Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Chính phủ: Nên cho phép tự vận động bầu cử tại Việt Nam

Sau đường băng quân sự ở Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ làm gì

Đường băng quân sự sẽ kéo theo các công trình hỗ trợ máy bay chiến đấu mà Trung Quốc có thể đưa ra Hoàng Sa, tạo nên một quân cờ mới trong ván bài ở Biển Đông. Nhưng các chuyên gia cho rằng ván bài này không dễ chơi.
127069208-14126721279371n-1-81-4392-7514

Trung Quốc đã thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc vừa hoàn thành quá trình nâng cấp phi pháp một sân bay tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hãng thông tấn nhà nước Xinhua tuần trước công bố hình ảnh đường băng quân sự hài 2.000 mét. Hành động khiêu khích này của Trung Quốc trên Biển Đông có khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan trong tranh chấp tại khu vực, Blommberg nhận xét.
Hà Nội khẳng định động thái này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ toàn cầu, đi ngược lại tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974.
"Công trình này có ý nghĩa rất đáng kể đối với Trung Quốc" trong việc hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, Collin Koh, chuyên gia từ Trường S. Rajaratnam thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Singapore, nhận định. "Nhưng Việt Nam sẽ không để chuyện này trôi đi dễ dàng", ông nói thêm.
Theo Koh, những cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Việt Nam quanh giàn khoan Hải Dương 981 mà Bắc Kinh đặt trong vùng biển của Việt Nam hồi đầu năm nay cho thấy những điểm yếu trong lực lượng tuần duyên của Trung Quốc. Việc Malaysia đề nghị tiếp nhận các máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ lại càng khiến Trung Quốc thấy khó ở.
Vì thế Bắc Kinh muốn thiết lập các tiền đồn trên đảo Phú Lâm để biến nơi đây thành đầu não chỉ huy và giám sát một mạng lưới quân sự. "Vấn đề không chỉ là độ dài của đường băng", Koh nhận xét. "Sẽ còn có các nhà chứa cho máy bay cỡ nhỏ, như là chiến đấu cơ, và các hầm ngầm kiên cố cho nhiên liệu và khí tài nữa".
Li Jie, chuyên gia hải quân Bắc Kinh, sĩ quan quân đội Trung Quốc về hưu, thì cho rằng, đường băng sẽ mở lối để Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, như những gì nước này đã thực hiện trên biển Hoa Đông khiến nhiều quốc gia trong khu vực giận dữ.
"Đường băng mới này là lớn nhất ở phía nam Trung Quốc", báo Hong Kong SCMP dẫn lời Li. "Nó sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của các phi cơ Trung Quốc, củng cố khả năng trinh sát và thậm chí phản trinh sát".
Sân bay cũng được thiết kế để trở thành kho cung ứng cho các hạm đội hải quân Trung Quốc và hỗ trợ đắc lực cho việc duy trì các tuyến du lịch mà nước này tự ý mở ra tại quần đảo Hoàng Sa.
Theo Ni Lexiong, chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, "đường băng mới sẽ trở thành tàu sân bay không thể bị đánh chìm của Trung Quốc", đồng thời, "nó là nơi cất và hạ cánh lý tưởng" cho các phi cơ của không quân Trung Quốc.
Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hà Nội có thể sẽ mua được máy bay trinh sát P-3 Orion. Theo ông Koh, dù không hiện đại bằng P-8 Poseidon nhưng phương tiện này vẫn mang nhiều tính năng mạnh mẽ hơn, so với các phi cơ do thám của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc nới lỏng lệnh cấm chỉ áp dụng với các phương tiện giám sát hàng hải và an ninh. Tuy nhiên, các quan sát viên quân sự Trung Quốc cho rằng diễn biến này sẽ giúp Hà Nội tăng cường khả năng phòng thủ trên Biển Đông, Bloomberg bình luận.
Chuyên gia Ni của Trung Quốc biện bạch rằng những diễn tiến mới ở đảo Phú Lâm cũng nhằm "cảnh báo Mỹ rằng Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ để đón tiếp trong trường hợp Washington cùng Hà Nội đối phó Bắc Kinh".
Đánh giá về đường băng và các công trình ở Phú Lâm, Alexander Vuving, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, có trụ sở tại Hawaii, có cách nhìn khác, cho rằng Trung Quốc đang chơi một canh bạc.
"Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp thể hiện quyết tâm duy trì cái mà nước này gọi là sự toàn vẹn lãnh thổ tới tất cả các quốc gia trên thế giới", rằng họ "đang củng cố vị thế" bằng các công trình như thế này, ông Vuving nói. "Bắc Kinh tính toán rằng mối liên kết về ý thức hệ và kinh tế sẽ giúp họ giữ được Hà Nội trong tầm ảnh hưởng".
Tuy nhiên Vuving cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang đa phương hóa quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Vì thế, Trung Quốc có thể đang chơi "một canh bạc kém",  ông bình luận.
  Vũ Hoàng (tổng hợp)
(VnExpress) 

Cảnh sát đánh nhau với nhóm biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông


Cảnh sát đánh nhau với người biểu tình trong đường hầm

Rạng sáng 15.10, những cuộc biểu tình phản đối đòi dân chủ ở Hồng Kông (HK) lên tới cao trào, khi hàng trăm cảnh sát đánh nhau với nhóm sinh viên.

Khuya 14.10, nhóm sinh viên tràn vào một đường hầm bên ngoài trụ sở chính quyền đặc khu hành chính HK thuộc Trung Quốc (TQ), khiến xe cộ và xe taxi bị vây bởi cảnh sát và nhóm biểu tình. Nhóm biểu tình chặn hai hướng vào đường hầm bằng các cục bê-tông.

Vài giờ sau, cảnh sát trở lại đông hơn và chiếm lại đường hầm, bắt nhiều người biểu tình và dở bỏ rào chắn. Người biểu tình bị dẫn ra khỏi đường hầm, tay bị trói bằng dây nhựa và dòng giao thông trở lại bình thường.

Anson Cheng, 30 tuổi, một nhân viên tài chính ở khu biểu tình chính tại khu trụ sở chính quyền, nói: “Đây là một cuộc chiến. Chúng tôi phải bỏ con đường Queenway mà chẳng nhận lại được gì từ chính quyền”.

Trước đó, cảnh sát đã dùng cưa máy, kềm cắt để dở bỏ các rào chắn do phe biểu tình dựng trên một con đường chính ở khu thương mại chính ở HK.

Một người rành chiến lược của cảnh sát, nói với báo The Wall Street Journal, đó là biện pháp “cuốn chiếu” nhằm tránh sử dụng vũ lực: “Nếu cảnh sát có thể giải tỏa những khu vực mà không phải sử dụng vũ lực mạnh tay, họ sẽ làm thế”.

Một người có quan hệ với chính quyền HK, nói chiến lược của lãnh đạo thành phố là “xử lý mềm” để hạ nhiệt căng thẳng trước khi có thể tiến đến đàm phán.

Một số người biểu tình phê phán thủ lĩnh sinh viên cho phép cảnh sát dở bỏ rào chắn mà không kháng cự. Một số rào chắn bằng tre đã được tái lập nhanh chóng tối 13.10, sau khi cảnh sát lần đầu tiên tung nỗ lực giải tỏa kẹt xe và bắt 23 người.

Người phát ngôn cảnh sát Steve Hui nói cảnh sát sẽ còn dở bỏ nhiều rào chắn, nhất là ở các “vùng nguy cơ cao” như vùng Mong Kok.

Lãnh đạo HK hầu như giữ im lặng về cuộc biểu tình phản đối, sau cuộc họp cuối tuần qua ở Bắc Kinh, nơi chính phủ trung ương TQ thường triệu tập lãnh đạo HK về để chỉ đạo.

Thứ Hai qua, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh tái khẳng định ông sẽ không từ chức, vốn là một trong những yêu sách của nhóm sinh viên.

Yêu sách khác là TQ thay đổi quy định ban tổ chức bầu cử sẽ xét duyệt 2-3 ứng viên tranh chức đặc khu trưởng HK vào năm 2017.

Ông Lương nói sẽ không có chuyện Bắc Kinh thỏa mãn đòi hỏi này.

Hiện tỷ lệ tín nhiệm của ông Lương bị giảm từ 43.2 % xuống 40.6 %, theo thăm dò từ ngày 6 đến ngày 9.10 của Đại học HK.

Ngày mai 16.10, ông Lương sẽ lại đi TQ để họp hai ngày ở Thượng Hải.
Bích Ngọc (theo Wall Street Journal)

Chính phủ: Nên cho phép tự vận động bầu cử tại Việt Nam

Chính phủ góp ý dự án luật bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân...

Chính phủ: Nên cho phép tự vận động bầu cử tại Việt Nam
“Chính phủ đề nghị dự luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử, như cho phép người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử”, văn bản góp ý đề ngày 8/10 của Chính phủ nêu rõ - Ảnh: AFP.

Đổi mới quy trình hiệp thương, mở rộng các hình thức vận động bầu cử là đề nghị của Chính phủ khi tham gia ý kiến với dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân.

Đây là một dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 20/10 tới, nằm trong số ít dự án luật không phải do Chính phủ trình.

Cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo luật, song Chính phủ cũng đưa ra nhiều đề nghị liên quan đến các quy định cụ thể.

Như, đề nghị không quy định hồ sơ ứng cử phải bao gồm giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền, lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Trong điều kiện tinh gọn thủ tục hành chính, cần loại bỏ những thủ tục không thực sự cần thiết đối với công dân, đặc biệt đối với việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử là những quyền chính trị cơ bản nhất của công dân đã được Hiến pháp quy định, Chính phủ nêu rõ chính kiến.

Đề nghị tiếp theo được gửi đến ban soạn thảo dự án luật từ Chính phủ là đổi mới quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Theo Chính phủ, hiện nay nhiều địa phương kiến nghị quy định hiện hành về tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở các cấp bầu cử hội đồng nhân dân chưa đảm bảo tính công bằng trong lựa chon, giới thiệu người ứng cử.

Có nhiều người ứng cử, đặc biệt là người tự ứng cử, đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn và được sự tín nhiệm của cử tri song đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba lại không được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử, văn bản góp ý nêu rõ.

Liên quan đến vận động bầu cử, luật hiện hành quy định hai hình thức là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quá trình góp ý hoàn thiện dự án luật mới, có ý kiến cho rằng nên quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri.

Tuy nhiên, quan điểm của ban soạn thảo dự án luật là để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử.

Và quy định tại dự thảo luật mới nhất không có thay đổi gì về hình thức vận động bầu cử.

“Chính phủ đề nghị dự luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử, như cho phép người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử”, văn bản góp ý đề ngày 8/10 của Chính phủ nêu rõ.

Như vậy, nếu đề nghị của Chính phủ được Quốc hội chấp nhận thì cử tri có thêm cơ hội để hiểu rõ hơn những người ứng cử trước khi bỏ phiếu bầu ra những người đại diện cho mình.
  Nguyễn Lễ
(VnEconomy)

Việt Nam sẽ có TPP?

Các Bộ trưởng Thương mại và đại diện các nước tham dự phiên họp về Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ở Singapore tháng 12, 2013.
Các Bộ trưởng Thương mại và đại diện các nước tham dự phiên họp về Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ở Singapore tháng 12, 2013.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là một cơ hội tuyệt vời giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đặc biệt trong thời điểm này khi Việt Nam đang rất muốn thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn về kinh tế vào Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama cũng muốn hoàn tất đàm phán TPP trong năm nay khi ông thực hiện chuyến công du tới châu Á vào cuối năm. Với việc Mỹ đang muốn xoay trục về châu Á, các chính sách của Mỹ đang có nhiều ưu tiên hơn đối khu vực này nhất là khi Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh để bành trướng trên biển Đông. Việt Nam đang rất muốn đạt được thỏa thuận này với Mỹ - một thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Nhưng các chuyên gia nói rằng còn có nhiều rào cản cho tiến trình đàm phán và có nhiều thách thức cho Việt Nam khi tham gia TPP.

TPP được coi là một “hiệp định thương mại bậc nhất của thế kỷ 21 khi nó gói gọn trong đó 40% lượng GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới,” theo lời phát biểu của bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Đồng Doanh Nghiệp Mỹ-ASEAN (US-ABC) vừa được tổ chức tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ.

Ông  Kerry đã kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ gây ảnh hưởng đến quốc hội để thông qua TPP:

"Chúng tôi cần các bạn giúp đỡ để đạt được TPP với quốc hội Mỹ và người dân Mỹ. Và chúng tôi cần các bạn gọi điện, tổ chức các cuộc gặp mặt để đưa quốc hội vào cuộc."

Chủ tịch US-ABC, ông Alexander Feldman, nói với VOA Việt Ngữ rằng TPP đối với Việt Nam thực sự là một sự thay đổi diện mạo và nó sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của cả 2 bên.

Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ cuối năm 2010. Các đối tác của hiệp định bao gồm Mỹ và 10 nước khác trung khu vực châu Á Thái Bình Dương. Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, năm 2009, Mỹ đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư là 9.8 tỷ đô la. Trong 1 số năm gần đây, các công ty của Mỹ đã nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên còn có nhiều rào cản từ cả 2 phía Mỹ và Việt Nam.

Ông Murray Hiebert, phó giám đốc tổ chức nghiên cứu  Đông Nam Á Sumitro Chair thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS, nói các nhà chức trách Mỹ cho rằng Việt Nam là những nhà thương thuyết khó khăn nhất:

"Một trong những rào cản lớn nhất, theo tôi nghĩ, là Mỹ vẫn chưa cho Việt Nam một tiếp cận thị trường tốt và tôi đã nói chuyện với các nhà thương thuyết bên phía Việt Nam của bộ Công Thương, họ nói rằng nếu họ có một tiếp cận tốt vào thị trường Mỹ thì có nghĩa là thuế nhập khẩu lên hàng may mặc sẽ giảm nhiều và do đó sẽ dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề khác."

Các vấn đề về nhân quyền trong đó có việc cải cách thể chế liên quan đến vai trò của công đoàn lao động cũng đang là những vấn đề mà Việt Nam vấp phải trong quá trình đàm phán TPP với Mỹ.

Ngoài ra các giới chức Việt Nam cũng lo ngại về các điều khoản của Mỹ yêu cầu các sản phẩm dệt may và những sản phẩm may mặc đầu vào xuất sang Mỹ phải có nguồn gốc từ Mỹ hoặc từ các nước trong khối TPP. Hiện nay các mặt hàng này của Việt Nam đang có nguồn chủ yếu từ nước láng giềng Trung Quốc không phải là thành viên của TPP.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của trường Đại Học New South Wales, cảnh báo về điều này:

"Tại thời điểm này có một sự mất cân bằng thương mại vô cùng lớn và thậm chí một số mặt hàng xuất khẩu như may mặc, giày dép đang phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Khi Việt Nam gia nhập TPP có nghĩa là thuế xuất cao hơn – bởi vì TPP muốn các nước sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên. Do đó, Việt Nam phải tìm cách làm thế nào để thay thế các nguyên liệu nhập từ Trung Quốc bằng các nguồn từ các nước thành viên."

Khi tham gia TPP, thuế suất nhiều mặt hàng sẽ phải giảm dần đến mức % và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nhất là từ các nước không tham gia TPP, sẽ được hưởng lợi từ những quy định này. Có lẽ nhận thấy được lợi thế này, trong thời gian qua nhà đầu tư Trung Quốc tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Chỉ tính riêng dệt may từ năm 2013 trở lại đây đã có khoảng 90% số doanh nghiệp tham gia là của Trung Quốc.

Chuyên gia về Việt Nam, ông Jonathan London của trường Đại học Thành Thị Hồng Kông cũng có quan điểm tương tự. Ông nói rằng “TPP có một số yếu tố có thể có hại cho nền kinh tế của Việt Nam” và Việt Nam có thể sẽ mất nhiều thứ nếu không biết tận dụng nó:

TPP sẽ mở rộng cơ hội cho những công ty dù là nước ngoài ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ - thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Cũng có một nghịch lý mà theo nhiều người, một nhóm có lợi nhất nếu theo TPP ở Việt Nam có thể chính là những công ty của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta chưa rõ tương lai quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc như thế nào. Nhưng nếu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc không xấu đi một cách kinh khủng thì một nhóm sẽ ăn lợi nhất với TPP ở Việt Nam là những công ty của Trung Quốc. Tại sao? Bởi vì họ sẽ sử dụng Việt Nam như một sân khấu để xuất khẩu sản phẩm của họ sang thị trường Mỹ.

Giáo sư Thayer nói “về lâu dài Việt Nam cần phải có TPP để có được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ, cải thiện nền kinh tế và tạo một vị thế mạnh mẽ hơn để đương đầu với Trung Quốc về sau này.”

Do vậy mà Việt Nam đang vô cùng mong muốn tham gia khối nắm giữ 40% kinh tế thế giới này nhưng điều đó không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Việt Nam. Ông Carl Thayer cho biết:

Obama vẫn chưa thực hiện một bước tiến nào cho thấy Mỹ sẽ thông qua TPP. Hầu như là mọi thứ sẽ xảy ra sau bầu cử giữa kỳ. Việt Nam muốn tham gia TPP, muốn có được miễn thuế. Nhưng nó không hoàn toàn phụ thuộc vào Việt Nam. Nó phụ thuộc vào tổng thống Mỹ, mà chủ yếu là vào việc đàm phán với Nhật Bản để nới lỏng tình trạng này. Và nó phụ thuộc vào ông Obama sẽ thuyết phục được quốc hội bỏ phiếu thông qua TPP hay không. Do đó nó nằm ngoài khả năng của Việt Nam.

Chủ tịch US-ABC Feldman cũng nói rằng còn có nhiều rào cản về chính trị cho quá trình này:

"Chúng tôi có bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 nên mọi việc đều đang bị dừng lại. Nhưng hy vọng rằng sau cuộc bầu cử giữa kỳ và vào kỳ họp sau bầu cử và trước khi quốc hội mới nhóm họp, chúng tôi có thể đưa TPP ra quốc hội. Có thể sau kỳ bầu cử này chúng tôi sẽ bàn bạc thực sự nghiêm túc để đưa ra những vấn đề chính còn tồn đọng."

Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP trong số các nước thành viên. Theo bản phân tích về kinh tế vĩ mô Việt Nam của HSBC, thu nhập quốc dân Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 10% nếu vào được TPP. Theo một nghiên cứu đánh giá về tác động của TPP lên các nền kinh tế của các nhà kinh tế học của trường Đại học Brandeis, GDP của Việt Nam có thể tăng 35.7% trong vòng thập niên tới. Ông Thayer nói:

"Nếu không tham gia TPP sẽ là một bất lợi cho Việt Nam. Nếu Việt Nam không toàn cầu hóa, không hội nhập thì Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau. Và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói rằng sự nguy hiểm lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là bị bỏ lại phía sau."

Dù cách nào thì Việt Nam cũng có lợi nếu tham gia TPP. Nhưng chiến lược lớn hơn của Việt Nam phải là xuất hàng vào thị trường Mỹ. Như dù có TPP hay không thì theo giáo sư London Việt Nam “cần phải tập trung phát triển quan hệ toàn diện với Mỹ. Đó mới là cách để Việt Nam có một phương hướng kinh tế mới trong bối cảnh Trung Quốc đang thách thức chủ quyền.”
  Linh Đan
 (VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét