Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

MẶT TRẬN VỊ XUYÊN HÀ GIANG 1981-1988: TRẬN STALINGRAD CỦA VIỆT NAM ( Bài 26 ):


MẶT TRẬN VỊ XUYÊN HÀ GIANG 1981-1988: TRẬN STALINGRAD CỦA VIỆT NAM ( Bài 26 ):

Đăng ngày: 23:06 17-04-2011
Thư mục: Tổng hợp
Ghi chép của Phạm Viết Đào.
( Kỳ 24 và kỳ 25 sử dụng các bài đã đăng, đã đưa trên trang tư liệu: http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdao460...)

Chuyện về một trung đoàn của ta sau khi giao chiến chỉ còn 12 người lành lặn trở
về…
      Ông Nguyễn Tấn Trọng từng tham gia cứu thương trận 12/7/1984 tại trạm phẫu làng Ping...
Thứ 5 ngày 14/4/2011, thu xếp được thời gian, tôi lại đánh đường lên Hà Giang; ngồi cạnh trên xe khách là một người đàn ông đã luống tuổi…qua một vài cung đường, tôi bắt chuyện và được biết tên ông là Nguyễn Tấn Trọng, năm nay 64 tuổi, hiện đang sống tại Tổ 1, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang…
Thế là câu chuyện về mặt trận Hà Giang được tôi đưa ra gợi hỏi. Ông Nguyễn Tấn Trọng cho biết: Ông đã sống tại Hà Giang từ năm 1966, lúc đầu làm cán bộ thu mua lâm thổ sản, cơ quan chính có trụ sở tại 110 Lò Đúc Hà Nội; Quê ở Nam Định, cơ quan ông lúc đầu cắm chốt ở Thanh Thủy Hà Giang…
Tôi hỏi ông Trọng, hồi chiến tranh biên giới bác làm gì ? Ông Trọng cho biết: “ Lúc đầu là cán bộ thu mua lâm thổ sản của Bộ Lâm nghiệp, sau đó chuyển qua làm cán bộ kỹ thuật y tế cho đến khi nghỉ hưu…Khi chiến tranh xảy ra, cán bộ y tế dân sự cũng được điều động tham gia phục vụ chiến đấu…” Ông vừa về quê Nam Định lên…
Có một kỷ niệm không quên trong cuộc đời làm cán bộ nhà nước của ông, ông đã tham gia cứu chữa thương binh trong các trận đánh ác liệt tại Vị Xuyên-Hà Giang xảy ra vào những năm 1984-1985. Ông Trọng không nhớ rõ năm tháng, nhưng ông nhớ rõ là ông đã bị kỷ luật vì do không hoàn thành nhiệm vụ trong lần đó…Tôi có gặng hỏi nhưng ông không cứ lảng ra không kể rõ vì sao bị kỷ luật. Do ông không muốn kể thêm về mình nên tôi cũng không hỏi…
Theo ông Trọng cho biết, sau trận đó ông bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa thương bình, sau đó ông được điều lên Bạch Đích, một địa danh tại huyện Yên Minh, cách Hà Giang khoảng 50 km…”
Ông Trọng kể thì hình như đó là trận giao tranh xảy ra tại bình độ 800, chỉ huy mặt trận lúc đó là tướng Hoàng Đan và Lê Mật; ấn tượng nặng nề nhất mà ông chứng kiến là suốt trong 3 đêm liền, đơn vị ông phải làm nhiệm vụ cứu thương, và khâm liệm tử sĩ. Mỗi đêm theo ông Trọng cho biết, trạm phẫu của ông phải băng bó và khâm liệm khoảng 200 ca…
Chính trong 3 ngày phục vụ thương binh, liệt sĩ đó, ông đã được các thương binh trực tiếp đánh trận, bị thương đưa về chỗ ông cứu chữa cho biết: Trung đoàn của họ chỉ còn 12 người sống sót lành lặn trở về; lâu ngày ông Trọng không còn nhớ phiên hiệu của trung đoàn là gì và thuộc 316 hay 356 ?
Ông chỉ nhớ chắc chắn đó là trận dưới quyền chỉ huy của tướng Hoàng Đan ?
Tôi căn vặn đi căn vặn lại ông Trọng là cái thông tin cả một trung đoàn ra trận lúc trở về chỉ còn 12 người là do ai cung cấp ? Ông Trọng cho biết là chính những người lính bị thương được cứu chữa chỗ ông kể với ông về trung đoàn của họ; còn sự thật thế nào thì ông không dám khẳng định…
Ông Trọng cho biết: tại trạm phẫu thuật tiền phương hồi đó đóng ở làng Ping. Ông tham gia phục vụ với tư cách là một cán bộ kỹ thuật y tế; Theo ông Trọng, cả 3 đêm trạm này đã tiếp nhận khoảng 600 ca cả thương binh lẫn liệt sĩ. Ông cho biết, một bác sĩ ở đây đã kể với ông chính một mình ông ta trong 1 đêm phải băng bó tới 20 ca…
Sau khi chắp nối các thông tin thì trận mà ông Nguyễn Tấn Trọng kế, theo tôi đó chính là trận 12/7/1984, trận có 4 trung đoàn của ta trong đó có 356 và 316 đánh lên Cao điểm 772…Vì Tư lệnh chỉ huy mặt trận trận đó lúc đó đúng là Tướng Hoàng Đan…Đó là trận đánh lớn nhất tại Vị Xuyên-Hà Giang giai đoạn 1984-1988. Trước khi xuất quân tướng Hoàng Đan còn đến các đơn vị động viên quân sĩ: các đồng chí mang thật nhiều giây thừng bắt trói quân bành trướng đem về đây lĩnh thưởng…
Thấy tôi căn vặn nhiều lần về thông tin: có 1 trung đoàn của ta, sau trận 12/7/1984 gần như bị xóa sổ, một trung đoàn của ta lúc đó có khoảng từ 1700 tới 2000 bộ đội; sau khi tham chiến chỉ còn lại 12 người…Ông Trọng khẳng định: tôi nhớ kỹ trận này, vì đây là trận mà tôi bị kỷ luật khi tham gia phục vụ chiến đấu…Còn anh là nhà văn, anh muốn tìm hiểu, tôi giới thiệu với anh làm quen với Thiếu tá Hoàng Cường, Trợ lý tác chiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, người chắc chắn biết nhiều thông tin về mặt trận Hà Giang…
Vậy cái trung đoàn mà sau trận 12/7/1984, sau khi đánh nhau chỉ còn 12 lính sống sót có đúng trung đoàn 876, trung đoàn thuộc Sư 356, Sư đoàn mà chú em tôi là lính không ? Đây là điều tôi cứ băn khoăn căn vặn hỏi ông Trọng?
Tôi còn nhớ khoảng tháng 3/1985, khi tôi từ Hà Nội, tôi lên tận Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 876 của Sư 356, lúc đó đóng quân ở Dốc Mã Tim, cách Hà Giang khoảng 2 km để hỏi tin về chú em tôi. Khi tôi ăn trưa cùng đơn vị, thỉnh thoảng lại nghe tiếng ùng oàng do pháo Trung Quốc bắn sang.. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 876 đã tiếp tôi. Tôi đã đề nghị được gặp lại những chiến sĩ đã tham gia đánh trận 12/7/1984 để hỏi xem chú em tôi hy sinh trong trường hợp như thế nào.
Tại đơn vị, tôi chỉ còn gặp lại được 3 chiến sĩ tham gia trận đó; còn cả tiểu đoàn đều là lính mới, hoặc đơn vị khác chuyển về. Hồi đó đang là chiến tranh, hơn nữa mình cũng nghi ngại nghĩ đây là bí mật quân sự nên không hỏi kỹ trong trận này đơn vị chết bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu…Sau này ngẫm lại chắc số sống sót không nhiều.
Còn ông Nguyễn Tấn Trọng thì vẫn khẳng định đó là những điều mà anh em trự tiếp tham chiến bị thương kể với ông về đơn vị của họ !
         Ông Nguyễn Tấn Trọng và P.V.Đ tại nhà riêng của Thiếu tá Hoàng Cường...
( Ảnh do Thiếu tá Hoàng Cường chụp... )
Ông Trọng hẹn tôi, khi lên Hà Giang ông sẽ giới thiệu tôi gặp thiếu tá Hoàng Cường, trợ lý tác chiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên cũ, hiện đang sống tại Hà Giang để lấy tài liệu về Mặt trận Hà Giang…Ông cho tôi số điện thoại và hẹn sẽ lien hệ với Thiếu tá Hoàng Cường, năm nay đã gần 80 tuổi…
( Còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét