ru-pi Ấn Độ, là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nếu tính theo PPP. Hơn nữa, các nguồn năng lượng, chẳng hạn như chi phí của dầu nhập khẩu hay của động cơ máy bay chiến đấu tiên tiến, được đánh giá tốt hơn theo tỷ giá hối đoái của các đồng tiền dùng để mua chúng.
china_economy_power_plant_a_19643Chắc chắn, kích thước tổng thể là một khía cạnh quan trọng của sức mạnhkinh tế. Trung Quốc có thị trường hấp dẫn và là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia – những nguồn quan trọng của đòn bẩy kinh tế mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngần ngại sử dụng.
Dù thế, ngay cả khi GDP tổng thể của Trung Quốc vượt qua Mỹ (theo bất cứ thang đo nào), hai nền kinh tế này sẽ vẫn duy trì những cơ cấu và mức độ phát triển rất khác nhau. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc – một thước đo chính xác hơn về mức độ phát triển của nền kinh tế – chỉ bằng 20% của Mỹ, và sẽ mất ít nhất hàng thập kỷ mới có thể bắt kịp (nếu điều đó có thể xảy ra trên thực tế).
Hơn nữa, như các quan chức và các nhà nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận, dẫu Trung Quốc đã vượt qua Đức năm 2009 để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới tính theo khối lượng hàng hóa, nó vẫn chưa phát triển thành một “cường quốc” thương mại do mảng thương mại dịch vụ ảm đạm và việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Trung Quốc cũng chưa có các thương hiệu quốc tế mạnh để được tự hào như các cường quốc thương mại Mỹ và Đức; trên thực tế, 17 trong số 25 thương hiệu toàn cầu hàng đầu là của Mỹ.
Mức độ phát triển thiếu chiều sâu của nền kinh tế Trung Quốc cũng được phản ánh trong các thị trường tài chính với quy mô chỉ bằng 1/8 của Mỹ và người nước ngoài chỉ được phép nắm một phần nhỏ các khoản nợ (tức trái phiếu-NBT) của Trung Quốc. Dù Trung Quốc đã cố gắng nâng cao sức mạnh tài chính bằng cách khuyến khích quốc tế hóa đồng tiền của họ, giá trị giao dịch thương mại bằng đồng Nhân dân tệ vẫn chỉ chiếm 9% tổng số thế giới, trong khi đồng đô la Mỹ chiếm 81%.
Ngay cả nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc – lớn nhất thế giới, gần 4 nghìn tỷ đô la – cũng không đủ để nâng tầm ảnh hưởng tài chính, trừ khi nhà nước thiết lập một thị trường trái phiếu sâu và cởi mở với lãi suất được tự do hoá và dễ dàng chuyển đổi tiền tệ. Các khoản dự trữ ngoại tệ này cũng không mang lại cho Trung Quốc nhiều sức mạnh đàm phán trực tiếp đối với Mỹ, do các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau luôn phụ thuộc vào mức độ bất cân xứng.[1]
Trung Quốc nắm giữ nguồn tiền đô la mà nó nhận được từ xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Mỹ, bằng cách mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Trung Quốc, giúp tạo ra tăng trưởng, việc làm và ổn định ở Trung Quốc. Đương nhiên, Trung Quốc không thể hủy hoại nền kinh tế của Mỹ bằng cách phá giá đồng đô la mà không phải chịu một vố đau cho chính họ.
Sự khác biệt giữa mức độ phát triển theo chiều sâu của nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ cũng lan đến cả lĩnh vực công nghệ. Dù đạt được một số thành tựu quan trọng, tiến bộ công nghệ của Trung Quốc vẫn dựa vào việc sao chép các sáng chế của nước ngoài nhiều hơn là đổi mới sáng tạo trong nước. Dẫu Trung Quốc đang được cấp nhiều bằng sáng chế hơn bao giờ hết, có rất ít phát minh mang tính đột phá. Trung Quốc thường phàn nàn rằng họ sản xuất được iPhone, nhưng không tạo ra được Steve Jobs.[2]
Trong những thập kỷ tới, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại,  theo tình trạng chung của tất cả các nền kinh tế khi đã đạt đến một mức độ phát triển nhất định – đó thường là mức thu nhập bình quân đầu người tính theo PPP mà Trung Quốc đang gần đạt đến. Nói cho cùng, Trung Quốc không thể dựa mãi vào các công nghệ được nhập khẩu và nguồn lao động giá rẻ để hỗ trợ tăng trưởng được. Các nhà kinh tế thuộc Đại học Harvard, Lant Pritchett và Lawrence Summers đã kết luận rằng hồi quy về trung bình sẽ đặt Trung Quốc ở mức tăng trưởng 3,9% trong hai thập niên tiếp theo.
Thế nhưng ước lượng thống kê đơn giản này không tính đến những vấn đề nghiêm trọng mà Trung Quốc phải giải quyết trong những năm tới, chẳng hạn như sự bất bình đẳng gia tăng giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các vùng ven biển và nội địa. Những thách thức lớn khác bao gồm khu vực công cồng kềnh và kém hiệu quả, suy thoái môi trường, di cư trong nước với số lượng lớn, mạng lưới an ninh xã hội chưa thích đáng, tham nhũng, và nền pháp quyền yếu kém.
Hơn nữa, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những điều kiện nhân khẩu học ngày càng bất lợi. Sau khi thực thi chính sách một con trong hơn ba thập kỷ, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2016, và số người già phụ thuộc sẽ nhiều hơn số trẻ em vào năm 2030. Điều này đã làm dấy lên những mối lo ngại rằng người dân sẽ già trước khi giàu.
Chế độ chính trị chuyên quyền của Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng ấn tượng trong việc hoàn thành các mục tiêu cụ thể, từ xây dựng đường sắt tốc độ cao cho đến tạo nên những thành phố hoàn toàn mới. Những gì chính phủ Trung Quốc chưa sẵn sàng làm là đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu tham gia chính trị ngày càng lớn – nếu không nói là nhu cầu về một nền dân chủ – thường có xu hướng đi kèm với việc tăng GDP bình quân đầu người. Liệu thay đổi chính trị có diễn ra khi bình quân đầu người GDP danh nghĩa, hiện tại khoảng 7.000 USD, đạt đến mức 10.000 USD, như đã xảy ra ở nước láng giềng Hàn Quốc và Đài Loan hay không?
Chúng ta vẫn phải chờ xem liệu Trung Quốc có thể phát triển được một công thức để quản lý tầng lớp trung lưu đô thị đang mở rộng, tình trạng bất bình đẳng giữa các khu vực, và những dân tộc thiểu số bất trị ở nhiều vùng hay không. Mức độ phát triển thiếu chiều sâu của nền kinh tế này có thể làm vấn đề phức tạp hơn nữa. Trong mọi trường hợp, tổng GDP, dù được tính theo phương pháp nào, cũng không phù hợp để xác định được khi nào – và liệu – Trung Quốc có  thể vượt qua Mỹ về sức mạnh kinh tế hay không.
Tác giả: Joseph S. Nye | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Biên tập: Lê Xuân Hùng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate
Joseph S. Nye là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, cựu chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, và là giáo sư tại Đại học Harvard, kiêm thành viên của Hội đồng Mục tiêu toàn cầu về tương lai của Chính phú thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới . Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn sách có tựa đề “Presidential Leadership and the Creation of the American Era.”
————–
[1] Tức dù phụ thuộc lẫn nhau nhưng ảnh hưởng của mỗi bên lên mối quan hệ sẽ khác nhau tùy vào việc bên nào phụ thuộc nhiều/ ít hơn vào mối quan hệ song phương. Bên phụ thuộc ít hơn sẽ có ảnh hưởng lớn hơn (NBT).
[2] Tác giả chơi chữ trong bản gốc: “they produce iPhone jobs, but not Steve Jobs.” Lưu ý rằng phần lớn các sản phẩm iPhone được chế tạo, sản xuất tại Trung Quốc, đây lại là phát minh của người Mỹ – ND
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét