Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Xã hội Việt Nam không nhất thiết phải bình đẳng - Tự do báo chí, không còn cách nào khác

Xã hội Việt Nam không nhất thiết phải bình đẳng

Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng mình phải làm gì để có mặt trên trái đất này và chiến đấu như thế nào mới có được vị trí như ngày hôm nay không? Bản thân mỗi người, đều phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh từ trước khi xuất hiện. Khi đã được sinh ra có sự phát triển về thể chất và ý thức chúng ta lại bắt đầu với vô vàn thử thách khác nhau để có thể tồn tài và một chỗ đứng trong xã hội (như những việc cạnh tranh trong thi cử, công việc, cuộc sống,…). Và chính những điều đó đã cho ta thấy muốn tồn tại và phát triển xã hội này chúng ta phải cạnh tranh rất nhiều và đấy là một bản năng bẩm sinh trong mỗi con người chúng ta mà không thể nào thay đổi được. Bạn có thể thay đổi một người thuận chân phải có thể đá banh bằng chân trái của họ được nhưng bạn không thể nào thay đổi được bản năng bẩm sinh đó của họ.
Xã hội Việt Nam không nhất thiết phải bình đẳngCâu hỏi đâu tiên được đặt ra rằng sự cạnh tranh và bình đẳng thì nó có tác động nhưng thế nào đối với sự phát triển của xã hội. Các bạn biết đó cạnh tranh là một hành động tranh đua, chống lại các cá nhân hay các nhóm, các loài vì mục đích tồn tại, sống còn giành lại lợi nhuận, địa vị, kiêu hãnh. Còn bình đẳng thì nó là điều gì đó mang nhiều khái niệm khác nhau ở từng lĩnh vực nhưng điều tôi muốn nói ở đây là cái hiểu chung của các bạn về bình đẳng.
Ngay từ xã hội nguyên thủy con người đã phải cạnh tranh rất nhiều để tồn tại và sinh tồn, chính những sự cạnh tranh ấy của con người đã thúc đẩy xã hội vận động rất nhiều để tiến tới các hình thái xã hội tốt đẹp hơn. Cho đến ngày nay sự cạnh tranh chủ thể trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Ví dụ điển hình cho ta thấy giữa coca-cola và pepsi hai thương hiệu này đã không ngừng cạnh tranh với nhau và chính sự cạnh tranh ấy luôn đem lại cho người tiêu dụng về giá thành sản phẩm, chất lượng nước uống,…
Nếu chúng ta không cạnh tranh cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ làm trì trệ sự phát triển của xã hội. Các bạn biết đấy người Liên Xô họ đã thất bại trong việc tạo ra bình đẳng bằng cách dàn điều lợi nhuận và khi đó thì chẳng ai ham muốn làm việc chăm chỉ nữa và mô hình ấy nhanh chóng thất bại, kể cả xã hội Việt Nam chúng ta cũng thế chúng ta cũng cố gắng bằng việc dàn đều lợi nhuận này.
Từ những dẫn chứng trên chúng ta có thể thấy cạnh tranh đóng vai trọng rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, thay vì tạo ra bình đẳng thì ta hãy tập trung tạo sự cạnh tranh, cạnh tranh một cách công bằng. Cạnh tranh đó đã trở thành một quy luật tự nhiên mà không thể nào thay đổi bằng cách tạo ra sự bình đẳng.
Các bạn biết đó người ta luôn cho rằng đàn ông và đàn bà đều bình đẳng nhưng thực tế thì sao? Đến đây tôi sẽ dẫn một lời nói của Lý Quang Diệu đã bảo rằng:
“Ban đầu tôi cũng tin rằng mọi đàn ông đàn bà đều bình đẳng… Giờ tôi biết rằng điều đó không có khả năng xảy ra bởi vì hàng triệu năm trong quá trình tiến hóa, con người đã tảng mát khắp nơi trên bề mặt trái đất này, bị cách ly với nhau, phát triển độc lập, có sự pha trộn khác nhau về chủng tộc, dân tộc, khí hậu, thổ nhưỡng… Đây là những điều tôi đã đọc được và khiểm nghiệm so với quan sát của mình. Chúng ta đọc rất nhiều. Thực tế rằng mọi thứ được in ra và được ba, bốn tác giả không có nghĩa là mọi thức ấy đúng sự thật. Có thể tất cả đều sai. Nhưng qua kinh nghiệm của bản thân… tôi kết luận: đúng, có sự khác biệt.
Vậy điều tôi muốn nói ở đây sự cạnh tranh đó đã trở thành bản năng, nếu biết không thể thay đổi được thì đừng cố gắng, nếu chúng ta cố gắng tạo ra sự bình đẳng mà biết điều đó không thể thì chúng ta đang tự mình làm cho xã hội suy thoái. Thay vì tạo ra bình đẳng thì hãy tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Tôi cũng mong rằng đất nước mình sẽ phát triển ở tầm cao mới, người Việt Nam chúng ta sẽ tập trung vào giáo dục thê hệ trẻ, lựa chọn và trọng dụng những con người tài giỏi mà không quan tâm đến xuất thân của họ tạo cho họ một môi trường công bằng để họ cạnh tranh góp phần phát triển đất nước.
 Đỗ Sơn Trà
(Triết Học Đường Phố)

Việt Nam ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’ với Trung Quốc

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố như vậy hôm nay trong khi được chất vấn tại Quốc hội về quan điểm của chính phủ liên quan tới nhiều khía cạnh về cuộc tranh chấp biển Đông.
Ông Dũng nhấn mạnh thêm rằng Việt Nam và Trung Quốc “mãi mãi là láng giềng” nên Hà Nội, theo lời ông, “mong muốn hai nước luôn chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình ổn định, hợp tác cùng có lợi, cùng thịnh vượng, thực hiện một cách thực chất phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt để đem lại lợi ích cho cả 2 nước”.
Ngoài ra, cũng giống như những lần phát biểu trước ở trong và ngoài nước, Thủ tướng Dũng nói rằng Việt Nam muốn giải quyết các tranh chấp với Bắc Kinh “theo công ước quốc tế, luật biển, thỏa thuận giữa cấp cao giữa 2 nước”. Ông Dũng nói thêm:
“Về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, vấn đề khó, nhưng mà tôi xin trình bày khái quát 6 chữ "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng và bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Tất cả đều có được bằng đường lối đối ngoại thông minh của chúng ta”.
Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng cho rằng đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển, phụ trách về các vấn đề như bảo vệ chủ quyền, khai thác dầu khí, vận tải, du lịch biển, quốc phòng, phát triển kinh tế biển, là điều khó khả thi.
Khi được hỏi về kế sách “không đánh mà thắng” của Trung Quốc, mở rộng các đảo tranh chấp, ngay trong khi chưa rút giàn khoan dầu gây tranh cãi cũng như phương thức đối phó của Việt Nam, ông Dũng nói:
“Đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988, và trong tình thế lúc đó, chúng ta đã cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc về thái độ ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông, DOC, theo đó các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết...Còn việc Trung Quốc bồi lấp biển ở đảo Chữ Thập thành đảo lớn nhất ở đảo Trường Sa với diện tích khoảng 49ha, lớn hơn đảo lớn nhất là Ba Bình trước đây, Lập trường của Việt Nam là phản đối hành động này vì đã vi phạm điều 5 tuyên bố DOC. Lập trường này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều lần nêu rõ. Tại các hội nghị cấp cao tôi đã nêu lập trường này như Asean, Asean + 8, Asean + 3 ...Đó là chủ trương, thái độ của chúng ta, lập trường rõ ràng của chúng ta.”
Trong phần chất vấn ông Dũng, một số đại biểu quốc hội đã nêu cụ thể về giàn khoan dầu mà Trung Quốc đưa vào nơi mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình.
Trong phiên họp hồi tháng Sáu, khi Hà Nội và Bắc Kinh vẫn đối đầu nhau  quanh giàn khoan này, Quốc hội Việt Nam đã ‘không ra nghị quyết về biển Đông’ như kỳ vọng của nhiều đại biểu và của người dân.
Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa từ TPHCM nói rằng ‘nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang’  nếu ‘Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông’.
Thủ tướng Việt Nam từng tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Nhưng từ đó cho tới nay, Hà Nội vẫn chưa có bước đi cụ thể, ngoài các tuyên bố các tranh chấp ở biển Đông cần phải được giải quyết thông qua các biện pháp pháp lý.
(VOA) (Túm lại là "đấu tranh" zư thế lào nhỉ, đọc mãi ko hiểu ^:)^

Chuyện ngày “đại đoàn kết toàn dân”

Hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng 11, ngày ông Hồ Chí Minh thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, thì nhà cầm quyền, cụ thể là nhà cầm quyền các địa phương phát động phong trào đại đoàn kết toàn dân và kêu gọi nhân dân trong khu xóm, khu phố cùng chung tiền thêm vào khoản ngân quĩ của nhà nước trung ương rót xuống để mở tiệc gọi là ăn uống no say với nhau thể hiện tình thân ái thông quá ly rượu, miếng thịt ngày hội. Vài năm trở lại đây, năm nào cũng như năm nào, đến hẹn lại lên, câu chuyện ngày hội “đại đoàn kết” nghe ra còn dài thậm thượt.
loatuyentruyen.jpg
Chiếc loa tuyên truyền
Một người dân Cần Thơ, tên Tuấn, chia sẻ: “Ngày này thì họ đọc lại di chúc của Bác cho dân nghe rồi báo cáo tình hình hoạt động năm qua, cũng có trò chơi rồi nhận giải thưởng cho các trò chơi, xong rồi cũng có liên hoan này kia. Ở xã thì lớn còn ở ấp thì sơ sơ, nhậu vài mâm vậy thôi. Các ấp khác thì họ có ca hát, làm tới hai ngày lận đó.”
Theo ông Tuấn, cái ngày gọi là “đại đoàn kết toàn dân” này, thực tâm mà nói, đối với người miền Nam chẳng có ý nghĩa gì nếu không muốn nói là nó chỉ mang tính hình thức và gây tốn kém. Nói sâu xa một chút là cái ngày hội cứ nghe là đoàn kết, là văn hoá này trên thực tế lại gây ra quá nhiều phiền toái và thiếu văn hoá.
Sở dĩ nói ngày hội này quá phiền toái bởi Việt Nam vốn dĩ là một quốc gia mạnh về ăn nhậu nhưng lại rất yếu về ý thức văn hoá cũng như ý thức dân chủ, tiến bộ, chuyện rủ nhau cứ đến hẹn lại lên cùng nhau mổ heo, giết chó, mua bia về bày đầy bàn và xúm xít nhau nói ba điều bảy chuyện gọi là kêu gọi đại đoàn kết, xong công đoạn kêu gọi này lại xúm nhau ăn nhậu hả hê. Mục tiêu chính của người tham gia không phải là đoàn kết. Vì không có kiểu biểu lộ đoàn kết nào lại như thế được.
Mà mục đích để người ta xúm xít đến đây là để ăn nhậu, hẹn hò, ca hát cho thoả thích. Thật ra, thay vì phải di karaoke hay vào quán nhậu hát với nhau tốn nhiều tiền túi, ở các tu điểm “đại đoàn kết toàn dân” này, người ta chỉ bỏ ra một ít tiền túi cộng với tiền nhà nước rót tài trợ là có cái để chơi. Trong khi đó không phải ai đến đây cũng để chơi, nhiều người già cả, cao niên vì nễ mích lòng trưởng thôn nên đến dự, đóng góp xong rồi ra về, những khoản thừa này các nhóm chơi được thoả thích hưởng.
Và trên một đất nước mà đi đâu cũng gặp quan nhậu, dùng bữa nhậu, dùng âm thanh, dàn nhạc để kêu gọi đai đoàn kết toàn dân cũng là điều dễ hiểu. Điều này chỉ cho thấy rằng tầm nhận thức của người dân thôn quê không phải người nào cũng được mở mang. Thậm chí, có nhiều nơi, người ta chỉ biết rượu, thịt, ca hát và say lăn quay ra ngủ, không màn đến bất cứ chuyện gì làm mệt đầu vì suy nghĩ. Có lẽ đây là môi trường tốt nhất cho những buổi liên hoan đại đoàn kết ngộp bia rượu như thế này.
Và đánh vào tâm lý cứ rượu vào thì lời ra, muốn hát, muốn nhảy múa của đa phần người dân vốn thiếu ăn, thiếu mặt quanh năm nhưng lại quá nhiều trầm uất, muốn nhảy múa, muốn hò hét để giải thoát, thường thì các buổi liên hoan đại đoàn kết, ngoài việc hát ca, còn có thêm những chương trình khiêu vũ cây nhà lá vườn giữa các cặp đôi lắp ghép tức thời. Và, cũng có thể nói đây là một trong những đầu mối dẫn đến chuyện ngoại tình tràn lan khắp các miền quê.
Ngày “đại đoàn kết” mở màn…
haudaidoanket.jpg
Hậu ngày đại đoàn kết. RFA photo
Một nông dân tên Hiền, ở huyện Phong Điền, Cần Thơ, chia sẻ: “Ngày toàn dân nói chung quy là cũng giống như ngày bầu cử này nọ vậy đó, lễ hội, đua ghe… Họ gom lại thành từng phường, từng khóm rồi tổ chức kéo co, mấy trò chơi lễ hội, rồi đổ ra công viên, bày ra nấu nướng, nhậu nhẹt, ca hát từ sáng tới chiều rồi sáng mai dọn dẹp.”
Nói xong, Ông Hiền đọc thêm hai câu thơ tự sáng tác: Ngày đại đoàn kết mở màn/ Mấy cô rần rật chuyển sang ngoại tình… Đọc xong, ông cười chua chát nói rằng những gì chỉ mang tính hình thức không những không mang lại ích lợi cho người dân mà còn gây ra nhiều sự độc hại bởi trong cái rỗng tuếch của nó đã chứa mầm mống của tội ác.
Tình trạng những cặp hôn nhân trở thành dối trá, lừa dối nhau để tìm bạn tình trong những đêm liên hoan văn nghệ phường, văn nghệ xóm, họp xóm, họp tổ và liên hoan đại đoàn kết toàn dân đang diễn ra khắp các miền đất nước này. Bởi lẽ, khi người dân thực sự đoàn kết không phải là rủ nhau ăn nhậu, đàn đúm mà biết chia sẻ sự hiểu biết cho nhau, tôn trọng sự khác biệt của nhau trong một bầu không khí chan hoà, thân ái.
Và hơn hết, khi con người đoàn kết thật sự, người ta biết chia sẻ nhau từ trong gia đình cho đến xã hội, người ta biết cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, người mạnh phải biết nâng đỡ kẻ yếu thế, chuyện đau ốm, tang chay hiếu hỉ trong xóm làng người ta phải biết chia sẻ nhau… Nghiệt nỗi, kể từ khi ngày hội “đại đoàn kết toàn dân” bùng nổ từ Nam tới Bắc, người ta lại bắt đầu sống hình thức và sa đoạ hơn, hết quan tâm đến những người chung quanh đau khổ hay vui buồn, chỉ cần biết có lợi cho bản thân là đủ. Đó là tình hình chung không thể chối bỏ vào đâu.
Ông Hiền cũng nói thêm là nếu được, vẫn còn kịp, nhà nước nên bỏ đi những kiểu hô hào hình thức, những ngày “đại đoàn kết toàn dân” hay “hiến chương nhà giáo”, “thầy thuốc Việt Nam”, “nhà báo Việt Nam”… gì gì đó đi, bởi điều cần tôn vinh nhất là lương tri, đạo đức nghề nghiệp cũng như lương tri, đạo đức xã hội chứ không phải là một ngày hô hào ăn nhậu, liên hoan, mít tinh… vừa gây tốn kém ngân sách lại vừa vô bổ, dẫn đến thói quen hưởng thụ vô tội vạ và ích kỉ.
Một xã hội thực sự tốt là một xã hội của những con người hiểu biết và sống có nguyên tắc, biết tiết chế và không tham lam vô độ. Điều ấy rất cần thiết cho Việt Nam hiện tại.
Nam Nguyên
(RFA)

Nhà báo Việt Nam nghĩ gì về tự do báo chí

Bài viết của cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên, là ông Nguyễn Công Khế được dịch và đăng trên tờ New York Times của Mỹ hôm 19 tháng 11, 2014
Bài viết của cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên, là ông Nguyễn Công Khế được dịch và đăng trên tờ New York Times của Mỹ hôm 19 tháng 11, 2014
Tờ New York Times của Mỹ hôm 19 tháng 11 đăng một bài viết được dịch từ tiếng Việt của cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên, là ông Nguyễn Công Khế, trong đó ông kêu gọi chính phủ Việt Nam nên mở rộng quyền tự do hoạt động cho báo chí Việt Nam bao gồm báo chí nhà nước và tư nhân. Đây là một bài viết hiếm hoi của một cựu Tổng biên tập một tờ báo lớn của nhà nước được đăng tải trên một tờ báo lớn của Mỹ, nước luôn kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Liệu đây có phải là một dấu hiệu mới cho thấy nhà nước Việt Nam sẽ mở rộng quyền tự do báo chí trong nước?
Dấu hiệu của sự thay đổi
‘Chính phủ  Việt Nam cần cho phép báo chí hoạt động độc lập. Đây là điều cần thiết cho quá trình tự do hóa chính trị và kinh tế đang được tiếp tục và cho những nỗ lực của Đảng Cộng sản để lấy lại sự ủng hộ của người dân vốn cần thiết cho sự tồn tại của chính đảng cộng sản’. Phần mở đầu của bài viết mới của cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, Nguyễn Công Khế, được đăng tải trên tờ New York Times hôm 19 tháng 11 là một lời kêu gọi mới công khai đối với chính phủ Việt Nam về một vấn đề có thể coi là khá tế nhị ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Trong bài viết của mình, vị cựu Tổng biên tập lập luận sự thay đổi cho phép tự do báo chí ở Việt Nam lúc này là cần thiết. Ông viết ‘khung cảnh báo chí Việt Nam đã thay đổi mạnh trong suốt 5 năm qua, và Đảng Cộng sản đã mất phần lớn sự kiểm soát đối với ngành công nghiệp này với những hậu quả khủng khiếp’. Theo ông sự phát triển của internet với những trang mạng mang thông tin đa chiều không bị kiểm soát của nhà nước, cùng sự ‘đói thông tin’ của người dân trước các thông tin đa chiều đã khiến người đọc trẻ tuổi bỏ các trang báo lề phải nổi tiếng như  Tuổi Trẻ, Thanh Niên để tìm kiếm những nguồn thông tin không tuyên truyền. Bằng chứng được đưa ra là doanh thu quảng cáo của những trang báo này đã giảm gần 2/3 kể từ năm 2008 đến nay.
Ông Nguyễn Công Khế cũng nêu lên một số những diễn biến trong xã hội Việt Nam thời gian qua dẫn đến nhu cầu về một sự thay đổi tích cực hơn cho báo chí. Những diễn biến đó bao gồm những đòi hỏi của người dân về thông tin về vấn đề tham nhũng, những cam kết với nước ngoài như hội nghị Thành Đô tại Trung Quốc năm 1990 hay vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ngoài biển Đông.
Nói với đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Công Khế cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam có thể sẽ cởi mở hơn với báo chí.
Tôi có cảm giác là người ta đồng tình với tôi nhiều hơn. Tuy người ta chưa sửa được nhưng cái phần đồng tình rất nhiều. Và tôi tin là con đường minh bạch thông tin và tự do báo chí thì trước sau thì nó cũng đến và dứt khoát mình phải làm.
Khi được hỏi về những dấu hiệu cụ thể nào cho ông thấy rằng đã có sự đồng tình hơn từ phía chính phủ trong việc mở rộng quyền tự do báo chí, ông Nguyễn Công Khế cho biết ông từng viết bài “ Tôi đã bị trả giá nhiều lần” và “Dân thường không có quyền tham nhũng” nhưng không gặp phản ứng gì từ nhà nước. Ông nói:
Trong các bài đó tôi nói mạnh hơn bài này rất nhiều. Tôi nói chủ yếu về chính sách thông tin của nhà nước hiện nay.
Bài viết của ông Nguyễn Công Khế đưa ra giữa lúc có tin Quốc hội Việt Nam chuẩn bị xem xét thông qua luật báo chí sửa đổi vào năm tới. Trong Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật báo chí hôm 12 tháng 11, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam nói ‘không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực, chúng ta thấy giật mình rồi đưa ran gay những quy định để bịt hết lại…. việc sửa luật lần này phải dự báo được xu thế phát triển mạnh mẽ về công nghệ, xu thế hội tụ thông tin…’
Nghi ngờ về những thay đổi sớm
Tuy nhiên, không phải nhà báo nào ở Việt Nam cũng có cùng quan điểm với cựu Tổng biên tập Nguyễn Công Khế về những dấu hiệu thay đổi trong tự do báo chí ở Việt Nam. Nhà báo tự do Lê Phú Khải nhận định:
Theo tôi là không có tín hiệu gì cả, hoặc là ông phát ngôn cho một nhóm lợi ích nào đó để lấy uy thế thôi, hoặc là ông đón gió…. Đón gió là thời đại thay đổi, chính ông Nguyễn Tấn Dũng nói là xã hội dân sự là đương nhiên là xu hướng của thời đại và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, phụ trách ban biên tập trang Việt Nam thời báo của Hội nhà báo Việt Nam Độc lập, một trang báo lề trái, không cho rằng sẽ có một thay đổi sớm nào đối với tự do báo chí tại Việt Nam:
Riêng cá nhân tôi thì gần như chưa có hy vọng nào cả lý do là hiện nay quốc hội rất bảo thủ. Lần gần đây nhất chúng ta chứng kiến là quốc hội đã thông qua một bản hiến pháp rất lạc hậu vào cuối năm 2013 và cho tới gần đây thì tất cả những vấn đề quan trọng nhất của hiến pháp như là đất đai, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do trưng cầu dân ý vẫn chưa được đả động tới. Ngay cả vấn đề được coi là dễ dàng nhất và phù hợp với nguyên tắc Paris mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1981 là luật tiếp cận thông tin cho tới nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi chính thức nào từ chính phủ và quốc hội.
Không những thế, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, luật sửa đổi thậm chí còn siết chặt hơn quyền tự do báo chí.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới 40,000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát về mặt nội dung của nhà nước, mà theo nhà báo Phạm Chí Dũng gọi là cơ chế kiểm duyệt cứng và kiểm duyệt mềm. Cơ chế kiểm duyệt cứng là kiểm soát trực tiếp từ ban tuyên giáo trung ương đến địa phương tới các sở thông tin truyền thông ở các tỉnh thành. Cơ chế kiểm duyệt mềm là qua việc bố trí nhân sự trong cáo cơ quan báo như bí thư chi bộ, đảng bộ của các cơ quan này.
Theo ông Nguyễn Công Khế, Việt Nam cũng cho phép một số cơ sở báo chí tư nhân nhưng chỉ là bán tư nhân, sản xuất các show truyền hình, xuất bản các ấn phẩm báo chí nước ngoài như Esquire và Cosmopolitan. Tuy nhiên những cơ quan này bắt buộc phải có đối tác là một cơ quan thuộc nhà nước, tức là cũng chịu sự kiểm duyệt.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật báo chí vừa qua, Bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh không để những tư tưởng sai trái, đi ngược lại quan điểm của Đảng nhân cơ hội này để chống phá việc sửa luật báo chí.
Đối với những trang báo lề trái như tờ thời báo Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết kể từ khi thành lập hôm 17 tháng 7 đến nay, trang báo đã luôn phải chịu sự ngăn chặn bằng kỹ thuật và phá sập một lần. Mặc dù vậy, ông cho biết trang báo vẫn thu hút được khoảng 45,000 đến 50,000 người một ngày. Theo ông, đây là một con số rất nhỏ so với lượng truy cập vào các trang báo chính thống lớn như Vnexpress, và Dân trí, nơi có lượng truy cập được các báo này công bố lên đến hơn 100 triệu một tuần. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, nếu không bị ngăn chặn như hiện nay, các trang báo lề trái hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa với các trang báo lề phải về số lượng người truy cập.
Cựu Tổng biên tập Nguyễn Công Khế lập luận rằng, những nguồn thông tin thay thế khác không thể là thuốc giải độc đối với sự quản lý của nhà nước với truyền thông chính thống và những nhà báo Việt Nam có kinh nghiệm đã chịu sự kiểm duyệt đã lâu vì vậy họ không mong muốn gì hơn là có thể làm công việc của mình đúng đắn. Theo ông Nguyễn Công Khế, hiến pháp Việt Nam cho phép người dân có quyền tự do báo chí và tự do báo chí không chỉ tốt cho đất nước mà còn tốt cho cả chế độ.
Việt Hà
(RFA)

Nguyễn Công Khế: Tự do báo chí, không còn cách nào khác

nguyencongkhe-305.jpg
Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên.
Báo International New York Times trong số ra ngày hôm nay 19/11 có đăng một bài viết của nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên viết về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam.
Bài báo này xuất hiện vào lúc Quốc hội Việt Nam chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng mở ra một góc tối của tự do báo chí tại Việt Nam cần phải được Quốc hội và người đứng đầu chính phủ có thái độ dứt khoát vì tính chất quan trọng khó chối cãi của nó.
Biên tập viên Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn tác giả bài báo, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, về bài viết này.
Sự cấm đoán trong làng báo VN
Mặc Lâm: Thưa ông, là một nhà truyền thông có bề dày và kinh nghiệm trong bối cảnh xã hội Việt Nam chưa quen thuôc với tự do báo chí, ông đã mang kinh nghiệm khó khăn ấy để viết lên bài báo với tựa đề “Một nền Tự do báo chí cho Việt Nam” nói về sự cấm đoán trong làng báo Việt Nam và đăng trên một tờ báo lớn có lịch sử trong ngành báo chí thế giới là tờ International New York Times. Xin ông cho biết đây có phải là thời điểm thích hợp cho bài báo này hay không?
Nguyễn Công Khế: Cách đây không lâu, khi trả lời chính thức trên báo Thanh Niên và báo Một Thế Giới, tôi đã nói rõ việc này. Chính vì sự cấm đoán và mở rộng các vụ nhạy cảm của các nhà lãnh đạo, nó đã để báo chí đi vào ngõ cụt. Những thông tin cần thiết nhất thì lại không được đến từ những tờ báo chính thống.
Bây giờ với thời đại thông tin này, người ta phải đọc trên mạng, hàng nghìn trang xuất hiện. Hồi trước chúng ta làm báo nhật trình, tức là báo ngày.
Bây giờ không phải là báo ngày nữa mà là báo phút. Do vậy, nếu chúng ta không để cho những tờ báo chính thống do chính phủ kiểm soát ở Việt Nam nói những điều cần thiết và những sự thật thì dứt khoát người ta sẽ đọc các trang mạng và tin đó là sự thật.
 Ví dụ như cuốn Đèn Cù của ông Trần Đĩnh chẳng hạn, rồi một số cuốn sách người ta in ra trên mạng ở nước ngoài thì anh đâu có kiểm soát được. Cả một bộ máy chính thống không hề nói lại một câu từ “cải cách ruộng đất” cho đến “bệnh tình của các nhà lãnh đạo” tức là làm cho cả một nền báo chí thụ động. Và từ đó làm cho mất niềm tin của nhân dân đối với chính sách thông tin này.
NguyenCongKhe-NewYorkTimes-300.jpg
Bài viết của ông Nguyễn Công Khế trên báo New York Times số đề ngày 19/11/2014.
Nhà báo e ngại, lãnh đạo sợ mất ghế
Mặc Lâm: Với kinh nghiệm của Tổng biên tập một tờ báo lớn khi ông quyết định cho đăng các bài báo có tính đối diện với thời cuộc, đối diện với những vấn đề bị cho là nhạy cảm trong kinh tế xã hội hay chính trị…sau khi bài báo ấy xuất hiện ông có quan sát những hiệu quả mà nó mang tới hay không?
Nguyễn Công Khế: Thời của tụi tôi thì cách đây không lâu đâu –như tôi, Tô Hòa, Võ Như Lanh, Kim Hạnh.... một số Tổng biên tập trước đó. Khi đăng một bản tin chúng tôi nghĩ đến công chúng, đến đất nước mình nhiều hơn là nghĩ đến cá nhân của Tổng biên tập.
Bây giờ, từ các cán bộ nhà nước cho đến các cơ quan báo chí, người ta sợ bị “mất ghế” cho nên người ta không dám dũng cảm để nói lên sự thật mặc dù sự thật đó rất có lợi cho đất nước.
Nghị quyết của đảng, của chính phủ, quốc hội đang đặt vấn đề tham nhũng lên hàng đầu. Thế nhưng khi đặt bút viết chống tham nhũng của các vụ lớn thì các nhà báo rất e ngại, rất sợ, chùn tay. Điều đó làm cho tham nhũng hoành hành và dẫn đến nhiều hệ quả của đất nước.
Vấn đề nợ công, nợ xấu, những vấn đề mà cả đất nước và rất nhiều người dân quan tâm thì không làm được. Tôi nghĩ không phải là các nhà báo kém, thiếu chuyên nghiệp nhưng mà người ta ngại. Lãnh đạo các tờ báo thì sợ “mất ghế. Còn phóng viên thì ngại từ kiểm duyệt.
Tôi nghĩ nền báo chí như thế nó rất có hại, tai hại cho một đất nước đang phát triển. Sự công khai minh bạch của báo chí giúp cho sự phát triển của đất nước rất nhiều.
Lãnh đạo các tờ báo thì sợ “mất ghế. Còn phóng viên thì ngại từ kiểm duyệt. Tôi nghĩ nền báo chí như thế nó rất có hại, tai hại cho một đất nước đang phát triển.Nguyễn Công Khế
Sa đà vào những chuyện vặt vãnh
Mặc Lâm: Theo nhận xét chung của chúng tôi thì ngày nay nhiều tờ báo dám xâm nhập vùng cấm, vùng nhạy cảm hơn mặc dù chấp nhận sau đó bài báo có thể bị gỡ xuống và Tổng biên tập có thể bị mất chức. Tuy nhiên các hiện tượng đó không nhiều. Theo ông những hoạt động ngoài lề này phải chăng là chủ trương của nhà nước mở một chút cửa để không khí tràn vào xóa bớt sư ngộp thở của tự do báo chí nhưng vẫn chưa đủ không khí cho một lá phổi lành mạnh. Theo ông nếu nhà nước mở hẳn cánh cửa này thì sự lợi hại ra sao?
Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ nhà nước mở ra chỉ có lợi hơn chứ không có hại. Bây giờ như VTV đang bàn đến vấn đề Công Phượng, nói về lý lịch của Công Phượng. Đó chỉ là một việc rất nhỏ thôi. Công Phượng với các hồ sơ của Tư pháp ở xã, phường vùng nông thôn Việt Nam rất lơ mơ. Vấn đề tuổi Công Phượng 19 hay 21 thì có gì thiết yếu đâu mà người ta lại ầm ầm trên đài. Những vụ lớn, những vụ tham nhũng, những vấn đề nhức nhối của đất nước thì không.
Việt Nam chúng ta sống phụ thuộc vào cái gì? Lao động rẻ, công nhân rẻ, tài nguyên thô và chúng ta sử dụng vốn ODA rất không hiệu quả. Tất cả những vấn đề nhức nhối thì báo chí ít đề cập đến.
Còn không thì báo chí sẽ phân ra hai con đường: Một là các trang lá cải sẽ đăng cô đào này, bữa nay mặc cái áo này, bữa nay hở cái vòng một, vòng hai; Rồi người ta đi quá đà để khai thác, để câu view, tìm bạn đọc. Còn những vấn đề chính thì lại không đề cập. Đó là cái tai hại chứ.
Tôi nghĩ một chính quyền mạnh, một chính phủ mạnh thì cần một nền báo chí minh bạch, một nền thông tin minh bạch.
Mặc Lâm: Và ông nghĩ chính phủ hiện nay đã đủ mạnh chưa đề tiếp cận các nguồn thông tin minh bạch ấy?
Nguyễn Công Khế: Tôi thấy họ vẫn chưa dám để cho có thông tin nhiều chiều, có các phản biện thuyết phục. Một chính quyền mạnh, tôi nói trước đây-thời của chúng tôi cách đây không lâu như tôi đã nói ở trên- những phản ảnh của chúng tôi về tình hình thực trạng của kinh tế, chính trị, xã hội khi được đưa ra mà hơi gay gắt và nó gần với sự thật thì tôi nghĩ điều đó thúc đẩy cho xã hội lành mạnh. Nó chả có hại gì cả. Khi mà thông tin minh bạch thì người dân đặt lòng tin vào đất nước họ, vào xã hội nhiều hơn.
Con đường, chính sách minh bạch thông tin và tự do báo chí trước sau gì nó cũng đến và dứt khoát mình phải làm thôi. Không có cách nào khác, không có lựa chọn nào khác. Nguyễn Công Khế
Thời của Minh bạch, Tự do sẽ đến
Mặc Lâm: Phải nói đây là một chủ đề rất gay gắt trong chính trường Việt Nam hiện nay. Ông là một đảng viên kỳ cựu, đã có những cống hiến nhất định cho đất nước, cho Đảng Cộng sản Việt Nam và hơn nữa cho ngành báo chí với tư cách một Tổng biên tập…khi ông đưa những nhận xét này trên một tờ báo lớn của thế giới ông có lo ngại sẽ có những động thái nào đó từ chính quyền gây khó khăn cho ông hay không?
Nguyễn Công Khế: Tôi trả lời báo trong nước còn mạnh hơn báo này nhiều. Anh phải đọc lại bài “Tôi đã bị trả giá nhiều lần” và “Dân thường không có quyền tham nhũng”. Trong các bài đó tôi nói mạnh hơn bài này rất nhiều. Tôi nói chủ yếu về chính sách thông tin của nhà nước hiện nay.
Mặc Lâm: Nhưng đó là những bài báo trong nước nhưng bây giờ thì ông công khai trên diễn đàn báo chí quốc tế và do đó nhà nước sẽ để ý hơn và có biện pháp khác hơn? Nó có thể phát sinh hai vấn đề, một là phản ứng tích cực có nghĩa là họ sẽ thay đổi theo đề nghị của ông hai là họ tiêu cực trong thái độ phủ nhận và chống đối. Giữa hai thái độ đó ông hy vọng nó diễn ra theo chiều hướng nào?
Nguyễn Công Khế: Tôi nghĩ nó sẽ diễn ra chiều hướng tích cực. Tôi đặt vấn đề trong nước rồi. Tôi có cảm giác là người ta đồng tình với tôi nhiều hơn. Tuy người ta chưa sửa được nhưng tôi nghĩ phần đồng tình nhiều, rất nhiều.
Tôi nghĩ con đường, chính sách minh bạch thông tin và tự do báo chí trước sau gì nó cũng đến và dứt khoát mình phải làm thôi. Không có cách nào khác, không có lựa chọn nào khác.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Mặc Lâm
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét