Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Ván cờ Biển Đông

Nguyễn Thành Nam: Ván cờ Biển Đông

Hôm nay 15/08, đúng là ngày mà theo dự định TQ sẽ rút dàn khoan ra khỏi vùng tranh chấp với Việt nam. Trên thực tế là họ đã rút ra từ trước. Đó là một bước đi đã tính toán hay một hành động không còn cần thiết nữa khi sự việc đã rõ ràng. Tự dưng thấy tò mò muốn tìm hiểu kỹ hơn hành động của họ, dự đoán bước tiếp theo và những bước đi có thể của Việt nam cũng như các nước có liên quan. Để cho dễ hiểu, có thể tạm giả thiết là TQ đang đánh cờ, với những nước đi hết sức chiến lược. Vậy thì một loạt các câu hỏi được đặt ra:
-          Họ đánh với ai?
-          Loại cờ này là gì?
-          Giải thưởng ra sao?
-          Nước tiếp là gì?
-          Ta phải làm gì?
Bài viết này triển khai cụ thể những suy nghĩ đó và có tính chất hoàn toàn là một bài tập về suy nghĩ. Quan điểm của tác giả là:
Biển Đông đang là vũ đài của một cuộc tranh chấp quốc tế lớn chưa từng có. Dù gì thì gì, ván cờ này chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng khó có thể dẫn tới xung đột quân sự.
Nếu chúng ta bảo đảm được  nguyên tắc “không đánh cờ, không mách nước, không phá rối, chỉ bán nước, café cho người chơi cờ” tôi tin rằng đây là cơ hội cực lớn để Việt nam có thể vẫn thừa nhận một mối quan hệ lịch sử lâu bền với Trung quốc mà vẫn “thoát” được về mặt kinh tế, đi theo con đường của các đại ca Nhật bản và gần đây là Hàn quốc, Đài loan.
Bài này sẽ được chia làm 3 phần: AI CHƠI VỚI AI – WHAT NEXT và KHÔNG ĐÁNH CỜ!
Ván cờ biển Đông – AI CHƠI VỚI AI?
 1.  Trung quốc đang chơi cờ ở đâu?
Họ đã lựa chọn Biển Đông để chơi ván cờ chiến lược của mình. Chỉ cần nhìn lên bản đồ đã thấy sự phức tạp của Biển Đông. Một vùng biển rộng 3.500.000 km2, bao bọc bởi 6 quốc gia: Trung quốc, Việt nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei (nếu tính Đài loan nữa thì là 7), 3 quần đảo chìm nổi lẫn lộn: Hoàng sa (Paracel), Trường sa (Spratly) và Vành khăn (Scarborough) với vô khối các đường tranh chấp chồng chéo.
Đây quả là ván cờ đáng để các quốc gia đau đầu nếu ta biết giải thưởng của nó là gì?
Van co bien dong 1
Các đường lợi ích chằng chịt
Các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn
Các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn
2.  Giải thưởng nào?
 Biển Đông đang là một tuyến đường huyết mạch của Hàng hải thế giới. Hơn 1/3 lượng hàng hóa vận chuyển trên biển đi qua Biển Đông. Gấp 3 kênh đào Suez và gấp 5 lần kênh Panama. Trung bình cứ 3km có một tàu hàng.
Biển Đông đặc biệt quan trọng với các cường quốc xuất khẩu Nhật bản, Hàn quốc và những năm gần đây là Trung quốc. Với việc vươn lên là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, vượt Nhật bản từ năm 2012, Trung quốc tỏ ra quan tâm đặc biệt đến việc kiểm soát khu vực này.
Trên bản đồ hàng hải, Biển Đông và eo Malaca với TQ, Nhật bản đóng vai trò khá giống Vịnh Aden và kênh đào Suez với châu Âu. Đặc biệt là trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của châu Âu thế kỷ 19 và 20.
Để hiểu được điều này, chúng ta có thể google lại hành xử của Anh-Pháp-Mỹ-Israle khi tổng thống Ai cập Nasser có ý định nghiêng về Liên xô trong cuộc chiến tranh lạnh http://en.wikipedia.org/wiki/Suez_Crisis
Các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Khoảng 40% đi qua Biển Đông
Các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Khoảng 40% đi qua Biển Đông
Lưu lượng dầu chuyên chở qua Biển Đông
Lưu lượng dầu chuyên chở qua Biển Đông
Vai trò của Suez với châu Âu
Vai trò của Suez với châu Âu
3.  Người chơi
 Bàn cờ đã vậy, giải thưởng rất to. Vậy ai là người dám chơi ván cờ này.
Trung quốc đương nhiên là một bên chơi cờ. Họ chơi với ai?
 Chắc chắn không phải là Việt nam! Đối với các hoàng đế Trung hoa từ xưa tới nay, Việt nam chưa bao giờ được nhìn nhận như một đối tác xứng tầm để họ phải “nhún mình” chơi với. Trên thực tế, khu vực Biển Đông rất ít được Việt nam quan tâm. Các mỏ dầu đều nằm rất gần bờ. Nền kinh tế yếu kém, nên lượng hàng hóa chưa phải quá lớn. Cho đến gần đây quan tâm duy nhất là được đánh cá tự do!
 Nên chỉ có thể là Trung quốc chơi cờ với Nhật bản và gửi một thông điệp mạnh mẽ đến người đứng sau là Mỹ: sẽ đến lúc họ sẽ chơi với Mỹ một ván cờ khác toàn cầu hơn. Tuy Nhật không có biên giới trực tiếp, nhưng như đã nói ở trên, vùng biển này vô cùng quan trọng với họ về mặt vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra Nhật – Trung đang có cuộc đối đầu ác liệt xem ai xứng đáng là anh cả ở châu Á. Trung quốc đang quyết tâm trả mối thù bị Nhật làm nhục trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Và qua đây xác lập vị thế đối đầu với Mỹ.
4. TQ đã đi những nước cờ nào?
Trước năm 1930, chỉ có Pháp có đủ năng lực để đến được cả 2 quần đảo này ổn định. Từ đó đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật đã chiếm cả 2 quần đảo này. Tuy nhiên hiệp định đầu hàng ký với Nhật năm 1951 đã không đưa ra bất cứ một công nhận chủ quyền cho nước nào sau khi Nhật từ bỏ. Pháp, Tưởng, Phi, Mã tùy tiện chia nhau.
Và đây là cơ hội để Trung quốc ra tay.
 1958: Chiếm Đông Hoàng sa từ Pháp, nhân lúc Pháp đang suy yếu sau hiệp định Geneva. Chính quyền miền Nam thì còn chưa kịp ổn định.
 1974: chiếm Tây Hoàng sa sau khi đã nắm chắc là Mỹ quyết tâm rút và Việt nam cộng hòa thì đang trên đà sụp đổ.
1988: chiếm Garma (Jhonson) và 1 số đảo ngầm nằm ở những vị trí chiến lược trong quần đảo Trường Sa. Đây là giai đoạn cuối của cuộc xung đột giữa TQ với VN, Liên xô đang sụp đổ, VN vẫn bị Mỹ cấm vận. VN bắt buộc phải giảng hòa với TQ đổi lấy việc rút quân khỏi Campuchia, mở đường cho việc Mỹ bình thường hóa quan hệ.
 2012: Nhận thấy Mỹ đang ở vị thế yếu kém. TQ đã ra tay tại bãi đá ngầm Scareborough ở phía Tây Philippines. Phi đưa tàu quân sự đến, hai bên căng thẳng. Mỹ can thiệp giảng hòa. TQ đồng ý hòa giải để giữ thể diện cho Mỹ. Tuy nhiên khi tàu của Phi rút đi, tàu của TQ vẫn cứ ở lại và thực tế chiếm giữ bãi đá này. Mỹ ngậm bồ hòn.
Sau đó 2013 TQ công bố vùng nhận diện hàng không ở đảo Hoa Nam. Năm 2014 đưa giàn khoan vào vùng biển Việt nam.
Chúng ta nhận thấy Trung quốc đã chọn thời điểm rất thích hợp để đi những nước cờ của mình và hầu như không gặp một sự kháng cự đáng kể nào để kiểm soát được phía Bắc và phía Tây Biển Đông.
Tuy ít, nhưng các đảo của TQ và đặc biệt là Garma nằm ở vị trí khống chế với Trường Sa
Tuy ít, nhưng các đảo của TQ và đặc biệt là Garma nằm ở vị trí khống chế với Trường sa
Tuy ít, nhưng các đảo của TQ và đặc biệt là Garma nằm ở vị trí khống chế với Trường Sa
5.  Nhật bản đã làm gì?
 Có thể nói Nhật bản và các đồng minh đã khá chủ quan trước những nước cờ mạnh mẽ của TQ. Nỗi sợ mất những cơ hội kinh tế quá lớn với TQ làm cho họ không dám đi những nước cờ mạnh mẽ, chỉ dừng lại mức phản đối ngoại giao.
 Mãi đến tháng 12/2012, Nhật mới đi nước đầu tiên là quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (mua lại của tư nhân) và bố trí các lực lượng quân sự ở đây để bảo đảm chủ quyền.
 Mạnh mẽ hơn ngày 1/7/2014 Quốc hội Nhật bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp (Nhật vĩnh viễn từ bỏ quyền xây dựng quân đội và gây chiến). Việc sửa đổi này cho phép Nhật chủ động tham gia các hoạt động phòng vệ tập thể trong liên minh quân sự.
6.  Các nước chầu rìa đã làm gì?
 Philippines sau sự kiện năm 2012, đã quyết định “chơi rắn”:
-          Chuẩn bị hồ sơ đưa TQ ra tòa hình sự biển quốc tế vào giữa năm 2013
-          Ký hiệp định liên minh quân sự với Mỹ vào nửa đầu năm 2014
Sở dĩ Philippines có thể cứng rắn vì thực tế kinh tế của họ rất ít phụ thuộc vào Trung quốc, chưa đến 1% GDP. Họ lại nằm khá xa để TQ có thể thường xuyên gây rối. Và quan trọng nhất nước này đã từng là đồng minh quân sự của Mỹ.
Malaysia, nước có 7 hòn đảo nằm trong vùng tranh chấp, gây ngạc nhiên lớn. Họ im lặng. Và TQ cũng để họ im lặng, không hề có động thái gây hấn nào. Nhiều khả năng là lãnh đạo Malaysia đã đạt được những thỏa thuận với lãnh đạo Trung quốc.
Ván cờ biển Đông – WHAT NEXT?
Như phần trên đã nêu, nhờ những tính toán chiến lược và dài hạn, TQ đã nắm được khá nhiều tiên cơ trong ván cờ kiểm soát Biển Đông. Nên rất khó có thể chờ đợi TQ hòa hoãn vào lúc này. Chắc chắn họ sẽ tiếp tục tấn công để giành lợi thế và chờ đợi sự phản ứng của Nhật (Mỹ). Nhận thức được tiềm lực quân sự còn yếu, TQ sẽ kiểm soát không để xảy ra chiến tranh, tạo cớ để Mỹ có thể can thiệp.
Trong các nước chầu rìa, hành động của Malaysia và Đài loan có thể gợi ý cho Việt nam những ứng xử thích hợp.
7.  Dự đoán hành động tiếp theo của Trung quốc
Trung quốc sẽ củng cố vành đai phía Tây của Biển Đông, đổ tiền của xây dựng Garma thành một căn cứ hàng hải/hải quân lớn, có sân bay và các cơ sở tiếp vận. Với vị trí chiến lược, Garma sẽ khống chế được cả quần đảo Trường sa và áp chế các đảo nhỏ do Vietnam, Malaysia, Philippines chiếm giữ.
Sau khi đã án ngữ phía Bắc, phía Tây của Biển Đông, thỏa thuận được tại phía Nam với Malaysia,  TQ sẽ quay sang bờ Đông. Tất cả những hòn đảo thuộc phía bờ Đông đều nằm rất gần bờ biển Việt nam nên họ sẽ không dám manh động. Và giải pháp duy nhất đó là giàn khoan.
Tháng 8 năm 2012, trong diễn văn hạ thủy HD 981, tổng giám đốc công ty dầu khí Trung quốc đã tuyên bố: dàn khoan này chính là lãnh thổ di động của chúng ta. Tất nhiên là lãnh thổ di động không thể cắm ở gần Hong kong được rồi.
 Qua động thái thăm dò vừa rồi, TQ đã hiểu là sẽ không có một cường quốc nào có ý định ra tay giúp đỡ Việt nam thực sự. Điều này khác hẳn với tình hình ở Ucraine, khi quốc hội Mỹ ngay lập tức phê chuẩn khuẩn viện trợ 1B, EU cho vay kinh tế 18B để trả nợ cho Nga. Việt nam, ngược lại bị Mỹ và Nhật gạ mua vũ khí để đối đầu với TQ.
 Bởi thế, dự đoán trong 1-2 năm tới Trung quốc sẽ cử dàn khoan (thực chất là một hòn đảo di động) đến đóng cố định dọc theo bờ Đông của đường lưỡi bò. Vấn đề chỉ là họ có thể sản xuất kịp hay không mà thôi.
 Những vị trí mà TQ dự kiến sẽ dùng giàn khoan để chiếm đóng trong tương lai
Những vị trí mà TQ dự kiến sẽ dùng giàn khoan để chiếm đóng trong tương lai
Nhật có thể làm gì?
Nhật bản chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự nội tại sau khi dỡ bỏ vòng kim cô hiến pháp. Với tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật của mình, được sự hẫu thuận của Mỹ, nhiều khả năng trong 1 thập kỷ tới hạm đội của Nhật sẽ là một thế lực thực sự tại Biển Đông. Tuy nhiên việc quân sự hóa Nhật bản sẽ gây lo ngại sâu sắc cho Hàn quốc, Đài loan và đẩy các nước này gần hơn đến TQ. Nếu TQ tiếp tục chính sách khiêu khích có  kiểm soát, Nhật bản cũng sẽ không có cớ để thi triển sức mạnh.
Nhật bản có thể  tiến hành liên minh chính tri-kinh tế-quân sự chặt chẽ với một nước nào đó trong khu vực Biển Đông. Trong trường hợp này Việt nam có khả năng được lựa chọn. Tuy nhiên nền kinh tế Nhật đang suy thoái, sẽ khó lòng gánh chịu được chiến lược “No China” của họ một cách toàn diện.
8.  Các lựa chọn cho Việt nam
 Ta đã thấy, TQ và Nhật bản (Mỹ) đang bày một ván cờ chiến lược ngay trước cửa ngõ của VN. Có thể có 3 lựa chọn sau đây cho Việt nam:
-    Buông xuôi, để mặc các cường quốc muốn làm gì thì làm.
-    Chọn bên để ủng hộ
-    Thỏa hiệp và chủ động đóng vai trò cung cấp dịch vụ logistic (“bán cà phê”) cho người chơi.
Chính sách của VN hiện tại như đang nghiêng về phương án nhất. Ngoài những bài phát biểu kích động, và những phản đối ngoại giao đòi hỏi chủ quyền không được tiếp ứng bằng những động thái thực sự mạnh mẽ. Trên các diễn đàn thông tin đại chúng của thế giới, càng ngày càng ít những tiếng nói ủng hộ Viet nam. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ dẫn đến nhân dân mệt mỏi, kinh tế suy thoái, và đáng sợ nhất là bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang.
Nếu quyết định chọn bên, VN có thể chọn liên minh với TQ hoặc với NB (Mỹ).
Nhiều khả năng là từ đầu những năm 1990x, lãnh đạo VN đã chọn phương thức liên minh và theo mô hình TQ để phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, nhận thấy bị quá phụ thuộc vào TQ, và được tiếp xúc với nhiều mô hình tiên tiến, VN đã điều chỉnh chính sách. Có lẽ sự điều chỉnh này không khéo léo, làm TQ cảm nhận là VN muốn thoát khỏi quỹ đạo của mình, tiếp tay cho đối thủ Nhật (Mỹ) kiềm chế TQ. Về mặt truyền thông, VN cũng đã kích động tinh thần dân tộc bài Trung lên khá cao, nên trên thực tế, kể cả có thể vượt qua được sự giận dữ của dân chúng,  VN hiện tại cũng không có nhiều cơ hội để quay trở lại đàm phán chiến lược với TQ.
Nếu quyết tâm bỏ TQ chọn NB(Mỹ), Viet nam sẽ phải đối diện với một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện từ phia TQ. NB (Mỹ) sẽ giúp Viet nam một phần nhưng chắc sẽ không chịu hy sinh những quyền lợi kinh tế/ địa chính trị tại Trung quốc chỉ để giúp đỡ Việt nam. Ngay cả Đài loan, Hàn quốc… những nước đã “thoát” Trung khi nền kinh tế của họ hoàn toàn không bị phụ thuộc vào thị trường đại lục yếu kém, cũng rất thận trọng trong các phát biểu chính thức của mình.
Vậy lựa chọn thứ ba là khả dĩ nhất. Và đây cũng là cơ hội để Việt nam một lần thoát khỏi số phận phải luôn luôn “chọn bên” để trở thành một nước trung lập, tôn trọng các quyền của Trung quốc và tất cả các nước khác,  tạm thời gác chủ quyền, đẩy việc tranh chấp cho các nước lớn, tập trung vào việc phát triển kinh tế làm giàu đất nước.
Để lựa chọn này trở thành hiện thực, cần có 5 hành động
-   Tập trung quyền lực thoát khỏi sự chia rẽ về đường lối như hiện nay
-   Liên minh với các nước nhỏ có chung vấn đề hoặc có thiện cảm.
-   Hòa hoãn với Trung quốc.
-   Tạo được sức mạnh thực sự trên Biển Đông để có lợi thế đàm phán
- Xây dựng ngay những cơ sở kinh tế Biển
Cụ thể là làm gì và như thế nào? Chúng ta sẽ bàn trong phần sau.
Ván cờ Biển Đông – KHÔNG ĐÁNH CỜ!
19.08 chớ quên là ngày khởi nghĩa!
TQ đã hành động rất chiến lược ở Biển Đông để bảo đảm những quyền lợi kinh tế sát sườn của mình và sẽ tiếp tục chơi ván bài cứng rắn với Nhật (Mỹ). Do sự không khéo léo trong chính sách đối ngoại, Việt nam đang bị TQ chọn làm tiêu điểm gây sức ép bắt phải chọn bên. Lẽ dĩ nhiên rất nhiều người cho rằng đây là cơ hội để VN có thể học tập Philippines thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế của TQ, lợi dụng sức mạnh khoa học kỹ thuật của Nhật (Mỹ) để đi lên. Nhưng đó là một ảo tưởng. Phản ứng hết sức thận trọng và chỉ bằng lời nói của Nhật/Mỹ qua vụ giàn khoan HD981, cho thấy họ chưa sẵn sàng đứng ra bảo trợ cho Vietnam. Chỉ cần TQ cấm xuất khẩu nguyên liệu, nền kinh tế VN sẽ khó lòng đứng vững.
Chúng ta đã từng phải chọn bên và trả giá đắt để đạt cho được mục tiêu thống nhất đất nước. Nhưng tình hình hiện nay khác hẳn. Thứ nhất nếu trước đây một nước VN thống nhất là sự thật lịch sử hiển nhiên, thì vấn đề chủ quyền ở Biển Đông lại quá phức tạp. Thứ hai, như đã phân tích ở trên, do yếu kém về quân sự TQ sẽ không dại manh động sử dụng vũ lực tại những đảo do Vietnam chiếm đóng để tạo cớ cho Mỹ đưa hải quân vào. Như vậy khả năng giữ được những vị trí chiến lược hiện tại của VN là rất cao, còn khả năng chiếm được những vị trí mới là khá mù mờ.
Điều đó dẫn đến kết luận, VN hoàn toàn có thể tạm thời gác chủ quyền, đẩy việc tranh chấp cho các nước lớn, tập trung vào việc phát triển kinh tế làm giàu đất nước.
 Để làm được điều đó, việc trước tiên là phải củng cố nội bộ,  Tập trung quyền lực thoát khỏi sự chia rẽ về đường lối như hiện nay
Do không nắm được tương quan lực lượng chính trị trong nước, tác giả không dám bàn luận nhiều, chỉ có một niềm tin là “thời thế tạo anh hùng”. Khi đất nước lâm nguy, sẽ có những bậc kỳ tài xuất hiện.
Sau khi đạt được thống nhất, VN phải nhanh chóng có hành động không làm căng thẳng thêm tình hình với Trung quốc. Đây là lúc niềm tin giữa hai quốc gia đang xuống thấp nhất. Nếu VN không chủ động tháo gỡ, e rằng bất cứ một hành động nào tiếp theo cũng có thể bị các “hoàng đế” hiểu lầm và gây khó dễ. Tuy là việc khó, nhưng lịch sử ngàn năm cho thấy, nếu kêu gọi rộng rãi, sẽ có một bậc trí giả thông thạo Hán học và lịch sử phương Đông, đảm trách việc “đi sứ” bảo đảm với TCB là Vietnam sẽ không bao giờ xâm hại đến quyền lợi của TQ vì một nước thứ ba nào khác.
Có được sự hiểu biết nhất định của chính phủ TQ, VN cần phải nhanh chóng thiết lập liên minh với các nước nhỏ có chung vấn đề hoặc có thiện cảm. Hiện tại có 2 nươc đang rất có cảm tình với Việt nam và có thể cung cấp những lợi thế chiến lược cho VN
-          Philippines, với mối quan hệ xuyên Biển Đông. Xem xét công nhận các đảo do Philippines đang thực sự nắm giữ.
-          Israel, có thể cung cấp các phương tiện khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp.
Việc tiếp theo là xây dưng một học thuyết quân sự trên biển phù hợp với sức mạnh của VN, khiến bất cứ quốc gia nào cũng phải e dè, tạo lợi thế cho các đàm phán kinh tế. Việc này cực khó. Vì ngay bây giờ, TQ và các cường quốc hầu như đã kết luận là sức mạnh quân sự của Vietnam là yếu kém, khó có thể có hành động chống đối đáng kể, nên họ sẽ tôn trọng quyền lợi của họ chứ ko phải của VN, nhiều khả năng sẽ biến VN thành con nợ vũ khí.
Cuối cùng, song song với xây dựng học thuyết quân sự mới trên biển, cần có những hành động mạnh mẽ về kinh tế, xây dựng các cảng biển dọc hai bên bờ Biển Đông nhằm mục đích phục vụ cho tàu qua lại.
9. Hải quân nhân dân
Trong lịch sử, Việt nam hầu như chưa bao giờ thể hiện sức mạnh trên biển. Các trận thủy chiến lớn đều diễn ra trên sông. Bạch Đằng, hay Rạch gầm-Xoài mút. Năm 1946, đô đốc Argenlieu mời Hồ Chí Minh thăm hạm đội Pháp tại vịnh Hạ long, để diễu võ dương oai, dọa Cụ nên nhượng bộ Pháp. Xem chán chê xong, Cụ buông một câu: “tàu các ông to thế này chắc không đi lọt sông của chúng tôi”.
Vậy thì học thuyết quân sự trên Biển của Việt nam không thể dựa trên tàu ngầm và tên lửa. Mặc dù những năm gần đây VN đã tích cực đầu tư xây dựng một hạm đội mạnh, nhưng đó chỉ là so với những nước không bao giờ đánh nhau như Thái lan. Còn đối đấu với Mỹ, Nhật và thậm chí cả Trung quốc, Việt nam không thể là đối thủ. Chưa kể, đầu tư hải quân là cực kỳ tốn kém, và việc chạy đua vũ trang sẽ gây kiệt quệ cho đất nước.
Nếu cuộc chiến trên biển xảy ra, chúng ta phải tìm mọi cách đưa nó lên bờ, nơi mà bất cứ kẻ thù nào cũng hiểu rằng rất khó xơi được Việt nam.
Làm thế nào?
Quay lại phần hai ở trên. Chúng ta đang giả thiết, các cường quốc tranh chấp để bảo đảm thông thương cho hàng hóa của họ. Và đây chính là điểm yếu nhất. Không một quốc gia nào có đủ tàu chiến để hộ tống cho tất cả các tàu hàng được, nhất là ở tuyến đường tấp nập như Biển Đông.
Như vậy nếu chiến tranh trên biển xảy ra, đối tượng tác chiến của hải quân nhân dân VN sẽ là các tàu vận tải chứ không phải tàu chiến hiện đại của đối phương.
Thế kỷ thứ 13, mặc dù thua Ô mã nhi, Trần Khánh Dư vẫn dễ dàng đốt được đoàn quân lương của Triệu Hổ làm suy yếu đáng kể ý chí xâm lược của quân Nguyên.
Đền thờ Trần Khánh Dư ở đảo Quan Lạn
Đền thờ Trần Khánh Dư ở đảo Quan Lạn

Gần đây, một lực lượng rất nhỏ “hải tặc” của Somali với vũ khí cực kỳ đơn giản đã làm gián đoạn vận chuyển trên biển Aden từ 2005-2009 bất chấp sự nỗ lực của hải quân Mỹ, Nato, Nga, TQ, Nhật, Hàn….
Riêng trong năm 2009, hải tặc đã bắt giữ 219 con tàu lớn nhỏ trong hoàn cảnh sự có mặt dày đặc của các phương tiện hải quân hiện đại nhất trên thế giới.
Tình hình cướp biển ở Vịnh Aden năm 2008
Tình hình cướp biển ở Vịnh Aden năm 2008

Nhìn hai bức ảnh dưới đây ta sẽ hiểu ngay thế nào là một cuộc chiến tranh phi đối xứng trên Biển và 2 xuồng máy bé tí có thể khống chế một con tàu chở dầu khổng lồ.

Trang bị của cướp biển rất thô sơ
Trang bị của cướp biển rất thô sơ
Nhưng vẫn khống chế được tàu dầu to gấp nhiều lần
Nhưng vẫn khống chế được tàu dầu to gấp nhiều lần

Cuộc chiến cướp biển này gợi ý cho chúng ta rất nhiều. Đương nhiên chúng ta không định làm cướp biển. Nhưng nếu bị gây chiến, VN phải biết cách sử dụng sức mạnh sở trường của mình. Chiến tranh nhân dân, có thể định nghĩa đơn giản là kẻ thù không có cách nào phân biệt được đâu là dân thường đâu là lực lượng vũ trang. Quan điểm chiến tranh nhân dân đã giúp cho Củ chi tồn tại ngay sát nách Sài gòn, đã xây dựng hệ thống đường mòn HCM đến tận Bù gia mập.
Tổ chức chiến tranh nhân dân trên biển, như vậy sẽ phải dựa vào những lực lượng ngư dân được huấn luyện, sử dụng những tàu đánh cá có trang bị vũ khí nhẹ, hàng ngày sẽ đánh cá, nhưng khi cần có thể biến thành các tàu tấn công. Mục tiêu là uy hiếp các tàu vận tải vốn không được vũ trang. Gặp các tàu quân sự là sẵn sàng bỏ vũ khí để trở thành tàu cá. Nên nhớ hiện tại chúng ta đã có hơn 100,000 tàu cá.
Thách thức lớn nhất của tổ chức hạm đội kiểu này là xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc rẻ tiền, định vị và hợp đồng tác chiến không qua GPS (vốn rất dễ bị đối phương vô hiệu hóa). Thách thức thứ hai là xây dựng các cơ sở tiếp dầu và lương thực, bảo đảm có thể hoạt động dài ngày.

Con người chúng ta sẵn có. Lòng yêu nước và dũng cảm có thừa. Đóng tàu cá đi xa không phải là quá khó. Ngay bây giờ với các phương tiện vô cùng nghèo nàn, ngư dân ta vẫn có thể tiếp cận được vùng biển Philippines. Các thách thức trên nếu được đầu tư đúng mức, sẽ có thể giải quyết trong vòng 5 năm tới từ tiết kiệm mua các thiết bị quân sự hiện đại từ các tay “lái súng” đang ra sức vắt kiệt chúng ta.
10. Lập quán – Bán café
Song song với việc tạo thế mạnh trên đàm phán, Việt nam cần chủ động đi những bước cụ thể và kiên quyết trong việc chiếm tiên cơ về vấn đề bảo đảm hàng hải. Cụ thể như sau:
Đàm phán giành quyền kiểm soát VietsovPetro. Các dàn khoan của VietsovPetro đang nằm dọc theo bờ Tây của Biển Đông và đang là nguồn thu ngoại tệ lớn. Chúng ta có thể đàm phán mua lại cổ phần của Nga. Thời điểm này Nga đang bị cô lập và rất có thể sẽ từ bỏ quyền lợi lâu dài ở đây để đổi lấy 1 lợi ích kinh tế trước mắt. Bản thân Nga cũng đã thu được khá nhiều từ liên doanh này. Chúng ta sẽ có được nguồn tài chính ổn định trong dài hạn và một sự hiện diện vững chắc ở phía Nam Biển Đông. Nếu Nga không bán, hãy mạnh dạn quốc hữu hóa. Nga sẽ khó có thể hành động mạnh mẽ tại thời điểm này.

Các dàn khoan Bạch Hổ về đêm
Các dàn khoan Bạch Hổ về đêm

Trên cơ sở đó, thành lập Công ty bảo đảm hàng hải Biển Đông
Công ty này sẽ có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ logistic cho tất cả các tàu và phương tiện hàng hải đi qua khu vực này. Cụ thể xây các cảng dịch vụ tại Phú Yên, Vũng Tàu, Phú Quốc và Trường Sa Lớn, thành lập đội giám sát biển với mục đích bảo vệ hàng hải (chứ ko phải bảo vệ chủ quyền).
Mời Trung quốc, Nhật bản, Mỹ, Phi, Mã và các cường quốc cùng tham gia góp vốn, nhưng Vietnam phải giữ phần vốn quyết định.

Kết luận
Biển Đông đang là vũ đài của một cuộc tranh chấp quốc tế lớn chưa từng có. Dù gì thì gì, ván cờ này chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng khó có thể dẫn tới xung đột quân sự.
Nếu chúng ta bảo đảm được  nguyên tắc “không đánh cờ, không mách nước, không phá rối, chỉ bán nước, café cho người chơi cờ” tôi tin rằng đây là cơ hội cực lớn để Việt nam có thể vẫn thừa nhận một mối quan hệ lịch sử lâu bền với Trung quốc mà vẫn “thoát” được về mặt kinh tế, đi theo con đường của các đại ca Nhật bản và gần đây là Hàn quốc, Đài loan.
TS. Nguyễn Thành Nam

HẠ ĐÌNH NGUYÊN VÀ NGUYỄN THỊ TỪ HUY BÀN VỀ "CẦU HIỀN VÀ SỬ DỤNG NĂNG LỰC TRÍ TUỆ"



Hạ Đình Nguyên
LỜI  NÓI LEO (10-8):  Trong khi Từ Huy ở giữa Paris, nhìn phố xá ngổn ngang chồng lên nhau mà thấy “99 ngọn Hồng Lĩnh chạy dài về tương lai”, thì tôi ở Sài gòn, đọc bài của Từ Huy mà nhìn thấy ngổn ngang 16 khuôn mặt chồng lên nhau, cũng ngổn ngang thế, mà rất hồi họp về tương lai.
Thời sự đang ngồn ngộn những thông tin căng thẳng, cũng xin tạm lắng lòng theo Từ Huy mà quay về tham khảo trí huệ của tiền nhân, qua bài viết nhiều gợi mở và bóng gió.
Tuy nhiên bài viết đã gợi nên vài ‘mệnh đề’ thời đại, mà chỉ là thời đại khép kín của riêng Việt Nam, tôi có một chút đối chiếu tự nẩy sinh.

- Lịch sử vẫn thường gọi Nguyễn Huệ là bậc anh hùng “áo vải”, ý nói nguồn gốc xuất thân chẳng phải là danh gia thế phiệt gì, mà là trong cõi nông dân - người thường. Thế mà ông đã hội tụ được nhiều phẩm chất hiếm có của một bậc đại trí. Chỉ thông qua sự “mời mọc”- gọi là cầu hiền - của Quang Trung đối với La-Sơn Phu-Tử Nguyễn Thiếp, mà Từ Huy đã trình bày, cũng đã bộc lộ tinh thần “tôn trọng và biết sử dụng năng lực trí tuệ” của Nguyễn Huệ đặc sắc ra sao, và để lại ấn tượng rất điển hình cho hậu thế.
- Phong trào Cách mạng theo chủ nghĩa Cộng sản của Mao Trạch Đông, và những vùng chịu ảnh hưởng của Mao, thì đề cao vai trò của nông dân (hân hạnh thay cho Nguyễn Huệ !) thông qua cơ bắp và đấu tố giai cấp, phủ định vai trò của cá nhân, đặc biệt là tầng lớp trí thức, và xem “sự nghiệp Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Thế thì Nguyễn Huệ đã quan niệm thế nào về “vai trò cá nhân” và “sự nghiệp quần chúng” khi 3 lần đi ‘năn nỉ’ Nguyễn Thiếp ?
Xét về mặt ‘sự nghiệp của quần chúng’ là không sai, Nguyễn Huệ cũng làm thế, cho nên từ một một ngọn lửa nhỏ ở một vùng núi non hẻo lánh - Quy Nhơn-Bình Định – đã lan ra cả nước, thành một một đoàn binh hùng hậu, được sự hưởng ứng của toàn dân, và… ‘bách chiến bách thắng’. Chỉ có một điều, ông chưa kịp học chủ nghĩa Mác-Lê-Mao ( vì chưa có), nên ông đã không “triệt hạ trí thức”, nhưng lại đi tôn trọng cá nhân – gọi là hiền tài – để hơn 3 lần cầu cạnh La-Sơn Phu-tử. Và, là vua, bị từ chối 3 lần mà cũng không ‘tự ái’ nữa kìa ! Về sự tự ái, sực nhớ câu chuyện thật ngắn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi chạm phải một câu nói “ngược chiều” của một trí thức Sài gòn, ông đã khó ở, suốt đêm trằn trọc. Sáng hôm sau, ông đã nhanh chóng tiêu hóa được cái ‘kiêu ngạo cọng sản’, để sau đó với thái độ bình tỉnh và cởi mở, ông tiếp tục các cuộc giao lưu, đối thoại với giới trí thức Sài gòn càng sâu rộng, đã làm cho ông có một tầm nhìn mới, đi trước mấy lớp đồng chí của mình, và cũng hứng lấy nhiều khó khăn. Nhưng Ông đã lưu lại một hình ảnh tốt và quý mến trong nhân dân.
Làm lơ, hay là coi thường trí thức, phủ định vai trò cá nhân, nhưng văn hóa “vô sản” lại đề cao lãnh tụ, đến mức thành án, gọi tên là chủ nghĩa “tôn sùng cá nhân”. Nhưng sẽ không phạm tội ‘đề cao cá nhân’, nếu cá nhân ấy nằm trong khung được xác định bởi ‘chủ nghĩa xã hội’, một cái biện chứng rất là khó hiểu.
Công bằng mà nói, chủ nghĩa ‘tôn sùng cá nhân’ nay cũng đã phai mờ chút ít. Vì quần chúng vô danh vô phận kia, cũng tự hiểu ra để phân biệt, ai là người đáng tôn, và ai là kẻ đáng ‘sùng’ (theo nghĩa là giận dữ). Gọi là phai mờ chút ít, vì rằng hãy còn nhiều nhân vật vẫn thích ‘tự đồng hóa mình’ với chiếc ghế. Đúng thế, nếu đã có chức vụ thì đương nhiên – dù ai ‘sùng’ mình thì mặc kệ -  mình tự ‘tôn sùng’ mình, là đủ (sùng nầy là kính)! Y như rằng, hể đứng trên bục, thì phải phát ra lời giáo huấn ! Một số ‘cán bộ Đoàn’ ngày nay cũng thế, giống như ‘Tủ Lạnh’của mình. Họ được giao trọng trách là ‘giáo dục thanh niên’, tức là ‘dạy’ cho bạn bè mình cùng lứa như nhau, miễn là nắm chắc trong tay ‘lập trường’, là thành ‘Thầy’, hành đạo hồn nhiên và ngang nhiên như chiếc giàn khoan HD981 xông vào lãnh hải người khác.
Cái lỗi của vua Quang Trung là dám đề cao La-Sơn Phu-Tử, mà ông cụ nầy thì không dính dáng gì đến CNXH.
Tôi lấy hai hệ thống văn hóa nầy mà đối chiếu, quả thật chẳng đâu vào đâu. Thế mà bạn Từ Huy đã hoài công thức đêm thức hôm tra cứu hàng đống tư liệu mà viết,  gợi nhiều ý, mà tôi thích nhất là đoạn nầy :
“…cho đến tận mãi về sau, khi Lê Chiêu Thống « rước voi về giày mả tổ », khiến cho cụ không còn có thể đặt lòng trung vào nhà Lê được nữa, đồng thời cụ cũng nể Nguyễn Huệ, người đã bộc lộ những phẩm chất không chỉ của một tài năng quân sự, một dũng tướng trăm trận trăm thắng, mà còn là của một người trọng tài, trọng kiến thức, độ lượng và giỏi bang giao”.
Tôi chờ đọc tiếp phần 2, như Từ Huy đã hứa : “..sẽ quay trở lại với thực trạng sử dụng năng lực trí tuệ của chúng ta hiện nay.”
Xin lổi Từ Huy, tôi chỉ muốn giới thiệu bài viết hay, lại bị lạc đề mà dông dài, nên xin nhận là ‘lời nói leo’ vậy ./. hadinhnguyen

Cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ                  (phần 1)

 TS Nguyễn Thị Từ Huy

Thu, 08/07/2014 - 16:57 — nguyenthituhuy
Một trong những cuốn sách tôi đọc trong những ngày đầu tiên tới Paris là cuốn La-Sơn Phu-Tử của Hoàng Xuân Hãn, viết về Nguyễn Thiếp – La-sơn Phu-tử, nhân vật lịch sử của vùng La-sơn xưa, tức là Can-lộc ngày nay.
Tôi đọc Hoàng Xuân Hãn và gặp lại tâm tình của ba tôi. Trong từng trang sách, tôi thấy lại nỗi niềm của ba tôi, và như nghe thấy giọng ông, mà tôi vẫn lưu giữ trong ký ức kể từ hồi niên thiếu, kể những câu chuyện về lịch sử và địa danh xứ Nghệ.
Đọc sách Hoàng Xuân Hãn, tôi nhìn thấy trước mắt mình, xếp chồng lên những tòa nhà trên các đường phố Paris, hình ảnh 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, tiếp nối nhau chạy dài về tương lai, và những khúc sông lúc hiện lúc ẩn, khuất sau những bãi bồi hay những xóm làng, có những nơi vẫn còn rất nghèo đói. « Nói tóm lại, triền sông Lam là một nơi rất nhiều thắng-cảnh. Đứng chỗ nào, chung quanh cũng trông thấy núi. Mà ở núi nào cũng đầy dấu-tích xưa : đền cũ, thành xưa, bãi chiến-trường, nơi ẩn-dật. Nhà La-sơn phu-tử ở về phương nam, bên cạnh núi Nhạc-sạn, phía tây-nam núi Hồng-lĩnh. » (La-sơn Phu-tử (LSPT), Hoàng Xuân Hãn, nxb Minh Tân, Paris 1952, tr.45. Từ đây trở về sau, những trích đoạn trong sách này sẽ được chú thích bằng số trang đặt trong ngoặc đơn. Chúng tôi cũng giữ nguyên cách viết chính tả có ngang nối của Hoàng Xuân Hãn).
Có những cuốn sách như vậy. Chúng không chỉ tường trình sự việc, mà sự việc là nơi hợp lưu giữa nỗi niềm của nhân vật và nỗi niềm của tác giả. Những cuốn sách như vậy có thể làm lay động và đánh thức cả cảm xúc lẫn suy tư ở độc giả. Những cuốn sách đó dù không có lời hô hào nào, nhưng tiếng gọi của chúng thâm sâu và da diết.
Đó là điều mà một cuốn sách có thể làm : kết nối các không gian, kết nối các thời đại (quá khứ - hiện tại và có thể cả tương lai), và kết nối nỗi niềm, tâm tình của những con người ở các không gian và các thời đại khác nhau ấy.
Khởi đi từ một tâm tình rất riêng tư, cuốn sách này đã khiến tôi phải suy nghĩ về những câu chuyện chung của chúng ta, cả trong quá khứ lẫn hiện nay. Trong bài này, tôi sẽ đề cập tới một vấn đề : cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ.
Quang Trung đã cầu hiền như thế nào…
Trong cuốn La-sơn Phu-tử, Hoàng Xuân Hãn thuật lại thái độ hết sức đặc biệt của Quang Trung đối với Nguyễn Thiếp, một nho sĩ đậu hương giải từ lúc còn rất trẻ, sau đó qua vòng thi Hội nhưng từ chối thi tiến sĩ, có ra làm quan nhưng rồi chọn cách hành xử xuất thế, từ quan vào núi ẩn dật. Tính chất đặc biệt thể hiện trong việc Nguyễn Huệ ba lần viết thư mời Nguyễn Thiếp ra làm việc và đều bị từ chối cả ba lần, nhưng vẫn tiếp tục hội kiến và trọng dụng La-sơn Phu-tử, bất chấp việc ông già ở ẩn đó về căn bản là không chịu hợp tác với Nguyễn Huệ, vì sự trung thành với nhà Lê, cho đến tận mãi về sau, khi Lê Chiêu Thống « rước voi về giày mả tổ », khiến cho cụ không còn có thể đặt lòng trung vào nhà Lê được nữa, đồng thời cụ cũng nể Nguyễn Huệ, người đã bộc lộ những phẩm chất không chỉ của một tài năng quân sự, một dũng tướng trăm trận trăm thắng, mà còn là của một người trọng tài, trọng kiến thức, độ lượng và giỏi bang giao.
Lần thứ nhất Nguyễn Huệ viết thư mời Nguyễn Thiếp là vào tháng 12 năm 1786, năm Cảnh Hưng thứ 47, lúc đó ông chưa lên ngôi vua, bức thư ký tên An-nam Đại-nguyên-súy. La-sơn Phu-tử trả lại thư cùng lễ vật. Hoàng Xuân Hãn bình luận : « cụ chối một cách đường-hoàng, lời-lẽ rất khôn khéo. […] ngôn-từ rất đứng-đắn, không tỏ ý gì sợ-hãi cả. […] Thực ra cụ chỉ một lòng trung với vua Lê, còn Huệ đối với cụ chỉ là một anh tù-trưởng ở chỗ biên thùy mà thôi. Nên cụ không những trả lễ vật mà lại còn trả cả thư mời nữa, để tỏ ý cùng Huệ rằng cụ hoàn-toàn không chịu giao-thiệp với Huệ ». (101)
Nguyễn Huệ chẳng những không tự ái, không trừng phạt, mà kiên trì tiếp tục mời Nguyễn Thiếp hợp tác. Một năm sau, vào tháng 10 năm 1787, lúc bấy giờ Nguyễn Huệ, với danh nghĩa Đại-nguyên-súy Tống-quốc Chính-bình-vương, viết bức thư thứ hai cho La-sơn Phu-tử. Lời lẽ hết sức trọng thị, và Nguyễn Huệ không mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình, mà ra giúp sinh-dân để thực hiện đạo-nghĩa. La-sơn Phu-tử trả lại y nguyên các lễ vật hậu hĩnh của Nguyễn Huệ và lấy lí do sức khỏe yếu để từ chối, nhưng hứa hẹn một khả năng : « Để ngày khác, đứng ngoài mà làm một người cố-vấn dự-bị » (104)
Hoàng Xuân Hãn nhận xét về thái độ và cách ứng xử của Nguyễn Huệ : « Huệ không bằng-lòng, nhưng lại càng thêm trọng cụ, và muốn mời cụ ra cho kỳ được. Cho nên mười một ngày sau khi cụ viết thư trên, nghĩa là lập-tức sau khi nhận được thư ấy ở Phú-xuân, Chính-bình-vương bảo viết thư cố nài cụ. Thư này dài hơn các thư trước. Vương lại sai quan Hình-bộ thượng-thư Thuyên-quang-hầu Hồ Công-Thuyên mang tới núi. Thế mới biết lòng khẩn khoản của Chính-bình-vương là thế nào. » (105).
Trong bức thư thứ ba này, Nguyễn Huệ có những lời thống thiết như sau : « Kẻ danh-thế thỉnh-thoảng ra đời. Quả-đức hằng nghĩ và mơ-tưởng đến. Trong mười lăm năm đến bây-giờ, chưa hề phút nào giám quên. Không ngờ nay, trông lên thành Lục-niên có người tài đương ở đó. Ấy là trời để dành Phu-tử cho quả-đức vậy. Tuy Phu-tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng, Phu-tử nỡ ngơ-lảng được sao ? Lòng cầu hiền, quả-đức há giám sinh bụng đầu siêng sau lảng đâu » (107). Trước những lời lẽ tha thiết đó, La-sơn Phu-tử tiếp tục từ chối một lần nữa, tiếc là không còn giữ được bức thư phúc đáp của ông.
Liên tục bị từ chối, Nguyễn Huệ chẳng những không giận mà một năm sau đó, tháng 3 năm 1788, trên đường hành quân ra Thăng Long, khi dừng chân tại Phù Thạch, đã viết thư mời La-sơn Phu-tử tới hội kiến. Trong cuộc gặp gỡ trực tiếp này, Nguyễn Thiếp đã có cơ hội để nói ra một cách thẳng thắn lý do không hợp tác với Nguyễn Huệ. Theo tường thuật của Hoàng Xuân Hãn, các sách lịch sử chép lại cuộc đối thoại giữa hai nhân vật này có khác nhau về lời lẽ, nhưng ý rất thống nhất : Khi Nguyễn Huệ hỏi lý do vì sao mời ba lần mà không nhận lời, Nguyễn Thiếp nói thẳng rằng nếu Nguyễn Huệ phù Lê thì là anh hùng, còn nếu giả nhân nghĩa để lấy tiếng thì là gian hùng. Bị mắng là gian hùng mà Nguyễn Huệ lấy làm sợ mà trọng đãi cụ hơn. Đồng thời lệnh cho La-sơn Phu-tử xem đất để lập kinh đô ở Phù Thạch, Nghệ An, nhưng cả lần này Nguyễn Thiếp cũng từ chối, ông lần lữa, trì hoãn không chịu xem. Vì thế, việc lập kinh đô ở Phù Thạch không thành.
Ngày 29 tháng 11 năm 1788, trên đường tiến quân ra Thăng Long diệt quân Thanh, Nguyễn Huệ có cuộc hội kiến thứ hai với Nguyễn Thiếp. Quang Trung hỏi ông kế đánh giặc, Nguyễn Thiếp hiến kế : « quân quý thần tốc ». Sách Lê quí Kỷ sự chép : « Ngày 29, Huệ đến Nghệ-an, nghỉ binh. Triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi phương-lược. Thiếp nói : « Người Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình-hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào. Vả nó có bụng khinh-địch. Nên đánh gấp đi thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì-hoãn một chút thì khó lòng mà được nó. » (130). Nguyễn Huệ hành quân thần tốc, ngày 20 tháng chạp đến Tam Điệp, ngày 30 tháng chạp Quang Trung hạ lệnh xuất quân, hẹn quân sĩ sẽ ăn tết ở Thăng Long ngày mồng 7, nhưng ngày mồng 5 quân Tây Sơn đã giành chiến thắng ở kinh thành, sớm hơn cả dự định. Về sau trong một bức thư gửi Nguyễn Thiếp, Quang Trung có viết : « Trẫm ba lần xa-giá Bắc-thành, Tiên-sinh chịu ra bàn chuyện thiên-hạ. Người xưa bảo rằng : « Một lời nói mà dấy nổi cơ-đồ ». Lời Tiên-sinh hẳn có thế thật ». (131) Theo nhận định của Hoàng Xuân Hãn, phương kế của Nguyễn Thiếp đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt của Nguyễn Huệ.
Về sau, nể tấm lòng trọng hiền tài của Nguyễn Huệ, La-sơn Phu-tử nhận lời làm viện trưởng viện Sùng chính, nhưng làm việc tại nơi cụ ở ẩn, tại núi Thiên Nhận (Nghệ An). Nhiệm vụ của Sùng chính viện là dịch sách Tàu sang tiếng ta, để phục vụ cho việc dạy học. Nguyễn Huệ lập Sùng chính viện có lẽ để thực hiện một trong nhũng lời khuyên của Nguyễn Thiếp dành cho ông, trong cương vị là vua một nước, liên quan đến việc học : tránh học từ chương (học từ chương là học để làm quan, cầu danh lợi, chỉ dẫn đến “Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá gia vong”), mà phải có chính-học, nghĩa là « học cho rộng rồi ước-lược cho gọn, theo điều học biết mà làm. Họa may nhân-tài mới có thể thành-tựu ; nhà nước nhờ đó mà vững yên » (Trích bản tấu của Nguyễn Thiếp gửi Quang Trung, ngày mười…(không rõ ngày mười mấy) tháng 8 năm 1791, LSPT, tr.146).
Và trong tờ chiếu của Quang Trung về việc lập Sùng chính viện, nhà vua viết: “Trẫm định đặt Sùng-chính thư-viện ở Vĩnh-kinh, tại núi Nam-hoa; ban cho ông làm chức Sùng-chính-viện viện-trưởng. Cho ông hiệu La-sơn Tiên-sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định theo phép học Chu-tử, khiến cho nhân-tài có thể thành-tựu, phong-tục trở lại tốt đẹp” (Trích tờ Chiếu của Quang Trung, ngày 20 tháng 8 năm 1791, LSPT, tr.148). Lời lẽ của Quang Trung ở đây có lặp lại đúng lời của Nguyễn Thiếp trong bản tấu. Ta thấy, Quang Trung ra chiếu lập Sùng chính viện chưa đến mười ngày sau khi Nguyễn Thiếp dâng tấu. Nguyễn Huệ làm gì cũng thần tốc. Về việc Quang Trung giao hẹn La-sơn Phu-tử trong vòng ba tháng phải dịch xong ba kinh “Thi, Thư, Dịch”, Hoàng Xuân Hãn bình luận: “Đó chắc vì Quang-trung muốn đọc gấp. Quang-trung lại bảo dịch gấp kinh “Thi” trước để mình xem. Thế tỏ rằng ông đại-tướng không chỉ thượng-võ, mà trong sự hiếu-học cũng như trong mọi việc khác, Quang-trung muốn chóng thành công” (153)
Sùng chính viện được mở cũng có thể xem như là một cách Nguyễn Huệ tiếp thu lời khuyên của Nguyễn Thiếp về vấn đề Quân đức (đức của vua). Trong bản tấu trên đây, Nguyễn Thiếp đưa ra ba lời khuyên trọng yếu trong đó thứ nhất là: “1) Một là bàn về quân-đức. Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc của vạn sự. [...] Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức”.(144) Như vậy La-sơn Phu-tử quan niệm rằng đạo đức chỉ có thể xây dựng trên cơ sở học vấn. Phải chăng đấy là lý do khiến Nguyễn Huệ cấp tốc cho xây dựng Sùng chính viện, cho dịch sách Tàu, và nôn nóng muốn đọc kinh thư, muốn xây dựng học vấn của bản thân và phổ biến học vấn cho con dân của mình?
Câu hỏi đặt ra là : Vì sao Nguyễn Huệ bị từ chối nhiều lần mà vẫn đặt lòng tin vào Nguyễn Thiếp, vẫn tin rằng ông ấy thực bụng giúp mình đánh quân Thanh và giúp mình lãnh đạo quốc gia? Nếu không tin đã không hỏi, mà có hỏi thì cũng sẽ không nghe theo.
Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ quay trở lại với thực trạng sử dụng năng lực trí tuệ của chúng ta hiện nay. Đôi khi thực tế đương đại lại có thể giúp chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề trong quá khứ.(Còn tiếp)
Paris, ngày 4/8/2014 Nguyễn Thị Từ Huy.

NGUYỄN THỊ TỪ HUY VÀ HẠ ĐÌNH NGUYÊN TIẾP TỤC BÀN VỀ CẦU HIỀN VÀ SỬ DỤNG NĂNG LỰC TRÍ TUỆ


 Lời nói leo - hạđìnhnguyên
Sài gòn 17-8-2014

Tôi tự hòi, trí thức trẻ (xin hiểu, không phải là già) của xứ ta ngày nay, như Từ Huy chẳng hạng, là ít hay nhiều ? Theo lẽ, hẳn không thể là ít, nhưng không thấy được là nhiều, hoặc vì hoàn cảnh giống như lời Nguyễn Trãi mà tiến sĩ Từ Huy nhắc lại :“bị khuất ở các hàng quan nhỏ”, đang “náu trong đồng nội”, hay trong “hàng binh lính” không được ai tiến cử ? Ít hay nhiều khó nói được, có lẽ vì thế nó đưa đến cái ray rứt của chủ đề “Cầu Hiền” nầy chăng?


Từ Huy đã đem báu vật của tiền nhân ra để phủi bụi và lau chùi, rồi so sánh với hiện tại, phỏng có ích lợi gì không, hay chỉ gây thêm hoang mang về một sự cách biệt ? Lấy đỉnh cao so với trủng thấp, lấy nồi đồng cọ với niu đất, lấy “cầu” Hiền so với “diệt” Hiền, để rồi than van về một nổi nghịch lý, trong khi cái chuẩn mực của thời đại đã hoàn toàn khác nhau !

Cái Thiện – Ác xoay vần mà tạo nên thế gian, chính Từ Huy đã chẳng phải vừa nhắc phớt qua, rồi bỏ lơ với chữ “ dù rằng” trong bài viết ?. Khi Lê Lợi còn trong 10 năm nằm gai nếm mật thì cầu Hiền với lời lẽ chân thành thống thiết, nhưng khi “lợi quyền ắt qua tay mình” thì ra tay hại chết Trần Nguyên Hãn, trảm Nguyễn Trãi.
Ai dám nói rằng Cách Mạng Vô sản là không biết, hay biết không tới nơi tới chốn về ý nghĩa “cầu Hiền”, qua những lời “kêu gọi” không kém âm vang chính nghĩa như “chiếu chỉ cầu Hiền” cảm động của tiền nhân?
Lê Lợi dấy binh là để cứu nước thoát vòng nô lệ, khi xong việc, cả nước non và thần dân ấy là “của Trẫm”, quân lính có nghĩa vụ thiêng liêng là bảo vệ “Trẫm’ và Triều đình. Về hệ thống quan lại,  cũng đáng “nghi” là có mua bằng tiền, nhiều ít không biết, vì không có bằng chứng. Tài là cái trừu tượng và phức tạp, nó phải biểu hiện bằng kết quả là tiền, nên tiền là thước đo chuẩn mực nhất. Đã có sự tiến cử bằng tiền vậy. Phải giữ cho yên dân, thuế thu cho đủ, tùy khả năng của địa phương mà bày trò hát, xiếc, casino cho dân vui tí đỉnh, để quên bớt nhọc nhằng.

Triều Lê cũng vẫn kéo dài nhiều đời.

Cần phải thông cảm hệ tư tưởng của thời đại gọi là Phong Kiến, đã trãi mấy nghìn năm, từ Âu sang Á. Nhân loại vẫn tồn tại, vẫn sống, và yêu đương trong chiều kích văn hóa thấp cao của nó.

Ở vào thời đại hôm nay, có gì khác ?

Chỉ tội, là tội cho Nguyễn Trãi, và hàng triệu Nguyễn Trãi khác vô danh, vô phận, vô ngôn…mà xác thân  thì bình đẳng và đau đớn  như nhau.
Tôi chỉ tiếc, là tiếc thơ của ông đã bị phủ định, theo cách phủ phàng, như cú đạp mặt, như cái bịt miệng, như sự khủng bố biến thành tai nạn giao thông.

Có cái khác, là bởi chính Từ Huy và những ai đó như Từ Huy.                 Lại moi ra, lại kéo về, lại dựng dậy cái “hiến pháp”- giận đến nổi không viết hoa ? – của 2013, dù nó mới rợi đây, nhưng chợt đã cũ mềm, vì không ai muốn nhắc đến. Nó không lâu về thời gian, nhưng lại quá xa về không gian tư tưởng. Nó ghi dấu  một tâm ấn (sankara) nặng nề cùng với ê kíp “người đương thời” tạo ra nó. Tôi nghĩ cái hiến pháp ấy là tái hiện của vài nghìn năm trước. Quả thật, hiến pháp là trò chơi từ ngữ của “dân chủ phương Tây” nên là vô nghĩa. Người ta cho nó là “cao nhất”, nhưng là đứng nhì. Lại do cái “nhất” rất linh hoạt quyền thế, nên nó cũng không phải là nhì, cuối cùng về bản chất nó không đứng đâu cả, thật là vô cùng xa xỉ. Cũng tương tự, quân đội là “trung thành với Đảng, Tổ quốc, và Nhân dân”. Nhưng khi vội vã xếp hàng sau một tiếng hô, nó thích đứng lộn chỗ, khi đứng trước, khi đứng sau, lúc đứng giữa, tùy thích, Chữ Đảng đứng chỗ nào cũng được. Tương tự trong trò chơi “sóc đĩa”, con “tào cáo” có 6 mặt, thế nào cũng có một mặt hướng lên trên, và mang một con số, có thể là số không, nhưng không sao cả, khi rung lên, con tào cáo vẫn luôn nằm trong đĩa. Loại Hiền nào cũng có sẳn, cần chi cầu.

Từ Huy cũng nhắc đến 16 chữ vàng, làm tôi thêm ấm ức. Xin lỗi, họ chỉ nói 16 chữ trơn = thập lục tự phương châm (không kèm theo từ nào nữa), được phe ta – ê-kip người đương thời - đem nạm vàng, thành một bức tranh tuyệt đẹp trải dài non nước, cũng là một bài ca êm ả vang vang suốt bốn mùa : “16 chữ vàng”. Vàng – như xoáy vào tim gan.

Ở Paris ngổng ngang phố xá chồng lên nhau, thì đây hãy đọc thêm một lần cho mướt lại tâm hồn, hay mang thêm niềm cay đắng: Sơn thủy tương liên- xanh ngát một màu. Lý tưởng tương thông- kết nối năng lượng. Văn hóa tương đồng-hoành tráng không gian tâm tưởng xưa nay. Sinh mệnh tương quan- cùng chung một cõi đi về. Thế mà 24 năm cất tiếng ve inh ã.

Chuyện Cầu Hiền của người xưa trở nên rất xa lạ. Cầu Tiền là phương châm thực tiển nhất . !

Bạn Từ Huy thân mến,
Dựa vào chỗ quen biết, tôi mạn phép thêm một lần nói leo. Bạn nói nghiêm túc với nổi trăn trở. Tôi lại đùa cợt nhưng không phải vì niềm vui. Dù sao cũng xin thứ lỗi.
Saigon 19-8-2014
Hạ đình nguyên.

 CẦU HIỀN VÀ SỬ DỤNG NĂNG LỤC TRÍ TUỆ- KỲ 2
 Sat, 08/16/2014 - 14:31
nguyenthituhuy  
Tôi nhắc lại câu này, đã viết ở đoạn cuối của phần trước về thái độ trọng tài của Nguyễn Huệ đối với Nguyễn Thiếp, để nối sang hai sự kiện có lẽ vẫn còn chưa mất tính thời sự: hiến pháp Việt Nam năm 2013, và giàn khoan Trung Quốc 981. Và từ hai sự kiện này để nói thêm một vài điều về thực tế sử dụng nguồn năng lực trí tuệ hiện nay; mặc dù hiện tượng chảy máu chất xám ở Việt Nam đã trở thành báo động, chẳng ai lạ gì, báo chí, các diễn đàn, các hội thảo, các nghiên cứu… đã nói mãi, nói từ lâu, mà chẳng thay đổi được gì.
Trước khi đề cập tới những chuyện này cần nhắc lại một ví dụ nữa về thái độ cầu hiền trong lịch sử Việt Nam. Đó là trường hợp của Nguyễn Trãi, một nhân vật chủ chốt trong công cuộc chống quân Minh, giành độc lập dân tộc. Trong “Chiếu cầu hiền tài” do Nguyễn Trãi soạn thay Lê Lợi, có một tư tưởng rất hiện đại, đó là khuyến khích những người có tài năng tự tiến cử. Nguyễn Trãi viết:

“Tuy nhiên, người tài ở đời vốn không ít, mà cầu tài không phải chỉ một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẩn ở hàng binh lính, nếu không tự mình đề đạt thì trẫm bởi đâu mà biết được ! Từ nay về sau, các bực quân tử, ai muốn đi chơi với ta đều cho tự tiến. Chiếu này ban ra, phàm các quan liêu đều phải hết chức vụ, tiến cử hiền tài. Còn như những kẻ sĩ quê lậu ở xóm làng, cũng đừng lấy điều « đem ngọc bán rao » làm xấu hổ, mà để trẫm phải than đời hiếm nhân tài.”

Bản thân Nguyễn Trãi cũng đã hành xử đúng như vậy. Khi Lê Lợi dấy binh, ông không đợi được mời, mà tự mình, cùng với Trần Nguyên Hãn, tìm đến Lam Sơn xin gia nhập nhóm khởi nghĩa, và ông cũng chủ động tự dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi, cùng Lê Lợi đánh thắng giặc Minh; dù rằng để rồi sau khi thắng lợi Trần Nguyên Hãn bị Lê Lợi hại chết và Nguyễn Trãi bị Lê Lợi bỏ tù, rồi về sau còn bị tru di tam tộc, bản án oan thảm khốc mà tất cả chúng ta đều biết.

Nguyễn Trãi kêu gọi những người có năng lực hành động theo ý thức trách nhiệm của mình, không cần phải câu nệ vào sự khiêm tốn.

Ngày nay năng lực trí tuệ đang được sử dụng như thế nào ?

Trở lại với câu chuyện hiến pháp 2013. Các trí thức đương thời được mời “góp ý kiến” cho dự thảo hiến pháp sửa đổi. Chủ trương đăng công khai trên các phương tiện truyền thông chính thống, ngoài ra các cuộc họp lấy ý kiến được tổ chức trên toàn quốc, và chủ trương đó được tương đối đông đảo trí thức đáp ứng.

Ngoài ra một số trí thức đã chủ động viết các bản góp ý, gửi trực tiếp đến Văn phòng Quốc hội. Họ không lựa chọn cách hành xử của Nguyễn Thiếp, mà chọn thái độ mà Nguyễn Trãi kêu gọi. Dĩ nhiên họ không tự tiến cử bản thân (Nguyễn Trãi khuyến khích người có năng lực tự tiến cử, nhưng bộ máy lãnh đạo hiện nay thì không, chẳng ai có thể tự tiến cử, chỉ có đảng mới có quyền lựa chọn và chỉ định). Họ chỉ đề xuất các ý tưởng, kèm theo các phân tích duy lý về việc vì sao họ có các đề nghị đó. Nhiều ý kiến được đưa ra trong đó tiêu biểu là kiến nghị 72 (bản kiến nghị này đã trở thành nổi tiếng, có thể dễ dàng tìm thấy trên google, nên không cần phải nhắc lại cụ thể ở đây).

Khác với Quang Trung, những người điều hành đất nước ngày nay hỏi mà không nghe, không thực hiện. Theo một số phân tích, bản hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 còn tệ hơn cả bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp được ban hành năm 2012.

Tại sao phải sửa đổi hiến pháp vào thời điểm đó? Và tại sao phải thông qua hiến pháp một cách vội vã như vậy? Hoặc đặt câu hỏi theo cách khác: động cơ sửa đổi hiến pháp là gì? Câu trả lời trên truyền thông chính thống là: “Sửa đổi Hiến pháp 1992 để tạo đà cho sự phát triển của đất nước”. Chúng ta đã thấy sau khi hiến pháp 2013 ban hành đất nước đã “phát triển” như thế nào(!)…

Trong thực tế, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng, điều 4 đã được bảo lưu, và hai điểm mới quan trọng nhất, không có trong hiến pháp 1992, được Quốc hội và ban soạn thảo bằng mọi giá đưa vào hiến pháp 2013 là hai điểm liên quan đến sở hữu toàn dân (điều 53), và quân đội (điều 65): đảng được đưa lên thành đối tượng phục vụ của quân đội, đối tượng mà quân đội phải thể hiện lòng trung thành (điều này hoàn toàn không tồn tại trong các bản hiến pháp trước đó)

Nếu theo dõi một số mốc thời gian, ta sẽ thấy:

Hiến pháp mới được thông qua ngày 28-11-2013.

Ít lâu sau, từ ngày 10 đến ngày 12-3-2014 đã diễn ra Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung tại hai thành phố giáp biên là Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây. Các báo chính thống đưa tin về sự kiện này đều khẳng định “tình hữu nghị thắm thiết” giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa quân đội hai nước, khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước trên cơ sở 16 chữ vàng và 4 tốt.

Và chỉ hơn một tháng sau khi trình diễn màn kịch cảm động đó của quân đội hai nước, vào ngày 3-5-2014, Trung Quốc đã chứng minh “tình hữu nghị thắm thiết” này bằng cách đưa giàn khoan 981 cắm vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Như nhiều người đã phân tích, một trong các ý nghĩa biểu tượng của giàn khoan 981 là ở chỗ Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền của mình ngay trên vùng lãnh hải của Việt Nam. Giàn khoan 981 đã được sử dụng như một lá cờ của Trung Quốc.

Hiến pháp 2013 có thể liên quan gì đến việc này?

Điều 65 của hiến pháp 2013 cho phép Quân đội Việt Nam đặt việc bảo vệ đảng thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mình. Xin nhắc lại, đây là điểm mới đưa vào so với các hiến pháp trước đó. Những người có chút suy nghĩ nhìn thấy ngay sự nguy hiểm của một quy định như vậy khi nó được thể hiện ở điều 70 của dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 (“Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”), nên đã vô cùng lo lắng và tha thiết, mạnh mẽ đề nghị hủy bỏ nó, trong đó có cả tướng quân đội là ông Nguyễn Trọng Vĩnh. Có những người đã chấp nhận thỏa hiệp với việc giữ điều 4 của hiến pháp để đòi bỏ bằng được điều luật ấy về quân đội. Tuy nhiên, tất cả những ý kiến, những lo lắng và tâm huyết của tướng lĩnh, trí thức và nhân dân đều không có giá trị đối với những người soạn thảo và thông qua hiến pháp. Điều 70 của dự thảo sửa đổi hiến pháp trở thành điều 65 của hiến pháp 2013, quy định quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng, với một chút nhượng bộ về câu chữ, xếp đảng sau tổ quốc và nhân dân, nhưng về bản chất không có gì thay đổi, vì đảng nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối.

Giả định rằng, đảng, trong tư cách là bộ phận lãnh đạo đất nước tuyệt đối và toàn diện (tư cách này được quy định ở điều 4 của hiến pháp), vẫn cương quyết con đường “hợp tác chiến lược toàn diện”, giữ “mười sáu chữ vàng, bốn tốt” với Trung Quốc, và đặt sự tồn vong của đảng lên trên sự tồn vong của quốc gia, thì quân đội dĩ nhiên phải bảo vệ quyết định ấy của đảng. Hiến pháp muốn rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng. Vậy, câu hỏi cần đặt ra là: “Ai là người thực sự muốn đưa một điều khoản như điều 65 vào trong hiến pháp? Ai là người được lợi nhất từ điều 65 này? Ai là người thực sự muốn nhanh chóng thông qua một hiến pháp như vậy?”. Theo logic thì câu trả lời là : đảng, dĩ nhiên ở Việt Nam chỉ có một đảng. Nhưng câu hỏi chưa dừng lại đó: ngoài đảng cộng sản Việt Nam ra, còn ai muốn áp đặt một điều khoản như thế vào hiến pháp Việt Nam?

Chỉ một thời gian ngắn sau khi hiến pháp 2013 được thông qua, Trung Quốc cho đặt giàn khoan 981. Trước một sự xâm lấn quá hiển nhiên như vậy, trước việc quốc thể bị làm nhục đến như vậy, rất nhiều nhóm người Việt Nam khác nhau đã đồng loạt có hành động phản ứng, bằng nhiều hình thức khác nhau. Và các trí thức Việt Nam một lần nữa chọn cách ứng xử của Nguyễn Trãi, tự nguyện đóng góp ý kiến cho lãnh đạo, tiêu biểu nhất là những người đề xuất kiến nghị kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, và những người đề xuất các biện pháp thoát Trung [mở ngoặc bình luận thêm: xét về mặt chữ nghĩa, so với “Bình Ngô sách” ngày xưa, thì “thoát Trung sách” (nếu có) ngày nay, ở một vị thế kém chủ động hơn nhiều, nó cho thấy, trong việc giải quyết mối tương quan với Trung Quốc, bản lĩnh và tài năng của trí thức chúng ta ngày nay kém hơn tiền nhân của chúng ta ngày xưa rất nhiều.]

Và một lần nữa, cũng như các góp ý cho hiến pháp, các nỗ lực đóng góp về trí tuệ trong vụ giàn khoan đã không được sử dụng. Trong khi thượng viện Mỹ ở đâu xa xôi bên bờ Đại Tây Dương ra nghị quyết về Biển Đông thì Quốc hội Việt Nam, Quốc hội của đất nước đang bị xâm lăng, không ra nổi một nghị quyết. Giàn khoan đã được rút đi, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dừng lại.

Nếu lãnh đạo không đủ hiểu biết, không đủ trách nhiệm và không đủ tự do để sử dụng những người có năng lực trí tuệ và các thành quả của trí tuệ thì tất yếu sẽ không giải quyết được các vấn đề của đất nước. Nếu cơ chế chính trị và cơ chế quản lý không cho phép những người có năng lực đứng vào vị trí của họ, đồng thời lại đặt những người không đủ năng lực vào vị trí không phải của họ, thì hậu quả tất yếu sẽ là sự suy thoái toàn diện của quốc gia. Việt Nam hiện nay đang ở vào tình trạng như vậy.

Nhìn các động thái gần đây của Trung Quốc thì có vẻ như họ cho rằng đã tới hồi cuối của tiến trình đưa Việt Nam và quỹ đạo của Trung Quốc. Cái quỹ đạo này thì không phải là suy đoán, mà có thể chứng minh được qua hàng loạt vụ việc: Hoàng Sa, Trường Sa, bô-xít Tây Nguyên, Vũng Áng Hà Tĩnh, thuê rừng đầu nguồn, các hợp đồng kinh tế, các hợp đồng xây dựng, sự phổ biến của hàng lậu và các sản phẩm văn hóa Trung Quốc… Và có cả hội nghị Thành Đô.

Có vẻ như Trung Quốc đánh giá rằng tình trạng Việt Nam đã chín muồi cho Trung Quốc tiến tới xác lập một cách công khai vị thế của họ đối với Việt Nam. Đấy chẳng phải là một trong những ý nghĩa của giàn khoan 981 mà nhiều người đã nói đến hay sao ? Sau giàn khoan 981 là gì, những người dân Việt Nam không (hoặc chưa) biết được. Cũng như người dân Việt Nam vẫn chưa biết được nội dung thỏa thuận của hội nghị Thành Đô và các hệ lụy cùng với thỏa thuận đó.

« Những người bình thường không biết rằng mọi việc đều có thể ». Tôi dẫn lại câu này của David Rousset mà Hannah Arendt dùng làm lời đề từ cho một chương trong cuốn « Hệ thống toàn trị » (Le système totalitaire).

Người dân bình thường chúng ta hàng ngày vẫn đọc câu khẩu hiệu chăng trên các đường phố: « Đảng cộng sản Việt Nam – người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam », nhiều người vẫn còn tin vào điều đó. Người dân bình thường không biết rằng Việt Nam liệu có bị biến thành một tiểu khu của Trung Quốc, như một số người đang lo lắng vì một thông tin trên tờ Hoàn cầu Thời báo mà chính phủ Việt Nam cho đến nay không hề cải chính. Chúng ta quả thật biết được quá ít về những quyết định liên quan đến đất nước, nghĩa là liên quan đến chính số phận của mỗi chúng ta.

Nhưng chúng ta biết rằng chất xám đang chảy máu ồ ạt, các nguồn lực trí tuệ bị lãng phí trầm trọng và bị hủy hoại không thương tiếc, các ý kiến tâm huyết bị vứt vào sọt rác. Và có chuyện đó là vì đảng, nhà nước, chính phủ không quý trọng năng lực trí tuệ, và không tin ở người dân của mình, luôn có xu hướng nhìn người dân thành ra kẻ thù, thành ra những kẻ phản động. Những người có suy nghĩ khác với đường lối của đảng thì ngay lập tức có thể bị quy thành phản động, và điều này được áp dụng đối với cả người trong đảng, chứ không riêng gì người ngoài đảng.

Nguyễn Huệ xưa kia, bất chấp Nguyễn Thiếp nhiều lần từ chối (không chỉ ba lần từ chối thư mời làm việc, mà còn những lần khác từ chối xem đất, từ chối bổng lộc…) vẫn tin rằng La sơn Phu tử sẽ giúp mình đánh ngoại xâm, và sẽ giúp mình quản lý tốt đất nước. Bởi cả hai người đó hiểu rằng cả hai đều hành động vì lợi ích của dân tộc. Nguyễn Thiếp có thể từ chối hợp tác với Nguyễn Huệ khi cho rằng sự hợp tác đó sẽ phục vụ cho lợi ích của Nguyễn Huệ, và làm phương hại đến nhà Lê. Nhưng khi nhà Lê đã bán nước cầu vinh, và hiểu rõ Nguyễn Huệ hành động vì đất nước, Nguyễn Thiếp đã hiến kế thật lòng, đã thật lòng viết các bản tấu đưa ra các lời khuyên cho bậc quân vương trong thuật trị nước. Còn Nguyễn Huệ tin Nguyễn Thiếp vì chính sự từ chối của bậc nho sĩ đã chứng tỏ nhân cách và tầm cỡ của ông, con người như thế không thể không hành động vì nước, vì dân.

Còn trong xã hội ngày nay, những người có nhân cách và có viễn kiến lại là mối đe dọa đối với hệ thống. Bởi hệ thống được vận hành và được duy trì dựa trên sự tha hóa của con người, dựa trên sự yếu kém, sự thiếu hiểu biết và sự sợ hãi của con người. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác. Ở đây chỉ nói ngắn gọn rằng: những ý kiến đóng góp nhằm làm lợi cho quốc dân, nhằm làm cho đất nước giàu mạnh lại trở thành nguy hiểm cho sự tồn tại của hệ thống, hay nói cách khác là nguy hiểm tới sự tồn tại của đảng cầm quyền, và ảnh hưởng tới lợi ích vật chất trước mắt của một số người và một số nhóm đang có quyền quyết định, ở mọi cấp độ xã hội, và mọi lĩnh vực xã hội. Đấy là lý do sâu xa khiến chất xám bị ruồng bỏ, trí tuệ bị kìm hãm, hậu quả là sức mạnh quốc gia bị hủy hoại.

Tuy nhiên, tình thế nguy ngập lúc này đặt những người lãnh đạo hiện nay trước những lựa chọn mang tính quyết định: hoặc là kiên trì giữ vững hệ thống để rồi lệ thuộc vào Trung Quốc, hoặc là phá vỡ hệ thống, tiến hành cải cách để giữ độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Lãnh đạo Việt Nam sẽ chọn điều gì?

Cuối cùng, phải chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề đã nói ở trên không chỉ có những người quản lý, chính phủ và đảng, dĩ nhiên đảng phải chịu trách nhiệm lớn nhất và cao nhất, vì đảng giành quyền lãnh đạo toàn diện và trực tiếp, và người của chính phủ cũng là người của đảng, người đứng ở vị trí quản lý các cấp cũng là người của đảng. Mà nhìn chung, trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người, về toàn bộ cộng đồng. Đây sẽ là chủ đề của bài tiếp theo.
Paris, 15/8/2014
Nguyễn Thị Từ Huy

Tố Hữu góp ý sửa Tiến quân ca

Đã gửi ngày 2014/08/19 .
Mời bạn đọc bình luận xem Tố Hữu sửa ca từ của Văn Cao có hay hơn không?
GNLT
 Sát Thát
Sát Thát và Văn Thao
 Nhân chuyện nói về ông Tố Hữu tôi xin góp một đôi lời.
 Vốn đầu năm nay tôi có lên thăm anh Văn Thao con trưởng cụ Văn Cao (tác giả Tiến quân ca). Anh Văn Thao trưởng nam cụ Văn Cao hiện đang ở một trang trại gần thành phố Hòa Bình. Anh ở đây với ý nguyện hoàn thành cuốn sách kể về cha mình. Cuốn sách đó anh có ý định đặt tên “Văn Cao đời và nghiệp”. Chữ “nghiệp” để nói con người cụ Văn Cao sinh ra để dấn thân vào sự nghiệp âm nhạc nhằm sinh ra cho đời những tác phẩm âm nhạc để đời cho các thế hệ người Việt hôm nay và con cháu mai sau. Nhưng cũng chính vì cái “nghiệp” ấy mà con người tài hoa như cụ có cuộc đời đầy sóng gió.
 Quay lại chuyện ông Lành, anh Văn Thao kể năm 1959 sau khi được Quốc hội nhất trí lấy bài “Tiến quân ca” làm quốc ca nước Việt Nam, để phù hợp với giai đoạn mới cụ Văn Cao được mời sửa lại phần lời bài Tiến quân ca. Lời ca bị ông Lành sửa lại bốn chữ.
 Cụ Văn Cao viết: “Núi sông Việt Nam ta vững bền”, bị ông Lành sửa thành: “Nước non Việt Nam ta vững bền”.
 Cụ Văn Cao viết: “Cùng chung sức KIẾN THIẾT xây đời mới” thì ông Lành sửa lại thành: “Cùng chung sức PHẤN ĐẤU xây đời mới”.
 Xin nói thêm từ “kiến thiết” rất hay được cụ Hồ sử dụng trong văn bản của mình. Còn từ “nước non” nếu mấy ngày hôm nay bạn nào xem phim “Sao tháng Tám” chắc thấy người ta dùng từ “nước non” theo kiểu mấy tay đi chơi gái về hỏi nhau. “Hôm nay mày gặp con bé ấy có nước non gì không?”
 Về ông Tố Hữu, anh Văn Thao có tiết lộ một thông tin cũ. Tố Hữu khi bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế vào cái thời “Từ ấy” đã cung khai nhiều thông tin bất lợi cho cách mạng nên Tố Hữu sau này phải dùng một người có tên “Mười” con trai ông chánh lao Thừa Phủ làm CA. A25 (bộ phận an ninh văn hóa). Tay Mười vì nắm trong tay bản cung của Tố Hữu nên dù có cha làm chánh lao Thừa Phủ nhưng con không vì thế bị ảnh hưởng lý lịch mà còn lên tới hàm đại tá CA. Việt Nam. Nghe đến đây mới ngã ngửa “Con cá chột nưa” chỉ là sự lừa đảo của một con người cơ hội, hai mặt, hèn hạ.
 ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét