Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Nhà báo và nhà kiểm duyệt

  • Tổ chức Nhà nước Hồi giáo lại sát hại con tin Mỹ (RFI) - Nạn nhân là một nhà hoạt động nhân đạo người Mỹ, Peter Kassig, 26 tuổi. Trong một cuộc băng video công bố ngày 16/11/2014 nhóm thánh chiến cực đoan mang tên Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (EI) xác nhận đã chặt đầu thêm một con tin phương Tây và 18 quân nhân Syria.
  • Bị công kích vụ "Ukraina", Vladimir Putin bỏ G20 về sớm (RFI) - Buổi tiệc kết thúc G20 vào trưa nay, Chủ nhật16/11/2014 tại Brisban vắng mặt tổng thống Nga. Viện lý do cần ngủ để lấy sức, ông Vladimir Putin đã rời Úc vào sáng nay.
    Trên thực tế, do bị các lãnh đạo Mỹ, Úc, Nhật và trước đó là Anh và Canada lên án hành động « khuynh đảo » tại Ukraina, Tổng thống Nga rút ngắn thời gian tham dự hội nghị G20.
  • Putin sẽ chơi cứng hơn? (BBC) - Liệu cách mà phương Tây đối xử với ông Putin ở Úc có làm cho ông trở nên cứng rắn hơn?
  • 'Họ xử lý cụ Trần Lâm rất tàn nhẫn' (BBC) - Không chỉ tiến hành tang lễ 'không xứng' với Luật sư Trần Lâm, mà chính quyền còn đối xử 'rất tàn nhẫn' với ông, theo ý kiến nhà vận động dân chủ trong nước.
  • Thủ tướng qua kỳ 'sát hạch' (BBC) - Hai hãng thông tấn lớn Reuters và AFP đều nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "vượt qua" được kỳ sát hạch ở Quốc hội.
  • 'Vẫn là dân chủ rất thấp' (BBC) - Tiến sỹ Alan Phan từ Hoa Kỳ đánh giá kết quả và ảnh hưởng của lần lấy phiếu tín nhiệm 2014 của Quốc hội Việt Nam.
  • Nhạc mừng ngày nhà giáo 20 tháng 11 (RFA) - Ngày 20/11 - Ngày Nhà Giáo Việt Nam đã đến, và trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi lại một lần nữa đến với những bản nhạc ngợi ca những người thày, người cô đang ngày đêm mang kiến thức đến cho đời.
  • Mỹ tiết lộ kế hoạch « hiện đại hóa » quân đội (RFI) - « Cải tiến công nghệ trong lĩnh vực quân sự để bảo đảm thế thượng phong của quân đội Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI ». Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel đã tuyên bố như trên nhân Hội thảo tại Quỹ Ronald Reagan, California ngày 15/11/2014.
  • Những nữ chiến binh ISIS (RFA) - Tổ chức khủng bố tự mệnh danh là Nhà nước Hồi giáo ISIS đang làm mưa làm gió ở Trung Đông. Chúng chặt đầu các nhà báo, bắt cóc thiếu nữ làm nô lệ tình dục cho các chiến binh. Chúng có hẳn một binh đoàn nữ, thậm chí phụ nữ phương Tây cũng tìm đường tới Syria.
  • Chống Thánh chiến: Mỹ không liên minh với Damas (RFI) - Trả lời giới báo chí sau Thượng đỉnh G20 tại Úc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ không liên kết với lãnh đạo độc tài Syria Bachar al Assad để chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chế độ Damas bị xem là « thiếu tính chính đáng » của một chính quyền đại diện cho dân.
  • Nhật Bản: Dân Okinawa bầu tỉnh trưởng chống căn cứ quân sự Mỹ (RFI) - Theo đài truyền hình công cộng NHK, đa số cử tri Okinawa đã dồn phiếu cho ứng cử viên Takeshi Onaga, một người có chủ trương đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ tại Futema. Tỉnh trưởng mãn nhiệm Hirokazu Nakaima bị đối thủ qua mặt theo thăm dò cử tri trước cửa địa điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày hôm nay 16/11/2014.
  • Kiev : Đông Ukraina sắp bị tấn công (RFI) - Kiev khẳng định có « dấu hiệu » cho thấy phe ly khai và quân Nga chuẩn bị mở chiến dịch tấn công. Công tác thu nhặt mảnh vỡ máy bay Malaysia MH17 tại miền đông Ukraina được khởi động.
  • Vì sao giầy gót cao vẫn là mốt? (RFI) - Theo website Gizmodo, chuyên về công nghệ mới và thời trang, « mặc dù gây đau đớn cho thể xác con người, nhưng giày gót nhọn đã tồn tại trong nhiều thế kỷ ». Đến mức Viện bảo tàng Brooklyn ở Mỹ có hẳn một triển lãm về loại giày này với chủ đề : « Gót sát thủ : Nghệ thuật của giày cao gót ».
  • Người Việt tại Australia lên tiếng về vấn đề Biển Đông (BaoMoi) - Theo phóng viên TTXVN tại Australia, nhân dịp Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại thành phố Brisbane, bang Queensland, trong hai ngày 15-16/11, Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA) đã gửi thư tới Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng như các nhà lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị để bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới đây trên Biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
  • G 20: Mỹ-Nhật-Úc thắt chặt liên minh ở biển Đông (RFA) - Tại G-20 Brisbane, 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Australia nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, đồng thời cùng lên tiếng kêu gọi giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Châu Á-Thái Bình Dương qua đường lối thương thuyết, ôn hòa.
  • Mỹ - Úc - Nhật kêu gọi giải pháp hòa bình Biển Đông và Hoa Đông (RFI) - Tham vọng biển đảo của Trung Quốc cũng được các cường quốc dân chủ quan tâm bên lề thượng đỉnh G20. Tổng thống Mỹ cùng với hai vị Thủ tướng Nhật và Úc sau cuộc thảo luận tay ba vào hôm nay 16/11/2014 gián tiếp lên án Bắc Kinh đe dọa « an ninh tự do hàng hải và hàng không ».
  • Tổng thống Mỹ phê phán Trung Quốc, Nga tại thượng đỉnh G20 (BaoMoi) - (Tin Nóng) Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê phán Trung Quốc và Nga tại hội nghị thượng đỉnh G20, từ tình hình Biển Đông đến khủng hoảng ở Ukraine và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Mỹ cũng khẳng định dồn sức mạnh và tiền bạc cho chính sách xoay trục châu Á, theo CNN ngày 16.11.
  • Giải quyết hòa bình những tranh chấp trên biển (BaoMoi) - Theo Roi-tơ, ngày 15-11, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a T.Áp-bót và Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã tiến hành hội đàm ba bên lần đầu kể từ năm 2007 nhằm củng cố hợp tác an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc hội đàm được tiến hành bên lề Hội nghị cấp cao (HNCC) G20 diễn ra tại Bri-xbên, bang Quyn-xlen của Ô-xtrây-li-a.
  • Lên tiếng về vấn đề Biển Đông nhân Hội nghị G20 (BaoMoi) - Nhân dịp Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại thành phố Bri-xbên, bang Quin-xlen, trong hai ngày 15 và 16-11, Hội doanh nhân Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a (VBAA) đã gửi thư tới Thủ tướng Ô-xtrây-li-a, Tô-ni A-bốt (Tony Abbott) cũng như các nhà lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị để bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới đây trên Biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trong thư, VBAA kêu gọi Ô-xtrây-li-a, hiện là Chủ tịch G20 và Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cần khẳng định mạnh mẽ lợi ích chung của Can-bê-ra và Nhóm G20 trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Theo VBAA, với uy tín và sức mạnh toàn cầu, Ô-xtrây-li-a cần lên tiếng phản đối các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. VBAA cũng đề nghị Ô-xtrây-li-a kêu gọi các bên hợp tác trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông.
  • Thượng đỉnh G20 ưu tiên tăng trưởng và khí hậu (RFI) - Bế mạc Thượng đỉnh G20 Brisbane - Úc, lãnh đạo 19 nền kinh tế phát triển nhất thế giới và Liên Hiệp Châu Âu đồng lòng đề ra mục tiêu đem lại thêm 2,1 % tăng trưởng cho toàn cầu trước năm 2018.
    Đẩy mạnh đầu tư, trao đổi mậu dịch để tạo thêm 2.000 tỷ đô la của cải và hàng triệu việc làm cho nhân loại. Tuy nhiên, hồ sơ chống biến đổi khí hậu, trọng tâm thứ nhì của thượng đỉnh Brisbane, đã không dễ dàng tạo đồng thuận như vế kinh tế.
  • Bài 38: Cách chọn một đại lý (RFI) - Mời quý thính giả theo dõi chương trình học tiếng Pháp trong kinh doanh : "Comment vont les Affaires ?", tìm hiểu công ty Paragem, một công ty Pháp và làm quen với Đăng Minh.
  • Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Đà Nẵng (BaoMoi) - QĐND - Sáng nay (17-11), Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” sẽ khai mạc tại Đà Nẵng. Tham dự hội thảo có khoảng 250 đại biểu trong nước và quốc tế. Theo chương trình, trong hai ngày, các học giả đến từ Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… cùng các học giả Việt Nam sẽ thảo luận các chủ đề: Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông; Các bên tham gia và các lực lượng hoạt động trên biển; Tình hình chung ở Biển Đông và chính sách của các bên liên quan; Quan hệ quốc tế và trật tự ở Biển Đông; Luật pháp quốc tế: Đất liền, đại dương và bầu trời; Luật biển quốc tế: Các yêu sách và giải pháp; Các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoai giao phòng ngừa.
  • Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc trong bất đồng (BaoMoi) - Ngày 15/11, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) của thế giới đã tụ hội về thành phố Brisbane, thủ phủ bang Queensland của Australia để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với chương trình nghị sự chính là việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine với những lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) – Mỹ nhằm vào Nga đã khiến hội nghị được mở màn bằng những cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.
  • Chuyện bên lề cuộc gặp Nguyễn Tấn Dũng - Obama (BaoMoi) - TP - Thời điểm này, các phương tiện thông tin đại chúng đã loan tải rộng rãi sự kiện song phương quan trọng tại đa phương Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Nay Pyi Taw, Myanmar, chiều 13/11, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chủ động có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

'Vẫn là dân chủ rất thấp'

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã phản ánh 'khá sát' thực tế về năng lực của nhiều quan chức, lãnh đạo Việt Nam, là một 'điều tốt, đáng hoan nghênh', tuy nhiên về bản chất đây vẫn chỉ là một dạng thức 'dân chủ còn rất thấp', theo ý của nhà quan sát Việt Nam từ Hoa Kỳ.
Ts Alan Phan
Bình luận về kết quả được Quốc hội Việt Nam công bố cùng ngày, ngay sau phiên lấy phiếu tín nhiệm hôm thứ Bảy 15/11/2014, Tiến sỹ Alan Phan, nói với BBC:
"Nó là một điều tốt, đáng hoan nghênh, nhưng những người ở vị trí cao họ bị đánh giá thường trực bởi cơ quan ngôn luận, bởi truyền thông, bởi dân chúng bằng những lá bầu trực tiếp, thì đương nhiên là họ không cần phải có những buổi họp của Quốc hội như thế này.
"Và thực tình trong những quốc gia khác, Quốc hội vẫn thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm nhưng mà chỉ có một phiếu, chứ không có cao, thấp hay là trung bình hay là cái gì hết và có thể làm một anh Thủ tướng mất chức.
"Nhưng mà ở Việt Nam cái chuyện đó gần như hoàn toàn không có, nhưng đối với tôi như đã nói tất cả những hình thức gì mà nó có một chút tiến bộ, thì đó là một điều chúng ta nên hoan nghênh," ông Alan Phan nói.
(BBC)

Chuyện nghề 04: Mỗi năm có hai lần thu nhập lớn

Cánh phóng viên ở một tờ báo quốc doanh nọ thỉnh thoảng lại gây sự cãi nhau về chủ đề: Thu nhập thường xuyên lớn nhất của tổng biên tập là vào thời điểm nào và từ nguồn nào? Thường xuyên ở đây được hiểu là định kỳ, đến hẹn lại lên khác hẳn với thu nhập không thường xuyên như mua sắm, xây dựng cơ bản. Cãi nhau kịch liệt lắm, hùng hồn lắm trong thái độ uất ức lắm, phẫn nộ lắm. Cuối cùng họ cũng xác định được hai thời điểm mà xếp có thu nhập thường xuyên lớn nhất. Đó là vào dịp tết cổ truyền và ngày 21-6 là cái ngày được gọi là ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Họ định danh cho phi vụ làm ăn của sếp là “vụ tết” và “vụ 21-6”.
      Ở hầu hết các tờ báo thuộc đảng bộ cộng sản, phòng khách của báo được mặc định gắn liền với phòng làm việc của tổng biên tập. Không ai để ý đến kiểu cấu trúc này bởi lẽ nó đã là một sự mặc định, đương nhiên. Cho đến khi “vụ tết” và “vụ 21-6” bùng nổ quá nhanh và quá mạnh từ sự bùng nổ của trào lưu tham nhũng và hối lộ.
       Tổng biên tập ở tờ báo quốc doanh nọ nổi tiếng về sự ăn bẩn, đến nỗi cánh phóng viên gạo cội phải thường xuyên thốt lên: “ăn dày-giày, ăn tất, ăn cả đất trong dày-giày”. Cứ đến “vụ tết” và “vụ 21-6”, chỉ mỗi mình ông được đặc quyền tiếp khách. Mấy năm đầu, một ông phó tổng biên tập ngây thơ muốn nịnh thối sếp, cứ mỗi khi thấy khách đến là lăng xăng chạy ra dẫn khách lên phòng khách của sếp. Sếp đuổi khéo ông phó của mình: “Hồi nãy anh nhờ chú làm cho anh việc A, việc B cho xong vào giờ này chú đã làm xong chưa nhỉ?”. Ông phó biết ý sếp đành phải vâng dạ: “Em làm gần xong rồi anh ạ. Anh tiếp khách nhé, em về làm cho xong việc anh giao”. Sau mấy lần như vậy, ông phó hiểu rõ vấn đề, và không dám đón khách, và dĩ nhiên là không dám cùng sếp tiếp khách.
       Cánh phóng viên ước tính, mỗi một “vụ tết”, mỗi một “vụ 21-6” sếp tiếp 30 đoàn khách chính quyền và khoảng 60 đoàn khách doanh nghiệp đến chúc tụng. Đoàn khách chính quyền chúc tụng tòa báo đơn giản, chỉ là lẵng hoa và chai rượu tây, nhưng các đoàn khách doanh nghiệp thì không đơn giản chút nào: trong lẵng hoa luôn có một bao thư chứa 10-20 triệu đồng, thậm chí có doanh nghiệp bỏ bao thư đến 50 triệu đồng. Cánh phóng viên tính toán: chỉ tính một phong bì bỏ ít nhất 10 triệu đồng thì tổng biên tập có ngay 600 triệu đồng/mỗi “vụ”. Mỗi năm hai “vụ” là sếp có 1,2 tỉ đồng tiền tươi thóc thật mà lẽ ra những đồng tiền đó phải được nhập vào quĩ phúc lợi của tòa soạn báo. “Quá đã”, cánh phóng viên xuýt xoa.
       Nhưng, không có gì là mãi mãi. Ngày 10-6-2009, ông tổng biên tập nổi tiếng ăn bẩn ấy có thông báo nghỉ hưu kể từ ngày 01-7-2009. Ông phó tổng biên tập liền họp kín với tay chánh văn phòng và cô kế toán trưởng để bày mưu tính kế không cho ông tổng hốt hụi chót bằng cách cùng với sếp tiếp khách đến chúc tụng nhân “vụ 21-6” và trực tiếp thu giữ bao thư ngay khi khách quay bước ra về. Cuộc chiến trong phòng khách của tòa báo rất căng thẳng. Ông tổng biên tập khăng khăng: “Đây là khách của anh bao năm rồi, các cô chú cứ để mình anh tiếp”. Còn ông phó tổng sắp lên tổng thì cương quyết: “Bọn em chỉ muốn san sẻ nỗi vất vả của anh thôi. Anh cứ mặc tụi em”. Kết quả thật bất ngờ, từ ngày 16-6 đến ngày 21-6, những chủ nhà đương nhiên và bất đắc dĩ đã thu hoạch được 900 triệu đồng từ những bao thư chúc tụng. Họ cho nhập quĩ phúc lợi một ít, nhập vào quĩ đen của tòa soạn một ít trong sự căm tức và tiếc nuối của ông tổng biên tập sắp về hưu.
Cánh phóng viên tin rằng, sếp mới sẽ tiếp tục có những hành xử mã thượng như “vụ 21-6-2009”, có nghĩa rằng, sếp và các cán bộ cốt cán trong tòa báo sẽ cùng tiếp khách trong các “vụ tết” và “vụ 21-6, có nghĩa rằng, tổng thu từ các bao thư sẽ được nhập vào quĩ phúc lợi một ít, nhập vào quĩ đen một ít.
Rõ ràng, đó là một niềm tin khờ khạo.
     “Vụ tết” đầu tiên, ông tổng biên tập mới liền gọi riêng từng người cốt cán trong tòa soạn báo, và nói: “Các em đừng bận tâm chuyện tiếp khách đến chúc tết, cứ để mặc anh”… 
         Lân Hộ
(Việt Nam Thời Báo)

Phạm Thị Hoài - Nhà báo và nhà kiểm duyệt (2)

Sự khó chịu trong sự thật
Câu hỏi đầu tiên nên trả lời trong vụ “Rừng Sát” là: bài phóng sự của Thomas A. Bass về kiểm duyệt tại Việt Nam có trình bày đúng thực trạng đó không? Theo tôi, đúng. Và hay. Chân dung truyền thần sinh động của ông về bộ mặt kiểm duyệt ở Việt Nam thật đến mức khó chịu. Nó bao quát hiện tượng kiểm duyệt, khắc họa bản chất của kiểm duyệt, phác họa cấu trúc và các hình thái của kiểm duyệt, tìm hiểu bối cảnh của kiểm duyệt và miêu tả chi tiết kiểm duyệt diễn ra như thế nào. Nó là một áng văn hấp dẫn, một tư liệu giá trị. Nếu tôi không quá nhầm thì công luận phải mong muốn nó được phổ biến. Song điều phiền toái nằm ngay trong giá trị của bài phóng sự.
pham_thi_hoai
Nhà văn Phạm Thị Hoài
Tác giả, như thông lệ của phóng viên điều tra phương Tây, đã không dùng nút bấm điều khiển từ xa, không tổng hợp và lọc tin từ bàn phím, không nghe qua tai, nhìn qua mắt và phát ngôn qua miệng người khác, mà tuân thủ đạo đức hay điều răn hàng đầu của nghề báo: ông không bịa ra một bài phóng sự mà tiếp cận người thật, việc thật, và lấy trường hợp thật của chính mình làm chất liệu.
Chuẩn mực đầu tiên này của sự thật có vẻ lạ lùng với báo chí Việt Nam. Để lấy một ví dụ: khi “em bé đuốc sống” Lê Văn Tám đã được người trong cuộc, một nhân chứng, một giáo sư sử học đầy uy tín chính thống, tiết lộ là nhân vật hư cấu để tuyên truyền thì nhà báo Trần Trọng Tân, người từng đứng đầu ngành văn hóa tư tưởng của đất nước, vẫn khẳng định em bé này là có thật, vì một số sách báo sau này đã thuật lại sự kiện này. Tôi không biết có ai sẵn sàng trả tiền mua tin của Thông tấn xã Việt Nam hay không, song sở dĩ các hãng tin nước ngoài như Reuters, AP, AFP, UPI, DPA…, hầu hết của phương Tây, bán được loại hàng đặc biệt này vì bên cạnh những ưu thế khác, trước hết là giá trị xác thực của món hàng được đảm bảo: người thật, việc thật, phóng viên thật. Bán một chiếc túi nhái Louis Vuitton rất dễ; cả giá trị sử dụng lẫn giá trị thẩm mĩ của nó có khi còn cao hơn của hàng xịn, vấn đề chỉ còn là nguồn gốc toát ra từ chính người dùng; nhưng bán tin fake Reuters thì không thể, giá trị sử dụng của nó là zero. Trong hai tác phẩm đáng chú ý nhất hai năm vừa qua, Bên thắng cuộc của Huy Đức và Đèn cù của Trần Đĩnh, chúng ta có thể tìm được vô số ví dụ về việc toàn bộ guồng máy tuyên truyền của Việt Nam đã hư cấu, bịa đặt, giả mạo, bóp méo, lũng đoạn, dụng ý gây nhiễu, định hướng, kiểm soát và kiểm duyệt thông tin một cách toàn diện và hệ thống như thế nào. Bài báo, “phát pháo mở đầu cuộc Cải cách Ruộng đất” về vụ đấu bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, do chính ông Trần Đĩnh viết, “ký một cái tên ú ớ không còn nhớ và sau đó cũng không mó đến nó bao giờ”, như ông cho biết. Song bản thân ông không dự đấu tố. Để xào ra một “tường thuật”, ông “khai thác” người cấp dưỡng của ông Trường Chinh, theo sự “pha phách thêm nếm” của đồng chí phóng viên đầu bếp này, để rồi “phối hợp” với nó, chúng ta có bài “Địa chủ ác ghê” của một CB nổi tiếng. Ít nhất thì ông Hồ đã “bịt râu đến dự một buổi”, nhưng chắc chắn không phải vì tuân thủ đạo đức báo chí.
Và để so sánh: báo chí Đức ồn lên một dạo vì một vụ tai tiếng. Bỉnh bút của tờ Süddeutsche Zeitung, ông Heribert Prantl, một trọng lượng lớn trong làng báo Đức, bị chỉ trích vì trong một bài chân dung về người đứng đầu Tòa Bảo hiến Liên bang, ông miêu tả cảnh thực khách của vị chánh án được phân công làm bếp, như thể ông đã trực tiếp chứng kiến, trong khi ông chỉ nghe kể lại chứ chưa bao giờ ngồi trong căn bếp ấy. Tờ báo phải đăng đính chính. Một nhà báo khác, ông René Pfister của tờ Spiegel, được trao một giải thưởng báo chí danh giá cho một bài viết về Thống đốc bang Bayern, trong đó có đoạn miêu tả sưu tập mô hình tàu hỏa trong tầng hầm nhà vị chính khách này. Ngay sau đó ông bị tước giải thưởng vì chỉ biết đến sưu tập đó qua nguồn khác, song lại quên nêu rõ, khiến độc giả tưởng ông đã đích thân đặt chân xuống tầng hầm này.
Nếu cũng áp dụng những chuẩn mực như vậy, báo chí Việt Nam còn lại gì? Cần nói ngay rằng báo chí độc lập, thiếu hẳn điều kiện – tài chính, nhân sự, bộ máy tổ chức – và quyền tự do tiếp cận các sự kiện, đành giới hạn mình trong chức năng bình luận; dễ hiểu rằng nhiều nhận định nghiêm túc xuất hiện ở “lề trái” lại vô giá trị, vì dựa trên các thông tin hư cấu hoặc đã xào nấu nát bét nguồn gốc trong những chiếc vạc đại táo của các đầu bếp quốc doanh. Đó là chưa kể vô vàn những diễn đàn nặc danh mà tọa độ chính trị còn đáng ngờ hơn cả các thông tin được những người ngồi trong bóng tối lôi ra từ tay áo.
Trở lại với ông nhà báo Mỹ. Ông có thể kể câu chuyện hoàn toàn thật của mình, do chính mình trải qua, đích thân tai nghe mắt thấy, bằng cách giấu tên các nhân vật thật trong đó không? Tôi cho là không. Vì sao? Vì chỉ giấu họ trong những cái tên hư cấu là vô nghĩa, không cần là người trong ngành xuất bản ở Việt Nam cũng dễ dàng xác định who is who trong trường hợp này. Thao tác giấu tên bắt buộc phải kéo theo một loạt các hư cấu khác: ông phải tưởng tượng ra một nhà xuất bản khác, cuốn sách bị kiểm duyệt của ông phải mang một cái tên khác và tất nhiên một nội dung khác, bản thân ông cũng cần xuất hiện với một bút danh khác, và toàn bộ câu chuyện nên xảy ra ở một xứ tưởng tượng, phi thời đại, tốt nhất là ở Macondo. Nó sẽ không còn là một phóng sự điều tra mà trở thành một roman à clef. Tác phẩm được coi là roman à clef nổi tiếng, tiểu thuyết Mephisto của Klaus Mann – con trai Thomas Mann – là một ví dụ tốt. Dù nhân vật chính mang một cái tên hoàn toàn khác và được đặt trong những tình tiết hư cấu, nhưng bối cảnh là nước Đức thời Quốc xã không thay đổi, nên người đọc vẫn dễ dàng nhận ra đó là diễn viên Gustaf Gründgens, anh rể cũ của tác giả, một nghệ sĩ có tài, nhiều tham vọng, leo đến đỉnh cao sự nghiệp sân khấu của mình nhờ thỏa hiệp với chính quyền Hitler. Song Thomas A. Bass không có ý định viết tiểu thuyết. Tác phẩm của ông là một phóng sự người thật việc thật, thể loại đặc biệt, được coi là đỉnh cao và niềm tự hào của báo chí phương Tây.
Để lấy tiếp một ví dụ – hiển nhiên không phải để so sánh sự kiện, một sự kiện nằm ngoài khả năng hình dung của chúng ta – mà để hiểu, khi được gắn với những nhân vật cụ thể, có thực và có thể kiểm chứng, thì sự thật bỗng hiện ra trong toàn bộ sự khó chịu của nó như thế nào: Trước khi Seymour  Hersh bám lấy viên trung úy William Calley Jr. để anh ta, chuếnh choáng sau một lượng bia kha khá, kể chuyện mình đã thực hiện lệnh search and destroy, tìm và diệt, tại làng Mỹ Lai ngày 16/3/1968, đúng tinh thần Big Count, càng nhiều xác địch càng vẻ vang, của Chiến dịch Phượng Hoàng ở cao điểm của Chiến tranh Việt Nam; trước khi nhà báo này cày tung nước Mỹ để tìm ra từng nhân chứng, với người thật, tên thật, những người lính trong quân đội Hoa Kỳ đã tham gia hoặc tận mắt chứng kiến vụ thảm sát ấy, với 504 xác người già, phụ nữ và trẻ em, thì công luận Hoa Kỳ không phải là không biết đến vai trò đáng ngờ của quân đội Hoa Kỳ trong những cái được gọi là “tổn thất ngoài dự kiến” trong Chiến tranh Việt Nam. Song khi cả nạn nhân và thủ phạm đều đứng khuất trong chốn no name thì sự thật còn chịu được theo một nghĩa nào đó. Phải đến khi phóng sự của Hersh xuất hiện, sau gần một năm ngược xuôi không nơi nào muốn công bố, cái sự thật ấy bỗng có những gương mặt thật, những chân dung thật, những cái tên thật, và mới thật sự trở thành khó chịu, sự khó chịu dẫn đến phong trào phản chiến, rồi góp phần đáng kể vào việc chấm dứt sự tham dự của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Câu hỏi bên trên cũng có thể diễn đạt theo cách khác: Thomas A. Bass có cần, thậm chí có tránh nhiệm giấu tên các nhân vật thật trong câu chuyện thật của mình không? Một lần nữa, theo tôi là không. Song để thuyết phục nhiều người đã quen với “hoàn cảnh Việt Nam”, nơi vị nguyên thủ khai quốc dùng bút danh CB hay X.Y.Z để viết những bài báo agitprop kích động hoặc những mẩu chuyện đả kích bỗ bã, và đương kim Chủ tịch nước gọi đương kim Thủ tướng là “đồng chí X”, thì không dễ. Nhưng muốn thế nào, ít nhất từ hôm qua độc giả đã không còn là trẻ con, và hôm nay các nhân vật được đề cập còn chưa là những Lord Voldemort để tác giả “Rừng Sát” cần gọi nhà sử học kiêm đại biểu Quốc hội trong bài viết của mình là “ông Y” hay vị giám đốc công ti xuất bản Nhã Nam là “ông Z”. Họ là các nhân vật có tên tuổi đàng hoàng của giới chính trị, hàn lâm, truyền thông và xuất bản.
Ở phương Tây hiện tại, chẳng những ban lãnh đạo mà nhân viên của các nhà xuất bản, phóng viên các hãng truyền thông và báo chí, giới hàn lâm trong các trường đại học và viện nghiên cứu, những người làm việc trong các hãng quảng cáo và tổ chức sự kiện xã hội, trong các thư viện và bảo tàng…, đều công khai danh tính, thậm chí kèm cả ảnh và địa chỉ email cho bất kì ai muốn liên lạc. Công luận có quyền biết những nhân vật đang hàng ngày đào tạo, rèn rũa, tác động đến ý thức và dư luận xã hội là ai. Không phải chỉ chính khách và It Girl mà nhóm nói trên cũng được coi là những nhân vật ít nhiều đứng trong công luận, những public figure từ khía cạnh đặc thù của công việc họ làm. Phần lớn trong số họ đều có trang cá nhân chính thức, với đầy đủ tiểu sử, bước đường sự nghiệp, thành tích, tác phẩm, và thường kèm kết nối công khai trên các mạng xã hội.
Ở Việt Nam, nơi các nhà lãnh đạo đất nước được công khai đại diện bằng một hệ thống đồ sộ các trang mạng nặc danh vui vẻ truyền bá cuốn Mein Kampf như một “tác phẩm hấp dẫn” với những hình ảnh máu lửa giật gân, tên tuổi tự chúng đã sống những số phận khác hẳn. Công ti xuất bản Nhã Nam có một website, nhưng ở đó tuyệt đối không có một cái tên nào của những người nào chịu trách nhiệm. (Ở Đức chẳng hạn, luật pháp bắt buộc các doanh nghiệp – dĩ nhiên một công ti xuất bản là một doanh nghiệp – không những công khai tên các nhân sự chịu trách nhiệm, mà hàng loạt thông tin khác, kể cả mã số thuế doanh thu và mã số doanh nghiệp trên trang nhà.)  Còn Nhà xuất bản Hồng Đức, cũng được nhắc tới trong vụ “Rừng Sát”, thì tồn tại kín đáo ngoài thời đại internet. Song không riêng gì họ. 99 % những cái tên kí dưới hàng chục ngàn bài báo và bản tin hàng ngày đăng trên hàng trăm tờ báo ở Việt Nam thực ra là thừa. Chúng vô nghĩa, vì không khác gì vô danh khi không công khai gắn với một con người thật, tên tuổi thật.
Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài. Cột cây số đầu tiên cắm bảng “Đừng nghĩ”. Đi hết ba thế hệ mới gặp bảng “Nghĩ thì nghĩ, miễn đừng nói”. Đến đây tốc độ có vẻ cao hơn, chỉ một thế hệ sau đã đến cây số “Nói thì nói, miễn đừng nêu tên” và đi thêm một chút thì gặp tấm bảng khổng lồ “Đừng hành động”. Song một người Việt điển hình hôm nay vẫn là một người Việt dùng vô số nickname và ngại nêu danh tính thật. Bạn cứ thử gọi điện đến một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội… Ở phương Tây, lời đầu tiên mà người bên kia đường dây nói ra là tên mình, như điều đương nhiên nhất trần đời. Ở Việt Nam, đó là điều cuối cùng mà người ta muốn tiết lộ, như bí mật lớn nhất nhân gian. Dĩ nhiên nỗi e ngại này có nguồn gốc bất hạnh của nó, song nó cũng rất tiện dụng để làm cái cớ, biện minh cho tình trạng vô danh của trách nhiệm. No name là môi trường giết chết những thương hiệu khả tín, nhưng là chốn an toàn cho những tầm vóc thấp chốt ở vị trí cao. No name, như đã nói ở trên, là nơi sự thật còn chịu được theo một nghĩa nào đó.
Ông nhà báo Mỹ vác cái bản thảo bị bằm vặp của mình, nhằm thẳng quả bom kiểm duyệt xông tới, sau khi mon men ở vòng ngoài. Chui hẳn vào bụng nó chắc ông cũng dám lắm, nhà báo nước ngoài không có gì để mất ngoài cái story của họ, nhưng vòng sâu nhất mà ông có thể tiếp cận là chỗ đứng của những người gác bom, những người vạch cho ông bằng bút đỏ, đâu là ranh giới cuối cùng. Trong cái story của ông, họ là những nhân vật chính mà tên tuổi thật, như dấu chấm tất yếu trên chữ i, khiến câu chuyện ấy không thể thật hơn. Song sự kinh ngạc từ phía độc giả Việt Nam cho thấy, cú sốc văn hóa Việt-Mỹ đã hoàn hảo. Như cái tên Tố Hữu trong cuốn sách của ông bị các nhà kiểm duyệt viết tắt – một cách lố bịch và vô nghĩa – thành T.H, có lẽ ông phải tự kiểm duyệt tên các nhân vật trong bài phóng sự của mình? Ông sẽ có khá nhiều lựa chọn: CB, T.H, X, hoặc XYZ. Muốn kể một câu chuyện về kiểm duyệt, trước hết bạn hãy tự kiểm duyệt. Chào mừng bạn đến với đất nước của hài hước, chúng tôi đơn giản là Việt Nam!
Vâng, đó là cố hương của tôi, một nhà văn viết tiếng Việt, lần cuối cùng được xuất bản trong nước là 19 năm trước, 1995, một tập truyện ngắn bị đình chỉ ngay sau khi phát hành. Tám năm sau, lần cuối cùng tôi được về thăm nhà, ông Trịnh Đình Khôi, chuyên viên cao cấp phụ trách mảng văn hóa văn nghệ thuộc Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định với tôi rằng ông không liên quan đến cái lệnh cấm đó, thậm chí ông đã bênh vực cuốn sách của tôi trong cuộc họp phê bình nhà xuất bản. Ai cấm, ông không biết. Nhưng ông không biết, thì ai biết? Cái đó thì phải hỏi bên Bộ, ông nói. Tức bên chính phủ. Cấu trúc hai nhà nước trong một nhà nước của Việt Nam, bên này Ban, bên kia Bộ, quả là một sáng kiến vĩ đại. Chúng ta đều trở thành những con lắc, chóng mặt giữa hai bờ quyền lực, và một giây nào đó chợt bừng tỉnh để ngay sau đó lại trở về quán tính chao đảo thì gần ba phần tư thế kỉ đã trôi qua.
Ngồi trong căn phòng tuềnh toàng của Ban ở một biệt thự Pháp chỉ còn cái xác nhưng vẫn giữ vẻ khang trang đường bệ so với các kiến trúc của người Việt, cách Lăng Hồ Chủ tịch không đầy một cây số, với bộ bàn ghế rẻ tiền, bộ ấm chén cáu bẩn cùng chiếc bô nhựa màu đỏ đầy ắp bã trà, một trong những vật dụng ám ảnh tôi nhất trong mọi phòng tiếp khách của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thuở đó, tôi hoàn toàn tin rằng ông chuyên viên tư tưởng thành thật. Cũng thành thật như thế, ở một tầm khác, là người đứng đầu ngành tư tưởng văn hóa của đất nước, ông Trưởng Ban, Ủy viên Bộ Chính trị, một nhà thơ, người đã phá mọi kỉ lục cấm sách của các bậc tiền nhiệm, song với một điểm son là sách tuy bị đình chỉ nhưng tác giả bình an. Song cả ông Nguyễn Khoa Điềm dường như cũng không liên quan gì đến cuốn sách bị cấm của tôi. Nhận chén trà từ tay người phục vụ – hay phải gọi là người thư kí? – mang tới, tôi không thấy chiếc bô nhựa màu đỏ trong phòng tiếp khách bề thế hơn nhiều của ông, ghế bọc giả da, nhưng hơi thở của quyền lực ở đây không ồn ào, chỉ lạnh lẽo. Ông nhắc đến những bài thơ thuở nào của tôi mà chính tôi không còn nhớ, mấy trăm bài thơ đầu tay tôi đã đốt sạch để không bao giờ còn bị môn thể thao đá cầu chữ nghĩa trong nghệ thuật này ở Việt Nam cám dỗ. Chúng tôi trò chuyện về talawas, trang mạng do tôi phụ trách lúc đó. Ông gọi nó là một cửa sổ nhìn ra thế giới và quan tâm tới giải thưởng văn chương mang tên Bùi Giáng mà tôi từng đề nghị. Song sự thân ái giữa người cầm bút và người cầm bút đó không ngăn cản việc sáu tháng sau, talawas bị chặn, các biên tập viên ở Việt Nam lần lượt bị công an triệu tập. Cha mẹ tôi, gần đất xa trời, cũng phải lập cập lên “làm việc” với an ninh. “Nhờ hai cụ nhắn với chị Hoài, chắc chị ấy cũng muốn về thăm gia đình chứ”, Stasi Việt Nam ngọt ngào tiễn cha mẹ tôi ra về.
Khi tôi ra khỏi dinh thự của Văn phòng Trung ương Đảng do người Pháp để lại, trời đã tối, nhưng vẫn còn những cán bộ cởi trần mặc quần đùi vờn bóng bàn ở sân. Bây giờ, mười một năm sau, chắc họ chơi golf. Bàn ghế chắc đã thay bằng cái gì khảm trai, cái gì gỗ gụ, như cái thẩm mĩ búa liềm rồng phượng của đất nước này đòi hỏi. Nhưng chiếc bô nhựa đỏ, tôi tin là nó bất diệt. Nó vẫn còn. Còn nguyên như khu rừng nhiệt đới của kiểm duyệt. Lạc trong đó, bạn sẽ đầy lòng cảm ơn người kiểm lâm đã cứu bạn khỏi bị hùm xé xác, bằng cách vạch cho bạn một đường thoát qua khu đầm lầy. Lún đến đâu, tùy vào bạn. Tôi ngoái lại nhìn một lần nữa cái trụ sở của quyền lực ấy và nhẹ người, tôi sẽ không phải gieo một con xúc xắc nào trong ván mạt chược lớn, cuộc chơi của các nạn nhân, ân nhân, thủ phạm và đồng phạm đó nữa. Lời của chàng thanh niên 25 tuổi Karl Marx viết năm 1843 cho người cộng sự Arnold Ruge khi quyết định rời khỏi nước Đức, bắt đầu cuộc đời lưu vong tròn 40 năm của mình, vẳng lên trong tôi như một bằng chứng nữa, rằng lịch sử dành cho mọi người Việt – trong đó có tôi, người đang sống, đến nay vừa tròn 20 năm, ở Đức – một quy chế hài hước đặc cách. Ông viết: “Tôi đã mệt mỏi vì sự thớ lợ, ngu xuẩn, vì công quyền thô thiển, vì thói bợ đỡ, luồn cúi, quay lưng của chúng ta và vì tệ chẻ chữ.” Lí do cho sự mệt mỏi đó là chế độ kiểm duyệt tại Đức mà nạn nhân là tờ Rheinische Zeitung do Marx chủ biên, với loạt bài nổi tiếng của ông bàn về tự do báo chí và xuất bản.
Phạm Thị Hoài
(Còn tiếp)
© 2014 pro&contra

Lê Quốc Khôi - Có thằng Tây nào đi cướp bao giờ!

Nhờ sự "sính ngoại" của người Việt nên hôm nay em được chính thức vào đồn Công An!!!
Đi ăn tối xong về nhà, lang thang tính ghé mua gì tráng miệng hay trái cây nên tắp qua dưới gầm cầu Nguyễn Văn Cừ. Đang ngó nghiêng cái xe chôm chôm, xoài các loại thì để ý có 2 thăng Tây to cao cỡ vận động viên chuyên nghiệp ba lỗ quần short đang đứng... mua dưa hấu!!! Thấy là lạ ngồ ngộ nên hiếu kì dõi mắt theo thì thấy ban đầu bà già bán dưa đưa dưa bỏ bịch xong, 1 trog 2 thằng đưa tờ đô gì đó, bà già có vẻ ko muốn lấy tiền đô, tay xòe 4 ngón, miệng thì "4 chục, 4 chục". Cả người bán lẫn người mua có vẻ chả hiểu gì nhau, mình thì tính bay lại làm phiên dịch giúp bà già, thì đột nhiên hai thằng Tây cứ vậy mà... bỏ đi, cười ha hả, hướng về phía mình.
Phạt ông Tây quỵt tiền taxi, đánh người trên phố - 1
ông Tây quỵt tiền taxi, đánh người trên phố. Ảnh minh họa
Một trong hai thằng vừa cười vừa nói:
- "F#ck it dude, stupid Vietnamese, free watermelon" [Kệ nó, đồ Việt Nam ngu, dưa hấu miễn phí!]
Bà già thì bất ngờ, ú ớ ko nói ra lời!
Mình thì thấy vậy xuống xe bay lại:
- "U gotta pay her, bro" [Phải trả tiền bà ấy, anh bạn!]
Thì một thằng húc thẳng vô người mình văng lệch cmn vai sang 1 bên kèm 1 tràn:
- "F#ck u, mind ur f#cking self" [Mày lo việc mày đi!]
Bà già lúc này thì bắt đầu ra khỏi cái lề bả đứng bán vẫn ú ớ, người xug quanh thì nhìn chằm chằm, chả ai làm gì hay ntn. Mình tiếp tục lì, kéo vai thằng cầm dưa lại, tay kia cầm sẵn cái nón bh rồi, nó động thủ trước thì thì quất tay đôi thôi vì nóng máu từ cái chữ "stupid Vietnamese" rồi.
Thì chưa gì 1 trong 2 thằng la "cop cop", dân tình xung quanh mới bắt đầu xúm lại, thằng cha xe ôm nào đó bay lại đẩy mình 1 cái trời giáng. 2 thằng Tây kia bỏ chạy!
Tiếp theo là mình chống cự với ông xe ôm, bị ổng bay đè lên bẻ tay, miệng mình thì kêu ổng bỏ ra, 2 thằng kia mới là cướp kìa, mua đồ bà già ko trả tiền.
Thằng cha xe ôm phán câu xanh rờn:
- "Đ.m có thằng Tây nào đi cướp bao giờ!"
Bà già với đứa con gái lúc này mới tới giải thích thêm thì thằng chả mới bỏ ra. Ba phút sau Công An khu vực ở đâu xuất hiện như chớp, kêu mình về phường, bảo lâp biên bản tội quấy rối trật tự công cộng. Bắt ngồi viết biên bản đòi phạt 800k. Phải gọi 5,6 cuộc điện thoại cuối cùng mới dàn xếp được!!! Và vấn đề từ đầu đến cuối, từ dân đen đến chính quyền đều khăng khăng: có thằng Tây nào đi cướp bao giờ!!!
Còn cơ bản thì... ở VN, không cần biết làm gì, cứu ai hay giúp ai, cuối cùng nguy cơ cao thành có tội và nộp phạt hết!!! Bài cmn học!!!!
P.S: Nếu ai đọc xong có suy nghĩ, dính dzô chi cho phiền cho dại, kệ mẹ nó đi... thì hãy tưởng tượng một ngày nào đó bạn gặp nạn, mẹ bạn gặp nạn, bà bạn gặp nạn, cả cái xã hội này đều nghĩ như vậy thì như thế nào!!! Và xin thưa đời này thằng Việt hay thằng Tây nó đều có người xấu người tốt hết cả!!! Chứ không phải ở Việt Nam mới có pháp luật mới có tù mà nước ngoài nó không có gì hết vì toàn người tốt ko đâu, haizzz!
Lê Quốc Khôi
(FB Khôi Quốc Lê)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét