Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Nhìn lại 45 năm để soi rọi chính mình - Người dân các nước thích Mỹ hay Trung Quốc hơn?

Bài trên báo Tuổi Trẻ bị gỡ xuống: Nhìn lại 45 năm để soi rọi chính mình

Văn Việt: Kỷ niệm Quốc khánh VNDCCH (2/9) năm nay lại được gắn với việc tuyên truyền thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư. được nhiều người lưu ý không phải ở những chỉ thị tuyên truyền theo lối rất, rất mòn ai cũng biết, mà ở những “day dứt” về thực trạng của đất nước sau 70 năm ra đời nhà nước do ĐCS lãnh đạo.

Ba câu hỏi day dứt mà ông đặt ra:

1. Vì sao ngày nay, mặc dầu vào Đảng không còn nguy hiểm như xưa [trái lại là khác!] mà ít thanh niên thích vào?

2. Vì sao 40, 50 năm trước VN và Hàn Quốc không kém gì nhau [có thể VN còn hơn!] mà bây giờ dân ta chỉ mơ sang Hàn làm… osin?

3. Vì sao tham nhũng hầu như toàn là đảng viên mà Đảng lại là tổ chức phát hiện vụ việc ít nhất?

Những day dứt của ông Vũ Ngọc Hoàng cũng là của rất, rất nhiều đảng viên hôm nay vẫn nặng lòng với đất nước như hồi họ viết đơn xin vào Đảng.

Nhưng ai cũng biết đó chỉ là những hiện tượng sâu ăn “ngọn” cây mà cái “gốc” mục không thể chữa bằng… tiếp tục học tập Di chúc.

Vũ Ngọc Hoàng – phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương đã có những phát biểu day dứt như trên.

NHÌN LẠI 45 NĂM ĐỂ SOI RỌI CHÍNH MÌNH

*Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ bị rút xuống

TT – Kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Ngọc Hoàng – phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương đã có những phát biểu day dứt.


Ông VŨ NGỌC HOÀNG – Ảnh: Việt Dũng

“Mặt làm được cần nêu để thấy sự cố gắng chung, mặt chưa được càng phải nhìn rõ để sửa, để bổ sung giải pháp” – ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, nói như vậy về mục đích, yêu cầu của đợt nhìn lại kết quả 45 năm thực hiện di chúc Bác Hồ.

* Cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng?

Ông Vũ Ngọc Hoàng nhắc lại: “Trong di chúc, sau khi nói nhân dân đã tham gia xây dựng cách mạng, đã cùng với Đảng trải qua gian lao trong chiến tranh, Bác Hồ dặn Đảng phải có kế hoạch thật tốt để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Nói đến đây, ông Hoàng đặt vấn đề: “Đến bây giờ câu hỏi đặt ra là vì sao nhân dân lại giảm lòng tin, trong khi ai cũng thấy là tình hình kinh tế, đời sống của nước nhà giờ đã khá hơn nhiều năm trước. Điều này chắc chắn không phải là tại nhân dân!”.
Theo ông Hoàng, chuyện phân hóa giàu nghèo là chuyện đáng lưu tâm trong việc làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Nhất là khi nơi này nơi khác, người dân đã đặt câu hỏi: mấy ông cán bộ đó làm sao mà giàu nhanh vậy?

“Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng” – ông Hoàng trăn trở.

Đề cập đến một nội dung khác trong di chúc của Bác là việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, ông Vũ Ngọc Hoàng tiếp tục đặt vấn đề: “Các tổ chức Đảng, từng cán bộ đảng viên đã làm được gì và bồi dưỡng thế hệ đời sau như thế nào, nhất là bồi dưỡng bằng tấm gương của chính mình? Lòng tin của thanh niên bây giờ ra sao đối với Đảng và Nhà nước, so với những năm trước?”.

Về vấn đề này, ông Hoàng thừa nhận: “Trong quá trình chuẩn bị các nghị quyết của trung ương, chúng tôi có nghiên cứu vấn đề đó và thấy là lòng tin của thanh niên có giảm sút”.

Ông Hoàng cũng đặt vấn đề dưới góc độ so sánh khi bây giờ không ít thanh niên không muốn vào Đảng. Trong khi ngày xưa vào Đảng là thiêng liêng, là thiết tha lắm, dù vào Đảng là đứng trước cửa nhà tù, là đứng dưới cỗ máy chém, là nguy hiểm cho cả bản thân và gia đình. “Cái này không phải lỗi của thanh niên mà chính người lớn phải nhìn lại mình. Phải nghiêm túc nhìn xem cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng” – ông day dứt.

Lời dặn dò đoàn kết

Câu chuyện về những giây phút cuối cùng của Bác Hồ mà ông Vũ Ngọc Hoàng mang đến hội nghị khiến nhiều người tham dự suy nghĩ.

Hôm ấy Bác Hồ đã yếu lắm, không nói được nữa. Nhìn thấy đoàn cán bộ các nơi về thăm, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Bác cố gắng run run đưa hai bàn tay lên rồi nắm hai tay lại với nhau. Những ai có mặt hôm ấy đều hiểu rằng đó là lời dặn dò đoàn kết. Điều mong muốn cuối cùng của Bác trong di chúc là toàn Đảng, toàn dân một lòng đoàn kết để xây dựng một nước VN hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

“Bác cũng dặn phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau. Bây giờ phải nhìn kỹ lại vấn đề này xem vì sao ngày xưa khi nói đến hai chữ “đồng chí” thì thân thiết, thiêng liêng, còn bây giờ khi tức giận lên thì gọi nhau bằng “đồng chí”. Cần xem lại từ trung ương tới địa phương có mất đoàn kết không, có tranh giành, đấu đá nhau hay quy chụp lẫn nhau khi người khác trái ý mình không?” – ông Hoàng gợi mở.

Theo ông Hoàng, có một thực tế là các tổ chức Đảng rất ít phát hiện tham nhũng, trong khi hầu hết tham nhũng thì liên quan đến cán bộ, đảng viên. Nhiều lúc, nhiều nơi, rõ ràng tình hình rất xấu nhưng kiểm điểm rồi cũng không thấy trách nhiệm thuộc về ai.

Ông Bùi Thế Đức, phó Ban Tuyên giáo trung ương, cho biết về nội dung sinh hoạt chính trị lần này, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và địa phương cần tổ chức ôn lại nội dung, giá trị và ý nghĩa di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phải tiến hành kiểm điểm, đánh giá 45 năm thực hiện di chúc của Người, gắn với kiểm điểm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Người cũng chính là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức trong Đảng, trong xã hội” – ông Đức nhấn mạnh.

Các hoạt động kỷ niệm

Theo Ban Tuyên giáo trung ương, thời gian tập trung triển khai đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trong các tháng 9, 10, 11-2014. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban, ngành, đoàn thể triển khai sinh hoạt ở các đảng bộ, chi bộ, lồng ghép trong sinh hoạt chính quyền, đoàn thể.

Sẽ có hai cuộc hội thảo cấp bộ, ngành do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Học viện Báo chí và tuyên truyền tổ chức. Chương trình nghệ thuật đặc biệt ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ do Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch chủ trì, Đài truyền hình VN trực tiếp truyền hình.

Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương xây dựng phim tài liệu gắn 45 năm thực hiện di chúc với việc triển khai thực hiện nghị quyết trung ương 4, nghị quyết trung ương 9 (khóa XI) và các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
MAI HƯƠNG

Kỹ năng giao tiếp cho chính khách Việt Nam?

Quan sát các vị đi sứ và các vị chính khách ở VN ra nước ngoài tôi có cảm tưởng họ thiếu một kĩ năng quan trọng mà tiếng Anh gọi là communication skills. Tôi chưa biết dịch chữ này sang tiếng Việt như thế nào, nhưng theo cách hiểu bằng tiếng Anh, “communication skills” không chỉ đơn giản là nói và viết mà còn kĩ năng biện luận. Các chính khách VN hình như thiếu kĩ năng tranh luận và hùng biện.
http://img.youtube.com/vi/491tV4UV6io/0.jpg

Không biết ngoài xã hội thì sao, nhưng tôi thấy cư dân mạng bàn tán khá nhiều về chuyến đi của ngài đặc phái viên Lê Hồng Anh sang Tàu. Không phải bàn về nội dung thảo luận trong chuyến thăm, nhưng về hành động ông cầm tờ giấy đọc trong buổi tiếp kiến với Tập Cận Bình. Thật ra, nhìn kĩ thì sẽ thấy ngài đặc phái viên còn có một sấp giấy để một bên ghế salon. Phải nói rằng trong cái bầu không khí khá thân mật, mà ông cầm tờ giấy đọc thì bầu không khí trở nên trang nghiêm. Ngay cả hành vi đọc tự nó làm cho khán giả nghĩ đến các sứ đọc sớ trước thiên tử là kẻ đang ngồi nghe. Nó làm cho người nghe không còn muốn tranh luận hay trao đổi cái gì, bởi vì người đang ngồi đối diện chỉ là người đọc những gì do ai viết ra chứ không phải của chính anh ta. Nếu thế thì mình nên nói chuyện với tác giả chứ đâu cần nói chuyện với người đưa tin. Nói gì thì nói, hành động đọc đó không đẹp chút nào.
Nói chung, các chính khách VN đều như ngài đặc phái viên, tức là họ thường cầm giấy đọc khi tiếp kiến với đối tác ở nước ngoài. Khi ông Phạm Quang Nghị sang thăm Mĩ, ngoài món quà đầy tai tiếng, chúng ta cũng thấy ông cầm theo một tờ giấy trắng, chắc ghi chép những gì cần phải nói. Trước đó, cựu thủ tướng Phan Văn Khải khi sang thăm Mĩ cũng cầm giấy đọc khi tiếp kiến đối tác ở Nhà Trắng. Cái “truyền thống” cầm giấy đọc chắc là khà xa xưa. Tôi nhớ có xem một video clip đâu đó khi ông cụ Hồ trả lời một phỏng vấn, ông cũng cầm giấy đọc. Ngay cả trong nước, Bộ trưởng GDĐT cũng cầm giấy đọc, mà hình như có khán giả phát hiện ông đọc nhầm một chỗ!
Tôi không biết các bạn thì sao, chứ với tôi đi dự một hội nghị hay một buổi tiếp xúc mà “diễn viên chính” cứ cậm cụi đọc tờ giấy nó rất chán. Chẳng những chán mà còn khó chịu và xúc phạm. Khi người ta cầm tờ giấy đọc, người ta không chú ý đến mình là khán giả, và thế là gây ra một khoảng cách tinh thần giữa người đọc và người nghe. Hành vi đọc còn có thể diễn giải như là một cách xem thường khán giả vì người đó chẳng quan tâm đến truyền đạt thông tin nữa, và thế là khán giả cảm thấy mất thì giờ để tham dự buổi họp. Khi người cầm giấy đọc thì lúc đó anh/chị ta đã tự biến mình thành một reader [người đọc] chứ không phải là một speaker [người thuyết trình], và như thế thì người đó đã đánh mất vai trò của mình.
Chuyện ngài đặc sứ cầm giấy đọc làm tôi nhớ đến một kinh nghiệm cá nhân thời xa xưa. Nhớ lần đầu tôi đi trình bày về một nghiên cứu quan trọng trong một hội nghị có đến 5000 người tham dự ở Mĩ, thầy tôi rất quan tâm. Vì biết thầy quan tâm, nên tôi chuẩn bị sẵn một tờ giấy mà tôi soạn ra tất cả những câu nói, kể cả câu mở đầu ra sao. Trước ngày lên podium, ông ghé qua phòng khách sạn tôi và bắt buộc tôi phải nói cho ổng nghe. Tôi loay hoay lấy tờ giấy và mới cầm lên chưa kịp đọc, ổng hỏi “Mày làm gì vậy?” Tôi nói tỉnh queo là … tôi nói. Ổng đùng đùng nổi giận nói: “Ngày mai, mày mà cầm tờ giấy đó đọc, thì tao sẽ giết mày, nghe chưa con!” (Cách nói “I will kill you” là cách nói cho vui, chứ có giết chóc ai). Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao mấy người khác đọc slide đó, có sao đâu, tôi không rành tiếng Anh thì tôi cũng đọc. Ổng giải thích ai đọc thì … “kệ cha” nó, nhưng mày là trò của tao, mày đến từ Viện Garvan, mày phải có đẳng cấp, chứ đừng bắt chước cái đám linh tinh đó. Ông bồi thêm: mày đọc như thế là tao mất mặt, mà khán giả còn nghĩ rằng mày chỉ là cái máy, chứ chẳng biết gì cả. Ông giảng một hồi, rồi nói “thôi được, mày cứ học thuộc lòng cái mày viết và nói như mày đã viết, nhưng khi lên podium mày không được cầm giấy”. Từ cái kinh nghiệm trên, sau này tôi hướng dẫn nghiên cứu sinh tôi đều nhắc là không được cầm giấy nói, mà phải nói như là một người đang thuyết trình.
Tôi có cảm tưởng là các vị chính khách VN cộng sản kém kĩ năng thông tin hơn các chính sách cộng hoà. Nhìn qua cách trả lời phóng viên nước ngoài của các chính khách VN thời nay tôi thấy họ có vẻ không tự nhiên, không thoải mái, còn ngoại ngữ thì có phần kém hay quá kém. Nhìn cái ‘body language’ (ngôn ngữ cơ thể) chúng ta thấy họ có vẻ như đang chịu một cực hình. Ngay cả ông cụ Hồ là người lão luyện mà khi trả lời phỏng vấn của kí giả Pháp ông có lúc lúng túng. Nhưng nhìn qua cách trả lời phỏng vấn của các nhân vật như cựu TT Nguyễn Văn Thiệu, cựu phó TT Nguyễn Cao Kỳ, ông Hoàng Đức Nhã, v.v. chúng ta thấy họ nói chuyện với phóng viên nước ngoài rất thoải mái, tiếng Anh và tiếng Pháp lưu loát, và họ xuất hiện một cách tự tin về những gì họ phát biểu. Họ có vẻ biết “luật chơi” và văn hoá phương Tây nên thỉnh thoảng còn chơi chữ với phóng viên.
Tôi nghĩ một phần của sự khác biệt giữa chính khách ngày nay và thời VNCH là trình độ. Thời đó, các vị ấy đều học đàng hoàng, thi cử nghiêm chỉnh, chứ không phải bát nháo như hiện nay. Do đó, các chính khách VNCH đều là những người có thực học, từng xuất dương du học, đã học ngoại ngữ từ lúc ở VN, và khi ra ngoài học một thời gian họ có thể giỏi ngoại ngữ gần như người bản xứ. Còn ngày nay, dù các chính khách có rất nhiều người có bằng tiến sĩ và ngoại ngữ nhưng chẳng ai biết thực học của họ ra sao, chỉ đến khi tiếp xúc với người nước ngoài thì sự thật mới hiện ra.
Một phần khác nữa tôi nghĩ có thể là do “tổ chức”. Chính khách VN trước khi ra ngoài họp chắc chắn đã được dặn phải nói cái gì và không nên nói cái gì. Do đó, cho dù họ có chính kiến, họ cũng không dám bước ra khỏi cái hộp của tổ chức vì trên đầu họ còn lơ lửng cái vòng kim cô ý thức hệ. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong các hội nghị quốc tế, các chính khách VN rất ít nói, trong khi đó chính khách các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai và Phi Luật Tân thì họ nói như … két. Kể ra sự tiết kiệm lời nói như thế cũng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và con người VN. VN hay nói đến “hội nhập quốc tế”, nhưng trong thực tế thì các chính khách và quan chức chưa thể hiện sự hội nhập quốc tế chút nào.
Tôi nghĩ một phần khác có lẽ là do giáo dục. Chúng ta lớn lên với nền giáo dục nửa phong kiến, nửa hiện đại. Học trò không được khuyến khích có chính kiến riêng và không được học kĩ năng tranh luận. Rồi khi lớn lên một số bị cái guồng máy đoàn – đảng nhào nặn thành một con người khác chứ không phải là chính mình nữa. Nói cái gì cũng phải theo lập trường chính trị, chủ trương tập thể, và cái cá nhân bị đè bẹp trong môi trường đó. Ngược lại, một trong những kĩ năng quan trọng mà hệ thống giáo dục ở các nước phương Tây như Mĩ và Úc rất quan tâm là rèn luyện kĩ năng communication và khuyến khích có chính kiến riêng. Học trò tiểu học đã được khuyến khích tranh luận các vấn đề xã hội. Có trường sáng tạo bằng cách chia lớp học ra hai đảng, một đảng cầm quyền và một đảng đối lập, và học trò giả bộ làm đại biểu hai bên để tranh luận về một vấn đề thời sự. Đến khi lên trung học và đại học, các em đã quen với phát biểu chính kiến, và cảm thấy thoải mái với thói quen đó. Do đó, khi trưởng thành họ đã quá quen với văn hoá tranh luận.
Tôi nghĩ các chính khách VN rất cần kĩ năng communication, kể cả kĩ năng nói và thuyết phục đối tác. Họ cần phải học chứ không thể tự nhiên mà có được. Nhưng không phải học từ Bộ Ngoại giao vì chính những người trong Bộ Ngoại giao cũng có vấn đề về kĩ năng communication. Họ nên học kĩ năng communication từ các chuyên gia từ phương Tây, đặc biệt là Mĩ. Chỉ khi nào các chính khách xuất hiện trong hội họp nước ngoài không còn cầm tờ giấy thì lúc đó công chúng mới an tâm.
GS Nguyễn Văn Tuấn
03-09-2014
(FB Nguyen Tuan) 

Người dân các nước thích Mỹ hay Trung Quốc hơn?

 Mỹ và Trung Quốc hiện đang là hai cường quốc lớn mạnh nhất thế giới, và dĩ nhiên đây cũng là hai quốc gia được người dân các nước quan tâm đặc biệt. Chúng ta có thể hiểu được phần nào sự quan tâm đó qua tấm bản đồ mới được công bố của trang Business Insider.

Cuộc chiến giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng hiện rõ khi vào tuần trước, một máy bay phản lực của người Hoa đã đụng độ một máy bay tuần tra của hải quân Hoa Kỳ trên vùng biển Nam Hoa. Sau vụ việc trên, quân đội Mỹ đã giải thích rằng khi đó máy bay của họ vẫn đang bay tuần tra định kỳ trên không phận quốc tế. Trong khi đó quân đội Trung Quốc cho rằng vùng không phận đó là của họ và người Mỹ nên dừng việc giám sát chặt chẽ các vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

Với sự phát triển nhanh đến chóng mặt, nền kinh tế của Trung Quốc đã sẵn sàng để vượt qua Mỹ trong thập kỷ tới. Vì vậy, vụ va chạm máy bay này sẽ chỉ là một dấu hiệu của một sự thay đổi địa chính trị dẫn tới việc Mỹ sẽ phải chia sẻ vũ đài thế giới với siêu cường Đông Á. Vậy thì có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta nên xem xem người dân các nước nghĩ gì về hai cường quốc này.

Sử dụng dữ liệu từ dự án Global Attitudes của Pew Research Center, trang Business Insider đã vẽ ra một tấm bản đồ cho thấy cảm nhận của người dân từng nước về hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc. Bức hình sẽ cho chúng ta thấy rõ người dân ở đâu thích Mỹ và ở đâu thích Trung Quốc hơn. Cụ thể, màu đỏ là những nơi ưa thích Trung Quốc, trong khi đó màu xanh đại diện cho những khu vực người dân hướng tới Mỹ. Bên cạnh đó cũng có những nước màu đen hiển thị thái độ trung lập của người dân về hai cường quốc trên.


Người dân các nước nghĩ gì về Mỹ và Trung Quốc?



 Anh Minh

Theo Business Inside
(Review)

Gs. Ts Ngô Đức Thịnh: Tạm dừng đệ trình hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu là hợp lý (03/09/2014)

Vừa qua, Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã có thông báo trong đợt xét duyệt di sản 2015, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của Việt Nam đã nằm ngoài danh sách các hồ sơ thuộc nhóm ưu tiên. PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Đức Thịnh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam về vấn đề này. 

PV: Thưa ông, việc hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vừa được UNESCO khuyên cáo là nên tạm dừng lại. Hay nói cách khác là UNESCO lùi thời hạn xét hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đâu là lý do chính của vấn đề này?

GS.TS NGÔ ĐỨC THỊNH: Theo kế hoạch thì năm 2015, Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO sẽ công bố hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của Việt Nam có được hay không được xét duyệt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng vài năm gần đây, Việt Nam khá dồn dập phong tặng danh hiệu di sản, nên UNESCO khuyến nghị nên lui lại. Trong khi thực tế, hồ sơ nói trên cũng chưa hoàn thiện, nhất là phần hình ảnh và video tư liệu, nên tôi cũng coi đây là dịp để chúng ta có thêm thời gian để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Mặt khác, năm nay (Hàn Quốc chủ trì), Việt Nam cùng với một số nước cũng đề cử lên UNESCO môn kéo co để xét danh hiệu di sản. Hiện, UNESCO đang xét hồ sơ này. Tuy nhiên, Hội đồng Di sản Quốc gia cũng nhận định và cho ý kiến, nếu việc tham gia của nước ta vào xây dựng hồ sơ liên quốc gia này mà ảnh hưởng đến việc đề nghị xét danh hiệu di sản của dân tộc thì chúng ta sẽ dừng tham gia xây dựng hồ sơ di sản liên quốc gia mà chỉ tập trung vào xây dựng hồ sơ tín ngưỡn thờ Mẫu - hát Văn. Tuy nhiên, theo UNESCO, việc Việt Nam tham gia cùng xây dựng hồ sơ di sản đối với loại hình kéo co là không ảnh hưởng gì đến việc xét danh hiệu di sản trong nước. Theo quy định của UNESCO, mỗi năm, một nước chỉ có thể được đề xuất và vinh danh di sản thế giới đối với một di sản, trong khi đó, mấy năm gần đây, chúng ta đều được nhận sự vinh danh này nên việc lùi lại thời gian để xét danh hiệu di sản đối với hát Văn cũng là hợp lý.
Tất nhiên là hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ cần thời gian sửa chữa, đặc biệt là phần ảnh và phần phim. Theo tôi, năm 2016, hồ sơ sẽ được thiết lập trở lại.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam đang có quá nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhưng sau vinh danh, di sản chưa được ứng xử đúng tầm. Nghệ nhân giữ lửa di sản đa phần sống rất nghèo?
- Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều di sản được vinh danh tầm cỡ khu vực và thế giới, nhưng cơ quan chức năng chưa đảm bảo thực thi các  điều kiện với UNESCO, điều này đang làm gia tăng các báo động về việc danh hiệu di sản có thể bị rút lại danh hiệu. Thời gian qua, vịnh Hạ Long, cồng chiêng Tây Nguyên… đã có bất cập trong công tác bảo tồn, gióng lên hồi chuông cảnh báo hết sức cấp bách. Đó cũng chính là căn bệnh của chúng ta: cố gắng cho được, nhưng khi di sản được phong tặng danh hiệu thì lại không đảm bảo trách nhiệm. Theo quy định của UNESCO, di sản sau vinh danh, nước đó phải có trách nhiệm thực hiện cam kết bảo vệ, nếu không, danh hiệu sẽ bị rút lại. Đơn giản như hát Quan họ lại hát tập thể hàng trăm người, phá vỡ không gian và đặc trưng của thể loại này. Hát Ca trù theo cam kết là sau 3 năm, kể từ thời điểm vinh danh, phải được đưa khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, nhưng đến nay đã là 4 năm rồi mà vẫn chưa thể thực hiện. Hay như Vịnh Hạ Long lại xuất hiện tình trạng xâm hại, lấp không gian vùng biển làm du lịch... Đó là những điều rất đáng suy nghĩ.
Ông có cho rằng việc hành chính hóa hiện nay khiến di sản xa cộng đồng?
- Việc thực hiện cam kết của UNESCO, Việt Nam làm còn yếu. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tình hình đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Điển hình nhất là chính sách tôn vinh nghệ nhân, khi vừa qua, Bộ VHTTDL đã chính thức được Chính phủ giao làm đầu mối tập trung, thay vì phân tán về một số Bộ, ngành như trước đây. Hi vọng rằng, với chủ trương đúng đắn trên, những vướng mắc trong công tác này sẽ được tháo gỡ trên thực tế.
Tuy nhiên, về vấn đề đãi ngộ cũng cần phải bàn kỹ. Với UNESCO, họ không tán thành những đãi ngộ với nghệ nhân, mà quan trọng là cơ quan chức năng cần tạo mọi điều kiện để nghệ nhân thể hiện, sống bằng nghề đó chứ không phải cấp tiền cho họ hoạt động. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia đầu tiên đưa ra chế độ đãi ngộ, nhưng UNESCO không đồng tình với cách làm này.
Tại Việt Nam, tôi cho rằng cũng cần có sự hỗ trợ nhất định, một số tỉnh như Phú Thọ, Bắc Ninh đã tiến hành hỗ trợ bằng cách cấp bảo hiểm y tế cho nghệ nhân miễn phí, hằng tháng cấp một số tiền hỗ trợ sinh hoạt... tùy theo tình hình địa phương mà có chính sách phù hợp. Đối với những câu lạc bộ của nghệ nhân, Nhà nước nên hỗ trợ. Nhưng quan trọng và bền vững nhất, đó là tạo điều kiện để nghệ nhân hoạt động. Không nên thể chế hóa những chính sách đãi ngộ này, do điều kiện nước ta còn nghèo mà quan trọng nhất là cần tôn vinh trước cộng động và tôi tin rằng, nghệ nhân cũng chỉ cần có thế.
Quan điểm của ông về việc sân khấu hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu- hát Văn?
- Chầu văn khác với Ca trù và nhiều cái khác, Chầu văn lại sống trong tâm thức của người dân, môn nghệ thuật này đang phát triển rất mạnh song lại có xu hướng biến dạng. Do vậy, cần phải có biện pháp để đưa loại hình này về đúng nguyên bản của nó, tránh sự biến dạng, lạm dụng. Trong cái biến dạng đó còn là sự sân khấu hóa. Đây là một nghi lễ trong không gian tâm linh nên không nên đưa lên sân khấu, nhưng hoàn toàn có thể nghệ thuật hóa. Khi hát văn không còn là một nghi lễ mà biến thành một tiết mục nghệ thuật thì hoàn toàn có thể đứng trên sân khấu.
Đơn cử như vở kịch "Tâm linh Việt” của NSND Lan Hương cũng từng diễn về đạo Mẫu, nhưng đã được đạo diễn chuyển thể rất độc đáo để đưa lên sân khấu và đã trở thành một tiết mục nghệ thuật. Vừa qua, khi đưa đoàn đi tham gia liên hoan sân khấu ở Pháp, chúng tôi cũng phải rất lưu ý để lựa chọn và tìm giải pháp đưa tiết mục này lên sân khấu diễn trong vài phút. Đó là do hoàn cảnh đặt ra như vậy và cái hướng sẽ là như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông !
Vũ Trần (thực hiện)
(Đại Đoàn Kết)

Nơi đàn ông khoe nhà, phụ nữ khoe quà?

Trên Facebook, người dùng luôn thấy người khác được hưởng thụ nhiều hơn mình và dễ sinh cảm giác đố kị hay chán nản với bản thân.

LTS: Xung quanh câu chuyện có nên bỏ Facebook đã có rất nhiều quan điểm khác nhau. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Mỹ Hạnh để độc giả cùng tranh luận.

Tháng 7 vừa rồi, bài viết “Vì sao tôi bỏ Facebook” của tác giả Chris Chan trên trang Linkedin đã khiến Facebook bồn chồn lo lắng. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Chris Chan và để lại những bình luận “rủ” nhau bỏ Facebook. Và dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu facebook có đang bị người dùng tẩy chay?

Lí do của việc quay lưng bỏ đi…

Không phải tự dưng người dùng lại “dứt áo ra đi” với một công như Facebook. Người dùng đã ngày càng mệt mỏi với những gì diễn ra trên mạng xã hội này. Thay vì giải trí, họ lại dễ bị trầm cảm, xì-trét vì hàng loạt trào lưu “đánh bóng bản thân” trên Facebook. Những thông tin được cập nhật trên bảng tin của Facebook không chỉ khiến người dùng lãng phí thời gian bổ ích, giảm chất lượng làm việc mà còn gây nên những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.

Thật dễ hiểu khi người ta muốn chia sẻ những hình ảnh hạnh phúc của mình trên mạng xã hội. Nhưng dần dần, việc chia sẻ này đã bị biến tướng đi thành các cuộc chạy đua khoe khoang của cải. Nhiều đàn ông thường tự đánh bóng bản thân bằng cách kể những thành tích mà họ đạt được trong công việc, sắm nhà cửa, xe hơi, có bạn gái đẹp... Trong khi phụ nữ thì lại thích khoe họ xinh đẹp, được tặng những món quà xa xỉ, đi ăn ở nhà hàng sang trọng, ngồi trên những chiếc xe đắt tiền…

Trên Facebook, người dùng luôn thấy người khác được hưởng thụ nhiều hơn mình và dễ sinh cảm giác đố kị hay chán nản với bản thân. Nhưng bên trong, họ chẳng bao giờ hiểu được góc khuất của bạn bè mình là như thế nào. Đó chính là lí do khiến Facebook đưa mọi người đến với nhau, nhưng lại không được gần nhau.

 Để rồi sau đó, lối sống “ảo” xuất hiện và như một con virus, dễ dàng lây lan từ người này sang người khác mà bản thân người dùng không ý thức được. Có những người còn tìm cách “mượn” hình ảnh của người khác xây dựng một cuộc sống giả cho bản thân, tạo nên một bức tranh hào nhoáng và đắm chìm trong ảo giác đó.

Cứ cách ít lâu lại có một vụ “tố nhau” của cư dân Facebook như: cô gái tố bạn thân bỏ thuốc mê vào nước cam, bạn trai bị tố xin tiền ăn bám, chị vợ tố em đánh vợ con, bạn gái tố bạn trai chia tay đòi quà.... Dường như việc “vạch áo cho người xem lưng” trên Facebook đã ngày càng thường xuyên, không còn xa lạ.

Thêm vào đó là các trào lưu chế ảnh, tung hô các khẩu hiệu, lạm dụng từ ngữ hay các dòng trạng thái tràn ngập tiếng chửi mắng, nói bậy, gây sốc...  Điều đáng nói là nhiều người dùng lại không nhận ra được những tác hại của nó mà tiếp tục chạy theo, cổ súy cho những hành động đó. 
mạng xã hội, Facbook, Mark Zuckerberg
Mô tả
Không những vậy, Facebook đã thực sự biến thành một thị trường và trở thành một công cụ kiếm tiền nhiều hơn là để giải trí. Giờ đây, trên bảng tin, người dùng không còn dễ dàng cập nhật những thông tin hữu ích nữa mà thay vào đó là hàng trăm tin rác và các hình ảnh quảng cáo.

Theo thời gian, Facebook đã để lại hàng loạt những hệ lụy cho người sử dụng, khiến họ lãng phí thời gian, mất đi sự quan tâm của mọi người, dễ bị bi quan hơn, các mối quan hệ dễ đi theo chiều hướng xấu, bị làm phiền bởi hàng tấn quảng cáo… Dĩ nhiên, nhiều người trong số họ đã phải từ bỏ Facebook.

Bản chất của vấn đề

Tuy nhiên, bản chất vấn đề ở đây không phải do Facebook mà xuất phát từ cách sử dụng Facebook của người dùng. Chính việc lạm dụng Facebook đã khiến bộ mặt xã hội xấu đi và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dùng. Mọi người dành quá nhiều thời gian để vào Facebook mỗi ngày, đăng tải bất cứ điều gì họ nghĩ trong đầu, chụp ảnh ở khắp mọi nơi, trả lời tin nhắn ở chỗ này, chỗ kia và tạo thành một vòng quay bất tận: kiểm tra tin nhắn, chờ đợi, trả lời, lên Facebook dù không có bất cứ điều gì mới.

Do đó, nhận thức của người dùng là thứ duy nhất cứu họ khỏi các hệ lụy khi dùng trang xã hội toàn cầu này. Họ phải kiểm soát lại hành động của mình và nghĩ kĩ trước khi làm.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Facebook đã trở thành một thế giới mà con người đã và đang sống trong đó. Bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia, kết quả khảo sát của Pew tại Mỹ cho thấy số lượng người truy cập Facebook ngày càng tăng. Facebook cũng từng công bố số liệu cho thấy có đến 1,6 tỉ người dùng Facebook trên thế giới đăng nhập vào trang mạng xã hội này ít nhất 1 lần/tháng, bao gồm cả hàng triệu tài khoản giả mạo và có trên 150 triệu người ở Mỹ dùng Facebook. Với từng đó con số ấn tượng, có vẻ Facebook khó mà suy tàn.

Ngày nay, rất nhiều người dùng trao đổi thông tin và làm việc trên Facebook. Họ lập các nhóm riêng tư để bàn bạc công việc, lưu trữ dữ liệu, tán gẫu, dạy nhau học, kinh doanh và thông báo cho nhau những tin quan trọng. Facebook không đơn thuần là nơi để kết bạn, chia sẻ cuộc sống cá nhân nữa, mà đã trở thành “văn phòng làm việc” của mọi người.

Facebook vẫn là thế giới ảo, nhưng nó cũng chứa rất nhiều những thông tin hữu ích cần chúng ta chắt lọc. Một người dùng khôn ngoan sẽ thấy được mặt mạnh của nó ở đâu để sử dụng nó một cách văn hóa. Mọi sự vật đều có hai mặt nên ta phải dùng nhận thức để tạo ra sự hiệu quả.

Mỹ Hạnh

Điều gì đang xảy đến với đế chế của Mark Zuckerberg?

Việc từ bỏ Facebook không còn là chuyện hiếm hoi. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, tình trạng này đang diễn ra ở hầu hết mọi nơi. Ngay sau khi trở thành tiêu điểm của dư luận, ngày 16/7, Chris Chan tiếp tục đăng tải một bức thư gửi tới CEO Mark Zuckerberg. Ông chia sẻ rằng: “Sẽ không bao giờ tôi có suy nghĩ bài viết của tôi lại thu thập được gần nửa triệu lượt xem trong một tuần, với hơn 10.000 lượt chia sẻ trên LinkedIn và hàng ngàn người theo dõi. Thật thú vị và cũng trớ trêu thay, hơn 5.000 người dùng Facebook lại thích bài viết đó. Tôi biết những gì tôi nói đang rất được quan tâm”.

Trong một cuộc điều tra của phóng viên trên internet, ít nhất 57% người dùng cho biết họ muốn từ bỏ Facebook và đã từng thử làm điều này. Theo đó, những người không phụ thuộc nhiều vào Facebook, có số lượng bạn bè khiêm tốn, ít chia sẻ thông tin cá nhân của mình hay ít tham gia vào các cuộc bình luận, thường dễ dàng dứt khỏi Facebook hơn. Tuy nhiên, đây lại là số lượng nhỏ và chỉ chiếm khoảng 14%.

Số lượng người dùng muốn từ bỏ Facebook còn lại thì không hành động dễ dàng như vậy. Họ thường thử khóa tài khoản Facebook tạm thời. Nhưng lại “tái nghiện” và quay trở lại dùng trong một thời gian ngắn. Có nhiều người khôn ngoan hơn, đã tìm cách hạn chế việc truy cập Facebook của mình như: tìm cách chặn Facebook trong máy tính, hạn chế thời gian vào Facebook mỗi ngày, hạn chế bình luận, chia sẻ thông tin cá nhân hay tham gia vào  mạng xã hội khác.
(Tuần Việt Nam)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét