Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Trung Quốc từ Mao đến Hồ

Trung Quốc từ Mao đến Hồ


Lịch sử TQ ghi dấu đậm nét những sự kiện tàn bạo mà không một quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh. Đời Chiến quốc, chỉ trong một đêm, Bạch Khởi đã chôn sống 40 vạn hàng binh. Tần Thủy Hoàng nổi danh trong sử sách là một tên bạo chúa, can tội đốt sách, giết nho sỹ; giết bố như Tùy Dạng Đế, giết vợ như Ngô Khởi, giết con như Dịch Nha, giết công thần như Lưu Bang, Triệu Khuông Dẫn…
TQ, dưới thời Mao, số người dân chết đói – hậu quả của chính sách “Ba ngọn cờ hồng”, “Công xã nhân dân”, “Đại nhảy vọt”…, chết do cuộc “cách mạng văn hóa” long trời lở đất không dưới 100 triệu. Đến thời Đặng, Giang, vụ tàn sát sinh viên, dân thường tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989 đứng lên đòi dân chủ làm thế giới văn minh kinh hoàng. Và gần đây, các vụ đàn áp Tân Cương, Tây Tạng dưới thời Hồ cũng có tính chất dã man, tàn bạo không kém. Điều rất rõ ràng, về đối nội, Chính phủ TQ luôn áp dụng một chính sách cực kỳ hà khắc với người dân của mình.
Về đối ngoại, TQ từ Mao, Đặng đến Giang, Hồ đều có những mục tiêu nhất quán, không thay đổi, chỉ có phương pháp thực hiện là thay đổi. Cái không thay đổi, đó là chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa dân tộc Đại hán đã tồn tại hàng ngàn năm dưới các triều đại phong kiến TQ, được các nhà lãnh đạo TQ thời hiện đại phát triển dưới những dạng khác, tinh vi và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước, khi quan hệ Xô – Trung còn khăng khít, Mao dùng khái niệm “hai phe”: phe XHCN và phe TBCN. Sau khi Trung – Xô phân liệt, Mao phát minh ra lý luận chia “ba thế giới”, được Đặng đánh giá rất cao. Theo lý luận ấy, TQ chỉ có thể xếp mình vào thế giới thứ ba. Nó là một chiến lược phòng ngự tích cực của TQ với tư cách là một nước yếu.
Thế giới thứ ba bao gồm những nước nhỏ, nước nghèo, nước yếu, không thuộc các nước XHCN hay TBCN. TQ bấy giờ xét về kinh tế là một nước nhỏ, nước nghèo, nước yếu. Về chính trị, chắc chắn TQ là một nước lớn không thể coi thường, nếu muốn “tỏ vẻ” một chút, hoàn toàn có thể nhân danh một nước lớn. Nhưng Mao và các nhà lãnh đạo TQ không làm như vậy. Tự xếp mình vào vị thế kẻ yếu, xuất hiện với tư thế đại diện cho kẻ yếu, chính là biện pháp làm cho kẻ yếu trở thành kẻ mạnh trên thực tế. Đó là trí tuệ truyền thống của TQ. Trên thế giới, kẻ yếu đang chiếm đa số, cách làm như thế sẽ biến mình thành kẻ mạnh, đủ để đứng ngang hàng với những kẻ mạnh chiếm thiểu số.
Đặng cho rằng, chiến lược “chia ba thế giới” của Mao có tác dụng không thể lường hết đối với việc đoàn kết nhân dân thế giới chống chủ nghĩa bá quyền, làm thay đổi so sánh lực lượng chính trị trên thế giới, phá tan ý đồ của Liên Xô muốn cô lập TQ trên trường quốc tế, nâng cao uy tín của TQ.
Đặng đã thừa kế mưu lược của Mao, tuyên bố TQ đứng về thế giới thứ ba, đại biểu cho thế giới thứ ba để phát biểu. Làm như vậy, về chính trị, có thể tăng sức nặng của TQ trong đời sống quốc tế; về kinh tế, có thể giành được những cái lợi to lớn giống như TQ hợp tác với các nước phát triển.
Nhưng Đặng chỉ rõ, chỉ hạn chế trong thế giới thứ ba thì rất bất lợi cho sự phát triển của TQ. Trước tiên, nó làm tăng thêm nghĩa vụ của TQ với các nước bạn bè trong thế giới thứ ba, làm cho TQ phải mang gánh nặng lớn trong quá trình tiến lên hiện đại hóa. Thứ hai là không tiện cho TQ độc lập, tự chủ tiến hành công việc ngoại giao ra tất cả các phía.
Thập kỷ 80, Đặng cho rằng, ngày nay những vấn đề thực sự lớn trên thế giới, mang tính chất chiến lược toàn cầu, thì một là vấn đề hòa bình, hai là vấn đề phát triển. Vấn đề hòa bình là vấn đề giữa Đông và Tây, vấn đề phát triển là giữa Nam và Bắc. Khái quát lại, đó là bốn chữ Đông Tây Nam Bắc. Đó chính là lý luận “Đông Tây Nam Bắc” nổi tiếng của Đặng.
Đặng đã thiết kế những chính sách tài tình, giúp TQ phát triển một cách thần kỳ. “Một nước hai chế độ, hòa bình thống nhất”, “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, “một trung tâm, hai điểm cơ bản”, “đối nội cải cách, đối ngoại mở cửa”, “Gác bỏ tranh luận, cùng nhau sáng tạo”, “che dấu thành tích, giữ vững trận địa, dấu mình chờ thời, làm nên công tích”…là những thiết kế thiên tài của Đặng.
Đến thời Hồ, TQ dường như sử dụng chiến thuật của Đặng một cách khác, không còn “che dấu thành tích, dấu mình chờ thời” nữa. TQ ngày nay đã quá lớn mạnh về mọi mặt. Sự phát triển kinh tế quá nóng của TQ đặt ra rất nhiều vấn đề, làm thế giới e ngại. Trước sau, TQ vẫn chủ trương đối nội hà khắc, đối ngoại mở cửa, hợp tác và đấu tranh đan xen lẫn nhau. Các nhà nghiên cứu đang nói đến TQ như một “đế quốc mới”. Sự ngổ ngáo của TQ tỏ ra cho thế giới thấy, thời kỳ TQ “dấu mình chờ thời” đã qua rồi!
TQ từ Mao, Đặng đến Giang, Hồ đều muốn kiềm chế VN, làm VN suy yếu, bắt buộc VN ở vào vị thế phụ thuộc. Về biên giới, không ngừng lấn chiếm trên đất liền, trên biển với những thủ đoạn vừa tinh vi vừa trắng trợn. Đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến biên giới năm 1979, sự kiện Trường Sa năm 1988 và mới đây thôi, ba tàu hải giám TQ tấn công tàu Bình Minh 2 của VN càng cho chúng ta thấy, TQ có một chiến lược thôn tính VN rất nguy hiểm. Họ luôn chủ động, làm gì đều có tính toán sâu xa, phương pháp thường xuyên thay đổi nhưng mục tiêu chỉ có một.
Cần nhắc lại, ngày 26.5.2011, ba tàu hải giám TQ trắng trợn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, tiến sâu vào phạm vi thềm lục địa VN, ngang nhiên cắt đứt dây cáp thăm dò dầu khí tàu Bình Minh 2 của VN. Sau vài ngày ngập ngừng, báo chí chính thống của VN đều lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ hành động của TQ. Đây là điểm rất mới. Tiếp đó, ngày 29.5, một cuộc họp báo quốc tế được Bộ Ngoại giao VN tổ chức. Giới quan sát chính trị chú ý đặc biệt đến phát biểu của người phát ngôn Bộ ngoại giao VN – bà Phương Nga: “Hải quân VN sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Có vẻ một khúc quanh mới đang tiến đến trong quan hệ Việt – Trung.
Giới quan sát chính trị cũng không thể bỏ qua sự “phản pháo” của bà Khương Du – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ:
“Lập trường của TQ trên biển Nam Trung Hoa là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối tất cả các hoạt động thăm dò dầu khí do VN xúc tiến, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của TQ và quyền tài phán trên Biển Đông, cũng như vi phạm sự đồng thuận cả hai nước đã đạt được về vấn đề này”.
“Những việc đã làm của TQ trên biển là hoàn toàn bình thường, đúng pháp luật và hoạt động giám sát trong khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của TQ”.
Như vậy, chúng ta thấy, TQ đã gửi đến VN một thông điệp rất rõ ràng: các ông muốn phản đối gì thì phản đối, việc của chúng tôi, chúng tôi cứ làm. Vấn đề chủ quyền biển Đông, TQ không cần chứng cứ, không cần tranh luận, TQ sẵn sàng bác bỏ tất cả, nếu không vừa ý TQ. Đó phải chăng là Hồ đã kế thừa cái trí tuệ “không tranh luận” mà Đặng đã “phát minh” ra.
Hơn hai ngàn năm trước, Lão Tử đã nói: “Cái đạo của thánh nhân, làm mà không tranh”, “nói nhiều lắm, không bằng im lặng”. Cứ im lặng mà làm. TQ hiểu rất rõ, những chứng cứ pháp lý từ xưa đến nay của TQ về chủ quyền biển Đông đều không thể thuyết phục được thế giới. Thế là họ không sa vào tranh luận mà ráo riết triển khai chiến lược trên biển Đông. Từ chỗ gần như không có gì, nay TQ đã có một thế đứng trên biển Đông hết sức vững chắc. TQ đã chiếm Hoàng Sa của VN. Mối lo ngại có thể lấy toàn bộ Trường Sa nhưng khó giữ, bây giờ không còn là vấn đề đối với TQ nữa.
TQ từ Mao, Đặng đã có nhiều âm mưu thâm độc đối với VN. Đến thời Giang, Hồ, dã tâm đối với VN càng bộc lộ mãnh liệt. VN phải làm gì để đối phó với người láng giềng khổng lồ phương Bắc? Bất kể đối sách nào, nếu không phát huy được lòng yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc, thì khó có thể thắng nổi TQ.
Và chúng ta đừng quên lời Hồ Chí Minh:
“Dân ta có một truyền thống nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Be the first to like this post.

6 phản hồi tới “Trung Quốc từ Mao đến Hồ”

  1. Trần phúc Thông nói:
    Không thể nhân nhượng nữa, Chính Trung Quốc đã gây sự kiện Vịnh Băc bộ năm 1964 để Mỹ lấy cớ ném bom miền Băc Việt nam từ 1964 đến năm 1972, từ đó lấy cớ đưa quân đội sang giúp Việt nam, Bác Hồ đã khôn khéo đuổi chúng về nước. Đến nay lai gây ra vụ Binh Minh02 để xâm lược Viêt nam. Quyết không thể nhân nhượng một bước nào nữa , dù rằng rất nhỏ. Các nhà lanh đạo của ta không nên quan tâm đến kết quả bầu cử nữa mafCos thế nên để tâm đến việc tìm phương sách chống lại giăc Tàu xâm lăng.Có thế nhân dân mới tin yêu như trước đây được.
  2. ha linh nói:
    “Dân ta có một truyền thống nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
    ————
    mong rằng các nhà lãnh đạo sẽ làm điều gì đó hợp lòng dân. HL nghĩ tội nghiệp người dân lành, khi có sự biến thì họ chính là lực lượng chủ yếu tham gia giữ nước, nhưng trong thời bình họ dường như không được quan tâm đúng mức…
  3. Doan Tran nói:
    Thưa các bác,
    Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói:”Làm đồng minh với Mỹ thì khó hơn là làm kẻ thù với Mỹ”
    Lịch sử đả chứng minh rằng nhiều khi ứng xử với kẻ thù đôi khi còn dễ hơn ứng xử với những người bạn tốt, 4 lần tốt.
    Ngày xưa khi tham dự hòa đàm Paris, ông LĐT phân rõ vị thế địch ta nên ông thoải mái đưa 3 bửu bối ra sử dụng .
    Hiệu quả và phong cách ngoại giao khi đưa ra ba bửu bối ra trong hòa đàm có nhiều nhận định khác nhau nhưng nó biểu hiện một lập trường rõ ràng, dứt khoát.
    Bấy lâu nay trong ứng xử biển Đông ngoại giao VN cũng có ba bửu bối.
    1. Bửu bối thứ nhất ai cũng thuộc lỏng :
    ““VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất kỳ việc làm nào của một nước khác đối với hai quần đảo trên mà không được sự chấp thuận của VN đều là vi phạm chủ quyền và các quyền chủ quyền của VN đối với các khu vực này”.
    Tôi cũng đã có lần nói chuyện với bác Lê Mai trong blog này là cái “bằng chứng lịch sử” của ta thì dấu kín trong nhà như bảo vật trong khi “bằng chứng lịch sử ngụy tạo” của kẻ lạ thì họ hội thảo, dịch ra tiếng Anh , bố cáo khắp nơi, ai muốn xem lúc nào cũng được. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Nhã “Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” rất khoa học và chặt chẽ, lập luận rất có sức thuyết phục đến bây giờ vẫn chua được dịch ra tiếng Anh vì thiếu kinh phí trong khi ta chi hàng tỷ đồng để bắn pháo bông, làm lò gạch vv…
    2. Bảo bối thứ hai là cách ứng xử :”hết sức kiềm chế” vì hòa bình thế giới như lời bộ trưởng Phủng quang Thanh :
    “Do đó để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng nhau phát triển và cũng là lợi ích quốc gia của các nước, các nước phải hết sức bình tĩnh, hết sức kiềm chế. Phải xử lý vấn đề ở tầm cao chiến lược vì lợi ích không phải chỉ của quốc gia, của khu vực mà của thế giới.
    Phải bằng đàm phán hòa bình, phải bằng DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông), bằng luật pháp quốc tế, công ước luật biển 1982 và phải hết sức sáng suốt, khôn ngoan, không bị các lực lượng chia rẽ quan hệ Việt Nam, Trung Quốc và chia rẽ giữa Đảng, nhà nước với nhân dân ta về vấn đề biển Đông.”
    Vì thế chưa rõ lắm thì gọi là lạ, liên quan đến ngư dân thì cho hội nghề cá lên tiếng, liên quan tới dầu hỏa thì cho ông phó Petro lên tiếng.
    Các lực lương như Hài quân hay cảnh sát biển chì để đối phó với địch, con vấn đề bị tàu lạ bắt thì phát súng cho ngư dân “Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển để bảo vệ lợi ích, chủ quyền đất nước”
    Các hành động có thể chia rẽ quan hệ Việt Nam, Trung Quốc thì cũng cần “hết sức kiềm chế”
    3 Bửu bối thứ ba là “giao thiệp”, theo phương châm của các nhà buôn Trung quốc Đại sự hóa tiểu, tiểu sự hóa vô . Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.
    Bao năm nay ba bửu bối đó khá công hiệu bao nhiêu chuyện lớn hóa không.
    Nay thấy bác Lê Mai tổng kết và đưa ra nhận xét:”Chính phủ TQ luôn áp dụng một chính sách cực kỳ hà khắc với người dân của mình”
    Dân của mình, mà họ đối xử như thế thì dân của người có hy vọng gì được đối xử khá hơn không? Vậy cứ tiếp tục dùng ba bửu bối có hiệu quả không?
    Đến một lúc nào đó ta phải suy nghĩ lại những từ được sơn son thếp vàng như :”Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”
    Vận mệnh của đất nước? vận mệnh của thể chế? hay vận mệnh của cá nhân?
    “Việt Nam, Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông với tình hữu nghĩ sáng như rạng Đông”
    Bao năm nay ráng chung một biển Đông mà bây giờ người bạn lại muốn riêng một biển Đông quả là chuyện đại sự cho nên các vị lãnh đạo đang còn bàn để tìm đối sách.
    Hy vọng người dân sơm được nghe tiếng nói từ những vị lãnh đạo cao nhất để truyền thống nồng nàn yêu nước của dân ta biết đường đi cho đúng lề.
    ĐT
  4. trà hâm lại nói:
    Sau bao lần ” …. kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ …” thì giờ đây chỉ e rằng … khó kết thêm lần nữa ! Lí do cũng đơn giản :
    - Không có chất kết dính thực
    - Nhân dân cũng không ” giao trứng cho ác ” thêm lần nào nữa !
    Nhất là một khi lòng tin bị lợi dụng, những người lính trở về từ những cuộc chiến trước đây phải khốn khổ thế nào để đánh vật cùng cuộc sống bên cạnh những xa hoa của lũ tư bản đỏ, những bà mẹ VN anh hùng, những mẹ liệt sĩ, gia đình liệt sĩ bị chèn ép đăng báo còn chưa ráo mực, ….
    Chỉ sợ nhất điều ấy xảy ra, lạy trời….
  5. Tin thứ Tư, 1-6-2011 « BA SÀM nói:
    [...] Trung Quốc từ Mao đến Hồ (Lê [...]
  6. buncuoiwa nói:
    Ông Hồ có lẽ không biết rằng lòng yêu nước của người Việt giờ đã bị định hướng!Nếu cứ tự do yêu nước thì sẽ nếm trải cảnh tù tội với ĐCSVN ngày nay với tội danh gây “mất an ninh quốc gia”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét