Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Chính quyền Hong Kong và người biểu tình ấn định đàm phán chính thức

Chính quyền Hong Kong và người biểu tình ấn định đàm phán chính thức

Cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 10/10 tới.
Blooomberg dẫn nguồn tin từ chính quyền và phong trào biểu tình của sinh viên Hong Kong cho biết, các bên nhất trí tiến hành 2 vòng đàm phán. Vòng đàm phán bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày 10/10 (theo giờ địa phương), với vòng đàm phán đầu tiên tập trung vào vấn đề nền tảng hiến pháp cho các điều chỉnh hệ thống chính trị, vòng thứ 2 vào các yêu cầu về pháp lý.

Điều này có thể là chính quyền Hong Kong sẽ không thảo luận những sửa đổi liên quan đến những quy định mà Trung Quốc đòi hỏi đối với tất cả các ứng viên cho chức đặc khu trưởng Hong Kong.

Lester Shum, Phó thư ký Hội sinh viên Hong Kong cho rằng, vòng đàm phán nếu thất bại sẽ khiến tình hình bất ổn hơn. Ông cũng hối thúc người biểu tình tiếp tục xuống đường để gây sức ép buộc chính quyền nhượng bộ.

(DVO/Bloomberg)

Tổng hợp tin Hong Kong thứ 3 ngày 10/7/2014

Dân Luận - Biểu tình tại Hong Kong bước sang ngày thứ 10 đang có dấu hiệu thoái trào, người biểu tình đang có vẻ mệt mỏi và mất kiên nhẫn khi chính quyền Hong Kong chơi trò câu giờ. Trong khi đó, lực lượng chống biểu tình vẫn tiếp tục quấy phá nhũng nhiễu những nơi sinh viên tụ tập.

Đêm hôm qua các nhóm trong phong trào OCLP đã đưa ra thông báo chính thức vào cuối ngày để khẳng định cũng như minh bạch lại những gì phong trào đã và đang thực hiện:

- Trách nhiệm chính tạo nên sự gián đoạn cuộc sống thường nhật của dân chúng Hong Kong như hiện nay là do phía chính quyền đặc khu đã thực hiện không tốt những yêu cầu của người dân. Chúng tôi hy vọng chính quyền đặc khu bắt đầu ngay tức khắc việc đối thoại với sinh viên để tìm kiểm giải pháp và đi đến một thỏa thuận nhắm chấm dứt hoạt động chiếm đóng trung tâm.

- Ba nhóm khởi xướng hoạt động của phong trào OCLP tuyên bố: chúng tôi chân thành xin lỗi người dân Hong Kong vì các gián đoạn gây ra trong cuộc sống thường nhật. Chúng tôi đề nghị người dân Hong Kong quay lại tập trung tại khu vực Admiralty để ủng hộ và giám sát an toàn lẫn nhau, cũng như nhằm giảm thiểu sự gián đoạn cho cuộc sống thường nhật tại những khu vực khác.

- Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng tinh thần nhất quán của phong trào là không nhắm vào bất kỳ một cá nhân nào mà là vào chính hệ thống. Lực lượng hành pháp không phải là lực lượng đối lập của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng các thành viên gia đình của chúng tôi sẽ không bị quấy rối.


Hình : Ant, Sorec

Thông tin chính thức về cuộc đối thoại sẽ được mở lại để đàm phán giữa phong trào OCLP và chính phủ vẫn chưa được công bố.

Thông tin xác nhận của chính quyền đặc khu là thị trường tài chính quốc tế vẫn hoạt động và vận hàng tốt ở ngày hôm qua. Đây cũng là điểm win-win cho cả hai phe đang đối đầu lần này.

"On the whole, the financial market and the banking system are operating smoothly. The Hong Kong dollar exchange rate remains generally steady and the foreign exchange market is operating as usual" - Tổng hợp từ Twitter, Facebook Bao Thien và website OCLP.

Tình hình hôm nay tại Hong Kong vẫn yên tĩnh và diễn biến có vẻ giống với những gì đã diễn ra hôm qua.

Khu vực Admiratly (chính quyền đặc khu) có khoảng hơn 200 tình nguyện viên bám trụ qua đêm và ở lại trong buổi sáng.

Các nhân viên làm việc trong các hội sở chính quyền đến văn phòng sáng nay. Vài người trong số họ trên đường đi làm đã ghé vào gởi một ít thức ăn điểm tâm cho các tình nguyện viên OCLP.



Các tình nguyện viên nhận và phát thức ăn cho người biểu tình

Các nhân vật nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền đặc khu đã đến tư dinh riêng của trưởng đặc khu Lương Chấn Anh (Leung Chung-yin) để họp (trong đó có bà Carrie Lam). Tất cả đều im lặng và không dừng lại để trả lời phỏng vấn của nhiều phóng viên đang đứng chờ bên ngoài gần tư dinh ông Lương.

Khu vực Mong Kok đầu ngày thứ Ba có khoảng hơn 100 tình nguyện viên ở lại qua đêm và bám trụ vào buổi sáng. Khu vực này chính là điểm nóng "tiếp dân" của phong trào OCLP. Sáng nay họ liên tục tiếp các đoàn dân sống gần đó. Hôm nay là đoàn của các ông bà đã về hưu và thuộc thế hệ ông bà của những người trẻ đến để phản đối tụ tập và khuyên nhủ các cháu hãy giải tán và đi về nhà.

Vệ sinh đường phố luôn được đảm bảo sạch sẽ và thông thoáng mỗi ngày.
Các nhà vệ sinh xung quanh khu vực có đông tình nguyên viên tập tung lúc nào cũng đầy đủ các vật dụng cần thiết cho vệ sinh nam, nữ.

Ngoài đội ngũ các sinh viên tình nguyện thay ca dọn dẹp, lau dọn phòng vệ sinh và bổ sung các vật dụng cần thiết thì các công nhân vệ sinh trong các bệnh viện, toà nhà công sở gần đó cũng tình nguyện đến chia ca giúp đỡ các em sinh viên.





Vào buổi tối, có một nhóm thuộc lực lượng phản biểu tình anti-OCLP đã kéo đến khu trung tâm Admiralty.

Những người này được nhận diện bởi những dải ruy băng xanh (blue ribbons), và các tình nguyện viên OCLP đã cùng nhau hát bài "Happy Birthday" để chúc mừng sinh nhật cô Leticia Lee (nhân vật cầm mic trong ảnh), thành viên nhóm anti-OCLP.

Lãnh đạo Liên minh Tư pháp, Leticia Lee, chỉ trích phong trào OCLP. Cô yêu cầu người biểu tình chấm dứt phong trào, xin lỗi người dân HK và tự thú trước cảnh sát trước khi bị nhóm của cô đánh bại.

Tuy nhiên, đám đông vẫn hát bài chúc mừng sinh nhật rất vui vẻ, có lẽ lúng túng nên sau đó nhóm ruy băng xanh đã rời khỏi hiện trường, đám đông vẫy tay tạm biệt họ.

- Tại Mong Kok : cảnh sát đã yêu cầu người biểu tình phải rút lui khỏi khu vực chiếm đóng. Trong thông cáo báo chí phát đi lúc chiều tối nay giờ Hong Kong, có nội dung sơ lược như sau:

"Một số người đang tổ chức hoặc yêu cầu những người biểu tình ở lại và chiếm đường. Đây là một hành động hoàn toàn thiếu thận trọng, bỏ qua sự an toàn của những người khác, đặc biệt là giới trẻ. Họ cũng bỏ qua tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân gần đó. Họ phải chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ cuộc đối đầu tiếp tục và hỗn loạn."

Chúng tôi cho rằng: để ngăn chặn tội phạm bạo lực và giảm thiệt hại cho người và tài sản, chúng tôi sẽ có những hành động vào thời điểm thích hợp. Một lần nữa, vì lợi ích của an toàn cá nhân, tôi kêu gọi tất cả người dân ở đó, học sinh, người xem và những người khác hãy rời khỏi khu vực này.

Một số người biểu tình vẫn tụ tập bất hợp pháp tại đường Lung Wo và đại lộ Tim Wah. Họ đang chiếm đóng những con đường bất hợp pháp, gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Không chỉ có giao thông, mà còn các dịch vụ của chính phủ cung cấp cho công chúng nói chung cũng bị ảnh hưởng. Phương tiện đi lại không thể ra vào Trung tâm Complex. Hoạt động bình thường của Chính phủ bị ảnh hưởng trực tiếp, gây ra sự bất tiện đối với những người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ của chính phủ.
Chúng tôi kêu gọi họ rời khỏi một cách hòa bình và trật tự ngay lập tức, dẹp bỏ tất cả những chướng ngại vật để đảm bảo lưu thông.

Trong vài ngày qua, những người biểu tình có quan điểm khác nhau được sử dụng phương tiện rất hung dữ để bày tỏ quan điểm của họ, dẫn đến sự hỗn loạn hoặc thậm chí đối đầu bạo lực. Mọi người, bao gồm công dân và cảnh sát đã bị thương. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì cơ hội cao hơn là dẫn tới đối đầu. Đây không phải là những gì cảnh sát và công chúng muốn xem.

Hôm qua, tại hai địa điểm khoảng 100 mét từ những người biểu tình ở khu vực Hải quân, cảnh sát thu giữ vũ khí tấn công nguy hiểm, bao gồm cả dao . Chúng tôi đang tích cực truy lùng làm rõ.

Chúng tôi kêu gọi mọi người giữ quan điểm khác nhau để thực hiện theo quy định của pháp luật, giữ bình tĩnh và hợp tác với cảnh sát, để ngăn chặn ẩu đả. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ nhân lực và có những hành động nghiêm ngặt chống lại bất kỳ hành động bạo lực.

.......

Lưu ý rằng thời gian gần đây trong các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người đã đăng tải lên một số video clip gây hiểu lầm và cáo buộc rằng cảnh sát không thực hiện nhiệm vụ đúng cách. Có một lời cáo buộc rằng một sĩ quan mặc thường phục lẫn lộn với đám đông và kích động người biểu tình khác. Tôi ở đây để bác bỏ cáo buộc vững chắc. Điều này là hoàn toàn vô căn cứ và phỉ báng.

Tôi nhấn mạnh, tùy thuộc vào tình hình thực tế, cảnh sát sẽ triển khai nhân viên mặc đồng phục hoặc mặc thường phục để xử lý các trường hợp và báo cáo khác nhau. Nhiệm vụ của họ là như nhau, phòng ngừa tội phạm bảo vệ tính mạng và tài sản.

Những video clip gây hiểu lầm trong phương tiện truyền thông xã hội là rất không công bằng cho các cán bộ của chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình trên tiền tuyến.

Tôi nhắc lại lần nữa rằng những người biểu tình đã tụ tập trái phép và ngăn chặn những con đường bất hợp pháp đang ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống bình thường của công chúng và khiến người khác bất bình. Các cơ hội đối đầu bằng bạo lực ngày càng tăng, và các địa điểm đang trở thành khu vực có nguy cơ bạo động cao. Vì sự an toàn cá nhân, và sự an toàn của người khác, tất cả những người biểu tình nên loại bỏ những chướng ngại vật trên những con đường để đảm bảo giao thông và đời sống hàng ngày của tất cả mọi người có thể tiếp tục bình thường."

Phớt lờ những cảnh báo và cáo buộc từ cảnh sát, Đám đông vẫn tụ họp tại Admiralty và Mong Kok. Trên bục dành cho diễn giả, mọi người chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc phản đối chương trình đạo đức và giáo dục quốc gia năm 2012.




Vào lúc 11:10 đêm Hong Kong - Ông Lau Kong-wah, đại diện chính quyền đặc khu thông báo cho báo chí biết: 
họ đã thống nhất một cuộc gặp gỡ chính thức với đại diện phong trào sinh viên - học sinh vào lúc 4h chiều , ngày thứ Sáu tuần này. Địa điểm sẽ được thống nhất vào ngày mai. Cuộc họp sẽ là họp kín.

Lester Shum - đại diện của Liên hội sinh viên-học sinh đã họp báo tại Hong Kong University và thông cáo như sau:
"- Chúng tôi rất thất vọng với thái độ của phía chính quyền. Đại diện chính quyền chưa có bất kỳ câu trả lời nào đối với các yêu cầu của dân chúng một cách tích cực.

- Chúng tôi đã thông báo cho chính quyền biết, nếu chính quyền không hành xử chuẩn mực với OCLP, sự tin tưởng và hợp tác giữa sinh viên và chính quyền sẽ bị ảnh hưởng. Hy vọng dân chúng Hong Kong tạo thêm áp lực cho phía chính quyền.

- Chúng tôi tin tưởng rằng dân chúng Hong Kong rất mong muốn có được một cuộc đối thoại mang tính chất chính trị để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi muốn bà Lam đối mặt với những vấn đề đang có và không "chơi chiêu"

- Chúng tôi muốn người Hong Kong được hưởng quyền tự do căn bản để chọn ra cho mình người đứng đầu đặc khu. Chúng tôi mong mỏi dân chúng Hong Kong tiếp tục ủng hộ và tham gia phong trào OCLP cho đến khi phía chính quyền cho thấy có thiện chí và nhân nhượng trước những yêu cầu của người dân Hong Kong"

Shum cho biết thêm phía chính quyền trong cuộc họp sơ bộ đã né tránh trách nhiệm, và không có câu trả lời nào cho vấn để cải cách hệ thống.

"Chính quyền phải có các câu trả lời cho các yêu cầu của dân chúng và bà Lam phải chịu trách nhiệm việc này. Chúng tôi - những người khởi xướng phong trào OCLP đang lên kế hoạch các bước tiếp theo để thực hiện việc bất tuân dân sự. Chúng tôi tin rằng phong trào OCLP đã gây ra áp lực đáng ghi nhận lên phía chính quyền trong thời gian này."

Thủ lĩnh phong trào 學民思潮 Scholarism, Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), tối nay đã xuất hiện trong lời kêu gọi mọi người khắp nơi trên thế giới ký tên vào thỉnh nguyện dưới đây để ngăn chặn tình trạng sử dụng bạo lực với người biểu tình OCLP tại Hong Kong

http://occupyhk.wesign.it/en

Photo by : Juro Osawa
---------

Bình luận :

- Theo dõi diễn biến OCLP đến lúc này có thể thấy rất rõ sự chỉ đạo sát sao của Bắc Kinh đối với chính quyền đặc khu Hong Kong.

Từng bước đi rất thận trọng, kéo dài thời gian nhằm làm sinh viên mệt mỏi, chán nản.

Tuy nhiên, trong các thông cáo phát đi hàng đêm, các thủ lĩnh phong trào OCLP đã đáp trả bằng những thông điệp và động thái hết sức rõ ràng:

- Muốn đối thoại trước hết chính quyền phải thay đổi và có cách ứng xử thích hợp. Không có chuyện sinh viên rút lui để đối thoại.

OCLP vừa gây áp lực, vừa là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu yêu cầu qua đối thoại chứ không phải rút lui.
*Tổng hợp từ FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Twitter & Facebook
(Dân luận)

Một cái nhìn khác về quan hệ Việt-Mỹ

 
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến thăm và có cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 2/10/2014.
Quốc gia đang bị xếp vào loại kém phát triển như Việt Nam, chưa hẳn đã là hay khi thường xuyên phải xuất hiện trên các trang nhất báo chí và truyền thông quốc tế. Đặc biệt là xuất hiện trong tương quan giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nước lớn được cho là sẽ quyết định vận mệnh tương lai của khu vực và thế giới trong thế kỷ 21.
Dù sao mặc lòng, sau 40 năm cấm vận, tin Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí để giúp Việt Nam bảo vệ biển đảo, vẫn đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Quyết định lịch sử này đã được Ngoại trưởng John Kerry thông báo với đồng nhiệm Phạm Bình Minh trong những ngày đầu tháng Mười vừa qua tại Washington DC. Nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ bán máy bay tuần tra trên biển loại P3 Orion từng được quân đội nước này sử dụng.
Cân bằng địa-chính trị
Tuy nhiên, P3 chưa hẳn là vũ khí vạn năng. Vấn đề mấu chốt hơn là đừng để sau khi mua máy bay do thám về, thần Kim Quy lại tái hiện và kêu lên rằng, giặc đang ở sau lưng nhà vua đấy! Bởi lẽ giữa ngoại xâm và nội xâm, hai thách thức ấy đều gay gắt như nhau. Tham nhũng, mất dân chủ, đời sống văn hóa-giáo dục-kinh tế xuống cấp… những đe dọa này ai dám nói ít nguy hiểm hơn các hành động ngang ngược và hiểm hóc của Trung Quốc trên biển đảo hiện nay? Quốc dân đồng bào trong, ngoài nước ngày càng bức xúc trước việc Bắc Kinh mở rộng đảo Gạc Ma lên 100 ngàn m2. Cùng với cái gọi là “khai hoang” các bãi đá Chữ Thập, Tư Nghĩa, Châu Viên, Gaven và Subi (thuộc quần đảo Trường Sa), Trung Quốc đã làm biến dạng các thực thể địa lý đáng ra là những đảo tiền tiêu của Việt Nam trên Biển Đông thành dãy hành lang trổ ra đại dương, tựa như một cụm các hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm của họ.
Trong bối cảnh ấy, tư duy và hành động một cách thấu đáo hơn để kiến tạo nên một sức mạnh mềm nhằm quy tụ các lực lượng cân bằng và đối trọng trong khu vực là điều cấp bách. Trước sự cạnh tranh gay gắt, hợp tác cầm chừng hay mở rộng bang giao trong quan hệ Trung-Mỹ vào thập niên tới, Việt Nam làm thế nào để giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo, vẫn là bài toán lưỡng nan, cho dù chúng ta có trong tay bất cứ vũ khí hiện đại nào. Về mặt này, hẳn nhiên một mình yếu tố địa-chính trị của Việt Nam chưa đủ. Sự vênh nhau về thể chế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ còn là lực cản. Sức ép của Trung Quốc nhằm giảm thiểu xung lực trong quan hệ Việt-Mỹ cũng là yếu tố không thể coi thường. Mặt khác, hiện vẫn còn thiếu vắng một cộng đồng ASEAN thống nhất theo đúng nghĩa. Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc chưa hoàn thành xong quá trình định chế hóa chương trình hành động để đối phó với các thách thức liên khu vực.
Đa phần giới quan sát quốc tế dịp này đều công nhận, tuyên bố nới lỏng cấm vận đánh dấu một bước tiến lớn trong liên hệ quốc phòng hai nước theo thỏa thuận “đối tác toàn diện” ký kết năm 2013. Dấu hiệu tích cực này cho thấy sự tin cậy lẫn nhau mang tầm chiến lược giữa Washington và Hà Nội đang ngày càng gia tăng. Sự kiện này không chỉ giúp tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng, mà cả quan hệ chính trị giữa hai đối tác đặc biệt. Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, dỡ bỏ “nhẹ” lệnh cấm bán vũ khí là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng, giúp thúc đẩy các quan hệ hợp tác khác trong tương lai. Quan chức này cũng tiết lộ, Mỹ đã tăng ngân sách cho chương trình bán thiết bị quân sự nước ngoài (FMS). Chương trình này sẽ hỗ trợ Việt Nam mua sắm các thiết bị quốc phòng cần thiết.
Tuy nhiên, sự cân bằng giữa Việt Nam với các nước lớn chỉ có thể trở thành sức nặng trên bàn cờ địa-chính trị nếu “lòng tin chiến lược” của các bên từ nay vượt được lên trên làn ranh “ý thức hệ”. Sự vênh nhau về thể chế giữa hai nước vẫn còn là lực cản. Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ “lòng tin chiến lược”, vừa hô hoán chống “diễn biến hòa bình”. Thay đổi não trạng, vì vậy, là vấn đề mấu chốt từ nay nếu cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ thực sự cho rằng một kỷ nguyên mới đang đón đợi tương lai mối quan hệ song phương đầy duyên nợ này. Hoa Kỳ, hơn một lần đã tuyên bố ở mức cao nhất (các đời Tổng thống Mỹ gần đây đều cam kết trực tiếp), tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trục chống phát xít Xô-Mỹ-Anh trước đây, mặt trận toàn cầu chống ISIS hiện nay (có tin Mỹ cũng đang vận động Trung Quốc tham gia) đã và đang là những giá trị làm nên mảng sáng trong lịch sử nhân loại.
Thỏa thuận Mỹ-Việt vừa công bố thật ra vượt ra ngoài khá xa câu chuyện vũ khí. Đây là câu chuyện vật đổi sao dời trong bang giao quốc tế ở khu vực và cả trên cấp độ toàn cầu. Cái dàn khoan 981 của Trung Quốc cắm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như cách hành xử bất chấp đạo lý và bất tuân luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong, trước và cả sau “thời gian giàn khoan” làm thế giới phải giật mình. Các nhà chiến lược đang tập trung tìm câu trả lời: Trung Quốc muốn gì? Cái vạc dầu châu Á bị “hun” thêm như báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên Thái Bình Dương yên tĩnh. Thế nhưng chính vào lúc “dầu sôi lửa bỏng” này, từ EU đến Nhật Bản, từ Ấn Độ đến Hàn Quốc và Úc châu đều lại chìa bàn tay tin cậy cho Việt Nam. Câu hỏi “Tại sao Việt Nam” một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của nhân loại? (“Why Vietnam?” là hồi ký về chiến tranh Việt Nam).
Di sản như một minh triết
Cách đây hơn 150 năm, chủ yếu bằng ngoại giao, vua Tự Đức cũng đã kiên trì nổ lực nhằm cứu vãn chủ quyền đất nước, nhưng không thành công. Trong Luận văn tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi, giảng viên Đại học Tokyo đã đúc kết bốn nguyên nhân khiến Việt Nam lúc bấy giờ không đương đầu nổi với các áp đảo hung hãn từ bên ngoài. Lý do đầu tiên là lòng dân, yếu tố quan trọng nhất quy tụ mọi lực lượng quốc gia, bị ly tán. Những lý do kế tiếp là sự yếu kém về kinh tế, sự tụt hậu về chính trị và cuối cùng là gánh nặng về di sản. Cả bốn yếu tố này đã hủy hoại sức đề kháng của đất nước, khiến cho thế quân bình với hai cường quốc lúc bầy giờ là Pháp và Trung Hoa bị sụp đổ. Thay vì vượt qua được cơn nguy khốn, hoạt động ngoại giao của chính quyền (vừa cầu hòa với Pháp, vừa triều cống Trung Hoa) đã dẫn đến các xung đột mà chiến trường lại diễn ra ngay trên đất nước Việt Nam.
Khó có thể phát huy hiệu quả các loại quan hệ, dù là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” với cộng đồng quốc tế nếu bản thân quốc gia lại theo đuổi một pe-rơ-đam lạc lõng.
Dường như có một số điều nào đó từ các nguyên nhân “gốc rễ” kể trên mà tận cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn vướng bận chưa giã từ được dĩ vãng. Giờ đây, nếu nhìn Việt Nam không như một thực thể chính trị, mà xét từ một góc độ khác – mổ sẻ sâu hơn vào cái bản thể xã hội – nhìn thấu cái “tạng” của quốc gia-dân tộc mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự thành bại trong việc đối phó với các thách thức “định mệnh” tới đây vẫn nằm sâu trong bản sắc văn hóa. Vua Tự Đức và các lão tướng thời ấy đã bị đánh gục không phương cứu chữa là do tất cả đều bị cầm tù bởi cái ý thức hệ và nền văn hóa chính trị quá lạc lõng. Và kết cục là Việt Nam đã tụt hậu hơn đối thủ cả một thời đại. Không thua mới là chuyện lạ và có thể coi các bậc tiên tổ từng chiến bại ấy chính là “những anh hùng lạc thời đại”(từ của Nguyên Ngọc).
Từ di sản quá khứ, cái “minh triết bảo thân” đang thúc đẩy chúng ta phải gấp rút tiến lên cùng thời đại. Thật là quá bất cập nếu quản trị đất nước bằng tư duy của các thế kỷ trước. Khó có thể phát huy hiệu quả các loại quan hệ, dù là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” với cộng đồng quốc tế nếu bản thân quốc gia lại theo đuổi một pe-rơ-đam lạc lõng. Thật khó thuyết phục, khi trong bang giao, chúng ta kêu gọi áp dụng các quy chuẩn của pháp quyền như viện dẫn Hiến chương LHQ, Luật UNCLOS hay COC… nhưng lại chưa thật sự chú ý ưu tiên các giá trị phổ quát ấy trong nội trị hay trong đàm phán các hiệp định quốc tế như WTO hay TPP. Thế kỷ 21 này là thế kỷ của tự do và sáng tạo. Mọi lý thuyết và mô hình, kể cả những thứ đã làm nên phép lạ ở các nước Nhật Bản, Tây Âu hay Hoa Kỳ cũng đều đang được điều chỉnh lại và tái cấu trúc.
Ngoại trưởng John Kerry trong buổi gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đã ca ngợi Việt Nam ngày nay là một đất nước hiện đại. Tuy nhiên, là người trong cuộc, chúng ta hiểu hơn ai hết, khoảng cách giữa một Việt Nam còn phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức kép và một Việt Nam đàng hoàng, thịnh vượng trong tương lai. Trước đây phần tư thế kỷ, nhà thơ Nguyễn Duy từng cảm thán, sau lưng chúng ta là những kỷ niệm bi tráng, trước mặt chúng ta là con đường gập ghềnh. Vậy mà bao nhiêu trái tim ấy vẫn nhiễm bệnh “đập cầm chừng”? Bao nhiêu khối óc ấy vẫn mắc chứng “khối u tự mãn”? Chúng ta hãy mau chóng hành động khẩn trương, đừng ngồi yên ca mãi khúc nguyện cầu “đánh thức tiềm lực!”
Đừng lặp lại lịch sử để rồi bị coi là “những anh hùng lạc thời đại”, càng không thể để láng giềng phương Bắc gọi chúng ta là “những đứa con hoang đàng”.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
Gửi cho BBC từ Việt Nam
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.
(BBC)

Giới hoạt động nhân quyền nêu nghi vấn về việc Mỹ bán vũ khí cho VN

Một trong những thiết bị quân sự đầu tiên Mỹ có thể bán cho Việt Nam là máy bay trinh sát P-3 Orion.
Một trong những thiết bị quân sự đầu tiên Mỹ có thể bán cho Việt Nam là máy bay trinh sát P-3 Orion.

Hà Nội - Thông báo tuần trước về việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã được hoan nghênh như một bước quan trọng trong việc làm nồng ấm quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích quyết định này. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Marianne Brown gửi về bài tường trình sau đây.

Mặc dầu được đưa ra chỉ vài tháng sau khi một giàn khoan dầu được hạ đặt trong vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền châm ngòi cho vụ giằng co căng thẳng giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng quyết định nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam không có tính cách ‘bài Trung Quốc’. Thay vì thế, Bộ cho biết quyết định này một phần nhằm đáp lại tình trạng thiếu khả năng hàng hải trong khu vực.

Tiến sĩ Ian Storey, Giảng viên kỳ cựu tại Học viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, gọi tắt là ISEAS, ở Singapore, nói rằng quyết định này 'dứt khoát đã được thúc nhanh bởi vụ khủng hoảng giàn khoan dầu'.

“Nó nêu bật mối quan ngại ngày càng tăng của nước Mỹ về những diễn biến mới đây ở Biển Đông và nhất là về cách nhìn thái độ hung hãn của Trung Quốc có khả năng gây phương hại cho các quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng biển này.”

Theo ông Storey, quyết định nởi lỏng lệnh cấm vận chủ yếu mang tính tượng trưng bởi vì Việt Nam có mối quan hệ lâu nay với Nga để mua thiết bị với giá rẻ hơn nhiều.

Có tin đồn rằng Việt Nam muốn mua máy bay tuần tiễu P-3 Orion để dùng vào việc trinh sát hàng hải.

Việt Nam đã vận động Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận từ nhiều năm nay, nhưng một điều kiện Washington đề ra là cải thiện nhân quyền.

Sau đây vẫn là nhận định của ông Storey:

“Họ đã đi né tránh một phần bằng cách nói rằng Việt Nam đã cải thiện tình trạng nhân quyền mặc dầu sự cải thiện không lớn lao mấy. Thứ nhì, họ nói rằng họ sẽ cung cấp thiết bị phi sát thương để cải tiến tình trạng cảnh báo khu vực hàng hải, vì thế chúng ta không nói về tàu ngầm hay tàu chiến hoặc loại thiết bị đó, mà chỉ giúp cho Việt Nam cải thiện giám sát hàng hải trong vùng đặc khu kinh tế.”

Trong bài báo viết cho tờ Chính sách Đối ngoại, Giám đốc về Ủng hộ châu Á cho tổ chức Human Rights Watch, ông John Sifton chỉ trích quyết định dỡ cấm vận, và nói rằng nó 'làm suy yếu công tác can trường của các nhà hoạt động Việt Nam' đang tìm cách buộc Hoa Kỳ làm áp lực đòi Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền.


 Ông Lê Quốc Quyết, em trai của Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân.
 Ông Lê Quốc Quyết, em trai của Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân.

Ông Lê Quốc Quyết, em trai của luật sư Lê Quốc Quân, một trong các nhân vật bất đồng nổi tiếng của Việt Nam, bị tù hồi năm ngoái về tội trốn thuế, một cáo buộc mà giới chỉ trích nói là có động cơ chính trị.

“Hoa Kỳ quan ngại về nhân quyền ở Việt Nam, nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết (để bãi bỏ lệnh cấm vận). Họ quan ngại về nhiều vấn đề khác cũng như vấn đề nhân quyền.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từng tuyên bố Việt Nam cần phải cải thiện thành tích nhân quyền, và Washington tiếp tục đánh gia quan hệ an ninh với Hà Nội.

Ông Nguyễn Trí Dũng là con trai của blogger bất đồng chính kiến Điếu Cày, người đang thụ án tù 12 năm vì tội tuyên truyền chống nhà nước.

Tuần trước, ông Dũng nói lần đầu tiên cha ông được các giới chức Đại sứ quán Hoa Kỳ đến thăm. Cho đến giờ này, ông chỉ được phép gặp gia đình. Theo ông Dũng, đây là một dấu hiệu chính phủ Việt Nam đang cứu xét việc phóng thích cha ông.

Ông Dũng tin rằng sự kiện này có liên hệ đến việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí.

Nguyễn Trí Dũng, con trai blogger Điếu Cày.
Nguyễn Trí Dũng, con trai blogger Điếu Cày.

“Tôi nghĩ nếu cha tôi được thả, thì phải có liên hệ gì đó với thoả thuận bởi vì tôi biết họ từ lâu. Ý tôi nói là chính phủ Việt Nam. Họ sẽ không làm điều gì không có lợi cho họ.”

Tuy nhiên, trong khi gia đình ông hoan nghênh khả năng đó, ông Dũng nói ông đồng ý rằng Hoa Kỳ không nên bán vũ khí cho Việt Nam trong khi thành tích về nhân quyền của Việt Nam vẫn còn yếu kém.

“Chúng ta cần phải có quyết định quan trọng như bãi bỏ Điều luật 88 về tuyên truyền chống nhà nước và Điều luật 79 về những người có hành động chống phá nhà nước, hay Điều luật 258 cấm mọi người nói chuyện trên Facebook hay Internet về nhà nước. Với những điều luật này, chính phủ có thể bắt bất cứ ai họ muốn mà không cần có lý do nào cả.”

Ông nói ông nghĩ rằng nếu cha ông được trả tự do, ông ấy sẽ không được phép ở lại Việt Nam và có phần chắc sẽ được đề nghị đi sống lưu vong ở Hoa Kỳ.

Trong khi những đồn đoán tiếp tục về loại thiết bị nào Việt Nam sẽ mua, quyết định này có phần chắc sẽ gây ra những làn sóng phản ứng trong các phe phái nội bộ ở Việt Nam trong khi một số tìm cách có quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh chưa đưa ra lời bình luận về quyết định đó.
Marianne Brown
(VOA)

Hải tặc cướp tàu dầu Việt Nam từ Singapore về Quảng Trị ?

media
Tàu chở dầu Việt Nam mang số hiệu MT Sunrise 689.
Một chiếc tàu chở dầu mang cờ hiệu Việt Nam vừa bị mất tích trên đường đi từ Singapore về Quảng Trị. Trong một lời báo động được công bố vào hôm nay, 07/10/2014, cơ quan quốc tế chuyên trách theo dõi nạn cướp biển, trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã tỏ ý lo ngại trước khả năng chiếc tàu bị hải tặc cướp đi.
Trung tâm Báo cáo về Hải tặc (Piracy Reporting Center) thuộc Văn phòng Hàng hải Quốc tế (International Maritime Bureau), cho biết chiếc tàu chở dầu mang tên MT Sunrise 689 đã hoàn toàn bị mất liên lạc ít lâu sau khi rời cảng Singapore vào ngày 02/10 vừa qua, và « không rõ về số phận của thủy thủ đoàn cũng như chiếc tàu ».
Theo báo chí Việt Nam, chiếc tàu thuộc quyền sở hữu của Công ty Đóng tàu Thủy sản Hải Phòng, bên trên có 18 thủy thủ đều là người Việt. Chiếc tàu này đã bị mất liên lạc không đầy một tiếng đồng hồ sau khi rời cảng Singapore, trên đường về Quảng Trị (miền Trung Việt Nam), chở theo hơn 5000 tấn dầu Gasoil.
Sau khi được tin chiếc tàu bị mất tích, chính quyền Việt Nam đã kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả các cơ quan chức năng cũng như lực lượng cảnh sát biển của các nước trong vùng – từ Trung Quốc, Malaysia, cho đến Singpore, Indonesia – để tìm kiếm tông tích chiếc tàu.
Giả thuyết chiếc tàu dầu Việt Nam bị cướp biển tấn công và mang đi hiện đang được chú trọng vì lẽ trong năm nay, nạn hải tặc trong vùng biển Đông Nam Á đã rộ lên trở lại, với các vụ cướp ngày càng táo bạo đa số nhắm vào tàu lớn như tàu chở dầu chẳng hạn.
Cướp biển tập trung tại vùng eo biển Malacca nằm giữa Malaysia, Indonesia và Singapore. Đã có nhiều chiếc tàu chở dầu bị chặn cướp, dầu bị hút và san qua những chiếc tàu nhỏ hơn của hải tặc. Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy có báo cáo nào về việc hải tặc sát hại thủy thủ trên tàu bị cướp.
Trong vòng một thập niên trước đây, tệ nạn hải tặc rất nghiêm trọng tại vùng Đông Nam Á từng có dấu hiệu bị tạm thời dẹp yên nhờ nỗ lực của các lực lượng hải quân trong khu vực. Chiều hướng cướp biển ngóc đầu trở lại trong vùng do đó đã gây quan ngại rất lớn, và Cơ quan Hàng hải Quốc tế đã kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác để đối phó với tệ nạn cướp biển.
Theo giới chuyên gia, với kinh tế vùng Đông Á càng lúc càng phát triển, hàng hóa và dầu hỏa chuyển vận qua eo biển Malacca và vùng Biển Đông càng lúc càng nhiều. Điều này đã kích thích lòng tham của nhiều băng cướp mới, rất có thể là do các mạng lưới tội phạm có tổ chức lớn điều hành.
Trọng Nghĩa
(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét