Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Điều gì giữ con người không "hóa thú" ?

Hoàng Hạnh (thực hiện)Phụ nữ Ngày nay (2013)

“Có thể, những người hàng xóm không biết rằng, tôn trọng và đồng cảm với ông lão kia không phải bằng cách đứng đó và chỉ trỏ như đang xem một tấn trò lạ mắt”...

Vô cảm, bàng quan là do mất niềm tin

PV: Thưa ông, vụ việc con cái đẩy bố già ốm ra nằm vỉa hè để tranh chấp ngôi nhà ở phố Núi Trúc, Giảng Võ, Hà Nội đang khiến dư luận đau xót và phẫn nộ. Nhưng có một điều khá mâu thuẫn là, khi xảy ra vụ việc trên (và nhiều trường hợp tương tự), hàng xóm kéo đến đứng xem và lên tiếng chê trách nhưng không ai giúp đỡ nạn nhân cả. Có thể lý giải thế nào về sự nghịch dị này?

TS Nguyễn Văn Huy: - Tôi vừa đọc một bài viết rất hay, trong đó lý giải tại sao nước Mỹ là cường quốc số 1 thế giới như hiện nay.

Trong số các ví dụ, tác giả bài báo kể lại câu chuyện trên một chuyến bay tử thần ngày 11/9/2001: trước khi quyết định sẽ cùng chống lại những kẻ khủng bố, hành khách trên máy bay đã tổ chức thảo luận kín với nhau.

Trong hoàn cảnh rất hiểm nghèo như vậy, cận kề cái chết như vậy những hành khách đó vẫn tôn trọng lẫn nhau, vẫn tìm được tiếng nói chung, từ đó, cùng hành động.

Người Mỹ coi đó là chuyện rất bình thường, còn với chúng ta, theo tôi nghĩ, là quá xa vời, thậm chí chỉ nghĩ về những điều như thế cũng đã là xa sỉ!

Vì sao hàng xóm chỉ bày tỏ sự phẫn nộ mà không hành động? Có thể họ không muốn trở thành người hùng đơn độc. Có thể họ nghĩ bày tỏ chính kiến (bằng lời nói) là đủ để thể hiện quan điểm về điều đúng điều sai rồi.

Hoặc có thể, họ không biết rằng, tôn trọng và đồng cảm với ông lão kia không phải bằng cách đứng đó và chỉ trỏ như đang xem một tấn trò lạ mắt. Có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Nhưng thật đáng sợ khi con người ta bàng quan vô cảm trước những điều xấu ác.

Không hành động là mỗi cá nhân tự tách mình ra khỏi xã hội; không thấy trách nhiệm của mình trước cộng đồng.

Điều đó chứng tỏ người ta mất niềm tin vào xã hội, vào cộng đồng. Đó chính là điều đáng sợ và nhức nhối khi xem xét những sự kiện trên.

PV: Chúng ta có Ủy ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng hiền tài cho tương lai. Vấn đề giáo dục luôn là vấn đề ưu tiên trong đầu tư và trong chính sách. Vậy ông lý giải như thế nào khi những vụ bất hiếu, bất nhân, vị kỷ như thế xảy ra ngày càng nhiều và mức độ cũng ngày càng tệ hơn?

TS Nguyễn Văn Huy: - Suốt một thời gian dài vài chục năm trở lại đây, nền giáo dục nước ta vẫn chỉ là dạy cho học sinh kiến thức.

Học sinh mới chỉ thuộc bài và trả bài (trên lớp và trong các kỳ thi) chứ nhìn chung nhà trường chưa chú trọng rèn luyện cho chúng tư duy độc lập, tự tin đánh giá, nhận xét, quyết định những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống của mình.

Chúng ta không tạo nên được những cá thể có thể đứng vững trong tất cả môi trường phức tạp, hành xử thuận theo những giá trị phổ quát của nhân loại là lẽ phải, công bằng, lòng tốt, sự bao dung nhân ái… Đó là nhìn vào lý thuyết.

Nhưng điều quan trọng là nền giáo dục cũng phải được đặt trong bối cảnh xã hội cụ thể hiện nay.để xem xét. Chưa bao giờ chúng ta phải đối diện với một xã hội có nhiều vấn đề phức tạp như hiện nay.

Về kinh tế, sau Đổi mới, người dân bước qua một cánh cửa khác, một xã hội khác, lao vào cuộc tích lũy làm giàu trên một nền đất hoang, chưa từng có luật lệ. Cả xã hội bị nhấn chìm vào vòng xoáy của đồng tiền.

Đồng tiền được sử dụng như một công cụ hiệu quả nhất, dần dần, nó biến thành giá trị được mọi người chấp nhận và tôn sùng quá mức, vượt quá giá trị thật của nó.

Về mặt xã hội, không phải tới bây giờ mới xuất hiện những biểu hiện của sự rạn nứt tan vỡ trong quan hệ anh em, cha mẹ con cái, vợ chồng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng và giàu có thường không đi cùng với học thức, nhân cách...

Những điều đó khiến cho đồng tiền thành giá trị quan trọng, vượt qua cả đạo đức và tri thức. Về xã hội thì quản lý lỏng lẻo, pháp luật không nghiêm. Con người không sống và làm việc theo pháp luật như mong muốn hàng chục năm qua.

Tóm lại, những hiện tượng trên xảy ra trong một xã hội mất thăng bằng, đang trên chiều hướng đi xuống nên càng thê thảm.

Thuận chiều văn minh

PV: -Trở lại với những vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian gần đây, ông tiến sĩ đánh mẹ đẻ, đuổi mẹ ra khỏi nhà hay con cái đẩy bố đau ốm ra vỉa hè đều diễn ra giữa ban ngày, trước mặt hàng xóm, láng giềng và ngay tại thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Điều này có khiến ông ngạc nhiên không, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Huy: - Theo tôi, không nên dựa vào tiêu chí “thanh lịch” hay “ngàn năm văn hiến” để lý giải những vụ việc xảy ra ở Hà Nội nói trên. Hà Nội không thể thoát khỏi bối cảnh chung của cả xã hội như đã nói ở trên.

Thậm chí, Hà Nội còn là trung tâm của bối cảnh đó, là nơi tập trung những mâu thuẫn đã và đang phát sinh trong đời sống của xã hội đương đại. Những câu chuyện tưởng như không thể xảy ra trong đời sống của con người vừa diễn ra ở Hà Nội chắc cũng từng diễn ra ở Moscow, New York hay bất cứ đô thị nào khác…, chúng ta đau lòng thật đấy, giật mình thật đấy nhưng bình tĩnh lại thì cũng không thấy quá lạ lẫm. Vì đó là xã hội.

Tôi nghĩ, tiêu chí Hà Nội thanh lịch giờ là hy vọng, là mong muốn của mọi người trong một tương lai xa. Hà Nội đã thay đổi quá nhiều.

PV: -Vậy điều gì sẽ níu giữ chúng ta khỏi sự hóa thú khi chạy theo giá trị vật chất, vị lợi bằng mọi giá?

TS Nguyễn Văn Huy: - Phải làm thế nào để toàn xã hội từ trên xuống dưới một lòng. Tại sao thời chống Mỹ, xã hội chúng ta lành mạnh thế? Đương nhiên lúc đó cũng có chuyện tham nhũng hay vi phạm đạo đức nhưng rất ít. Toàn xã hội trong sạch vì một mục tiêu, từ trên xuống dưới.

Lịch sử nước nhà đã minh chứng rất sáng rõ ở vương triều Trần: trên dưới đồng lòng, vua tôi hòa thuận thì xã hội phát triển văn mình, quốc gia hưng thịnh, hùng mạnh. Tôi rất tâm đắc với cụ Phan Chu Trinh khi cụ nói: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Thứ tự này không được thay đổi, chỉ cần đảo vấn đề “dân sinh”, đưa đồng tiền, vật chất lên vị trí đầu tiên như hiện nay thì hệ quả là những gì mà tất cả chúng ta đang chứng kiến. Phải chạy chữa căn bệnh xã hội một cách tổng thể, từ trên xuống dưới như thế mới thuận chiều văn minh cùng nhân loại.

PV: - Theo ông, liệu kêu gọi, đánh thức thiên lương từ mỗi con người có giúp thay đổi tình thế?

TS Nguyễn Văn Huy: - Chúng ta có thể đặt niềm tin vào sự lương thiện trong mỗi con người và kêu gọi sự lương thiện ấy. Nhưng sự kêu gọi ấy hình như sẽ trở nên lạc lõng lúc này. Chúng ta đều biết, mỗi cá nhân chỉ là một con ốc vít của guồng máy, chữa được nơi này, sẽ bung ra ở những nơi khác. Chữa căn nhà dột thì phải chữa từ căn bản, chữa từ gốc của bệnh. Căn bệnh của toàn xã hội phải xử lý ở tầm xã hội. Ở đây tôi muốn nói đến pháp luật.

Chúng ta có nhiều luật nhưng vẫn thiếu những luật cơ bản. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa giáo dục và thực thi nghiêm chỉnh luật pháp. Pháp luật phải nghiêm. Xã hội hiện nay chưa đạt được điều đó.

Làm sao trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, không ngoại trừ bất cứ ai. Xã hội chỉ ổn định khi được quản lý tốt bằng pháp luật. Nền đạo đức và sự lương thiện ở mỗi con người phải được xây dựng trên nền tảng pháp luật nghiêm minh.

Tôi tin, ở Việt Nam, bất cứ việc gì dù khó đến đâu nếu có quyết tâm, đồng lòng từ những người lãnh đạo cao nhất, từ các cấp cao thấp khác nhau đến từng gia đình, mỗi con người thì đều có thể làm được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét