Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý: Ông Sang đến Washington

Lê Diễn Đức - Trương Tấn Sang có biết Điếu Cày tuyệt thực?

Ngày 23/7/2013, ông Trương Tấn Sang đã lên đường đi Mỹ. Không biết trong hành trang của ông có hồ sơ của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay không?
Vài ngày trước chuyến công du, dư luận trong và ngoài nước đã phẫn nộ trước việc anh bị biệt giam và thực hiện tuyệt thực đã nhiều ngày. Báo chí lề phải im lặng tuyệt đối. Không một tờ nào nói gì, dù chỉ là hình thức đưa tin.
Nhưng chả lẽ hàng ngàn dư luận viên, các chuyên gia, cố vấn không chuyển thông tin tới ông. Và cả bản thân ông nữa, ông chỉ biết đến tin tức từ báo lề phải? Còn BBC, RFI, RFA... ?
Tôi tin là trong đống hồ sơ về nhân quyền mà Trương Tấn Sang đối thoại với Mỹ, thành tích mới mẻ này chắc chắn có. Bởi vì trường hợp của Blogger Điếu Cày, người được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman-Hammett 2009, đã được Tổng thống Barack Obama lưu ý và kêu gọi "chúng ta không được quên Điếu Cày" trong Ngày Báo chí Tự do Quốc tế mới tháng 5 năm vừa rồi.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng đã lên tiếng lo ngại về tình trạng sức khoẻ của Điều Cày và kêu gọi trả tự do cho anh.
Nhật báo Washington Post đã đăng tin về sự tuyệt thực của anh và nhắc tới "thành tích mới" này trước chuyến đi Mỹ của chủ tịch Trương Tấn Sang.
Thật là bất tiện và khó ăn nói khi chủ nhà hỏi thăm về tình trạng của Điếu Cày mà bên khách chỉ ghi nhận xem xét hoặc chống chế bằng cách nói "trại giam đã làm đúng với pháp luật".
Muốn gì thì muốn, cho dù nhân quyền không phải là chủ đề trọng tâm trong vấn đề an ninh và hợp tác trên biển Đông nhằm ngăn chặn sự bành trướng và khiêu khích ngang ngược của Trung Cộng, nhưng nó vẫn là vật cản, làm tắc nghẹt sự chuẩn thuận của Hạ Viện Mỹ về việc bán vũ khí sát thuơng cho Việt Nam và tham gia Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Cho nên, không thể xem nhẹ. Trong tổng hợp toàn bộ các vấn đề, nhân quyền là sợi xích liên kết và có một sức nặng nhất định. Nhất là khi Tổng thống Obama vẫn kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền và nhiều dân biểu quốc hội Mỹ, đặc biệt Trưởng Ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce trong cuộc họp báo ngày 23/7/13 đã lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền và "muốn xóa bỏ điều 79, điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự Việt Nam và Chính phủ hãy để người dân có được tự do nhân quyền". Còn bà dân biểu Loreta Sanchez cho hay, nếu Việt Nam không thay đổi thì "sẽ không có được trong tay một thoả thuận thương mại kinh tế nào đáng kể".
Trại giam chỉ là nơi giam giữ người, tuyệt nhiên không thể thay vai trò của toà án bắt tù nhân nhận tội. Anh Điếu Cày, trước toà án đã khẳng định mình vô tội, nếu có đó chỉ là tội yêu nước và chống Tàu xâm lược, và chính vì thế, anh đã nhận bản án hết sức nặng nề, 12 năm và 5 năm quản chế. Do vậy anh không thể nào chấp nhận yêu cầu quái gỡ ấy của trại giam. Trại giam đã làm trái với luập pháp hiện hành của chính họ, đã vượt quá thẩm quyền.
Biệt giam anh Điếu Cày để trừng phạt khi anh không nhận tội là một hành động hèn nhát, độc ác, vô nhân đạo, ỷ thế bạo lực của kẻ mạnh bắt nạt người thân cô thế cô.
Ý chí bất khuất tranh đấu vì sự công bằng và công lý của anh Điếu Cày là gương sáng cho tất cả những người yêu chuộng tự do và cho thấy rằng, không phải trong cái nhà tù lớn Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhân quyền bị chà đạp, mà cả trong nhà tù nhỏ, con người đã mất tự do rồi vẫn tiếp tục bị xúc phạm phẩm giá một cách thô bạo và tàn nhẫn.
Không biết hiện trạng sức khoẻ của anh ra sao, nhưng sự chịu đựng của cơ thể qua ngày thứ 32 rồi dường như là đã vượt qua giới hạn. Anh hiên ngang chấp nhận sự rủi ro nhất: cái chết. Chỉ mong rằng điều bất hạnh và bi kịch này không xảy ra.
Nhưng trường hợp của anh là tiếng chuông cảnh báo, là tín hiệu đỏ cho giới chức Hoa Kỳ trong cái nhìn về nhân quyền tại Việt Nam. Những lời ong bướm hứa hẹn của họ chỉ là trò phỉnh, lừa gạt.
Biết đâu chính trường hợp của anh Điếu Cày lại là vật cản khó qua nhất của dòng chảy đối thoại nhân quyền Việt -Mỹ trong chuyến công du của chủ tịch Trương Tấn Sang.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog

Quan hệ Mỹ-Việt sẽ được nâng cấp?

Đây là chuyến đi Mỹ đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch Trương Tấn Sang của Việt Nam vừa đặt chân xuống sân bay quân sự Andrews thuộc tiểu bang Maryland vào tối thứ Ba ngày 23/7 theo giờ địa phương, tức sáng sớm ngày 24/7 giờ Việt Nam, bắt đầu thăm chính thức Hoa Kỳ.
Theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì ông Sang đã được các ông David Shear, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Nguyễn Quốc Cường, đại sứ Việt Nam tại Mỹ và ‘đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ’ ra đón tại sân bay.
Vị đại diện này là bà đại sứ Capricia Penavic Marshall, phụ trách lễ tân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Đến nơi vào lúc tối nên hoạt động đầu tiên của ông Sang trên đất Mỹ trong ngày 23/7 là đến nói chuyện tại Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC.
Dự kiến trong ngày thứ Tư 24/7, ông chủ tịch sẽ có buổi ăn trưa làm việc với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và có cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, hãng tin Pháp AFP cho biết.
Nâng cấp quan hệ?
Tại buổi nói chuyện ở Sứ quán, ông Sang được hãng tin nhà nước Việt Nam dẫn lời nói trong thời gian tới mối quan hệ Việt-Mỹ ‘sẽ được nâng cấp’.
Ông Sang mô tả mối bang giao Mỹ-Việt là ‘đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi’.
Ông Trương Tấn Sang tới Mỹ (ảnh của TTXVN)
Ông Trương Tấn Sang tới Mỹ (ảnh của TTXVN)
Trước đó, phát biểu với truyền thông trong nước trước chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng bày tỏ hy vọng hai nước sẽ ‘xác lập khuôn khổ đối tác mới’ trong chuyến thăm lần này của ông Sang.
Lâu nay vấn đề nhân quyền vẫn là rào cản lớn nhất khiến Washington chưa muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội.
AFP dẫn lời các quan chức Mỹ nói Tổng thống Barack Obama sẽ tập trung vào chủ đề thương mại trong cuộc hội đàm với nguyên thủ Việt Nam và cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Việt Nam hiện đang muốn tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quốc gia Đông Nam Á này cũng là một trong 10 nước bị tác động nặng nề nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp cũng như các nhà hoạt động dân chủ Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng gây sức ép với Hà Nội về hồ sơ nhân quyền của họ.
Một số nghị sỹ đã cảnh báo rằng họ sẽ tìm cách ngăn cản TPP nếu như Việt Nam không cam kết cải thiện nhân quyền.
“Một thỏa thuận thương mại tự do – nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – cần phải đáp ứng một số chuẩn mực và chúng tôi kêu gọi Tổng thống Obama hãy chuyển thông điệp này vào thứ Năm (ngày hai nguyên thủ gặp nhau),” AFP dẫn lời hạ nghị sỹ Dân chủ Loretta Sanchez nói.
Còn Hạ nghị sỹ Ed Royce thuộc Đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, thì mô tả chuyến thăm của ông Sang là ‘cơ hội đặc biệt để truyền cảm hứng cho những người dân Việt Nam hiện đang khao khát tự do’.
Sẽ nhắc về nhân quyền
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc, một số nghị sỹ cùng Đảng Dân chủ đã đến gặp Tổng thống Obama để yêu cầu ông phải nhấn mạnh vấn đề nhân quyền với chủ tịch Việt Nam.
Bốn hạ nghị sỹ Zoe Lofgren, Susan Davis, Scott Peters và Alan Lowenthal đã ra thông cáo báo chí cho biết Tổng thống Obama đã cam kết với họ là ‘sẽ nêu những quan ngại về nhân quyền với phía Việt Nam’ và đây sẽ là ‘một ưu tiên trong cuộc hội đàm sắp tới’.
“Tôi hài lòng khi hôm nay nghe tổng thống bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và việc ông thừa nhận rằng đã đến lúc phải nêu vấn đề này với Chủ tịch Sang,” dân biểu Alan Lowenthal nói trong thông cáo báo chí.
Còn dân biểu Susan Davis thì nói rằng: “Chúng ta cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng rằng những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cần được chấm dứt ngay lập tức. Giao thương không thể trả giá bằng nhân quyền.”
Tuy nhiên, ông Carl Thayer, người chuyên theo dõi tình hình Việt Nam tại Đại học New South Wales của Úc, nhận định với hãng tin Mỹ AP rằng ‘dường như vấn đề nhân quyền sẽ được đề cập một cách rất tế nhị’.
“Trong phòng họp kín Obama có thể nêu quan ngại của Mỹ (về nhân quyền),” ông nói, “Nhưng rõ ràng nó không phải là một nội dung quan trọng.”
“Đối với Obama, vấn đề là làm sao tạo ra thêm nhiều việc làm cho dân Mỹ. Nếu bán được thêm nhiều hàng hóa ở châu Á thì đó là lợi ích lớn hơn cả,” ông nói thêm.
(BBC)

Việt Nam bác bỏ quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền

Mối quan tâm của Mỹ về những vụ bắt giữ bất đồng chính kiến ​​và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam không nên ngăn cản quan hệ quân sự và kinh tế gần gũi hơn với các quốc gia Đông Nam Á, chủ tịch nước (VN) cho AP biết trước thềm cuộc hội đàm tại Washington với Tổng thống Barack Obama.
Nhận xét của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, qua email trả lời cho AP, là dấu hiệu mong muốn tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, một quốc gia cùng chia sẻ những lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực của Việt Nam.
Chuyến đi của Sang đến Mỹ, là chuyền viếng thăm lần thứ hai duy nhất bởi một nguyên thủ quốc gia kể từ khi hai kẻ cựu thù nối lại quan hệ vào năm 1995. Ông sẽ gặp Tổng thống Obama vào thứ Năm.
Mỹ cũng đang tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, vốn đang nổi lên như một đối tác quan trọng đối với các nền kinh tế chậm chạp của phương Tây, một phần của chiến lược "tái cân bằng" với châu Á. Nhưng Mỹ muốn đất nước cộng sản này phải trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến. Một số quan chức đã nói rằng tiến bộ của một mối quan hệ gần gũi hơn là phụ thuộc vào việc cải thiện thành tích nhân quyền.
Về nhân quyền, Sang cho biết, ở Việt Nam "các quyền cơ bản và quyền tự do của người dân được tôn trọng."
Khi được hỏi về mối quan tâm của Mỹ về các vụ bắt giữ các blogger, ông nói: "Có một số khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bao gồm những vấn đề nhân quyền, nhưng điều này là hoàn toàn bình thường."
Tôi hy vọng rằng sau năm năm không có các chuyến viếng thăm cao cấp giữa hai nước, chuyến thăm chính thức của tôi đến Mỹ lần này sẽ góp phần đưa mối quan hệ Việt Nam-Mỹ lên một nền tảng sâu sắc, hiệu quả và có thực chất," ông cho biết.
Lời mời đến thảo luận tại Nhà Trắng của Tổng thống Obama đã khiến một số nhà phân tích ngạc nhiên, những người cho rằng mong muốn dịch chuyển trọng tâm quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ vào chấu Á có vẻ vượt trội mối quan tâm về nhân quyền mà họ từng nhấn mạnh tại Việt Nam.
"Có vẻ như vấn đề nhân quyền đang bị lợi dụng. Đằng sau cánh cửa đóng kín Obama có thể nêu lên những  quan tâm, nhưng rõ ràng là sẽ không được nổi bật", ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, Australia nhận xét. "Đối với Obama, vấn đề là "làm thế nào để có được nhiều việc làm cho người Mỹ. "Bán được nhiều hàng ở châu Á là bạn thắng lợi nhiều hơn".
Cả hai bên dự kiến ​​sẽ thảo luận về một hiệp định thương mại mà Washington đang đàm phán với Việt Nam và 10 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác, chính quyền Obama muốn hiệp định được ký kết vào cuối năm nay. Năm ngoái, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt tổng cộng $ 26 tỉ. Các nhà lãnh đạo chủ trì một nền kinh tế chập choạng của Việt Nam cũng đang chịu áp lực để phải mang lại một tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn.
Những năm gần đây, Hoa Kỳ đã xây dựng một quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Việt Nam với các chuyến tàu ghé cảng và trao đổi sĩ quan, nhưng vẫn chưa tháo gỡ lệnh cấm vận về vũ khí sát thương áp đặt từ năm 1984. Các quan chức Mỹ cho biết họ đang xem xét để tháo gỡ, nhưng không có dấu hiệu cho thấy việc sẽ này xảy ra sớm. Ông Thayer cho biết Việt Nam không hẳn đã mua vũ khí từ Hoa Kỳ, họ thích các bạn hàng  Đông Âu hơn, nhưng một số nhà lãnh đạo trong đảng cầm quyền xem lệnh cấm này như một hình thức phân biệt đối xử.
Khi được hỏi liệu ông có muốn lệng cấm này được tháo gỡ, Sang cho biết: "Tôi tin rằng bây giờ là thời gian cho các mối quan hệ song phương của chúng tôi được hoàn toàn bình thường trong tất cả các lĩnh vực vì lợi ích, vì hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hai nước".
Phil Robertson, Phó Giám đốc Nhân quyền của Human Right Watch bộ phận Châu Á Xem, đặt câu hỏi là vì sao Sang lại nhận được lời mời viếng thăm Nhà Trắng với một thành tích nhân quyền như vậy.
"Tại sao lại xảy ra vào thời điểm này, khi đang có một cuộc đàn áp liên quan về tự do ngôn luận", ông nói. "Bây giờ trách nhiệm này thuộc về Tổng thống Barack Obama để đảm bảo rằng nhân quyền không trượt khỏi chương trình nghị sự. Hoa Kỳ phải nêu công khai mối quan tâm của mình và tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam để phải thực hiện các biện pháp cụ thể".
Chis Brummitt - Associated Press
Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ
(X - cafe)

Bốn kịch bản cho cuộc gặp Mỹ-Việt

Ngay sau khi cuộc gặp Obama - Trương Tấn Sang được Nhà Trắng chính thức thông báo vào ngày 11/7, không khí bình luận trong nước và quốc tế bất chợt sôi động hẳn lên. Người ta nói về và đặt câu hỏi về sự vội vã đáng hoài nghi về chuyến đi của ông Sang.
Lần thứ hai trong năm nay, sau thông báo đột ngột về cuộc diện kiến ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, cuộc gặp ông Obama của ông Sang là một sự kiện có tính bất ngờ.
Cuộc gặp ở Washington này lại chỉ diễn ra sau cuộc gặp tại Bắc Kinh, và sau khi nguyên thủ hai cường quốc của hành tinh đã có tiếp xúc ở California vào đầu tháng Sáu.
Trong bối cảnh đó, liệu có một nhà lãnh đạo nào của Việt Nam đủ dũng khí để đứng ra tuyên bố sẽ ngả hẳn về phương Bắc hay sang phương Tây?
Hiện thời, chưa có ai trả lời được câu hỏi này. Nhưng nếu bạn là người Việt Nam và cảm nhận được vô số điều khó xử của giới chức lãnh đạo cao cấp ở đất nước đầy phức hợp này, có lẽ bạn sẽ không thể tìm thấy đáp số, ít ra trong ngắn hạn.
Phần đông dư luận vẫn nhìn nhận về cuộc gặp Sang – Obama như một cái gì đó có tính xã giao và có thể cả tính quảng bá – tuyên truyền cho một thế đứng chính trị trên trường quốc tế và có thể cả thế “đi dây” mang nội hàm chính thể lẫn lợi ích cá nhân.
Còn nếu nhìn từ hệ quy chiếu của Nhà trắng, liệu có xảy đến một kịch bản tiêu cực cho cuộc hội kiến Obama – Sang?
Với những gì đã được “quy chiếu” bởi trục thương mại Mỹ - Trung với những móc xích khóa chặt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng hai chuyến diện kiến con thoi như được mặc định của người Việt Nam, gần như chắc chắn sẽ không có kịch bản xấu, bởi điều dễ hiểu là sẽ khó có một mâu thuẫn đủ lớn, ít ra trong ngắn hạn, có thể gây tác động không tốt đến chuyến đi Washington.
Cũng sẽ chẳng có một sự quay lưng hoàn toàn nào của Hoa Kỳ đối với những nguyện vọng và cả tham vọng của Việt Nam.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Washington
Ông Trương Tấn Sang đã đáp xuống Washington sớm ngày 24/7
Những kịch bản lạc quan
Vài ngày trước cuộc gặp giữa hai ông Obama – Sang, một nhóm nhân sĩ, trí thức Việt Nam đã gửi thỉnh nguyện thư cho người chuẩn bị bước qua cửa Nhà Trắng.
Không thể nói khác hơn là tâm tư trong bản thỉnh nguyện thư trên, được khởi tả chủ yếu từ các nhân sĩ và trí thức trong nhóm “Kiến nghị 72”, vẫn nặng lòng với vận mệnh dân tộc và vẫn trông đợi, dù chỉ bằng một xác suất rất nhỏ, vào cơ hội “thoát Trung” từ chuyến đi Hoa Kỳ của ngài chủ tịch nước.
Một chuyên gia quốc tế còn nhận định có thể ông Trương Tấn Sang sẽ quyết định “trả một cái giá” để đổi lại sự ủng hộ của người Mỹ trong các vấn đề đối tác chiến lược toàn diện, an ninh khu vực biển Đông và cả những quyền lợi kinh tế liên quan đến Hiệp định TPP.
Một lần nữa, nhiều người lại kỳ vọng vào một sự thay đổi, sau cuộc gặp Nguyễn Minh Triết – George W. Bush cách đây sáu năm mà đã hầu như chẳng tạo ra một hiệu ứng đổi thay nào.
Tất nhiên, hy vọng vẫn là hy vọng, bởi đó là một trong số không nhiều thực tồn có thể tồn tại ở Việt Nam mà không bị đánh thuế.
Những người theo xu thế lạc quan đã vẽ ra một kịch bản tốt nhất có thể, với kết quả cuộc gặp Obama - Sang đi đến thống nhất ký kết những văn bản thỏa thuận ở cấp độ không thấp về sự hỗ trợ hải quân của Hoa Kỳ ở khu vực biển Đông, tiến trình rút ngắn thủ tục cho Việt Nam gia nhập TPP và có thể cả một văn bản hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia – điều mà giới ngoại giao Hà Nội luôn xem là một món quà hậu hĩ.
Có lẽ phần lớn con mắt lạc quan trên thuộc về giới chức Đảng và chính phủ.
Trong trường hợp kém khả quan hơn, những văn bản trên có thể chỉ mang tính khung cảnh mà không đề cập vào chi tiết. Đây cũng là trường hợp mà như người ta thường nói, tất cả cần phải có thời gian, mà thời gian lại phụ thuộc vào sự cố gắng của không chỉ một bên mà cả hai phía.
Nếu kịch bản này xảy ra, sẽ có một chỗ giao thoa về quan điểm giữa “hai phía” khác: chính giới cầm quyền và một bộ phận giới quan sát độc và phản biện độc lập trong nước.
Nhưng bộ phận còn lại của giới phản biện độc lập trong nước, và có lẽ đa số trong giới quan sát quốc tế, lại không mấy kỳ vọng vào sự giải quyết rốt ráo những hiện tồn đang ám ảnh.
Bởi sau mọi mục đích, nội lực để đạt được mục đích lại phụ thuộc rất lớn vào lợi thế so sánh của nhà nước Việt Nam và bản lĩnh chính trị của chính khách Việt.
Vậy chính khách Việt đang có trong tay cái gì?
'Đường biểu diễn' nhân quyền
Liệu Việt Nam sẽ nhượng bộ về nhân quyền để xích gần lại hơn với Hoa Kỳ?
Một trong những hiện tồn nặng nề nhất ở Việt Nam là chủ đề “nhân quyền và dân chủ” mà người Mỹ chắc chắn sẽ đặt ra đối với nhà nước cựu thù vào lần gặp gỡ sắp diễn ra.
Quá khứ đã có thể dễ dàng gác lại, và càng có nhiều lý do để bỏ qua vào thời điểm “nhạy cảm” này, nhưng làm thế nào để những người Việt rời Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, và trên hết là những người bất đồng chính kiến đang hiện hữu tại Việt Nam, có thể chia sẻ với chính đảng cầm quyền về hệ lụy mà phương Tây luôn căn vặn: đàn áp nhân quyền?
Với những gì mà Hà Nội đã bộc lộ từ sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào trung tuần tháng 4/2013 đến nay, điều rõ ràng là chưa có một biểu hiện lộ diện nào về khả năng cải thiện tình hình.
Thậm chí, đường biểu diễn quyền làm người ở Việt Nam còn được chia thành hai phân đoạn khá rõ rệt trong nửa đầu năm 2013: trước và sau tháng Tư năm nay.
Ở phân đoạn trước, giới quan sát quốc tế đã chứng kiến một sự kiện chưa có tiền lệ: chuyến làm việc của Tổ chức ân xá quốc tế tại Việt Nam, lần đầu tiên từ năm 1975, với việc các quan chức của tổ chức này còn được tiếp cận những “đối tượng” do họ đề nghị đích danh. Và có thể, ý nghĩa của lần viếng thăm này còn lớn lao hơn cả một ẩn ý nào đó của chuyến “hành hương” đến Vatican của nhân vật số một trong Đảng – ông Nguyễn Phú Trọng – vào đầu năm 2013.
Cùng trong phân đoạn biểu diễn nhân quyền trên, những kiến nghị chưa từng thấy của nhóm “72” về Hiến pháp và điều 4 độc đảng đã tạo nên một xung chấn đủ mạnh trong đời sống chính trị phi chính thức ở Việt Nam – một hiện tượng tâm lý xã hội được xem như không chỉ phản ánh ý thức đối lập của người dân mà còn dắt dây sang tâm trạng “suy thoái” của một bộ phận không quá nhỏ trong khối đảng viên và công chức nhà nước.
Chỉ có điều, sau phân đoạn sôi trào không khí phản biện như thế lại là một sóng xuống khá trầm lắng.
Ngay sau khi cuộc đàm phán nhân quyền Việt – Mỹ kết thúc tại Hà Nội, trưởng phái đoàn là Dan Baer đã không làm cách nào tiếp xúc được với những nhà hoạt động nhân quyền là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Văn Đài. Cuộc gặp duy nhất mà Dan Baer đạt được chỉ là với linh mục Nguyễn Văn Lý trong nhà tù chế độ. Cha Lý lại là một con chiên nổi tiếng bất đắc dĩ với hình ảnh bị những người không mặc sắc phục bịt miệng tại tòa án.
Hình như Hà Nội vẫn chưa sẵn sàng đối thoại về nhân quyền, dù một số quan chức đã hé mở tâm trạng riêng tư của họ với ngành ngoại giao Cộng đồng châu Âu “hãy cho chúng tôi thêm thời gian”.
Song nếu thời gian đã được chứng nghiệm ở Myanmar với những cam kết đã biến thành hiện thực của Tổng thống Thein Sein bằng vào lệnh thả hàng trăm tù chính trị trong hai năm 2011, 2012 và sẽ thả hết trong năm 2013, thì ở Việt Nam lại chưa hiện ra một tinh thần tự nguyện nào.
Kịch bản chiếm ưu thế?
Từ sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, làn sóng bắt bớ blogger lại trào lên. Bất kể vì lý do và động cơ gì, vì an ninh quốc gia hay một động lực riêng tư nào đó, việc bắt giữ ba blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy đã làm dấy lên mối nghi ngờ chưa bao giờ kết thúc của giới nhân quyền Mỹ và châu Âu về điều chưa bao giờ được xem là “thành tâm chính trị” của nhà cầm quyền Hà Nội.
Vậy làm sao có thể hy vọng vào một kịch bản tốt đẹp, hoặc tương đối tốt đẹp, trong cuộc gặp Obama - Sang vào lần này, khi nhân quyền và dân chủ lại là đối trọng mà người Mỹ đang đặt ra như một điều kiện cần?
Chỉ có thể nghĩ đến một kịch bản khá trung dung, thậm chí rất bình thường – kịch bản thứ tư – với xác suất xảy ra lớn nhất.
Tức sẽ không có một thỏa thuận nào gây ấn tượng, dù chỉ là thỏa thuận khung, về các vấn đề TPP, an ninh khu vực biển Đông và đối tác chiến lược toàn diện. Thay vào đó, sẽ chỉ là những lời hứa hẹn trên bàn ngoại giao – một loại quỹ ngôn từ không hề thiếu thốn nếu các nhà ngoại giao thấy chưa cần thiết phải làm đầy đặn hơn nữa.
Những nhà ngoại giao Hoa Kỳ lại không hề muốn bị dư luận dân chúng Mỹ và quốc tế đánh giá về một sai lầm tiếp nối của họ, nếu họ “buông” cho Hà Nội vượt vũ môn để tiếp cận một cách quá dễ dàng với những mục đích tự thân về kinh tế và danh vọng.
WTO 6 năm về trước và Hiệp định thương mại Việt – Mỹ cách đây đúng một “con giáp” là những bài học sần sùi khó nuốt của người Mỹ.
Nếu năm 2007 đánh dấu cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nguyên thủ nhà nước Bush – Triết, thì trước đó một năm, nước Mỹ cũng nhấc Việt Nam ra khỏi danh sách CPC về những quốc gia cần quan ngại đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo. Nhưng cũng kể từ thời gian đó, tình trạng nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại không có dấu hiệu khả quan hơn, nếu không muốn nói là bị đánh giá “thụt lùi sâu sắc”.
Hiển nhiên, bài học về nhân quyền khép kín không tương xứng với độ mở tối đa về kinh tế đã hằn sâu trong não trạng người Mỹ, cho tới giờ và cho cả những năm tháng trong tương lai.
Sự bất tương xứng như thế lại còn như được gia cố bởi mối quan hệ đang có chiều hướng bền vững giữa Bắc Kinh - một hậu duệ mao - ít vốn chẳng mấy quan tâm đến vấn đề quyền con người và mới đây còn bắt luôn cả một luật sư đang bào chữa cho thân chủ hoạt động nhân quyền mới bị bắt của mình - với Hà Nội.
Cái gì mang tính hệ thống luôn có thể dẫn đến chuỗi logic trong hành xử. Mối quan hệ “mười sáu chữ vàng” có thể đã hữu hảo đến mức mà người Mỹ không còn mơ hồ về việc nhà nước Việt Nam sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng của Trung Nam Hải về chính sách nội trị, đối với những gì và những ai không đồng nhất với ý thức hệ và quyền lợi chính trị của họ.
Lối tắt
Một hệ quả hầu như chắc chắn là cho dù không xảy ra kịch bản tiêu cực cho cuộc hội kiến Obama – Sang, nhưng không phải vì thế mà mọi điều khoản của TPP đều dễ dàng thuận thảo.
Nhận định gần đây của một quan chức châu Âu cho biết khác nhiều với mong muốn của Hà Nội, TPP sẽ không kết thúc lộ trình đàm phán nào vào tháng 10/2013, mà khả năng sớm nhất của hiệp định này là được thông qua bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm sau. Còn nếu mọi việc thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể tìm ra lối mở qua TPP sau hai năm nữa, tức vào năm 2015.
Khoảng cách từ đây đến năm 2015 có lẽ lại là quá lâu so với thế nôn nóng của những người đang muốn gỡ gạc nền kinh tế khỏi khủng hoảng.
Mà cũng chưa biết chừng, nền kinh tế ấy hoàn toàn có thể bị hoại thư toàn phần chỉ sau hai năm nữa.
Nhưng vẫn còn một lối mở khác - ngắn hơn, cũng là một lối tắt thu rút con đường hòa hợp và hòa giải quốc tế của giới lãnh đạo Việt Nam. Không còn nhiều lựa chọn, đó phải là một hoặc những biểu hiện của lòng thành tâm chính trị - điều đã được phương Tây ghi nhận ở Myanmar, đối với Thein Sein.
Không có thành tâm chính trị, người ta sẽ không đạt được bất kỳ một mục tiêu và kịch bản tốt đẹp nào, dù cho cá nhân.
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
* Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà báo hiện sống ở TP HCM.
(BBC)

Hiệu Minh - Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tới Washington DC


Nói chuyện với cán bộ ĐSQ và nhân viên các tổ chức QT tại DC. Ảnh: HM
Sau 20 giờ bay, chuyên cơ chở đoàn của Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tới sân bay Andrew Air Force Base (Andrew AFB) của Washington DC vào 6 giờ chiều ngày 23-7-2013. Chủ tịch Sang đi thẳng từ sân bay về phố R, nơi có tòa đại sứ của Việt Nam, nói chuyện với nhân viên ĐSQ và những người Việt công tác tại WB và IMF.
Dù sau một ngày bay, trái giờ, nhưng đến phố R cũng đã 7 giờ tối, nhưng Chủ tịch Sang trông vẫn nhanh nhẹn, cười tươi, bắt tay từng người, hỏi vài câu xã giao.
Ông dành khoảng 20 phút nói chuyện, chào và cảm ơn cán bộ nhân viên sứ quán đã vất vả chuẩn bị cho chuyến đi. Ông cũng nhắc tới WB đã giúp VN rất nhiều trong chiến lược phát triển dài hạn, cho vay vốn.
Phần còn lại, Chủ tịch Sang nói về chuyến đi Mỹ rất quan trọng, cần có những ký kết nhất định để mang về. Thấy ông toàn dùng từ “bạn”, ta cần bạn hiểu ta, bạn biết tình hình tế nhị thì sẽ không ép, ta cần giải thích cho bạn hiểu. Không hiểu là bạn nào vì ngày xưa hai nước Mỹ Việt choảng nhau như kẻ thù truyền kiếp :)
Chủ tịch Sang có giọng sang sảng, rõ ràng, nói ngắn gọn, không cần giấy tờ, có lẽ là cuộc gặp người nhà mình. Gặp chỉ vẻn vẹn 20 phút nhưng cũng thấy ông tự tin dù sau chuyến bay vượt Thái Bình Dương rất dài. Hy vọng vào Nhà Trắng gặp Obama, ông Sang vẫn giữ phong thái đó.
Khách mời được thông báo là họp lúc 5:30 chiều, nhưng 6 giờ hơn máy bay mới xuống, 7 giờ tối Chủ tịch xuất hiện cùng với đoàn tùy tùng, nghe nói có cả tướng Vịnh, và mấy chục thương gia tháp tùng.
Bà con đợi lâu quá nên sứ quán tổ chức cho các bà các chị đứng ở cửa tập đón Chủ tịch, tập vỗ tay, dạy một cháu cách nói “Chào bác Chủ tịch”, không được nói tiếng Anh, chỉ được nói tiếng Việt. Mọi người cười rất vui, tivi cũng quay luôn. Nếu VTV đưa cảnh vỗ tay có khi là lúc khách tập hoan hô cũng nên . Nói chung, không khí vui vẻ.
Tòa đại sứ VN hiện tại trên phố R là tòa đại sứ cũ của Sài Gòn để lại sau 1975. Hiệu Minh Blog từng viết về bác Nguyễn Túc, người đã gửi bức điện báo cáo thường lệ về Sài Gòn vào ngày 30-4-1975 từ Washington DC. Sau khi khóa tất cả các cửa, bác Nguyễn Túc ra đi và nhìn lại lần cuối tòa nhà Đại sứ. Chùm chìa khóa, bác giữ lại làm kỷ niệm. Nay bác Nguyễn Túc đã mất, không hiểu chùm chìa khóa đó ở đâu.


Ngôi nhà VN trên phố R. Ảnh: HM
Tòa nhà nay đã sửa lại khá đẹp và được gọi là “Ngôi nhà Việt Nam”. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói với Chủ tịch Sang, đây là tài sản của Việt Nam duy nhất trên đất Mỹ, có “sổ đỏ và quyền sử dụng đất” hẳn hoi. Cả hội trường cười ồ.
Những nhiệm kỳ trước, đại sứ Nguyễn Tâm Chiến và đại sứ Lê Công Phụng đã cất công mang bàn thờ rồng phượng vào tòa nhà này, nhưng nay không thấy nữa. Có lẽ do không hợp với kiến trúc và bài trí của ngôi nhà nên có thể đã chuyển đi. Nhưng tôi thấy thay đổi đó là hợp lý, phòng tiếp khách rộng hơn, có nhiều người đứng ngồi được hơn. Bàn thờ rồng phượng, sơn son thiếp vàng trông hơi khập khiễng trong cái villa kiểu Mỹ.
Các bà, các chị trong sứ quán vẫn giữ kiểu quê nhà, tự nầu nướng, bày cỗ mời Chủ tịch. Vốn là blogger tò mò, mình ra phía sau nhà, thấy các bà cười cười và đuổi khéo, anh vào trong kia cho mát, ngoài này nóng lắm. Sân sau toàn rau, cà chua, cà rốt đang chuẩn bị cho món salat. Phòng ăn đã sẵn sàng, mình thì đói meo, nhưng không trong danh sách mời  
Vài ảnh gửi bà con về điểm dừng chân đầu tiên tại nước Mỹ của Chủ tịch nước. Như ông nói, chuyến đi mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai bên, khu vực và có ảnh hưởng lớn. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường và phu nhân dù vẻ mặt lo lắng nhưng vui ra mặt, vì lo được chuyến đi này là thành công lớn của tòa đại sứ VN tại DC.
Ấn tượng ban đầu của Cua Times là rất tốt với nhiều hy vọng. Không hiểu sao tôi tin như vậy. Lạ thế.

Trong lúc chờ đợi, bà con tập hoan hô. Ảnh: HM

Các cháu tập tặng hoa và nói tiếng Việt. Ảnh: HM

Bà con chào đón khách. Ảnh: HM

Chào bà con VK tại DC. Ảnh: HM

Chủ tịch nói chuyện thân mật trong tòa Đại sứ. Ảnh: HM

Nét mặt lo âu của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: HM

Nhân viên WB và IMF. Ảnh: HM

Ngôi nhà VN trên phố R. Ảnh: HM
Xem thêm: Hình bóng quê nhà ở DC – nói về ngôi nhà trên phố R.
Bà con nào muốn chúc cho chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ thành công, xin nhấn 5 sao vào đánh giá. Xin cảm ơn.

Hiệu Minh

Ông Sang đến Washington (Phần 1)

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang – một ủy viên cao cấp có thế lực của Bộ Chính Trị cầm quyền, nơi những quyết định quan trọng của chính quyền được đưa ra và ấn xuống cho Trung ương của Đảng Cộng sản cầm quyền – sẽ gặp gỡ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Nhà Trắng vào ngày 25/7. Dù gì đi nữa, cuộc gặp hôm Thứ Năm sẽ có ý nghĩa quan trọng với hai vị nguyên thủ quốc gia. Cuộc gặp diễn ra vào thời điểm có những căng thẳng gia tăng lâu nay vẫn kìm hãm các mối quan hệ chiến lược và kinh tế mật thiết hơn giữa hai nước cựu thù trong chiến tranh.
Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama có cơ hội vun đắp mối quan hệ song phương (tôn trọng lẫn nhau) sâu sắc hơn. Nhưng vẫn chưa rõ liệu có vị lãnh đạo nào có tầm nhìn hay bản năng chính trị cần thiết để nắm bắt cơ hội này hay không. Hai vị nguyên thủ quốc gia này có thể chỉ cố gắng tán dương cho hấp dẫn, mong sao bỏ qua những bất đồng quan trọng về các vấn đề cốt lõi hiện đang chia rẽ Washington và Hà Nội. Trong đó, hai vấn đề nan giải nhất là: những cách hành xử nhân quyền của Việt Nam xúc phạm các chuẩn mực luật pháp quốc tế được chấp nhận (theo cách nhìn của Washington), và các áp lực kinh tế đầy xúc phạm của nước giàu (quan điểm của Hà Nội).
Nhà Trắng đã liệt kê “nhân quyền” là chủ đề đầu tiên trong ba chủ đề sẽ có trong chương trình nghị sự khi hai vị lãnh đạo gặp nhau hôm Thứ Năm. “Biến đổi khí hậu” là ưu tiên thứ hai được nêu, và tiếp theo là các cuộc đàm phán thương mại Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ, Việt Nam, và 10 nước Châu Á- Thái Bình Dương khác.
Nhưng chương trình nghị sự thực sự lại rộng hơn, gồm những quyết định căn bản mà cả hai nước cần đưa ra về việc liệu có nên tăng cường hợp tác chiến lược và an ninh giữa hai nước hay không. Nhà bình luận sắc sảo David Brown, một cây bút đặc biệt cho tờ Asia Sentinel, đã viết rằng Chủ tịch Trương Tấn Sang và Bộ Chính trị dường như đã “bị lay chuyển” khi ông Sang thăm Bắc Kinh vào tháng Sáu. Có vẻ như trong các cuộc hội đàm kín với những vị lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, chủ tịch nước Việt Nam ra về với những lời lẽ tốt đẹp, nhưng chẳng có gì thực chất. Do “cuộc gặp rõ ràng đáng thất vọng với các lãnh đạo của Trung Quốc”, tác giả Brown viết, một cuộc viếng thăm “vội vã” đến Washington được sắp xếp sau đó. Ở Washington, Bộ Chính trị muốn Chủ tịch Sang tìm hiểu xem liệu Tổng thống Obama – một chính khách, theo cách nhìn của một số người Châu Á, nổi tiếng là chủ yếu nói toàn điều hay ý đẹp trong các cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ nước ngoài – sẽ có giúp ích được gì hơn hay không.

Cả hai chính phủ đều không tiết lộ thêm chi tiết về nội dung hội đàm giữa Trương Tấn Sang và Obama vào hôm Thứ Năm. Một phát ngôn viên Nhà Trắng thậm chí còn không cho biết hai vị nguyên thủ sẽ hội đàm ở phòng nào trong Nhà Trắng, chứ đừng nói gì đến chuyện cho biết tên những nhân vật khác sẽ có mặt trong phòng họp.
Nhìn kỹ mỗi đề mục trong ba vấn đề cụ thể trong chương trình nghị sự hội đàm Sang-Obama, ta thấy với mỗi vị nguyên thủ, bất cứ trao đổi ngoại giao thật sự “thẳng thắn” nào cũng sẽ đặt ra những câu hỏi gây khó xử, đó là chưa kể các tình huống làm bẽ mặt lẫn nhau.
Với Trương Tấn Sang, câu hỏi gây khó xử sẽ là giải thích cho Obama hiểu giới lãnh đạo Việt Nam nghĩ là họ thực sự được lợi gì khi giam giữ hơn 160 tù chính trị. Đây là những công dân Việt Nam không phạm “tội” gì cả – ngoài việc lên tiếng hòa nhã than phiền rằng chính quyền của họ bị xem là ngày càng tham nhũng và thiếu trách nhiệm giải trình. Và Obama có thể hỏi về một nghị định của Hà Nội ngày 15/7 nhằm cấm ngôn luận “chống lại nhà nước của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, hay bất cứ ý kiến phê phán nào mà đảng e ngại có thể “gây nguy hại cho an ninh quốc gia”, theo tường thuật của Đài Á Châu Tự Do. Nghị định này ngắm đến các biểu tượng internet phổ biến như Google và Facebook.
Dĩ nhiên, luôn nan giải cho người Mỹ khi bày tỏ các quan điểm hợp lý về nhân quyền mà không có vẻ ngạo mạn hay dạy đời dưới con mắt của giới lãnh đạo Việt Nam luôn nhạy cảm. Nếu bị gây sức ép quá nặng nề, hay quá công khai, cộng sản có thể chỉ việc bắt bớ thêm nhiều blogger vô tội để dằn mặt người Mỹ. Nếu Mỹ không làm căng, chính quyền Hà Nội có thể cứ tiếp tục làm bất cứ chuyện gì họ thích. Xưa nay, chưa ai thực sự hình dung được ngôn ngữ ngoại giao phù hợp nhất.
[Và nếu giọng điệu của Obama về nhân quyền xúc phạm Trương Tấn Sang, Chủ tịch Việt Nam có thể nêu ra vấn đề dioxin. Trương Tấn Sang có thể hỏi liệu vị lãnh đạo Mỹ có thấy xấu hổ về việc một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội gần đây phủ nhận với Drew Brown, phóng viên của McClatchy, rằng không có chuyện nhiều công dân Việt Nam ngày nay vẫn chịu những ảnh hưởng thảm khốc của dioxin do Không lực Hoa Kỳ rải trên đất Việt Nam trong thời kỳ bắn phá.]
Với Obama, có lẽ điều khiến bẽ mặt nhất là Nhà Trắng của ông – vì những lý do hoàn toàn mang tính cục bộ địa phương trong nước liên quan đến những quan hệ chính trị của ông với các nghiệp đoàn Mỹ và sự vận động hành lang của ngành dệt Mỹ không có khả năng cạnh tranh toàn cầu – đã quá quắt đưa ra những yêu sách đối với Việt Nam trong các cuộc đàm phán thương mại TPP mà Bộ Chính Trị có họa là dại dột mới chấp nhận. Quả thực, những áp lực kinh tế khá thô thiển của Obama lâu nay đang tạo ưu thế cho những người ở Hà Nội ngày càng nghi vấn giá trị của các mối quan hệ thương mại và chiến lược mật thiết hơn với Mỹ.
Ngoài khả năng có thể làm bẽ mặt lẫn nhau, hóa ra điều mà Nhà Trắng muốn bàn về biến đổi khí hậu cho thấy (rất có thể ngoài dự kiến của cả Trương Tấn Sang lẫn Obama) việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương đã trở nên phức tạp đến mức nào.
Quyền lực chính trị và điện lực
Về biến đổi khí hậu, có thể Obama chỉ muốn đánh bóng phẩm chất ‘xanh” của mình bằng cách giảng cho Chủ tịch Sang một bài hay về tầm quan trọng của việc các quốc gia hợp tác với nhau để giải quyết tình trạng địa cầu ấm lên.
Nhưng còn một điều quan trọng khác đang diễn ra giữa Washington và Hà Nội cho thấy ý nghĩa chính trị của vấn đề biến đổi khí hậu đã xen vào mối quan hệ song phương ra sao. Không chắc là nhân viên Nhà Trắng – hiện nay dường như phải dàn sức đảm đương quá nhiều việc – đã báo cáo tóm lược cho Obama biết về các tác động của một quyết định hồi tuần trước của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Eximbank) từ chối dùng nguồn vốn tài trợ xuất khẩu của Mỹ để xây một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than công suất 1.200 megawatt ở tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Nhưng chắc chắn, chủ tịch Sang không cần được báo cáo tóm lược đặc biệt mới hiểu trọn vẹn các tác động do hành động của Mỹ. Sở dĩ như vậy là do quyết định của Eximbank đi thẳng vào trung tâm của cách thực thi quyền lực chính trị ở Việt Nam ngày nay – và chạm đến những cái đầu nhạy cảm trong Bộ Chính Trị.
Trong một bức thư ngày 17/7 gởi cho tổng thống Obama, Greenpeace, Friends of the Earth và các tổ chức môi trường khác phàn nàn rằng “nhà máy chạy bằng than bẩn này sẽ gây ô nhiễm ở mức không thể chấp nhận được mà sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng xáo trộn khí hậu và đầu độc các cộng đồng địa phương”. Kế hoạch hành động về khí hậu của Obama, họ nhận xét (rất đúng), phản đối việc Mỹ tài trợ cho các dự án than ở nước ngoài, với lý do là chúng làm tăng lượng khí thải nhà kính.
Các nhóm vận động hành lang về môi trường đã khắc họa chính xác các chính sách hành động về khí hậu của Obama. Quy định hướng dẫn của ngân hàng Eximbank về cơ bản không tài trợ cho các dự án nước ngoài có độ carbon cao chẳng hạn như các nhà máy than. Hiện nay, Eximbank quan tâm hơn đến việc tham gia vào các dự án năng lượng có thể tái tạo. Dù sao, sau khi thực hiện một cuộc “thẩm định chi tiết”, cơ quan tài trợ xuất khẩu Mỹ đã phát hiện rằng nhà máy ở Thái Bình không hội đủ tiêu chuẩn. Vì thế, ngân hàng không kiểm tra các chi tiết khác của dự án: vốn tài trợ, mức độ khả tín, vân vân.
Phần lớn những điều nêu trên đã được các hãng tin Mỹ đưa – nhưng phần hay nhất của câu chuyện này lại không được tường thuật: chính xác là ai đã muốn nguồn vốn tài trợ xuất khẩu của Mỹ cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình?
Eximbank không nêu những chi tiết như vậy trong tài liệu công bố công khai trước khi các dự án được phê chuẩn, nhưng tìm hiểu thêm một chút thì thấy rằng người ta mong có nguồn vốn của Eximbank để giúp một trong những đại tập đoàn quốc doanh của Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (tự gọi mình là PV Power). PV Power là công ty con của Tập Đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (tên tắt là PVN). Theo một bản tin tiếng Việt năm 2011, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của PV Power là một dự án trị giá 1,6 tỉ Mỹ kim. Các đơn vị chính là các hãng xây dựng Hàn Quốc và Nhật.
Ngày 3/8/2012, Babcock & Wilcox Co., công ty có trụ sở ở Charlotte, Virginia, thông báo rằng một công ty con đóng ở Bắc Kinh –Babcock & Wilcox Beijing Co. Ltd. – đã giành được hợp đồng trị giá 300 triệu Mỹ kim liên quan đến Thái Bình từ công ty Daelim Industrial Co. Ltd. của Hàn Quốc. Công ty Babcock & Wilcox nói rằng họ sẽ thực hiện công việc kỹ thuật ở Bắc Kinh cho hai lò nung chạy bằng than cho dự án Thái Bình, và cũng sẽ tham gia vào sản xuất.
Tuy một phát ngôn viên của Babcock & Wilcox không thể trả lời các câu hỏi về dự án Thái Bình trước khi bài báo này lên khuôn, dường như PetroVietnam và công ty Hàn Quốc muốn xin nguồn vốn tài trợ từ Eximbank để mua thiết bị do Mỹ sản xuất. Tài liệu công bố công khai không có chi tiết về số việc làm ở Mỹ mà nguồn tài trợ xuất khẩu này lẽ ra đã có thể hỗ trợ. (Cũng không rõ vai trò mà than có – hoặc có thể nên có – trong việc giải quyết các nhu cầu năng lượng của một nước đang phát triển như Việt Nam).
Sự liên can của PetroVietnam, đối với những ai hiểu cách vận hành của cái có thể gọi là “nền kinh tế chính trị” Việt Nam, cho thấy các hậu quả của câu chuyện này vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc đấu tranh bình thường về đồng vốn và việc làm với chỉ một công trình xây dựng.
Các công ty quốc doanh kiểm soát có lẽ một phần ba nền kinh tế Việt Nam. Kém hiệu quả, bí mật và thường bị xem là có tham nhũng, các công ty quốc doanh cũng là chỗ kiếm tiền cho các đảng viên cộng sản cao cấp. Các công ty này trực thuộc văn phòng Thủ tướng, và vì vậy là một nguồn quan trọng để bổ nhiệm với mục đích ban phát bổng lộc và tạo ảnh hưởng chính trị. (Thử tưởng tượng Tổng thống Obama bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của một phần ba trong 500 công ty hàng đầu theo xếp hạng của Fortune, chẳng hạn như Boeing, General Electric, Microsoft, Google, Exxon, vân vân.)
Trong các cuộc đàm phán thương mại TPP, phía Mỹ đang yêu cầu Việt Nam tiến hành những cải cách về tính minh bạch, và thực hiện những biện pháp nhằm giúp các công ty quốc doanh có tính định hướng thị trường hơn. Như vậy là đòi hỏi quá nhiều, nếu xét đến thực tế là cũng chính các tập đoàn nhà nước đó lâu nay đã giúp nhiều cán bộ đảng cao cấp – bao gồm cấp Bộ Chính Trị – trở nên giàu sụ. Trong gần suốt mười năm qua, Bộ Chính Trị đã chật vật tìm cách xử lý vấn nạn này.
PetroVietnam lâu nay đã có nhiều điều tiếng ở Việt Nam. Hồi tháng 10 năm ngoái, một bài trên nhật báo Thanh Niên cho biết PetroVietnam đã bị chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chỉ trích với lý do công ty này “cần công bố tài chính và số liệu lợi nhuận”.
Bài viết của báo Thanh Niên nói thêm rằng đại tập đoàn quốc doanh này đã phủ nhận những lời tố cáo công khai của các đại biểu quốc hội cho rằng tập đoàn lâu nay sử dụng tiền thuế của dân để đầu cơ bất động sản. Rồi tờ Thanh Niên đặt câu hỏi tại sao PV Power và các công ty con thuộc sở hữu 100% của PVN có công ty bất động sản của riêng mình. Tờ báo này thậm chí còn đăng ảnh chụp Nam Đàn Plaza ở Hà Nội, được mô tả là “một dự án trung tâm mua sắm cao cấp do PV Power đầu tư xây dựng”. (Theo quan điểm của giới quản lý công ty quốc doanh, đầu cơ bất động sản hẳn có lãi hơn điện lực, vì chính phủ buộc họ ấn định giá điện quá thấp cho người tiêu dùng Việt Nam nên không thể kinh doanh có lãi được.)
Tuần này, các quan chức Việt Nam cùng công cán với Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ ra sức thuyết phục các quan chức của Eximbank. Trong khi Chủ tịch Trương Tấn Sang và Obama hội đàm. Khó có khả năng họ sẽ thành công. Các quan chức Mỹ có thể thắc mắc liệu các quan chức PetroVietnam có dùng bất cứ khoản lãi nào thu được từ nguồn vốn vay lãi thấp của Mỹ để đầu cơ vào các thương vụ bất động sản mạo hiểm hơn hay không.

(Còn tiếp)

Greg Rushford
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
(Blog Phạm Vũ Lửa Hạ)

Việt Nam: lòng tin và ưu tiên chiến lược

Quan hệ Mỹ -Việt hiện nặng về quân sự hơn là chia sẻ các giá trị chung
Việt Nam đã và đang thiết lập nhiều mối quan hệ chiến lược với nhiều nước trên thế giới nhằm hội nhập vào cộng đồng quốc tế nhưng những mối quan hệ này rất khó bền vững vì thiếu nền tảng cơ bản: lòng tin.
Nếu Việt Nam muốn các nước khác nghiêm túc xem xét đòi hỏi của mình thì trước tiên cần phải cân nhắc lại và đề ra những ưu tiên đối với các vấn đề quốc nội cũng như quốc tế.
Suốt những năm cuối thập niên 1990, và đặc biệt là đầu thế kỷ 21, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, và nhanh chóng trở thành một điển hình cho sự giàu có ở Đông Nam Á với nền kinh tế tăng trưởng mạnh dù cuối cùng sụp đổ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2007 vì sự quản lý yếu kém của chính phủ.
Với mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, rõ ràng Việt Nam hay Trung Quốc ngày nay không phải là những đất nước cộng sản mà Hồ Chí Minh hoặc Mao Trạch Đông đã vẽ ra, và chắc hẳn cũng không phải những gì Karl Marx đã tưởng tượng.
Đặc biệt, với những tòa nhà cao chọc trời và tầng lớp trên là thiểu số nhưng nắm phần lớn tài sản của toàn bộ quốc gia, thì rõ ràng Việt Nam không phải là thiên đường xã hội chủ nghĩa như nhiều ngưởi tưởng tượng.
Thay vào đó, độc quyền nhà nước của một đảng tại Việt Nam đã tạo ra tình trạng lạm dụng quyền lực; thậm chí hiến pháp và pháp luật do một đảng tự ý sửa đổi và áp dụng tùy tiện.
Nhà nước độc quyền của một đảng chính trị hiển nhiên không phải nhà nước dân chủ.
Việc khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không qua sự đồng thuận của nhân dân là nguyên nhân dẫn đến sự không chính danh của bản hiến pháp và chế độ hiện hành.
Tính chính danh của một nhà nước chỉ được thể hiện khi được nhân dân trao quyền thông qua bản hiến pháp dân chủ và các cuộc bầu cử tự do, công bằng.
Do đó, mặc dù các nhà lãnh đạo hiện tại có khẳng định rằng “Việt Nam là một người bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” thì nhiều người cũng không khỏi lo ngại và tỏ vẻ thận trọng về tính chính danh của chế độ hiện hành.
Đối tác khác bạn bè
Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 178 nước trên thế giới, đồng thời là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược với khoảng hơn một chục nước, bao gồm cả Anh Quốc, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ; và những ngày tới thì Hà Nội muốn thêm cả Singapore, Pháp và Hoa Kỳ vào danh sách này.
    "Việt Nam đã liên tục quay sang cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm đối tác để đối trọng lại với Trung Quốc"
Về khía cạnh nào đó thì những mối quan hệ này có ý nghĩa nhưng chúng thiếu vắng “sự cam kết” cần thiết trong mối quan hệ an ninh song phương giữa các bên. Và chắc chắn các mối quan hệ này rất khó để nâng cấp lên thành mối quan hệ đồng minh đầy tin cậy.
Trong trận chiến Việt–Trung vào năm 1979, Liên Xô – đồng minh thân cận của Việt Nam, đã quyết định đứng bên ngoài.
Việc này cho thấy các mối quan hệ đối tác chiến lược không kèm theo các hiệp ước phòng thủ chung, vì vậy, khác rất nhiều so với mối quan hệ đồng minh.
Mối quan hệ chiến lược chỉ đơn thuần dựa trên những lợi ích chung và có tính toán giữa hai nước. Nhưng về lâu về dài thì những lợi ích này có thể sẽ thay đổi, và vì vậy, các mối quan hệ chiến lược buộc phải chuyển hướng cho phù hợp.
Cho nên, dù rằng Việt Nam có rất nhiều các đối tác chiến lược thì cũng không nên xem đây là thước đo về số lượng bạn bè hay đồng minh mà Việt Nam có được trên trường quốc tế. Bạn bè và đối tác là hai thứ khác nhau rất xa.
Ví dụ, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2008, nhưng trên thực tế việc này không mang nhiều ý nghĩa khi xét tới các vụ xung đột ở Biển Đông trong thời gian qua.
Giữa lúc các lợi ích của hai nước thay đổi và chính sách đối phó trong khu vực cũng ngày càng khác biệt thì thử hỏi mối quan hệ đối tác của hai nước này liệu có mang lại hiệu quả?
Dù rằng hai nước có chung đường biên giới, cùng thể chế chính trị, nhưng họ chỉ có vậy mà thôi!
Việt Nam đã liên tục quay sang cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm đối tác để đối trọng lại với Trung Quốc, và hy vọng đưa những chính sách ngang ngược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ra trước ánh sáng.
Những việc trên chưa kể đến những trận đụng độ trên biển giữa hai nước và kết quả đã mang lại không ít thương vong.
Thành quả lớn nhất mà hai nước này đạt được dựa trên tinh thần quan hệ chiến lược, là thiết lập và cải thiện các kênh liên lạc thông tin giữa các cấp nhà nước. Nhưng đó chỉ về mặt hình thức, và trong thực tế thì hai nước tuy gần nhưng lại rất xa.
Không cùng giá trị
Rất khó để thiết lập các đối tác chiến lược mang ý nghĩa sâu đậm khi không cùng chung các giá trị tư tưởng và niềm tin.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi xây dựng 'lòng tin chiến lược' giữa Việt Nam và các nước lớn
Liệu Việt Nam tìm kiếm điều gì ở Pháp hay Hoa Kỳ nếu không cùng ý chí thượng tôn pháp luật và tôn trọng các ý kiến khác biệt của người dân?
Nếu Việt Nam chỉ đơn thuần sử dụng Pháp hay Hoa Kỳ để thực hiện các kế hoạch khác mà không quan tâm đến việc các nước này tin tưởng vào điều gì, thì có lý do gì để họ trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam?
Tại sao Hoa Kỳ phải trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam khi mà Việt Nam thiếu thiện chí với những lo ngại của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền, tù nhân chính trị và thượng tôn pháp luật?
Chế độ cộng sản đã làm Việt Nam suy yếu và cô độc trên trường quốc tế. Đây nên là một mối lo lớn đối với các lãnh đạo tại Hà Nội. Cần phải nhận ra rằng lặp đi lặp lại cùng một chính sách không thể mang lại những kết quả khác nhau.
Việt Nam cần thay đổi, và sự thay đổi này không phải tới từ ‘lòng tin chiến lược’ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu mà phải tới từ những hành động cụ thể.
Muốn trở thành một người bạn và đối tác đáng tin cậy của tất cả các nước trên thế giới thì Việt Nam cần thực sự tạo dựng lòng tin. Quan trọng hơn hết, hội nhập và “xây dựng lòng tin chiến lược” trước hết đòi hỏi các lãnh đạo Việt Nam phải thật tâm tạo dựng lòng tin đối với nhân dân trong nước và có khả năng hội nhập với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Không có nhiều cách để thực hiện điều này ngoài việc cần phải làm đầu tiên là cải cách hệ thống chính trị bị lạm dụng để tạo lập xã hội bình đẳng cũng như xây dựng một nhà nước chính danh.
Cần phát huy dân chủ bao gồm việc tháo gỡ hệ thống độc quyền nhà nước của một đảng để xây dựng nhà nước thượng tôn pháp luật, đa nguyên, bắt đầu từ bản hiến pháp dân chủ của toàn dân.
Nhà nước pháp quyền của dân hay nhà nước thượng tôn pháp luật là nền móng nhất thiết không chỉ quan trọng cho việc xây dựng lòng tin mà còn là nhu cầu của mọi xã hội trong mọi thời đại.
Đó là nhu cầu không thể thiếu bên cạnh một nền báo chí khai phóng, trung thực, chế độ tòa án độc lập, và hệ thống bầu cử tự do, dân chủ.
Luật sư Vũ Đức Khanh và ông Võ Tấn Huân
Gửi cho BBC từ Canada
* Tác giả Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế. Ông Võ Tấn Huân là bác sỹ dược khoa tại Hoa Kỳ.
(BBC)

Mạng lưới blogger Việt Nam: Trao Tuyên bố 258 cho Đại sứ quán Mỹ

Vào 2h chiều ngày thứ tư, 24/7/2013, một số blogger đã có cuộc gặp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội để trao bản Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam, gọi tắt là Tuyên bố 258.
Có bốn blogger là Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Vũ Hiệp, Lê Dũng và Lã Việt Dũng. Phía quan chức của Đại sứ quán Mỹ gồm có Tham tán Chính trị Mark Lambert và Tùy viên Báo chí Spencer Cryder.
Tại cuộc gặp, bốn blogger đã trao Tuyên bố 258 cùng danh sách hơn 100 người ký tên chung. Có thể coi bản Tuyên bố này là hành động tập thể đầu tiên của giới blogger chính trị ở Việt Nam nhằm nói lên quan điểm của mình trước việc Nhà nước Việt Nam tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Bốn blogger cho biết, họ gồm hai người làm kinh doanh và hai sinh viên hiện đang sinh sống ở Hà Nội. Họ chỉ là những công dân Việt Nam bình thường, mong muốn được góp tiếng nói vào bản Tuyên bố để từ đó vận động sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Hợp Quốc, của nước Mỹ và các tổ chức quốc tế, bạn bè quốc tế trong việc thúc đẩy Chính phủ Việt Nam cải thiện các quyền tự do của nhân dân.
Phía Sứ quán nói rằng Washington hiểu tình hình nhân quyền tại Việt Nam hiện nay đang như thế nào, cũng như hiểu không khí chính trị thời điểm này rất nhạy cảm với những vấn đề Việt Nam gặp phải. Họ cũng đề cập cả tới tình trạng của blogger Điếu Cày. (Ông Điếu Cày hiện đã tuyệt thực sang tới ngày thứ 32 trong tù). Theo ông Lambert và ông Cryder, Washington từng nhiều lần đề cập tới chuyện nhân quyền khi làm việc với Việt Nam. Hai ông bày tỏ hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam.
Có thể coi đây là một sự kiện rất ý nghĩa, bởi nó diễn ra đồng thời với chuyến thăm Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Sau cuộc gặp hôm nay với cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ, trong thời gian tới, mạng lưới blogger dự kiến sẽ tiếp tục đến gặp các đại sứ quán khác ở Việt Nam, cũng như các tổ chức quốc tế về nhân quyền, để trao tận tay Tuyên bố 258.
Mạng lưới blogger Việt Nam

BT Y tế lý giải không thăm 3 trẻ tử vong

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích về việc không đến thăm gia đình 3 trẻ sơ sinh tử vong khi bà đang công tác tại Quảng Trị.
Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến sự việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong ngày 20/7 sau khi tiêm vắc xin viêm gan B.
Ngày 21/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, báo chí đưa tin nữ Bộ trưởng tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Gio Linh; thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn...
Mặc dù tham gia các sự kiện đó ngay tại tỉnh Quảng Trị, nhưng người đứng đầu ngành y tế lại không đến thăm hỏi và chia sẻ với các gia đình có con bị tử vong. Cũng tại đây, khi phóng viên đề nghị Bộ trưởng phát ngôn về việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin Viêm gan B, bà đã từ chối trả lời với lý do đã có đoàn công tác của Bộ Y tế nắm bắt thông tin và trả lời báo chí.
Đã có nhiều ý kiến trên báo chí cho rằng, nữ Bộ trưởng nên trực tiếp đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân. Trong đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, bà Tiến nên đến thăm gia đình có con xấu số.
 - 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Người lao động)
Trao đổi với PV hôm nay (24/7), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lý do đi công tác Quảng Trị để họp với UBND tỉnh Quảng Trị về nhiều nội dung công việc khác. Lịch trình, chuyến bay... đã được bố trí kín lịch. Do vậy, bà không thể bố trí thời gian đi thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong.
“Bộ Y tế cũng đã có đoàn công tác tại Quảng Trị thăm hỏi, chứ tôi không thể trực tiếp đi”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong chuyến công tác, bà đã chỉ đạo đoàn công tác của Bộ Y tế tìm nguyên nhân, khắc phục hậu quả. Cùng với đó, bà và lãnh đạo chính quyền địa phương, Sở Y tế Quảng Trị... họp thống nhất các phương án khắc phục.
Hiện tại, nguyên nhân của sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ. Bộ trưởng Tiến cho biết, hiện nay bà cũng đang thúc giục các đơn vị chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Bộ Y tế đã lấy mẫu, đưa đi kiểm tra tại các cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế.
“Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật..”, nữ Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Tiến, cơ quan công an cũng đưa mẫu vắc-xin, các mẫu lấy từ tử thi để xét nghiệm song song với xét nghiệm của Bộ Y tế.
Dương Tùng
(Khám phá)

Công chức Việt Nam thời thượng nhất thế giới?

(Trái hay Phải) – Không chỉ trang bị mô tô “dân chơi” có giá vài trăm triệu mỗi chiếc cho Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động, tới lượt các đại biểu HĐND được trang bị máy tính bảng vài chục triệu mỗi chiếc, mục tiêu là để tiết kiệm chi phí, giảm bớt nhân sự.
Hòa chung không khí những cái nhất của Việt Nam, chúng tôi xin được bầu tiếp công chức Việt được xem là sành điệu nhất thế giới, bên cạnh sự tự tin nhất, hứa nhiều nhất, thất hứa nhiều nhất, tất cả đó đặt trong bối cảnh là một nước Việt được toàn cầu công nhận là hạnh phúc nhất nhì thế giới; xuất khẩu lúa gạo, cà phê nhiều gần nhất với giá thì rẻ nhất thế giới; công nghệ dự báo thời tiết hiện đại nhất nhì khu vực nhưng kết quả dự báo sai chắc cũng xếp ở vị trí tương đương; có lẽ tới trộm cắp, cướp giật, “chặt chém” khách du lịch cũng xếp nhất luôn…
Với nhiều cái nhất như thế thì việc công chức Việt sành điều nhất đâu có gì lạ phải không quý vị, đặc biệt là công chức lại sống ở một nước được xếp thứ 3 thế giới về “mê hàng hiệu”.
cong-chuc-viet-chiu-choi-nhat-the-gioi-Phunutoday.vn.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng lướt iPad xem tài liệu kỳ họp (trái), và dàn mô tô "dân chơi" trang bị cho Thanh tra giao thông Đồng Nai (phải). Thế này có được gọi là "chịu chơi"?
Xét về độ “chịu chơi” thì HĐND TP. Hà Nội là phải kể tới đầu tiên, khi từ kỳ họp hồi tháng 7/2012, 95 đại biểu của Hội đồng đã được trang bị iPad 2 để phục vụ cho việc nhận và xem tài liệu, báo báo, cập nhật tin tực trên mạng… đây là địa phương đầu tiên và cũng là cơ quan đầu tiên trang bị iPad cho thành viên của mình.
Nói gót Hà Nội “chơi sang”, năm 2012, HĐND tỉnh Bạc Liêu cũng trang bị máy tính bảng hiệu Samsung Galaxy tab 10.1 cho toàn bộ đại biểu Hội đồng, với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Cùng thời gian này, Cà Mau cũng đã trang bị máy tính bảng iPad 3 (phiên bản 32GB) cho 53 đại biểu HĐND tỉnh.
Sự chịu chơi của các Hội đồng vẫn chưa dừng lại ở đó, mới hôm qua (9/7), tỉnh Sóc Trăng cũng chi gần 2 tỷ đồng để trang bị cho 55 đại biểu HĐND tỉnh này mỗi người một chiếc iPad (giá 20 triệu đồng/chiếc). Tuy đi sau nhưng Sóc Trăng xem ra lại rất bài bản, khi đi kèm với thiết bị hiện đại là một nền tảng công nghệ tiện lợi, khi đầu tư kinh phí thiết kế hẳn một phần mềm chuyên dùng cho các đại biểu, phần mềm quản lý toàn bộ tài liệu của kỳ họp.
Theo ông Ngô Tấn Thành, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Sóc Trăng, thì việc trang bị iPad cho đại biểu là để tiết giảm chi phí, tranh lãng phí và cắt giảm nhận dự cho việc in ấn tài liệu. Đổi lại, ngoài chi phí cho thiết bị và phần mềm quản lý, tỉnh này còn kéo một đường truyền mạng riêng kéo đến hội trường để phục vụ việc truy cập mạng. Bộ phận in ấn được cắt giảm thì nảy sinh một bộ phận kỹ thuật cũng được tăng cường tại chỗ để hỗ trợ đại biểu khi cần thiết.
Vì công nghệ cao nên việc có đại biểu lúng túng, chưa tận dụng hết lợi thế công nghệ là khó tránh, đặc biệt với các đại biểu tuổi cao, mắt kém, tay run.
Với tiến độ cập nhật công nghệ như hiện nay, thì có lẽ chẳng còn lâu nữa người ta sẽ không còn thấy cảnh đại biểu loay hoay tay xách cặp sách, nách kẹp tài liệu nữa, thay vào đó là sự thảnh thơi, tay 'chọc' lướt trên màn hình cảm ứng. Xa rồi cái thời kính trễ sâu, tay hì hụi lật tìm từng trang tài liệu, giờ đây chỉ cần nhớ na ná nội dung, lựa chọn cùm từ tìm kiếm và Enter là có ngay điều mình cần.
Đâu chỉ có đại biểu HĐND “chịu chơi”, mới hồi tháng 3 vừa rồi Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng tiết lộ với báo giới là sẽ iPad cho cán bộ chiến sỹ Phòng CSGT nhằm giúp lực lượng có thể truy cập internet và chỉ đường đi ngắn nhất cho người dân cũng như kiểm tra, lưu trữ các thông tin về tình trạng tái phạm lỗi của người điều khiển phương tiện để đưa ra mức xử phạt hợp lý. Thậm chí không loại trừ việc cán bộ không thuộc luật thì có thể lên mạng tra.
Và để chuẩn bị cho việc sử dụng iPad trên, các chiến sỹ CSGT Hà Nội đều được cử đi học lớp đào tạo tin học với chứng chỉ B.
Nhưng độ “chịu chơi” công nghệ trên chưa thấm vào đâu so với Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, đã không chơi thì thôi, chơi là phải “máu”, khi hồi tháng 12/2012, lực lượng này đã “tậu” 8 chiếc mô tô Kawasaki Ninja 250R, đây là loại xe phiên bản mới, động cơ 249 phân khối, công suất 32 mã lực... giá thành là 260 triệu đồng/xe tương đương 12.500 USD/chiếc (trong khi trên một số trang mạng loại xe này bán ở Nhật và Indonesia khoảng từ 5.200 USD - 7.345 USD/chiếc).
Theo gót Thanh tra giao thông, Cảnh sát phản ứng nhanh (113), Công an tỉnh Đồng Nai hồi tháng 4 vừa rồi cũng đã nhận 3 xe mô tô đặc chủng của “dân chơi”, gồm 2 xe Yamaha R6 và 1 xe Honda CBR 1000, mà theo nhiều cư dân mạng cho biết giá của một chiếc Yamaha R6 đời cũ tại Việt Nam xấp xỉ 400 triệu đồng, Honda CBR 1000 có giá từ 550 - 630 triệu đồng/xe.
Nhưng Đồng Nai cũng chỉ được xếp là “dân chơi mới”, khi từ năm 2009, Thanh tra giao thông tỉnh Tây Ninh cũng đã mua 10 mô tô Kawasaki Boss 175 phân khối để phục vụ công việc.
Xin phép quý vị không liệt kê thêm nữa, vì trong giới hạn một bài viết không thể dài quá sợ nhọc lòng quý vị đọc, mỏi mắt xem, rồi lại nhẩm tính xem cái sự “chịu chơi”, “sành điệu” kể trên của công chức Việt đã tốn bao nhiêu tiền ngân sách, mà cụ thể hơn là tiền thuế của quý vị. Thôi thì, các cụ xưa nói rõ rồi “người không biết không có tội”, thà không biết, không nghe, không hiểu sẽ thấy sống vui vẻ hơn biết bao.
Dù sao thì các tổ chức quốc tế qua các điều tra của mình vẫn xếp Việt Nam là đất nước hạnh phúc thứ nhì thế giới, vì thế, người dân hãy vì cái vui riêng của mình đi đừng quan tâm người khác làm gì, sống ra sao, còn công chức họ cũng phải có cái vui riêng của họ chứ, những cái sự mua sắm ở trên cũng là để được vui thôi mà, mình vui cũng nên để người khác vui cùng quý vị à.
Cũng phải nói thêm rằng, việc trang bị máy móc, công nghệ hiện đại được dẫn lý do là để cắt giảm chi phí, chống lãng phí cơ mà. Vậy nên, kể ra đấy là một cách cắt giảm chi tiêu, chống lãng phí khá hiệu quả, điều mà bấy lâu các đại biểu vẫn đau đầu vì nói nhiều mà hiệu quả thực tế vẫn không thấy đâu, ô tô công vẫn cứ sắm ầm ầm. Lời khuyên của người viết là, muốn sống tốt là cần phải tin.
Phạm Thanh
(Phunutoday.vn)
 

Đánh giá về "Mùa xuân Ả-rập"

TTXVN (Cairô 19/7)
Nhà sử học Henry Laurens, Giáo sư thuộc trường “College de France”, chuyên gia nghiên cứu lịch sử đương đại của thế giới Arập, cho rằng “Mùa Xuân Arập” là một cuộc cách mạng bình thường. Các chế độ độc tài và tham nhũng ở Trung Đông và Bắc Phi đã gây ra các cuộc cách mạng được dẫn dắt bởi những lý tưởng về nhân phẩm và dân chủ. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi gần đây của ông Henry Laurens với tạp chí “Jeune Afrique”:

http://infonet.vn/Uploaded/Old/459/t459345.jpg.ashx?width=580&height=326&crop=auto
"Mùa xuân Ả-rập"
Hỏi: Tại sao có thuật ngữ “Mùa Xuân Arập”?
Trả lời: Tôi không biết ai là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này để nói về các sự kiện gần đây. Từng có những sự kiện đã xảy ra vào mùa Xuân tại Prague (1968), tại Bắc Kinh (1989)… Và từ quan điểm này, có thể nói đây chính là hình ảnh riêng của nó. “Mùa Xuân Arập” thuộc về quá trình chuyển đổi dân chủ trong ba mươi năm trong không gian Arập. Khu vực Arập, vốn đã được thống nhất trong một chừng mực nào đó về chính trị trong các cuộc cách mạng giai đoạn 1950-1960 và chủ nghĩa Nasser (tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Ai Cập: 1956-1970, người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng ách đô hộ của thực dân Anh – TTXVN), một lần nữa bị chia rẽ trong giai đoạn của các nhà độc tài. Nhưng không gian chính trị đã được khôi phục nhờ sự ra đời của các tổ chức chính trị vào giữa những năm 1990, tiếp theo là các trang mạng xã hội.
Hỏi: Sự khác biệt của “Mùa Xuân Arập” với các cuộc cách mạng Arập từ 1950-1960 là gì?
Trả lời: Rất có hệ thống, các cuộc cách mạng Arập là phong trào tập thể. Khi Nasser kêu gọi: “Đàn ông, hãy đứng lên!” Người ta đã đứng lên chống lại sự thống trị của nước ngoài. Đó là việc giành độc lập chủ quyền. Đó là tinh thần chung của thế giới thứ ba vào thời điểm đó. Bandung, nơi diễn ra Hội nghị thành lập của Phong trào Không liên kết trong năm 1955, nhằm khôi phục lại chủ quyền của các nước châu Á, châu Phi bị các quốc gia thực dân đô hộ. Ngày nay, đó là một yêu cầu về phẩm giá cá nhân, vài khẩu hiệu tương tự, “Hãy đứng lên!”. Nhưng đó là sự khẳng định của một người, một cá nhân. Tôi có thế nói đó là một cuộc cách mạng bình thường. Bởi vì đó là yêu sách cơ bản để đạt được sự dân chủ một cách bình thường, không giống như hoàn cảnh của thế giới Arập trước năm 2011. Do đó, “Mùa Xuân Arập” không phải là một cuộc cách mạng xoay quanh một dự án không tưởng, trái lại, đó là cuộc cách mạng bình thường như mục tiêu của nó.
Hỏi: Phải chăng Tuynidi là ngòi nổ của phong trào?
Trả lời: Có thể đúng là tại Tuynidi trong năm 2011, một sự dồn nén căng thẳng cần được giải phóng. Đó là tia lửa làm nổ tung các thùng thuốc súng. Khu vực Sidi Bouzid của Tuynidi là điểm xuất phát của sự bùng nổ, kết qua của tất cả những căng thẳng đã được tích tụ. Trận động đất Tuynidi gây ra một loạt các cơn dư chấn trong thế giới Arập bằng cách chứng minh hai điều: thứ nhất người ta có thể hứng chịu nỗi sợ hãi và thứ hai người ta có thể chiến thắng. Những mâu thuẫn như thế cũng tồn tại trong các xã hội Arập khác nên cuộc cách mạng đã bị lan tỏa… Cánh tả Arập có một không gian chính trị để hoạt động.
Hỏi: Chúng ta vẫn đang trong một cuộc cách mạng hay bước vào một giai đoạn sau cách mạng?
Trả lời: Có một sự nhầm lẫn lớn và các sự kiện chứng tỏ rằng chúng ta vẫn còn ở trong giai đoạn cách mạng. Tất cả các cuộc cách mạng bắt đầu bằng việc trao lại địa vị cho các lực lượng văn hóa, xã hội và chính trị của các nước đó. Các cuộc cách mạng làm sống lại đời sống chính trị theo đúng nghĩa của từ này, thứ bị đóng băng đã được khởi động. Tất cả xã hội bắt đầu chuyển động và các phong trào có thể mâu thuẫn với nhau. Tổ chức nào cũng nói đến quyền lực. Trong giai đoạn đầu, các phong trào được tổ chức tốt hơn, phản ánh tiếng nói của xã hội và được quần chúng ủng hộ. Các tổ chức chính trị Hồi giáo là những người đầu tiên giành được cảm tình bởi vì họ được tổ chức tốt hơn và thể hiện sự đối lập thực sự đối với chế độ độc tài. Nhưng cuộc cách mạng chưa kết thúc và các cuộc chơi đang được mở.
Hỏi: Chủ nghĩa Hồi giáo bây giờ mới được thử thách, làm thế nào để có thể thành công?
Trả lời: Điều này là sai. Tôi tin rằng các bằng chứng cho thấy đạo Hồi không phải là giải pháp. Đạo Hồi chỉ dễ dàng được dùng để tố cáo hơn là quản lý và đạo Hồi không cho phép điều chỉnh công tác quản lý của nhà nước, nền kinh tế, thất nghiệp hay nợ nần. Đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng quốc gia và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các lực lượng làm nảy sinh Mùa Xuân Arập không có chương trình nghị sự chính trị và xã hội cụ thể, nhưng họ đã muốn và vẫn muốn chấm dứt tình trạng khẩn cấp và hình thành một nhà nước phúc lợi: việc làm, an sinh xã hội, cải thiện dịch vụ y tế… Để đảo ngược tình thế này, tổ chức Anh em Hồi giáo là những người tự do hơn cả. Đó là lý do tại sao họ có một không gian chính trị để hoạt động.
Hỏi: Thành công của phe chính trị Hồi giáo phải chăng là thất bại của cánh tả Arập?
Trả lời: Tại Trung Đông, sự thất bại của cánh tả chống chủ nghĩa đế quốc là rất lớn, nhưng thật đáng buồn điều đó đã được báo trước. Phe cánh tả đang vận động xung quanh Hezbollah và Xyri. Họ ưu tiên chống chủ nghĩa đế quốc về dân chủ, thỏa hiệp với chế độ của Tổng thống Bashar al- Assad. Họ không còn là một động lực của cuộc cách mạng. Tuy nhiên, Ai Cập và Tuynidi có những phong trào xã hội mạnh mẽ. Đã xuất hiện trở lại phong trào dân chủ và xã hội chủ nghĩa cánh tả, bên cạnh Tổng Liên đoàn lao động Tuynidi (UGTT) và phong trào néonassériens (những người theo chủ nghĩa Nasser mới – TTXVN) ở Ai Cập. Phe cánh tả dân chủ này không thỏa hiệp với các chế độ độc tài.
Hỏi: Nếu cuộc cách mạng tiếp tục thì vẫn còn sự nhiệt tình cách mạng?
Trả lời: Chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa chủ nghĩa thần bí và chính trị. Lúc đầu là một hành động huyền bí, một sự nghiệp cao cả và đúng đắn để người ta hy sinh vì nó. Nhưng chắc chắn, với sự thỏa hiệp không thể tránh khỏi, các trò chơi quyền lực làm cho sự huyền bí thay đổi, dẫn đến suy thoái theo hướng chính trị. Bởi vì nó chuyển giai đoạn từ huyền bí sang lối mòn. Trong các cuộc tập hợp đầu tiên tại Quảng trường Tahrir, người Ai Cập đã có niềm đam mê và sự nhiệt tình, sau đó trở thành một nghi lễ, biểu tượng, nhưng khi người ta trở lại với thực tế, tổ chức lại, họ trở nên cực đoan, mất động lực ban đầu.
Hỏi: Cảm nghĩ của ông như thế nào về vấn đề Xyri?
Trả lời: Tôi đánh giá khá tiêu cực theo hướng đi từ thảm họa này đến thảm họa khác, bởi chính xác không có sự can thiệp của quốc tế, ngoại trừ chế độ Assad. Ông đã nhận được sự hỗ trợ vật chất từ Nga và Iran, hỗ trợ ngoại giao từ Trung Quốc, điều này cho phép ông tồn tại. Trong mọi trường hợp, không thể có giải pháp thỏa hiệp. Trong chừng mực mà chế độ Assad không còn một chỗ dựa tin cậy nào, sẽ được phán xét bởi chính lịch sử. Những người nổi dậy biết rằng họ sẽ chết nếu không chịu dừng lại.
***
TTXVN (Pretoria 19/7)
Theo mạng “Tin châu Phi” gần đây, tình trạng bất ổn hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một dấu mốc quan trọng, một bước ngoặt trong sự phát triển của “Mùa Xuân Arập”. Trên thực tế, “Mùa Xuân Arập” không còn nằm trong các nước Arập nữa, nó đã đi vượt ra ngoài biên giới thế giới Arập, lan sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đây là một bước ngoặt của những biến động chính trị tại các nước Trung Đông – Bắc Phi thời gian qua. Tuy nằm giữa trung tâm của cuộc khủng hoảng nhưng Angiêri dường như lại nằm ngoài những làn sóng bất ổn. Mặc dù quốc gia này cũng phải đối mặt với các cuộc biểu tình xuất phát từ sự bất mãn lan rộng trong lớp trẻ về tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, bài viết này nhằm có một đánh giá về những biến động đang xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác.
Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Thủ tướng Erdogan bị cáo buộc về việc chuyên quyền và ngày càng trở nên độc đoán. Nhiều chỉ trích cho rằng chính phủ có nguồn gốc Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận nhũng người bất đồng chính kiến và chính điều này đã làm nảy sinh các mâu thuẫn trong xã hội. Đề xuất của Thủ tướng Erdogan về việc cấm bán rượu đã đẩy hàng nghìn người vào tình trạng thất nghiệp, gây thiệt hại lớn cho thương mại và du lịch. Đây là những ngành quan trọng của nền kinh tế nên càng làm gia tăng mâu thuẫn xã hội. Thủ tướng Erdogan cũng làm cho các đồng minh truyền thống của ông thất vọng bởi tình trạng tham nhũng dưới thời mình cầm quyền. Các cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu chỉ có tính chất tự phát đã dần biến thành biểu tình có tổ chức với mục đích đấu tranh chính trị, chống lại chính phủ. Các cuộc biểu tình diễn ra khi kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đi xuống trong bối cảnh chính phủ tiến hành cải cách cơ cấu, công việc cần được dự kiến thực hiện sớm hơn. Ngoài ra, tình hình càng trở nên phức tạp khi chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống và địa phưong trong năm 2014 và bầu cử quốc hội vào năm 2015 đã được tiến hành. Thủ tướng Erdogan và Đảng Công lý và -Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ lên nắm quyền từ năm 2002 sau khi giành một loạt chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Dường như Thủ tướng Erdogan vẫn ở đỉnh cao quyền lực cho đến khi “Mùa Xuân Arập” diễn ra.
Trong khi châu Âu đang lâm vào khủng hoảng thì Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng tăng cường tiềm lực cho mình bằng cách thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước Arập. Khi còn đang chần chừ trọng việc ra nhập Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển trọng tâm sang thiết lập quan hệ với các nước Arập. Nhiều thỏa thuận lớn về kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Libi đã được thực hiện dưới thời Tổng thống Gaddafi. Thủ tướng Erdogan cũng có quan hệ thân thiện với Tổng thống Xyri Bashar al-Assad. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang có triển vọng lớn trong hợp tác với các nước Arập. Tuy nhiên, môi trường chính trị ổn định trước năm 2011 của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi theo chiều hướng xấu khi nước này ủng hộ mạnh mẽ lực lượng đối lập tại Xyri, làm thay đổi cán cân cuộc chiến tại Xyri thông qua cuộc chiến tranh không tuyên bố với chế độ Assad. Điều đáng nói là phần lớn người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều không ủng hộ chính sách can dự vào cuộc chiến tại Xyri của chính quyền Thủ tướng Erdogan. Đây chỉ là một trong những yếu tố – gia tăng thêm sự bất mãn mạnh mẽ với chính phủ xuất phát từ cuộc sống của người dân và tình trạng suy thoái kinh tế.
Mặc dù cảm xúc bất mãn gia tăng khắp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều này không biến thành những biến động như “Mùa Xuân Arập”. Có lẽ các yếu tố cần thiết là chưa đủ nhưng mục tiêu của các cuộc biêu tình vì dân chủ là rất rõ ràng. Thủ tướng Erdogan đã nhận được một nửa số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2011 và vẫn là người giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri, trong khi đó phe đối lập luôn cáo buộc Erdogan không đủ sức để đối phó với những thách thức nghiêm trọng. Tuy nhiên, phong trào biểu tình chống chính phủ đã làm nảy sinh nhiều nhà lãnh đạo mới, thách thức đến vị trí của Thủ tướng đương nhiệm. Trên thực tế, uy tín của Thủ tướng Erdogan đã bị giảm sút vì tình trang kinh tế, yếu tố có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại của chính phủ trong tương lai.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, lực lượng quân đội luôn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các tướng lĩnh quân đội đã tổ chức bốn cuộc đảo chính thành công kể sau năm 1945 đến nay. Mặc dù năm 2011, lực lượng quân đội đã bị suy giảm uy tín và quyền lực với việc chính phủ Thủ tướng Erdogan bắt và đưa ra tòa hàng trăm sĩ quan về tội đảo chính, nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có sức mạnh chính trị rất lớn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Thủ tướng đương nhiệm. Phần lớn các sĩ quan chỉ huy cấp quân đoàn trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chủ nghĩa thế tục trong quân đội, thể hiện sự chống đối với chính quyền hiện tại. Quân đội tránh né tham gia đàn áp người biểu tình, nhân viên bệnh viên quân y tại Istanbul còn cung cấp mặt nạ phòng độc cho người biểu tình. Ngoài ra, binh sĩ quân đội đã cứu giúp, chăm sóc nhũng người biểu tình bị thương tại doanh trại quân đội ở Istanbul. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ngăn chặn các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu, tình tại Hatay. Trong khi quân đội đang tìm cách tránh xa khỏi các vấn đề chính trị, thì vai trò của lực lượng này sẽ tiếp tục gia tăng nếu tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có chiều hướng xấu đi.
Iran
Ngày 2/6/2013, Giáo sĩ Jalaluddin Taheri qua đời ở tuổi 87 tại Isfahan, một trong những thành phố lớn nhất ở Iran. Ông là nhân vật đối đầu với Chính phủ Iran, là lãnh đạo tinh thần theo chủ nghĩa cải cách và từng chỉ trích gay gắt cơ chế giáo sĩ bảo thủ, thậm chí từ bỏ chức vị để phản đối. Hàng chục nghìn người đã tham dự tang lễ của Taheri. Đám tang đã biến thành một cuộc biểu tình chống chính phủ trên diện rộng. Những người đưa tang đã hô vang các khẩu hiệu chống Chính phủ Iran và lãnh tụ tối cao, Giáo chủ Ali Khamenei, gọi ông ta là một nhà độc tài và kêu gọi thả tất cả tù nhân chính trị. Trước phản ứng của người biểu tình, cảnh sát đã không can thiệp, một hành động được cho là sự cẩn trọng để không gây ra sự tức giận công chúng trước cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc biểu tình đã gây ra những ảnh hưởng bất ngờ và thể hiện sự bất bình trong dân chúng ngày càng lan rộng. Đã có những quan ngại về sự liên quan giữa sự kiện này và kết quả bầu cử tổng thống sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn bùng phát.
Ngày 14/6 vừa qua, ứng cử viên Hassan Rouhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran khi nhận được hơn 50% số phiếu bầu, tránh phải tổ chức cuộc bầu cử vòng hai. Các qui định mới về bầu cử dưới sự ủng hộ của lãnh tụ tối cao Khamenei đã kiểm soát rất chặt chẽ cuộc bầu cử tổng thống lần này, loại bỏ các chính trị gia tiềm năng khỏi danh sách ứng cử, như cựu Tổng thống Hashemi Rafsanjani, lãnh đạo của phong trào cải cách, người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm và Esfandiar Rahim Mashaei – Phụ tá thân cận của Tổng thống Ahmadinejad. Tám ứng cử viên đã được Hội đồng Giám hộ Iran phê chuẩn để tham gia cuộc tranh cử vị trí tổng thống. Trước tình hình đó, Tổng thống đương nhiệm Ahmadinejad đã lên tiếng phản đối khi cho rằng quá trình bầu cử tổng thống là hoàn toàn bất hợp pháp. Với sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm ở Tuynidi, Ai Cập, Libi và Yêmen, thì đây là cơ hội để phản đối với những gì được xem là không công bằng trong các cuộc bầu cử. Ngay cả ông Rouhani, một giáo sĩ 65 tuổi, người nổi tiếng của phái bảo thủ đã có những thay đổi theo hướng cái cách trong thời gian gần đây. Kết quả cho thấy cuộc bầu cử tổng thống tại Iran đã phản ánh sự ủng hộ của công chúng đối với thay đổi. Có khoảng 70% dân số Iran đang ở độ tuổi dưới 30, phần lớn trong số này sống tại các thành phố và có cá tính chính trị mạnh mẽ.
Angiêri
Những ảnh hưởng của “Mùa Xuân Arập” chưa lan tới tới Angiêri, một quốc gia có diện tích rất rộng và đông dân. Angiêri vẫn chưa bị ảnh hưởng của “Mùa Xuân Arập” sau cuộc nội chiến lịch sử khi chính phủ nước này đã cố gắng để ngăn chặn những thách thức đối với sự ổn định trong nước và khu vực. Angiêri ủng hộ chế độ Gaddafi, phản đối các hành động can thiệp quân sự của NATO và chưa bao giờ công nhận chính quyền chuyển tiếp tại Libi. Các nhà lãnh đạo của Angiêri đã đủ sáng suốt để đánh giá rằng những biến động tại Libi sẽ tạo ra sự bất ổn tại khu vực Maghreb và Sahel, và điều này về sau đã được minh chứng.
Angiêri cũng đã đưa ra quan điểm tương tự với cuộc khủng hoảng tại Xyri là ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Angiêri lo ngại những phản ứng dây chuyền sẽ lan qua biên giới nước này kích động các nhóm thánh chiến và những phần tử chống đối trong nước. Angiêri cũng đã phản đối quyết liệt quyết định của Liên đoàn Arập ủng hộ các nước Arập vũ trang cho các nhóm đối lập tại Xyri. Khi những gì đang xảy ra tại Mali, Angiêri thể hiện là một đối tác chống khủng bố tin cậy, với sự ổn định và quân đội được trang bị mạnh nên đã nâng cao khả năng chống khủng bố. Angiêri có nguồn dự trữ năng lượng dồi dào, nền kinh tế tương đối phát triển với dự trữ ngoại tệ khoảng 200 tỷ USD đủ phục vụ các vấn đề kinh tế xã hội phát sinh. Năm 1988, cuộc biểu tình chống lại sự cai trị độc đảng đã mở đường cho các cuộc bầu cử có sự tham gia tranh cử của nhiều đảng phái. Đây là điều mà rất ít các nước trong khu vực có được sự tiến bộ này. Tuy nhiên, tại Angiêri, nguồn lợi từ dầu mỏ và khí đốt dường như không làm giảm vấn đề thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ. Khoảng 23% dân số nước này sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia. Tỷ lệ thất nghiệp chiếm khoảng 10% nhưng lại tăng lên mức 22% trong đội tuổi từ 18 đến 24. Nền kinh tế Angiêri hầu như hoàn toàn dựa vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, một ngành công nghiệp đầy lợi nhuận nhưng không tạo ra nhiều việc làm. Vì vậy, các vấn đề đói nghèo, thất nghiệp và bất mãn xã hội vẫn đang trở thành nguy cơ gây ra bất ổn xã hội. Các cuộc biểu tình trong nước đă trở thành một đặc tính quen thuộc với đời sống của người dân Angiêri hơn nửa thế kỷ. Nhưng sự chi tiêu hào phóng của chính phủ đã tạm thời thuyết phục người biểu tình chưa thúc đẩy một cuộc nổi dậy chính thức trong giai đoạn 2010-2012. Với số lượng dân số trẻ đông nên nhu cầu về việc làm và nhà ở ngày càng cao nhưng nền kinh tế Angiêri vốn quá phụ thuộc vào dầu mỏ lại không thể đáp ứng. Thêm vào đó, những khó khăn này càng trở nên trầm trọng khi Tổng thống Bouteflika đang lâm bệnh nặng, trong khi đó chưa có người kế nhiệm đủ sức đối phó với các vấn đề khó khăn. Sự ra đi sắp tới của Tổng thống Bouteflika sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực chính trị và nguy cơ dẫn đến bất ổn. Theo báo cáo “Cái giá của sự ổn định tại Angiêri” của Lahcen Achy thuộc tổ chức tư vấn Carnegie Endowment (Mỹ), “để ngăn chặn sự sụp đổ hoặc thay đổi chế độ, Angiêri cần cải cách chính trị và kinh tế sâu sắc nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, mở cửa cho sự tham gia của công chúng vào đời sống chính trị và nâng cao trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị”. Nhiều nhà phân tích cũng cảnh báo rằng chính người dân Angiêri hiện nay đang “nỗ lực” để gây bất ổn cho đất nước.
Cựu sĩ quan tình báo của Angiêri Mesbah Shafiq, hiện là nhà phân tích chính trị đã cho rằng cơn đột quỵ nhỏ của Tổng thống đương nhiệm Bouteflika đồng nghĩa với việc nước này sẽ bầu được một nhà lãnh đạo mới trong năm 2014. Ông Mesbah Shafiq cũng khẳng định Tổng thống Bouteflika mong muốn nắm giữ cương vị tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa và điều này sẽ làm gia tăng thêm các cáo buộc tham nhũng liên quan đến những người thân cận của Tổng thống trong các cơ quan quân đội và tình báo. Tuy nhiên, người dân Angiêri đang mong đợi những chuyển biến tích cực trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Trong thời gian hiện nay, Tổng thống Bouteflika khó có thể sụp đổ nhanh và chấm dứt 15 năm cầm quyền. Angiêri có thể bước vào một trang sử mới với cơ hội lớn hơn để thay đổi nhưng đất nước khó có thể tránh được những tác động của các cuộc nổi dậy trong khu vực.
Kết luận
“Mùa Xuân Arập” đã lan rộng khắp Trung Đông và làm cho khu vực này ngày càng bất ổn với xu hướng phát triển khó dự đoán trước. Khi người dân khu vực này đòi tự do và dân chủ, phương Tây đã nhanh chóng can thiệp, phản bội những “người bạn cũ” như Ben Ali ở Tuynidi, Mubarak ở Ai Cập, Saleh ở Yêmen. Sau đó, các nền dân chủ thế tục đã nắm quyền cai trị tại các quốc gia này bằng các phần tử cấp tiến, đàn áp tất cả các giá trị của nền dân chủ, đẩy các quốc gia vào tình trạng hỗn loạn với các chính phủ yếu kém như ở Libi. Sau những biến động chính trị, Libi ngày càng trở nên hỗn loạn và chính quyền không kiểm soát được tình hình hiện nay. Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với phe đối lập tại Xyri khi các phần tử khủng bố đang gia tăng trong phe này. Nhật báo “Die Welt” của Đức cho biết có khoảng 5% thành viên trong Quân đội Xyri Tự do là những kẻ khủng bố vũ trang và 95% số này đến từ các nước châu Phi để tham gia cuộc thánh chiến tại Xyri đang được nhiều nước vùng Vịnh và Arập hậu thuẫn. Tổng thống Mỹ cũng vừa thông qua quyết định viện trợ quân sự cho phe đối lập tại Xyri. Nếu các phần tử cực đoan giành thắng lợi tại Xyri, việc đầu tiên chúng làm sẽ là áp dụng luật Hồi giáo Sharia, điều khiến nước Pháp đã phải triển khai quân đội để can thiệp vào miền Bắc Mali. Ngoài ra, các phần tử cực đoan sẽ đàn áp những người theo Thiên Chúa giáo, các sắc tộc thiểu số, phát động chiến tranh với Ixraen, lôi kéo Libăng vào cuộc xung đột khu vực, khi đó ngọn lửa chiến tranh sẽ lan rộng. Và rồi một ngày nào đó, ở một nơi nào đó tại nước Mỹ hoặc châu Âu sẽ có hành động khủng bố của những kẻ có liên quan đến cuộc chiến tại Xyri. Hành động này sẽ lặp lại như vụ đánh bom tại Boston (Mỹ), được thực hiện bởi những kẻ khủng bố người Chesnia mà Mỹ và phương Tây đã ra sức bảo vệ như những chiến binh đấu tranh cho tự do trong những thập niên 1990. Hiện nay, các chiến binh này vẫn được Mỹ và phương Tây hỗ trợ. Thúc đẩy tự do và cải cách dân chủ sẽ không có ý nghĩa nếu Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các phần tử khủng bố để đạt được các mục đích riêng của mình. Rất có thể các phần tử khủng bố sẽ sử dụng chính vũ khí được trang bị để chống lại những người tài tài trợ và các đồng minh một cách nhanh chóng khi có được nó. Thực tế đã chứng minh Mỹ và phương Tây đang phải gánh chịu những hậu quả từ chính những “chiến sĩ đấu tranh cho tự do” mà họ từng nuôi dưỡng. Điều rõ ràng là giờ đây “Mùa Xuân Arập” đã vượt qua biên giới các nước Arập và vẫn tiếp tục lan rộng tác động đến các khu vực khác như mọi người đã từng biết./.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)

Mạc Văn Trang - Tiết dạy mẫu về Chống tham nhũng

Cô giáo Hạnh ở hàng xóm, chạy sang nhà mình:

Anh ơi, giúp em với!

Anh thì giúp gì được!?

Anh ơi, trường em là trường điểm, lớp em là lớp điểm, em là giáo viên điểm cho nên em phải soạn giáo án mẫu về phòng chống tham nhũng, dạy thí điểm … Trên yêu cầu là phải vận dụng các phương pháp tích cực, “lấy học sinh làm trung tâm”…

Kinh nhỉ! Ngày xưa dạy học cốt “ít mà tinh”, để học sinh tự hình thành nhân cách theo những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích; nó thành người hiểu biết, lương thiện thì tự nhiên sẽ có mọi thứ…

Bây giờ trên chỉ đạo theo kiểu “cần gì học nấy”, cho nên phải dạy đủ mọi thứ, mà “cái nhân cách” cứ tóe loe đi đâu hết! Bắt dạy chống tham nhũng mới cực chứ!…

Dạy chống tham nhũng … thế mà hay! Cô thử nghiệm món này khéo thành “đặc sản” Việt Nam cũng nên!

Thế là hai anh em trao đổi một hồi xem vận dụng những thủ thuật sư phạm gì để chuyển tải nội dung cho sinh động. Cái chính là để cô tự tin. Còn soạn giáo án là kỹ xảo của cô rồi.

Hiệu trưởng giao nhiệm vụ: Sau khi cô dạy thí điểm, các giáo viên dự giờ, góp ý, giáo án của cô sẽ được hoàn thiện, thành “giáo án mẫu”. Nhưng không biết số phận cái “giáo án mẫu” này sẽ ra sao? Xin bà con xem Biên bản tiết dạy “mẫu” dưới đây.

Trường điểm Đ., lớp điểm 11A2, Cô Lò Thị Hạnh giáo viên (GV) dạy thí điểm. Ban giám hiệu và 15 GV dự giờ. Lớp có 40 học sinh (HS). Tiết học bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày…. Phần thủ tục xong. GV bắt đầu…

GV: – Các em cho biết trên đất nước tươi đẹp của chúng ta đã và đang xảy ra tệ nạn gì nghiêm trọng?

HS: Cả lớp cùng nhao nhao giơ tay ngay lập tức. (Liệu GV có dùng mẹo không?)

GV: Các em cần suy nghĩ bằng cả hai bán cầu não của mình rồi hãy giơ tay chứ!

HS: xì xào …dễ quá, dễ ợt, câu này “phở” quá…

GV: Mời em Trọng phát biểu.
Phong bì - một hình thức của tham nhũng
Phong bì – một hình thức của tham nhũng
HS Trọng: Thưa cô, đất nước ta nhìn chung về cơ bản vẫn tươi đẹp, nhưng rất nhiều tệ nạn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, dài ngày, gây nên những hậu quả rất khó lường… Nguyên nhân chính là do….
HS: cả lớp lao xao, xì xào…
GV: Các em hãy nêu cụ thể tên của tệ nạn?
HS: Cả lớp giơ tay, nhấp nhổm…
GV: Mời HS phát biểu:
HS Tiến: Thưa cô trên đất nước tươi đẹp của chúng ta lúc nhúc các loại “tặc” ạ: lâm tặc, than tặc, vàng tặc, cát tặc, bôxit tặc, khuyển tặc, dâm tăc, đinh tặc, địa tặc, sơn tặc, hải tặc, thủy tặc… đã tàn phá đất nước ta xơ xác, tiêu điều nên bị xếp bét trong các nước quản lý tài nguyên kém nhất thế giới…
HS Hà Chuyền: Thưa cô rất nhiều tệ nạn xã hội ạ: làng ma túy, làng ung thư, xã ung thư, nạn cờ bạc, đề đóm khắp nơi; nạn chặt chém khách du lịch, nạn buôn bán trẻ em, phụ nữ; nạn xã hội đen hoành hành, nạn chạy chức chạy quyền, học dởm, bằng giả, nạn đạo văn, nạn bạo hành, nạn nạo phá thai ở vị thành niên… rồi nạn mại dâm thì ghê lắm … len lỏi vào tận trường mình rồi ạ…
HS: cả lớp lao xao, xì xào, tiếng xuỵt, tiếng cười khúc khích…
GV: Cả lớp trật tự! Các em kể các tệ nạn thì cả ngày chẳng hết. Cô muốn biết tệ nạn nào là chính, sinh ra vô vàn các tệ nạn đó?
HS Quyết: Thưa cô, từ tệ nạn tham nhũng mà sinh ra các tệ nạn khác ạ. Tham nhũng là mẹ, các tệ nạn khác là con, là cháu chắt của nó thôi ạ!
GV: Cả lớp có đồng ý với em Quyết không? Có ý kiến nào khác không?
HS Trí: Thưa cô, có mẹ thì phải có bố, nó mới sinh ra con cháu được chứ ạ. Theo em bố của nó là nạn mua quan bán chức. Có chức quyền mới tham nhũng được chứ ạ…
GV: Ý kiến em Quyết, em Trí khá xác đáng. Ta nhận diện được tham nhũng là tệ nạn gốc, sinh ra các tệ nạn khác là điều cốt yếu. Vậy ta cần định nghĩa: tham nhũng là gì? Cô đề nghị thảo luận nhóm. Bàn trên quay xuống, 5 – 6 em một nhóm. Các em nhóm trưởng nhớ câu hỏi chưa? Bắt đầu thảo luận trong 5 phút.
HS: Hình thành các nhóm khá nhanh. Thảo luận sôi nổi. Tranh cãi hăng, hơi ồn ào…
GV: Đại diện các nhóm chuẩn bị phát biểu. Nói thật ngắn gọn cái định nghĩa và phân tích nội hàm của nó. Bắt đầu từ nhóm 1.
HS Bích Hằng: Thưa cô, nhóm em ý kiến lung tung lắm ạ. Bạn Quý định nghĩa: Tham nhũng là tham lam và nhũng nhiễu kết hợp với nhau để kiếm lợi bất chính. Bạn Thanh nói: Tham nhũng là bầy sâu bọ, cái gì cũng ăn và ăn không biết no, biết chán. Bạn Vinh thì: Tham nhũng là các quan chức lợi dụng chức quyền bắt chẹt dân để cướp bóc làm giàu cho cá nhân, kiểu như “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, hay “nén bạc đâm toạc tờ giấy”… Em đồng ý với bạn Vinh, chỉ kẻ có chức quyền mới lợi dụng nó để kiếm lời bất chính…
GV: Cảm ơn nhóm 1. Ý kiến rất phong phú. Các nhóm có ý kiến gì khác không?
HS Đức: Nhóm 5 xin bổ sung: Bọn tham nhũng như sâu bọ thì quá hiền, nó phải như con quái vật bạch tuộc, có hàng trăm vòi luồn vào khắp các nơi béo bở để bòn rút và hủy hoại xã hội. Vòi thò vào ngân hàng, tài chính, doanh nhân, xí nghiệp, vòi thò vào nông thôn, miền núi, bệnh viện, trường học …Có tiếng xì xào “thò cả vào các em chân dài”… Cười khúc khích. Xuỵt…
HS Phương Dung: Thưa cô ca dao xưa “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, ngày nay bọn tham nhũng cướp ngày, cướp đêm, cướp trưa, cướp tối luôn…
GV: Cô yêu cầu nêu định nghĩa khái niệm, không nên sa đà vào mô tả hiện tượng…
HS Minh: Thưa cô, tham nhũng là làm nghề gì, ăn nghề ấy một cách gian dối, bẩn thỉu ạ.
HS Thùy Linh: Em không đồng ý với bạn Minh. Người dân làm nghề để sinh sống thì tham nhũng sao đươc. Chỉ các quan chức mới lợi dụng chức quyền tham nhũng. Theo từ điển tiếng Việt, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân lấy của.
HS Cường: Định nghĩa như từ điển quá hiền. Tham nhũng không chỉ lấy của cải vật chất mà còn tham chức, tham quyền, tham danh vọng, bằng cấp… và nó đánh cắp thời gian của cả xã hội, nó hủy hoại các giá trị văn hóa, tinh thần, chiếm đoạt sự trinh trắng của bao thiếu nữ… Tham nhũng phải là tội ác của kẻ có chức quyền mưu lợi cho bản thân và phe nhóm, làm hủy hoại đất nước và xã hội…
HS cả lớp ồn ào. Hoan hô bạn Cường. Đồng ý với Cường… Cường number One…
GV: Các em thảo luận sôi nổi, ý kiến phong phú, nhưng cần tóm lại: Có nhiều định nghĩa về tham nhũng trong từ điển, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, trong nhiều tài liệu quốc tế. Cô đã biên soạn lại, sẽ đưa tài liệu cho lớp trưởng phô tô để các em nghiên cứu. Có mấy điểm cần chốt lại:
Chủ thể tham nhũng là ai? Người có chức quyền, dân gọi chung là các quan tham;
Hành vi tham nhũng là gì: lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để ăn cắp của công và gây khó dễ, bắt chẹt người dân phải hối lộ mới giải quyết công việc;
Động cơ tham nhũng là gì? Vì tư lợi cho bản thân, gia đình, phe nhóm bất chấp tác hại cho đất nước, cho xã hội;
Hậu quả là: Về kinh tế đất nước kém phát triển; về xã hội dân mất niềm tin vào nhà nước, vào pháp luật, cũng làm bừa dẫn đến “quan tham, dân gian”, xã hội đảo lộn, đạo đức suy đối… Vì vậy mới gọi bọn tham nhũng là “giặc nội xâm” tàn phá đất nước…
HS: Trật tự. Lắng nghe. Suy tư…
HS Tuấn (đứng lên): Thưa cô “giặc nội xâm” luôn móc ngoặc với giặc ngoại xâm ạ. Chúng em học lịch sử thấy: Khi nào trong nước chia phe cánh oánh nhau là y như có phe đi cầu cứu ngoại bang, “cõng rắn cắn gà nhà” đấy ạ. Ông em bảo, cho Tầu thuê rừng 50 năm, cho Tầu vào khai thac bô – xit Tây Nguyên là “rước voi dày mả tổ” đấy ạ. Tội này phải to hơn tham nhũng chứ ạ.
GV: Bạn Tuấn đã mở rộng sang vấn đề giặc ngoại xâm… Theo cô hai vấn đề có liên quan với nhau. Nhưng trong bài này ta chỉ nói về “giặc nội xâm”. Vấn đề giặc ngoại xâm quá nhạy cảm, cô không dám bàn!
HS Tuấn: (lại đứng lên): Thưa cô, như thế giặc nội xâm và giặc ngoại xâm là anh em sinh đôi cùng trứng rồi ạ. (HS cả lớp cười).
GV: Thôi,… ta tạm chốt lại khái niệm tham nhũng. Bây giờ các nhóm tiếp tục thảo luận trong 5 phút về những biểu hiện của tham nhũng và liên hệ với thực tế những gì các em thấy.
HS: Các nhóm lại chụm vào thảo luận. Rất hào hứng, sôi nổi. Có nhóm tranh cãi to tiếng, có vẻ căng thẳng…
GV: Các em trật tự. Người ta nói “một trí khôn đã tốt, hai trí khôn tốt hơn”, ta thảo luận để chia sẻ các suy nghĩ một cách thân ái, chứ không nên gay gắt! Đề nghị nhóm 2 và nhóm 5 trật tự… GV xuống nhóm 2 đang lộn xộn…
HS Triết: Thưa cô, bạn Thành bảo ba em là trùm sỏ tham nhũng, đáng bị treo cổ ạ. Bạn ấy xúc phạm em… Trong khi bố bạn ấy là bác sĩ cũng luôn đòi phong bì của bệnh nhân, mẹ bạn ấy là giáo viên cũng dạy thêm lấy tiền thì bảo không phải tham nhũng…
HS Thành: Thưa cô, bố em là bác sĩ – thương binh hồi đánh bọn Tầu khựa. Bao năm nay bố em vẫn bỏ tiền mua thuốc men và dùng 2 ngày trong tháng để đi chữa bệnh miễn phí cho cựu chiến binh. Mẹ em lương không đủ sống, phải dạy thêm mới được bồi dưỡng tí chút để nuôi con đâu phải là tham nhũng. Mẹ em làm giáo viên như cô. Cô cũng tham nhũng à?
HS nhóm 5 đang cãi nhau to tiếng, túm ngực áo nhau…
GV: Chạy xuống nhóm 5. Cô xin các em. Các em bình tĩnh nào! Liên hệ thực tế những không được xúc phạm đến các bạn mình…
HS Hoàng: Thưa cô, em hỏi bạn Hải: bố mẹ bạn lương tháng bao nhiêu mà có xe hơi, nhà lầu sang trọng, ăn chơi xa hoa, lại còn mấy biệt thự ở Hồ Tây cho thuê? Anh bạn ấy đi du học ở Mỹ, bạn ấy học kém nhất lớp mà khoe sắp đi du học Anh, tiền lấy đâu ra?… Thế là bạn ấy đấm em, lại còn đe dọa “bố sẽ cho mày biết lễ độ”! Em sợ bạn ấy cho bọn xã hội đen với công an đến quậy phá nhà em …
HS Hải: Thưa cô, tất cả quan chức nhà nước “cỡ” bố em đều thế cả, sao bạn ấy cứ xía vô nhà em. Em chơi với bọn nó, em biết nhà chúng nó còn giàu có, ăn chơi gấp vạn nhà em ấy chứ…
GV: Cô xin các em. Các em là những con người trong trắng, chưa dính bụi đời, đừng gắn mình vào những cái xấu xa, đừng đồng nhất mình với kẻ tham nhũng để rồi gây sự với nhau… Các em hãy cùng nhau đứng về trận tuyến những người lương thiện, trong sạch để mổ xẻ hiện tượng tham nhũng, lên án kẻ tham nhũng, dù họ là ai…
HS Phương Lan: Thưa cô khó lắm ạ. Chị em tốt nghiệp đại học loại giỏi, mấy năm nay chạy việc không được, vì không đủ tiền. Trong khi chị của Thảo Phương vừa tốt nghiệp đại học báo chí ra đã được cử làm Chủ tịch hội đồng quan trị một tổng công ty xây dựng to đùng. Người ta bảo: “Muốn làm công chức, chuyên viên/ Nếu không có tiền thì phải 5 C”. 5 C tức là con – cháu – các – cụ – cốp! Cho nên con dân và con quan là hai trận tuyến đối lập rồi, cô ạ!
GV: Cô cũng không biết nói thế nào. Chúng ta chỉ thống nhất rằng tham nhũng là quốc nạn, xấu xa. Cô nghĩ con cái những người tham nhũng một khi thấy rõ trách nhiệm với đất nước, thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, biết xấu hổ trước việc tham nhũng, cũng sẽ giác ngộ, muốn làm người lương thiện. Có như vậy mới hy vọng các em chính là những người xây dựng một xã hội mới, trong sạch… Đức Phật Thích Ca khi thấu hiểu nỗi đau khổ của chúng sinh, đã từ bỏ ngai vàng, bỏ cuộc sống đế vương để dấn thân tìm con đường cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh…
HS Lâm: Thưa cô Đức Phật có chống được tham nhũng đâu ạ. Em thấy kẻ tham nhũng lại cúng vào đền chùa rất nhiều tiền và cầu mong tham nhũng được nhiều hơn. Thánh thần cũng bị hối lộ và bật đèn xanh cho bọn nó rồi ạ. Cô đến chùa mà xem, họ nhét đầy tiền vào tay Phật. Còn ông Di Lặc thì bụng phưỡn, bê một khay vàng khệ nệ, cổ đeo chuỗi tràng hạt to đùng bằng vàng, cười hề hề típ cả mắt lại… (Cả lớp lại cười).
GV (cũng cười): Thôi, ý kiến các em tạm dừng ở đây. Chúng ta mới thảo luận tham nhũng là gì và những biểu hiện của nó nhưng thời gian không cho phép tiếp tục. Cô đề nghị các nhóm về lên mạng forum tiếp rồi nhóm trưởng in ra. Bài sau ta sẽ trao đổi thêm. Bây giờ còn ít phút, để thư giãn, cô đề nghị các em trừu xuất bản thân khỏi hoàn cảnh hiện tại, tưởng tượng rằng mình có quyền năng huyền diệu, vô biên và sẽ dùng quyền năng đó để chống tham nhũng. Vậy em sẽ làm gì?
Nào, tất cả nhắm mắt lại. Thở sâu, chậm, đều đều và cho trí tưởng tượng bay bổng mênh mang… Ta liên tưởng đến những điều huyền diệu, những quyền năng vô biên, mình sẽ dùng quyền năng đó để phòng chống tham nhũng…
HS: Có vẻ thích thú với hoạt động này, tất cả làm theo GV…
GV: Nào, em nào sẽ nói phép mầu của mình trước? Mời Diệu Huyền.
HS Diệu Huyền: Thưa cô, em sẽ hóa phép cho tất cả bọn tham nhũng sau một đêm ngủ dậy, người đen sì…
HS cả lớp cười, nhao nhao: Thế thì nước mình thành châu Phi à? Hay đấy, nhưng tham nhũng ít đen ít, tham nhũng nhiều thì đen thui, mới công bằng chứ…
HS Diệu Huyền: Em nói chưa hết ạ. Sau khi bọn tham nhũng đen thui, em sẽ kêu gọi: ai trả lại của tham nhũng đến đâu thì sẽ trắng dần đến đó, trả hết thì trở lại bình thường. Tất cả của cải bọn tham nhũng nộp lại em sẽ cho xây các trường học, bệnh viện, bắc những cây cầu qua sông suối cho các bạn không phải bơi hoặc đu dây qua sông đi học; sẽ giúp đỡ dân nghèo và trả nợ các nước một phần …
HS cả lớp vỗ tay, cười vui… Hàng loạt cánh tay giơ lên…
HS Phú: Thưa cô em góp ý với Diệu Huyền là cho bọn tham nhũng mọc sừng như quỷ sứ. Tham nhũng ít, ít sừng, tham nhũng càng nhiều thì các sừng, u cục nổi lên đầy đầu, khi trả của tham nhũng thì sừng sẽ giảm bớt, trả hết thì hết u bướu… Thế nó mới kinh…
GV: Trí tưởng tượng mỗi người khác nhau, sao em lại gán những hình ảnh do em tưởng tượng cho Diệu Huyền? Cái đó là của riêng em chứ!
HS Phú (cười toét miệng): Thế cũng được ạ.
HS Quyết: Thưa cô và các bạn, em sẽ vung cây tầm sét lên, cho bọn tham nhũng chết sạch như Lý Thông và biến thành bọ hung hết!
HS cả lớp lại nhao nhao: Kinh quá! Ối, bọ hung bò lúc nhúc khắp nơi, tớ sợ bọ hung lắm. Khiếp quá!…
HS Phương Bích: Thưa cô, em muốn đem đến cho mỗi quan chức một lương tâm… Tức là sau khi ngủ dậy họ trở thành con người mới, có lương tri, biết xấu hổ, tự dày vò về tội lỗi và tỉnh thức…
HS Đức: Nếu bạn Phương Bích cho họ có lương tâm, biết xấu hổ về tham nhũng, thì họ sẽ tự tử hết, như cựu tổng thống Hàn Quốc nhảy từ trên núi xuống chết…
HS cả lớp lại nhao nhao: Ối giờ ôi, thế thì chất chồng xác người dưới chân núi Tam Đảo, Ba Vì!.. Núi Bà Nà, núi Bài Thơ nữa! Núi Bà Đen, núi Hồng Lĩnh… Toàn xác người!…
HS Chiến: Thưa cô, em nghĩ rất đơn giản, em biến thành luồng gió thơm, thổi suốt từ Bắc vô Nam, những kẻ tham nhũng bốc mùi xú uế, gặp luồng gió thơm đều lăn ra chết!
HS cả lớp lại ồn ào: Sợ quá, thế thì đầy xác chết! Người dân đến trụ sở đảng ủy hay ủy ban bỗng nhiên thấy toàn xác chết à, kinh quá! … Thế thì hết cán bộ à?.. Cô ơi, bạn Triết muốn ý kiến ạ.
GV: Mời em Triết.
HS Triết: Thưa cô, theo em những người tham nhũng, lúc đầu cũng là những người tốt, nhưng vì thấy tham nhũng dễ quá nên nổi máu tham… Nếu có phép mầu, em sẽ xây một cổng Thiêng, mọi người đi qua đó, lòng tham sẽ được gột rửa. Tất cả các quan chức, trước khi nhận nhiệm vụ đều phải đi qua cổng thiêng đó…
HS Hiếu: Thưa cô em có một kính chiếu yêu, cứ soi vào kẻ tham nhũng nào thì tất cả của cải tham nhũng hiện lên rõ hết: Tất cả nhà cửa, vàng bạc, đất đai, bồ nhí, con rơi … của hắn đều hiện rõ trước mặt hắn. Như vậy hắn sẽ không thể kê khai man trá. Từ đó xét xử công minh, không ai dối trá hay bao che cho nhau được a.
GV: Cảm ơn các em đã tham gia một tiết học tích cực. Tiếc là thời gian hết mất rồi. Tất cả những điều các em tưởng tượng rất phong phú và thú vị, nhưng chỉ là trên bình diện tâm lý, ước mong… không phải hiện thực. Tuy nhiên nó để lại trong tâm hồn chúng ta những trải nghiệm sâu sắc, những hạt giống của lương tri… Cô thấy tưởng tượng của các em phong phú, muôn vẻ. Theo cô, ý của bạn Diệu Huyền, Phương Bích, Minh Triết và Hiếu có tính nhân văn hơn…
Bây giờ thời gian đã hết. Đây mới là tiết học nhập môn về phòng chống tham nhũng có tính giới thiệu và gây hứng thú với môn học mới mẻ này. Các em về nhà nhớ thực hiện những việc cô đã dặn.
GV (xem đồng hồ): bây giờ là 9 giờ 47 phút. Cô xin lỗi quá mất hai phút! Nhưng còn một mục nữa: Xin mời thầy bí thư chi bộ kiêm hiệu trưởng cho ý kiến chỉ đạo.
Hiệu trưởng (đi lên bục giảng, nghiêm nét mặt nhìn mọi người, một lúc sau mới nói): Quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung Phòng chống tham nhũng được giảng dạy trong nhà trường từ năm học này. Đây là tiết dạy thử. Về tiết dạy này, khi họp nội bộ rút kinh nghiêm, tôi sẽ phát biểu sau. Riêng với học sinh các em phải nhớ ba điều:
Một, tham nhũng là vấn đề vô cùng nhạy cảm, học đâu biết đó, không được bàn luận tự do tùy tiện. Tôi xin nhắc lại, đây chỉ là tiết dạy thử, chứ chưa phải chính thức, những gì các em vừa nói, ra khỏi lớp không được tiếp tục bàn luận;
Hai là, cấm lên mạng fo – rum fo- riếc mà kẻ địch lợi dụng xuyên tạc gây bất ổn chính trị – xã hội, “cái xảy nảy cái ung” là nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ;
Ba là, cấm liên hệ thực tế, vận vào người này, người kia. Chuyện trẻ con có thể đụng chạm đến người lớn, lên tận trung ương, bộ chính trị là tôi mất chức, trường ta mất tiên tiến, ảnh hưởng đến truyền thống thi đua vẻ vang hơn 50 năm qua của trường…
Tóm lại, học chống tham nhũng, các thày cô và các em phải quán triệt “ba không” như đã nêu trên!

GV, HS: Tất cả im lặng lầm lũi ra về…

© Mạc Văn Trang
© Đàn Chim Việt 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét