Góc khuất đằng sau một ngôi Á quân của Trung Quốc
Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới về tổng lượng bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế, tuy nhiên, đằng sau ngôi vị Á quân này còn rất nhiều góc khuất.Chìa khóa để tăng lương, thăng chức
Giảng viên tại phần lớn các trường đại học ở Trung Quốc lục địa cũng phải làm nghiên cứu và công bố báo cáo như các đồng nghiệp của họ ở các quốc gia khác. Nhưng tại Trung Quốc, việc thăng chức hay tăng lương lại phụ thuộc chủ yếu vào một yếu tố: Số lượng các bài nghiên cứu mà người giảng viên có thể xuất bản.
Thể loại nghiên cứu, độ uy tín của đơn vị đăng tải bài viết và chất lượng bài viết đều không quan trọng bằng số lượng bài viết được đăng. Đây là vấn đề đã được tranh luận từ lâu, nhưng một báo cáo mới đây từ London đã đặt ra nhiều câu hỏi mới về việc có nên thay đổi hay bãi bỏ hẳn hệ thống đánh giá này đối với giảng viên.
Tháng ba vừa qua, Hội Khoa học Hoàng gia Anh tại London cho biết Trung Quốc hiện đang đứng thứ hai thế giới về tổng số lượng các bài nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Tổ chức này dự đoán tới năm 2013, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước xuất bản nhiều báo cáo khoa học nhất.
Nhưng theo hệ thống Web of Science (Mạng Khoa học), trong đó bao gồm Chỉ số Trích dẫn Khoa học (SCI) và Chỉ số Trích dẫn Khoa học Xã hội (SSCI) của Thomson Reuters, các học giả khác trên thế giới cho rằng chỉ số này của Trung Quốc chỉ nằm trong khoảng 10%.
"Đây là một hiện tượng rất lạ. Về mặt lý thuyết, nếu càng nhiều bài nghiên cứu được xuất bản thì khả năng những nghiên cứu này được người khác trích dẫn lại sẽ càng cao. Lý do duy nhất để giải thích cho những gì đang diễn ra tại Trung Quốc hiện nay là chất lượng của những bài nghiên cứu này vô cùng thấp", Zhang Yiwu, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nguồn lực Văn hóa tại Trường Đại học Bắc Kinh, nói.
Zhang cho rằng có nhiều lý do dẫn đến các bài nghiên cứu chất lượng thấp. Lười biếng là một lý do, nhưng phần lớn các giảng viên đều than phiền rằng họ phải chịu áp lực rất lớn từ cấp trên hành chính, những người yêu cầu họ phải công bố các bài nghiên cứu càng nhanh càng tốt, bất kể chất lượng hay đề tài.
Quá trình công bố này thường không bao gồm phần nhận xét của đồng nghiệp, một số người còn không bao quát được đề tài mà họ phải viết.
Trên lý thuyết, một bài nghiên cứu tốt phải có nội dung mới, chẳng hạn như những phát hiện thu được từ một dự án nghiên cứu hoặc một báo cáo tổng kết toàn diện về một đề tài mà trước đó chưa có người làm.
"Để thực hiện một dự án khoa học hay một báo cáo nghiên cứu đòi hỏi nỗ lực lâu dài, do đó một nhà nghiên cứu không thể xuất bản nhiều báo cáo được", giảng viên Ran Bogong của Trường Đại học Toledo, Mỹ, nói.
Ran cho biết áp lực từ cấp trên, mong muốn thăng tiến của cá nhân và lương thưởng là những lý do chính giải thích việc các giảng viên đổ xô xuất bản các báo cáo khoa học với chất lượng đáng ngờ. Ông nói ngay cả người giám sát họ cũng không thể phân biệt đâu là báo cáo tốt và phần lớn đều không đầu tư thời gian để kiểm tra các báo cáo đó.
"Nhưng họ lại có thẩm quyền quyết định ai sẽ được chuyển ngạch từ trợ giảng lên giảng viên chính, kèm theo đó là một đợt tăng lương; do vậy, toàn bộ quá trình này có thể không phụ thuộc vào thực lực học thuật của cá nhân", Ran nói. "Vì thế, nếu họ không thể xác định được chất lượng, họ thường sẽ chuyển sang số lượng".
Bán chỗ đăng bài như bán... quảng cáo
Một báo cáo của tờ Nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc cho biết trong số tất cả các bài viết học thuật được xuất bản mỗi năm tại Trung Quốc lục địa, chỉ có 5% có thể được coi là có chất lượng, và hơn 65% không đáp ứng tiêu chuẩn cần thiết đối với một bài viết học thuật. Bản báo cáo trên cũng cho hay mỗi năm có khoảng 5 triệu bài viết tìm cơ hội xuất hiện trên mặt báo.
"Nhiều trường đại học cũng yêu cầu chất lượng cao, nhưng quá trình tuyển chọn bài viết để đăng tải cần phải hết sức nghiêm ngặt", Zhang nói.
Quá trình què quặt này đã cho ra đời một ngành kinh doanh mới, theo đó các tạp chí bán không gian đăng tải trên báo mình cho các học giả (giống quan hệ giữa các báo và nhà quảng cáo).
Theo quy trình chính thức, các bài viết học thuật phải được các giám sát viên hoặc giảng viên đồng nghiệp đánh giá trước tiên, nhưng tác giả các bài viết lại thường gửi thẳng chúng tới tạp chí. Thông thường, các biên tập viên ở các tạp chí danh tiếng cũng là các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, và họ có nhiệm vụ loại ra những bài viết chất lượng thấp.
Ảnh minh họa: Peter C. Espina - Global Times |
Năm 2009, các giảng viên tại Trường Quản lý thuộc Trường Đại học Vũ Hán, đơn vị quản lý thông tin và nghiên cứu lớn nhất Trung Quốc, ước tính rằng ngành công nghiệp xuất bản nội dung học thuật có giá trị khoảng 1 tỉ Nhân dân tệ (148 triệu USD).
Một giảng viên kỹ thuật giấu tên tại Trường Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, cho biết nhiều tạp chí đưa ra mức giá lên tới 2.500 tệ (372USD) để đăng tải một bài viết 4.000 từ chỉ với yêu cầu rằng bài viết phải "trong sáng" về mặt chính trị, đúng đắn về tư tưởng.
Giảng viên này còn cho biết, cách đây 6 năm, khi ông được chuyển ngạch từ trợ giảng lên làm giảng viên chính thức ở độ tuổi 52, ông đã đăng tải ít nhất 20 bài viết trên nhiều tạp chí khác nhau trong vòng 3 năm. Tám bài viết học thuật của ông được đăng tải trên các tạp chí "cấp chủ đạo" phát hành trên toàn quốc. Các tạp chí được chia làm 4 cấp: cấp chủ đạo trung ương, cấp chủ đạo, cấp quốc gia, và cấp tỉnh.
Những bài viết được đăng tải trên các tạp chí cấp chủ đạo thường có độ dài khoảng 5.000 từ/bài.
Các tài liệu lưu lại cho thấy một số tạp chí đăng tải tới 200 bài viết trong khoảng 19 trang giấy, không có ảnh và sử dụng phông chữ rất nhỏ.
Tháng 2 vừa qua, Tổng cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Trung Quốc (GAPP) đã thông báo trong một tuyên bố rằng tất cả các tạp chí hoạt động trong lĩnh vực này chỉ vì mục đích lợi nhuận sẽ bị buộc phải đóng cửa.
Trên thực tế, năm nay chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa 6 tạp chí vì lý do trên, trong đó có một tạp chí mang tên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đóng gói Trung Quốc.
"Trung Quốc lục địa có trên 1.100 tạp chí y khoa, chiếm một phần tư số lượng các tạp chí khoa học, nhưng lĩnh vực này vẫn có nhu cầu phát triển mạnh bởi vì hệ thống đánh giá nghèo nàn hiện nay của các tạp chí này", một quan chức GAPP giấu tên nói.
Những lo ngại về nạn đạo văn
Giảng viên Zhang ở Trường Đại học Bắc Kinh nêu ý kiến rằng Trung Quốc phải rút kinh nghiệm từ sai lầm của các quốc gia khác và giải quyết vấn nạn đạo văn.
"Ở Trung Quốc có rất nhiều trường hợp đạo văn trong đó các giảng viên đại học buộc phải thôi việc; ở một số trường đại học hạng ba hoặc hạng bốn hay một số trường trung học, tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn", Zhang nói.
Vấn đề này không chỉ tồn tại ở các trường đại học.
Trong số 400 bài viết mà một đơn vị giáo dục cấp quận tại Thành phố Tuyên Thành, tỉnh An Huy, nhận được trong tháng trước từ các giáo viên tiểu học và trung học cơ sở hoạt động ở địa phương, hơn 20% là đạo văn. Giáo viên tại các trường này cũng phải nộp báo cáo để được thăng ngạch.
Theo giảng viên Ran của trường Toledo, không nên chỉ trích quá gay gắt các học giả, bởi vì hệ thống trên đã buộc họ phải "sản xuất gia công" các bài viết để có được thu nhập khá hơn.
Một báo cáo do Bộ Giáo dục Trung Quốc phát hành năm ngoái, trong đó có vạch ra chiến lược cải cách và phát triển giáo dục trung và dài hạn của Trung Quốc trong thập kỷ tới, đã nêu lên yêu cầu tách riêng ngạch quản lý và các phòng ban học thuật, và các nhà quản lý hành chính không nên hạn chế tự do nghiên cứu.
Ran đề xuất ý tưởng rằng nên có một đội ngũ chuyên gia chuyên ngành phụ trách việc đánh giá mỗi bài viết của các học giả, và Trung Quốc nên chuyển dần sang một hệ thống chú trọng tới chất lượng hơn số lượng.
- Thủy Nguyệt (theo Global Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét