Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Thi công chức: Tiến sỹ tốt nghiệp ở châu Âu cũng...trượt

Những kẽ hở đưa đến chuyển giá trốn thuế

Đại gia Metro tưng bừng mừng năm mới
Đại gia Metro tưng bừng mừng năm mới. Courtesy dantri.com

Sự kiện một công ty nói là thua lỗ triền miên được chuyển nhượng với giá cao ngất và hàng loạt nghi án chuyển giá, trốn thuế của các đại công ty nước ngoài ở Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ngành thuế và  điều gọi là kẽ hở pháp luật. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

Nhữnghiện tượng không bình thường

Không phải chỉ có một mình Cty bán sỉ Metro Cash & Carry 12 năm không đóng 1 đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào vì khai lỗ triền miên. Những nghi án về chuyển giá, khai lỗ và trốn thuế  được báo chí Việt Nam đưa ra trong thời gian vừa qua bao gồm những tên tuổi lớn như Coca Cola, Pepsi Cola, Nike, Adidas và Nestlé. Biện giải cho việc lỗ lã của mình, các công ty nước ngoài thường dựa vào vấn đề đặc thù nguyên liệu chính hãng phải nhập khẩu giá đắt, một khâu rất khó kiểm soát, cũng như tình trạng lạm phát ở Việt Nam đẩy mọi chi phí lên cao.

Coca Cola làm ồn ào một dạo, khai lỗ hơn 3.700 tỷ đồng 10 năm không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng không ngừng mở rộng sản xuất và sản phẩm mới. Còn Metro lỗ lũy kế 598 tỷ đồng nhưng từ 1 trung tâm ở TP.HCM đã phát triển lên 19 trung tâm trên toàn quốc và đến ngày 7/8 đã đạt thỏa thuận bán lại cho Tập đoàn Thái Lan BJC với giá 655 triệu euro tương đương 879 triệu USD. Dư luận bất bình và chẳng cần kiến thức chuyên môn cũng có thể đặt ra những câu hỏi về nghi vấn chuyển giá, trốn thuế và những tiêu cực khác.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp nước ngoài khai lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường thì đấy là một hiện tượng không bình thường. Đây là sự thiếu trách nhiệm hay nói khác đi có thể có ẩn ý gì đó của ngành thuế hoặc cơ quan thuế phụ trách vấn đề đó - Giáo sư Vũ Văn Hóa
Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“ Tôi cho rằng luật pháp về cơ bản đã đầy đủ về việc tính lợi nhuận, giá cả các thứ. Tuy nhiên một số doanh nghiệp nước ngoài khai lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường thì đấy là một hiện tượng không bình thường. Đây là sự thiếu trách nhiệm hay nói khác đi có thể có ẩn ý gì đó của ngành thuế hoặc cơ quan thuế phụ trách vấn đề đó đã bỏ qua để cho các công ty nước ngoài lợi dụng để thực hiện việc chuyển giá.”

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM câu chuyện chuyển giá trốn thuế nếu có thể xảy ra được thì là trách nhiệm của doanh nghiệp và là lỗi của cơ quan chức năng. Ông nói:

Coca Cola được xếp vào diện nghi vấn
Coca Cola được xếp vào diện nghi vấn
“ Ở đây đúng là luật pháp Việt Nam có kẽ hở. Nhưng mà anh không thể trốn trách nhiệm nghĩa vụ của anh về mặt thuế. Bởi vì trong việc trốn thuế nó không có thời hiệu, đúng là có kẻ hở và trốn thuế thì các cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về trách vụ công chức của họ trước pháp luật. Nhưng một chủ thể tham gia như doanh nghiệp họ cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi cố tính không đóng thuế hoặc đóng thấp hơn, cho dù đã chuyển giao thì đơn vị mới phải chịu trách nhiệm, còn đối với đơn vị cũ thì đây sẽ là một tranh chấp riêng. Tôi thấy rằng trong những vấn đề này Việt Nam đang trên đường hoàn thiện các qui định pháp luật và Việt Nam tham gia rất nhiều công ước liên quan đến vấn đề thuế và đặc biệt với các nước ASEAN đang hoàn thiện vấn đề này để chống rửa tiền và chống thất thu thuế.”
Trong việc trốn thuế nó không có thời hiệu, đúng là có kẻ hở và trốn thuế thì các cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về trách vụ công chức của họ trước pháp luật. Nhưng một chủ thể tham gia như doanh nghiệp họ cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi cố tính không đóng thuế - LS Nguyễn Văn Hậu
Câu chuyện Metro được báo chí Việt Nam săm soi tận tình và nhiều câu hỏi được đặt ra. Hoạt động từ  2002 nhưng chỉ có một năm 2010 Metro báo lãi 116 tỷ đồng, còn lại mọi năm đều lỗ từ 89 đến 160 tỷ, lỗ lũy kế tính đến năm 2012 là 598 tỷ đồng. Do đó mà Metro chưa khi nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tờ Tiền Phong trích lời chuyên gia Bùi Kiến Thành nói rằng: “Dưới góc độ kinh tế, không một doanh nghiệp nào đến Việt Nam đầu tư 12 năm liên tiếp để chịu cảnh thua lỗ. Và lỗ như thế lấy gì để tái đầu tư chứ chưa nói đến chuyện mở thêm nhiều cơ sở kinh doanh…”

Theo kế hoạch ban đầu Metro sẽ phát triển tối đa 6 trung tâm. Thế nhưng dù khai lỗ rất nặng, Metro lại nhanh chóng phát triển lên 19 trung tâm trên toàn quốc thu dụng 3.000 nhân viên. Mỗi một trung tâm Metro đều tọa lạc trên một vùng đất rộng bằng sân vận động quốc gia và nằm ở vị trí thuận lợi ở các Thành phố như Saigon, Hà Nội và 13 tỉnh thành khác. Nhiều người cho rằng danh mục bất động sản là thành phần quan trọng trong hợp đồng chuyển nhượng giữa Metro Cash & Carry Việt Nam và tập đoàn BJC Thái Lan. Chính vì điều này báo chí Việt Nam phũ phàng đòi lật tẩy “Ván bài Metro: Bành trướng đất vàng, ôm tiền ra đi.”

Trao đổi với chúng tôi Giáo sư Vũ Văn Hóa phân tích về khiá cạnh đất đai trong các dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Ông nói:

“ Về đất đai lúc đầu khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam còn đang ít ỏi thì chính phủ Việt Nam đã có một chính sách ưu đãi đặc biệt về đất đai cũng như là thuế, những ưu đãi đó tỏ ra chính sách thân thiện của chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên bây giờ họ lại chuyển nhượng cho các công ty khác tức là đổi chủ sử dụng đất thì chỗ này chính là lỗ hổng, cần bổ sung luật hay chính sách làm thế nào đó giữ được quyền sử dụng đất của Việt Nam mà mình đã ưu đãi cho các doanh nghiệp trước. Bây giờ việc chuyển nhượng như thế ở trên những vị trí rất đắc địa, giá trị rất là cao. Chính phủ chắc rồi sẽ phải bàn bạc lại đểnhững việc chuyển nhượng theo đúng chính sách đất đai của Việt Nam.”
Trường hợp Metro báo lỗ không nộp thuế mà có thể mở rộng kinh doanh. Bà Chi Lan cho rằng nếu qui lỗi thì trước tiên là chính quyền địa phương và sau đó là các Bộ ngành
Trên báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có cách nhìn khác về trường hợp Metro báo lỗ không nộp thuế mà có thể mở rộng kinh doanh. Bà Chi Lan cho rằng nếu qui lỗi thì trước tiên là chính quyền địa phương và sau đó là các Bộ ngành. Theo nữ chuyên gia, tại nhiều thời điểm, Metro chắc chắn có lợi nhuận. Nhưng khi khoản lợi nhuận đó họ chưa kịp nộp cho ngân sách, các địa phương đã vội tạo điều kiện để họ mở rộng nên họ mới báo lỗ. Còn các Bộ liên quan khi doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ thì phải có chính sách không cho họ mở rộng hệ thống phân phối một cách quá dễ dàng.

Việt Nam bắt đầu tiến trình hội nhập thế giới từ thập niên 1990 và càng ngày càng hội nhập sâu. Tính đến 2012, nhờ chính sách ưu đãi thuế và đặc biệt là đất đai, Việt nam đã thu hút khoảng 14.000 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 206 tỷ USD, thực tế giải ngân hơn 96 tỷ USD. Theo Thống kê chính thức năm 2012, khu vực FDI nộp 3,76 tỷ USD tiền thuế chiếm tỷ lệ 18,7% tổng thu ngân sách nội địa.

Thế nhưng với những nghi án chuyển giá trốn thuế hoặc lạm dụng đất đai thì ngân sách đã có thể bị thất thu không ít. Chuyên gia cho rằng nên bớt đổ lỗi cho cơ chế chính sách, chính các cán bộ công chức từ cao xuống thấp đã không làm tròn trách vụ của mình hoặc vì tư lợi nên chuyển giá, trốn thuế mới có thể xảy ra.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-08-21

Thi công chức: Tiến sỹ tốt nghiệp ở châu Âu cũng...trượt

Cùng với những lùm xùm gian lận trong thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương, một thực tế rất đáng phải suy ngẫm khác là ngay cả đến tiến sĩ học ở châu Âu về cũng thi trượt viên chức. Vì sao lại thế? 
Hình ảnh thông trưa xếp hàng nộp hồ sơ và những tiêu cực trong thi tuyển công chức ở Bộ Công thương thu hút sự chú ý của dư luận trong mấy ngày qua

Thực tế trên đã diễn ra tại một ngôi trường danh tiếng ở thủ đô – Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Mặc dù đang sở hữu những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Anh, Pháp nhưng hai người này vẫn đang phải ngậm ngùi công tác tại trường dưới danh nghĩa giáo viên dạy hợp đồng.

Lý do đơn giản vì khi tổ chức thi tuyển, vị tiến sĩ Vật Lý này chỉ đạt 8 điểm, trong khi các thí sinh khác dù chỉ học trong nước nhưng lại đạt 9,5 điểm. Một thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thế là dù có tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp, hay thạc sĩ Anh về thì vẫn trượt viên chức, vẫn phải tiếp tục chờ đợi và hi vọng!

Nêu ra thực trạng này khi đoàn giám sát HĐND Hà Nội về làm việc, bà Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam Lê Thị Oanh phân trần, dù rất muốn tuyển dụng nhưng giáo viên với tấm bằng tiến sĩ này lại không thuộc diện “đặc cách”. Khi ở Hà Nội câu chuyện xin thêm biên chế hầu như đang diễn ra ở khắp mọi nơi thì bà hiệu trưởng nhà trường đã khôn khéo xin "cơ chế riêng" để giữ chân những tiến sĩ, thạc sĩ châu Âu ở lại trường.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, bà Ngô Thị Doãn Thanh lại không đồng tình với đề xuất này. Lý do được bà nêu ra là hiện chính sách của nhà nước không có sự phân biệt giữa hệ dân lập và công lập. Do vậy càng không thể ưu tiên người học nước ngoài hơn học ở trong nước, rất bất hợp lý.

Như vậy là dù thí sinh học ở trong hay ngoài nước, dù cử nhân hay tiến sĩ thì vẫn phải chấp nhận cuộc chơi: điểm cao thì đỗ, điểm thấp đành trượt. Vậy việc vị tiến sĩ, thạc sĩ học ở châu Âu về nhưng vẫn thi trượt viên chức nói lên điều gì? Đương nhiên, một lý do luôn được nhắc đến tại mỗi kỳ thi là học tài – thi phận. Có lẽ với thi tuyển công chức, viên chức cũng vậy.

Tuy nhiên, ngoài hai chữ “số phận” người ta cũng có thể đặt ra nhiều tình huống khác: Phải chăng dù được đào tạo ở trời Âu với tấm bằng tiến sĩ cũng không giỏi hơn người học trong nước? Hay trình độ, kiến thức thức học được từ nơi xứ người không phù hợp với môi trường Việt Nam? Hay một kỳ thi được tổ chức không minh bạch nên “số phận” đã được an bài?... Thật khó để tìm ra một lý giải thỏa đáng. 

Câu chuyện này khiến người ta liên tưởng đến 13 thí sinh giành được vòng nguyệt quế trong các kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia, được đi du học nhưng chỉ có duy nhất một người trở về Việt Nam.

Có người cho đó là tình trạng chảy máu chất xám. Ngược lại cũng có người nói ở đâu không quan trọng, và ở đâu cũng có thể đóng góp, xây dựng được cho quê hương. Nhưng cũng không ít ý kiến lại cho rằng, dù tài giỏi với những tấm bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam cũng chưa chắc đã được trọng dụng, chưa chắc đã được trả công xứng đáng.

Nói về công chức, người ta thường có câu "lương không đủ sống". Thế nhưng một xuất biên chế nhà nước vẫn luôn là khát khao của đa phần các bạn trẻ. Họ sẵn sàng nhịn ăn, hay đội mưa xếp hàng chỉ để nộp hồ sơ thi công chức như trường hợp ở Cục thuế Hà Nội, hay ở Hải Phòng vừa qua.

Đề án tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ chủ trì tới đây sẽ được điều chỉnh theo hướng vừa tinh giản, vừa nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và thu hút được người tài, người có năng lực. Nhưng quả thực giữa chủ trương và thực tế triển khai vẫn còn là cả một vấn đề, mà như vị Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội mới đây đã từng thẳng thắn thừa nhận, việc thải hồi những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ cũng “có dễ đâu”.

Đầu vào của công chức, viên chức luôn được khống chế, trong khi đó chuyện tiêu cực trong thi tuyển luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Với chừng ấy lý do, liệu bộ máy công chức, viên chức có lựa chọn được người thực sự có tài?

Xem ra cánh cửa vào biên chế cho người tài, người có năng lực được đào tạo cả ở trong lẫn ngoài nước vẫn còn tương đối hẹp.
Thành Nam
(Infonet)

Đế quốc Trung Quốc


Nguyễn Hưng Quốc  – VOA

Để chống lại âm mưu bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc, chỉ cần chút tỉnh táo, hầu như ai cũng nhận thấy Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất: liên minh với nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, hơn nữa, Mỹ phải là trung tâm của khối liên minh ấy. Nhưng, cũng chỉ cần chút tỉnh táo, chúng ta không thể không phân vân: Liệu, một, Mỹ có nhiệt tình giúp Việt Nam hay không; hai, nếu nhiệt tình, liệu Mỹ có thể thắng được Trung Quốc hay không?
Việc Mỹ có nhiệt tình giúp Việt Nam hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, điều cần xác định ngay là: Mỹ không bắt buộc phải giúp Việt Nam trong trận chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Thành thực mà nói, việc Trung Quốc công bố con đường chín khúc (hoặc con đường lưỡi bò) bao trùm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa và một phần khá lớn lãnh hải Việt Nam chỉ có thể

ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và một số quốc gia như Malaysia, Philippines và Brunei chứ không ảnh hưởng gì đến Mỹ. Nhớ, ngày 23 tháng 11 năm 2013, Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông, bao trùm khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà họ và Nhật Bản đang tranh chấp. Nội dung của tuyên bố này là tất cả các máy bay bay ngang qua khu vực ấy đều phải thông báo và chấp hành mệnh lệnh của Trung Quốc. Ngay sau lời tuyên bố của Trung Quốc, Mỹ cho hai chiếc phản lực cơ chiến đấu bay vào khu vực được gọi là vùng nhận dạng phòng không ấy. Trung Quốc im thin thít. Rồi cả Nhật lẫn Hàn Quốc đều cho máy bay chiến đấu đến vùng đó để tập trận. Mấy tháng sau, Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lìm. Dường như họ thấy họ đi quá xa. Một cảnh huống tương tự cũng có thể xảy ra ở Biển Đông: Trung Quốc tuyên bố gì thì tùy họ, nhưng tàu bè của các nước lớn, trong đó, có Mỹ, cứ thản nhiên qua lại.
Dù sao, đó cũng là biện pháp cuối cùng. Cách tốt nhất vẫn là ngăn chận ngay từ đầu để Trung Quốc không hợp pháp hóa con đường lưỡi bò ngang ngược ấy. Trong trường hợp này, họ cần đến sự đóng góp của Việt Nam. Dĩ nhiên, với một điều kiện: Việt Nam phải thực sự muốn và có quyết tâm bảo vệ biển và đảo của mình.
Vấn đề thứ hai phức tạp hơn: Liệu Mỹ có thể thắng được Trung Quốc trên Biển Đông?
Để trả lời câu hỏi ấy, không nên quên sức mạnh của Trung Quốc: Về phương diện kinh tế, Trung Quốc có tổng sản phẩm trong nước (GDP) lớn thứ nhì trên thế giới; và theo dự kiến của nhiều nhà kinh tế học, trong vòng một hai thập niên tới, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về phương diện này. Về quân sự, Trung Quốc là nước chi tiêu cho quốc phòng lớn hàng thứ hai, chỉ sau Mỹ. Về dân số, cứ một trong bảy người trên mặt đất là người…Tàu.
Hugh White, một chuyên gia về Trung Quốc tại Úc, cho chưa bao giờ Mỹ đối đầu với một địch thủ đáng gờm như Trung Quốc. Trong lịch sử, tính từ thập niên 1880 đến thời gian gần đây, Mỹ có bốn đối thủ chính: Chủ nghĩa dân tộc ở Đức trong Đệ nhất thế chiến, chủ nghĩa phát xít Đức trong Đệ nhị thế chiến, chủ nghĩa Cộng sản trong thời Chiến tranh lạnh, và các nhóm Hồi giáo cực đoan trong trận chiến chống khủng bố hiện nay. Trong bốn đối thủ ấy, chỉ có Liên Xô là ít nhiều có thể uy hiếp Mỹ, nhưng chỉ có thể uy hiếp về quân sự; còn về kinh tế và nhiều phương diện khác, Liên Xô đều thua xa Mỹ. Trường hợp của Trung Quốc thì khác: Kinh tế của Trung Quốc lớn hơn hẳn kinh tế của Đức và Nhật thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai; việc quản lý kinh tế của họ cũng giỏi hơn hẳn Liên Xô thời chưa sụp đổ.
Điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc là họ không có đồng minh. Thời Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức dù sao cũng có đồng minh (Nhật và Ý); thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô càng có nhiều đồng minh, còn Trung Quốc hiện nay thì hầu như không có ai cả, hoặc nếu có, chỉ có một nước duy nhất: Bắc Hàn. Về phương diện này, Mỹ có ưu thế hơn hẳn. Trước, trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Mỹ có bốn đồng minh thân cận nhất: Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines và Úc. Gần đây, trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc, khả năng Ấn Độ ngả sang Mỹ là điều rất khả thi (dù giới bình luận còn phân vân vì, một, Ấn Độ có truyền thống trung lập; và hai, họ bị phân hóa rất trầm trọng về cả phương diện sắc tộc lẫn văn hóa và chính trị).
Trung Quốc có thể khắc phục tình trạng cô đơn của họ bằng hai cách: Một, nâng cấp quyền lực mềm bằng các chính sách ngoại giao văn hóa có hiệu quả (một trong các cách ấy là mở rộng các Viện Khổng Tử ở khắp nơi); và hai, vô hiệu hóa các quốc gia có khả năng chống lại họ. Khả năng thứ nhất, về quyền lực mềm, có lẽ còn lâu lắm, may ra, Trung Quốc mới có thể thành công. Một trong những điều kiện để phát huy quyền lực mềm là dân chủ, nhưng đó lại là điều Trung Quốc không có. Khả năng thứ hai gần hiện thực hơn: mua chuộc và dùng kinh tế để gây sức ép lên các quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực châu Á để họ đừng công khai chống lại Trung Quốc. Chính sách này rõ ràng là có hiệu quả ít nhất đối với khối ASEAN: hầu như không nước nào dám công khai chống lại, thậm chí, phê phán Trung Quốc (trừ Philippines).
Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, do đó, tuy vẫn nghiêng về phía Mỹ, nhưng Mỹ lại không có sức mạnh áp đảo để có thể tự tin chấp nhận bất cứ một sự đối đầu nào. Một số nhà bình luận chính trị cũng cho một sự đối đầu như thế vừa nguy hiểm vừa khó thắng. Một giải pháp được đề nghị: Mỹ chấp nhận vai trò của Trung Quốc với tư cách một siêu cường và đồng ý san sẻ quyền lực của Trung Quốc, ít nhất, trong khu vực Á châu, đặc biệt ở Đông Á. Một sự thỏa thuận như vậy, nếu được thực hiện, có khi kẻ bị hy sinh đầu tiên là Việt Nam. Chắc chắn Mỹ không thể bỏ Nhật, Nam Triều Tiên và Úc – là những nước đồng minh lâu đời của Mỹ: Mỹ vẫn cần những nước ấy để kiềm chế Trung Quốc.
Nêu lên khả năng trên không phải để chúng ta tuyệt vọng. Nhưng đó là một cách nhắc nhở: Việt Nam không nên ỷ y là Mỹ cần mình. Không, để có được một liên minh cần thiết với Mỹ và các nước khác, Việt Nam cần phải cố gắng hết sức. Trong chính trị thế giới thời hiện đại, nếu chúng ta không có nhiệt tình, không ai tự dưng xông vào cứu mình cả.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Khủng hoảng nợ công ở Việt Nam đang đến dần?


Trần Vinh Dự  -VOA

Đặc điểm nổi bật nhất về kinh tế vĩ mô của giai đoạn này là việc nền kinh tế đang ở trong trạng thái ổn định và, trên một vài phương diện, tốt dần lên một cách chậm chạp. Các biến số vĩ mô chính đều tương đối ổn. Thí dụ lạm phát giữ được ở mức 1 con số (kỳ vọng năm nay chỉ ở mức 5%). Cán cân thương mại có thặng dư ở mức thấp (xuất siêu nhẹ cả hai năm 2012 và 2013, 6 tháng đầu 2014 đạt 1,51 tỷ USD). Tăng trưởng GDP ổn định ở mức loanh quanh từ 5% đến 5,5% (5,03% năm 2012, 5,42% năm 2013, và kỳ vọng 5,4% năm 2014). Tỷ giá có một lần phá giá nhẹ giữa năm nay (có tác dụng tốt để tăng xuất khẩu) nhưng nhìn chung không bị áp lực gì lớn phải phá giá tiếp;
Tuy nhiên, có vẻ sự ổn định này đang ru ngủ nhiều người và nó che khuất những rủi ro ngầm bên dưới. Một trong những vấn đề vĩ mô đau đầu nhất đã được giới chuyên gia nói đến khá nhiều, nhưng hầu như công luận không mấy người để ý (và dù có để ý thì cũng không ý thức được mức độ nghiêm trọng của nó) là câu chuyện khủng hoảng nợ công của Việt Nam có vẻ như đang đến dần.

Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô 2014 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cuộc khủng hoảng này có vẻ đang đến vì hai lý do: thu kém đi trong khi chi thì phình to liên tục.
Thu ngân sách của Việt Nam đang gặp nguy hiểm vì nhiều lẽ. Việt Nam dựa quá lớn (25% năm 2013) vào các nguồn thu không thường xuyên như bán tài sản nhà nước, giao quyền sử dụng đất, dầu thô… Các khoản này sẽ hết dần, không sinh sôi. Trong khi đó, thu thường xuyên (thuế và phí) giảm dần do giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và theo các cam kết của các hiệp định thương mại. Nhà nước tìm cách thu vét (truy thu thuế) tuy nhiên trong khi doanh nghiệp tư nhân còn chưa gượng lên được bao nhiêu sau khủng hoảng nên việc thu vét cũng dễ đẩy doanh nghiệp tư nhân vào chỗ kiệt quệ.
Chi ngân sách của Việt Nam thì đang ngày càng phình to vì nhiều lý do. Nghĩa vụ trả nợ vay quốc tế (cả gốc lẫn lãi) đang tăng dần với ngày càng nhiều khoản vay đáo hạn. Chi thường xuyên (thí dụ trả lương công chức và ngân sách hoạt động của bộ máy hành chính) chiếm tỷ trọng lớn và vẫn đang phình to, hiện đã vượt thu thường xuyên (thí dụ thuế và phí). Cơ cấu chi bất hợp lý vì về mặt tỷ trọng chi đầu tư thì giảm (chỉ còn 21,4% trong tổng chi) mà chi thường xuyên lại tăng, thể hiện nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ về cơ bản không thành công. Đó là chưa kể với vấn đề Trung Quốc hiện nay, chi quốc phòng và an ninh sẽ buộc phải tăng lên, dễ rơi vào bẫy chạy đua vũ trang, chèn ép và lấy mất vốn của các lĩnh vực tạo giá trị thặng dư khác.
Vì cơ cấu thu chi như vậy dẫn đến chỗ thâm hụt ngân sách đang tăng dần. Từ 4,8% năm 2012 đã tăng lên 5,3% năm 2013. Tổng mức nợ công là 53,5%, vẫn thấp hơn ngưỡng an toàn 65%, nhưng đã tăng 26,89% so với năm 2012, là một tốc độ tăng quá lớn.
Có hai vấn đề lớn nhất trong chuyện này. Thứ nhất là cơ cấu chi ngân sách dùng để trả nợ vay đang sắp vượt ngưỡng cho phép (25% trong tổng chi ngân sách – ngưỡng an toàn do Ngân hàng Thế giới khuyến nghị và thủ tướng phê chuẩn). Sẽ rất tệ nếu một phần quá lớn của ngân sách được dùng để trả nợ cũ vì số tiền này không dùng để tái tạo giá trị cho tương lai. Thêm nữa, với nguồn thu yếu, Việt Nam đang phải đi vay thêm để trả nợ cũ (đảo nợ), biến cuộc chơi ngân sách thành một trò ponzi nguy hiểm;
Thứ hai, vì nền kinh tế không có dấu hiệu hồi phục đáng kể trong trung hạn, có khả năng rất cao là bức tranh ngân sách sẽ còn tiếp tục xấu đi do các khoản thu thường xuyên không tăng, các khoản thu không thường xuyên có thể giảm, trong khi chi ngân sách thì liên tục dưới áp lực phải phình to (để trả nợ, và thậm chí đơn giản như chi thường xuyên cũng không kiểm soát được và vì thế tiếp tục phình). Câu chuyện vượt ngưỡng 65% GDP có thể sẽ đến rất sớm nếu Việt Nam không kiểm soát mạnh được chi thường xuyên.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Campuchia bác bỏ thông tin sẽ xử lý vụ đốt cờ VN

Đăng bởi Kent Pham vào Thứ Sáu, ngày 22 tháng 8 năm 2014

P-3.jpg
Ông Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia về tới sân bay Quốc tế Phnom Penh chiều ngày 20/8/2014.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia chiều ngày 20/8 đã bác bỏ những thông tin cho rằng Campuchia xử lý người biểu tình đốt cờ Việt Nam trước Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQVN) tại Campuchia và mong chính phủ, nhân dân Việt Nam thông cảm.

Ông Chheang Vun, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội trả lời báo chí tại sân bay Quốc tế Phnom Penh sau khi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20/8 rằng Campuchia và Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận về tăng cường hợp tác Quốc hội hai nước.

Hai nước tiếp tục ủng hộ nỗ lực chung trong việc hoạch định và phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước. Campuchia tiếp tục ủng hộ việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hơn 5.000 hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước và sẽ tạo điều kiện, giúp giải quyết địa vị pháp lý cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước này, phù hợp với luật pháp sở tại.

Nhưng ông Chheang Vun đã bác bỏ mọi thông tin đăng tải trên các trang báo của Việt Nam liên quan các tổ chức Khmer Kampuchia Krom và người dân Campuchia biểu tình chống Việt Nam tuần qua.

Trả lời câu hỏi phóng viên Quốc Việt của RFA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, kiêm phát ngôn nhân Quốc hội Campuchia là ông Chheang Vun cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn, không để hành động biểu tình chống Việt Nam và đốt cờ Việt Nam tái diễn.

Đối với ý kiến và đề nghị trên, ông khẳng định Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin chỉ lấy làm tiếc về hành động biểu tình đốt cờ Việt Nam nhưng Campuchia không được gọi người biểu tình là nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước. Theo ông, ông Heng Samrin cũng không hề có hứa với Việt Nam sẽ xử lý người đốt cờ Việt Nam hay có biện pháp ngăn chặn.

Ông Chheang Vun cho biết: “Đối với những thông tin phát đi rằng chính phủ Campuchia sẽ có biện pháp xử lý người biểu tình, nói người biểu tình không hiểu biết về lịch sử và Campuchia mong chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam hết sức thông cảm, tôi dám đảm bảo rằng Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn không nói như vậy, tôi bác bỏ những tin tức trên.
P-8-400.jpg
Ông Chheang Vun trả lời báo chí ngày 20/8/2014. Photo by Quốc Việt
Campuchia là một nước dân chủ, pháp quyền, đa nguyên đa đảng. Chuyện biểu tình đốt cờ là chuyện bình thường. Nó không thể hiện quan điểm của chính phủ. Campuchia không thể cấm người dân biểu tình, không có biện pháp xử lý… Chính phủ chỉ nói với Việt Nam không chấp nhận biểu tình bạo lực và lấy làm tiếc.”

Trong khi nhiều người trong số người dân Campuchia và người Khmer Krom phẫn nộ quan chức sứ quán, tham tán đối ngoại, phát ngôn nhân ĐSQVN Trần Văn Thông, báo chí Việt Nam đã phát đi nhiều tin, ảnh của Chủ tịch Quốc hội Campuchia đang thăm chính thức Việt Nam và có nội dung khiến nhiều người Campuchia suy nghĩ lãnh đạo của họ, vốn lâu nay thân với Việt Nam là con rối của Việt Nam.

Trong số những nội dung được một số tờ báo tại Việt Nam nêu ra là tức Chủ tịch Quốc hội Campuchia đồng tình với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có biện pháp ngăn chặn không để biểu tình chống Việt Nam; không để tái diễn biểu tình bài Việt, và đốt cờ Việt Nam.

Còn báo điện tử Chính phủ Việt Nam ngày 18/8 nói Chủ tịch Quốc hội Campuchia cho biết cá nhân ông và Quốc hội Campuchia hết sức bất bình về hành động trên, đồng thời Campuchia đã có các biện pháp mạnh mẽ để xử lý những hành vi và đối tượng đốt quốc kỳ Việt Nam, đồng thời hứa hẹn sẽ cố gắng hết sức, bằng luật pháp để từng bước hạn chế tối đa, ngăn chặn những hành động bạo lực và những hành vi tương tự tái diễn.

Báo điện tử Chính phủ Việt Nam còn trích lời Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho rằng đây là hành động của một nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước và mong Chính phủ và nhân dân Việt Nam thông cảm.

Câu chuyện khởi đi hồi ngày 4/6/2014, sau khi ông Trần Văn Thông phát biểu với RFA tiếng Việt rằng một số người Khmer Krom xuyên tạc lịch sử, kỷ niệm ngày Pháp bàn giao miền Nam cho Việt Nam vào ngày 4/6 là người không biết rõ về lịch sử, bị tuyên truyền, lôi kéo và lợi dụng. Ông nói vùng đất miền Nam đã thuộc về Việt Nam từ lâu.

Tuyên bố này gây phản ứng giận dữ đối với người Khmer Krom và người dân Campuchia sau khi ông Thông lập lại bằng tiếng Khmer với RFA tiếng Khmer vào ngày 6/6/2014.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông là ông Chheang Vun cho biết cá nhân ông đã được trao đổi với ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam về vụ ông Trần Văn Thông lúc đang thăm Việt Nam.

Ông nói cá nhân ông đã yêu cầu phía Việt Nam gọi người phát ngôn này về nước để tránh sự việc leo thang. Về phía Việt Nam, ông Trần Văn Hằng nói người phát ngôn này cũng sắp mãn nhiệm. Việt Nam sẽ xem xét vụ này.

Được biết, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại Campuchia Hor Namhong đã có cuộc gặp với lãnh đạo cộng đồng người Khmer Krom và đại diện sinh viên Campuchia vào ngày 19/8 về vụ này. Ngoại trưởng Campuchia hứa sẽ làm việc với ông Thạch Dư, sau khi ông này nhậm chức Đại sứ Việt Nam tại Campuchia sắp tới.

Còn các đại diện người biểu tình đã đồng tình với Ngoại trưởng để chính phủ làm việc. Nhưng phía người biểu tình cho biết họ sẽ tiếp tục xuống đường phản đối nếu phía Việt Nam không xin lỗi công khai trong hết tháng này.
Quốc Việt
(RFA)

Việt Nam: Luật sư đoàn phản đối Thông tư đe dọa nghề luật của bộ Công an

Tại Việt Nam, một thông tư của bộ Công an về « điều tra hình sự », liên quan đến hoạt động của luật sư được ban hành đầu tháng 7/2014, dự kiến có hiệu lực từ cuối tháng này, gây rất nhiều chỉ trích trong công luận. Trước phản ứng của các luật sư, đầu tháng 8, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gửi bộ Công an một đề nghị yêu cầu « hủy bỏ » hoặc « sửa đổi » điều khoản 38 bất bình đẳng. Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, hôm qua 20/08/2014, có nhận định phê phán điều 38  của Thông tư 28 của bộ Công an « trao quá nhiều quyền vào tay các điều tra viên công an », thu hẹp « vai trò của các luật sư bào chữa ».Trả lời RFI về vấn đề này, Luật sư Trần Vũ Hải nhận định.


Trả lời RFI, Luật sư Trần Vũ Hải cho biết « giới luật sư sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn nữa », nếu bộ Công an không điều chỉnh điều 38 của Thông tư nói trên trước ngày 26/08. Nói về Thông tư 28 của bộ Công an cũng là dịp để nhắc một thực tế, tại Việt Nam hoàn toàn vắng bóng chế tài pháp lý để bảo vệ các luật sư trong khi hành nghề. Luật sư Trần Vũ Hải nêu bật "tình trạng chênh vênh về pháp lý", hết sức bất công đối với các luật sư. Trong khi có rất nhiều chế tài quy định xử phạt các sai phạm của luật sư, thì không hề có chế tài nào đối với các hành vi cản trở hoạt động của luật sư, hay không tạo điều kiện cho luật sư hoạt động.


Bộ Công an cần sửa Thông tư 28 trước ngày 26/08

RFI : Thưa luật sư, như Luật sư biết, bộ Công an Việt Nam vừa ban hành một thông tư hướng dẫn công việc điều tra hình sự của ngành công an, trong đó có quy định liên quan đến vai trò của các luật sư. Xin Luật sư cho biết các nhận định của Luật sư.

Luật sư Trần Vũ Hải : Liên đoàn Luật sư đã làm việc với bộ Công an một lần, đã nêu vấn đề này ra trong cuộc họp với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hồi đầu tháng 8, và hôm qua, khi một đoàn của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp đến làm với Liên đoàn Luật sư, thì Liên đoàn Luật sư đã một lần nữa lại nêu ra (việc này). Theo nhận định của chúng tôi, điều 38 Thông tư 28 gây bất lợi cho các luật sư và các luật sư không có cách nào hơn là phải phản đối, không chấp nhận điều khoản vô hiệu hóa vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra.

Theo thông tin chúng tôi được biết, ông Bộ trưởng bộ Công an đã nhận được kiến nghị và những tham mưu từ cấp dưới chuyển lên, và theo thông tin không chính thức, thì ông Bộ trưởng cũng đã đồng ý rằng phải sửa đổi Thông tư này càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, ngành Công an kỷ niệm ngày thành lập của mình, nên có thể có những thiếu sót nào đó trong việc chậm ra văn bản. Tôi tin rằng họ sẽ phải điều chỉnh sớm Thông tư 28 này, thậm chí còn nhiều điều khoản khác cũng phải được điều chỉnh. Nhưng trước mắt, đối với giới luật sư, theo tôi, phải điều chỉnh điều 38 trước ngày 26/08/2014. Nếu không, các luật sư sẽ bị gây rất nhiều khó khăn, hoặc bị vô hiệu hóa trong giai đoạn điều tra, như chúng tôi đã thường xuyên chứng kiến.

Nếu Thông tư này có hiệu lực, sẽ hợp pháp hóa việc gây cản trở khó khăn, thậm chí đe dọa nghề nghiệp luật sư của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng bộ Công an sẽ có quyết định sớm trước ngày 26/08. Còn nếu để sau ngày 26/08, tôi e rằng giới luật sư sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, và sẽ có nhiều biến chuyển bất ngờ.

Một số điểm tích cực và những điều cần bàn thêm của Thông tư 28

RFI : Luật sư có nói đến còn có một số điều khoản khác ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Còn các điều khoản khác liên quan đến ngành kiểm sát, liên quan đến triệu tập công dân, liên quan đến vai trò của công an cấp xã… Có khá nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm rằng, thực ra Thông tư 28 này cũng có một số điểm tích cực, có một số điều khoản cấm các điều tra viên không được tiếp xúc, dưới mọi hình thức, với người nhà của đương sự, trong một vụ án. Tiếp xúc (được phép) phải ở những chỗ chính thức, ở cơ quan điều tra, hoặc cơ quan công an, ủy ban xã… Tức là không được phép uống bia la cà, đến nhà riêng… Ví dụ, có vụ mà chúng ta biết là ông Dương Chí Dũng đến thăm ông Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - ndr) nhiều lần tại nhà riêng…

 
Các luật sư không chấp nhận điều khoản vô hiệu hóa vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra
 

(Dù) thông tin ấy cũng có những điểm tích cực, nhưng dưới góc độ hành nghề luật sư chúng tôi không chấp nhận được, vì (các điều khoản như điều 38) có thể vô hiệu hóa luật sư, nghề luật sư của chúng tôi.

RFI : Nếu điều 38 trong Thông tư 28 được sửa đổi theo đề nghị của Liên đoàn Luật sư, thì sẽ nên theo hướng thế nào ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi cho rằng phải hủy bỏ điều này. Và (bộ Công an) phải thống nhất với Liên đoàn Luật sư là quy định như thế nào. Theo tôi là, phải quy định theo hướng tạo điều kiện cho luật sư.

Thứ nhất, cơ quan điều tra phải tạo điều kiện cho luật sư hoạt động. Thứ hai, các điều tra viên không được phép cản trở hoạt động của luật sư. Và thứ ba là, cho dù điều tra viên hay luật sư làm sai, thì đều có chế tài xử lý, nhưng chế tài xử lý như thế nào, thì Thông tư này không thể thi hành được, mà phải là một quy định khác.

Vì sao điều 38 rất nguy hiểm cho các luật sư ?

RFI : Vậy thì, một khung pháp lý theo hướng đúng sẽ phải xử lý ra sao mối quan hệ giữa điều tra viên và luật sư ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đáng tiếc là hiện nay Thông tư chưa nói rằng việc các điều tra viên cản trở hoạt động của luật sư – điều mà luật sư nào cũng cảm thấy hàng ngày, hàng tuần, hàng năm, bất kỳ vụ án điều tra nào cũng bị cản trở. Việc xử lý các điều tra viên đó, đáng nhẽ phải được quy định trong Thông tư này. Vì bộ Công an có quyền kỷ luật những người do mình quản lý.

Cho đến giờ phút này, theo nghiên cứu của chúng tôi, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư (ở Việt Nam) chưa có quy định nào đưa ra hướng xử lý các điều tra viên cản trở hoạt động hành nghề của luật sư trong rất nhiều tình huống. Chưa có, thì lẽ ra Thông tư này phải quy định. Thứ hai là, đối với trường hợp các luật sư sai. Thì điều này, đã có quy định trong Bộ luật Hình sự, nếu anh sai, thì có thể bị khởi tố, hoặc báo cáo lên Liên đoàn Luật sư, hoặc đoàn luật sư sở tại. Sai như thế nào, để đơn vị đó sẽ quyết định xử lý theo Luật luật sư hoặc là… Còn cái quyền lớn nhất của anh (của bộ Công an) hiện nay là thu hồi giấy chứng nhận luật sư, giấy chứng nhận bào chữa. Cá nhân tôi cho rằng quy định đó cũng không hợp lý, cơ quan điều tra, cơ quan pháp luật không thể có quyền thu hồi giấy chứng nhận này. Nhưng bởi vì hiện nay luật đã quy định rồi. (Theo quy định này), nếu luật sư vi phạm, thì… Mà việc vi phạm phải là rõ ràng, không cần điều tra thêm.

Còn hiện nay, Thông tư 28 với điều 38 này muốn các điều tra viên có quyền điều tra luật sư để thu thập chứng cứ, thế thì nguy hiểm lắm. Ví dụ, hôm nay, tôi đến Biên Hòa, tôi đang nói chuyện với các bị can, họ (nhân viên điều tra) có thể theo dõi tôi, họ có thể ghi âm tôi, ghi hình tôi trong các cuộc nói chuyện ấy, mà có khi cũng chẳng liên quan gì đến vụ án. Nhưng bởi vì họ (có thể) cho rằng, tôi nói với các bị can rằng là phải A, B, C, D… (phải thế này, thế kia). Nhưng họ bảo (dựa trên điều 38 Thông tư 28), do chúng tôi lo như thế, chúng tôi có quyền ghi âm, ghi hình và các biện pháp khác…. Cho nên chúng tôi cho rằng, điều 38 quy định quyền điều tra của điều tra viên đối với luật sư phải hủy bỏ hoàn toàn.

RFI : Trên truyền thông tại Việt Nam, có ý kiến là nên thực hiện việc thu âm, ghi hình các buổi điều tra viên làm việc với bị cáo, với sự có mặt của luật sư. Ý kiến của Luật sư về chuyện này ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Tôi nghĩ rằng ghi âm, ghi hình là điều đã được ghi trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc ghi âm, ghi hình chúng tôi không phản đối. Nhưng đây là điều bắt buộc cho tất cả, hay điều này cần thiết cho những lúc nào, cũng là một chuyện. Hồi xưa, tôi nhớ, khi tôi học ở Đức, tôi không biết ở Pháp thì thế nào, điều tra viên đã ghi âm rồi. Ghi âm, ghi hình hồi xưa tốn kém, bây giờ không tốn kém nữa.

Luật Tố tụng cho phép điều ấy, nhưng chưa bắt buộc. Nhưng anh đã ghi âm, ghi hình rồi, anh phải công khai cho đương sự biết là hôm nay ghi âm và ghi hình. Và việc này cũng phải lập biên bản theo luật, để tránh trường hợp anh ghi âm, ghi hình, nhưng anh lại cắt đi một số câu và giữ lại những câu nào có lợi cho anh. Ghi âm, ghi hình phải có lưu trữ hợp lệ và chính xác.

Hoạt động của luật sư tại Việt Nam hoàn toàn không có chế tài bảo vệ

RFI : Thưa Luật sư, vụ Thông tư 28 này, và đặc biệt là điều 38 liên quan đến các luật sư, dường như cho thấy hệ thống pháp lý Việt Nam còn ở trong trạng thái rất kém hoàn thiện trong vấn đề bảo vệ các luật sư khi hành nghề ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Như chúng tôi đã nói, Luật Luật sư quy định cấm cản trở hoạt động hành nghề của luật sư, nhưng lại không có một điều luật nào, nghị định nào, thông tư nào, pháp lệnh nào, nói rằng, xử lý những hành động, hành vi cản trở hoạt động của luật sư. Không có ! Tức là không có chế tài !

Cho nên, (tình trạng này) khuyến khích cho những người, các cơ quan tố tụng - và cả các cơ quan khác chứ không chỉ cơ quan tố tụng - không tôn trọng hoạt động của luật sư. Vì họ không bị chế tài xử lý. Trong khi, trong các nghị định xử phạt trong tư pháp, lại có rất nhiều quy định xử phạt luật sư. Chúng tôi cho rằng điều này không công bằng. Họ biến luật sư – vốn là một trong những người góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền công dân, con người – trở thành đối tượng có thể dễ dàng bị xử phạt. Trong khi những người xâm phạm đến hoạt động của luật sư lại không có chế tài, mặc dù những hành vi như vậy bị luật cấm.

 
ai cản trở luật sư cùng lắm là « rút kinh nghiệm »... Mỗi lần « rút kinh nghiệm » là một số phận con người.
 
Cho nên luật sư Việt Nam ở trong tình trạng chênh vênh về pháp lý. Họ đấu tranh, nhưng có thể vì sơ xuất nào đó, mà bị phạt rất nặng. Còn nếu ai có tìm cách cản trở họ thì sẽ… cùng lắm là « rút kinh nghiệm ». Ví dụ như Liên đoàn Luật sư có hàng chục vụ đưa lên, nhưng không thấy có kỷ luật các điều tra viên. Họ chỉ « rút kinh nghiệm » thôi. Chúng tôi muốn nói rằng, « rút kinh nghiệm » nhiều lần quá, các luật sư cũng chán không nói, không gửi khiếu nại lên. Mỗi lần « rút kinh nghiệm » là một số phận con người. Vì ví dụ như chúng tôi muốn tiếp cận ngay các bị can, bị cáo, nhưng cái (thời gian chờ đợi ?) có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm trời, có thể ảnh hưởng đến việc điều tra vụ án, và có thể đến cả số phận (con người). Có thể các bị can, bị cáo trong tinh thần hoảng loạn, bị đàn áp, có thể họ tự tử, hoặc là họ có những lời khai bậy ảnh hưởng đến người khác…

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc của chúng tôi không chỉ là các hoạt động riêng của chúng tôi mà bảo vệ công lý, giảm bớt tình trạng sai lệch trong hoạt động tư pháp, vi phạm quyền con người, cũng như có ảnh hưởng xấu khác trong các vụ án.

Cần quy định pháp lý xử phạt các hành vi cản trở luật sư

RFI : Xin Luật sư cho biết, chế tài nào để bảo vệ được việc hành nghề của các luật sư tại Việt Nam ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Theo tôi, lẽ ra phải có (một) nghị định của chính phủ liệt kê được các hoạt động nào được coi là cản trở hoạt động của luật sư. Phải liệt kê các hoạt động xảy ra thường xuyên. Ví dụ như : chậm cấp giấy chứng nhận bào chữa, không bố trí cho luật sư gặp bị can, bị cáo, không cho đọc tài liệu, dọa dẫm luật sư, hoặc thúc ép bị can, bị cáo từ chối luật sư, hoặc khi ra tòa các kiểm sát viên không tranh luận với luật sư cũng là cản trở hoạt động của luật sư… Bởi vì hoạt động của luật sư là phản biện, mà khi chúng tôi phản biện rồi, anh không phản biện, tranh luận lại, thì không những cản trở mà anh còn khiến các hoạt động của chúng tôi thành vô ích.

Tôi nghĩ rằng, phải có một nghị định của chính phủ, hoặc quy định nào đó, ghi rõ hành vi nào là hành vi cản trở luật sư. Mà tốt nhất, mỗi hành vi là một mức xử phạt. Ví dụ như phạt tiền, xử lý kỷ luật, thậm chí có thể truy tố trách nhiệm hình sự. Hoặc bồi thường cho đương sự, hoặc bồi thường cho luật sư, vì những chi phí mà họ lẽ ra không phải chi phí. Ví dụ như tôi đang làm việc với vụ án này, phải đi lại rất nhiều lần, mỗi lần đi tốn kém hàng chục triệu đồng, vì đi lại nhiều. Người điều tra viên cản trở hoạt động của luật sư phải có trách nhiệm bồi thường, nếu luật sư chứng minh được rằng là họ không làm đúng, không tạo điều kiện.

Không tạo điều kiện là cản trở rồi. Nghĩa vụ của anh là phải tạo điều kiện.
RFI : Xin chân thành cảm ơn Luật sư Trần Vũ Hải.
Trọng Thành 
(RFI)

Việt Nam ‘lên án hành động vô nhân đạo’ trong vụ tàu cá

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa ‘lên án mạnh mẽ những hành động vô nhân đạo nhằm vào tàu cá và ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam’.

Ông Lê Hải Bình phát biểu như vậy hôm nay, 21/8, năm ngày sau khi một ngư dân trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thông báo đã bị tàu Trung Quốc ‘tấn công và đập phá’ gần quần đảo Hoàng Sa.


Ông Bình cho biết thêm rằng Việt Nam ‘đang xác minh thông tin’.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt Ngữ đầu tuần này, ông Lê Khởi, chủ tàu, cho biết hơn 10 thuyền viên trên thuyền đánh cá của ông đã bị tàu của Trung Quốc ‘tấn công’ hôm 15/8 khi đang đánh bắt thủy sản tại đảo Cây Dừa thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ông kể: “Họ mặc đồng phục màu đen. Còn khi một tiếng đồng hồ sau thì có một chiếc tàu 46101 có người mặc đồng phục rằn ri. Đó là tàu chắc là không phải hải giám mà chắc là tàu của cảnh sát biển. Họ rượt đuổi thì tôi chạy, cố không cho họ đuổi kịp tàu, nhưng không thể tránh né được. Cuối cùng, khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, họ lên tàu và họ đập cửa kính, họ khống chế, đánh đập. Họ lấy hết tài sản, và các thiết bị trên tàu, lấy cá, lấy hết”.

Đây là vụ việc mới nhất xảy ra sau khi Trung Quốc rút giàn khoan dầu gây tranh cãi từng gây ra cuộc đối đầu suốt hơn một tháng.

Khi được hỏi là vì sao ông nghĩ đó là tàu của Trung Quốc, ngư dân từ đảo lý sơn nói: “Có cờ Trung Quốc và quốc huy của Trung Quốc. Tôi là một ngư dân đã bị bắt bớ và đánh đập nhiều lần rồi và đã từng ở [bị giữ] trên đảo Hải Nam ba tháng nên bản thân tôi rất rành ba cái chuyện đó”.

Cho tới nay, Bắc Kinh chưa lên tiếng về cáo buộc của chủ tàu người Quảng Ngãi.

Về thông tin Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật tại Vịnh Bắc bộ ngày 20/8, ông Bình nói rằng cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển thuộc bán đảo Lôi Châu của nước này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng với vị trí là một thành viên Hội đồng bảo an LHQ, Trung Quốc sẽ có đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực cũng như trên cũng như thế giới”.

Nguồn: MOFA, Người đưa tin, 
(VOA) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét