Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Giải Nobel và lý tưởng tuổi 17

-Ý đồ quân sự hóa đảo Phú Lâm của Trung Quốc

media
Ảnh chụp từ vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa hiện do Trung Quốc chiếm giữ.Nguồn:internet
Vào hôm qua, 09/10/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã « kiên quyết » phản đối việc Bắc Kinh xây dựng phi đạo và những cơ sở khác trên đảo Phú Lâm, thuộc vùng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ năm 1974. Phản ứng của Việt Nam đã được giới quan sát ghi nhận là cứng rắn, tương ứng với các mối đe dọa quân sự tiềm tàng mà các công trình này đặt ra cho Việt Nam cũng như các nước khác.

Hãng tin Bloomberg của Mỹ, trong một bài viết công bố hôm nay, 10/10/2014, đã trích dẫn một số chuyên gia nhận định rằng phi đạo cũng như các cơ sở khác mà Bắc Kinh xây dựng trên đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa, ngoài mục tiêu xác lập « chủ quyền thực tế » của Trung Quốc trên những thực thể mà họ đã cưỡng chiếm bằng võ lực, còn có chức năng quân sự, làm bàn đạp cho Trung Quốc khống chế toàn bộ Biển Đông.Theo ông Collin Koh, chuyên gia tại trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, vụ giàn khoan HD-981 vào mùa hè vừa qua đã nêu bật các hạn chế của Trung Quốc trong việc giám sát khu vực từ trên không. Trong tình hình đó, Bắc Kinh sẽ biến đảo Phú Lâm – tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông – thành một trung tâm chỉ huy quân sự và điều hành kiểm soát mạng lưới giám sát vùng biển. Trả lời Bloomberg qua điện thoại, chuyên gia này thẩm định : « Vấn đề không chỉ là kéo dài đường băng, mà là xây dựng các nơi trú ẩn cho các loại máy bay nhỏ như chiến đấu cơ, hầm ngầm chứa nhiên liệu và đạn dược. »
Ông Alexander Vuving, một chuyên gia phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii đã gắn liền các hành động xây dựng của Trung Quốc tại Hoàng Sa với việc Bắc Kinh đang tạo ra những hòn đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa.
Theo ông Vuving : « Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới tất cả mọi người trên thế giới về quyết tâm bảo vệ cái mà họ gọi là sự toàn vẹn lãnh thổ ». Đối với chuyên gia Vuving, với tất cả các hành động tại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đang càng lúc càng cứng rắn.
Thái độ cứng rắn trên đây đã thể hiện rõ rệt qua việc Bắc Kinh như đã rầm rộ loan báo viêc « hoàn tất phi đạo » trên đảo Phú Lâm ngày 07/10/2014, khi cung cấp cho truyền thông Trung Quốc một loạt ảnh chụp về các công trình đã thực hiện.
Nhật báo Hồng Kông có uy tín South China Morning Post trong số ra ngày hôm qua 09/10/2014, đã không ngần ngại gọi hành động phô trương đó là tín hiệu hù dọa gởi đến Việt Nam và Mỹ, nhất là khi một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc được tờ báo Hồng Kông trích dẫn đã không che giấu ý đồ quân sự hóa vùng Hoàng Sa của Trung Quốc.
Ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia quân sự làm việc tại Thượng Hải khẳng định răng đường băng trên đảo Phú Lâm sẽ là một chiếc « tàu sân bay không thể đánh chìm, một căn cứ lý tưởng cho phi cơ của Hải quân Trung Quốc lên xuống ».
Một chuyên gia Trung Quốc khác trong lãnh vực Hải quân là ông Lý Kiệt (Li Jie) tại Bắc Kinh còn dự đoán rằng phi đạo quân sự đó sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Đối với chuyên gia này, phi đạo trên đảo Phú Lâm đã biến nơi này thành « sân bay quân sự lớn nhất ở miền cực Nam Trung Quốc », có thể góp phần nâng cao năng lực của chiến đấu cơ Trung Quốc, phục vụ các chuyến bay thám thính, thậm chí cho pháp chống hành động do thám của nước ngoài.

-Khi Trung Quốc xây xong đường băng, Việt Nam chiến thắng?!

RFA Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội
https://anhbasam.files.wordpress.com/2014/10/h152.jpg?w=314&h=185
Theo Tuổi trẻ.vn, ngày 7-10, Tân Hoa xã của Trung quốc đưa tin nước này đã xây xong đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm.
Xong bàn đạp cho “Vạn lý trường thành trên biển”

Đó là động thái mới nhất nằm trong một chuỗi những hành vi ngang ngược mang tính xâm lược, kéo dài công khai nhiều năm nay nhằm khẳng định cái mà TQ gọi là chủ quyền của mình ở Hoàng Sa của VN.
Với việc ồ ạt xây dựng những đảo đá nhân tạo, những sân bay quân sự,TQ đã đặt được bàn đạp để thôn tính khoảng 90% diện tích biển Đông theo mục tiêu “Đường chín đoạn”, “Vạn lý trường thành trên biển”.
Hoàn thành trước thời hạn “lộ trình của Hội nghị Thành Đô”?

Những người có trách nhiệm ở VN lâu nay không thể không biết hiểm họa và tiến độ của việc TQ xâm phạm lãnh hải lãnh thổ VN qua các phương tiện theo dõi hiện đại và mật độ dày đặc thông tin quốc tế cập nhật về vấn đề này.
Ngay từ 7/5 /2014, Reuters đã công bố lời một quan chức ngành dầu khí TQ tiết lộ rằng quyết định của giới chức Bắc Kinh triển khai giàn khoan 981 là một quyết định chính trị chứ không phải thương mại. Đến lúc rút giàn khoan, Bắc Kinh có thể đã cải tạo xong phần nền trong kế hoạch biến đá thành đảo ở Trường Sa.
Khi Trung Quốc đã xây dựng được sân bay, cầu cảng cỡ lớn ở Trường Sa, mối nguy hiểm chiến lược về mặt quân sự – an ninh đối với Việt Nam đã thêm hiện thực hóa. Những đảo nhân tạo và công trình quân sự ở đây sẽ chặn yết hầu các tuyến chi viện từ đất liền ra đảo, đồng thời cắt tuyến đường chi viện của các bên liên quan cho lực lượng đồn trú chốt giữ các đảo, bãi đá ở Trường Sa. Khi đó, TQ sẽ hoàn thành cơ bản “đường lưỡi bò”, thực hiện giấc mơ “Vạn lý trường thành TQ” trên biển Đông.
Ngày 12/6/2014, một chuyên gia của báo Giáo dục VN cũng đã cảnh báo:”Giàn khoan 981 là kế nghi binh, đảo hóa Gạc Ma mới uy hiếp ta thực sự.”
Trong khi đang xâm lược, TQ khinh miệt VN tới mức thậm chí không thèm che giấu. Báo mạng TQ China.com ngày 15-9- 2014 cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay chính phủ TQ đã đưa thiết bị và nhân lực đến bãi san hô Châu Viên (đá Châu Viên) thuộc quần đảo Trường Sa để xây dựng bãi đá này thành đảo nổi, nhằm biến nơi này thành hòn đảo lớn nhất nằm trong các đảo ở Trường Sa. Báo này còn nói rõ, việc hút cát dưới biển đắp lên bãi đá Châu Viên vẫn đang được tiến hành nhằm “mở rộng diện tích đất liền của Trung Quốc”.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định đây là hành vi thay đổi hiện trạng trên biển Đông, nằm trong chiến lược chiếm đoạt chủ quyền VN của Trung Quốc. “Hành động đó chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên biển Đông tiếp tục leo thang”.
Chuyên gia Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo nổi trên bãi Gạc Ma là nằm trong ý đồ xây một “Vạn lý trường thành” trên biển Đông nhằm chiếm đoạt hoàn toàn vùng biển này( Theo tạp chí National Interest của Mỹ). Và ông khẳng định: nghiên cứu kỹ lịch sử khu vực và luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc không có bất cứ cơ sở gì để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Xung đột trong khu vực sẽ khiến cả nền kinh tế thế giới bất ổn. Mỹ phải thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ phản ứng chống lại Trung Quốc và khuyến khích các nước đồng minh hành động tương tự. Việt Nam nên tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” – luật sư Pedrozo kêu gọi.(Theo :Trung quốc mở rộng Gạc Ma, thành vi thâm độc và nguy hiểm- Tuổi trẻ- 12/9/2014)
Một điều không thể lý giải nổi là tại sao VN biết rõ việc TQ lâu nay đã công nhiên vận dụng những nguồn nhân tài vật lực khổng lồ để hoàn tất những công trình xâm lược lãnh thổ VN như đã nêu trên nhưng cho đến thời điểm này, từ phía nhà cầm quyền VN đã phản đối hết sức yếu ớt trên công luận.
Như chúng ta đã biết, để cứu VN thoát khỏi sự thôn tính của TQ, điều tối thiểu mà nhà cầm quyền VN phải làm là lên tiếng kiện TQ ra tòa án quốc tế, ngăn cản bằng mọi giá việc TQ xây dựng trái phép trên lãnh thổ VN, và đòi lại phần lãnh thổ lãnh hải đã bị xâm lấn nhưng VN đã hầu như chỉ tập trung phản đối giàn khoan 981 một cách chậm chạp, không thỏa đáng, khi sức ép bất bình trong nước và quốc tế rộ lên và hoàn toàn không kiện TQ ra tòa.
Như vậy, rất khó có thể trách dư luận đã luôn đặt câu hỏi về việc có hay không sự “tiếp tay” cho TQ xâm lược VN. Có một số người còn cho rằng việc này đã nằm trong tiến độ thực hiện lộ trình “bán nước” giữa một số nhà cầm quyền VN và TQ, ngay từ Hội nghị Thành Đô?!
Bây giờ thì tiếng kèn chiến thắng của TQ đã lại thêm một lần và sẽ còn liên tục réo vang trên lãnh thổ VN. Từ đây TQ có thể tiến tới cả vùng nhận diện phòng không trên biển Đông, lãnh thổ lãnh hải và không phận VN ngày càng bị xà xẻo, chưa kể còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực và quốc tế. Dẫu cho ngày 3/10/2014 Mỹ đã đồng ý nới bớt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN, thì cũng đã quá muộn, “nước xa làm sao cứu được lửa gần”?
Rõ ràng đây là một thất bại lớn, đau thương cho VN. Mảnh đất cha ông đã giữ gìn bằng máu xương và nước mắt bao đời, nay bị rơi vào tay kẻ xâm lược một cách lãng xẹt, trong tình thế TQ “bất chiến tự nhiên thành”, chẳng khác gì “vào chốn không người”.
Và VN tuyên bố chiến thắng

Theo logic tối thiểu, với kỹ thuật theo dõi hiện đại mà ngành an ninh quốc phòng VN đã được trang bị, cho đến ngày 6/10/2014, những người có trách nhiệm và nhà cầm quyền VN không thể không biết tường tận về việc những hòn đảo và sân bay quân sự TQ đã hoàn tất trên quần đảo thuộc chủ quyền VN.
Nhưng dư luận quá sốc, khi sự thể đang nước sôi lửa bỏng , thay vì phải thực thi những hành động cấp bách kèm theo những tuyên bố phản đối mạnh mẽ để cứu nước, giành lại lãnh thổ đã bị cướp bóc, thì trong cuộc gặp cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại khẳng định:
“…Trong giải quyết căng thẳng trên biển Đông thời gian qua, chúng ta đã giành được thắng lợi…” . “Dư luận quốc tế đánh giá cao và rất hoan nghênh chúng ta trong ứng xử về vấn đề này. Ngay ở trong nước, tôi nghĩ bà con và tất cả các cấp, các ngành rất tán thành chủ trương của chúng ta về xử lý vấn đề biển Đông thời gian qua. Kiên quyết nhưng rất mềm mỏng và đạt được hiệu quả cao” – Tổng bí thư nhấn mạnh”. (theo Tuổi trẻ, bài : “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta đã giành được thắng lợi…” – ngày 6/10/2014).
Về phía QH VN, phản ứng cũng hết sức “dịu dàng”, nếu không nói là thờ ơ mặc dù sự kiện này diễn ra ngay trong phiên họp UB Thường vụ QH. Một ngày sau tuyên bố của Tân Hoa xã về việc đã xây xong đường bay quân sự trên đảo Phú Lâm, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đề xuất dự kiến đến 16h ngày 25/10/2014, QH dành một giờ để nghe CP báo cáo về tình hình biển Đông(Theo Tuổi trẻ ; Báo cáo QH việc TQ xây dựng đảo ở Trường Sa – 8/10/2014). (Nghĩa là 8 ngày sau mới nghe báo cáo và chưa biết bao giờ mới lên tiếng phản đối hoặc hành động!).
Đảng và QH đã dịu dàng khác thường thế, lại thêm về phía CP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, cũng chỉ lên tiếng nhân tiện trong cuộc họp báo thường kỳ, tận hai ngày sau khi TQ tuyên bố xây xong sân bay quân sự. Ông Lê Hải Bình nói rằng hành động nêu trên của TQ là “vô giá trị”, yêu cầu TQ không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VN và TQ…”.
Xem những phản ứng như trên, người có lý trí bình thường không thể không liên tưởng đến chuyện ngược đời:
Chủ nhà dịu dàng ngồi lặng ngắm kẻ cướp vừa xông vào chửi bới vừa vơ vét của cải mang đi, lại còn xẻo mất đất đai nhà cửa, xây lô cốt chiếm đóng. Đợi khi kẻ cướp nói rằng tao đã cướp xong nhà mày rồi đó, chủ nhà liền vui sướng tuyên bố: ta đã chiến thắng!
Vâng, có thể TQ và một số người trong nhà cầm quyền VN đã chiến thắng. Chỉ có nhân dân VN nghẹn ngào thất thủ trên mảnh đất hình chữ S chồng chất đớn đau nhục nhã này mà thôi./.
Võ Thị Hảo, Hà Nội 09/10/2014

-Quốc tế hóa Biển Đông : Mỹ bác bỏ luận điểm của Trung Quốc

media
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 30/09, tại Washington.REUTERS/Larry Downing
 Washington bác bỏ phản ứng của Trung Quốc về thông cáo chung Mỹ- Ấn bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. Hôm qua, 09/10/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki, tuyên bố : « Tôi nghĩ rằng lập trường của chúng tôi không thay đổi trong vấn đề này. Các vị biết rõ là chúng tôi chắc chắn làm việc với các nước trong vùng về các vấn đề hàng hải ».

Sau khi khẳng định Ấn Độ là một đối tác quan trọng, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, vấn đề Biển Đông không chỉ được thảo luận mà đây còn là một trong những nội dung đạt được trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và lãnh đạo Mỹ, vào cuối tháng Chín.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 30/09, tại Washington, hai bên đã ra thông cáo chung, trong đó có đề cập trực tiếp đến vấn đề Biển Đông.
Thông cáo viết : « Hai lãnh đạo bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng gia tăng do các tranh chấp hàng hải và khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và trên không trong vùng này, đặc biệt là tại Biển Đông ».
Trong thông cáo, lãnh đạo Ấn Độ và Hoa Kỳ kêu gọi « tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện quyền đòi hỏi của mình » và hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khu vực.
Trong tuần này, Trung Quốc đã có phản ứng về thông cáo chung Mỹ-Ấn. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, lập trường của Bắc Kinh là « tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan, thông qua đàm phán và tham khảo. Không một bên thứ ba nào nên can thiệp vào việc này ».
Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông, nơi được đánh giá có tiềm năng tài nguyên cao. Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Philippines, hai trong số các bên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, đã bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh qua các cuộc khẩu chiến, cũng như các vụ đối đầu giữa tàu bè Trung Quốc và hai nước này.

-Nữ sinh Pakistan được Nobel hòa bình

BBC

Nữ sinh Malala Yousafzai, người được thế giới biết đến sau khi cô bị Taliban bắn, đã được trao giải Nobel hòa bình năm nay.
Giải cũng được trao cho ông Kailash Satyarthi, sinh năm 1954, một nhà hoạt động cho quyền trẻ em ở Ấn Độ.

Cô Malala Yousafzai, 17 tuổi, được cả thế giới quan tâm sau khi sống sót từ vụ ám sát của Taliban tháng Mười 2012.
Lời kêu gọi quyền bình đẳng của cô tại quê nhà Pakistan đã khiến dân quân nổi giận.
Bị bắn vào đầu, cô bị hôn mê và được đưa sang bệnh viện tại Birmingham, Anh để điều trị.
Vụ ám sát khiến các lãnh đạo thế giới lên án và tôn vinh Malala như anh hùng.
Thông cáo của ủy ban Nobel nói: “Dù tuổi trẻ, Malala Yousafzai đã chiến đấu nhiều năm cho quyền đi học của phụ nữ, và đã chứng tỏ trẻ em, thiếu niên cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của mình.”
“Cô đã cố gắng làm được trong điều kiện hiểm nguy nhất.”
Trong khi đó, ông Kailash Satyarthi, 60 tuổi, nổi bật với pohng trào đòi chấm dứt nô lệ và bóc lột trẻ em từ năm 1980, khi ông bỏ nghề kỹ sư điện.
Ông giúp giải cứu hàng chục ngàn trẻ em bị bắt làm nô lệ, và giúp các em được học hành.
Thorbjørn Jagland, chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy, nói ông Kailash Satyarthi đã “đứng đầu nhiều hình thức phản đối và xuống đường, tất cả đều hòa bình, tập trung vào sự bóc lột trẻ em”.

-Giải Nobel và lý tưởng tuổi 17


Tin cô gái Pakistan, Malala Yousafzai được trao giải Nobel Hòa bình năm nay không làm nhiều người ngạc nhiên.
Vì từ mấy ngày trước, Malala, cùng Đức Giáo hoàng Francis và Edward Snowden đã dẫn đầu trong số các ứng viên cho giải thưởng này.
Nhưng điều vẫn làm người ta phải suy nghĩ là lứa tuổi của người được trao giải.
Sinh ngày 12 tháng 7 năm 1997, tại Mingora, Pakistan, năm nay Malala mới vừa tròn 17 tuổi và là người trẻ nhất nhận giải Nobel Hòa bình trong lịch sử giải thưởng này.

Phải chăng một thế giới nhiều tai ương, bạo lực, loạn lạc và dịch bệnh đang hướng về thế hệ tuổi thiếu niên để có thêm hy vọng?
Vì cũng mới gần đây, Joshua Hoàng Chi Phong, 17 tuổi được báo Time vinh danh là ‘Gương mặt của Hong Kong’.

Lý tưởng tuổi thiếu niên

Điểm nổi bật về Malala là lòng dũng cảm và trí thông minh.
Trong tuyên bố của mình, Ủy ban Nobel ở Oslo, Na Uy viết:
“Dù tuổi trẻ, Malala Yousafzai đã chiến đấu nhiều năm cho quyền đi học của phụ nữ, và đã chứng tỏ trẻ em, thiếu niên cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của mình.”
Bắt đầu từ những bài blog đăng trên trang của BBC Urdu khi mới 11 tuổi, cô đã nêu ra vấn đề quyền được đi học của trẻ em ở vùng rừng núi Pakistan bị phe Taliban cấm đoán.
Cô viết: “Hãy cầm sách và bút vì chúng là những vũ khí mạnh nhất của chúng ta.”

 

Câu nói của Malala hẳn được ủng hộ bởi những người phản đối các trận oanh kích tiền tỷ của Phương Tây tại Trung Đông, nơi mỗi trái tên lửa Tomahawk trị giá 1.5 triệu USD, theo trang CNN nói về các bắn phá mục tiêu của IS.
Phái phản chiến nói các cuộc vận động dư luận, giáo dục, viện trợ sẽ có tác động tốt hơn biện pháp quân sự chống lại các nhóm chính trị Hồi giáo cực đoan.
Sau vụ bị bắn hồi tháng 10/2012 trên đường từ trường về nhà, Malala sống sót, và đã tiếp tục phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục.
Cô coi như đã chết một lần sau vụ bị ám sát không thành và nguyện tiếp tục sống không sợ hãi vì lý tưởng đem đến cho trẻ em cơ hội giáo dục:
“Tôi tự bảo, Malala, bạn đã gặp cái chết một lần và đây là cuộc sống thứ nhì nên đừng sợ. Vì nếu sợ sẽ không đi tiếp được.”
Quyền đi học là vấn đề lớn ở nhiều quốc gia bị kìm hãm bởi ý thức hệ cực đoan.
Nhưng ở nhiều nơi khác, quyền này có lúc không được thực hiện đầy đủ, hoặc một cách an toàn.
Có nơi giáo dục bị hạn chế vì lý do nghèo khó, vì thiếu phương tiện như ở châu Phi, hay vì giao thông quá kém, khiến học sinh phải liều mình băng qua suối mùa lũ để đến trường như ở Việt Nam.
Giới chức cần suy nghĩ và lắng nghe tiếng nói của những bạn trẻ tuổi 15, 17.

Làn sóng dân tự học

Vẫn về lý tưởng của tuổi trẻ và chuyện đi học, thanh niên Hong Kong, Joshua Hoàng Chi Phong đã lập ra phong trào Scholarism (Học dân tư trào), phản đối việc áp đặt chế độ học từ Trung Quốc.
Năm đó, Hoàng Chi Phong cũng mới 15 tuổi và đến năm nay, nhóm này đã đóng vai trò quan trọng trong đợt biểu tình ở Hong Kong hơn 10 ngày qua.
Trả lời báo chí nước ngoài, cho đến nay, Hoàng Chi Phong vẫn nói, “Điều quan trọng nhất là tôi muốn học tốt nghiệp, có bằng”.
Nhưng học gì và học thế nào là vấn đề Hoàng Chi Phong đang đưa thành một nghị trình đấu tranh khá bài bản, có sức thuyết phục cao trong giới trẻ Hong Kong.
‘Dân tự học’ gặp gỡ với nhóm Chiếm Trung Tâm và phái Dân chủ Hong Kong qua mục tiêu đấu tranh.
Theo họ, Hong Kong phải cải tổ chính trị thì mới có thể đảm bảo học đường được độc lập tư duy, không bị áp đặt giáo án Trung Quốc và cách diễn giải lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tờ Time vinh danh Joshua Hoàng Chi Phong ở Hong Kong
Vì còn trẻ, Hoàng Chi Phong cũng tỏ ra không sợ.
Khi báo Mỹ Wall Street Journal hỏi có sợ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc trả đũa không, Hoàng Chi Phong nói:
“Cách trả đũa nào cũng chỉ gây ra phản ứng đối lập của người dân, như vụ các lãnh đạo sinh viên bị bắt hai tuần trước đã khiến có thêm nhiều người dân tới ủng hộ cuộc biểu tình.”

Không nhận giải Nobel

Cũng nhân nói về lý tưởng tuổi trẻ và giải Nobel, ta không quên có người Việt Nam từng được trao giải này nhưng từ chối không nhận.
Không khác gì Malala và Hoàng Chi Phong, nhà cách mạng Lê Đức Thọ (sinh năm Tân Hợi, 1911) đã tham biểu tình chống Pháp khi mới 15 tuổi nhân đám tang của chí sĩ Phan Châu Trinh năm 1926.
Hẳn khi đó, giống như rất nhiều người trẻ Việt Nam khác, cậu thiếu niên Phan Đình Khải đã ôm hoài bão tiếp nối cuộc đấu tranh của thế hệ cha ông, giành độc lập cho dân tộc, dù chưa gặp gỡ chủ nghĩa cộng sản.
Điều này cũng đã được chính trang về Giải Nobel ở địa chỉ www.nobelprize.org ghi nhận:
“Khi đàm phán với Henry Kissinger về cuộc ngưng bắn ở Việt Nam từ 1969 đến 1973, Lê Đức Thọ đã có kinh nghiệm lâu dài trong cuộc chiến chống lại các đại cường. Khi còn trẻ tuổi, ông đã trở thành người Cộng sản và bị chính quyền thực dân Pháp cầm tù nhiều năm. Ông giành chỗ đứng trong nhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản trong thời gian Nhật chiếm đóng Việt Nam, thời kỳ Thế Chiến Hai…”
Trang này cũng nói ông Lê Đức Thọ “trở thành một trong những chỉ huy quân sự trong cuộc kháng chiến chống lại người Pháp”.

Hai nhà đàm phán Henry Kissinger và Lê Đức Thọ
Điều tôi muốn nói ở đây là về một điểm chung giữa ba nhân vật nêu ra ở đây.
Khi còn trẻ, họ đều có lý tưởng mạnh mẽ và dấn thân không sợ hãi cho lý tưởng đó, và đây là điều đáng ghi nhận cho dù chúng ta có đồng ý hay không với lý tưởng đó.
Người ta cũng có thể ủng hộ hoặc phản đối, lên án các quyết định, hành động của cá nhân những người được giải Nobel Hòa bình sau đó.
Và sự so sánh cũng tạm thời nên dừng ở đây vì hiện quả là còn rất sớm, quá sớm để biết sau này Malala sẽ làm gì, có xứng đáng với giải Nobel hay không, và liệu Joshua có được đề cử nhận giải này không.
Riêng về người Việt Nam duy nhất tới nay không nhận Nobel là ông Lê Đức Thọ, hiện vẫn còn khác biệt trong cách nhìn nhận về ông, cụ thể là về quyết định từ chối giải thưởng này.
Trong số người được trao Nobel Hòa bình từ 1901 đến 1973, ông Lê Đức Thọ còn là người thuộc nhóm lãnh đạo đương quyền duy nhất từ cả phe xã hội chủ nghĩa, được trao giải thưởng lớn ‘từ phe tư bản’, theo quan niệm khi ấy.
Báo Việt Nam hồi 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông đã nhắc lại chuyện này, và một tờ báo viết:
“Đồng chí Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger năm 1973. Tuy nhiên, ông từ chối giải thưởng này vì lý do hòa bình chưa thực sự được lập lại trên đất nước Việt Nam.”
Nhưng mục Nobel Hòa bình 1973 trên trang của Ủy ban Nobel lại ghi chuyện từ chối giải, ‘Refused the Peace Prize’ như sau:
“Khi Hà Nội bị ném bom vào mùa Giáng Sinh theo lệnh của Kissinger, Lê Đức Thọ đồng ý ngưng bắn. Nhưng khi ông được trao giải Nobel cùng Kissinger vào mùa thu năm 1973, ông đã từ chối chấp nhận nó, lấy lý do là người cùng nhận vi phạm thỏa thuận ngưng bắn.”
Ông Kissinger trái lại đã tự hào nhận giải thưởng vào năm 1973 có giá trị 510 000 kronor.
Để các bạn có sự so sánh, giải cho Malala năm nay trị giá 1,4 triệu USD.
Các bạn đọc thêm bài viết cùng tác giả ở trang Blog Tòa soạn, BBC Tiếng Việt.


‘Họ không muốn tôi viết điều nhạy cảm’

BBC

Nhà văn Nguyễn Viện nói ông bị an ninh triệu tập và cáo buộc có hành vi ‘Phá hoại đoàn kết dân tộc’, ‘Tuyên truyền chống nhà nước’ vì các tác phẩm có nội dung chỉ trích chính quyền.
“Tôi đã làm việc với an ninh tổng cộng ba lần liên tiếp. Đến sáng nay là lần thứ ba”, ông nói với BBC qua điện thoại hôm 10/10.

“Trong lần làm việc thứ hai, tôi được cho biết là cơ quan giám định chuyên môn kết luận những gì tôi viết vi phạm Điều 87, 88.”
Ông Viện cho biết các tác phẩm khiến ông bị triệu tập là cuốn tiểu thuyết ‘Đĩ thúi’ hay truyện ‘Cà phê buổi sáng ở Sài Gòn’, ‘Những điều cần biết trước khi mang bầu’, ‘Chiếc áo lông ngỗng’.
“Nói chung là những tác phẩm tôi viết trong vòng 2 năm trở lại đây”, ông nói.
“Thái độ an ninh cũng nhẹ nhàng, họ không muốn tôi tiếp tục viết những điều nhạy cảm,”
“Tôi cũng thực sự đặt câu hỏi và không hiểu chuyện gì. Tôi đã ngưng viết hơn một năm, không tham gia các tổ chức dân sự nào và cũng ngưng tham gia ký tên vào kiến nghị”.
“Hơn một năm nay tôi đã hoàn toàn im lặng. Tôi nghĩ những điều mình nói đã đủ rồi. Tôi nghĩ sức khỏe tôi như vậy thì cũng cần nghỉ ngơi,” ông cho biết thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét