Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

LƯU HUYỀN ĐỨC-LOẠI CHÍNH KHÁCH MẶT SẮT HAY MẶT DÀY TIM ĐEN ?

LƯU HUYỀN ĐỨC-LOẠI CHÍNH KHÁCH MẶT SẮT HAY MẶT DÀY TIM ĐEN ?

                                                                               Phạm Viết Đào
Luu_Bi
Lưu Huyền Đức ( Lưu Bị ) là một trong những nhân vật lịch sử, chính khách nổi tiếng thời Tam Quốc. Lưu Huyền Đức xuất thân là tầng lớp bần cố nông: dệt chiếu đóng dép, bằng tài năng và trí xảo của mình, ông đã tập hợp, thu dụng nhân tài để trở thành người đứng đầu một trong 3 tập đoàn quân phiệt nổi tiếng thời Tam Quốc: Tập đoàn Thục Hán…
Lưu Huyền Đức là một trong những hình tượng nghệ thuật thành công của La Quá Trung trong bộ tiểu thuyết dã sử Tam Quốc diễn nghĩa; nghiên cứu, mổ xẻ về hình tượng nghệ thuật này là một điều thú vị: vừa khám phá về cách xây dựng nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết trường thiên cổ đại Trung Hoa vừa là dịp để hiểu thêm “sắc màu” của các chính khách cổ đại Trung Hoa, hiểu thêm thế thái nhân tình thời Tam Quốc…
 
Nghiên cứu chính trường cổ đại Trung Hoa, chúng tôi thấy có 2 loại chính khách khá thành đạt, chiếm số đông trong các cuộc tranh đua chinh phục các “đỉnh tháp” quyền lực, đó là loại chính khách “mặt sắt” và loại chính khách “ mặt dày” tim đen…Còn các chính nhân quân tử, những con người được đào luyện tại cửa Khổng sân Trình thì giỏi lắm cũng nắm giữ được đến chức “tam công” hoặc luôn nằm trong tầng lớp “ chuyên viên cao cấp”; rất ít người qua học hành thi cử đỗ đạt mà leo lên được đến chức thừa tướng, đứng dưới một người và đứng trên triệu người… Số phận của các chính nhân quân tử thời cổ đại Trung Hoa thì hoặc là dặt dẽo, lang thang hết nơi này chốn nọ như Khổng Tử: mang theo mình cái học thuyết về cái hay cái đẹp của lối sống quân tử, lối ứng xử quân tử trong quan hệ vua-tôi, chồng-vợ, thầy-trò, đi du thuyết khắp nơi mà chẳng ai thèm nghe; hoặc là họ đã trẫm mình xuống sông Mịch La như Khuất Nguyên, hoặc chịu những kết cục bi thảm hệ luỵ đến cả dòng tộc của mình… Những trí thức, những quân tử hiểu mệnh trời và thuận lòng người, sau khi thi thố xong cái chí, cái trí giúp đời yên dân như Trương Lương, Phạm Lãi thì khôn ngoan “ ba chân bốn cẳng” biến khỏi chính trường, mai danh ẩn tích để bảo toàn mạng sống, một báu vật của trời đất của cha sinh mẹ dưỡng. Mặc dù vào thời cổ đại Trung Quốc là quốc gia sớm có một nền giáo dục, đào tạo bài bản vào diện nhất nhì thế giới; Trung Hoa là một trong quốc gia đầu tiên trên thế giới “xuất khẩu” sự nghiệp giáo dục đào tạo ra các nước lân bang. Việc xuất khẩu sự nghiệp giáo dục đào tạo này thường do các chiến binh Trung Hoa đảm nhận…
 
Trong thời cổ đại Trung Hoa, đám chính nhân quân tử, theo cách nói thời này là tầng lớp trí thức, có học, mọi hành vi cử chỉ của họ thường chịu sự điều tiết của sách vở, của nhân, nhĩa, lễ, trí, tín họ thường ít có điều kiện làm chủ số phận của mình, hay bị nghi ngờ và ít được tin cậy. Cũng có triều đại trọng dụng họ nhưng nếu đem so sánh với suốt tiến trình lịch sử cổ đại Trung Hoa thì nó vẫn chỉ là những khoảnh khắc chớp loé rồi vụt tắt trong đêm dày… Dạng chính khách như Tần Thuỷ Hoàng, Hán Vũ Đế, Chu Nguyên Chương giành được thiên hạ từ trên lưng ngựa chứ không qua khoa cử là số đông trong chính trường cổ đại Trung Quốc. Mặc dù họ là loại ít học, trừ trường hợp hy hữu như Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn học trò, còn phần lớn những chính khách Trung Hoa thời cổ đại cũng biết lợi dụng cái vỏ chính nhân quân tử để tập hợp lực lượng, sai khiến chư hầu, như một thứ trang sức để lừa mỵ dân chúng: rằng chính quyền cũng rất biết trọng dụng trí thức… Chính vì lẽ đó mà Khổng tử và học thuyết của ông được nhiều triều đại phong kiến cổ đại Trung Hoa sử dụng như một thứ quốc giáo. Thật trớ trêu, khi đang còn sống, người đẻ ra học thuyết này là Khổng Tử, học thuyết nói về đạo làm quân tử trong cõi đời này đi đâu cũng bị chính khách đương thời thờ ơ thậm chí còn chế diễu coi là một thứ phù hiếm. Bản thân Khổng Tử lúc đang còn sống lại không một tấc đất cắm dùi. Khi ông mất đi, người ta lại xây trường, xây đền đúc tượng để phổ biến rộng học thuyết của ông. Âu đó cũng là một trong những thứ trớ trêu, bí hiểm trong cách ứng xử của người phương đông: nói, nghĩ một đằng nhưng lại làm một nẻo. Đây chính là nguyên nhân tạo dựng nên những mảnh đất để cho những kẻ biết nguỵ quân tử, lợi dụng sự chính danh quân tử có khả năng tìm đất sống; còn những quân tử đích thực thì còn lâu mới được “hảo cầu” như lời một câu trong kinh thi…
 
Trở lại những chính khách trong thời Tam Quốc xem xét họ đã thành đạt nhờ vào lối hành xử theo đạo của người quân tử hay theo cách của kẻ tiểu nhân trong sự nghiệp tranh đoạt thiên hạ âu cũng là chuyện thú vị, có ích với hậu thế. Vậy những chính khách lẫy lừng thời Tam Quốc như Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền họ thuộc diện nào. Hiện nay giới Tam Quốc học vẫn xếp Tào Tháo vào diện chính khách “mặt sắt” đen sì, Lưu Bị vào loại chính khách “ mặt dày” tim đen còn Tôn Quyền khi thì mặt dày khi lại mặt sắt…
 
Trong Tam Quốc diễn nghĩa La Quán Trung đã gán vào cửa miệng 2 nhân vật này 2 câu trở thành một thứ châm ngôn, cương lĩnh chính trị hành động của 2 loại chính khách này. Đối với Tào Tháo đó là: Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta; còn Lưu Bị thì: Thà chết chứ không làm điều phụ nghĩa…Theo chúng tôi đây chỉ là thứ sáng tạo dân gian chứ các nhà chính khách cho dù là ở thời Tam Quốc khó tin  họ có các lời nói thực lòng hoặc lộn trái tâm can của họ giữa bàn dân thiên hạ. Ngay cả đối với Tào Thào, một kẻ hậu thế xếp vào loại mặt sắt, quyết liệt, sòng phẳng trong mọi tình huống, hoàn cảnh; Tào Tháo là một nhà thực chứng, thực dụng chủ nghĩa theo cách nói của người thời nay chúng ta cũng khó tin ông có thể bô bô cái cương lĩnh tàn bạo ấy ra mà lại có thể chiếm được từng ấy đất đai, thu phục được bấy nhiêu tướng tài và quân sư giỏi cung cúc xếp hàng dưới trướng của ông…
 
Mặc dù La Quán Trung là người “dị ứng” với với Tào Tháo, nhưng qua một số tình tiết của bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa vẫn hé lộ ra Tào Tháo là người không đến nỗi nào với kẻ sĩ. Tào Tháo được coi là kẻ lắm mưu nhiều kế, nhưng Tào Tháo chỉ lừa và trị những người ngu, người kém, những đối thủ của ông ta,.., Ví dụ như vụ ông xoá thư lừa Mã Siêu và Hàn Toại. Rõ ràng kẻ mắc mưu là do dốt không nhận ra đâu là thật, đâu là giả. Cũng có khi Tào Tháo dùng động tác giả như việc tự cắt râu thay cho cắt cổ để nghiêm quân pháp khi quân ông đi qua đồng lúa đang mùa thu hoạch. Tào Tháo đã ra lệnh ngựa của ai xéo lên lúa sẽ bị chém đầu, không ngờ kẻ vi phạm quân lệnh này lại là con ngựa của ông. Hay như việc ông nói dối quân sĩ rằng phía trước có rừng mơ để cho quân sĩ qua khỏi cơn khát là một sự nói dối hữu ích, cần thiết. Mặc dù có những động tác giả nhưng hậu thế vẫn không khép Tào Tháo vào loại giả nhân giả nghĩa.
 
Tào Tháo hậu đãi với Vân Trường là những việc thực lòng theo ứng xử của người quân tử, coi trọng nghĩa khí. Đã nói là làm và chịu trách nhiệm về việc làm của mình đến cùng. Chúng ta thấy ít khi Tào Tháo nuốt lời với thuộc hạ. Ông hứa cho Vân Trường trở về với Lưu Bị là ông để Vân Trường đi, mặc dù Vân Trường qua 5 cửa quan chém 6 tướng của ông. Ông hứa cấp quân cho Lưu Bị đi cứu Từ Châu, có người can: thả hổ về rừng; Tào Tháo nghe ra nhưng không thay đổi quyết định. Có những kẻ hàng ông, ông cho giết ngay như Lã Bố nhưng có những kẻ chống chửi ông đến cùng nhưng tự ông vẫn đến cởi trói để thu phục như trường hợp Trương Liêu…Có kẻ mượn rượu, cởi truồng nhục mạ, chửi ông, ông không chấp, đó là trường hợp Nễ Hành…
 
Còn nhớ sự kiện Trần Lâm theo lệnh của Viên Thiệu, viết hịch kể tội bêu xấu ông ra cả bàn dân thiên hạ, lôi cả cha, ông của Tào Tháo ra mà sỉ mắng khiến cho khi đọc tờ hịch kể tội này, Tào Tháo toát cả mồ hôi, hết cả cảm cúm. Thế nhưng khi đánh tan Viên Thiệu, bắt được Trần Lâm một số người khuyên Tào Tháo giết Trần Lâm nhưng ông vẫn không nghe, thậm chí còn tiếp tục trọng dụng Trần Lâm. Sự việc sau trận Quan Độ, quân Tào bắt được nhiều mật thư của một số người trong nội bộ quân Tào tư thông với Viên Thiệu, Tào Tháo đã cho đốt đi mà không truy cứu trách nhiệm hình sự….
 
Qua một số tình tiết trên cho thấy Tào Tháo là kẻ biết ứng xử đại  lượng với đám kẻ sĩ, có khả năng phân biệt và trọng dụng kẻ có tài, có công, không bao giờ chấp nhặt, thù dai; Tào Tháo là người biết nhận ra đâu là bản chất, đâu là hiện tượng, đâu là quân tử, đâu là nguỵ quân tử. Do vậy ông mới thu phục được nhiều nhân tài, chiếm giữ được cả trung nguyên giàu có. Tất nhiên cũng có khi ông bị mắc mưu, sử dụng người không chính xác, nhưng thường là số ít chính vì thế mà ông tập hợp được lực lượng, rất nhiều chiến tướng sống chết trọn đời bên ông như anh em Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Tào Hồng, Điển Vi, Hứa Chử…Chúng ta rất hiếm thấy bề tôi của Tào Tháo phản chống lại ông ta để đầu quân cho kẻ khác. Tào Tháo phải biết ăn ở với thuộc hạ thế nào mới ràng buộc được lòng trung thành của họ. Còn như ác quá, tiểu nhân qua thì làm sao Tào Tháo gây dựng nên cả một cơ nghiệp đồ sộ như vậy. Chẳng có ông Trời nào tạo dựng thiên thời cho Tào Tháo để ông dựng nghiệp; sự nghiệp của Tào Tháo là do sức lực và tài năng của ông tạo dựng nên.
 
Vậy còn Lưu Bị thì sao? Trong Tam Quốc diễn nghĩa và trong nhiều sách vở vẫn coi ông là người phò nhà Hán: Tào Tháo được thiên thời, Tôn Quyền được địa lợi còn Lưu Bị thì được nhân hoà. Có đúng là Lưu Bị được nhân hoà không? Có đúng ông là người theo tư tưởng thân dân, có những hành vi nhân nghĩa, vì dân dân nên đã được dân chúng tin yêu, mến phục và ủng hộ? Phải chăng ông đã giành được những thành quả này nọ là do biết dựa vào dân, biết khoan sức dân, biết vì lợi ích nhân dân mà chiến đấu? Theo chúng tôi đây là một vấn đề cần phải được bàn thảo kỹ và xem xét dưới nhiều góc độ. Các nhà Tam Quốc học Trung Hoa thường lấy sự kiện dân chúng thành Tân Dã rời bỏ nhà cửa, tài sản để chạy theo Lưu Bị, lánh nạn quân Tào trong trận Đương Dương-Tràng Bản như một bằng chứng chứng tỏ dân chúng tin yêu, ủng hộ, tập đoàn Lưu Bị nên mới bỏ thành Tân Dã mà chạy theo ông. Việc Lưu Bị vừa đi vừa đợi dân chúng, mỗi ngày đi được mấy dặm mặc cho quân Tào truy đuổi đến sau lưng là việc làm nhân đức, thương dân? Nếu nghiên cứu sự kiện này và phân tích từ một góc nhìn khác thì sẽ thấy chưa hẳn Lưu Bị đã vì dân. Thực ra đây là một hành động quân sự quyết liệt của Lưu Bị. Trong Tam Quốc diễn nghĩa mô tả đây là mưu kế của Gia Cát Lượng, một số tư liệu khác ghi đó là chủ trương của Lưu Bị. Trong trận này Lưu Bị dùng chính sách tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống: vận động hay nói cách khác là cưỡng bức dân chúng chấp nhận rời khỏi thành Tân Dã, bỏ lại tài sản để cho Lưu Bị trưng dụng làm vật liệu cho trận đánh hoả công, gài chất cháy vào các nhà dân trong thành để khi quân Tào vào thành nghỉ ngơi thì phóng hoả đốt thành, làm cho quân Hạ Hầu Đông rối loạn để quân Lưu Bị trong đánh ra ngoài đánh vào. Như vậy tài sản của dân chúng trong đó có nhà cửa ki cóp cả đời người của họ đã được Lưu Bị trưng dụng để làm vật cụ chiến tranh và bị tan tành thiêu rụi trong phút chốc. Rõ ràng dân chúng buộc phải bỏ nhà cửa chạy theo Lưu Bị chứ không thể nói là tự nguyện theo tinh thần: quân chưa qua nhà không tiếc…Chắc chắc lúc đó Lưu Bị đã phủ dụ dân chúng: cứ bỏ nhà đi theo ông, ông sẽ dàn xếp để cho vào thành Kinh Châu mà lánh nạn. Nhưng khi đám dân chúng và cả quân của Lưu Bị đến Kinh Châu nhưng Lưu Tôn đã không mở cửa cho vào vì đã bí mật bắt tay với Tào Tháo. Hàng vạn người dân ở thành Tân Dã trong phút chốc trở nên trắng tay, mất hết tài sản, bị đẩy ra ngoài đường để phục vụ chọ một trận đánh chặn bằng hoả công của Lưu Bị. Hành động này của Lưu Bị không thể ghi điểm cho ông là kẻ vì dân và thương dân được mà phải coi đây là một hành động làm khổ, làm hại dân?!
 
Chỉ qua một hành động này thôi chứng tỏ: mọi lời nói vì dân và thương dân của Lưu Bị là hoàn toàn dối trá. Nhiều tài liệu lịch sử đáng tin cậy cho thấy khi Khổng Minh phát binh ra Kỳ Sơn đã phải chứng kiến những làng xóm tiêu điều xơ xác vì chiến tranh vì sự hà khắc của chính quyền nhà Thục Hán. Sự sụp đổ của nhà Thục Hán đã cho thấy sự mục ruỗng bên trong của cái triều đình mà đám quan lại chóp bu không thật sự có tài, có đức chỉ lo vơ vét cho mình và lo tranh quyền đoạt đất. Ngay cái việc Thục Hán không có chức sử quan đã cho thấy đám quân phiệt họ Lưu bưng bít thông tin, hạn chế bịt mồm bịt miệng kẻ sĩ đến mức nào. Một nhà nước nói là giương cao ngọn cờ nhân nghĩa sao lại ứng xử làm vậy?
 
Không chỉ với dân chúng, với vợ con, anh em kết nghĩa Lưu Bị ăn ở cũng chẳng ra gì: đẩy Vân Trường vào chỗ chết; đối với Tôn phu nhân thì Lưu Bị đã tỏ ra là kẻ: tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Tôn Quyền đã gả em gái cho, Tôn Quyền có xuất binh đánh tan quân Tào thì Lưu Bị mới thừa cơ chiếm 9 quận Kinh Tương, thế mà cứ cù nhầy nhất định không chia cho Tôn Quyền một tấc đất chiến lợi phẩm nào. Chắc chắn Tôn Phu nhân cũng đã trải qua bao bận khổ tâm vì sự giằng xé giữa bên tình, bên hiếu, còn Lưu Bị thì chẳng may may lưu tâm đến nỗi khổ tâm chắc chắn có đó của người vợ trẻ của mình. Nếu Tôn phu nhân là người phụ nữ vì tình yêu sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình thì Lưu Bị là kẻ ngược lại: vì mạng sống của mình, vì quyền lợi của mình sẵn sàng hy sinh cả vợ con, bè bạn, anh em…Ngay cả cái việc Lưu Bị đi “ăn nhờ, ở đợ” hết người này đến người khác, chịu sai khiến của Lã Bố, rồi lại theo Tào Tháo, quay sang cầu thân với Viên Thiệu, thấy Thiệu sắp thua liền chạy về “ rửa bát quét nhà “ cho Lưu Biểu…Thấy Lưu Chương là kẻ đồng tông đang bị Trương Lỗ ức hiếp, nói là sang giúp rồi thì cướp luôn cơ nghiệp của người ta…Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã mô tả, phải năm lần bảy lượt đám Bãng Thống, Pháp Chính đập đầu khuyên, Lưu Bị mới chịu ra tay đánh úp Ích Châu? Đây chẳng quan là lời lẽ của một kẻ đời sau như La Quán Trung…
 
Chỉ loại chính khách “mặt dày” mới ăn ở và có những hành động như các hành động kể trên của Lưu Bị. Loại chính khách này lúc nào cũng bô bô ngoài cửa miệng: thà chết chứ không chịu làm điều phụ nghĩa, luôn vì dân, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân trong thực tế thì nhân dân luôn như con bài, bị dày xéo như con giun, cái kiến dưới quyền độc trị của họ. Với loại chính khách này, đối với đồng minh thì họ là kẻ tráo trở, sẵn sàng nuốt hết những lời “thề non hẹn biển” để giành cướp lợi ích cho mình khi có thời cơ. Nếu so sánh việc Tào Tháo thả Quan Vũ với việc Lưu Bị nuốt lời hứa đồng minh với Đông Ngô, chiếm lấy Kinh Tương một chiến lợi phẩm sau trận chiến Xích Bích thì thấy rõ ai còn có chút dáng dấp quân tử, ai là tiểu nhân, ai là kẻ mặt sắt, ai là kẻ mặt dày…
 
Sự nguy hiểm của loại chính khách này đó là: lúc nào họ cũng giả vờ dốt, cầu thị, sẵn sàng nhún nhường làm phận em út; ai bố thí cho một quyền lợi nhỏ nào cũng sẵn sàng hảo hảo em em anh anh ngay; thế nhưng khi thời cơ đến, cơ hội chín muồi thì sẵn sàng vùng lên bóp cổ, đè đầu người ta xuống một cách tàn bạo để mình được vinh thân, phì gia…Đối với loại chính khách “ mặt sắt” thì người đời còn có thể lường và có đối sách ứng phó được bởi đám này thường là có thực tài thì mới mặt sắt được. Đám này thường thì tài đến đâu thì hưởng thụ đến đấy. Loại chính khách “mặt dày” mới thật là đáng sợ bởi sự thơn thớt bề ngoài và sự nham hiểm bên trong khó lường của họ xuất phát từ thực tài của họ thường nhỏ hơn tham vọng “ siêu đại” mà họ đang ấp ủ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét