Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Những nỗi sợ kỳ cục

Nguyễn Trần Sâm - Những nỗi sợ kỳ cục

AFABC_YouthTee.indd

 Con người khác các loài động vật khác ở chỗ có khả năng nhận thức. Nhận thức không chỉ giúp con người đạt được mục đích này nọ trong cuộc sống, mà bản thân nó cũng là mục đích. Mặt khác, vì những bí ẩn của sự tồn tại là vô cùng vô tận, nên hoạt động nhận thức phải là hoạt động thường xuyên, liên tục.

Do tính thường xuyên, liên tục của hoạt động nhận thức nên vốn tri thức và cách nhìn nhận của con người thay đổi không ngừng. Bên cạnh một số những điều bất biến, luôn có rất nhiều thứ phải xem xét lại. Thậm chí, đôi khi phải rà lại xem những thứ ta tưởng là bất biến có thực sự là bất biến hay không.

Như vậy, những ai không chịu thường xuyên xem xét lại nhận thức của mình, người đó vẫn còn ở mức phát triển thấp. Và sẽ là cực kỳ nguy hiểm cho cả một quốc gia, khi những người chịu trách nhiệm định ra đường lối phát triển có nhận thức vừa mù mờ, vừa xơ cứng, và không chịu thường xuyên xem xét lại quan điểm của chính mình, không cho phép và khuyến khích sự xem xét lại.

Ấy thế mà đã có thời kỳ người ta sợ cái từ “xét lại” như sợ một con quái vật ba đầu sáu tay. “Chủ nghĩa xét lại” (revisionism) bị xem là bệnh dịch. Người ta thầm thì to nhỏ với nhau với vẻ nghiêm trọng về những kẻ xét lại. Người ta viết báo, viết sách chửi bới những kẻ xét lại ở nước khác. Người ta đấu tố và hãm hại những kẻ xét lại trong nước. Dân tình thì hoang mang, không biết tin vào đâu (rồi cuối cùng cũng nhắm mắt, cố tự trấn an để tin vào những vị đang cầm quyền).

Đó là vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Một số đảng “anh em” bắt đầu nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản tuy có giãy chết, nhưng càng giãy càng khỏe ra, còn chủ nghĩa cộng sản thì chưa biết khi nào mới xây dựng được. Trong bối cảnh đó, nếu các nước XHCN cứ luôn mồm tuyên bố làm cách mạng thế giới và liên tục chuẩn bị cho tình huống chiến tranh thì không mấy lúc sẽ bị suy kiệt. Hơn thế, những người đi sang phương Tây về đều chứng kiến một sự thay đổi nhận thức trong chính con người mình. Họ nhận ra chính các nước tư bản phát triển mới đang dần đạt được những mục tiêu gần giống như mơ ước của những người khởi xướng CNCS. Tuy nhiên, đa số họ phải giữ im lặng để bảo toàn sinh mạng, chỉ một số ít mới dám thầm thì với vài người thân. Chỉ vài người không chịu nổi sự dối trá mới lên tiếng nói rõ sự thật, để rồi phải chịu đày đọa trong phần còn lại của cuộc đời.

Chấp nhận thực tế tình hình thế giới, ở cương vị đứng đầu đảng CSLX, Nikita Khruschëv đã thực hiện một bước đi khá liều lĩnh: đưa ra chính sách “chung sống hòa bình” với thế giới tư bản, trong sự phẫn nộ của chính những đồng chí gần gũi nhất của ông và của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Do ngấm ngầm không ưa chính sách đó và do những thất bại trong các quyết sách về kinh tế của ông, tháng 10 năm 1964, các đồng chí của ông, đứng đầu là Leonid Brezhnev, đã tổ chức phế bỏ ông. (Người tiếp quản vị trí đảng trưởng từ ông chính là Brezhnev, còn vị trí đứng đầu chính phủ được trao vào tay Aleksey Kosygin.) Tuy nhiên, sau đó các chính sách đối nội và đối ngoại của đảng CSLX cũng không quay trở lại y hệt như thời kỳ Stalin nữa.

Ở Việt Nam, công cuộc “đổi mới” được khởi xướng vào năm 1986, mặc dù vẫn còn nửa vời và chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhưng đã chấp nhận những thay đổi còn vượt xa cả chuyện “xét lại” ở Liên Xô trước đây. Những chuyện như chấp nhận cơ chế thị trường trong kinh tế hay “làm bạn với tất cả các nước” chẳng phải là xét lại còn hơn cả Khruschëv hay sao? Mặc dù vậy, một điều kỳ lạ là người ta vẫn sợ cái từ này, và sợ tất cả những việc bàn bạc để đổi mới thực chất hơn nữa vì tương lai dân tộc. Họ cho rằng chỉ đổi mới ở mức độ mà họ định ra mới là tuyệt đúng đắn, còn yêu cầu hơn nữa là suy thoái đạo đức, là làm tay sai cho các thế lực thù địch.

Sợ xét lại, đó là một thứ bệnh. Một thứ bệnh của những kẻ không muốn thực hiện chức năng chính của con người: chức năng nhận thức.

Kèm theo nỗi sợ xét lại là nỗi sợ “diễn biến hòa bình”. Nếu nhận thức của mỗi con người thay đổi thì nhận thức xã hội cũng phải thay đổi, kéo theo những cải cách trong hệ thống nhà nước. Nếu hệ thống nhà nước trì trệ lâu thì sẽ xảy ra “tai biến”, tức “diễn biến không hòa bình”. Nếu nó thay đổi uyển chuyển, bắt kịp với nhận thức của xã hội, thì diễn biến sẽ là hòa bình, sẽ không có những sự đổ vỡ, tránh được cảnh tan nát, máu chảy đầu rơi.

Miến Điện là một trường hợp điển hình về diễn biến hòa bình. Việc chấp nhận một chế độ đa đảng thật sự đã làm cho lãnh đạo đất nước này được cả thế giới ca ngợi. Mọi việc diễn ra nói chung là êm thấm.

Ví dụ về diễn biến không hòa bình thì nhiều: Romania, Egypt, Libya,… Trong những cuộc diễn biến đó, xã hội mất mát rất nhiều, và kẻ độc tài luôn hứng chịu số phận thê thảm.

Vậy mà, thật kỳ lạ, người ta lại cứ sợ diễn biến hòa bình, và cố tình làm mọi cách để tránh né nó. Nếu vậy, sẽ chỉ còn một khả năng, không chóng thì chầy sẽ xảy ra, là diễn biến không hòa bình!

Sợ xét lại, sợ diễn biến hòa bình – đó thực sự là những nỗi sợ của người thiếu tầm nhìn.
NGUYỄN TRẦN SÂM
   (Blog Đào Hiếu)

Chính thức “bác” đề xuất đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự

“Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng, vì nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của cả dân tộc Việt Nam”.
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân và sẽ không có quy định nghĩa vụ thay thế (Ảnh ND)
Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh nêu quan điểm trước đề xuất thực hiện nghĩa thay thế nghĩa vụ quân sự.

Một trong những đề xuất gây nhiều tranh cãi trước kia là đề xuất ý tưởng của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Trần Đình Nhã: đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự để đảm bảo sự công bằng đối với công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên phía Chính phủ, Bộ Quốc phòng không đồng tình với đề nghị nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự và không quy định vào dự thảo Luật Nghĩa vụ Quân sự (sửa đổi) này. Bởi thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.

“Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng, và nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khẳng định và cho biết hằng năm có gần bảy triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi), số lượng gọi nhập ngũ rất ít. Trong điều kiện đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khăn, nếu được quy định vào Luật sẽ chưa có tính khả thi.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật đã quy định việc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng như: Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...; Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất mười hai tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực...

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho biết, có rất ít quốc gia trên thế giới quy định nghĩa nghĩa vụ thay thế, nếu có quy định cũng rất hạn chế và phải được Hiến pháp quy định. Chẳng hạn Luật Liên bang Nga về phục vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự chỉ quy định thực hiện trong những trường hợp trái với tôn giáo hay tín ngưỡng hoặc dân tộc thiểu số ít người, có lối sống truyền thống, có nền kinh tế truyền thống và làm nghề truyền thống.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự lần này cần có quy định để bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân.

“Hiện nay số lượng công dân tham gia nhập ngũ rất ít, các trường hợp khác không nhập ngũ nhưng cũng không thực hiện nghĩa vụ gì với Nhà nước để thể hiện trách nhiệm của mình trong bảo vệ Tổ quốc” – Thứ trưởng Tụng nêu.

Bộ Tư pháp cho rằng, vấn đề nghĩa vụ quân sự thay thế đã được đặt ra trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, cần nghiên cứu để quy định dự thảo Luật này theo hướng bảo đảm cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cần phải xác định cụ thể hơn địa vị pháp lý cho đối tượng là công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; dân quân tự vệ; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân… cần được coi là một “loại nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự” của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tại phiên thảo luận về Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Ai cũng có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đến tuổi cứ đi nghĩa vụ quân sự rồi về làm gì thì làm!”.
Thành Nam
(Infonet)

Du học: ở hay về?

Đây là những tâm sự thật của một bạn du học sinh Mỹ hiện đang ở Việt Nam trong hè 2014. Tôi quyết định giấu tên người chia sẻ câu chuyện này.
Bạn trẻ tìm hiểu thông tin tại một ngày hội du học tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: H.B.
Có những ông bố, bà mẹ cho con đi du học rồi khuyên “đừng về” vì nhiều lý do khác nhau. Câu chuyện dưới đây được kể trên một trang mạng và lập tức tạo nhiều ý kiến trái chiều. Được sự đồng ý của tác giả, Tuổi Trẻ xin đăng lại bài viết này. Bạn đọc tham gia ý kiến, muốn kể câu chuyện, trường hợp của mình xin gửi email về nhipsongtre@tuoitre.com.vn hoặc Ban thanh niên báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc bốn năm đại học, tôi muốn về Việt Nam nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”.
 
Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ khi tôi mới học lớp 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ: “Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 1980. Kể từ đó, bác đã cho không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên...

Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà nhiều nơi cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu nhương lắm. Về làm gì hả con?”.

Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng có thể tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!”. Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.

Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai chữ: “Sẽ về!”. Tôi có một cô bạn thân đang học ngành công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau bốn năm vất vả!”.

Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết tại Việt Nam mình sẽ không làm được”. Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình. Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa “apply” thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể”.

Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy.

Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau đi xây dựng đất nước. Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam mà chỉ nói: “Đừng về để giẫm vào đường cụt. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”.

Tôi nên ở hay về?
ĐỖ THANH LAM
   (Tuổi Trẻ)
 

Buồn cho ODA

buon-cho-oda
Cầu Cần Thơ là công trình có sử dụng vốn ODA của Nhật.
Vụ hối lộ liên quan đến vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật tại một dự án đường sắt ở Hà nội mới đây đã có một kết cục buồn cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam, khi họ phải chuyển 18 dự án trọng điểm về lại cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý. “Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt chậm, chất lượng không đảm bảo ở các dự án có vốn vay ODA, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giải thích vì sao đưa ra quyết định trên.

Những cáo buộc tham nhũng hay lãng phí liên quan đến vốn viện trợ không phải là điều gì đó quá mới mẻ trên thế giới. Đã có một số nghiên cứu của các nhà kinh tế chứng minh tác động tiêu cực của dòng vốn viện trợ này. Ví dụ, chuyên gia kinh tế Simeon Djankov (Bulgaria) cho rằng các dòng viện trợ này tương tự như nguồn tài nguyên trời cho và làm giảm chất lượng của thể chế nội địa thông qua việc khuyến khích hành vi trục lợi.

Thậm chí, một nhà kinh tế khác người Zambia, bà Dambisa Moyo, sau khi chứng kiến bi kịch của các quốc gia châu Phi khi nhận vốn ODA đã xuất bản một cuốn sách mang tên “Dead Aid” (tạm dịch: Sự viện trợ chết chóc). Trong đó, cho rằng viện trợ chỉ khiến các nước nghèo càng nghèo hơn và tăng trưởng chậm hơn vì nó khuyến khích hành vi tham nhũng, giảm tiết kiệm và đầu tư, gây lạm phát, giảm xuất khẩu (vì làm tăng giá trị đồng nội tệ) và thậm chí còn dẫn đến nội chiến.

Vậy tác động của vốn viện trợ là tích cực hay tiêu cực? Trên thực tế, đánh giá tác động của ODA là vấn đề vô cùng phức tạp. Thử nghĩ nếu không có vốn viện trợ, liệu Việt Nam có đủ tiền để xây cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, các dự án đường cao tốc và sắp tới đây có thể là siêu dự án sân bay Long Thành trị giá hàng tỉ USD.

Nhìn chung, các dự án hạ tầng như thế đã phần nào gây tác động lan tỏa và có thể đã mang lại những hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng để đánh giá hiệu quả đến mức nào sẽ là một câu hỏi hóc búa, không dễ trả lời.

Mới đây, tờ The Economist đã có một bài viết dẫn chứng một số kết quả đánh giá tích cực về dòng vốn viện trợ. Theo đó, nghiên cứu gần đây của hai nhóm nhà kinh tế Sebastian Galiani và Ben Zou (Đại học Maryland) và Stephen Knack và Colin Xu ( Ngân hàng thế giới) sau khi nghiên cứu dữ liệu của 35 quốc gia đã ước tính rằng cứ mỗi 1% thu nhập của một quốc gia có được từ vốn viện trợ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm sẽ tăng thêm khoảng 1/3 điểm phần trăm trong ngắn hạn.

Trước đó, vào năm 2011, nhà kinh tế Markus Brückner thuộc Đại học Adelaide (Úc), ước tính rằng 1% mức tăng trong vốn viện trợ sẽ nâng tăng trưởng thu nhập bình quân theo đầu người cũng bằng một con số dương nhưng nhỏ hơn kết quả trên: 0,1 điểm phần trăm.

Liệu các con số này có làm những người ủng hộ chính sách viện trợ cho nước nghèo nở nụ cười thỏa mãn? Có một số nghiên cứu khác có lẽ khiến họ buồn lòng. Một phân tích của hai nhà kinh tế Chris Doucouliagos (Đại học Deakin) và Martin Paldam (Đại học Aarhus) cho thấy hiệu quả ước tính trung bình của vốn viện trợ đối với tăng trưởng là dương, nhưng quá nhỏ để có thể xem là mang lại một điều gì đó thực sự có ý nghĩa đáng kể. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, các chính sách thương mại hay cho phép nhập cư tự do hơn còn mang lại kết quả tích cực hơn nhiều so với vốn viện trợ.

Ở một khía cạnh khác, các kết quả nghiên cứu về vốn ODA cũng có khả năng thay đổi khi nguồn dữ liệu được mở rộng hơn. Chẳng hạn, vào năm 2000, một nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng để thúc đẩy dòng vốn viện trợ này là nghiên cứu của hai nhà kinh tế Burnside và Dollar (Ngân hàng Thế giới). Nghiên cứu này đưa ra kết luận rằng viện trợ chỉ hiệu quả khi nước nhận áp dụng chính sách tốt. Chính sách tốt ở đây là chính sách về thặng dự ngân sách, tỉ lệ lạm phát và độ mở thương mại. Nếu điều kiện này được thỏa mãn, viện trợ sẽ có quan hệ tích cực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng 4 năm sau, hai nhà kinh tế là William Easterly và Ross Levine (Đại học Columbia) đã sử dụng lại mô hình trên và bổ sung thêm vào bộ dữ liệu thời gian 4 năm và 6 nước nhưng đã không lặp lại được kết quả tích cực trên!

Rõ ràng, vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến tác động của dòng vốn ODA. Một nhà kinh tế khác, ông Jonathan Pincus (Mỹ) cho rằng tác động của dòng vốn viện trợ này có thể không liên quan nhiều đến quy mô viện trợ. Theo đó, đóng góp quan trọng nhất có lẽ là gây tác động học hỏi đi kèm với việc tiếp xúc với thực tiễn tốt nhất của quốc tế. Ông đưa ra ví dụ, nếu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ xây đường cho Việt Nam, họ sẽ yêu cầu phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế cho các nhà thầu, đánh giá độc lập về thiết kế và kỹ thuật và một loạt những cơ chế khác để đảm bảo chất lượng và hiệu quả chi phí. Việc triển khai những quy trình này tạo cơ hội cho các quan chức và chuyên gia Việt Nam tiếp nhận những kinh nghiệm đáng giá trong triển khai dự án.

Nhưng sau đó, phạm vi những bài học này được tiếp nhận và áp dụng như thế nào cho các dự án khác phụ thuộc vào Chính phủ Việt Nam hơn là ADB, tức phụ thuộc vào mối quan tâm của Chính phủ trong việc áp dụng những thực tiễn này vào các dự án tương lai. Đây là ý tưởng tốt nhưng tiếc thay, việc đo lường những cơ hội học hỏi này là rất khó.
    Nguyễn Sơn
(Nhịp Cầu Đầu Tư)

Cuộc thắng thầu ngoạn mục của một Việt kiều trên đất Mỹ

Vừa qua, một tin vui đã thu hút sự quan tâm và làm nức lòng những người Việt Nam trên đất Mỹ. Đó là cuộc thắng thầu hợp đồng xử lý rác có tổng trị giá 2,7 tỷ USD, của Công ty California Waste Solutions (CWS) do Việt kiều David Dương làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Điều đáng tự hào ở đây là cuộc thắng thầu của CWS trước một đối thủ đáng gờm là đại công ty Waste Management (WM) - một doanh nghiệp xử lý rác lớn nhất nước Mỹ và cũng được coi là lớn nhất thế giới về lĩnh vực môi trường.
 

Một hợp đồng lịch sử
 
Đây là hợp đồng lớn nhất của thành phố này lần đầu tiên giao cho một công ty địa phương - một công ty do người Việt Nam làm đại diện và cũng là một hợp đồng lịch sử. Hợp đồng này bao gồm các hạng mục thu gom xử lý rác, thu gom xử lý phế liệu, rác cây xanh, chất thải thực phẩm… cho thành phố Oakland, trong thời gian 10 năm và thêm 10 năm gia hạn.

Ngay sau khi nhận được tin CWS thắng thầu sau hai lần điều trần, ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco khẳng định: Đây là một tin vui, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với một công ty nhỏ mang tính chất gia đình của người Việt Nam trong lĩnh vực xử lý môi trường hơn 30 năm qua trên đất Mỹ. Sự thành công của CWS là niềm hãnh diện của ông David Dương cùng gia đình và là niềm tự hào của cộng đồng người Việt cũng như người gốc châu Á tại Mỹ.
Hầu hết các nghị viên của Hội đồng thành phố Oakland đều ủng hộ Công ty CWS vì đây là công ty của chính địa phương Oakland. CWS đã đưa ra mức giá rẻ hơn, thuê mướn đa số cư dân Oakland, cam kết bảo vệ các quyền lợi của người lao động…
 
Hợp đồng này bắt đầu được thực hiện từ 1/7/2015. Hiện nay, CWS đang tích cực chuẩn bị triển khai các phần việc như xây dựng thêm nhà máy mới, mua trang thiết bị, đào tạo nhân công… Trong đó có việc phải mua 140 xe rác mới, trang bị 400.000 thùng rác cho các hộ dân, xây dựng cơ sở tiếp thu, xử lý rác, phế liệu.
 
Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam tại Oakland nhận định về kết quả sau cuộc điều trần lần 1: Đây là chiến thắng của những người trả tiền rác hàng tháng, bởi lẽ khi CWS giành được hợp đồng này, người dân Oakland sẽ tiết kiệm được 200 triệu USD trong 10 năm tới, hoặc 400 triệu USD trong 20 năm.
 
Năm 2013, Công ty California Waste Solutions của “Vua Rác” David Dương - đứng hàng 31/100 công ty xử lý rác của Mỹ do Tạp chí Waste Age bình chọn. Cách đây 30 năm, gia đình họ Dương đã đến lập nghiệp ở San Francisco, bắt đầu bằng nghề lượm giấy bìa cứng bị vứt bỏ, nay CWS đã vươn lên trở thành một doanh nghiệp có uy tín, quy mô lớn tại Mỹ.
 
Nặng lòng với quê hương
 
Bằng những kinh nghiệm xử lý rác với công nghệ tiên tiến trên đất Mỹ, với tâm huyết của một người con đất Việt hướng về quê hương, David Dương đã đem những hiểu biết của mình đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
 
Cách đây gần 10 năm, ông đã về Việt Nam thành lập Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS). Với tổng số vốn đầu tư gần 150 triệu USD, VWS đã xây dựng và vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh - một cơ sở xử lý rác với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Các cơ sở xử lý chất thải tại đây có khả năng tiếp nhận và xử lý 10.000 tấn rác/ngày, bao gồm khu chôn lấp công nghệ cao, Nhà máy xử lý nước rỉ rác áp dụng công nghệ màng lọc thẩm thấu ngược kép (RO) công suất 280 m3/ngày, nhà máy xử lý nước rỉ rác theo công nghệ màng vi lọc sinh học (MBR) công suất 1.000 m3/ngày, nhà máy phân loại tái chế, nhà máy chế biến phân compost, trạm trung chuyển… 

Được vận hành từ năm 2007, khu liên hợp này mỗi ngày đã tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác thải và đã được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận việc điều chuyển 2.000 tấn rác thải từ khu xử lý rác Phước Hiệp (Củ Chi) về Đa Phước vào cuối năm 2014.
 
Dự án này được các nhà chuyên môn đánh giá cao bởi đáp ứng các quy định về môi trường. Đây là dự án áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, góp phần phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước.
 
Phát huy những thành quả ban đầu, VWS đang nỗ lực chuẩn bị cho một dự án có quy mô tầm cỡ thế giới: Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh này có tổng vốn đầu tư lên đến 700 triệu USD, có khả năng tiếp nhận từ 20.000 tấn rác ngày, thời gian cao điểm mỗi ngày có thể thu gom, xử lý 40.000 tấn rác thải của Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
(Báo Tin Tức)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét