Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Cuối cùng, kẻ thù là gì, là ai? - Chuột và người

Chuột và người

Ngô nhân Dụng -Nguoiviet
Tư Mã Thiên kể sự tích Lý Tư, thừa tướng nước Tần, giới thiệu: Lý Tư là người Thượng Thái, nước Sở, lúc thiếu thời làm tiểu lại cấp quận, thấy tại nhà xí của lại xá chuột ăn đồ không sạch; người hay chó đến gần thì nhiều con kinh sợ. Tư vào kho lẫm, nhìn chuột ăn thóc trữ trong kho, ở dưới ngôi nhà lớn, chuột không vì thấy người hoặc chó mà lo lắng gì cả. Lý Tư thấy thế thở dài than rằng: “Con người ta tốt xấu, cao thấp cũng giống như chuột, tùy chỗ mà cư xử.” Ðoạn này trích từ Sử Ký, số 87, Lý Tư liệt truyện, nằm trong phần liệt truyện.

Tình cờ chiều hôm qua gặp lại đoạn văn kỳ thú trên, tôi chợt liên tưởng tới đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì tuần trước mới được biết thêm về hành trạng của quý vị lãnh đạo đảng sau khi đọc Ðèn Cù của Trần Ðĩnh. Nếu đặt đoạn này vào trang mở đầu cho Ðèn Cù thì thú lắm. Cũng những người đó, khi ở trong rừng thì họ cư xử với nhau một cách, khi về thành phố họ đối đãi với nhau khác hẳn. Ở trong rừng Việt Bắc, Trần Ðĩnh kể, lãnh tụ với thuộc cấp không xa cách. Trường Chinh vừa là tổng bí thư đảng, vừa làm chủ nhiệm báo Sự Thật, khi thấy mấy anh em trong tòa báo đùa giỡn ồn ào, nói một câu thì họ nói lại, phải dịu giọng yêu cầu: “Các cậu ra ngoài đùa với nhau cũng được, ở đây tôi đang làm việc.” Nói vậy thì ai cũng hiểu, vui vẻ nghe lời; mà không khí thấy thân mật, không phân biệt cao, thấp, trên dưới.
Khác hẳn cảnh sau này, Trường Chinh bị Lê Duẩn gạt ra ngoài, đưa Lê Ðức Thọ, Nguyễn Chí Thanh lên làm vây cánh. Khi Trần Ðĩnh được lệnh Thọ viết tiểu sử chính thức của Hồ Chí Minh. Viết xong, đem in rồi, Lê Ðức Thọ mới bảo đem một bản cho Trường Chinh đọc. Trần Ðĩnh tới, “Xin anh cho ý kiến.” Trường Chinh hỏi: “In xong cả rồi, còn hỏi ý kiến tôi làm gì?” Trần Ðĩnh chỉ biết nói rằng anh Thọ bảo em đưa, có gì anh cứ hỏi anh Thọ. Bị coi thường đến như vậy, trước mặt một người vốn là đàn em thân cận của mình từ mấy chục năm trước, mà Trường Chinh vẫn chịu nhục, nhận cuốn sách mới in để mà đọc. Như người có khí phách thì sẽ đưa trả lại cuốn sách, nói rằng nếu có góp ý cũng quá muộn rồi. Nhưng Trường Chinh biết rằng mình chỉ là chủ tịch Quốc Hội, mà cả cái Quốc Hội đó cũng chỉ làm bù nhìn, đóng vai cây cảnh thôi. Không quyền hành bằng ông trưởng Ban Tổ Chức, càng sợ ông tổng bí thư lên thay chân mình. Quan hệ giữa hai, ba lãnh tụ đảng đã thay đổi, cách người ta đối xử với nhau đã khác.
Trần Ðĩnh nhớ lại lời Nguyễn Cơ Thạch khoe, một ngày mùa Ðông ở chiến khu Thạch ghé thăm ban biên tập báo Sự Thật: “Sáng nay Chủ Nhật, tớ ra suối giặt cho anh Giáp (Võ Nguyên Giáp) biết bao nhiêu quần áo… Này, tay còn nhợt đi đây này!” Ðèn tắt, chiếu ngay sang cảnh khác: Trong đại hội đảng kỳ thứ bẩy, Võ Nguyên Giáp đã bị đánh bật ra khỏi Trung Ương Ðảng, còn lên phát biểu ý kiến rằng đảng cần phát huy dân chủ, thì cậu thư ký giặt áo quần ngày nào, nay [đã vào] Bộ Chính Trị và đang ngồi trên chủ tịch đoàn, liền giơ tay cắt: “Ðồng chí nói quá mất mấy phút rồi, xin thôi. Ðồng chí hãy chú ý cho là đảng ta rất chú ý phát huy dân chủ!”
Cách cư xử thay đổi, không phải trong việc ngắt lời người phát biểu ý kiến, bởi vì trong một cuộc họp ai nói quá giờ cũng nên cắt. Hành vi thay đổi đổi quan trọng ở đây là cậu học trò lên giọng dạy dỗ ông thầy cũ của mình, mà lại dạy một điều rất sơ đẳng. “Ðồng chí hãy chú ý cho nhé!” “Ðảng ta rất chú ý phát huy dân chủ mà đồng chí nghe không thủng hay sao?”
Vì đâu mà các cán bộ, đảng viên và lãnh tụ cộng sản thay đổi nhiều như vậy? Nói vắn tắt như Tư Mã Thiên thuật lời Lý Tư: “Tại sở tự xử nhĩ,” tùy chỗ mà thay đổi cách cư xử đó thôi. Loài chuột sống dưới hầm nhà xí, hoặc sống trong kho thóc, đổi chỗ ở chúng thay đổi cả hành vi (bây giờ hay gọi là động thái).
Vậy trong đời sống của các đảng viên cộng sản, cái gì là “tại sở,” là cái “chỗ ở” đã thay đổi? Mới đầu, có thể nghĩ rằng đời sống trong rừng nó khác, thành phố nó khác. Hoặc giả, sống khi nghèo khó, thiếu thốn khác với lúc sung túc, thừa thãi. Muốn giữ lập trường thì nói rằng khi vào thành phố, từ đảng viên đến các lãnh tụ đều bị nhiễm “nọc độc tư bản, phong kiến,” cho nên “biến chất.” Làm như tác phong tư bản nó bay ở trong không khí, hay ngấm vào trong đất, trong nước! Giải thích như vậy thì trút được hết tội lỗi lên đầu người khác, mình lại tiếp tục ngồi bát ăn bát vàng!
Nhưng chúng ta không nên chỉ nhìn thấy nhà xí và kho lúa trong truyện Lý Tư. Loài chuột ở đâu thì cũng là chuột; mà cuộc sống thay đổi hành vi, cách cư xử của chúng không hoàn toàn do nơi chúng sống và kiếm ăn. Chính công việc kiếm ăn của loài chuột đổi khác. Ở một nơi kín đáo tối tăm như nhà kho, khác ở ngoài trời như trong hầm xí. Nơi này thì sinh nhai khó khăn, người và chó qua lại đông, nơi kia thì chẳng mấy khi thấy bóng một sinh vật nào, ngoài giống chuột. Lại thêm con số khác nhau, một nơi lèo tèo mấy ổ chuột sống chui nhủi, nơi kia họ hàng nhà chuột đông hàng đoàn hàng lũ, giống chuột chúng ta tự do tung hoành, dọc ngang nào biết trên đầu có ai! Sống cách khác, hành vi loài chuột cũng khác.
Cho nên cũng khó dùng các điều kiện địa dư cũng như kinh tế để giải thích hành vi con người thay đổi. Có lẽ thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của các lãnh tụ và đảng viên cộng sản khi từ rừng về thành, rồi từ Bắc vào Nam, là quyền hành của họ đã thay đổi với thời gian.
Ở trong rừng thì Trường Chinh cũng không biết ngày nào mình còn sống, hay sẽ trúng bom, trúng đạn; mà nhìn người chung quanh cũng thấy họ sống chết dễ như mình. Mình có thể sai khiến họ vì được họ thỏa thuận, nếu họ rút ra khỏi cái “hợp đồng ngầm” đó thì họ bỏ về thành phố, chẳng ai làm gì được ai. Quyền hành, dù được xác định hay chỉ hiểu ngầm, là do người dưới thỏa thuận cho người trên được hưởng.
Nhưng trong đời sống chính trị ở Hà Nội những năm 1960 thì quyền hành của đảng Cộng sản đối với dân chúng đã bám rễ, khó ai lay chuyển được. Hậu quả là quyền hành của các lãnh tụ trên các đảng viên của họ cũng kiên cố hơn. Tất cả đã được định chế hóa. Các cấp bậc được xác định, quyền sinh sát không bị ai kiểm soát.
Yếu tố giúp củng cố quyền hành cho các lãnh tụ là chế độ độc tài toàn trị. Trong một quốc gia tự do dân chủ thì mỗi chức vụ, mỗi cơ quan có quyền hành bao giờ cũng được một hay nhiều cơ quan, chức vụ khác kiểm soát. Việc kiểm soát có tính chất thường xuyên, định kỳ, do pháp luật yêu cầu và bảo đảm. Vì thế, quyền hành nào cũng có phạm vi giới hạn. Một chức vụ được phép sử dụng quyền hành trong một lãnh vực nào đó thôi, bước ra ngoài là thuộc quyền của chức vụ khác.
Trong chế độ độc tài toàn trị, đảng Cộng sản nắm toàn quyền trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội. Ðiều 4 bản Hiến Pháp Cộng Sản Việt Nam ghi rằng đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Bên trong nội bộ, đảng cũng lãnh đạo cuộc sống của từng đảng viên, trên tất cả các mặt. Không chỉ có lập trường chính trị, sinh hoạt kinh tế, mà ngay cả nhà anh ở, quần áo anh mặc, anh được phép yêu ai, cưới ai, đọc sách, coi phim nào, cũng phải nghe lời đảng lãnh đạo hết! Tự nhiên, hành vi con người, cách người ta cư xử với nhau cũng thay đổi. Lý thuyết chuyên chính vô sản của Lê Nin làm thay đổi hành vi con người, từ lúc chưa đảng cộng sản có quyền tới lúc nắm quyền sinh sát trong tay.
Phải công nhận Tư Mã Thiên là tay cự phách. Ông mở đầu Lý Tư liệt truyện bằng câu chuyện chuột. Rồi sau đó, không bao giờ nhắc tới nữa. Chúng ta theo dõi cuộc đời Lý Tư, sau khi quan sát loài chuột, cho là mình đã hiểu loài người rồi, bèn đi học “đạo làm đế làm vương” với Tuân Tử (Nãi tùng Tuân Khanh học đế vương chi đạo). Sự nghiệp lên như diều từ khi đầu quân cho nước Tần. Nhiều lần bị chống, lại biết phản bác, lần nào cũng lọt tai Tần Thủy Hoàng. Khi Tần Thủy Hoàng chết dọc đường, bị Triệu Cao thuyết phục tham dự âm mưu phế trưởng lập thứ. Cuối cùng, cũng tiêu vong với cơ nghiệp nước Tần. Suốt cuộc đời Lý Tư dùng biết dùng thuật giúp Tần Thủy Hoàng trị quốc dựa trên tâm lý con người, qua bài học về chuột.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng nắm được cái thuật cai trị nhờ học từ các ông Stalin và Mao Trạch Ðông. Như Trần Ðĩnh nhận xét: “Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp kém của con người: Sợ và tham.” Nhưng các cụ ta vẫn dạy: Thực thà là cha quỷ quái. Tấm gương nhà Tần cho thấy quỷ quái đến máy cũng tiêu vong.
––
Gửi Diễn Ðàn Thế Kỷ
Chú thích:
Sau đây là nguyên văn trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, để quý vị quan tâm tham khảo. Nếu thấy người viết đã hiểu sai, dịch sai, xin quý vị giúp sửa lại.
李斯者,楚上蔡人也。年少時,為郡小吏,見吏舍廁中鼠食不絜,近人犬,數驚恐之。斯入倉,觀倉中鼠,食積粟,居大廡之下,不見人犬之憂。
於是李斯乃嘆曰:「人之賢不肖譬如鼠矣,在所自處耳
Lý Tư giả, Sở Thượng Thái nhân dã. Niên thiếu thời, vi quận tiểu lại, kiến lại xá xí trung thử thực bất khiết, cận nhân, khuyển, sổ kinh khủng chi. Tư nhập sương, quan sương trung thử, thực tịch túc, cư đại vũ chi hạ; bất kiến nhân khuyển chi ưu. Ư thị Lý Tư nãi thán viết: Nhân chi hiền bất tiếu thí như thử hĩ, tại sở tự xử nhĩ.

Xích Tử - Cuối cùng, kẻ thù là gì, là ai?

Ngày 10/7/2014, Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu thuận tuyệt đối Nghị quyết S.RES 412, thể hiện tiếng nói, quan điểm, thái độ chung của một trong những cơ quan dân cử - lập pháp của Mỹ về vấn đề Biển Đông và những yêu cầu đối với Trung Quốc cũng như các quốc gia liên quan khác trong khu vực.

Ngày hôm sau, 11/7/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ thái độ chính thức của Việt Nam là hoan nghênh việc ra Nghị quyết và nội dung của Nghị quyết nói trên, đồng thời cũng bày tỏ “Việt Nam mong muốn các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả và có tính xây dựng cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực”.

Thật là khó hiểu những con người và cái tổ chức ra nghị quyết đó. Cũng họ và cũng tổ chức ấy, có lúc đề xuất, bảo trợ và có thể được thông qua những văn kiện về nhân quyền, tôn giáo, về việc Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến v.v... để phía Việt Nam phản đối, bác bỏ, thậm chí phản ứng gay gắt, xem như sự can thiệp thô bạo, âm mưu diễn biến hòa bình, thù địch; nếu nhẹ cũng là nhận xét như một thái độ thiếu thiện chí, không khách quan, sai trái, phiến diện, không phù hợp và làm ảnh hưởng xấu quan hệ giữa hai nước.

Rõ ràng, người Mỹ, cá nhân cũng như các tập thể chính trị, có thể bị hội chứng tâm thần, tiền hậu bất nhất trong tư duy, hành vi chính trị của mình. Các biểu hiện của hội chứng đó, làm cho những đối tác ngoại giao, như kiểu Việt Nam bị xoay chong chóng, khủng hoảng cách xác định bạn / thù, hoặc như cách nói hiện đại bây giờ là đối tác/ đối thủ/ đối phương.

Chuyện về phân định bạn thù là một trong những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng vô sản, cộng sản, từ lúc nó manh nha, cho đến khi phát triển thành phong trào quốc tế với sự xác lập hệ thống thực thể quyền lực cấp quốc gia/ nhà nước và liên quốc gia và cho đến nay, buổi cuối mùa của phong trào.

Trong cấu trúc của cuộc cách mạng đó, từ giai đoạn “cổ điển”, chỉ thuần túy như là vì mục tiêu đấu tranh chống kẻ thù giai cấp, trước hết là bọn tư bản, để giải phóng giai cấp, thực hiện chủ nghĩa cộng sản/ thế giới đại đồng, giai cấp công nhân là lực lượng tiến bộ nhất, chủ lực của cách mạng; đảng cộng sản hoặc tương tự, là đội tiền phong của “giai cấp” đó; số còn lại nhất loạt được xếp vào cái chuồng“quần chúng” của đảng, của cách mạng. Từ ngữ “quần chúng” trong tiếng Hoa, tiếng Việt, có thể hiểu là “bầy bọn nó”, nghĩa là số đông ở phía dưới, thấp hơn. Lực lượng này, tùy từng hoàn cảnh, có thể có lợi, có thể có hại cho cách mạng; trong đó có những bọn dao động, nghiêng ngả, không triệt để cách mạng v.v.., và có thể trong đó, có kẻ thù, và kẻ thù tiềm năng. Đảng cần phải nhận diện, phát hiện kịp thời tính chất kẻ thù này trong diễn biến của cách mạng, để tranh thủ số còn lại và tiêu diệt bọn kẻ thù đó.

Không có quá trình lịch sử nào, cuộc cách mạng nào có nhiều kẻ thù như cách mạng vô sản/ cộng sản. Trong những công trình luận chiến triết học, kinh tế, chính trị, các nhà kinh điển của cuộc cách mạng này trong thế kỷ XIX và về sau, những người thực thi cuộc cách mạng đó, kể cả khi đã giành được quyền lực, chỉ có tự họ gọi nhau một cách tin tưởng là đồng chí; số còn lại như đã nói trên là quần chúng; ngoài ra tất cả kẻ thù giai cấp đều được gọi bằng những đại từ miệt thị là bè (lũ), bọn, thằng, chúng, y, hắn. Chỉ có cách mạng vô sản mới có văn hóa xưng hô luận chiến, bày tỏ thái độ miệt thị chính trị như vậy. Đã là kẻ thù thì dứt khoát phải là “thằng địa chủ”, là “thằng địch” dù tuổi tác như thế nào, quan hệ với người gọi – từ trẻ em cho tới bạn đồng niên – ra sao, kể cả con dâu rễ trong nhà. “Thằng Mỹ mà đến nước ta” thì dứt khoát là thằng Mỹ, dù như ông J. Kerry, bây giờ bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, có chiều cao gấp đôi người tương cấp.

Thế rồi, cách mạng vô sản / cộng sản thành công thể hiện bằng việc giành chính quyền và xác lập thể chế quốc gia. Đến đây, ngoài tính chất giai cấp, cuộc cách mạng đó mở rộng đến những vấn đề quốc gia, nhà nước, dân tộc, đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, phân chia quyền lực thế giới, bành trướng, đế quốc trong quan hệ giữa các nước lớn với các nước nhỏ... Lại thêm những kẻ thù mới; bên cạnh bọn phản động, phản cách mạng với giai cấp tư sản, địa chủ, thậm chí cả trí phú hào như ở Trung Quốc, Việt Nam, danh sách kẻ thù được bổ sung bọn thực dân, bọn đế quốc, bọn bành trướng bá quyền, bọn sen đầm quốc tế, bọn khủng bố, bọn cực đoan, bọn ly khai, bọn phục thù, bọn phát xít mới, bọn vô chính phủ... Quần chúng của cách mạng vô sản trong phạm vi quốc gia cũng được mở rộng đến nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hữu nghị hòa bình, nhân dân lao động...ở các quốc gia không cộng sản, để tạo thành ba dòng thác cách mạng vừa cuồn cuộn vừa rả rích chảy suốt thế kỷ XX.

Việc xác định kẻ thù đó tốn công sức, trí tuệ, giấy tờ rất nhiều trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đảng cộng sản và tương tự. Và một khi nó đã trở thành những xác định kết luận trong khuôn khổ những cương lĩnh, chủ trương, đường lối thì tai họa nó giáng xuống đời sống xã hội không biết nói thế nào cho xuể. Đối tượng, phạm vi ngoại diên của kẻ thù thay đổi liên tục. Chẳng hạn như ở Việt Nam, vì không có giai cấp tư sản đầy đủ theo khái niệm macxit, nên phải tìm trong trí phú địa hào cho đỡ ngượng cách mạng. Tính chất của trí phú địa hào đó cũng được định nghĩa tùy thời để vừa vẫn có kẻ thù, vừa tranh thủ lôi kéo. Trung Quốc cũng vậy; sau khi nghiên cứu nông dân ở Hồ Nam (1925) và qua sự kiện “Công xã Quảng Châu” (1927), Mao và đảng cộng sản Trung Quốc vừa lấy nông dân làm lực lượng cách mạng, vừa biến họ thành kẻ thù của cách mạng, bằng cách tách rạch ròi địa chủ và bần cố nông. Địa chủ thì cũng hết sức linh hoạt trong cách xác định, như ở Việt Nam, lúc/ chỗ thì sở hữu 10 mẫu, rồi 5 mẫu, rồi 3 mẫu, rồi mẫu Bắc bộ và mẫu Trung bộ, rồi có ủng hộ cách mạng hay không, để có đủ tỉ lệ 5%, 10%, bù cho kết quả 3% quá thấp so với yêu cầu của cách mạng và của cố vấn Trung Quốc.

Trong các kỳ họp, đại hội đảng lớn nhỏ, nghị sự về việc xác định kẻ thù cũng chiếm một chương trình quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho diễn biến cách mạng sau đó. Theo cách ấy, cuộc/kỳ họp hoặc đại hội phải nhận diện được kẻ thù trực tiếp/ (gián tiếp), chủ yếu, trước mắt, lâu dài, kẻ thù chiến lược... Danh sách này phải được truyền đạt trong toàn đảng và đến toàn xã hội để học thuộc lòng; mở miệng ra là phải nói và nói cho đúng cho đủ, như kinh nhật tụng.

Như vậy, trong đời sống tinh thần của dân tộc hình thành một dòng chất độc văn hóa ngấm dần vào từng thế hệ là văn hóa về kẻ thù, về sự “nhạy cảm”, kiên quyết trong phân biệt phạm trù bạn và thù, dù ranh giới của hai phạm trù đó tù mù, tùy tiện, ấu trĩ theo cái ấu trĩ chung không thể vượt qua, không thể từ bỏ và đôi khi là cần thiết phải có của cách mạng vô sản/cộng sản. Yêu cầu về sự xác định lập trường đó trở thành tiêu chuẩn trung thành cách mạng của đảng viên, thành biểu hiện tính kiên định cách mạng và phản xạ đúng trong nhận thức, tư duy cách mạng của họ. Đến nỗi, trong một kỳ họp quốc hội Việt Nam ở thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, một đại biểu ở Ninh Thuận có cái tên rất trí thức, vẫn lấy chủ nghĩa quốc tế vô sản làm đòn bẫy để nhận thức bạn thù, khi bày tỏ băn khoăn về giàn khoan HD-981 của đồng chí Trung Quốc, rằng “hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau thì có lợi cho ai”, rằng “phải bảo vệ chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Cứ đà ấy, vị đại biểu đó có thể đặt câu hỏi rằng vào năm 1979, hai nước xã hội chủ nghĩa choảng nhau chí tử thì có lợi cho ai và tự trả lời có lợi cho dịch vụ mai táng (lúc đó của ngành vật tư chất đốt) và nhang đèn hàng mã, cũng được. Chắc vị đại biểu đó, như đã có người nghi ngờ rằng ông không biết chữ, và đang mộng du trong thế kỷ XIX, cũng không biết rằng trong những năm 60- 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc gọi Liên Xô là Đế quốc đỏ; còn Liên Xô đáp lại bằng cách gọi Trung Quốc là bành trướng bá quyền nước lớn. Kẻ thù hóa đồng chí rồi đồng chí hóa kẻ thù, như một trò phù thủy của cách mạng.

Và trong cái đà ấy, “Đường vinh quang xây xác quân thù”, để đến bây giờ, mới biết rằng khái niệm “kẻ thù” của cách mạng với vô số loại kẻ thù suốt lịch sử và yêu cầu về sự cần thiết phải hình thành tư duy về kẻ thù như là một nguyên tắc của đạo đức, luân lý cách mạng của chiến sĩ cách mạng vô sản chỉ là một cái gì đó vừa thiếu trí tuệ, phi nhân bản và có tác dụng phá hoại kinh khủng lịch sử nhân loại. Ngay tại thời điểm xác định và qua biến động lịch sử, rất nhiều trong số kẻ thù của cách mạng đó là ảo, là giả, là nhầm lẫn, là giả định, là những chiếc cối xay gió của Don Quichotte, để rồi phải cải chính, phải minh oan, phải phục hồi, nhưng phần xương máu, mất mát, tổn thất tính mạng và tinh thần của cả dân tộc thì vẫn còn đó và quá lớn. Không có thời kỳ nào khốn nạn như cái thời mà những cải biến lịch sử, dưới chiêu bài giành độc lập, chủ quyền, giải phóng nhân dân, dân tộc và giai cấp, đã biến nhân dân mình thành kẻ thù và kẻ thù tiềm năng, thậm chí là cả “đồng chí” của mình mà một bài thơ của tác giả bài Quốc ca có đoạn lời được trích ở trên nói về việc xử bắn một đảng viên trong cải cách ruộng đất. Ở quê tôi, hòa trộn cả tính chất giai cấp và dân tộc, có những vụ thanh toán kẻ thù chằng hiểu thế nào được : một đứa cháu 4 giờ chiều mang súng ra ruộng nơi ông bác họ là xã trưởng đang cày để xử trước sự ngơ ngác, khiếp sợ của những bạn cày cùng làng khác; một cán bộ nằm vùng ở cùng xóm nửa đêm đến gọi một ông ở cạnh vườn bị nghi là chỉ điểm và bắn ngay tại sân nhà trong tiếng kêu khóc thảm thiết của người vợ và những đứa con nheo nhóc bị đánh thức dậy nửa đêm, để kèm lại mảnh giấy “Cách mạng xử” mà đến bây giờ, vì nó, những đứa con ấy không ngóc đầu lên được, không sống nổi.

Cũng trong sự hòa trộn đó, không biết đâu là tính chất giai cấp, đâu là tính chất dân tộc của cuộc cách mạng, nhất là cuộc chiến tranh 21 năm, chính xác là chiến tranh 1959 – 1975 ở nước ta. Tiêu diệt chế độ VNCH, giải phóng miền nam là chiến tranh ý thức hệ hay chỉ giành độc lập và thực hiện thống nhất đất nước bằng bạo lực cộng sản. Nếu Việt Minh không để lại miền Nam hàng chục ngàn cán bộ, liệu có chiến dịch tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm không, để từ đó Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết 15, rồi sau đó vi phạm Hiệp Định Genève, leo thang dần đến chỗ đưa hẳn quân chủ lực miền Bắc, cùng xe tăng, pháo, tên lửa cùng nhiều loại vũ khí xã hội chủ nghĩa khác, song song với việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam với sự có mặt của hơn 60 vạn quân đội chủ lực. Sự có mặt đó của Mỹ là xâm lược, đế quốc hay vì mục đích ý thức hệ ? Tương tự, khi Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam nói đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc thì cuộc chiến đó là chống xâm lược Mỹ hay bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa ?

Những câu hỏi đó quay quắt suốt lịch sử hiện đại, từ phía nhân dân. Những người lãnh đạo, những người chiến thắng thì luôn có câu trả lời và có cách trả lời có lợi cho mình và trong sự trả lời đó luôn có sự xác tín về những kẻ thù như là có thật. Điều đó tạo ra một thời kỳ khốn cùng của chính trị, của lịch sử và của sử học, cái mà vốn trong những nước tiến bộ, khi họ chỉ có quyền lợi quốc gia, dân tộc duy nhất và lịch sử của họ cũng chỉ là lịch sử phát triển, bảo vệ quyền lợi đó, chống lại những lực lượng gây tổn hại, trực tiếp và gián tiếp, kể cả nhân tố ý thức hệ không bình thường, làm rối lịch sử nhân loại.

Đó là nhìn từ góc độ trừu tượng hóa thực tế lịch sử dân tộc, còn chính cái thực tế lịch sử đó, như một nạn nhân của văn hóa kẻ thù, đã ngốn vào trong nó không biết bao nhiêu xương máu của dân tộc; máu đã ngấm vào mảnh đất này quá nhiều nên cái đức của quốc gia, dân tộc bị tổn, khó mà khá lên được. Để đến bây giờ, khi một trong những kẻ thù lớn truyền kiếp không có quan hệ mấy tốt hoặc một lô chữ vàng nào đó ra một cái nghị quyết, giúp mình một tay để xử lý quan hệ với đồng chí của mình, rất tương đồng về chính trị, mình hoan nghênh ngay cái rẹt. Biết đâu bạn thù đây, cả lãnh đạo và nhân dân đây ?
Xích Tử
(Dân Luận)

Trung Quốc: Vở kịch chính trị chưa thể hạ màn

Ít ai nghi ngờ rằng, hầu hết người dân TQ sẽ hân hoan với thành tích mới nhất của ông Tập Cận Bình trong chiến dịch “đả hổ”. Cáo buộc tham nhũng nhằm vào thân nhân và các nhân vật thân tín với ông Chu Vĩnh Khang gây sốc thậm chí chiểu theo những tiêu chuẩn TQ.
Một trong những con trai của ông Chu vĩnh Khang bị cáo buộc sở hữu một khối tài sản giá trị ít nhất 1 tỷ NDT (160 triệu USD) và làm ăn với một tài phiệt ngành mỏ đã bị kết tội giết người và tham gia vào đường dây tội phạm có tổ chức. Nhốt vào lồng một con hổ như Chu Vĩnh Khang thực sự đã giúp giải tỏa cơn thịnh nộ của dân chúng.

Tuy nhiên giới “tinh hoa” của TQ chưa chắc đã phấn khởi như thế. Chiến dịch chông tham nhũng của ông Tập Cận Bình có thể đã mang lại cho ông danh tiếng và sự ngưỡng vọng khổng lồ, nhưng nó cũng khiến cho cuộc sông bớt dễ chịu đi rất nhiều đối với những quan chức đã quen nhận bổng lộc và nhiều ưu đãi khác. Các biện pháp khắc nghiệt của ông Tập đã đã đẩy nhiều quan chức TQ khỏi các nhà hàng, khách sạn sang trọng, khiến họ đau đầu lo toan mỗi khi nhận những món quà đắt tiền.
Cảm giác bất an, sợ hãi, thậm chí còn đi xa hơn thế. Bởi các tập quán như hối lộ để thăng tiến, hay giúp các doanh nghiệp dành lấy những hợp đồng đã phổ biến tràn lan trong giới chức cầm quyền TQ. Chính vì thế nhiều quan chức nhúng chàm và nay bị điều tra, hoặc tệ hơn nữa là kết án và tống giam. Truyền thông TQ gần đây ghi nhận sự gia tăngùng hàng ngàn quan chức dưới các vụ tự tử liên quan tới các quan chức Chính phủ.
Với sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình giờ đây bước sang một giai đoạn nan giải hơn. Quyết định quan trọng nhất chờ ông Tập Cận Bình phía trước là ông sẽ lái chiến dịch này tới một sự hạ cánh mềm như thế nào. Cho đến thời điểm này, các chiến dịch điều tra đã dẫn tới việc bắt giữ gần bốn chục quan chức cấp cao, từ chủ tịch tỉnh đến Bộ trưởng cùng hàng ngàn quan chức dưới quyền họ.
Bằng việc vạch trần những thành viên không trong sạch của đảng trước công chúng, điều không thể tránh khỏi là ông Tập đã phơi bày những điều tha hóa bên trong đảng. Thay vì che đậy và thúc đẩy sự tin tưởng của công chúng về khả năng bảo vệ chế độ của mình, những tiết lộ trên các phương tiện truyền thông hàng ngày về các hành vi tha hóa và hủ bại bên trong chính phủ có thể phản tác dụng bởi làm dân chúng mất niềm tin.
Một hệ quả có thể nghiêm trọng nữa là sự chia rẻ nội bộ TQ. Chiến dịch của ông Tập gây ra nỗi sợ hãi chưa từng có trong giới quan chức. Trong chính trị, sợ hãi là một lực lượng hợp nhất. Nếu nhiều đồng minh hay phe đối địch của ông Tập nghĩ mình sẽ là “con hổ” tiếp theo sa lưới, bản năng sinh tồn sẽ thúc đẩy họ thách thức quyền lực của ông Tập Cận Bình. Sự đoàn kết của lực lượng lãnh đạo từng giúp đảm bảo ổn định trong đảng kể từ sau vụ Thiên An Môn, rất có thể, sẽ tan thành mây khói.
Xử lý một con hổ bị nhốt cũng không phải là dễ dàng. Theo luật TQ, ông Chu sẽ phải được xét xử trong một phiên tòa. Các công tố viên sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc gắn trực tiếp ông Chu những hành vi sai trái mà các thân nhân và bạn bè thân tín của ông thực hiện. Nhưng đối với ông Tập Cận Bình, xét xử và kết tội Chu Vĩnh Khang theo một trình tự pháp lý đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về sự côngkhai và công bằng là cần thiết, ngược lại sẽ chỉ làm dấy lên những đồn đoán về lý do thực sự của cú ngã ngựa của con hổ này.
Cuộc săn “hổ lớn” có thể đã kết thúc nhưng vở kịch chính trị ở Bắc Kinh chắc chắn chưa thể hạ màn.
Lê bình Thọ
(FB Bình Lê Thọ)

200 triệu đồng lấy được bằng Tiến sỹ y khoa

Qua giới thiệu của một nguồn tin, PV Dòng Đời đã tìm gặp Phó Giáo sư (PGS) Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, Đại học Y Thái Nguyên để nhờ vị Phó GS này tìm cách “tậu” cho tấm bằng Tiến sỹ Y khoa danh giá.
Trong vai một người có nhu cầu làm nghiên cứu sinh, phóng viên Dòng đời đã tiếp cận với vị giáo sư này cũng như công nghệ lấy bằng tiến sĩ mà “thầy” đã vẽ ra
Trước khi tiếp PV tại nhà riêng, PV đã điện thoại trước cho Phó GS Hoàn, tự giới thiệu có mong muốn được vị Phó GS này hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Khi đó, vị Phó GS đang bận một cuộc nhậu. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 30 phút, vị Phó GS này rời cuộc vui để gặp PV tại nhà riêng của mình.

Ông Đàm Khải Hoàn chụp ảnh cùng sinh viên.
Đi mua... bằng Tiến sỹ Y khoa
Tọa lạc trên một khu đất rộng, ngôi nhà của vị Phó GS này là một nhà sàn “chất”, mà theo ông khoe, là: “Mấy năm trước, tôi mới mua được của một gia đình dân tộc trên huyện Võ Nhai. Hồi đó, giá của nhà sàn rẻ lắm! Cả làm “luật” cho kiểm lâm và vận chuyển nữa hết có gần 20 triệu!”.
\
Trước những cảnh quan và vật dụng liên quan chủ yếu tới lâm sản, PV nhanh chóng nghĩ ra một “vai diễn” phù hợp với bối cảnh khi tự nhận mình là một “trùm” buôn gỗ. Sau khi “đi” vài đường cơ bản về gỗ, PV nhanh chóng đặt vấn đề:
“Nhà em vốn có truyền thống theo nghề Y nên khi học xong cấp 3, em đã thi vào ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi vào học ngành này, em lại không có hứng thú nên học hành rất chểnh mảng, gần như không biết gì. Đi học thì thuê, đi thi thì “chạy”.
Khi học xong bằng cử nhân, gia đình lại ép em học luôn thạc sỹ. Lúc này, em đã tham gia vào công việc kinh doanh gỗ nên đi lại triền miên. Vì thế, bằng Cao học của em cũng là đi mua nốt. Bây giờ, việc kinh doanh gỗ của em chủ yếu chuyển trọng điểm về Thái Nguyên, công việc cũng đang phát đạt nên bố mẹ em nhất quyết bắt em phải học nốt cái bằng Tiến sỹ để sau này có cái bằng mà mở phòng khám.
Công việc trên Thái Nguyên thì em không thể bỏ được nên em rất mừng khi được anh em giới thiệu qua gặp thầy để thầy hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Nhưng thực tình, kiến thức thì em không biết gì...”.
- “Thế em đã có bài báo hay công trình khoa học nào chưa?” vị Phó GS Đàm Khải Hoàn ngắt lời, hỏi.
- “Dạ, chưa ạ!”.
- “Thế em đã đi làm chuyên môn ở đâu chưa?”.
- “Dạ, chưa ạ!”, PV lí nhí.
- “Vậy được rồi! Việc lấy bằng Tiến sỹ của cậu, tôi sẽ giúp được. Cậu cứ yên tâm! Tôi nhận lời với cậu”, vị Phó GS chốt lại.
Kỹ nghệ “lấy” bằng
Sau khi câu chuyện đã cởi mở, ông Hoàn nói thêm: “Trước tiên, tôi sẽ viết cho cậu vài bài báo khoa học để đăng trên tạp chí Y học Thực hành. Mấy bài báo này sẽ ký tên cậu. Cậu chỉ việc tới tòa soạn, đưa cho họ mấy đồng rồi nhờ họ đăng bài, tôi sẽ có lời cho cậu.
Việc tiếp theo, cậu phải nhờ các mối quan hệ của gia đình mình để có tên trong một cơ quan hoặc tổ chức phi chính phủ nào đó để khi hội đồng xét duyệt hồ sơ, họ tin rằng cậu đã làm ở cơ quan, tổ chức đó chứ không phải là anh buôn gỗ” - ông Hoàn bắt đầu tiết lộ bí quyết nghề nghiệp của mình.
“Việc cậu đi làm, cậu cứ đi. Tôi sẽ làm đề cương đề tài cho cậu (đây là phần quan trọng nhất mà thí sinh phải trình bày trước Hội đồng các Giáo sư, Phó GS để được chấp nhận đậu đầu vào Nghiên cứu sinh - PV). Tôi sẽ trao đổi với cậu qua email” - ông Hoàn nói thêm.
Trước sự hướng dẫn nhiệt tình của vị Phó GS, tôi tiếp tục thể hiện “quan điểm: “Nhưng thực tình em không biết gì hết. Lỡ khi vào bảo vệ đề cương đề tài các thầy trong hội đồng hỏi thì em không biết trả lời sao? Thầy có lo cho em được cả hội đồng không ạ?”.
Lúc này, vị Phó GS trấn an ngay: “Yên tâm, cái đó lo được! Không biết rửa bát thì phải bế em thôi. Tôi đã hướng dẫn nhiều người rồi! Cần gặp ai thì tôi sẽ bảo cậu đến gặp. Mấy người đó toàn... đàn em của tôi thôi mà!” (Ý nói mấy vị trong hội đồng xét tuyển Nghiên cứu sinh - PV).
Trước sự chắc chắn của vị Phó GS này, tôi chốt lại: “Vâng, trăm sự em nhờ thầy! Vậy thầy cho em biết là em sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu tiền để lo việc này hả thầy?”.
“Thôi, cậu cứ về đi. Mới gặp lần đầu, tôi chưa muốn nói chuyện này. Để hôm khác. Cậu cứ yên tâm là tôi giúp được cậu. À mà cậu tên là gì nhỉ?”, lúc này, vị Phó GS Đặng Khải Hoàn mới kịp nhớ ra là mình chưa hỏi tên “khách hàng”.
Tuy nhiên, trong câu chuyện về ngôi nhà sàn của mình, ông Hoàn có “gợi ý” rằng ngôi nhà sàn của ông vẫn còn những gỗ tạp và kêu than chuyện lúc này, lực lượng kiểm lâm làm gắt quá. Dù có nhiều mối quan hệ với cả lực lượng kiểm lâm và lâm tặc, ông Hoàn vẫn không thể vận chuyển được số gỗ nghiến về để hoàn thiện nốt ngôi nhà sàn của mình. Trước ý tứ trên, PV buộc phải gợi ý là mình có thể làm được việc này.
Sau đó, PV có nhận được email từ vị Phó GS này với đoạn có nội dung sau: “Thầy định thay toàn bộ sàn bằng nghiến. Có lẽ vẫn phải dầy 5cm, vì nó mới im, mỏng sẽ rung. Diện tích toàn bộ sàn là 100m2. Các tấm gỗ dài ngắn tùy theo đều được cả vì phải ghép mà. Em lo hộ thầy”.
Trước tình hình trên, tôi buộc phải đồng ý sẽ lo giúp thầy Hoàn 100m2 gỗ nghiến loại dày 5cm. Tại lần gặp thứ hai, PV đã một lần nữa hỏi về số tiền phải đưa cho Phó GS Đàm Khải Hoàn để lo chuyện đầu vào. Lần này, ông Hoàn đã đồng ý với mức giá 200 triệu đồng và cho tôi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào.
Những nội dung của cuộc ngã giá chỉ được PV tiến hành sau khi gặp gỡ với nhiều người đã, đang được vị Phó GS này hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Các nhân vật này đều khẳng định: Nếu muốn mua bằng Tiến sỹ Y khoa bằng tiền tại Đại học Y Thái Nguyên, PV nên tìm đến Phó GS Đàm Khải Hoàn là đúng địa chỉ nhất.
Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên: "Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sỹ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!”.
Sặc mùi mua bán
Khi những tư liệu trên đầy đủ, PV quyết định ra mặt để đối chất với vị Phó GS. Ngay sau khi PV công bố các tư liệu đã thu thập, Phó GS Đàm Khải Hoàn im lặng một hồi rồi bỏ về. Sau đó, ông Hoàn có gửi lại một email cho chúng tôi.
Email này có đoạn: “Anh giới thiệu là người buôn gỗ nhưng đã học Cao học Y tế công cộng. Tuy nhiên mải làm ăn cho nên học không đến nơi đến chốn. Nhưng với điều kiện đó tôi nghĩ sẽ dạy cho anh được. Anh nói anh làm ra rất nhiều tiền, sẵn sàng cho tôi cái này, cái nọ. Nhưng đấy là anh đặt vấn đề và xuất phát từ anh chứ tôi có đòi hỏi gì đâu? Tôi nghĩ xã hội này có nhiều người có nhiều tiền thì khi học, họ có thể biếu tôi món quà to...”.
PV cũng đã liên hệ với lãnh đạo Đại học Y Dược Thái Nguyên để làm việc. Trước những thông tin nghiêm trọng mà phóng viên đưa ra, Ban Giám hiệu Đại học Y dược Thái Nguyên đã triệu tập một cuộc họp với đầy đủ lãnh đạo nhà trường, phóng viên và Phó GS Đàm Khải Hoàn với mục đích để các bên xem các tư liệu, đối chất và đưa ra các quan điểm về vụ việc.
Tại đây, ông Hoàn nhận mình có khả năng giúp các nghiên cứu sinh có bằng Tiến sỹ Y khoa mà không cần phải học, ông Hoàn vẫn giữ quan điểm rằng viêc ông nói như vậy đơn thuần nghĩ rằng việc hướng dẫn một nghiên cứu sinh có điều kiện về kinh tế thì việc nhận được những món quà có giá trị vật chất lớn là điều bình thường.
Trong khi đó, đại diện cho lãnh đạo nhà trường, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng việc ông Hoàn nói như vậy bước đầu có thể kết luận là không đúng với đạo đức của người thầy giáo.
Tuy nhiên, bình luận về những tư liệu mà phóng viên đưa ra, ngày 4.8.2014, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên (Đại học Y Dược Thái Nguyên là 1 trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên) nhìn nhận thẳng thắn: “Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sỹ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!”.

Nhóm Pv điều tra/
(Dân việt) 

Lê Phú Khải - Từ nền “văn hoá quỳ lạy” đến văn hoá “thảo dân”

Trong bài “Giã từ nền văn hoá quỳ lạy” tôi đã nói đến do ảnh hưởng của Khổng Mạnh, trí thức Việt Nam chỉ cốt đi học để làm quan. Để được quỳ lạy trước ngai vàng. Lý thuyết của họ là cúi đầu trước một người (Vua) để được cưỡi lên cổ trăm người. Khi được làm quan rồi, họ tiếp tay vua để đàn áp nhân dân. Vì thế, một tâm lý khiếp sợ quyền lực đã hình thành trong xã hội. Người dân tự nhận mình là “thảo dân”. Thảo là cỏ. Thân phận người dân được chính họ tự nhận là cây cỏ, là “thảo dân”.

Từ chế độ phong kiến chuyển sang chế độ toàn trị, tâm lý thảo dân càng có “cơ sở” để phát triển do người dân bị không chế toàn diện cả về kinh tế lẫn chính trị. Nỗi sợ hãi bao trùm xã hội. Người dân sợ bị mất sổ gạo (sổ mua lương thực), sợ con bị đuổi học, sợ bị đi tù.

http://www.rallyingfordemocracy.org/sites/default/files/LePhuKhai.png
T/g Lê Phú Khải
Từ nỗi sợ đó dẫn đến tâm lý vâng lời, nghe theo cấp trên để được yên thân. Và, điều tai hại lớn là sự vâng lời ấy dẫn đến sự bao cấp về tư tưởng. Tất cả đều đã có Trung ương, có Đảng lo. Nhân dân không phải suy nghĩ gì nữa. Đảng là đúng, cấp trên là đúng, như một chân lý.

Vì thế mới có câu cnuyện khôi hài dưới đây:

Khi có chuyện “giá lương tiền” rồi vụ đổi tiền vào sáng ngày 14/9/1985, cả xã hội náo loạn, dẫn đến khủng hoảng sâu… Gặp tôi, bác Nguyễn Khắc Viện nói: “Thật là may”. Nghe thế, tôi hỏi: “Vì sao lại thật là may?”. Bác Viện nói: “Như vậy là dân đã thấy Đảng cũng sai. Vậy từ nay mọi người phải suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Thấy cái gì sai phải nói, phải lên tiếng phản đối, không thể uỷ thác số phận của mình cho một nhóm người suy nghĩ và quyết định”.

Văn hoá thảo dân và sự bao cấp về tư tưởng không phải chỉ có ở dân, ngay cả nhà cầm quyền Việt Nam cũng bị bao cấp tư tưởng. Cái gì China làm, Việt Nam mới dám làm. China chưa làm thì Việt Nam chưa dám làm. Tôi nghe nói, khi sắp làm một việc gì lớn, có nhà lãnh đạo Việt Nam đã hỏi: Trung Quốc đã làm chưa? Việt Nam luôn đi sau Trung Quốc hàng thập kỷ vì tư duy bao cấp này.

Thoát Trung một cách mạnh mẽ nhất là thoát tư duy bao cấp.

Chưa thoát được tư duy bao cấp nên ở nước ta có tình trạng tư duy ngược. Tôi có một anh bạn là học sinh miền Nam đi tập kết, học chung trường thời sinh viên với tôi ở đại học ba năm liền. Ra trường anh làm một chức sắc nho nhỏ. Khi đất nước thống nhất, anh về Sài Gòn công tác. Một hôm, anh về quê thăm nhà ở huyện Cái Nước, Cà Mau. Anh than với má anh: “Nhà mình xa quá!”. Bà má anh đã nổi đoá rủa: “Mồ tổ mày, chỉ có mày đi xa chớ nhà mình đâu có xa!”.

Rõ ràng anh bạn tôi đã tư duy ngược!

Mà chẳng phải một vài người, đến ngay cả cơ quan ngôn luận lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam là báo Nhân Dân cũng tư duy ngược. Báo Nhân Dân có cả một chương mục: Đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống (!). Vậy nghị quyết Đảng từ trên trời rơi xuống à?

Đáng lý phải có mục “Đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng”, rồi sau đó mới có mục “Đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống”. Vì tư duy ngược như thế, nên chẳng cuộc sống nào thi hành nghị qyết cả! Chỉ khi Đảng thấy sai, sửa, thì nghị quyết mới vào cuộc sống như Khoán 100 của Ban Bí thư, Khoán 10 của Bộ Chính trị vào năm 1988.

Chính Lênin ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, trong tác phẩm “Nhận thức luận” đã từng dạy: “Qui luật của nhận thức là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”. Có nghĩa là: Lý luận nảy sinh từ thực tiễn, đúc kết thực tiễn thành lý luận. Và đến lượt mình, lý luận sẽ soi đường cho thực tiễn.

Đến bao giời dân tộc ta và cả Đảng Cộng sản Việt Nam mới thoát khỏi cảnh bao cấp tư tưởng và tư duy ngược? Nếu không phải là từ lúc này, lúc người anh em Bốn tốt đã lật kèo bằng cách đưa Giàn khoan khủng HD 981 vào xâm lược nước ta?
Lê Phú Khải
(Văn Việt)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét