Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Giấc mơ du học, sau Harvard rồi... đi đâu?

Giấc mơ du học, sau Harvard rồi... đi đâu?

Gần đây, báo chí Việt Nam thường phát sốt với những tin tức kiểu như bạn A được vào Harvard, bạn B được vào Stanford. Nhưng mọi câu chuyện luôn dừng lại ở việc vào được Harvard như cái đích tối cao, rất ít khi thấy thông tin thực sự về việc vì sao một bạn muốn vào Harvard.

LTS: Nếu những năm 1970s, 1980s, các thầy bói xem chỉ tay rồi phán "anh, cô có số xuất ngoại" thì người được bói khấp khởi hoặc là trong tương lai sẽ được đi xuất khẩu lao động; hoặc đi học ở Liên Xô và Đông Âu. Trước đó thì có những lớp trí thức Việt nói tiếng Pháp; sau đó đến các trí thức nói tiếng Nga. Hiện nay trong xu thế toàn cầu hóa, du học sinh Việt đã có mặt trên hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, nói đủ các ngôn ngữ, du nhập về nước các nền văn hóa, kinh tế khác nhau.

Việc có một hay nhiều đứa con đang du học ở những nước phát triển được coi là tiêu chí thành đạt của các gia đình Việt Nam hiện tại. Xu hướng đang tăng này bắt đầu từ những nguyên nhân nào, có tác động như thế nào vào sự đổi thay xã hội và nền giáo dục Việt nói chung.

Tuần Việt Nam mở chuyên đề "Trao đổi, dịch chuyển và 'tị nạn' giáo dục" với sự tham gia của các chuyên gia, cựu du học sinh, những người có nhiều trải nghiệm giáo dục của Việt Nam và quốc tế.


Bài 1: Giấc mơ du học, sau Havard rồi... đi đâu?

Nhà văn Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường. Chị là tác giả của các tác phẩm - Phù phiếm truyện (2005); Tiếng người (2008); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); Một mình ở châu Âu (2013) và Xuyên Mỹ (2014).Chị cũng là đồng sáng lập tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng.

Phan Việt tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2000, sau đó sang Mỹ học Thạc sĩ Báo chí và Truyền thông, học tiếp chương trình Thạc sĩ thứ hai và lấy bằng Tiến sĩ công tác xã hội tại ĐH Chicago, Mỹ, hiện là Phó giáo sư, giảng dạy tại đại học South Carolina (Mỹ).
du học, Harvard, Mỹ, Phan Việt, học bổng, xuất ngoại
Ảnh do nhân vật cung cấp
Trở về Việt Nam vào mùa hè này, ngoài các công việc liên quan đến sách, Phan Việt đưa một đoàn sinh viên và giáo sư Mỹ sang học về công tác xã hội tại Việt Nam, kết nối để Đại học South Carolina ký kết các văn bản hợp tác với ba trường Đại học lớn tại Việt Nam; tổ chức một hội thảo quốc tế về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; và vẫn đều đặn tới các bệnh viện tâm thần để thực hiện một nghiên cứu.

Cuộc trò chuyện giữa PV Tuần Việt Nam và TS Phan Việt diễn ra tại một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội, nơi chị đang sống để làm nghiên cứu và cũng tranh thủ dạy tiếng Anh cho chư tăng và người đến chùa.

Hãy cho họ thấy bạn khác biệt

Chị có thể chia sẻ gì về quyết định đi Mỹ du học của chị hơn chục năm về trước? Đi học ở nước ngoài khi đó có phải là một trào lưu không?

Tôi đi Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp trường Ngoại thương. Lúc đó chuyện đi du học ở Mỹ  cũng hiếm mà người Việt chủ yếu đi học ở Úc, Châu Âu, hoặc các nước Châu Á. Thường thì học bổng hay dành cho các bạn đoạt giải Olympic, giải quốc gia, quốc tế, hoặc là đã làm việc một thời gian để thành lãnh đạo trẻ.

Tôi không thuộc những diện này, cũng không có gì nổi bật về thành tích, nhà lại cũng không có điều kiện, nhưng tôi biết là tôi rất muốn đi du học. Đọc các tài liệu du học thì tôi thấy các trường ở Mỹ tuyển sinh viên khác các nước khác.

Có vẻ họ nhìn giáo dục như một vụ đầu tư kinh doanh cho nên họ sẵn sàng mạo hiểm nhiều hơn các nước khác. Bỏ ra mấy trăm ngàn USD cho một sinh viên là một sự đầu tư mạo hiểm mà. Nếu bạn chứng minh được với họ là bạn có đam mê và có khả năng trở thành một người tạo ra sản phẩm hoặc  giá trị riêng biệt cho xã hội thì họ sẽ chấp nhận đầu tư vào bạn.

Mất khoảng hơn một năm làm hồ sơ thì tôi được nhận đi học thạc sỹ về truyền thông.

Ấn tượng khi so sánh hai hệ thống giáo dục Việt – Mỹ của chị thế nào?

Ấn tượng đầu tiên là học ở Mỹ không có cảm giác khổ. Ở Việt Nam thì việc học là trung tâm cuộc sống của một đứa trẻ và gia đình đứa trẻ, từ lớp một đến hết đại học, rất cực nhọc.Tôi vẫn còn nhớ cảm giác của ba năm cấp ba; nói chung là triền miên học, triền miên luyện thi, bắt đầu từ lớp 10.

Sang Mỹ học 10 năm, tôi chưa bao giờ gặp lại cái gì gần gần như vậy.Vấn đề không phải là ở chuyện tần số lớp học đâu. Cái chính là ở Việt Nam, tôi học vì một sự sợ hãi vô mình là mình phải vào trường tốt, cụ thể là trường Ngoại thương. Ở Mỹ thì tôi học vì mình chọn; mình có thể thành thực nói là “tôi thích học ngành này lắm”.

Thực sự là tôi học 2 bằng thạc sỹ, một bằng tiến sỹ ở Mỹ nhưng tôi không thấy khổ và có cảm giác sợ như lúc học ở Việt Nam.

Còn khác thế nào: như tôi nói, đã học 10 năm, rồi đi dạy 4 năm ở Mỹ thì tôi thấy người Mỹ coi giáo dục như là một ngành công nghiệp sản sinh tri thức và nhân lực nên cách học và dạy ở Mỹ thực dụng lắm. Họ hướng thẳng vào những gì có thể khiến sinh viên ra trường là trở thành người lao động giỏi, thành người tạo ra các giá trị gia tăng liên tục. Họ đo kết quả mỗi môn học cũng như toàn bộ chương trình rất rõ ràng, dựa trên thay đổi về kiến thức, hành vi, và giá trị sống của sinh viên.

Ở cốt lõi, người Mỹ không quan trọng việc dạy học sinh nghĩ thế này là đúng, thế kia là sai; cũng không dạy sinh viên nên nghĩ về cái này, cái kia, mà mà họ dạy học sinh phương pháp nghĩ như thế nào. Còn nội dung cụ thể của suy nghĩ thì họ cho sinh viên được một sự tự do khá lớn. Lúc tôi là sinh viên và bây giờ là giáo viên, lớp học bên đó thường rất ít hành vi giảng, chủ yếu là thảo luận, tranh luận, thử nghiệm, trình diễn, xem, nghe, quan sát, tương tác thực sự…

Cũng vì có quan điểm coi giáo dục là một ngành công nghiệp nên giáo viên tuy được xã hội Mỹ coi trọng một cách tương đối nhưng trước hết là người làm công ăn lương được xã hội trả tiền để làm việc, thế thôi. Họ không nghiễm nhiên được hưởng bất cứ sự tôn kính nào cả; họ cũng phải bị đánh giá chất lượng công việc, được trả lương dựa theo cơ chế thị trường. Quan hệ giữa sinh viên và giáo viên rất bình đẳng. Các trường thì có sự tự chủ rất lớn, gần như hoàn toàn, về chương trình dạy cũng như về tài chính; cho nên mọi thứ sẽ lấy chất lượng đo lường được làm tiêu chí.
du học, Harvard, Mỹ, Phan Việt, học bổng, xuất ngoại
Ảnh do nhân vật cung cấp
Học Tây rồi về... làm gì?

Có phải đó là nguyên nhân khiến nhiều gia đình Việt Nam tìm mọi cách đưa con đi “tị nạn giáo dục”, theo cách nói phổ biến hiện nay, cho dù đắt đỏ, dù phải hy sinh nhiều thứ?

Cũng không hẳn đâu. Nhiều người cho con đi học không phải vì nền giáo dục ở Tây mà là vì cái sẽ xảy ra tại Việt Nam sau khi một đứa trẻ có bằng Tây trở về, ví dụ “có bằng tây về Việt Nam sẽ tốt”.

Cái họ nghĩ đến khi gửi con đi Tây là Việt Nam chứ không phải Tây. Tính toán như vậy cũng không có gì sai, nhưng tôi thấy là họ thường tính toán dựa trên những nhận định về Việt Nam hiện tại chứ không phải dựa trên nhận định về một Việt Nam có-thể-là hay một Việt Nam với những giá trị mới mà con cái họ chính là người góp phần kiến tạo, thậm chí là người khai phá, mở đường.

Không nhiều người, kể cả phụ huynh lẫn sinh viên, nghĩ đến những câu hỏi mấu chốt này: Tôi muốn gì, tôi muốn trở thành ai, tôi muốn di sản của mình là gì, để làm được điều đó thì con đường tối ưu cho tôi là gì? Tôi có cần phải đi Tây mới làm được điều đó hay có con đường khác tốt hơn? Nếu tôi đi Tây thì trường nào, học với ai, sẽ cho tôi kết quả tối ưu?

Tôi định sẽ đi học như một sự phản ứng với những ấu trĩ tôi thấy ở Việt Nam và tôi học để có thể tận dụng sự ấu trĩ đó hay là tôi muốn học vì tôi yêu tri thức, tôi muốn biết sự thật về thế giới, vì tôi muốn thay đổi cái tôi đang thấy.

Tôi lấy ví dụ như gần đây, báo chí Việt Nam thường phát sốt với những tin tức kiểu như bạn A được vào Harvard, bạn B được vào Stanford. Các bài viết thường hay tập trung kể xem A hay B và gia đình bạn đã vất vả và quyết tâm thế nào để vào được Harvard nhưng mọi câu chuyện luôn dừng lại ở việc vào được Harvard như cái đích tối cao.

Tôi thì nghĩ vấn đề không phải là vào được Harvard; vấn đề nằm ở chỗ bạn vào Harvard để làm gì, bạn có biết vì sao bạn muốn vào đó, chỗ đó có phải chỗ tối ưu để bạn làm được điều bạn muốn làm, trở thành người bạn muốn trở thành hay không?
(Còn nữa)
Hoàng Hường
(Tuần Việt Nam)

Nguyễn Văn Tuấn - Xác Lenin và thi thể Hồ Chí Minh


 Mới đọc báo thấy một tin thú vị: ba năm trước, Quốc hội Nga xem xét việc di dời xác Lenin ra khỏi lăng ở Quảng trường Đỏ, vì xác đó đã tan rã quá nhiều, và cái xác đó cũng chẳng còn thu hút bao nhiêu du khách. Xem tình trạng của Lenin bên Nga, không thể không liên tưởng đến tình trạng của Hồ Chí Minh bên VN.

 Nói chuyện với nhiều người, kể cả quan chức cao cấp ở VN, ai cũng nghĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh nên được hoả táng theo ý nguyện của ông. Ý nguyện đơn giản đó, dù đã được viết xuống hơn 46 năm qua, mà vẫn chưa được đáp ứng. Kể ra, đó cũng là một nỗi khổ của ông.

Mặc dù khi còn sống họ chống tệ nạn sùng bái cá nhân, nhưng khi chết các lãnh tụ cộng sản thuộc hàng “khai quốc” thường có lăng riêng. Khởi đầu là Lenin bên Nga (1924). Kế đến là Hồ Chí Minh (1969). Sau đó là Mao Trạch Đông (1976) và Kim Nhật Thành (1994). Con của Kim Nhật Thành là Kim Chính Nhật khi chết cũng được ướp và trưng bày nhưng chưa có lăng. Tôi không rõ trong thế giới không-cộng-sản có lãnh tụ nào được ướp xác và trưng bày lâu năm như các lãnh tụ cộng sản.

Trong tất cả những người trên đây, chỉ có ông Hồ Chí Minh là không muốn có lăng và chẳng muốn ướp xác. Trong bản gốc của di chúc ông viết rất rõ ràng: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân zân. […] Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là ‘hoả táng’. Tôi mong rằng cách ‘hỏa táng’ sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống sẽ tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì ‘điện táng’ càng tốt hơn” (1). Ấy thế mà đoạn văn quan trọng này bị “mất” trong bản di chúc chính thức được công bố, và ý nguyện đơn giản của ông không được đáp ứng! Tôi nghĩ đã 46 năm từ ngày ông qua đời, Nhà nước nên suy nghĩ đến việc hoả táng cho ông.

Có nhiều lí do để hoả táng, kể cả lí do khoa học và đạo lí. Nhiều người nói về “công nghệ ướp xác”, nhưng trong thực tế tất cả chỉ là dùng hỗn hợp các hoá chất formaldehyde, glutaraldehyde, ethanol và humectants. Nhưng các hoá chất này dù có được pha chế theo công thức bí mật của Boris Zbarsky (người phụ trách ướp xác Lenin) thì cũng khó mà giữ nguyên vẹn được thi thể. Mới đây, trong một báo cáo trước Quốc hội Nga, Ts Zbarsky cho biết hiện nay xác ướp của Lenin chỉ còn chưa đến 10% cơ thể; tế bào da cũng đã hư hỏng gần hết, ở mắt nhãn cầu hiện nay là nhân tạo, môi đã rời ra, râu rụng, môi được khâu vào 2 má và dán râu giả. Do đó, Quốc hội Nga chuẩn bị đưa xác Lenin ra khỏi lăng. “Công nghệ ướp xác” của Nga được xem là tốt nhất thế giới (nhưng trên thế giới chẳng có nước tiên tiến nào ướp xác như mấy nước XHCN!) mà còn như thế thì chúng ta có thể đoán rằng thi thể của ông Hồ Chí Minh cũng có thể cùng chung tình trạng. Nếu sau 70% mà thi thể của Lenin chỉ còn 10%, thì sau 46 năm, thi thể của ông Hồ Chí Minh có thể chỉ còn ~23%.

Đứng về mặt truyền thống dân tộc, tôi nghĩ không có triều đại nào của VN mà vua được ướp xác và trưng bày trước công chúng. Thử tưởng tượng, một người qua đời, bị bóc bỏ tim, gan, phổi, bao tử, ruột, v.v. rồi thay vào đó những chất nhân tạo. (Điều này thì cũng bình thường ở các nước phương Tây). Sau đó xác được ướp bằng hoá chất một thời gian, rồi cho vào hòm kính, và đó là những can thiệp mang tính xâm phạm vào thi thể của người quá cố. Truyền thống đạo lí VN không ai chấp nhận sự can thiệp xâm phạm như thế, vì ai cũng muốn được thân thể toàn vẹn khi về với đất.

Điều làm tôi cảm thấy không thoải mái là hình thức mang tính hành hạ. Thi thể của ông được nằm trong một cái hòm kính. Buổi sáng người ta kéo hòm lên cho công chúng xem, chiều kéo xuống hầm lạnh, và chu kì này xảy ra mỗi ngày, suốt năm này sang năm khác. Có thể người ta xem đó là cách để người dân ngưỡng mộ có dịp diện kiến người họ yêu kính, nhưng trong thực tế là một hình thức hành xác người quá cố. Ngay cả người mà họ diện kiến cũng đã thay hình trạng khá nhiều chứ đâu phải như vài mươi năm về trước. Tôi nghĩ ông Hồ Chí Minh không bao giờ nghĩ ông được “kéo lên, kéo xuống” như thế như hiện nay.

Nói tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã gần nửa thế kỉ. Đó là một thời gian khá dài. Tôi nghĩ theo trào lưu của thế giới, cùng những lí do sinh học lẫn đạo lí, đã đến lúc phải suy nghĩ đáp ứng ý nguyện của ông: đó là được hoả táng. Dĩ nhiên, lúc đó thì lăng của ông có thể là nơi lưu trữ đồ lưu niệm, thậm chí có thể trở thành một viện bảo tàng cá nhân.
( Theo FB Nguyen Tuan )

Hợp pháp hóa mại dâm - Biểu hiện bất lực của Nhà nước trong quản lý

(GDVN) - Mại dâm nên cấm hay cho phép? Hiện nay có 2 luồng ý kiến trái chiều, cá nhân tôi, Nhà nước tuyệt đối cấm mại dâm, bởi các lý do sau:

Ngay sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết " "Thà để cho mại dâm hoạt động còn hơn để người ta đi hiếp dâm", Tòa soạn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ độc giả. Người đồng tình cũng nhiều, mà người chưa đồng tình cũng không ít.

Dưới đây, là quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Viên, ông giới thiệu mình công tác tại Vụ các trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tòa soạn đăng tải nguyên văn trên tinh thần tôn trọng quan điểm cởi mở, trao đổi có văn hóa và tinh thần xây dựng.

Tình dục là nhu cầu có thể điều tiết

Tình dục không chỉ là là hoạt động bản năng của con người nhằm duy trì sự sinh tồn, mà còn nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mỗi người. Nhu cầu đó là tự nhiên, chính đáng và cần thiết. Các nhà khoa học đã chứng mình rằng hoạt động tình dục điều độ rất có lợi cho sức khỏe, nó làm giảm căng thẳng; tăng sức chịu đựng của cơ thể; giảm nguy cơ đau tim nặng; giảm đau đầu, đau viêm khớp; giảm nguy cơ ung tuyến tiền liệt; giúp ngủ ngon hơn…

Với những lợi ích mang lại, tình dục rõ ràng giúp con người cải thiện sức khỏe, nâng cao hiệu suất làm việc. Ngược lại, nếu nhu cầu tình dục không được đáp ứng, con người dễ dẫn tới tình trạng căng thẳng, bức xúc, hay cáu giận vô cớ, điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cá nhân, các mối quan hệ và nhất là giảm hiệu quả công việc.

Hoạt động tình dục được coi là chuyện phòng the, nhưng trong thực tế nó được nhiều dân tộc, quốc gia (trong đó có Việt Nam) tôn sùng, trở thành tín ngưỡng. Nói điều này để khẳng định vị trí, vai trò của hoạt động tình dục.

Ảnh minh họa.
Nhận thức được những tác động của tình dục đối với sức khỏe của con người, nhưng không phải ai, không phải lúc nào nhu cầu đó cũng được thỏa mãn, nhất là những người không có bạn tình (những người chưa lập gia đình, những người ly hôn, những người chưa/không có bạn trai/gái…), việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ là giải pháp tốt nhất cho những đối tượng này.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng nhu cầu tình dục không bức thiết tới mức không thể không có, nó không mang tính quyết định tới sự sống của cá nhân như ăn uống, hít thở… Nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Việc giải tỏa nhu cầu này không chỉ có cách duy nhất thông qua hoạt động tính giao, mà có thể bằng nhiều cách, đó là những hoạt động tích cực như luyện tập thể dục, thể thao, suy nghĩ lành mạnh… Hơn nữa, tình dục chỉ có lợi khi đó là hoạt động lành mạnh, nếu lạm dụng, tình dục gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Đó là chưa kể, theo quy luật tâm lý con người đã được nghiên cứu, khi nhu cầu này được thỏa mãn sẽ nảy sinh nhu cầu khác ở bậc cao hơn, phức tạp hơn. Nhu cầu tình dục được thỏa mãn thông qua việc mua bán sẽ không làm triệt tiêu ham muốn của con người, mà sẽ nảy sinh nhu cầu phức tạp hơn, không chỉ đơn thuần là quan hệ nam nữ, mà có thể là quan hệ tập thể, quan hệ đồng giới, những bữa tiệc sex…
Như vậy, mại dâm không phải là cách giải quyết duy nhất đối với nhu cầu tình dục của con người. Mỗi người có thể điều tiết được nhu cầu này.

Hợp pháp hóa mại dâm sẽ làm gia tăng tình trạng hiếp dâm

Thực trạng quấy rối, lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp, thậm chí là giết người để quan hệ đang ngày càng gia tăng với mức độ trầm trọng hơn. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, mà còn bao gồm cả trẻ em, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi, thậm chí là người thân trong gia đình… Người thực hiện hành vi đáng lên án đó, nhiều khi là người ngoan ngoãn, hiền lành, nhưng có những giây phút do ham muốn nên nhất thời không làm chủ được bản thân, gây ra những hậu quả đau lòng.

Nếu mại dâm được phép mua bán, khi ấy bất cứ ai có nhu cầu tình dục mà đủ năng lực hành vi, đủ khả năng tài chính đều có thể tìm đến nhà chứa để giải quyết. Và như vậy, xét về mặt logic thì khi hợp pháp hóa mại dâm sẽ làm giảm đáng kể những vụ án đau lòng do “nhu cầu tình dục” gây ra.

Dù vậy, ngay cả khi mại dâm được hợp pháp nhưng không có nghĩa là tất cả những người có nhu cầu tình dục đều có thể giải quyết bằng cách đến nhà chứa, bởi không phải ai, không phải lúc nào cũng có tiền để có thể đi mua dâm. Để có thể đi mua dâm, người ta sẽ tìm cách để có tiền, chẳng hạn trộm cắp, thậm chí giết người cướp của. Đó là chưa kể tâm lý nhiều người sẽ ngại khi mua dâm vì sợ bắt gặp người quen ở nhà chứa.

Trong khi đó, do mại dâm hợp pháp nên sẽ không thể tránh được việc quảng cáo, tiếp thị của các tú ông tú bà, sự tò mò… tất cả những thứ đó càng kích thích tính dục trong mỗi con người, nhất là thanh niên mới lớn và những người ham của lạ, những người đang sung mãn nhưng không có bạn tình.

Và vì nhu cầu không được đáp ứng, trong khi việc mại dâm lại được công khai nên tình trạng hiếp dâm sẽ gia tăng.

Bán dâm là một nghề nhưng người bán dâm không được bảo vệ

Mại dâm là một hiện tượng xã hội, tồn tại trong xã hội loài người, nhưng thật sai lầm khi cho rằng mại dâm là nghề lâu đời nhất của loài người, mại dâm bắt nguồn từ sự buôn bán nô lệ, sau đó mới phát triển thành nghề. Khẳng định điều này để phủ nhận ý kiến rằng mại dâm tồn tại cùng loài người.

Mại dâm nếu được hợp pháp hóa, tức là nhà nước thừa nhận mại dâm là một nghề, thừa nhận người bán dâm là người lao động. Khi đó, người bán dâm sẽ được nhà nước bảo hộ bằng các quy định của pháp luật, họ cũng sẽ có quyền và nghĩa vụ, được đối xử bình đẳng như những người lao động khác, được đóng bảo hiểm, được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội…

Mặt khác, họ cũng sẽ tránh được sự xâm hại từ phía khách hàng. Bởi lẽ, hành vi mua bán dâm là hành vi “nhạy cảm”, lại trong điều kiện lén lút, vụng trộm vì sự ngăn cấm của pháp luật và sự lên án của xã hội, thì mức độ rủi ro bị xâm hại của người bán dâm rất cao, xâm hại về thể xác, về tinh thần, về sức khỏe và về kinh tế. Sự xâm hại đó không chỉ từ phía khách làng chơi, mà còn từ phía tú ông, tú bà - những người chủ chứa, môi giới. Để kiếm nhiều lợi nhuận, các chủ chứa tìm mọi cách để khai thác người bán dâm như nô lệ tình dục. Khi bị xâm hại, người bán dâm không thể cầu cứu sự bảo hộ của pháp luật mà đành phải cắn răng chịu đựng. Thế nên, nếu công khai hóa hoạt động này, người bán dâm sẽ được bảo vệ, hạn chế tối đa những “tai nạn và rủi ro nghề nghiệp”.

Người bán dâm không phải ai cũng có thể thuê “bảo kê”, nhất là những người bán dâm tự do, do vậy mức độ rủi ro của những người này cao hơn rất nhiều so với những người bán dâm có tổ chức, họ có thể gặp những khách hàng bạo dâm, hoặc bị quỵt tiền, cướp tiền, thậm chí cướp cả tính mạng mà không có bất cứ sự bảo trợ nào.

Những người bán dâm không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị chà đạp về nhân phẩm, bởi trong suy nghĩ của mọi người và của xã hội, tất cả những người bán dâm là đều đê hèn, là vô liêm sỉ… Vì thế mà người đời luôn coi thường lòng tự trọng, phẩm hạnh và danh dự của những người bán dâm.

Khi mại dâm bị cấm, người bán dâm phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và rủi ro. Vậy khi được pháp luật cho phép, những người bán dâm sẽ được bảo vệ? Điều này có vẻ là đúng, nhưng thực tế ngay cả khi pháp luật cho phép mại dâm thì những người bán dâm cũng không được bảo vệ.

Giả sử mại dâm được công nhận là một nghề hợp pháp thì những người bán dâm là lao động, những người môi giới mại dâm là những người kinh doanh. Từ đó xuất hiện mối quan hệ lao động và người sử dụng lao động. Các “doanh nghiệp mại dâm” sẽ bảo vệ “nhân viên” như thế nào, hay vì lợi nhuận mà gia tăng các biện pháp nhằm khai thác tối đa hiệu suất làm việc của “nhân viên”. Rồi quyền làm mẹ của những phụ nữ bán dâm có được bảo đảm không?

Hợp pháp hóa mại dâm, nghĩa là người bán dâm phải đăng ký, phải công khai danh tính, điều này sẽ là rào cản cho những ai muốn hoàn lương. Bởi trong quan điểm của mọi người và của cả xã hội, thậm chí của những người có suy nghĩ “cởi mở” về tình dục, thì mại dâm luôn là một nghề thấp hèn. Không ai, kể cả những người bán dâm, cũng không lấy gì làm tự hào với nghề mại dâm, có ai dám khai lý lịch nghề nghiệp là mại dâm? Những người có tư tưởng cổ súy cho mại dâm cũng không muốn lấy người bán dâm làm vợ/chồng; không muốn người trong gia đình mình làm nghề này. Do vậy, ngay cả khi nhà nước hợp pháp hóa mại dâm thì những người bán dâm vẫn lén lút, và hiểm họa, rủi ro vẫn rình rập.

Chúng ta thấy rằng, người bán dâm chỉ được “khai thác” khi còn trẻ, khi còn khỏe, và có giá cao nếu có nhan sắc. Càng quan hệ nhiều, quan hệ sớm thì tốc độ lão hóa của cơ thể càng tăng, đó là chưa kể đa phần những người bán dâm dùng các chất kích thích. Theo logic những người này sẽ “về hưu” so với tuổi quy định trong Luật Lao động rất nhiều năm, có khi lên tới 15 - 20 năm. Bài toán đặt ra là sẽ xử lý như thế nào đối với những người “về hưu non” này nếu thừa nhận họ là lao động hợp pháp?

Cấm mại dâm không thể làm triệt tiêu nhưng ít ra nó cũng hạn chế người bán dâm và mua dâm. Đây là một cách để bảo vệ quyền con người.

Hợp pháp hóa mại dâm sẽ gia tăng tội phạm liên quan đến vấn đề tình dục

Thực tế ở các nước hợp pháp hóa mại dâm đã cho thấy rằng, mặc dù về danh nghĩa mại dâm do nhà nước quản lý, người bán dâm được khám sức khỏe định kỳ, được cấp giấy phép, được bảo vệ nhưng thực tế đứng đằng sau hoạt động mại dâm lại là các tổ chức xã hội đen. Kinh doanh mại dâm là ngành siêu lợi nhuận, do vậy các tổ chức xã hội đen sẽ tìm mọi cách để câu kết với chính quyền. Như vậy, hợp pháp hóa mại dâm lại tạo điều kiện cho xã hội đen bắt tay với chính quyền, những nhà chứa mại dâm được cấp phép lại là nơi ẩn náu hợp pháp của bọn tội phạm. Nhà nước chỉ có thể quản lý mại dâm trên giấy tờ, còn lợi nhuận phần lớn vào tay các tổ chức xã hội đen.

Để đáp ứng nhu cầu mua dâm, số lượng người bán dâm sẽ gia tăng, bên cạnh đó sẽ xuất hiện nhu cầu mua dâm trẻ em, mua dâm đồng tính và các nhu cầu tình dục bệnh hoạn khác, điều này tất yếu dẫn tới tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em. Kéo theo đó là nạn lừa đảo và bắt cóc phụ nữ, trẻ em để bán vào nhà chứa. Trong nhà chứa, thân phận người phụ nữ bị xúc phạm, bị chà đạp, họ phải làm việc 12-15 tiếng/ngày suốt cả tháng mà không có ngày nghỉ. Thậm chí, nữ bán dâm bị ép uống thuốc để không có ngày đèn đỏ. Họ bị khách hàng bạo dâm, bạo hành lại thêm đám bảo kê xâm hại tình dục, ép tiếp khách, thân phận chẳng khác nào nô lệ tình dục.

Đi kèm vấn đề mại dâm luôn là nạn buôn bán ma túy và các chất kích thích để phục vụ cho hoạt động tình dục. Ma túy và chất kích thích không chỉ là mặt hàng siêu lợi nhuận mà con người bất chấp sự trừng phạt rất nặng của pháp luật để buôn bán, mà nó còn làm kích thích hoạt động tình dục, phục vụ cho ngành công nghiệp tình dục. Năm 2000, nhà nghiên cứu Maxwell đã công bố những bằng chứng về sự liên kết giữa mại dâm với buôn bán ma túy.

Hợp pháp hóa mại dâm cũng sẽ là cơ hội tốt để các tổ chức xã hội đen và các quan chức chính quyền rửa tiền thông qua hình thức kinh doanh mại dâm. Việc đầu tư cho mại dâm sẽ là hình thức rửa tiền của các thế lực khác nhau, hình thành nên những tập đoàn kinh doanh xác thịt.

Hợp pháp hóa mại dâm sẽ đẩy nhanh tốc độ lây lan các bệnh qua đường tình dục

“Trường Y tế công cộng Johns Hopkins ở Baltimore đã tổng kết các nghiên cứu từ tháng 1/2007 đến 6/2011 để đánh giá tỉ lệ nhiễm AIDS ở 99.878 gái mại dâm tại hơn 50 quốc gia. Kết quả tỉ lệ nhiễm HIV tính chung là 11,8%. Tổng cộng có 30,7% gái mại dâm nhiễm HIV trong nhóm 26 nước có tỉ lệ nhiễm HIV cơ bản ở mức trung bình và cao, đó là chưa kể các loại bệnh khác như giang mai, lậu,viêm gan...”.

Tại Việt Nam, “Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tỷ lệ người bán dâm bị nhiễm HIV/AIDS hiện nay tương đối cao (chiếm khoảng 30 - 40%), ước tính ở Việt Nam có 9,3% phụ nữ bán dâm sẽ nhiễm HIV, cao thứ 3 chỉ sau nhóm tiêm chích ma túy và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam”.

Những số liệu trên đã củng cố thêm lập luận mại dâm thúc đẩy sự lây lan các bệnh dịch liên quan tới tình dục. Nếu hợp hóa mại dâm sẽ kiểm soát được tốc độ lây lan các dịch bệnh này?

Khi đã công nhận mại dâm là một nghề, có nghĩa là nhà nước phải có những quy định để quản lý. Bằng những quy định của mình, nhà nước đặt ra các điều kiện bắt buộc hoạt động mại dâm phải tuân theo, các nhà chứa và người bán dâm nếu không đạt yêu cầu sẽ không được phép hành nghề. Những người hành nghề mại dâm phải đăng ký và định kỳ đi khám sức khỏe tại bệnh viện, và như vậy sẽ kiểm soát được những những người mắc bệnh. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết được xem xét một cách khái lược, bỏ qua nhiều yếu tố khác.

Một ngày người bán dâm phải quan hệ với rất nhiều người, do đó khả năng lây nhiễm và truyền bệnh là rất cao, ngay cả khi dùng biện pháp tình dục an toàn (dùng bao cao su). Bởi lẽ, mặc dù dùng bao cao su nhưng nhiều tình huống xảy ra, chẳng hạn bao cao su rách, tuột, hoặc do chất lượng bao cao su kém, dẫn tới sự thẩm thấu của tinh dịch hoặc sự thâm nhập của virut.

Hơn nữa, con đường lây lan bệnh tình dục có nhiều cách, không nhất thiết qua con đường giao hợp, có thể là qua con đường quan hệ miệng, quan hệ qua đường hậu môn, qua khăn tắm, chăn ga của nhà chứa, thậm chí là quần áo của người bán dâm. Những đồ dùng đó, trong điều kiện ẩm ướt, thiếu ánh sáng, tần suất hoạt động nhiều thì thường không bảo đảm vệ sinh, và đó là cách lây nhiễm nhiều loại bệnh da liễu, bệnh tình dục như nấm, sùi mào gà, giang mai, viêm gan…

Bên cạnh đó, người bán dâm còn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý và tổn thương khác như viêm khớp ở đầu gối, hông, chân, cột sống… do việc đứng lâu hoặc hoạt động tình dục nhiều, hoạt động không đúng tư thế…

Đó là chưa kể, khi mại dâm được hợp pháp, sẽ có những biến tướng của mại dâm, chẳng hạn như các cuộc thác loạn, những cuộc “liên hoan tình dục”, những trò biến thái bệnh hoạn… Những trò đó không chỉ chà đạp nhân phẩm con người, coi xác thịt là thứ hàng hóa như những hàng hóa bình thường khác, mà còn là nơi sản sinh và gây truyền các bệnh liên quan tới tình dục.

Khi hợp pháp hóa mại dâm, người bán dâm phải định kỳ khám sức khỏe, điều này sẽ kịp thời phát hiện những người mắc bệnh, từ đó sẽ ngăn chặn được bệnh tật cho cả người mua dâm lẫn người bán dâm. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ lại không được những người bán dâm ủng hộ, bởi sự rườm rà về thủ tục, tốn kém về tiền bạc và mất thời gian, đó là chưa kể, việc công khai bệnh tình của người bán dâm sẽ ảnh hưởng tới công việc của đối tượng này.

Do vậy, cả người bán dâm lẫn người kinh doanh tình dục sẽ đối phó với vấn đề kiểm tra sức khỏe. Kéo theo đó là sự “móc ngoặc” giữa cơ sở y  tế với “doanh nghiệp bán dâm” để có giấy tờ hợp lệ về sức khỏe. Việc phát hiện và ngăn chặn bệnh thông qua khám sức khỏe định kỳ không những không đạt mục đích, mà còn kéo theo những hệ lụy xấu.

Hợp pháp hóa mại dâm sẽ tốn kém và lãng phí cho việc quản lý 

Theo Tổ chức cảnh sát quốc tế (INTERPOL) thì mỗi gái bán dâm mang lại cho chủ chứa khoảng 144.000 đô la mỗi năm. Ngành kinh doanh tình dục mang lại khoảng 7 tỉ đô la mỗi năm. Có thể thấy kinh doanh tình dục là một nghề siêu lợi nhuận, chỉ đứng sau buôn bán ma túy và buôn bán vũ khí.

Ở Việt Nam, năm 2012 Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Viện Gia đình và Giới thực hiện cuộc khảo sát “Đặc điểm di biến động của người hoạt động mại dâm nhìn từ góc độ giới tại ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh”, đã cho thấy: Trung bình người bán dâm làm việc 5,7 giờ/ngày, trong đó thời gian bán dâm của nam giới trung bình 5,4 giờ và nữ giới trung bình 6 giờ. Một tháng mỗi người hành nghề mại dâm làm việc khoảng 19 ngày, thu nhập trung bình 8,6 triệu đồng (nữ là 10,6 triệu và nam là 6,55 triệu), trong đó  5% có thu nhập từ 20 triệu trở lên, chưa kể các khoản thu nhập phụ khác. Có thể thấy thu nhập trung bình của người bán dâm cao gấp 2,5 so với thu nhập trung bình của nhóm 20% người có thu nhập cao ở nước ta.

Tháng 6/2012 công an thành phố Hồ Chí Minh đã phá đường dây mại dâm cao cấp, mỗi lần đi khách thu nhập hàng nghìn USD.

Như vậy có thể khẳng định, mại dâm là một nghề “hốt bạc”, coi mại dâm là một nghề thì với khoản thu nhập do tình dục mang lại, mỗi năm đóng góp cho ngân sách một khoản tiền không nhỏ. Vậy nên hợp pháp hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nguồn thu cho ngân sách?

Nhưng trên thực tế, nếu cho phép mại dâm thì số tiền thu về do hoạt động mại dâm mang lại là không đáng kể. Bởi:

Thứ nhất, người bán dâm và người kinh doanh tình dục sẽ tìm mọi cách để trốn thuế.

Thứ hai, cơ quan thuế không thể tính được mỗi người bán dâm một ngày tiếp bao nhiêu khách, thu bao nhiêu tiền nhất là khi hoạt động tình dục được mua bán không thông qua hóa đơn chứng từ, không có sự kiểm soát về mặt tài chính.

Trong khi đó việc đầu tư cho cơ sở khám chữa bệnh, đầu tư cho việc xây dựng nhà chứa và các phương tiện phục vụ hoạt động tình dục, đầu tư cho đội ngũ con người để quản lý hoạt động tình dục quá lớn. Đó là chưa kể hàng loạt tiêu cực xảy ra trong quá trình quản lý mại dâm như cấp phép hoạt động, giấy chứng nhận sức khỏe, sự mất an toàn xã hội, an ninh trật tự tại các nhà chứa…

Như vậy khoản thu về từ hoạt động mại dâm quá nhỏ bé so với các khoản chi phí quản lý. Việc hợp pháp hóa mại dâm không mang lại nguồn thu cho ngân sách, mà trái lại làm tiêu hao nguồn ngân sách. Hành động này chẳng khác nào bỏ tiền mua rắc rối, mua bệnh tật cho xã hội. Còn số tiền khổng lồ do mại dâm mang lại sẽ đổ vào túi một số người.

Truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc và bản chất nhà nước không cho phép mua bán tình dục

Dân tộc ta luôn tôn trọng vị trí, vai trò của người phụ nữ. Trong văn hóa truyền thống, người phụ nữ Việt Nam là thủy chung, trinh tiết. Trước đây chúng ta ngại đề cập tới vấn đề tình dục, thậm chí là tránh né, cho đó là chuyện phòng the tế nhị, chuyện xấu hổ. Những năm gần đây, chúng ta bắt đầu cởi mở khi đề cập tới vấn đề tình dục, nhưng là đề cập dưới góc độ khoa học, góc độ nhân văn. Với bề bày lịch sử với văn hóa tốt đẹp, xã hội ta khó mà chấp nhận chuyện mua - bán dâm. Nếu công nhận mại dâm là một nghề thì quả là một đòn giáng mạnh vào nền văn hóa của dân tộc.

Cho phép mại dâm tức là chúng ta đã thừa nhận hoạt động tình dục là một loại “hàng hóa”, hàng hóa đặc biệt, đặc biệt ở chỗ nó là hàng hóa sức lao động nhưng không được xã hội loài người khuyến khích. Người sở hữu loại hàng đặc biệt này chủ yếu là phụ nữ. Phụ nữ ở nước ta vẫn giữ vị trí, vai trò to lớn và ý nghĩa trong gia đình và xã hội. Truyền thống dân tộc ta coi trọng tiết hạnh của người phụ nữ, tiết hạnh ở đây không chỉ là vấn đề trinh tiết, mà còn là phẩm hạnh, đạo đức. Do vậy, việc mại dâm đồng nghĩa với việc xúc phạm nhân phẩm, chà đạp danh dự, hạ thấp vị trí, coi thường vai trò của người phụ nữ. Với những đức tính tốt đẹp của mình, phụ nữ Việt Nam thừa sức kiếm tiền một cách chân chính và tự hào, không khi nào chấp nhận “bán trôn nuôi miệng”.

Trong suy nghĩ của nhiều người mua dâm, mua dâm không hẳn vì nhu cầu, mà là mua vui, đi tìm người bán dâm để chà đạp, để trả thù đời… Lúc này người bán dâm sẽ là nạn nhân của những sự bạo hành.

Nước ta đang xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, một xã hội mà con người được tôn trọng, một xã hội có nền kinh tế phát triển, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa đó không thể chấp nhận chuyện mua bán tình dục. Cái mà xã hội chúng ta hướng tới đó là chân, thiện, mỹ của loài người chứ không phải cái nhu cầu bản năng của con người. Hơn nữa, hoạt động tình dục không tạo ra giá trị cho xã hội, nó đi ngược lại với nét đẹp văn hóa, chuẩn mực xã hội, đi ngược với bản chất nhà nước.

Như vậy, mại dâm là hiện tượng của xã hội loài người, chúng ta không thể triệt tiêu được hiện tượng này, nhưng có thể khẳng định mại dâm là khuyết tật của xã hội. Trong quá trình nhân loại xây dựng một xã hội tiến bộ, vì sự phát triển toàn diện con người, không thể không xoá bỏ khuyết tật này. Mại dâm tuyệt đối không phải vấn đề kinh tế như vẻ bề ngoài của nó, vì vậy không thể ứng xử như với một vấn đề kinh tế. Mại dâm là vấn đề văn hoá, tinh thần, là tiến trình đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ xã hội, không chỉ của Nhà nước. Nếu chỉ có Nhà nước quản lý như quản lý một tiến trình kinh tế sẽ tất yếu thất bại. Hợp pháp hoá mại dâm chắc chắn là biểu hiện thất bại của Nhà nước trong quản lý, chứ không phải là một hướng quản lý mới./.
Nguyễn Văn Viên
(Giáo dục VN)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét