Giải mã việc Trung Quốc 'rải tiền' khắp thế giới
Cập nhật lúc :2:09 PM, 26/04/2011
Trung Quốc không ngừng tăng cường viện trợ nước ngoài trong những năm gần đây với toan tính nới rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Người Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi. Hay nói chính xác, tiền Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi, nhờ công lớn của ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Viện trợ nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh thể hiện rõ nét khắp hang cùng ngõ hẻm trong thế giới đang phát triển như đường bộ, đường sắt tại châu Phi, các nhà máy dệt tại Syria, nhà máy xi măng tại Peru hay cầu cống ở Bangladesh.
Tính đến cuối năm 2009, Trung Quốc cung cấp viện trợ cho 161 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế và khu vực với tổng số tiền 256,29 tỷ nhân dân tệ (39,2 tỷ USD) bao gồm 106,2 tỷ viện trợ không hoàn lại, 76,54 tỷ vay không lấy lãi và 73,55 tỷ cho vay lãi suất ưu đãi. Các nước nhận viện trợ chủ yếu là quốc gia thu nhập thấp trên khắp thế giới, trong đó châu Á và châu Phi chiếm khoảng 80%.
Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư, viện trợ nước ngoài. |
Theo tờ Financial Times, mức độ cho vay của Trung Quốc trong giai đoạn 2008 - 2010 vượt quá con số trợ giúp của Ngân hàng thế giới tới xấp xỉ 10 tỷ USD. Tới cuối năm 2010, ngân hàng CDB vươn rộng tới hơn 90 quốc gia với tổng số công nợ đạt 141,3 tỷ USD.
Ràng buộc kinh tế
Giới chuyên gia cho rằng, không phải vô cớ Trung Quốc lại trở thành “người bảo trợ chính về kinh tế” cho nhiều quốc gia. Thông qua các chương trình viện trợ và đầu tư, Bắc Kinh có thể gia tăng sự lệ thuộc của thế giới đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Sự bành trướng của các công ty Trung Quốc với những hạng mục đầu tư có tầm cỡ toàn cầu đang thôi thúc Bắc kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên chính sách kinh tế của các quốc gia sở tại nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc cũng như để đảm bảo rằng, những khoản tín dụng được gia hạn của các ngân hàng Trung Quốc sẽ được hoàn trả.
Tín dụng của ngân hàng Phát triển Trung Quốc dành cho Venezuela là một ví dụ điển hình. Năm 2010 ngân hàng này thỏa thuận cho Chính phủ Venezuela vay hai khoản tổng cộng là 20,6 tỷ USD. Với mục đích đảm bảo sự hoàn trả của các khoản vay, ngân hàng CDB tác động tới việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của Venezuela.
Cụ thể, vào tháng 5/2010 một phái đoàn Trung Quốc gồm hơn 30 thành viên các cơ quan khác nhau của Chính phủ, các xí nghiệp nhà nước lưu lại Venezuela 18 ngày nhằm mục đích soạn thảo kế hoạch hỗ trợ Caracas cải thiện nền kinh tế của mình. Kế hoạch này bao gồm các lĩnh vực như ổn định giá cả, hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách tỷ giá hối đoái và phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lựa.
Bên cạnh đó, đằng sau việc cấp nguồn tín dụng rẻ và các khoản cho vay nhân nhượng là thực tế rằng Trung Quốc đang phổ biến lối kinh doanh của mình trên toàn cầu.
Hàng hóa Trung Quốc cũng theo các khoản viện trợ len lỏi tới khắp nơi trên thế giới. |
Qua quan hệ đầu tư kinh tế, dựa vào thế mạnh về vốn, Bắc Kinh bành trướng các công ty cũng như hàng hóa của mình ra nước ngoài một cách dễ dàng và đại thành công. Điển hình là khi kinh tế Trung Quốc tràn vào Campuchia thì giao dịch thương mại song phương đạt mức 2 tỷ USD nhưng hàng hoá của Campuchia vào Trung Quốc chỉ đạt 200 triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, thâu tóm các doanh nghiệp lớn của các nước sở tại cũng là động lực thôi thúc Bắc Kinh “rải” tiền khắp nơi. Điều này có thể thấy rõ trong kế hoạch tung tiền cứu liên minh châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ công.
Hiện có vô số bằng chứng cho thấy mưu tính thâu tóm này, như vụ Trung Quốc muốn biến cảng lớn nhất Hy Lạp là Piraeus thành cửa ngõ để họ trung chuyển hàng hóa giá rẻ vào châu Âu; hay như gần đây công ty Xinmao mon men thôn tính công ty dây cáp viễn thông Hà Lan Draka, Geely nhắm Volvo Thụy Điển…
Chưa hết, việc đẩy mạnh “vung tiền” cũng nhằm thúc đẩy mục tiêu cốt lõi của kinh tế Trung Quốc là đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc nhiều năm qua phải cho Mỹ “vay” hàng trăm tỷ USD để Washington tiếp tục mua hàng từ Bắc Kinh, qua đó nuôi sống hàng loạt nhà máy ở Quảng Đông, Thượng Hải... Tương tự, động cơ chính cho sự gia tăng viện trợ cho châu Âu cũng chính là bởi EU là điểm đến hấp dẫn nhất của hàng hóa Trung Quốc.
“Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều hơn khối tiền khổng lổ mà họ đang có trong tay để phục vụ cho các quyền lợi của mình, đặc biệt là gia tăng xuất khẩu”, ông Huang, chuyên gia tại Quỹ Hỗ trợ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington nhận định.
Phụ thuộc chính trị
Khi các mối quan hệ kinh tế đi sâu hơn thì các mối bang giao văn hóa và chính trị cũng theo đó mà phát triển. Vì vậy, dưới “vỏ bọc” là “cứu giúp thiên hạ”, Trung Quốc còn thu lợi về mặt chính trị và ngoại giao.
Trung Quốc có khả năng tác động ngày càng lớn đối với các quốc gia khác xuất phát từ vai trò là nguồn hỗ trợ chính cho viện trợ, thương mại và đầu tư quốc tế. Đơn cử như với việc biến EU thành “con nợ”, chắc chắn là Brussels sẽ không thể tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ như trước, hoặc chí ít là bớt cao giọng với Bắc Kinh trong việc gây sức ép nhằm tăng giá đồng nhân dân tệ.
Các khoản viện trợ của Trung Quốc vào Venezuela và Turkmenistan cũng ẩn chứa những toan tính chính trị tương tự. Theo đó, ngân hàng CDB dùng công cụ đòn bẩy tài chính để đạt các mục tiêu của chính sách đối ngoại, bao gồm việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế và cải thiện an ninh nguồn cung ứng năng lượng.
Viện trợ kinh tế ràng buộc chính trị giữa Trung Quốc và Venezuela. |
Trong khi đó, một kinh tế gia trưởng của công ty đầu tư chứng khoán Mizuho nhấn mạnh rằng, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng và nước này đang tiến tới “một giai đoạn mới” trong đó Bắc Kinh có thể bành trướng sự hiện diện của mình ở nước ngoài một cách tự nhiên.
“Kế hoạch mà Trung Quốc nhắm đến chính là tung các khoản đầu tư kinh tế mạnh hay viện trợ để vừa chiếm thị trường các nước lân bang vừa tước đi ảnh hưởng của Mỹ hay các quốc gia khác đối với nước nào mà họ nhắm đến”, chuyên gia này khẳng định.
Ông nói thêm, con đường tàu hoả và xa lộ từ Thượng Hải, Thẩm Quyến xuyên qua Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore chứng minh hùng hồn cho khát vọng “chặt bớt tay chân” của Mỹ, quốc gia vốn có ảnh hưởng với những nước trên.
Chưa hết, Bắc Kinh một mực bác bỏ khả năng nước này muốn “xuất khẩu” mô hình của mình như Liên Xô ngày trước để tạo ra đối cực với mô hình Mỹ và thanh minh rằng nước này không có ý đồ ảnh hưởng địa chính trị tới các quốc gia đang phát triển khác bằng mô hình của mình.
Tuy nhiên, nhìn những bước chân rầm rập của người Trung Quốc ra khắp thế giới trong khoảng thời gian gần đây, người ta thấy điều ngược lại. Trung Quốc đã và đang phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ của mình bằng nhiều phương cách từ viện trợ tới đầu tư.
Chuyên gia của Mizuho quả quyết, báo chí phương Tây thậm chí đang mường tượng đến một thời điểm mà thế giới sẽ đi theo “đồng thuận Bắc Kinh” thay vì “đồng thuận Washington” như trước nay. Tinh thần đồng thuận ấy chắc sẽ là tăng tập quyền và điều tiết mạnh hơn, ngược với đồng thuận cũ
“Đồng thuận Bắc Kinh có thể là chuyện đùa phi hiện thực nhưng những động thái viện trợ, cho vay, tài trợ như kể trên của Trung Quốc với các nước nghèo hơn lại hiện hữu. Mà đâu chỉ nước nghèo, đừng quên Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Gia tăng tiềm lực quân sự
Không đơn thuần chỉ là lợi ích chính trị và kinh tế, thông qua các khoản cho vay viện trợ, Bắc Kinh còn tranh thủ tìm kiếm ở các nước một thứ hàng hóa giá trị hơn kinh tế đơn thuần rất nhiều, đó là vũ khí, một nhân tố quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Mưu cầu này của Trung Quốc có thể thấy rõ trong hoạt động “phát chẩn” cho châu Âu. Trung Quốc muốn biến tiền thành áp lực, buộc EU bãi bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí vốn bị cấm xuất sang Trung Quốc từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989 để đi tắt đón đầu, tiếp nhận công nghệ cao, giảm thời gian nghiên cứu hàng chục năm.
Mục tiêu này bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh cho quân đội để họ đủ sức bảo vệ an ninh quốc gia cũng như đạt nhiều mục tiêu khác. Hiện tiền với Bắc Kinh không phải vấn đề lớn, thậm chí là họ có nhiều; nhưng tiền không phải lúc nào cũng đi đôi với nhân lực, khoa học kỹ thuật cao.
Trung Quốc muốn đẩy mạnh tiến trình mua, trao đổi, tiếp nhận công nghệ cao ngoài lĩnh vực quốc phòng từ châu Âu. Đây hiện là chủ trương lớn của Trung Quốc bởi dù là nước giàu thứ 2 thế giới nhưng trình độ khoa học, công nghệ của Bắc Kinh còn nhiều hạn chế, trong khi "kho tri thức" Mỹ từ lâu gần như ngừng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vì lo sợ Bắc Kinh làm nhái, học tập rồi vượt mình và đồng minh.
Trung Quốc muốn đẩy mạnh tiến trình mua, trao đổi, tiếp nhận công nghệ cao ngoài lĩnh vực quốc phòng từ châu Âu. Đây hiện là chủ trương lớn của Trung Quốc bởi dù là nước giàu thứ 2 thế giới nhưng trình độ khoa học, công nghệ của Bắc Kinh còn nhiều hạn chế, trong khi "kho tri thức" Mỹ từ lâu gần như ngừng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vì lo sợ Bắc Kinh làm nhái, học tập rồi vượt mình và đồng minh.
Viện trợ kinh tế sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận được nguồn vũ khí của châu Âu? |
Thêm vào đó, cũng vì mục đích gia tăng tiềm lực quân sự, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ cung ứng quân sự mang tính chiến lược với Pakistan, Sri Lanka, Burma và cũng bắt đầu mối quan hệ đó với cả Bangladesh. Nhiều nguồn tin cho rằng, những mối quan hệ này nằm trong một chiến lược được chuẩn bị kỹ càng nhằm tìm kiếm một căn cứ quân sự lâu dài ở Ấn Độ Dương.
Tóm lại, tăng cường đầu tư, viện trợ nước ngoài hiện là bước đi chiến lược để Trung Quốc tự tăng cường sức mạnh trong nước, mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra toàn thế giới, mà mục tiêu cuối cùng là tạo nền móng cho vị thế của một siêu cường đang trỗi dậy.
>> Trung Quốc, Nga âm thầm vũ trang cho Gaddafi?
>> Trung Quốc, Nga âm thầm vũ trang cho Gaddafi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét