Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Một quốc gia nhỏ chỉ ăn rồi chơi

  • Chuyện ngày “đại đoàn kết toàn dân” (RFA) - “Ngày này thì họ đọc lại di chúc của Bác cho dân nghe rồi báo cáo tình hình hoạt động năm qua, cũng có trò chơi rồi nhận giải thưởng cho các trò chơi, xong rồi cũng có liên hoan này kia. Ở xã thì lớn còn ở ấp thì sơ sơ, nhậu vài mâm vậy thôi. Các ấp khác thì họ có ca hát, làm tới hai ngày lận đó.”
  • TQ và vị trí chiến lược ở VN (BBC) - Đà Nẵng báo thủ tướng việc Thừa Thiên-Huế cho phép nhà thầu Trung Quốc xây dựng khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân.
  • Nhà báo Việt Nam nghĩ gì về tự do báo chí (RFA) - Một bài viết của một cựu Tổng biên tập một tờ báo lớn của nhà nước được đăng tải trên một tờ báo lớn của Mỹ, nước luôn kêu gọi Việt nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Liệu đây có phải là một dấu hiệu mới cho thấy nhà nước Việt Nam sẽ mở rộng quyền tự do báo chí trong nước?
  • Sau 2 năm cầm quyền, phải chăng đã đến lúc Tập Cận Bình thay đổi chính sách đối ngoại ? (RFI) - Đạt được thỏa thuận với Mỹ về cách ứng xử trong lĩnh vực quân sự, cam kết cấp 20 tỷ đô la tín dụng cho các nước Đông Nam Á, nhân Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Thượng đỉnh Bắc Á tại Miến Điện, Trung Quốc tìm cách xếp sang một bên các căng thẳng trong thời gian gần đây, để biểu lộ với thế giới một bộ mặt hiền từ hơn. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng, sau hai năm cầm quyền, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thay đổi hẳn chính sách đối ngoại ?
  • Thống nhất hai miền Triều Tiên tốn ít nhất 500 tỷ đô la (RFI) - Mặc dù viễn cảnh thống nhất hai miền Nam-Bắc Triều Tiên vẫn còn rất xa vời nhưng một cơ quan tài chính ở Hàn Quốc dựa trên những phân tích sự cách biệt mức sống của hai miền hiện nay đã đưa ra một cái giá thấp nhất để bán đảo Triều Tiên thống nhất : 500 tỷ đô la và không ít thời gian.
  • Ngày Nhà giáo Việt Nam (RFA) - Hằng năm, đến hẹn lại lên, cứ đến dịp 20 tháng 11, ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, thầy cô và học sinh lại được dành cho một ngày để học trò đến thăm thầy cô cùng những đoá hoa dâng tặng, những lời chúc tụng thể hiện sự kính trọng và không ngoại trừ cả những gói quà chất nặng tình vật chất.
  • Những góc khuất của ngày Nhà giáo Việt Nam (RFA) - Ngành giáo dục ở VN lại đón thêm 1 ngày lễ vinh danh thầy cô giáo vào ngày 20/11. Hòa Ái có bài ghi nhận chia sẻ của giáo viên về các góc khuất của ngày tri ân dành cho những người chọn nghiệp “trồng người”.
  • Ngày 20 tháng 11 và các bạn trẻ (RFA) - 20 tháng 11 tại VN được xem là ngày lễ dành cho ngành giáo dục nói chung và nhằm tôn vinh những người thày và người cô, nói riêng. Ngày này cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy.
  • Phe Cộng hòa bác bỏ kế hoạch cải cách Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (RFI) - Việc cải cách cơ quan giám sát Mỹ đã thất bại : các thượng nghị sĩ Cộng hòa hôm qua 18/11/2014 đã ngăn chận một dự thảo bị cho là quá cấp tiến, nhưng được sự ủng hộ của Tổng thống Barack Obama, Silicon Valley và những người đấu tranh cho tự do cá nhân.
  • Trung Quốc đầu tư mạnh ra nước ngoài nhưng nhiều rủi ro (RFI) - Trung Quốc hiện nay đầu tư ra ngoại quốc nhiều hơn là nước ngoài đầu tư vào. Sự đảo lộn này, minh họa cho ảnh hưởng mới trên trường quốc tế của nền kinh tế thứ nhì thế giới, theo các chuyên gia không phải là không có rủi ro.
  • Đảng của bà Aung San Suu Kyi thừa nhận thua trong cuộc đấu tranh sửa đổi Hiến pháp (RFI) - Một ngày sau khi Quốc hội Miến Điện bác bỏ mọi khả năng sửa đổi Hiến Pháp trước bầu cử 2015, đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, hôm nay 19/11/2014 đã lên tiếng thừa nhận « không thể thắng » trong cuộc đấu tranh sửa văn kiện nhằm mục đích mở đường cho lãnh đạo đảng, bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống Miến Điện sau cuộc bầu cử lập pháp vào cuối năm sau.
  • Abenomic, điểm mạnh và điểm yếu (RFI) - Chính sách được gọi là Abenomic có thể là giải pháp kỳ diệu chống lại nạn giảm phát, nhưng hai năm sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lăng xê một cách ồn ào, suy thoái đã quay trở lại và Abenomic đã mất đi hào quang của nó.
  • Nhật Bản : Nguyên nhân giải tán Quốc hội của Thủ tướng Abe ? (RFI) - Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định giải tán Quốc hội và sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới, tức là trước thời hạn 2 năm. Chủ đề này được sự quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay, với nhiều bài phân tích về nguyên nhân quyết định của ông Abe.
  • Ukraina : Đức kêu gọi Nga tôn trọng các thỏa thuận hòa bình (RFI) - Công du Kiev ngày hôm qua, 18/11/2014, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier  đã kêu gọi Nga tôn trong các thỏa thuận hòa bình được ký hồi đầu tháng Chín, tại Minsk, giữa đại diện chính quyền Ukraina và phe ly khai thân Nga. Ngoại trưởng Đức đã hội đàm với với Tổng thống Ukraina Petro Porochenko, trước khi sang Matxcơva.
  • Phó Tổng Thống Hoa Kỳ thăm Ukraine (VOA) - Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã rời thủ đô Washington thực hiện chuyến công du 5 ngày sẽ bao gồm các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo tại Ukraine
  • Trung Quốc có trách nhiệm phải kiểm soát các trang mạng (RFA) - Phát biểu tại Hội Nghị Quốc Tế Về Internet do chính phủ Hoa Lục tổ chức đang diễn ra tại Ô Trấn, Phó Thủ Tướng Mã Khải của Trung Quốc nói rằng trách nhiệm của chính phủ là phải kiểm soát các hoạt động trên những trang mạng.
  • 200 ngư dân Malaysia bị bắt ở Indonesia (RFA) - Indonesia hôm qua đã bắt giữ 200 người Malaysia đánh bắt hải sản trái phép trong vùng nước của nước này. Bộ trưởng nội các nước này, Andi Widjajanto cho hãng tin Reuters biết như vậy vào hôm qua.
  • Quan hệ Trung Quốc và Úc ngày càng nồng ấm (RFA) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua lên tiếng ca ngợi quan hệ nồng ấm hơn bao giờ hết giữa Trung Quốc và Australia sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông đến Australia.
  • ASEAN tăng cường hợp tác quốc phòng (BaoMoi) - ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác tuần tra chung, diễn tập trên biển cũng như chia sẻ thông tin nhằm đối phó với tình trạng cướp biển ở Malacca và Biển Đông.
  • Indonesia tuyên bố đánh đắm các tàu cá trái phép (BaoMoi) - Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố cần thực hiện các biện pháp cứng rắn với những tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển của nước này, bao gồm cả việc đánh đắm chúng.
  • Trung Quốc tham lam dưới góc nhìn của các học giả (BaoMoi) - (PetroTimes) - Chiều 18/11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 đã kết thúc tại Đà Nẵng, với gần 40 tham luận và hơn 80 ý kiến thảo luận sau hai ngày diễn ra. Hầu hết các học giả đều "không thể chấp nhận" được hành động hung hăng, bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc và kêu gọi các nước ASEAN phải đoàn kết hơn nữa.
  • Thủ tướng: Trung Quốc bồi lấp đảo ở biển Đông là vi phạm DOC (BaoMoi) - TPO - Trong 2 giờ đồng hồ chiều nay (19/11) báo cáo giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, việc Trung Quốc bồi lấp đảo trên Biển Đông là vi phạm Điều 5 của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
  • Vùng núi miền Bắc nhiều nơi có rét hại (BaoMoi) - (TNO) Nhiệt độ tại nhiều vùng núi các tỉnh miền Bắc sáng nay 19.11 giảm xuống mức rét đậm rét hại. Không khí lạnh đang gây ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển.
  • Biển Đông- hợp tác thay vì xung đột (BaoMoi) - Sáng qua (18-11), Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VI tiếp tục diễn ra với 8 bài phát biểu và nhiều ý kiến đóng góp. Tại đây, nhiều học giả đã đưa ra khuyến cáo cho thấy nguồn lợi ở Biển Đông nên là tiền đề để các quốc gia thúc đẩy hợp tác thay vì đối đầu hoặc xung đột. Các học giả cũng đồng thời cảnh báo về thảm họa kinh tế toàn cầu khi tuyến hàng hải Biển Đông bị đình trệ nếu xung đột leo thang.

Một quốc gia nhỏ chỉ ăn rồi chơi

Có lẽ không quốc gia nào mà cuộc sống của giới công chức chứa nhiều điều nghịch lý như ở Việt Nam: Lương không đủ sống nhưng lại thuộc thành phần khá giả của xã hội; đã vào biên chế là có thể nằm lỳ cho đến hết đời, ngang nhiên đòi hỏi mọi chế độ phúc lợi, ngay cả khi chẳng làm gì; là người làm thuê cho dân nhưng lại hành xử như ông chủ có quyền ban ơn; năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm trước công việc phần lớn ở mức trung bình và thấp, nhưng cực kỳ có khả năng trong việc kinh doanh “quyền lực Nhà nước” để tư lợi. ..Nhưng điều nghịch lý nhất là một nền hành chính cồng kềnh, ì ạch, dôi dư cả triệu người như vậy lại vẫn cứ đang tiếp tục ngày một phình to?

Không phải là do tôi bịa ra hiện thực đó. Trong một hội nghị có đưa tin trên truyền hình và sau đó hầu như các báo đều đưa lại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng ra rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Nói cách khác, cái số 30% công chức đó hoàn toàn không cần thiết, y như cái bướu trên cổ. Với 2,8 triệu công chức, chỉ cần làm phép tình nhẩm cũng ra ngay con số thuộc diện có cũng như không kia khoảng trên 800.000 người. Nghĩa là mỗi 100 người dân Việt Nam, phải nuôi không một ông (bà) vô công rồi nghề mang danh công chức! Vậy tại sao một nền dịch vụ công chỉ cần 2 triệu người, mà phải trả lương cho tận những gần ba triệu? Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Trong khi chưa thể tìm ra câu trả lời, chúng tôi chỉ xin làm thứ công việc đơn giản hơn là giúp mọi người hình dung một phần cái gánh nặng vật chất và tinh thần mà cả xã hội đang phải è lưng chịu đựng, để “cõng” gần một triệu công chức dư thừa đó.

Trước hết, 800 ngàn người lớn đến mức nào? Đó là số dân (hơn kém chút ít) của Cyprus, Bahrain, Bhutan, Qatar, Đông Timor...Hay nó có quy mô gấp đôi dân số Luxemburg, Brunei, Malta, Iceland...

Thứ hai, và đây là vấn đề chính, cần bao nhiêu tiền để nuôi cái đám công chức thừa thãi ấy? Chắc chắn là không ai có thể tính chính xác, vì có những công chức thuộc loại dư thừa, nhưng lại hưởng mức thu nhập nhiều người mơ ước. Hẵng chỉ tính đơn giản thế này: Mỗi người trong số đó, vì họ là công chức, nên thuộc diện thu nhập trung bình khá (so với mức 1000 USD trung bình) sẽ nhận của Nhà nước khoảng 60 triệu đồng (gần 3000 USD) một năm. Nghĩa là cần số tiền lên tới 50.000 tỷ đồng (2,5 tỉ USD) cho việc chi lương để ngày ngày 800.000 người ăn mặc sang trọng chỉ để “sáng vác ô đến cơ quan, tối vác ô về nhà” mà không làm bất cứ việc gì. Tuy nhiên, số tiền phải bỏ ra phục vụ việc ngồi chơi xơi nước của “một quốc gia nhỏ” ấy trên thực tế còn lớn hơn nhiều. Theo thông lệ thì số tiền lương cho công chức chỉ bằng hai phần ba số tiền phải chi ra để họ có thể làm việc, được tính vào khoản duy trì hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đó là tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, tiền khấu hao tài sản, tiền phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và cơ man nào những thứ tiền khác được gọi bằng cái tên chung là văn phòng phí. Khiêm tốn tính gộp thì con số 50.000 tỉ đó phải cộng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng. Giờ ta thử xem 70.000 tỷ đồng nhiều đến mức nào? Nó nhiều hơn toàn bộ số tiền thu được từ xuất khẩu gạo năm 2012; nó bằng khoảng 10-12 lần số tiền phí bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT dự kiến thu được hằng năm từ ô tô, xe máy với giá phải trả là hứng chịu biết bao lời chì chiết của dư luận; nó bằng già nửa số tiền 120.000 tỉ đồng cần để nâng cấp quốc lộ 1A lên thành đường bốn làn xe ô tô; nó giúp cho khoảng 7 triệu dân miền núi đủ gạo ăn trong một năm để không phá rừng. Nếu có ngần ấy số tiền, toàn bộ các xã nghèo miền núi có trường học, có chợ, có đường trải bê tông. Nó có thể mua được số bò giúp cho Chương trình Lục lạc vàng duy trì liên tục 150.000 buổi, với khoảng 900.000 gia đình nông dân thuộc dạng nghèo nhất nước có cơ hội đủ cơm ăn. Nó là con số dài tới mức mà không một nông dân bình thường nào đọc chính xác được.

Nhưng đấy mới chỉ tính về khoản vật chất, cho dù không hề nhỏ nhưng chưa chắc đã là lớn nhất. Tai họa của nạn biên chế tràn lan là nó khiến cho bộ máy hành chính công của chúng ta thuộc loại cồng kềnh, kém hiệu quả và lạc hậu vào loại nhất khu vực. Nhàn cư vi bất thiện. Vì không làm gì nên những ông, bà công chức thừa thãi trên trở thành những “con bệnh” của xã hội. Ta hãy xem họ làm gì mỗi ngày để tiêu hết 8 giờ vàng ngọc? Nếu là đàn ông thì phần lớn lướt web, chơi game oline, xem phim sex, tìm cách môi giới chạy chọt dự án. Thời gian còn lại ngồi nghĩ mưu kế tư lợi hoặc hại người khác. Còn với thành phần nữ giới thì mua sắm tối ngày, ăn uống, khoe của tối ngày, buôn dưa lê tối ngày... Nhiều người coi trụ sở cơ quan chẳng hơn gì cái bếp nhà mình, tranh thủ tận dụng điện nước miễn phí để nấu nướng. Số còn lại, nếu không làm những việc như trên, thì làm chim bói cá, cứ thấy ở đâu có mầu mỡ là đến. Cũng vì thừa dẫn đến lười, ích kỷ, đấu đá chèn ép nhau thay vì thực thi công vụ. Có rất nhiều người cả một đời công chức chỉ chuyên kiện cáo, lao vào đấu đá vì những lợi ích cá nhân. Nhưng lương của họ thì vẫn cứ đến hẹn lại lên. Chức của họ thì cứ thăng tiến theo tuổi tác. Kèm với lương với chức là đủ thứ tiêu chuẩn ưu đãi khác. Những công bộc này, về nguyên tắc là những người giúp việc cho “ông chủ” Nhân dân, nhưng trên thực tế cũng là những người quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham lam, làm khổ “ông chủ” vào loại nhất thế giới. Làm bất cứ việc gì thuộc phạm vi chức phận cũng đòi lót tay. Trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng lồng lợi ích của mình vào. Từ lái xe, nhân viên đóng dấu, nhân viên gác cổng...đến những người có tí chức, tí quyền đều là những kẻ chỉ thạo ăn tiền, vòi vĩnh, hạch sách...biến cửa Công đường thành nơi nhếch nhác, bất tín, đáng sợ hơn cả hang hùm. Nền đạo đức xã hội xuống cấp, có phần đóng góp không nhỏ của những thành phần được gọi là công chức ấy.

Nhưng thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đó. Nạn chạy chức chạy quyền thì ai cũng biết. Nhưng nạn chạy chọt để được thành công chức Nhà nước còn khốc liệt hơn và cũng bi hài hơn rất nhiều. Vì số người tham gia luôn rất đông, diễn ra trên một diện rộng, với sự tham gia của mọi thành phần. Nó làm hư hỏng cả người có quyền nhận và người được nhận. Người có quyền nhận thì một khi đã lấy tiền, đã nhúng chàm, làm sao còn dám yêu cầu cấp dưới phải nêu cao đạo đức, kỷ cương, nhân cách-ngoại trừ đó là một truyện hài! Người được nhận vào làm công chức thì cậy tiền nên không cần học, không cần trau dồi chuyên môn, coi thường kỉ cương, phép tắc. Đó là chưa kể họ phải tìm cách ăn chặn, ăn bẩn, vơ vét bằng mọi cách để bù lại số vốn đã bỏ ra.

Nhưng những bệnh tật trên, dù rất trầm trọng, nếu quyết tâm ngăn ngừa, vẫn còn nhiều hy vọng chữa chạy, dù rất tốn kém. Song có một thứ bệnh do nạn chạy công chức gây ra rất khó chữa, thuộc loại nan y, là bệnh ỷ lại, lười biếng và mất khả năng tự trọng. Căn bệnh thuộc loại lây nhiễm này có thể huỷ hoại nhân cách cả một thế hệ, góp phần làm nghèo đất nước. Người ta cần một cái bằng đại học với bất cứ giá nào đôi khi không phải để sau đó làm việc, cống hiến, mà để có cơ hội gia nhập cái đội quân công chức vốn là thừa thãi kia. Với những người này, cái điều đáng lẽ thành nỗi xấu hổ khi chả làm gì ngoài việc “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, thì lại là mục tiêu phấn đấu, là sự nghiệp của đời họ.

Liệu có khác gì một thứ quốc nạn?
Tạ Duy Anh
(Rút từ cuốn Làng quê đang biến mất, NXB Hội nhà văn và Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam ấn hành tháng 5-2014.)
Tác giả gửi Quechoa với sự cho phép của Nhã Nam
(Quê Choa)

Cầu Tiêu & Quốc Hội

Cách tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt nam có quá nhiều điều bất cập, có lẽ đấy chính là nguyên nhân khiến cho kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội là một việc làm vô ích và không có hiệu quả như mong muốn. Kết quả cuối cùng thì cũng đã thấy, tức là chẳng có ai mất chức, hay bị cách chức như nhiều người kỳ vọng, nghĩa là mọi cái vẫn giữ y nguyên. - Kami
Tôi có việc phải trở lại Singapore, chút xíu. Ai nói gì thì nói, tôi cứ Vietnam Airlines mà chọn mặt gửi vàng.

 Đi hãng hàng không của ta, ít ra, cũng có ba cái lợi: khỏi phải nói tiếng nước người, được nghe mọi thông báo của phi hành đoàn bằng tiếng nước mình, và vừa bước chân vào khoang máy bay là các em tiếp viên  phát ngay cho vài ba tờ báo tiếng Việt. Đọc báo nhà nước không chỉ đỡ mệt mà còn thấy khoẻ thêm vì thường chỉ có những tin tức (cùng hình ảnh) vô cùng lạc quan về đồng bào và tổ quốc.

Y như rằng, ngay trang đầu đã có  tin vui:

8h45 sáng, thay mặt ban kiểm phiếu, Trưởng ban Đỗ Văn Chiến đã lần lượt công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt...

Chủ tịch Quốc hội nhận định, những vị trong danh sách lấy phiếu đều có trọng trách liên quan tới vấn đề lớn. “Đối với những lĩnh vực nóng như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng thì Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là sự động viên khích lệ đồng thời là sự đánh giá kết quả đất nước đạt được thời gian qua. Còn phiếu tín nhiệm thấp thể hiện sự đòi hỏi nghiêm túc đối với người được lấy phiếu để các vị này có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Cũng theo ông, Quốc hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao về đánh giá tín nhiệm bước đầu. Đây sẽ là cơ sở để các lần sau rút kinh nghiệm khi tiến hành quy trình này ở các cấp HĐND.

 “Kết quả cuối cùng rất tốt”, người đứng đầu cơ quan lập pháp chốt.

Thật là là “phấn khởi” và yên tâm biết mấy: “Quốc hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao về đánh giá tín nhiệm bước đầu”  và tất cả “47 chức danh chủ chốt” đều vẫn được tín nhiệm như thường, dù tỉ số (thấp/cao) cũng có xê xích phần nào hay chút đỉnh.

Phải uống mừng với được, dù chỉ là mừng thầm. Đợi máy bay bình phi, tôi nói nhỏ với một em tiếp viên:
  • Cho chú hai chai Vodka Smirnoff nha.
Nói là “chai” cho nó oai, chớ dung tích chỉ 50ml nhỏ xíu xiu hà, ngó thấy “thương” lắm. Nốc xong hết trơn vẫn chả thấy bõ bèn gì mà niềm vui (về “trọng trách do nhân dân giao phó cho quốc hội đã hoàn thành”) vẫn cứ còn âm ỉ nên tôi nói khẽ với một em tiếp viên khác, vừa chợt đến:
  • Khi nào rảnh, cho chú hai lon Heineken.
  • Hai lận sao?
  • Thì khỏi mất công cháu phải đi tới đi lui, mỏi cẳng, chớ sao!
Tôi nhâm nhi đậu phụng với bia xong thì sự “hồ hởi” cũng nguôi dần nên ngủ thẳng một giấc cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường Changi, Singapore.

Đến lúc này mới thấy là bụng hơi nằng nặng. Đúng là mình có hơi quá chén nhưng chả lẽ trước nềm vui “vỡ oà” của cả nước mà mình giữ thái độ lạnh lùng (không uống giọt nào) thì coi sao được, đúng không.

Vừa bước ra khỏi máy bay là đi ngay đến W.C. Dù hơi vội vã trong việc “xả bầu tâm sự” nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên là sao cầu tiêu, cầu tiểu của họ trắng tinh và sạch bóng vậy nè – Trời?

Phần lớn restroom ở trong tất cả những sân bay quốc tế đều sạch sẽ nhưng sạch quá cỡ thợ mộc, sạch như lau như li thì thiệt là chưa từng thấy, và có lẽ chỉ có ở cái phi trường này thôi.

Tôi chỉ bớt kinh ngạc khi bước ra, và nhìn thấy trên bức tường bên phải lối đi có bức hình một phụ nữ chừng đã đứng tuổi (đeo bảng tên Loh Kam Beng) đang cầm chổi tươi cười, với câu chào (“Good Afternoon”) cùng hàng chữ “Please rate our toilet - Xin chấm điểm nhà vệ sinh của chúng tôi,” và bên dưới là 5 cái nút tròn ghi thang điểm theo thứ tự: tuyệt hảo, tốt, trung bình, tệ, rất tệ.

Thường dân Loh Kam Beng và thường dân Tưởng Năng Tiến ở phi trường Changi. Ảnh: NCB
Chỉ có chuyện vệ sinh trong cầu tiêu mà sao thiên hạ lại thực hiện một cách đàng hoàng, rõ ràng, minh bạch, và tiện dụng dữ vậy cà? Không dưng tôi bỗng nhớ lại chuyện lấy phiếu tín nhiệm (kín) của quốc hội ở nước ta, bữa rồi, và chợt cảm thấy có hơi ... ngường ngượng!

Nhìn kỹ bức ảnh với nét tự tín và tươi vui của người phụ trách việc chùi rửa phòng tiêu tiểu ở Singapore, rồi liên tưởng đến bức hình (chụp sáng 14 tháng 11) của ông Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam – trông âu lo và ngượng ngập ra mặt – khiến tôi cũng có đôi chút ... lăn tăn: Quả là không có nghề nào đê tiện hay hèn hạ, chỉ có tư cách của người hành nghề mới là điều cần phải quan tâm.

Thì cũng “lăn tăn đôi chút” thế thôi chớ một anh già nát rượu (cỡ  tôi) mà “quan tâm” nhiều quá về chuyện triều đình (e) cũng không... tiện lắm. Không khéo lại còn rách việc thêm ấy chứ. Phát biểu linh tinh là tù tội như không chớ đâu phải chuyện giỡn, mấy cha?

Chui vào taxi, lục xục một hồi mới kiếm ra cái địa chỉ của nơi tạm trú ngụ lần rồi: Hotel 81 Gold, 20 Lorong 20 Geyleng, Singapore 398738.

Gọi là khách sạn cho nó sang chứ thực ra đây chỉ là một thứ phòng ngủ rẻ tiền, với một cái giường bé xíu xiu, và cái phòng tắm nhỏ chưa bằng một nửa ... cái giường. Đất ở Singapore không rẻ, và riêng ở Phố Đèn Đỏ Geyleng (chắc) phải mắc cũng cỡ kim cương nên phòng chật, và giá cả “không nhân nhượng” là chuyện tất nhiên.

Biết vậy nhưng tôi vẫn muốn trở lại khu này, trở lại những quán cà phê ở hai con hẻm 20 và 21 (Lorong 20 & 21) với hy vọng được gặp lại những khuôn mặt đồng hương cũ – những phụ nữ mà tôi đã có dịp tiếp chuyện mấy tuần lễ trước, và đã giới thiệu họ (cũng trên diễn đàn này) như Những Cánh Bèo Trôi Ở Geyleng.

Sở dĩ họ trôi dạt đến đây vì Việt Nam không còn chỗ chen chân cho những người bán hàng rong hay bán vé số nữa. Singapore tuy cũng chật hẹp nhưng lòng người, xem chừng,vẫn còn rộng rãi.

Đây là một đảo quốc giầu có, với lợi tức bình quân đầu người hàng năm cao nhất nhì thế giới. Dân bản xứ không ai phải đi làm điếm, bán hàng rong, hoặc đi ăn xin nên họ “nhường”  việc làm này cho những người Việt tha hương – đang bị đẩy đến bước đường cùng.

Người Singapore không chỉ hào phóng mà còn vô cùng cởi mở.  Họ chấp nhận đến bốn thứ ngôn ngữ chính thức khác nhau: tiếng Anh, tiếng Mã, tiếng Tầu, và tiếng Tamil.

Bán giấy chùi miệng là một nghề tương đối mới mẻ của người Việt ở Singapore. (Cũng có người bán vé số nhưng rất ít vì ai cũng ngại phải “ngậm” những tấm vé không bán kịp trước giờ sổ). Dù thời hạn cho phép “du lịch” chỉ trong vòng một tháng, mỗi một chuyến đi – sau khi trừ chi phí máy bay và ăn ở – trung bình một người chịu khó đi bán không ngừng (chừng mười hai tiếng mỗi ngày) có thể để dành được từ tám trăm đến một ngàn đô. Một năm nếu đi được vài lần thì mang về được ba bốn ngàn Mỹ Kim.

Thực khách ở Singapore không ai cần giấy chùi miệng nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/mua. So với dịch vụ xuất khẩu lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm cố nhà cửa, và bị lường gạt đều đều thì “thương vụ” bán giấy chùi miệng (rất lương thiện này) quả một là phát kiến thần tình, rất đáng được hoan nghênh.

Tắm rửa xong, tôi ngủ một giấc cho đến khuya rồi lò dò ra quán đầu đường kêu hai chai bia Carlsberg và một đĩa cơm gà Hải Nam. Cơm giá chỉ ba đô Singapore thôi, nghĩa là chưa tới 2 đồng 50 xu tính theo Mỹ Kim bản vị. Chỉ có điều là hơi ít nhưng  với tôi thì ăn không thành vấn đề, uống mới là ... chủ yếu!
Chưa kịp nhấp môi đã nghe tiếng gọi:
  • Ủa, chú còn ở Sing hả? Qua đây ngồi chơi với tụi con đi...
Bàn góc bên kia già trẻ toàn là đàn bà, con gái. Tôi cầm chai bia xề lại, với cái cảm giác dễ chịu như vừa gặp lại người thân:
  • Sao không ai làm ăn buôn bán gì ráo trọi mà tụ tập hết cả xóm ở đây vậy cà?
  • Tụi con ngồi chơi với con Bẩy chút xíu, mai nó về rồi.
  • Sao vậy?
  • Visa hết hạn chú à.
  • Kỳ này Bẩy đi kiếm “bộn” không?
  • Không dám “bộn” đâu! Trừ tiền ăn, tiền ghép phòng chưa chắc còn ngàn đô mà đi bộ ròng rã cả tháng trời thiếu điều muốn “gớt” cái cẳng ra luôn. Làm gái như hai con này mới khá, chớ bán giấy thì cũng như đi ăn xin thôi, được nhiêu đó cũng mừng muốn chết rồi.
  • Đợt sau qua lại nhằm mùa Noel với tết Tây chắc đỡ hơn nhiều.
  • Không chắc có qua được nữa không đó. Nghe nói họ sắp “xiết” lại rồi. Người mình qua mỗi lúc một đông và qua liền liền như vậy mà ai chịu cho thấu ...
  • Thiệt, nếu không qua đây được nữa thì ở nhà riết biết làm gì ra mà ăn ...
Câu chuyện giữa chúng tôi dù lan man tới đâu, cuối cùng, vẫn dẫn vào một cái ngõ cụt. Tương lai, rõ ràng, không rộng mở cho những cô gái và những người đàn bà Việt Nam mà tôi gặp lại khuya nay – ở Geyleng.

Họ là những người mẹ, người chị đã tảo tần thương khó để giữ cho dân tộc này chưa đến nỗi bị diệt vong. Tôi nhớ là đã có đọc (đâu đó) câu này của Solzhenitsyn khi ông nhắc đến phụ nữ của nước Nga, vào thời Stalin.

Ở Geleyng dường như người ta không ngủ nhưng dù sao thì đêm vẫn cứ tàn dần,   rồi trời bắt đầu hửng sáng. Chúng tôi, cuối cùng, rồi chia tay. Ai đi đường nấy.
Khu Đèn Đỏ Geyleng. Ảnh: NCB.

Tôi mệt mỏi lê bước trở lại khách sạn mà lòng nặng trĩu. Tuy uống khá nhiều bia nhưng trong cái váng vất của hơi men tôi vẫn cứ còn nhớ đến “kết quả tốt đẹp của cuộc lấy phiếu tín nhiệm của quốc hội, đối với 47 chức danh chủ chốt” vừa qua. Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp gì cũng vẫn cứ còn tín nhiệm như thường. Nghĩa là vẫn vẫn ... y như cũ. Tuyệt nhiên chả có chút thay đổi nào ráo trọi.

Lại chợt nghĩ đến lời của ông T.B.T Nguyễn Phú Trọng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. ”Nhà đương cuộc Hà Nội vẫn chưa tiến đến giai đoạn đổi mới (thật) nên sẽ còn rất nhiều thế hệ con dân Việt Nam đến Geyleng để bán thân, hay bán giấy, nếu người dân của đất nước  láng giềng vẫn còn tiếp tục mở rộng vòng tay chào đón chúng ta.

Thiệt là quá đã, và quá đáng!
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
(RFA Blog)

Putin là tù binh của những huyền thoại của chính mình về Ukraine

Chuyên gia người Thụy Điển, ông Jan Leyunyelm, cựu trưởng phòng nghiên cứu nước Nga (FOI) trực thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng của Thụy Điển, bình luận về kết quả Hội nghị thượng đỉnh G20 và việc ra về sớm của Tồng thống Nga Vladimir Putin.

Tình hình nguy hiểm khi một người như Putin, ở chức vụ như vậy lại bỏ về sớm vì ông ta cho rằng người ta đã cư xử không đúng với ông và không hiểu nước Nga. Điều đó làm mọi người lo lắng.

В.Путин принимает участие в саммите "Группы двадцати"Trong thời gian Hội nghị Thượng đỉnh, Nga đã có thái độ thách thức khi đưa đến bờ biển Autralia bốn chiếc tàu chiến. Điều này đã không tạo thuận lợi cho một sự khởi đầu tích cực. Nước Nga đã thể hiện cho thế giới thấy sức mạnh quân sự và trước hết là tầm hoạt động của các đơn vị vũ trang của mình.

Và lí do cho việc ông Putin rời bỏ sớm cũng hơi kỳ quặc. Tất nhiên là đường đi khá dài, nhưng đường của đa số những người khác cũng không ngắn hơn. Dĩ nhiên là ông ta rời bỏ Hội nghị Thượng đỉnh vì cho rằng phải nghe quá nhiều lời chỉ trích… Có thể nói rằng ông ta là tù binh của những huyền thoại của chính mình về Ukraine, khi ông ta từ chối công nhận rằng quân nhân Nga đã hành động ở đấy.

Trong mấy năm gần đây, ban lãnh đạo cũng như – và trước hết là nhân dân Nga, đã dần dần bị lèo lái về mặt thông tin đến mức làm thay đổi cả thế giới quan của họ và tất cả những lời phê phán Nga đều bị coi là thái độ bài Nga hay là cố gắng của Mĩ nhằm làm mất ổn định tình hình đất nước.

Quan điểm của Putin – khẳng định “não trạng lô cốt” do chính ông ta tạo ra: Cả thế giới chống lại Nga. Tình hình kinh tế Nga hiện nay cho thấy rằng cần phải liên tục đưa ra thêm những bóng ma của chiến tranh và đe dọa của thế giới.

Nga được rất ít nước ủng hộ, điều này khẳng định một thành ngữ cũ: Nước Nga chẳng có bạn bè nào hết, chúng ta chỉ có lục quân và hải quân mà thôi.
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Sverigesradio
Dịch từ bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20141118/224335199.html
Dịch giả gửi BVN
(Bauxite VN)

Bùi Văn Phú - Tín nhiệm hay không?

Quốc hội Việt Nam tuần qua đã bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo. Sau nhiều ngày bàn luận và chất vấn, 484 đại biểu đã đánh giá việc làm của 50 lãnh đạo từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đến các bộ trưởng, thủ trưởng ban ngành.

Phiếu đánh giá có 3 chọn lựa: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Các đại biểu không có lựa chọn “không tín nhiệm” dành cho bất cứ lãnh đạo nào.

Kết quả, tất cả các lãnh đạo cao cấp đều nhận được đại đa số phiếu “tín nhiệm cao” hay “tín nhiệm” của các đại biểu.
Bỏ phiếu tính nhiệm ở Quốc hội Việt Nam

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đạt 380 phiếu tín nhiệm cao (78.51%) và 84 tín nhiệm (17.36%) trên tổng số 484 phiếu, tức 95.87% tín nhiệm cao và tín nhiệm cộng lại. Năm ngoái ông được tổng cộng 94.3%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đạt 340 (70.25%) và 93 (19.21%), tổng cộng 89.46%. Năm ngoái ông được 94.92%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt 320 (66.12%) và 96 (19.83%), tổng cộng 85.95%. Năm ngoái ông được 67.48%.

Ông Dũng có tiến bộ nhiều nhất so với năm ngoái và cả ba người đứng đầu nước năm nay đều đạt trên 85% tín nhiệm từ đại biểu quốc hội.

Trong kỳ bỏ phiếu này, một số quan chức bị nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” là bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với 192 phiếu tức 40%, bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận với 149 phiếu tức 31%.

Bà Tiến trong năm qua bị chỉ trích vì vụ việc thuốc tiêm chủng gây tử vong cho nhiều thiếu nhi. Ông Luận bị điểm xấu liên quan đến xuất bản sách giáo khoa, bằng cấp và tiến sĩ giấy trong ngành giáo dục. Tuy nhiên hai vị vẫn không từ chức.

Nhìn vào số phiếu, với mức tín nhiệm thấp là 40% và 31% thì bà Tiến và ông Luận vẫn còn được tín nhiệm cao và tín nhiệm ở mức 60% và 69%.

Như thế dù có dư luận bức xúc muốn họ từ chức thì không lãnh đạo nào làm thế vì quốc hội toàn là người của đảng. Đảng bố trí nhân sự lãnh đạo, cả quốc hội là người của đảng vẫn đồng ý tín nhiệm thì tại sao họ lại phải từ chức.

Nhìn chung, trừ một vài quan chức như bà Tiến hay ông Luận, còn lại 50 lãnh đạo các bộ, ban ngành đều được quốc hội tín nhiệm trên 70%. Một con số mơ ước cho lãnh đạo các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới.

Vấn đề đặt ra là mức tín nhiệm các đại biểu dành cho lãnh đạo Việt Nam có phản ánh được lòng dân hay không?

Tổ chức chính trị và lãnh đạo nhà nước tại Việt Nam là cơ chế độc đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền cai trị đất nước, như ghi trong Điều 4 Hiến pháp.

Các ứng viên đại biểu quốc hội phải được cơ sở ngoại vi của Đảng Cộng sản là Mặt trận Tổ quốc đề cử. Rất ít người dám tự ứng cử vì làm thế sẽ bị sách nhiễu, trấn áp. Có hai ứng viên độc lập là luật sư Lê Quốc Quân và tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã rơi vào trường hợp như thế. Vì tự ra ứng cử và tham gia những hoạt động dân chủ, ông Vũ đã bị kết án nhiều năm tù và nay phải sống lưu vong ở Mỹ. Luật sư Quân hiện bị tù vì trốn thuế.

Lần bầu quốc hội mới nhất là năm 2011 có gần 900 ứng viên được Mặt trận Tổ quốc chấp thuận để tranh 500 ghế đại biểu.

Như thế, đại biểu quốc hội chỉ phản ánh ý của đảng viên Đảng Cộng sản. Việc bỏ phiếu tín nhiệm cao thấp cũng là vì quyền lợi của đảng và các phe nhóm trong đảng.

Trong các chế độ tự do dân chủ, như ở Thái Lan, Nhật, Ấn Độ hay ở Anh quốc, nếu thủ tướng, cũng là người đứng đầu một đảng, thấy không còn được sự ủng hộ trong quốc hội thì sẽ tuyên bố giải tán quốc hội để dân bầu chọn lại.

Khi đó, các đảng sẽ vận động cử tri để họ chọn người của đảng mình vào quốc hội. Đảng nào chiếm được đa số đại biểu sẽ chọn người làm thủ tướng để lãnh đạo đất nước.

Tại Hoa Kỳ, một nước theo chế độ tổng thống, đầu tháng này đã có bầu giữa nhiệm kỳ tổng thống. Hôm 4/11 cử tri Mỹ đã bầu chọn 36 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ và toàn thể 435 hạ nghị sĩ ở cấp liên bang và hàng nghìn dân cử các cấp khác.

Thăm dò dư luận của Viện Gallup vào cuối tháng 10 cho thấy số người ủng hộ Tổng thống Barack Obama là 42%, số không ủng hộ là 53%.

Sự bất đồng của dân Mỹ đối với các chính sách của Tổng thống Obama phản ánh qua kết quả bầu cử vừa rồi.

Tại hạ viện, cộng hòa vẫn chiếm đa số và tăng lên đến 243/435. Tại thượng viện, cộng hòa đạt 52/100 giành luôn đa số đang do đảng dân chủ nắm giữ.

Trong hai năm tới, tổng thống và quốc hội sẽ phải làm việc sao cho được lòng dân. Nếu không những lá phiếu của cử tri lại làm thay đổi chính trường Mỹ trong kỳ bầu chọn năm 2016.

Sinh hoạt chính trị ở Nam Triều Tiên, Indonesia, Mexico, Philippines cũng thế, tổng thống và quốc hội được dân bầu lên qua các kỳ bầu cử với ứng viên của nhiều đảng.

Tại những quốc gia tự do dân chủ, tiếng nói của dân được phản ánh trong các cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Ở Việt Nam chưa có bầu cử đa đảng và quyền tự do phát biểu quan điểm chính trị còn bị đe dọa bởi những bản án tù.

Đơn giản nếu có ai thực hiện thăm dò ý kiến mức tín nhiệm của dân với lãnh đạo thì sẽ vào tù ngay. Năm ngoái, dịp quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, nhà báo tự do Trương Duy Nhất đưa ra thăm dó ý kiến đánh giá lãnh đạo, trong đó có cả lựa chọn “không tín nhiệm”. Sau đó ông bị bắt giam và đầu năm nay bị kết án 2 năm tù vì “lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi nhà nước” theo điều 258 luật hình sự.

Năm 2000, báo Tuổi Trẻ Xuân công bố một thăm dò dư luận xem ai là người được ái mộ. Kết quả Chủ tịch Hồ Chí Minh được điểm cao nhất, kế đến là Tướng Võ Nguyên Giáp, rồi đến Tổng thống Bill Clinton, Thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải. Hệ lụy của việc thăm dò này là số báo xuân bị thu hồi và tổng biên tập bị kỷ luật.

Vì thế kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo của quốc hội Việt Nam tuần qua chỉ là hình thức để cho có vẻ dân chủ, chứng tỏ lãnh đạo có ít nhiều trách nhiệm với dân.

Trên thực tế, hiện nay người dân Việt vẫn chưa có quyền định đoạt tương lai chính trị của đất nước và thay đổi lãnh đạo quốc gia qua các cuộc bầu cử tự do, đa đảng.

Lãnh đạo có được tín nhiệm hay không, tất cả đều là sự sắp xếp trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bộ Chính trị và hai triệu đảng viên. Hơn 80 triệu người dân vẫn đứng bên ngoài.
  Bùi Văn Phú
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét