MỘT NỀN GIÁO DỤC PHẢN TIẾN BỘ
  Hơn nửa thế kỷ qua, về đủ mọi mặt, các nước trên thế giới đã có những bước nhảy vọt ngoạn mục, nhiều nước trong khu vực đã trở thành những con rồng con hổ, ngay những nước lân bang như Thái Lan, Malaysia,  cũng đã bỏ xa chúng ta về sự tiến bộ, thậm chí gần đây còn  phát hiện ra có lĩnh vực ta đã kém hơn hai nước Lào và Căm pu chia mà trước đây chúng ta cứ kẻ cả coi là các nước đàn em cần giang tay bao bọc.
Nhìn chung, chúng ta vẫn là một nước trong tình trạng chậm phát triển, cả cái điện thoại di động với bao nhiêu chi tiết mà chỉ có khả năng làm được cái bao bì bằng các tông, đến cái ốc, cái vít cũng chưa biết khi nào mới chế tạo được. Nhưng dù  chỉ với tốc độ rùa bò hay ốc sên, cuộc sống ở ta cũng có những tiến bộ dù nhỏ.

Vào mùa gặt, người nông dân vẫn cắt lúa bằng liềm, bằng hái nhưng đã không còn phải dùng cái cối đá thủng để đập lúa, các nơi hầu hết đều có máy tuốt lúa. Rồi con người cũng không còn phải è cổ gánh lúa về nhà, đã có xe công nông, hay xe cải tiến được kéo bằng xe máy làm giảm sức người. Sân phơi thóc thời hiện đại không còn là cái sân gạch cỏn con một thời là mơ ước của những Lão Am một điển hình trong văn học những năm 60,  thóc lúa giờ đây đã được phơi trên hàng ngàn cây số các đường quốc lộ trải dài khắp đất nước. Đi các tỉnh miền núi phía bắc, mới thấy cái điều nhà thơ Tố Hữu mơ ước 60 năm trước nay đã thành sự thực “núi rừng có điện thay sao”, người dân các dân tộc thiểu số nhiều gia đình nay đã biết đến tivi, máy tính, … dù các bản làng xa xôi nơi đường giao thông chưa kịp vươn tới cũng còn nhiều nghèo đói.
Nhưng dù có mang nhiều ưu ái, dù đã dành gần hết cuộc đời đóng góp (tất nhiên có tích cực và cũng không ít tiêu cực), gần bảy mươi năm qua tôi cũng phải thừa nhận, giáo dục nước ta đang “phú quý giật lùi”.
Sau đảo chính Nhật tháng 3 năm 1945, Hoàng Xuân Hãn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Mỹ thuật  trong chính phủ Trần Trọng Kim. Trong vòng 2 tháng, chỉ với tấm bằng cử nhân (1935) và thạc sĩ (1936) Toán của trường đại học Sorbonne (Pháp) cấp, và với một nhóm cộng sự ít ỏi, ông đã “thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ ở các trường học. Áp dụng việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức..” (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong vòng 4 tháng nhưng các Bộ trưởng Giáo dục của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau đó là Vũ Đình Hòe, Đặng Thai Mai và Nguyễn Văn Huyên đã kế thừa chương trình do ông soạn thảo trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp ở các vùng do ta kiểm soát. Mặc dù đời sống vật chất vô cùng gian khổ, điều kiện học tập hết sức thiếu thốn, những lớp học mái tranh liếp nứa trong những cánh rừng heo hút đã đào tạo được một thế hệ thanh niên sau này hầu hết đều trở thành rường cột trong nhiều ngành khoa học ở nước ta cho tới nay.
Bước vào chống Mỹ, chủ trương “trong số lượng có chất lượng” đã đưa giáo dục nước ta đặt một chân vào thảm họa. Chỉ có điều, sự đi xuống của giáo dục lúc này không mấy ai nhận ra, người ta còn mải chú ý tới chuyện bom đạn, chuyện miếng ăn hàng ngày. Những người có tâm huyết với giáo dục khi ấy dù có cảm thấy lo lắng  nhưng cũng tự an ủi, chờ sau này khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, độc lập, giáo dục sẽ được phục sinh làm tròn trách nhiệm với tiền đồ của dân tộc.
Chỉ tiếc rằng, đất nước thống nhất, bắc nam liền một giải, rồi đổi mới, bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã bốn chục năm, cho tới nay, sự xuống cấp của giáo dục  đã không thể nào che giấu nổi, nhiều người đã phải cho rằng giáo dục “đang xuống dốc không phanh”, giáo dục “sắp chạm đáy”, giáo dục “không thể tồi tệ hơn được nữa”.…Và nhiều người biết lo xa, đã tìm mọi cách để cho con cái “tỵ nạn giáo dục” càng sớm càng tốt.
Thành công lớn nhất của nền giáo dục cũ (phong kiến và thực dân) ở nước ta theo tôi là đã bồi dưỡng được lòng ham hiểu biết cho người học. Họ không chỉ học trong nhà trường dưới sự chỉ dạy của người thầy. Chỉ cần sau những  năm tiểu học, được tiếp thu những tri thưc cơ sở, mỗi người đã có thể nghe giảng các môn học bằng tiếng Pháp khi có điều kiện học lên lớp trên hay tự học. Việc học tập theo họ suốt cuộc đời dù chẳng mấy người biết tới lời của Lênin. Đã có một lớp trí thức ở ta dù bằng cấp rất khiêm tốn nhưng là những tài năng thực sự trên nhiều lĩnh vực. Những tấm gương của thầy cô giáo, những người được nể trọng trong làng xã từ những ông Cử, cụ Nghè cho tới ông hương sư là mẫu mực về sự hiểu biết, tấm gương về cách cư xử hợp đạo lý, trụ cột của các gia đình tử tế được mọi người ngưỡng mộ cũng là động lực thôi thúc lòng ham học của mỗi người khi được cắp sách tới trường. Người ta tiếp bước truyền thống coi “nhân bất học bất tri lý”, học để mở mang tầm nhìn, học để sống cho ra con người.
Từ cải cách ruộng đất, thang bậc giá trị đã thay đổi, những người tử tế, có học hành, có liêm sỉ bị coi thường trước sự lên ngôi của dốt nát và bất lương. Người ta đi học, dù có học đến đại học hay làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, vẫn không lấy sự mở mang hiểu biết là mục đích, dù đã mòn đũng quần trên ghế nhà trường vẫn không có lòng ham học. Mục đích học tập của ta hiện nay chỉ là bằng cấp, có bằng cấp cùng với cái “thủ tục đầu tiên” sẽ có điều kiện để tiến thân. Bằng thật hay giả, bằng thật nhưng kiến thức giả đã trở nên phổ biến. Một đứa trẻ miệng còn hơi sữa, mới đặt chân vào lớp 1 đã được tạo hứng thú  tới trường bằng những bộ quần áo của Trạng nguyên, Tiến sĩ mong được vỗ tay chào mừng làm sao có thể thờ ơ với những giá trị ảo, những cái danh hão khi lớn lên sau này. Biết bao viên chức nhà nước, nhờ cái bằng giả (mua được từ trong nước hay sang trọng hơn, ở nước ngoài) leo lên  những chức vụ cao khi bị phát hiện vẫn nghiễm nhiên tồn tại càng khiến người ta không cần học mà chỉ cần cái bằng. Có lẽ trong nhiều việc trên đời, học là công việc hoàn toàn không thể làm hộ, không thể học hộ. Con người một khi không có lòng ham học chỉ cần nhờ tấm bằng mà “công thành danh toại” quả thật là thảm họa đầu tiên cho giáo dục.
Người ta cho con tới trường là để được “nên người”, nghĩa là vừa được thêm nhiều hiểu biết để vận dụng vào đời sống (để tồn tại, để kiếm ăn) sau này và vừa được rèn luyện những phẩm chất đạo đức cho hợp với luân thường đạo lý. Nội dung học hành ở ta vừa thừa thãi vừa lạc hậu. Thừa vì những tri thức mang tính hàn lâm, chỉ có tác dụng khoe hiểu biết của người soạn sách; lạc hậu vì nhiều điều loài người tiến bộ đã ném vào sọt rác của lịch sử từ nhiều chục năm nay, thậm chí cả những điều bịa đặt hiển nhiên vẫn làm người học tốn thời gian tới cả một năm học. Cho nên, hàng chục năm học ngoại ngữ nhưng vẫn là những kẻ “vừa câm vừa điếc”; dù có cử nhân hay thạc sĩ, thất nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ không nhỏ vì muốn làm được nghề đã được đào tạo, người học cần được đào tạo lại, nghĩa là sau ba bốn năm học, thời gian và tiền của trở thành “nước lã ra sông”. Đó là nói chuyện dạy chữ. Còn dạy người thì sao? Trẻ em nước ta tới trường không phải để được tạo điều kiện phát huy những năng lực cá nhân mà để dần thành thạo “nghệ thuật diễn”. Sắp tới trường, các em đã được cha mẹ dạy cho cách “diễn”, “diễn” để làm đẹp lòng thầy cô, “diễn” để cha mẹ được đẹp mặt với thiên hạ vì con là học sinh giỏi, là học sinh của các trường chuyên lớp chọn. Bài học đầu tiên của mỗi học sinh ngay từ cấp tiểu học cũng là học cách “diễn”. Từ “diễn” khai giảng tới “diễn” vẻ “tự nguyện” tham gia vào các lớp học thêm do thầy cô tổ chức, “tự nguyện” è cổ đóng góp biết bao những khoản tiền “trời ơi đất hỡi”, “tự nguyện” tham gia những cuộc thi vô bổ chỉ nhằm lập thành tích cho nhà trường, cho thầy cô, và các “ban ngành đoàn thể” … Vì thế, không lạ khi theo kết quả điều tra gần đây, người có trình độ học vấn càng cao, tỷ lệ gian dối càng nhiều, từ khoảng 20% ở tiểu học lên tới  80% ở đại học và chắc sẽ luôn tiệm cận 100% sau khi dời ghế nhà trường. Chẳng trách những danh hiệu “anh hùng”, “chiến sĩ”, “nhân dân”, “ưu tú” nhan nhản như nấm mọc sau mưa nhưng đạo đức xã hội lại đang thê thảm. Người xưa bảo “nhân bất học bất tri lý”,. Giáo dục nước ta đã lập được một “kỳ tích” là làm điều ngược lại, càng học, càng có bằng cấp cao càng vô liêm sỉ.
Nền giáo dục của  chúng ta hôm nay chỉ tạo nên những “rôbốt” biết “gọi dạ bảo vâng”, không nhìn thấy gì khác ngoài miếng ăn của bản thân kể cả nếu cần sẵn sàng tranh cướp bằng mọi thủ đoạn cùng đồng loại. Nó đi ngược lại đòi hỏi của cả dân tộc, cần những con người phát huy năng lực cá nhân góp phần làm dân giàu nước mạnh. Nền giáo dục này nếu có ích,  chỉ cho một thiểu số ít ỏi các nhóm quyền lực từ cao xuống thấp.
Những người có quyền ra các quyết sách cho giáo dục hôm nay chính là những sản phẩm, thậm chí sản phẩm hạng sang do nền giáo dục này tạo nên. Cứ nhìn vào những  Dự án trăm tỷ ngàn tỷ để đổi mới chương trình hay sách giáo khoa, những tuyên bố nặng về chém gió theo kiểu “trận đánh lớn” với niềm “tin vào đội ngũ” hay cái vòng luẩn quẩn của những phương án này nọ là có thể thấy cái vô tích sự của nền giáo dục mà con em chúng ta đang thụ hưởng.
 Phải gọi đích danh đó là một nền giáo dục phản tiến bộ. 

-Danlambao 1/10/2014.

Hong Kong – Cách Mạng Dù bung cánh 

Dân Làm Báo – Những chiếc dù màu sắc được dùng để chống trả lại lựu đạn cay, vòi nước đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến giữa tự do và độc tài tại Hong Kong. The Umbrella Revolution / Cuộc Cách Mạng Dù đã được rộng mở.
Cuộc biểu tình đã kéo dài sang ngày thứ ba và những lãnh đạo phong trào tuyên bố rằng thứ Tư ngày 1 tháng 10 sẽ là thời hạn chót để giới cầm quyền đáp ứng những yêu cầu của quần chúng, nếu không thì phong trào sẽ đưa ra những chiến dịch bất tuân dân sự mới.

Joshua Wong – thủ lãnh biểu tình Hong Kong là ai?


Danlambao – Thủ lãnh biểu tình của giới sinh viên học sinh Hong Kong là một thanh niên 17 tuổi, dáng người nhỏ nhắn với đôi mắt rắn rỏi đằng sau chiếc kính cận.
Nhìn sơ qua, Joshua giống như bất kỳ cậu học sinh trung học nào, chỉ khác một điều, đây là người điều hợp của tổ chức Scholarism – một tổ chức của học sinh trung học và đại học.

Bàn về sự so sánh

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) – Tôi đọc rất nhiều tin chia sẻ về phong trào đòi dân chủ tại Hong Kong, phần lớn các tin trên facebook người Việt tôi thấy đều có tính so sánh giữa tuổi trẻ Việt Nam và tuổi trẻ Hong Kong.
Có một số so sánh còn mang tính miệt thị là tuổi trẻ Việt Nam hèn kém và nhục nhã…
Tôi tự hỏi: người trẻ Hong Kong họ được giáo dục thế nào? Ông cha họ dạy họ những gì và những người lớn tuổi đã đi bên cạnh họ thế nào trong phong trào dân chủ này?

Cộng sản Ba Đình đổi chác tù nhân để gạ gẫm Mỹ

Hoàng Trần (Danlambao) – Trong các ngày từ 25 đến 27/9/2014 vừa qua, 4 tù nhân là thành viên của các tổ chức chống cộng sản đã rời khỏi trại giam sau quãng thời gian hàng chục năm bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ.
4 người yêu nước gồm các ông Trần Tư, Trần Hoàng Giang, Nguyễn Tuấn Nam (Bảo Giang), Nguyễn Long Hội bị kết án từ 15 năm tù giam đến mức án chung thân vì tham gia các tổ chức nhằm đấu tranh chống ách cai trị độc tài cộng sản.

Các vấn nạn nghiêm trọng của ngành Dầu khí Việt Nam

Từ sự kiện “phát hiện mỏ khí lớn” của Tàu cộng
Trong bài “Vạch trần trò bịp bợm của Tàu cộng về vụ giàn HD-981 phát hiện mỏ khí nước sâu” gửi Dân Làm Báo và CXN gần đây tôi có nêu ra kết luận trong đầu bài viết trên dựa trên những nhận xét và lập luận cá nhân, và tôi chân thành đề nghị các chuyên gia dầu khí (nước ta) phản biện để làm rõ sự thật hơn nữa, sự thật trần trụi… Nhưng tôi đã rất thất vọng vì không ai trực tiếp hay gián tiếp phản biện cả, dù khá nhiều báo lề dân đăng lại bài của tôi, trong đó có báo rất uy tín như Bouxitvn… Hoàn toàn “im lặng chết người”, dù nhiều độc giả đề nghị dịch bài viết sang tiếng Anh để đăng trên các báo tiếng Anh, quốc tế cho thế giới biết về trò bịp của Trung cộng mà khỏi bị lừa…

Ông Nguyễn Bá Thanh vẫn ‘mất tích’

Bạn đọc Danlambao – Sau gần 2 tháng đi chữa bệnh tại Mỹ, sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh vẫn tiếp tục là một điều bí ẩn gây không ít sự tò mò của dư luận.
Theo lịch, ông Thanh sẽ phải có mặt tại Đà Nẵng tiếp xúc cử tri vào ngày 3/10/2014. Dù vậy, khả năng đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thanh có về được Đà Nẵng hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Firechat – một ứng dụng tin nhắn gia tăng sức mạnh biểu tình ở Hongkong

Archie Bland (The Guardian)Dân Làm Báo lược dịch – Internet dễ bị tấn công bởi sự can thiệp của nhà nước, nhưng những người biểu tình đã tìm được cách đi vòng để giải quyết.
Joshua Wong, sinh viên 17 tuổi tại Hồng Kông, đã đối diện với một vấn đề. Bạn sẽ trải nghiệm một phiên bản tương tự: bạn đang tham dự một trận đấu bóng đá hay một buổi biểu diễn và bạn cần phải tìm một người bạn. Nhưng đám đông cũng giống như mạng kết nối bị quá tải làm bạn không thể có được một tín hiệu trên điện thoại của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn không thể gọi được cho ai.
Đối với Wong, vấn đề là nghiêm trọng hơn: anh ta không phải ở trong một trận đấu bóng đá mà lại đóng vai trò thủ lãnh, tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã làm rung chuyển Hongkong trong tuần qua. Và anh đã không chỉ lo lắng mạng sẽ bị quá tải không thôi- anh còn lo rằng nhà nước sẽ chặn kết nối mạng cho những ý đồ của họ.

TNLT Dương Âu bị côn an mật vụ tỉnh Lâm Đồng xông vào nhà đánh vỡ đầu!

Trương Minh Đức (Danlambao) – Vào lúc 16h15 phút chiều ngày 30/09/2014, tù nhân lương tâm Dương Âu – thành viên Đảng Vì Dân, đã bị côn an mật vụ tên Vinh (cấp bậc thượng úy) xông vào nhà đánh vỡ đầu.

Quốc nhục của chế độ CS

Cờ Anh và ảnh nữ hoàng Anh (Elizabeth) được người dân Hongkong trương lên trong đoàn người biểu tình ngày 29/9.
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao)“Dù là cùng chủng tộc nhưng thà làm dân thuộc địa chứ không muốn là dân của một nước CS – Đó là hình ảnh trương lên mà hàng trăm ngàn cư dân Hongkong – một lần nữa, gián tiếp như muốn nói với CSTQ và công luận thế giới qua các cuộc biểu tình chính trị đòi hỏi dân chủ tự do trong bầu cử hiện nay”.
Đọc thêm →

Joshua Wong và sự trỗi dậy của sinh viên Hong Kong

Vũ Đông Hà (Danlambao) – Năm 1989. Thiên An Môn. Joshua Wong chưa ra đời. 23 năm sau, 2012, người học sinh lúc ấy chỉ mới 15 tuổi, chưa biết lái xe, đã tạo nên cơn chấn động Thiên An Môn lần thứ hai khi anh dẫn đầu 120.000 sinh viên học sinh Hong Kong xuống đường, chiếm đóng trụ sở văn phòng chính phủ để đòi huỷ bỏ đề án chương trình giáo dục áp đặt lên Hong Kong mang đầy màu sắc cộng sản từ Bắc Kinh.
Cuộc xuống đường 2012 là kết quả của phong trào Scholarism được thành lập trước đó 1 năm bởi Joshua Wong và vài người bạn. Tất cả đều như Joshua, ở vào lứa tuổi 14 và là những người lãnh đạo một phong trào dân chủ trẻ tuổi nhất của lịch sử Hong Kong.

Bắc Kinh vẫn không kiểm soát được biểu tình tại Hong Kong

Sau một đêm dài đụng độ căng thẳng với hàng ngàn người biểu tình, làm tê liệt nhiều khu phố tại Hong Kong. Hôm nay 29/9/2014, chính quyền Hong Kong đã có một động thái hòa dịu là rút đi hết các lực lượng cảnh sát chống bạo động.
 

Thay vào đó, chính phủ Hong Kong yêu cầu người biểu tình phải giải tỏa ngay các con đường đang chiếm đóng để cho các phương tiện xe cộ khẩn cấp được lưu thông, và tái lập giao thông công cộng. Chính quyền cũng đòi hỏi các giáo viên không nên tẩy chay các buổi lên lớp.
Đây được cho là một động thái nhượng bộ của chính phủ đối với sự đấu tranh mạnh mẽ của đoàn người biểu tình trong nhiều ngày qua.
Giải thích về quyết định thu hồi lực lượng cảnh sát chống bạo loạn, chính phủ cho biết trong một tuyên bố rằng: Người biểu tình trên đường phố bây giờ đã hành xử một cách hòa bình. Tuy nhiên, người biểu tình đã phản bác lại rằng tình trạng bất ổn trong ngày chủ nhật vừa qua là kết quả của chiến thuật đàn áp mạnh tay từ phía cảnh sát. Hiện nay, cảnh sát chống bạo loạn vẫn cảnh giác túc trực tại khu vực gần trụ sở chính phủ.


Hôm nay, tại Hong Kong tình hình căng thẳng đã dịu đi. Tuy nhiên, Hàng ngàn người biểu tình vẫn ở lại chiếm lấy các khu trung tâm và người xuống đường càng ngày càng đông.
Các nhà đấu tranh dân chủ đã kiểm soát được ít nhất ba ngã tư quan trọng. Ivan Yeung, 27 tuổi, đã đóng đô suốt đêm qua tại khu vực thương mại sầm uất Causeway Bay nói: “Chúng tôi hôm nay đã lạc quan hơn.Cảnh sát không đủ đông để phong tỏa các địa điểm mà người biểu tình tập hợp lại”.


Nhiều trục đường lớn vẫn bị phong tỏa, 200 xe buýt không thể hoạt động, vài chục trường học và các ngân hàng đóng cửa. Theo thông tin được biết, có vẻ như cảnh sát đang thương lượng với các lãnh đạo phong trào. Điều đáng chú ý là cho dù tình trạng hỗn loạn diễn ra, nhưng phong trào tranh đấu vẫn trong vòng kiểm soát và chứng tỏ sự kiềm chế. Người biểu tình chỉ tự vệ trước hơi cay bằng dù và kính bơi, chứ không tấn công lại cảnh sát.
Các sinh viên Hong Kong cho biết tuyên bố yêu sách của họ vẫn “không thay đổi” rằng dân chúng có quyền đề cử ứng viên vào các vị trí của chính phủ, yêu cầu bầu cử phổ thông đầu phiếu và kêu gọi ông đặc khu trường Hong Kong CY Leung từ chức. Họ thề sẽ gia tăng áp lực và tiếp tục bãi khoá nếu các yêu sách vừa kề không được thoả mãn.
Cũng trong ngày hôm qua, chính phủ Hong Kong đã trả tự do các thủ lĩnh mà họ đã bắt giữ trong những ngày trước trong đó có thủ lĩnh sinh viên 17 tuổi Joshua Wong.
Tối hôm qua, lãnh đạo sinh viên Joshua Wong Chi-Fung đã được trả tự do vô điều kiện tối qua theo lệnh thẩm phán Tòa án tối cao sau hơn 40 giờ bị giam giữ vô cớ.
Thẩm phán Patrick Li Hon-Leung đã ban lệnh thả anh vì cảnh sát đã giam giữ nhà lãnh đạo Scholarism 17 tuổi này quá lâu mà không đưa ra được bằng chứng kết tội anh. Ông cũng kêu gọi cảnh sát phải cư xử công bằng với hai sinh viên khác.
Cho đến tối ngày hôm nay, cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó hành chánh Trưởng quan CY Leung cho hay một loạt đối thoại về cải cách bấu cử sẽ diễn ra trong nay mai, nhưng ông khẳng định rằng chính quyền HK sẽ tuân thủ quyết định của Bắc Kinh.
Tại Bắc Kinh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh cảnh báo các nước khác không can dự vào các cuộc biểu tình ở Hong Kong: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Hong Kong thuộc về Trung Quốc. Đây là khu vực hành chính đặc biệt và công việc của Hong Kong được xem là hoàn toàn do Trung Quốc giải quyết.nTôi hy vọng các nước khác không can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong, đừng ủng hộ hoạt động phong tỏa khu trung tâm bất hợp pháp, và đừng gửi ra những thông điệp sai trái", bà Hoa Xuân Oánh nói.
Tại Đài Loan, hàng ngàn người đã xuống đường bày tỏ thái độ ủng hộ phong trào dân chủ tại Hong Kong. Tổng thống Mã Anh Cửu tuyên bố: ông rất quan ngại trước các diễn biến ở Hong Kong và kêu gọi Bắc Kinh lắng nghe nguyện vọng dân chủ của người dân, Đài Bắc theo dõi sát các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Được biết, phía Bắc Kinh đã có yêu cầu muốn sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc theo mô hình một quốc gia hai chê độ tương tự như Hong Kong nhưng đã bị phía Đài Loan từ chối.
Và tại Việt Nam, đài truyền hình quốc gia hoàn toàn không nhắc đến tình hình nóng bỏng này. Mặt khác, chương trình trực tiếp đưa tin biểu tình tại Hong Kong của CNN bị đài truyền hình cáp cắt sóng.
(Dân Luận Tổng Hợp) 

Trung Quốc 'kiểm duyệt' tin Hong Kong

Trang web đăng tải lại các đoạn post về Hong Kong hay vụ biểu tình đã bị xóa trên Weibo
Dường như chính quyền Trung Quốc đang kiểm duyệt các chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Mạng Instagram bắt đầu bị chặn ở Trung Quốc, trong khi các tin đăng ủng hộ người biểu tình bị gỡ bỏ khỏi mạng Weibo.
Trong khi đó, các chiến dịch đang được lên kế hoạch ở trên toàn cầu nhằm ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ Hong Kong.
Biểu tình ở Hong Kong nhằm ủng hộ cải cách bầu cử đã leo thang trong cuối tuần qua. Hàng ngàn người vẫn ở lại trên đường phố.
Nhiều người dùng Instagram ở Trung Quốc bắt đầu không truy cập vào dịch vụ mạng xã hội này vào sáng thứ Ba và đã báo cáo trên mạng xã hội.
Một người dùng Weibo viết: “Sáng nay tỉnh dậy. Instagram bị cấm rồi. Tôi hỏi bạn bè. Điều tương tự cũng xảy ra với họ. Liệu Trung Quốc còn có thể dị tới mức nào? Vì sao cấm cả Instagram nữa khi đã cấm Facebook và Twitter rồi? Chế độ này khiến tôi không còn gì để nói.”
Một phát ngôn viên của Instagram nói với BBC: “Chúng tôi biết có những báo cáo như vậy và đang tìm hiểu.”
Trên Weibo, những đoạn post dùng một số từ ngữ nhất định nhắc tới biểu tình hay Hong Kong nói chung thường là bị xóa hoặc theo dõi chặt chẽ.
Trang mạng Free Weibo, theo dõi các nội dung bị kiểm duyệt và đăng tải lại hàng trăm đoạn post nhắc tới Hong Kong và phong trào Chiếm Trung tâm đã bị xóa.
Chỉ có các đoạn đăng tin chính thống và chỉ trích cuộc biểu tình có vẻ còn được giữ lại trên Weibo.
Số post trên Weibo không còn truy cập được đã tăng tới năm lần chỉ tính trong vòng thứ Sáu 26/09 tới Chủ nhật 29/09, theo South China Morning Post.

Sinh viên tụ tập ở Đài Bắc để bày tỏ ủng hộ Hong Kong
Nhưng những bình luận còn sót lại từ các đoạn post trên Weibo vẫn hiện rõ và cho thấy các ý kiến đa dạng khác nhau, từ nghi ngờ tới ủng hộ.
“Làm sao họ có thể nghĩ rằng họ có thể đẩy lùi điều quan trọng nhất nhờ vào biểu tình? Họ quá ngây thơ,” một người viết.
“Họ không phản đối sự lãnh đạo của chính quyền trung ương. Họ chỉ không muốn chính quyền trung ương can thiệp vào chuyện chính trị của riêng họ,” một người khác nói.
Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích cuộc biểu tình, gọi đây là “hội họp trái pháp luật”. Nhưng họ cũng tìm cách hạ thấp quy mô của sự kiện, với nhiều tờ báo còn hạn chế đăng ảnh và chi tiết cuộc biểu tình.
Thông tin từ Hong Kong cũng không được đưa trên các trang tin chính như Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo, mà thay vào đó tin tức tập trung vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sắp tới vào thứ Tư 01/10.
Hoàn Cầu Thời báo cho đăng bài bình luận ám chỉ lực lượng quân đội có thể sẽ được dùng để dập tắt biểu tình, và sau đó bài này có lẽ đã bị gỡ xuống khỏi trang web của báo.

Ủng hộ lan rộng

Các mẩu tin nhắn bày tỏ ủng hộ biểu tình được dán trên mặt tiền tòa nhà Hong Kong ở Sydney
Biểu tình Hong Kong đã châm ngòi cho sự ủng hộ rộng khắp ở các nơi khác, đặc biệt là Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình, và nói: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu và ủng hộ người dân Hong Kong đối với kêu gọi bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
“Chúng tôi thúc giục chính quyền Trung Quốc lắng nghe tiếng nói của người dân Hong Kong và dùng các biện pháp thận trọng và hòa bình để giải quyết những vấn đề này.”
Hơn 100 thanh niên Đài Loan và Hong Kong đã thực hiện biểu tình ở Đài Bắc nhằm ủng hộ phong trào dân chủ và chỉ trích chính quyền Trung Quốc.
Ở Sydney, mặt tiền của tòa nhà Hong Kong House được dán đầy các thông điệp ủng hộ. Một số người cũng xuất hiện và mang khẩu hiệu kêu gọi “dân chủ thực sự” ở Hong Kong.
Hàng trăm người cũng ký thỉnh nguyện thư ủng hộ người Hong Kong, theo hãng tin AFP.
Một trang Facebook được lập và đăng tải chi tiết các chiến dịch được thực hiện trong tuần này trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ biểu tình.
Trong đó gồm các cuộc hội họp ở New Zealand, Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Singapore và Malaysia. Riêng ở Anh, các cuộc này đã được lên kế hoạch ở London, Edinburgh và Manchester.

(BBC)

Jonathan London - Vài đặc điểm của sự kiện Hong Kong

hk 67 hk 14
1967 2014






 Bài viết cho báo Tuổi Trẻ từ Hông Kông, được đặng trên báo Tuổi Trẻ ngày 30 tháng 14
                                                                          ***
Trong những ngày qua và đặc biệt là trong hai ngày hôm qua, toàn thế giới đã thấy một phong trào xã hội bùng nổ ở Hồng Kông xoay quanh việc nhiều công dân của thành phố cảng đang nỗ lực yêu cầu chính quyền cải cách cơ chế bầu cử của lãnh thổ.
Vốn là một phần thuộc địa của Anh quốc, chủ quyền Hồng Kông đã được trao lại cho Trung Quốc vào mùa hè 1997 trở thành một đặc khu hành chính của Hoa Lục dưới nguyên tắc “một nước hai chế độ.” Nhưng từ trước đến nay, dân thường ở Hồng Kông thường cảm thấy một nỗi đau: đó là cảm thấy mình không hề có quyền thực sự trong nền chính trị của lãnh thổ mình đang cư ngụ.
Suy ngẫm một chút về trường hợp của Hồng Kông, từ góc nhìn một nhà quan sát, tôi thấy có ba điểm đặc biệt quan trọng.
1. Dân không được hưởng. Trước năm 1997, Hồng Kông bị xem là một thuộc địa tư bản, nhưng trên thực tế trước và sau năm 1997 chính quyền và giới tư bản lớn ở đây đã thành lập một liên minh sâu sắc với chính quyền Trung Quốc nhằm mục đích tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho giới ngân hàng và tài chính thế giới. Tuy nhiên, dân thường hưởng lợi rất ít từ sự liên minh này.
Tuy mức sống ở đây có vẻ rất cao (thu nhập trung bình của người dân khá cao, tỉ lệ triệu phủ USD đứng thứ nhất trên thế giới…) nhưng trên thực tế đại đa số người dân Hồng Kông có đời sống cực kỳ vất vả. Ngoài ra, khoảng cách giàu nghèo ở thành phố cảng này gần như là cao nhất ở Châu Á. Đối với giai cấp trung lưu trở xuống, chuyện làm 12 tiếng một ngày, 6 ngày trong tuần là chuyện bình thường. Người dân Hồng Kông thấy hàng ngày và thấy rất rõ các thực thế trên.
2. Thể chế bầu cử bị hứa hão. Vào năm 1997, chính quyền Trung Quốc đã cam kết rằng người dân Hồng Kông sẽ dần dần được dân chủ hóa. Họ cũng hứa rằng, người dân của lãnh thổ này sẽ được quyền bầu trực tiếp lãnh đạo của Hồng Kông vào năm 2017. Thế nhưng trong những năm qua, nhất là một năm vừa rồi, chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông đã tìm mọi cách không thực hiện những sự cam kết mà họ đã hứa.
Theo thể chế bầu cử mà bản hiến pháp (gọi là ‘Luật Cơ bản’) mà Anh Quốc và Trung Quốc ban hành, dân thường không có quyền chọn các lãnh đạo mà họ yêu thích. Vì thế, dù ‘lòng dân’ ở Hồng Kông như thế nào, họ vẫn không thực sự có tiếng nói quyết định trong việc chọn lãnh đạo của chính lãnh thổ nước họ.
Dù dân cũng có quyền bầu cử đại biểu của họ nhưng số đại biểu do dân bầu chỉ chiếm 50 phần trăm tổng số ghế trong Hội đồng lập pháp. (Số ghế còn lại là của cái gọi là “những khu vực bầu cử chức năng”… như ngân hàng, tài chính, giáo dục, xây dựng v.v.) mà được bổ nghiệm do một ủy ban do chính giới thân Bắc Kinh chọn). Trong khi đó, các nhà tư bản lớn lẫn chính quyền Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào Hồng Kông để ủng hộ các đảng phái, phe bảo thủ v.v. Đối với các đảng đối lập thì chúng ta thấy một một sự thiếu hiệu quả trong công tác chính trị, một cách đấu tranh thiếu thống nhất, mất rất nhiều sức lực trong việc đấm đá và đả kích lẫn nhau. Do những lý do trên, độ căng thẳng chính trị ở Hồng Kông luôn duy trì ở mức cao.
3. Tự tôn văn hóa. Về văn hóa, người dân ở Hồng Kông cũng nhận thấy họ là người Hoa chứ. Nhưng họ cũng có một số sự khác biệt quan trọng so với người dân ở phía kia biên giới chẳng hạn như về kinh nghiệm và điều kiện vật chất mà họ đã giành được hơn một thế kỷ qua. Họ muốn được tôn trọng và muốn độc lập. 
Vì lẽ đó, họ không chịu nởi khi Bắc Kinh nói một đằng làm một nẻo.
Jonathan London
Ghi chép: Hôm qua khi báo Tuổi Trẻ mời tôi viế t một bài ý kiến về những sự kiện ở Hồng Kông tôi lo một chút vì khi viết chỉ chịu theo đường lối của chính mình mà thôi. Song, trong một thời điểm mà cả người dân lẫn giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam nói đến dân chủ một cách thoải mái (dù chưa thông nhất và dù còn có những bất đồng, vụ bắt người v.v) tôi sẵn sàng góp ý của mình, giúp đỡ. Cũng xin cho biết bài này viết nhanh nên nội dung thì chắc là chưa có gì sâu sắc.
(Blog Xin Lỗi Ông)

20 năm sau, Việt Nam so với thế giới ra sao?

"Tôi kỳ vọng là báo cáo này sẽ thuyết phục được chính cộng đồng trẻ ở VN, những người hiện nay mới 30-40 tuổi, thậm chí là thế hệ 20-30, bởi sau 20 năm nữa, họ sẽ là lãnh đạo đất nước này".
LTS: Đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất về Báo cáo Việt Nam 2035.
Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập, một trong những người được mời tham gia báo cáo này.
Xin giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện.
Ngồi trong nước đoán 20 VN nữa thế nào là không thể
Với các phân tích ở phần trước, bà nhìn nhận kết quả bản báo cáo sẽ được đón nhận thế nào?
Người chịu trách nhiệm đặt hàng về phía Chính phủ đã nói rõ rằng báo cáo này là một sản phẩm khoa học, chứ không làm văn bản để phục vụ Đại hội Đảng, hay Nhà nước.
Còn việc làm thế nào để đưa các nội dung đó vào thành chiến lược, chính sách lại phụ thuộc vào tính thuyết phục của bản báo cáo, với nhiều tầng lớp khác chứ không phải chỉ với lãnh đạo.
Riêng tôi, tôi kỳ vọng là báo cáo này sẽ thuyết phục được chính cộng đồng trẻ ở VN, những người hiện nay mới 30-40 tuổi, thậm chí là thế hệ 20-30, bởi sau 20 năm nữa, họ sẽ là lãnh đạo đất nước này. Những người trẻ có cái nhìn mở hơn và khát vọng cao hơn nhiều so với lứa chúng tôi.
Phạm Chi Lan, kinh tế, chính sách, chuyên gia, WB
Nếu mỗi người không tham gia suy nghĩ và đóng góp nhiều hơn thì rất khó có thể đạt được mục tiêu phát triển tốt, nguy cơ VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thậm chí trung bình thấp.

Bà chờ đợi nhận được sự quan tâm, đóng góp từ giới trẻ? Làm cách nào để họ đóng góp?
Người chủ trì báo cáo là một vị Phó Thủ tướng đã đưa ra một xuất rất khả thi là hình thành một trang mạng riêng cho chủ đề này để huy động sự tham gia đóng góp của rất nhiều người, nhất là những có trí thức hiểu biết sống ở khắp nơi trên thế giới.
Càng có hiểu biết trong từng lĩnh vực sau 20 năm sẽ ra sao, sẽ càng có được các đóng góp hữu ích. Nhất là VN đặt trong khu vực và thế giới sau 20 năm nữa sẽ có hình ảnh ra sao, nếu  ngồi trong nước thuần túy mà nghĩ ra rất khó.
Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận rất tốt.
"Để đi theo hướng... con rồng"
Bà  nghĩ gì về tính khả thi trong ý kiến  của người chủ trì cuộc họp, đó là VN trong 20 năm tới phải tăng trưởng 9% mới hy vọng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?
Đó là con số thực tế cần phải đạt được nếu VN muốn thoát bẫy thu nhập trung bình và đi theo hướng của các con rồng, mặc dù cực khó.
Tôi hiểu câu nói đó của Phó Thủ tướng là nhấn mạnh tới cái quyết tâm vượt lên, và điều quan trọng đặt ra bài toán thay đổi cách làm. 9% đạt được bằng năng suất lao động, chất lượng lao động, bằng hiệu quả thay đổi một cách vượt bậc của nền kinh tế, công nghệ, và tính cạnh tranh.
Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất rằng cải cách thể chế sẽ là thông điệp xuyên suốt của báo cáo này, và là chất gắn kết giữa các chủ đề khác nhau. Trong đó, đến năm 2035, theo tôi, nền kinh tế thị trường ở VN sẽ là nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại, chứ không nhấn mạnh quá định hướng riêng biệt của VN.
Vậy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ được hiểu như thế nào?
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã nêu rõ vấn đề này.  Thủ tướng nhấn mạnh tới cải cách thể chế và xây dựng kinh tế thị trường đầy đủ, trong đó nhà nước phân phối lợi ích của phát triển.
Định hướng XHCN là khẳng định vai trò của nhà nước khi khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và làm VN phát triển theo những tiêu chí như công bằng, bền vững và bao trùm. Bao trùm sẽ khắc chế bớt những khoảng cách giàu nghèo quá đáng, quá thiên lệch.
Định hướng XHCN không phải khăng khăng giữ kinh tế nhà nước là chủ đạo, mà coi nhà nước là kiến tạo phát triển, như Thủ tướng đã nói, tức là tạo ra thể chế, môi trường để phát huy mọi nguồn lực của đất nước phục vụ phát triển.
Riêng bà, bà nhìn nhận về VN năm 2035 sẽ như thế nào?
Số phận của đất nước, khát vọng phát triển cho dân tộc VN được ngẩng mặt lên với thế giới, cho nước VN được sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã nói, phải là mục tiêu chung của tất cả mọi người, trong nước, ngoài nước, đoàn kết người Việt với nhau.
Đa dạng là tất yếu nhưng vẫn phải có sự thống nhất trong mục tiêu chung.
Tại cuộc họp trên, tôi có nói hiện nay VN có hơn 4 triệu người ở nước ngoài, nhưng đến 2035 sẽ có nhiều hơn, bởi thế giới toàn cầu hóa, con người trở thành công dân toàn cầu. Ví dụ 2015 người Việt có kỹ năng có quyền đi làm việc tại các nước ASEAN và như vậy họ sẽ là công dân của 600 triệu người ASEAN.
... Người VN lúc đó không chỉ là những người xuất khẩu lao động, mà còn là những chuyên gia, quản trị, nhà đầu tư... có đóng góp thực sự cho sự phát triển của thế giới. Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn (người có khả năng được đề cử giải Nobel) nếu chỉ giảng dạy, nghiên cứu ở Việt Nam không thì khó có được những thành tựu như vậy.
Chúng ta phải học người Israel, sống trên khắp thế giới, nhưng ngoài việc đóng góp cho cái nơi họ đang sống, họ có khát vọng và đóng góp cho đất nước Israel vô cùng lớn, họ giúp cho Israel đứng vững và phát triển giữa thế giới Ả Rập và vượt qua được bao nhiêu thách thức khắc nghiệt của đất nước Israel.
Nước VN bây giờ đến giai đoạn cần sự thay đổi mạnh mẽ, nếu mỗi người không tham gia suy nghĩ và đóng góp nhiều hơn thì rất khó có thể đạt được mục tiêu phát triển tốt, nguy cơ VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thậm chí trung bình thấp (3.000 đô la trở xuống) là nguy cơ hiện hữu.
Xin cảm ơn bà!
Huỳnh Phan(Thực hiện)
(Tuần Việt Nam)

Vụ tra tấn chết người, phó công an Tuy Hòa bị khởi tố

TUY HÒA (NV) .- Áp lực dư luận đã buộc hệ thống tư pháp CSVN phải khởi tố thượng tá Lê Đức Hoàn, Phó Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.  

Hồi tháng 7-2014, Thượng Tá Công An Lê Đức Hoàn tham gia phiên xử phúc thẩm với tư cách “nhân chứng”. (Hình: Người Lao Động)

Viên thượng tá vừa kể không bị tạm giam nhưng bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Quyết định khởi tố do Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao công bố. Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao cũng đã yêu cầu Thành ủy thành phố Tuy Hòa “xử lý về mặt Đảng theo qui định của Điều lệ Đảng đối với ông Lê Đức Hoàn”.

Ông Lê Đức Hoàn được xem là nhân vật chính, phải chịu trách nhiệm về việc ông Ngô Thanh Kiều, sinh năm 1982, ngụ ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, bị tra tấn đến chết hồi năm 2012.

Hồi tháng 5 năm 2012, một nhóm Công an thành phố Tuy Hòa bắt giữ ông Kiều vì cho rằng ông dính líu đến một vụ trộm cắp. Ngày hôm sau ông Kiều chết. Pháp y xác định trên người ông Kiều có 70 vết thương. Ngoài việc bị nứt sọ, chấn thương não, ông Kiều còn bị dập phổi gan, thận.

Sự kiện vừa kể khiến dân chúng thành phố Tuy Hòa nổi giận. Họ đòi công an phải điều tra, truy cứu trách nhiệm những kẻ đã tra tấn ông Kiều đến chết. Công an thành phố Tuy Hòa và Công an tỉnh Phú Yên chỉ giải tán được đám đông, sau khi Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên hứa hẹn sẽ điều tra và xử lý những kẻ lạm quyền khi thi hành công vụ.

Không chỉ dân chúng thành phố Tuy Hòa mà dân chúng Việt Nam, báo chí Việt Nam cũng đòi hỏi như vậy. Tuy nhiên một năm sau, Viện Kiểm sát thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mới công bố quyết định truy tố bốn sĩ quan công an của thành phố Tuy Hòa và một sĩ quan công an của tỉnh Phú Yên, đã “dùng nhục hình” với ông Ngô Thanh Kiều.

Cáo trạng xác định, các điều tra viên đã còng ông Kiều vào ghế và thay nhau dùng dùi cui tra tấn, buộc ông nhận tội. Khi ông Kiều lả đi, họ mới đưa ông đến bệnh viện nhưng ông Kiều đã chết trên đường đi cấp cứu.

Phải mất thêm gần một năm nữa, vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4 năm nay, hệ thống tư pháp CSVN mới đưa năm sĩ quan tra tấn ông Kiều tới chết ra xử sơ thẩm. Tuy nhiên, chỉ có một sĩ quan cấp thấp nhất (thiếu úy) bị phạt 5 năm tù, một thiếu tá bị phạt 2 năm tù, một thượng úy bị phạt 18 tháng tù, còn một thiếu tá và một trung úy được hưởng án treo vì đã “dùng nhục hình”.

Bản án sơ thẩm vụ Ngô Thanh Kiều khiến công chúng Việt Nam nổi giận. Ngay cả thẩm phán của một số tòa án khác cũng cho rằng bản án không thỏa đáng. Theo họ, truy tố, xét xử năm sĩ quan này về tội “dùng nhục hình” là chưa chính xác, phải xem đó là “giết người”.

Đó là chưa kể việc điều tra, truy tố, xét xử có dấu hiệu bao che, đổ hết tội cho viên sĩ quan có cấp bậc thấp nhất (tại Tòa, viên thiếu úy này bảo rằng, ông ta cảm thấy xấu hổ khi phải đứng chung với những kẻ đã làm sai mà còn đổ tội cho người khác), bỏ qua trách nhiệm của ông Lê Đức Hoàn, thượng tá, Phó Công an thành phố Tuy Hòa, kẻ chỉ đạo bắt ông Kiều trái pháp luật.

Trước sự phẫn nộ của công chúng, nhiều viên chức, trong đó có Chủ tịch Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị phải xem lại việc điều tra, xét xử vụ bắt giữ trái pháp luật, tra tấn – ép nhận tội khiến ông Kiều uổng tử.

Đến đầu tháng 7, Tòa án tỉnh Phú Yên đưa vụ ông Ngô Thanh Kiều bị tra tấn đến chết ra xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm bị hủy và tòa yêu cầu điều tra lại từ đầu. Việc khởi tố ông Lê Đức Hoàn, thượng tá, Phó Công an thành phố Tuy Hòa là diễn biến mới nhất trong tiến trình điều tra lại.
(Người Việt)