Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Đừng để những người khác phải đau khổ!

KT Biển
KS Doãn Mạnh Dũng
31-12-2015
Khi thực hiện đại hội Đảng cộng sản, dù cấp nào những người cộng sản đều đứng nghiêm hát bài Quốc tế ca. Đó là bài hát với lời và nhạc tràn đầy xúc cảm như sóng dậy, triều dâng. Chính bài hát này đã làm nên Xô Việt Nghệ Tĩnh.
“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cơ khổ bần hàn, sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi quyết phen này sống chết mà thôi.
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành toàn nô lệ vùng đứng lên đi. Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình. Đấu tranh này là trận cuối cùng kết đoàn lại để ngày mai L’Internationale sẽ là xã hội tương lai. Đấu tranh này là trận cuối cùng kết đoàn lại để ngày mai L’Internationle sẽ là xã hội tương lai.”
Đây là bài thơ của Eugène Pottier (1816–1887) sáng tác năm 1870 góp phần hình thành phong trào Công xã Paris ngày 18/3/1871. Bài thơ được Pierre Degeyter (1848–1932) phổ nhạc năm 1888.
Bài Quốc tế ca thấm đậm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” do Marx (1818-1883) và Ănggen công bố năm 1848, khi đó Marx mới 30 tuổi.
Lời đầu tiên trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” Phần I viết:
“Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau”.
“Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” ra đời trong thời kỳ tiền tư bản. Khi đó thành quả lao động dựa vào hai yếu tố cơ bản là cường độ cơ bắp và thời gian lao động trong ngày.
Theo giáo trình “Lịch sử các học thuyết kinh tế” NXBGD – 1999 viết:
“Công lao to lớn của Marx là xây dựng học thuyết giá trị thặng dư, đây là hòn đá tảng của chủ nghĩa Marx. Marx là người đầu tiên phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến”. (Trang 120)
Theo Marx, công thức giá trị hàng hóa gồm có:
G = c+ v + m (Trang 48)
Trong đó:
G: Là Giá trị sản phẩm
c: Chi phi máy móc và vật tư là cố định
v: Lao động trả cho người công nhân.
m: Giá trị thặng dư mà nhà tư bản chiếm được
Với công thức trên, vì Marx cho “c” là cố định, nên Marx tin rằng nhà tư bản giàu có là nhờ bóc lột người công nhân nên mâu thuẩn giữa nhà tư bản và công nhân là mâu thuẩn đối kháng và giai cấp công nhân sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.
Nhận thức của Marx hình thành từ các cảm xúc trực tiếp khi quan sát các đại công trường thời Tiền tư bản.
Tiếp nhận tư duy trên, Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đã đưa ra khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rể”, sau đó là Cải cách ruộng đất 1954 và Cải tạo công thương 1975.
Phải chăng “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”?
Con người là sinh vật có trí tuệ. Trong quá trình khai thác thiên nhiên để tồn tại, nhờ có trí tuệ con người hiểu rằng muốn tồn tại, con người phải gắn kết trong cộng đồng xã hội. Do đó lịch sử tiến hóa của loài người gồm lịch sử chinh phục thiên nhiên và lịch sử gắn kết con người với nhau. Bản năng tìm kiếm sự sinh tồn là bản năng chính của con người. Bản năng đó không chỉ ở việc tìm kiếm, tích lũy vật chất hay duy trì nòi giống để tồn tại mà còn ở sự mong muốn bất tử của con người.
Để sản xuất ra của cải vật chất, con người phải sử dụng Lao động giản đơn và Lao đông trí tuệ để tác động lên tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo ra thực phẩm, nhà ở, áo quần, thuốc men, phương tiện giao thông…
Trong Công thức giá trị hàng hóa của Marx, ta thấy “c” là một biến vì trong “c” không chỉ có Lao động giản đơn mà còn có Lao động trí tuệ và Tài nguyên thiên nhiên. Theo sự tiến hóa của loài người, Lao động trí tuệ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong giá trị sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ.
Ví dụ, trong chiếc máy hơi nước có tài nguyên thiên nhiên là quặng sắt và than, có tài nguyên trí tuệ là kỹ thuật luyện sắt thép và sự phát minh ra máy hơi nước. Hai vị trí khác trên trái đất có tài nguyên thiên nhiên khác nhau, hai con người khác nhau có năng lực trí tuệ khác nhau. Vì tài nguyên trí tuệ mang tỷ lệ ngày càng lớn trong sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ nên mâu thuẩn giữa nhà tư bản và công nhân không phải là mâu thuẩn đối kháng, miển rằng nhà tư bản phải tăng cường sử dụng công nghệ mới. Để duy trì lợi ích của mình, nhà tư bản buộc phải chăm lo cuộc sống và nâng cao tay nghề của người công nhân. Vì vậy không thể có chuyện giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.
Chúng ta hôm nay đang chứng kiến những tỷ phú như Bill Gate, Zuckerberg… có siêu lợi nhuận nhờ Lao động trí tuệ và làm từ thiện. Những hình ảnh đó là ngoài sự tưởng tượng của thời Marx.
Lịch sử xã hội loài người là lịch sử xa dần con vật, loài người có xu hướng ngày càng yêu quý nhau hơn, khoan dung hơn và gắn bó với nhau trong xã hội không chỉ bằng pháp luật mà cả bằng đạo đức và lương tâm của một con người văn minh.
Với Marx, hạnh phúc là đấu tranh. Sau khi “bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình” thì sẽ làm gì để xã hội phát triển ổn định và bền vững. Xã hội Việt Nam hôm nay ai là nô lệ phải vùng lên? 
Trước khi Marx được sinh ra đời, nhà triết học Đức Immanuel Kant (1724-1804) lại đưa ra quan điểm: “Ta hãy tìm hạnh phúc cho kẻ khác, nhưng cho chính ta, thì hãy tìm sự hòan thiện, dù nó đem lại cho ta hạnh phúc hay đau khổ”.
Rõ ràng tư duy của Immanuel Kant cao thượng hơn, giúp xã hội loài người gắn bó nhau hơn, giúp con người ngày càng hòan thiện hơn về trí tuệ để chinh phục thiên nhiên.
Trong tự nhiên, chiếc kim của La bàn từ luôn chỉ về hướng Bắc. Nhưng khi gần đến cực Bắc thì kim la bàn chỉ hổn lọan. Chiếc máy bay của hảng First Air của Canada đã gặp tại nạn gần Bắc cực cách đây vài năm vì phi công quên không điều chỉnh lại kim la bàn khi hạ cánh tự động.
Phải chăng trong quy luật xã hội cũng vậy? Quá trình tiến hóa đến đích hạnh phúc của con người lại cần sự điều chỉnh với những nhận thức mới của loài người.
Vì bản tính mong muốn bất tử của con người, nên loài người khi yêu nhau vẩn cần sự tỉnh táo để nhận ra những kẻ như Herostratos – kẻ đốt đền – để được bất tử. Mọi chủ thuyết, mọi khuynh hướng của xã hội chỉ thật sự có ý nghĩa với loài người khi biết quý trọng tính mạng và nhân phẩm của con người, biết giúp người dân sống hạnh phúc hơn, văn minh hơn bằng một xã hội tự do trong trật tự.
Ngược lại, những giải pháp áp đặt với con người vì lợi ích của một nhóm người chỉ là sự gieo gió để tự gặt những cơn bão trong tương lai.
Xin phép lấy lời chị Mai Sinh làm lời kết. Chị Mai Sinh người Hải Dương, lớn lên trên đất Hà Nội là bạn học với tôi cùng lớp 10 H – trường Phổ thông III B , Hà Nội niên khóa 1964-1965. Khi biết tôi đang nghiên cứu các dự án cảng biển nên nhắc tôi khi họp lớp:
– Bạn cần hết sức cân nhắc các dự án của bạn, đừng để những người khác phải đau khổ vì sai lầm của chính mình!
Tôi thật hạnh phúc vì có những người bạn tốt như chị Mai Sinh. Văn hóa Hà Nội xưa đã dạy tôi những điều tuyệt vời mà thế hệ con hay cháu tôi khó mà có được. Cám ơn các thầy cô và các bạn học của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét