Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Dựng sự kiện lịch sử và phá hủy lịch sử

Dựng sự kiện lịch sử và phá hủy lịch sử

Hình ảnh Hai Bà Trưng trên phố Huế trong ngày Lễ Hai Bà (ảnh minh họa)
Hình ảnh Hai Bà Trưng trên phố Huế trong ngày Lễ Hai Bà (ảnh minh họa)
Hai câu chuyện có liên quan đến lịch sử theo chiều trái ngược nhau ở Hà nội và Sài gòn vừa xảy ra. Một là kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng, và hai là phá hủy các kiến trúc ở trung tâm Sài gòn. Cả hai đều bị dự luận phản đối.

Bày ra lịch sử

Câu chuyện những hàng cây cổ thụ bị đốn ngã ở Hà nội và Sài gòn chưa kết thúc, thì một câu chuyện khác cũng có liên quan đến quá khứ, đến lịch sử nổ ra gây nhiều đàm tiếu. Ngày 16/8 báo chí đưa tin thủ đô Hà nội sẽ kỷ niệm 2000 năm sinh nhật… Hai bà Trưng. Nhiều người đã phản đối việc này, kể cả bằng phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước lẫn mạng internet.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, thành viên của Hội đồng di sản quốc gia nói rằng ông không đồng ý việc này

“Tôi không tán thành việc đưa cái ngày đó lên vì hai lý lẽ. Một là con số đấy là con số huyền thoại, hai là hàng năm chúng ta có kỷ niệm cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng rồi. Như vậy là nó không cần thiết và dựa trên một cơ sở mơ hồ. Đặc biệt là trong điều kiện đất nước khó khăn, tiền đó để làm những việc khác tốt hơn.”
    Hai Bà Trưng sống cách chúng ta lâu như thế mà theo truyền thống thì chúng ta không có kỷ niệm sinh nhật. Kỷ niệm sinh nhật đối với những nhân vật thời hiện đại thì được, chứ còn một nhân vật quá xa xôi thì việc đó không đúng với truyền thống Việt nam - Thạc sĩ Đào Tiến Thi
Một lý do khác mà những người chống đối việc tổ chức lễ lạt này là kỷ niệm sinh nhật như vậy trong thời xa xưa không phải là truyền thống của dân tộc. Thạc sĩ Đào Tiến Thi từ Hà nội cho biết ý kiến của ông

“Hai Bà Trưng sống cách chúng ta lâu như thế mà theo truyền thống thì chúng ta không có kỷ niệm sinh nhật. Kỷ niệm sinh nhật đối với những nhân vật thời hiện đại thì được, chứ còn một nhân vật quá xa xôi thì việc đó không đúng với truyền thống Việt nam.”

Cuối cùng thì thành ủy Hà nội ra thông báo do bận việc đột xuất nên hoãn lại việc kỷ niệm nay. Giáo sư Thịnh hoan nghênh quyết định này

“Chính quyền cũng bắt đầu nghe ý kiến phản biện của người dân, của các nhà khoa học, như thế cũng tốt. Tôi hoan nghênh thái độ của họ.”
Tuy nhiên ông cũng cười nói rằng ông cũng không hiểu tại sao cơ quan đảng của Hà nội nói là hoãn, chứ không nói là không làm.

Không quan tâm đến lịch sử

Trong khi đó thì tại Sài gòn, tiếp theo việc đốn hạ những hàng cây cổ thụ tại trung tâm thành phố để thực hiện dự án tàu điện ngầm, một tòa nhà có tuổi 130 năm là Thương xã Tax được dự tính sẽ bị phá dỡ để xây vào đó một cao ốc hiện đại. Việc này gây nhiều tiếc nuối cho người dân Sài gòn.
    Tiếc nuối thì chắc rồi. Hồi họ đập chổ của mình, nhiều người cũng tiếc như là cà phê Givral, rồi thì họ cũng đập xong hết rồi. Mấy chổ đó nhà Tây ngày xưa xây cũng hay mà mấy ông ấy cứ khoái đập, chắc đập xong có tiền hay sao đó mà cứ đè ra mà đập - Một người dân Sài gòn
Thương xá TAX ngày xa xưa
Thương xá TAX ngày xa xưa năm 1960

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu trong lần trả lời chúng tôi về mâu thuẫn giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế cho rằng các quyết định xây dựng phát triển đã không quan tâm đến cộng đồng nên đã gây ra những phản ứng buồn lòng như vậy từ phía người dân.

Một người dân Sài gòn làm việc ở khu trung tâm thành phố nói với chúng tôi

“Tiếc nuối thì chắc rồi. Hồi họ đập chổ của mình, nhiều người cũng tiếc như là cà phê Givral, rồi thì họ cũng đập xong hết rồi. Mấy chổ đó nhà Tây ngày xưa xây cũng hay mà mấy ông ấy cứ khoái đập, chắc đập xong có tiền hay sau đó mà cứ đè ra mà đập. Bây giờ cái nhà hát nó lọt thõm bên trong mấy cái nhà cao tầng có ai thấy đâu. Caravelle, Vincom nó che hết rồi.”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhìn những ngôi nhà cũ mang dấu những thời gian lịch sử khác nhau được thay thế bằng các cao ốc thương mại đã  viết trong bài viết mới nhất của mình rằng phải chăng bây giờ ở Việt nam người ta chỉ  biết xây dựng hai thứ, đó là nhà nghỉ và trung tâm thương mại!

Cũng có ý kiến cho rằng những ngôi nhà như thương xã Tax ở Sài gòn không phải là quá xưa để có thể được coi như một di sản để mà giữ gìn.
    Tôi nghĩ là bất cứ cái gì đã gắn với truyền thống, đã đi vào lịch sử, nó đã tồn tại như một chứng tích lịch sử rồi thì bất cứ thay đổi nào chúng ta cũng phải tính toán thật kỹ - Giáo sư Thịnh
Giáo sư Thịnh từ Hà nội nói rằng không phải hoàn toàn như vậy, ông lấy dẫn chứng là cầu Long Biên ở Hà nội mặc dù chỉ hơn 100 năm và không phải do người Việt xây, nhưng nó gắn với lịch sử Hà nội cho nên phải giữ gìn. Ông Đào Tiến Thi thì nói

“Tôi nghĩ là bất cứ cái gì đã gắn với truyền thống, đã đi vào lịch sử, nó đã tồn tại như một chứng tích lịch sử rồi thì bất cứ thay đổi nào chúng ta cũng phải tính toán thật kỹ.”
Giáo sư Thịnh nói rằng ông không rõ những chi tiết đng diễn ra ở Sài gòn, nhưng nếu những việc đó đụng chạm tới lịch sử thì người Sài gòn cũng phải lên tiếng

“Tôi nghĩ rằng người Sài gòn cũng phải lên tiếng khi mà những sự xây dựng, làm mới đó nó đụng chạm đến di sản, đặt vấn đề là làm thế nào để giải quyết cho nó hài hòa.”
Vấn đề hài hòa mà giáo sư Thịnh nói đến cũng là vấn đề quan tâm hòa hợp với suy nghĩ, lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương khi thực hiện một dự án phát triển mà Tiến sĩ Hậu đã nói.

Ngay sau khi tin thương xá Tax sẽ bị bỏ đi, một cố công dân Sài gòn đã tổ chức ký một kiến nghị yêu cầu dừng ngay việc đó.

Việc dừng lại việc di dời giải tỏa trung tâm Sài gòn có thể sẽ làm tốn kém hơn kế hoạch phát triển thành phố nhưng có thể sẽ có nhiều người đồng tình. Ngược lại một việc tốn kém khác cũng liên quan đến lịch sử lại bị nhiều phản đối là …. Sinh nhật Hai Bà Trưng!
Kính Hòa
(RFA)

Nguyễn Tấn Dũng khẳng định bản chất thô bạo

"...Điều khôi hài nhất là trong khi một vài người loay hoay hành hạ trí óc và lương tri của mình để tìm mọi lý cớ biện luận bênh vực ông Dũng là muốn dân chủ, muốn "thoát Trung", thì chính ông Dũng lại liên tục nói ngược hẳn lại một cách sỗ sàng. Ông chẳng coi họ ra gì. Và ở điểm này thì ông Dũng hoàn toàn có lý..."


Bài báo của Ngọc Quang trên báo Giáo Dục Việt Nam ngày 17/08/2014, sau đây cần được đặc biệt chú ý. Nó nói lên bản chất con người Nguyễn Tấn Dũng, người đang thu tóm mọi quyền lực trong tay trên thực tế và đang có triển vọng chính thức hóa chế độ độc tài cá nhân sau đại hội 12 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam nếu giành được chức vụ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước như toan tính.

Có lẽ cũng nên nhắc lại thân thế Nguyễn Tấn Dũng.

Nhờ được Lê Đức Anh đỡ đầu Nguyễn Tấn Dũng nắm được quân đội và công an. Lê Đức Anh từng là Bộ trưởng quốc phòng, rồi Chủ tịch nước kiêm ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đặc trách quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quyền lực của Lê Đức Anh bao trùm tất cả từ khi chế độ cộng sản Việt Nam lấy quyết định đầu hàng Trung Quốc. Cùng với Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh là một trong hai tác nhân chính của chính sách phục tùng Trung Quốc được cụ thể hóa qua thỏa hiệp Thành Đô năm 1990. Lê Đức Anh thâu tóm mọi quyền lực sau khi Nguyễn Văn Linh rút lui với sự bảo trợ của quan thầy Trung Quốc. Để nắm chặt quân đội, Lê Đức Anh đã đôn đốc để cắt đặt Phùng Quang Thanh, một tay sai ngoan ngoãn của mình, vào chức vụ đại tướng Bộ trưởng quốc phòng. Sau này khi đã quá già yếu, Lê Đức Anh thăng tiến cho Nguyễn Chí Vịnh - cũng là con nuôi Lê Đức Anh như Nguyễn Tấn Dũng - làm thượng tướng kiêm thứ trưởng thường trực bộ quốc phòng, thực tế là đứng đầu quân đội và giữ quân đội cho Nguyễn Tấn Dũng.

Cá nhân Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ ngành công an và với sự sắp đặt của Lê Đức Anh đã leo lên tới chức Thứ trưởng thứ nhất bộ công an trước khi trở thành phó thủ tướng thường trực bên cạnh viên thủ tướng mờ nhạt Phan Văn Khải, cũng là một gia nhân của Lê Đức Anh. Trên thực tế Nguyễn Tấn Dũng đã cầm quyền từ năm 2002. Trong suốt 12 năm qua Nguyễn Tấn Dũng đã để cho tham nhũng mặc sức tràn ngập, đã cắt đặt các tay sai vào mọi địa vị kinh tế chủ chốt và trở thành đầu sỏ của đám tư sản đỏ. Tóm lại, Nguyễn Tấn Dũng nắm cả quân đội lẫn công an và tài phiệt. Cá nhân Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong những người giầu có nhất thế giới hiện nay.

Tuy vậy hai thành tích nổi bật nhất của Nguyễn Tấn Dũng là, một mặt, đàn áp những nguyện vọng dân chủ một cách vực kỳ hung bạo và, mặt khác, đưa Việt Nam đi sâu vào thế lệ thuộc Trung Quốc.

Những bản án dành cho những người lên tiếng đòi dân chủ vốn đã rất thô bạo đã nghiêm khắc gấp ba bốn lần dưới Nguyễn Tấn Dũng. Số người bị bách hại cũng đã gia tăng hẳn lên. Ngoài ra công an còn dùng bọn côn đồ để hành hung những người dân chủ, chính công an cũng hành hung trắng trợn, nhiều người đã bị đánh chết ngay tại đồn công an.

Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho Trung Quốc thuê dài hạn nhiều khu rừng đầu nguồn có vị trí chiến lược, đã cho Trung Quốc trúng thầu trên 80% các dự án và cho phép người Hoa thành lập những đặc khu gần như là những khu tự trị trên khắp lãnh thổ. Thâm thủng ngoại thương của Việt Nam đối với Trung Quốc lên tới gần 30 tỷ USD vì Việt Nam trở thành cảng xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc ra thế giới. Trên thực tế Nguyễn Tấn Dũng đã biến Việt Nam thành gần như một tỉnh của Trung Quốc.

Tình trạng bi đát hiện nay có phải là trách nhiệm chung của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam như nhiều người bênh Nguyễn Tấn Dũng biện luận không ?

Chắc chắn là không. Sự bùng nổ của tham nhũng chắc chắn là do trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng nhưng ngay cả sự đàn áp hung bạo và lệ thuộc Trung Quốc cũng chủ yếu là trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng, bởi vì trên thực tế Nguyễn Tấn Dũng chẳng coi Bộ Chính trị ra gì cả, ông ta tự tung tự tác, Bộ Chính trị đã từng muốn cách chức ông ta mà không được. Vì thế, không thể lấy Bộ Chính trị để chạy tội cho Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy vậy rất đáng tiếc là vẫn có những "trí thức" ca tụng Nguyễn Tấn Dũng.

Có người nói ông Dũng thân phương Tây và hướng về dân chủ vì đã cho con du học Mỹ. Lý luận vớ vẩn. Kim Chính Ân cũng đã du học Thụy Sĩ, Bachar al-Assad tốt nghiệp tại Anh, nhưng có thành người dân chủ không ? Phần lớn những tên độc tài trên thế giới, kể cả những tên độc tài khát máu, đều gửi con cái đi du học tại các nước phương Tây, nhưng chúng vẫn là những tên độc tài.

Có người đựa vào Thông điệp đầu năm 2014, trong đó Nguyễn Tấn Dũng nói tới "mở rộng dân chủ""đổi mới thể chế" để tung hô ông Dũng là người có khuynh hướng dân chủ. Họ cần đọc kỹ những lời tuyên bố của ông Dũng và đại tướng Trần Đại Quang, cánh tay mặt của ông Dũng, trong bài tường thuật dưới đây về ngày kỷ niệm 69 năm thành lập lực lượng công an.

Ông Dũng nói tới "sự đùm bọc thân thiết, máu thịt của nhân dân" đối với lực lượng công an và "lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước". Đúng là ngôn ngữ ngạo mạn trơ trẽn. Người dân nào thân thiết máu thịt với công an? Những người dân oan bị cướp đất cướp nhà và đánh đập, hay những người có thân nhân bị đánh chết trong đồn công an? Lực lượng công an chắc chắn đã góp phần xứng đáng khiến Việt Nam trở thành một nước nghèo khổ lạc hậu như hiện nay, với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới. Phải rất thận trọng, thái độ trâng tráo của ông Dũng dự báo một mối nguy: Ông Dũng muốn thiết lập một chế độ công an.

Những ai hy vọng ông Dũng sẽ mở rộng dân chủ có thể nghe ông Dũng nhắc lại một lần nữa câu nói đã trở thành quen thuộc của ông : "Dứt khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức chống đối phá hoại đất nước".

Các "tổ chức chống đối phá hoại" đã từng nhiều lần được ông Dũng định nghĩa là các tổ chức đối lập dân chủ. Lần này bên cạnh ông Dũng còn có cả đại tướng công an Trần Đại Quang, bộ trưởng công an và cánh tay mặt của ông Dũng.

Trần Đại Quang tuyên bố phụ họa với ông Dũng: "Các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam; ráo riết thực hiện "diễn biến hòa bình", triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, "dân chủ hóa", hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội".

Không thể lầm lẫn được: Nguyễn Tấn Dũng coi những người dân chủ là kẻ thù. Ông bộc lộ tham vọng làm một nhà độc tài hung bạo lấy công an làm dụng cụ đàn áp.

Tuy vậy Trần Đại Quang vẫn thấy cần phải phải nói rõ hơn: "Lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục đổi mới tư duy nghiệp vụ, (…) kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây bất ổn chính trị, xã hội; không để bị động, bất ngờ; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa".

Còn trí thức nào tin vào thiện chí dân chủ hóa của Nguyễn Tấn Dũng?

Cũng không thể bỏ qua câu nói rất hồn nhiên của ông Dũng: "Không thể để tội phạm tràn lan được, không thể để băng nhóm tội phạm xuất hiện và hoạt động ngang nhiên được". Nhưng ai đã để cho các băng đảng tội phạm tràn lan nếu không phải là chính ông? Nguyễn Tấn Dũng không chỉ chống dân chủ mà còn trâng tráo chống cả trí tuệ. Ông vừa thô vừa bạo.

Dù vậy vẫn còn một số người cố tình ngụy biện để bênh vực ông Dũng. Họ sợ ông hay họ chờ đợi những ơn huệ nào ở ông là một dấu hỏi, nhưng họ gán cho Nguyễn Tấn Dũng một chủ trương mà ông không hề có, đó là tách rời khỏi quỹ đạo Trung Quốc và sáp lại với Hoa Kỳ. Thực là lố bịch. Nguyễn Tấn Dũng thừa biết không thể sáp lại với Hoa Kỳ và các nước dân chủ mà vẫn giữ nguyên chế độ độc tài toàn trị, và muốn giữ nguyên chế độ độc tài toàn trị thì phải dựa vào Trung Quốc. Vả lại Nguyễn Tấn Dũng là con đỡ đầu và người thừa kế của Lê Đức Anh, kẻ đã bán đứng chủ quyền đất nước cho Bắc Kinh.

Điều khôi hài nhất là trong khi một vài người loay hoay hành hạ trí óc và lương tri của mình để tìm mọi lý cớ biện luận bênh vực ông Dũng là muốn dân chủ, muốn "thoát Trung", thì chính ông Dũng lại liên tục nói ngược hẳn lại một cách sỗ sàng. Ông chẳng coi họ ra gì. Và ở điểm này thì ông Dũng hoàn toàn có lý.
Nguyễn Văn Huy

Bài đọc thêm:

"Dứt khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức phá hoại đất nước"

Sáng 16/8/2014, Bộ Công an tổ chức Gặp mặt nhân kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống Công an nhân dân; đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân và phát động phong trào thi đua đặc biệt hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân, 10 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nói chuyện thân mật với các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong 69 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong sự đùm bọc thân thiết, máu thịt của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân ra đời, công tác, chiến đấu và trưởng thành; luôn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, Nhà nước và chế độ; kiên định vững vàng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh và đã lập nên nhiều chiến công, thành tích to lớn, xuất sắc; những chiến công, những đóng góp, những thành tích của lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay.

nguyentandung22
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Không thể để tội phạm
tràn lan được, không thể để băng nhóm tội phạm
xuất hiện và hoạt động ngang nhiên được

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, lực lượng Công an nhân dân có vai trò hết sức quan trọng để cùng với cả nước giải quyết những khó khăn, thách thức của đất nước trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhất là phấn đấu cho mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng… Do đó, toàn ngành cần tiếp tục phát huy truyền thống, những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ để xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành và quan hệ mật thiết với nhân dân.

Trong tình hình và bối cảnh mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lực lượng công an nhân dân phải bảo đảm cho được an ninh chính trị của đất nước.

"Một đất nước mất ổn định chính trị sẽ không thể phát triển, không thể chăm lo cho đời sống nhân dân. Những cái này các đồng chí phải làm thật tốt, dứt khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức chống đối phá hoại đất nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, Thủ tướng cũng yêu cầu lực lượng công an chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiên quyết phòng chống tội phạm.

"Không thể để tội phạm tràn lan được, không thể để băng nhóm tội phạm xuất hiện và hoạt động ngang nhiên được. Kinh nghiệm cho thấy chỗ nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lực lượng công an làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt, hành động cụ thể, quyết liệt thì địa bàn đó, nơi đó trật tự an toàn được đảm bảo", thủ tướng nói.

Tại buổi gặp mặt, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh thời gian tới, nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là rất nặng nề, nhất là khi đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam; ráo riết thực hiện "diễn biến hòa bình", triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, "dân chủ hóa", hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Bên cạnh đó, những yếu tố tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tác động đến an ninh chính trị nội bộ, an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh xã hội; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới và các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống.

Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định, trong bối cảnh tình hình trên, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục đổi mới tư duy nghiệp vụ, các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây bất ổn chính trị, xã hội; không để bị động, bất ngờ; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa. Bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh xã hội; giữ vững an ninh các địa bàn chiến lược, trọng điểm; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện quan trọng của đất nước.
Ngọc Quang (17/08/2014)
Theo Giáo Dục Việt Nam

Trần Vinh Dự - Song mã què và chú ngựa thứ ba

Tại thời điểm này, mặc dù kinh tế Việt Nam có vẻ đang ổn định, phần lớn người Việt, từ các chuyên gia kinh tế, các chủ doanh nghiệp, đến người lao động, đều có cái nhìn không mấy tích cực về triển vọng kinh tế ngắn và trung hạn của Việt Nam. Điều này ít nhiều mâu thuẫn với quan điểm của giới quan sát và đầu tư quốc tế. Khác với quan điểm chung của người Việt, nhóm này có cái nhìn tích cực một cách thận trọng. Hồi cuối tháng 7 vừa rồi Moody đã nâng hạng tín dụng của Việt Nam từ B2 lên B1. Trước đó không lâu, hồi tháng 1 cùng năm, Fitch Ratings cũng nâng đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam lên mức B+ với triển vọng tích cực.
Có nhiều lý do giải thích tại sao lại có sự bất đồng (dù không lớn) trong cách nhìn của giới quan sát và các nhà đầu tư nước ngoài khi so với các đánh giá từ trong nước. Một trong những lý do đó là khu vực kinh tế nước ngoài đang ăn nên làm ra ở Việt Nam, trong khi khu vực trong nước (bao gồm cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân) còn đang vật lộn chưa có lối ra. Nếu ví kinh tế Việt Nam như một cỗ xe tam mã, gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, và kinh tế nước ngoài, thì hai chú ngựa Việt Nam đều đang ốm yếu. Chỉ duy có chú ngựa nước ngoài là khỏe mạnh.
Song mã què
Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là khu vực gây thất vọng lớn nhất trong toàn bộ bức tranh kinh tế Việt nam. Trong giai đoạn nhạy cảm của kinh tế Việt nam hiện nay, hai vấn đề lớn nhất về DNNN tồn tại từ trước và vẫn không có tiến bộ gì là (a) sự tồn tại của DNNN trên diện rộng và (b) mô hình quản trị và giám sát các doanh nghiệp này.
Việc giảm bớt số lượng các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại một số ít thật sự “tinh” và trong các lĩnh vực thực sự cần thiết, là nhằm giảm tải việc quản lý và giám sát của nhà nước đối với các doanh nghiệp này, và quan trọng hơn, để hạn chế gánh nặng ngân sách phải dùng để tài trợ các khoản lỗ của khu vực này. Thế nhưng quá trình này vẫn hết sức ì ạch, có lẽ vì 3 lý do chính: (a) quyết tâm chính trị chưa đủ lớn để thắng được sức ỳ quán tính của các lãnh đạo DNNN, (b) tài sản chủ yếu của các DNNN là đất đai, hiện nay không hấp dẫn vì thị trường bất động sản (BĐS) yếu, và (c) nợ nần của các DNNN được đem ra cổ phần hóa nhiều, lợi nhuận thấp hoặc thậm chí lỗ;
Điểm (b) và (c) khiến cho việc bán các doanh nghiệp này dưới dạng doanh nghiệp (bán trọn gói, bao gồm cả nợ) là thực sự khó, ngay cả bán dưới dạng tài sản (đất đai) cũng không dễ vì thị trường BĐS đã thừa mứa nguồn cung, việc ôm đất vào tại thời điểm này không giải quyết được gì (trừ khi mua rất rẻ).
Đổi mới mô hình quản trị và giám sát DNNN theo hướng hiện đại và đúng chuẩn của thế giới không khó về lý thuyết (vì các mô hình này đã có sẵn và đã được thực tế kiểm định nhiều nên các ưu khuyết điểm của từng mô hình đều được bộc lộ rõ). Thế nhưng điểm khó khăn nhất là việc đổi mới mô hình quản trị sẽ là tăng trách nhiệm của lãnh đạo DNNN và tăng tính minh bạch của hệ thống (làm giảm lợi ích của lãnh đạo DNNN). Cả hai vấn đề này đều dẫn đến sức cản rất lớn từ lãnh đạo DNNN. Ngay cả khi việc thay đổi này đi kèm với cơ chế thưởng theo thành tích đủ lớn theo đúng mức trên thị trường thì khả năng rất cao là cũng vẫn phải thay phần lớn lãnh đạo DNNN bằng những nhân tố mới, vì thế vẫn sẽ bị nhóm này chống đối quyết liệt.
Trong khi đó, mặc dù kinh tế vĩ mô tương đối ổn định trở lại trong gần 3 năm qua, khu vực tư nhân vẫn chưa có những tiến bộ đáng kể. Tình trạng chung ở phần lớn các doanh nghiệp tư nhân vẫn khá ảm đạm. Đây là giai đoạn không thể tránh khỏi vì các sai lầm chết người của khu vực tư nhân trong các năm trước (giai đoạn phát triển quá nóng), thể hiện chủ yếu ở: (a) vay nợ quá nhiều, cơ cấu nợ trên tổng tài sản quá lớn, quá rủi ro, vì thế cần thời gian để deleverage (giảm nợ) và thời gian này chắc chắn không nhanh được; và (b) mở rộng công suất bừa bãi, dẫn tới tình trạng thừa công suất trong nhiều ngành (với những ngành xuất khẩu thì không đáng lo, nhưng những ngành hướng vào tiêu dùng nội địa thì cần nhiều thời gian để nhu cầu tiêu dùng nội địa bắt kịp).
Các cam kết quốc tế về tự do thương mại sắp đến giai đoạn phải triển khai (thí dụ như AFTA 2015) sẽ còn làm môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khắc nghiệt hơn rất nhiều so với hiện nay. Đáng tiếc là nhà nước có rất ít dư địa chính sách để giúp được khu vực tư nhân trong ván bài khó khăn này.
Chú ngựa thứ ba
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là khu vực giữ được sự tăng trưởng ổn định ở hầu hết các lĩnh vực. Số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc thời điểm 31/12/2013 là 9093 doanh nghiệp, gấp 6 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng xấp xỉ 16%. Tổng số vốn của khu vực doanh nghiệp FDI sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm 31/12/2013 là 3411 nghìn tỷ đồng, gấp 14,2 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 22,4%/năm. Doanh thu thuần năm 2013 của khu vực doanh nghiệp FDI là 3138 nghìn tỷ đồng, gấp 19,4 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 25,3%/năm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lợi nhuận trước thuế năm 2013 của khu vực FDI đạt 248 nghìn tỷ đồng,  gấp 11,5 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 15,4%/năm. Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực này năm 2013 là 214,3 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 18,1%/năm.
Khu vực FDI được coi là khu vực năng động và hiệu quả nhất. Chỉ số quay vòng vốn (tính bằng doanh thu trên vốn) của khu vực FDI cao hơn các khu vực còn lại, chỉ số này của khu vực FDI năm 2013 đạt 0,9 lần (năm 2000 là 0,7 lần), trong khi khu vực DN ngoài nhà nước là 0,7 lần và thấp nhất là các DNNN chỉ có 0,5 lần. Hiệu suất sinh lợi trên vốn và trên doanh thu của khu vực FDI cao hơn nhiều so với các khu vực còn lại, cụ thể hiệu suất sinh lời trên vốn và trên doanh thu của khu vực FDI năm 2013 đạt 7,3% và 7,9% trong khi khu vực DNNN đạt 3,2% và 6%, thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước với 0,8% và 1,2%. Thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2013 đạt 6,6 triệu đồng, thấp hơn mức 9,6 triệu đồng của khu vực DNNN, nhưng cao hơn mức 5,1 triệu đồng của khu vực DN ngoài nhà nước.
Mặc dù khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp về các chỉ tiêu như số doanh nghiệp, lao động, vốn và doanh thu, nhưng khu vực này lại chiếm tỷ trọng cao về lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Năm 2013 các doanh nghiệp FDI chiếm tới 45,4% tổng lợi nhuận và 30,5% tổng số nộp ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Như thế, xét về tương quan không khó hiểu tại sao khu vực nước ngoài đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam lạc quan hơn khu vực trong nước. Tuy nhiên, cỗ xe tam mã sẽ không thể chạy tốt khi 2 trong 3 chú ngựa kéo xe đang là những chú ngựa què. Việt Nam không thể chỉ dựa vào khu vực nước ngoài để kéo nền kinh tế hồi phục.
Trần Vinh Dự
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA) 

Nguyễn Hưng Quốc - Ý niệm về bản sắc của các cây bút lưu vong

Nghiên cứu về văn học Việt Nam ở hải ngoại, có nhiều khía cạnh quan trọng cần phân tích. Một trong những vấn đề ấy là vấn đề bản sắc. Có thể nói hầu như không có một người lưu vong nào không bị dằn vặt, trăn trở về bản sắc, không loay hoay nghĩ ngợi về câu hỏi mình là ai. Nếu bản sắc nói chung là một vấn đề vô cùng phức tạp, bản sắc của những người sống xa tổ quốc của mình lại càng phức tạp hơn.


Xin nêu một ví dụ: Nếu sống trong nước, giữa những người Việt với nhau, khi được hỏi, tôi chỉ cần tự giới thiệu: Nguyễn Hưng Quốc. Là đủ (1). Người ta biết: tốt; không biết: đành chịu. Cũng chả còn cách gì khác. Ở đây, bản sắc thuần túy có tính cá nhân. Bản sắc tập thể bị chìm khuất phía dưới. Sự kiện tôi là người Việt là một điều hiển nhiên và đương nhiên. Ngay cả khi tôi phạm pháp, bị tước quyền công dân, không được đi bầu cử, tôi cũng vẫn là người Việt. Ý niệm “người Việt” của tôi, vốn gắn liền với nơi sinh và dòng máu hơn là tờ hộ chiếu, là bất khả xâm phạm.

Nhưng khi tôi sống ở Úc thì lại khác. Dù tôi có quốc tịch Úc, có đủ mọi quyền lợi và trách nhiệm của một công dân Úc, tôi vẫn được/bị nhìn, trước hết như một người Việt Nam, sau đó, trong một số trường hợp nhất định, mới đến chuyện tôi tên gì.

Như vậy, ở đây, có bốn điều đáng chú ý: Một, bản sắc tập thể (người Việt) chiếm ưu thế hơn hẳn so bản sắc cá nhân (Nguyễn Hưng Quốc); hai, trong bản sắc tập thể ấy, yếu tố quốc gia bị thu hẹp lại thành yếu tố sắc tộc; ba, với yếu tố sắc tộc ấy, bản sắc tập thể được tạo thành bởi quá khứ (gốc gác) hơn là hiện tại, bởi màu da hơn bất cứ một yếu tố nào khác (2); và bốn, với sự áp đảo của bản sắc tập thể, tôi được nhìn, trước hết, như một cái chung (với những người Việt khác) đồng thời lại như một cái khác (otherness): khác những người thuộc các sắc tộc khác và khác người Úc chính hiệu – thường được hiểu là người da trắng có gốc gác từ Anh. Cái chung được chú ý là để nhấn mạnh vào cái khác. Nói cách khác, ở đây, chung là phụ, khác mới là chính. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh.

Sau một thời gian sống ở Úc, về lại Việt Nam (nếu được về), tôi cũng không còn là người Việt Nam ròng nữa: Tôi là Việt kiều. Nghĩa là một thứ người Việt “khác”.

Như vậy, ở đâu tôi cũng được/bị định nghĩa như một cái khác. Nhiều người dung hoà bằng cách nói: Tôi vừa là người Việt vừa là người Úc. Nhưng chữ “vừa” ấy lại gợi ấn tượng lạc quan là tôi có cả hai cùng một lúc, một cách hài hoà, cân đối và đẹp đẽ. Sự thực không phải vậy. Có lẽ, đúng hơn, phải nói: Tôi vừa không phải là người Việt vừa không phải là người Úc.

Với cả hai, tôi vừa ở trong vừa ở ngoài. Tôi vừa được chấp nhận vừa bị từ chối. Điều oái oăm là cái phần Việt của tôi bị từ chối ở Việt Nam và cái phần Úc bị từ chối ở Úc. Chỉ là một sự từ chối có mức độ. Nhưng dù sao cũng vẫn là từ chối. Sự từ chối ấy đến từ bên ngoài chứ không phải từ bản thân tôi: Dù không phải và không thể là người Úc hoàn toàn, tôi vẫn sống (và có lẽ, chết) ở Úc. Dù không sống ở Việt Nam và có khi không bao giờ trở về Việt Nam nữa, tôi vẫn khư khư ôm giữ “cái Việt tính” với mình. Trong nhân dáng. Trong thức ăn. Trong tiếng nói. Trong cách suy nghĩ và cảm xúc. Và, đặc biệt, trong ký ức.

Nhưng như vậy, tôi lại ở một tình trạng đầy nghịch lý: Tôi có đến hai nước nhưng lại không thuộc hẳn về đâu cả; cái nơi tôi luôn luôn nghĩ tới, tôi lại không thể hoặc không muốn trở về; cái nơi tôi ở, có khi ở vĩnh viễn, tôi lại không thấy gắn bó thật sâu sắc, hay nói theo Jacques Derrida, không có sự tham dự về văn hoá, ngôn ngữ hay lịch sử nói chung một cách trọn vẹn (3).

Nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera cho chỗ đứng thực sự của một nhà văn Pháp gốc Tiệp khác, Vera Linhartova, - và, có lẽ của chính ông nữa – không thuộc về Tiệp cũng không thuộc về Pháp mà ở “đâu đó” (elsewhere) (4). Giới nghiên cứu Lưu vong học cho chỗ đứng thực sự của những người lưu vong - như tôi và bao nhiêu đồng hương khác - không phải là Việt hay Úc (5) mà là ở cái dấu gạch nối giữa Việt-Úc (Vietnamese - Australian).

Tìm hiểu về văn học lưu vong, do đó, thực chất là tìm hiểu về tính chính trị, thi pháp và ngữ nghĩa học của gạch nối (semantics of the hyphen). Cái dấu gạch nối ấy là cái ở giữa (in-betweenness), là không gian xuyên quốc gia (transnation), xuyên văn hoá (transculture) và xuyên ngôn ngữ (translanguage).

***

Chú thích:

     Ngày xưa, người ta còn hỏi quê quán của nhau, kiểu “Hỏi tên, rằng..../ Hỏi quê, rằng ......” Thói quen ấy, sau này, hiếm dần.
     Ở ngoại quốc, khi có ai hỏi tôi là người nước nào, nếu tôi đáp “Tôi là người Úc”, hầu như câu hỏi kế tiếp bao giờ cũng là: “Nhưng gốc gác của ông/anh là ở đâu?” (Where are you from?). Ngay cả những người thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba, nghĩa là sinh ở Úc (thậm chí bố mẹ cũng sinh ở Úc), cũng thường xuyên gặp những câu hỏi như thế.
     Jacques Derrida (1998), Monolingualism of the Other or the Prosthesis of Origin (Patrick Mensah dịch), Stanford: Stanford University Press, tr. 14-5.
     Milan Kundera (2010), Encounter (Linda Asher dịch từ tiếng Pháp), New York: HarperCollins Publishers, tr. 104.
     Hoặc Việt-Mỹ, Việt-Pháp, Việt-Đức hay Việt-gì đó tuỳ theo quốc gia nơi những người ấy định cư.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
( VOA )

Tố chất nào của người Hoa?

Nhiều người hẳn biết rằng một số khái niệm đặc sắc trong tiếng Trung rất khó dịch sang tiếng Anh, thí dụ đột kích thủ (突击手) [1], bất chiết đằng (不折腾) [2], tinh thần văn minh (精神文明), ban tử kiến thiết (班子建设) [3]… Ai dịch được huyết nhiễm đích phong thái (血染的风采) [4] thì tôi xin tặng ngay cờ luân lưu. Tố chất (素质) là một trong những từ như thế.

Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Câu này phổ biến tới mức nếu không đi cùng với hai từ kém người Hoa thì từ tố chất như thể bơ vơ lạc lõng. Nhưng dịch tố chất như thế nào đây? Dịch thành quality có vẻ hợp hơn cả. Tuy nhiên, thử nghĩ kĩ thì câu tiếng Anh “The quality of Chinese people is low, so China should not…” rõ ràng lại không hợp. Vì nếu dịch ngược trở lại tiếng Trung thì câu này sẽ thành “Người Hoa chất lượng kém, vì thế Trung Quốc không nên…” Mà như thế thì rõ là phân biệt chủng tộc và chắc chắn không hợp ý người Hoa nào phát ngôn câu ấy.
http://baotanglichsuvn.com/image/cache/data/test1341499168tau1a-600x460.jpg

Chắc chắn có nhiều lí do khiến một từ nào đó khó dịch sang những ngôn ngữ khác. Một lí do có thể là: bản thân hiện tượng liên quan đến từ đó không thật sự được nắm bắt rõ ràng. Thí dụ từ tố chất. Thực ra tố chất là gì? Trực giác bảo tôi rằng, đó là “trình độ văn hóa”. Nhưng theo thống kê dân số gần đây nhất thì tỉ lệ mù chữ ở Trung Quốc chỉ chiếm 4,08%, tức là thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy rõ là 18,03 % giới trẻ ở Trung Quốc từ 25 đến 30 tuổi có bằng cao học trở lên, như vậy là nhiều hơn cả ở những nước dân chủ như Tiệp (15,05%), Thổ Nhĩ Kì (13,06%) hay Brazil (10%). Vậy trình độ văn hóa của người Trung Quốc không hề thấp.

Thế nếu không phải là trình độ văn hóa thì tố chất cho thấy cái gì? Có lẽ là tinh thần hợp tác. Có thuyết bảo rằng người Trung Quốc như “cát rời trong chậu” (nhất bàn tán sa), một bằng chứng về tố chất kém. Trong xã hội học có khái niệm “vốn xã hội”, biểu thị độ nhớt và mật độ của quan hệ giữa người với người. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng để một nền dân chủ có thể vận hành thì vốn xã hội đóng vai trò tương tự như dầu nhớt cho động cơ ô tô. Chưa nói đến việc sau này nhiều nhà nghiên cứu hoài nghi hệ quả chính trị của vốn xã hội, ngay cả khi nó càng nhiều càng tốt (đa đa ích thiện), nhiều người cũng lưu ý rằng cái công thức “cát rời trong chậu” hoàn toàn không đúng với truyền thống Trung Quốc. Làng xã truyền thống có một mạng tương tác xã hội chặt chẽ và tự quản. Khi phải đắp một con đường hay đào một dòng kênh thì mọi nhà họp nhau bàn việc góp quỹ. Nhà này mâu thuẫn với nhà kia thì hương thân phụ lão đứng ra thương lượng theo luật làng. Ở Chinatown tại New York tôi thấy một cộng đồng người Hoa đã tha hương từ trên một thế kỉ vẫn tụ họp múa lân và đánh trống mỗi dịp hội hè. Vì thế khó có thể nói rằng người Hoa vốn không có gen đoàn kết.

Song với sự ra đời của “nhà nước toàn năng” thì cái gọi là “rác rưởi phong kiến” như tông tộc, xã đoàn, miếu hội bị cưỡng bách tiêu diệt. Xã hội ngày càng có xu hướng nguyên tử hóa và chính trị trở thành chết keo duy nhất. Cho đến hôm nay, thể chế chính trị mạnh mẽ vẫn ức chế sự tích lũy vốn xã hội. Những “hạt cát” muốn kết hợp lại, lập nên một nông hội ư? Quá nhạy cảm! Một công đoàn ư? Đã có công đoàn do chính phủ tổ chức rồi mà! Một tổ chức phi chính phủ ư? Được thôi, nhưng phải thông qua 48 thủ tục nhé… Như vậy, sự nguyên tử hóa xã hội Trung Quốc không phải là nguyên nhân mà là kết quả của quyền lực. Như thể tôi vừa trói chân bạn vừa bảo rằng: đấy, mày có chạy được đâu, chứng tỏ mày không biết chạy, hoặc thậm chí mày thiếu tố chất chạy! Cái đó không còn là một “dự báo tự hoàn thành” nữa, mà là một “mệnh lệnh tự xác nhận”.

Và nếu tố chất có nghĩa là ý thức luật pháp thì thế nào nhỉ? Người Hoa không thích xếp hàng và hay vượt đèn đỏ… Những hiện tượng như vậy cho thấy là người Hoa thiếu tố chất, vì thế mà phải để một nhóm tinh hoa kiểm soát, như tuyên bố “dân Trung Quốc cần quản thúc” của Jackie Chan [5] chăng? Cá nhân tôi biết rõ những tật xấu kể trên, nhất là chuyện xếp hàng. Nhiều khi tôi chỉ muốn ở quầy cửa hàng nào cũng có cảnh sát giao thông đứng trấn.

Nhưng tôi cũng từng đến Hồng Kông và Đài Loan, thấy mật độ dân số ở đó cũng rất dày mà người ta vẫn tự giác xếp hàng. Họ cũng là người Hoa, chứng tỏ không phải cứ là người Hoa thì thiếu ý thức luật pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là: ngay cả khi người Hoa quả thật kém về mặt này thì từ đó cũng khó mà suy ra tính ưu việt của một thể chế độc tài. Thể chế độc tài hàm ẩn một tiền đề rằng dân chúng tố chất kém thì phải chịu sự giáo huấn và quản thúc của quan chức tố chất cao.

Song nhìn vào hàng ngũ quan chức thì ta phải phát hoảng. Hôm nay mở tờ báo này thấy một vị quan chức vào tù vì tham ô vài triệu, hôm sau mở tờ báo khác thấy một vị nữa vào tù vì tham ô vài chục triệu. Hôm nay nhấp chuột vào trang mạng này thấy chính phủ cưỡng chế dỡ nhà khiến một người dân phải đi kiến nghị, hôm sau nhấp chuột vào trang mạng khác thấy một người dân nữa bị dỡ nhà phải cùng quẫn tự thiêu. Đương nhiên đó không phải là đại diện cho tất cả quan chức, nhưng những việc như vậy là thực tế và diễn ra vô tận. Nó nhắc nhở rằng chúng ta nên lí giải ý thức luật pháp kém của dân chúng như thế nào: khi “kẻ trên” thường xuyên lợi dụng đấu thầu dự án để ăn tay trong, bất tuân luật pháp trong tranh chấp đất đai hay bất chấp lệnh cấm vẫn nhậu nhẹt bằng tiền công quỹ thì làm sao có thể bắt “kẻ dưới” cung kính tôn trọng luật pháp? Kẻ đại tiểu tiện tứ tung làm sao dạy người khác đừng khạc nhổ được.

Vậy ngay cả khi tố chất của người Hoa có vấn đề chăng nữa thì nguyên nhân chủ yếu nằm ở chế độ, mặc dù nó tác động xấu đến chế độ. Tất nhiên tôi không nghĩ rằng cải cách chế độ qua đêm là có thể biến đổi văn hóa, nhưng ít nhất nó có thể tạo ra một không gian sinh hoạt công cộng. Và cũng như việc muốn học chạy thì trước hết phải tháo xích chân, muốn bồi dưỡng năng lực công dân thì trước hết phải có một không gian công cộng. Những ai ưa lặp lại câu “Người Hoa tố chất kém, vì thế Trung Quốc không nên…” có lẽ hãy thử nghĩ xem có nên đổi thành “Người Hoa tố chất kém, chính vì thế mà Trung Quốc càng nên…”

Tháng 8 21, 2014
Lưu Du
Phạm Thị Hoài dịch

Nguồn: Lưu Du (Liu Yu, 1976) bảo vệ luận án tiến sĩ tại Columbia University, từng dạy tại Cambridge và hiện là Phó Giáo sư ngành Chính trị tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Bà bắt đầu nổi tiếng ở Trung Quốc với tác phẩm 民主的细节 (Chi tiết của dân chủ) xuất bản năm 2009. Bài viết “素什么质” này đăng trên blog của bà ngày 30/10/2011. Bản tiếng Việt dựa theo bản tiếng Đức đăng trên trang Freitag ngày 19/4/2014.


[1] Dùng theo nghĩa: một người rất hăng hái hoạt động (thường là chính trị)
[2] Dùng theo nghĩa: không bận tâm vào những chuyện vô nghĩa
[3] Dùng theo nghĩa: sắp xếp nhóm lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và chính phủ
[4]“血染的风采” vốn là tên một bài hát tưởng niệm lính Trung Quốc chết trận trong Chiến tranh Biên giới 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau này – đặc biệt ở Hồng Kông – được dùng để tưởng niệm nạn nhân của cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989.
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét