Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Màn đu dây hay đâm sau lưng đồng đội

Tim Summers - Anh có trách nhiệm can thiệp vào Hong Kong không?

_78151348_0066c8ca-8e78-4903-adb8-6a5a0bfd1e28

 Thế giới đang dõi theo các sự kiện nổ ra ở Hong Kong trong những tuần gần đây sau khi hàng vạn người biểu tình ủng hộ dân chủ xuống đường và chiếm cứ các địa điểm then chốt giữa lòng trung tâm tài chính này. Trong khi mục tiêu của những người biểu tình đã nhận được sự ủng hộ từ quốc tế, các chính phủ nước ngoài vẫn đang cân nhắc xem họ nên tuyên bố gì về những sự kiện này.

Đó là điều nên làm, bởi lẽ Hong Kong là một thành phố có tầm quan trọng toàn cầu, nơi mà những biến động về chính trị  không chỉ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới hay những lợi ích thương mại ở châu Á mà còn hơn thế nữa.

Tuy nhiên, những nhận định của một số chính trị gia và nhà bình luận có tiếng trong những tuần gần đây lại cho thấy một sự thiếu hiểu biết rất đáng lo ngại về những hiệp định trong lịch sử và địa vị của Hong Kong như là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc dù vẫn có quyền tự trị đáng kể. Điều này sẽ không giúp gì cho việc xây dựng lại lòng tin, điều vốn rất cần thiết nếu muốn đạt được bất kỳ bước tiến nào trong việc giải quyết vấn đề của Hong Kong.

Những thử thách ngoại giao do các cuộc biểu tình này gây ra càng nan giải hơn đối với Vương quốc Anh, cường quốc thực dân cai quản Hong Kong trước khi chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997. Ảnh hưởng của Tuyên bố chung Anh- Trung vẫn đè nặng lên các nhà hoạch định chính sách. Theo thỏa thuận này, Hong Kong vẫn duy trì chế độ riêng dù là một bộ phận của Trung Quốc. Khái niệm “một đất nước, hai chế độ” (One country, two system) sau đó đã được chính thức thừa nhận trong Đạo luật Cơ bản Hong Kong năm 1990 – bản Hiến pháp thu nhỏ của đặc khu hành chính này.

Dù những cuộc biểu tình này được thúc đẩy thêm do sự bất mãn với chính quyền Hong Kong, chất xúc tác trực tiếp lại là quyết định ngày 31/8 về việc phát triển hiến pháp Hong Kong của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc – cơ quan lập pháp của nước này.

Vấn đề chính gây nên bất đồng không nằm ở việc liệu người Hong Kong có thể tham gia lựa chọn Đặc khu Trưởng (người đứng đầu chính quyền) tiếp theo vào năm 2017 hay không, bởi Bắc Kinh đã đồng ý cho phép một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu. Thay vào đó, tranh cãi lại đang xoay quanh cách thức đề cử các ứng cử viên vào vị trí này.

Chính quyền Trung ương nhận thấy việc họ có vai trò (trong việc bầu Đặc khu Trưởng) là phù hợp với Đạo luật Cơ bản Hong Kong. Điều này là một trong những biểu hiện của khái niệm “một đất nước” trên phương diện cấu trúc chính trị, bởi nếu không phải là “một đất nước” thì cấu trúc này sẽ được định đoạt ở Hong Kong (thay vì Bắc Kinh). Bởi vậy, quyết định ngày 31/8 đã quy định việc thành lập một Ủy ban Đề cử gồm 1.200 thành viên, và các ứng viên cần có sự chấp thuận của một nửa số thành viên Ủy ban này nếu muốn đi tiếp vào vòng bầu cử phổ thông đầu phiếu sau đó. Kết cấu của Ủy ban Đề cử khiến nó mang tính chất của một cơ quan thân chính quyền Trung ương mà thông qua đó, Bắc Kinh (và giới tinh hoa Hong Kong) có thể sàng lọc các ứng viên một cách hiệu quả.

Thành phố bị chia rẽ

Dù có nhiều quan điểm khác nhau ở Hong Kong nhưng một bộ phận đáng kể người dân mong muốn nhiều hơn thế, và trên thực tế đòi hỏi quyền tự chủ lớn hơn bằng cách phản đối mọi phương cách nhằm tác động vào cuộc bầu cử của Bắc Kinh, hoặc bằng việc tìm cách làm mờ nhạt đi vai trò của Ủy ban Đề cử. Những nguyện vọng này là hoàn toàn dễ hiểu nếu xét tới bản chất của xã hội Hong Kong và ước muốn có được một chính quyền tốt hơn.

Nhưng vấn đề ở đây là ước muốn đó không thể dễ dàng đạt được trong khuôn khổ của Đạo luật Cơ bản Hong Kong. Nếu không đạt được thỏa hiệp, Hong Kong có thể sẽ phải đối mặt với một dạng khủng hoảng hiến pháp.

Cuộc tranh luận này có liên hệ như thế nào đến các hiệp định trong lịch sử?

Trái ngược với quan điểm của một số người, những đề xuất ngày 31/8 không mâu thuẫn với Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Anh vốn chỉ quy định rằng Đặc khu Trưởng sẽ được “bổ nhiệm bởi chính quyền nhân dân Trung ương trên cơ sở kết quả bầu cử hay tham vấn được tổ chức tại địa phương (ở Hong Kong)”. Vai trò đồng ký kết của Anh trong Tuyên bố chung không mang lại cho nước này cơ sở pháp lý nào để phàn nàn về điểm này, và sự thiếu dân chủ của cơ quan hành pháp (Hong Kong) trước năm 1997 cũng khiến cho London không có tư cách đạo đức để có thể phê phán những đề xuất này.

Cũng chính Đạo luật Cơ bản Hong Kong đã đưa ra “mục đích cuối cùng của việc lựa chọn Đặc khu Trưởng thông qua bầu cử phổ thông dựa trên đề cử từ một ủy ban đề cử mang tính đại diện rộng rãi và tuân theo các quy trình dân chủ.” Đây chính là nền tảng của đề xuất gần đây của Bắc Kinh và Trung Quốc cũng đã không hứa hẹn bất cứ điều gì khác.

Những lời bình luận của các chính trị gia hay truyền thông không nên bóp méo các thỏa thuận lịch sử vốn đã làm nền tảng cho địa vị hiện nay của Hong Kong: một đặc khu hành chính với mức độ tự chủ cao chứ không phải là một quốc gia hay một vùng lãnh thổ với chủ quyền riêng.

Mặc cảm tội lỗi hậu thực dân

Có lẽ một phần vấn đề của người Anh nằm sau cảm giác tội lỗi thời kỳ hậu thực dân bắt nguồn từ ý nghĩ rằng chính phủ Anh đã không bảo vệ đúng mức cho người Hong Kong.

Nhưng các cuộc biểu tình một lần nữa cho thấy rằng người Hong Kong có đủ khả năng để bảo vệ cho bản thân mình. Bởi vậy lối suy nghĩ  của một số người Hong Kong rằng nước Anh dù ít dù nhiều vẫn phải chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của họ dường như đã lỗi thời.

Hơn nữa, chúng ta không nên quên các thành công to lớn của nước Anh khi đàm phán với Trung Quốc về tương lai của Hong Kong, thể hiện trong sự chuyển giao chủ quyền suôn sẻ năm 1997 và tiếp đó là sự duy trì hệ thống pháp luật, tư pháp, tài chính, xã hội và kinh tế của Hong Kong. Chúng tạo ra nền tảng cho một xã hội phát triển sôi động ở Hong Kong hiện nay. Dù việc triển khai chưa bao giờ thật sự suôn sẻ và dễ dàng nhưng “một đất nước, hai chế độ” vẫn là lựa chọn tốt nhất cho đến nay.

Dù những người ở bên ngoài Hong Kong có quyền chính đáng được bình luận hay nhận xét nhưng họ có trách nhiệm bình luận dựa trên những phân tích chính xác và dựa trên lịch sử về các vấn đề phức tạp và nhạy cảm đang gây tranh cãi ở Hong Kong hiện nay.
 Tác giả: Tim Summers
 Biên dịch: Phạm Thị Thoa

Tim Summers là chuyên gia tư vấn cao cấp về chương trình nghiên cứu châu Á của Chatham House. Ông sống ở Hong Kong và giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Chinese University of Hongkong (CUHK). Quan điểm trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả.
Bản gốc tiếng Anh: CNN
(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Mạnh Kim - Bà Thatcher đã mất Hong Kong như thế nào?

Chuyến công du Bắc Kinh tháng 9-1982 của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là một trong những cột mốc quan trọng đưa đến việc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Trong chuyến đi này, khi hai bên còn thương thảo, Đặng Tiểu Bình đã dọa rằng nếu Anh không chấp nhận điều kiện Bắc Kinh, Trung Quốc có thể chiếm Hong Kong bằng vũ lực…

Tại sao phải trả Hong Kong cho Trung Quốc?
Vương quốc Anh sở hữu Hong Kong bằng ba hiệp ước, liên quan ba vùng đất trên lãnh thổ Hong Kong: Hiệp ước Nam Kinh 1842; Hiệp ước Bắc Kinh 1860 và Hiệp định mở rộng lãnh thổ Hong Kong 1898. “Nam Kinh Điều Ước” nói đến việc nhà Thanh chấp nhận nhượng vĩnh viễn (“thường viễn”) đảo Hong Kong (hòn đảo phía Nam Đặc khu Hong Kong hiện tại) – như một “chiến lợi phẩm” đối với Anh sau Cuộc Chiến Nha phiến lần thứ nhất; “Bắc Kinh Điều Ước” liên quan việc nhà Thanh chấp nhận nhượng vĩnh viễn bán đảo Cửu Long (sau Cuộc Chiến Nha phiến lần hai); và Hiệp định 1898 liên quan việc cho thuê khu Tân Giới trong 99 năm (hết hạn ngày 30-6-1997). 

Hiệp định 1898 trở thành nguồn gốc của mọi rắc rối. Đầu thập niên 1980, khi lãnh thổ Hong Kong phát triển thành khu kinh tế nổi trội, giới doanh nghiệp Hong Kong bắt đầu lo lắng về tương lai Hong Kong sau cột mốc 1997. Chiếu theo nội dung ba hiệp ước, chỉ khu Tân Giới là được trả cho Trung Quốc sau thời hạn 99 năm; trong khi đảo Hong Kong lẫn Cửu Long vẫn thuộc về Anh. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, cả ba khu đã hợp nhất thành một, xét về mặt kinh tế. Vấn đề gây lo ngại là, ba khu - đảo Hong Kong, Cửu Long và Tân Giới - sẽ thuộc về Anh hay Trung Quốc? Nếu thuộc về Trung Quốc, các hợp đồng thuê đất của giới doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào? Và còn các dự án đầu tư đan xen giữa ba khu vực vốn không hề được tách biệt bằng ranh giới địa lý cụ thể…? Tháng 9-1982, Thủ tướng Thatcher sang Bắc Kinh trong bối cảnh như vậy. Viết trên The Independent, tác giả Robert Cottrell đã thuật nhiều chi tiết hậu trường về chuyến đi trên…

Chuyến công du của bà Thatcher, lần đầu tiên với một Thủ tướng Anh đương nhiệm, đã được báo chí Trung Quốc cố tình dìm thấp, như một sự kiện chính trị không đáng quan tâm. Trên Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, sự kiện Thatcher đến Bắc Kinh được “xếp” ở bản tin thứ tư, sau bản tin về chương trình làm việc Quốc hội, sau bản tin về công nhân mỏ Hà Nam; sau bản tin Kim Nhật Thành đến Tây An. Tháp tùng Thatcher là thư ký riêng Robin Butler; tùy viên báo chí Bernard Ingham; tân Toàn quyền Hong Kong Sir Edward Youde; và trợ lý thứ trưởng ngoại giao đặc trách châu Á-Thái Bình Dương Alan Donald (do bất đồng với Ngoại trưởng Francis Pym trong vấn đề Falklands nên bà Thatcher để ông ở nhà). Thatcher được tư vấn trước đó là nên đề cập tách bạch giữa vấn đề “chủ quyền” với “quản lý hành chính”, cụ thể: Vương quốc Anh có thể giao lại chủ quyền toàn bộ Hong Kong nếu Bắc Kinh đồng ý để Anh quản lý hành chính sau thời điểm 1997. 

Gặp Đặng Tiểu Bình

Từ phi trường, Thatcher được đưa đến Nhà khách Điếu Ngư Đài rồi dự lễ đón tiếp tại Đại lễ đường Nhân Dân, nơi bà có cuộc hội đàm ngắn với đồng cấp Triệu Tử Dương. Trong tiệc tối, Triệu bắt đầu làm nóng vấn đề Hong Kong, dù cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ chưa chính thức diễn ra: “Trong quan hệ song phương của chúng ta, có những vấn đề để lại từ lịch sử cần phải được giải quyết thông qua con đường thương nghị”. Thatcher trả lời: “Chúng ta chưa bắt đầu bàn đến vấn đề Hong Kong. Tôi sẽ theo đuổi vấn đề quan trọng này với ông vào ngày mai”. Tuy nhiên, “vào ngày mai”, Bắc Kinh đã gây sức ép tâm lý trước. Sáng hôm đó, tại hành lang Đại lễ đường Nhân Dân, ngay trước căn phòng mà Thatcher chờ bên trong, họ Triệu đứng với một nhóm phóng viên Hong Kong và bất ngờ tuyên bố: “Trung Quốc chắc chắn sẽ lấy lại chủ quyền Hong Kong”! Bắc Kinh muốn đánh tiếng rằng chuyến đi của bà Thatcher sẽ chẳng có ý nghĩa gì. 

Thatcher đến Bắc Kinh trong tình trạng không được khỏe. Bà đã tỏ ra mệt trong chuyến công du bốn ngày tại Nhật trước đó. Vào thứ năm 23-9, sau cuộc gặp với họ Triệu, bà gần như không thể tỉnh trong suốt chương trình hòa nhạc Beethoven do sinh viên Học viện âm nhạc Bắc Kinh biểu diễn. Bà còn phải đến Học viện nghệ thuật trung ương; dự chương trình ra mắt sách của Hội đồng Anh; và có mặt trong tiệc tối với giới doanh nghiệp Anh tại khách sạn Kiến Quốc (“Bắc Kinh Kiến Quốc phạn điếm”) trước khi trở về phòng nghỉ lúc tối mịt. 

Sáng hôm sau, thứ sáu 24-9, Thatcher bắt đầu gặp Đặng Tiểu Bình. Tại Đại lễ đường Nhân Dân, Đặng ngồi cùng Ngoại trưởng Hoàng Hoa, Phó Thủ tướng Chương Văn Tấn và đại sứ Trung Quốc tại Anh, Kha Hoa. Gặp Thatcher, Đặng đốp: Trung Quốc không thể làm gì khác hơn là lấy lại chủ quyền toàn bộ Hong Kong vào năm 1997; và Bắc Kinh sẽ làm điều đó, bất luận Anh muốn hay không. Hong Kong - bà Thatcher trả lời – phải hiểu là thuộc về Anh, với sự ràng buộc của ba hiệp ước có giá trị pháp lý quốc tế, trong đó có hai hiệp ước liên quan vấn đề nhượng vĩnh viễn. Trung Quốc không thể bác bỏ thực tế này. Nếu muốn lấy lại toàn bộ Hong Kong, cách duy nhất là phải làm theo luật, thông qua việc thay đổi các điều khoản của ba hiệp ước, với sự đồng ý của Anh… Thatcher nói thêm, bà hiểu “sự quan trọng” của “vấn đề chủ quyền” đối với Trung Quốc, nhưng điều mà Chính phủ Anh quan tâm chủ yếu là phải có một bộ máy quản trị hành chính Anh duy trì tại Hong Kong sau năm 1997, để bảo đảm “sự ổn định và thịnh vượng” của lãnh thổ. Thatcher hàm ý, một Hong Kong mà Anh đã giúp xây dựng thành trung tâm thương mại mậu dịch quốc tế không thể phút chốc bị tuột mất về tay Trung Quốc.

Đây là điều mà Đặng không muốn nghe. Chưa lần nào kể từ khi quan hệ hai nước được bình thường hóa năm 1972 mà một thủ tướng Anh dám trực tiếp lên tiếng phản đối việc trao trả Hong Kong. Thế mà bây giờ, một thủ tướng Anh muốn quay ngược đồng hồ và nói với Trung Quốc bằng thứ ngôn ngữ của thực dân thế kỷ 19, biện bạch những sự sai trái trong hai Cuộc chiến Nha phiến, buộc Trung Quốc phải một lần nữa mất mặt thừa nhận sự yếu đuối và nỗi nhục năm nào. Nếu đồng ý để Anh ở lại Hong Kong sau năm 1997, Đặng nói, ông chẳng khác bọn bán nước nhà Thanh đã trao đất Trung Quốc cho Anh bằng các hiệp ước phi pháp và vô giá trị. Bắc Kinh không thể chấp nhận điều đó. Cờ Anh phải biến mất. Toàn quyền Anh phải biến mất. Và chỉ Trung Quốc mới có thể quyết định chính sách nào thích hợp cho tương lai Hong Kong. Vương quốc Anh chỉ có thể “hợp tác” trong tiến trình chuyển giao. Mà nếu không cùng Trung Quốc thỏa thuận chuyển giao trong vòng hai năm, Bắc Kinh sẽ đơn phương tuyên bố chính sách riêng về số phận Hong Kong… Cuối cùng, để thêm phần nặng cân, Đặng dọa sẽ dùng vũ lực nếu cần: “Tôi có thể bước vào (Hong Kong) và lấy lại tất, ngay trong chiều nay”! 

Cuộc gặp kết thúc. Không có kết quả cụ thể. Bản tuyên bố chung sau đó ghi: “Lãnh đạo hai nước đã tiến hành các buổi nói chuyện sâu rộng trong một bầu không khí hữu nghị về tương lai Hong Kong. Cả hai nguyên thủ đã thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề. Hai nguyên thủ đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thông qua các kênh ngoại giao sau chuyến công du này nhằm đạt được mục đích chung là duy trì sự ổn định và thịnh vượng cho Hong Kong”. 3g chiều cùng ngày, Tân Hoa Xã đã xỏ lá khi thuật: bản tuyên bố chung nêu rõ “quan điểm Chính phủ Trung Quốc về việc lấy lại toàn bộ Hong Kong là trước sau như một”! Bản tin này xuất hiện ngay thời điểm Thatcher tổ chức cuộc họp báo riêng. Khi được phóng viên hỏi về nội dung bản tin Tân Hoa Xã, bà Thatcher vẫn duy trì quan điểm riêng: “Có ba hiệp ước đang tồn tại. Chúng tôi sẽ bám chặt vào các hiệp ước trừ khi chúng tôi quyết định khác đi. Ở thời điểm này, chúng tôi bám chặt vào các hiệp ước”. Trước thái độ của Thatcher, Bắc Kinh tức giận. Chỉ một mình Triệu Tử Dương đến dự tiệc chia tay bà Thủ tướng tổ chức tại Đại lễ đường Nhân Dân. 

Tháng 10-1983, khi các cuộc đàm phán bế tắc và thậm chí có thể đổ vỡ, thị trường Hong Kong bắt đầu hỗn loạn. Đồng đôla HK tụt dốc không phanh. Cuối cùng, London nhân nhượng và Bắc Kinh cũng lùi một bước. Công thức “nhất quốc, lưỡng chế” kéo dài 50 năm đã giúp cả hai cùng đỡ mất mặt. Ngày 19-12-1984, hai bên ký tuyên bố chung về việc Anh trao trả Hong Kong… Một số ý kiến nói rằng Anh đã trong tình thế rất yếu khi đàm phán. Cách trở địa lý khiến Anh không thể bảo vệ Hong Kong bằng quân sự là một vấn đề. Còn có nhiều yếu tố khách quan, chẳng hạn Hong Kong lệ thuộc gần như hoàn toàn nguồn nước từ Quảng Đông. Bất luận thế nào, người ta vẫn chỉ trích và cho rằng bà Thatcher thất bại khiến Hong Kong bị tuột mất khỏi Anh. 10 năm sau sự kiện chuyển giao 1997, trả lời báo chí, cá nhân Thatcher cũng thừa nhận bà cảm thấy tiếc về “tình huống bất khả kháng” mà bà đối mặt khi đàm phán; bà thấy “thất vọng” và “buồn” khi không thể thuyết phục Bắc Kinh để Anh tiếp tục hiện diện ở Hong Kong, dù với tư cách người thuê đất.
  Mạnh Kim
(FB Mạnh Kim)

John Sifton - Sửa chữa sai lầm của Hoa Kỳ về nhân quyền với Việt Nam

 Bán vũ khí cho Việt Nam là bán đứng các nhà hoạt động
Tháng này chính quyền Hoa Kỳ đã mắc sai lầm khi nới lỏng lệnh cấm vận buôn bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam – một quốc gia phi dân chủ, độc đảng với bảng thành tích nhân quyền tệ hại. Bước đi này của Hoa Kỳ, được công bố vào ngày mồng 2 tháng Mười trong chuyến thăm Washington của Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, đã gây tổn hại cho các nhà hoạt động can đảm ở Việt Nam và phí phạm một đòn bẩy quan trọng đáng lẽ có thể sử dụng để thúc đẩy thêm nhiều cải cách hơn nữa.
Giới chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng Việt Nam đang đạt được những tiến bộ tuy nhỏ nhưng rất đáng kể về nhân quyền, nhấn mạnh vào các vụ thả tù nhân chính trị trong thời gian gần đây. Nhưng các tiến bộ được nêu làm dẫn chứng đều nhỏ lẻ, và một trong những tù nhân nổi tiếng nhất được phóng thích trong năm nay, tiến sỹ, luật gia Cù Huy Hà Vũ không hề được thả mà thật ra là bị ép đi lưu vong ở Hoa Kỳ.
Trên thực tế, con số các tù nhân chính trị bị giam giữ đã gia tăng trong những năm gần đây, tính đến thời điểm này đã có tới hơn 150 nhà bất đồng chính kiến đang bị giam, giữ. Với những vụ phóng thích mới đây nhất, người ta chỉ có thể nói một cách tích cực nhất là chính phủ Việt Nam đang vận hành một cánh cửa quay, những tù nhân cũ đi ra bên này thì những tù nhân mới lại vào bên kia. Và cho dù tổng số tù nhân trong các trại giam có thể tăng hay giảm, nhưng một xu hướng đáng báo động đang gia tăng: việc sử dụng côn đồ để tấn công và đe dọa những người phê phán chính quyền.
Khi đánh giá kết quả cải cách ở Việt Nam, chính quyền Obama cần phân tích nhiều yếu tố khác ngoài con số những người đang bị giam giữ và được thả, đồng thời cân nhắc những câu hỏi đặt trong bối cảnh cụ thể. Nếu Việt Nam thực sự nghiêm túc kiềm chế không đàn áp những người phê phán chính quyền một cách ôn hoà thì tại sao trong tháng Tám, tòa án Việt Nam lại xử ba nhà hoạt động (Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh) tội cản trở giao thông trong một lần biểu tình và kết án họ tới ba năm tù giam? Vì sao chính quyền Việt Nam lại bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) vào tháng Năm? Vì sao Việt Nam xử blogger Phạm Viết Đào trong tháng Ba? Và vì sao chính quyền đã kết án gần mười người Thượng vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nay với tội danh bị cho là chống nhà nước?
Câu hỏi lớn hơn đối với Việt Nam là liệu chính quyền có thực sự thể hiện rằng họ đang nghiêm túc thực hiện các thay đổi mang tính hệ thống để nới rộng các quyền tự do cho người dân hay không? Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự muốn cải cách luật pháp để loại bỏ điều luật trong bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa hành vi thể hiện quan điểm chính trị hay không? Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự muốn cải cách luật pháp để cho phép hình thành các công đoàn độc lập hay không? Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự để hủy bỏ yêu cầu đăng ký và hủy bỏ việc hình sự hóa các hoạt động tín ngưỡng độc lập hay chấm dứt đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số không? Câu trả lời cho tất cả và từng câu hỏi trên đây là không.
Thật đáng tiếc là quyết định nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương đã được ban hành. Tuy nhiên, chưa phải là quá muộn để sử dụng các đòn bẩy còn lại để đạt được những thay đổi. Vì vẫn chưa thấy có cải cách thật sự nào được thực hiện, và còn nhiều bước quan trọng phải đi tiếp, Hoa Kỳ cần nói rõ với Hà Nội rằng còn nhiều việc phải làm được trước khi lệnh cấm vận được nới lỏng hơn nữa.
Đây là lúc Hoa Kỳ cần nói với Việt Nam rằng, ngoài các hỗ trợ về hàng hải, việc bán và chuyển giao vũ khí trong tương lai chỉ được thực hiện nếu Việt Nam thả một số đáng kể tù nhân chính trị; có các bước đi tích cực về những vấn đề như tự do tôn giáo, tra tấn và quyền của người lao động; và có các động thái chính thức để loại bỏ các tội danh về chính trị ra khỏi bộ luật hình sự, như điều 87, hình sự hóa các hành vi “phá hoại chính sách đoàn kết,” và điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để “xâm phạm lợi ích nhà nước.”
Chính quyền Hoa Kỳ có thể và cần làm rõ những điểm này trong các cuộc đối thoại vào cuối năm nay với Hà Nội, khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dự kiến sẽ tới thăm. Những thông điệp nói trên có thể còn có trọng lượng hơn nữa nếu được kết hợp với các thông điệp của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (đang đàm phán với Việt Nam trong khuôn khổ TPP) rằng Việt Nam đừng mong sẽ được tham gia hiệp định thương mại này nếu không cải cách pháp luật để các công đoàn độc lập được phép hoạt động.
Vẫn còn chưa muộn nếu muốn nắm giữ lại các đòn bẩy, dù quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được ban hành một cách vội vã vào ngày mồng 2 tháng Mười. Vì các nhà bất đồng chính kiến can đảm ở Việt Nam, Hoa Kỳ cần cứng rắn hơn nữa trong thương lượng.
John Sifton - The Diplomat
John Sifton là Giám đốc Vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Có thể theo trên tài khoản Twitter: @johnsifton.

Thiện Tùng - Lý sự về tham nhũng

Tham nhũng là từ ghép - tham lam và nhũng nhiễu. Tham lam là tật xấu của con người như ăn cắp, ăn trộm…- liệt vào loại “cướp đêm”.Tham nhũng ghê gớm hơn, cực xấu, cực nguy - liệt vào loại “cướp ngày”.
Tham nhũng thường trải qua 2 công đoạn: Công đoạn 1 tham nhũng quyền lực: Mỗi khi sắp đến kỳ bầu cử, họ chạy chọt đủ cách, kể cả việc mua quan bán chức, mua cấp bằng học vị… để kiếm cho được ghế quan. Khi có ghế quan rồi thì họ bắt đầu chuyển sang công đoạn 2 tham nhũng vật chất. Vậy là tham nhũng quyền lực là tội đầu, làm tiền đề cho chuổi tham nhũng vật chất vô độ, nhằm lấy lại cả vốn lẫn lời phải bỏ ra ở công đoạn 1. Họ ăn tạp ghê gớm, đụng gì ăn nấy, hễ gặp dịp là xốc nuốt.
Ảnh minh họa
Tham lam là tội phạm chỉ mang yếu tố xã hội, dễ trị, dùng pháp luật trị là dứt căn. Còn tham nhũng là tội phạm mang 2 yếu tố chính trị và xã hội, nó kháng pháp luật, pháp luật không trị được căn, có chăng chỉ trị được cơn, tái phát nặng hơn.

Để an toàn, bọn tham nhũng cấu kết thành băng nhóm, thực thi luật giang hồ: “mi cử ta, ta cử mi”, “mi bầu ta, ta bầu mi”, “mi chấp nhận người thân của ta, ta chấp nhận người thân của mi”, và “mi không đánh ta, ta không đánh mi”.v.v… Họ cấu kết và bảo vệ cho nhau để giữ quyền và lợi. Họ thân hữu với nhau theo kiểu: “mầy quan, tao quan, nó quan”= chúng ta cùng quan; “mầy ăn, tao ăn, nó ăn” = chúng ta cùng ăn thì huề cả làng. Ai đụng đến họ là hết muốn sống ?!.
Độc tài Đảng trị luôn theo thể thức “Đảng chọn Dân bầu”. Là đảng viên của đảng nằm ngủ cũng không mất phần mền. Khi đã là quan thì có quyền, tha hồ mà làm mưa làm gió. Sai phạm được đảng che; nếu quá lộ liễu nhẹm không được phải ra tòa thì được tòa xử theo chỉ thị; nếu phải ngồi tù thì ở tù cha và được thả ra ở kỳ ân xá gần nhứt..v.v…
Người đời nói không sai “con cưng con hư”. Những đứa con do Đảng “cơ cấu” vào bộ máy công quyền hư đốn đến cỡ làm sao cân, đong, đo, đếm được?!. Thực tế cho thấy, những vụ tham nhũng vật chất không giấu giếm được phải ra trước vành móng ngựa, đảng viên chiếm ít nhất bốn phần năm (4/5) trong số can phạm – quá rồi ! . Trước thực trạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải đau lòng nhận xét: “Tham nhũng trở thành quốc nạn, không trị được tham nhũng có nguy cơ sụp đổ chế độ”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Không phải một hai con sâu mà cả một bầy sâu”. Người dân chua chát: “Thằng đó tuy đảng viên nhưng nó tốt”….Hư đốn đến cỡ vậy, gọi bộ máy cầm quyền là bộ máy tham nhũng cũng đâu quá đáng ?.
Khi tham nhũng lan tràn trong Đảng, trong Bộ máy cầm quyền thì chống cũng chết, không chống cũng chết. Câu hỏi đặt ra: Ai chết ?
Nếu quyết tâm chống tham nhũng như Tập Cận Bình “Đánh cả hổ lẫn ruồi” thì người ta cho rằng Tập Cận Bình đang phá nát Đảng CSTQ – Theo nghĩa bóng, Đảng CSTQ sẽ chết, Dân TQ sống.
Nếu chống tham nhũng kiểu “Đánh chuột sợ vỡ bình”, “đánh chớ không xới lên” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nói với cử tri Hà Nội là mơn trớn đối với bọn tham nhũng. Vậy thì từ nay, bình làm chỗ dung thân cho chuột, bình và chuột cùng tồn tại – Cũng theo nghĩa bóng, Đảng CSVN sống, Dân sẽ chết. Nhưng có điều, 90 triệu dân có cam tâm chịu chết thay Đảng hay không? Hạ hồi phân giải.Trước tình hình dân chúng bất an hiện nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải trăn trối: “Không sợ bất cứ thế lực nào, chỉ sợ Dân mất lòng tin đối với Đảng, Nhà nước…”.
Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp diễn ra, việc chọn lựa người như thế nào, đó là việc của Đảng, người ngoài Đảng không quyền có ý kiến. Để tránh “bất hòa” trong cộng đồng dân tộc, đã 70 năm độc quyền chớ ít gì, đức tài của Đảng cũng được phô diễn hết rồi, giờ đây người dân chỉ yêu cầu Đảng trao lại cho Dân được quyền chọn người đại diện cho mình, cùng với đại diện của Đàng, ra tranh cử (thi đấu) vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Từ những tổ chức dân cử thật sự ấy, cử ra Hành pháp và Tư pháp, làm cho bộ máy Chính quyền thật sự của dân, do dân và vì dân như Hiến pháp 2013 đã ấn định – Chẳng lẽ Dân xin chút quyền hợp Hiến đó thôi mà Đảng cũng không công nhận ?!.
Nếu làm được như vậy, bộ máy chính quyền thật sự do dân cử. Dân cử thì dân có quyền bãi miễn bất cứ ai không còn xứng đáng, tham nhũng từng bước bị chặn đứng, đẩy lùi và sẽ bị triệt tiêu.
15/10/2014
Thiện Tùng
Tác giả gửi BVN
(Bauxitevn)

Người Buôn Gió - Màn đu dây hay đâm sau lưng đồng đội

VN đang dở trò đi dây nguy hiểmThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến hành một loạt biện pháp ngoại giao tại Châu Âu, những thông tin chính cho đến giờ phút này đã khẳng định mục đích chính chuyến đi này của thủ tướng NTD là tìm kiếm sự ủng hộ của EU với VN trong vấn đề Biển Đông.

 Gặp gỡ các chính khách và tổ chức  EU, thủ tướng NTD thẳng thắn đưa chuyện nguy cơ bất ổn tại biển Đông ra cảnh báo quốc tế, cũng như đưa thông điệp VN sẽ làm hết sức mình để giữ hoà bình khu vực cũng như giữ chủ quyền đất nước. Phát biểu có đoạn nói VN mong muốn đón nhận sự quan tâm của EU, nhưng gài thêm đoạn là phù hợp với '' thể chế '' khu vực và không xâm phạm vào nội bộ. Việt Nam không liên minh với nước này để chống nước khác.

Hàm ý không liên minh với nước này chống nước khác là thế nào.?

Là có thể không liên minh chống, nhưng có thể liên minh bảo vệ mình.? Hoặc không liên minh chống , nhưng có thể nhận giúp đỡ để một mình chống lại nước khác ?

Chắc không phải là vậy, vì thế giới ngày nay mọi sự liên minh đều dưới danh nghĩa bảo vệ nhau. Các hiệp ước liên minh quân sự Âu Mỹ, Hàn Mỹ, Nhật Mỹ, Mỹ Phi....đều mang danh nghĩa bảo vệ nhau hoặc bảo vệ hoà bình khu vực. Chả ai tuyên bố đi liên minh chống nước khác, vậy câu nói của thủ tướng ở ý này là thừa.?

Lẽ nào câu nói được VN nhai đi nhai lại nhiều lần từ các cấp cao nhất lại thừa. Không, nó chẳng thừa. Đó là một câu mệnh lệnh thống nhất trong nội bộ ĐCSVN khi giải quyết vấn đề biển Đông. Khi bất cứ lãnh đạo nào tiếp xúc với quốc tế để trả lời quan điểm của VN về việc này đều phải đưa câu nói này vào. Hàm ý của nó là VN không bao giờ hợp tác quân sự với nước nào để tranh chấp với TQ trong vấn đề biển Đông.

Ngay lập tức để bổ sung cho hàm ý này, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn một đoàn hùng hậu gần hết tướng lãnh quan trọng của VN sang TQ để diện kiến bộ quốc phòng TQ.

Ý nghĩa hành động của phái đoàn Phùng Quang Thanh là gì. Tác động của nó ra sao.?

Ý nghĩa là chúng tôi không bao giờ dám dùng quân sự với các Ông ( TQ ). Bằng chứng là đây, tất cả quan quân tướng lĩnh trụ cột tội đều mang cả đến đây. Lich sử chưa có nước nào sắp giao tranh mà mang tất cả tướng lĩnh quan trọng đi sứ sang nước địch như thế. Đi sứ kiểu thế là đi sứ kiểu con tin hèn mọn, yếu thế bày tỏ sự thần phục hoàn toàn. Một lòng một dạ không có ý dám cưỡng lại. Nhằm xoa dịu TQ không vì chuyện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ở EU mà có hành động gia tăng trên biển Đông.

Đến đây thì vấn đề mới thực sự là phức tạp. Nếu hành động của Nguyễn Tấn Dũng và Phùng Thanh Quang là một sự phối hợp thống nhất có bàn bạc. Thì đây lại là một sự đu dây nữa, mà nghiêng về phía TQ nhiều hơn. Buồn là nếu vậy, sự đu dây này được thống nhất triệt để trong toàn nôi bộ ĐCSVN.

Sở dĩ nói nghiêng về TQ nhiều hơn vì nó diễn ra ngay sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề biển Đông với những tiềm ẩn xung đột an ninh khu vực ra để kêu gọi EU giúp đỡ. Đặt địa vị EU hay người Đức, chúng ta thử nghĩ sao khi có người đến cậy nhờ họ bị bắt nạt, họ bị đe doạ bằng vũ lực quân sự...rồi ngay sau đó toàn bộ tướng lính cốt cán của họ lại bầu đoàn kéo sang nước đối thủ để bày tỏ chí tình, chí hữu. Nếu thế có giúp họ bằng vũ khí, tiền bạc để nâng cao sức chiến đấu của quân đội họ là có ích hay không.?

Tất nhiên là chả giúp về mặt nâng cao khả năng chiến đấu làm gì. Vì họ cho thấy không có tinh thần chiến đấu, họ còn muốn giữ '' thể chế'' khu vực, giữ hoà bình khu vực. Nếu họ muốn thế rồi, chỉ giúp về phương diện ngoại giao, lên tiếng ủng hộ mà thôi.

Đây là cái bẫy mà TQ đã đưa VN chui vào. TQ sẽ dùng vũ lực như họ vẫn dùng để tiếp tục chiếm biển Đông. VN không phản kháng bằng quân sự, VN kêu gọi quốc tế ủng hộ, quốc tế ủng hộ bằng mồm. Không có hành động nào thiết thực vì những nguyên nhân đã nói trên. Cuối cùng TQ sẽ chiếm biển Đông ngon lành, và còn huênh hoang nói rằng. TQ có chính nghĩa, bởi vì TQ làm như vậy các nước kia chỉ phản đối mồm thôi. Chứ họ có bênh thực bụng đâu.

 Nước cờ VN đu dây tưởng là cao, tự hào với cái gọi là ngoại giao khéo léo. Thực ra là đang đi vào thế trận mà TQ đang bày ra. Những chính khách của VN không phải là không hiểu. Nhưng họ cần nước cờ đu dây để đối phó với dư luận nhân dân VN, dư luận quốc tế là họ có hành động bảo vệ chủ quyền. Cái vỏ ốc '' thể chế khu vực '' hay '' ổn định chính tri '' người TQ đã gieo sâu vào trong đầu lãnh đạo Vn, khiến lãnh đạo VN không có cách nào khác là phải đu dây như vậy. Nói một cách dân giã là giữ '' cái bình '' mà họ sợ khi vỡ không biết ra ngoài sẽ thế nào. Cứ giữ cái bình ở yên trong đó cho an toàn.

Chiến lược '' vừa hợp tác, vừa đấu tranh '' giữa kẻ mạnh và kẻ yếu không bao giờ có lợi với kẻ yếu, nó chỉ cho kẻ yếu sự tồn tại nhất định trong vòng cương toả để mang lại lợi ích lớn cho kẻ mạnh. Không bao giờ kẻ yếu có chiến thắng như mong muốn trong một chiến lược như vậy. Kẻ yếu chỉ chiến thắng bằng sự dứt khoát tuyệt giao như Trương Lương đốt sạn đạo hay bằng chính lòng quả cảm quyết chiến như Hàn Tín bày trận Bối Thuỷ, hay sự can trường như Alexander Đai Đế dẫn quân xông thẳng vào đại quân địch mà quân số gấp 4 lần mình.

 Chiến lược '' vừa hợp tác ,vừa đấu tranh '' chỉ có mang lại kết quả, khi kẻ mạnh bất ngờ bị một sự kiện nào đó khiến suy yếu. Nhưng đó là sự trông chờ may rủi, sự thụ động hay còn gọi là '' há miệng chờ sung '' đợi '' trâu bò húc nhau ruồi muỗi lợi''. Cái đáng sợ trước mắt thấy ngay là khi thực hiện chiến lược này, sung rụng hay trâu bò húc nhau chưa thấy đâu. Mà mình cứ thiệt hại dần mòn, tê liệt từ ý chí đến năng lực, có khi bị thâu tóm trước khi sung rụng hay trâu bò húc nhau.

Trong chính sách đối ngoại với TQ, Việt Nam đang áp dụng chiến lược này.

Ngoại giao đu dây, hợp tác đấu tranh để giữ chủ quyền là tư tưởng cốt lõi của ĐCSVN. Một hành vi thụ động chờ sung rụng, chờ vào biến cố ngẫu nhiên tác động....vì thế lãnh đạo ĐCSVN thường nói '' hy vọng đời còn cháu sẽ đòi lại ''. Từ giờ cho đến đời cháu là quãng thời gian dài ( ít nhất là đến 4 nhiệm kỳ ) biết đâu có sung rụng hay ruồi muỗi húc nhau. Hy vọng là thế , để hậu thế thấy các lãnh đạo ĐCSVN toàn là thiên tài có tầm nhìn rất xa.


Một khả năng ít hơn nhưng có thể xảy ra, đây không phải là sự phối hợp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Phùng Quang Thanh trong kịch bản đu dây ngoại giao để giữ chủ quyền. Mà nó là sự mâu thuẫn nội bộ, hành động của Phùng Quang Thanh là đâm sau lưng đồng đội. Làm mất uy tín của Nguyễn Tấn Dũng trên chính trường quốc tế.?

Điều này không phải là không có khả năng. Dự định đi Hoa Kỳ của Phạm Bình Minh đã bị gác lại không thời hạn. Phải đợi sau khi uỷ viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị cắt ngang đi trước, sau đó Phạm Bình Minh mới được phép đi. Lần này khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề an ninh đe doạ ở biển Đông ra EU, thì bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn hết tướng lĩnh sang TQ, khác gì nói chúng tôi chả có gì bị nghiêm trong hay đe doạ cả. Một hành động sổ toẹt vào lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như nguyên thủ nào đã nghe lời ông ta. Một góc nào đó thì hành động của Phùng Quang Thanh còn đáp trả lời ủng hộ của bà thủ tướng Đức, báo thù hộ TQ khi bà tặng bản đồ không có quần đảo mà TQ tự nhận. Biến bà thủ tướng Đức thành người hồ đồ khi hấp tấp lên tiếng đáp lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 Trong trường hợp kịch bản đâm sau lưng đồng đội này là có thât. Thì kẻ đạo diễn đằng sau là ai.? Là thế lực nào.? Ông giáo làng không đủ tầm để vạch lên kịch bản như vậy chỉ đạo. Có lẽ ông ta cũng chỉ là một vai diễn mà thế lực này bố trí đảm nhiệm.

Trường hợp kịch bản này có thật, chắc tới đây, chính trường VN sẽ còn nhiều khốc liệt.


Tuy nhiên riêng về phần '' đâm sau lưng đồng đội '' này là sự suy diễn chưa đủ cơ sở. Còn phần '' đu dây ngoai giao ''  có thể là hợp lý hơn vì những hàng động phù hợp với tuyên bố chung của toàn lãnh đạo ĐCSVN. Cũng như bọn DLV vẫn khẳng định lãnh đạo ta đoàn kết, không có chuyện chia rẽ như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc.
----------
 Kết luận thì vẫn như thường lệ, đây là những lời chém gió của một thằng thất học. Nhằm mục đích câu viu và mua vui, giải trí. Hoàn toàn không có cơ sở khoa học hay bằng chứng nào. ĐCSVN đời đời quang vinh, đời đời là thiên tài, là cha mẹ cuả nhân dân, nơi hội tụ những tinh hoa nhất của dân tộc. Là ngôi sao sáng nhất trong các vì sao. Là mặt trời chân lý chói qua tim. Bà con đọc giải trí, còn đâu mọi việc đã có đảng lo, hãy yên ổn làm ăn lo cho gia đình của mình.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)

Tuổi già là thời sung sướng nhất

Khi đã lớn tuổi, thì con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống.  Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm, muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la.  Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút thôi, mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì.
Không còn phải khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi.  Nếu đã nghỉ hưu, thì học thêm làm chi.  Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen việc, làm việc dễ dàng.
Vui thú tuổi già. Ảnh: Internet
Vui thú tuổi già. Ảnh: Internet
Khi già tình yêu cũng không còn là mối bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình.  Tội chi mà chết vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà đi sớm hơn.  Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là nông nỗi.
Đời sống tình cảm của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và bình lặng.  Tuổi già rồi, các ông không còn tính chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện giấu giếm mà nhà tan cửa nát.  Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật.  Hồi hộp, đau tim.  Các bà khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải chăm chút nhan sắc làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng méo mó.  An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui.
Cũng có một số ít những cặp vợ chồng già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều trở thành khó tính.  Hậu quả của ly dị trong tuổi già không trầm trọng như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn, đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai chúng và tương lai của chính mình.  Vì còn sống bao lâu nữa mà lo lắng chi cho nhiều.  Xa được ông chồng khó tính, độc tài là mừng.  Dứt được bà vợ đanh đá, bạc ác là phải sung sướng.  Khỏe trí.
Tuổi già, cố giữ cho còn có nhau, khi đã đến nước ly dị, thì hai bên đều đúng, đều có lý.  Đây là hành động tự cứu mình, và cứu người ra khỏi cảnh khổ lúc cuối đời, khi mà mộ bia đã thấp thoáng trước mắt, không còn bao nhiêu ngày nữa.
Có điều ít ai nghĩ đến, là càng già, thì càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an ủi nhau trong tuổi xế chiều.  Vì chung quanh họ, có thiếu chi người đứt gánh nửa đường.  Chồng chết, vợ chết, ly dị.  Vấn đề là không sao tìm được một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, nhiều chia sẻ như người phối ngẫu cũ.
Tình già cũng nhẹ nhàng, thong thả, ít khổ đau, ít sôi nổi hơn tình khi còn trẻ trung.  Sức lực cũng có còn bao nhiêu mà ghen tương nhau chi, mà lo lắng chi cho thêm mệt, những người lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như vậy.  Nhiều người trẻ, sau khi gia đình tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu đánh bài tìm quên, đôi khi không phải vì họ quá thương yêu người cũ mà tự hủy hoại đời mình, mà chính vì họ tự thương thân, tự ái bị xúc phạm, và rồi sa lầy vào ruợu chè cờ bạc.  Người lớn tuổi thì suy nghĩ khác.  Họ nghĩ rằng ta cũng đã gần đất xa trời rồi, có sống thêm bao lâu nữa mà sầu khổ cho mệt.  Mất củ khoai lang, thì kiếm củ khoai mì bù vào.
Tuổi già biết giá trị tương đối của tình yêu nên không tìm tuyệt hão, không tìm lý tưởng, và nhờ vậy không bị thực tế phũ phàng làm vỡ mộng, đau khổ.  Khi già rồi, có ai hỏi tuổi, thì cũng không cần giấu diếm, không cần sụt đi năm bảy tuổi làm chi.  Sướng lắm.  Vì có sụt tuổi, cũng không giấu được những nếp nhăn, mà chẳng có ích lợi gì.  Nếu tự cọng thêm cho mình chừng chục tuổi, thì không chừng được thiên hạ nức nở khen là còn trẻ, trẻ quá, và họ mơ ước được như mình.
Các ông có vợ đẹp, khi lớn tuổi cũng đỡ lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm le dụ dỗ vợ mình.  Con người, ai mà không nhẹ dạ, ai mà không ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai mà không có khi thiếu sáng suốt.  Vợ chồng cũng có khi bất hòa, buồn giận nhau, và những khi nầy, lòng người dễ chao đảo lắm.  Bởi vậy, các ông đỡ nghe các bà hăm he ly dị, hăm he bỏ nhau.  Tuổi nầy các bà cũng thừa khôn ngoan để biết những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều, thường chỉ là những tên phá đám, chứ không thể tin tưởng được.
Đàn bà có chồng hào hoa, đẹp trai, khi lớn tuổi cũng bớt lo, vì các ông cũng bớt máu nóng, bớt chộn rộn và khôn ngoan hơn thời trẻ trung.  Biết kềm chế hơn, và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình cần gìn giữ hơn là chơi ngông.
Tuổi già, vợ chồng sống chung với nhau lâu rồi, chịu dựng nhau giỏi hơn, quen với cái thói hư tật xấu của nhau.  Không còn thấy khó chịu nhiều nữa.  Dễ dung thứ cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ biết rõ bên cạnh cái chưa tốt của người bạn đời, còn có rất nhiều cái tốt khác.
Vợ chồng, khi đó biết bao nhiêu là tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc hơn, vui hơn.
Tình yêu trong tuổi già thâm trầm, có thì giờ bên nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn.  Cũng có nhiều ông bà già ưa cãi vã nhau, cũng dễ hiểu, khi đó tai của cả hai ông bà đều lãng, người nầy nói một đường, người kia hiểu nẻo khác, cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ sao được?
Tuổi già, thì tất cả mộng ước điên cuồng của thời trẻ trung đã tan vỡ, đã lắng xuống, không còn khích động trong lòng, không còn thao thức nhức nhối.  Họ biết sức mình đến đâu, và không tội chi mà ôm cao vọng cho khổ thân.  Họ còn biết thêm rằng, nếu những cao vọng điên cuồng ngày xưa mà có thành đi nữa, thì e cũng chỉ là hư không, chẳng đáng gì.
Khi tuổi già, thì biết khôn ngoan mà an phận, biết vui với bình thường.  Biết đâu là hạnh phúc chân chính.  Nhiều người già rồi mới tiếc suốt một thời son trẻ không biết sống, phí phạm thời gian theo đuổi những huyễn mộng, làm đau khổ mình, làm điêu đứng người khác.
Tuổi già, vui khi thấy mình hết nông nỗi, nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn.  Ai khen không hớn hở mừng, ai chê không vội vã hờn giận.  Vì biết rõ mình không có gì xuất chúng để thiên hạ khen nịnh.  Và biết mình cũng có nhiều cố tật không chừa được, đáng chê.  Chê thì chê, khen thì khen.  Khen cũng thế, mà chê cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một kẻ già, đáng được khoan thứ hơn là trách móc.
Lúc nầy, không còn muốn làm giàu, không bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ cho nhiều tiền nhiều bạc.  Con cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ, thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống thôi, cũng là thỏa nguyện.  Họ cũng không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn hơn.
Mối lo âu về tài chánh cũng nghẹ gánh.  Bởi khi đó, nhiều người đã tích trữ được một số tiền nhỏ.  Nhà cửa cũng đã có.  Nợ nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không còn nữa.  Con cái cũng đã lớn, không còn là gánh nặng cho mình.  Chúng nó đã có nghề nghiệp, đã làm ăn được.  Chắc chắn tương lai chúng khá hơn mình nhiều.  Người già không chi tiêu nhiều, ăn cũng ít đi rồi, chơi cũng không còn phung phí dại dột như tuổi trẻ.
Khi già, thời gian mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa.  Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận.  Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên, thưởng thức thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối, không như thời còn trẻ, đi nghỉ mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám ảnh, nhắc nhở.
Tuổi già về hưu, là một mong ước của gần như của tất cả mọi người.  Nhiều người gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để dược về hưu sớm hơn.  Nhiều thanh niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ ước.  Người Mỹ, trẻ già chi cũng nghĩ đến hưu trí.  Hưu trí trong tuổi già là một phần thưởng của tạo hóa, của xã hội.  Cho sung sướng, nghỉ ngơi.  Già là nghỉ ngơi, là khỏe khoắn.
Mỗi buổi sáng nằm dài trên giường, sáng nào cũng là chủ nhật trong tuần, muốn dậy lúc mấy giờ cũng được, muốn nằm cho đến trưa đến chiều cũng không sao.  Nằm thoải mái, không ai chờ, ai đợi, không có việc gì gấp gáp phải làm, ngoại trừ cái bọng tiểu nó thúc giục, không cho mình nhịn lâu thêm được nữa.  Thế thì sao mà không sung sướng?
Nếu chưa về hưu, còn đi làm việc, thì cái tâm của người lớn tuổi cũng nhẹ nhàng, ít bị những sức căng, bị áp lực đè nén.  Vì tài chánh cũng quan trọng, nhưng không quá quan trọng đến nỗi khi thất nghiệp thì mất xe, mất nhà, mất vợ mất con như những người còn trẻ.  Khi này, nhiều thứ trong cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tiền bạc cũng không quá nhiều.  Vả lại, già rồi, kinh nghiệm công việc nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ dàng, thong thả.
Bạn đồng sự cũng có chút nể nang, phần vì tuổi tác, phần vì kinh nghiệm.  Có trường hợp, còn có việc thì tốt, mất việc thì mừng hơn, vì có lý do chính đáng để về hưu cho khỏe.  Vì nếu việc có hoài, việc lại dễ dàng, thì tiếc, không muốn về hưu.  Tuổi lớn, không cần thăng tiến, không cần đua chen với ai, cho nên tinh thần thoải mái, được bạn bè chung quanh thương mến hơn.  Những người về hưu rồi, trở lại làm việc, thì đi làm, như đi chơi, chứ không phải "đi cày" như nhiều người khác quan niệm.  Vui thì làm tiếp, chán thì về nhà nghỉ ngơi.
Người lớn tuổi, thì sức khỏe xuống, bệnh hoạn ồ ạt đến tấn công, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.  Nhưng họ lại cảm được cái sung sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm.  Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp xương hơn.  Ngưới trẻ đâu có thấy được những nỗi sung sướng này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên chưa biết.  Họ có sức khỏe, nhưng họ không biết đó là sung sướng, cho nên, xem như chẳng có giá trị gì.  Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng ngọc to bằng cái bàn nằm trong vườn, mà anh chị không biết đó là chất ngọc, thì không biết quý, không biết mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ quý và sướng vì viên ngọc nhỏ xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi.  Có người viết sách rằng, tuổi già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt đau nhức mà mừng, vì biết mình chưa chết.  Tôi thêm rằng, biết mình còn sống là mừng, biết mình đã chết nhẹ nhàng, càng mừng hơn.
Nầy anh chị có nhớ câu chuyện Thượng Đế khi đuổi tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva xuống trần gian, có chỉ mặt mà phán : “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi trán mới có hạt cơm vào mồm”.  Đó là câu nguyền rũa độc địa nhất, là lời phán ý nghĩa nhất, là con người phải sống trong nhọc nhằn.  Sách Phật cũng có viết đời là đau khổ, và tu để tránh khổ.  Đó, đời nầy đáng sống lắm, nhưng cũng nhiều khổ đau lắm.  Bởi vậy nên tôi nói, được sống là mừng, mà được chết, cũng mừng.  Tôi đi đám ma ông bạn già, thấy gia đình khóc lóc, rên rỉ thảm thương, con cháu mếu máo kể lể.  Tôi cười trong bụng, nghĩ rằng bọn nầy không biết luật của tạo hóa.  Có sinh thì có diệt.  Chúng nó muốn thân nhân của chúng sống đời đời sao? Biết đâu chỉ là khởi điểm của một cuôc rong chơi.  Nầy, tôi đọc cho anh chị nghe một đoạn thơ của anh bạn tôi:
    Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó ...
    Ai thay da mãi mãi sống muôn đời ?
    Kẻ trước, người sau xếp hàng xuống mộ,
    Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi ...
Khi tuổi già, thì xem cái chết như về.  Ai không phải chết mà sợ.  Sống qua khỏi tuổi năm mươi, là đã lời lắm.  Tuổi trung bình của con người trên thế giới này chưa được con số năm mươi.Thì mình nên tự xem như được sống thêm đời thứ hai.
Đời trước đã hoàn tất, có cả khổ đau lẫn hạnh phúc.  Đời sau nầy, thì chắc chắn là sung sướng hơn hạnh phúc hơn đời trước.  Vì đã từng trải, đã gom được kinh nghiệm của đời trước, để thấy đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là phù du huyễn hão.  Chết là về.  Nhưng chỉ sợ không về được đến nơi đến chốn, mà như chiếc xe hư máy dọc đường.  Làm khổ chủ xe, bắt nằm liệt mê man, không sống mà cũng không chết, đó mới là cái đáng sợ.  Tôi biết vậy, nên đã làm di chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày, thì xin rút ống cho tôi đi.  Đi về bình an.
Này, anh chị nghĩ sao về ông bác sĩ mà người ta đặt cho tên là bác sĩ tử thần? Già rồi tôi không nhớ rõ tên, hình như ông ta tên là “Ki-Vô-kiên” (Kevokian -- THD) phải không? Cái tên gần gần như vậy.  Theo tôi, thì ông nầy là một vị Bồ Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ đau, để bị ra tòa, bị tù tội.  Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn mới làm được việc đó.  Tôi cố tìm một cái ảnh ông ta để thờ sống, mà không có.  Tôi nghĩ, trong tương lai, luật pháp sẽ không ngăn cấm việc cho người đau đớn ra đi sớm hơn, vì đàng nào cũng chết, tại sao phải kéo cái đau đớn ra dài hơn mới được chết.  Trừng phạt người ta hay sao?
Trong tuổi già, người ta biết ơn sự nhiệm mầu của tạo hóa.  Có bộ máy nào, không phải là gang thép, bạch kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng phổi, trái thận, cái bao tử, não bộ.  Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy chục năm mà chưa thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn.  Thì dù có rò rỉ van tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được.  Dù có phải liền liền đi vào cầu tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài mấy chục năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ sơ.  Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi...
 Bieu Nguyen*Paul Van
(Viet-studies)

Nguyễn Hưng Quốc - Chính phủ dân chủ


Việc hàng chục ngàn người – chủ yếu là sinh viên và học sinh -  đổ xô xuống đường biểu tình chống lại âm mưu tước đoạt quyền tự do ứng cử vào năm 2017 tại Hong Kong của chính quyền Trung Quốc đặt ra vấn đề: thế nào là một chính phủ dân chủ?
Định nghĩa một chính phủ dân chủ, lâu nay, người ta hay nhắc đến ba yếu tố: của dân, do dân và vì dân.
Trong ba yếu tố ấy, yếu tố đầu (của dân) có tính chất bản thể luận; yếu tố cuối (vì dân) nằm ở mục tiêu và ít nhiều có tính chất lý tưởng; chỉ có yếu tố giữa (do dân) thuộc cơ chế, gắn liền với các cuộc bầu cử. Chính vì thế, thời hiện đại, hầu như chính phủ nào cũng muốn xưng danh là dân chủ, và để chứng minh cho tính chất dân chủ ấy, người ta cũng thường tổ chức các cuộc bầu cử định kỳ.
Tuy nhiên, liên quan đến chuyện bầu cử lại có hai vấn đề:
Thứ nhất, bầu cử chỉ thực sự tự do và dân chủ khi bao gồm ba yếu tố: Một, tự do ứng cử; hai, tự do bầu cử; và ba, công việc kiểm phiếu phải thực sự minh bạch. Nhà cầm quyền Trung Quốc, một mặt, tự xưng là dân chủ và cam kết sẽ tôn trọng dân chủ tại Hong Kong, nhưng mặt khác, lại tước đoạt quyền ứng cử của dân chúng: Họ quy định, trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương vào năm 2017, chỉ có những ứng cử viên được họ chấp thuận mới được quyền tranh cử. Hơn nữa, ngay cả khi dân chúng được tự do ứng cử và bầu cử, dân chủ cũng không thể được bảo đảm nếu thiếu một điều kiện: việc kiểm phiếu phải minh bạch. Nhớ, Joseph Stalin có lần nói một cách thật thà: “Những người bỏ phiếu không quyết định được gì cả. Chỉ có những người kiểm phiếu mới quyết định được mọi thứ”  (The people who cast the votes decide nothing. The people who count the votes decide everything).
Điều này cũng có thể thấy ở Việt Nam. Trên nguyên tắc, chính quyền không cấm dân chúng ứng cử, nhưng trên thực tế, họ lại tìm mọi cách để ngăn chận việc tự ứng cử để hầu như toàn bộ các ứng cử viên đều do Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng giới thiệu. Có thể nói, trong mọi cuộc bầu cử, dân chúng chỉ được quyền bầu những người đã được đảng chọn lựa kỹ càng từ trước. Trong những trường hợp như thế, ai thắng cử và ai thất cử không phải là vấn đề quan trọng: Ai cũng là người của đảng cả. Đó là chưa kể đến vấn đề kiểm phiếu: cũng do đảng hoàn toàn kiểm soát. Bất kể lá phiếu của dân chúng, chính đảng, những kẻ kiểm phiếu, mới là người quyết định ai thắng ai thua. Bởi vậy, không có gì lạ khi ở Việt Nam, cũng như ở mọi chế độ độc tài, trong các cuộc bầu cử, kẻ nào thắng cũng đều thắng một cách “vẻ vang”: bao giờ cũng trên 90% phiếu bầu.
Thứ hai, ngay cả khi chính quyền là do dân bầu và lá phiếu của họ được kiểm một cách khách quan và minh bạch cũng không bảo đảm là sẽ có dân chủ. Nên nhớ, trước đệ nhị thế chiến, cả Hitler lẫn Mussolini, những tên phát xít khát máu, đều lên nắm quyền sau các cuộc bầu cử. Kenneth Kauna ở Zambia, Francisco Macias Nguema ở Equatorial Guinea, Jose Eduardo dos Santos ở Angola, Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia, Charles G. Taylor ở Liberia trước đây cũng như Robert Mugabe ở Zimbabwe, Paul Biya ở Cameroon, Michael Sata ở Zambia và cả Vladimir Putin ở Nga hiện nay đều trở thành những tên độc tài sau khi thắng cử. Bởi vậy, người ta mới nói đến hiện tượng độc tài tuyển cử (electoral dictatorship).
Để có dân chủ, sau các cuộc bầu cử và sau khi lên nắm quyền, người ta cần một số điều kiện:
Thứ nhất, có một hệ thống theo dõi và kiểm soát các chính sách và hoạt động của chính phủ một cách hiệu quả. Hệ thống theo dõi và kiểm soát ấy bao gồm ít nhất năm tổ chức: Một, sự độc lập của lập pháp và tư pháp; hai, sự tồn tại của các thành phần đối lập; ba, sự độc lập và tự do của các phương tiện truyền thông; bốn, quyền tự do ngôn luận, bao gồm quyền tìm kiếm thông tin, bình luận thông tin và phát tán thông tin của dân chúng; và năm, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ở Việt Nam hiện nay, hoàn toàn không có hệ thống theo dõi và kiểm soát như thế.
Hơn nữa, nên lưu ý là, ở Việt Nam, dân chỉ được phép bầu Quốc hội trong khi Quốc hội, dưới chế độ Cộng sản, tự bản chất chỉ là một cơ quan bù nhìn chứ không có chút quyền lực nào cả; toàn bộ guồng máy cai trị đều nằm trong tay đảng Cộng sản, nhưng dân chúng lại không được quyền bầu bất cứ vị trí nào trong đảng cả. Việc quyết định các chiếc ghế thực sự có quyền lực trong việc cai trị đất nước chỉ nằm trong tay hơn 3 triệu đảng viên, hoặc cụ thể hơn, gần 200 uỷ viên trong Ban Chấp hành trung ương của đảng Cộng sản.
Thứ hai, bản chất của một chế độ dân chủ không phải chỉ ở việc theo dõi và kiểm soát mà còn nằm ở một chỗ khác, quan trọng không kém, đó là sự tham gia của dân chúng. Tham gia vào việc bầu chọn những người lãnh đạo, đã đành. Dân chúng còn nên tham gia cả vào việc hoạch định những chính sách lớn liên quan đến vận mệnh đất nước dưới hình thức phản biện, biểu tình hoặc trưng cầu dân ý. Tất cả những hoạt động này đều phải được tự do.
Nhìn từ bất cứ góc độ nào, cả chính quyền Trung Quốc lẫn chính quyền Việt Nam hiện nay đều trái ngược hẳn với cái gọi là dân chủ.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Thay nội tạng

Một ông nhà giàu nọ bị bệnh nan y sắp chết, bác sĩ Tề nói muốn sống thì phải thay nội tạng.
Ông ta lập tức bay ra chợ đen nội tạng bên Trung Quốc.
Đầu tiên, ông ta vào tiệm bán tim.
Tại đây, tim các loại có đủ cả. Nào là :
tim bác sĩ,
tim nông dân,
tim công nhân,
tim luật sư,
tim thầy giáo… nhưng mắc nhất trong cửa hàng là một trái tim cộng sản.

Ông ta liền hỏi chủ tiệm :
- Sao tim này mắc dữ vậy, bộ nó tốt lắm hả ?
- Cái này hổng phải nó tốt mà là nó hiếm.
- Sao hiếm ?
- Ây dà, nị hông thấy sao ? Cả ngàn thằng cộng sản mới có 1 thằng có tim đó chớ.
Vậy là nó hiếm rồi. Hàng hiếm đó, mua đi.
Ông nhà giàu mua trái tim cộng sản.

Sau đó, qua tiệm bán bao tử.
Ở đây cũng có đủ loại:
bao tử lính, bao tử dân nghèo, bao tử dân giàu… nhưng mắc nhất là bao tử của quan chức nhà nước cộng sản.
Rút kinh nghiệm tiệm bán tim, ông ta hỏi chủ tiệm :
- Cái này nó hiếm nên mắc phải không ?
- Cái này hổng hiếm nhưng mà nó tốt !
- Tốt ra sao ?
- Tốt lắm chứ !

Xi măng, sắt thép, tiền bạc, mỡ thối, mỡ bẩn gì, kể cả sĩ diện và lương tâm bỏ vô nó cũng tiêu hóa hết. Tốt lắm đó, mua đi
Ông nhà giàu mua cái bao tử đó.

Cuối cùng, chỉ còn tiệm bán não.
Ở đây cũng có đủ loại não như 2 tiệm trước, nhưng mắc nhất cũng là não của người cộng sản.
Lần này, vừa thấy cái não mắc nhất đó, ông ta nói ngay :
- Lấy tôi cái này, cái này mắc vậy chắc vừa hiếm lại vừa tốt ?
- Nị khéo chọn ghê!
Cái này không những hiếm, tốt mà lại còn mới!
Cả triệu thằng công sản mới có 1 thằng có não, mà nó không xài tới nên còn mới !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét