Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

THỪA TƯỚNG NHÀ HÁN-GIA CÁT LƯỢNG CÓ THUỘC LOẠI CHÍNH KHÁCH THỦ DÂM CHÍNH TRỊ ?

THỪA TƯỚNG NHÀ HÁN-GIA CÁT LƯỢNG CÓ THUỘC LOẠI CHÍNH KHÁCH THỦ DÂM CHÍNH TRỊ ?

Nguyễn Cao Thiên ( Phạm Viết Đào )
Khoa học về tâm sinh lý xác định thủ dâm là hành động tự tạo cảm giác khoái cảm, tự làm mình “sướng”; hành vi này xuất phát từ hoàn cảnh, tình thế bế tắc của chủ thể hành vi, không tìm được sự đối giao tương hợp hoặc đơn thuần do khả năng của chủ thể hành vi bất lực, không có khả năng chiếm đoạt, chinh phục, giao kết được đối tác để có thể đối giao nên đành phải sử dụng biện pháp “ thủ dâm”. Trong các quan hệ xã hội nhất là trong lĩnh vực chính trị, một lĩnh vực thiên biến vạn hoá do bởi đó cũng là chốn đầy ắp những sự thôi thúc, quyến rũ của các lợi ích, của đủ loại libido nên chúng ta dễ dàng bắt gặp những hành vi chính trị rất giống như các hành vi thủ dâm trong sinh hoạt tình dục. Theo chúng tôi, Gia Cát Lượng là nhà chính trị, là chính khách theo đường lối “thủ dâm” ( tự làm mình sướng chứ không do tài lực mình mà chinh phục được cái sướng). Để đi đến nhận định trên tất nhiên chúng tôi phải căn cứ vào chuỗi hệ thống hành vi chính trị, quân sự của ông, mổ xẻ và phân tích nó bằng con mắt duy vật biện chứng, duy vật lich sử, có kế thừa các thành tựu của phân tâm học của bác sĩ Freud chứ không quy chụp vu vơ…
 
            Phân tâm học tình dục đã chỉ rõ: thủ dâm là loại hành vi tình dục bình thường đối với lớp trẻ vị thành niên; theo các nhà phân tâm thì có tới 40% bé trai và tới 50-60% bé gái thường có các hành vi thủ dâm. Các nhà tâm sinh lý cũng đồng thời chỉ ra, hành vi thủ dâm nếu quá mức sẽ gây hại cho chủ thể thủ dâm: nặng có thể dẫn đến chứng bệnh vô sinh, chứng bất lực, lãnh cảm, làm suy nhược đời sống sinh lý; chưa kể các hành vi thủ dâm có khả năng gây biến chứng, gây tổn thương cục bộ cơ quan sinh dục. Sự tổn thương này có thể dẫn đến các hệ luỵ giây chuyền tán phát các mầm bệnh khác lây lan vào trong cơ thể.
            Nghiên cứu tiến trình và đồ thị phát triển thịnh suy của tập đoàn quân phiệt Thục Hán dưới cái “ gậy chỉ huy” của “nhạc trưởng” Gia Cát Lượng, chúng ta dễ dàng nhận thấy những tác nhân làm cho tập đoàn này nhanh chóng bị sụp đổ, “chưa đánh đã xìu”, “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền” không xuất phát từ sự thiên vị của ông Trời: quá ngán cái gia tộc họ Lưu cứ lê la mãi trên chính trường Trung Quốc hơn 400 năm mà chính bởi các hành vi chính trị quân sự của nhà cầm quân Gia Cát Lượng. Vậy những hành vi, những chính sách, những biện pháp quân sự, chính trị nào của Gia Cát Lượng có thể ví với hành động thủ dâm trong hoạt động tình dục, loại hành vi tự tạo cái sướng giả tạo?
 Những chiến dịch quân sự đã được Gia Cát Lượng dốc sức gần như toàn lực mà không nhằm thu thành, đoạt đất, chiếm dân- những mục tiêu thường thấy trong các chiến dịch quân sự xưa nay mà đơn thuần chỉ mưu cầu các lợi ích chính trị tầm thường: xua quân đi đánh để lấy le, đánh để chứng tỏ ta đây giỏi, để ra oai là nhà quân sự giỏi việc quân… Sự khoa trương thanh thế bằng các chiến dịch quân sự được đầu tư “trả giá” bằng sự phung phí xương máu của ba quân chỉ nhằm lập những chiến công giả, phù phiếm, một thứ phép thắng lợi tinh thần này của Gia Cát Lượng chỉ có thể ví với các hành vi thủ dâm, tạo sướng giả trong các hoạt động tình dục. Lợi ích của các chiến dịch quân sự, các chính sách chính trị loại này là tạo được sự hưng phấn nhất thời, cái uy phù phiếm, sự ổn định cân bằng giả tạo nhưng sẽ gây tác hại: làm cho cơ thể của chủ thể nhanh chóng bị suy nhược, lịm ga dần. Vậy những chiến dịch quân sự, chính trị nào của Gia Cát Lượng có thể xếp vào loại “thủ dâm” chính trị?
            Chúng tôi muốn dừng lại chiến dịch bình Man, bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch. Để đánh bại Mạnh Hoạch, theo chúng tôi dưới trướng của Gia Cát Lượng có hàng chục viên tướng có khả năng hoàn thành nhiệm vụ đối với chiến dịch quân sự mang ý nghĩa chiến thuật, cục bộ này. Tại sao Thừa tướng nhà Thục Hán lại mang cái thân đáng giá ngàn vàng thân chinh cầm quân vào nơi lam chướng. Hành vi này danh nghĩa là thảo phạt quân sự nhưng bản chất là để đầu cơ chính trị. Gia Cát Lượng muốn tạo dựng cho được một chiến thắng quân sự mà đích thân mình là tư lệnh để để gây vốn chính trị với Lưu Thiện, để trấn an lòng quân, để lấy le với các chiến tướng Thục Hán. Khi đang còn sống Lưu Bị chỉ sử dụng Gia Cát Lượng như một anh giúp việc, một cán bộ tham mưu, Gia Cát Lượng chưa bao giờ được Lưu Bị giao cầm quân, làm tư lệnh một chiến dịch quân sự có tầm cỡ nào. Trong khi đó cả Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi, Hoàng Trung, Nguỵ Diên… đều đã nhiều lần đảm trách những tư lệnh chiến dịch.
Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm là 2 cố mệnh đại thần được phó thác con côi. Qua lời trối của Lưu Bị tại Bạch Đế cho thấy: Lưu Bị tin và gửi gắm cho Lý Nghiêm việc quân cơ chứng tỏ Lưu Bị tin Lý Nghiêm hơn. Gia Cát Lượng đã dùng mẹo và lợi thế là người  gần Lưu Thiện, một ông vua “con nít” chưa quyết được gì, nhanh chóng vô hiệu hoá và gạt ra rìa Lý Nghiêm, một danh tướng, một nhà quân sự có thực tài được Lưu Bị cố mệnh. Gia Cát Lượng giam lỏng Lý Nghiêm ở nơi khỉ ho cò gáy, gạt ra khỏi trung tâm chính trị Thành Đô để cho một mình Gia Cát Lượng thao túng triều chính. Để lấy le với hậu chủ một ông vua “con nít” chẳng hiểu biết gì về quân sự lẫn chính trị này, Gia Cát Lượng mượn chiến dịch quân sự bình Man để loè Lưu Thiện: bệ hạ cứ yên lòng kê cao gối ở Thành Đô mà em út, mọi chuyện chính trị quân sự cứ để cho một mình Lượng tôi lo liệu, chẳng cần đến cái anh Lý Nghiêm võ biền ấy làm gì cho thêm lắm thầy thối ma. Gia Cát Lượng vốn la kẻ thích chuyên quyền độc đoán. Việc xử phạt từ 20 roi trở lên cũng phải nhúng tay vào, mọi khi cử binh tướng ra trận lại dúi vào tay người ta cái cẩm nang, được La Quan Trung tâng bốc như một thứ cẩm nang thần kỳ. Chỉ nhưng ai không có các kiến thức sơ đẳng về chính trị, quân sự, hành chính mới đi ca ngợi những việc làm vớ vẩn đó của Gia Cát Lượng. Một thủ trưởng biết làm việc, biết điều binh khiển tướng không bao giờ lại đi cầm tay chỉ việc cho cấp dưới; giao cẩm nang thực chất là một hành vi cầm tay chỉ việc. Một kẻ lõi đời trong chính trường như Tào Tháo chúng ta chỉ thấy ông chỉ một vài lần sủ dụng biện pháp cẩm nang bất đắc dĩ: đó là khi ông giao Phàn Thành cho Tào Nhân; quân tướng của Tào Tháo phần lớn đều được ông hoàn toàn giao quyền tự quyết.
Hành động đầu cơ và  “thủ dâm” chính trị này của Gia Cát Lượng đã được Mã Tốc là kẻ duy nhất đã đọc vị ra, do vậy nên Gia Cát Lượng khoái cái anh bạch diện thư sinh này: suy nghĩ, nói giỏi và hay hơn làm. Nếu phân tích dưới góc độ tình dục học thì Mã Tốc là anh chàng Homosexual chính trị; Gia Cát Lượng quý Mã Tốc và sau này giao đại quyền cho anh ta dẫn đến sự trả giá: đó là trận thua bại thảm hại trong trận Nhai Đình bởi anh chàng này chỉ có cái tư chất làm cho Gia Cát Lượng sướng; Mã Tốc và sau này là Dương Nghi là những kẻ có khả năng và biết “maxa trí tuệ và uy tín chính trị” cho Gia Cát Lượng hơn là có tư chất của một kẻ có tài cầm quân. Những dũng tướng có thực tài quân sự như Nguỵ Diên làm sao lại chịu đi vuốt ve, đi nịnh Gia Cát Lượng để lấy lòng được để được thưởng công…
            Rõ ràng Gia Cát Lượng xuất chinh đi đánh Mạnh Hoạch là sử dụng giao mổ trâu để giết gà; đánh nhưng tập trận, như người ta bày quân xanh quân đỏ để chơi. Chiến dịch quân sự này được ngòi bút của La Quán Trung tâng bốc lên tận mây xanh; thổi, tô vẽ Gia Cát Lên như một thứ thiên tài, siêu nhân trong lĩnh vực quân sự. Trong chiến dịch quân sự này bao nhiêu binh sĩ dũng tướng hao tổn sức lực vì bị đày vào nơi rừng thiêng nước độc này chỉ cốt để giúp Gia Cát Lượng loè hậu chủ và tạo cái cảm giác ngây ngất giả tạo, chiến thắng giả, tô vẽ tài năng quân sự giả. Thế nhưng Gia Cát Lượng vẫn tự huyễn hoặc mình, rỏ nước mắt các sấu làm lễ tế thương khóc binh sĩ chết trận. Chiến công trong chiến dịch quân sự này đối với nhà Thục Hán và Gia Cát Lượng giá trị không hơn một liều heroin, giống như một sự sướng do thủ dâm mang lại…
Đối thủ của Gia Cát Lượng là Tào Tháo, Tôn Quyền; đem quân đi đánh Mạnh Hoạch khác nào việc đưa đội Brazilia sang đá với đội Việt Nam. Đội Brazilia sang Việt Nam đá là để đá tập, đá chơi cho khỏi cuồng cẳng và để tập làm quen với khí hậu châu Á, khán giá châu Á chứ không phải đá ở Việt Nam để lấy thành tích, để diễu võ dương oai với các “anh hùng” sân cỏ khác đang đợi họ tại Olimpic Bắc Kinh. Cất quân khó nhọc làm việc này Gia Cát Lượng nhằm tạo ra được những chiến thắng quân sự ( về bản chất là không xứng tầm với ông ta) để trấn an nội bộ Thục Hán đang ê chề sau trận Hào Đình vì thua đau quá, tổn thất lớn quá trước một anh chàng vô danh tiểu tốt của Đông Ngô là Lục Tốn.
Chiến dịch quân sự thứ hai mà Gia Cát Lượng phát động, theo chúng tôi cũng chỉ nhằm đạt mục đích chính trị là chính, đó là chiến dịch Bắc Phạt, bảy lần ra Kỳ Sơn. Nhận định như vậy không có nghĩa Gia Cát Lượng không muốn, không thích những chiến thắng quân sự lẫy lừng, tạo dựng lịch sử. Gia Cát Lượng muốn nhưng thừa biết mình không đủ sức làm. Ông thừa biết nếu đem tài trí quân sự sòng phẳng ra mà chọi nhau thì ông làm sao đương đầu nổi với nhữg nhà quân sự Nguỵ và Ngô dạn dày trận mạc. Gia Cát Lượng thừa biết khả năng ông không đủ sức đăng đàn bái tướng như Hàn Tín: đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông nên không dám nghe theo Nguỵ Diên. Đó là kế sử dụng lại sơ đồ quân sự mà trước đây Hán Tìn từng thu được thành công, chiến thắng ngoạn mục, đó là đi tắt qua hang Tý Ngọ nhanh chóng chiếm lấy Tràng An của Nguỵ. Theo chúng tôi đây là một miếng võ nốc ao trước đây Hàn Tín đã dùng và Nguỵ Diên với tư cách là một chiến tướng có thực tài thấy có thể kế thừa, áp dụng.  
Chỉ có những võ sĩ cảm thấy mình đủ sức cho đo ván đối phương mới dùng đến thế võ nốc ao; bởi khi đã dùng đến thế võ này, nếu anh không làm cho đối phương bị đo ván thì bản thân anh sẽ bị đối phương cho đo ván. Nguỵ Diên là một dũng tướng có thực tài, có thực lực ông tin vào chính bản thân mình nên mới dám tham mưu cho Gia Cát Lượng dùng miếng võ nốc ao, đi tắt qua hang Tí Ngọ. Theo chúng tôi đó là miếng võ nốc ao, được ăn cả ngã về không. Gia Cát Lượng là nhà chính trị, giỏi mưu mẹo chốn cung đình hơn là một nhà cầm quân quyền biến trên chiến trường. Xem những lần xuất quân ra Kỳ Sơn của ông hết sức đơn điệu không có một yếu tố bất ngờ, thần tốc nào, chưa ra quân ngươì  ta đã đoán được ý đồ. Do biết sở đoản của mình nên Gia Cát Lượng không dám lên võ đài tỷ thí miếng võ nốc ao này. Gia Cát Lương tính toán được rằng, nếu theo mưu của Nguỵ Diên có thể chớp nhoáng chiếm được Tràng An; vấn đề là nếu chiếm Trường An rồi, quân Nguỵ đổ về vây lấy thì liệu Gia Cát Lượng có đủ sức chống cự hay không hay lại không còn đường mà về. Gia Cát Lượng chọn giải pháp an toàn đánh ra Lũng Hữu: đánh chắc tiến chắc, lối đánh tằm ăn rỗi, nếu không thắng còn có đường rút chạy. Trong binh pháp khi vận động chiến đem quân đánh thành thì một là phải có được yếu tố thần tốc, bất ngờ; nếu không ầnỉ có lực lượng áp đảo, theo các sơ đồ chiến thuật chiến tranh cổ đại Trung Hoa, để vận động chiến đánh thành thành công phải đảm bảo quân hùng tướng mạnh hơn; về quân số phải đảm bảo 50/1 trở lên thì mới tính được chuyện đem quân đánh thành người ta. Các yếu tố này Gia Cát Lượng thừa biết là không có, do vậy đem vài chục vạn quân đi chẳng khác gì một cuộc hành quân dã ngoại, một cuộc pinic cho quân đội. Những hành động như vậy khác nào hành vi thủ dâm…
Do Gia Cát Lượng tự thấy chưa đủ sức và cũng chưa thấy cần chiến thắng về quân sự ngay theo đúng nghĩa đối với một nhà cầm quân đích thực; ông cầm quân đi cố để có được một vài chiến thắng quân sự tượng trưng để loè chính trị là chủ yếu. Với lối đánh này có thể giúp Gia Cát Lượng thu được những chiến thắng về chính trị nhằm tử thủ cái ghế Thừa tướng của ông ta. Gia Cát Lượng cố sống cố chết ra Kỳ Sơn, và ông đã ngã bệnh và chết ở Kỳ Sơn chủ yếu là để thi thố ta đây với Lý Nghiêm, với bao nhiêu nhân tài đất Thục chưa chịu phục ông và cả với bản thân Lưu Thiện để cho cái ghế Thừa tướng mà ông ta đang ngồi không bị “mô ve”, bị “chập điện” vì các luồng xung điện chập về sẽ thiêu cháy cái ghế và cả bản thân người ngồi trên ghế là ông ta. Một nhà quân sự có thực tài, hiểu binh pháp, có tầm khi thấy thời cơ chưa đến, lực mình chưa đủ thì nuôi quân đợi thời cơ, huấn rèn binh mã, xây dựng lực lượng để lúc cần sẽ tung ra những quả đấm thép làm nốc ao đối phương.
 Rõ ràng do nhận bừa uỷ quyền của Lưu Bị, gạt Lý Nghiêm, Nguỵ Diên và nhiều nhân tài khác ra rìa, trọng dụng những kẻ tiểu nhân bất tài như Dương Nghi như Mã Tốc, nếu Gia cát Lượng không đem quân ra Kỳ Sơn, cứ ở Hán Trung coi chừng ăn không ngon ngủ không yên vì bị bao kẻ lườm nguýt vì Gia Cát Lượng là kẻ tài mỏng, uy tín thì thấp, chẳng biết làm gì và cũng chẳng làm được gì. Hán Trung khi Lưu Bị đang còn sống đã giao cho Nguỵ Diên cai quản, Khổng Minh ngồi ở Hán Trung vô hình chung đã đẩy Nguỵ Diên vào tình thế ngồi chơi xơi nước làm sao Nguỵ Diên không căm hận Gia Cát Lượng được.
Như vậy, thực chất chiến dịch 7 lần ra Kỳ Sơn và 7 lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch cùng nhiều việc làm ba lăng nhăng khác của Gia Cát Lượng mà La Quán Trung không đưa vào trong Tam Quốc diễn nghĩa thực chất là một bản “tụng ca” Lưu Bị- Gia Cát. Dù văn tài siêu việt của La Quán tiên sinh có cao siêu đến đâu vẫn không che dấu nổi là những hành vi “thủ dâm” chính trị của Gia Cát Lượng, những hành vi xuất phát từ thế yếu, sự bất lực do tài mỏng, phận hèn, nhân cách kém và tiểu nhân… Theo chúng tôi, đó chính là nguyên nhân đẩy nhà Thục Hán vào tình cảnh nhanh chóng bị suy nhược toàn thân và bị sụp đổ. Qua sự sụp đổ của đường lối chính trị “thủ dâm” của Gia Cát Lượng cho thấy trong sinh hoạt tình dục hành vi thủ dâm nguy hại như thế nào thì trong chính trị nó cũng nguy hại không kém hơn.
Sự nguy hại và nguy hiểm của nền chính trị thủ dâm đó là: Thực chất là vào tình thể khổ nhưng lại cảm tưởng là sướng; thực chất là đang ở thế yếu và suy, là bất lực, là bất tài nhưng lại tự huyễn hoặc mình là giỏi, là tài, là sung, là đang chiến thắng, là đang cưỡi lên trên đầu thiên hạ, đối phương…
Thương thay cho Gia Cát tiên sinh: tài thì mỏng, phận lại hèn nhưng lại muốn ngồi ngôi cao?! Không làm cách nào làm chủ và chinh phục được “ hoa hậu” quyền lực, tiên sinh đành phải chơi cái trò “thủ dâm” chính trị để loè thiên hạ!
 
N.C.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét