Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Bài đáng chú ý: Tiếng súng Tiên Lãng, tiếng súng Thái Bình

Võ Văn Tạo - Tiếng súng Tiên Lãng, tiếng súng Thái Bình

Có vẻ như tiếng súng anh em nhà họ Đoàn nổ ở Tiên Lãng chưa đủ đánh thức nhà nước điều chỉnh kịp thời chính sách thu hồi, bồi thường đất đai bất công hiện nay.
Chiều 11-9-2013, người đàn ông ở TP Thái Bình (theo láng giềng vốn rất hiền lành), tên là Đặng Ngọc Viết, đến trụ sở UBND tỉnh Thái Bình, hỏi tên để tìm mặt các quan chức Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Bình, rồi bất ngờ rút súng rulo nhằm đầu các cán bộ, liên tiếp nổ súng, làm một Phó giám đốc Trung tâm này thiệt mạng sau khi được đưa đi cấp cứu, ba cán bộ khác trọng thương.
Rời khỏi hiện trường, ông Viết bắn vào tim, tự sát. Người nhà cho biết, ông Viết đã chuẩn bị sẵn di ảnh của mình. Mặc dù cơ quan chức năng chưa công bố đầy đủ thông tin vụ này, qua báo chí phản ánh, đã xác định được nguyên nhân: bất bình thu hồi, bồi thường đất đai. Trước đó khoảng một tháng, gia đình ông Viết không đồng ý phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do Trung tâm áp đặt. Đang đi làm xa ở TP HCM, cách nay một tuần, ông Viết trở về Thái Bình. Thái Bình quê lúa hiền hòa bao đời của ông Viết, sau vụ nông dân rầm rộ nổi dậy năm 1997 chống quan chức địa phương tham nhũng, một lần nữa lại chẳng “thái bình”(!).
Khác với Tiên Lãng, vụ nổ súng đầu tiên của người dân phản ứng thu hồi đất, chỉ với súng hoa cải bắn vu vơ ở cự ly xa, làm chấn thương nhẹ 6 người phía công an và quân đội. Vụ nổ súng ở Thái Bình bằng súng quân dụng nhằm vào đầu người ở cự ly gần, mất 2 mạng người, 3 người khác trọng thương. Hậu quả thê thảm hơn nhiều.
Trong vụ Tiên Lãng, báo chí trong và ngoài nước cũng như thông tin trên mạng đã đăng tải, phân tích và bình luận qua hàng nghìn tin, bài, nêu rõ bất cập trong chính sách đất đai hiện hành. Nhiều nhân vật lãnh đạo cấp cao đương chức, hoặc hưu trí đã lên tiếng thừa nhận chính sách đất đai lỗi thời, bất cập và việc thực thi sai trái của quan chức địa phương là nguyên nhân cơ bản của vụ việc. Tiên Lãng chỉ là sự kiện nổi cộm trong hàng vạn vụ thu hồi đất bất công, gây bức xúc cho người dân. Theo công bố chính thức từ Quốc hội, nội dung đất đai đang chiếm hơn 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiện tụng, phản ứng và hoàn cảnh số phận bi thương gây bất ổn xã hội. Nhân vụ Tiên Lãng, nhiều bài báo, bạn đọc liên hệ với vụ án Đầm Nọc Nạn ở Bạc Liêu năm 1928 dưới thời thuộc Pháp, khuyến cáo nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận và kịp thời khắc phục khiếm khuyết của chính sách đất đai, xử lý nghiêm khắc quan chức sai phạm, khoan hồng với người dân bị lâm thế “con giun xéo lắm cũng quằn”, ít nhất cũng xử sự được như người Pháp trong vụ Đầm Nọc Nạn.
Thế nhưng, cách thức giải quyết vụ Tiên Lãng làm công luận thất vọng. Là nạn nhân của vụ cưỡng chế trái pháp luật, cơ ngơi mấy chục năm gầy dựng bằng mồ hôi, xương máu và cả tính mạng người thân bỗng chốc tan hoang, anh em họ Đoàn bị bắt bớ giam cầm và trừng phạt nặng nề. Quan chức sai phạm cấp xã, huyện chỉ bị xử lý nhẹ hều. Quan chức sai phạm cấp tỉnh, cấp bộ vẫn rung đùi tại vị. Thậm chí, đại tá giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, đầu têu vụ cưỡng chế bê bối Tiên Lãng – kẻ đã huênh hoang trên truyền thông rằng đây là “một trận đánh đẹp”(!), lại được thăng tướng! Xử vụ Tiên Lãng như vậy, nói nhà nước coi khinh, chọc giận dân chúng, liệu có quá lời?
Phải, với lực lượng công an, quân đội hàng triệu người trang bị tận răng và chủ trương phong cấp bạt mạng hàng trăm, hàng nghìn tướng tá, tăng lương ngất ngưởng cho công an và quân đội, người ta mong sẽ gia cố được ngai vàng quyền lực cùng đặc lợi bằng súng đạn và nhà tù.
Nhưng lịch sử đã minh chứng, thế sự không phải lúc nào cũng thuận theo tư duy của những cái đầu đất! Trước Công nguyên, triều đại đầu tiên thống nhất Trung Hoa là nhà Tần binh hùng tướng mạnh, khét tiếng hà khắc, chỉ tồn tại vỏn vẹn 15 năm. Chính sách o ép, đàn áp khắc nghiệt Phật giáo là nguyên nhân chính kéo đổ triều đại gia đình trị họ Ngô ở Nam Việt Nam cuối năm 1963, sau 8 năm cầm quyền. Năm 1989, ách cai trị nghẹt thở xây trên nền móng mật vụ, nhà tù khủng khiếp ở Rumani kết liễu bằng giá treo cổ vợ chồng nhà độc tài Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch Hội đồng nhà nước Nicolae Ceauşescu. Mới năm 2011 đay thôi, lẩn trốn chui rúc trong ống cống, bị quân nổi dậy lôi ra “đòm” là kết cục nhục nhã của nhà độc tài xứ dầu mỏ Ly Bi Gaddafi...
Rõ ràng, bạo quyền không thể là cứu cánh trong mọi trường hợp.
Trở lại chuyện đất đai. Từ nhiều năm nay, bên cạnh phản biện của giới trí thức, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong bộ máy nhà nước đã phân tích rõ tác hại của chính sách quy định đất đai là “sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” và khuyến cáo cần phải khẩn trương thay đổi. Trên thực tế, cái gọi là sở hữu toàn dân chỉ là khái niệm hoàn toàn rỗng tuếch, không hơn không kém. Chẳng người dân nào được coi là chủ sở hữu đất đai.
Nhà nước trong trường hợp này cũng vậy, chẳng có nhà nước cụ thể nào hết, chỉ có giới chức trong cuộc toàn quyền tự tung tự tác. Thích thì thu hồi, đền bù bèo bọt như bố thí, bất cần người dân mất đất sống chết ra sao. Không thuận hả? Sẵn quân quyền trong tay: cưỡng chế! Cho dân chúng tụi bay biết thế nào là chuyên chính!
Không mấy ai không biết, trong cái sự “thích” ấy, có cái thích phô trương con số thu hút đầu tư, có cái thích các khoản đi đêm khủng của chủ dự án, có cái thích thôn tính khu đất ở vị trí đắc địa hay bờ xôi ruộng mật, có cái thích sở hữu những lô đất, những căn hộ hay biệt thự đứng tên người nhà quan chức mà chủ dự án sẽ lại quả, có cái thích con cái du học trời Tây bằng tiền chủ dự án chu cấp, có cái thích ngao du, ăn chơi mua sắm ở nước ngoài bằng tiền chủ dự án... Thiên hình vạn trạng!
Lẽ ra, cái cơ chế thu hồi đất bạc ác mà công luận đã vạch rõ là mảnh đất màu mỡ cho giới chức tham nhũng vơ vét, chủ dự án phất lên chóng mặt, đồng thời cũng đẩy biết bao hộ dân lâm cảnh khốn cùng phải được sửa đổi từ lâu, vì thể chế nào lại mong muốn tiềm ẩn mầm mống bất an?
Nhưng cái cơ chế ấy vẫn tồn tại dai dẳng một cách đáng ngạc nhiên đến tận bây giờ, ngay trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 sắp trình Quốc hội. Vì sao?
Chẳng mấy khó khăn để nhận ra động cơ đen đúa của đám quan chức tham nhũng cố sức níu kéo cái cơ chế chết tiệt trên hòng trục lợi bất chính. Nhưng không thể không kể đến đồng minh kè kè của chúng là những cái đầu đất nhiễm độc nặng nề cái quan niệm đã quá lỗi thời và cực kỳ phản khoa học về CNXH. Theo đó, đặc trưng cơ bản hàng đầu của một quốc gia CNXH là mọi tư liệu sản xuất chủ yếu đều thuộc về “sở hữu toàn dân”.
Tuy nhiên, sẽ rất khó giải thích vì sao chỉ đất đai mới là tư liệu sản xuất chủ yếu, mà không phải là nhà máy, xí nghiệp công - thương nghiệp cùng máy móc trang thiết bị sản xuất kinh doanh? Từ năm 1986, nhà nước Việt Nam đã chính thức thừa nhận sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất chủ yếu trong hầu hết các lĩnh vực. Hiện thời, sẽ lập tức bị coi là kẻ điên khùng, nếu ai đó đề xuất nhà nước phải quốc hữu hóa, đánh tư sản để đảm bảo đặc trưng XHCN. Trong khi đó, Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới tại Matxcơva năm 1960 đã xác định một quốc gia chỉ được coi là mang bản chất CNXH khi công nghiệp chiếm không dưới 60% tổng sản lượng trong nền kinh tế. Và hậu quả tệ hại ra sao của chính sách quốc hữu hóa và các chiến dịch đánh tư sản thì VN đã quá đủ.
Biện bạch cho chính sách quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, có quan chức cho rằng: nếu thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, sẽ rất khó cho nhà nước thu hồi để phát triển cơ sở vật chất hạ tầng. Xin khẳng định, lập luận ấy 100% phản khoa học. Không khó để để kiểm chứng điều này. Xin hãy chịu khó nhìn sang các quốc gia có hạ tầng phát triển, họ đâu có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân?
Trong những bài viết khác liên quan chính sách đất đai, người viết bài này từng nêu rõ, đất đai là tài sản, phải được pháp luật điều chỉnh chủ yếu theo quy phạm quyền tài sản trong lĩnh vực dân sự, theo nguyên tắc “việc dân sự cốt ở hai bên”. Trên nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, việc quan chức ký quyết định hành chính thu hồi đất của người dân để giao cho chủ dự án có tính chất kinh doanh sinh lời như sân golf, khu du lịch sinh thái, bất động sản… là vi phạm thô bạo Hiến pháp, người có lương tri không ai chấp nhận. Nhu cầu nhà nước cần đất đai để phát triển hạ tầng là có thật. Tuy nhiên, để tránh quan chức lạm quyền trục lợi, gây lãng phí (như hàng trăm cảng biển bỏ hoang hiện nay)… nhà nước nên thực hiện cơ chế trưng mua, với giá cả thỏa đáng. Một khi phải chi ngân sách một khoản đáng kể, nhà nước sẽ buộc phải cân nhắc một cách hết sức thận trọng. Với các dự án quan trọng phục vụ an ninh, quốc phòng nhằm bảo vệ an nguy cho cả đất nước (thường hãn hữu), không lẽ ngân sách nhà nước lại bóp chẹt người dân? Với các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ quốc kế dân sinh, lý do để nó ra đời phải là nguồn lợi lớn lao sẽ mang lại lâu dài cho cộng đồng rộng lớn, lẽ nào nhà nước mua rẻ đất của người dân?
Thực tế lâu nay, tuyệt đại đa số vụ khiếu kiện đất đai phức tạp dai dẳng và phản ứng quyết liệt đều rơi vào trường hợp thu hồi đất để giao cho chủ dự án kinh doanh sinh lời, với giá áp đền bù quá bèo bọt, quan chức lạm quyền nhũng nhiễu cấu véo vòi vĩnh cả hai phía. Trang phần lớn các trường hợp thu hồi đất để xây dựng công trình an ninh, quốc phòng, hoặc để phát triển hạ tầng quan trọng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, người dân đều đồng tình và chấp nhận thiệt thòi do bồi thường chưa thỏa đáng.
Vụ nổ súng ở Thái Bình lại một lần nữa cho thấy, chừng nào những bất cập đã quá rõ ràng trong chính sách đất đai còn chưa được khắc phục một cách căn bản, không ai dám bảo đảm tiếng súng giữ đất sẽ hết nổ. Thậm chí rất có thể, quy mô và tính chất nghiêm trọng sẽ không dừng ở mức độ như Tiên Lãng, Thái Bình.
Võ Văn Tạo
(Quê Choa)
 

Chân dung hung thủ xả súng tại trụ sở UBND TP Thái Bình

Trung tá Lê Bá Thắng - Trưởng công an phường Kỳ Bá (TP Thái Bình), nơi Đặng Ngọc Viết thường trú - cho biết hung thủ xả súng tại trụ sở UBND TP Thái Bình chưa từng có tiền án, tiền sự và hoàn cảnh gia đình rất éo le.

Tượng Phật Bà Quan Âm, nơi Viết ăn cơm chùa xong ra ngồi và tự sát
Chiều ngày 12-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Trần Xuân Tuyết, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết do Đặng Ngọc Viết (SN 1971, nguyên quán xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, thường trú số nhà 11, ngõ 345, tổ 48, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) - hung thủ duy nhất trong vụ xả súng khiến 4 cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Bình thương vong - đã dùng súng tự sát nên cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Đại tá Thuyết cho biết thêm trước đó căn cứ vào các tài liệu điều tra, lực lượng công an đã xác định được hung thủ vụ nổ súng là Đặng Ngọc Viết và ra lệnh bắt khẩn cấp. Tuy nhiên, Viết đã bỏ trốn khỏi địa phương nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã phát lệnh truy nã.

Trung tá Lê Bá Thắng - Trưởng công an phường Kỳ Bá (TP Thái Bình), nơi Viết thường trú - cho biết Đặng Ngọc Viết chưa từng có tiền án, tiền sự. Cũng theo ông Thắng, hoàn cảnh gia đình Viết rất éo le.

Viết là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Ông Đặng Ngọc Vu (SN 1931, bố Viết), bị liệt từ lâu. Mẹ đẻ Viết là bà Lưu Thị Bướm qua đời nhiều năm về trước. Anh trai kế của Viết là Đặng Vinh Quang (tức Công, SN 1969 là nạn nhân chất độc da cam).
Trong khi đó, vợ chồng Viết sau gần 10 năm chung sống, có được 2 con gái, đã ly hôn. Hiện chị Đặng Thị Thu (vợ Viết) đang sinh sống tại Nga, 2 con gái phải nhờ bên ngoại chăm sóc.

Viết cũng từng đi xuất khẩu lao động sang Nga năm 1996, về nước 2-3 năm rồi lại tiếp tục sang Nga. Năm 2011, Viết trở về nước, chủ yếu ở nhà.

Sau khi lĩnh số tiền đền bù hơn 500 triệu đồng để giải phóng mặt bằng vào tháng 3-2013, đến tháng 5-2013, Viết vào Nam chơi, mới trở về quê cách đây hơn 1 tuần.

Trung tá Thắng cho biết “đã ngồi uống nước với đối tượng vài lần, cũng thấy Viết hiền lành, ít nói”. Trung tá Thắng cho biết thêm: “Chỉ nghe người dân phản ánh Viết hay chơi bài bạc, nhưng chỉ là đánh ù, đánh phỏm, chứ không phải dân cờ bạc chuyên nghiệp, chơi lớn”.


Di ảnh của Đặng Ngọc Viết

Trưởng công an phường Kỳ Bá cũng khẳng định việc đền bù đất thì Viết cũng như mọi người thuộc diện đền bù cũng đều đã nhận tiền. Công an phường cũng chưa nhận được đơn từ khiếu nại, kiện cáo gì của Viết hay gia đình. Trước khi xảy ra sự việc, Công an phường có nhận được tin báo có xảy ra vụ va chạm giữa Viết với một người dân tên Huệ ở cùng phố. Tuy nhiên, khi công an đến thì Viết đã bỏ đi.

Khi chúng tôi tới ngôi nhà của Đặng Ngọc Viết nằm sâu trong ngõ 345 đường Ngô Thì Nhậm (tổ 48 phường Kỳ Bá), người nhà và họ hàng, lối xóm cho biết họ đều bất ngờ trước việc Viết đã cả gan mang súng vào tận trụ sở UBND TP Thái Bình để bắn người. Theo hàng xóm thì Viết vốn rất lành tính, ít nói.

Tuy nhiên, một người dân ở gần nhà Viết, tỏ ra khá rụt rè cho biết: "Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình quanh đây không muốn “dây” với anh em nhà Viết". Người này cũng nhận xét: “Người hiền lành, tử tế thì làm sao lại dám ngang nhiên vào trụ sở cơ quan nhà nước giữa ban ngày dùng súng bắn người”.

Có mặt ở nhà, ông Đặng Ngọc Vinh (49 tuổi, anh Viết) cho biết: “Khoảng 14 giờ 30 nhận được tin báo em trai mình đã gây ra chuyện động trời, tôi chạy lên thì đã thấy công an phong tỏa hiện trường, còn em trai tôi bỏ trốn. Đến khoảng 19 giờ, tôi nhận được tin từ quê (xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cách đó khoảng hơn 20 km - PV) báo rằng em trai đã dùng súng tự sát".
 

Chùa Đông Sơn (Kiến Xương, Thái Bình), nơi Viết đến sau khi xả súng

Tại chùa Đông Sơn (thôn Dục Dương, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nơi hung thủ Đặng Ngọc Viết tự tử sau khi gây án, nhiều phật tử vẫn chưa hết bàng hoàng về việc Viết đến đây dùng súng tự sát.

Bà Lê Thị Tám (57 tuổi, ở xóm 5, thôn Dục Xương) cho biết: Khoảng hơn 15 giờ chiều 11-9, có một người đàn ông đến chùa chơi. Người này giới thiệu tên là Viết, là dân gốc ở làng. Trò chuyện, bà Tám mới biết Viết là bà con xa của mình.

Sau đó, bà Tám đi nấu cơm, còn Viết ngồi chơi với ông Phạm Công Uynh, người cùng xã. "Tôi dẫn Viết đi loanh quanh trong chùa, kể chuyện chùa cho Viết nghe. Sau đó, nó ngồi ở 1 trụ đá rất lâu, mặt buồn buồn. Tôi có hỏi thì Viết nói không sao đâu, bác cứ vào nhà đi" - ông Uynh nhớ lại.
 


Hòn đá bên trái là nơi Viết đến và ngồi rất lâu trong chùa Đông Sơn

Đến 18 giờ cùng ngày, Viết vào xin bà Tám một bát cơm chay để ăn rồi ra nơi đặt tượng Phật Bà Quan Âm ở giữa hồ ngồi.

“Khoảng 19 giờ, đang ngồi trong nhà thờ tổ, tôi nghe thấy 2 tiếng nổ lớn như tiếng pháo nổ. Khi mọi người cầm đèn pin chạy ra soi thì thấy Viết gục trên vũng máu dưới chân Phật Bà Quan Âm…" - bà Tám kể lại.
 


Nơi mọi người phát hiện Viết gục chết

Bà Tám cũng cho biết trước khi dùng súng tự tử, Viết chắp tay đi quanh lăng Phật Bà Quan Âm hơn 30 phút.
Bài - ảnh: Trọng Đức - Tuấn Minh
(Người Lao động)
 

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Đặng Ngọc Viết và con đường buộc phải đi

Câu chuyện giật gân

Câu chuyện trở nóng hổi báo chí vài ngày qua là một thanh niên mang súng vào UBND Thành phố Thái Bình nhằm đúng đầu mấy cán bộ bóp cò, sau đó bỏ trốn. Năm người bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu, đến chiều thì hai người tử vong. Cũng sau đó, thủ phạm tự nổ súng kết liễu cuộc đời mình sau khi đến một ngôi chùa và đi nhiều vòng xung quanh tượng Phật Bà Quan Âm.
Chuyện sống chết ở Việt Nam thời buổi này là chuyện còn hơn cơm bữa, nên việc một vài người chết chẳng đáng để công luận quan tâm. Mỗi ngày, cả trăm người chết và bị thương vì tai nạn giao thông cũng chẳng ai chịu trách nhiệm và dần dần không còn ai để ý. Nhưng, vụ việc này, đã khiến quan tâm, báo chí liên tục cập nhật. Vì sao vậy?
Có lẽ mức độ giật gân của câu chuyện này không đủ để dư luận quan tâm đến thế. Xưa nay, ở Việt Nam, chuyện cán bộ, quan chức đang yên đang lành bỗng nhiên có người xông vào bắn bể sọ, ném mìn vào nhà, bắn chết qua kính ô tô hoặc cài bom nổ ở khách sạn, quán bar… đã như bài học thuộc lòng qua hệ thống báo chí, sách vở kể lại chuyện các nhóm đặc công, biệt động thành… trong thời kỳ chiến tranh Nam – Bắc.
Và những nhóm biệt động, đặc công ấy đã trở thành hình tượng, thành mẫu gương cho bao lớp trẻ noi gương, học tập và làm theo như Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng, thậm chí không có thật thì bịa ra như Lê Văn Tám… Những người bắn, giết, nổ bom kia được vinh danh là những anh hùng, vì nghĩa lớn, vì đất nước, nhân dân mà phải giết người. Vì thế, việc một người đàn ông vào phòng làm việc, bắn vào đầu dăm ba cán bộ, giết vài người cũng không là chuyện giật gân.
Nguyên nhân
Vấn đề là ở chỗ: Báo chí cho biết, người cầm súng này, là một người hiền lành và chăm chỉ, chịu khó làm ăn hiện đang có nguy cơ ra khỏi ngôi nhà của mình, mảnh đất của mình đã xây dựng bằng xương, máu của gia đình từ bao lâu nay.
Báo chí cũng cho biết rằng, người cầm súng nã thẳng vào đầu các cán bộ này, hoàn toàn không có sự thâm thù hoặc mâu thuẫn cá nhân gì với các nạn nhân bị bắn.
Như vậy, khi không có mâu thuẫn với các nạn nhân bị bắn, hẳn hung thủ phải có mâu thuẫn với thể chế, với nhà nước này khi tài sản, nhà cửa, đất đai của anh ta bị chiếm đoạt với danh nghĩa “thu hồi”. Điều đặc biệt là sau khi “thù hồi”, thì số tiền được “đền bù” không thể đủ để anh ta có thể kiếm được một chỗ ở mới cũng với giá mà nhà nước đưa ra.
Như vậy, mâu thuẫn chính là ở chỗ đang yên ổn sống trong nhà mình, anh ta có nguy cơ bị đuổi ra đường. Đến đây, nhà cầm quyền đã buộc anh phải chọn lấy một con đường cho tương lai.
Hoặc chấp nhận lang thang trên chính quê hương, để mảnh đất được gây dựng lên cho người khác làm giàu.
Hoặc chống lại việc cướp đất đai của gia đình mình, bằng biện pháp súng hoa cải hoặc mìn tự tạo như anh em Đoàn Văn Vươn và kết cục là nhận mấy năm tù còn được nhà nước coi là”khoan hồng”.
Hoặc đeo đuổi con đường đi tìm công lý ở các cơ quan công quyền, từ địa phương chạy đèn cù đến Trung ương và cuối cùng là Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, bước tiếp chặng đường hàng vạn dân oan khắp nước đã bước đi cả mấy chục năm nay.
Và kết cục sẽ rất có thể như bà cụ Nhung gửi lại linh hồn mình nơi vườn hoa Lý Tự Trọng để đưa cái xác vô hồn về lại quê hương sau bao năm kiếm ăn lần hồi bằng nhặt rác để đi kiện, sau bao năm chạy tán loạn khi thấy công an hoặc côn đồ khủng bố ngày đêm.
Không, anh đã chọn con đường khác: Nổ súng
Con đường phải đi
Thông thường, khi bị xâm phạm quyền lợi của mình, bất cứ ai cũng có phản ứng tự vệ. Đầu tiên là giữ bằng mọi khả năng mình có bằng cách rào dậu, canh gác. Sau đó, là tranh cãi, chửi bới. Căng thẳng hơn thì dùng gậy gộc, đất đá. Tiếp đến là dao búa, vũ khí. Trong trường hợp căng thẳng hơn và quyết liệt hơn thì dùng mìn, bộc phá và cuối cùng là ăn thua đủ với nhau, chấp nhận thí mạng sống của mình để nói lên ý chí.
Ở đây, Đặng Ngọc Viết đã chọn cách cuối cùng.
Ở đây, các nạn nhân đi theo anh về nơi chín suối, không có hận thù riêng với anh. Tuy nhiên, không thể nói là họ không có can hệ. Bởi chính các nạn nhân này là sự hiện hữu cụ thể của bộ máy, của thể chế để đưa anh đến cảnh trắng tay.
Cũng có thể, anh đã hiểu rằng, những người kia, chỉ là công cụ. Chính vì thế anh đã đi lại nhiều vòng quang bức tượng Phật bà Quan Âm trước khi anh tự tử? Có thể lắm, anh không muốn điều ác xảy ra. Và mọi việc anh không thể chọn cách khác.
Vì anh biết, con đường đảng và nhà nước đang vạch sẵn cho anh, ở các vườn hoa, ở nơi tiếp dân… Anh sẽ gục ngã giữa chừng nếu anh đi con đường mà dân oan cả đất nước này vẫn đang đi.
Con đường anh chọn, là con đường quyết liệt, chấp nhận hi sinh.
Đây là lời cảnh báo cho những ai đang cố tình vịn vào hai chữ “công cụ” nhằm biện hộ cho những hành động tội ác của mình. Bởi, dù là công cụ, anh vẫn là con người, vẫn có khối óc, trái tim.
Nhưng, cũng là lời cảnh báo hữu ích cho nhà cầm quyền đã đẩy họ đi đến cuối con đường và bước tiếp theo của họ chỉ còn là phản kháng.
Hà Nội, ngày 13/9/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
(RFABlog,s)

Nên giải tán các “Trung tâm phát triển Quỹ đất”

Mới đây, vụ công dân Đặng Ngọc Việt xả súng bắn 5 cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Phát triển Quỹ đất T.p Thái Bình đã gây ra nhiều mối nghị ngờ về sự chính danh, tính pháp lý, hợp lý, tính hiệu quả của mô hình tổ chức chuyên trách này. Mô hình quản lý hành chính kết hợp kinh doanh mang tên Trung tâm Phát triển Quỹ đất là một trong những sự tồn tại vô lý, phình thêm biên chế tổ chức, cồng kềnh thêm bộ máy. Mới nghe tên gọi "chính danh chính chủ" đã phát nổi cơn thắc mắc rồi. Riêng cái từ ‘phát triển quỹ đất” đã quá vô lý.
Cái gì còn phát triển được, chứ đất đai ông trời cho địa cầu chỉ có vậy, diện tích mỗi nước, mỗi địa phương chỉ có vậy, phát triển thế nào được quỹ đất. Quỹ tiền tệ, quỹ phát sinh trong sản xuất kinh doanh thì có, còn như cái thứ lạ hoắc là "quỹ đất" lấy đâu ra? Đất có chủ. Chỉ có chuyển chủ, chuyển quyền sử dụng đúng pháp luật, làm gì "phát triển" được? Muốn có cái gọi là “quỹ đất” để chính quyền quản lý, có “quỹ đất” giao cho nhà đầu tư, bán đổi cho đại gia, phải lấy của dân thôi. Tỉnh, thành phố nào cũng có Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo chức năng nhiệm vụ được quy định: Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc sở Tài nguyên và Môi trường có chức năng tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt; quản lý quỹ đất thuộc khu vực đô thị, khu vực đã có quy hoạch phát triển đô thị mà Nhà nước đã thu hồi nhưng chưa giao, chưa cho thuê và quỹ đất do Trung tâm tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng chưa có dự án đầu tư. Trung tâm Phát triển Quỹ đất có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản và có con dấu riêng.
+Nhiệm vụ:
- Thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền đối với trường hợp thu hồi đất sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt mà chưa có công trình, dự án cụ thể;
- Quản lý quỹ đất Nhà nước đã thu hồi đối với các trường hợp sau: Quỹ đất được thu hồi sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt mà chưa có công trình, dự án cụ thể do Trung tâm thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng quy định tại khoản a điều này;
- Quỹ đất do Nhà nước thu hồi trong trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai đối với đất thuộc khu vực đô thị, khu vực đã có quy hoạch phát triển đô thị Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu vực có quy hoạch phải thu hồi đất mà người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đi nơi khác trước khi Nhà nước có quyết định thu hồi;
- Giới thiệu địa điểm đầu tư, vận động đầu tư vào quỹ đất được giao quản lý; lập kế hoạch sử dụng đối với đất được giao để quản lý trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt; Bàn giao đất đang quản lý cho người được giao đất, cho thuê đất theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với đất được giao để quản lý;
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao; Quản lý viên chức, người lao động và tài chính, tài sản thuộc Trung tâm theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.
Hàng ‘lô xích xông nhiệm vụ” như vậy cho nên Trung tâm phát triển quỹ đất quả là to quyền, lắm lợi trong việc quản lý, sử dụng, thu hồi, mở rộng đất dựa vào các dự án, quy hoạch. Thực chất Trung tâm này chỉ sinh lợi cho nhóm lợi ích, dựa dẫm chức năng, mang danh nhà nước, mượn nhiệm vụ để kinh doanh đất đai, bất động sản. Nó quá thừa so với nhu cầu cải cách hành chính, tinh giản bộ mấy, biên chế. Nó là con dao hai lưỡi, chẳng lợi gì cho dân, cùng không mậnng lại lợi ích gì cho ‘quốc kế dân sinh’. Nhiều khi, nơi đó là cái mầm sinh ra nhiều vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật, mất dân chủ, mất công bằng xã hội, lmf giàu bất chính về đất đai, do sự tùy tiện và câu móc vì lợi ích cá nhân, phe nhóm. Bộ Tài nguyên –Môi trường và chính quyền các địa phương cần xem lại, tốt nhất là nên giải tán mô hình nửa quản lý, thực hiện chính sách và nửa kinh doanh, chạy mánh cò mồi rất tù mù, tiếu minh bạch kiểu này.
 Bùi Văn Bồng
(Quê Choa)
 

Người ta nói “dzậy” mà không phải “dzậy”!

Boxitvn

Hàn Vĩnh Diệp (CLB Phan Tây Hồ)
Bài viết thứ hai của Hàn Vĩnh Diệp (tức Diệp Đình Huyên) mà chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả là một bài được công bố vào năm 2006. Hiện nay, các trang mạng đăng bài này đều bị đánh phá ác liệt, kể cả trang Thông Luận cũ. Vì vậy, chúng tôi công bố lại bài viết để độc giả tiện theo dõi. Bài viết được giữ nguyên văn, chỉ có một dòng chú thích nhỏ về chuyện “cột mốc 53” để cập nhật hóa với các tài liệu mới thu thập.
Đây là một bài có nhan đề khá hài hước. Những ai đã từng quen biết ông Diệp Đình Huyên đều biết rõ tính cách của ông : rất nghiêm túc, ít khi khôi hài. Chính vì vậy mà một khi ông đã bắt đầu khôi hài thì cái cười của ông chắc hẳn phải là một cái cười mang chút gì hơi cay đắng, một thứ “bi hài” chứ không phải chỉ là cái cười thuần túy.
Bài này chủ yếu nói về cách hành xử của ông bạn “4 tốt, 16 chữ vàng”, nhưng có một chi tiết liên quan đến nước ta. Đó là việc “bà con nhân dân địa phương, các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh đều tỏ rõ quyết tâm bảo vệ nguyên trạng dòng thác Bản Giốc như đã có từ trong lịch sử”. Nếu quả thật như thế thì điều mà người ta thường nói lâu nay (đã có ý kiến thống nhất từ trung ương đến địa phương) có lẽ chỉ là thành quả của “tuyên truyền”.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân Cao Bằng “nhất trí cao” với chủ trương phân chia Thác Bản Giốc? Nói “dzậy” mà không phải “dzậy”!
MAI THÁI LĨNH

“… thấy những điều mà các nhà lãnh đạo của họ nói về tình hữu nghị thân thiết giữa hai đảng, hai nhà nước là hoàn toàn trái ngược. Họ nói đỏ nhưng làm đen, đúng như dân Nam ta vẫn nói về sự lèo lái: “nói dzậy mà không phải dzậy”! …”
Trước đại hội 10, liên tiếp các nguyên thủ Đảng và nhà nước, quốc hội nước bạn vĩ đại sang thăm hữu nghị nước ta. Đây là thời kỳ các cuộc thăm viếng khá dồn dập. So với số lần triều kiến của các nguyên thủ quốc gia ta thì không nhiều bằng, nhưng dù sao đó cũng là một sự tiến bộ vượt bậc. Sau lần hai nước lập lại quan hệ ngoại giao, trong 15 năm, cũng đã có hai lần nguyên thủ Đảng và quốc gia nước bạn sang thăm. Thời kỳ “môi hở răng lạnh” hai mươi lăm năm (tính từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức – 1950 đến lúc quan hệ đôi bên bắt đầu rạn nứt – 1976), chỉ có các nhân vật cao cấp đảng, nhà nước hạng hai của họ sang thăm ta chứ nguyên thủ đảng – quốc gia chưa bao giờ hạ cố. Một tiến bộ khác trong chuyến thăm trước ĐH 10 này là các nguyên thủ phát biểu những lời lẽ đậm đà tình đồng chí anh em. (Đừng quên, khi tái lập quan hệ ngoại giao, họ tuyên bố thắng thừng: chỉ có quan hệ lân bang láng giềng chứ không có quan hệ đồng chí, đồng minh như giai đoạn trước). Và, họ hứa sẽ giúp đỡ hết mình trong phạm vi khả năng cho phép, sẽ tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ta v.v. Nghe họ nói mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy hởi lòng hởi dạ! Có người còn lạc quan cho rằng: thời kỳ băng giá giữa quan hệ hai nước đã không còn!…
Nhưng…
Nếu ai đã có dịp thâm nhập thực tế miền biên ải phía bắc nước ta, ắt sẽ thấy thực chất của những lời hoa mỹ ấy.
Giúp đỡ ư? Quan hệ bình đẳng, hữu nghị sao họ lại tuồn các thiết bị cũ kỹ: nhà máy đường, xi măng lò đứng, lò gang thép… sang ta, làm nước ta thiệt hại hàng nghìn nghìn tỉ đồng. Tất nhiên việc này không thể đổ lỗi tất cả cho họ. Đây là quan hệ mua bán “thuận mua vừa bán”, không phải là của viện trợ không hoàn lại, ta không mua họ cũng không thể ép. Điều đáng nói ở đây là họ đã mua chuộc những cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hóa, biến chất của ta để đồng lõa với họ gây hại cho dân, cho nước ta.
Buôn bán sòng phẳng, hữu nghị ư? Hàng hóa của ta xuất sang họ phần lớn là hàng tươi sống (hoa quả, thủy hải sản…). Thỉnh thoảng, thủ tục nhập hàng của các cửa khẩu lại trục trặc, hàng hóa của ta hư hại phải đổ bỏ hoặc bán rẻ! Còn hàng hóa của họ sang ta thì giá rẻ một cách hết sức khó hiểu. Hàng hóa các nước công nghiệp giá thấp hơn ta là điều tất yếu, nhưng họ đang là nước chậm phát triển so với Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… tại sao giá cả hàng hóa vào ta lại rẻ hơn các nước này? Trong khi, những ai đã có dịp sang bên ấy, người dân nước họ đâu có được hưởng giá cả rẻ như vây? Đó là chưa nói đến các thủ đoạn mua bán không minh bạch, chính đáng khác, như: đặt giá cao mua nguyên liệu quặng sắt, crôm, thiếc… để khuyến khích người dân một số vùng biên giới khai thác bừa bãi tài nguyên nước ta để bán cho họ. Ở một tỉnh biên giới phía bắc, bà con ta bảo: đây là cách họ di chuyển các mỏ quý bên ta sang đất họ! Hoặc mua cây thuốc quý cả cành lá lẫn gốc… Những quan hệ không đẹp trong quan hệ giao thương giữa hai nước ấy lẽ nào là chủ trương, chính sách của các địa phương mà đảng – nhà nước Trung ương không hề biết! Thời kỳ “Môi hở răng lạnh”, được biết, trong việc viện trợ, giúp đỡ ta, Trung ương họ cũng giao cho các tỉnh sát biên giới nước ta phụ trách việc cung ứng hàng hóa, vật tư, thiết bị cho ta. Đại bộ phận hàng hóa ấy – nhất là vũ khí, trang thiết bị quân sự, đều là loại tốt. Đâu phải như bây giờ, bán lấy tiền đáng hoàng lại lừa bán hàng kém phẩm chất, lạc hậu; mua lại tìm mua “hàng độc” làm chảy máu đối phương!
Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ư? Trước và sau ĐH 10, chúng tôi có dịp về thăm một số tỉnh biên giới phía Bắc. Ở Cao Bằng, chúng tôi theo tour du lịch các chương trình tham quan thắng cảnh (Cao Bang Sightseeing Tours) dọc theo biên giới Việt-Trung từ Pắc Pó qua Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Long, Phục Hòa. Ở Lạng Sơn cũng dọc theo biên giới Việt – Trung từ Thất Khê, Thoát Lãng, Cao Lộc đến Cửa Khẩu Chi Ma – Lộc Bình. Một thực tế mà bất cứ ai chịu khó để ý một chút đều thấy phần lớn cột mốc biên giới vốn dĩ trước đây được đặt trên đỉnh núi (theo hiệp ước biên giới Pháp – Thanh) đều chạy xuống dưới chân núi về phía bên ta. Đó là chưa kể các điểm nóng họ lấn chiếm như Phai Can – Nà Roỏng (Trà Lĩnh), Bản Giốc (Trùng Khánh) ở Cao Bằng, Nam Quan ở Lạng Sơn v.v… Gặp một sĩ quan biên phòng ở thị trấn Trùng Khánh, chúng tôi có đem nhận xét này trao đổi với anh. Và anh đã thận trọng xác nhận: “các nơi khác tôi không rõ, nhưng suốt dọc biên giới Cao Bằng, chỉ trừ những cột mốc có lịch sử, vị trí địa lý rõ ràng như cột mốc 108 ở Pắc Pó, cột mốc ở đầu cầu Tà Lùng v.v… hoặc những cột mốc được tạc vào núi đá, còn hầu hết là bị di dịch về phía ta!” Trong chương trình cắm mốc xác định ranh giới theo hiệp định biên giới (trên bộ) giữa 2 nước được ký kết, những cột mốc đã được hai bên xác định chính là tại các địa điểm mới này; bởi, theo quy định của hiệp định là “cắm mốc theo hiện trạng”! Một người bạn trong đoàn nói giỡn “cũng may họ mới ôm xuống đến chân núi, chứ họ ôm cột mốc chạy sâu vào nội địa như ở Phai Can, Nam Quan… cứ theo hiện trạng, chắc ta mất gần hết các tỉnh biên giới?!” Chuyện tưởng đùa mà thật.
clip_image001
Thác Bản Giốc nhìn từ phía Việt Nam
Ngay tại thắng cảnh nổi tiếng nhất nước ta: thác Bản Giốc. Cột mốc ở đây họ đã di từ đỉnh núi xuống giữa dòng sông Quây Sơn[1], trên đầu thác, chiếm trọn phần thác đẹp nhất – thác ba tầng; nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn, muốn chiếm trọn cả thác, có nghĩa là cả dòng sông đều thuộc về họ. Cho nên ở đây hàng ngày ta phải cử một tiểu đội dân quân cơ động luân phiên bảo vệ cột mốc hiện trạng, đề phòng họ di cột mốc sang bờ sông phía ta. Sự canh phòng ấy không phải là thừa. Bà con kể: Khi trạm bộ đội biên phòng của ta xây dựng lại, trạm ở cạnh đường quốc lộ, cách bờ sông Quây Sơn gần 300 mét, bên họ phản đối kịch liệt. Họ phái hơn 20 thanh niên lực lưỡng trang bị gậy gộc cuốc xẻng xông sang phá nền nhà mới xây. Bị đánh trả tơi tả, họ không dám quấy phá nữa. Bờ sông phía dưới thác bên ta, ta xây kè đá để bảo vệ bờ, vì bên họ xây kè – đập lững lái dòng sông chảy xói về phía ta, họ cũng phản đối. Rút bài học ở trạm biên phòng, họ không dám quấy quả khi ta xây kè. Để có thể chống chọi được với sức xâm xói của dòng chảy, kè bên ta phải xây dày gấp đôi kè của họ. Không biết, về sau, đảng và nhà nước ta có vì tình hữu nghị cao cả mà nhường cả thác Bản Giốc cho họ hay không? Một điều chúng tôi rất tâm đắc là bà con nhân dân địa phương, các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh đều tỏ rõ quyết tâm bảo vệ nguyên trạng dòng thác Bản Giốc như đã có từ trong lịch sử. Các tài liệu chính thức của Tỉnh ủy – UBND – HĐND tỉnh đều khẳng định chủ quyền toàn bộ dòng thác Bản Giốc. Địa chí Cao Bằng (nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Hà Nội 2000) viết: “Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, dòng sông hiền hòa lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi nghiêng mình chảy qua cánh đồng Đàm Thủy băng qua bãi ngô rộng lớn trước làng Bản Giốc. Đến đây dòng sông được tách ra thành nhiều nhánh rồi đột ngột hạ thấp khoảng 35m tạo thành thác, đó là thác Bản Giốc. Thác xếp thành ba tầng với những ngọn thác lớn nhỏ khác nhau với những tên gọi khác nhau là Đuây Bắc, Lầy Sản, Ngà Moong, Ngà Chang, Ngà Vài, Ngà Rằng, Thoong Áng… Quang cảnh ở đây đẹp nên thơ, mây mù chen lẫn với cảnh làng quê của đồng bào các dân tộc miền núi. Phía bờ sông bên kia là cột mốc 53 biên giới Việt – Trung ...” Sách hướng dẫn du lịch của công ty du lịch Cao Bằng, tài liệu địa lý địa phương sử dụng trong các trường phổ thông – chuyên nghiệp của sở giáo dục – đào tạo v.v… đều thể hiện rõ quan điểm đúng đắn trên. Chúng tôi có hỏi một lãnh đạo ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Những điều các ông nói trái với quan điểm của Trung Ương (là theo hiện trạng, phần thác ba tầng là của Trung Quốc, cột mốc 53 ở giữa dòng sông). Các ông không sợ Trung Ương phê bình?” Ông ấy đáp : “Cả Tỉnh ủy, HĐND đều nhất trí như vậy. Đó là lịch sử, không dễ gì thay đổi được!”
Thực tiễn cuộc sống đã cho ta thấy những điều mà các nhà lãnh đạo của họ nói về tình hữu nghị thân thiết giữa hai đảng, hai nhà nước là hoàn toàn trái ngược. Họ nói đỏ nhưng làm đen, đúng như dân Nam ta vẫn nói về sự lèo lái: “nói dzậy mà không phải dzậy”!
Có người nói : đó là do địa phương của họ làm sai quan điểm, chủ trương của Trung Ương…! Có thật như vậy không? Một vài hành động lẻ tẻ, cá biệt có thể là do người thừa hành ở thôn, xã gây ra; đằng này hàng loạt hành động có tổ chức thể hiện rõ ràng một quyết sách, một chủ trương, sao bảo là do địa phương cơ sở làm? Thời phong kiến, trong quan hệ với các nước lân bang, các triều đại của họ cũng rất trịch thượng, kẻ cả; nhưng, như sử sách đã ghi, nhiều vị hoàng đế Trung hoa đã khiển trách các quan binh địa phương gây khó dễ việc buôn bán, qua lại biên giới; xâm phạm đất đai, tài sản của dân biên ải nước người… Ngày nay, chẳng lẽ những người lãnh đạo, với đầy đủ các phương tiện thông tin hiện đại, lại không nhanh nhậy bằng các hoàng đế cổ xưa? Một đất nước được nhiều người nước ngoài khen ngợi là có bộ máy hành chánh rất thống nhất, kỷ cương, kỷ luật rất nghiêm minh thì không thể có chuyện “trên bảo dưới không nghe”.
Tất cả chỉ có thể hiểu: hãy nhìn vào việc họ làm, đừng quá tin vào lời họ nói, bởi họ “nói dzậy mà không phải dzậy!”
9-2006
H.V.D.
Bài do ông Mai Thái Lĩnh trực tiếp gửi cho BVN
[1] Thật ra, Trung Quốc đã dời cột mốc 53 từ bờ bắc sang một vị trí khác phía trên đầu thác, nhưng không hẳn là “từ trên đỉnh núi xuống”, vì cột mốc này nằm ở vị trí thấp, không phải trên cao. (Chú thích của MTL)

Ái quốc hay Phản quốc?

http://dienngon.vn/Blog/Article/ai-quoc-hay-phan-quoc

Diễn ngôn blog

Tuấn Trần
Trong nhà trường, chúng tôi luôn được dạy dỗ rằng dân tộc Việt chúng ta có tinh thần yêu nước nồng nàn. Có người viết “lòng yêu nước là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc”. Trước khi có điều kiện đi đây, đi đó, tôi thực sự cũng không biết rõ đất nước ta tươi đẹp như thế nào, cũng chẳng biết rừng vàng ra sao, nhưng tôi biết rất Biển quê tôi không phải là “bạc – silver” như người ta vẫn nói. Mỗi lần ra biển, tôi chỉ thấy những tấm lưng trần cháy nắng oằn mình kéo lưới. Thế nhưng, có lẽ rất  nhiều người ở thế hệ chúng tôi luôn mang trong mình niềm tự hào cao độ về đất nước mình, dân tộc mình và chúng tôi luôn tin rằng, dân tộc chúng ta là một dân tộc anh hùng nhất trên thế giới, và trên hết chúng ta đều yêu nước.
Ảnh: người Việt Nam luôn tỏ lòng yêu nước cuồng nhiệt (nguồn: internet)
Khi đi nhiều hơn, tôi tự rút ra được một chút kinh nghiệm thực tiễn là ở đâu con người ta cũng tự hào về quê hương mình, cộng đồng mình và đất nước của mình. Có vẻ như khi con người tụ hợp lại cùng chung sống, và có những mối quan tâm chung thì dần dần lòng yêu mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên sẽ hình thành. Đặc biệt với những cộng đồng làm nông nghiệp, ít di chuyển thì tình yêu đó càng sâu đậm hơn, bởi vì họ không có cơ hội biết nhiều về các vùng đất khác.
Đó là tình yêu quê hương, còn lòng ái quốc thì như thế nào? Đến đây tôi chợt nhớ đến bộ phim Hollywood “Patriot” do Mel Gibson thủ vai chính nói về một người Mỹ đứng lên chống lại thực dân Anh trong những năm 1776. Một chi tiết thú vị trong bộ phim này, đó là nhân vật chính, vốn là cựu chiến binh góa vợ, người trước đó không hề có lòng hận thù gì với Mẫu quốc cả. Anh ta cũng không hề có trong mình cái được gọi là “chủ nghĩa ái quốc” như nhiều người vẫn nói. Anh ta chỉ cùng mấy người con trai đứng lên chống lại binh lính Anh khi một trong bảy người con của mình bị lính Anh bắn chết. Có thể vì thế mà anh ta bắt buộc phải trở lại cuộc đời quân ngũ, cùng những người bạn chiến đấu cũ, đấu tranh chống lại thực dân Anh và góp phần giành độc lập cho nước Mỹ.
Có thể câu chuyện trong bộ phim trên đã bị những cái nhìn không giống ai của người Mỹ hiện đại làm cho méo mó đi, nhưng bên cạnh đó nó cũng cho chúng ta một thông điệp và quan điểm của họ – những người được gọi là ái quốc đó không phải lúc nào cũng có sẵn tấm lòng ái quốc (lúc đó đã có nước Mỹ đâu mà bảo ông ta yêu nước). Đôi khi do hoàn cảnh đưa đẩy, họ trở thành nạn nhân của thời đại và bị gán cho hay bắt buộc trở thành người ái quốc. Rất đơn giản để có thể nói rằng người cựu chiến binh nêu trên được coi là “Patriot” đối với nước Mỹ non trẻ nhưng có thể bị người Anh gọi là kẻ phản quốc theo lăng kính của họ.
Câu chuyện trong phim làm tôi liên tưởng đến đất nước mình – một đất nước được coi là luôn bất khuất trước ngoại xâm và kẻ thù. So với Mỹ, chắc chúng ta thua họ về sự giàu có chứ chắc không thể thua họ về lòng ái quốc. Vậy tại sao tinh thần ái quốc của chúng ta lại cao đến vậy? Tôi cho rằng, ở mức độ cơ bản, nhiều người Việt chúng ta trước tiên có lẽ yêu quê (hương) hơn là yêu nước. Nhân dân thường đứng lên chống ngoại xâm là do cộng đồng của họ, làng xã của họ bị tàn phá, chứ chưa hẳn là vì đại nghĩa Quốc gia như chúng ta vẫn nói.
Có người cho rằng, khái niệm về đất nước hay tổ quốc chỉ xuất hiện trong tầng lớp bình dân thời gian gần đây (thời Pháp thuộc) khi nhiều người có cơ hội được biết về một cái gì đó rộng, lớn hơn cái làng cùng mấy vị chức sắc nơi họ đang sống (thời nhà Nguyễn, dân trong làng chỉ biết có Lý trưởng, chứ không biết quan trên hay vua là ai cả). Đối với tầng lớp quan lại, thì có lẽ ý niệm về ái quốc được hình thành sau khi Việt Nam giành độc lập từ phương Bắc. Để đảm bảo tính chính danh cho mình, các triều đại đều cố gắng củng cố các bằng chứng về lịch sử và văn hóa để chứng minh là chúng ta không phải là họ, chúng ta không giống họ. Cách tốt nhất để tách hẳn ra khỏi ảnh hưởng quá lớn của phương bắc là tạo cho dân chúng mà cụ thể là quan lại và quý tộc lòng tự tôn và tự hào riêng về đất nước mình. Tôi cho rằng, một khi tinh thần này bị thử thách nhiều thì nó càng trở nên mạnh hơn. Bên cạnh đó một đất nước càng bị xâm lược nhiều thì tinh thần này lại càng được tôi luyện và củng cố – có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến tình thần phản kháng trước ngoại xâm của dân ta lớn như vậy.
Quay lại câu hỏi, như thế nào được gọi là một người ái quốc? Tôi cho rằng hầu hết người Việt đều tự cho mình là ái quốc, tuy vậy xã hội (chính xác là nhà cầm quyền) có công nhận lòng ái quốc của bạn không lại là chuyện khác. Bởi vì, cũng giống như câu chuyện trong bộ phim “Patriot”, một người có thể gọi là ái quốc đối với thể chế này nhưng có thể lại là “kẻ phản bội” hay là “giặc” đối với thể chế khác hay nước đối lập. Trong sách sử hiện nay Gia Long bị cho là “cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng đối với nhiều người, Ngài lại được cho là người có tinh thần dân tộc rất cao. Cũng theo đó mà xét thì Nhà Nguyễn không hề hèn yếu như trong sách sử nhà trường dậy tôi, mà ngược lại chúng ta có thể tự hào là vào thời vua Minh Mạng, đất nước ta (gọi là Đại Nam lúc đó) thật sự là “lớn” nhất về lãnh thổ từ trước tới nay.
Như vậy, chữ ái quốc nhiều khi không do các cá nhân quyết định, mà do triều đại hoặc quốc gia liên quan phán xét tùy trên lăng kính họ dùng. Một người “ái quốc” hay “phản quốc” cần xét trên động cơ họ làm có vì quốc gia dân tộc hay không. Chúng ta phải tỉnh táo suy xét ngọn nguồn, tìm tòi căn nguyên, và học hỏi từ chiến thắng cũng như thất bại, từ quyết định sai lầm cũng như quyết định đúng đắn. Chỉ khi đó, chúng ta mới biết được cái sự đã xảy ra từ đời trước, dùng nó soi rọi cho cái sự hiện tại và tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét