Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Cán bộ cũng là một... giấy phép con

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN


TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Cán bộ cũng là một... giấy phép con

Lâu nay, nhiều quy định làm cho không ít doanh nghiệp phải nửa khóc nửa cười trong quá trình triển khai khi gặp phải tình trạng: trên bảo dưới không nghe.
Nằm trong chương trình sửa đổi, bổ sung các dự án luật, Dự thảo Luật doanh nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận quyền của doanh nghiệp “Tự do kinh doanh các ngành, nghề mà Luật không cấm” (Điều 7). Dự thảo Luật đầu tư sau nhiều lần chỉnh sửa cũng đã rút xuống còn 6 ngành nghề đầu tư kinh doanh bị cấm (Điều 6). Ngoài ra, dự thảo Luật đầu tư cũng đã luật hóa các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện một cách rất chi tiết tại các phụ lục. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan lập pháp sẽ quyết liệt tuyên chiến với nạn “loạn cấm”, “loạn điều kiện” như hiện nay.
Nhưng vẫn còn đó những vấn đề mà nếu không quan tâm giải quyết triệt để thì sự thông thoáng, cởi mở, và nhất là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính vẫn chỉ là “đầu voi đuôi chuột” mà thôi.
Vẫn còn nhiều tầng lớp giấy phép con
Nga  Lê, Giấy phép con, đầu voi đuôi chuột
Ảnh minh họa: dantri.com
 
Dạo qua website của các Bộ, Sở, vào mục thủ tục hành chính, sẽ không khỏi cảm thấy hoa mắt trước danh mục thủ tục hành chính được niêm yết tại đây. Có trang web liệt kê cả hàng trăm thủ tục.
Tuy nhiên, trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh phải có giấy phép, chấp thuận hoặc xác nhận trước khi tiến hành hoạt động (Phụ lục 4) của Dự thảo luật đầu tư vẫn “đầy ắp” ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thậm chí có những ngành nghề rất khó để hiểu tại sao lại có mặt trong danh mục này như: Vận tải đường bộ VN – Lào, VN – Campuchia, VN – Trung Quốc;  cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực gia đình…
Ngoài ra, trong Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cấp giấy phép chấp thuận hoặc xác nhận trước khi tiến hành hoạt động (Phụ lục 5) cũng chỉ là những quy định chung chung như đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực. Và đây có lẽ lại là một mảnh đất màu mỡ để các cơ quan quản lý chuyên ngành tiếp tục xiết chặt quyền tự do kinh doanh mà pháp luật bảo hộ.
Lẽ thường, càng đặt ra nhiều điều kiện, thủ tục thực hiện càng khó khăn thì sự sách nhiễu, cầu cạnh càng diễn ra phổ biến. Nếu quy định nhiều, chung chung và tiếp tục để cho các cơ quan quản lý chuyên ngành “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành” thì chắc chắn lại rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trước đây.
Từ luật, đến nghị định, đến thông tư, đến thực tế thực hiện là một chặng đường dài … mà đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Theo WB, Việt Nam hiện đứng thứ 99 trên thế giới về môi trường đầu tư. Đó là một kết quả đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
Khi những người cấp phép cũng là một loại giấy phép
Thực tế hiện nay cho thấy, những người chịu trách nhiệm nhận, thẩm tra hồ sơ, cấp phép cũng có thể chính là một loại giấy phép. 
Luật thì quy định “Tự do kinh doanh các ngành nghề mà Luật không cấm” nhưng rõ ràng, có được đăng ký ngành nghề hay không, có xin được giấy phép con để kinh doanh hay không, nhiều khi hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chẳng hạn, hiện doanh nghiệp thực hiện đăng ký ngành nghề theo Quyết định 10/2007/TTg ngày của Thủ tướng chính phủ về Hệ thống nghành kinh tế quốc dân và Quyết định 337/QĐ-BKH của Bộ kế hoạch và đầu tư. Tại nhiều địa phương, nếu một ngành nghề mà doanh nghiệp muốn không được liệt kê trong hai văn bản trên thì phải được đề cập trong một văn bản chuyên ngành nào đó mới được đăng ký, còn nếu không có thể bị từ chối dù cũng chẳng có văn bản nào cấm cả. Nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận bỏ tiền ra “mua ngành nghề” khi gặp phải các trường hợp này để được “tự do kinh doanh”.
Điều đó cho thấy việc trao quyền trong việc quyết định ngành nghề nào được đăng ký  cho 1 người hoặc 1 vài người là một kẽ hở có thể dẫn đến việc cố tình hiểu méo mó các quy định của pháp luật để trục lợi.
 
Tuy nhiên, cả Dự thảo luật doanh nghiệp và Dự thảo luật đầu tư đều chưa xây dựng một khung pháp lý cụ thể, chi tiết hơn về nghĩa vụ của người có trách nhiệm, đặc biệt, quy định về quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong kinh doanh.
Dưới góc độ pháp lý, tiếp nhận và thực hiện các thủ tục hành chính phải được giải thích như là một nghĩa vụ chứ không phải quyền của cán bộ, công chức. 
Nhưng chừng nào còn những rào cản về tư duy xin - cho cũng như chưa có chế tài đủ sức răn đe, chừng đó quyền tự do kinh doanh một cách đúng nghĩa vẫn chỉ là ước mơ của các nhà lập pháp mà thôi. 
 Nga Lê 
(Tuần Việt Nam)

Không thể tư duy “bắt nhầm” còn hơn “bỏ lọt”

Trong tố tụng hình sự luôn có hai nhiệm vụ quan trọng là bên cạnh yêu cầu phát hiện, xử lý tội phạm còn nhiệm vụ quan trọng khác là minh oan cho người lương thiện.

Chào quí vị. Tôi là Thu Hà, BTV chuyên mục Gặp Gỡ và Đối thoại của Tuần Việt Nam, báo Vietnamnet. Xin giới thiệu khách mời hôm nay là anh Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự, Viện nhà nước và pháp luật-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tại cuộc gặp gỡ kỳ này, chúng tôi sẽ bàn thêm về nguyên tắc suy đoán vô tội và về sự cân bằng của các bên trong tranh tụng trước tòa, một thiết chế quan trọng nhằm đảm bảo quyền con người trong Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi.
Nhà báo Thu Hà:Thưa ông Đinh Thế Hưng, tôi mới ghé qua trang cá nhân của anh thấy viết, “đừng hỏi trong đời làm thẩm phán tôi đã bỏ tù được bao nhiêu người mà hãy hỏi tôi đã minh minh oan cho bao nhiêu người?”. Cho chúng tôi biết vì sao anh có tâm tư như vậy?

Ông Đinh Thế Hưng: Tôi đã đọc ở đâu đó và tôi rất tâm đắc với câu này. Vì nó nói lên tư duy trong tố tụng hình sự. 
Đâu đó người ta vẫn hình thành tư duy bắt được nhiều, bỏ tù được nhiều thì càng có thành tích. Ngược lại người ta không hiểu được rằng trong tố tụng hình sự luôn có hai nhiệm vụ quan trọng là bên cạnh yêu cầu phát hiện, xử lý tội phạm còn nhiệm vụ quan trọng khác là minh oan cho người lương thiện.
Chính vì thế Luật tố tụng hình sự Việt Nam ngay ở điều 2 đã quy định rất rõ là không bỏ lọt tội phạm đồng thời cũng không làm oan.
Đinh Thế Hưng, Nhà báo Thu Hà, Luật tố tụng hình sự, Quyền im lặng, BLTTHS
Luật tố tụng hình sự Việt Nam ngay ở điều 2 đã quy định rất rõ là không bỏ lọt tội phạm đồng thời cũng không làm oan.

Nhà báo Thu Hà:Chúng ta đang có những tranh luận khác nhau khi bàn về suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự sửa đổi sắp trình Quốc hội tới đây. Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Đinh Thế Hưng: Nguyên tắc suy đoán vô tội (la Présomtion d’innoncence) trong luật hình sự của các nước không có gì xa lạ cả. Và ngay ở Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng có qui định về điều này. Tuy nhiên những qui định này mới chỉ thấp thoáng, chưa rõ lắm vì thế việc thể hiện điều đó trong các qui định cụ thể cũng chưa được đảm bảo.
Lâu nay nguyên tắc suy đoán vô tội vẫn được mệnh danh là nguyên tắc vàng trong tố tụng hình sự. Vì, nguyên tắc này khẳng định chỉ có tòa án mới có quyền tuyên một người nào đó phạm tội và áp dụng hình phạt đối với anh ta. Và, khi chưa có bản án kết tội của tòa án thì một người chưa bị coi là có tội và không được đối xử với người ta như một người có tội. 
Thêm vào đó, một nội dung quan trọng và rất hay là mọi nghi ngờ về chứng cứ và pháp luật phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi. 
Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, cơ quan điều tra đã áp dụng nội dung này của suy đoán vô tội. Khi không chứng minh được nạn nhân chết trước hay chết sau khi bị ném xuống sông (nghi ngờ) thì phải giải thích có lợi cho bị can tức là nạn nhân chết sau khi bị ném. Chính vì thế, nên Nguyễn Mạnh Tường bị điều tra, truy tố về tội Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng chứ không phải là giết người.
Như vậy, nguyên tắc này được xem xét dưới hai góc độ chứng minh và đối xử. 
Về chứng minh nó là phương pháp chứng minh phản chứng. Thay vì cho rằng nghi can có tội, người ta đặt giả thiết ngược lại, họ không có tội. Trong quá trình chứng minh  khẳng định nghi can không có tội không có cơ sở tồn tại  thì khẳng định đầu tiên là người này có tội mới được chứng minh. Xét về mặt đối xử vì rằng bị can chưa phải là người có tội nên không coi và đối xử như người có tội. 
Luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định: Chế độ đối với người tạm giam khác với chế độ của người chấp hành hình phạt tù là vì lẽ đó.
Nói tóm lại suy đoán vô tội là kết quả (giá trị) của văn minh nhân loại trong chứng minh và bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Để đạt được như vậy nó phải là quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của nhân loại trong việc chống lại kiểu tố tụng phản khoa học, phi nhân tính của tố tụng hình sự phong kiến. Nó rất huyền diệu và văn minh.
Cũng lưu ý là suy đoán vô tội không chỉ ràng buộc cơ quan điều tra hay tòa án mà nó còn ràng buộc những người khác, đặc biêt là báo chí, dư luận. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gặp rắc rối khi gọi cựu thủ tướng Dominique de Vellepin là “tên tội phạm” trong khi ông này mới chỉ đang bị điều tra. Báo chí cũng nên thận trọng kẻo xâm phạm quyền con người.
Đinh Thế Hưng, Nhà báo Thu Hà, Luật tố tụng hình sự, Quyền im lặng, BLTTHS
“Đừng hỏi trong đời làm thẩm phán tôi đã bỏ tù được bao nhiêu người mà hãy hỏi tôi đã minh minh oan cho bao nhiêu người?"

Nhà báo Thu Hà:Thực tế cho thấy dường như đâu đó chúng ta vẫn quên chưa áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong nhiều vụ án?


Thạc sĩ Đinh Thế Hưng: Có nhiều nguyên nhân. Có thể Luật Tố tụng hình sự Việt Nam hình như vẫn có e dè nào đó. Hình như suy đoán vô tội có gì hơi nhạy cảm một chút. Chính sự e dè này nên nguyên tắc này vẫn chưa được thể hiện cụ thể trong các qui định. Lúc thì thấp thoáng, lúc thì mất hút. 
Và có một vấn đề là có người cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ làm ảnh hưởng đến qua trình điều tra vụ án hình sự. Nói nôm na là nhiều khi nó làm bó tay các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Nhà báo Thu Hà: Ông có thể cho biết thêm về những qui định đang bị coi là rào cản khiến nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được vận dụng tốt.

Ông Đinh Thế Hưng: Hiến pháp Việt nam 2013 đã quy định đảm bảo tranh tụng trong tố tụng hình sự. Muốn tranh tụng thì tiền đề là đảm bảo quyền bào chữa.

Về cơ bản, Luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định nguyên tắc đảm bảo quyền chữa. Tuy nhiên:
Các qui định của Luật tố tụng hình sự về quyền bào chữa vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ, qui định về người được bào chữa thì luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay qui định chỉ có 2 đối tượng là luật sư và người khác có qui định nhưng ít được thực hiện đó là bào chữa viên nhân dân. Ngoài hai đối tượng đó ra, không ai có quyền được tham gia bào chữa. 9.000 luật sư/90 triệu dân là hạn hẹp. Vậy chi bằng nên mở rộng phạm vi những người có quyền tham gia bào chữa trong phiên tòa. Tinh thần này đã được đưa vào dự thảo Luật Tố tụng hình sự sửa đổi.
Liên quan đến người bào chữa đó là thủ tục để người bào chữa tiếp cận nghi can hiện nay. Luật tố tụng hình sự qui định rồi nhưng vẫn còn vướng mắc. Khi mà người ta có quyền bào chữa mà không có luật sư ở đó, về mặt tâm lý người ta đã không yên tâm. Luật sư là những người nắm được luật, có thể tư vấn cho nghi can.
Thêm nữa, luật tố tụng hình sự hiện nay chưa quy định đầy đủ quyền của người bào chữa khi tham gia bào chữa. Ví dụ, hiện nay luật tố tụng hình sự chỉ qui định về chứng cứ thì chỉ cho người bào chữa được thu thập tài liệu đồ vật, liên quan đến việc bào chữa của mình. Những tài liệu đồ vật đấy có được sử dụng làm chứng cứ hay không thì lại phải nộp cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Nếu các cơ quan đó bảo đó là chứng cứ thì mới được chấp nhận là chứng cứ.
Đinh Thế Hưng, Nhà báo Thu Hà, Luật tố tụng hình sự, Quyền im lặng, BLTTHS
"Một bên mạnh, một bên yếu dễ dẫn đến quyền của bên yếu sẽ bị xâm phạm."
Nhà báo Thu Hà:Pháp luật thì phải công minh, công bằng cho mọi đối tượng. Không thể vì bó tay bên này mà tước vũ khí của bên kia trong tranh tụng phải không ạ?

Ông Đinh Thế Hưng: Trong tố tụng hình sự, chưa lúc nào quyền lực nhà nước mạnh như thế, bằng một hệ thống cơ quan cưỡng chế tác động người phạm tối để phát hiện xử lý tội phạm. 
Khi quyền lực nhà nước mạnh như thế dẫn đến hệ quả là phía bên kia của cuộc chơi tức là người bị tình nghi người ta rất yếu đuối. Một bên mạnh, một bên yếu dễ dẫn đến quyền của bên yếu sẽ bị xâm phạm. Chính vì vậy để “quân bình” lực lượng thì phải tăng quyền cho bên người bị buộc tội, có phương pháp, có cơ hội bảo vệ quyền của mình, đó là quyền tối thiểu của con người. 
Từ đó để thấy quyền im lặng là một trong những nội dung của quyền rộng hơn đó là quyền một người không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại chính mình. Không ai buộc phải đưa chứng cứ chống lại mình.
Từ thời La mã đã có một nguyên lý rất hay là trách nhiệm chứng minh thuộc về bên khẳng định chứ không phải bên phủ định. Ông nào đi kiện, mời ông chứng minh trước. Như vậy, trong tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng là người khẳng định ông này có tội hay không thì ông phải đi chứng minh được rằng người là thực sự là có tội.
Trong tố tụng hình sự thì không chỉ có quyền im lặng, mà một quyền rất hay nữa đó là quyền bào chữa. Nhà làm luật người ta để cho nghi can 2 khả năng đó là khi ông bị tấn công, nếu ông có khả năng ông tự bào chữa, còn nếu ông không có thì ông có quyền im lặng.

Nhà báo Thu Hà:Nghi can sẽ im lặng đến khi nào?

Ông Đinh Thế Hưng: Im lặng này nó xuyên suốt quá trình tố tụng, bắt đầu từ khi bị bắt đến khi bản án có hiệu lực chức không phải có nghĩa là chỉ im lặng đến khi có luật sư. 
Tại sao cảnh sát Mỹ họ luôn áp dụng câu nói: “anh có quyền im lặng đến khi có luật sư” có nghĩa là họ cảnh báo rủi ro, nếu anh khai trong lúc anh bối rối nhiều khi sẽ đem lại sự bất lợi cho anh. Họ rất sòng phẳng trong tố tụng hình sự.
(Còn tiếp)
 Ảnh: Lê Anh Dũng
(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét