Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Sự thật và dân chủ

Nguyễn Thị Từ Huy - Sự thật và dân chủ

Trong những ngày này, khi hình ảnh của sinh viên và người dân Hong Kong tràn ngập trên truyền thông của thế giới, đã có nhiều lý giải về việc tại sao những gì đang diễn ra ở Hong Kong lại đã không thể diễn ra ở Việt Nam, và chưa biết bao giờ mới có thể hình dung một cảnh tượng như thế ở Việt Nam.
Hẳn nhiều người, dù không nói ra, cũng tự đặt cho mình những câu hỏi trước vấn đề này.
Những suy nghĩ đó tất yếu sẽ dẫn đến những đánh giá về hiệu quả của phong trào dân chủ Việt Nam, như ta đã đọc được trong một số bài. Chắn chắn sẽ còn nhiều suy nghĩ, nhiều kiến giải về xu hướng dân chủ ở Việt Nam, trong đó có thể sẽ có cả sự tự vấn của những người làm dân chủ. Mà thực ra, chỉ khi nào có sự tự vấn khi đó mới hy vọng có được sự chuyển biến về chất.
 
Ở bài này, khi nghĩ về việc tại sao Việt Nam chưa thể có được cái sự kiện đẹp đẽ mà Hong Kong đang trình diễn cho toàn thế giới ngưỡng mộ, tôi buộc phải đối diện với thực tế. Ở đây, tôi chỉ giới hạn ở một điểm, một điểm thuộc về những nguyên nhân khiến cho những người muốn phổ biến các hoạt động dân chủ trên diện rộng không (hoặc chưa) có được hiệu quả mong muốn. Mặc dù, tôi hay bất kỳ ai khác đều phải thừa nhận những bước tiến rõ rệt của phong trào dân chủ. (Dĩ nhiên, cần phải có các nghiên cứu để xác định từ lúc nào thì các hoạt động dân chủ ở Việt Nam trở thành phong trào. Trước những năm 2000 có lẽ khó mà dùng từ « phong trào » để chỉ các hoạt động chống độc tài ở Việt Nam, vốn được thực hiện bởi các cá nhân phần lớn là đơn độc, hoặc các nhóm rất nhỏ.) Có lẽ khoảng độ chục năm trở lại đây trong xã hội chúng ta mới hình thành một mong muốn phổ biến các hoạt động dân chủ trên diện rộng.
Để phân tích điểm hạn chế này, tôi sẽ dựa trên một luận điểm của Václav Havel, khi ông nhận xét về xã hội Tiệp Khắc, vào thời kỳ đất nước này còn ở trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, tức là cái hệ thống mà hiện nay Việt Nam vẫn đang thuộc về: « Do đó, có thể nói, trong hệ thống hậu toàn trị, ý thức hệ (với vai trò là công cụ truyền đạt nội bộ, bảo đảm sự nhất quán nội tại cho cấu trúc quyền lực)  là cái gì đó vượt lên các khía cạnh vật chất của quyền lực, một cái gì đó thống trị quyền lực ở mức độ đáng kể, và do đó có xu hướng đảm bảo sự liên tục của quyền lực. Nó là một trong những trụ cột của sự ổn định bên ngoài của hệ thống. Trụ cột này, tuy thế, được xây dựng trên nền đất yếu. Nó được dựng trên những lời dối trá. Nó chỉ dùng được chừng nào mà con người còn sẵn sàng sống trong sự dối trá ấy. » (Trích trong cuốn « Quyền lực của kẻ không quyền lực ».  Độc giả có thể tìm đọc bản in của NXB Giấy Vụn, ở đây tôi không có bản in nên phải dùng bản pdf. Đây là một cuốn sách rất cần thiết cho chúng ta).
Nếu dựa vào định nghĩa của Havel thì xã hội Việt Nam hiện nay có thể được xem là xã hội hậu toàn trị, nó mang đầy đủ các đặc điểm của hệ thống hậu toàn trị (chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này vào dịp khác). Về căn bản, « nó được dựng trên những lời dối trá » ; và đặc biệt, đúng như Havel nói, xã hội chúng ta vẫn còn tồn tại như hiện nay, bởi vì « con người còn sẵn sàng sống trong sự dối trá ấy. »
Không cần phải nói nhiều, làm mất thời gian quý báu của độc giả, chúng ta ai cũng đã có kinh nghiệm thực tế về việc để tồn tại phải dối trá ; và những ai muốn thành công trong một đất nước mà sự dối trá là nền tảng của sự vận hành xã hội thì càng phải nói dối giỏi. Hãy lấy trường hợp Tố Hữu làm một ví dụ để xem xét sẽ thấy rõ điều này. Chỉ cần đặt các chức vụ mà Tố Hữu nắm giữ bên cạnh câu thơ : « Tiếng đầu lòng con gọi Stalin » để thấy tỉ lệ thuận giữa khả năng dối trá và các nấc thang thành công trong xã hội.
   
 Con người trong xã hội chúng ta đã tập quen sống với sự dối trá, từ sau cách mạng tháng 8 đến nay đã gần một thế kỷ. Sẽ vô cùng tệ hại nếu dối trá trở thành tính cách chung của cả một dân tộc. Nhưng chẳng phải chúng ta đã có những biểu hiện của cái tính cách chung này hay sao, chẳng phải báo chí chúng ta đưa tin về việc ở Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, người Việt Nam bị nhìn như là những kẻ ăn cắp, chẳng phải tham nhũng đã trở thành thói quen chung của mọi bộ phận người dân trong xã hội chứ chẳng riêng gì tầng lớp lãnh đạo, chẳng phải đạo văn đang trở thành vấn nạn ở giới đại học, chẳng phải quay cóp cũng đang là vấn nạn ở trường phổ thông các cấp ? Ăn cắp, tham nhũng, đạo văn, quay cóp… không phải dối trá thì là gì ?
Con người quen với sự dối trá, sẽ ủng hộ dối trá, xa lánh những người nói thật, hoặc đàn áp, trừng phạt những người nói thật, không chỉ vì sợ hệ thống trừng phạt, mà còn vì họ đã tha hóa đến mức chính họ cũng không còn chấp nhận nổi sự thật. Họ lợi dụng hệ thống đó để làm lợi cho họ về kinh tế và về danh tiếng. Nên rút cuộc họ cũng đồng nhất với hệ thống và không chấp nhận nổi những người trung thực (hãy nhớ lại trường hợp của thầy giáo Đỗ Việt Khoa). Havel đã nhìn rất rõ điều này, khi viết :
« Do đó, không chỉ hệ thống tha hóa con người, mà cùng lúc, nhân loại tha hóa cũng ủng hộ hệ thống này như thể đó là kế hoạch tự nguyện của họ, như là hình ảnh suy đồi của sự suy đồi của chính họ, như là bảng kê sự thất bại của chính con người với tư cách là các cá nhân. » (trích « Quyền lực của kẻ không quyền lực »)
   Quay trở lại với cái mong muốn phổ biến các hoạt động dân chủ thành phong trào rộng lớn, và tại sao trong thực tế mong muốn đó chưa có được hiệu quả đáng mong đợi. Điều này liên quan gì đến bản chất dối trá của chế độ mà ta vừa nói đến ở trên ?
  
  Sự liên quan là ở chỗ, dường như chúng ta chưa thực sự hiểu điều mà Havel đã nói rất rõ trong tác phẩm của mình : nền tảng, trụ cột của xã hội hậu toàn trị là sự giả dối, và chỉ có thể chống lại nó khi các cá nhân trong xã hội đó quyết định sống trong sự thật. Trong cuốn sách của mình, Havel đã cho thấy rằng, dù chỉ là gỡ cái khẩu hiệu khỏi cửa hàng bán rau thôi thì người chủ cửa hàng cũng đã phải trả giá, phải mất mát quyền lợi, bù lại thì anh ta được sống thật. Và như Havel nói, ở Tiệp Khắc, từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, mỗi góc phố đều đã có những người sống trong sự thật. Sự thật chính là quyền lực của những người không có quyền lực, sự thật sẽ đưa họ tới chỗ làm sụp đổ hệ thống toàn trị.
   Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, ngay cả những người kêu gọi dân chủ hóa, kêu gọi thay đổi thể chế, và tiến hành các hoạt động nhằm tạo ra những phong trào rộng trong dân chúng để đòi dân chủ hóa, cũng vẫn chọn lựa thỏa hiệp với sự dối trá. (Ở đây tôi bỏ sang một bên những người đã kiên quyết sống trong sự thật và sống cho sự thật và do đó đã phải trả giá, nhiều thì phải vào tù, ít thì phải mất công việc, hoặc bị hành hạ theo nhiều kiểu khác nhau. Số này còn đang rất ít.)
  
  Vừa kêu gọi dân chủ hóa vừa thỏa hiệp với sự dối trá thì sẽ không đạt được hiệu quả. Bởi vì : thích nghi và thỏa hiệp với sự dối trá sẽ tạo ra chính sự dối trá.
Dù rằng những người thỏa hiệp có thể tự nhủ mình rằng : « các thỏa hiệp là cần thiết để đạt mục đích, chỉ phải thỏa hiệp giai đoạn đầu thôi, còn khi đã thành công rồi, tổ chức đã vững mạnh rồi, sẽ có thể thực hiện theo ý mình để đạt mục đích ».  Nhưng họ không thấy rằng, cái mục đích mà họ đạt được (nhờ thỏa hiệp và dối trá)  trong thực tế khác rất xa với cái mục đích ban đầu mà có thể họ hình dung trong đầu họ. Chính sự thỏa hiệp buộc họ phải giả dối, và cái họ đạt được trong thực tế là kết quả của sự giả dối đó. Những động cơ ban đầu, dù có thành thực đến đâu, rốt cuộc cũng đã bị làm biến dạng. Và không chỉ mục đích của công việc biến dạng, bản thân con người thỏa hiệp cũng trở nên giả dối như chính môi trường mà họ buộc phải hòa nhập bằng cách thỏa hiệp.
Khi thỏa hiệp với chính quyền, khi tham gia vào dòng chảy dối trá thường nhật, trong công việc, trong quan hệ v.v… những người muốn làm dân chủ không tránh được phải tham gia vào những trò diễn dối trá, mà đôi khi họ là nhân vật chính trong đó. Vì thế mà xảy ra hiện tượng : giữa những lời kêu gọi và hành động của họ có lúc không có sự nhất quán, lời nói của họ đâm ra ít trọng lượng. Họ kêu gọi nhiều hơn là hành động, họ kêu gọi người khác hành động nhưng bản thân họ không hành động, do vậy, họ không thể đóng vai trò làm gương - điều tạo nên sức thu hút của những người làm chính trị đích thực. Đồng thời, việc họ không chấp nhận trả giá cũng khiến cho lời kêu gọi của họ thành ra ít hiệu quả.
Có lẽ mỗi người Việt Nam cần tìm cách giải đáp câu hỏi này : làm sao để có thể vừa làm việc với chính quyền mà lại vừa không thỏa hiệp với sự dối trá, nghĩa là vừa được sống trong sự thật ?
Làm sao phong trào dân chủ Việt Nam có thể có thành tựu, nếu những người muốn phổ biến phong trào đó vẫn chấp nhận sống trong giả dối, chấp nhận thỏa hiệp với sự giả dối, và có những phát ngôn dối trá? Sự thỏa hiệp sẽ biến phong trào thành một cái gì nửa nạc nửa mỡ, mà rủi thay, sẽ chẳng có chất siêu nạc nào có thể biến cái phần mỡ thành nạc, nếu những người làm dân chủ không đủ quyết liệt để dấn thân cho sự thật.
Nếu không ý thức được điều này, không ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sống trong sự thật, thì phong trào dân chủ của chúng ta rất có thể lại sẽ đưa lên những biểu tượng mới cũng dối trá chẳng kém gì những biểu tượng cũ, và trong tương lai sẽ dẫn chúng ta quay trở về với hình thái độc tài, theo cách này hay cách khác.
Những người làm dân chủ thực sự phải là những người có khả năng sống thật và dám sống trong sự thật. Và trong một bối cảnh như bối cảnh hiện tại của chúng ta, điều đó không dễ dàng, và đòi hỏi phải trả giá, bằng cách này hay cách khác. Nhưng hãy nhìn những sinh viên non trẻ của Hong Kong để thấy rằng tương lai phụ thuộc vào hành động của ngày hôm nay. Sống thật thì không dễ dàng, nhưng lại chẳng khó khăn gì để hình dung cái tương lai được xây dựng trên sự ươn hèn và dối trá của chúng ta hiện nay.
Không thắng được sự dối trá này chúng ta sẽ không thắng được chế độ hậu toàn trị. Chúng ta sẽ mất hết phẩm giá mà chấp nhận làm nô lệ cho nó, cho cái thể chế hạ nhục con người đang hoành hành trên xứ sở chúng ta.
Paris, 4/10/2014
Nguyễn Thị Từ Huy   (RFA)

SỬA SAI BẰNG ... ĐÍNH CHÍNH: KỸ THUẬT LÀM LUẬT "MADE IN VIETNAM"

Minh Tâm
4-10-2014
Trong quá trình kiểm tra phát hiện văn bản chỉ sai về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày còn nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp thì đính chính đối với những sai sót đó”.
Điều 30 của Nghị định 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, quy định như vậy khi ban hành “văn bản đính chính”.
Tuy nhiên Bộ Công an thì cho mình quyền không bận tâm chuyện “hợp hiến”, “hợp pháp”.

Cấm cửa luật sư

Ngày 07-7-2014, Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân. Giới luật sư cả nước phản đối điều 38 của Thông tư này, vì rất dễ bị điều tra viên và cơ quan điều tra lạm dụng để làm khó luật sư.
Đại diện Bộ Công an giải thích rằng: Điều 38 Thông tư 28 xuất phát từ quy định về nghĩa vụ của luật sư theo Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự và chỉ áp dụng đối với những luật sư có vi phạm trong quá trình tham gia điều tra.
Nhưng những luật sư thường xuyên tham gia tố tụng trong các vụ án, đặc biệt là án hình sự thì rất “sốc” với Điều 38 Thông tư số 28/2014/TT-BCA.
Điều 38, quy định: Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ.
Tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý, điều tra viên báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Tai, mắt… luật sư

Thần thoại Trung Hoa có Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ là 2 vị thần có mắt nhìn xa nghìn dặm, có tai nghe những âm thanh theo gió. Luật sư Việt Nam cũng buộc phải có mắt và tai như hai ông thần này.
Trước đây, Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10-10-2011 của Bộ công an quy định: Khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, luật sư phải xuất trình “Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can; giấy yêu cầu luật sư của người thân người bị tạm giữ, bị can (đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có giấy nhờ người thân liên hệ nhờ luật sư bào chữa)” – Trong khi họ đang bị cách ly, không thể tiếp xúc được với luật sư hay người thân….
Quy định này đã và đang khiến cho những người bị tam giữ, bị can đang bị tạm giam khó có thể thực hiện quyền được bào chữa của mình. Với quy định này đã làm mất quyền của người thân bị can trong việc nhờ luật sư bào chữa cho các bị can (người thân của họ).
Quy định này chưa được gỡ bỏ thì Bộ công an lại “âm thầm” cho ra đời Thông tư số 28/2014/TT-BCA (thông tư này không lấy ý kiến của Liên đoàn luật sư Việt Nam) gây cản trở quá trình hành nghề của luật sư.
Miệng nhà quan

Với những từ ngữ chung chung tại Điều 38 của Thông tư này như đã nêu ở trên “xúi giục khai báo gian dối”, “ngăn cản việc khai báo”, “khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ”, “hành vi…khác”…, nếu cộng với ý thức kém, kém cái tâm của người tiến hành tố tụng thì người bào chữa (luật sư) không thể hành nghề, tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra được. Chính vì vậy, những luật sư đã và đang bị làm khó và các luật sư hiểu về thực trạng tố tụng hình sự mới có phản ứng quyết liệt đến như vậy.
Vấp sự phản ứng mạnh mẽ của giới luật sư trên các diễn đàn, ngày 17-8-2014, Bộ Công an đã tiếp thu những kiến nghị đó bằng việc ban hành Quyết định 4740/QĐ-BCA… đính chính Thông tư 28 để sửa đổi, bổ sung điều 38.
Theo đó, 
tại Điều 38: - Tên điều: thay cụm từ “việc xử lý vi phạm đối với” bằng cụm từ “trường hợp phát hiện hành vi vi phạm của”. - Khoản 1: bỏ các cụm từ “cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như:”, “ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật”, “có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành các biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ”
Thay cụm từ “kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác” bằng cụm từ “tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật hoặc tiết lộ bí mật điều tra”.
Cụ thể, khoản 1 Điều 38 sau khi đính chính, được thể hiện lại như sau:

1. Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên”.
Rõ ràng, nội dung điều 38 không phù hợp từ lúc ban hành (bị dư luận phản ánh) nên mới được sửa đổi, bổ sung chứ không phải do sai sót kỹ thuật trình bày văn bản. Đáng lẽ ra, Bộ Công an phải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 28 theo luật định chứ không phải quyết định hành chính để sửa đổi.
Dư luận tỏ ra nghi ngờ: Phải chăng Bộ Công an không biết luật? Hèn chi ở vụ án “Nhóm Bùi Hằng” xét xử vừa qua ở Cao Lãnh, công an Đồng Tháp đã bất chấp luật pháp để ngang nhiên bắt giữ tùy thích bất kỳ người dân nào muốn vào xem xét xử.
Không chỉ vậy, công an ở TP.HCM cũng “giăng lưới” để “hốt” công dân nào muốn về xem tòa xử “hai xe – ba hàng”…
Minh Tâm
Trí Nhân Media

AFR Dân Nguyễn - Lại nói về giống chuột

Phát biểu trước cử tri Hà Nội, ông Nguyễn phú Trọng nói về tham nhũng và việc chống tham nhũng. Đó là đề tài không thể không đề cập, bởi tính thời sự, bởi sự  bức xúc mà nó gây ra, là nguyên nhân làm nghèo Đất Nước, là nguyên nhân trực tiếp gây ra các tệ nạn xã hội…

Ông Trọng đề cập tới vấn nạn tham nhũng, nhưng thật ra lại né tránh vấn đề gai góc này. Không bình luận về nét mặt lúc nào cũng nghệt nghệt khi tiếp xúc với đám đông, hay giọng nói đều đều buồn ngủ, thiếu sinh khí của ông…mà chỉ bình luận về nội dung phát biểu của ngài tổng bí thư.

Ông Trọng nói về chống tham nhũng, minh họa bằng việc đánh một con chuột với việc bảo vệ chiếc bình. Nếu chỉ là chú chuột nhắt lẩn khuất trong căn phòng, lấy cái bình làm bình phong, làm nơi trú ẩn, thì cũng là điều đáng suy nghĩ liệu diệt con chuột hay bảo vệ chiếc bình. Nhưng nếu chú chuột nhắt này nhiều phen nhảy lên mâm bàn, cắn quần áo, chén cả thức ăn dành cho con trẻ, gây rất nhiều phiền toái cho chủ nhà, thì việc tiêu diệt con chuột này thiết nghĩ cũng nên đặt ra, nhất là khi nơi trú ngụ của con chuột chỉ là chiếc bình…vôi cũ kỹ, thì sợ gì việc “vỡ bình”.

Nhưng đó là một con chuột và một chiếc bình vôi. Trong thực tế không phải chỉ có vậy. Để minh họa cho nạn tham nhũng đã “trở thành quốc nạn”, trở thành “giặc nội xâm”, “đe dọa sự tồn vong của chế độ”… thì không thể ví việc chống tham nhũng là săn bẫy một con chuột nhắt được. Đây là cách nói rất láu cá, kiểu tinh ranh rất giống với loài gặm nhấm phá hoại này.

Khi “tham nhũng trở thành quốc nạn”, “sờ đâu cũng thấy, ở đâu cũng có”, “là cả bầy sâu”, thì phải nói rằng, chống tham nhũng là chống lại cả đàn đàn lũ lũ họ hàng bè lũ nhà chuột, từ chuột trù oắt con đến loài chuột cống “to đại”. Khi nói tới chống tham nhũng là phải lấy hình ảnh cả làng cả tổng từ người già đến con nít nô nức cầm cuốc thuổng ra đồng quyết đào tung hang cùng ngõ hẻm của loài chuột phá hoại mùa màng, là dùng bẫy, dùng lửa dùng khói hun đốt, diệt cho tiệt loài gặm nhấm đi,…như thế mới đúng với hoàn cảnh, ngữ cảnh về công cuộc chống tham nhũng chứ. Lấy hình ảnh một con chuột với việc bảo vệ cái bình khiến người ta thấy quyết tâm của người phát động chống tham nhũng chỉ là giả vờ, là xoa dịu dư luận. Thiết nghĩ, để tỏ thái độ quyết tâm chống tham nhũng, thay vì nói tới việc sợ vỡ bình, ông này (TBT Trọng) nên nói : Chúng ta kiên quyết diệt cho bằng được con chuột tinh ranh này, cho dù có phải vỡ chiếc binh… Thế mới “phải đạo” chứ. Sao ông Trọng không học ngay “ gương sáng” của đồng chí Tập trong quyết tâm chống tham nhũng khi phát biểu đại ý không cần quan tâm tới ngay cả sinh mạng “ngàn vàng” của mình trong công cuộc chống tham nhũng đầy cam go này…Người ta chống tham nhũng không kể gì tới nguy hiểm tính mạng của người ta trên cương vị quan trọng bậc nhất của chính thể, trong khi ngài tổng Trọng lại lấy cái sự bảo vệ chiếc bình vôi để ví von đánh chuột.

Thực ra ai cũng biết ý ông Trọng ví chiếc bình ở đây là gì. Nhưng nếu bảo vệ chiếc bình phải đặt thành vấn đề tiên quyết, là đặt lên hàng đầu, thì việc đánh chuột quả là khó lắm thay, nhất là khi con chuột cứ lấy cái bình làm nơi trú ẩn. Tuy nhiên, có cách giả quyết trọn vẹn mà người ta không nghĩ ra hoặc không muốn đề cập, là tại sao, để diệt con chuột này, người ta không dọn cái bình đi chỗ khác, để con chuột không còn nơi ẩn nấp. Như vậy bình không bị đầu rơi máu chảy, mà chuột cũng sa lưới, hết chốn dung thân?

Để minh họa tiếp cho ý tưởng chống tham nhũng nửa vời của mình, ông Trọng còn ví tới việc không nên xới tung này nọ… Vâng. Chỉ cần ông ví việc bảo vệ cái bình vôi là thiên hạ biết ý ông rồi, cần gì nhiều lời ví von xới tung hay rũ tung nữa. Cuối cùng thì người ta cũng thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong phát ngôn của ông trước cử tri HN là, các ông “nói dzậy mà không phải dzậy”, là “nói một đàng làm một nẻo”…

Cùng hưởng ứng (một cách miễn cưỡng) với chiến dịch chống tham nhũng mang màu sắc thanh trừng của các đồng chí bốn tốt, (hoặc là các đồng chí bốn tốt chủ động “triển khai” cái chiến dịch này tại xứ Vệ ngoài ý muốn của ngài TBT Trọng và đảng của ông), nhưng trong khi chiến dịch bên “quý quốc” là đầu voi, thì những việc mà ông Trọng và đảng của ông làm chỉ là cái đuôi chuột…

 Với những “phát ngôn để đời” khiến thiên hạ nực cười của ông Trọng (mà có lẽ chẳng phải chỉ mình ông có những phát ngôn hết sức ấn tượng, mà nhiều đồng chí của ông cũng không chịu kém miếng), thiết nghĩ lần sau và những lần sau nữa, ông không nên phát biểu gì là hơn, đỡ tốn giấy mực cho thiên hạ khen thì ít chê thì nhiều; ông cứ cười cười, giơ tay bắt, ôm vai xoa lưng thể hiện thân thiện…thế là được. Ông cứ im lặng giống như sự im lặng mà ông làm mỗi khi có tàu thuyền hay giàn khoan khủng của “nước lạ” đi vào vùng biển “bất khả xâm phạm” của nước nhà là được…Ông cư kín tiếng, ngồi chơi xơi nước, ngậm miệng mà hưởng lộc cho tới ngày hồi hưu đã cận kề…
   Thế thôi!
AFR Dân Nguyễn
 (Quê Choa)

Xích Tử - Định đề Trọng

Lại đến mùa ông tổng bí thư làm nhiệm vụ của một đại biểu quốc hội, tiếp xúc cử tri ở một số đơn vị đã “bầu” ông : Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Cũng là những đại cử tri được chọn lựa, phân công, chỉ định, song là công dân tinh hoa sinh sống ở những quận trung tâm Hà Nội, họ biết nhiều, và cũng không quá nhút nhát, ba phải, vâng phục như những nơi khác.

Trong lần gặp trước, họ chất vấn những vấn đề gai góc như xây dựng đảng, tham nhũng, tội phạm, công tác cán bộ, làm ngài đại biểu quốc hội toát mồ hôi. Với chuyện tham nhũng, ngài đánh bài lãng, tránh sự thừa nhận thất bại của việc đi tìm “một bộ phận không nhỏ” bằng các phương châm cách mạng rất phù hợp với chuyên môn riêng : cần bình tĩnh, sáng suốt, khoa học, khách quan, biện chứng...Các phương châm đó có giá trị như những định đề nhóm một – nhóm phương pháp tư duy để chống tham nhũng.

Trong lần tiếp xúc này, cũng với thành phần đại cử tri như vậy, họ hỏi và đề nghị về chính sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà họ rất hiểu rằng đang rất khổ, rất khó trong điều kiện sự phân hoá thu nhập giàu nghèo, phân tầng xã hội, phân biệt khu vực, ngành nghề sinh sống và cư trú. Dĩ nhiên, họ cũng không buông chủ đề chống tham nhũng. Lần này, ngài đại biểu quốc hội tổng bí thư cố gắng không trở lại các định đề phương pháp, mà sáng tạo thêm những định đề mới : công cuộc chống tham nhũng “rất phức tạp”, đòi hỏi phải tiến hành “lâu dài”.

Như vậy, cho đến nay, trong tư duy, thể hiện qua phát ngôn của ngài tổng bí thư, người đương kim lãnh đạo cao nhất công cuộc đưa đất nước này tiến lên chủ nghĩa xã hội, tác giả của nghị quyết trung ương 4 nổi tiếng toàn cầu về vấn đề chống tham nhũng có thể được khái quát theo thứ tự logic thành một số định đề như sau :

1. Do tham nhũng ở Việt Nam có tính đặc thù, được qui định bởi thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa hoặc định hướng xã hội chủ nghĩa, có cơ sở học thuyết chính trị - triết học riêng nên nó rất phức tạp. Hiện tượng tham nhũng phức tạp đó tích luỹ từ quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ, được bổ sung, làm mạnh thêm bằng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới, có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do những qui định đó, tham nhũng xã hội chủ nghĩa phức tạp và ưu việt hơn hẳn tham nhũng tư bản chủ nghĩa. Thậm chí, trong các nước tư bản, họ không bao giờ nhận định chống tham nhũng là phức tạp cả; với hệ thống pháp luật và các công cụ nghiệp vụ, họ thực hiện việc phòng chống một cách bình thường, và tại một vài nước, cũng chẳng có gì để chống.

Vì phức tạp nên việc chống tham nhũng ở Việt Nam rất khó khăn, tốn kém. Cứ tính toán toàn bộ chi phí, con người dùng cho việc chống tham nhũng và so sánh nó với giá trị tiền bạc thu được do chống thành công và các hiệu quả chính trị - văn hoá – xã hội mà nó làm ra mới thấy cái công cuộc đó làm khổ quảng đại nhân dân như thế nào.

2. Do phức tạp, khó khăn, việc chống tham nhũng kiếu xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sẽ rất lâu dài. Để hiểu định đề này, chỉ cần giải mã từ khoá “lâu dài” được dùng để đo thời gian hứa hẹn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công: cũng rất lâu dài, có thời kỳ quá độ, rồi giai đoạn đầu tiên của thời ký quá độ, rồi các bước, thêm một bước... kéo lê thê như một lời hứa hão. Năm 2000 (Lê Duẩn), 30 năm, rồi 50 năm, và đến nay, học tập Hồ Cẩm Đào, thời gian đó có thể là 100 năm. Tóm lại, khi đạt đến chủ nghĩa xã hội, có thể thanh toán luôn nạn tham nhũng, còn chưa đến thì nó vẫn cứ tất yếu tồn tại.

3. Và về phương pháp, để chống thành công, phải bình tĩnh..., biện chứng, khoa học, diệt chuột không làm vỡ bình. Chống tham nhũng nhưng phải giữ ổn định chính trị cũng giống như bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong điều kiện giặc đã mang tàu chiến đến cũng chỉ kiên quyết bằng biện pháp hoà bình.

Tôi gọi đó là những định đề Trọng (Trong’s theorems), có giá trị Nobel.
  Xích Tử
(Dân Luận)

Bắc Kinh cho tình báo sang Hồng Kông dò thám

Enda Curran * Ngoc Nhi Nguyen (Danlambao) dịch: Bắc Kinh đã gọi cuộc biểu tình của Hồng Kông là bất hợp pháp và cho biết những người biểu tình đang "chà đạp các quy định của pháp luật."
Nhưng khác với lời nói, Bắc Kinh đã không chính thức ra mặt trong các vấn đề của Hồng Kông kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Nhưng đằng sau hậu trường, Bắc Kinh đã cử nhân viên an ninh tình báo và những người khác đến Hồng Kông để đánh giá cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rộng lớn lần này của thành phố, theo một người có thông tin trực tiếp cho biết.
Các nhân viên bí mật này, những người được đưa đến trong những ngày gần đây, được rút ra từ các phòng ban có liên quan đến an ninh, quân đội và các ban ngành khác, người này nói.
"Đây không phải là bình thường," người đã gặp một số các nhân viên này cho biết. "Việc (đưa mật thám tình báo sang) này chỉ xảy ra trong thời gian khủng hoảng, ví dụ cuối cùng là năm 2003".
Năm 2003, gần nửa triệu người biểu tình được ước tính đã xuống đường phản đối luật mới, điều luật 23, được hỗ trợ bởi Bắc Kinh, dùng để hạn chế tự do ngôn luận của người bất đồng chính kiến.
Khi đến Hồng Kông, các hoạt động của các nhân viên an ninh Bắc Kinh là tìm kiếm những thông tin khác nhau từ các cuộc họp với các doanh nhân, học giả, các nhà lập pháp và những người khác nữa. Họ âm thầm hòa lẫn với những người biểu tình, dọ hỏi tin tức, những người đã gặp gỡ với các nhân viên này cho biết.
Trong các cuộc họp mặt, họ hỏi những câu như: "Làm thế nào để bạn đánh giá Hồng Kông trong 5 ngày, 10 ngày nữa? Ai là người có thể dập tắt phong trào? Ai là người đang muốn khuấy động đám đông? Ai là người lãnh đạo?"
Bắc Kinh đã có sẵn 1 số cán bộ thường trực tại Hồng Kông, trong đó có một văn phòng liên lạc trực tiếp. Tuy nhiên, các nhân viên an ninh mới nhất đến làm việc là độc lập với văn phòng này, người cung cấp thông tin cho hay.
Giữ 1 bộ mặt bình thường và chỉ mặc quần áo đơn giản, quần tây áo thun, các nhân viên tình báo này đang âm thầm tìm kiếm người để dò hỏi thông tin và tổ chức các buổi gặp gỡ trong các nhà hàng và khách sạn trên toàn thành phố.
"Họ trông giống như các nhà quản lý cấp trung của các doanh nghiệp Trung Quốc hơn là nhân viên tình báo"
Không có ghi chú gì được thực hiện trong các cuộc họp, người này nói.
***
Enda Curran (China RealTimes Live Blog) - Beijing has called Hong Kong’s protests illegal and said the protesters are “trampling on the rule of law.”
But other than words, Beijing hasn’t played a visible role in Hong Kong’s affairs since the protests began. Behind the scenes though, Beijing has dispatched security officials and others to Hong Kong to assess the city’s massive pro-democracy protests, according to a person with direct knowledge of the matter.
The officials, who arrived in recent days, are drawn from departments involved in security, the military and other areas, this person said.
“This is not normal,” said the person, who has met some of the officials. “It is only in times of crisis, the last example is 2003.”
In 2003, almost half a million protesters are estimated to have taken to the streets in opposition to new laws, backed by Beijing, which opponents said would restrict freedom of speech.
On the ground, the activities of Beijing officials vary from seeking meetings with businessmen, academics, lawmakers and others to mingling with protesters, said the person, who met with these officials.
In meetings, they ask questions such as: “How do you assess Hong Kong in five days-time, in 10 days-time, who can call off them, who is wanting to stir up the crowd, which leader.”
Beijing already has scores of permanent officials in Hong Kong, including a liaison office. But the latest officials to arrive are working independently of the existing operations, this person said.
Keeping a low key appearance and dressed in slacks and t-shirts, the officials are seeking meetings in restaurants and hotels around the city.
“They look like middle-ranking managers of Chinese enterprises.”
No notes are taken in the meetings, the person said.

Enda Curran
http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2014/10/03/live-blog-occupy-central-protests-hit-hong-kong/

Đằng sau những danh hiệu bác sỹ

Gần đây, trên khá nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã xuất hiện những lời kêu ca của các bác sỹ tại nhiều bệnh viện về chất lượng của sinh viên hai ngành Y, Dược.

 Rằng nhiều sinh viên ngành Y đi thực tập mà không làm nổi những công việc đơn giản nhất như đặt nội khí quản cho người bệnh, nhiều người thậm chí còn không biết cả ruột thừa ở đâu, đo huyết áp năm lần bảy lượt mới được, lấy ven cho bệnh nhân thì trầy lên trật xuống, chọc kim tiêm nát tay người bệnh ra không xong.

Sinh viên ngành Dược đi thực tập, khi được hỏi vài điều cơ bản về dược lý, vài tên gốc thuốc thông dụng, đều ngơ ngác…

Vì sao như vậy?

Trong khi một số trường Y - Dược có chế độ tuyển sinh cực kỳ nghiêm ngặt. Số điểm thi để vào được trường rất cao, như Đại học Y Hà Nội 26,5 điểm; Đại học Y Thái Bình 25 điểm; Đại học Y-Dược TP Hồ Chí Minh 26 điểm (điểm chuẩn NV1, 2014, Y đa khoa)… Nghĩa là chỉ những thí sinh học rất giỏi mới lọt được vào những trường này.

Trong khi đó một số trường lại “vơ bèo vạt tép”, với số điểm chỉ bằng điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định, thậm chí thấp hơn điểm sàn, mặc cho các chuyên gia đã cảnh báo rằng làm vậy sẽ dẫn đến hệ quả rất nguy hiểm là nguồn nhân lực ngành Y-Dược sẽ càng ngày càng thấp.

Ví như trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường Đại học Võ Trường Toản, trường Đại học Lạc Hồng, đều tuyển sinh các ngành Điều dưỡng, kỹ thuật Y khoa, Dược và Y đa khoa với số điểm vừa bằng điểm sàn.

Trường Đại học Công nghệ Miền Đông tuyển sinh các ngành trên với số điểm còn “choáng” hơn, chỉ từ 9,5 đến 13 điểm, tùy theo khu vực và với số điểm ưu tiên, là đỗ. Và còn rất nhiều trường khác nữa, cũng tuyển sinh hai ngành Y-Dược như trên.

Lý giải chuyện này, một chuyên gia tuyển sinh cho biết: “Hễ trường nào có nhóm ngành Y-Dược là trường đó rất dễ tuyển sinh. Kể cả bậc Trung cấp, rất khó tuyển sinh, nhưng chỉ cần có ngành Điều dưỡng, là tha hồ mà “hốt” thí sinh. Chính vì vậy mà xuất hiện “trào lưu” các trường đua nhau xin mở ngành Y-Dược để đào tạo”.

Có sinh viên là có tiền. Chất lượng mặc bay, tiền thày bỏ túi cái đã.

Y-Dược là những ngành đặc thù, vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Chỉ cần nhìn chất lượng “đầu vào” của sinh viên các ngành Y-Dược tại các trường đó, cũng có thể thấy chất lượng “đầu ra” là thế nào rồi.

Những bác sỹ hay dược sỹ, ra lò từ các trường ấy, bằng một cách nào đó, được vào làm việc tại các bệnh viện hay cơ sở sản xuất thuốc chữa bệnh, cầm tính mạng của người bệnh trong tay, thì sẽ ra sao?

Hàng chục cái chết oan ức của bệnh nhân xảy ra tại các bệnh viện thời gian qua, phải chăng có liên quan đến kiểu đào tạo này?

Không phải là các cơ quan quản lý của ta không biết tình trạng này. Sau mùa tuyển sinh 2013, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT, phản ánh tình trạng trên, và kiến nghị Bộ GD-ĐT hạn chế việc giao chỉ tiêu đào tạo hai ngành Y-Dược cho các trường ngoài công lập.

Nhưng tình hình tuyển sinh hai ngành Y-Dược của mùa tuyển sinh năm 2014 này vẫn chưa được cải thiện.
  Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)

Nước Mỹ hưởng lợi nhờ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí - (Kỳ 1)

Việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí áp đặt trong gần 4 thập kỷ qua với Việt Nam, “nhằm cho phép chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai”. 
                                                    
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry trong chuyến thăm Mỹ ngày 1-2/10/2014
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry trong chuyến thăm Mỹ ngày 1-2/10/2014
Một tiến trình kéo dài
Động thái này của Washington có thể được xem như là một bước tiếp theo hợp lí trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt Nam, sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang ký kết Thỏa ước quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt Nam vào ngày 25/7/2013.
Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, mãi đến năm 2000, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ mới có bước tiến quan trọng bằng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đến Hà Nội. Sau đó, vào năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam (Phạm Văn Trà) lần đầu tiên đến thăm Mỹ, hai bên thỏa thuận sẽ có các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cứ 3 năm một lần.
Quan hệ quốc phòng hai nước thật sự có bước tiến rõ rệt từ năm 2009, với việc các quan chức quân sự Việt Nam được mời đến thăm tàu sân bay USS John Stennis ở biển Đông. Cũng trong năm 2009, Mỹ là nước đầu tiên đưa tàu chiến vào sửa chữa ở vịnh Cam Ranh.
Năm 2011, hai nước ký bản ghi nhớ về hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: đối thoại chính sách cấp cao, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, trợ giúp nhân đạo và thảm họa, gìn giữ hòa bình. Cũng từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu gửi các sĩ quan đến Mỹ để được đào tạo.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13-18/2014 của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Demsey, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác thực thi pháp luật trên biển. Phát biểu tại Hà Nội, tướng Martin Demsey nói: “… Tôi nghĩ lĩnh vực hàng hải là nơi chúng ta có sự quan tâm chung lớn nhất hiện nay, sự quan tâm chung về mặt an ninh. Nếu như lệnh cấm vũ khí sát thương được dỡ bỏ sẽ là lúc chúng ta bắt đầu với điều đó”.
Chuyến thăm của tướng Demsey được thực hiện hầu như ngay sau các chuyến đi đến Hà Nội của các Thượng Nghị sỹ Bob Corker, John McCaine và Sheldon Whitehouse, trong bối cảnh Trung Quốc vừa có hành động xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam, và đều có vai trò thúc đẩy sự ra đời Quyết định ngày 2/10 của Washington.
Thà muộn còn hơn không bao giờ. Mỹ đã sử dụng con bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “cải cách pháp luật”… để kéo dài một lệnh cấm từ lâu đã lỗi thời, cho đến khi Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác.
Nước Mỹ hưởng lợi
Với việc dỡ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam, Mỹ mặc nhiên đã thừa nhận vai trò của các quốc gia vừa và nhỏ trong vấn đề xây dựng an ninh khu vực, trong bối cảnh chính sách tái cân bằng chiến lược ở châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ đang được thúc đẩy.
Ernest Bower, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington (CSIS) nói rằng, ngày nay các nhà làm chính sách Mỹ coi Việt Nam là một đối tác có tiềm năng trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Ông Bower cho rằng, các lợi ích của Washington và Hà Nội đang ngày càng hội tụ về một điểm, trong bối cảnh hai nước chia chung một số lợi ích địa chính trị và lợi ích kinh tế. 
Thực tế, giữa lúc Mỹ đang cắt giảm ngân sách quốc phòng và cùng lúc phải căng mình đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới, Washington đang cần những nước đối tác có sức mạnh, đặc biệt tại châu Á, nơi mà các hành động bành trướng của Trung Quốc đang đe dọa thay đổi hiện trạng trong khu vực. Và Việt Nam thuộc nhóm nước đầu tiên Mỹ phải tính đến. 
Nhà bình luận Paul Leaf làm việc tại một công ty luật quốc tế nhận định rằng trong bối cảnh Trung Quốc trở thành mối đe dọa ngày càng tăng đối với Mỹ, Việt Nam, có dân số đông thứ 13 thế giới, có một lực lượng quân đội năng động lớn thứ 11 trên thế giới và dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới trước năm 2025, hoàn toàn có thể là một đối trọng chống lại Bắc Kinh. 

    Đăng Song
(Giao Thông Vận Tải) 

Carl Thayer: 2 kết luận từ việc Mỹ nới cấm vận vũ khí với Việt Nam

Sở dĩ có lựa chọn này là vì Trung Quốc đã chọn sử dụng Cảnh sát biển (Hải cảnh) và các lực lượng hàng hải dân sự khác cùng đội "tàu cá" để thúc đẩy yêu sách.
 
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
The Diplomat ngày 6/10 đăng bài phân tích của giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận, có 2 kết luận có thể rút ra từ việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Thứ nhất, chính sách của Mỹ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã vượt qua ngưỡng hùng biện ngoại giao và hỗ trợ pháp lý quốc tế đến chỗ (tạo cơ hội) trang bị cho Việt Nam khả năng tự phòng vệ trên biển.
Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển của quốc gia ven Biển Đông để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc mà không trực tiếp kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu với hải quân Trung Quốc.
Trong trường hợp của Việt Nam, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng ưu tiên của họ là tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, sở dĩ có lựa chọn này là vì Trung Quốc đã chọn sử dụng Cảnh sát biển (Hải cảnh) và các lực lượng hàng hải dân sự khác cùng đội "tàu cá" để thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của mình.
Thứ hai, sự thay đổi trong chính sách của Mỹ cũng có ảnh hưởng đến các quan điểm bảo thủ tại Việt Nam phản đối việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ.
Trong quá khứ có những quan điểm muốn ngăn cản hợp tác với Hoa Kỳ bằng cách hỏi, Mỹ đã làm điều gì cho Việt Nam? Những quan điểm này đòi hỏi Mỹ phải rót kinh phí nhiều hơn để làm sạch chất độc da cam trong chiến tranh, hỗ trợ nhiều hơn trong việc xác định hài cốt quân nhân Việt Nam trong chiến tranh và chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí.
Washington đã tiến hành các bước để giải quyết 2 vấn đề đầu tiên. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí giải quyết mối quan tâm thứ ba. Vấn đề còn lại nằm ở phía Việt Nam, ông Carl Thayer bình luận.
Những quan điểm bảo thủ ở Việt Nam bây giờ phải tự quyết định có nên chấp nhận đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ trên biển cho Việt Nam hay không. Có thể sẽ có người cho rằng việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí là chưa đủ lớn và việc gắn nó với các yêu cầu khác như quyền con người là không thể chấp nhận.
Mặt khác, những người vẫn chưa muốn hợp tác với Hoa Kỳ có thể kiểm tra Mỹ bằng cách yêu cầu Washington cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất cho bất kỳ tàu tuần tra và máy bay nào mà Việt Nam đặt hàng.
  Hồng Thủy
(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét