Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

'Không thể tránh cải cách thể chế nữa’ - Chúng ta vẫn đeo mặt nạ để sống

Đảng rối loạn, Quốc hội loạn ngôn


"...Như vậy thì bản Thông cáo số 2 của Quốc Hội Việt Nam chỉ có nội dung kiểu "quân tử Tàu" nhưng lại "không dám sờ đến chân lông của Trung Quốc" thì liệu có "đánh thức được con tim chai đá và lươn lẹo" của Lãnh đạo Trung Quốc không, hay đã rối loạn thần kinh mà mất khôn?..."
 
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã  bị “rối lọan thần kinh” và Quốc hội mắc chứng “loạn ngôn” trước xâm lược Biển Đông của Trung Cộng.

Tình trạng này đã xảy ra trong ngày họp cuối cùng 24/06/2014 của Kỳ họp 7 Quốc hội Khóa XIII khi cơ chế có quyền cao nhất nước chỉ “đẻ” ra được một Thông cáo  để “khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”.

Thông cáo cũng nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” rằng: “Hành động của Trung Cộng là vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.”

Tuy nhiên, Quốc hội của “đảng cử dân bầu” này chỉ dám: “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam”, thay vì phải cương quyết và dứt khoát  “đòi hỏi” Trung Cộng phải “rút ngay lập tức” dàn khoan và các tầu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.


Trước ngày bế mạc, đã có một số Đại biểu yêu cầu Quốc hội công bố một Nghị quyết để khẳng định sự “đồng thuận và chính thức”  của những người thay mặt cho 90 triệu dân lên án hành động xâm lăng của Trung Cộng.


Quốc hội đã bỏ ngoài tai yêu cầu chính đáng này để không ra Nghị quyết và cũng không ra nổi một Tuyên bố khiến dư luận trong nước thất vọng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại biện minh tại cuộc họp báo (24/06/014) rằng: “Thông cáo này được xem như Tuyên bố của Quốc hội thể hiện quan điểm, thái độ trước hành động sai trái của Trung Quốc. ”(Thời báo Kinh tế Việt Nam, 24/6/2014   )

Ông Phúc còn nói với báo chí: “Dù là tuyên bố hay nghị quyết thì nội dung bên trong đều thể hiện rất rõ sự phản đối của Quốc hội Việt Nam với sự vi phạm của Trung Quốc”.

Ông còn tự biên tự diễn thêm: “Dư luận cử tri cho rằng, Thông cáo số 2 của Quốc hội đã góp phần giải tỏa, an lòng nhân dân trước hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc; đồng thời, góp phần thể hiện ý chí quyết tâm, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước."

Sự thật ở đâu?

Trước hết, ở Việt Nam không có Viện thăm dò dư luận độc lập, dù của tư nhân hay nhà nước mà chỉ có báo đài chịu sự kiểm soát của Ban Tuyên giáo Trung ương hay cán bộ đảng được chỉ định làm việc này để to son điểm phấn cho chủ trương và chính sách của nhà nước.

Vì vậy, đối với bản Thông cáo số 2 về tình hình Biển Đông, dù có ba đầu sáu tay, ông Phúc cũng “không thể nào” có được kết quả của “dư luận cử tri” trong thời gian ông họp báo, “ngay sau khi Quốc hội bế mạc”, hôm 24/06/2014.

Nhưng khi ông Phúc vẫn cố gắng nói quanh: “Tại phiên bế mạc hôm nay, Chủ tịch Quốc hội cũng đã tuyên bố, thể hiện quan điểm của Việt Nam về biển Đông” .

Vậy Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nói gì?

Ông Hùng nói: “Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân 2 nước Việt Nam – Trung Quốc”.

Quan điểm của ông Hùng không mới vì ông chỉ lập lại gần như nguyên văn Điểm 2 của Thông cáo số 1 của Quốc hội ra  ngày 21/05/2014, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông và thảo luận tại phiên họp  tổ (họp kín giữa  các đòan Đại biểu của địa phương), thay vì thảo luận công khai tại hội trường.

Điểm này viết: “(2).QH khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa”.

Tuy nhiên cần phải minh bạch về tư cách “đại diện” của ông Nguyên Sinh Hùng khi ông nói “Quốc hội khẳng định…” , do đó không thể đồng thời “thể hiện quan điểm của Việt Nam về biển Đông” như lối nói “lạm dụng danh nghĩa” của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo hệ thống lãnh đạo Nhà nước thì chỉ có ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch, mới có tư cách thay mặt cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam.

Nhiệm vụ này đã quy định trong Điều 86 của Hiến pháp mới (2013): “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Tuyên bố chống thông cáo

Như vậy rõ ràng ông Phúc  đã “rất mù mờ” về sự khác biệt ý nghĩa giữa “Nghị Quyết” với “Tuyên bố” và giữa “Tuyên bố” với “Thông cáo” là điều dễ hiểu.

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin năm 1998 thì:

-Nghị quyết là “văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc và nhất trì thông qua.”

-Tuyên bố có ý nghĩa “trịnh trọng và chính thức nói cho mọi người biết.” (Tỷ dụ như :Bản tuyên bố của Bộ, Chính phủ v.v..).

-Thông cáo: “Văn bản do các tổ chức, cơ quan nhà nước ban bố để cho mọi người biết tình hình, sự việc có tầm quan trọng nào.”

Như vậy rõ ràng Thông cáo của Quốc hội, dù nói về lập trường của Quốc hội với hành động sai trái của Trung Cộng ở Biển Đông không thể  “được xem như Tuyên bố của Quốc hội” vì không ”trịnh trọng và chính thức“.

Vậy tại sao Quốc hội đã tìm mọi cách để né tránh đưa ra Nghị quyết hay Tuyên bố ?

Ai cũng biết, từ khi Trung Cộng đặt giàn khoan Hải dương 981 vào sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 02/05/2014, Bộ chính trị 16 người, nhóm quyết định toàn diện đường lối và chính sách của đảng và chính phủ CSVN chưa hề “chính thức” lên tiếng về hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Cộng.

Nhóm “độc tài 16” này, đứng đầu bởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người bị nhiều cựu viên chức cao cấp trong Đảng, kể cả nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cáo buộc “thân Trung Cộng ra mặt”, cũng chưa dám quyết định kiện Trung Cộng ra tòa án Quốc tế dù Bắc Kinh đã ngang ngược xâm lăng biển của Việt Nam, sau khi đem quân chiếm Hòang Sa năm 1974 và đánh chiếm  đá Gạc Ma và 7 đảo khác trong quần đảo Trường Sa năm 1988.

“Nhóm 16 người” cũng không có bất cứ động thái nào, sau khi Trung Cộng biến các khu đá,đảo chiếm bất hợp pháp ở Trường Sa thành các căn cứ quân sự và xây đảo nhân tạo để kiểm soát an ninh và “hợp thức hoá chủ quyền” của đuờng lưỡi Bò tự chế chiếm ¾ của tổng diện tích khỏang 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông.

Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy Thông cáo ngày 24/06/2014 của Quốc hội viết rằng: “Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc”.


Tất nhiên, cũng ít ai ngạc nhiên khi nghe người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Cộng cho biết: "Cục Hàng hải Trung Quốc đã công bố toạ độ cụ thể, mời phóng viên nhẫn nại tra rà trên bản đồ sẽ rõ ngay, không cần thiết suy đoán và liên tưởng thái quá đối với hoạt động bình thường" , khi được hỏi về quyết định mới đây của Bắc Kinh cho lệnh di chuyển thêm nhiều giàn khoan dầu xuống Biển Đông.

Theo trang web Cục Hàng hải Trung Quốc thì từ ngày 13/6 đến ngày 12/8, các giàn khoan "Nam Hải 5", "Nam Hải 2" và "Nam Hải 4" sẽ tiến hành tác nghiệp trên vùng biển liên quan ở Nam Hải (Biển Đông).  Giàn khoan "Nam Hải 9" đã di chuyển đến khu vực tiếp ranh phân định Vịnh Bắc Bộ, đối diện với hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh của Việt Nam.

Ngoài ra, các Chính phủ ở  Châu Á cũng đang theo dõi tin Trung Cộng đang đóng thêm 3 giàn khoan lớn Hải Dương - 982, 943 và 944 với tổng trị giá lên tới 1 tỉ Dollars) để đưa vào hoạt động ở Biển Đông trong một tương lai không xa.

Song song với hành động chiếm biển công khai, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì còn khẳng định Trung Cộng “cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ" .

Ông nói:"Chúng tôi sẽ không bao giờ đổi chác các lợi ích cốt lõi của mình, hoặc ngậm trái đắng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển".

Chủ tịch Nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Cộng Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố ngày 28/01/2013: “Không một quốc gia nào có thể nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ thương lượng các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, cũng không nên nuôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể chấp nhận quả đắng trong việc làm tổn hại lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”. (Báo điện tử Biển Đông, 6/3/013)

Dương Khiết Trì đã lập lại lập trường “không thay đổi” của Bắc Kinh từ thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình còn sống, sau chuyến sang Hà Nội ngày 18/06/2014 để thảo luận vụ giàn khoan Hải dương 981 với 3 viên chức lãnh đạo CSVN gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngọai goa Phạm Bình Minh.

Trong cuộc tiếp xúc với ông Minh, Dương Khiết Trì đã nói như ra lệnh cho Việt Nam: “Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan”.
Họ Dương còn đòi Việt Nam phải: “Đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới,xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn”.

Như vậy thì bản Thông cáo số 2 của Quốc Hội Việt Nam chỉ có nội dung kiểu “quân tử Tàu” nhưng lại “không dám sờ đến chân lông của Trung Cộng”  thì liệu có “đánh thức được con tim chai đá và lươn lẹo” của lãnh đạo Trung Cộng không, hay đã rối loạn thần kinh mà mất khôn?

Phạm Trần (06/014)
 
(Thông luận)

Báo chí không phải là công cụ

Hoàng Xuân


Phóng viên tới dự tòa phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu?
Có lẽ khó có một ngày kỷ niệm nghề báo nào như năm nay, khi ngay trước và sau thời điểm này liên tiếp những biện pháp làm khó báo chí được đưa ra.

Hết của ngành chức năng (quy định nhà báo đến dự tòa phải đồng thời có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí- thông tư 01/2014 của Tòa án nhân dân Tối cao) đến của chính quyền địa phương (UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 1276 có hiệu lực từ ngày 14/6/2014).
Ngày mới bước vào nghề báo, tôi làm phóng viên truyền hình, đi kèm với một phóng viên khác kiêm quay phim. Có câu chuyện chắc ai là dân truyền hình cũng từng gặp, trong mắt tôi nó rất hài hước.
Đó là chúng tôi rất hay được phân công đi đưa tin hội nghị. Nhiều cuộc dài lê thê, đại biểu nhàm chán ngủ gật hàng loạt.
Thỉnh thoảng thấy ngủ nhiều quá, nổi cơn nghịch, anh quay phim đưa máy lên rê chầm chậm dọc hàng ghế đại biểu. Hết sức thú vị: ống kính đưa đến đâu, những cái đầu đang gật gù lập tức dựng thẳng lên tới đó, gương mặt lập tức tỏ vẻ chăm chú, nhất loạt và chính xác không thể tin được. Y như chiếc đũa thần lướt qua cánh đồng dựng dậy những thân cây bị bão!
Để “lên ti vi”, dù chỉ vài giây, dù khán giả không biết mình là ai, nhưng ai cũng hớn hở sửa soạn bộ cánh đẹp nhất, diện mạo dễ coi nhất, vẻ mặt tươi tắn nhất.
Những cuộc trao thưởng, tổng kết ngành, nhận bằng khen, huy chương huân chương, đặc biệt khi có vị quan chức cao cao về dự thì khỏi phải nói, không có truyền hình dứt khoát chưa khai mạc. Truyền hình được ưu ái tuyệt đối, tha hồ đi tới đi lui trên sân khấu, trước mặt hàng ghế đại biểu để quay phim, phỏng vấn. Quay xong, có người trong Ban tổ chức chưa yên tâm còn ra xem xem đã có hình cận vị quan chức A B X chưa, chưa thì bằng mọi cách bố trí để quay lại, chưa xong chưa về.
Đãi đằng sau cuộc họp, truyền hình cũng được dành bàn riêng, do công việc đặc thù phải phỏng vấn sau khi hội nghị kết thúc, off máy, cuốn dây, vân vân. Cách đây gần hai mươi năm, truyền hình chưa nở rộ nhiều hãng như hiện nay, chỉ duy nhất có truyền hình quốc gia và các địa phương, nên oách lắm!
Thời “oách” đã qua, giờ là thời “oải” chăng?

Xếp xó, bỏ kho?

Tại sao lại đòi hỏi nhà báo phải có giấy giới thiệu mới được dự tòa?
Khi còn trong trường Luật, thầy cô khuyến khích chúng tôi đến dự tòa, càng nhiều càng tốt. Kiến thức sách vở chỉ được làm rõ và ghi nhớ khi đối chiếu với thực tiễn xét xử, với muôn vàn tình huống thực tế phong phú.
Mang cái mặt nhọ nhem đến soi gương rồi buộc tội cái gương không biết làm đẹp là việc làm ấu trĩ và buồn cười.
Với người học luật, trải nghiệm các cảnh đời vạn dạng ở pháp đình là cách tốt để quan sát và hòa mình. Hành lang TAND Tối cao ở TP HCM hồi đó (lầu một, TAND TP HCM ở tầng trệt) thường không khi nào vắng mặt bọn sinh viên Luật trải nilon gặm bánh mì nghỉ trưa khi chờ phiên xử buổi chiều. Các cô chú thẩm phán xem là chuyện bình thường.
Phiên tòa cung cấp kiến thức cho sinh viên Luật tốt đến nỗi trong các khóa chúng tôi thời đó (khóa 13, 14…) còn có hẳn sinh hoạt chuyên môn sinh viên rất mê, là Phiên tòa giả định. Thầy cô cho mượn hồ sơ một vụ án đơn giản, sinh viên chia phe tổ chức hẳn một phiên tòa đầy đủ bộ sậu, cãi lấy cãi để. Hào hứng, lôi cuốn, bổ ích vô cùng.
Khi trở thành phóng viên, trong các phiên xử, tôi cũng thường gặp rất nhiều người dân không liên quan đến vụ án chăm chỉ đến dự các phiên tòa. Kiến thức pháp luật và các tình huống cuộc sống lọc qua các phiên tòa rất nhẹ nhõm in sâu vào đầu.
Với những nhà báo phụ trách mảng pháp đình, thông tin không chỉ là tội phạm và mức án, mà là vô vàn hoàn cảnh, thân phận được giúp rọi sáng, khiến người xét xử và cả xã hội có thêm góc nhìn nhiều chiều, những cái nhìn nhân bản về người phạm tội, về vụ án.
Khá nhiều thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư vẫn dành thời giờ viết báo, chia sẻ quan sát và suy nghĩ của mình về thực tiễn nghề nghiệp, những câu chuyện sống động, có khi đau lòng, có khi hân hoan gặp được trong quá trình hành nghề.
Không chỉ những câu chuyện số phận mà rất nhiều điều luật, bộ luật đã được chỉnh sửa, bổ sung trong quá trình cọ xát với thực tiễn xét xử, qua sự phát hiện và giám sát của báo chí.
Báo chí là tấm gương phản ánh xã hội. Người ta soi gương để nhìn thấy cái chưa đẹp, nhờ đó chỉn chu lại mình. Điểm nào đẹp rồi thì nhớ để lần sau cứ vậy mà làm. Mang cái mặt nhọ nhem đến soi gương rồi buộc tội cái gương không biết làm đẹp là việc làm ấu trĩ và buồn cười.
Thế nhưng, trong đầu một số người nào đó, tấm gương không được phản chiếu vết bẩn; báo chí phải là “công cụ tư tưởng”. Chính vì xem báo chí là công cụ, nên mới có cách nghĩ coi thường: khi cần dùng thì phủi bụi bấm nút, hết cần thì xếp xó bỏ kho.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, một nhà báo ở TP HCM.

Khi một nền giáo dục không còn khả năng tự cải hóa tự thay đổi

Giá trị khoa học cao nhất thời nay là biết chăm chỉ phục vụ thời sự

Việc một số nhà giáo dạy văn kì cựu tỏ ý hoan nghênh đề thi tốt nghiệp THPT năm nay bàn về biển đảo không làm cho những người như tôi ngạc nhiên.
 
 Chẳng qua các nhà giáo ấy chỉ muốn khẳng định con đường mà họ đã theo từ trước đến nay.

Con đường nào? Đó là thông qua văn học—chủ yếu là văn học hiện thời --, thuyết minh rao giảng cho các hoạt động đang thu hút sự chú ý của xã hội và coi đó gần như là công việc chính của người giảng dạy một bộ môn nhân văn như văn học.

Lịch sử kể cả lịch sử văn chương chả là thứ gì xa xôi trừu tượng mà phải quá lo. Tất cả trông vào phản ứng của người ta trước tình hình thời sự.

Người sáng tác cũng như người giảng dạy văn chương phải coi phục vụ thời sự là niềm hãnh diện.
Nhiều thế hệ người thày đã quen với ý nghĩ như vậy.

Từ đó, nếu có đào tạo ra một lớp người đời sống tinh thần nghèo nàn, nghề nghiệp không có, lấy việc làm theo mệnh lệnh từ trên xuống làm niềm tự hào…thì cũng chẳng ai lấy làm xấu hổ.

(Trên đây cũng là cách hiểu của tôi với điều mà nhà nghiên cứu Giáp Văn Dương gần đây mô tả -- chúng ta chỉ lo đào tạo con người công cụ. Chỉ xin bổ sung thêm, thứ con người công cụ mà nền giáo dục ta đào tạo nên là loại công cụ quá cổ lỗ thô sơ ; trong trường hợp sản phẩm giáo dục đang nói, đó là một thứ công chức xoàng xĩnh không ai muốn dùng).

Một sự sai khác dễ thấy khi so sánh

Có nhiều điều do đã quá quen, nên ta tưởng ở đâu cũng vậy lúc nào cũng vậy sau biết rộng ra hóa không phải.

Thử nhìn vào các cuốn sách giáo khoa môn văn ở bậc tú tài Sài Gòn trước 1975. So với sách tương tự Hà Nội, chỗ khác thì nhiều, trong đó có cái điểm là ở đó có một tinh thần khoa học nghiêm túc với nghĩa:

-- không bao giờ có chuyện văn học phục vụ chính trị một cách thô thiển nói chung,
-- không bao giờ dành cho văn chương đương thời một sự sùng bái quá đáng; không ép học sinh phải học mọi thứ văn chương vừa viết rời tay và mới xuất hiện trên báo chí vài năm ….

Còn ở Hà Nội thì sao? Trước khi vào Đại học Sư phạm Vinh, tức là từ hồi còn học cấp II, cấp III Chu Văn An, tôi đã biết rằng các nhà nghiên cứu văn học đương thời bị khống chế theo cái phương châm học từ Trung quốc sau 1949 là hậu kim bạc cổ.

Lúc học đại học, phần văn học cổ điển chúng tôi chỉ được học rất sơ sài. Bao nhiêu sinh viên có năng lực đổ xô cả vào việc tìm hiểu văn học đương thời, lấy việc được tham dự vào đời sống văn học trước mắt làm niềm tự hào. Còn một số sinh viên chót đi theo văn học cổ điển và văn học nước ngoài thì đành xót xa như bị đẩy ra chầu rìa trở thành người đứng ngoài cuộc. Phải một thời gian họ mới học được cách làm cơ hội chủ nghĩa ở trình độ cao hơn, sẵn sàng bóp méo lịch sử phục vụ thời sự và nhờ thế, họ lại trở nên cao giá hơn. Nhưng đó là chuyện về sau.

Khái quát lại thì thấy Các vấn đề nội tại của một ngành khoa học, các vấn đề mà nó phải đối diện trong suốt lịch sử hình thành không là gì cả, nếu nó không phục vụ thời sự.

Không chỉ môn Văn, mà các môn khoa học xã hội khác cũng đều đi theo hướng đó, nhưng ở môn văn, người ta lại hay có những lý lẽ che đậy khéo léo hơn, do đó đáng xấu hổ hơn.

Từ những người quản lý giáo dục cho tới các giáo viên đều thống nhất xác định nhiệm vụ của khoa học là góp phần lý giải các hiện tượng thời sự, còn cái gốc khoa học thì bị lảng tránh và tùy tiện thay đổi, chín bỏ làm mười là thường, mà bốn năm, thậm chí hai một,cũng vẫn là con số mười đẹp đẽ.

Thời sự ở đây vừa có nghĩa là đời sống tinh thần sau 1945 nói chung, vừa có nghĩa là các vấn đề nổi cộm của từng năm tháng cụ thể.

Một hệ thống phụ thuộc và bị hòa tan
trong hệ thống hành chính vô cảm

Trở lên là tình trạng giáo dục phục vụ chính trị trên bề mặt.

Sự phục vụ này còn đi vào bề sâu, biến thành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một bộ máy đồ sộ -- cả trong việc dạy và học số người trong ngành tính ra phải là con số chục triệu.

Có dịp tìm hiểu lại nền giáo dục trước 1945 và nền giáo dục ở Sài Gòn trước 75, tôi nhận ra một sự thật -- hồi đó, bản thân giáo dục là một hệ thống quyền lực.

Nhà thơ Chế Lan Viên có lần nói với Nguyễn Khải và Nguyễn Khải về kể lại cho tôi một nhận xét. Ông Chế bảo, ở xã hội cũ, một viên tri huyện tuy vậy vẫn phải nể nhà sư trụ trì mấy ngôi chùa lớn, hay các vị đỗ đạt cao nay không làm gì chỉ về mở trường trong vùng. Còn các chức danh đốc học, giáo thụ, huấn đạo – các học quan tương ứng với tỉnh, phủ , huyện -- là người do triều đình cử chứ không phải do chính quyền địa phương cử, hoặc nếu địa phương cử thì triều đình cũng phải duyệt.(1)
Sang thời cách mạng thì hoàn toàn ngược lại. Nhiều vị sư do nhà nước phân công vào chùa hoạt động, hoặc sau khi vào chùa lấy việc cộng tác với chính quyền làm niềm vinh dự, nghĩa là trong hệ thống sai bảo của chính quyền theo nghĩa đen.

Còn người phụ trách giáo dục các cấp hoàn toàn do ủy ban cử sang.

Cả những hiệu trưởng cũng vậy, phải do Ủy ban thông qua.

Bộ máy tổ chức cán bộ địa phương thường hoạt động theo nguyên tắc là ai tài giỏi cho đi phụ trách các ngành chính trị kinh tế. Còn văn hóa giáo dục sẽ phân công cho những người kém thế lực và kém năng lực.

Đánh đấm ở chiến trường hay vật lộn với sản xuất với thị trường mới khó, chứ việc quản mấy ông thầy với đám học trò ranh, ai làm chẳng được – người ta hiểu vậy.

Một trong những chuyện buồn cười nhất thời gian gần đây là chỉ thị của Bộ gíáo dục cho các tỉnh, khuyên cơ quan chính quyền tỉnh nên cẩn thận và ráo riết trong việc kiểm soát các tin tức tiêu cực từ các cuộc thi.

Nó là bằng chứng cho thấy giáo dục đã nát như thế nào.

Nhưng nó cũng tố cáo sự phụ thuộc hoàn toàn của nhà trường vào nhà cầm quyền. Giáo dục trở thành việc nhà của địa phương rồi, người ta cho biết cái gì thì dân được biết cái đó.

Một kỷ niệm nữa có liên quan tới những năm 55 – 58,khi tôi học cấp II Chu Văn An. Trường ở ngay cạnh Chủ tịch phủ. Hễ có các vị quan khách nước ngoài tới thăm, xe đưa từ sân bay Gia Lâm về Ba Đình là bọn tôi được lệnh bỏ học, ra đứng đường để hoan nghênh các vị khách quý.

Ở các địa phương việc huy động thầy trò vào các công việc gọi là công ích, là công tác chính trị của địa phương, càng phổ biến.

Người ta tự coi mình đương nhiên có quyền can thiệp vào mọi việc của nhà trường. Còn những việc như thế, làm hại đến chất lượng giáo dục ra sao, thì không ai cần biết.

Một người bạn già có hiểu nhiều về giáo dục ở ta kể với tôi Bộ trưởng Bộ giáo dục trong chính phủ liên hiệp thành lập 2-1946 là Đặng Thai Mai. Nhưng về sau do sinh viên trường đại học Đông dương đề xuất thắc mắc, Đặng Thai Mai chỉ tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, nên phải thay bẳng Nguyễn Văn Huyên có bằng tiến sĩ Sorbone Đại học số một của Pháp.

Việc chọn người tham gia chính phủ thời kỳ 1945-46 có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tôi tin chắc rằng thời ấy việc cử Bộ trưởng Bộ giáo dục buộc phải tuân theo nhiều chuẩn mực nghiêm khắc chứ không phải à uôm như từ sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua đời tới nay.

"Giáo dục thì ta không kém gì thế giới"

Một lần đọc hồi ký Đoàn Thêm, tôi biết rằng ở miền Nam trước 11-1963, ông Ngô Đình Diệm có một nhận thức về nền văn hóa giáo dục nước nhà rất đặc trưng cho người Việt. Đại ý, theo Ngô Đình Diệm, nước ta kém gì thì kém chứ dân ta rất ham học, ta có truyền thống về văn hóa giáo dục, có thể làm gương mẫu cho các nước Đông Nam Á(!) .

Về mặt này, có thể nói là giữa nhà chính trị họ Ngô với các đối thủ tức là những người của bên thắng cuộc, như chữ dùng của Huy Đức, hoàn toàn có một sự tương đồng.

Ở Hà Nội trước 1945, chúng tôi cũng được rót vào đầu niềm tự hào về thứ “cao quý nhà nghèo” của giáo dục văn hóa xứ mình và các vị bề trên đứng ra chèo lái xã hội thì đều là những nhà văn hóa nhà giáo dục có tầm vóc quốc gia.

Tuy nhiên,ở miền Nam, sau khi Ngô Đình Diệm đổ, đến thời các vị tướng làm chính trị, thì họ khôn ngoan hơn. Bảo rằng bỏ mặc cũng được mà bảo rằng thức thời cũng được, họ cho phép nền giáo dụclúc ấy vượt lên cái cổ hủ vốn có, kể cả vượt qua cả nền giáo dục khá bài bản thời Pháp thuộc, để chuyển sang học cách làm giáo dục mới mẻ của người Mỹ.

Theo tôi hiểu, một trong những nét làm nên bản chất giáo dục Hà Nội và nay mở ra cả nước, đó là sự tiếp nối, là bộ mặt hiện đại của một thứ giáo dục làng xã tiểu nông, cái gì cũng tàm tạm gọi là có mà không cái gì đạt tới trình độ một nền giáo dục chân chính. Nhưng đó là ý tôi biết được về sau. Suốt thời trẻ chúng tôi phải quán triệt một nhận định của trên

-- chúng ta có một nền giáo dục thuộc loại tiên tiến trên thế giới.
-- sau những học lỏm ban đầu của các nước anh em Liên xô Trung quốc, nay đã đến lúc chúng ta chẳng cần học ai cả.

Mất dần mọi sự thiêng liêng

Dịp cuối niên học 2013-14, một anh bạn trạc tuổi tôi đi họp phụ huynh cho cháu nội trong nhà đang học tiểu học trở về kể rằng không khí nhà trường sao ngao ngán hết chỗ nói.

Cái chính tức là nhà trường hiện nay truyền sang học trò tinh thần thi nhau cạnh tranh để giành những danh hiệu.

Trong việc đánh giá học sinh sau một năm học, người ta có chú ý đến nội dung bài vở nhưng nhiều chỗ che giấu hoặc làm lấy lệ; cái quan trọng hơn là trình độ thích ứng của mỗi em trước sự nhào nặn của nhà trường .

Từ đó nẩy sinh trong học sinh và phụ huynh tâm lý chỉ chăm chăm xem mỗi em học sinh ở vào cái thang bậc nào trong bảng thành tích mà nhà trường xếp đặt. Những chuẩn mực kiến thức cũng như đạo đức của em trở nên một cái gì hết sức trừu tượng và xa lạ.

Một lần, tôi đã đọc được lời than phiền của một phụ huynh là sao trong những dịp khai giảng bế giảng cứ bắt con em họ phải tập đi tập lại những động tác rất vô nghĩa để đón những cán bộ ủy ban sang dự. Trong khi đó cảm giác của người học sinh về sự thiêng liêng của nhà trường, sự thiêng liêng của buổi lễ khai giảng, hoàn toàn là một cái gì khó hiểu đối với lớp trẻ đương thời.

Khi nghĩ về những năm học tiểu học của mình, tôi luôn nhớ về các thầy, các cô cũ. Không hiểu sao, tôi cảm thấy đối với các thầy có một sự kính trọng thật sự.

Con em chúng tôi hiện nay khi nói về nhà trường không mấy khi chúng nhắc tới những người thầy mà chúng đang học. Ngày 20-11 có đi chúc tết các thầy thì cũng sớm hiểu đây là cái lệ không làm không được.

Khoảng từ 1964 trở về trước, ở Hà Nội người ta còn chọn lọc khi tuyển người vào ngành sư phạm. Tức là có những người có thể rất giỏi, rất được việc, nhưng nếu không có cách sống thế nào đó, không có thói quen đạo đức thế nào đó, thì được khuyên là không bao giờ nên đi vào ngành sư phạm. Vì làm thầy lúc đấy cũng là một sự nghiệp thiêng liêng như tu hành vậy. Người ta không thể mưu cầu danh lợi khi đi làm thầy.

Có điều, đấy chỉ là di sản còn sót lại của nền giáo dục trước 1945 và kéo dài lót đót qua kháng chiến. Ngay trước 1975 tinh thần thực dụng cũng đã thấm vào lớp thanh niên mới lớn chúng tôi mà việc chán bỏ ngành sư phạm đã thành một thứ luật bất thành văn. Chúng tôi bảo nhau đó là nghề bán cháo phổi, nghề chở đò qua sông. Trong sự đãi ngộ của nhà nước thì hồi đó lương giáo viên thuộc loại thấp, ở nhiều vùng nông thôn, giáo viên phải làm thêm mới đủ sống.Có người nêu ra định nghĩa người giáo viên tức là người nông dân có thêm nghề phụ là nghề gõ đầu trẻ.

“Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm thông qua, nông lâm bỏ xó”
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”…

những câu "danh ngôn" được truyền tụng hồi ấy gần đây tôi còn được nghe nhắc lại, với ngụ ý là tất cả những tệ hại xảy ra hôm nay, nó đã bắt nguồn lâu lắm rồi, ngay từ lúc xã hội còn thịnh trị.

Có một chuyện mà tôi thấy tuy có vẻ nhỏ nhặt không đáng nói nhưng sao vẫn thấy cần nói. Tại sao nền giáo dục của chúng ta, nhất là giáo dục tiểu học lại toàn sử dụng phụ nữ. Nhiều cô giáo quá, tỷ lệ cô quá cao. Nếu tôi không lầm có đến 80 – 90% giáo viên tiểu học các trường là phụ nữ. Theo sự hiểu biết của tôi, nhất là qua tìm hiểu nền giáo dục của các xã hội bình thường khác thì ngay trong trường tiểu học, học sinh đã cần lây truyền tính khỏe mạnh, cương nghị, quyết đoán của nam giới chứ không chỉ cần sự ngọt ngào, tình cảm của nữ giới.

Cạn kiệt năng lực thay đổi

Trong bài viết Làm sao cứu vãn nền giáo dục phi chuẩn mực này được? tôi đã nói tới tình trạng đang ngại nhất của nền giáo dục hiện nay – nó tiên thiên bất túc, bất thành nhân dạng do đó vô phương cứu chữa.

Người ta vẫn đang lớn tiếng yêu cầu là phải có những cải cách mạnh bạo trong ngành giáo dục. Nhưng với những người đang làm giáo dục hiện nay, tôi có cảm tưởng ở họ đã cạn kiệt năng lực tự thay đổi.

Muốn thay đổi được họ phải biết một nền giáo dục chuẩn mực là như thế nào, giáo dục các nước khác ra sao. Đằng này, họ không bao giờ biết một cái gì khác ngoài nền giáo dục mà họ đang sống và là những trụ cột. Người viết sách giáo khoa không biết rằng sách giáo khoa ở các nước khác người ta viết như thế nào. Người lên lớp giảng không biết rằng ở các nước khác người ta làm việc với niềm tin thế nào, kiến thức thế nào.

Trong đời làm báo hồi trẻ, tôi luôn luôn bắt gặp những người phụ trách báo mà không biết tờ báo nào thời trước cách mạng, không bao giờ biết nào tờ báo ở nước ngoài và còn tham gia vào việc ngăn chặn cấp dưới của mình đọc các tờ báo ấy. Thế mà họ cứ làm công việc phụ trách báo vài chục năm trời.

Đến khi làm xuất bản tôi cũng gặp những ông giám đốc không hề biết nghiệp vụ xuất bản là gì. Nhiều ông nhà không có tủ sách cá nhân, bản thân không bao giờ đi lùng sách, không bao giờ ra các cửa hàng xem người ta mua sách ra sao. Vậy mà những vị giám đốc ấy, khi tiếp khách nước ngoài (hồi trước 1986, khách Liên xô có, khách Trung quốc có), vẫn tự tin rao giảng kinh nghiệm xuất bản của mình cho khách.

Những người thầy giáo và nói chung là những người làm giáo dục ở ta cũng trong tình hình tương tự. Mà chuyện bên giáo dục cũng là chuyện của mọi ngành khác.

Đã đến lúc không còn biết học ở đâu nữa

Một trong những bài thơ thường trở lại trong đầu óc tôi những ngày này là bài 1940 của Bertolt Brecht

Con tôi hỏi: hay là con học toán?
Để làm gì? Tôi nghĩ. Khó gì con?
Con sẽ tính ra rất dễ dàng rằng
Hai mẩu bánh ăn no hơn một mẩu
Con tôi hỏi: hay con học tiếng Pháp?
Để làm gì? Tôi nghĩ. Nước suy rồi
Con cứ việc lấy tay xoa bụng
Gào lên, người ta sẽ hiểu con.
Con tôi hỏi: hay là con học sử?
Để làm gì? Tôi nghĩ. Con ơi.
Con hãy học vùi đầu xuống đất
Có thể mai ra còn sống thoát được chăng!

Thế rồi, tôi nói: ừ con
Con học toán, học Pháp văn, học sử.

(Trần Dần dịch
– Trích từ Bertolt Brecht Thơ trữ tình, NXB Hội Nhà văn, 2006, tr. 70)

Khoảng hơn mười năm trước đây, tôi cũng sống theo như lời khuyên của Brecht, tức là khi không biết làm gì thì bảo nhau quay về học.

Nhưng giờ thì tôi thấy phải nghĩ khác, một cách nghĩ bi quan hơn. Đối với thế hệ trẻ hiện nay, kể cả các bạn mới học xong đại học và mới bước vào đời, thì nay lời khuyên đó cũng không đủ nữa. Họ biết học làm sao khi cả xã hội không có không khí học tập. Họ biết học làm sao khi sống trong một xã hội cạn kiệt năng lực cải hóa thay đổi. Từ cấp thấp đến cấp cao, phần kiến thức cơ bản mà mọi thanh niên phải có ở các nước, đến với họ quá lỗ mỗ cũ kỹ. Họ biết học làm sao khi không có ngoại ngữ và do đó không có thói quen tìm hiểu về các nề giáo dục khác. Họ biết học làm sao khi không biết rằng trên thế giới người ta đã tiến đến đâu rồi.

Với việc trói buộc nền giáo dục trong quan niệm cổ lỗ của mình, từ đó tạo ra một cơ chế không còn khả năng tự thay đổi, xã hội chúng ta đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ, tự tái tạo ngày mai của mình theo cái mẫu hôm nay và làm cho nó suy đồi tan nát hơn mà lại vẫn tự huyễn hoặc là đang đi tới một tương lai tốt đẹp hơn.

---
(1) Xem bài Vài nét về giáo dục địa phương nhà Nguyễn

Nguồn tin:trang Web Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Thứ sáu, 11/04/2014

Theo Đại Nam thực lục, các chức quan quản lý việc học dưới thời nhà Nguyễn đó là: Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo. Mỗi chức quan sẽ quản lý ở một cấp khác nhau. Đốc học, có nhiệm vụ làm thanh tra học vấn ở cấp tỉnh, tước quan hàng Ngũ phẩm, được chọn trong số những người đỗ Tiến sĩ. Giáo thụ, quản lý việc học ở cấp phủ, tước quan hàng Thất phẩm, được chọn trong số những người đỗ Cử nhân. Huấn đạo có trách nhiệm quản lý việc học ở cấp huyện, có tước quan hàng Bát phẩm, được chọn trong số những Tú tài.

Việc chọn ra các học quan dưới thời nhà Nguyễn cũng có những tiêu chuẩn nhất định như:

“Năm Gia Long thứ 11 (1812), nhà vua đã truyền chỉ cho quan tổng trấn Bắc Thành để bổ chức Đốc học, Trợ giáo cho các tỉnh, trấn còn khuyết với tiêu chuẩn là người đó phái có học hạnh. Người nào địa phương tự xét thấy đủ tiêu chuẩn thì kê khai rõ tên tuổi, quê quán để tâu lên triều đình”. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) triều đình lại có nghị chuẩn về tiêu chuẩn tuyển chọn các học quan như sau “chức dạy học ở các phủ, huyện nếu là Hương cống, Sinh đồ thì hạn tuổi từ 40 trở lên, là ẩn sĩ thì hạn từ 50 tuổi trở lên. Người nào đã được sung chuyển thì Bộ Lễ hội đồng với Quốc tử giám sát hạch, nếu đạt thì chỉ chờ để phân công công việc”.
  Vương Trí Nhàn
(Blog Vương Trí Nhàn)

'Không thể tránh cải cách thể chế nữa’

BBC


Việt Nam đứng trước áp lực cải cách toàn diện để đáp ứng nhu cầu hội nhập của nền kinh tế
Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói nhu cầu hội nhập của nền kinh tế giữa lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc sẽ khiến Hà Nội không thể không cải cách thể chế.
Bà có nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 27/6, ngay sau khi Tổng cục Thống kê (GSO) công bố chỉ số tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm.

Báo cáo mới nhất của GSO cho biết trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng 5,18%, cao hơn so với mức 4,9% cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo bà Lan, con số này có thể chưa phản ánh hết tác động của tình hình bất ổn vừa qua.
“Có thể những tác động của giàn khoan đối với Việt Nam chưa được tính hết vào vì thống kê tăng trưởng của Việt Nam thường có độ trễ nhất định,” bà nói.
“Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng cũng không nhiều, vì thời gian xảy ra các sự kiện đó cũng ngắn và phần đóng góp của các doanh nghiệp đó vào toàn bộ sản lượng công nghiệp và xuất khẩu cũng không lớn lắm.”

Đẩy mạnh cải cách thể chế

Nhận xét về chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6% cho năm sau của chính phủ, bà Lan cho rằng mức này là “cao so với khả năng”.
“Thực tế là những vấn đề như giàn khoan và quan hệ kinh tế với Trung Quốc có thể có những diễn biến phức tạp hơn và do đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, cho nên tôi nghĩ là cần đặt ở mức khiêm tốn hơn”, bà nói.
Bà Lan nhận định kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và những năm tới sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền Việt Nam ứng phó ra sao trước căng thẳng trên biển và những thay đổi trong quan hệ với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng chính phủ cần ‘đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế để tạo động lực mạnh hơn, môi trường thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân phát triển”.
“Chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng phải được thúc đẩy mạnh hơn để hướng nguồn lực hiếm hoi của Việt Nam vào khu vực hiệu quả hơn”, bà nói.
Trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu nỗ lực cải cách thể chế của Việt Nam sẽ có biên độ lớn đến đâu, bà nói:
“Càng ngày Việt Nam càng thấy rõ hơn sức ép về việc cải cách thể chế và cảm thấy cần làm nhanh hơn nữa”.
“Những phát triển trong thời gian qua không được như mong muốn và nhiều chương trình tái cơ cấu chưa được đẩy mạnh lên do việc cải cách thể chế chưa tiến hành được bao nhiêu.”
“Mặt khác, sức ép từ những cuộc hội nhập mà Việt Nam sắp tham gia từ 2015 trở đi cũng như từ các hoạt động đối ngoại sẽ khiến chính quyền không cải cách không được.”
“Tôi nghĩ thực sự trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải thúc đẩy cải cách thể chế mặc dù trong nước còn ngần ngại.”
“Đến lúc không thể không làm được nữa rồi.”

Giảm lệ thuộc


Ngành xuất khẩu của Việt Nam sử dụng một lượng lớn nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc
Thống kê tăng trưởng được GSO công bố một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định điều chỉnh tỷ giá đôla/VNĐ trong nỗ lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Mặc dù vậy, bà Lan cho rằng quyết định này “không có tác động lớn” về ngắn hạn.
“Nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam vẫn dựa rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ bên ngoài, nhất là sản phẩm trung gian,” bà nói.
“Vì vậy tác động đối với xuất khẩu được cải thiện một chút thì lại bị phần nhập khẩu vào với giá cao hơn bù lại”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam đang có nỗ lực để khắc phục điều này, bà cho biết.
“Ngành xuất khẩu đang cố gắng phát triển những khâu có thể làm được ở Việt Nam để giảm bớt sự lệ thuộc từ bên ngoài, nhất là các sản phẩm trung gian.”
“Kinh tế Việt Nam đã đủ phát triển để có thể sản xuất ra các sản phẩm trung gian ở trong nước.”

Cao Huy Huân - Chúng ta vẫn đeo mặt nạ để sống

Tỷ lệ 99% học sinh tốt nghiệp tú tài mấy hôm nay đã ám ảnh tôi. Một con số đẹp như mơ. Nhưng có nhiều bài báo cứ đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của 99% học sinh tốt nghiệp đó. Chẳng lẽ dư luận lại mất lòng tin vào giáo dục đến vậy sao? Sở dĩ tỷ lệ tốt nghiệp cao như vậy là do năm nay kì thi tốt nghiệp đã được rút gọn còn lại 4 môn thay vì 6 môn như thời của tôi. Điều dễ dàng hơn nữa là các bạn học sinh có quyền chọn 2 môn ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Văn.
Dĩ nhiên, đa số các bạn chọn các môn khoa học tự nhiên hơn là khoa học xã hội. Cán cân nhanh chóng nghiêng về phía các môn tự nhiên. Cá biệt, ở một hội đồng thi chỉ có một thí sinh chọn môn lịch sử. Thật là một hoàn cảnh cười ra nước mắt. Có một ý kiến cho rằng cần đưa môn lịch sử vào làm môn bắt buộc và mọi học sinh đều phải trải qua kì thi tốt nghiệp với môn đó. Bởi vì mỗi người cần phải biết rõ lịch sử của dân tộc, đất nước của mình. Tôi thấy điều đó là đúng, nhưng chắc ai cũng biết, lịch sử chưa bao giờ phản ánh đúng sự thật 100%, có những sự thật được che giấu hoặc thậm chí bị bóp méo. Một nửa quả cam là quả cam, nhưng một nửa sự thật thì vô nghĩa. Vậy việc đưa môn lịch sử vào làm môn bắt buộc thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đừng để đào tạo ra một thế hệ với hệ lịch sử vô nghĩa tồn tại trong khối óc của họ.

Trở lại với tỷ lệ 99%, rõ ràng con số này không phản ảnh đúng chất lượng mà chỉ là số lượng. Một thế hệ học trò chỉ giỏi các môn tự nhiên (hay ảo tưởng rằng mình giỏi các môn tự nhiên) là do thiếu định hướng trong cách dạy và học. Chạy theo các chỉ tiêu ảo đó để làm gì khi mà rất nhiều bạn bè của tôi nói rằng họ đã mất định hướng sau khi tốt nghiệp phổ thông và sau đó lại lảo đảo bước ra đời trong khi trên tay tấm bằng đại học còn thơm mùi mực. Ở trường hợp này, các bậc quản lý giáo dục đang đeo một lớp mặt nạ mang tên thành tích. Chỉ cần đưa tay gỡ ra, cả một sự thật nhảm nhí được phơi bày.
Hôm trước tôi có nghe cô bạn tôi kể chuyện cô ấy đã bị phân biệt đối xử ngay trên đất nước của mình như thế nào. Chả là cô ấy vào ăn tại một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, đến trước cô ấy là một nhóm khoảng 4-5 người khách du lịch da trắng. Họ được người phục vụ đối đãi ân cần và lịch sự, trong khi chỉ ít phút sau đó, cô ấy và hai người bạn Việt Nam lại bị đối xử với thái độ hờ hững. Và theo như cô ấy kể thì dường như họ chỉ muốn được tiếp khách ngoại quốc hơn là người Việt.
Lại kể, lần trước tôi có đọc một bài blog nói về tư tưởng sính ngoại của người Việt. Tác giả là một người Việt làm việc cho một công ty phân phối văn phòng phẩm. Sếp của cô ấy là một người Mỹ. Công việc của cô hằng ngày là gọi điện thoại đến các công ty để chào hàng. Nhưng hàng ngày cô vẫn bị từ chối nối máy, có khi còn bị mắng té tát. Thế nhưng nếu cuộc gọi chào hàng được thực hiện bởi sếp cô, thì dường như luôn được nối máy. Cô cho là dân Việt coi trọng người nước ngoài hơn là chính dân mình, nhưng lại coi trọng theo kiểu quán tính, mù quáng không có ý thức. Chỉ cần là người nước ngoài đang nói về một vấn đề nào đó thì lập tức vấn đề đó sẽ được dán nhãn nghiêm trọng. Hoặc có khi những người Việt kia không nghe rõ tiếng nước ngoài nên đành đánh đồng rằng sự việc đó rất cần sự quan tâm. Rõ ràng, một bộ phận không nhỏ người Việt đang vô tình đeo một lớp mặt nạ sính ngoại vô ý thức.
Cách đây vài hôm tôi có đọc một bài cảm nghĩ của cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên facebook. Cô trích dẫn một câu nói của người bạn nghề là nhà văn kiêm MC Nguyễn Ngọc Ngạn rằng văn hóa Việt thiên về chỉ trích, trong khi văn hóa Tây phương lại thiên về khuyến khích. Nữ MC tự nhận mình tuy mang dòng máu Việt nhưng do sinh sống ở nước ngoài từ nhỏ nên tư duy bị ảnh hưởng của phương Tây. Cô dẫn chứng mình bị những người Việt thường hay chỉ trích cô ăn vận sang trọng, đi du lịch xa hoa… thay vì đóng góp từ thiện, mặc dù những người ấy chẳng biết là cô có làm từ thiện hay không. Chắc cô Kỳ Duyên không biết là dân Việt Nam rất thích múa bàn phím trên mạng ảo. Họ rất thích ẩn minh sau màn hình vi tính và chỉ trích thế giới xung quanh. Họ thích thể hiện nhưng ít khi đóng góp.
Bản thân tôi cũng đồng tình với câu nói trên của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Hiện tôi đang làm việc tại một bệnh viện ở Việt Nam. Mỗi lần tham gia các cuộc họp thì y như rằng sẽ có nhiều ý kiến tranh cãi. Có lần tôi chứng kiến đồng nghiệp của tôi phải phụ trách về giao diện website cho bệnh viện, và phải đưa thiết kế giao diện lên trình chiếu trong một cuộc họp của lãnh đạo và các trưởng khoa phòng. Xin nói thêm, những gì thuộc về hình ảnh thì không có một phạm trù tuyệt đối để đánh giá, tức là đẹp hay không sẽ còn phụ thuộc vào thẩm mỹ của từng người. Khi giao diện mẫu được trưng lên, người này không thích, người kia chê, người nọ lắc đầu, và có những phát biểu đại loại như “tôi cảm thấy giao diện này chưa ổn” hay “tôi thấy cần phải chỉnh sửa lại”. Những phát biểu rất chung chung và vô trách nhiệm. Khi được hỏi thêm là cần thay đổi, cần chỉnh thế nào thì chính những người vô trách nhiệm và thích thể hiện ấy lại lắc đầu không biết, hoặc trả lời rất thiếu ý thức, “không phải chuyên môn của tôi.” Rõ ràng họ là những người thích phát biểu và chỉ trích trong các cuộc họp, chỉ để thể hiện rằng ta đây cũng muốn có tiếng nói. Thế nhưng buồn cười là những phát biểu của họ chả có chút giá trị gì mang tính xây dựng. Lại một bộ phận người Việt thích mang mặt nạ thể hiện.
Mặt nạ thành tích, mặt nạ sính ngoại, mặt nạ thể hiện hay còn nhiều nhiều mặt nạ khác cũng chỉ là một cách để tôi gọi những tính cách có thể thay đổi được của chúng ta. Đã là mặt nạ thì chỉ cần gỡ bỏ, dễ dàng vứt đi được. Chỉ có điều chúng ta có dám và có sẵn sàng gỡ bỏ đi không. Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Tôi hy vọng những lời đắng nghét của tôi trong bài viết này sẽ không làm mất lòng một ai, chỉ hy vọng chúng trở thành những liều thuốc đắng giúp chữa trị căn bệnh thành tích, sính ngoại và thích thể hiện một cách thiếu trách nhiệm của phần nhiều người Việt chúng ta.
Cao Huy Huân
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.
(VOA)

Nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một trong ba nhà hoạt động công đoàn bị bắt năm 2010, đã được trả tự do. Hai người hiện vẫn còn bị giam giữ là anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một trong ba nhà hoạt động công đoàn bị bắt năm 2010, đã được trả tự do. Hai người hiện vẫn còn bị giam giữ là anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương  – dr

Thụy My  -RFI

Theo tin từ thân nhân của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà hoạt động công đoàn trẻ tuổi này đã được trả tự do từ chiều qua 26/06/2014 và hiện cô đang trên đường về nhà ở Lâm Đồng. Đây là một thông tin ý nghĩa trong lúc giới hoạt động dân chủ đang vận động cho việc thành lập Công đoàn độc lập tại Việt Nam.
Trao đổi với RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, một người thân của Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết vào lúc 18 giờ chiều qua cô đã gọi điện thoại báo tin cho gia đình là đã được trả tự do và đang trên đường về nhà. Vì đi xe từ Hà Nội đến Di Linh mất nhiều thời gian, nên dự kiến ngày mai Minh Hạnh mới về đến nơi ; gia đình sau khi được tin vui này đang chuẩn bị đón tiếp.

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh sinh năm 1985, nguyên là sinh viên Cao đẳng Kinh tế, từng tham gia các phong trào công nhân biểu tình và đình công để đòi tăng lương và bảo đảm an toàn lao động. Cô bị bắt vào tháng 2/2010 vì rải truyền đơn kêu gọi công nhân một công ty giày da ở Trà Vinh đình công, và ngày 27/10/2010 bị kết án 7 năm tù giam với tội danh « phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân » theo điều 89 Luật Hình sự.
Theo Human Right Watch, thì tất cả những gì mà Đỗ Thị Minh Hạnh cũng như hai nhà hoạt động trẻ tuổi khác cùng bị kết án trong vụ này là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (sinh 1981, án 9 năm tù) và Đoàn Huy Chương (sinh 1985, 7 năm tù) « chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam trong việc tổ chức, nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc ».
Theo một nhà bình luận tên tuổi ở Saigon, việc Đỗ Thị Minh Hạnh được phóng thích là một sự kiện có ý nghĩa trong thời điểm đang có đợt vận động thành lập Công đoàn độc lập tại Việt Nam. Đầu tháng Sáu, lần đầu tiên 16 tổ chức xã hội dân sự đã lên tiếng đòi hỏi cần có ngay một tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân, do chính công nhân thành lập. Bên cạnh đó, mới đây 153 dân biểu Mỹ cũng đã đồng ký tên vào lá thư gởi cho đại diện thương mại Hoa Kỳ yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động công đoàn trẻ tuổi này.

Người dân chúng tôi muốn hỏi Chính Phủ của mình...

Rằng trong những ngày gần đây, thông tin chính thức đưa tin Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHND TH) không những không rút giàn khoan đặt trái phép HD 981 ra khỏi thềm lục địa của chúng ta mà ngược lại, sẽ còn đưa giàn khoan thứ 2, thứ 3... vào lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta...

Là một dân tộc yêu hòa bình, thiết tha với hòa bình, chúng tôi không mong muốn điều tệ hại đó xảy ra, và cầu Trời Phật để điều tệ hại đó không xảy ra...

Nhưng nếu điều tệ hại đó xảy ra, bất chấp Ý Trời, bất chấp lòng dân Việt Nam cũng như dư luận Quốc Tế mà CHND TH vẫn ngang ngược đưa giàn khoan vào thì Chính Phủ Việt Nam (CP VN) có coi đó là một hành động giống như nó đã và đang xảy ra khi TH đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải của chúng ta? Và chúng ta vẫn sẽ đối xử với chúng như chúng ta vẫn đang làm..Tức là hầu như không làm gì cả, ngoài việc để lực lượng của CS biển chơi trò Chuột vờn Mèo, trò bắn súng nước, ném chai lọ qua lại với nhau hay không?

Hoặc Chính Phủ coi việc CHND TH, bất chấp Ý Trời vẫn tiếp tục đưa những giàn khoan thứ 2, thứ 3 vào lãnh hải của chúng ta là một hành động ngang ngược nhất, nghiêm trọng nhất của một Quốc Gia vào một Quốc Gia có chủ quyền, và có chính thức coi đây là sự giới hạn cuối cùng trước lằn ranh Đỏ của việc xâm lăng đất nước chúng ta hay khộng? Và lúc đó CP VN sẽ có đối sách như thế nào trước hành động Trời Không Dung Đất Không Tha đó của CHND TH?

Lúc đó CP VN có còn giữ lại tình hữu nghị anh em, 4 tốt, 16 chữ vàng với chúng nữa hay không? Quốc Hội của chúng ta có ra Nghị Quyết phản kháng mạnh mẽ hành động ngày càng ngược ngạo và ngày càng không thể chấp nhận, không thể tha thứ của cái kẻ lúc đó rõ ràng là một kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam chúng ta hay không? Chúng ta có cắt đứt quan hệ ngoại giao, với kẻ xứng đáng bị cắt quan hệ, có khởi kiên cái kẻ đáng bị kiện đó không...

Nếu lòng dân chúng tôi sôi sục lên căm thù khi thấy chúng tiểp tục đưa giàn khoan thứ 2, thứ 3 vào...lãnh hải lãnh thổ của chúng ta, thì người dân chúng tôi có được biểu tình bất bạo động chống lại những kẻ ngang ngược đó hay không? Chúng tôi có được thể hiện lòng yêu nước, lòng căm hận chúng hay không, hay là vẫn lại như trước, như bây giờ là ngồi nhà để nuốt nhục vào lòng...

Cuối cùng thì người dân chúng tôi hỏi rằng, Chính phủ có ra những quyết sách, thể hiên mình là một chính phủ do dân, của dân và vì dân khi cương quyết hành động, cương quyết chống lại kẻ ngang ngược ấy bằng mọi cách, mọi lực lượng, mọi sức mạnh đoàn kết toàn dân lại thành một mặt trận không tiếng súng để mạnh mẽ chống lại cái quân xâm lăng ấy và cho chúng biết rằng, chúng ta không sợ chúng, không bao giờ sợ chúng và muôn đời không bao giờ sợ chúng hay không...

Trân trọng

Mai Tú Ân



Mai Tú Ân

Nhà văn Mai Tú Ân, tác giả của tập truyện ngắn : Chuyện Tình Trong Hang Én, và một số truyện ngắn khác, hiện đang sống tại Sài Gòn, Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét