Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Tại sao Việt Nam “phải” có thật nhiều… thứ trưởng?!

Phan Châu Thành - Tại sao Việt Nam “phải” có thật nhiều… thứ trưởng?!

Một đặc điểm rất “thú” và nhiều “vị” chát của Việt Nam
Gần 40 năm sau chiến tranh Nam-Bắc, Việt Nam đang bị lạm phát tướng quân đội, có đến mấy trăm vị tướng trong thời bình! Rồi Việt Nam cũng đang ngày càng lún sâu vào… lạm phát tướng công an - có hơn trăm “ông” tướng công an chỉ huy hơn trăm lực lượng an ninh chìm nổi, chủ yếu chĩa súng vào dân (ví dụ như tướng Đỗ hữu Ca chỉ huy tấn công đầm Cống Rộc của nông dân-kỹ sư nông nghiệp-cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn…) trong thời XHCH “vạn lần dân chủ hơn tư bản”!
Các cuộc lạm phát “tướng lĩnh cao cấp” các loại đó làm dân ta phát hoảng vì không biết lực lượng quân đội và an ninh thời “định hướng” này - mà dân phải nuôi bằng sức dân sức nước đó - đã phình to đến thế nào (vì không có báo cáo nào trên cổng thông tin chính phủ hay website của các bộ ngành hay ở bất kỳ đâu), tại sao nó lại phình to thế, mà dân còn vì lo hơn vì không biết họ - những kẻ mình phải nuôi mập mạp đó - đang làm những gì cho ai mà… đông hơn quân Nguyên thế?!

Chưa hết, lạm phát “nhân sự cấp cao” như thế cũng đã tràn lan nhiều năm nay trong tổ chức bộ máy nhà nước, chính phủ ở cả cấp trung ương và địa phương, mà điển hình là vụ “lạm phát thứ trưởng” hiện nay, với quán quân là Bộ Ngoại giao đang hiện có sơ sơ… 09 thứ trưởng (theo Cổng thông tin Điện tử CP và Bộ NG, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn mới nhận chức Đại sứ tại Nga vẫn là thứ trưởng).
Cũng theo Cổng Thông tin Điện tử của Chính phủ Việt Nam (xem: www.chinhphu.vn, thongtinchinhphu@chinhphu.vn ), hiện nay Chính phủ VN có 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ, với nhân sự cao cấp nhất gồm: 01 thủ tướng, 05 phó thủ tướng, 22 bộ trưởng và… 130 thứ trưởng, trong đó chỉ có một phó thủ thướng kiêm nhiệm chức bộ trưởng (ông Phạm Bình Minh), vi chi là 130+22+5+1-1=157 vị quan cấp cao nhất trong chính phủ...
Con số 130 vị thứ trưởng của 22 bộ ngành (18+4), trung bình gần 6 thứ trưởng trong mỗi bộ (trung bình là 5,9…), vì thế lại nổi lên là đặc trưng XHCN của hiện tượng… “lạm phát thứ trưởng” của VN “ta”, đang được dư luận rất quan tâm và lo lắng, và lo lắm… Ôi, thứ thưởng là cái cấp lãnh đạo gì trong chính phủ, nó quan trọng ra sao mà sao nay “tự nhiên’ nó lại phình to ra như bi bệnh phù thũng thế?
Thứ trưởng… ông là ai, và ông… «theo ai»?
Thứ trưởng là… phó bộ trưởng, là người giúp việc cho bộ trưởng, và đôi khi, là người thay thế tạm cho bộ trưởng trong trường hợp cần cấp (bộ trưởng đí công tác vắng hay ốm đau). Thứ trưởng có chức năng phụ/thứ cho bộ trưởng hàng ngày và thay thế khi cần kíp.
Vì bản chất chức năng nhiệm vụ như thế, ở đa số các nước dân chủ trên thế giới, thứ trưởng (vice-minister) thường do chính bộ trưởng chọn cho mình để giúp mình và thay thế mình (người tin cậy và giỏi giang nhất), và thường mỗi bộ chỉ có một thứ trưởng thôi. Khi cần kíp phải thay thế cả thứ trưởng để lãnh đạo bộ thì người thứ ba chính là chánh văn phòng bộ (hay chánh văn phòng nội các – nếu là cấp chính phủ…).
Riêng ở Việt Nam, có ba khác biệt lớn: 1) Thứ trưởng còn là người phụ trách “lãnh đạo trực tiếp” thay cho bộ trưởng một mảng/lĩnh vực chuyên môn nào đó mà bộ trưởng phụ trách – chịu trách nhiệm trước chính phủ…; 2)Thứ trưởng lại do thủ tướng bổ nhiệm để giúp việc cho những người giúp việc của thủ tướng (là các bộ trưởng), mà các bộ trưởng không có quyền đó; và 3) Luôn có rất nhiều Thứ trưởng...
Thứ trưỏng khác bộ trưởng (đối với thủ tướng) là do chính thủ tưởng được toàn quyền bổ nhiệm, và số lượng thứ trưởng trong mỗi bộ cũng do thủ tướng quyết định (theo “đề xuất” và “nhu cầu” của các bộ…), chứ không phải như chức danh bộ trưởng (chỉ có 1) và số bộ ngành đều do Quốc hội quyết định (đảng “lãnh đạo”, tất nhiên).
Mặt khác, vì thứ trưởng được phân công lãnh đạo trực tiếp một mảng công việc (mà bộ trưởng không nắm) nên thứ trưởng nghiễm nhiên được tham gia họp nội các (họp chính phủ, với thủ tướng và các phó thủ tướng) về các công việc đó của bộ mình, khi đó hoàn toàn như một bộ trưởng, như một thành viên nội các/thành viên chính phủ… Như vậy, Chính phủ VN có đến 157 vị trí quan chức cao cấp nhất, và sẽ còn tăng nữa…
Từ thực tế, Thủ tướng không được bổ nhiệm (chọn) bộ trưởng là những người giúp việc cho mình - thành viên nội các của mình (như đại đa số các nước dân chủ “tư bản thối tha” khác…), nhưng được bổ nhiệm những kẻ giúp việc cho những kẻ giúp việc của mình, dẫn đến một “thực tế” khác…
Đó là: Thứ trưởng mới thường là người “của” (phe) Thủ tướng, còn Bộ trưởng có thể là người “của” phe khác phe Thủ tướng trong chính phủ “đa nguyên” của Việt Nam hiện nay… Đó có lẽ là bản chất quan trọng và cơ bản nhất của thứ trưởng trong CPVN.
Những lý do để Việt Nam “phải” có thật nhiều thứ trưởng…
Có rất nhiều lý do để VN phải có thật nhiều thứ trưởng, tất cả các lý do đó đều liên quan đến hai điều cơ bản sau: Cung cách bổ nhiệm cán bộ cấp cao: Thủ tướng, các bộ trưởng và thứ trưởng của đảng CSVN (chồng chéo và không tin tưởng nhau, luôn trong thế cài răng lược nhau ở mọi cấp…), và bản chất luôn luôn chia rẽ nội bộ sâu sắc của nó (đảng CSVN) từ xưa (1945) đến nay (vì tranh chấp quyền lực và lợi ích cá nhân từ đó)…
Chúng ta tạm liệt kê ra 04 (bốn) nguyên nhân chính và nổi bật để Việt Nam “phải” có nhiều và thật nhiều thứ trưởng: từ góc độ của thủ tướng, từ góc độ của bộ trưởng, từ góc độ tổ chức các bộ và chính phủ, và từ góc độ (lợi ích) của các phe nhóm ngoài tổ chức (ngoài bộ hay ngoài Chính phủ). Còn từ góc độ hiệu quả làm việc và độ cần thiết thì các nước tiên tiến đã chỉ ra: chỉ cần một thứ trưởng trong mỗi bộ.
Thứ nhất, từ góc độ của Bộ trưởng. Vì thứ trưởng là người giúp việc thân cận nhất của mình mà mình không được chọn – tức không phải người phe mình mà là phe khác, bộ trưởng sẽ “đì” các thứ trưởng bằng cách giao nhiều nhiệm vụ và buộc phải chịu trách nhiệm về chúng thay mình (vừa khỏe, vừa bõ ghét). Nhưng đó là một mũi tên trúng ba-bốn-năm đích. Đích thứ ba là… bộ trưởng của CSVN thường “đa năng cái gì cũng biết nhưng không biết làm cái gì cả” ngoài tấm bằng đỏ trường đảng nên được đảng tin cậy phân công làm bộ trưởng, thì phải có ai làm thay họ chứ - đó là các thứ trưởng. Làm thay nhưng không thể nắm hết mọi việc và thay thế được bộ trưởng hoàn toàn – nên cần nhiều thứ trưởng, mỗi thứ trưởng chỉ thay một phần thôi! Đích thứ tư, bộ trưởng cần có một số thứ trưởng “của mình” đủ mạnh để kiểm soát nội bộ Bộ, chống lại các thứ trưởng “của địch”, nên thường phải đề xuất (vẽ ra nhu cầu) thêm các vị trí thứ trưởng mới cho người “của mình” đông hơn, mạnh hơn. Và đích thứ năm, quan trọng nhất, bộ trưởng cần hoàn toàn tập trung vào việc “chiến lược” (đấu đá) và “phát triển” (nịnh sếp) nên về chuyên môn phải có các thứ trưởng thực của mình làm thay, còn bộ trưởng chỉ lo thu tiền, kiếm tiền, thăm các sếp trên, nói chúng là “ngoại giao đường lối” đi đêm về tắt để xây dựng vị thế và phe nhóm… Còn đích thứ sáu, đôi khi là phải tự vẽ ra những cái ghế thứ trưởng để bán cho những kẻ háo danh-tham quyền-mê lợi trong bộ vốn nhan nhản và đã rất sẵn tiền mua rồi. Bán một ghế thứ trưởng ít nhất bộ trưởng cũng kiếm được vài trăm ngàn đến hàng triệu đô (nếu vị trí béo bở). Điều này rất quan trọng với các bộ trưởng sắp phải về hưu sau những năm giả vờ hơi liêm khiết, gọi là các bộ trưởng “cà cuống”…
Thứ nhì, từ góc độ Thủ tướng. Vì các bộ trưởng không phải do thủ tướng chỉ định nên thường không “cùng phe”, thủ tướng luôn cần bổ nhiệm thêm các thứ trưởng “của mình” để cài cắm người kiểm soát các bộ trưởng từ trong bếp. Ngoài việc kiểm soát bộ trưởng cho thủ tướng thì thứ trưởng cũng làm nhiệm vụ khuynh đảo công việc của bộ và bộ trưởng theo hướng thủ tướng chỉ đạo. Và “mũi tên thứ trưởng” mà thủ tướng bắn ra còn nhằm đích thứ ba là xây dựng đội ngũ của phe “Thủ” cho các đấu đá phe phái cấp cao hơn của thủ tướng với phe chủ tịch nước hay phe tổng bí thư, sẵn sàng giành lại vị trí bộ trưởng cho phe mình khi có cơ hội. Đích thứ tư của thủ tướng vẫn là … kiếm ăn. Các thứ trưởng mà thủ tướng bổ nhiệm thêm đều phải trả công hay nuôi thủ tướng đều đặn…
Thứ ba, từ góc độ tổ chức: áp lực từ bộ máy tổ chức cấp dưới của các bộ. Chúng ta đều thấy, khi bổ nhiệm một thứ trưởng mới cả thủ tướng và bộ trưởng đều không quan tâm vị trí thứ trưởng đó sẽ làm gì, có thực cần hay không, hiệu quả ra sao… – vì trước đó công việc đó đã vẫn phải do một hai vài vụ, cục, viện… làm chút chút rồi. Mỗi bộ vốn đều có khoảng hơn chục vụ và khoảng gần hai chục cục, tổng cục hay viện hay cơ quan tương đương trực thuôc bộ trưởng làm mọi việc nghiệp vụ và chuyên môn rồi. Theo cổng Thông tin CPVN: 22 bộ ngành hiện nay của Việt Nam – tháng 9 năm 2014- có tổng cộng 250 vụ và 330 cục, tổng cục, viện… tương đương vụ, tức tổng cộng VN đang có chính xác 580 Vụ trưởng/Cục trưởng. Đây là con số to khủng khiếp, vì như vậy 22 vị bộ trưởng phải quản trực tiếp 130 thứ trưởng và 580 vụ trưởng, cục trưởng, viện trưởng thuộc bộ… Vị chi là trung bình có (130+580):22 =32,27 thứ vụ trưởng dưới quyền trực tiếp mỗi một bộ trưởng! Con số này gấp trên ba lần số người mà một người có thể lãnh đạo hiệu quả là 09 người (từ 6 đến 12), chứng tỏ 22 bộ trưởng VN rất “thiên tài” “khua tay giữa đồng xanh”…
Điều nguy hiểm ở đây là, cả 580 vị vụ trưởng, cục trưởng, viện trưởng đó đều quá thiếu việc (số lớn không cần thiết và không hiệu quả) lại quá thừa tham vọng nên họ đều muốn ngấp nghé và dòm ngó, “chiến đấu” lên các vị trí thứ trưởng… Nhiều khi, họ tự cố vấn và vẽ ra các vị trí thứ trưởng mới cho bộ trưởng và thủ tướng để đề xuất rồi thông qua, để họ “xin được ngồi vào” sau khi lót tay hai vị kia đậm đà chu đáo… Đó chính là cái tôi gọi là áp lực tổ chức: Khi một tổ chức giảm hiệu suất làm việc và phình ra thì nó có xu hướng phình to ra mãi vì nó coi đó là thước đo phát triển. Ở Việt Nam, hiện tượng “áp lực tổ chức đang phình to” lại “kết hợp hài hòa” với tham nhũng và tham vọng, với suy thoái đạo đức và bùng phát thói háo danh tràn lan toàn xã hội và nhất là trong giới quan CS hiện nay, thì 580 cục trưởng vụ trưởng luôn “ép trên” (bằng đôla) sau khi đã “đè dưới” (bằng quyền lực), để “trên” phải đẻ ra đến 130 ghế thứ trưởng là hậu quả logic (tức là tất yếu)…
Và thứ tư, từ góc độ của các phe nhóm ngoài tổ chức (ngoài bộ hay ngoài Chính phủ). Chúng ta biết, trong chính quyền CSVN, các phe nhóm luôn tranh giành khốc liệt các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong đảng, nhà nước, chính phủ cũng như quân đội, an ninh ở mọi cấp, tàn khốc nhất là ở cấp nhân sự trung ương, tức vào Trung ương đảng CSVN, khoảng 250 vị. Hiện nay đảng CSVN lại đang chuẩn bị cho Đại hội XII vào đầu năm 2016 nên việc chuẩn bị để tranh chấp nhân sự chắc chắn đang diễn ra gay gắt.
Tương tự như các cấp tướng lĩnh quân đội và công an là điều kiện để tham gia nhân sự trung ương của quân đội, công an nên mới có sự “lạm phát tướng” như thế, trong chính phủ đó là cấp thứ trưởng. Bộ trưởng bắt buộc phải là UV TƯ rồi hay nếu là bộ trưởng thì sẽ được là UV TƯ, nhưng là thứ trưởng không nhất thiết phải là UV TƯ và nếu là thứ trưởng thì sẽ có điều kiện thành UV TƯ cao hơn, đó là mấu chốt. Vì thế, các phe nhóm đều tìm mọi cách đưa người của phe mình vào “vị trí xuất phát” đó: thứ trưởng.
Vì không có luật nào giới hạn số lượng thứ trưởng các bộ, và vì việc bổ nhiệm thứ trưởng lại hoàn toàn do thủ tướng đảm nhiệm, và vì tất cả các bên liên quan đều có lợi ích lớn trong việc bổ nhiệm nhiều thứ trưởng như trên, nên có thể khẳng định chắc chắn qua vụ “lạm phát thứ trưởng” rằng, phe thủ tướng đang cố gắng mọi cách đưa thêm người của mình vào vị trí tranh chấp các vị trí UV TƯ sắp tới, và sẽ còn bổ nhiệm thêm thứ trưởng nữa. Bộ NG có 9 thứ trưởng thì các bộ khác há lại chịu thua số 9 đó?... Đó cũng là lý do “hợp lý” chăng?
Bốn mặt trận tranh chấp nhân sự chính trước ĐH XII
Tương tự trong cuộc “lạm phát tướng lĩnh” thực chất là tranh chấp tướng lĩnh giữa các phe trên mặt trận thứ nhất – quân đội và công an, sau khi thủ tướng phong tướng ba đợt liền cho hàng trăm thiếu tướng và trung tướng, vừa rồi phe chủ tịch nước đã phong hàm thượng tướng cho một số trung tướng “của mình” để giành lại thế cân bằng mong manh với số đông các thiếu tướng của thủ tướng…, cuộc “tranh chấp thứ trưởng” trong các bộ mới chỉ là bước đi đầu của phe thủ tướng, trên sân nhà của thủ tướng là “mặt trận tranh chấp” thứ hai.
Bước thứ hai hay đợt phản công trên “mặt trận thứ hai” này là, hàm bộ trưởng và phó thủ tướng chắc sẽ còn được thay đổi và bổ sung nữa, mặc dù Nhà nước mới bổ nhiệm hai phó thủ tướng (là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam). Có lẽ chính vì việc bổ nhiệm bộ trưởng Phạm Bình Minh làm phó thủ tướng nên thủ tướng mới phải bổ nhiệm đến 9 thứ trưởng trong Bộ Ngoại giao này sau khi đẩy ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn “đi đầy ở Sibiri”?... Nói tóm lại, “cuộc chiến thứ trưởng” trên sân Chính phủ (Chúa phủ, hay Phủ chúa) vẫn chưa ngã ngũ, mới chỉ bắt đầu mà thôi.
Mặt trận tranh chấp nhân sự thứ ba và thứ tư giữa các bên (sau quân đội và chính phủ) trước Đại hội đảng XII là bổ nhiệm cán bộ cao cấp trong Cung Vua (bộ máy trung ương của đảng: các chức vụ phó ban, vụ trưởng trong VP TƯ đảng…) và trong 64 tỉnh thành (các chức phó chủ tịch tỉnh và phó bí thư tỉnh ủy…) cũng đang sôi động và sẽ bùng nổ trong thời gian tới, như là chức vụ thứ trưởng vậy... Lại sẽ có những đợt “lạm phát các phó chủ tịch” và “lạm phát phó bí thư tỉnh”- mỗi tỉnh đột nhiên thêm vài “phó” nữa chả để làm gì ngoài củng cố đội hình bên nào đó, nhưng nhân với 64 tỉnh thành thì VN lại có thêm hàng trăm “quan lớn đầu tỉnh” nữa…!
Chúng ta đã thấy độ tàn khốc mới hé lộ của cuộc tranh chấp nhân sự trước ĐH XII qua ví dụ nhiễm bệnh phóng xạ đột xuất của Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh…
Lạm phát thứ trưởng và bức tranh Chính phủ VN hôm nay
Trở lại vấn đề “lạm phát thứ trưởng” trên “mặt trận thứ hai”, chúng ta thấy trung bình đang có 5,9 thứ trưởng mỗi bộ làm nên lạm phát chung (130 thứ trưởng của 22 bộ), thì có 6 bộ vượt “trần lạm phát” chung đó là: Bộ Ngoại giao (9 thứ trưởng), VPCP (8 phó chủ nhiệm VP), Bộ Quốc Phòng (7), Bộ Công An (7), Bộ Tài Chính (7) và Bộ GTVT (7)… Thống kê đó nói lên điều gì? Đó là những bộ quyền lực hay mầu mỡ nhất, thì tranh chấp “ghế” thứ trưởng xảy ra ác liệt nhất.
Chỉ có hai bộ “chỉ có” 4 thứ trưởng là Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học Công nghệ, thì lý do “tranh chấp thứ trưởng” khá “nguội lạnh” ở đó cũng khá rõ: Bộ Tư pháp vốn chỉ là trò hề của chính phủ và nhà nước CS không có tam quyền phân lập nên không có thực quyền, phải làm “tư pháp” hoàn toàn theo “đảng pháp” – theo chỉ đạo của đảng nên… không phe nhóm nào dám tranh chấp với đảng ở đây – lĩnh vực bất khả chấp này cả; Còn bộ KH-CN thì có lẽ vì lý do khoa học công nghệ là những “cục phân” luôn “vuốt đuôi định hướng” nên nó không có tiếng nói gì trong chính phủ, nhà nước và xã hội này cả, nên các bên đều không muốn vào “tranh chấp phân” làm chi…
Tóm lại, chúng ta đang và sẽ phải chứng kiến cuộc chiến nhân sự gay gắt và tàn khốc của CSVN, mà người trả giá cuối cùng bao giờ cũng là… dân đen vốn “tự nguyện” hay bị bắt buộc phải làm “dân đỏ - theo đảng”…
Đó cũng chính là lý do duy nhất mà Việt Nam đang phải có, và sẽ có nhiều hơn 130 thứ trưởng hay thứ… tưởng vậy mà không phải vậy, trong chính phủ.
---
P.C.T.
Tác giả gửi BVN 
(Bauxitevn) 

Khẩu chiến Việt-Trung tại Liên Hiệp Quốc về Biển Đông

clip_image002

 Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2014, Ngoại trưởng Trung Quốc Trung Quốc đã cho rằng cần phải áp dụng luật lệ quốc tế để giải quyết các tranh chấp, nhưng không hề nhắc tới Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là coi thường luật lệ quốc tế. Trong phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Việt Nam đã nêu bật tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc để xác định rằng mọi nước lớn nhỏ đều phải từ bỏ việc dùng võ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên của chương trình nghị sự, đại diện Trung Quốc và Việt Nam đã cùng phát biểu trong một phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Khóa họp thứ 69 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.
Được lên tiếng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lập lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh theo đó các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng, do đó cần phải áp dụng luật lệ quốc tế một cách «công minh và đúng đắn» trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã nêu lên trường hợp Gaza, Irak, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, nhưng lại không nói gì về các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc với các láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam hay Philippines tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là không ngần ngại ỷ thế nước lớn dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp, mặc nhiên coi thường luật pháp quốc tế.
Nếu Trung Quốc cố tình không nói đến Biển Đông, thì ngược lại Việt Nam, qua phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ít phút sau đó, đã công khai nêu vấn đề Biển Đông thành ví dụ về việc không được dùng võ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã dành riêng một đoạn trong bài phát biểu để nêu lên tranh chấp Biển Đông và lập trường tôn trọng luật lệ quốc tế của Việt Nam: «Chúng tôi kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết bất đồng, tranh chấp trong quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)».
Các nước không phân biệt lớn nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế
Phần đề cập đến Biển Đông được ông Phạm Bình Minh đưa ra sau khi ông bày tỏ quan ngại về các «nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ», đe dọa hòa bình và ổn định.
Theo Ngoại trưởng Việt Nam: «Những con đường dẫn đến chiến tranh và xung đột đều xuất phát từ học thuyết đã lỗi thời về chính trị cường quyền, từ tham vọng thống trị và áp đặt, và từ việc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ».
Do đó, đối với ông Phạm Bình Minh, tất cả các nước «không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tất cả các quốc gia cần từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình».
Trong bài tường trình về cuộc khẩu chiến gián tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại nghị trường Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, Thông tín viên báo Philippines Rappler tại New York đã mỉa mai tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi nhận định như sau:
«Sau khi cho tàu tiến vào vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, và cho xây dựng cơ sở tại đấy, Trung Quốc lại nói là cần phải có luật lệ «công bằng và đúng đắn» để giải quyết các tranh chấp toàn cầu… Quốc gia bị cáo buộc không chấp hành luật pháp quốc tế khi đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên Biển Đông lại kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng luật lệ ‘công bằng và đúng đắn’ trong việc giải quyết tranh chấp».
Trọng Nghĩa
(RFI)

-Phát ngôn Phạm Bình Minh ở New York: Phúc và Họa

VNTB


Liên Sơn
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Để biết mà tìm cách vươn lên thay vì dựa dẫm, quan niệm “anh em”. Khi đó, sơn thủy sẽ luôn tương liên, văn hóa có thể tương đồng nhưng lý tưởng không thể tương thông, và vận mệnh cũng vì thế mà không tương quan. Trong họa có phúc là vậy.

Nhân bài phát biểu của ông PPT Phạm Bình Minh cũng như cuộc đối đáp giữa ông với giới học giả Hoa Kỳ tại Hội châu Á (Asia Sociaty) ở New York (24/09). Lại nghĩ ngay đến hai chữ: Phúc và Họa.

Phúc – biết rõ về Trung Quốc
Theo như ông Bộ trưởng ngoại giao thì Việt Nam biết rõ về Trung Quốc.
Chắc hẳn, không phải đến thời điểm này Việt Nam mới biết rõ về Trung Quốc, mà hơn hai ngàn năm sống cạnh một nước Hoa Hạ, với những cuộc đấu tranh tự vệ đã khiến Việt Nam nằm lòng Trung Quốc. Từ thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông cũng đã di huấn: Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa.
Hiểu về vị trí địa lý không thể thay đổi, hiểu được tính chất bá quyền, dã tâm thôn tính, bản chất đàn anh của Trung Quốc.
Không ai hiểu rõ người Trung Quốc bằng người Việt Nam. Những người Cộng sản lại càng hiểu hơn về điều này.
Nhưng hiểu rõ là một chuyện. Làm cách nào để khiến “lợi thế” thành sự chủ động cho chính quốc gia lại là một chuyện khác.
Một ngàn năm Bắc thuộc giúp Khúc Thừa Dụ hiểu rõ về Trung Quốc, và ông đã đặt cơ sở cho nền độc lập, tự chủ của Việt Nam, một nền “độc lập thực sự, và thần thuộc về danh nghĩa”.
Cơ sở mà dòng họ Khúc đặt ra được kế thừa qua các triều đại. Từ thời Ngô, vào năm 954 bắt đầu sai sứ sang vua Nam Hán để cầu vương, đến thời Đinh, dù xưng đế nhưng vẫn xúc tiến triều cống, cầu phong từ các hoàng đế Trung Hoa. Lệ này kéo dài mãi cho đến thời kỳ vua Tự Đức – Triều Nguyễn (cuối thế kỷ 19) mới chấm dứt.
Cách làm đó được xem là sự hiểu rõ Trung Quốc và ứng xử lại một cách khôn ngoan của tổ tiên trong thời kỳ quân chủ, là nghệ thuật lấy nhu thắng cương trong vấn đề hòa hiếu với nước láng giềng. Giữ được nước lại vừa đảm bảo lợi ích của một dòng họ khi lên cầm quyền với sự hậu thuẫn của chính quyền phong kiến Trung Quốc.
Họa – lệ thuộc bản chất
Cái thời “thần phục” trên danh nghĩa đó đáng lẽ đã kết thúc khi vua Bảo Đại dâng ấn kiếm cho chính quyền Việt Nam, kết thúc một thời kỳ mà quan hệ và sự ràng buộc luật pháp quốc tế còn chưa định hình (quân chủ), nước lớn nhỏ về mặt lãnh thổ vẫn mang tính quyết định lớn nhỏ trong quan hệ giữa các quốc gia. Một thời kỳ man sơ với sự tiến đánh chiếm bằng vũ lực ở các nước mà ít bị lên án. Và cũng là thời kỳ mà tư tưởng Nho giáo áp đặt tính “thiên triều” Trung Hoa ra các nước xung quanh.
Thế nhưng, sự xuất hiện của CNXH lại khiến Việt Nam một lần nữa bị ràng buộc về hệ tư tưởng đối với “thiên triều” thời kỳ hiện đại.
Dẫu rằng, hoàn cảnh lịch sử có đưa đẩy đến sự lựa chọn này, nhưng đến khi Liên Xô bị sụp đổ, Đông Âu bị tan rã, chế độ XHCN thì việc vẫn bám víu sự tồn vong chế độ bởi “anh hai” (là Trung Quốc) vẫn còn trụ được là điều không thể hiểu nổi. Nhất là khi mà chế độ đã không mang lại cơm ngon – áo ấm trong một thời gian dài và hạn chế những quyền tự do cơ bản nhất của một con người.
Nhưng số phận dân tộc bi thương không nằm ở đó, mà nằm ở việc, vì thần thuộc quá lâu nên phần lớn người Việt (trong đó có tầng lớp lãnh đạo) đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai tính hòa hiếu của tổ tiên, hoàn cảnh mà tổ tiên buộc phải thần thuộc về danh nghĩa. Không hiểu chế độ quân chủ đã kết thúc từ lâu, luật pháp quốc tế hiện đại đã hiện diện.
Vì thế, Việt Nam lại một lần nữa lại nằm trong đường hướng (quỹ đạo) của Trung Quốc. Việc xin sắc phong, triều cống, nay được nhắc lại qua 16 chữ vàng, dẫn đường cho việc gửi đặc phái viên “trao đổi ý kiến”, cử cán bộ qua đào tạo… Mọi sự thay đổi, đường đi nước bước của Trung Quốc đều được hấp thụ, sao chép không thương tiếc, từ cách mạng văn hóa, cải cách ruộng đất, đổi mới kinh tế, thiết lập đặc khu kinh tế, con bài chống tham nhũng… Tư tưởng Nho giáo nay đã đổi thành tư tưởng về CNXH. Từ thiên triều, Trung Quốc trở thành anh hai của Việt Nam.
Vì thế, dù hiểu rõ về Trung Quốc, nhưng tầng lớp lãnh đạo lại không muốn hiểu giá trị của các bài học mà Trung Quốc đã dạy từ thời xa xưa cho đến bài học năm 1979, bài học về lệ thuộc kinh tế – chính trị ngày nay.
Thế nên, sau sự kiện HD-981, Trung Quốc tiếp tục mở rộng đảo Gạc Ma lên 100.000 m2; cục hải sự Trung Quốc thông báo quân đội nước này sẽ diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại phía nam đảo Hải Nam, phạm vi kéo dài đến quần đảo Hoàng Sa; chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình kêu gọi Quân đội giải phóng nhân dân nước này (PLA) sẵn sàng cho một cuộc chiến khu vực. Thì ông Phạm Bình Minh lại nhấn mạnh mối quan hệ “Cả hai đều là nước XHCN, có quan hệ trên mọi kênh, giữa hai đảng, hai nhà nước, và nhân dân hai nước” và ngỏ ý mong muốn học tập “CNXH đặc sắc Trung Hoa”.
Một khi còn muốn dựa vào yếu tố XHCN và quan hệ hai đảng để hòa hiếu, giữ đất, lấy đảo theo kiểu “Lý tưởng tương thông/ Vận mệnh tương quan” thì chẳng bao giờ mong muốn của ông Phạm Bình Minh về “cơ hội bình đẳng cho tất cả các nước không phân biệt lớn nhỏ có tiếng nói và bảo vệ lợi ích của mình” thành sự thật cả.
Bởi sự yếu kém về mặt tư tưởng, chỉ cố lo thương thuyết, cầu xin ngoại giao với Trung Quốc, không dựa vào dân, không lo canh tân quốc gia mà chỉ mong muốn học tập Trung Quốc dưới nhiều hình thức chính là căn bệnh lệ thuộc/ thần thuộc thực sự. Hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”vì thế vẫn diễn ra đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam trở thành một nước nhỏ, cơ yếu, luôn trong trạng thái trông chờ “nước lớn” Trung Quốc.
Do vậy, lúc này nói hiểu rõ Trung Quốc như ông Bộ trưởng ngoại giao là quá thừa. Cái cần là làm gì cho khôn ngoan trước sự hiểu rõ đó như tổ tiên cần làm trong thời thế này.
Thế đứng Việt Nam? Trời giúp?
Những hành động của Trung Quốc đã nâng cao ý thức của Việt Nam về sự đa dạng hóa các đối tác an ninh (nhất là đối với Hoa Kì). Nhưng liệu nó thay đổi ý thức về sự lệ thuộc Trung Quốc? Chắc chắn không, khi mà vẫn còn cái mong muốn việc học tập CNXH đặc sắc Trung Hoa hay sự tương quan tư tưởng.
Tương quan (lệ thuộc) tư tưởng đó đã tạo ra những con người như ông Đại tá, phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đăng Thanh: “Trước đây Trung quốc giúp mình súng đạn, xe cộ, áo quần, lương khô, tiền bạc nhiều lắm. Họ có lấy của mình hòn đảo bằng cái đồng xu thì cũng coi như mình trả ơn, giữ hòn đảo đá ấy có làm lợi gì đâu. Cái tình cảm láng giềng nó quý hơn nhiều chứ”.
Sự chi phối và ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh khiến hình thành hoặc không thoát khỏi não trạng lệ thuộc trong phần lớn lớp người cầm quyền. Sự lệ thuộc đó cũng khiến cho cả đất nước rơi vào thế bị động qua cách nói hoa mĩ “vừa đấu tranh, vừa hòa đàm”, cho nên việc ông Phạm Bình Minh thừa nhận bên cạnh 40 cuộc đối thoại thì “do bão đến, nghĩa là chúng tôi được ông Trời giúp” ít nhiều có hàm ý tương tự.
Vị trí địa lý có thể không thay đổi được, nhưng số phận dân tộc chắc chắn sẽ đổi thay bằng cách thay đổi thế đứng về mặt đường hướng phát triển.
Muốn vậy, thì chỉ có con đường duy nhất là phải tách khỏi Trung Quốc về tư tưởng chính trị và thể chế chính trị, phát triển độc lập mô hình thể chế so với Trung Quốc thay vì giống Trung Quốc. Xây dựng lực nước để tạo ra tính bình đẳng chứ không phải trông chờ vào một tổ chức ASEAN thích hội họp hay sự thay đổi và tính cầu thị nước lớn (Trung Quốc).
Để làm được điều đó, trong tầng lớp lãnh đạo cần có những người như ông Trần Xuân Bách hay Hunsen. Những cái đầu dũng khí nhận ra cái nhục về tính lệ thuộc, mà tỉnh táo nhìn về thế nước nhỏ, nghĩ đúng về sự tồn vong, tiền đồ dân tộc. Để biết mà tìm cách vươn lên thay vì dựa dẫm, quan niệm “anh em”. Khi đó, sơn thủy sẽ luôn tương liên, văn hóa có thể tương đồng nhưng lý tưởng không thể tương thông, và vận mệnh cũng vì thế mà không tương quan. Trong họa có phúc là vậy.
Tiếc là, Việt Nam về mặt lãnh thổ, dân số không phải là nước nhỏ, nhưng giờ đây, không ai khỏi băn khoăn trước câu hỏi về sự yếu hèn. Nhất là mãi đến giờ này, vẫn chưa thấy cái đầu dũng khí vẫn chưa xuất hiện trong giới lãnh đạo cấp cao còn tại vị, những phát ngôn vì nước – vì dân (định hình thế đứng của quốc gia) chỉ xuất hiện khi các lãnh đạo ở vị trí nguyên, còn những câu nói cầu vịn như ông Tổng bí thư đảng Cộng sản – Nguyễn Phú Trọng thì lại nhiều vô kể. Qua đó mới biết, các vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải hiện nay không nằm ở Trung Quốc, mà vấn đề nằm ở sự lệ thuộc để giữ quyền lợi thống trị của tập đoàn người ở Ba Đình còn quá chặt chẽ dẫn đến sự từ chối một thế nước mới.
Cái nhục của sự lệ thuộc và nước nhỏ chưa bao giờ là sự trăn trở của tầng lớp lãnh đạo, trong khi đó người dân thì thờ ơ chính trị.
Vậy nên, đường hướng đi, cách giao thiệp, ứng xử với Trung Quốc từ sau cuộc chiến tranh Biên giới đến nay của chính quyền ngày một lúng túng, không khác gì một “quái kịch Phan Xích Long ở Nam Kỳ” năm xưa.
Vận mệnh đất Việt trước họa Trung Quốc, hay là giao phó cho… trời giúp!?

-Vũ khí sát thương và bản lĩnh chính thể

Phạm chí Dũng -Nguoiviet

Hà Nội hoang mang…
Ðất Việt vẫn là một trong số hiếm hoi tờ báo nhà nước cố thủ được bản sắc riêng trong tiếng nói truyền thông. Vào cuối Tháng Chín, tờ báo này cũng thêm một lần nữa biến thành dị bản so với hệ thống báo đảng khi “dám” gắn chủ đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí với yêu cầu nhân quyền mà Hoa Kỳ không hề bỏ qua đối với Việt Nam.

Nhiều tờ báo khác, và sau cùng là báo đảng, cũng lục tục được “cởi trói” khi bắt đầu đưa bài về tin tức sốt dẻo “cuối năm Mỹ bỏ cấm vận vũ khí.” Ðiều đó cũng đồng nghĩa với hình ảnh tái lập bang giao Việt-Mỹ được “nâng lên một tầm cao mới,” nói theo cụm từ mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và giới chức ngoại giao rất ưa dùng.

Tuy vậy, còn chậm lụt hơn cả báo chí, Bộ Ngoại Giao của ông Phạm Bình Minh lại có vẻ khá lắng chìm trước tín hiệu bán lại vũ khí được phát ra từ Washington. Cả Ban Tuyên Giáo Trung Ương cũng vậy. Rõ ràng là giữa năm nay, hàng loạt cú chao người trong thế đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến nhiều quan chức chính trị Hà Nội không còn đủ tự tin để biết họ cần phải làm gì, thậm chí muốn gì.
Ðặc biệt, hình ảnh hoặc bị thất sủng, bị truy xét hoặc phải lui vào tình thế “hoạt động bí mật” của lớp quan chức thân Bắc Kinh sau vụ việc giàn khoan HD981 ở Biển Ðông có thể đã khiến đảo lộn kế hoạch thâu tóm quyền lực chóng vánh của những kẻ này.
Ngược lại, sự xuất hiện ngay tại thủ đô cựu thù của những người Mỹ như John McCain và Martin Dempsey lại mang đến niềm hy vọng sống sót cho chủ nghĩa lợi ích không còn đường chạy theo Trung Quốc.
Thậm chí, khi ngay cả người đại diện ưu tú của giới chính trị bị xem là bảo thủ – ông Phạm Quang Nghị – bất thần hiện ra ở xứ Cờ Hoa trước sự sửng sốt của không ít nhà quan sát, có thể rất nhiều quan chức Việt Nam đã cảm nhận về một không khí giao thời để chuẩn bị cho một biến động đủ lớn về quan điểm đối ngoại và kể cả đối nội trong tương lai gần.
Cảm nhận trên có thể là không sai. Sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ Martin Dempsey, mới đây chỉ huy trưởng Hải Quân Nhân Dân Việt Nam, Ðô Ðốc Nguyễn Văn Hiến, đã lẳng lặng đến Mỹ tham gia tập trận hải quân với Bộ Trưởng Hải Quân Ray Mabus.
Vớt vát cuối cùng
Tuy nhiên, điều có vẻ đáng ngạc nhiên là những cú đưa đẩy con thoi về quân sự trên diễn ra trong bối cảnh Hiệp Ðịnh Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn hầu như chưa có gì được coi là thỏa thuận giữa Việt Nam và những nước chủ chốt trong TPP như Hoa Kỳ và Nhật. Toàn bộ những gì được coi là kết quả của vòng đàm phán cấp cao ở Hà Nội trong 10 ngày đầu Tháng Chín chỉ là “đã đạt được những tiến bộ quan trọng,” theo báo chí nhà nước, hay “còn nhiều việc phải làm,” theo trưởng đoàn đàm phán Mỹ.
Thế nhưng sau đó, ngay cả Thông Tấn Xã Việt Nam cũng phải “cải chính” khi dẫn lời Giáo Sư Jeffrey Schott, thành viên cao cấp của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson có trụ sở tại thủ đô Washington, DC (Mỹ) và cũng là chuyên gia hàng đầu về TPP, dự báo hiệp định này có thể kết thúc đàm phán và ký kết vào nửa đầu năm 2015.
Tin này thật sự là một cú sốc đối với các nhà “hoạch định chiến lược” của Việt Nam. Theo hoạch định vào giữa năm 2013, tiến độ TPP “phải” được kết thúc vào cuối năm đó. Mong ước có phần viển vông này có lẽ được dựa vào một cơ sở sáng láng nhất là cam kết “cố gắng hoàn tất TPP vào cuối năm 2013” của Tổng Thống Mỹ Barak Obama.
Thế cục đã biến chuyển khác hẳn giai đoạn năm 2007-2008. Giờ đây, với quá nhiều khó khăn về kinh tế và nội trị, giới lãnh đạo Việt Nam luôn đứng trước ngã ba đường. Chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thực tế đã không mang lại kết quả như mong đợi, nếu không muốn nói là người đi dây còn có thể té lộn nhào vào bất kỳ lúc nào.
Thái độ hơi quá khoan hòa của tổng thống và giới ngoại giao Mỹ đối với nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã không còn đạt hiệu ứng thuyết phục như trước đây đối với lưỡng đảng Hoa Kỳ. Thực tế là “quyền đàm phán nhanh” về TPP đã không còn phụ thuộc vào chính phủ Mỹ, mà do Hạ Viện Hoa Kỳ quyết định. Giáo Sư Jeffrey Schott cũng vừa hé lộ thông tin vừa đáng thất vọng nhưng cũng tôn tạo đôi chút hy vọng là đến đầu năm sau, Quốc Hội Hoa Kỳ có thể thông qua loại quyền dù mang tính kỹ thuật nhưng lại quyết định phần lớn này cho chính quyền Mỹ, từ đó mới có thể kết thúc nhanh tiến trình đàm phán TPP cho Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán đang tìm cách đạt tới một “sự cân bằng chuẩn xác” giữa độ sâu của tự do hóa mà Việt Nam cam kết thực hiện với tốc độ thực hiện các cam kết tự do hóa này, Giáo Sư Jeffrey Schott nhấn mạnh.
Khó có thể hiểu khác hơn, “sự cân bằng chuẩn xác” nêu trên không chỉ nhắm tới những điều kiện về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, nhãn mác… mà Việt Nam phải thỏa mãn, mà cả về những hình thể tự do nhạy cảm hơn nhiều như tự do lập hội, công đoàn độc lập và trả tự do cho tù nhân lương tâm. Nếu không đáp ứng được những “tiểu tiết” này, có thể còn rất lâu nữa, hoặc chẳng bao giờ, Việt Nam mới là “quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP” như Bộ Chính Trị quốc gia này tuyên truyền.
Hy vọng gần như duy nhất của phía Việt Nam chỉ còn là những cuộc đàm phán đơn phương với đại diện thương mại Hoa Kỳ. Sự hiện diện của phái đoàn Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh ở Washington, DC, ngay sau vòng đàm phán TPP tại Hà Nội là một trong những vớt vát cuối cùng cho năm nay.
“Vậy thì sao Trung Quốc phải phiền lòng?”
Rõ ràng là Hà Nội chỉ thay đổi khi ở vào thế chân tường. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà chính vào khoảng thời gian được coi là khá “nhạy cảm” này, một số tin tức vốn được liệt vào độ “tuyệt mật” của Hà Nội lại bất ngờ lộ ra.
Ðầu tiên là sự kiện gây sốt trong cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm đến chính trị: một kế hoạch hợp tác thông tin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) với đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV). Kế hoạch này đã không được biết đến cho tới khi có một bản tin tiết lộ trên báo mạng điện tử WND (World Net Daily) ngày 31 Tháng Tám về sự thương lượng của Hội Ðồng Quản Trị Truyền Thanh Hoa Kỳ (US Broadcasting Board of Governors-BBG) với phía nhà cầm quyền Việt Nam.
Sau đó, vào ngày 16 Tháng Chín, lại xuất hiện thông tin nhà nước Việt Nam đã trao giấy phép cho đại diện của hai tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ, chính thức nối lại hoạt động cho nhận con nuôi giữa hai nước sau sáu năm đình trệ.
Ðiểm trùng lắp đáng lưu ý là cũng như tin tức về mối quan hệ khiên cưỡng VOA-VOV, những tiết lộ mới mẻ và bất ngờ về chương trình “tái thiết con nuôi” lại xuất phát từ Mỹ chứ không phải từ giới lãnh đạo Hà Nội.
Còn ngay trước mắt là chuyến đi Hoa Kỳ vào đầu Tháng Mười của Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh để “tham khảo ý kiến với Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry,” như lời dẫn của VOA.
Nhưng thêm một lần, điều trớ trêu là tin tức trên được tiết lộ từ một hãng truyền thông bị ghép tội “vu khống và xuyên tạc” như VOA Việt ngữ, chứ không phải là Thông Tấn Xã Việt Nam hay báo Nhân Dân.
Chỉ mới đây, chính phủ Việt Nam mới thông tin quá trễ về chuyến công du nêu trên, sau khi báo chí nước ngoài “ấn định” thời điểm xuất hiện của ông Phạm Bình Minh ở Hoa Kỳ là hai ngày đầu Tháng Mười.
Cũng có thể, chuyến “thị sát” của ông Dempsey đến Việt Nam vừa qua và cuộc “tham khảo” của ông Phạm Bình Minh ở Hoa Kỳ sắp đến sẽ mở đường cho một chuyến công du khác, đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel sẽ tới Việt Nam trước cuối năm nay, từ đó dẫn đến cơ chế dỡ bỏ cấm vận vũ khí.
Không có được quyền “đàm phán nhanh” đối với TPP, hẳn chính phủ Mỹ có phần bức bối, trong khi họ cần phải tự thân quyết định một số vấn đề ngay trước mắt và có lợi cho họ. Việc buôn bán vũ khí sát thương là một trong những mối lợi cấp tốc như thế.
Còn Hà Nội, tất nhiên trong mọi tất nhiên, họ vẫn tiếp diễn trạng thái đu dây và chỉ mong muốn mọi chuyện đừng đảo ngược theo hướng gây bất lợi cho mình.
“Vậy thì sao Trung Quốc phải phiền lòng?” Khẩu khí và vẻ mặt ngạc nhiên hệt kịch sĩ của ông Phạm Bình Minh hôm 24 Tháng Chín tại Asia Society (Hội Á Châu) ở New York, khi đề cập đến việc Việt Nam mua vũ khí sát thương từ Mỹ, chắc hẳn toát lên tư thế rất đặc trưng cho “bản lĩnh” của chính thể Hà Nội.

-Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!

Ngô nhân Dụng – Nguoiviet

Tháng Ba năm 1974, hai tháng sau khi Trung Cộng tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đưa một phái đoàn đi thăm một đảo trong quần đảo Trường Sa; chắc để ủy lạo tinh thần các quân nhân đồn trú. Trong số người tham dự chuyến đi có Ðại Úy Ðinh Thành Tiên, lúc đó 36 tuổi.
Ông cũng là thi sĩ nổi danh Tô Thùy Yên từ 20 năm trước, xuất thân từ tạp chí Sáng Tạo.

Khi trở về Tô Thùy Yên viết bài thơ Trường Sa Hành, đăng trên tạp chí Văn, ở Sài Gòn. Trong lúc đó Việt Cộng đang tấn công tỉnh Phước Long, dọn đường cho cuộc tổng tấn công vào năm sau, mặc dù đã ký hiệp định đình chiến ở Paris. Trong không khí chiến tranh bùng trở lại, viện trợ của đồng minh bị cắt đứt, người dân miền Nam ngơ ngác, không ai có thời giờ nghĩ tới Trường Sa, những hòn đảo lẻ loi giữa trùng dương xa tắp. Bài Trường Sa Hành chìm vào đáy sâu kho trí nhớ của những người yêu thơ, yêu tiếng Việt.
Năm 1975, Thiếu Tá Ðinh Thành Tiên bị đưa vào tù sống 13 năm, cho đến khi được tự do ông viết bài Ta Về, một áng văn chương rực rỡ trong ngôn ngữ Việt.
Cho đến mấy năm gần đây, người Việt tìm lục trong ký vãng thấy lại bài thơ Trường Sa Hành, và chuyền tay nhau đọc, tới tấp gửi cho nhau trên các mạng lưới. Vì Trường Sa đã là một đề tài thời sự. Nhiều nhà văn sống ở miền Bắc trước đây không biết đến Tô Thùy Yên, giờ cũng đọc và nhắc tới bài thơ khi nói về nỗi uất hận của dân tộc trước cảnh Trung Cộng đánh chiếm nhiều đảo ở Trường Sa năm 1988, và đang tính nuốt hết cả quần đảo. Trong một bài thơ viết thời còn trẻ đăng trên Sáng Tạo, Tô Thùy Yên tự giới thiệu, “… là thi sĩ, là người viết sử tương lai.” Câu thơ nay đã nghiệm. Trường Sa Hành viết năm 1974, sau 30 năm bài thơ đang xuất hiện trở lại trong lịch sử dân tộc để chúng ta đọc và hướng đến tương lai.
Trường Sa Hành mở đầu bằng câu dẫn làm tựa đề trên đây. Thi sĩ viết:
Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Ðọc một câu “Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!” chúng ta đã thấy, Trường Sa Hành không phải là một tiếng trống thúc quân, không viết để tuyên truyền cho bất cứ một chính quyền một chủ nghĩa hay một cuộc chiến đấu nào. Tất cả chỉ là những xúc động của người thi sĩ khi đặt chân lên một hòn đảo rất xa nhưng vẫn thuộc về đất nước mình, chia sẻ nỗi lòng những người “lính thú” đóng trên đảo. Tô Thùy Yên là một con người tự do sáng tác theo cảm xúc cá nhân dù ông là một sĩ quan trong quân đội. Các thi sĩ trong Quân đội Cộng Hòa không viết theo kế hoạch, theo chính sách hay chỉ thị của cấp trên, không ai chấp nhận thân phận “bồi bút.” Phan Nhật Nam viết “Dấu Binh Lửa,” hay Tô Thùy Yên viết “Chiều trên Phá Tam Giang” đều do những xúc động tự trong lòng thúc đẩy. Trong vùng đất coi tự do là một lý tưởng xứng đáng cho cuộc sống, không có thi sĩ nào viết như câu vè cổ động giết đồng bào, như:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin…bất diệt.”

Trái lại, người cựu thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa, sau 13 năm tù đầy biệt xứ, vẫn còn đủ tấm lòng thương cảm với những người lính bên kia đã chết trong cuộc chiến:
“Ta địch bạn thù chung bia mộ,
Chung lời thương tiếc tiễn đưa nhau…”

Chỉ có những con người tự do mới có cơ hội cho lòng từ bi được nảy nở và sẵn sàng bày tỏ. Nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm có dịp kể rằng: Một lần tôi hỏi Tô Thùy Yên vì sao “Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề,” ông giải thích rằng đứng trên đài chỉ huy chiến hạm thấy sóng vây quanh đảo như vành khăn tang. Một người đi du lịch có khi thích thú thấy cảnh đó vô cùng ngoạn mục nhưng ở đây, thi sĩ nhìn theo tâm cảnh u sầu, chưa nguôi ngoai về cái chết oanh liệt nhưng không thể nói không bi thảm của bao thanh niên ưu tú con yêu dân tộc bỏ mình khi bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng,” trong trận hải chiến Hoàng Sa trước đó.
Ở thời điểm đó, Trung Cộng có thể tiến chiếm Trường Sa bất cứ lúc nào. Có thể những người “lính thú này sẽ nối gót Ngụy Văn Thà mới vừa tử thủ ở Hoàng Sa, hay theo chân những người lính vô danh trong lịch sử dân tộc.
Nhưng khi đã lênh đênh lần đầu trên mặt biển suốt mấy ngày đêm, khi bước chân lên mặt đất, cũng giống các thuyền nhân vượt biển tìm tự do sau này, những ngày sau mỗi lần nằm xuống ngủ còn mang theo cảm giác “Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”; thì một thi sĩ đã vượt lên trên thân phận nhỏ nhoi của kiếp người, để tiếp xúc với cả vũ trụ. Trước vũ trụ không cùng, xúc động đầu tiên là một nỗi Hiu Quạnh Lớn.
Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Nỗi Hiu Quạnh Lớn trùm lên cả 16 đoạn thơ, được diễn tả dưới nhiều hình ảnh gió miên man, gió ngất trời, xa đến nhớ không tới, gió xoay chiều, gió khốc liệt, gió ngất trùng điệp, cây bật gốc chờ tan xác, chim đen thảng thốt quần, đất trời kinh động, khỏng cách đặc. Tô Thùy Yên luôn xao xuyến trước vũ trụ bao la im lặng, vô biên, vượt trên khả năng hiểu biết của loài người “Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi.” Trong bài “Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ” ông lại viết:
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn,
Mà trí ta không đủ lực đo lường.

Tô Thùy Yên có thể, thay hai câu của thi sĩ người Pháp Saint John Perse ở đầu bài thơ mà ghi hai câu thơ Cao Bá Quát: “Lôi oanh điện bác thảm nhân diện – Duy hữu điểm điểm phù khinh âu.” Cao Chu Thần đứng trước biển cả mênh mông cũng cảm thấy một nỗi Hiu Quạnh Lớn như các thi sĩ khac, trong hai câu thơ chỉ thấy sấm, chớp chiếu lên mặt người thê thảm, và trên không mấy con chim hải âu vỗ cánh. Tâm trạng Tô Thùy Yên cũng như vậy.
Trước đất trời bao la, hung hãn, “coi vạn vật như chó rơm,” thi sĩ nhìn lại “dưới hồn ta tịch mịch” thì phải thấy không thể nào diễn tả bằng lời nói những xúc động của mình. Ông có thể nghĩ về cái tang những chiến sĩ đồng đội đã hy sinh ở Hoàng Sa trước đó, hay cảnh sống heo hút của những “Lính thú mươi người lạ sóng nước” cô lập trên một hòn đảo ở Trường Sa. Vì trời mây, biển cả đã nói hết cả nỗi niềm tang chế rồi:
Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Tô Thùy Yên chia sẻ với những đồng ngũ ở Trường Sa bằng những bài hát, những chén rượu mang từ đất liền tới:
Chú em hãy hát, hát thật lớn,
Những điệu vui, bất kể điệu nào,
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Tâm sự những người lính tiền đồn này được thi sĩ diễn tả với khoảng cách giữa quần đảo Trường Sa và đất liền, liên lạc với nhau bằng làn sóng điện không đáng tin cậy:
Ðất liền, ta gọi, nghe ta không?
Ðập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, không biết số phận những người lính giữ đảo đó ra sao. Họ có được coi là những chiến sĩ đang bảo vệ tổ quốc hay không? Khi quân Trung Cộng đánh chiếm mấy đảo Trường Sa năm 1988, bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác bị hy sinh mà không được ai nhắc tới, cho đến năm nay mới có người Việt Nam làm lễ tưởng niệm “chui.” Nhưng đối với thi sĩ, những chiến sĩ Việt Nam, dù thuộc chế độ chính trị nào, cũng đã được tưởng niệm:
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Ðài tưởng niệm bất diệt nằm trong lòng dân Việt mãi mãi: Bài thơ Trường Sa Hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét