Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Tin khó tin: Nợ công to đến hoa mắt và “thằng nào ngon vô kiểm tra?“

LĐO Hoàng Văn Minh (tổng hợp)
CSGT bắn súng chỉ thiên khống chế đối tượng điều khiển xe ô tô gây tai nạn liên hoàn ở Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Giao thông
Hôm nay lại là anh Phan Đắng Lòng, đắng đến mức không nuốt nổi cháo khi nghe đến các con số to đến hoa mắt mà Chính phủ đang đi vay để chi tiêu, trả nợ và khắp nơi loạn cả lên kiểu: Thằng nào ngon vô đây kiểm tra?... 


1. “Anh em trong ngành không hà”
Vô pháp vô thiên, khắp nơi loạn hết cả lên rồi các mẹ ạ. Ví như một chú ở Cần Thơ lái ôtô phạm luật, công an thổi còi thì xem như tai bị điếc, cứ cắm đầu chạy đến 200m mới chấp hành hiệu lệnh và xuống xe còn xuê xoa: “Anh em trong ngành không hà”.   
Tuy nhiên khi bị bắt kiểm tra nồng độ cồn, “anh em trong ngành” lại khóa trái cửa ô tô thách thức: "Thằng nào ngon vô kiểm tra, trong xe có tiền và nhiều đồ quý…”, rồi bỏ vào trong khách sạn cùng cô gái trẻ đi cùng xe.
Phải hơn 30 phút sau, người “anh em trong ngành" mới bước ra khỏi khách sạn, làm việc với Tổ tuần tra và xuất trình CMND mang tên Nguyễn Hữu Đệ (36 tuổi, ngụ huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), nhưng vẫn không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn, không xuất trình được giấy phép lái xe và chứng nhận đăng ký xe.
CSGT bắn súng chỉ thiên khống chế đối tượng điều khiển xe ôtô gây tai nạn liên hoàn ở Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Giao thông
Tại Móng Cái (Quảng Nình), không biết có phải “anh em trong ngành” hay không mà một chú điều khiển “xe điên” gây tai nạn liên hoàn nhưng chỉ chịu dừng lại khi cảnh sát giao thông phải nổ súng lên trời, sau đó phải phối hợp với quần chúng nhân dân bao vây mới khống chế, bắt giữ được tài xế.
Đáng nói là chú này cùng hai chú khác đi trên xe lại có biểu hiện say rượu nhưng kiên quyết không cho đo nồng độ cồn!
2. Bằng lái xe mua bao nhiêu cũng có!
Chắc chắn là có một sự “anh em trong ngành” nào đó giữa việc các loại “xe điên” gây tai nạn chết người và những vụ mua bằng lái giá 4,5 triệu đồng mà tờ Zing vừa phanh phui.
Ông "trùm" này khẳng định bằng giả của mình làm như thật và sẵn sàng làm giả thêm CMND cho người cần bằng FC nhưng không đủ tuổi. Ảnh: NLĐO

“Tôi đã làm hàng trăm bằng lái cho cánh tài xế, họ vẫn chạy rần rần từ Bắc chí Nam, có ai bị bắt bỏ tù đâu” – một trùm mua bán giấy phép lái xe có sự bảo kê của một “ông anh kết nghĩa” đoan chắc.
Một thống kê rợn người của Phòng Quản lý sát hạch cấp giấp phép lái xe - Sở GTVT TP HCM, trong năm 2015, phòng đã phát hiện gần 1.200 trường hợp sử dụng bằng giả các loại. Ngoài ra, trong năm 2015, các cơ quan chức năng còn phát hiện 581 trường hợp khác sử dụng bằng giả.
Còn đây là thừa nhận rợn người khác của ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM: Hiện tài xế có bằng FC (lái xe container) đang rất khan hiếm. Trong khi đó, lượng hàng hóa có nhu cầu chuyên chở tăng cao nên nhiều đơn vị nhắm mắt cho tài xế sử dụng bằng giả!
Ôi thần linh ơi!
Nhật nguyệt trên cao, chúng con thì dưới mặt đất…
3. Những bác sĩ tự… đào tạo!
Vừa có thêm một sự lý giải y khoa liên quan đến cái chân bó bột bị cưa của em Lê Thị Hà Vi nghe xong khóc không ra tiếng!
Bác sĩ Trịnh Đức Lam, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) thừa nhận: “Về chuyên môn, ở tuyến huyện không đánh giá được. Tôi nhìn nhận như vậy chứ không giấu giếm. Tôi tự trách mình là tại sao yếu kém thế, không tiên lượng được cái này. Nếu gặp trường hợp này thường xuyên là phải chuyển viện ngay rồi”.
Bác sĩ Lam cũng nói sau sự việc đau lòng này, ông sẽ thường xuyên cập nhật kiến thức, xin tuyến trên hỗ trợ về chuyên môn để tránh những trường hợp đáng tiếc.
Còn bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) - người tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Lê Thị Hà Vi lại nói: “Về chuyên môn, chúng tôi tự đào tạo là chính. Tự đào tạo có nghĩa đàn anh dìu dắt em đi sau để rút kinh nghiệm. Lâu lâu mới được phân suất đi học. Người ở nhà thì gánh vác cho người đi học”
Đào tạo bác sĩ cứu người mà nghe cứ như đào tạo mấy ông thợ mộc đóng bàn ghế ấy mấy mẹ nhỉ?
Bác sĩ Trịnh Đức Lam (trái) thừa nhận "về chuyên môn, tuyến huyện không đánh giá được" về vụ cưa cái chân băng bột. Ảnh: TTO
Vấn đề của cái chân bó bột bị cưa và hàng ngàn vụ tai biến y khoa tương tự khác không đáng có, như nhà cháu thấy không phải nằm ở chỗ “tuyến huyện không đánh giá được”, thiếu bác sĩ hay đào tạo kiểu thợ mộc.
Vấn đề nằm ở chỗ thái độ với bệnh nhân.
Nó đến từ cái đầu và trái tim của một lương y!
4. Con số trong ngày: Vay 116 nghìn tỷ đồng, trả nợ 150 nghìn tỷ đồng! 
Hôm qua, Chính phủ thừa nhận với Quốc hội: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.
Cũng hôm qua khi phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. 
Năm 2015, thu ngân sách nhà nước cả năm vẫn cán đích ngoạn mục khi vượt chỉ tiêu tới gần 86 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Nhưng tổng chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng,  khiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên tới 256 nghìn tỷ đồng!
Hai tháng đầu năm 2016, chi vẫn nhiều hơn thu 25 nghìn tỷ đồng. Và từ đầu năm, Bộ Tài chính lên kế hoạch vay mượn 116 nghìn tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam; từ vốn ngoài nước; phát hành trái phiếu Chính phủ… để “trang trải nợ nần”, đầu tư phát triển…
Minh họa của Nhốp

Còn đây là kế hoạch trả nợ!
Cũng Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch 2016 và theo kịch bản kinh tế vĩ mô hiện nay, tại thời điểm này, dự kiến các khoản nợ phải trả của Việt Nam trong năm 2016 vào khoảng 150 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng thu ngân sách dự kiến!
Thú thiệt là tiền to quá, nhà cháu hoa mắt, không thể nào viết đầy đủ 116 ngàn tỷ đồng và 150 ngàn tỷ đồng là mấy con số. Nhưng quy luật vung tay quá trán trong chi tiêu, quản lý yếu kém dẫn đến thâm hụt, nợ nần, rồi đi vay để chi tiêu, vay để trả nợ thì nhà cháu có thể suy ra từ thực tế nhà mình.  
Nhà cháu nghĩ sắp tới người ta sẽ tận thu, thuế nội địa sẽ tăng, ngành thuế lại đặt mục tiêu thu thuế năm sao cao hơn năm trước để bù đắp cho thâm hụt và các khoản vay. Và từ doanh nghiệp cho tới dân trong đó có nhà cháu sẽ lại khóc tế bài suy kiệt cơ thể…
Và tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét