Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Đằng sau vụ nổ súng ở Thái Bình

Đằng sau vụ nổ súng ở Thái Bình

Nông thôn Việt Nam

Vụ bắn súng gây chết người tại Thái Bình hôm 11/9 hiện vẫn đang được điều tra làm rõ.

Tuy nhiên báo chí và dư luận cho rằng nó có một số điểm tương đồng với vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, nơi người dân sử dụng vũ khí để chống lại người thi hành công vụ liên quan tới lĩnh vực đất đai.

Đặc biệt ở Thái Bình trong những năm 1980-1990 đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình về đất đai, cao trào là đợt bạo động năm 1997 với sự tham gia của hàng chục nghìn người.

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, là người từng thực hiện điều tra về cuộc biểu tình năm 1997. BBC đã hỏi chuyện ông nhân vụ mới xảy ra ở Thái Bình.

GS Tương Lai: Thực ra vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc, như vụ giáo dân ở Mỹ Yên, Nghệ An chẳng hạn.

Vụ này [ở Thái Bình] là hành động bạo liệt của người dân, mà có lẽ họ đã bị dồn đến bước đường cùng, để rồi sau khi gây nên sự kiện như vậy phải tự sát.

Tôi có cảm tưởng rằng đây đã là một trạng thái báo động về hệ lụy của tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng. Bạo lực mà gia tăng thì nó sẽ đẩy đến những đột biến không lường trước được.

Vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng cũng vậy, khi hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý phải dùng súng bắn hoa cải để chống lại lực lượng đã dồn bước họ.

Bị dồn vào chân tường, người ta không có cách nào khác được thì phải xử lý như thế.

BBC: Thưa, tức là Giáo sư cho rằng việc sử dụng bạo lực đang trở thành một xu hướng đáng báo động trong thời gian gần đây ạ?

GS Tương Lai: Đúng như vậy. Một khi trong xã hội lấy bạo lực làm phương tiện để xử lý các vấn đề thì chứng tỏ cả hai phía [đều lúng túng].

Về phía chính quyền thì bối rối, bất lực, không tự̣ tin vào tính chính danh, chính nghĩa của mình để dựa vào pháp luật mà cai trị dân nên phải dùng bạo lực để đàn áp dân.

Về phía dân thì họ phải dùng bạo lực với người thi hành công vụ chẳng qua vì họ cũng bị dồn đến bước đường cùng. Họ biết rằng họ đang đối chọi với một thế lực có súng trong tay, đằng sau lại là cả một bộ máy nhà nước hùng hổ.

Không ai dại gì mà chui đầu vào chỗ chết hay là manh động để phải đi tù. Nhưng tâm lý con người là 'con giun xéo lắm cũng quằn', khi bị đẩy tới bước đường cùng, người ta dễ mất sự sáng suốt và hành động bột phát này nói lên một quá trình tích lũy từ lâu rồi, bây giờ mới bộc lộ ra thôi.

Ngẫu nhiên thì không thể có hành động đó.
Vụ Tiên Lãng

BBC: Thái Bình cũng là nơi có đợt biểu tình lớn của người dân hồi năm 1997 mà ông cũng đã có công trình nghiên cứu. Nhìn vào sự kiện ngày hôm nay, ông thấy có điểm gì ông đã nhận xét thấy từ cuộc biểu tình 1997 không ạ?

GS Tương Lai: Thái Bình là vùng đất người ta cho là 'đất dữ'. Thái Bình cũng là nơi có truyền thống cách mạng, lá cờ đầu về mọi mặt

Tiếng trống Tiền Hải năm 1930 đã từng có tiếng vang ghê gớm. Rồi trong thực hiện nghĩa vụ quân sự (thời chiến tranh chống Mỹ) là khẩu hiệu 'Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người', Thái B́ình luôn đi đầu.

Thái Bình cũng tự hào là nơi có những người nổi tiếng như người cắm cờ trên hầm de Castries [ở Điện Biên Phủ], trên dinh Độc lập, bay lên vũ trụ... rồi cả các nhân vật lừng danh như Tướng Trần Độ vv..

Tôi còn nhớ, khi làm báo cáo về tình hình Thái Bình, trong dịp báo cáo với ông Phạm Văn Đồng, lúc ấy đã thôi mọi chức vụ, tôi có nói một câu: "Thưa, đây không phải là mâu thuẫn địch-ta gì cả, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân".

Ông Đồng nghe chỉ đập tay khe khẽ xuống bàn, vì lúc đó ông nhìn không rõ nữa, rồi sau nghiêm giọng nói: " Không có mâu thuẫn nội bộ nhân dân nào ở đây cả".

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

"Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những nhà cầm quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất, đè nén áp bức khiến dân không chịu được; và bên kia là dân không chịu được nên đã nổi dậy đấu tranh."

"Phải phân tích đúng mới tìm được giải pháp đúng."

Lời ông Phạm Văn Đồng khiến tôi nghĩ tới sự kiện ngày hôm nay.

Nếu một nhà cầm quyền có trách nhiệm với dân, vẫn nghĩ rằng Nhà nước này là của dân, do dân, vì dân, thì phả́i thấy vì sao mà người dân uất ức đến độ phải dùng súng bắn lại rồi tự tử. Họ không còn cách nào khác nữa.

Nếu nói là manh động thì cũng không sai, nhưng nguyên nhân dẫn tới sự manh động này là quá trình dồn nén, tức nước vỡ bờ.

BBC: Tuy nhiên cũng có một khía cạnh khác của câu chuyện là các sự việc kể trên hầu hết xảy ra tại các tỉnh miền Bắc thuần nông, quỹ đất hết sức hạn hẹp. Liệu có liên hệ gì giữa nhu cầu phát triển, mở rộng đô thị, với mâu thuẫn đất đai vì người dân bị thu hẹp môi trường sống không ạ?

GS Tương Lai: Đúng là đồng bằng Bắc Bộ là nơi mà tỷ lệ đất/người thuộc loại thấp nhất ở trong nước, mà có khi còn thấp nhất thế giới nữa.

Nhưng tỷ lệ đất người mang tính kinh điển rồi, từ xưa tới nay bất cứ nhà cầm quyền nào cũng phải nghí̃ làm thế nào để vấn đề đất đai không trở thành nguyên nhân bùng nổ, để mà quốc thái dân an.

Mâu thuẫn đất đai là mâu thuẫn từ ngàn đời rồi, nên đổ rằng chỉ vì đất chật người đông mà xảy ra bạo động là không đúng.

Bằng chứng là vừa rồi người ta còn mở rộng Thủ đô ra gấp đôi, biến đất nông thôn thành đất đô thị một cách quyết liệt, như ông Nguyễn Sinh Hùng còn lên tổng kết thành tựu xây dựng nông thôn mới.

Vấn đề ở chỗ: Không có ở đâu tham nhũng lại ngon lành như ở trong lĩnh vực đất đai.

Tấc đất là tấc vàng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và người ta cũng biết là không bền nên có 'ngoạm' thì phải làm nhanh lên rồi 'chuồn', và do đó dùng mọi thủ đoạn để làm thế nào 'ngoạm' nó dưới tất cả mọi danh nghĩa.

BBC: Như phân tích của Giáo sư thì có nguyên nhân bắt nguồn từ cách hành xử của chính quyền. Nhưng ngược lại, liệu chính quyền có thể cải tiến Luật Đất đai thế nào để có khung pháp lý minh bạch hơn và trừng trị các tội phạm về đất đai một cách quyết liệt hơn không ạ?

GS Tương Lai: Vâng, đó chính là vấn đề của các vấn đề.

Trước đây người ta định đưa Luật Đất đai ra thông qua trước khi sửa đổi Hiến pháp, sau có áp lực nên họ lại lồng vào Hiến pháp sửa đổi để rồi thông qua cả hai một lúc.

Nhưng những vấn đề cơ bản đề nghị sửa đổi trong Hiến pháp vẫn không được sửa và giữ nguyên, thì Luật Đất đai cũng theo lối mòn đó mà đi, vẫn giẫm chân tại chỗ.

Người ta vẫn kết luận đanh thép rằng đất đai là sở hữu toàn dân và Hiến pháp không thể có tam quyền phân lập. Hình với bóng đan vào nhau, Luật Đất đai nếu không đi liền với sửa đổi Hiến pháp thì cũng không giải quyết được gì.

Tôi nghĩ nay phải thực hiện các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp một cách mạnh mẽ và trung thực, phải dừng việc thông qua dự thảo để thảo luận cho vỡ lẽ ra.

Những sự việc như vụ ở Thái Bình vừa rồi cho thấy rằng nếu không giải quyết một cách cơ bản các vấn đề quy định trong Luật Đất đai thì không thể bảo đảm ổn định chính trị-xã hội được.
(BBC)

Thái Bình 2013 : Tức nước vỡ bờ

Chiều qua 11/09/2013, một người đã xông vào trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình, bắn thẳng vào các cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất khiến một người chết và ba người khác trọng thương. Người nổ súng tên là Đặng Ngọc Viết đã tự sát sau đó. Báo chí trong nước cho biết, nguyên nhân là do bất đồng trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh về sự kiện đang làm chấn động dư luận.
RFI : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Đây có phải là lần đầu tiền người dân phản kháng bằng cách cố ý sát thương?
Xã hội Việt Nam vừa chứng nghiệm một bùng nổ cá nhân chưa từng có tiền lệ: lần đầu tiên người dân phản kháng chính quyền bằng hành vi sát thương có chủ đích.
Mười sáu năm sau “cơn sóng thần” 1997 chống tham nhũng ở Thái Bình, địa phương có tỷ lệ liệt sĩ thuộc loại cao nhất nước này lại phải trải nghiệm tâm thế “cùng tất biến”. Đặng Ngọc Viết đương nhiên sẽ bị nhà cầm quyền coi là “sát nhân máu lạnh” khi người dân này đã dùng súng colt bắn thẳng vào đầu các cán bộ đầu não của Trung tâm phát triển quỹ đất – một cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình. Ít nhất hai nạn nhân đã tử vong.
Những xác nhận ban đầu cho thấy không có bất kỳ dấu hiệu tâm thần nào nơi hung thủ. Ngược lại, người gây án đã dường như chủ tâm tìm cho một mình sự kết thúc tương tự với các nạn nhân của anh ta.
Trụ sở chính quyền tỉnh Thái Bình, nơi xảy ra vụ án. Ảnh báo trong nước
Trụ sở chính quyền tỉnh Thái Bình, nơi xảy ra vụ án.
Những tin tức ban đầu cũng xác nhận không có mối quan hệ tư thù nào giữa các nạn nhân với kẻ giết người. Vậy nguồn cơn còn lại thuộc về mối quan hệ nào?
Khác với vụ đánh bom tự sát xảy ra ở thị trấn Bạch Hạt Than, huyện Xảo Gia, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào ngày 10/05/2012 khiến 4 người chết và 16 người bị thương mà báo chí Bắc Kinh không dám thừa nhận về nguồn cơn phẫn uất do bị thu hồi đất, giờ đây truyền thông Việt Nam đã đưa thông tin ban đầu về mối liên quan giữa hung thủ với vụ việc thu hồi và giải tỏa đất mà gia đình anh ta lại là một trường hợp rất thiếu may mắn trong số đó.
Nhưng bất hạnh bao trùm lên tất cả là “cùng tất biến” đã hóa thân thành logic từ mọi mâu thuẫn đến xung đột đất đai trong xã hội Việt Nam từ hai chục năm qua. Nếu từ năm 1995, vào lúc con sóng đầu cơ bất động sản đầu tiên thời mở cửa ồn ào cảnh sắc lợi nhuận và bắt đầu kéo theo bệnh dịch đền bù đất đai từ không thỏa đáng đến thảm cảnh bất công, dẫn tới hiện tượng những người dân phải mang can xăng đến trụ sở chính quyền địa phương đe dọa tự thiêu… thì từ năm 2000 đến nay, hình ảnh tuẫn tiết đó đã xảy ra không ít lần, không ít nơi, bùng cháy những cái chết theo đúng nghĩa đen.
RFI : Thưa anh, nguyên nhân có phải từ thái độ vô cảm của chính quyền ?
Song trái ngược với hậu quả khốc hại của dân oan, các nhóm lợi ích bất động sản và nhóm thân hữu chính trị vẫn chìm sâu trong vũng lầy của những từ ngữ lóng lánh nghĩa bóng. Mọi thông tin về những câu chuyện tang thương của dân mất đất luôn bị các cấp chính quyền tìm cách bưng bít.
Cho đến năm 2009, số đại gia địa ốc đã tăng vọt ở Việt Nam, rất đồng cảm với những gì đã hiện hình ở quốc gia có đường biên giới chung hòa mang tên “Mười sáu chữ vàng”.
Trước khi nổ ra cơn “cùng tất biến” của Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, các cơ quan chính quyền luôn giao đãi bằng khẩu ngữ “là bạn của dân” đã có quá đủ thời gian để rút ra một bài học đắt đỏ từ câu chuyện Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng, nơi mà một con người được xem là viết hoa như Đoàn Văn Vươn cùng gia đình đã làm nên dấu ấn phản kháng đầu tiên bằng vũ khí sát thương đối với lực lượng công vụ, cũng liên quan mật thiết đến việc thu hồi đất và bóng dáng của một nhóm lợi ích lẩn khuất phía sau việc cướp đất của nông dân.
Chỉ có điều, sự đau đớn của người dân luôn bị nhân gấp đôi: Một do thái độ hành xử vô lối của chính quyền, và tiếp theo là những kẻ được xem là “công bộc”, ngoài thói quen vun vén tài sản trên máu xương đồng bào, đã không tích góp được bất kỳ kinh nghiệm xương máu nào trong cuộc đối mặt và cả đối đầu với dân chúng.
Nhìn rộng hơn và trượt qua thời gian từ rất nhiều năm, lịch sử đã nhận ra bài học lớn nhất là một cơ chế độc trị đã không ngộ được bất cứ bài học nào từ lịch sử về việc cai trị các công dân của mình.
Hai ngàn bài viết phẫn uất sôi sục trên phần lớn báo chí trong nước về số phận “người nông dân nổi dậy” ở Hải Phòng vào đầu năm 2012 đã chẳng mấy có tác dụng, bởi chính thái độ coi thường dân của rất nhiều quan chức vô cảm. Thậm chí, viên đại tá có tên là Đỗ Hữu Ca – giám đốc Công an Hải Phòng và là tác giả của giai thoại được xem là “trận đánh đẹp” vào gia đình Đoàn Văn Vươn, còn được phong hàm tướng sau sự việc đau buồn đó.
RFI : Như vậy là chính quyền vẫn chưa rút ra được bài học sau vụ Đoàn Văn Vươn ?
Nhưng một khi không có ai rút ra được bài học nào từ lịch sử, lịch sử sẽ bắt một ai đó phải trả giá. Lần đầu tiên, sự phản kháng của dân chúng, dù mới chỉ biểu hiện ở vai trò một cá nhân, đã vượt quá mọi giới hạn của kìm nén và sợ hãi. Lần đầu tiên, thói vô cảm quan chức đã phải một cái giá rất đắt đỏ, như một món hàng xôi thịt ngoài chợ.
Mối liên hệ trực tiếp giữa cơ quan giải phóng mặt bằng, mà thực chất là đội thi hành cưỡng chế của Thái Bình, với gia đình hung thủ Đặng Ngọc Viết có thể đã đủ cấu thành để làm nên mối xung khắc hết thuốc chữa. Từ nhiều năm qua, người dân lành ở nhiều địa phương đã biến thành dân oan và kéo nhau rồng rắn đi khiếu tố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về sự bất nhẫn có độ chênh lệch từ 10-20 lần giữa giá đền bù đất với giá bán buôn chính lô đất đó, về số phận bị bỏ mặc và còn được mô tả “không khác con vật” của lớp dân oan, và cả về điều tiếng bầm dập từ chuyện một quan chức của Quốc hội đòi đánh thuế người dân đi khiếu kiện, đến người đứng đầu cơ quan Tổng thanh tra chính phủ đòi cưỡng chế chính những người đi đòi quyền lợi chính đáng về đất đai…
Tất cả đã phải trả giá, trả giá cho ngày hôm nay và gần như không thể khác cho cả tương lai những tháng năm sắp tới, đối với sự vô cảm quan chức mà xã hội đã lên án quá dày dặn nhưng lại chưa một quan chức trơ lì nào bị kết án.
RFI : Theo anh thì liệu có nguy cơ hỗn loạn trong xã hội hay không ?
Không thể nói khác hơn, một quy luật tâm lý xã hội đã hình thành: Não trạng và cách hành xử vô cảm đến mức bất chấp của giới quan chức đã tiếp biến với hành động phản kháng mang tính bất chấp không kém của dân chúng. Mười sáu năm trước, người dân Thái Bình nổi dậy nhưng chỉ đến mức bắt giữ cán bộ chính quyền trong một thời gian ngắn, nhưng đến năm 2012 gia đình Đoàn Văn Vươn đã chống trả quyết liệt lực lượng cưỡng chế đất đai tuy chỉ bằng tư thế thụ động, còn nay tâm thế sợ hãi đã biến thành hành vi trả thù chủ động của người dân. Tín hiệu hỗn loạn xã hội cũng từ đó mà nảy nở, mà bùng phát.
Khó có thể khác hơn, nạn thu hồi đất vô lối và thói cai trị dân chúng bằng bạo lực ở nhiều địa phương đang dẫn đến triển vọng bùng nổ phản kháng của nông dân. Không còn là những phản ứng tích tụ ngấm ngầm nhưng không dám bộc phát như những năm trước, giờ đây hành động phản kháng đã có dấu hiệu vượt qua tâm lý sợ sệt và lằn ranh pháp luật, chĩa thẳng mũi công kích vào những cán bộ chính quyền cận kề nhất. Đó cũng là nhận thức “hồi tố” – một dạng tâm lý rất nguy hiểm trong lịch sử xã hội Việt Nam mà không ít lần đã dẫn đến những xáo trộn tự phát và kinh khủng, dẫn tới những cuộc khởi nghĩa có tổ chức của nông dân ở khắp mọi nơi.
Nhà nước Việt Nam đương đại đã từ lâu bỏ quên lời dạy “lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi. Trong lúc nhiều quan chức cao cấp vẫn cố tỏ ra bình thản trong các cuộc họp mà chẳng mấy ai dám chịu trách nhiệm cá nhân để quyết định những vấn đề “nhạy cảm”, tâm lý hồi tố tự phát nơi dân nghèo lại đang có chiều hướng phát lộ ngay trước mắt ở một số vùng nông thôn miền Bắc và miền Trung - những nơi mang sắc thái dã man nhất của các nhóm lợi ích và hành xử mang tính côn đồ và lưu manh nhất của một số viên chức chính quyền.
Cho dù sắp tới các cơ quan tuyên giáo của Nhà nước có quy kết hành vi của hung thủ Đặng Ngọc Viết là “khủng bố”, xã hội sẽ không thể nào tránh khỏi câu hỏi liệu có xảy ra một cơn sóng phản kháng tự phát và dữ dội của dân oan nhắm vào các lực lượng thường liên quan ích lợi nhất với các quyền lợi dự án, kế hoạch bồi thường, cưỡng chế và giải tỏa đất đai tại các vùng nhạy cảm như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang…, và tất nhiên không thể loại trừ Nghệ An – nơi vừa nổ ra vụ xung đột không khoan nhượng giữa công đồng kitô hữu với chính quyền và cảnh sát vũ trang…
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng về cuộc trao đổi hôm nay.
Thụy My
(RFI)

Người bắn 4 cán bộ UBND Thái Bình đã chuẩn bị sẵn di ảnh

Sáng ngày 12/9, trong cơn mưa xối xả trút xuống thành phố Thái Bình, thi thể của hung thủ Đặng Ngọc Viết (SN 1971), người đã vào tận UBND thành phố Thái Bình xả súng và nạn nhân Vũ Ngọc Dũng (SN 1962, Phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình), đã được người thân đưa về tổ chức tang lễ.
Tại căn nhà nơi diễn ra đám tang của Đặng Ngọc Viết, hàng trăm người dân đã đến dự, tất cả mọi người đều không ngờ rằng Viết dám mang súng vào tận ủy ban nhân dân để giết người vì bình thường Viết vốn là một người hiền lành, ít nói. “Khi nghe tin về vụ việc, tôi không thể ngờ được hung thủ là Viết vì tính nó hiền lành, có bao giờ gây sự, đánh nhau với ai đâu”, cô Lan - một người dân tham dự đám tang chia sẻ.
Người dân đến dự đám tang của Đặng Ngọc Viết.
Anh Đặng Ngọc Vinh, anh trai hung thủ, cho biết: “Khoảng 14h30 tôi nhận được tin báo rằng em trai đã gây ra chuyện động trời, chạy lên ủy ban đã thấy công an phong tỏa hiện trường còn em trai tôi đi đâu không biết. Cho đến khoảng 19h,  em trai tôi đã tự dùng súng bắn vào tim để tự sát tại một ngôi chùa”.
Cũng theo anh Vinh, Viết vốn rất ngoan và nghe lời, sau khi học hết cấp 3, Viết đi xuất khẩu lao động ở Nga một thời gian và mới về Việt Nam được vài năm. Viết đã có vợ và hai con, con gái lớn 18 tuổi con trai 10 tuổi. Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng nên hai người đã ly thân, vợ của Viết hiện tại đang cư trú tại Nga, hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.
Viết đã chuẩn bị sẵn di ảnh trước khi đi nổ súng.
Hiện tại, Viết ở cùng bố, sức khỏe rất yếu và một người anh trai là Đặng Văn Công bị chất độc màu da cam, thần kinh không ổn định. Mẹ Viết vừa mất cách đây khoảng 1 năm vì bệnh hiểm nghèo.

Hé lộ nguyên nhân vụ xả súng

Về nguyên nhân dẫn tới hành động xả súng vào cán bộ UBND của Đặng Ngọc Viết, người nhà hung thủ cho biết đều xuất phát từ việc đền bù giải phóng mặt bằng. Theo đó, căn nhà nơi Viết đang ở có diện tích khoảng 200m2, được đền bù gần 500 triệu và muốn chuyển sang khu tái định cư phải bù thêm tiền trong khi Viết không thể xoay xở được.

Ban đầu Viết định lấy tiền đền bù bằng tiền mặt nhưng phía UBND không trả một lần mà chia ra làm nhiều đợt. Sau khi lấy được 3 đợt, Đặng Ngọc Viết muốn chuyển sang hình thức nhận đất ở khu tái định cư và trả lại tiền mặt đã nhận nhưng không được chấp thuận.

Đặng Ngọc Viết đã làm đơn kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết nên xảy ra mâu thuẫn với ông Tư và ông Dũng là Giám đốc và Phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình.

Trong một diễn biến khác, theo một người anh em đồng hao của Đặng Ngọc Viết, trước khi vào UBND xả súng, Viết đã chuẩn bị sẵn “di ảnh” cho mình, tự đi chụp ảnh và treo lên khung. Người nhà khi phát hiện cũng đã lo ngại và hỏi về dự định nhưng Viết không nói.

Hiện tại, vụ việc đang khiến dư luận thành phố Thái Bình xôn xao, phía cơ quan điều tra cũng đang tích cực vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc.
Lê Tú
Theo Tri Thức
 

Vì sao xảy ra vụ xả súng vào 5 cán bộ?

Liên quan tới vụ nổ súng khiến 5 cán bộ UBND Thành phố Thái Bình thương vong, nguyên nhân ban đầu của vụ xả súng kinh hoàng này đã được hé mở.
Thông tin mới nhất từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Đặng Ngọc Viết (SN 1971, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), đối tượng gây ra vụ nổ súng làm 5 người thương vong ở UBND TP Thái Bình đã tự sát sau khi gây án.
Điều đáng nói là các nạn nhân trong vụ nổ súng này không có mâu thuẫn cá nhân với đối tượng Viết. 
xả súng, cán bộ, thương vong, nguyên nhân, Thái Bình
Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường (Ảnh: Thanh niên)
Cơ quan điều tra xác định, nguyên nhân ban đầu dẫn tới sự việc vụ việc không xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân mà nguyên nhân chính liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án thuộc phường Kỳ Bá, huyện Kỳ Bá.

Trước đó, vào tháng 8/2013, Đội giải phóng mặt bằng có tiến hành giải quyết đền bù cho một số trường hợp, trong đó có một dự án chiếm tới 5ha ở phường Trần Lãm có liên quan đến 3 anh em trai của Viết.

Khi triển khai dự án, Viết đồng ý phương án đền bù tái định cư, nhưng sau đó gia đình của đối tượng Viết lại không đồng tình với quan điểm giải quyết của cơ quan chức năng mà đòi tiền mặt. 

Không lâu sau đối tượng và gia đình trên lại đòi đổi phương thức đền bù khiến vụ việc trở nên phức tạp.

Vào thời điểm đó, Đặng Ngọc Viết đi làm tại TP. HCM và mới trở về nhà được khoảng 1 tuần.

Đến thời điểm xảy ra vụ việc, trung tâm và gia đình Viết không có mâu thuẫn quá căng thẳng. Ngoài ra, Viết cũng chưa có đơn từ khiếu nại, kiến nghị gì về vấn đề này.

Bất ngờ, vào chiều ngày 11/9, Viết xông vào trụ sở Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Thái Bình (đường Trần Phú, TP. Thái Bình) với khẩu colt quay bắn đạn chì, do Trung Quốc sản xuất. Tại đây hắn đã bắn bị thương 5 cán bộ tại Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Thái Bình.

Được biết, trước khi lên Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Bình, Viết đã gây gổ với một người dân bằng cách hắt cốc nước bẩn vào người này.

Trên báo Tuổi Trẻ, trả lời về thông tin cho rằng trường hợp trực tiếp nổ súng có liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn TP, ông Nguyễn Ngọc Ý - Chủ tịch UBND TP Thái Bình khẳng định: "Hiện, các cơ quan chức năng của TP đang khẩn trương kiểm tra lại xem trường hợp nổ súng có liên quan gì đến các dự án đang triển khai hay không.

Chúng tôi cũng chưa có thông tin chính xác là người nổ súng có bị thu hồi đất hay không. Nguyên nhân chính thức hiện các cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ".

P.Lam(Tổng hợp)
  (VNN)

‘Không ai được tùy tiện cắt xén quyền con người’

GS.TS Trần Ngọc Đường bình luận với qui định như khoản 2 điều 15 dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ nay không ai được tùy tiện cắt xén các quyền con người, quyền công dân, trừ trường hợp khẩn cấp.
Quyền nào không bị hạn chế?
Ngày 11/9, tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về quyền con người, quyền công dân do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ở TP.HCM, GS.TS Trần Ngọc Đường, thành viên Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp cho hay, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã có một số điểm mới về nhận thức và cách thức thể hiện.

quyền con người, quyền công dân, hiến pháp, Trần Ngọc Đường, Nguyễn Đăng Dung
GS.TS Trần Ngọc Đường
Một trong những điểm mới là lần đầu tiên giới hạn của các quyền được quy định thành nguyên tắc trong dự thảo Hiến pháp. Theo tinh thần của công ước quốc tế, giới hạn quyền trong dự thảo đã quy định thành nguyên tắc ở khoản 2 điều 15, khắc phục sự tùy tiện trong việc hạn chế quyền.
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”, khoản 2 điều 15 ghi rõ.
“Theo qui định này, từ nay không ai được tùy tiện cắn xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do luật định”, ông Đường khẳng định.
Tuy nhiên, ông cho rằng, dù quy định trên đã có sự tương thích với các qui định của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, nhưng nó mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc.
“Dự thảo chưa được qui định đối với từng quyền thì bị hạn chế quyền như thế nào? Quyền nào thì không bị hạn chế? Trong khi có những quyền tuyệt đối không bị hạn chế như quyền sống… Cần nghiên cứu bổ sung hạn chế đối với từng quyền, điều này vừa hạn chế sự tùy tiện từ phía nhà nước vừa thuận lợi cho con người và công dân trong việc thực hiện các quyền”, ông Đường nói.
Ông khuyến nghị, cần phải thêm cụm từ “theo luật định” vào nguyên tắc ở khoản 2 điều 15 này để sớm hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Còn GS.TS Nguyễn Đăng Dung - ĐH Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, sửa đổi như khoản 2 điều 15 đã nhầm lẫn giữa hai vấn đề khác biệt trong luật nhân quyền quốc tế, đó là “giới hạn của quyền” và “hạn chế việc thực hiện quyền”. “Từ đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về lập pháp và thực thi pháp luật”, ông Dung nói.

quyền con người, quyền công dân, hiến pháp, Trần Ngọc Đường, Nguyễn Đăng Dung
GS.TS Nguyễn Đăng Dung
Theo ông, hậu quả thứ nhất là với qui định như khoản 2 điều 15, bất cứ quyền con người, quyền công dân nào cũng sẽ chỉ bị bị hạn chế (giới hạn) trong trường hợp khẩn cấp của quốc gia, trong khi trên thực tế một số quyền cần thiết phải được giới hạn trong mọi thời điểm chứ không cần đợi đến khi xuất hiện tình trạng khẩn cấp.
Thứ hai, trong khi đề cập đến vấn đề hạn chế thực hiện quyền, qui định như dự thảo đã không kèm theo những ngoại trừ với các quyền tuyệt đối mà theo luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia không được phép giới hạn hay đình chỉ thực hiện trong bất kỳ bối cảnh nào, cụ thể như các quyền sống, quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay nhục hình…
“Thiếu sót này vô hình trung sẽ tạo cơ sở cho việc lợi dụng qui định về tình trạng khẩn cấp để vi phạm các quyền tuyệt đối”, ông Dung nói.
Cơ chế để dân bãi nhiệm ĐBQH?
TS Hoàng Văn Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người cho rằng, để Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của người dân, cần qui định về cơ chế để nhân dân thực hiện quyền bãi nhiệm đối với các đại biểu QH, HĐND hiệu quả hơn.

quyền con người, quyền công dân, hiến pháp, Trần Ngọc Đường, Nguyễn Đăng Dung
Theo TS Nghĩa, hiện nay quyền bãi miễn thuộc về QH, HĐND, cơ chế, cách thức bãi miễn chưa thực sự hiệu quả. Có đại biểu dân cử không làm tròn trách nhiệm, sứ mệnh của người đại diện nhân dân cũng như chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, thậm chí có đại biểu tha hóa, tham ô, tham nhũng…
“Điều này cũng chính là những vi phạm đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, cần phải có cơ chế bãi nhiệm thiết thực, nhân dân là người có vai trò quyết định và tham gia trực tiếp vào quá trình bãi nhiệm ấy”, ông Nghĩa kiến nghị.
Bài và ảnh: Tá Lâm
(VNN)

Trưởng ban Nội chính T.Ư: 'Luật pháp mình mơ mơ màng màng…'

Làm việc với TAND tối cao hôm qua, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, đã bày tỏ như vậy trước tình trạng một số vụ án tham nhũng “nhỏ nhỏ” nhưng bị kéo dài khiến dư luận bức xúc.


Ông Nguyễn Bá Thanh và ông Trương Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao. Ảnh: Hoàng Trang
Hôm qua, 11.9, đoàn công tác do ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra - giám sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với TAND tối cao. Đây là 1 trong 7 đoàn được thành lập theo kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp.

Hủy án vì lọt tội 



Tôi thì không am hiểu nhiều về tòa nhưng tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư

Báo cáo của TAND tối cao đề cập tới 10 “đại án” tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong thời gian gần đây, trong đó có vụ liên quan đến lãnh đạo các cấp ở TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Vụ án này có 8 bị can bị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm, trong số này nhiều người từng giữ chức vụ cao như phó chủ tịch UBND tỉnh, bí thư, chủ tịch UBND TP… Tháng 6.2012, TAND TP.Vĩnh Yên đã đưa vụ án ra xét xử nhưng mới đây Chánh án TAND tối cao đã ra kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm, vì xét thấy tòa sơ thẩm đã áp dụng hình phạt quá nhẹ, không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. 

TAND tối cao cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình xét xử tội phạm tham nhũng vẫn còn không ít thiếu sót. Thứ nhất là việc giải quyết một số vụ án còn để kéo dài. Nguyên nhân là các vụ án rất phức tạp, kẻ phạm tội có trình độ nên thủ đoạn che giấu tinh vi gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong việc đánh giá hành vi, mức độ phạm tội. Một số bản án, quyết định giải quyết các vụ án tham nhũng bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, do xác định không đầy đủ dấu hiệu tội phạm hoặc không phân biệt được dấu hiệu khác nhau giữa tội phạm này với tội phạm khác. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm tham nhũng còn có những hạn chế nhất định.

 Giám định tư pháp “vẫn dở dở ương ương”

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, một trong những vướng mắc lớn là còn thiếu các chế tài về giám định. “Hiện nay khâu giám định tư pháp đang tắc vô cùng, các ngành đã gắng rồi nhưng nó vẫn dở dở ương ương, đến bây giờ đôn đốc các cơ quan rất là khó khăn. Nhiều vụ án giám định không biết bao giờ kết thúc, thích thì làm mấy tháng, không thích thì làm năm nọ qua năm kia cũng không ai làm gì được", ông Thanh nói.

Trưởng ban Nội chính T.Ư cũng đưa ra nhận định “vướng mắc thông thường” trong các vụ án tham nhũng hoặc vụ án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng có lẽ là hồ sơ chưa đầy đủ, trả đi trả lại giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Không chỉ các vụ án lớn, phức tạp mà có những vụ “nhỏ nhỏ” cũng trả đi trả lại rồi lên tận cơ quan cấp cao rất mất thời gian. Dẫn chứng vụ án xảy ra tại Vifon, ông Thanh nói: “Trong vụ này 2 ông là Bộ Công thương và Bộ Tài chính không chịu làm nguyên đơn dân sự. Các ông đều có cái lý của mình. Tôi đề nghị anh Trương Hòa Bình cho triệu tập cả hai ông đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự được không? Triệu tập đây không phải là có tội gì đâu mà để làm rõ, lấy lại tiền cho nhà nước cả mấy chục tỉ đồng, nên làm cho dứt điểm vụ này đi, một vụ nhỏ như thế này mà đẩy lên Bộ Chính trị thì tốn thời gian quá”.

 Trả lời về việc này, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao cho rằng ba ngành tố tụng T.Ư xác định về thành phần tham gia tố tụng nên phải có sự thống nhất với nhau chứ riêng tòa án không quyết được. Tuy nhiên ông Thanh nói ngay: “Tôi thì không am hiểu nhiều về tòa nhưng tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến. Luật pháp mình mơ mơ màng màng thế chứ ở các nước là nghiêm lắm”. Ông cũng đề nghị: "Vụ Vifon dù là nhỏ nhưng tôi thấy không đáng phải kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, khiến người dân cảm thấy bị chìm xuồng rồi, do vậy tôi đề nghị đưa vào đợt này làm cho dứt điểm”.

Theo dự kiến, đoàn công tác sẽ làm việc với TAND tối cao từ nay cho đến cuối tháng 9. Sau khi nghe báo cáo tự kiểm tra giám sát của Ban cán sự  Đảng TAND tối cao, đoàn công tác sẽ trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, làm việc trực tiếp với một số đơn vị về công tác xét xử án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng phức tạp.
Xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội. Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cho biết, từ 1.1.2011 đến 30.6.2013, Công an TP đã khởi tố điều tra 72 vụ, 186 bị can về tội tham nhũng. Số vụ, bị can đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 53 vụ, 157 bị can. Thanh tra Nhà nước TP đã chuyển 5 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cho Công an TP...
Tại buổi làm việc, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan chức năng của TP như Thanh tra, Kiểm toán, Thuế, Hải quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp kịp thời phát hiện những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; kết quả xác minh nếu đủ chứng cứ, kịp thời khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu và các chức danh chủ chốt. Chỉ đạo chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, đảm bảo đúng quy định pháp luật không để lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan sai.

V.Chiến
Thái Sơn
(Thanh niên)

VKSND Tối cao đề xuất với Ban Nội chính 10 “đại án” tham nhũng

Trong cuộc làm việc sáng 12-9 với Đoàn kiểm tra giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu, VKSND Tối cao đã đề xuất 10 “đại án” tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc với VKSND Tối cao
Sáng nay 12-9, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra giám sát do ông Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu là 1 trong 7 đoàn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (BCĐ) lập ra nhằm kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp tại một số địa phương và các cơ quan tố tụng Trung ương.
Nhấn mạnh tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết thông qua cuộc kiểm tra giám sát này, đoàn công tác tập trung vào tình trạng cho hưởng án treo đối với tội phạm về tham nhũng.
“Hôm trước họp BCĐ có đưa ra việc siết lại cho hưởng án treo. Khung hình phạt rộng như thế, khi xét xử gây ra những phản cảm, hoài nghi trong xã hội. Không thể không có án treo song phải như thế nào thì mới có án treo, như thế nào thì không được hưởng án treo. Đợt kiểm tra lần này chúng tôi sẽ làm rõ việc này” - ông Nguyễn Bá Thanh cho hay.
Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý với VKSND Tối cao: “Quyền hạn của các đồng chí rất lớn, vấn đề giờ là chỉ làm thế nào thôi. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải xử lý nghiêm. Trong khi có nhiều vấn  đề quá trời mà mình không làm. Hay là mình thiếu quân? Thiếu điều gì thì mình đề xuất để đoàn công tác báo cáo Bộ Chính trị”.
Cũng trong buổi làm việc này, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết đợt kiểm tra giám sát này, ngoài việc phát hiện ra những bất cập, vướng mắc của các cơ quan tố tụng còn tập trung đi sâu vào một số vụ việc vừa thúc đẩy tiến trình xử lý vừa chọn ra những bất cập điển hình để báo cáo với Bộ Chính trị, Quốc hội giải quyết. “Những vấn đề cần phải xem xét, khắc phục là làm sao để tình trạng trả lại hồ sơ ít hơn. Chuyện trả hồ sơ là chuyện không tránh khỏi nhưng đừng để quá nhiều lần. Trả đi trả lại, trả lên trả xuống, không khéo lại vi phạm pháp luật. Cần bàn cách thức như thế nào để hạn chế thấp nhất” - ông Thanh đề nghị.
Theo báo cáo của VKSND Tối cao, tình trạng phải trả hồ hồ sơ điều tra bổ sung án tham nhũng còn nhiều, thường là các vụ án lớn, phức tạp hành vi tội phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn, liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương.
Theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra giám sát, VKSND Tối cao đã đề xuất 10 “đại án” tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Cụ thể: vụ tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines; Vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra tại công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty dệt kim Phương Đông và chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT ở TP HCM; Vụ cố ý làm trái về quản lý vốn gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ Ngân hàng NN-PTNT; Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay tại công ty cổ phấn chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu; Vụ nhận hối lộ xảy ra ở ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Nông; Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam; Vụ bầu Kiên; Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của ngân hàng NN-PTNT; Vụ tham ô tài sản ở tập đoàn Vinashin.
Việc tổng hợp 10 vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp; án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, nghiêm trọng phức tạp, theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương là để rà soát, xem xét và kịp thời tổ chức các cuộc họp để có ý kiến chỉ đạo với các vụ án này, từ đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án tham nhũng.
Tin-ảnh: N.Quyết
(Người Lao động)

'Kinh tế TQ ở giai đoạn quyết định'


Sản xuất trong nước Trung Quốc đang có chỉ dấu đi lên

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói nền kinh tế nước này đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu mang tính "quyết định".

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thành phố cảng Đại Liên, Trung Quốc, ông Lý đã cam kết sẽ củng cố quan hệ với các tập đoàn nước ngoài.

Ông cũng nhấn mạnh những tập đoàn đa quốc gia sẽ được "đối xử bình đẳng" như các công ty quốc doanh.

Ông Lý cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đang có đủ điều kiện để tiến tới mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay, bất chấp một môi trường kinh tế "phức tạp".

Trung Quốc đã phải hứng chịu tăng trưởng kinh tế thấp nhất từ hai thập niên trở lại đây trong quý hai năm 2013, và hiện có quan ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang gặp sóng gió và chao đảo.

Tuy nhiên, ông Lý đã tìm cách làm dịu đi những quan ngại trên bằng khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc rất ổn định và có nền tảng vững mạnh.

'Chuyển đổi cơ cấu'

"Nền móng cho một sự phục hồi kinh tế vẫn rất mong manh, với nhiều điều bất định ở phía trước," ông Lý được hãng thông tấn Associated Press dẫn lời.

"Trung Quốc đang ở một giai đoạn mang tính quyết định mà nếu không có sự chuyển đổi, nâng cấp về cơ cấu, chúng ta sẽ không thể giữ vững tăng trưởng kinh tế," ông Lý nói.
"Ngay tại đây tôi có thể khẳng định rằng tình hình, về tổng quan, là an toàn và nằm trong tầm kiểm soát."
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu quan trọng, trong đó có việc thả nổi lãi suất cho vay, cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá, và một số chính sách khác nhằm làm suy giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Những thống kê kinh tế gần đây đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với cả nhập khẩu và xuất khẩu, cũng như sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất.

Những con số vượt mức dự đoán này được cho là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đi vào quỹ đạo ổn định.

"Chúng tôi quyết tâm thúc đẩy nhu cầu nội địa và mức tiêu dùng. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng muốn cải thiện mô hình đầu tư nhằm tăng tính hiệu quả của nó," ông Lý nói.

Ông Lý cũng nói về vấn đề nợ tại cấp địa phương mà một thống kê kiểm toán năm ngoái ước lượng vào khoảng 1,6 nghìn tỷ đôla, một phần tư sản lượng kinh tế thường niên của nước này.

"Điều này đang trở thành một trong những nguyên nhân gây quan ngại," ông Lý nói. "Chúng tôi đang thực hiện những chính sách thích hợp để xử lý nó theo trình tự. Ngay tại đây tôi có thể khẳng định rằng tình hình, về tổng quan, là an toàn và nằm trong tầm kiểm soát."
(BBC)
 

Phạm Chí Dũng - Thống kê Trung Quốc: Hai mặt của sân khấu kinh kịch

Chỉ dấu co thắt

Khi muốn che giấu một vết xấu trên thân thể, người ta phải tìm cách che đậy nó. Trung Quốc luôn là một cá tính đầy sĩ diện như thế, bất chấp nhà phản biện kinh tế Lang Hàm Bình của Trường đại học Hồng Kông luôn cho rằng nhiều số liệu của Trung Quốc, từ GDP đến tỷ lệ lạm phát, đều là “giả”.

Vào cuối tháng 8/2013, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã đột ngột tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn việc cung cấp các số liệu cụ thể của chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI). Lý do được đưa ra rất đơn giản: cơ quan này không thể đảm bảo chắc chắn tất cả các dữ liệu công nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu về tính chính xác - theo một quan chức của Tổng cục Thống kê là Sheng Laiyun.

Về khái niệm, PMI là một chỉ báo cho phép đánh giá triển vọng của một nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng GDP. Nếu cao hơn 50, PMI đưa ra một dự báo lạc quan, còn nếu dưới 50, thì đây là chỉ dấu cho thấy viễn cảnh co thắt của lĩnh vực sản xuất chế biến.


Bắt đầu từ quý 3 năm ngoái, ngân hàng Anh quốc HSBC đã không còn giữ được cái nhìn lạc quan đối với nền kinh tế Trung Quốc. Một đánh giá của HSBC cho thấy PMI Trung Quốc chỉ là 47,7 vào tháng 7/2013, sụt 0,5 so với tháng 6/2013 và trở thành mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012.

Nhưng đến đầu tháng 8/2013, Trung Quốc lại đột ngột tung ra một con số bất ngờ về PMI. Theo tính toán của chính phủ nước này, PMI của tháng 7 là 50,3, tăng so với mức 50,1 của tháng trước.

Ngay lập tức, các chuyên gia ngân hàng Úc ANZ nghi ngờ rằng Bắc Kinh thổi phồng chỉ số PMI để trấn an giới đầu tư. Bởi một thực tế không thể phủ nhận là tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2013 đã thực giảm, từ 7,7% trong quý 1 xuống còn 7,5%, vào quý 2. Tỷ lệ tăng trưởng quý 3 dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức 7,4%, và tỷ lệ tăng trưởng toàn năm 2013 dự báo sẽ còn thấp hơn nữa.

Khuất lấp

Thái độ khuất lấp của Chính phủ Trung Quốc về những chỉ số thống kê chủ chốt cũng khiến người ta nhớ lại một sự kiện khá ấn tượng: tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào quý 1 năm 2013, một quan chức về hưu của Trung Quốc là Hạng Hoài Thành đã bất ngờ công khai hóa nhận định của ông này về thực trạng nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc.

Theo ông Hạng, con số nợ như thế có thể vượt quá 20.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3.200 tỷ USD), tức cao gấp đôi số liệu được Kiểm toán nhà nước Trung Quốc công bố trong một báo cáo vào năm 2011.

Rất đáng chú ý, Hạng không phải là một phản biện gia độc lập, mà là cựu Bộ trưởng Tài chính của Trung Quốc từ năm 1998 đến 2013. Tức ông mới về hưu vào đầu năm nay.

Cần nhắc lại, vào năm 2011 đã xuất hiện những đánh giá đầu tiên và khá rõ ràng về tình hình nợ trong nội tình Trung Quốc. Khác với thời kỳ hoàng kim 2006-2007 tại đất nước này, những tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s và Fitch Rating đã có cái nhìn khác hơn về kinh tế Trung Quốc. Theo Moody’s, tuy Trung Quốc đã phải công bố số nợ của các chính quyền địa phương là 1.650 tỷ USD, nhưng số liệu này còn thấp hơn ít nhất 500 tỷ USD so với thực tế.

Thậm chí còn có số liệu về món nợ lên đến 3.000 tỷ USD, tức tương đương với toàn bộ dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Cùng lúc, số nợ nước ngoài của chính quyền trung ương cũng lên tới 2.000 tỷ USD.

Hoặc, người ta có thể nghĩ gì nếu so sánh con số công bố của Ngân hàng trung ương về nợ của chính quyền địa phương vào khoảng 1.650 tỷ USD, trong khi theo Credit Suisse - một hãng phân tích tín nhiệm độc lập của Thụy Sỹ, con số này lên đến 2.200 tỷ USD?

Theo Lang Hàm Bình, khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương cho Ngân hàng trung ương là gần như vô vọng.

Một phản biện gia khác, giáo sư quốc tịch Mỹ Bùi Mẫn Hân chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, đã cho rằng nếu tính cả nợ của chính quyền địa phương và chi phí tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh cũng như trái phiếu mà các ngân hàng này phát hành bên cạnh trái phiếu đường sắt, tổng số nợ của Trung Quốc phải chiếm đến 70-80% GDP của quốc gia này.

Mặt thật kinh kịch

Nouriel Roubini, một trong những chuyên gia hàng đầu trên thế giới phổ biến “học thuyết khủng hoảng”, vẫn luôn cho rằng Trung Quốc là một trong những nhân tố nguy biến có thể đẩy kinh tế thế giới xuống vực thẳm. Quan điểm đó được bảo lưu ngay cả khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc phát đi số liệu về mức tăng GDP 7,9% và tăng trưởng xuất khẩu 14,1% vào tháng 12/2012, nhằm chứng tỏ sự phục hồi trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi GDP của Mỹ cao gấp 2,5 lần so với Trung Quốc, lượng tiền mà Trung Quốc in ra lại cao hơn 30% so với Mỹ.

Trong thực tế, đã chưa có gì gọi là phục hồi. Ngoài việc giá bất động sản tại ít nhất hai chục thành phố lớn của Trung Quốc một lần nữa được các nhóm đầu cơ đẩy lên trong gần một năm qua, hoạt động thu nợ của Ngân hàng trung ương từ các chính quyền địa phương vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ.

Cho dù ngân khố có dồi dào tiền mặt đến đâu, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng không thể mãi in tiền để bù đắp cho các khoản chi phí tăng vọt và đồng thời kích thích lạm phát quay trở lại.

Từ nhiều năm qua, sự khác biệt giữa con số thống kê chính thức với thực tế vẫn luôn là một vệt mờ trong tính minh bạch của nền kinh tế Trung Quốc. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường và Trung Quốc không phải chịu nhiều áp lực, vệt mờ này có thể chỉ nằm ở một góc nhỏ nào đó trong bức tranh kinh tế tổng thể. Nhưng nếu nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những nhược điểm tồi tệ, vệt mờ đó rất có thể sẽ nhanh chóng trở thành một đám mây mờ có thể che lấp cả mặt trời Trung Quốc và góp thêm một yếu tố tiêu cực làm cho nền kinh tế mau chóng bị rơi vào tình trạng mất thăng bằng hơn.

Trong những con số thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc, sự không thật luôn được che giấu một cách lộ liễu từ nhiều năm nay, đã khiến nền kinh tế và cả xã hội bị phủ lên một lớp sơn hào nhoáng, bên trên sự ruỗng mục đang dần phát triển.

Thái độ bất nhất của cơ quan thống kê Trung Quốc trong việc phát ra và thu lại chỉ số PMI là một chỉ dấu cho thấy đang có những vấn đề lớn khó có khả năng được giải quyết trong nội tại kinh tế Trung Quốc. Cần nhắc lại, trước cơn khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, tỷ lệ nợ xấu bất động sản ở Thái Lan chỉ được thống kê có 5%; nhưng khi cuộc khủng hoảng này nổ ra, tỷ lệ đó đã vọt lên gấp 10 lần số báo cáo: 50%!

Người Trung Hoa xưa đã từng có một nền văn hóa đặc trưng là sân khấu kinh kịch. Nhưng rất có thể những gì mà một nền chính trị giả tạo đang tạo ra đã làm nên những đặc thù thời đại có tính kịch nghệ vượt bậc so với dĩ vãng. Thái độ giả dối luôn làm bức bối chiếc mặt nạ được dùng trên sân khấu, để có thể không bao lâu nữa, khi mặt nạ kinh kịch rớt xuống, khán giả sẽ có dịp chiêm ngưỡng bộ mặt thật của một thể chế kinh tế lớn thứ hai của thế giới là như thế nào.

Tình cảnh nền kinh tế Trung Quốc lại có nhiều điểm giống với Việt Nam: ngân hàng ngập trong nợ xấu, bất động sản đóng băng, các con số thống kê từ nợ công đến các chỉ số khác đều rất thiếu độ tin cậy. Không chỉ vậy, hai nền kinh tế còn có liên quan chặt chẽ, nên khi “cơn khủng hoảng Trung Quốc” đang đến gần theo dự đoán của Nouriel Roubini, tương lai của Việt Nam cũng không thể sáng sủa hơn.

Phạm Chí Dũng

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét