Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Thủ tướng và vấn đề cải cách hiện nay?

Thủ tướng và vấn đề cải cách hiện nay?

000_DV1889379.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM) tổ chức tại Milan, Ý vào ngày 16 tháng 10 năm 2014.
Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đưa ra một số đề xuất cho việc cải cách kinh tế và chính trị. Những đề xuất như thế của Thủ tướng có thể giúp cải cách thể chế ra sao?
Cải cách thể chế chính trị?

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ của ông có nhiều đề xuất cho việc cải cách. Đó là việc Thủ tướng ủng hộ việc bỏ con dấu của doanh nghiệp hay Chính phủ đề xuất nên cho phép tự vận động bầu cử tại Việt Nam...

Mới nhất, ngày 16.10.2014 trong chuyến thăm CHLB Đức, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề dân chủ ở VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu rằng: nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và VN cũng không đứng ngoài xu thế này.

Điều đó đã khiến nhiều cho nhiều người hy vọng và nghĩ rằng Thủ tướng đã và đang xúc tiến tạo tiền đề để thực hiện các vấn đề cải cách được nêu trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng.
    Tôi nghĩ thực sự trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải thúc đẩy cải cách thể chế mặc dù trong nước còn ngần ngại này khác. Nhưng đến lúc không thể không làm được nữa rồi. - Bà Phạm Chi Lan
Đánh giá về các chính sách và phát ngôn của Thủ tướng liên quan đến vấn đề cải cách gần đây, TS. Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Phản biện IDS cho rằng cần phải hiểu trong khuôn khổ luật pháp và Hiến pháp của VN hiện nay thì cải cách thể chế chính trị là một việc khó. Theo ông đây là điều nhiều người lầm lẫn và dẫn tới lạc quan.

Từ Hà nội TS. Nguyễn Quang A cho biết:

“Tôi nghĩ Thủ tướng nói về các vấn đề dân chủ, nhân quyền không đảo ngược được hay vấn đề cải cách thể chế, đều nằm trong khuôn khổ chủ trương của Đảng CSVN, điều đã ghi rất rõ, đó là cải cách chính trị phải đi đôi với cải cách kinh tế. Ở đây vấn đề là hiểu thế nào là cải cách thể chế? Tôi nghĩ rằng có lẽ đây là vấn đề cải cách thể chế về kinh tế.”

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ thì cho rằng các chính sách về cải cách của Thủ tướng là cần thiết và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây là các giải pháp nhằm tháo gỡ các trở ngại trong nền kinh tế VN.

TS. Võ Trí Thành nói:

“Tôi nghĩ đây không phải ngẫu nhiên mà gần đây Thủ tướng có nhiều quyết định . Vì đối với một nền kinh tế thị trường hội nhập thì vai trò của Nhà nước là một câu chuyện về phân bổ nguồn lực, là câu chuyện xử lý những nguồn lực không được phân bổ hiệu quả. Đây là một cái nút thắt rất lớn, không phải ngẫu nhiên mà trong ba cái cần tái cấu trúc, điều được các nhà kinh tế coi là cái quyết định nhất. Đó là đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, đây là những lĩnh vực cải cách quan trọng nhất. Tất nhiên các lĩnh vực đó liên quan với nhau.”
000_DV1889552-400.jpg
Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM) tổ chức tại Milan, Ý vào ngày 16 tháng 10 năm 2014. AFP PHOTO.

Trả lời câu hỏi những đề xuất của Thủ tướng có thể giúp cho việc cải cách ra sao?

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng đây đã trở thành vấn đề bắt buộc nếu VN muốn hội nhập với thế giới. Theo bà Chính phủ cần đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế để tạo động lực cho VN phát triển mạnh hơn.

Bà Phạm Chi Lan nói:

“Càng ngày có lẽ Việt Nam càng thấy rõ hơn sức ép bắt buộc về việc cải cách thể chế và cảm thấy cần làm nhanh hơn nữa. Mặt khác, sức ép từ những cuộc hội nhập mà Việt Nam sắp tham gia từ 2015 trở đi cũng như từ các hoạt động đối ngoại sẽ khiến chính quyền không cải cách không được. Tôi nghĩ thực sự trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải thúc đẩy cải cách thể chế mặc dù trong nước còn ngần ngại này khác. Nhưng đến lúc không thể không làm được nữa rồi.”
TS. Nguyễn Quang A hy vọng rằng Thủ tướng sẽ có lời nói đi đôi với việc làm, theo ông các đề xuất của Thủ tướng cần được triển khai và có các biện pháp cụ thể để thực hiện thành công.

TS. Nguyễn Quang A nói:

“Tôi nghĩ rằng nếu thực hiện tốt những điều như Thủ tướng nói sẽ giúp nhiều cho vấn đề cải cách, cả về hành pháp, hành chính. Nếu mà làm được sẽ là một sự cải thiện đáng kể và là điều đáng được hoan nghênh. Vấn đề ở đây là chữ nếu ”.
Dư luận hoài nghi?

Khi được hỏi theo ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thực sự muốn cải cách hay không?

Nhà báo Võ Văn Tạo tỏ ý hoài nghi về các động thái mà ông cho là mang hơi hướng cải cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây, điều mà nhiều người đã tin tưởng. Theo ông có nhiều dữ kiện cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có các phát biểu không đi đôi với hành động.
    Tôi thực sự không biết trong đầu ông Thủ tướng có muốn cải cách thực sự hay không? Nhưng trả lời của tôi với tư cách của một người bên ngoài, một người quan sát thì tôi cho là không. - TS Nguyễn Quang A
Từ Nha trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:

“Tôi cũng rất muốn tin rằng Thủ tướng thực sự sẽ tiến hành cải cách, nhưng thực tế chua xót cho thấy nó không như mong đợi của mình. Chính Thủ tướng ra trước diễn đàn Quốc hội đề nghị nhanh chóng ban hành Luật Biểu tình, nhưng cũng chính ông ấy  khi TQ đưa giàn khoan vào VN thì  chính Thủ tướng thông qua các nhà mạng viễn thông chuyển tải tin nhắn yêu cầu bà con không đi biểu tình trái pháp luật. Thử hỏi VN đã có Luật Biểu tình đâu mà trái hay không trái? Tiếc rằng chính ông ta là người dập tắt.”

TS. Nguyễn Quang A tiếp lời:

“Tôi thực sự không biết trong đầu ông Thủ tướng có muốn cải cách thực sự hay không? Nhưng trả lời của tôi với tư cách của một người bên ngoài, một người quan sát thì tôi cho là không”
Nói về các yếu tố cần thiết để thúc đẩy công cuộc cải cách ở VN tiến hành nhanh và mạnh hơn, TS. Nguyễn Quang A thấy rằng đó phải là sự kết hợp giữa các yếu tố: từ bên trong Đảng CSVN, sức ép của người dân và sức ép của cộng đồng quốc tế.

TS. Nguyễn Quang A khẳng định:

“Để thúc đẩy quá trình cải cách nhanh hơn thì nó có 2-3 yếu tố. Một là sự hiểu biết của những người nắm quyền – đó là điều kiện nội bộ”, hai là áp lực của nhân dân, sức ép của người dân thông qua các doanh nghiệp, các tổ chức XHDS và nhân tố thứ ba là áp lực từ bên ngoài, đó là từ cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác”.

Đổi mới hay là chết là mệnh lệnh cũng là khẩu hiệu đã giúp Đảng CSVN thành công bước đầu trong công cuộc đổi mới Kinh tế năm 1986. Ngay cả lý luận của Chủ nghĩa Marx - Lenin cũng cho rằng thượng tầng kiến trúc phải phù hợp với hạ tầng cơ sở, do đó việc cải cách kinh tế phải được tiến hành một cách đồng bộ với giải pháp cải cách thể chế chính trị. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết giúp cho VN vượt qua tình trạng trì trệ hiện nay và rồi mới có thể cất cánh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Anh Vũ
(RFA)

Lấy tiền thuế của dân để cứu ngân hàng

Sau nhiều lần khẳng định không lấy tiền thuế của dân đi cứu ngân hàng, Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo bất ngờ kiến nghị Quốc hội về việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.

Báo điện tử VnEconomy ngày 6/10/2014 đưa tin kiến nghị này được Chính phủ đề cập tại bản báo cáo dài 70 trang về tái cơ cấu nền kinh tế trong ba lĩnh vực trọng tâm. Bản báo cáo này hiện đang nằm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 sắp tới.

 000_Hkg8576388-305.jpg
 Công nhân trồng hoa tại một khu đô thị cao cấp ở ngoại thành Hà Nội hôm 26/4/2013.
Giới chuyên gia phản đối

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, hiện sống và làm việc ở Hà Nội phản ứng khá mạnh mẽ đối với thông tin vừa nêu. Ông nói:

“Nếu tôi là đại biểu Quốc Hội tôi sẽ kịch liệt phản đối đề nghị ấy, không có lý do gì dùng ngân sách Nhà nước đi trả nợ xấu cho các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại Việt Nam ham vấn đề lợi nhuận lãi suất cao đã cho vay  không đúng tiêu chuẩn đầy rủi ro. Ngân hàng cứ cho nhau vay thay vì cho người khác vay. Tất cả những bất cập của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì không thể nào bắt dân chúng phải gánh chịu được.”

Theo sự ghi nhận chung nợ xấu ở Việt Nam là một con số mù mờ, được che dấu ngụy trang và ngay giới lãnh đạo nhà nước từ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cho tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những con số không khớp với nhau ở trong những thời điểm không cách xa nhau là mấy. Số liệu mới nhất được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ với Quốc hội vào cuối tháng 9 vừa qua thì tổng nợ xấu đã có lúc lên tới 500.000 tỷ đồng. Theo SaigonTimes Online, ông Thống đốc không đề cập đến thời điểm của số nợ này, tuy vậy theo lời ông đã có 240.000 tỷ đồng đã được xử lý cho đến nay. Được biết khoảng 70% nợ xấu thuộc về các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với chủ nợ chính các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Trong dịp trả lời chúng tôi Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từng nhận định:

“Nợ xấu của Việt Nam có rất nhiều việc đáng bàn. Ở đây thực chất là cục máu đông này cũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Mặc dầu có thành lập công ty quản lý tài sản VAMC, nhưng công ty này thực chất mới chỉ là chỗ gom nợ lại thôi, còn để xử lý giải tỏa vấn đề này thì cũng chưa có hướng cụ thể….”

Thời báo Kinh tế Viet Nam đưa tin, trong buổi chất vấn chiều 29/9/2014 các Đại biểu Quốc hội đã xoay quanh các câu hỏi về vấn đề VAMC và hậu xử lý nợ, sau khi cơ chế này đã hoạt động một thời gian theo nguyên tắc không dùng vốn nhà nước. Theo tờ báo, sau khi chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình, một vị đại biểu nhận xét: “Cách xử lý nợ xấu hiện  nay còn xấu hơn cả nợ xấu.”
no-cong-400.jpg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.
Trả lời chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định về sự hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt  Nam VAMC. Ông nói:

“VAMC chỉ là phương tiện để “quét nhà” thôi nghĩa là quét nhà giùm cho ngân hàng thương mại, quét nợ xấu của ngân hàng thương mại qua kho của VAMC và tạm thời để đấy thôi. Đồng thời VAMC trả cho ngân hàng thương mại đó bằng trái phiếu đặc biệt; với trái phiếu này ngân hàng thương mại đang bí thế không có tiền không thanh khoản vì nợ xấu nhiều, ngân hàng đem trái phiếu đặc biệt tới Ngân hàng Nhà nước để vay với tỷ lệ 70% vay tiền mới về để tiếp tục hoạt động. Đó không phải là giải pháp để giải quyết nợ xấu. VAMC gọi là mua nhưng không mua không trả tiền chỉ là trả trái phiếu ấy tạm thời thế thôi. Hơn nữa các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu gọi là đã bán cho VAMC và trong 5 năm ngân hàng thương mại đã bán phải có đủ tiền tự giải quyết nợ xấu ấy. Đây cũng không là phương pháp để giải quyết nợ xấu, cho nên giải pháp của VAMC không có gì khác hơn là tạm thời làm sạch các báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại dính vào trong nợ xấu, tạo điều kiện cho những ngân hàng thương mại yếu kém có thể tiếp tục làm việc.”

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:

“Nhà nước không muốn ngân hàng nào bị phá sản bị đổ vỡ hay bị xử lý, đấy là một chính sách mà đối với tôi hoàn toàn không hợp lý. Tại sao lại tạo điều kiện cho những ngân hàng yếu kém tiếp tục hoạt động để làm gì, trong khi đấy không giải quyết được vấn đề nợ xấu. Cho nên việc này nhà nước cần phải suy nghĩ cho kỹ để có giải pháp thật sự khả thi, giải pháp của VAMC chỉ là quét nhà dọn nợ xấu qua kho của VAMC và tạm thời để đấy thôi chứ không giải quyết vấn đề gì cả.”
VAMC không hiệu quả

Cách xử lý nợ xấu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bằng giải pháp VAMC cho thấy không hiệu quả và  một cách làm chưa có nơi nào áp dụng. Để giải quyết cục máu đông của nền kinh tế, cũng có những ý kiến táo bạo và mới mẻ đối với Việt Nam. Thời báo Kinh tế Việt Nam trích lời ông Phạm Hải Âu, Phó tổng giám đốc Ngân hang Bưu điện Liên Việt nói xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng của các ngân hàng chẳng khác gì hình thức ngân hàng xé chỗ này đắp sang chỗ khác, việc này không giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu. Ông Phạm Hải Âu nhấn mạnh, xử lý nợ xấu dựa vào tư nhân và hãy đánh thức họ. Theo lời ông, Việt Nam có một lực lượng tư nhân lớn, có nguồn tiền mạnh và sạch. Khu vực tư cũng muốn tham gia mua bán nợ xấu trước hết vì lợi ích kinh doanh. Tuy vậy theo lời ông Phó tổng giám đốc Ngân hang Bưu điện Liên Việt, Việt Nam vướng mắc môi trường pháp lý liên quan cộng thêm vấn đề thủ tục hành chính.

Theo Vn Economy, ông Phạm Hải Âu đưa ra ví dụ rất đặc biệt cho trường hợp của Việt Nam, nôm na là phải tạo ra cái chợ. Người nào muốn vào thì phải biết cái chợ đó là bình đẳng, nhanh nhạy để mua bán tốt, được bảo vệ và hỗ trợ, chứ không phải vào rồi kiểu gì anh cũng chết. Ý kiến của ông Phạm Hải Âu trên VnEconomy cho thấy, khó thay đổi cả một hệ thống để đáp ứng việc xử lý nợ xấu trong một sớm  một chiều. Tuy nhiên Chính phủ có thể khoanh vùng từng lãnh vực để có thể chọn lọc những khoản nợ xấu bán ra thị trường. Theo lời ông Âu, cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay có thể đảm bảo áp dụng cho những phạm vi nhỏ rồi mở rộng ra.

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, chuyên gia Bùi Kiến Thành có nhìn nhận khác về cách giải quyết nợ xấu và những ưu tiên cần làm. Ông nói:

“Cái ưu tiên không phải nợ xấu mà là làm sao cho doanh nghiệp phục hồi phát triển. Nếu doanh nghiệp phục hồi phát triển thì mới có tiền trả nợ, nợ bây giờ và nợ trước kia nợ xấu. Còn doanh nghiệp không phục hồi và phat triển được thì nợ trước cũng không trả được mà nợ nay và nợ sau này cũng không trả được. Các doanh nghiệp không phát triển thì ai trả nợ. Cho nên vấn đề đấy phải hiểu ai là người trả nợ, doanh nghiệp phải sống thì mới trả nợ được. Những nợ xấu cũ rồi tạm thời gác qua một bên, nhưng phải làm sao cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế mà mỗi năm hàng chục ngàn doanh nghiệp chết, mấy năm qua hàng trăm ngàn doanh nghiệp chết thì làm sao mà không có nợ xấu. Nếu nợ xấu đó mà còn do ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất gọi là lãi suất chết, không có doanh nghiệp nào có thể sống với lãi suất 15%-20% cả. Đó là cái lỗi của hệ thống ngân hàng thương mại và cũng là cái lỗi của nhà nước, lỗi của ban điều hành tiền tệ… cái đó rõ ràng là không thể chấp nhận được.”

Trở lại câu chuyện Chính phủ bất ngờ đề nghị dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước, mà chủ nợ chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh. Trước đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được cho là cha đẻ của giải pháp VAMC xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách, cũng không có tiền tươi thóc thật và cũng bị dư luận “ném đá” rất nhiều về tính bất khả thi. Hiện nay Ông Bình lại biện minh cho yêu cầu “tiền tươi thóc thật” và dẫn chứng là đa số các quốc gia trên thế giới đều sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu.

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam, một số vị chuyên gia kinh tế độc lập được tham vấn có chung phân tích rằng: “Nhiều nước chi ngân sách để xử lý nợ xấu, đây là điều được coi là khác với Việt Nam. Song doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cũng rất khác với doanh nghiệp ở các nước, đó là không phải “lời ăn lỗ chịu”, mà là “lời ăn lỗ dân chịu”.
Nam Nguyên
(RFA)

Việt Nam và Trung Quốc cố hàn gắn quan hệ song phương

media
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (hàng thứ hai, bên trái) trong ảnh chụp ngày 16/10/2014 với một số lãnh đạo tham gia Thượng đỉnh Á Âu tại Milano (Ý). Ở hàng trước, bên phải là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.REUTERS/Alessandro Garofalo
Trung Quốc và Việt Nam đồng ý nối lại quan hệ quân sự và xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Đó là kết quả cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) ngày 17/10/2014 tại Bắc Kinh.

Quan hệ Việt-Trung đã trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh vào tháng 5/2014, đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa mà hai nước đang tranh chấp. Tàu của hai bên đã va chạm nhau nhiều lần ở khu vực giàn khoan và nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc dẫn đến bạo động gây chết người đã nổ ra ở một số khu công nghiệp của Việt Nam.

Nhưng với chuyến đi Trung Quốc của tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Hà Nội cố hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt với việc tăng cường quan hệ quân sự.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, khi gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm qua, ông Phùng Quang Thanh đã cho rằng, về tổng thể, quan hệ hai nước « vẫn đang phát triển tốt, chỉ tồn tại bất đồng về chủ quyền trên biển ». Ông còn cam kết là Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Quân đội Trung Quốc « góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung có bước phát triển lành mạnh, ổn định ».

Về kết quả cụ thể của chuyến đi Trung Quốc lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, đáng chú ý là hai bên đã ký Bản ghi nhớ kỹ thuật về việc thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai bộ trưởng Quốc phòng.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ hôm qua với Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, ông Phùng Quang Thanh cũng đã đề nghị là quân đội hai nước « không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trên biển », cũng như « cư xử nhân đạo với ngư dân và không tịch thu phương tiện làm ăn của ngư dân ».

Nhưng không biết là phía Trung Quốc đáp lại những yêu cầu này như thế nào, để chấm dứt tình trạng nhiều ngư dân Việt Nam trong những năm qua vẫn bị Trung Quốc bắt giữ tàu cá, tịch thu trang thiết bị, đánh đập... khi đánh bắt cá tại khu vực Hoàng Sa-Trường Sa.

Về phần Tân Hoa Xã thì loan tin là trong cuộc hội đàm hôm qua giữa ông Phùng Quang Thanh và ông Thường Vạn Toàn, hai bên đã đạt được ba « nhận thức chung nguyên tắc » về việc tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai quân đội Việt Nam và Trung Quốc. Một trong ba nguyên tắc này là hai quân đội sẽ « tăng cường đoàn kết » và « bảo đảm vững chắc cho vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước ».

Cũng như mọi khi, cách đưa tin của Tân Hoa Xã hơi khác với tin của Thông tấn xã Việt Nam. Theo Tân Hoa Xã, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hôm qua đã nhấn mạnh rằng chuyến viếng thăm của đồng nhiệm Việt Nam đã thể hiện « nguyện vọng chính trị tích cực của Đảng và quân đội Việt Nam trong việc thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung -Việt ». Tuyên bố này ngầm cho thấy rằng chính là phía Việt Nam đã muốn hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ với Trung Quốc.

Cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc diễn ra sau khi tại Milano, Ý, ngày 16/10, bên lề cuộc họp thượng đỉnh Á-Âu ASEM, hai Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý là hai nước sẽ « xử lý thỏa đáng » các tranh chấp trên biển và duy trì quan hệ tốt giữ hai nước.

Trong khi cố hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh, Hà Nội vẫn phải tìm hậu thuẫn để đủ sức đối đầu với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Cường quốc duy nhất có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ chính là Hoa Kỳ.

Đầu tháng 10 vừa qua, Washington cuối cùng đã quyết định giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, một quyết định đã bị phía Trung Quốc chỉ trích là có tính chất « can thiệp » và « phá vỡ thế cân bằng lực lượng » ở Biển Đông.
Thanh Phương
(RFI)

Nguyễn Văn Đài - Chính sách không liên minh: Tưởng khôn, hóa ngu!

[Caption]Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề ASEM 10. Ảnh: VGP
Chính sách liên minh về kinh tế, chính trị và quân sự giữa các quốc gia đã có từ thời xa xưa. Với mục đích là cùng nhau chia sẻ và bảo vệ lợi ích và các giá trị chung. Cùng nhau chống lại mối đe dọa chung hay kẻ thù chung.

Ngày nay, xu hướng hình thành và mở rộng các khối liên minh càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Ví dụ như EU đang nỗ lực để mở rộng và vươn ra toàn Âu châu. Khối Nato cũng không ngừng mở rộng. Các khối liên minh mới được hình thành như SCO, BRICS, Liên minh kinh tế Á – ÂU. Trước sự lớn mạnh và thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Để bảo vệ an ninh và lợi ích của mình, Nhật Bản, Ân Độ, Úc cùng với Hoa Kỳ đang từng bước hình thành một Liên minh để bảo vệ lợi ích, an ninh, hòa bình trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Các khối liên minh được hình thành không phải để phá hoại hay chống lại bất kỳ quốc gia nào. Mà các liên minh hay các khối liên minh được hình thành chỉ nhằm hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường sức mạnh chung để cùng nhau bảo vệ lợi ích, tự vệ chống lại kẻ thù khi bị xâm lược.

Chúng ta đều nhìn thấy rất rõ ràng là hầu hết các cường quốc về kinh tế, chính trị và quân sự trên thế giới đều liên minh với nhau bằng hình thức này hay hình thức khác. Ngày nay, một quốc gia dù có sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự tới đâu đi nữa, cũng không thể một mình đối chọi hay chống lại các thách thức mang tính khu vực hay toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước thách thức và mối đe dọa vô cùng to lớn về chủ quyền quốc gia. Trung Quốc hàng ngày, hàng giờ gia tăng tiềm lực quân sự, xây dựng các căn cứ quân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa. Mục đích là độc chiếm và bá chủ biển Đông, từ đó làm bàn đạp, chỗ dựa để làm bá chủ khu vực và châu Á.

Việt Nam yếu cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Một mình Việt Nam không thể tự bảo vệ chủ quyền quốc gia cho chính mình. Bằng chứng là năm 1988, Trung Quốc đã đánh bại hải quân Việt Nam để chiếm một loạt bãi đá ngầm ở Trường Sa. Mà nay chúng đang được xây dựng thành những căn cứ quân sự. Hải quân, lực lượng bán quân sự, dân sự của Trung Quốc hoạt động tự do và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Nhưng Việt Nam chỉ ra hàng trăm tuyên bố, nhưng không có hành động để bảo vệ chủ quyền, bào vệ ngư dân.

Nay, các nhà lãnh đạo của đảng CS, chính quyền đi đâu cũng tuyên bố chính sách 3 không: Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; không tham gia liên minh; không liên minh với nước này để chống lại hay phá hoại nước khác.

Rõ ràng, đây là chính sách không phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Tự trói chính mình, tự làm suy yếu chính mình.

Chúng ta tham gia liên minh hay liên minh với nước khác không bao giờ chống lại nước thứ ba. Tham gia liên minh hay liên minh chỉ nhằm tự vệ và bảo lợi ích, chủ quyền quốc gia mà thôi.

Khi chúng ta liên minh hay tham gia liên minh, chúng ta có thể mua được các loại vũ khí hiện đại với giá cả phải chăng, tùy theo khả năng đàm phán. Được viện trợ, giúp đỡ về quân sự, được hỗ trọ và cung cấp các thông tin tình báo.

Tùy theo nội dung của liên minh, mà khi chúng ta có xung đột quân, sẽ được các nước trong liên minh hỗ trợ về kinh tế, quân sự đủ cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền quốc gia của mình.

Tóm lại, theo quan điểm của tôi, chính sách không liên minh của đảng CSVN và chính quyền CSVN là ngu dốt, và tự sát.
Nguyễn Văn Đài
(FB Nguyễn Văn Đài)

Số liệu kê khai tài sản của các "quan lớn" có tin cậy?

Có tới 99% số người đã thực hiện kiểm kê tài sản nhưng thực tế những quan lớn bị phát lộ tài sản trong thời gian qua khiến người ta khó tin.
 
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả tổng hợp số liệu về kê khai tài sản năm 2013 đối với các đối tượng quy định phải kê khai là 952.178 người thì đã có 944.425 thực hiện kê khai, đạt tỷ lệ 99,2%, trong đó có 5 người phải tiến hành xác minh, 1 người bị phát hiện kê khai không trung thực và bị cảnh cáo. Có lẽ ai nhìn vào số liệu này sẽ đều rất mừng vì kê khai đạt kết quả thật mỹ mãn, nhưng thực tế những hiện tượng bị phát lộ thời gian gần đây trên báo chí cũng như dư luận xã hội đã nghi ngờ hoặc nói cách khác là khó có thể tin vào kết quả rất đẹp này.
Ảnh minh họa. 
Trường hợp đầu tiên phải nhắc đến là ông nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có khối tài sản khủng trị giá khoảng vài chục triệu USD, không biết khi đương chức đương quyền ông kê khai thế nào, có trung thực hay không?
Ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cũng có một khối tài sản khổng lồ mà đến lương Bộ trưởng còm cọm tích lũy cả đời cũng khó mà có được. Rồi là ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sở hữu trên 100ha đất rừng cao su, tài sản dinh thự lộng lẫy và đất rừng trị giá hàng trăm tỷ đồng, thu nhập từ rừng hàng chục tỷ đồng/năm liệu có kê khai đầy đủ không, có trung thực không? Ở tỉnh Hà Giang cũng có những trường hợp Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo ban ngành của tỉnh cũng sở hữu một khối tài sản nhà cửa có giá trị lớn, nguyên liệu làm nhà toàn bằng gỗ quý, loại bị cấm khai thác không biết có trung thực, có nhớ để kê khai hay không?
Mới nhất là việc Bộ Công Thương công khai thu nhập của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty (đa phần là doanh nghiệp Nhà nước), thu nhập cao nhất là trên 74 triệu đồng/tháng và cũng không biết các vị này có trung thực khi kê khai thu nhập tiền lương hay không? Sơ sơ tính ra cũng phải cả chục trường hợp kê khai không trung thực mất rồi! Vậy những con số mà ông Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra làm sao có sức thuyết phục, làm sao mà dân tin được?
Để hoạt động kê khai tài sản hàng năm có chất lượng, cơ quan quản lý chức năng cần có thêm những cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý kỷ luật mạnh tay những trường hợp kê khai không trung thực. Đồng thời, có thêm phần giải trình nguồn gốc những tài sản khi kê khai cũng như những tài sản phát sinh, những căn cứ để xác định giá trị tài sản có tính thực tiễn và công khai tài sản ở địa phương nơi cư trú, có như vậy mới giúp cho việc "Giám sát, phản biện" xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân mà Mặt trận Tổ quốc là người tập hợp và đại diện.
Quý Văn (Hà Nội)
(Kiến Thức)

Đàn ông và phụ nữ Việt: ai thực sự “che chở” ai?

Bị mang tiếng là được che chở, bao nhiêu phụ nữ Việt được như thế? Thay vào đó là những hiện thực “gánh gạo đưa chồng”, “nuôi cả năm con với một chồng” trong cuộc mưu sinh và “còn cái lai quần cũng đánh” trong chiến trận.
Một số người (Eckhart Tolle) cho rằng, xã hội loài người được dẫn dắt bởi “ba vật thể giác ngộ” đó là Hoa, Pha lê và Loài chim. Trong khi Pha lê tượng trưng cho sự thanh khiết, của sự kết tinh những thứ quý giá; loài chim tượng trưng cho khát vọng và ý chí bay lên cao, thoát khỏi chính mình của nhân loại thì Hoa được xem như một tạo vật đầu tiên của tự nhiên có khả năng hấp dẫn và thu hút con người. Tuy không mấy liên quan đến sinh kế, hay sự sống còn của con người, nhưng những bông hoa luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nhiêu tao nhân, mạc khách và nghệ sỹ.
Top 9 mỹ nam ga lăng che chở người yêu trên màn ảnh Hàn
Ảnh minh họa
Không hiểu trước khi có máy bay, điện thoại, hay internet, các cộng đồng trên thế giới đã trao đổi với nhau như thế nào, nhưng ở hầu hết các dân tộc, Nam giới luôn coi Phụ nữ là những bông hoa làm đẹp cho đời và họ (nam giới) có trách nhiệm vun trồng, nâng niu và bảo vệ đểnhững bông hoa này được bền lâu, tỏa hương và khoe sắc.
Chúng ta hãy tưởng tưởng xem thế giới này sẽ như thế nào nếu một ngày kia tất cả các bông hoa lụi tàn? Không xét về các mất mát về sinh học tự nhiên mà chỉ xét trong lĩnh vực xã hội, sự mất mát này có thể khiến cho nhiều nền văn hóa bị lụi tàn. Cũng tương tự như vậy, chắc sẽ không ai làm thơ hay sáng tác âm nhạc nữa nếu như không có phụ nữ lắng nghe và kể cả nam giới chúng ta có trường sinh, bất tử đi nữa thì cuộc sống này cũng chẳng có mấy ý nghĩa nếu thiếu đi dáng hình của những bông hoa biết nói.
Trên thực tế, việc tự cho mình có trách nhiệm vun trồng và bảo vệ những bông hoa xinh đẹp kia có một phần chủ quan của nam giới và về cơ bản, nó xuất phát từ quan điểm chiếm hữu của Đàn ông đối với Phụ nữ trong hàng ngàn năm qua. Tuy cũng là hoa, nhưng sở thích và sự yêu mến của con người đối với mỗi loài hoa là tương đối khác nhau và dường như sự đa dạng của các loài hoa có một mối liên hệ rất lớn đối với người Phụ nữ.
Mặc dù, đàn ông trên toàn thế giới về cơ bản đều yêu hoa, nhưng cách yêu của họ có sự khác nhau nất định. Những nước văn minh, người ta nâng niu, tôn trọng những bông hoa. Tôi cho rằng, ngoài yếu tố khí hậu ra thì sự tỏa sắc, dậy hương của một loài hoa phụ thuộc rất nhiều vào những người chăm sóc, vun trồng cứ như là các bông hoa muốn biểu lộ sự đồng cảm và tình cảm với những người chăm sóc họ vậy. Khi chúng ta đi thăm lễ hội hoa như Keukenhof ở Hà Lan, sẽ thật là khó khăn để có thể tìm thấy một vài cánh hoa vương vãi trên đường.
Đàn ông Việt dù cũng rất yêu hoa và thích thưởng lãm cái đẹp, nhưng cách yêu của chúng ta, theo tôi nhiều lúc chưa hợp lý cho lắm. Yêu hoa kiểu gì mà sau mỗi lễ hội hoa ngày Tết, những luống hoa bị tàn phá xơ xác? Nó khiến cho người khác nghi ngờ về sự tinh tế và năng lực thưởng hoa của Đàn ông Việt
Sự tham lam và đôi nhiều lúc có phần ích kỷ của đàn ông Việt đã khiến cho những bông hoa Việt ngày trước giảm đi sự rực rỡ, kém ngát hương hơn. Thay vào đó, chúng bền lâu bên cạnh sự khiêm nhường và hương thơm đọng lại êm đềm và dịu mát hơn.
Cùng với sự hội nhập, các giá trị văn hóa và công nghệ của thế giới văn minh đã có ảnh hưởng to lớn đến xã hội Việt Nam. Sự tiện lợi trong giao thương, truyền thông đã làm thức dậy những đòi hỏi chính đáng của những bông hoa Việt. Họ đòi hỏi các quyền được tự do khoe sắc, tỏa hương ngoài xã hội. Họ đòi hỏi được tự do phát triển, và được tạo môi trường tự do để phát triển thay vì được chăm bón như ngày trước. Dần dần họ đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, họ quả thực là rất đẹp, rất rực rỡ sắc hương, khiến cho Đàn ông chúng ta nhận ra một chân lý là bao nhiêu năm nay chúng ta đã nhận được ân điển của thượng đế mà không hề biết.
Để chứng tỏ mình xứng đáng với cái đẹp rất đa dạng của Phụ nữ Việt, trong vài thập niên qua Đàn ông Việt đã cố gắng và nỗ lực hơn nhiều – nhưng có vẻ là chưa đủ. Trong khi sắc đẹp của những bông hoa Việt được xếp hạng trên bản đồ sắc đẹp thế giới và ngày càng được khẳng định thì có vẻ như càng cố gắng bao nhiêu Đàn ông chúng ta lại càng chứng minh cho một thực tế có phần hơi phũ phàng, đó là chúng ta quá may mắn khi nhận được tình yêu và sát cánh của những người Phụ nữ Việt Nam tuyệt vời.
Nếu chúng ta chịu khó để ý và làm một vài phép thông kê, rất dễ để có thể nhận ra sự vượt trội (tương đối) của Phụ nữ Việt (so với Phụ nữ các nước khác) về thành tích trong mọi lĩnh vực so với những thứ mà Nam giới đã làm được cho đến tận ngày nay. Ngoài xã hội như vậy, nhưng khi về nhà, nhưng bông hoa của chúng ta luôn hết lòng và tận tụy với những thứ được gọi là “bổn phận”, giúp gia đình trong ấm, ngoài êm. Họ biết cách động viên, khích lệ để khiến cho nhiều ông chồng cảm thấy tự tin hơn, có cảm giác được tôn trọng và thấy mình vẫn là trụ cột trong gia đình – Đây là điều không dễ gì làm được đối với Phụ nữ Phương Tây.
Bị mang tiếng là được che chở, được chăm sóc, nhưng thử hỏi có bao nhiêu Phụ nữ thuộc nhiều thế hệ người Việt có được những thứ đó? Thay vào đó là những hình ảnh đầy hiện thực như “gánh gạo đưa chồng” hay “nuôi cả năm con với một chồng” trong cuộc mưu sinh và “còn cái lai quần cũng đánh” trong chiến trận.
Chúng ta ít người nhận ra một thức tế rằng, nhờ sự động viên và chia sẻ của những người Phụ nữ Việt mà tâm hồn chúng ta được nâng đỡ hơn, hành động của chúng ta hợp lý hơn và phép hành xử của chúng ta được tinh tế hơn.
Có thể có một số bạn trẻ (nữ giới) cảm thấy thật nực cười khi trong ngày 20/10, có nhiều người Phụ nữ rất vui vẻ vào bếp chuẩn bị đồ ăn để các ông chồng và hàng xóm chén tạc chén thù để bàn về Quyền Phụ nữ, nhưng đây là một thực tế đang diễn ra rất sống động trong xã hội của chúng ta, ngay Thủ đô Hà Nội này. Tôi đã chứng kiến ngày hôm qua những người Phụ nữ lớn tuổi nơi tôi đang sống, rưng rưng nước mắt vì lần đầu tiên trong đời được tặng hoa và tổ chức gặp mặt nhân ngày 20/10 bởi một CLB nơi họ sống chứ không phải bởi cơ quan nơi họ làm việc.
Sự kiện đó quan trọng hơn rất nhiều so với việc họ phải vào bếp để nấu phục vụ buổi liên hoan với lý do đưa ra nghe rất hay nhưng trái ngược với quan điểm về giới, đó là “sợ các ông nấu ăn không ngon, làm hỏng cả buổi tiệc”.
Thật may mắn cho Đàn ông Việt chúng ta là những giá trị tốt đẹp của Phụ nữ Việt luôn được gìn giữ và phát huy một cách hài hòa. Chính vì vậy đến hôm nay, chúng ta vẫn còn là sự lựa chọn của phần đông những bông hoa đang ngày càng tươi sắc và tự tin kia. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó, vì vậy nếu chúng ta không tự sửa mình, không thay đổi theo hướng tích cực hơn, văn minh hơn thì tương lại của chúng ta không biết sẽ đi về đâu!
Chúng ta có thể cần có một chương trình tầm cỡ để giúp đỡ Đàn ông Việt trước các nguy cơ tụt hậu và thua ngay trên sân nhà. Trước khi có nó, chúng ta hãy tự cứu mình bằng cách sống tốt hơn và có trách nhiệm hơn.
Với tôi, một người yêu hoa Hồng, tôi vẫn thích được đưa lên mũi và hít lấy hít để không biết chán mùi hương của một bông hồng bé mà chúng ta hay gọi là Tầm Xuân ấy!
Trần Văn Tuấn
(Tuần Việt Nam)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét