Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Đối tượng chống Đảng

Phạm Thị Hoài - Người Việt và người Đức

Quê hương thứ hai của tôi khác hẳn quê hương thứ nhất. Khí hậu, thể chế chính trị, tổ chức xã hội, ngôn ngữ và văn hóa, đời sống hàng ngày, phong tục tập quán và tính cách con người, cây, nước, không khí và bầu trời… Cả chó, mèo, vịt, chim bồ câu và vi khuẩn cũng khác.

 Chỉ có dân số, diện tích [1] và vài chục năm trong lịch sử cận hiện đại là tương đối gần nhau. Tôi thuộc phe không tin rằng bộ gene sinh học góp phần quyết định số phận của một dân tộc [2], vậy mà nhiều khi phải phân vân: Người Việt và người Đức dường như được hai tạo hóa nhào nặn bằng hai chất liệu không thể khác nhau hơn.

Chẳng hạn: tạo hóa của người Việt cho họ năng khiếu hạnh phúc ở kích thước khiêm tốn. Tạo hóa của người Đức cho họ biệt tài than vãn ở tầm cao. Ta hãy lấy một ví dụ.

Phạm Thị Hoài
Trong báo cáo về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm ngoái của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đạt 31 điểm, dưới trung bình gần 20 điểm, xếp thứ 116/177; Đức đạt 78 điểm, trên trung bình gần 30 điểm, xếp thứ 12 [3].

Lẽ ra có thể nhìn sang Nhật (xếp thứ 18), Mỹ (xếp thứ 19), Pháp (xếp thứ 22) hay Ý (xếp thứ 69) để tự an ủi thì người Đức lại bất mãn khủng khiếp về vị trí chỉ đứng thứ 12 của mình. Và nguyên nhân khiến họ không lọt Top Ten những nước trong sạch nhất đã được chỉ ra rành rọt: cho đến nay Công ước Phòng chống Tham nhũng của Liên Hiệp Quốc mà Đức kí từ năm 2003 chưa được phê chuẩn. Lí do chính nằm ở thủ tục điều chỉnh Bộ Luật Hình sự để phù hợp với Công ước này, trong đó điểm kẹt lại nằm trớ trêu ở điều 108e về tội hối lộ dân biểu. Nhưng ở đất nước làm cái gì cũng phải lên lịch từ thế kỉ trước này, điều chỉnh Luật Hình sự cần không dưới 5 năm [4]. Vậy là người Đức có thêm 5 năm để than vãn. Cách đây không lâu Tổng thống của họ phải từ chức, xuất phát từ vụ vay tiền – vâng, vay chứ không phải cướp, vay trả dần, cộng cả lãi suất – của vợ một doanh nhân để mua nhà. Một vị từng là ứng cử viên cho chức Thủ tướng thì đi diễn thuyết cho các doanh nghiệp, với tổng thù lao lên đến gần một triệu Euro một năm [5]. Cả hai đều không chính thức phạm luật, song vẫn bốc mùi. Cứ thế này, dân Đức than thở,  họ sẽ thành một nước “cộng hòa chuối”.

Người Việt dĩ nhiên cũng than thở và hơn cả than thở, họ bức xúc. Họ phẫn nộ và cương quyết. Họ có một điều luật cho phép xử tử hình kẻ nào tham ô từ 500 triệu tiền Cụ Hồ – tức 25.000 dollar – trở lên. Ở Đức, hối lộ cộng tham ô cộng trốn thuế 44 triệu dollar nặng nhất cũng chỉ xứng đáng 8 năm 6 tháng tù, như trường hợp ông xếp ngân hàng Gribkowsky trong vụ bê bối mua bán bản quyền truyền hình giải đua xe F1. Song hành trình với tham nhũng của người Việt không phải là đường một chiều. Nó giống một bùng binh hơn. Ở đó mọi người cùng chen lấn, giành giật và chửi rủa để nhích lên từng centimet, cùng hành hạ nhau và mang ơn nhau, cùng thay phiên trong các vai nạn nhân, ân nhân và thủ phạm. Cảnh tượng dĩ nhiên là đáng ngao ngán, tốc độ thảm hại, diện mạo con người méo mó, chân dung môi trường tàn khốc, nhưng một lúc nào đó, với xe để ở cần số 1 và lí trí để ở cần số 0, tất cả cũng ra khỏi bùng binh, cùng tràn đầy sung sướng, trước khi dấn thân vào bùng binh kế tiếp.
*
Một ví dụ khác:

Ngày 5/8/2014, một chiếc xe bus chở 48 người bị mất thắng ở Lâm Đồng, đâm vào vách núi, khiến 3 người thiệt mạng. Song 45 người bị thương còn lại, từ chấn thương phần mềm đến chấn thương cột sống, từ gãy xương chân tay đến vỡ xương chậu, nhưng thoát chết, vẫn đầy lòng biết ơn số phận và cảm ơn người tài xế đã dũng cảm hi sinh, bằng cách thà lao xe vào vách đá để chết ít còn hơn lao xe xuống vực mà chết tuốt. Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia lập tức viết thư chia buồn với gia đình người tài xế và biểu dương hành động anh hùng của ông. Hàng trăm độc giả bày tỏ lòng xúc động, cảm phục, ngưỡng mộ, coi đó là tấm gương đạo đức cao cả và lương tâm nghề nghiệp sáng chói, nhiều người đề nghị nhà nước truy tặng ông huân chương dũng cảm và danh hiệu liệt sĩ, nhiều người lấy đó để tự hào rằng Việt Nam luôn sinh ra những anh hùng.

Mùa Đông 2010, tại Sölden, một chiếc xe bus trên đường chở khách đi trượt tuyết từ Áo về Đức cũng mất thắng, tài xế cũng tìm mọi cách tránh lao xe xuống vực, cuối cùng cũng chấp nhận đâm vào một cọc bê tông và rơi xuống một đường trượt băng, khiến một người chết và 36 người còn lại bị thương. Tài xế bị thương nặng. Ông được coi là một người dày dạn kinh nghiệm, đã đào tạo 150 tài xế xe bus và theo các nhân chứng, đã phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp khi sự việc xảy ra, nếu không có thể chẳng ai sống sót. Song thay vì được cảm ơn chứ chưa nói đến chuyện anh hùng, ông bị truy tố với tội danh sơ ý làm chết người và sơ ý gây thương tích cơ thể. Ngoài Viện Công tố, gia đình của người bị thiệt mạng và những người bị thương hôm đó đồng tham gia tố tụng. Ông bị tòa kết án. Lí do:  là tài xế, ông phải biết rằng chạy đường trơn, lại ở đồi núi, hệ thống phanh thường bị sử dụng quá giới hạn, cần cho xe nghỉ đầy đủ để phanh hạ nhiệt và hoạt động hiệu quả trở lại. Tai nạn lẽ ra có thể tránh được và ông phải chịu trách nhiệm vì đã để nó xảy ra.

Cùng một hành vi, người Việt coi là anh hùng cao cả, đáng tuyên dương; người Đức kết án. Người Việt biết ơn vì chết ít thay vì chết cả nút. Người Đức phẫn nộ, vì cái chết nào không đáng cũng là quá nhiều. Nếu không phải là con người lấy chính mình làm khuôn mẫu tạo ra Thượng đế mà ngược lại, thì Thượng đế của người Việt thật dễ tính, Thượng đế của người Đức khó khăn trăm bề.

Tôi thích ông khó tính hơn. Ngồi trên một chiếc xe bus ở Đức, tôi yên tâm rằng mình không trả tiền mua vé để được sống sót, chỉ vì bác tài xế dũng cảm sẽ hi sinh.

Phạm Thị Hoài
Theo pro&contra
------------------------
 [1] Việt Nam: 91 triệu người, 331.000 km2; Đức: 81 triệu, 357.000 km2
[2] Đề tài này gần đây lại bùng nổ, xung quanh cuốn A Troublesome Inheritance (Một di sản phiền hà) mới xuất bản của nhà báo Nicholas Wade.
[3] Khoảng cách này lặp lại ở một số chỉ số quan trọng khác. Thu nhập bình quân đầu người (theo Ngân hàng Thế giới): Việt Nam xếp hạng 130, Đức: 18. Chỉ số Dân chủ (Theo tạp chí The Economist): Việt Nam xếp hạng 143, Đức: 14. Tự do Báo chí (Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới): Việt Nam 172, Đức: 16.
[4] Để tham khảo: Người Tầu cần 46 tuần để hoàn thành sân bay Bạch Vân ở Quảng Châu cho 41 triệu lượt khách mỗi năm. Người Đức xây từ 8 năm qua chưa xong sân bay mới, mang tên Willy Brandt ở Berlin cho 27 triệu lượt khách.
[5] So với cựu Ngoại trưởng và ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, bà Hillary Clinton, thì mức thù lao đó còn quá khiêm tốn. Tháng 10/2013 bà diễn thuyết 45 phút tại Đại học Buffalo New York với giá 275.000 dollar, 90 phút tháng 3/2014 tại Đại học California Los Angeles (UCLA) với giá 300.000 dollar. Buổi diễn thuyết dự định vào tháng 10 năm nay của bà ở Đại học Nevada Las Vegas sẽ được trả 225.000 dollar. Theo Washington Post thì chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, thu 104,9 triệu dollar cho tổng cộng 542 bài diễn thuyết từ khi hết nhiệm kì 2001 đến 2013, trung bình mỗi bài xấp xỉ 200.000 dollar.

Trường ngoài công lập “chết” dần

Tuyển sinh khó khăn, nhiều trường THPT ngoài công lập tại TP HCM phải đóng cửa, không ít trường đang cầm cự nhưng đứng trước nguy cơ giải thể, bán trường
Thông tin từ hội nghị tổng kết năm học bậc trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức ngày 13-8 cho biết TP HCM có 20 trường ngoài công lập hiện chưa có tới 100 học sinh (HS) bậc THPT.
Chật vật tuyển sinh
Năm học 2013-2014, Trường THPT Dân lập Văn Lang (quận 5) chỉ có 88 HS, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (quận 11) không có HS nào, Trường Trung học Việt Mỹ Anh có 24 HS, Trường THPT Phan Huy Ích có 16 HS, THPT Đại Việt có 46 HS… Rất nhiều trường THPT ngoài công lập đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng như Trường THPT Hàm Nghi cũng chỉ có 79 HS, Trường THPT Đông Dương cải tạo từ khách sạn nhưng đến nay cũng chỉ có 92 HS.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, cho biết năm học 2014-2015, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 10 lớp 10 nhưng đến nay mới tuyển được 8 lớp.
Nhiều trường dù tổ chức tuyển sinh quanh năm và áp dụng nhiều hình thức để thu hút HS như giảm học phí; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ nhưng vẫn khó trong tuyển sinh. Chẳng hạn, Trường Tiểu học - THCS - THPT Chu Văn An (quận Bình Tân) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012 với kinh phí đầu tư không nhỏ, khuôn viên rộng 7.000 m2 nhưng đến nay chỉ có 300 HS theo học ở cả 3 cấp.
Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại quận Gò Vấp cho hay mục đích ban đầu khi mở trường là đầu tư vào bậc THPT nhưng tuyển sinh khó quá khiến trường phải chuyển hướng sang bậc mầm non, bậc học đang khan hiếm chỗ học. “Lấy cái nọ bù cái kia chứ nếu không thì rất khó cầm cự” - vị hiệu trưởng này nói.
Chưa có lối ra
Giảm học phí, tăng cường về các địa phương tuyển sinh là cách mà nhiều trường ngoài công lập đang làm nhưng bức tranh vẫn hết sức ảm đạm. Nhiều trường tư có thương hiệu tại TP HCM đã phải giảm yêu cầu đầu vào.
Theo hiệu trưởng các trường THPT ngoài công lập, năm học 2014-2015, các trường tư tiếp tục chới với khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lên đến 87% HS tốt nghiệp lớp 9. Với khoảng 12.000 HS không được vào trường công nhưng chia đều cho 86 trường ngoài công lập trên địa bàn TP thì số tuyển sinh được cũng rất ít. Theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), đó là chưa kể HS còn vào học các hệ giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề.
Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại quận Bình Tân kể lại câu chuyện buồn: Vì trót hợp đồng với giáo viên tiếng Anh người nước ngoài về trường giảng dạy nhưng do không tuyển sinh được, không có lớp dạy, hằng tháng vẫn phải trả lương cho giáo viên này nên không còn cách nào khác là mỗi buổi chiều, trường cử một giáo viên chở người thầy nước ngoài này đến trung tâm dạy thêm để… bù lỗ.
Nguy cơ phải bán trường
Đại diện nhiều trường THPT ngoài công lập cho biết không những tuyển sinh vất vả mà nhiều trường còn có nguy cơ giải thể, bán trường do quá khó khăn.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho thấy do hoạt động không hiệu quả nên nhiều trường THPT ngoài công lập phải ngừng hoạt động như Trường Tư thục Hiền Vương, Trường THCS - THPT Hoàng Diệu trong 2 năm chỉ tuyển sinh được 20 HS. Qua các đợt kiểm tra, sở tiếp tục đình chỉ tuyển sinh, rút giấy phép đối với 2 trường là Dân lập Phương Nam (quận Thủ Đức)và THCS - THPT Khai Trí (quận 5).
Đặng Trinh
(Người Lao Động )

Từ 2015: Công chức, viên chức cũng phải đi nghĩa vụ quân sự

Đó là ý kiến được Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ra trong phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14- 8) về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi.

Công chức, viên chức cũng phải đi NVQS

Theo ông Thanh, quy định hiện nay chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên. Những người đang làm công chức, viên chức còn lại không được miễn.

Tuy nhiên, thực tế theo ông Thanh, đi nghĩa vụ quân sự có tới 90% là con em nông dân, còn các cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong đội ngũ chính trị, xã hội gần như không tuyển. “Tới đây chúng ta sẽ phải xem lại vấn đề này để đảm bảo sự công bằng. Và từ năm 2015 trở đi chúng ta sẽ tập trung gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự” – ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình là quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ đã được giải trình như trên. Vì thế, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những trường hợp không thuộc đối tượng trên sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ sẽ được các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận lại để tiếp tục học tập.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự: “Ngày trước thỉnh thoảng tôi còn thấy gọi công chức, viên chức đi nghĩa vụ quân sự, nhưng bây giờ thì lại không thấy còn nữa. Như thế là không bình đẳng. Ngay những người làm trong Văn phòng Quốc hội nếu đang ở độ tuổi cũng phải đi nghĩa vụ quân sự ” – bà Ngân nêu ý kiến.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, không nên miễn, chỉ miễn khi không đủ sức khỏe. “Công an cũng phải làm nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ quân sự xong rồi về làm công an. Các đồng chí mà nói đến câu chuyện miễn, miễn nghĩa vụ quân sự là không được” – ông Hùng nhấn mạnh.

Không thay thế nghĩa vụ quân sự

Việc có quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) để bảo đảm công bằng đối với công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là nội dung cũng gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên Chính phủ cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng về nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Do đó, Chính phủ đề nghị không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và nhiều đại biểu khác đề nghị cần có nhiều hình thức để công dân được thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ không nhất thiết cứ phải vào quân đội.
  Thành Văn
( Pháp Luật )

Đối tượng chống Đảng

Đầu năm, chú Trần Thanh Dung cùng tổ dân phố khuyên tôi:
– Những điều cháu viết là đúng sự thật nhưng họ ghép cháu vào thành phần chống đảng,nhà nước, thôi cháu nên lựa viết thế nào không đi tù thì khổ…
Chú là đại tá quân đội, cán bộ tiền khởi nghĩa đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn thông thái, hàng ngày đọc thông tin trên báo Quân đội, Nhân dân và cả báo “lề trái” trên mạng internet, chú cô sống với bà con lối ngõ rất tình cảm, đàng hoàng nên ai cũng quý trọng.
1

Dạo đó tôi không tin mình được xếp vào danh sách “chống đảng” như chú nói do trước đó vợ, con tôi đã nhờ chú khuyên bảo để tôi không viết lách gì trái ý “cấp trên” sợ tôi phải đi tù nên chắc chú tự nói vậy thôi.
Thế nhưng, cách đây ít lâu hai phóng viên tạp chí HKVN – nơi tôi công tác trước kia-hớt hả đến báo tin: “Anh bị xếp vào danh sách chống đảng rồi.Thôi, tạm nghỉ đi không nguy hiểm lắm đấy. Hôm nay cô L kế toán nói ông X (chồng cô L là tổ trưởng tổ dân phố hay bí thư gì đó ở một tổ dân phố trong quận) đi họp về nói anh bị là thành phần chống đảng rồi, an ninh thông báo để theo dõi…”.
Thảo nào, những ngày gần đây đã mấy lần công an phường đến nhà tôi “thăm sức khỏe”. Trước hôm thằng bộ trưởng ngoại giao TQ Dương Khiết Trì sang HN cậu công an địa bàn vào chơi hỏi lý lịch rồi lan man có vẻ thăm dò xem ngày mai tôi có đi biểu tình không. Cỡ tuần sau cậu ta lại đến hỏi lại các thông tin về lai lịch, quê quán…Đặc biệt nhấn mạnh đến hai đứa con tôi làm gì, ở đâu…( Dù họ có hồ sơ đầy đủ từ lâu) như muốn gửi một thông điệp “ Ông có về quê thì vẫn không thoát và các con của ông cũng liệu hồn đấy!”. Trước đó, nhiều người kể cả bạn bè cũng khuyên bảo tôi, đại khái có ba loại nội dung:
– Cả đời vất vả, bây giờ về hưu rồi, được lúc an nhàn nên tận hưởng, xía vào chuyện chính trị làm gì cho đau đầu…
– Ông chống tham nhũng làm gì, chỉ tổ đảng CS kéo dài sự sống, hãy để nó tha hồ lộng hành tham nhũng thì sẽ chóng mục nát và sụp đổ để dân nhờ.
– Nay đảng nắm toàn bộ quân đội, công an, nhà tù…các ông không làm gì được họ, ngược lại sẽ bị tù đày, ám sát, gia đình tan nát khuynh gia bại sản…
Tôi công nhận những lời khuyên của họ đều là chân thành nhưng có lẽ không thể đồng ý với họ khoản nào.
Đúng, sau 7 năm tôi chôn vùi tuổi thanh xuân ở chiến trường ác liệt rồi về làm báo, học đại học ra trường công tác trong thời bao cấp vô cùng gian khó…nay cuộc sống không đến nỗi nào nhưng tôi không thể an lòng khi đất đai, biển đảo nước tôi cứ bị TQ lấn dần, chúng thâu tóm, khống chế nền kinh tế, tuồn tiền giả, áp dụng mọi biện pháp phá hoại kinh tế, dùng hóa chất tẩm vào mọi thứ đầu độc nòi giống dân tộc tôi. Vừa rồi lại thấy báo TQ đăng tại Thành Đô năm 1990 lãnh đạo VN đã tình nguyện làm khu tự trị của TQ mà không thấy nhà cầm quyền phản ứng gì(?)..Tôi không thể ăn ngon, ngủ yên khi bộ máy cầm quyền tham nhũng “nhìn đâu cúng thấy, sờ đâu cũng có…Họ ăn của dân không từ cái gì…”, tham nhũng kiểu “giết mạng người chỉ lấy chiếc mũ lá” không còn tính người, bọn đại gia lưu manh câu kết với bộ máy quyền hành cướp đoạt đất đai, rừng, khoáng sản…làm giàu bất chính sống phè phưỡn trên sự đau khổ của nhân dân tôi…Chỉ có loại người ích kỷ, vô tích sự với dân, với nước mới có thể làm ngơ trước tình cảnh đó, như chính Các Mác cũng nói: “ Chỉ có những con vật mới không nhìn thấy nỗi đau của đồng loại mà quay lưng liếm láp bộ lông của mình..”..
Tôi cũng không thể yên tâm để đảng CS “sa đà thối nát chóng đi đến sụp đổ” để dân ta cũng phải trả giá trong thời gian dài, đặc biệt, để vụ mua bán(nếu có) giang sơn của tổ tiên trở thành sự đã rồi.
Riêng lời khuyên thứ 3 là rất “thiết thực”. Đúng, ai nói trái ý nhà cầm quyền đều được liệt vào phẩn tử phản động, chống đảng, bị theo dõi, khủng bố, ám sát, bắt tù, gia đình con cái bị quấy nhiễu, ám hại…khuynh gia, bại sản…Đó là lý do duy nhất để khoảng 80% người dân VN bên ngoài thì phải cúi đầu trước cường quyền, nhưng trong lòng họ phẫn nộ âm ỷ. Nhà cầm quyền hãy cử người cải trang về các thôn xóm, phường xã, các đám ma chay, cưới hỏi, tiệc tùng, quán sá…gợi đến đảng, chính quyền từ TƯ đến địa phương xem họ nói gì, họ gọi các vị lãnh đạo từ phường, xã đến trung ương là ông, bà…hay ngược?
Nên nhớ sự sợ hãi của con người là có giới hạn.
Riêng tôi(và nhiều người nữa) không thể vì gông cùm, nhà tù, “khuynh gia, bại sản…” mà lại làm ngơ trước cảnh giang sơn mất dần, dân tộc tôi (và cả lãnh đạo đảng CS) bị sỉ nhục để đến lúc sự phẫn nộ của nhân dân trở thành hành động không thể kiếm soát, đất nước tan hoang đắm chìm trong máu và nước mắt rồi làm nô lệ cho ngoại bang…
Chính vì vậy, tôi đã viết bài phản đối vụ cướp đầm của anh em nhà Vươn khi bọn vô lại biết khu đất sắp thành sân bay sẽ được bồi thường số tiền lớn; viết bài phản đối, phanh phui tội ác các đại gia câu kết bộ máy quyền hành cướp nguồn sống duy nhất của dân Văn Giang để làm giàu trên sự đau khổ của người dân…;Tôi vạch trần việc dối trá đưa sân bay Tân Sơn Nhất về Long Thành để hợp lý hóa vụ tham nhũng đất đai khổng lồ ở sân bay Tân Sơn Nhất; phản đối chế độ độc tài vô pháp luật, phản đối nhà cầm quyền bỏ mất dần đất đai hương hỏa tổ tiên, đàn áp những người yêu nước, thương nòi…Tôi không chống đảng, nhà nước chung mà phê phán những cái sai của nhà cầm quyền.
Các cụ ta nói: “Nhân vô thập toàn”, với một đảng độc tài tồn tại gần trăm năm qua không có ai tranh giành, kiểm soát, lãnh đạo không được ai bàu ra…việc nó ngạo mạn, liên tục tích lũy sai lầm, tham nhũng, tội ác thậm chí bán nước (nếu có)…cũng là hợp quy luật và những người có lương tri phải mổ xẻ, phê phán cái sai của nó, làm cho nó thay đổi để dân được làm chủ, đất nước được hùng cường toàn vẹn giang sơn.
Nếu tôi chống độc tài, tham nhũng, lộng hành, đặc quyền, đặc lợi, chống kẻ xâm lược nước tôi…là chống đảng, nhà nước thì chứng tỏ đảng, nhà nước ấy dung dưỡng bảo vệ những thứ đó và làm tay sai cho ngoại bang.
Nếu có tội với một nhà cầm quyền như vậy thì việc gì phải bận tâm?
Nguyễn Đình Ấm
(Blog Bà Đầm Xòe)

Alan Phan - Kinh Doanh Bằng OPM

opm

14 Aug 2014

(Vấn đề của chủ nghĩa xã hội là trước sau gì chúng ta cũng xài hết tiền của người khác – The problem with socialism is that you eventually run out of other people’s money (OPM) – Margaret Thatcher)

Trong một hội thảo tuần rồi, một câu nói “ngây thơ” của tôi lại gây nhiều tranh cãi trong những doanh nhân hiện diện. Đó là việc chúng ta nên …”kinh doanh bằng OPM (other people’s money – tiền người khác) càng nhiều càng tốt”.

Nó có vẻ mâu thuẫn với những tệ trạng OPM mà tôi thường phê phán và một bình luận tóm tắt đề tài này thật đơn giản ,” ở Việt Nam này, chuyện sử dụng OPM là chuyện phổ thông, các doanh nhân đều là sư phụ trong lĩnh vực này, bác khỏi tốn công rao giảng…”

Vậy cho tôi nói rõ hơn về OPM.

Ăn cắp và hiếp dâm

OPM chỉ là một phương tiện, như tư bản, như nhân lực, như tài sản, như lợi thế cạnh tranh. Không có OPM tốt hay xấu, chỉ có cách lấy và sử dụng mới là tốt hay xấu.

Dù sống tại một xứ Mỹ tự do và dân chủ, tôi thường chỉ trích gay gắt những thủ thuật lấy tiền thuế của người dân (OPM) để đi làm những chính sách mà người dân không bỏ phiếu để chấp thuận. Tôi cho rằng những khoản tiền chánh phủ vay mượn hay những QE do Fed phát hành đều là những vi phạm hiến pháp quốc gia. Kể cả những ngân sách hay chi tiêu do quốc hội thông qua bằng những trao đổi ngầm sau hậu trường. Một chánh quyền thực sự dân chủ phải minh bạch hóa mọi chi tiêu và ngân sách (từ liên bang đến xã quận) và phải được đa số cử tri chấp thuận qua một trưng cầu dân ý (không phải số phiếu từ quốc hội).

Khi người dân không biết hay không được hỏi ý kiến, tôi cho đây là một hành vi ăn cắp hay biển thủ.

Còn ở một chế độ độc tài nơi ngân sách và thu nhập chi tiêu đôi khi được coi là “bí mật quốc gia” hay được thông báo trên căn bản dối trá, các nhà phân tích độc lập không thể kiểm chứng…thì hành vi phạm pháp này này ngang hàng với trấn lột hay hiếp dâm.

Cùng xếp hạng vào hành vi trên là việc lấy tiền OPM của người dân đi đầu tư vào những công ty do mình kiểm soát. Tiền kiếm được cho vào túi riêng của phe nhóm, tiền lỗ lã để ngân sách hứng chịu. Đây là thủ đoạn lưu manh lớn nhất trong việc rút ruột tài sản quốc gia.

Lường gạt và bịp bợm

Với những doanh nghiệp tư nhân, sự sử dụng OPM phi pháp bao gồm việc dấu diếm hay chỉnh sửa báo cáo hoạt động hay tài chánh, hoán chuyển mục đích đầu tư mà không có thỏa thuận của người chủ OPM, lấy tiền OPM để làm chuyện riêng của cá nhân gia đình mình, ngay cả dùng những ngáo ộp quyền lực hay hứa hẹn tầm phào …để thu tiền OPM.

Một thị trường nghiêm minh pháp trị như Mỹ cũng đầy dẫy những siêu lừa như Bernie Madoff, Allen Stanford, Jordan Belfort (nên coi cuốn phim hay sách The Wolf of Wall Street),…thì các thị trường tư bản sơ khai, dựa trên quan hệ và pháp luật rừng rú, như Trung Quốc hay Việt Nam chắc chắn phải là nơi tụ tập nhiều “sư phụ” về OPM.

Minh bạch và trung thực

Trong khi đó, những doanh nhân thực sự tài năng, bản lĩnh và muốn “đội núi vá trời” thì lại cần tất cả đòn bẫy mà họ có thể lợi dụng. Đòn bẫy quan trọng nhất là TIỀN. Của OPM.

Tất cả những thành công ngoạn mục gần đây đều phát xuất từ những doanh nhân khởi nghiệp từ garage. Bill Gates, Mark Zuckerburg, Larry Ellison, Larry Page…và nếu không có OPM thì họ đã chẳng làm nên cơm cháo gì.

Với minh bạch và trung thực, OPM là một win-win cho người bỏ tiền và người kinh doanh. Cả hai bên cùng lợi khi mục tiêu của OPM thành tựu. Đó là việc tăng giá trị của sản phẩm, công nghệ, đội ngũ, thị trường…để cuối cùng, tăng giá trị của công ty. Miễn là khi lấy tiền OPM, người nhận tiền có đạo đức tối thiểu để báo cáo đầy đủ và kịp thời mọi hoạt động kinh doanh để người bỏ tiền có cái nhìn trung thực về tiến bộ hay lùi bước của quy trình gia tăng giá trị.

Đó cũng là lý do chính Sở Chứng Khoán Mỹ (SEC) không đặt ra bất cứ điều kiện gì để doanh nghiệp trở thành công ty niêm yết ngoài việc nộp một cáo bạch (prospectus) (và sau đó mỗi quý, mỗi năm) nói rõ về tình hình kinh doanh, sản phẩm công nghệ, ban quản trị, cơ sở, thị trường, báo cáo tài chánh, lịch sử…và quan trọng nhất là tất cả các yếu tố rủi ro trong hoạt động. Nếu ai có tiền, đánh giá công ty phù hợp với nhu cầu thu lãi qua đầu tư của mình, thì mua hay bán cổ phiếu hoặc trái phiếu. Chính phủ qua SEC chỉ truy tố những sai phạm như nói dối, nói không hết 100% sự thật, lạm dụng OPM cho cá nhân…Chuyện công ty lỗ lời là chuyện giữa người bỏ và nhận tiền.

Nhu cầu của OPM

Thú thực, ngoài những thời gian còn trẻ, lạc quan, tham lam và thích khoe, tôi đã trầm tĩnh mà nhận ra rằng những ý tưởng lớn luôn cần những dòng tiền lớn. Và tôi cũng đủ khôn ngoan để tránh xa những món nợ mà tôi nghĩ tỷ lệ rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Ngoài ra, tôi nhận thấy khi kinh doanh với OPM, tôi rất bảo thủ, không dám vung tay như tiền của mình. Mọi quyết định đều được cân nhắc, chia sẻ qua sự đóng góp của các đồng nghiệp và tư vấn.

Khoảng 20 năm vừa qua, hai chuyện tôi không làm trong những dự án đầu tư: bỏ tiền túi của mình và vay nợ ngân hàng. Tôi nhận ra rằng dòng tiền đầu tư trên thế giới đang tràn ngập mọi kênh, mọi thị trường, mọi phương cách. Tiền túi của tôi không nghĩa lý gì. Nếu dự án tôi trình bày không đủ sức hấp dẫn một số rất tiền rất nhỏ so với lưu lượng đang dịch chuyển ngoài kia, thì đó là một dự án tôi không nên theo đuổi. Còn vay nợ? Trừ khi công ty có một dòng cash flow bền vững, tôi sẽ nói KHÔNG với mọi mời chào. Lý do là những tình huống bất ngờ luôn chầu chực và chỉ một thay đổi nhỏ trên thị trường hay công nghệ hay quản lý, doanh nghiệp có thể bị tụt hậu và suy sụp.

OPM là một đòn bẫy vô cùng quan trọng cho mọi doanh nhân. Sử dụng OPM trong cẩn trọng, minh bạch và trung thực sẽ tạo vũ khí “uy tín” để hổ trợ và kéo dài sự nghiệp của bạn. Không uy tín trong làm ăn là chụp giựt, nhất thời và khôn vặt.

Hãy trở thành một doanh nhân “đúng nghĩa” với OPM.
( Blog Alan Phan )

Trung Quốc và hệ thống ngân hàng ngầm

 Trung Quốc và rủi ro từ hệ thống ngân hàng ngầm
underground bank
Trong khi Giấc Mộng Trung Hoa là lý tưởng và bình lặng thì Thực Tế Trung Hoa có nhiều khả năng sẽ trở thành ác mộng. Mới gần đây, Trung Quốc đã phải chịu bẽ mặt với lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu công ty, kéo theo đó là sự vỡ nợ của trái phiếu “rác” hay trái phiếu có lợi tức cao. Trong các tháng tới đây, một số lượng lớn các sản phẩm tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc sẽ tới kì hạn thanh toán – trong đó một lượng không nhỏ sẽ không có khả năng trả đủ lãi suất chứ chưa nói đến tiền gốc ban đầu.

Những số liệu gần đây cho thấy giá nguyên liệu công nghiệp đang giảm, báo hiệu sự gia tăng của dư thừa công suất và sản phẩm. Điều này có thể dẫn tới tụt giảm doanh thu cho những ngành công nghiệp có tỉ lệ vay vốn cao, và về dài hạn là suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.

Tất cả những yếu tố trên là điềm báo không hay cho sự ổn định của nền tài chính Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của thành phần “tín dụng đen” hay là các “ngân hàng ngầm” đang giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước này. Thành phần “ngân hàng ngầm” này có khả năng đưa Trung Quốc đến một cuộc khủng hoàng tài chính quy mô lớn đầu tiên nếu chính phủ và ngành tài chính không cùng nhau hợp tác để tìm ra giải pháp.

“Ngân hàng trong bóng tối” hay “ngân hàng ngầm” được nói đến là các tổ chức tín dụng không trực thuộc hệ thống ngân hàng truyền thống, nhưng giao dịch mọi hoạt động tài chính từ tài khoản bảo đảm ở các ngân hàng đến thị trường trái phiếu và cả dịch vụ cầm đồ. Sự hoạt động của hệ thống ngân hàng ngầm này bùng nổ ở Trung Quốc trong nhưng năm gần đây.

Sức cầu tăng đối với vốn và các sản phẩm tín dụng với lãi suất cao cùng với việc thắt chặt quản lý vốn và điều tiết ngân hàng, và sự phân bổ vốn không hiệu quả của ngân hàng trong nước đã thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các hình thức tín dụng tư nhân – hay còn gọi là “ngân hàng ngầm”.

Những sự sáng tạo này đã giúp cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Trung Quốc có những cơ hội đầu tư mới ngoài bất động sản và gửi ngân hàng với lãi suất thấp. Hệ thống ngân hàng ngầm đã cung cấp cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ kẹt tiền, cần nhiều vốn nhưng bị từ chối bởi các ngân hàng thông thường.Thêm vào đó, hệ thống này đã hoạt động hỗ trợ cho thị trường vốn bị kìm hãm của Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó, làm tăng sự dịch chuyển của nguồn vốn đầu tư quốc tế.

Mặc dù những đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc là đáng khen ngợi, nó cũng đồng thời dẫn tới những phát triển đáng lo ngại trong nền kinh tế. Trong những năm gần đây, do những ngân hàng truyền thống từ chối cho vay, những gói đầu tư có nguy cơ cao đã phải phụ thuộc nhiều vào sự cung ứng vốn từ các ngân hàng ngầm để có thể tồn tại.

Những ngân hàng ngầm này huy động vốn cho những dự án trên bằng các sản phẩm tín dụng lãi suất cao, ví dụ như các gói được bán bởi các công ty tín thác và các quỹ quản lý vốn. Thông thường, độ rủi ro của những sản phẩm đầu tư này là không rõ ràng hay thậm chí bị cố tình làm nhập nhằng bởi chính những ngân hàng ngầm bán ra chúng. Ở thời điểm hiện tại, sự rủi ro của hệ thống này cuối cùng đã lộ diện. Khi tính lợi nhuận đáng ngờ của nhiều dự án trên dần trở nên rõ ràng thì cũng là lúc mà nhiều người lên tiếng về nguy cơ ngành ngân hàng ngầm của Trung Quốc đang đi tới đổ vỡ.

Chính phủ Trung Quốc và các quan chức trong ngành ngân hàng, cũng như một số nhà phân tích tài chính nước ngoài đã khẳng định vấn đề của các ngân hàng ngoài lề này là có thể quản lý được. Những lý do được đưa ra bao gồm: quy mô của hệ thống này là nhỏ so các nước khác, một số tỷ lệ so sánh nợ vẫn trong vùng an toàn, và tình trạng các cổ phiếu thế chấp được cho là khá tốt. Tuy nhiên, chỉ cần một cú sốc bất ngờ về giá tài sản có thể dễ dàng làm các lập luận này trở nên không phù hợp.

Một trong những lo ngại lớn nhất là tốc độ phát triển đáng kinh ngạc ở trong thành phần ngân hàng ngầm vài năm trở lại đây (tỷ lệ của nó so với GDP đã tăng đến 70 phần trăm trong vòng 5 năm), làm giảm tổng tỉ số lợi nhuận trên nợ (mất $4 nợ để tạo ra $1 trong tăng trưởng GDP), và những dự đoán rằng nhiều sản phẩm tín dụng và trái phiếu công ty sẽ không được thanh toán đúng hạn.

Tất cả những vấn đề trên đã đưa đến những suy xét rằng Trung Quốc đang tiến dần đến “thời điểm Minsky”.[1] Nói một cách khác, lượng bong bóng đầu cơ tài chính và sự huy động vốn theo mô hình Ponzi ở trong nền kinh tế đang tiến đến những mức độ không ổn định.

Những sản phẩm của hệ thống ngân hàng ngầm đang sắp đến kỳ hạn thanh toán sẽ cần đầu tư lại hoặc cứu trợ từ phía chính phủ hay ngành ngân hàng truyền thống. Nếu thiếu những biện pháp trên, những gói đầu tư này sẽ vỡ nợ, theo đó làm lung lay tâm lý của các nhà đầu tư trong toàn hệ thống ngân hàng ngầm. Tiếp đến là sự dịch chuyển vốn từ hệ thống ngân hàng ngầm trở về với hình thức ký gửi an toàn ở các ngân hàng truyền thống.

Sự thu hẹp lại của ngành ngân hàng ngầm sẽ dễ dẫn tới khủng hoàng tín dụng, do đó tạo ra áp lực nặng nề hơn cho các dự án đầu tư khác phụ thuộc vào nguồn đầu tư từ các ngân hàng ngầm này, kết cục là nhiều sự vỡ nợ hơn.

Kết quả sẽ đặc biệt gây tổn hại đến ngành bất động sản và khai khoáng, cũng như là đến các khoản đầu tư của chính quyền địa phương nơi nhận khoảng 43% số vốn từ các ngân hàng ngầm. Cùng với đó, mặc dù tỉ hội nhập của thị trường tài chính Trung Quốc vào các thị trường tài chính nước ngoài còn thấp, nền kinh tế quốc tế cũng vẫn có thể bị ảnh hưởng. Sự giảm năng suất trong nước của Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến tụt giảm nhu cầu nhập khẩu từ các nước có tài nguyên dồi dào. Thêm vào đó, thế giới có thể sẽ phải chịu sụt giảm tăng trưởng GDP toàn cầu, cũng như sự giảm hiệu quả hoạt động của thị trường cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài.

Kể cả khi các biện pháp phòng tránh được thực hiện, không có gì có thể bảo đảm làm giảm được tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư đối với hệ thống ngân hàngngầm, kéo theo đó là sự dịch chuyển vốn. Thêm nữa, bất cứ một kế hoạch giải cứu nào cũng sẽ dẫn tới mộtsự hỗ trợ mang tính hệ thống cho cả những doanh nghiệp “ma” làm ăn không có lợi nhuận, làm mất đi những khoản đầu tư vốn có triển vọng hiệu quả.

Tuy nhiên, một sự sụp đổ mang tính hệ thống của nền tài chính không phải là không thể tránh khỏi, và một sự giải cứu thành công do chính phủ hay ngành ngân hàng truyền thốngdẫn dắt là hoàn toàn có thể. Dù vậy, những biện pháp này chỉ mang tính tình thế đối với hệ thống tài chính hiện tại mà không giải quyết được vấn đề cơ bản của ngành ngân hàng ngầm. Tin tốt là trong vài tháng gần đây, chính quyền trung ương đã tiến hành những bước đi sơ bộ để giải quyết những những vấn đề nền tảng trên.

Nhằm gây dựng lại lòng tin, chính phủ đã chính thức công nhận vai trò quan trọng của ngành ngân hàng ngầm trong nền kinh tế Trung Quốc. Điều này có thể sẽ làm tăng mong đợi của các nhà đầu tư rằng chính phủ sẽ đứng ra giúp đỡ khi hệ thống ngân hàng ngầm lâm vào khủng hoảng. Thêm vào đó, nó sẽ giảm thiểu một số lo ngại của các ngân hàng ngầm; do đó, sẽ có ít khả năng các ngân hàng này sẽ hạn chế thanh khoản nếu thị trường xấu đi. Những quy định mới được đưa vào cho phép chính quyền địa phương đảo nợ thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Cùng với đó, Quốc Vụ Viện (tức Chính phủ) đã ban hành một loạt các nguyên tắc, hướng dẫn các nhà điều tiết tạo dựng những quy định mới nhằm tăng độ minh bạch và hạn chế một số hoạt động cho vay nhất định bên trong hệ thống ngân hàng ngầm.

Trong khi việc tăng cường điều tiết là cần thiết, chính phủ cũng nên thận trọng không tạo ra quá nhiều rào cản và hạn chế trong hệ thống này. Quá nhiều quy định có thể ảnh ưởng tiêu cực đến các tổ chức vô hại khác – như một số các ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng ngầm đã thận trọng và khôn ngoan hơn trong các hoạt động cho vay.

Hơn nữa, nếu chính phủ hạn chế các hoạt động tạo ra tín dụng ở một phần của hệ thống ngân hàng ngầm, có khả năng nhu cầuvốn sẽ dẫn đến những mánh khóe để lách các quy định này. Chính phủ vì thế nên tập trung cải thiện tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng ngầm, phát triển các tổ chức và quy ước nhằm hỗ trợ tốt hơn việc định giá rủi ro, và tự do hóa toàn bộ hệ thống tài chính. Nói một cách ngắn gọn, để giải quyết gọn gẽ nhưng rắc rối tài chính có thể xảy ra, Trung Quốc cần phải minh bạch hóa hệ thống ngân hàng ngầm của nước này.
——————-
[1] “Thời điểm Minsky” (Minsky moment) là sự di chuyển chậm từ trạng thái ổn định sang khủng hoảng của hệ thống tài chính. Thời điểm này được rút ra từ thuyết bất ổn về tài chính do nhà kinh tế học người Mỹ Hyman P.Minsky (1919 – 1996) đề nghị vào thập niên 1970”
Bản gốc tiếng Anh: The Diplomat
Tác giả: Daniel Kollar | Biên dịch: Cảnh Mai Hương
Theo The Observer – 9/8/2014
http://nghiencuuquocte.net/2014/08/09/trung-quoc-va-rui-ro-tu-thong-ngan-hang-ngam/
( Blog Alan Phan )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét