Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Bài đáng chú ý - Nhìn nhận đất đai là quyền tài sản & 6 ĐỜI CHỦ TỊCH QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG TRUNG HOA

Hội chứng domino vỡ, lún sụt của các đập thủy điện: điểm chiếu vuông góc hội tụ của thể chế chính trị và đạo đức khoa học

Hải Yến
Mấy ý kiến về hiện tượng domino các sự cố  xảy ra gần đây ngày càng tăng dần đều về: vỡ, lún sụt, và xả nước vô tôi vạ của các đập thủy điện gây nên nhiều nhân tai cho con người và môi trường ở miền Trung hiện nay:
1) Sự yếu kém của một hệ thống chính phủ độc tài:

1.1. Bất chấp các phản biện khoa học độc lập, tùy tiện ký duyệt cho các chủ đâu tư các dự án phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh để khai thác tài nguyên, xây dựng thủy điện và kinh doanh trồng cao su và cà phê tràn lan. Mất rừng, mất đất, mất sinh cảnh sống của sinh vật, dẫn đến mất đa dạng sinh học, và tất yếu cân bằng sinh thái bị phá vỡ, giảm sức tải của hệ sinh thái.  Tốc độ mất rừng kỷ lục và không kiểm soát [1], trong khi đó địa hình của miền Trung là rất dốc, thì lượng nước khổng lồ của các trận mưa của xứ nhiệt đới sẽ ngay lập tức ập xuống cuốn trôi nhà của hoa màu ờ khu trung phần và nhấn chìm các cộng đồng dân cư và cơ sở hạ tầng phía hạ nguồn. Rủi ro và tổn thương đối với an sinh xã hội và thiệt hại về kinh tế của cả nước sẽ tăng theo tỷ lệ phá rừng. Đó là hậu quả của một chính phủ bất tài và độc tài toàn trị, nơi mà các phản biện khoa học của một hình thái xã hội dân sự văn minh bị bóp nghẹt và chà đạp.
1.2. Bất chấp các tôn chỉ cho phép từ kết quả đánh giá môi trường chiến lược (Strategic Environment Assessment = SEA) trong qui hoạch thủy điện. Ví dụ: văn bản 4621/VPCP-KTN năm 2008 của chính phủ cho phép xây dựng hai dự án đập ngăn trên dòng chính ĐN 6 và 6A thay vì một dự án ĐN 6 dạng hồ chứa theo qui hoạch dựa trên kết quả SEA đã được ký duyệt theo văn bản 1483/CP-CN năm 2002 [2]. Hai thủy điện ĐN 6 và 6A nghễu ngện ngoạm vào 150 ha vùng lõi của VQG Cát Tiên, thách thức và chà đạp thiên nhiên và xã hội. Điều này không những cho thấy việc hành xử theo cái kiểu „nhổ ra rồi lại liếm” của các quan chức chính phủ Việt Nam, mà còn là dấu chỉ của việc cố tình đặt mục đích lợi ích nhóm bất chấp các thông tin và số liệu khoa học, trong một bài tôi đã đề cập: vì lợi ích của chủ đầu tư mà chính phủ „cố gọt chân cho vừa giày” để lại „lời nguyền tài nguyên cho đất nước”.
1.3. Vi phạm luật trong nước và thiếu trung thực trong cam kết quốc tế. Luật ĐDSH và các nguyên tắc về ecosystem services/ benefit sharing đã được ban hành và hiệu lực, nhưng chính phủ vẫn bất chấp để ký duyệt hàng loạt các dự án TĐ và các loại công trình khác xâm hại ĐDSH và quyền lợi của các cộng đồng. Vi phạm các công ước quốc tế trong vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên: ví dụ trong trường hợp hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A, việc ký quyết định cho lập và xây dựng 2 dự án này chính phủ VN đã vi phạm trắng trợn công ước Ramsar mà VN đã cam kết. Đó là cách hành xử cuội với dân và lừa đảo quốc tế.
1.4. Không minh bạch trong hệ thống và tiến trình lập và đấu thầu xây dựng dự án: việc cho một chủ đầu tư ví dụ tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) độc quyền một mình một sân khấu với hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A, tiếp tay cho việc làm ăn gian dối và dễ dàng chiếm đoạt tài sản công. Đó là mục đích của độc tài để độc chiếm tài sản của nhân dân của một chính phủ chuyên chế.
1.5. Một hệ thống chính phủ rối như canh hẹ và chằng đụp, chức năng và nhiệm vụ của các Bộ ngành chồng chéo, giành giật về chức năng nhưng né tránh trách nhiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thay vì trách nhiệm cung cấp thông số khoa học kỹ thuật cho Bộ TNMT thì lại ra nghị định chuyển đổi sử dụng đất từ VQG sang làm thủy điện. Bộ Công thương thì ra quyết định thay đổi qui hoạch bất chấp việc chờ đợi kết luận của Bộ TNMT. Việc ra quyết định bừa bãi để chủ đầu tư đạt mục đích khai thác gỗ từ hàng trăm ha VQG dưới chiêu bài xây thủy điện, là ăn cướp tài sản của nhân dân của xã hội làm lợi cho nhóm lợi ích, đó là hậu quả của một chế độ tập trung dân chủ, không tam quyền phân lập. 
1.6. Hệ thống thực thi chính sách ất ơ của VN: chẳng đâu trên thế giới lại có kiểu một báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được gọi là thảm họa như báo cáo của chủ đầu tư ĐLGL đối với hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A, nhưng chính phủ và các Bộ ngành liên quan thay vì phế truất vì năng lực quá kém lại cho chủ đầu tư tiếp tục làm lại, và một BC ĐTM lại được cho chỉnh sửa đến vài lần.
1.7. Căn bệnh mù màu trong việc đưa ra các qui chế và qui định các chỉ số sử dụng trong ĐTM của chính phủ và các nhà khoa học có chức quyền. Một báo cáo ĐTM mà các thông số về số điểm lấy mẫu nghiên cứu rất ít, không đủ đại diện về mặt không gian và thời gian, và chỉ số của các thông số về sinh thái và đa dạng sinh học (ĐDSH) mới hoàn toàn chỉ thể hiện được một phần số liệu về định tính, và hoàn toàn không đưa ra được bất kỳ chỉ số (indicators) nào để quan trắc và đánh giá kể cũng như không đưa ra được bất cứ phương án nào khả thi về các giải pháp giảm thiếu ảnh hưởng của dự án đến ĐDSH từ cấp độ loài đến cấp độ hệ sinh thái như báo cáo ĐTM lần thứ 3 về TĐ ĐN 6 và 6A [2] của ĐLGL vẫn được cho là báo cáo ĐTM „ưu việt” từ trước đến giờ [3]. Thử hỏi mấy thập niên vừa qua chính sách của chính phủ cho phép ồ ạt xây thủy điện đã xóa sổ hàng bao nhiêu diện tích rừng và các loài sinh vật?
2) Chất lượng và sự băng hoại đạo đức nghề nghiệp của các nhà khoa học:
2.1. Việc cắt dán thông tin của các đơn vị kỹ thuật tư vấn và thực hiện ĐTM và của chủ đầu tư là một điều sỉ nhục của giới khoa học VN [2,4,5].
2.2. Từ sự cố tình sử dụng số liệu và phương pháp phân tích số liệu và xây dựng kịch bản không phù hợp, sự gượng ép đưa ra các thông số khoa học mơ hồ đến việc đưa ra các kết luận phản khoa học trong báo cáo ĐTM các nhà khoa học là thành viên trong nhóm tư vấn cho mục đích làm mờ đi những tác hại môi trường sinh thái của các dự án TĐ [6].
2.3. Rất nhiều quan chức phụ trách của khối chính phủ và các thành viên trong hội đồng thẩm định các báo cáo ĐTM yếu về chuyên môn hoặc đã bắt tay với chủ đầu tư để cố tình nhắm mắt với những khuất tất và phản khoa học của các thông tin và số liệu sai một cách lồ lộ trong các bản báo cáo ĐTM. Đây là hậu quả của việc bóp nghẹt các ý kiến phản biện khoa học độc lập, nổi bật là sự sai phạm của Quyết định số97/2009/QĐ-TTg [7].
Từ hai vấn đề 1 và 2 dẫn đến vấn đề 3 dưới đây.
3Chất lượng các công trình thủy điện xây dựng gần đây rất kém, do hai nguyên nhân:
3.1) Tại sao rất ít các sự cố xảy ra đối với các công trình TĐ lâu năm và các công trình hạ tầng khác (kể cả các công trình được xây dựng trong thời kỳ còn chiến tranh). Chuyện rút ruột công trình thay vì đổ bê tông xi măng, thì trộn xi măng lẫn đất (bà đương nhiệm PCT nước đã nói là “người ta ăn mọi thứ, cái gì cũng ăn, ăn ở mọi nơi”). Một công trình thủy điện vừa mới xây xong chưa sử dụng đã nứt, sụt lún, và đổ bể hoàn toàn khi chỉ cần 1 cái ô tô tải húc nhẹ  [8]. Đó là hậu quả của một bầy sâu tham nhũng (cách diễn đạt của ông đương nhiệm Chủ tịch nước) từ thượng tần đến hạ tầng mà nguyên nhân chính là thiếu sự minh bạch trong quản lý của khối chính phủ.
3.2) Yếu kém trong công việc tính toán thiết kế công trình thủy điện. Do thiếu đánh giá sức tải của hệ sinh thái, chính vì thế chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài là ngay tức khác tình thế vượt quá ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái, và đương nhiên những công trình nửa vời đó sẽ bị lật bài, và tiền thuế của dân bị cuốn đi. Đây là hậu quả của việc ngu dốt trong việc sử dụng và quản lý nguồn nhân lực có chất lượng cao của chủ nghĩa cộng sản với nền chuyên chính vô sản mà chính quyền Hà Nội đang sống chết theo đuổi. Nhưng xin được trích dẫn nhận định của GS toán học Nguyễn Tiến Dũng “chuyên chính vô sản về bản chất là chuyên chính vô học” [9]./.
 H.Y.
Tham khảo:
1. http://www.baomoi.com/GSTSKH-Nguyen-Ngoc-LungCao-su-va-thuy-dien-tan-luc-pha-rung/148/12077174.epi
2. BC ĐTM TĐ ĐN 6 và 6A (lần 3)tháng 6 năm 2013 của tập đoàn Đức Long Gia Lai
3. http://vietstock.vn/2013/09/thuy-dien-tay-nguyen-qua-lo-thanh-lo-co-hoi-1351-313441.htm
4. BC ĐTM TĐ ĐN 6 và 6A lần 1 (  ) của tập đoàn Đức Long Gia Lai
5. BC ĐTM TĐ ĐN 6 và 6A lần 2 (  ) của tập đoàn Đức Long Gia Lai
6. Những sai phạm khoa học của hai báo cáo ĐTM (lần 2 và 3) hai dự án TĐ ĐN 6 và 6A của tập đoàn ĐLGL.
7. http://www.viet-studies.info/kinhte/GiaiThe_IDS.pdf
8. http://phapluattp.vn/20130616104249853p0c1015/tu-vu-vo-thuy-dien-ia-krel-2-hang-loat-thuy-dien-thi-cong-au.htm
9. http://zung.zetamu.net/2013/10/th%E1%BA%AFng-trong-chi%E1%BA%BFn-tranh-thua-trong-hoa-binh/

Nhìn nhận đất đai là quyền tài sản

Nam Nguyên, phóng viên RFA

2013-10-21
000_Hkg9106943-305.jpg
Một gia đình người Hmong ăn trưa trong một ngày thu hoạch lúa trên một cánh đồng huyện Mù Cang Chải, Yên Bái hôm 01/10/2013  -AFP photo
 
Vấn đề ‘đất đai sở hữu toàn dân’ được cho là sẽ không có thay đổi trong Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi, khi Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 hiện nay. Tuy vậy giới chuyên gia hy vọng có thể hiến định hoặc làm rõ hơn trong Luật Đất đai về việc xem quyền sử dụng đất là một quyền tài sản.
Theo GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An, bây giờ nếu không dám thực hiện đất nào của dân, của nông dân giao cho họ quyền sở hữu thực sự, thì ổn định xã hội sẽ vẫn là một nan đề. Giáo sư nói:
“Năm 46 bác Hồ đề nghị đưa vô Hiến pháp là đất đai có ba chủ thể, một là công điền, thứ hai là của tập thể, thứ ba là của tư nhân, nông dân. Bây giờ bỏ hết trơn hết trọi…qui định đất đai là của toàn dân. Họ không theo lời bác Hồ dạy, cho nên cứ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bây giờ 70% các vụ kiện tụng, đánh nhau, giết nhau toàn là đất đai hết.
Đã thừa nhận việc chuyển nhượng bằng tiền thì không có cách nào để phủ nhận nó là quyền tài sản của người sử dụng đất.
- GS-TS Đặng Hùng Võ
Cơ bản là Nhà nước muốn đất đai sở hữu toàn dân, nhưng thực sự ở dưới xã ông xã quyết định hoặc ông huyện ông tỉnh, chứ không có toàn dân nào hết trơn. Đây là một kẽ hở để cho tham nhũng nó hoành hành dữ tợn.”
Luật pháp chưa cụ thể minh bạch dẫn tới sự giải thích tùy tiện, cho nên giới chuyên gia đề nghị phải hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Bởi vì nếu không thực hiện như vậy thì cơ chế bảo vệ quyền lợi của người dân là rất mong manh.
GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT được báo chí trích lời nói rằng, trên thực tế luật pháp Việt Nam đã thừa nhận một cách rất rõ việc người dân bỏ tiền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo lời ông: “Đã thừa nhận việc chuyển nhượng bằng tiền thì không có cách nào để phủ nhận nó là quyền tài sản của người sử dụng đất.”
GS-TS Đặng Hùng Võ trình bày lập luận của ông trong một cuộc hội thảo được tổ chức vào ngày 8/10/2013 ở TP.HCM. Theo đó: “Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng quyền sử dụng đất là tài sản hoặc quyền tài sản của người sử dụng và Nhà nước bảo đảm quyền ấy trong Hiến pháp, để tránh những nguy cơ người sử dụng đất phải đối mặt khi bỏ một khối tài sản ra cho việc này.”
Trả lời chúng tôi, LS Nguyễn Văn Hậu phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc chỉ cần qui định cơ bản, còn chi tiết thì nên để các bộ Luật Đất đai hay Luật Nhà ở qui định. Thí dụ như thế nào là sử dụng ổn định lâu dài hoặc đền bù như thế nào khi thu hồi đất. LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng, bản thân các luật hiện hành đã công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản rồi. LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:
“Tôi nghĩ rằng, đó là cách sử dụng từ ngữ thôi, trong thực tiễn đất đai đã là tài sản rồi; những người làm luật đã qui định rõ đất đai là một loại hàng hóa đặc biệt và đó là quyền tài sản. Người ta đã định giá đất trong những văn bản dưới luật, thí dụ giá đất ở TP.HCM hay giá đất ở nông thôn, thì đã thể hiện giá trị quyền tài sản; khi bị thu hồi thì nó phải thể hiện giá trị tài sản đó là giá thị trường. Khi thu hồi đất thì phải theo cơ chế ngang bằng giá trị thị trường, người bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Tôi cho rằng qui định như thế là phù hợp.”

Phải bỏ quy định thu hồi đất

Trả lời chúng tôi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nói rằng, nếu Hiến pháp được sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên đất đai là sở hữu toàn dân, thì Luật Đất đai sửa đổi cần kéo dài thời hạn sử dụng đất đủ lâu dài dể người dân an tâm đầu tư, nhất là đất nông nghiệp. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:
Phải bảo đảm quyền sử dụng đó là quyền được luật pháp công nhận như là một quyền tài sản và đã là quyền tài sản thì là bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng tài sản của họ kể cả Nhà nước thì phải mua chứ không phải thu hồi. Vì vậy cho nên trong Hiến pháp điều qui định về đất đai cũng như Luật Đất đai phải rất chú trọng điều về thu hồi đất.”
Phải bảo đảm quyền sử dụng đó là quyền được luật pháp công nhận như là một quyền tài sản và đã là quyền tài sản thì là bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng tài sản của họ kể cả Nhà nước thì phải mua chứ không phải thu hồi.
- CGKT Phạm Chi Lan
Hầu như các ý kiến của giới khoa học, chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều dứt khoát cho rằng phải bỏ qui định Nhà nước có thể thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế, phần đã được thêm vào trong Luật Đất đai 2003 đi sau các lý do thu hồi đất vì an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng.
LS Nguyễn Văn Hậu nhận định:
Theo quan điểm cá nhân, nên hạn chế việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, tốt nhất là nên bỏ hẳn điều đó….Vì mục đích an ninh, quốc phòng, công cộng thì mọi người đồng ý; nhưng vì mục đích phát triển kinh tế vì lợi ích một nhóm người, một tập thể nhỏ thì phải tính toán lại, không nên qui định điều đó.”
Đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì các lý do chính đáng như an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng, LS Nguyễn Văn Hậu nói rằng người dân phải được bồi thường thỏa đáng. Ông nói:
“Người dân muốn rằng khi bị thu hồi quyền sử dụng đất thì Nhà nước phải trả giá trị quyền sử dụng đất cho họ bằng hoặc là tốt hơn vị thế mà họ đang có. Làm như thế thì việc tranh chấp đất đai sẽ giảm rất nhiều. Việc định giá như thế nào thì hội hội đồng định giá phải định giá thực là giá trị tài sản đó. Giải quyết được bài toán này thì việc tranh chấp đất đai sẽ không như thời gian vừa qua.”
Một bản Hiến pháp dân chủ hơn, từ đó Luật Đất đai sửa đổi có thể hợp lòng dân hơn là điều Quốc hội Việt Nam phải gánh vác. Nhưng nói theo nhiều người, Một Quốc hội của Nhà nước Cộng sản là để phục vụ lợi ích và quyền lực của Đảng. Hiến pháp còn đứng sau Cương lĩnh Đảng thì khi nào Đảng chấp nhận cải cách, lúc ấy mới có cải cách.

Kỳ họp quốc hội dài nhất với những trông đợi nhỏ



000_Hkg9116356(1)-305.jpg
Toàn cảnh buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 của Việt Nam hôm 21/10/2013.
AFP photo

 Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 của Việt Nam đã chính thức khai mạc vào ngày 21 tháng 10. Đây được coi là kỳ họp quốc hội dài nhất trong nhiệm kỳ với nhiều thảo luận lớn liên quan đến hiến pháp, luật đất đai là những vấn đề nóng hiện nay tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những người quan tâm đến hoạt động quốc hội chỉ dám hy vọng vào những thay đổi rất nhỏ. Việt Hà phỏng vấn luật sư Trần Quốc Thuận, ủy viên Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
  
Khó có thay đổi lớn
 Trước hết, luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra nhận xét về những thay đổi được trông đợi trong kỳ họp quốc hội lần này như sau:

Bởi vì như chúng ta biết quốc hội Việt Nam là quốc hội mà có lẽ là do một đảng lãnh đạo nên tỷ lệ đảng viên rất cao, chiếm đến 92,26% là đảng viên. Như vậy thì hiến pháp và luật đất đai đã được định hình trong các hội nghị trung ương, và đặc biệt là triển khai theo tinh thần cương lĩnh của đảng, đại hội đảng vừa qua. Vì thế cho nên khả năng có gì đột biến khác hơn thì tôi cho rằng không có cái gì. Nhưng nếu quốc hội được thảo luận công khai và truyền hình trực tiếp thì khả năng có lẽ một số chỗ chữ nghĩa được chấn chỉnh chặt chẽ hơn, tốt hơn. Cũng như cái phát biểu của mặt trận tổ quốc, ví dụ như giải tỏa đất đai và kinh tế xã hội mà người ta phản ứng đó, thì phát biểu của mặt trận tổ quốc cũng là một phát biểu rất đáng lắng nghe và có uy thế. Nếu điều đó được đưa vào hiến pháp, luật đất đai thì đó cũng là một dấu hiệu tiến bộ. Còn muốn làm cho nó chuyển biến cơ bản những vấn đề lớn thì khả năng làm thay đổi lớn thì theo tôi khó xảy ra. Ví dụ như điều 4 hay một số vấn đề về sở hữu đất đai.

Việt Hà: Như vậy là thay đổi trong điều 4 sẽ không xảy ra, và vấn đề sở hữu đất đai vẫn là sở hữu toàn dân và có nghĩa là sở hữu nhà nước. Vậy theo luật sư thì những thay đổi nhỏ hơn cụ thể là gì?

LS. Trần Quốc Thuận: Để xem điều 4 họ viết lại như thế nào, họ viết nó mềm mỏng hơn hay thế nào, nhưng thay đổi cơ bản bản chất của điều 4 thì không thay. Đất đai thì như tôi nói có chỗ là giải tỏa vì kinh tế xã hội có thể chỗ có khúc mắc và chỗ đó có thể may ra quốc hội tháo gỡ chỗ đó. Sở hữu toàn dân về đất đai thì chỗ đó không gỡ được. Còn những vấn đề khác, ví dụ như chương 2 nói về nhân quyền và nghĩa vụ công dân thì nếu vấn đề nhân quyền viết lại nó tốt hơn, nếu cắt bớt chữ đuôi vừa viết vừa chặn, ví dụ như dùng chữ không được lợi dụng tự do dân chủ đề làm chuyện này chuyện kia, cái câu vừa cho vừa chặn lại, kiểu đó… sau này những cái lần phát biểu thì người ta muốn cắt bớt những chữ đó đi, cắt bớt đi thì đúng tinh thần của hiến pháp 46. Nếu quốc hội làm được điều đó thì cũng là một tiến bộ.
Hiến pháp và luật đất đai đã được định hình trong các hội nghị trung ương. Vì thế cho nên khả năng có gì đột biến khác hơn thì tôi cho rằng không có cái gì.
- LS. Trần Quốc Thuận
 Vấn đề tiếp theo là lực lượng vũ trang, cũng viết lại cho đàng hoàng như hiến pháp 92 hoặc các hiến pháp khác thì tốt không cần viết lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với đảng, không cần thiết. Làm như vậy không phải để đảng có uy tín mà ngược lại. Điều đó không tốt. Còn một điều quan trọng nữa là Chủ tịch nước trực tiếp bổ nhiệm bãi nhiễm tướng lĩnh công an quân đội, những cái đó cũng mới. Điều quan trọng nhất, tôi quan tâm nhất là tôi chưa xem bản cuối cùng để thảo luận thế nào. Tức là hội đồng hiến pháp, trong nhiều hội thảo tôi góp ý rồi là nếu hội đồng hiến pháp ý là cơ quan tham mưu giúp việc thế này thì lâp ra thế tốn phí nhà nước vô lối. Nó chỉ là cơ quan tham mưu.

Nhưng hội đồng hiến pháp nó có quyền quyết định, tức là khi nó xem xét vấn đề gì mà nó thấy vi hiến thì nó có thể ban hành đình chỉ hoặc hủy bỏ. Mà nếu hội đồng hiến pháp được như vậy thì cũng là một dấu hiệu tích cực. Còn khả năng để tòa án độc lập thì khả năng đó cũng thấp. Hiện giờ đang có cải cách tư pháp, những ý kiến của bộ chính trị thì nghị quyết đó cũng nói nhiều là phát huy vai trò của luật sư nhưng trên thực tế không đơn giản gì.

Muốn hội nhập phải thay đổi

 000_Hkg9116351-200.jpg

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bước lên bục để đọc báo cáo kinh tế trong lễ khai mạc phiên họp thường niên của Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/10/203. AFP photo

Việt Hà: Theo luật sư thì những thay đổi đó không lớn mà chỉ là những thay đổi nhỏ nhưng cũng là các dấu hiệu tích cực, vậy những thay đổi đó  ảnh hưởng đến người dân thế nào?

LS. Trần Quốc Thuận: Cái đó mà được thay đổi, kỳ này được phát biểu công khai, được hưởng ứng thì nó tạo ra một tiền đề, nó tạo ra tiếng nói rộng rãi. Tôi cho rằng nếu mà vậy thì manh nha của một xã hội dân sự xuất hiện chăng. Bây giờ người ta nói đến diễn đàn xã hội dân sự, thành lập hội đoàn, câu chuyện đó ở Việt Nam cũng không đơn giản. Nhưng nếu không bị ràng buộc quá thì các blogger có điều kiện ở diễn đàn nói được những tiếng nói dân chủ thì đó cũng là một dấu hiệu tốt. Nó có thể là tiền thân cho báo tư nhân, tự do dân chủ. Con đường của Việt Nam là một con đường dài chứ không thể một sớm một chiều.

Việt Hà: Cứ coi như là chúng ta lạc quan, và hy vọng có những thay đổi nhỏ trong hiến pháp và luật đất đai như luật sư vừa nói, theo luật sư thì nguyên nhân nào, yếu tố nào dẫn đến các thay đổi như vậy?

LS. Trần Quốc Thuận: Thứ nhất là người dân trong nước lần lần khai được dân trí, họ hiểu ra. Và số người vào internet là rất đông. Theo thống kê ở Việt Nam là đến 33 triệu. Nhưng số vào internet đó mà quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội thì tỷ lệ rất thấp. Nhưng nếu hiến pháp được thảo luận công khai trong quốc hội, mở một diễn đàn thảo luận công khai trên quốc hội, thảo luận trực tiếp thì nó tác động đến việc nâng nhận thức của tuổi trẻ và họ tham gia vào thì đó là dấu hiệu tích cực. Thì nguyên nhân rõ ràng nhất là lòng dân.  Người ta thấy là không thể bịt miệng người ta được và người ta cứ nói nếu không nghe thì có thể có những hậu quả khó lường.
Điều quan trọng nhất là Việt Nam muốn hội nhập, muốn vào TPP, hội nhập với thế giới, với khu vực, hợp tác chiến lược với các nước thì Việt Nam không thể cứ là một xã hội toàn trị được.
- LS. Trần Quốc Thuận
Điều quan trọng nhất là Việt Nam muốn hội nhập, muốn vào TPP, hội nhập với thế giới, với khu vực, hợp tác chiến lược với các nước thì Việt Nam không thể cứ là một xã hội toàn trị được. Tôi không biết được là họ sẽ mở ra như thế nào. Nhưng theo tôi áp lực về kinh tế, áp lực về thế giới là như thế. Bây giờ thông tin nó bùng nổ như thế, thì những dư luận và những thông tin về dân chủ xã hội đang rộng rãi ra và ảnh hưởng rất sâu rộng, đây là nguyên nhân lớn. Cho nên có hai nguyên nhân lớn là nguyên nhân của lòng dân và nguyên nhân của xu thế.

Việt Hà: Theo dõi hoạt động quốc hội từ trước đến nay thì luật sư thấy quốc hội đã đảm trách tốt vai trò giám sát của mình chưa?

LS Trần Quốc Thuận: Quốc hội mãi từ trước đến giờ thì khâu giám sát vẫn là khâu yếu nhất. Thực ra trước diễn đàn mà nói thì nó có những dấu hiệu tích cực nhưng những dấu hiệu tích cực đó rất là hạn chế. Nó chỉ xuất hiện rất ít những đại biểu độc lập như trước đây là ông Nguyễn Minh Thuyết hay bây giờ là Dương Trung Quốc. Còn một số đại biểu thì có thể đây là nhiệm kỳ cuối cùng thì có thể họ phát biểu mạnh. Khâu yếu nhất từ trước tới giờ là khâu giám sát. Mà giám sát đó là giám sát phải có nghị quyết, thực hiện nghị quyết và kiểm tra nghị quyết đó tới nơi tới chốn. Đó luôn luôn là khâu yếu nhất bởi vì một rào cản vì quốc hội này trong một xã hội toàn trị do một đảng lãnh đạo thì họ không thể làm gì trái lại ý của Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị đã quyết. Cái đó thì khó mà tháo ra được.
 Việt Hà: Xin cảm ơn luật sư.

Quốc hội cuối 2013: “Sở hữu đất đai” có mảy may tiến hóa?


Người dân Việt đang tự hỏi sẽ còn xảy ra bao nhiêu vụ Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết nữa ở nông thôn miền Bắc và dắt dây vào khu vực miền Trung và Nam bộ.

Tất cả cứ như cùng dắt tay nhau xuống hố…

Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam

2013-10-21

Nếu “sở hữu đất đai toàn dân” vẫn chưa có gì tiến hóa trong kỳ họp quốc hội cuối năm 2013, các nhóm lợi ích vẫn ung dung trục lợi với sự “bảo kê” mới từ bản tân Hiến pháp về cơ chế thu hồi đất.

Viên mãn

Sau khi hội nghị trung ương 8 vào tháng 10/2013 của Đảng cầm quyền viên mãn, hầu như không có hy vọng nào cho một tư duy tiến hóa hơn về quyền sở hữu đất đai của người dân.
Giờ đây và là lần thứ hai trong năm 2013, các đại biểu quốc hội lại có cơ hội “sôi nổi góp ý” về bản hiến pháp đã được tu chỉnh không ít lần về một chủ đề hầu như đã được mặc định trong những chính kiến được bắt vít với điều 4 hiến pháp.
Nhưng khác hẳn với kỳ họp quốc hội vào giữa năm 2013, vào lần này người vừa đưa ra tuyên bố “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” dường như tỏ ra quyết tâm hơn nhiều đối với việc Hiến pháp phải được chính thức thông qua vào cuối năm nay.
Và có lẽ quyết tâm tân trang hiến pháp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng liên quan phần nào đến hiện tượng vắng bóng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng tại hội nghị trung ương 8, cho dù từ quý đầu năm nay ông Trọng đã tỏ ra bức xúc về vấn đề này như một nhiệm vụ then chốt của các “đày tớ”.
Nếu Hiến pháp mới vẫn được sao y trọn vẹn tinh thần của “bản gốc” năm 1992, tất nhiên sẽ chẳng có một cuộc đổi thay tinh thần nào cho người dân, cho dù từ đầu năm 2013 đến nay đã có quá nhiều và quá đủ ý kiến từ dân chúng cho rằng nhân dân phải có quyền định đoạt – sở hữu về mảnh đất của chính mình, chứ không thể mãi mãi chỉ vay mượn khái niệm “quyền sử dụng” – một cái cớ để bất cứ một nhóm lợi ích nào cũng có thể lợi dụng nhằm đẩy đuổi dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn.

Thụt lùi

Cần nhắc lại, ngay trước kỳ họp quốc hội giữa năm 2013, Chính phủ đã gửi đến Ủy ban thường vụ quốc hội một đề xuất rất đáng quan tâm: “Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế xã hội””.

Cho tới thời điểm trên, việc giải quyết khiếu tố đất đai vẫn hết sức nóng bỏng ở Việt Nam, với khoảng 80% đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai và hơn 70% trong số đơn thư đó nhằm tố cáo rất nhiều sai phạm của các chính quyền địa phương về công tác bồi thường, cưỡng chế giải tỏa, tái định cư…
Ngược chiều với tuyên ngôn “công an và thanh tra là bạn của dân”, nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã bị quy chụp cho cái mũ “tụ tập mang màu sắc chính trị” và đã bị đàn áp nặng nề.
Thế nhưng trong một kỳ họp mà giới quan sát mô tả là có đến hàng trăm nghị sĩ bị “thoái khẩu”, vẫn không có một cải cách xứng đáng nào được đưa ra liên quan đến Luật đất đai. Trái ngược với mong mỏi của người dân về quyền sở hữu đất cần được quy định trong luật, dự thảo hiến pháp vẫn cho rằng: vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu; đặc biệt là vẫn thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội.
Song tiếng nói người dân ngoài nghị trường lại vang dội: nếu không đưa đất đai về đúng bản chất thật của nó là quyền sở hữu của nhân dân và pháp luật vẫn tạo điều kiện cho những chủ đầu tư phát huy một cách quyết liệt lòng tham của họ, rất nhiều bất công vô lối vẫn sẽ xảy ra với người dân bị thu hồi đất, sẽ còn nhiều cuộc khiếu tố đông người và biểu tình bùng nổ ở nhiều địa phương trong cả nước.
Trong tận cùng tâm não của mình, dường như Đảng và Quốc hội vẫn chưa nhận ra những sự kiện Ô Khảm ở Trung Quốc vào cuối năm 2011 và Tiên Lãng ở Việt Nam vào đầu năm 2012 đã có thể quá đủ để cấu thành một bài học nhãn tiền cho những gì có tính quả báo thời nay.
Thậm chí vào trung tuần tháng 3/2013, trong một tư duy không thể hoang tưởng hơn, phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội là ông  Phan Xuân Dũng đã đề một “phát kiến”: “Cần có quy định bắt buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản tiền đặt cọc. Thua thì coi như mất tiền đặt cọc, còn kiện đúng thì tiền cọc mới được nhà nước hoàn trả”.
Chưa bao giờ từ năm 1990 đến nay, Quốc hội lại mang dấu ấn thụt lùi đến mức như thế khi đối diện với dân sinh, dân oan và với chính mình.

Tự xử

Ngoài những nội dung khá mờ nhạt trong thông báo kết luận sau hội nghị trung ương 8 vào tháng 10/2013, có lẽ dấu ấn duy nhất lại thuộc về một sự “hiệp thông” nào đó giữa nhóm “cương lĩnh đảng cao hơn hiến pháp” với những người điều hành bánh xe của hiến pháp. Trong không khí đồng thuận đáng ngạc nhiên về đánh giá “nền kinh tế vẫn tiếp tục ổn định và phát triển”, không có bất kỳ nội dung nào được nhấn mạnh về thảm cảnh lợi dụng thu hồi đất để trục lợi đã tràn ngập ở các tỉnh thành và tạo nên vô số dân oan khiếu kiện.
Bối cảnh kỳ họp quốc hội vào cuối năm 2013 lại khác khá nhiều với thời điểm giữa năm. Vào tháng 9/2013, trong lúc 7 đoàn kiểm tra chống tham nhũng của Đảng vẫn chưa phác ra bất kỳ manh mối nào về kết quả “vi hành”, Thái Bình đã một lần nữa, sau “cách mạng” 1997, nổ ra hành vi nông dân Đặng Ngọc Viết xả súng giết chết vài cán bộ của Trung tâm quản lý quỹ đất của tỉnh này. Vụ việc chưa từng có ấy đã lập tức gây chấn động trong toàn bộ hệ thống công quyền và buộc các thành viên của Ủy ban thường vụ quốc hội một lần nữa phải thảng thốt về đường lối “tự xử” của dân chúng.
Vẫn là nguồn gốc đền bù thiếu thỏa đáng, vẫn là cách hành xử vô cảm và vô tâm của giới quan chức, cùng thói quen sẵn sàng dùng “công an trị” để xử lý tình huống bất mãn của dân chúng mà đã đẩy không ít dân oan vào thế cùng tắc biến.
Sau một năm rưỡi kể từ vụ dùng súng hoa cải và mìn tự tạo “chống người thi hành công vụ” của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, câu chuyện Đặng Ngọc Viết đã “nâng lên một tầm cao mới” với tâm thế chủ động trả thù đối tượng cưỡng chế. Đó cũng là một dạng không thể đặc biệt hơn trong tâm lý “hồi tố” của dân chúng đối với chính quyền – tiền đề mà rất có thể sẽ dẫn tới những xung đột với quy mô ghê gớm hơn nhiều trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, quán tính rung đùi vẫn chưa thể tiến hóa từ hội nghị trung ương 4 về ‘”chỉnh đảng” cho đến nay. Dù nhấn mạnh về “bất ổn xã hội”, nhưng áng văn của những bản thông báo kết luận hội nghị vẫn không toát lên bất cứ can đảm cải chính nào đối với dân chúng, chưa nói đến việc sửa sai.

Xuống hố

Không khí trì trệ không chỉ não trạng mà cả hành vi trong Đảng càng khiến cho các nhóm lợi ích thừa cơ tung hoành. Vào đầu tháng 10/2013, hàng loạt vụ cưỡng chế đã dồn dập xảy ra ở Văn Giang thuộc Hưng Yên và Trịnh Nguyễn thuộc Bắc Ninh. Không chỉ hiện diện sắc phục công an, hình ảnh tái hiện của những nhóm côn đồ càng khiến lớp dân oan sôi máu.
Những vụ việc thu hồi đất bất chấp đạo lý như thế lẽ ra đã “thành công tốt đẹp” – cụm từ thường thấy mỗi khi kết thúc một hội nghị quan trọng nào đó trong nội bộ, nếu không nổi lên cơn bão “quyết tử giữ đất” của người dân địa phương.
Những cuộc cưỡng chế trên lại xảy ra chỉ ít ngày sau chuyến công du đối ngoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Paris và New York, với bài phát biểu của ông Dũng được báo đảng tôn vinh là “rất nhân văn”.
Vậy quan điểm của Chính phủ – cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý đất đai cùng vô số hậu quả từ thực trạng thu hồi đất vô lối và bất công từ nhiều năm qua – như thế nào?
Khác hẳn với kỳ họp quốc hội giữa năm nay, vào lần này đã không có bất cứ đề xuất nào của Chính phủ về Luật đất đai và những vấn đề liên quan. Động cơ này dường như chẳng ăn nhập gì với một khẩu hiệu mà giới lãnh đạo hành pháp giương lên vào trước kỳ họp quốc hội giữa năm nay “Quyền phúc quyết thuộc về nhân dân”.
Ngay cả hiện tồn quá hỗn độn và gây tranh cãi diện rộng từ giữa năm về chuyện có thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội hay không cũng không hề được giới quan chức chính phủ đả động.
Với không khí bùng nhùng thiên về “hiệp thông chính trị” trong nội bộ, có lẽ không quá khó để hình dung chủ đề “sở hữu đất đai toàn dân” vẫn chưa có gì tiến hóa trong kỳ họp quốc hội cuối năm 2013, nhân dân các địa phương và ngay tại Hà Nội vẫn chỉ có thể vay mượn “quyền sử dụng “ trên chính mảnh đất cha ông của mình. Còn các nhóm lợi ích vẫn ung dung với sự “bảo kê” mới từ bản tân Hiến pháp về cơ chế thu hồi đất.
Người dân Việt đang tự hỏi sẽ còn xảy ra bao nhiêu vụ Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết nữa ở nông thôn miền Bắc và dắt dây vào khu vực miền Trung và Nam bộ.
Tất cả cứ như cùng dắt tay nhau xuống hố…
(Phạm Chí Dũng, Việt Nam 21-10-2013)
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

6 ĐỜI CHỦ TỊCH QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG TRUNG HOA

Bài đọc liên quan:
Với tự tưởng: "Họng súng đẻ ra chính quyền", Mao Trạch Đông đã biến Trung Hoa thành một chế độ phong kiến tập quyền kiểu mới. Khi ông đã một mình thâu tóm quân đội, chỉ cần làm chủ tịch đảng cộng sản ở Trung Hoa, mà không cần giữ chức vị chủ tịch nước. Mà thực ra ông chả cần giữ chức nào cả ngoài chủ tịch quân ủy trung ương. Với nó, ông làm mưa làm gió, muốn giết bất kỳ ai, bỏ tù hay đày họ đi tù khổ sai. Nó là tiền đề để thấy 6 đời chủ tịch quân ủy trung ương Trung Hoa là cái để đáng nghiên cứu nhà nước Trung Hoa hơn bất kỳ lĩnh vực nào.
Có thể nói, trong 6 đời chủ tịch quân ủy trung ương Trung Hoa chỉ sáng giá có 2 đời là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Bốn đời còn lại chỉ là những người làm theo, cố bảo vệ sự đoàn kết giả tạo trong đảng cộng sản ở Trung Hoa, hơn là có bất kỳ một tư tưởng mới nào để giúp Trung Hoa như hôm nay.
Đời thứ nhất là Mao, ông có 3 phần công lớn. Thống nhất và bành trướng lãnh thổ Trung Hoa hôm nay gấp 3 lần so với thời cuối nhà Thanh. Tân Cương, Nội Mông và Tây Tạng là 3 vùng đất được Mao quan tâm và xâm lược ngay sau khi nắm quyền vào ngày 01/10/1949.
Chiếm chỗ của Đài Loan tại 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thúc đẩy giới khoa học Trung Hoa bằng mọi giá phải có bom hạt nhân để bảo vệ quyền lực Trung Hoa trường tồn là công lao to lớn thứ hai của Mao.
Giết chết toàn bộ thành phần trí thức, kể cả dân chúng cùng đồng cam cộng khổ với Mao trong Vạn lý Trường chinh, chỉ để lại thành phần vai u thịt bắp trong chính quyền trung ương, để thực hiện trọn vẹn một thể chế chính trị phong kiến tập quyền kiểu mới ở Trung Hoa.
Ba tư tưởng của Mao: Giữ lấy súng để nắm quyền lực tuyệt đối. Hai cái phàm là để tạo sự trung thành và đoàn kết giả tạo trong đảng hòng ăn chia. Thâu tóm truyền thông hòng ngu dân và tiêu diệt bất kỳ ai trong chính quyền và ngoài chính quyền, để thực hiện mọi "sáng kiến" bệnh hoạn của Mao, như Đại nhảy vọt và Đại cách mạng văn hóa.
Có thể tóm lược đời chủ tịch quân ủy trung ương của Mao có công đặt nền tảng cho nhóm lợi ích của đảng cộng sản ở Trung Hoa, và cộng sản thế giới, giúp Trung Hoa và các đảng cộng sản còn sót lại đứng vững. Trung Hoa có tiếng nói với những cường quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, nhưng có tội với nhân dân Trung Hoa.
Đời thứ hai là Hoa Quốc Phong, chỉ nắm chức này trong 4 năm, và mờ nhạt dưới cái bóng của ông Đặng Tiểu Bình. Tuy đóng vai trò trung gian, nhưng ông Hoa Quốc Phong đã có công lớn, khi ưng thuận để ông Đặng tiêu diệt bè lũ 4 tên: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, và Vương Hồng Văn. Tứ nhân bang này là những con chó trung thành của Mao dùng cho những kế hoạch bệnh hoạn của ông ta. Nhưng Mao cũng rất sáng suốt khi giết sạch thành phần trí thức muốn cho Trung Hoa nhân bản và tự do dân chủ, đồng thời cũng để sống họ Đặng để thực hiện kế sách lâu dài của mình. Mao cũng sáng suốt khi để lại di chúc đưa Hoa Quốc Phong lên kế vị, hòng làm bước đệm để tiêu diệt tứ nhân bang và ủng hộ Đặng.
Đời thứ ba Đặng Tiểu Bình, sau khi tiêu diệt Tứ nhân Bang, Đặng đã ép Hoa Quốc Phong về vườn và nắm quyền bính. Đặng có hai tư tưởng lớn và kế thừa 3 tư tưởng của Mao. Năm tư tưởng này được 3 đời sau thực hiện như là kim chỉ Nam cho đảng cộng sản ở Trung Hoa.
Tư tưởng mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột thì dùng. Nó đã giúp Trung Hoa có 30 năm phát triển kinh tế thần kỳ, mà lịch sử nhân loại chưa bao giờ ghi nhận được bất kỳ một xã hội nào có được sự thần kỳ này. Nhưng, những gì Đặng tuân theo 3 tư tưởng của Mao đã để lại một vết nhơ lịch sử trong vụ Thiên An Môn 1989.
Tư tưởng thứ hai của Đặng là lời di chúc để lại cho thế hệ mai sau - thâu quang dưỡng hối: ẩn mình chờ thời cơ - nhưng khi Hồ Cẩm Đào tưởng rằng Trung Hoa đủ sức mạnh để bá chủ châu Á và tiến đến soán ngôi Hoa Kỳ để cai trị thế giới, sau khi Trung Hoa trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm tổng sản lượng xuất khẩu 30% toàn cầu, thì di chúc này của Đặng đã bị xao nhãng. Hôm nay Trung Hoa đang bị cái bong bóng đầu tư công, chạy theo tỷ lệ tăng trưởng giả tạo làm giảm tăng trưởng bắt buộc, thì tư tưởng này được họ Tập tuân thủ nghiêm ngặt.
Đời thứ tư là Giang Trạch Dân, ông là chiếc bóng của Đặng từ trước sự kiện Thiên An môn đến hết thời kỳ ông nhậm chức. Ông chỉ làm và thực hiện đúng 5 tư tưởng của Mao và Đặng đã đẻ ra.
Nên trước khi qua đời, Đặng có một câu nói rất thân tình với ông là, chú làm việc tôi rất yên tâm. Để trả ơn cho Đặng, ông Giang đã bỏ qua tội tham nhũng 20 triệu đô la Mỹ của con trai Đặng với các tập đoàn lớn của phương Tây vào làm ăn với Trung Hoa. Mặc dù, thủ tướng Chu Dung Cơ quyết làm ra ánh sáng vụ này, nhưng Giang nghe lời khuyên của Dương Thượng Côn, vuốt mũi phải nễ mặt, và nên cho chìm xuồng để giữ sự đoàn kết trong đảng. Đây là tiền đề để tham nhũng trở thành quốc nạn của Trung Hoa hiện nay. Dù sao thì Giang cũng đã thực hiện được di nguyện của Đặng chọn một người xuất sắc, thế hệ có học bài bản, và có thực tiễn quản lý như Hồ Cẩm Đào thuộc phái Đoàn hệ lên kế vị.
Đời thứ năm là Hồ Cẩm Đào, ông thuộc phái đoàn hệ, xuất thân là kỹ sư thủy lợi, đi lên bằng chính năng lực của bản thân, có kinh nghiệm quản lý ở Tân Cương, ... Ông đã đẩy mạnh phát triển đầu tư công trên khắp Trung Hoa, và bành trướng thị trường thương mại, xây dựng toàn cầu. Ông quyết chiếm lĩnh nguồn nước châu Á, bằng việc xây dựng điên cuồng những đập thủy điện khắp các con sông có nguồn nước ngọt từ cao nguyên Tây Tạng. Vì Tây Tạng chiếm giữ 80% nguồn nước ngọt ở các dòng sông châu Á. Bằng 2 cách chiếm lĩnh thị trường và nguồn nước này ông muốn nắn gân các quốc gia láng giềng. 
Về đối nội, ông Hồ Cẩm Đào đưa ra sách lược mỵ dân với tư tưởng, xã hội hài hòa. Nhưng xã hội Trung Hoa là một thùng thuốc súng, khó lòng hòa hợp và hòa bình chung sống giữa dân với đảng cộng sản đang ngày một thoái hóa biến chất thành một đảng xấu xa nhất của lịch sử nhân loại, vì cơ chế tập quyền đơn nguyên của nó. Văn hóa suy đồi, chính trị bất an, mất lòng hầu hết toàn cầu, kinh tế đang khủng hoảng, loạn sắc tộc là những gia tài mà 3 đời trước của các chủ tịch quân ủy trung ương Trung Hoa để lại cho thế hệ thứ sáu hiện nay phải giải quyết. Một bài toán vô cùng khó khăn cho thế hệ Thái tử đảng.
Đời thứ sau là Tập Cận Bình - Thái tử đảng. Sở dĩ cần đến thế hệ thái tử đảng là nhằm củng cố lại quyền
lực theo tư tưởng của Mao - súng đẻ ra chính quyền. Ông Hồ Cẩm Đào không là thế hệ của Vạn lý Trường chinh, nên dù là chủ tịch quân ủy trung ương, nhưng quyền nắm quân đội của ông không được trọn vẹn. Nếu ai có đọc những bài viết trên tạp chí Tiên Tiêu ở Hongkong vào nhiệm kỳ sau của ông Hồ Cẩm Đào, thì sẽ thấy việc làm ăn, triệt hạ nhau trong quân đội cấp cao của các tướng lĩnh vùng có xuất thân từ Thái tử đảng, mà không cần quan tâm đến ý kiến của Hồ Cẩm Đào, sẽ thấy tại sao Trung Hoa cần một chủ tịch quân ủy trung ương xuất thân từ Thái tử đảng.
Hai Thái tử đảng được chọn, là Tập Cận Bình đi từ sự cơ cấu từ trên xuống, và Bạc Hy Lai được uy tín từ cơ sở đi lên như Hồ Cẩm Đào. Nhưng họ Bạc đã thua ván cờ tàn, khi một tỉnh Tứ Xuyên không thể cứu ông ta so với những cựu lãnh đạo đã chọn họ Tập.
Tập cũng không có gì mới trong tư tưởng. Sau khi ngồi vào ghế nóng, Tập làm một vòng công du toàn cầu từ Phi sang Âu, đến Mỹ và về Á để vỗ về, để thực hiện việc thâu quang dưỡng hối mà Đặng để lại. Với đối nội, Tập vỗ an đảng viên cao cấp rằng, chỉ có chó săn và chó kéo xe mới chết trong đợt chống tham nhũng của ông ta, chó kiểng không bao giờ chết, hòng ru ngủ dân chúng đang cùng khổ.
Vấn đề cam go nhất của Tập không phải là vấn đề đối nội và đối ngoại ngoài đảng, mà vấn đề của Tập là sách lược đổi mới chính trị và cải tổ kinh tế Trung Hoa làm sao cho các đảng cùng ăn chia với ông ta không mất lòng. 
Nhưng với những gì Tập đã làm trong gần 1 năm qua cho thấy, Tập đang quay về ôn 3 cái cũ của Mao và 2 cái ý tưởng của Đặng để thực hiện hết nhiệm kỳ của mình. Cũng đúng thôi, xuất thân từ một người lính, sau đó được cơ cấu bằng lý lịch, và sau khi có chức tước mới có bằng cấp thì Tập làm sao có được khả năng tư duy tầm cho một quốc gia to lớn cả về lịch sử, văn hóa, dân số và diện tích cũng như vị thế của Trung Hoa? 
Có lẽ 2 nhiệm kỳ của Tập cũng chỉ là đi lại lối mòn mà Mao và Đặng đã vạch ra. Tương lai của 1/4 nhân loại của Trung Hoa, và của các chư hầu của Trung Hoa vẫn còn cùng khổ, dưới những gì mà Tập không thể có khả năng thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét