Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Bài viết đáng chú ý

Kami - Đằng sau việc lấy phiếu tín nhiệm là gì?

Cuối cùng việc Quốc hội công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 47 lãnh đạo cao cấp do cơ quan dân cử cũng đã được công bố vào sáng 11.06.2013. Kết quả này phần nào cho thấy các đại biểu quốc hội ở Việt nam đã được thực hiện quyền lực của họ được ghi nhận trong Hiến pháp. Đáng chú ý, đây là việc làm xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử 67 năm của Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt nam và sau 12 năm khi quyền bỏ phiếu tín nhiệm này được chính thức đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội.
Cái được
Phải thừa nhận, kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này chính là biểu hiện một xu thế dân chủ trong Quốc hội, phần nào nó cũng xóa tan nỗi ngờ vực của không ít người khi cho rằng đây là một trò hề nhằm lừa bịp dư luận của chính quyền. Cho dù chúng ta đều đều biết rằng 90% các đại biểu Quốc hội là đảng viên và  họ có trách nhiệm phải thông qua các quyết định của đảng chỉ đạo. Tuy nhiên, có người cho rằng với ba cấp lựa chọn tín nhiệm là một lựa chọn bắt buộc cần phải có trong môi trường chính trị nhạy cảm như ở Việt Nam. Thì đây được đánh giá rằng là một bước tiến về phía dân chủ. Vì kể từ khi quyền bỏ phiếu tín nhiệm này được chính thức đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội, từ tháng 11.2001 đến nay, thì đây là lần đầu tiên Quốc hội mới có cơ hội thực hiện của mình. Và kết quả công bố chính thức đã  cho thấy các đại biểu đã thể hiện được chính kiến, vai trò của mình thông qua việc bầu chọn. Cũng với kết quả số phiếu tín nhiệm thấp của một số các nhân vật lãnh đạo cao cấp "nổi cộm" đã phần nào thể hiện đúng sự tín nhiệm của dư luận xã hội đối với từng cá nhân trong số 47 vị về vai trò, kết quả công việc của họ với chức trách mà họ đang đảm nhiệm.
Như trường hợp có tới 209 đại biểu không tín nhiệm Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hay là 160 đối với ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ những ví dụ. Điều đó cho thấy Quốc hội đã thể hiện quyền lực của mình và không hề nương tay đối với các cán bộ lãnh đạo từ cơ quan Hành pháp. Đồng thời phần nào cũng giúp chúng ta thấy được góc nhìn của các đại biểu Quốc hội phần nào cũng gần với cách đánh giá của dư luận xã hội. Hay nói cách khác, một phần nào đó thể hiện sự nhìn nhận của Quốc hội và của người dân đối với những việc các thành viên chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm được cũng như chưa làm được. Điều này cho thấy, đây là một cuộc bỏ phiếu kín hầu như không chịu áp lực chính trị và định hướng của người cầm đầu như đã từng xảy ra trước đây. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, vì dù sao việc làm này cũng là lời cảnh báo của Quốc hội đến những người có tên trong danh sách bỏ phiếu về những việc làm của họ trong thời gian qua.
Cái chưa được
Việc các lá phiếu của các đại biểu Quốc hội được chia làm ba loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp cũng là một điều đáng bàn. Đây là một cách lựa chọn không giống ai và không thấy bất kỳ ở đâu. Nghĩa là tất cả các phiếu đều là tín nhiệm, không có phiếu bất tín nhiệm. Với cách làm này, nhiều người cho rằng đây là một sự tránh né có chủ ý của chính quyền, qua đó nhằm tạo điều kiện cho một số người có số phiếu tín nhiệm thấp có lối thoát hiểm. Và đây cũng là cách để chính quyền có thể tránh những đánh giá bình luận không hay sau khi  kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố. Cuối cùng để cho thấy kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm đạt được là hoàn toàn tốt nhằm tạo sự tin tưởng cho dư luận xã hội và người dân. Mà họ không nghĩ rằng, đây là sự thể hiện việc vô trách nhiệm của ban lãnh đạo đảng CSVN. Điều này cho thấy họ không muốn kỷ luật ai về trách nhiệm để tình trạng kinh tế đất nước rơi vào suy thoái, khủng hoảng trầm trọng và vấn nạn tham nhũng đang diễn ra tràn lan như hiện nay. Cho dù trước đây không lâu, nền kinh tế Việt nam đã từng là một nền kinh tế hoạt động vào loại tốt nhất châu Á
Một điểm rất đáng được nhắc tới là, dù Quốc hội có tới 498 đại biểu tham gia bỏ phiếu, song kết quả kiểm phiếu đợt “lấy phiếu tín nhiệm” đầu tiên này cho thấy, có rất nhiều đại biểu không bày tỏ chính kiến. Vì hầu hết trong số 47 cá nhân được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, nếu cộng toàn bộ số phiếu cả 3 loại mà các đại biểu Quốc hội đã bỏ cho mỗi vị, thì có thể thấy tổng số không đạt con số 498. Có nghĩa là có một số đại biểu Quốc hội không bày tỏ chính kiến của họ đối với các nhân vật này. Do đó không thể xác định được con số chính xác cho “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, hoặc “tín nhiệm thấp”.
Nếu hiểu 3 tiêu chí trong lá phiếu tín nhiệm là: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp được thay bằng việc đánh giá một cách thông thường mà chúng ta vẫn thấy trong các phiếu thăm dò là: tín nhiệm, bất tín nhiệm  và không có ý kiến thì sẽ thấy rõ được nhiều vấn đề qua công việc này. Cũng bằng các kết quả rõ ràng như thế sẽ giúp cho việc quyết định các chức danh lãnh đạo cao cấp do cơ quan dân cử bầu ra ai sẽ đi và ai sẽ ở. Đây là mục đích cuối cùng của việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu dựa trên nguyên tắc, những người có quá bán số phiếu đại biểu Quốc đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức. Ai có trên 2/3 đại biểu đánh giá là tín nhiệm thấp (bất tín nhiệm) thì Quốc hội có quyền bỏ phiếu để bãi chức. Tuy nhiên tính hình thức của việc làm này vẫn bao trùm, trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, tất cả 47 chức danh lãnh đạo đều "thoát hiểm", kể cả khi họ không đạt tỷ lệ quá bán để có thể phải chịu những hình thức kỷ luật.
Đằng sau việc lấy phiếu tín nhiệm là gì?
Như trên đã nói, đây là lần đầu tiên sau 12 năm các đại biểu Quốc hội thực hiện trách nhiệm của mình kể từ khi quyền này được đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội, 11-2001. Đây hoàn toàn không phải là một vấn đề ngẫu nhiên, mà chắc chắn việc bỏ phiếu tín nhiệm không thể bỏ qua một mục đích khác của việc bỏ phiếu tín nhiệm và phục vụ cho một mưu đồ của một vài thế lực trong đảng là điều có thể khẳng định. Vì thông thường muốn hạ bệ nhau, thì trong chính trị người ta sẽ dùng chiêu lấy phiếu tín nhiệm để hợp pháp hóa ý đồ của mình. Trong bối cảnh chính trị Việt nam hiện nay, người ta cho rằng trước  đây phe bảo thủ muốn mượn diễn đàn Quốc hội để bôi nhọ cơ quan Hành pháp và hạ bệ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đấy chính là lý do vì sao việc lấy phiếu tín nhiệm lại được đồng thuận cao sau khi kết thúc Hội nghị TW 6 - tháng 10.2012. Đó là lúc có thể coi là đỉnh điểm của mâu thuẫn trong đảng.
Khi đó, sau khi kết thúc Hội nghị TW 6 người ta thấy ở Hà nội Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ở Sài gòn Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đồng loạt tiến hành gặp gỡ các cử tri và cán bộ lão thành cách mạng để "bêu" xấu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Như việc Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang sách mé khi ám chỉ Thủ tướng Dũng là đồng chí X, hay việc ông  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không tin tưởng kết quả lấy phiếu tín nhiệm, khi nói với cử tri Hà Nội rằng “Có khi người tốt bị loại, anh cơ hội lại có phiếu cao”. Đây là một vấn đề hoàn toàn không phải tình cờ hay bình thường, mà là những việc làm có chủ ý. Điều đó cho thấy, khi đó phe bảo thủ rất hy vọng ở cuộc bỏ phiếu này sẽ hạ bệ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và mâu thuẫn bộc lộ càng gay gắt, thể hiện rõ nhất gần đây, khi Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp ra thông báo về ý kiến thống nhất của Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội về việc đưa ra bản Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi sẽ không có gì thay đổi nhiều so với bản Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi (lần thứ 1). Thì phía Chính phủ vẫn khẳng định bảo lưu ý kiến của mình, đó là Hiến pháp phải sửa đổi theo chiều hướng quyền lực cao nhất phải thuộc về nhân dân. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Quốc hội đã tránh việc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị sắp tới bằng cách sẽ vẫn để cho ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại vị. Cho dù điều đó vẫn thấp hơn nhiều so với tham vọng ghê gớm của ông Dũng hiện nay.
Tuy vậy, phải thừa nhận kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này, người đứng đầu là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị 30% đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp, một kết quả của sự thất bại. Phân loại phiếu đánh giá, thì ông Dũng được 160 phiếu tín nhiệm thấp, so với 28 phiếu của ông Trương Tấn Sang và 25 phiếu của ông Nguyễn Sinh Hùng. Nếu theo cách của những người làm poll (thăm dò dư luận xã hội) thì Quốc hội đã cho điểm đối với ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là: tín nhiệm với số phiếu 210, bất tín nhiệm 160 và không có ý kiến là 122. Với con số bất tín nhiệm và không có ý kiến là 282 phiếu, chiếm khoảng 66,4%. Đây là một chuyện không nhỏ đối với một chính khách có lòng tự trọng. Đó là còn chưa nói tới việc họ đánh giá rằng bốn người đội sổ, theo thứ tự, là Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ  Luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị  Kim Tiến. Nhưng nhờ kết quả ngoạn mục của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm lợi ích thu được qua kết quả của Hội nghị TW 7 vừa qua cũng khiến các phe phái bất đồng cũng phải chấp nhận. Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất cũng chỉ là cái danh hão, quan trọng là Ban Chấp hành TW mà ông Dũng chiếm đa số ghế sẽ quyết định những vấn đề gì.
Kết
Qua kết quả bỏ phiếu tín nhiệm vừa công bố, là thắng lợi của các ông Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Quốc hội sau những thất bại trong các hội nghị Trung ương đảng gần đây. Đồng thời nó là một thất bại đau đớn đã làm tổn hại uy tín đáng kể của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là mục đích cao nhất khi người ta đồng thuận chấp nhận cho việc lấy phiếu tín nhiệm từ năm 2012. Nhưng cho dù  kết quả này cũng không thể nào thay đổi thế và lực cũng như tầm ảnh hưởng của ông ta và phe nhóm đối với chính trường Việt nam trong lúc này. Nhưng đó là một vết thương không dễ mà lành. Chắc chắn ông Thủ tướng Dũng sẽ tìm cách rửa hận trong thời gian ngắn nhất có thể được. Vì thù dai nhớ lâu là một trong những nhược điểm của Thủ tướng Dũng.
Cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm lãnh đạo cao cấp trong đảng nhằm tranh giành quyền lực sẽ tiếp tục tiếp diễn, hầu như sẽ không có hồi kết. Nhóm lợi ích do ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải xử lý các thành viên chính phủ có số phiếu tín nhiệm quá thấp thế nào là vấn đề nan giải. Mọi vấn đề xử lý các thành viên chính phủ nói trên đồng nghĩa với việc chấp nhận sai, là sự thất bại của cả phe nhóm. Không dễ gì mà ông Thủ tướng sẽ xuống tay chặt tay chân của mình. Ngược lại nếu cứ lờ đi không giải quyết thì nghiễm nhiên là một hành động đổ dầu vào lửa, sẽ khiến mâu thuẫn giữa các phe nhóm ngày càng sâu sắc hơn.
Người Việt có câu "Ba đánh một chẳng chột cũng què", bây giờ trong tứ trụ đã xảy ra chuyện ba ông liên kết để cùng nhau phang đồng chí X.
Dù keo này có chột hay què, hoặc không chột không què thì dứt khoát cũng có bên phải thua.
Ngày 12 tháng 6 năm 2013
© Kami - RFA Blog's

Quốc hội và Chính phủ sẽ làm gì sau lấy phiếu tín nhiệm?

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội: “Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề”.
Sáng ngày 11/6, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Sau khi kết quả này được công bố, nhiều ĐB Quốc hội và chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã có chung nhận định là kết quả đã phản ánh thực chất tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra lúc này là: Quốc hội và Chính phủ sẽ làm gì sau khi lấy phiếu tín nhiệm? Đi tìm câu trả lời này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

PV: Thưa ông Vũ Mão, sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, theo kết quả này thì nhiều chức danh chủ chốt đã đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao, ngoài ra theo dư luận phản ánh thì một số người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp vẫn còn băn khoăn. Là người công tác lâu năm và từng giữ những cương vị quan trọng ở  Quốc hội, ông có thể lý giải về điều này?

Ông Vũ Mão: Con người ai cũng có tự trọng, có danh dự của mình. Kết quả thì đã được Quốc hội biểu quyết thông qua rồi. Vậy thì ở đây có vấn đề gì? Theo tôi, cần phải làm rõ, chỉ ra cho các chức danh chịu nhiều phiếu tín nhiệm thấp là họ đang còn những hạn chế gì, những gì chưa làm được ở vị trí và chức trách của mình. Tôi nghĩ rằng, kết quả này là tương đối khách quan, bởi ở một mặt nào đó, đại biểu chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ nên chưa hiểu thấu đáo về chức danh mình đánh giá.

Bên cạnh đó, do điều kiện thời gian quá ngắn nên chưa tổ chức đối thoại một cách cởi mở để làm rõ những vấn đề đặt ra đối với  các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm và Đại biểu Quốc hội.

PV: Vậy bước tiếp theo nên làm gì, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ rằng bây giờ các chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng rất cầu thị, mong muốn có điều kiện để khắc phục những điểm còn hạn chế. Vậy thì ai sẽ chỉ ra cho họ? Theo tôi, về chỗ này cần có thảo luận cho rõ.

Về phía Chính phủ thì Thủ tướng có trách nhiệm với các Bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp (dù kết quả chung vẫn đạt yêu cầu về số phiếu tín nhiệm), cần bàn xem còn gì chưa làm tốt để tìm giải pháp khắc phục làm cho tốt hơn.

Về phía Quốc hội, bây giờ không còn thời gian thảo luận nữa, thì giao cho UBTVQH và ủy ban hữu quan cùng các bộ ngành liên quan trao đổi, đối thoại trực tiếp để làm rõ lý do vì sao có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, giúp cho họ có điều kiện khắc phục.

Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề.

PV: Ông có đánh giá gì về những ưu điểm và hạn chế qua việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này?

Ông Vũ Mão: Tôi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là rất đáng hoan nghênh, đó là một bước tiến lớn trong nền dân chủ của nước ta. Kết quả này đã phản ánh tương đối chính xác tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm, kết quả số phiếu đã được công khai rộng rãi, trung thực tới nhân dân cả nước, đúng như phát biểu ban đầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tôi nghĩ rằng, đa số nhân dân cả nước hài lòng với cách làm này, vì qua đó sẽ phần nào phản ánh khách quan hơn trách nhiệm và hiệu quả của các chức danh quan trọng do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ông Vũ Mão nguyên là ủy viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII; từng giữ các chức vụ Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI.
Tuy nhiên, một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt của nó, việc lấy phiếu tín nhiệm tuy rằng rất tốt, nhưng dù sao vẫn còn một số hạn chế nhỏ, mà tôi rất muốn góp ý để lần tới Quốc hội sẽ có sự điều chỉnh cho tốt hơn.

Nghị quyết Quốc hội chỉ yêu cầu có 1 văn bản của người được đánh giá tín nhiệm là chưa đủ, theo tôi cần 4 văn bản khác, đó là: Nhận xét của cơ quan mà đương sự là thủ trưởng; Nhận xét của thủ trưởng cấp trên.

Nếu là Bộ trưởng thì rất cần nhận xét của Thủ tướng, đây là một căn cứ quan trọng để Quốc hội đánh giá; nhận xét của cử tri ở nơi vị lãnh đạo đó bầu cử; bản kê khai tài sản có xác nhận của cơ quan chức năng, có thẩm quyền.

Bên cạnh đó cũng còn một số điểm đáng lưu ý khác như: Chưa dành nhiều thời gian cho sự đối thoại, qua đó giúp cho cả hai đối tượng nắm chắc thực chất và thể hiện sự tôn trọng đới với đương sự; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều trì trệ, đời sống nhân dân quá khó khăn, nạn tham nhũng... thế mà nếu cộng cả mức tín nhiệm cao và tín nhiệm thì tất cả các chức danh này vẫn đảm bảo mức tín nhiêm tối thiểu cần thiết. Ở đây cần xem xét đầy đủ mối quan hệ giữa mức tín nhiệm đạt tương đối cao so với thực tế tình hình của đất nước ta hiện nay để rút kinh nghiệm.

Về trình tự và thủ tục, theo tôi cũng có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn. Ví dụ  việc đưa ra 3 mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) đã hợp lý chưa? Hay là nên có 2 mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm"?.

Đây là vấn đề cần được xem xét thêm. Theo quan điểm của tôi thì chỉ nên giữ hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” như Hiến pháp và các luật tổ chức Quốc hội, luật giám sát của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm là hợp lý.

Tôi hy vọng, ở kỳ họp Quốc hội sau thì quá trình chuẩn bị đánh giá tín nhiệm các chức danh sẽ tốt hơn và kết quả đạt được sẽ thuyết phục hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN)

"Trận đấu" uy tín ở Quốc hội Việt Nam : Tấn Sang : 1 – Tấn Dũng : 0

Sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được đánh giá là "chưa từng thấy" tại Quốc hội Việt Nam vào hôm qua, 11/06/2013, các chuyên gia phân tích quốc tế đều đồng loạt ghi nhận là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã bị một vố đau. Ngược lại, nhân vật được cho là đối thủ chính trị hiện nay của ông là chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi được một bàn thắng trong "trận đấu uy tín".
Phải nói là nhìn một cách tổng quát, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh quan trọng nhất trong chính phủ và Quốc hội hoàn toàn phù hợp với dự đoán của tất cả mọi người, tức là không có ai bị tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 đại biểu để bị buộc phải từ chức theo quy định.
Thế nhưng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị chậm hẳn lại và chính phủ bị quy trách nhiệm về một loạt những vụ quản lý kém cỏi và để cho tham nhũng tràn lan, nổi bật là hai vụ Vinashin và Vinalines, các nhà quan sát đã quan tâm nhiều hơn đến số phiếu bất tín nhiệm liên quan đến các lãnh đạo.
Ông Nguyễn Tấn Dũng (trái) và ông Trương Tấn Sang nhân kỳ Đại Hội XI (Reuters)
Ông Nguyễn Tấn Dũng (trái) và ông Trương Tấn Sang nhân kỳ Đại Hội XI (Reuters)
Sự chú ý lại càng tăng khi trong thời gian qua, giới phân tích đều cho rằng trong hậu trường sân khấu chính trị Việt Nam, đã diễn ra một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai lãnh đạo cao nhất trong guồng máy chính quyền là chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Cuộc bầu phiếu tín nhiệm vào hôm qua 11/06/2013, do đó là một cơ hội hiếm hoi để đo lường uy tín của hai nhân vật này, ít ra là trong Quốc hội Việt Nam mà tuyệt đại đa số thành viên đều là đảng viên đảng Cộng sản.
Theo kết quả chính thức được công bố, như vậy là trên tổng số 492 phiếu hợp lệ, ông Trương Tấn Sang đã được đến 330 phiếu tín nhiệm cao (66,27%), 133 phiếu tín nhiệm bình thường (26,71%), và chỉ bị 28 phiếu gọi là ‘tín nhiệm thấp’ (5,62%). Ngược lại, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ được 210 phiếu tín nhiệm cao (42,17%), 122 phiếu tín nhiệm bình thường (24,5%), trong lúc số phiếu tin nhiệm thấp lên đến 160 (32,13%).
Hãng tin Anh Reuters ghi nhận : “Thủ tướng Việt Nam đã bị giáng một đòn công khai hiếm có khi chỉ được không đầy 50% đại biểu hoàn toàn ủng hộ (…), với 210 trên tổng số 498 dân biểu cho ông phiếu tín nhiệm cao, và 160 người cho ông phiếu tín nhiệm thấp”.
Đối với hãng tin Anh, ông Nguyễn Tấn Dũng như vậy chỉ khá hơn một chút so với người có kết quả kém cỏi nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, được vỏn vẹn 88 phiếu hoàn toàn ủng hộ, nhưng bị đến 206 tín nhiệm thấp.
Ngược lại, cũng theo Reuters, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chọn Chủ tịch Trương Tấn Sang là người đáng tín nhiệm nhất, với 330 phiếu tín nhiệm cao và chỉ có 28 phiếu tín nhiệm thấp.
Đối với Reuters, kết quả kể trên đã củng cố thêm cho các lập luận theo đó đang có chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, giữa hai phái ủng hộ ông Sang hay ông Dũng.
Hãng tin Mỹ AP cũng cùng một phân tích, khi ghi nhận là đã có hơn 30% đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở mức thấp. Theo AP, đây là dấu hiệu cho thấy rõ là có chia rẽ trong nội bộ đảng về nhiệm kỳ hai của ông Dũng, trên nguyên tắc sẽ kết thúc vào năm 2016.
Giới phân tích được AP trích dẫn cho rằng kết quả bỏ phiếu vào hôm qua sẽ không tác động gì nhiều đến vị thế hiện tại của Thủ tướng Việt Nam, những sẽ bị các đối thủ của ông sử dụng trong những cuộc mặc cả nội bộ về tương lai của ông. Theo AP, chính chủ tịch Trương Tấn Sang là người được cho là đối thủ chính của ông Dũng trong các hội nghị kín của đảng Cộng sản Việt Nam.
Trọng Nghĩa
(RFI)

Thủ tướng Việt Nam vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, song với vị thế đã suy yếu

(AP) - Hà Nội, Việt Nam – Các nhà lập pháp Việt Nam đã dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một sự ủng hộ miễn cưỡng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên diễn ra ở đây, cuộc bỏ phiếu được xem như một bước tiến nhỏ hướng tới một phong cách quản trị quốc gia đa nguyên hơn tại đất nước cộng sản độc đảng này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang phải chịu áp lực do thành tích điều hành kinh tế kém cỏi, một nền kinh tế trước kia nằm trong số vận hành tốt nhất ở Châu Á nhưng hiện đang ngập chìm trong nợ xấu và có môi trường đầu tư ảm đạm. Năm ngoái, ông đã thoát hiểm khi bị thách thức vị trí lãnh đạo trong một cuộc hội nghị của giới lãnh đạo đảng.

Nguyễn Tấn Dũng cùng 46 bộ trưởng và quan chức nhà nước cấp cao khác phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu của các vị Đại biểu Quốc hội, cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong một quy trình thường niên kể từ nay về sau hầu cho một công chúng đang ngày càng tỏ ra tự tin thấy rằng các nhà lãnh đạo phản ứng nhanh nhạy hơn trước đòi hỏi của họ. Cuộc bỏ phiếu kín diễn ra trong ngày thứ Hai và kết quả được loan báo trong ngày thứ Ba.

Với việc trên 90% trong tổng số 498 Đại biểu Quốc hội là những người giữ thẻ đảng, không ai kỳ vọng một quan chức nào đó nhận được kết quả nghèo nàn đến mức có thể dẫn đến chuyện từ chức.

Dù vậy, trên 30% đại biểu vẫn dành cho Nguyễn Tấn Dũng lá phiếu “tín nhiệm thấp”, dấu hiệu chia rẽ rõ ràng trong nội bộ đảng về nhiệm kỳ thứ hai (kết thúc vào năm 2016) của ông. Theo các nhà phân tích, kết quả đó tự nó không ảnh hưởng đến vị trí của Thủ tướng, song lại có thể được các đối thủ sử dụng trong các cuộc điều đình nội bộ về tương lai của ông.

Các thành viên Quốc hội phải bỏ phiếu để thể hiện xem là họ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hay “tín nhiệm thấp” các quan chức. Nguyên tắc bỏ phiếu kín quy định rằng những quan chức với trên 60% “phiếu tín nhiệm thấp” có thể sẽ phải từ chức.

Nguyễn Tấn Dũng nhận được 160 phiếu “tín nhiệm thấp” trên tổng số 492 phiếu, đứng vị trí thứ ba trong số những người có số phiếu tiêu cực cao nhất. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người được nhìn nhận rộng rãi như là đối thủ chính trị chính của ông phía sau cánh cửa khép kín của các cuộc hội họp trong đảng, chỉ phải nhận 28 phiếu “tín nhiệm thấp”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được 209 phiếu “tín nhiệm thấp”, được cho là phản ảnh kết quả điều hành nền kinh tế của ông. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhận được 177 phiếu “tín nhiệm thấp”. Ngoài nền kinh tế, chuẩn mực nghèo nàn của các trường học từ tiểu học đến đại học cũng là một mối quan ngại chính của công chúng.

Edmund Malesky, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Duke (Hoa Kỳ), bình luận: “Điều này thực sự cho thấy các vị Đại biểu Quốc hội đang làm công việc của mình. Ở đây chắc chắn đã xuất hiện một phản ứng nhanh nhạy nào đó trước đòi hỏi của các cộng đồng cử tri. Hai nhân vật gắn liền với kết quả vận hành nền kinh tế đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp dưới mức trung bình.”

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét rằng cuộc bỏ phiếu đã phản ảnh “thực tế cuộc sống cùng những chủ đề thúc bách và… phần nào phản ảnh những nỗi bất bình của nhân dân”.

Những vấn đề về cấu trúc đang hoành hành trong nền kinh tế và sự chỉ trích cũng như giám sát ngày càng tăng của đảng đối với mạng Internet đã châm ngòi cho những lời kêu gọi cải cách từ một số người trong đảng. Trong khi vẫn tiếp tục bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến, đảng lại sửa đổi hiến pháp, và có thể sẽ giảm nhẹ ngôn từ về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.

Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam từ Đại học Hồng Kông, nhận xét rằng cuộc bỏ phiếu cho thấy “Việt Nam đang vạch ra lộ trình cho riêng mình”, cho dù chậm chạp. Ông khẳng định rằng sự kiện tương tự sẽ không thể xẩy ra ở Trung Quốc, quốc gia cộng sản láng giếng lớn hơn nhiều so với Việt Nam.

“Có lẽ do sự cần thiết mà Việt Nam đang tỏ ra ưa thích một thứ nhãn hiệu chính trị mang nhiều đặc điểm của một hệ thống chịu trách nhiệm bán phần (semi-accoutable system)”, ông nói. “Đối với một đảng vốn có truyền thống coi các nhà lãnh đạo của nó là trong sạch và có phẩm chất xuất chúng thì đây quả là một sự thay đổi về quan điểm.”

Bản dịch của Lê Anh Hùng
Nguồn: Washington Post
Washington Post
Washington Post
Washington Post
(Defend the Defenders)

Bỏ phiếu tín nhiệm tác động ra sao tới chính trường Việt Nam?

Thêm chú thích
Một phần ba quốc hội Việt Nam đã đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
‘Cú giáng đối với Thủ tướng Việt Nam’, ‘Thủ tướng Việt Nam bị cảnh cáo’ hay ‘Thủ tướng Việt Nam thoát hiểm’ là những hàng tít mà các hãng thông tấn quốc tế viết về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới đây đối với 47 giới chức trong nước.
160 đại biểu, tức một phần ba quốc hội Việt Nam, đã đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc bỏ phiếu chưa có tiền lệ hôm 10/6.
Trả lời VOA Việt Ngữ, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói rằng kết quả công khai phản ánh đúng thực tế và các cá nhân hiện đảm nhận các lĩnh vực đang được coi là nóng, gây nhiều bức xúc nhất thì nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn.
“Đương nhiên, ông Thủ tướng là người đứng đầu của chính phủ thì trách nhiệm cũng nặng nề nhất. Tôi thấy ở các nước cũng vậy thôi. Khi họ tín nhiệm hay không tín nhiệm thì chủ yếu là người đứng đầu nội các. Cho nên số phiếu tín nhiệm thấp của ông thủ tướng nhiều thì tôi nghĩ không có gì đáng lạ cả", ông Quốc nói.
Nhưng mà tôi nghĩ rằng hoàn toàn không nên hiểu theo nghĩa là thoát hiểm bởi vì cách tổ chức lấy phiếu thế này nó cũng đảm bảo độ an toàn rất cao cho các vị, cho các đối tượng được lấy phiếu là các nhà lãnh đạo. - Ông Dương Trung Quốc nói.
"Nhưng mà tôi nghĩ rằng hoàn toàn không nên hiểu theo nghĩa là thoát hiểm bởi vì cách tổ chức lấy phiếu thế này nó cũng đảm bảo độ an toàn rất cao cho các vị, cho các đối tượng được lấy phiếu là các nhà lãnh đạo. Nhưng dẫu sao các con số ấy cũng là những thông điệp có ý nghĩa đối với thủ tướng cũng như các thành viên của chính phủ cũng như các đối tượng dân cử”.
Cuộc bỏ phiếu được chia làm ba mức khác nhau: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam được trích lời nói rằng ‘chưa nước nào thực hiện như vậy cả’.
Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng kết quả ‘có thể dự báo trước được rằng tất cả các vị được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm thì đều vượt qua được cuộc bỏ phiếu’.
Nhận xét về một số ý kiến trong công chúng cho rằng việc đánh giá tín nhiệm đồng đều như vậy không có nhiều ý nghĩa, ông Quốc nói: “Lúc đầu tôi cũng có suy nghĩ về chuyện hòa cả làng, tức là không ai bị suy suyển vị trí lãnh đạo cả, nhưng mà tôi cho rằng đối với hoàn cảnh Việt Nam, đối với cơ cấu của Quốc hội Việt Nam, trong đó có một tỷ lệ rất cao hơn 90% là đảng viên, rồi có cả thành phần là hành pháp, thì dẫu sao nữa nó cũng là tín hiệu đáng ghi nhận và chúng tôi muốn nhấn mạnh tới yếu tố là nó được tổ chức rất minh bạch, công khai”.
Đại biểu quốc hội kỳ cựu này cũng cho rằng mặt tích cực của cuộc bỏ phiếu ‘đáng được ghi nhận’ nếu nhìn trong một tiến trình và trong hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, khi mà việc đánh giá các lãnh đạo cao cấp chưa từng được thực hiện.
Ông Quốc cũng nói rằng cuộc bỏ phiếu là một bước tiến về mặt dân chủ: “Nếu mà tác động một cách toàn cục thì tôi nghĩ là chưa, nhưng mà ít nhất nó cũng tạo ra được một hiệu ứng vì sau cuộc bỏ phiếu này thì sẽ bỏ phiếu đến tất cả các thành viên được dân bầu ở cấp địa phương rồi có thể trong đảng cũng sẽ tổ chức như thế. Như thế nó cũng là một cơ hội để người ta đánh giá tương đối khách quan hơn”.
Tôi nghĩ rằng về mặt tác động thì ít nhất nó cũng giúp cho các vị được bỏ phiếu tín nhiệm nhìn nhận đúng hơn về dư luận, về quan điểm của người dân, của đại biểu quốc hội đối với công việc của mình và sẽ phải có hành động nhất định để cải thiện sự tín nhiệm của đại biểu quốc hội cũng như của người dân đối với mình. - Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói.
Một độc giả tên Lotan từ Việt Nam gửi ý kiến tới VOA Việt Ngữ, cho rằng việc lấy ý kiến như vậy ‘không giải quyết được vấn đề, tức không thay đổi để cho người thật sự có tài lãnh đạo đất nước, nhưng trái lại nó làm cho sự chia rẽ, đấu đá theo phe nhóm càng trầm trọng hơn’.
Trong khi đó, ông Thuyết nhận định với VOA Việt Ngữ rằng cuộc bỏ phiếu ‘là bước đầu tiên thể hiện quyền của quốc hội và tác động của quốc hội tới đời sống chính trị trong nước, chứ nó cũng chưa phải là một cái bước tiến gì xa lắm’.
Ông Thuyết cho rằng những người bị đánh giá thấp sẽ phải ‘tự soi lại mình’ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân tốt hơn.
Ồng nói: “Tôi nghĩ rằng qua cuộc bỏ phiếu này thì những người mà được quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cũng tự nhận thấy được mức độ tín nhiệm của các thành viên quốc hội, tức là những người đại diện cho dân chúng đối với mình".
Cựu đại biểu nói thêm: "Tôi nghĩ rằng về mặt tác động thì ít nhất nó cũng giúp cho các vị được bỏ phiếu tín nhiệm nhìn nhận đúng hơn về dư luận, về quan điểm của người dân, của đại biểu quốc hội đối với công việc của mình và sẽ phải có hành động nhất định để cải thiện sự tín nhiệm của đại biểu quốc hội cũng như của người dân đối với mình. Đó là tác động đối với các vị giữ các chức vụ đó và nếu nói rộng hơn đó cũng là tác động đối với chính trường Việt Nam”.
Giới chức nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, và người nhận được số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Một ngày sau khi kết quả được công bố, báo chí trong nước dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận nói rằng ông ‘đang rất buồn’ khi trở thành người nhận được số phiếu tín nhiệm thấp nhiều thứ hai.
Tuy nhiên, các báo mạng sau đó đồng loạt gỡ tin này xuống mà không nêu rõ lý do.
(VOA)

Chuyện đội sổ tín nhiệm của Thống đốc Bình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bị đội sổ tín nhiệm với 209 phiếu tín nhiệm thấp của Quốc hội, kết quả được công bố ngày 11/6.
Trước mũi dùi công luận
Ông Thống đốc trẻ tuổi Nguyễn Văn Bình có vẻ là đối tượng hứng chịu sự phê phán nặng nhất của các đại biểu Quốc hội. Ông là  thành viên cao cấp Chính phủ bị đội sổ đánh giá tín nhiệm, nếu căn cứ vào số phiếu tín nhiệm thấp xếp thứ nhất là 209 phiếu trong tổng số 492 đại biểu Quốc hội tham dự cuộc bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thực hiện đánh giá mức độ tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt, những người do Quốc hội bầu và phê duyệt.
Trong một thời gian dài Thống đốc Nguyễn Văn Bình đứng trước mũi dùi công luận, nhiều ý kiến trên báo chí lề dân lẫn lề đảng cách gọi trào phúng, đã nói đến nhu cầu cấp thiết phải thay thế vị trí người lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.
Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng, hiện sống và làm việc ở TP.HCM nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Vấn đề đòi hỏi phải ra đi đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, theo tôi thì có quá nhiều chuyện vô cảm và chuyện vô trách nhiệm thuộc về Ngân hàng Nhà nước và các cá nhân điều hành nó. Trong thời gian ít nhất hai năm vừa rồi từ khi thành lập chính phủ mới cho tới nay là những chuyện vô cảm và vô trách nhiệm đó đã vừa trực tiếp vừa gián tiếp đẩy rất nhiều doanh nghiệp sản xuất vào thế vô vọng và đồng thời làm kiệt quệ luôn sức hồi sinh còn lại của nền kinh tế.”
Mặc dù thủ tục đánh giá tín nhiệm không nhằm để bất tín nhiệm một chức danh chủ chốt nào, nhưng mức độ tín nhiệm thấp được cho là cách thể hiện sự bất tín nhiệm của đại biểu, do thủ tục lấy phiếu tín nhiệm được chia ra ba mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Sự kiện Thống đốc Nguyễn Văn Bình chịu sự phê phán gay gắt của công luận bắt nguồn từ một danh sách dài, liên quan tới vấn đề nợ xấu ngân hàng, trong đó có cả nợ xấu Tập đoàn, Tổng công ty Doanh nghiệp Nhà nước, nợ xấu bất động sản và chuyện 200.000 doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động và hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác khát vốn không được giải quyết.
thanhnien.com-305.jpg
Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình thêm với ĐBQH về nợ xấu và thanh tra ngân hàng chiều 30/10/2012
Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 tổ chức tại Hà Nội ngày 3/6 vừa qua, nhiều ý kiến cho là tình trạng nền kinh tế bế tắc hiện nay là do hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ và sự trì chậm trong tái cơ cấu. Theo TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, các biện pháp ngắn hạn đã được thực hiện một cách quá mức, cho nên dẫn đến tín dụng bị tắc nghẽn. Ông nói:
"Các biện pháp ngắn hạn như vậy đều giúp chính phủ kềm chế lạm phát, nhưng lại làm cho các doanh nghiệp phải trả giá và rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản đóng cửa và đặc biệt là tổng mức đầu tư xã hội cũng đã giảm từ mức 47% năm 2008 giảm xuống cho đến bây giờ còn độ 29%. Như vậy nó đã giảm 17%-18% GDP, tức là giảm một nửa so với 2007-2008 và làm mức cầu của toàn xã hội đã bị giảm sút rất nhiều.”
Vấn đề độc quyền kinh doanh quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước là giọt nước cuối cùng góp phần vào việc phê phán nặng nề khả năng của ông Nguyễn Văn Bình trong tư cách Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 11/6 Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà Thống đốc Bình bị đội sổ, trong buổi sáng này giá vàng ở Việt Nam cao hơn giá thế giới qui đổi gần 6 triệu đồng một lượng. Việc chênh lệch giá tồn tại dù rằng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 28 tấn vàng trong vòng hơn 2 tháng sau khi cơ quan này thực hiện Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Tình trạng giá vàng không liên thông với thế giới đã kéo dài, mặc dù trước đây ông Nguyễn Văn Bình khi còn là Phó thống đốc từng viết trên Tạp chí Cộng sản là chỉ cần giá vàng cao hơn thế giới 400.000đ một lượng thì đã là động cơ cho nạn buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.
Qua thực hiện Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước bị phê phán nặng nề về điều gọi là độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng, ấn định giá, kinh doanh và phân phối. Phó Giáo sư TS Ngô Trí Long một chuyên gia thị trường nhận định:
"Chính sách theo Nghị định 24 bất cập ở đối với Nhà nước, bất cập với doanh nghiệp và bất cập đối với người tiêu dùng. Cho nên quan điểm của tôi là phải thay đổi sửa đổi lại ngay Nghị định 24 và có những điều bổ sung. Còn cái kiểu họ một mình một chợ và với cách làm thủng đâu vá đấy thì sẽ hoàn toàn gây bất lợi và chắc chắn ảnh hưởng tới sự hoạt động của nền kinh tế.”
Phản ánh điều gì
Tiếp sau Thống đốc Nguyễn Văn Bình về mức độ tín nhiệm thấp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 160 phiếu tín nhiệm thấp, sau đó là các ghế nóng khác như Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng…Hoàn tất việc lấy phiếu tín nhiệm, ngày 11/6 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh được tình hình đất nước.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải từ Hà Nội nhận định:
"Kết quả như vậy cũng thể hiện các đại biểu Quốc hội có phần nào mạnh dạn trong việc đưa ra ý kiến của mình. Nó cũng phản ánh một thực tế là trong mấy năm gần đây nền kinh tế Việt Nam cũng như các vấn đề về xã hội, giáo dục… thì có rất nhiều điều mà người dân bức xúc. Quốc hội cũng như người dân có thể cảm nhận thấy là trách nhiệm trước nhất thuộc về chính phủ và người đứng đầu chính phủ. Cho nên cách biểu quyết như vậy cũng một phần nào đó thể hiện sự nhìn nhận của Quốc hội và của người dân đối với những việc chính phủ và đặc biệt Thủ tướng đã làm được cũng như chưa làm được.”
Câu chuyện đội sổ tín nhiệm của ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ là sự phê phán nước đổ đầu vịt. Chuyện ông hay nhiều thành viên chính phủ mất uy tín sẽ ra đi sớm hay không là điều khó đoán. Bởi vì ngay như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chịu trách nhiệm cao nhất về điều hành kinh tế kém, điển hình là sự sụp đổ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin thất thoát 84.000 tỷ đồng mà vẫn không bị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-06-12

Trà Giang - Ván cờ người Quảng Ngãi

Những người lãnh đạo Quảng Ngãi thời kỳ sau 1975, qua nhiều thế hệ, cố gắng tuyên truyền và định hình một cách rất tự mãn rằng Quảng Ngãi là quê hương cách mạng, có truyền thống giác ngộ cách mạng và biết làm cách mạng; nhờ đó Quảng Ngãi có chi bộ cộng sản ngay rừ năm 1930, có cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và đội du kích Ba Tơ, có khởi nghĩa Trà Bồng, có chiến thắng Vạn Tường, Ba Gia..., đến nay lại thêm hoài cố về những đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải...
Ấy vậy mà khoảng mươi năm trở lại đây, Quảng Ngãi không tạo ra được từ nguồn cán bộ trưởng thành tại địa phương một ông bí thư tỉnh ủy, chức vụ đứng đầu hệ thống chính trị của tỉnh, mà vốn theo truyền thống đoàn kết, nguyên tắc tập trung dân chủ, qui trình công tác nhân sự và phương thức bầu cử hình thức, không khó gì để có được.
Có lẽ đó cũng là do truyền thống cách mạng mà ra; bởi đã cách mạng thì phải giỏi giang, uy tín sâu rộng, tính chiến đấu bừng bừng, nên chẳng ai chịu ai cả : bó đũa chẳng có cái cột cờ nào. Đã vậy thì chỉ còn chờ trung ương điều cán bộ từ nơi khác đến. Trong 3 nhiệm kỳ, có liên tiếp 3 ông bí thư tỉnh ủy được điều về Quảng Ngãi như vậy. Mỗi lần điều động chỉ định chức vụ bí thư, những người làm công tác nhân sự ở trung ương cố gắng tìm một số tiêu chí đặc thù tương đối phù hợp, hoặc ít nhất là có thể giải thích được, song kết quả chung vẫn là một phương án tình thế; người được điều về, trước hết là một ủy viên trung ương hoặc qui hoạch ủy viên trung ương mà ở Việt Nam được xem là vạn năng, làm gì cũng được, vốn chẳng biết gì về Quảng Ngãi cả, song vẫn được tin tưởng giao nhiệm vụ vì Đảng tin vào nguyên tắc làm việc tập thể, các luật lệ và qui chế vận hành hệ thống chính trị cấp tỉnh, các thông lệ, tiền lệ kinh nghiệm tích lũy được của cá nhân được điều động. Ngoài ra, chẳng cần tài năng, đức độ, sở trường... cá nhân và nhu cầu, nguyện vọng của địa phương gì hết.
Cứ vậy, ông bí thư được luân chuyển về tỉnh cứ ung dung sử dụng quyền lực được mệnh cho cái chức của mình, với 2 năm đầu để làm quen nhưng vẫn chưa nhớ hết địa danh, nhân danh cán bộ cấp huyện, toan tính một vài điều có lợi riêng trong những chiến lược phát triển cấp tỉnh, ngồi dự hết sự kiện này đến sự kiện khác để tung ra những phát biểu dạy đời đủ thứ cho các đối tượng từ bô lão cách mạng bạc râu đến các cháu nhi đồng đang lớn, và, tìm cách vận động để sớm nhảy khỏi tỉnh nhà, với một chức vụ khá hơn.
Với qui trình đó, ông thứ nhất thực hiện sứ mệnh chưa được bao lâu, cũng chẳng thành tích gì, đã về trung ương với chức Bộ trưởng; ông thứ hai qua việc chung đã tranh thủ vài việc lợi riêng rồi cũng về trung ương nhận chức đứng đầu một cơ quan tối cao.
Chưa được kết thúc nhiệm kỳ luân chuyển như hai ông trước, ông bí thư hiện nay, trẻ hơn, đang cố gắng tạo dáng bằng những “đột phá” riêng của mình. Trước hết, ông tìm mọi cách tranh thủ tạo sự ủng hộ từ cách vị lão thành cách mạng, đặc biệt bằng việc thể hiện những quyết tâm có màu sắc đổi mới (giải quyết những sự việc nóng, đẩy mạnh các dự án trì trệ, chống tiêu cực, tham nhũng v.v...) với cách làm thiên tả phù hợp với khẩu vị các cụ. Ông cũng xuất hiện nhiều trước công chúng qua truyền thông, tiếp xúc dân, dự các sự kiện. Ông mạnh mẽ đòi làm một cuộc cách mạng về văn hóa để thay đổi hình ảnh Quảng Ngãi, từ tư duy, cung cách làm việc, quan hệ với doanh nghiệp, ứng xử du lịch v.v... qua những lời chỉ đạo có tính răn dạy cho nhiều đối tượng cán bộ khác nhau của tỉnh. Ông thể hiện năng lực và trách nhiệm của mình bằng cách vượt qua cả phía cơ quan hành chính nhà nước (chính quyền) trong việc tiếp khách nước ngoài, nhất là đại diện của các nước có dự kiến đầu tư lớn vào Quảng Ngãi. Ông mạnh dạn chỉ đạo chỉ định thầu cho những đơn vị thi công thân tín của ông tại những công trình có vốn đầu tư lớn nhưng ì ạch của tỉnh. Ông không ngại kêu gọi mời rũ giới thiệu những doanh nhân quen biết từ thời ông làm công tác đoàn về Quảng Ngãi để kinh doanh.
Song có lẽ dự án lớn nhất mà ông muốn khẳng định công trạng, tạo đà rút khỏi Quảng Ngãi là cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Sau khi kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4, ông đã thuyết phục cơ quan thường trực của tỉnh ủy đưa ra phương án thay đổi, luân chuyển, điều động gần 30 cán bộ cấp thường vụ tỉnh ủy quản lý. Cơ quan thường trực ấy cũng dễ bị thuyết phục vì có thể đục nước béo cò; nếu không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đền mình. Trong phương án ấy, có việc điều từ tỉnh về huyện, từ huyện lên tỉnh, từ sở này sang sở khác, từ cơ quan đảng sang cơ quan nhà nước và ngược lại; một số trường hợp trong đó lại kết nối, hoán chuyển với nhau. Trong mê hồn trận chiến lược nhân sự đó, người ngoài cuộc, dù có biết những trường hợp liên quan, cũng không hiểu ý đồ của tác giả thiết kế đó ở bề sâu của nó; còn nhìn từ bên ngoài, chẳng có lý do gì cả vì phần lớn là vì người, vì mối quan hệ lợi ích riêng tư mà bố trí, đề bạt bổ nhiệm chức vụ, chẳng theo mục tiêu của cái gọi là cải cách hành chính rằng công tác cán bộ phải vì việc mà dùng người, cũng chẳng vì mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ, nâng cao chất lượng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gì. Cuộc cách mạng nhân sự của ông bí thư trẻ tuổi, người đã cười toe toét trước cảnh tái diễn cuộc thảm sát Mỹ Lai trong lễ kỷ niệm 2013, không phải vì bản chất của nó, mà long trời lở đất vì đụng đến thân phận, số phận, vận mệnh chính trị, tình trạng an cư ổn định sinh hoạt gia đình riêng tư qua mấy chục năm công tác của mấy chục con người, qua đó có kẻ lên người xuống, kẻ về gần nhà kẻ phải xa nhà theo nhiệm vụ mới. Trong mấy chục trường hợp ấy, có một trường hợp đặc biệt về chính trị là ông đã cùng với thường trực tỉnh ủy hạ bệ một ông Phó chủ tịch tỉnh vốn được nhân dân hai lần bầu ra rất “dân chủ”, rất của dân do dân vì dân và được đảng lãnh đạo chặt chẽ ấy, chỉ vì số ủy viên thường vụ trong chức danh Phó chủ tịch tỉnh vượt quá “qui hoạch” cũng do đảng tạo ra.
Kể câu chuyện về công tác cán bộ, cuộc cách mạng nhân sự của một tỉnh như một thể nghiệm uy quyền lãnh đạo của một ông bí thư từ trên trời rớt xuống không phải để nói riêng về trường hợp này. Từ chuyện một tỉnh, có thể khái quát nên chuyện cả nước này, rằng với chiến lợi phẩm quyền lực giành được qua “cách mạng”, chiến tranh, với sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng- một thiết chế siêu nhà nước toàn trị- về công tác cán bộ nói riêng, đảng đã biến quá trình này thành như một cuộc chơi, một sân chơi, một trò chơi. Đó là một trò chơi có lợi cho người chơi, một bộ phận đồ chơi và những kẻ ăn theo khác. Mấy chục năm “đổi mới”, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm đã tạo nên nguồn thu nhập, làm nên sự giàu có của nhiều người trong hệ thống công tác tổ chức, làm nên dòng lưu thông tiền bạc trong thị trường ngầm bằng phong bì, chuyển khoản, quà cáp; sự tiêu cực đến mức báo động là bệnh, là quốc nạn với cách diễn đạt cũng của đảng mà không có quốc gia hay chính đảng nào trên thế giới có được : chạy tuyển dụng công chức, chạy chức chạy quyền. Đó là sản phẩm tất yếu của độc quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Ngoài hệ lụy tiêu cực đó, sự lãnh đạo của đảng trong công tác cán bộ cũng chẳng làm nên tích sự gì, tham nhũng vẫn ngày càng nghiêm trọng hơn nhưng tinh vi hơn bằng chính kinh nghiệm của những đảng viên lãnh đạo do đảng dựng nên; các nhóm lợi ích đã thể hiện bản chất ở trình độ mafia với các đặc trưng cổ điển Âu – Mỹ cộng với điều kiện một đảng duy nhất độc quyền lãnh đạo. Một khi sự việc tham nhũng đơn lẽ rủi ro nào đó bị khui ra, đảng vội vã phủi tay chối bỏ trách nhiệm bằng cách khai trừ đảng đồng chí bị lộ đó; thế là an toàn và hết. Những cố gắng cách mạng nhân sự qua trường hợp Quảng Ngãi cùng với công tác xây dựng đảng như kiểu nghị quyết 4 chỉ như tự túm tóc để nhắc mình lên khỏi mặt đất thôi. Nó tiếp tục khẳng định một cách ngoan cố quyền lực ngày càng tha hóa của đảng, tạo ra bối cảnh để trục lợi cho đảng và các yếu tố khác của nền kinh tế thị trường giả cầy cùng với các nhóm lợi ích vệ tinh, song nó cũng bộc lộ một sự bất lực, lúng túng ngày càng rõ. Chỉ cần nghiên cứu kỹ một luận điểm đánh giá về tiêu cực trong công tác cán bộ rằng rất nhiều cán bộ không muốn công tác ở cơ quan đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, chỉ muốn làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn hoặc nhìn vào hiện tượng đảng tăng phụ cấp gần 50% tiền lương cho công chức đảng thì đủ biết sự suy đồi trong lĩnh vực này nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung như thế nào.
Trong nhưng quốc gia không có hệ thống chính trị như Việt Nam, một đảng lãnh đạo độc quyền được cưỡng chế hợp hiến hóa như Việt Nam, những câu chuyện đang nói không hề có. Việt Nam có loại đặc sản đó, lại tốn một khối ngân sách khổng lồ để nuôi cái thiết chế tạo nên câu chuyện đó, nuôi cả những hoạt động phát sinh trong quan hệ của thiết chế đó với các bộ phận khác của hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội. Còn “nhân dân” thì vẫn bị ném ra ngoài các cuộc chơi, hoặc chỉ được mượn đóng vai đám đông trong các cuộc chơi đó. Thế có khổ không?
Trà Giang
(Dân luận)

Đại Vệ Chí Dị.

Nguoibuongio FB
Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.
Khi trước Vệ Cường Vương ngồi trên ngôi, tài trí có hạn, việc nước không đảm trách được. Vương để mặc cho Bạo tể tướng lo chính sự. Còn Vương ngày đêm lo ăn chơi, hưởng lạc tìm gái đẹp trong thiên hạ để thỏa mãn thú tính. |Việc chính sự duy nhất của Vương là răm rắp một lòng theo ý của Tề Bá Vương.
Nước Vệ thời Cường Vương lý mà nói ,chỉ đáng xưng là Vệ Hầu hay Vệ Công. Nhưng kẻ chép sử vì kiêu hãnh thái quá tính dân tộc, cứ chép thành Vệ Vương cho thỏa lòng người Vệ.
Vệ Kính Vương lên ngôi, thấy quyền lực nhà Sản  trong tay tể tướng. Bụng lấy làm uất lắm. Kính Vương xuất thân là nho sĩ, bụng chứa nhiều chữ nghĩa. Mới quyết lấy sở trường của mình để đoạt lại quyền lực trong tay tể tướng. Bởi thế Vương quy định những điều Sản Viên không được làm, Vương cho mở rộng phê bình kiểm điểm từ người lính đến đại thần nghị sự. Mũi tên chính nhắm vào Bạo tể tướng.
Bạo nắm triều chính bấy lâu,tiền bạc và  thủ hạ đông vô kể. Qua mấy đợt kiểm chính của nhà Sản, Bạo vẫn vững như bàn thạch.
Vương quyết mạnh tay hơn, lập những ban chuyên ngành trực thuộc quyền phủ Sản. Vương kỳ công chọn dũng tướng ở miền Trung về đứng đầu ban. Tướng ấy tướng mạo khôi vĩ, oai hùng, tiếng nói sang sảng. Một mình trấn ải miền Trung dựng cơ đồ khiến bốn cõi phải khâm phục. Tướng ấy ra triều nhận ấn, múa đủ 8 thứ binh khí giữa sân triều, rồi giương giương tự đắc giữa tiếng tán thưởng của quần thần. Triều thần vỗ tay không ngớt  rằng
- Võ giỏi quá, múa đao giỏi quá, tài quá.
Tướng ấy hứng khởi dộng đại đao xuống đất hét lớn đầy khí thế.
- Vâng mệnh vương, chém sạch bọn lũng đoạn triều đình.
Cả triều đình lại ồ lên tán thưởng, tiếng vỗ tay như pháo nổ giữa trời quang. Vang ra tận ngoài thành. Khiến dân chúng cũng nức lòng theo.
Bạotể tướng thấy vậy chỉ nhếch mép cười phất tay áo về phủ. Đám lâu la rón rén đi theo, trong bụng còn thấp thỏm sợ hãi màn ra oai của tướng miền Trung. Có đứa nén sợ lấy hơi hỏi thăm ý  chủ. Bạo cười nói.
- Các người quên ta chính chiến từ thưở mới còn để chỏm, sở trường là du kích quân, chuyên đánh lén dưới thắt lưng địch sao.?
Nhờ câu nói ấy, thủ hạ tin tưởng mà không tẩu tán tài sản nữa, lúc đó giá vàng cũng chững lại một phần.
Lại nói về tướng miền Trung, đương vểnh râu ngồi quán dịch ở kinh thành chờ nhận quân, nhận ấn tín thì nghe phong phanh quê nhà có biến. Bèn lên ngựa vào thành tìm Vệ Kính Vương tâu chuyện, nào ngờ lúc đêm tối đi qua cửa phía Nam bị một bọn đạo tặc giăng dây, móc câu liêm giật cho ngã lộn cổ. Chúng xúm lại đập nhầu cho tướng ấy môt trận thừa sống thiếu chết rồi bỏ đi, tổn thất quy thành tiền đến ba nghìn tỷ Vệ kim. Tướng ấy lê vào thành, mình còn thương tích, Vệ Kính Vương thấy vậy lắc đầu biết là không thể trì hoãn được lâu. Hôm sau Vương gấp rút cho họp đại hội Sản Ủy để đưa gấp tướng ấy vào hàng đại thần nghị sự để nắm thế chủ động tấn công.
Thông báo Vương đưa ra chưa ráo mực, Vương đương soạn kế sách trong ngày đại hội, bỗng đâu có tiếng xôn xao ngoài phủ. Vừa ngó đầu ra xem thì bị một mũi tên bắn thấu xương sườn, rút tên ra thấy trên mũi tên khắc chữ Tra. Bầy tôi vực Vương vào trong, canh phòng cẩn mật, mời thấy thuốc đến chữa trị tổn hại đến  bốn nghìn tỷ Vệ kim.
Đến lúc đại hội Sản Ủy, Vương cùng bầy tôi yêu ra trận, thương tích chưa lành. Đành phải huơ vài đường đao lấy lệ rồi thúc thủ nhìn trận bên kia ,Tể tướng uy vũ điều quân tung hoành đánh phá thắng lợi giòn giã. Trận đại chiến quan trọng sinh tử ấy tể tướng  toàn thắng chiếm được hai vị trí đại thần nghị sự. Vương trắng tay lủi thủi dắt binh mã ra về, ốm luôn một trận dài cả tháng. Tướng miền Trung thành bơ vơ ngoài quán dịch, đi không được, ở không xong.
Vương gượng dậy, gọi mấy kẻ tâm phúc là đại thần nghị sự, vốn toàn quan văn đến mật nghị. Các đại thần thưa.
- Tên ấy ( chỉ Bạo) là kẻ vũ phu, không dùng trận mà đánh hắn được. Phải dùng binh thư mà đánh. Trước đánh hắn về uy tín để hắn bị cô lập dần, sau đó dùng pháp luật mà trị mới xong. Giờ  hãy sửa pháp trị nước Vệ để khẳng định quyền lực trong nước tất cả thuộc về nhà Sản, duy nhất nhà Sản có quyền quyết định tất thảy mọi việc mà thôi. Phải chặn trước lỡ sau này tên Bạo lập nhà X tiếm ngôi.
Vương nói.
- Nếu vậy thì ban hành sửa pháp trị, nhưng trước tiên cứ cho dân chúng góp ý thoải mái, để đánh lừa tên ấy. Sau cuối cùng chốt lại cho người mình giả dạng góp ý nhất quyết khẳng định quyền lực thuộc nhà Sản là điều tất yếu của nhà Phật, của đạo lý dân tộc uống nước nhớ nguồn, chú trọng khoét sâu vào tâm lý vị tình của nhân dân, tiếp tới bước nữa là mạnh mẽ  khẳng định duy nhất nhà Sản có quyền ấy mà thôi. Chú ý phải giữ từ duy nhất.
Lệnh lấy ý kiến sửa đổi pháp trị đưa ra. Nhà Sản mị dân phao giữa chợ rằng dân tình đóng góp thoải mái. Nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo tôn giáo khắp nước đưa ý kiến tới tấp, có ý kiến cho rẳng cần bỏ luôn cả cái điều nhà Sản giữ quyền lãnh đạo. Vương hoảng quá bèn trở mặt  lệnh rằng những ai mà nói bỏ điều nhà Sản lãnh đạo là phản nghịch. Đồng thời dư luận viên giả dạng thay mặt nhân dân đi khắp nước ôm mặt khóc thảm thiết rống lên rằng – ôi cha mẹ làng nước ơi, nhà Sản mang cho dân tộc ta sự sống, mang lại ấm no, mang lại hòa bình, Sản là cha mẹ, là tổ tiên, ông bà. Bỏ Sản khác nào bỏ tổ tiên ông bà huuuu…
Có kẻ khóc chán chê xong thấy chưa đủ,quay ra giả bộ phẫn uất  nằm lăn ra đất vật vã, đập chân đập tay liên hồi đòi phải xử lý những ai đòi không chịu ghi trong pháp trị là Sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo. Quân của nhà Sản đi khắp nơi diễn màn kịch ấy, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Không rõ là ngân sách làm chuyện đó lấy ở đâu ra, trong khi mọi nguồn ngân khố tể tướng nắm cả. Có tin đồn chuyện sửa pháp trị ngân sách do bên ngoài trợ cấp. Điều này đến nay vẫn chưa ai rõ.
Thấy việc lấy ý kiến sửa đổi pháp trị chưa đâu vào đâu. Vương liên kết với các nghị để lấy xét tư cách uy tin của các quan bên phủ Bạo. Bầy tôi của tướng miền Trung là một văn sĩ, e sợ Bạo khống chế các nghị viên, mới lập ra bảng trưng cầu tín nhiệm cho nhân dân đóng góp. Thủ hạ của Bạo bắt ngay về kinh, tống vào ngục thất tức thời. Đó cũng là câu cảnh báo chung cho Vệ Kính Vương, chưa chắc có cái gì là Duy Nhất với nhà Sản.
Cuộc xét uy tín các quan lại, Bạo và thuộc hạ thân cận bị xếp hạng bét. Cũng như trước đó ở đại hội các đại thần nghị chính  Bạo cũng bị đánh giá cần phải kỷ luật. Thế nhưng Bạo còn mạnh lắm, chỉ bị ảnh hưởng uy tín   chứ vây cánh và bản thân chưa hề bị sứt mẻ.
Nhưng nhà Sản xưa nay triệt ai nếu không mạnh để thẳng tay thì đều chọn cách trước là giảm danh dự, uy tín để cô lập với nhân dân. Rồi mới ra tay hành động. Trước kia Bạo dùng chiêu này với Cù Tiên Sinh, nay nhà Sản lại dùng chiêu đó để hại Bạo. Chung quy cũng toàn một lò sinh ra duộc mới giống nhau vậy.
Bạo may mắn thoát trận mấy lần, thậm chí còn dành thắng lợi. Nhưng lẽ nào người kiêu dũng như Bạo cứ thủ thế đợi đối thủ hết mở đợt công kích này đến đợt công kích khác. Đối thủ của Bạo chẳng phải là Vệ Kính Vương, bởi không có Vệ Vương này thì lại có Vệ Vương khác.
Kẻ kiêu dũng như Bạo, nắm được quyền như Bạo mấy mươi năm mới có một người. Chắc hẳn Bạo hiểu được cỗ máy nhà Sản vận hành xử kẻ thất thế ra sao hơn ai hết.
Xét theo tướng mạo thì Bạo có bề ngoài giống Câu Tiễn hơn là giống Phù Sai.

Hai Lúa – Hãy để ông chết theo cách của ông

H123
Vừa định viết một còm về Tiến sĩ CHHV thì đọc được bài của anh Lái Gió Bùi Thanh Hiếu.
Sao giống nhau về suy nghĩ đến lạ.
Ai cũng biết, tính sĩ của kẻ sĩ rất lớn, nó kiêu hãnh, hiên ngang hơn rất nhiều lần nỗi khiếp sợ. Đó là đức tính Dũng thường không thể thiếu của một người quân tử đúng cách. Kẻ thù có thề hành hạ, tra tấn, thậm chí giết chết kẻ sỹ nhưng không thể khuất phục được.
CHHV đầy đủ Nhân, Trí, Dũng để hiểu việc làm của mình, đã sẵn sàng đối mặt với cái chết, việc chúng ta kỳ vọng vào sự nhân nhượng, sự ủy mị, và nước mắt của đàn bà khi thốt lên để lung lạc ông là uổng công, ông đã thốt lên “em giết anh”, câu nói mang nhiều nghĩa. Trong cuộc sống, chẳng ai muốn điều bất hạnh xảy ra với mình, chẳng ai muốn chết một cách oan uổng như ông Trịnh Xuân Tùng cả.
Lúa tôi không bao giờ cho rằng Ts Vũ sẽ lùi bước.
HÃY ĐỂ ÔNG ĐƯỢC CHẾT THEO CÁCH CỦA ÔNG.
Thay vì đi cầu xin, năn nỉ, kêu cửa những kẻ mất nhân tính, xem mạng người như rơm cỏ, thì Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà hãy làm lễ truy điệu, lễ tang cho chồng mình; nó giống như lễ truy điệu của bà Trưng Trắc, làm đám tang cho chồng khi Trương Định yêu cầu đồi mạng Thi Sách nếu Trưng Trắc lui binh. Khi Thi Sách bị treo lên đoạn đầu đài, và Trương Định đưa loa cho Thi Sách để khuyên vợ, Thi Sách lại cười ngạo nghễ rồi bảo rằng ông hy sinh như bao nhiêu người dân Nam khác phải hy sinh để đánh đuỏi quân thù, ông xem thường cái chết, và khuyên vợ mình hãy vững tay gươm.
Cái chết đó đã đi vào lịch sử.
Trong một cuộc chiến đấu sống còn, thì sự hy sinh mất mát là khó tránh khỏi. Ts CHHV đã sẵn sàng chết. Ông sẽ được nhân dân suy tôn, đúc tượng để ghi nhớ công ơn, cũng như Martin Luther King.
Hãy tổ chức tang lễ đó ở tư gia và mang cỗ quan tài kia tới trại giam, ngồi chờ ở đó. Ls Dương Hà hãy thuê đoàn nhị tì (đội khèn trống) làm lể tụng kinh gõ mõ theo đúng theo lễ nghi nhà Phật, đọc cầu hồn siêu thoát, hoặc theo nghi lễ Thiên chúa giáo ở ngay nơi Ts Vũ đang tuyệt thực để chờ nhận xác chồng về. Nếu là Lúa, Lúa tôi cũng sẽ chọn cái chết, vì đã lên lưng cọp rồi, không còn cách nào khác đâu. Một lần nữa, Lúa tôi nhắc lại, tính sĩ của kẻ sĩ rất lớn, lớn hơn cái chết.
Hãy dũng cảm lên thưa bà Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà.
Tháng Sáu 12, 2013
Hai Lúa
(CHHV)

Người Buôn Gió - Ngày thứ 16: Nên mang xe tang đi đón tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

Vậy là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã tuyệt thực sáng ngày thứ 16.
Với tôi thì tuyệt thực không có trong đầu, những ngày trong trại giam tôi đều ăn sạch những gì người ta cấp cho mình. Hôm nọ anh trai tôi bị đánh ở trại Lộc Hà, tôi nghe người ta kể lại anh trai tôi phẫn uất đòi tự thiêu. Lúc đó tôi đang bôn ba lòng vòng không có điều kiện vào mạng để bày tỏ ý kiến mình.
Nếu anh trai tôi tự thiêu, tôi sẽ rất buồn, rất đau đớn và cả gia đình tôi cũng vậy. Tôi sẽ gục ngã khi biết anh mình tự thiêu để phản đối sự dã man cường quyền. Bọn chúng sẽ nói rằng anh tôi thần kinh, anh tôi đã vài lần muốn tự tử... cái chết oan ức đó sẽ lại càng oan ức chồng chất cho người thân và bạn bè.
Những người ít học hành, ít địa vị xã hội như anh em tôi chớ nên tự thiêu làm gì, uổng công. Cái chết lãng nhách đó sẽ bị quên đi rất nhanh bởi những hỏa mù của những tuyên truyền viên dư luận viên.
Nhưng nếu anh tôi uất quá mà muốn chết, có nhiều cái để chọn, chả gì phải tự thiêu cho chúng nó cười. Nếu anh tôi chết kiểu tự thiêu ra đi một mình như thế, thì chả cần bọn dư luận viên. Chính tôi sẽ nói anh tôi dở hơi, thần kinh. Tôi sẽ từ không nhận là đó là anh trai mình.
Tôi may mắn được gặp gỡ và lĩnh hội tính ôn hòa nhiều ở các vị Hòa Thượng, Giám Mục, Linh Mục, Thiền Sư của các tôn giáo... nhưng nếu mà phải chết thì chắc tôi không tuyệt thực hay tự thiêu. Ở trường hợp buộc phải chọn đến cái chết,tôi thích trạng Quỳnh hơn với câu nói dân dã Trạng chết Chúa cũng băng hà hơn tất cả những lời triết lý, nhân văn mà bản thân tôi có khi nói ra cũng rất chi là hay.
Nếu trắc nghiệm bây giờ với hai trường hợp. Người thanh niên đi xe máy tự thiêu ở Đà Nẵng tên là gì.? Người nông dân Tiên Lãng đáng nói nhất đến tên gì.? Chắc chắn đa số các bạn ở đây không cần tra tìm kiếm cũng bật ra cái tên Đoàn Văn Vươn tức thời. Còn chủ định viết và đặt câu hỏi, nhưng tôi cũng chả nhớ người thanh niên đi xe máy đó tên gì.
Những người ở địa vị không được biết nhiều trong xã hội chớ nên tự thiêu, tự vẫn, tự tử để phản đối chế độ làm gì. Chết một mình phí lắm! Rồi kẻ thù cười mỉa mai trên đám tang của mình thì cái chết lại càng phí hơn.
Trường hợp tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì lại khác, anh sinh trong một dòng họ, một gia đình danh giá. Anh không thể chọn cái chết như một người lính Hồi Giáo. Vì như vậy lại càng bất lợi hơn cho danh tiếng của anh.
Trại giam đã cho một tên cán bộ quèn, nếu tôi đoán không nhầm thì là một tên cán bộ một vài buồng giam hay một khu nhỏ trong trại giam. Tên cán bộ này nhận nhiệm vụ khiêu khích tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ để gây cho anh phải bất ổn định về tâm lý. Chứng tỏ đã có một sự toan tính nghiên cứu về tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ rất kỹ và trò khiêu khích bằng những thủ đoạn hèn mọn là mũi công phá mà những kẻ muốn tấn công anh đã chọn. Những người trọng danh dự , khảng khái thường phải đối mặt với những tên tiểu nhân với những trò tiểu nhân như vậy. Tương tự những người dân tôn giáo hay người biểu tình yêu nước bỗng dưng không thấy công an đâu, thay vào đó là một đám "quần chúng bức xúc" lăng mạ, chửi bới và đánh đập họ.
Cho dù tiến sĩ Vũ đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp, nhưng tên cán bộ quèn đó vẫn hàng ngày nhơn nhơn đến khiêu khích anh. Không nói chúng ta cũng hiểu đằng sau tên lính quèn này là một âm mưu được chỉ đạo từ cỡ nào mới khiến hắn ngạo mạn như vậy.
Chắc chắn khi tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hết sức và rơi vào hôn mê. Chúng mới đưa anh đi cấp cứu và dùng các biện pháp hồi sức, truyền đạm, truyền chất này nọ. Có khi nhân tiện chúng truyền loại thuốc gì đó luôn. Đấy mới là điều đáng lo. Và có khi đó mới là mục đích chính của sự khiêu khích khiến anh Vũ tuyệt thực.
Việc chị Dương Hà ỷ vào ngày sinh nhật của mình để ép chồng ăn một thìa cháo. Đến mức anh Vũ phải mím môi tràn nước mắt nói:
- Em giết anh.
Chỉ thế thôi, người trải qua, người sâu sắc biết hùng tâm tráng trí của Cù Huy Hà Vũ thế nào. Xin đừng đem nước mắt hay gì đó khiến anh gục ngã. Giờ là lúc mũi lao đã lao đi. Những lời tốt đẹp, những lời nhân đạo gì gì đó, lúc này không còn là lúc mang ra rao giảng hay khuyên nhau nữa.
Việc của chị Hà muốn cứu anh Vũ ngay bây giờ, là hãy lên phương án sẵn sàng đón nhận nếu chồng mình chết vì tuyệt thực, tang lễ sẽ tổ chức thế nào, đưa đi đâu, kéo dài trong bao nhiêu ngày. Phải cứng rắn chơi sát ván với chồng mình như vậy mới cứu được chồng mình. Nếu cần hay đội khăn tang, lập bàn thờ, cầm bài vị chồng đứng trước cổng cùng với xe tang, quan tài để chờ đợi nhận xác chồng ở trại giam đưa ra.
Còn cứ loanh quanh van xin, lạy lục để được vào thăm chồng, để được động viên an ủi chồng ăn vài miếng thì xét theo góc độ phụ nữ, người vợ là điều đúng đắn. Nhưng xét theo tầm cỡ của Cù Huy Hà Vũ thì không thể nào như vậy.
Có thể một số người sẽ bảo tôi quá khích, hoặc dã tâm đẩy người khác vào chỗ chết. Đôi khi trong đấu tranh vẫn có những người cơ hội như vậy, để họ được tiếng với dư luận họ là người ôn hòa, nhân ái, là người đấu tranh biết giữ gìn này nọ.
Nhưng tôi tin rằng chị Hà hiểu tấm lòng của tôi với anh Vũ. Thế là đủ.
Việc của chị cần làm là mặc áo tang, mang hoa và quan tài cùng xe tang chờ cổng trại đón anh về. Nếu cần thì cứ đưa cả khẩu hiệu xe đón linh cữu tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đang bị... sắp chết...
Người Buôn Gió
 

André Menras Hồ Cương Quyết - Vạch đỏ cho một chế độ đã mất phương hướng

Đã 17 ngày nay Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, người bị tù giam vì tội có ý kiến khác, vì dám nói thật to điều nhiều triệu công dân Việt Nam chỉ dám nghĩ thầm trong lòng, đã bắt đầu tuyệt thực chống lại những điều kiện giam cầm mà tất cả đều chỉ nhằm bẻ gãy tinh thần cùng ý chí dân chủ và yêu nước của anh: bọn «đầu trâu mặt ngựa» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) làm quản giáo thì dọa giết anh, họ từ chối không cho gia đình thăm nom, từ chối chuyển thư từ, bưu kiện và tin tức … Việt tuyệt thực của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ chỉ là một hành động nhằm buộc người ta tôn trọng những quyền căn bản đã được Luật pháp ghi nhận.
Cũng như rất nhiều bè bạn của tôi đang đòi trả tự do cho anh, và bên cạnh những người bạn đó mà tôi đã đóng góp phần dựng xây nên cái chế độ này, mong sao cho nó có tính dân chủ và khai phóng, nhưng rồi nó lại suy thoái thành độc tài, tôi đã từng biết đến nhà tù của Việt Nam Cộng hòa, biết đến những đe dọa giết từ phía bọn đầu trâu mặt ngựa canh giữ tôi, biết những trận đòn trong tù, những lời giễu nhại, những câu chửi, những cấm đoán nhận thư, nhận gói hàng, và… biết cả cuộc tuyệt thực (hai mươi ngày khiến tôi sụt 17 kilô).
Nói vậy để thấy rằng tôi hình dung được hoàn toàn đầy đủ những điều kiện sinh hoạt của một người đàn ông 56 tuổi trong người mang bệnh.

Tôi cũng hình dung được cả trạng thái tâm lý của Hà Vũ. Điều mà bọn sát thủ máu lạnh bu quanh anh và điều mà tất cả những «ông X» chỉ huy chúng không hình dung thấy, ấy là khi cơ thể càng yếu đi thì cái tinh thần và ý chí kháng cự càng có thêm sức mạnh đến vô cùng. Đó là sự tiêu ma dần dần cái đói quặn thắt dạ dày những ngày đầu tuyệt thực để cho trí não bạn được giải phóng. Đó là một trạng thái an nhiên vững vàng và yên tĩnh xâm chiếm khắp con người bạn khiến cho ý chí bạn tăng gấp bội phần. Với một người vô thần như tôi, được trải nghiệm trạng thái đó khiến lòng tôi xao động sâu xa, vì nó dạy cho tôi biết «linh hồn» con người, phần tốt đẹp nhất của con người, có thể thoát khỏi thân xác, thoát khỏi mọi nhu cầu, mọi đòi hỏi, mọi đớn đau của cơ thể đến mức nào. Để thấy được con người có thể thăng hoa tới mức nào. Điều đó đã dạy cho tôi biết, trong hoàn cảnh đó, nỗi sợ không còn áp lực ra sao lên sức mạnh của tư tưởng, và cái chính nghĩa mà ta bảo vệ, cái chính nghĩa đồng hành mọi nơi mọi lúc với ta, đã trở thành dưỡng khí và thức ăn cho ta như thế nào. Nghịch lý vô cùng lớn của cái nhà tù này là, khi nó càng kinh hoàng thì nó càng khiến ta gần hơn với Tự do. Và thế là, thưa quý vị cai ngục, quý vị có thể tha hồ vấy bùn lên con người chân chính ấy, quý vị sẽ chẳng khi nào khiến anh ta vấy bẩn cả. Quý vị có thể xây vô số bức tường, quây vô số dây thép gai quanh anh ta, quý vị sẽ chẳng khi nào giam cầm được anh ta hết. Ngược lại, những hành động bất công, vô nhân và lưu manh của quý vị sẽ chỉ làm gia tăng nỗi ô nhục và sự xấu hổ trong lòng quý vị mà rồi có lúc quý vị từng người một sẽ phải trả lời.
Bởi vì Lịch sử được xây nên bằng những câu chuyện nhỏ thật là cụ thể. Tôi cũng như bè bạn chẳng bao giờ quên tên của bọn đao phủ ở Chí Hòa: Đại tá Lợi Nguyễn Tấn, Giám đốc nhà tù, Thiếu tá Tuấn, «con cáo già» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) Phó giám đốc, tên cai ngục tra tấn tù nhân Bình Xuyên Nguyễn Trung Lương… Tương tự như vậy, ông Cù Huy Hà Vũ, gia đình ông, các bạn bè và mọi người hôm nay đang dán mắt vào anh, sẽ không khi nào quên tên viên tướng Cao Ngọc Oánh, người pha trò đểu cáng với vợ người tù khi trả lời rằng «… bà đừng lo: ông ấy có đủ coca cola… », cái tên Lường Văn Tuyến của viên Giám thị trại giam, cái tên Lê Văn Chiến của đứa lưu manh đe dọa tù nhân Hà Vũ… Khi đánh vào nền dân chủ, vào các quyền tự do và vào những con người công dân cụ thể, cái chế độ này chuyên dùng lối ẩn danh. Đó là một trong những chiến lược của họ: ăn mặc thường phục, bị chất vấn thì câm miệng không trả lời, những tài liệu luật pháp chính thức luôn luôn không đủ hoặc bị bỏ quên, những tên tuổi của những kẻ gọi những cú phôn giết người: chẳng có một ai chính thức chịu trách nhiệm hết. Đồng thời, bất kỳ lúc nào, bất kỳ cách nào, bất kỳ ở đâu và bất kỳ ai cũng có thể ra đòn. «Không ai thấy, chẳng ai biết», như trong hệ thống mafia vậy. Bọn người giật dây và từ trên cao chỉ huy những hành động tôi coi là đồi bại và tội phạm đó đối với đồng bào của chúng, những kẻ thực thi các hành động đó mà nhiều khi thực thi hết sức mẫn cán, tất cả bọn chúng đều có tên tuổi, địa chỉ, một cuộc sống gia đình và… một doanh nghiệp (to hoặc nhỏ)… Vào thời đại internet và smartphone, trong một xã hội người nọ rình mò người kia, cái xã hội vì sợ sệt mà sinh tò mò và không sao tránh được những điều riêng tư kín đáo, thì đã đến lúc tất cả các Ông X hãy ghi nhớ điều này: sẽ có một ngày, hoàn toàn không vì bạo lực trả thù, mà trong khuôn khổ một nền công lý dân chủ thực thụ, họ sẽ phải tính sổ về những đau khổ họ đem lại cho đồng bào khi vi phạm luật và các quyền cơ bản của con người. Hôm này chứ không phải hôm nào khác, nếu họ vẫn còn sót chút sáng suốt, họ cần phải suy nghĩ tới câu tục ngữ xưa song lại luôn luôn được thực thi, lấy đó làm điều răn đe với tất cả bọn họ: «Quan nhất thời, dân vạn đại» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND).
Cần phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ông Cù Huy Hà Vũ, cho những bạn trẻ Phương Uyên, Nguyên Kha, cho ông Trương Duy Nhất và tất cả những người – danh mục dài, không đưa ra đây hết được – chỉ biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau nhưng bao giờ cũng ôn hòa những bất đồng của họ với đường lối chính trị phản dân tộc và phản xã hội do Đảng CS Việt Nam áp đặt dưới cái dù che là điều 4 Hiến pháp, tất cả những người chỉ bày tỏ lòng yêu nước chống những hành động xâm lược của bọn Tàu, chỉ bày tỏ sự đau lòng trước nạn tham nhũng đang làm cho đất nước từ trên xuống dưới bị hoại thư, chỉ bộc lộ những sự bất bình của mình trước những sự bạo hành ngày càng gia tăng của cảnh sát, chỉ thể hiện tình yêu thực sự của mình đối với Tổ quốc. Những người tù chính trị sẽ chỉ càng ngày càng nhiều thêm. Lòng quyết tâm của họ sẽ chỉ gia tăng và tỏa sáng ra bên ngoài. Cũng như biết bao quả lựu đạn đã bị rút chốt an toàn bởi một số nhà lãnh đạo mất phương hướng, xa rời nhân dân, đang mù quáng chèo lái theo cách được chăng hay chớ và đang dẫn đất nước tới chỗ ngày càng tồi tệ. Những trái lựu đạn ấy sẽ dính chặt vào bàn tay họ, những bàn tay run rẩy và đe dọa phát nổ.
Tôi xin hoàn toàn bày tỏ tình đoàn kết với ông Cù Huy Hà Vũ và với tất cả những người tù chính trị đang nằm trong xà lim tăm tối, trong đó có cả những người mà tôi không chia sẻ những ý tưởng nhất định. Tôi luôn luôn nhớ tới họ và gia đình họ để nhớ lại một quá khứ sẽ còn mãi mãi in sâu trong ký ức mình. Vì theo một cách nào đó, và ngay cả có khi có những tác nhân ngày qua và hôm nay vẫn chưa ý thức hết, những người tù chính trị này, những bạn «tà ru» của ngày mai, bằng những hy sinh của mình, các bạn đang kéo dài trận chiến vì những giá trị giải phóng mà tôi vẫn không ngừng tin tưởng, những giá trị mà nếu thiếu vắng chúng, thì không thể có tiến bộ nào của con người và của xã hội, và mọi điều hạnh phúc chỉ là chuyện phù du mà thôi.
André Menras Hồ Cương Quyết
Phạm Toàn dịch
(BVN)

Nguyễn Văn Dũng: Tuyệt thực - đồng hành với TS Cù Huy Hà Vũ đến công lý và tự do

Blogger Nguyễn Văn Dũng

Tôi - Nguyễn Văn Dũng, sinh ngày 7/5/1977, chứng minh thư số 131324416, số điện thoại 0974468775, hộ khẩu thường trú: tổ 4A, phố Sông Thao, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - thông báo tuyệt thực trong bốn ngày, bắt đầu từ 0h ngày 12/6/2013 đến 24h ngày 15/6/2013, nhằm ba mục đích: 1/. Bày tỏ sự khâm phục tinh thần đấu tranh cho nhân dân và Tổ quốc của TS Cù Huy Hà Vũ. 2/. Góp sức mình vào việc tạo áp lực đòi nhà chức trách thực thi đúng pháp luật về chế độ nhà tù đối với người tù này. 3/. Chia sẻ cùng luật sư Nguyễn Thị Dương Hà - người vợ yêu của TS - nỗi đau thương, uất ức của bà trước sự đàn áp vô nhân đạo của nhà cầm quyền Việt Nam đối với chồng bà.

Kể từ khi hiểu được rằng sự băng hoại của xã hội và sự chiếm đóng của giặc Tàu trên nhiều phần quan trọng của đất nước là bắt nguồn chính từ sự thối nát của nền chính trị, thì tôi đã là một người bạn đồng hành nhỏ của TS Cù Huy Hà Vũ cũng như đông đảo đồng bào đang góp sức vào việc thay đổi thể chế tại Việt Nam. Tôi cũng nhận thức rõ là thể chế cần thay đổi chứ không phải chúng ta cần tiêu diệt những nhân viên công lực trong thể chế cũ, vì vậy tôi hoàn toàn thông cảm với những viên công an mà tôi buộc phải đối diện. Đem lòng thù hận để đòi công lý và tự do là điều ngu xuẩn tai hại nhất mà thực tế đã chứng minh. Nhưng chúng ta cũng chẳng thể nào đạt tới công lý và tự do bằng thái độ đấu tranh nửa vời, ngồi mong chờ kẻ cầm quyền thay đổi hay kêu gọi hòa giải hòa hợp suông.

Trong trường hợp cụ thể đây, tính mạng của một nhà đấu tranh lớn đang lâm nguy. Những ai đã từng chia sẻ các bài viết của TS Cù Huy Hà Vũ, hoặc đã khâm phục những hành động đấu tranh của ông, hoặc đã suy tôn ông lên như một bậc anh hùng, hoặc đã ký tên đòi tự do cho TS là những người trước tiên cần lên tiếng và hành động với mục đích tối thiểu để đòi nhà chức trách thực thi đúng pháp luật về chế độ nhà tù đối với người tù này. Tôi cùng nhiều người sẽ tuyệt thực để đòi hỏi, nhiều người khác sẽ biểu tình hay đến chất vấn nhà chức trách hoặc tác động tạo áp lực quốc tế, lại có đông đảo những người khác viết bài, làm truyền thông, tạo sự kiện thay avatar hình TS, đến thăm hỏi gia đình ông ...v.v... Chúng ta cùng phối hợp, kiên quyết đấu tranh ít nhất là cho những quyền của TS Cù Huy Hà Vũ theo đúng pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về chế độ đối với tù nhân.

Đã đến lúc mà để tạo niềm tin về đại cuộc thì chúng ta bắt buộc phải đạt được một số thắng lợi nhất định trong một số vụ việc tiêu biểu. Và nếu chúng ta không thể hiện được cái tình với một nhà bất đồng chính kiến có vị thế đặc biệt như TS Cù Huy Hà Vũ thì ai sẽ tin cái đội dân chủ tự do nhân sĩ trí thức gì gì đó có thể đi hàng đầu cùng nhân dân đấu tranh cho toàn bộ xã hội?

Điểm quan trọng cuối cùng cần lưu ý: Chúng ta đồng hành cùng TS Cù Huy Hà Vũ đến công lý và tự do chứ không bao giờ cổ vũ TS tuyệt thực đến chết. Nhưng nếu rủi ro không mong muốn xảy ra với TS Cù Huy Hà Vũ - con của bậc "khai quốc công thần của chế độ" Cù Huy Cận - thì từ giới trí thức cho đến dân oan mất đất sẽ mất nốt chút hy vọng cuối cùng vào một chút tính người còn sót lại nơi các lãnh đạo đảng cộng sản. Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đủ thông minh để biết không thể kéo dài mãi thể chế độc đảng và tất cả đều hy vọng hạ cánh an toàn, tuy nhiên mỗi một tính toán sai lầm man rợ của các vị đều tăng thêm nguy cơ là các vị sẽ phải dân chủ hóa đất nước từ trong ống cống.
Nguyễn Văn Dũng  (Facebook Aduku)

CHỌN ĐƯỜNG

Ngô Minh

Có lần xem VTV6, chuyên mục “Sinh ra từ làng”, tôi thấy ạnh Đoàn Kim Sơn tìm đường làm ăn khắp nơi ở miền Nam, làm qua nhiều nghề nhưng đều thất bại. Sau đó anh về quê nghiên cứu và quyết định về làng mình nuôi lươn xuất khẩu, thế mà trúng to. Bây giờ lươn xuất khẩu của anh đã thành thương hiệu. Anh còn bày cho bà con trong làng cùng làm giàu. Từ chuyện làm ăn của một người, một gia đình, ta nghĩ đến chuyện chọn đường làm ăn của một làng, một nước. Chọn đường không chỉ một lần duy nhất mà chọn sai thì phải chọn lại. Cuộc sống là vậy.

Chuyện thế giới hơn 200 quốc gia, lớn có bé có, tại sao có quốc gia lại giàu sụ, dân luôn ấm no, tự do sung sướng, trong  khi có quốc gia lại nghèo, đói rách lầm than, dân không đủ lương thực mà ăn, lại bị áp bức không ngẩng mặt lên được ?. Tại sao vậy? Tôi nghĩ do cách CHỌN CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN. Nhật Bản là nước rất nghèo về tài nguyên, dân số thì đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh thế giới 2, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954) phát triển cao độ (1955-1973) làm thế giới phải kinh ngạc. Người ta gọi đó là “Thần kì Nhật Bản”. Hiện nay, Nhật Bản cường quốc kinh tế thế giới , nền kinh tế lớn đứng thứ ba trên thế giới, GDP trên đầu người là 36.218 USD (1989). Hàn Quốc, trước năm 1960 cũng nghèo đói, bây giờ kinh tế Hàn Quốc phát triển với tốc độ phi thường, đến giữa thập niên 1980 đã trở thành một trong những nước công nghiệp hóa mới (NICs). Năm 2004 GDP của Hàn Quốc là 680 tỉ USD đứng thứ 12 trên thế giới.
Cùng trong khối ASEAN với Việt Nam, là Singapore, diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc, tài nguyên không có gì, nhờ chọn đường làm ăn đúng đắn, mà đến nay, Đảo Quốc này là nước giàu nhất thế giới . GDP bình quân đầu người của Singapore  56.532 USD vào năm 2010 tính theo đồng giá sức mua (PPP), cao nhất trên thế giới. GDP bình quân đầu người tính theo PPP của Nauy là 51.226 USD, của Mỹ là 45.511 USD, còn của Hồng Kông là 45.301 USD. Đó là chưa nói đến cuộc sống thiên đường của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan.v.v.. Tổ chức ASEAN có 10 quốc gia là thành viên. So sánh thu nhập bình quân đầu người ( GDP) năm 2010, thì Việt Nam bằng ½ Indonexia, 1/7 Malaixia, ½ Philipine, 1/25 Brunay, 1/36 Singapore. So với nước láng giềng TháiLan,   1980 Việt Nam chỉ kém Thái Lan rất ít, 74% tức xấp xỉ 3/4 Thái Lan thôi, nhưng đến nay, năm 2012 Việt Nam chỉ còn bằng 26, 8 % tức xấp xỉ ¼ Thái Lan. Thể chế nào ưu việt hơn cho sự phồn vinh của dân tộc quả thật không cần bàn cãi. Tại sao vậy ? Tại vì Thái Lan chọn đường đi đúng. Họ không tự hào “đã đánh thắng hai đế quốc to” mà tự hào là  đất nước Thái Lan không có chiến tranh.
Về Việt Nam, trừ 20 năm chiến tranh, bắt đầu từ năm 1975, đến nay đã 38 năm rồi.  38 năm là thời gian để Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành Con Rồng Châu Á. Trong khi đó Việt Nam cuộc sống của người dân vẫn nghèo đói, lạc hậu, nhiều xã 80% hộ dân nghèo đói. Mỗi năm nhà nước phải  bỏ ra hàng ngàn tấn gạo để cứu đói cho đồng bào.  Đạo đức, nhân  phẩm ngày càng suy đồi. Tội ác ngày càng tăng, xã hội ngày càng băng hoại ; các phe nhóm làm ăn bất chính ngày càng lộng hành; tham nhũng đang điều khiển bộ máy; nhà nước không quản lý được xã hội. Từ y tế, giáo dục, tư pháp, giao thông vận tải, lâm nghiệp…, soi vào ngành nào là hỏng ngành đó.v.v..Tại sao vậy ? Chúng tôi nghĩ rằng, tại chúng ta đã chọn nhầm đường : ĐI THEO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.
Chủ nghĩa xã hội là học thuyết không tưởng dựa trên cơ sở  sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, tổ chức sản xuất theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung dưới hình thức quốc doanh, tập thể (hợp tác xã, trang trại). Kinh tế được điều chỉnh bằng kế hoạch, nhà nước can thiệp vào tất cả các khâu của nền kinh tế, kể cả lao động và phân phối lợi ích. Các cán bộ quản lý kinh tế (xí nghiệp, hợp tác xã,…), nhân viên đều do nhà nước bổ nhiệm theo ý chí chủ quan, không qua cạnh tranh thị trường, nên không khai thác được người tài năng, lương hoặc phân phối lợi ích lao động theo quy chuẩn của nhà nước mang tính duy ý chí vừa có tính chất cào bằng vừa không theo trihnf độ chất xám, năng xuất lao động. Tạo ra sự bất công trong xã hội.
Sai lầm lớn nhất của học thuyết CNXH là bỏ qua chủ thể quyết định nhất là CON NGƯỜI. Trong CNXH con người bị đồng hóa thành một cái đinh ốc của bộ máy, chỉ biết làm theo lệnh, hưởng khẩu phần theo tem phiếu. Nhưng con người trong CNXH ấy vẫn là CON NGƯỜI, nên nó không chịu biến thành một cái đinh ốc của guồng máy sản xuất, nó luôn tìm cách vượt thoát ra khỏi sự trói buộc. Cuộc vượt thoát ngọan mục nhất là sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết khổng lồ sau 80 năm tồn tại dưới sự điều khiển của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Gorbachov. Tiếp theo là sự sụp đổ của CNXH ở các nước Ba Lan, Hungary, Rumani, Tiệp khắc, Đức…Các nước đã chọn con đường khác để phát triển hơn, no ấm hơn, tự do hơn. Đó là sự lựa chọn đúng đắn. Một nước gần ta là Trung Quốc, họ cũng đã bỏ chủ nghĩa Mác-Lê Nin, bỏ CNXH từ lâu để làm tư bản nhà nước, gọi là Xây sựng xã hội khá giả theo kiểu Trung Quốc.
Đó là sự vùng dậy của CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH vì sự sống còn của dân tộc mình. Có người bảo rằng Gorbachov phản bội ĐCS Liên Xô. Nhưng nhân loại thì cho rằng ông ta là người hùng vì đã đánh đổ một thể chế kìm hẵm sự tiến bộ của loài người, một chế độ phản lịch sử.  Ở Việt Nam, sự yếu kém trong quản lý kinh tế của CNXH đã các từng lớp sản xuất phải vượt thoát. Từ đó mới có khoán chui trong nông nghiêp, mới có kế hoạch ba, rượt rào, tự hoạch toán.v.v… Tất cả những “vượt thoát” đó đã buộc nhà nước cầm quyền phải “điều chỉnh” trong quán lý CNXH”. Bắt đầu từ Đại hội VI – VII và các Đaị hội sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã công nhận “nền kinh tế nhiều thành phần”, “kinh tế thị trường”. Đó là một bước lùi của CNXH và một bước tiến của KHÁT VỌNG CON NGƯỜI .
Nhưng ĐCS Việt Nam lúc nào cũng tuyên bố “ dứt khoát đi theo con đường đã chọn là CNXH”, nên mới thêm CÁI ĐUÔI CNXH đằng sau : “Kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, “ Kinh tế thịt rtường theo định hướng XHCN”, vẫn “ đất đai là sở hữu toàn dân”… Chính cái đuôi CNXH này đang  làm lung lay, đang đẩy  nền  kinh tế vốn đã yếu kém của Việt Nam đến bờ vực sự suy sụp. “Kinh tế quốc doanh là chủ đạo” nên được ưu tiên vốn liếng, ưu tiên giá cả, hỗ trợ thị trường. Nhưng “thời đại khác rồi Đinh Bộ Lĩnh ơi “( thơ Chế Lan Viên), nên các Tổng giám đốc, giám đốc DNNN hùa với các nhà quản lý ở Trung ương và các Bộ, kinh “doanh ngay” cái “chủ đạo” đó, để trở thành nhóm lợi ích “rút ruột” nền kinh tế đất nước. Vinashine, Vinaline…là những ví dụ cụ thể. Vinashine đang lỗ ngoắc ngoải, vẫn được bơm 700 triệu USDlà một ví dụ sihn động. Tất cả các TCT đều thua lỗ, tổng số vốn thất thoát của tất cả các TCT lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trong không nhỏ trong GDP quốc gia, trong lúc đó lương của Tổng giám đốc lên đến mấy trăm triệu đồng/tháng. Không phải vì các Tổng giám đốc kém, mà họ rất giỏi khai thác lợi thế “chủ đạo” đó để làm giàu cho riêng mình, phe nhóm mình. Sống chết mặc bay, tiền thấy bỏ túi- là phương châm hàng động của không ít các TGĐ các Tập đoàn kinh tế.  Cái đuôi “ định hướng CNXH” cũng bị lợi dụng khai thác triệt để. Tất cả các khoản hỗ trợ nông dân trong thu mua lúa, khoản ưu đãi để đưa hàng nội “bình ổn giá”.v.v.. đều vào tay các Tổng công ty, vào Hiệp hội lương thực, còn người nông dân và người tiêu dùng không được một đồng ưu đãi nào. Đó là sự trớ trêu có thật mà các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vì nhiều lý do, không thấy hoặc không muốn thấy.
Như vậy CHỦ NGHĨA XÃ HỘI  ở Việt Nam hiện nay là môi trường, là cơ hội tham nhũng của bọn quan lại các cấp. Nghĩa là CHXH chỉ cho mọt nhúm người, không phải cho 87 triệu dân Việt Nam. Các dự án “phát triển kinh tế xã hội” được vạch ra để cướp đất nông dân, làm giàu cho một nhóm người. Đất mất, rừng mất, tài nguyên mất, uy tín của Đảng cũng đang  dần mất, cũng vì kiên quyết đi theo con đường CNXH. Bỏ cái đuôi “chủ đạo”, cái đuôi “đinh hướng CNXH” đi thì vốn liếng nhà nước được bảo toàn, nhân dân tự do sung sướng, nhưng CNXH sẽ mất ! Đảng chọn đường nào ? Chọn CNXH để đất nước, dân tộc đi đến cùng khổ, hay chọn con đường làm ăn tấn tới như các nước ?
Một gia đình cũng như một nước không ai thích nghèo. Không ai thích con cái nheo nhóc, hư hỏng.  Nghèo thì hèn. Hư thì đốn.  Cớ sao Nhà nước ta cứ nhìn nhân dân đói khổ, mất tự do bao nhiêu năm mà không chút động lòng ? CHỦ NGHĨA XÃ HỘI chỉ là một xã hội không tưởng, không có thực, trong lúc đó nhân dân, dân tộc đói khổ , thua kém các nước  trong khu vực là thực tế đau đớn, sao cứ bám lấy CNXH ? Không một người cha nào không tủi hổ, buồn đau khi thấy con mình đói rách, không có  cơm ăn áo mặc. Nhìn ra thế giới mà xấu hổ thay cho đất nước mình.
Là một công dân Việt Nam lương thiện. Tôi thiết tha đề nghị Đảng và Nhà nước hãy chọn con đường khác, làm ăn khấm khá hơn, để cho dân được ngẩng đầu lên với thế giới. Bài viết này là một suy nghĩ gửi tới những người có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước vì sự bức xúc đó, không vì bất cứ điều gì khác

Manila thề quyết bảo vệ chủ quyền đất nước

Tổng thống Philippines  Benigno Aquino III (phải) và Phó Tổng thống Jejomar Binay (Reuters /E. de Castro)
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III (phải) và Phó Tổng thống Jejomar Binay (Reuters /E. de Castro)

Nhân lễ kỷ niệm 115 năm Philippines giành lại được độc lập từ tay Tây Ban Nha, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào hôm nay 12/06/2013 đã xác định rằng đất nước ông sẽ không lùi bước trước bất kỳ thách thức đối với chủ quyền và lãnh thổ của mình.

Tuy không nêu đích danh nước nào, nhưng đây rõ ràng là thông điệp nhắm vào Trung Quốc, đang ngày càng lộ rõ mưu toan thôn tính các vùng biển đảo tại Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Trong diễn văn đọc trước một cử tọa trong đó có các nhà ngoại giao và viên chức chính phủ, trên quảng trường mang tên nhà lãnh đạo cách mạng Philippines Andres Bonifacio, ông Aquino khẳng định rằng Philippines không hề tranh giành các vùng lãnh thổ rõ ràng thuộc về nước khác, mà chỉ yêu cầu nước khác “tôn trọng lãnh thổ, quyền lợi và phẩm giá” của người Philippines.

Theo Tổng thống Philippines : “Máu xâm lược không chạy trong huyết quản của chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không lùi bước trước bất kỳ thách thức nào”. Ông Aquino cho biết trong vòng 5 năm sắp tới, 75 tỷ peso (tức 1,74 tỷ đô la) sẽ được dành cho việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố không khuất phục của Tổng thống Philippines được cho là nhắm vào Trung Quốc, nước đang càng lúc càng có thêm nhiều biểu hiện muốn chiếm thêm một số vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền ngoài Biển Đông, nhất là tại khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng lại bị Bắc Kinh cho là của họ.

Chỉ mới đây thôi, vào tháng Năm vừa qua, Manila đã chính thức phản đối sự hiện diện của một chiến hạm, hai tàu hải giám và nhiều tàu đánh cá Trung Quốc quanh một bãi đá bên trên có quân đội Philippines đồn trú trong vùng Trường Sa. Đó là bãi Ayungin (tên tiếng Việt là Bãi Cỏ Mây), chỉ cách tỉnh Palawan của Philippines 196 km (122 hải lý) về phía tây nam.

Được một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên một tàu chiến cũ bị mắc cạn bảo vệ, bãi này không xa Mischief Reef (tức Bãi Vành Khăn) được Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng đã bị Trung Quốc lấn chiếm vào năm 1995.

Không chỉ đe dọa Bãi Cỏ Mây, từ tháng Tư năm 2012, Trung Quốc cũng đã lấy thịt đè người tại khu vực bãi Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines nhưng cũng bị Trung Quốc cho là của họ. Tại đấy, Bắc Kinh đã dùng lực lượng tàu tuần tra đông đảo của họ gây căng thẳng để buộc Manila phải rút tàu của mình đi, để lại khu vực cho Trung Quốc mặc tình thao túng.
Trọng Nghĩa (RFI)

Bắc Kinh có thể bắt chước chương trình theo dõi thường dân của Mỹ

Nghệ sĩ ly khai Trung Quốc Ngải Vị Vị, ảnh chụp 22/05/2013 (Reuters)
Nghệ sĩ ly khai Trung Quốc Ngải Vị Vị, ảnh chụp 22/05/2013 (Reuters)

Nghệ sĩ ly khai Trung Quốc Ngải Vị Vị hôm nay 12/06/2013 cảnh báo, việc tiết lộ chương trình bí mật theo dõi thường dân của Hoa Kỳ có thể khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia khác theo chân trong lãnh vực này.

Ông Ngải Vị Vị nhận định : « Hoa Kỳ dẫn đầu về lãnh vực công nghệ, nhiều đạo luật về thông tin và đạo đức được các quốc gia hàng đầu trong lãnh vực này soạn thảo, và các nước khác có thể coi đó là tiêu chí hoặc áp dụng các luật tương tự ».

Tại Trung Quốc, các tiết lộ của một cựu cố vấn Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) về chương trình theo dõi thường dân của chính phủ Mỹ đã khiến các cư dân mạng so sánh với chính quyền Bắc Kinh, vốn giám sát chặt chẽ internet và lên án nước ngoài tiến hành gián điệp mạng.

Theo nghệ sĩ ly khai nổi tiếng của Trung Quốc, chính quyền Washington có tiết chế hơn so với Bắc Kinh, nhưng đều vi phạm việc tôn trọng cuộc sống riêng tư của công dân mình, nhân danh nền an ninh quốc gia.

Người đã tiết lộ chương trình giám sát thường dân của Mỹ là Edward Snowden có thể đang ở Hồng Kông hôm nay, anh ta nhập cảnh vào đây từ hôm 20/05/2013. Hồng Kông và Hoa Kỳ có ký hiệp ước dẫn độ nhưng Trung Quốc có quyền phản đối yêu cầu dẫn độ nghi can.

Một viên chức cơ quan ngoại giao ở Hồng Kông trả lời báo Oriental Daily hôm qua 11/06/2013, cho biết Bắc Kinh chưa nhận được yêu cầu nào từ phía Hoa Kỳ.
Thụy My (RFI)

Hàng ngàn người biểu tình chống Putin tại thủ đô Nga

Đoàn người biểu tình diễu hành đến quảng trường Bolotnaia, đối diện với điện Kremlin (REUTERS /S. Karpukhin)
Đoàn người biểu tình diễu hành đến quảng trường Bolotnaia, đối diện với điện Kremlin (REUTERS /S. Karpukhin)

Đáp ứng lời kêu gọi của đối lập Nga, hôm nay 12/06/2013, hàng nghìn người đã tập hợp tại thủ đô Matxcơva đòi trả tự do cho những người vừa bị chính quyền kết án cách đây ít ngày vì tội tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Vladimir Putin quay trở lại nắm quyền cách đây một năm.

Theo ghi nhận của AFP, khoảng hơn 5 nghìn người đủ mọi lứa tuổi đã tham gia cuộc biểu tình bắt đầu từ sáng nay trên quảng trường Kalouga ở trung tâm thủ đô Matxcơva. Các nhà tổ chức hy vọng sẽ huy động được 30 ngàn người tham gia cuộc tập hợp mang tên « tuần hành vì tự do của bạn và của chúng ta ».

Những người tham gia biểu tình, thuộc nhiều trào lưu chính trị khác nhau đã giương cao các áp phích với khẩu hiệu như : « Tự do cho các tù nhân ngày 6-5 », « Putin, nỗi xấu hổ của nước Nga » hay « Đả đảo tổng thống chuyên chế ».

Có mặt trong đoàn biểu tình hôm nay người ta thấy có mặt Alexei Navalny, một gương mặt đối lập nổi bật ở Nga, hiện đang bị chính quyền truy tố vì tội biển thủ tiền. Ngoài ra nhiều lãnh đạo các phong trào tự do như Solidarnost hay Parnas cũng tham gia biểu tình.

Đoàn người diễu hành đến quảng trường Bolotnaia, đối diện với điện Kremlin, nơi đã xảy xô xát giữa những người biểu tình chống Putin với cảnh sát hôm 06/05/2012. Hàng chục người phản kháng và cảnh sát đã bị thương trong cuộc ẩu đả hôm đó.

Cho đến nay, nguyên nhân dấn đến vụ xô xát vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Phe đối lập thì cho rằng chính lực lượng cảnh sát đã cố tình khiêu khích người biểu tình để lấy cớ đàn áp thẳng tay.

Khoảng ba chục người sau đó đã bị truy tố và tuần trước 12 trong số họ đã bị đưa ra tòa. Ngày đầu phiên tòa, tư pháp Nga đã quyết định kéo dài thời gian giam giữ lên 6 tháng đối với 10 bị cáo. Bị buộc tội « gây rối tập thể », các bị cáo có thể phải chịu án tới 8 năm tù cải tạo.

Anastasia Ioureva, 21 tuổi, một người tham gia biểu tình cho AFP biết cô tham gia biểu tình trước hết để đòi chính quyền trả tự do cho những người bị giam giữ vì vụ xô xát xảy ra ở quảng trường Bolotnaia. Theo cô, họ không có tội nhưng vẫn phải ngồi tù.

Còn đối với bà Tatiana, một người về hưu 70 tuổi thì tham gia vào các cuộc biểu tình của đối lập là cách duy nhất để chính quyền phải lắng nghe họ.
Anh Vũ (RFI)
 

Việt Nam: Khi người cày không còn ruộng

Nông dân Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đang gặt lúa (REUTERS /Mua Xuan)
Nông dân Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
 đang gặt lúa (REUTERS /Mua Xuan)
Tại Việt Nam, khoảng 70% trong tổng số đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai. Thái độ và bản lĩnh trong việc sẵn sàng đối đầu với chính quyền của những người dân mất đất đang có chiều hướng bùng phát, bởi cho tới nay, hình như vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể sau vụ Tiên Lãng.

Tạp chí cộng đồng hôm nay được thực hiện với sự tham gia của Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn trường đại học Cần Thơ ; kỹ sư Nguyễn Thể Hà, chuyên gia về cơ giới hóa nông nghiệp ở Long An và ông Đàm Văn Đồng, nông dân ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII khẳng định mục tiêu của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, cải thiện đời sống người nông dân, đổi mới bộ mặt nông thôn…

Thế nhưng vào cuối tháng 5/2013 và cùng thời gian với cuộc họp Quốc hội, báo Nông nghiệp Việt Nam viết về tình cảnh phân hóa trong các gia đình nông dân với bài “Vỡ làng”. Bài báo cho biết xã Tam Cường (huyện Tam Nông, Phú Thọ) là một điển hình cho sự “vỡ làng” đau đớn ấy. Do phản đối chính sách lấy đất ruộng, 20 đảng viên bị khai trừ hoặc cảnh cáo, một số người bị cách chức, thậm chí bị giam trên huyện. Có người đi bệnh viện huyện cũng bị bác sĩ hỏi đã ký bán ruộng chưa. Loa phóng thanh ra rả suốt ngày rằng những người không ký bán ruộng là kẻ xấu, là thoái hóa biến chất, là lầm đường lạc lối…

Người cày phải có ruộng

Đầu năm 2012, vụ ông Đoàn Văn Vươn và gia đình ở Tiên Lãng, Hải Phòng bị cưỡng chế đất đai đã gây xôn xao trên cả nước. Hiện tượng người dân khiếu kiện tập thể về đẩt đai diễn ra khắp nơi. Các chủ đầu tư mua chuộc chính quyền địa phương để chèn ép người dân, có khi sử dụng cả công an và quân đội để cưỡng chế, thậm chí cả bọn côn đồ để hăm dọa, hành hung người dân, như trường hợp ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.

Ông Đàm Văn Đồng, nông dân Văn Giang cho biết sơ qua tình hình tại chỗ hiện nay :

Bà con ở Văn Giang thì lúc này cũng đang trên đường đi khiếu kiện, đến các cơ quan chức năng ở trung ương nhưng chưa thấy một cơ quan nào hồi âm cả. Thứ hai là bà con đã giành lại được số ruộng đã cấy được hai vụ lúa, trong lúc này bà con vừa phải thu hoạch, vừa phải đi gởi đơn lên các cơ quan chức năng.

Vừa rồi chúng tôi mới thu hoạch có hơn một buổi thôi, giành lại được một tí đất mà được hơn chục tấn thóc. Ruộng nương ở đây rất phù hợp. Chúng tôi tìm lại được cái băng hình ngày khởi công năm 1958 đào sông Văn Hải đến mức độ như thế nào thì đến bây giờ dòng sông Văn Hải nó phục vụ cho cánh đồng của ba xã chúng tôi rất là màu mỡ, thuận tiện.

Đất của chúng tôi không phải là đất ngập úng mà đất rất là đẹp, chính vì thế mà chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm rằng với người nông dân thì người dân phải có ruộng cày.Cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục yêu cầu các cấp chính quyền giải quyết trả lại ruộng cho chúng tôi. Thứ hai là việc thực hiện dự án đô thị thương mại du lịch Ecopark này là trái hoàn toàn pháp luật.

Dân không có đất thì không sống được, mà cái đất này làm ra rất nhiều của cải vật chất cho chúng tôi. Nói chung là trồng lúa tốt mà trồng cây cảnh, trồng cây ăn quả cũng tốt. Như gia đình tôi có hơn 900 mét vuông đấy, kể cả tôi không làm, tôi cho họ thuê trồng cây cảnh một năm tôi cũng được mấy chục triệu. Phải bán cho nhà đầu tư được có 43 nghìn đồng một mét vuông, mà mất trắng. Họ chỉ lợi dụng kẽ hở của luật pháp nhà nước mà họ lấy đất của dân một cách trắng trợn như thế này.

Một sào của chúng tôi ở đây là 360 mét vuông, thì một năm riêng 360 mét vuông này nếu trồng cây cảnh là phải làm ra tới mấy trăm triệu trên một sào. Năm trăm triệu trên một sào.

Bán cho họ thì nếu tính về tiền đất thì mới được có 20 triệu. Vì đến bây giờ đấu tranh như thế họ mới giả lên tới 75 nghìn đồng một mét, mà nhân với 360 mét. Quá rẻ mạt ! Một mét vuông mới mua được một cái quần đùi. Thì bảy nhăm nghìn đồng một mét. Trong khi đó, khi họ lấy được của dân họ bán được bao nhiêu triệu một mét.

Thôn quê và thành thị : Quá cách biệt

Còn ở miền Tây, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn trường đại học Cần Thơ trước hết có nhận xét chung về đời sống của người nông dân:

Cùng với đà phát triển kinh tế chung của đất nước thì đời sống có được cải thiện hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên so với các thành phần kinh tế khác, và so với mức đóng góp của nông dân mình với sự phát triển kinh tế chung của đất nước, thì quá chậm. Có thể nói là đời sống người nông dân ở nông thôn thua kém rất là nhiều thành phần khác. Cơ bản là vì lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp quá thấp.

Theo số liệu mới đây, trong sản xuất lúa của nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong gần hai thập niên vừa qua, tính trên tỉ lệ lời so với tiền vốn người ta bỏ ra, thì nó không thay đổi. Vả lại diện tích đất cho mỗi hộ nông dân càng ngày càng thu hẹp, do tỉ lệ gia tăng dân số ngày càng lớn. Cho nên tính ra thu nhập bình quân trên hộ ở nông thôn rất là thấp.

Đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình tiêu thụ nông sản hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là ở thị trường đầu ra, khâu điều tiết, xuất khẩu hoặc là phân phối trong nội địa chưa được tốt. Thành thử giá cả nông sản rất bấp bênh, nhiều trường hợp là lỗ. Thí dụ như lúa năm nay cho tới thời điểm này, cái giá nông dân bán ra dưới giá thành người ta sản xuất.

Tỉ lệ đất đai bình quân trên đầu người hoặc trên hộ ở nông thôn ngày càng đã thu hẹp rồi, tại vì dân số ngày càng nở ra, mà đất thì nó không nở. Trong khi kèm với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa thì một số lượng lớn diện tích bị chuyển sang làm khu công nghiệp hoặc đô thị. Thành thử diện tích đất phục vụ cho nông nghiệp cũng thu hẹp nữa.

Mà nguy hiểm hơn nữa là những vùng đất phì nhiêu ven sông, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp thì lại bị đô thị hóa với công nghiệp hóa đẩy vô những vùng sâu khó khăn hơn. Do đó sức sản xuất của đất cũng bị sút giảm, tại vì vô những vùng phèn, trũng hoặc là ngập úng…làm cho năng suất có phần sút giảm.

Tất cả những yếu tố đó cộng lại làm cho thu nhập của người nông dân ở nông thôn rất là khó khăn. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, điện và những phương tiện sinh hoạt kém rất xa so với thành thị. Cho nên vấn đề tiếp cận với thị trường, tiếp cận với thông tin cũng là yếu tố giới hạn cho sự vươn lên làm giàu của người nông dân.

Nỗi khổ của người nông dân mất đất

Mảnh đất là nơi sinh nhai của người nông dân, một khi mất đất, họ sinh sống như thế nào ? Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ cho biết :

Thông thường những người bị mất đất thì Nhà nước cũng có đền bù theo quy định. Kèm theo đó Nhà nước cũng có chánh sách tái định cư cho người ta. Nhưng mà có cái khó là nông dân hồi trước tới giờ chỉ biết làm ruộng, vườn, rẫy thôi. Bây giờ đất mất rồi, có chỗ ở khác thì lại không có phương tiện sản xuất. Họ chuyển đổi nghề nghiệp cũng gặp khó, tại vì người ta chưa hề có kinh nghiệm trong kinh doanh hoặc làm dịch vụ các thứ.

Vả lại cái cơ hội để mà họ chen vào những thị trường kinh doanh, dịch vụ này rất là khó khăn. Tại vì cái lượng lao động dôi ra ở các khu cư dân tập trung tái định cư thì phương tiện, điều kiện sinh sống của người ta không được bảo đảm. Mặc dầu họ có nhận được phần tiền đền bù về đất đai, nhưng dần dần một thời gian sau thì không có chuyện gì làm, cho nên ăn vô đó, rồi cuối cùng cũng trở nên trắng tay hà. Phần lớn rất là khó khăn.

Nhà nước cũng có đưa ra chương trình dạy nghề kèm theo. Nhưng mà dạy nghề xong rồi là chưa hết. Học nghề thì ai cũng học, nhưng mà đâu phải là ai cũng có thể tổ chức cuộc sống mình theo cái ngành nghề đó được. Tại vì số lao động dư thừa hiện có đã lớn rồi, bây giờ mình lại gia nhập vô cái đội quân đó, với tư cách là lính mới ngơ ngác thì làm sao mà cạnh tranh lại được với những cơ sở, những người đã có nghề nghiệp ổn định rồi ?

Cho nên vô vàn khó khăn cho những nông dân bị mất đất đó.

Ông Đàm Văn Đồng cũng nói lên một thực tế :

Đất đã nuôi sống bao nhiêu đời, từ xưa đến nay những người nông dân như chúng tôi và kể cả mãi mãi sau này đời con em chúng tôi cũng phải sống bằng đất. Bây giờ thực tế cứ nói là đô thị hóa rồi công nghiệp nhưng con em chúng tôi bây giờ không có tiền thì không xin được việc. Vì cái chế độ bây giờ xin đâu cũng phải tiền. Thế mà những kẻ dốt nát lại là con nhà giàu, nó có tiền thì nó lại được vào làm. Con em như chúng tôi có trình độ mà không có tiền cũng không làm gì được, cho nên là rất bất công ! Đành vẫn phải tiếp tục giữ ruộng để làm.

Khi làm dự án người ta có nói song song đó sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con không ?

Đấy là trò lừa bịp của các cơ quan và các nhà đầu tư thôi. Chứ khi thu hồi ruộng của dân xong, con em chúng tôi có vào làm đi chăng nữa thì dăm bữa nửa tháng họ sẽ thải hồi, cho là không có trình độ. Lúc đầu chưa lấy được ruộng thì họ lừa bịp dân như thế thôi.

Vùng đất Văn Giang của chúng tôi trước kia chưa có dự án, sống bằng đồng đất thì dân chúng tôi rất giàu có. Bất cứ ai về đến đất Văn Giang cũng phải thấy rằng làng mạc của chúng tôi rất trù phú. Toàn nhà cao tầng, mà từ đất mà lên. Chính từ những năm có dự án đến bây giờ đã làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân, mất an ninh trật tự, xã hội đen thì mỗi ngày nhiều lên, con em nghiện ngập lại càng nhiều, giai gái đĩ điếm.

Tất cả là do dự án mang đến hết. Chứ còn trước kia, những năm chưa có dự án là đất chúng tôi rất yên bình. Nhiều người lạ tới, chính bản thân họ cũng phải dùng đến lực lượng xã hội đen này để dằn mặt những người cương quyết đấu tranh để giữ lại đất.

Thanh niên làng bây giờ là không công ăn việc làm. Những hộ đã lấy tiền đền bù ruộng rồi bây giờ không việc làm cũng chỉ nhong nhóng đi chơi thôi. Mất ruộng rồi là không công ăn việc làm duy nhất bây giờ còn những gia đình chưa thực hiện dự án giành giật lại được ít ruộng cấy để chúng tôi lấy hạt thóc ăn thôi.

Tự dưng mắc nợ !

Đất nông nghiệp bị tịch thu cho những dự án kinh tế và công nghiệp, nhưng bên cạnh đó lại có một nghịch lý là khi người nông dân cần một diện tích đất để sấy và tồn trữ lúa, tránh tổn thất sau thu hoạch, thì lại phải đóng một số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất lớn. Kỹ sư Nguyễn Thể Hà, nhà khoa học độc lập chuyên nghiên cứu về cơ giới hóa nông nghiệp cho đây là vấn đề phi lý :

Tức là nông dân thì làm lúa, nhưng mà người nông dân thì trồng lúa thôi, còn đất để cho nông dân tồn trữ lúa và sấy lúa không phải là đất nông nghiệp. Nông dân không có để làm kho tồn trữ lúa và để máy sấy lúa, bởi vì làm cái đó thì Nhà nước gọi là đất dịch vụ, đất khác, không phải đất nông nghiệp. Mà muốn làm đất công nghiệp thì phải chuyển đổi mục đích. Phải đóng một số tiền rất lớn, mà nông dân thì không có tiền để đóng.

Tôi thì cũng có miếng đất như vậy, cũng bốn, năm công gì đó. Đất hồi đó ở cũng mấy trăm năm nay rồi. Cả mấy chục năm nay không trồng lúa được, nhưng mà Nhà nước quy định đất lúa. Khi mà không trồng lúa được, Nhà nước mới kiểm tra lại thì nói đất này là đất thổ cư. Nếu mà tôi nhận sổ đỏ về thì tôi phải đóng mấy trăm triệu đấy.

Thế là cả xóm tôi không ai dám nhận cả. Đất của mình ở, tự nhiên giao cho mình cái sổ đỏ rồi mình mắc nợ. Tự nhiên mình mắc nợ, kỳ vậy ? Tôi cũng là người kháng chiến, đi mấy năm về rồi tự nhiên mình thiếu nợ Nhà nước, rồi tiền đâu tụi tôi trả ?

Nông dân cũng vậy. Nếu họ chuyển đổi đất để làm nơi sấy lúa, tồn trữ lúa thì họ phải đóng thêm số tiền rất lớn. Cái này không hợp lý trong chánh sách đất đai. Đất của mình hồi đó tới giờ vậy rồi không trồng lúa được thì họ chuyển thành đất thổ. Bây giờ nếu mình nhận số đỏ thì mình chịu lãi, 0,5%/ ngày, nghe người ta tính là 18%/năm. Thì có nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi họ không dám nhận giấy tờ quyền sử dụng đất, bởi vì họ sợ rằng tự nhiên mắc nợ.

Mà đất của mình mình ở. Nhà tôi ở đó hằng 300 năm rồi, từ trước khi Gia Long vào đây lận, tới đời tôi là đời thứ sáu, thứ bảy rồi. Mà nếu tôi nhận sổ đỏ về thì tôi lại phải thiếu nợ tới mấy trăm triệu. Không nhận, có nghĩa là chúng tôi không tán thành chánh sách đất đai như vậy. Đóng tiền thì cũng có khả năng đóng được, nhưng không thể đóng bởi vì đất này của mình, tự nhiên mình mắc nợ sao được !

Bây giờ thì nông dân cũng rất cần đất để sấy lúa và tồn trữ lúa. Nông dân mình hiện nay thì ở nhà cũng đơn chiếc lắm. Người nông dân thì lớn tuổi rồi, không thể chở lúa từ ở ngoài ruộng rồi về nhà, làm khô ở nhà rồi mới chở tới nhà máy xay lúa. Thành ra phải chở tập trung lại một cái chỗ để làm khô, xong rồi mới xay xát. Có những người nông dân không có kho chứa lúa.

Sản lượng lúa mình tăng nhanh. Một người một hecta họ có thể làm được một vụ tới sáu, bảy tấn ; ba vụ họ làm được 20 tấn thì nhà họ đâu có chỗ chứa. Họ phải bán lúa ngay tại ruộng. Bán lúa tại ruộng là lúa tươi, về phải sấy ngay để cho nó không có sinh nhiệt. Cái đó cần có chỗ sấy và chỗ chứa công nghiệp.

Và tôi nghĩ rằng ý dân là ý trời mà, thì cũng không cản được dân đâu. Người dân Nam Bộ sẽ dùng đất của mình để sấy lúa và tồn trữ lúa, điều này chắc chắn sẽ thực hiện được. Không thể cản trở được nông dân giành lại chủ quyền đất của mình đâu. Tôi nghĩ rằng tới đây nông dân làm lúa tốt hơn, thì đời sống sẽ khá hơn thôi.

Hãy cứu lấy lũy tre và cánh đồng…

Từ việc tổ chức phi chính phủ Global Witness tháng vừa rồi cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai và Tổng công ty Cao su Việt Nam, liệu có thể nghĩ đến việc có những tổ chức phi chính phủ Việt Nam chuyên hỗ trợ khiếu tố đất đai, có mối liên kết với các tổ chức phi chính phủ quốc tế hay không ? Trả lời RFI Việt ngữ qua email, bà Josie Cohen, phụ trách vấn đề đất đai của Global Witness cho biết, do nhân sự hạn chế nên tổ chức này chỉ chọn lựa những quốc gia họ hiểu biết nhiều như Cam Bốt để tác động. Nhưng bên cạnh đó cũng có những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến đất đai ở Việt Nam như Land Nature, Oxfam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, trả lời phỏng vấn báo Nông nghiệp Việt Nam đã lo lắng:

“Tôi không biết các nhà lãnh đạo nghĩ thế nào, nhưng tôi nghĩ nông thôn là vấn đề chính trị quan trọng nhất. Nếu xử lý không tốt thì chúng ta sẽ nhổ rễ dân tộc chúng ta ra khỏi nền văn hóa của nó, biến dân tộc mình thành một cái chợ và bán tất. Trong đó việc bán đầu tiên là bán con người.

Mất lũy tre, mất cánh đồng, mất con cò, mất tiếng ru, mất cả tiếng dế. Bây giờ Tô Hoài có bỗng nhiên trẻ lại cũng chẳng cách gì có thể viết lại “Dế mèn phiêu lưu ký”.

Chúng ta bảo chúng ta yêu tiếng chim hót véo von, nhưng chúng ta sẵn sàng ăn trứng chim và phá tổ chim. Văn hóa của chúng ta là tiếng hót của con chim, mà nông thôn là cái tổ. Hãy để ý đến nông thôn, hãy cứu lấy nền văn hóa của chúng ta. Hãy cứu lấy cái tổ chim để duy trì tương lai của giọng hót”.

Khi luật pháp làm ngơ

Còn ông Đàm Văn Đồng nói lên quyết tâm của người nông dân chiến đấu để giữ đất :

Chủ đầu tư hiện nay thì vẫn cứ thuê côn đồ để đứng trông nom san lấp mặt bằng. Nhưng dân chúng tôi cương quyết giữ, vẫn đuổi được lũ côn đồ đi ra khỏi khu ruộng chúng tôi cấy. Chúng tôi giành được độ năm bảy chục mẫu rồi.

Bây giờ chúng tôi không nhận tiền đền bù thì trước tiên là tạm thời dân tập trung cấy cày trên thửa ruộng chúng tôi giành lại đó. Và như vụ này là được gần 20 tấn thóc, thì ý định của chúng tôi là chia cho các gia đình khó khăn, nhưng mà các gia đình đã đồng tình là bán đi để lấy tiền tái đầu tư cho vụ tới. Hiện nay chúng tôi đã sắm được máy làm ruộng, máy tuốt thóc…nói chung là chúng tôi đã sắm để trở thành một hợp tác xã nông nghiệp thực sự. Và chúng tôi có ý định sẽ thành lập hợp tác xã.

Trong giai đoạn này thì chúng tôi vẫn cứ đưa đơn khởi kiện ra tòa thì tòa huyện Văn Giang không dám giải quyết. Đưa đơn lên Quốc hội thì Quốc hội cũng làm ngơ, đưa lên chính phủ cũng thế. Cho nên chúng tôi bây giờ buộc phải giành lại đất, buộc phải một mất một còn với họ thôi.

Bản thân tôi bị đánh bao nhiêu lần đấy thì về pháp luật cũng đã trừng trị những kẻ gây án. Nhưng hực tế nó che mắt thế gian thôi, chứ chưa phải là xử đúng tội, còn bỏ sót nhiều tội.

Thậm chí nghị quyết của Tỉnh ủy là Đảng còn nói là những kẻ cầm đầu như chúng tôi là có những thế lực xúi giục đứng đằng sau. Nhưng thực chất chúng tôi là những người có một chút hiểu biết pháp luật. Khi hiểu biết luật thì chúng tôi làm theo luật, thì các cơ quan chính quyền lại làm ngơ, không dám giải quyết với chúng tôi bằng luật pháp, mà phải dùng xã hội đen để giải quyết với nhau. Thì chính bây giờ cũng buộc chúng tôi phải trở thành ngược lại, và chúng tôi cũng dám cầm vũ khí, để chúng tôi sẽ đánh !

RFI xin chân thành cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn trường đại học Cần Thơ ; kỹ sư Nguyễn Thể Hà, chuyên gia về cơ giới hóa nông nghiệp ở Long An, và ông Đàm Văn Đồng, nông dân ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên đã vui lòng tham gia chương trình hôm nay của chúng tôi.

Thụy My
(RFI)

Trung ương làm rõ vụ ông Hồ Xuân Mãn khai man thành tích

Liên quan đến vụ việc ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế, bị tố khai gian thành tích để được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, ngày 11-6, tại trụ sở Huyện ủy Phong Điền (Thừa Thiên- Huế), đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã có buổi làm việc với 3 cựu chiến binh đứng đơn khiếu nại, gồm ông Hoàng Phước Sum, Hoàng Tiến Dũng và Hoàng Phận.
Ông Nguyễn Huy Nhiệt, Vụ trưởng Vụ địa phương 5 của UBKT Trung ương, cho biết đoàn kiểm tra lần này được thành lập theo quyết định ngày 29-5 của UBKT Trung ương. Trưởng đoàn là ông Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương (ông Liêm vắng mặt tại buổi làm việc với 3 cựu binh trên). Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn có đại diện của các cơ quan Quân ủy Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế.
Rất nhiều người từng là lãnh đạo xã Phong An trong thời chiến tranh tố cáo rằng ông Hồ Xuân Mãn đã khai man thành tích
Tại các buổi làm việc, đại diện đoàn kiểm tra cho biết có sự tham gia của nhiều thành phần trong buổi làm việc lần này là để chính thức giải quyết đơn tố cáo của các cựu chiến binh theo quy trình, quy định của Đảng.
 Đại diện đoàn kiểm tra đề nghị ông Sum, ông Phận và ông Dũng trình bày những nội dung tố cáo mà các ông biết rõ và cung cấp cho đoàn các tài liệu liên quan đến việc tố cáo để đoàn củng cố hồ sơ.
Các cựu chiến binh trên đã trình bày kỹ những dẫn chứng mà họ cho rằng những thành tích của ông Mãn là bịa đặt và cướp công đồng đội.
 Ông Nguyễn Huy Nhiệt khẳng định đoàn kiểm tra sẽ làm việc khách quan, chính xác, trung thực, đúng quy định giải quyết tố cáo, sau đó sẽ báo cáo UBKT Trung ương xem xét, kết luận theo thẩm quyền.
 Nhân buổi làm việc, các cựu chiến binh đề nghị đoàn kiểm tra cho các cựu chiến binh đối chất với ông Hồ Xuân Mãn cũng như những người ký xác nhận hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Mãn.
Về yêu cầu này, đại diện đoàn kiểm tra cho biết sẽ trả lời sau khi báo cáo với UBKT Trung ương.
Về việc 3 cựu chiến binh được mời làm việc đề nghị đoàn kiểm tra làm việc với 27 cựu chiến binh khác để lấy bằng chứng, đoàn kiểm tra cho biết sẽ làm việc vào thời gian tới.  
            
Quang Nhật
(Người Lao động)
 

Hagel kết thân với Việt Nam giữa lúc châu Á nghi ngại Trung Quốc


Việt Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Daniel Ten Kate & David Lerman
, Bloomberg

Khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel đang còn là một trung sĩ phục vụ tại chiến trường Đông Nam Á, thì cùng lúc Nguyễn Tấn Dũng cũng đang đánh đuổi ông và những binh sĩ Hoa Kỳ khác ra khỏi Việt Nam.

Nguyen Tan Dung-Chuck Hagel - ShangriLa 2013Hơn một thập kỷ sau, ở tuổi 63 Dũng đang là Thủ tướng Việt Nam. Ông cùng với những nhà lãnh đạo châu Á khác đang tìm kiếm thông điệp tái khẳng định của Hagel về việc Hoa Kỳ sẽ giữ vững sự hiện diện mạnh mẽ của họ ở châu Á–Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng.

Khi các quan chức quốc phòng cấp cao hội họp tại Singapore, Hagel phải cân đối các mối quan ngại giữa các đồng minh của Hoa Kỳ về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc với sự cần thiết trong việc đàm phán với chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Các tranh chấp về đánh bắt cá, khai thác dầu mỏ và khi đốt trong các khu vực bờ biển của Trung Quốc sẽ mang đến nguy cơ gián đoạn giao thương giữa các con rồng đang lên tại châu Á, những sức mạnh chính đang thúc đẩy nên kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc và Hoa Kỳ có “trách nhiệm lớn nhất” trong việc thực hiện những bước đi có tính thực tế đối với hòa bình khu vực, Dũng cho biết trong buổi họp tại Singapore vào cách đây một tuần. “Chúng ta gắn chặt tầm quan trọng đặc biệt vào vai trò của một Trung Quốc đang lên như vũ bão và một Hoa Kỳ hùng cường, một sức mạnh Thái Bình Bương”.

Hoa Kỳ vẫn đang bám vững kế hoạch đẩy mạnh mối gắn kết về an ninh đối với châu Á, Hagel cho hay. “Chúng tôi đã và đang có những xúc tiến đàm phán song phương với những đối tác mà chúng tôi đã từng có”. Tổng thống Barack Obama đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại California vào ngày 7 tháng Sáu, 2013. Vào tháng trước, ông cho biết việc cắt giảm ngân sách của Hoa Kỳ sẽ không ảnh hưởng tới việc quân đội nước này tập trung vào khu vực châu Á trong khi dần dần rút khỏi chiến trường Irag và Afghanistan. Ngân sách này bao gồm cả hệ thống vũ khí tại Nhật Bản và Hàn Quốc, và dự án luân phiên hải quân tại Úc cũng như cả việc tăng cường khả năng chiến đấu trên biển của Philippines.

Nghi ngại chính’

“Mối lo ngại chính giữa các nước trong khu vực này là liệu Hoa Kỳ có thể đảm bảo được việc tái cân bằng đối với châu Á hay không”, Termsak Chalermpalunupap – một nghiên cứu sinh tại Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho hay. “Khi mà Hoa Kỳ còn giúp giữ vững nền pháp quyền [rule of law] thì sự tập trung lớn hơn của họ vào khu vực này sẽ vẫn còn được chào đón”. Nhà Trắng cũng gây chú ý trong việc hợp tác với Trung Quốc dù cho đôi bên vẫn có những bất đồng mạnh mẽ, đặc biệt về phản ứng đối với thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, hay chương trình vũ khí của Iran và nội chiến tại Syria. Nhà Trắng liên tục lên án Trung Quốc về những chiến dịch tấn công mạng nhằm trộm cắp những công nghệ thương mại và quân sự của Hoa Kỳ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon trong buổi nói chuyện với Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 27 tháng Năm cho hay rằng, “Tổng thống Obama chắc chắn cam kết xây dựng mối quan hệ ở mức độ cao hơn trong sự hợp tác thực tế và sự tin tưởng nhau, đồng thời giải quyết mọi khác biệt và bất đồng giữa hai nước”.

‘Khá khó khăn’

Hagel cho hay tại Singapore rằng ông sẽ thảo luận về việc cần thiết có một thước đo an ninh mạng tốt hơn, và các kế hoạch gặp gỡ các quan chức Trung Quốc cấp thấp không chính thức. Ông không thẳng thừng lên án Trung Quốc trong các vụ tấn công mạng mà nói rằng “khó có thể chứng mình được chúng được lãnh đạo bởi một nhóm nào đó, nhưng chúng tôi biết chúng tới từ đâu”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc muốn trao đổi các quan điểm với Hoa Kỳ bên lề cuộc hội đàm.

“Chúng tôi tin rằng cả hai bên đều nên ngồi xuống và thực hiện các cuộc đối thoại hòa hảo về vấn đề an ninh mạng”, Hồng Lỗi cho hay tại buổi họp báo tại Bắc Kinh. Hoa Kỳ và Trung Quốc nên hợp tác để củng cố một thế giới mạng an toàn, mở và minh bạch”.

Hagel cho biết ông đã mời người đồng nghiệp của ông bên phía Trung Quốc tới thăm Washington vào tháng Tám này. Phó Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Thích Kiến Quốc dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Đối thoại Shangri-La lần này, được tổ chức bởi Học viện Quốc tế về Nghiên cứu chiến lược.

‘Không thỏa đáng’

Theo ông Ni Lexiong, giáo sư về quân sự và ngoại giao quốc tế tại Đại học Khoa học và Luật Thượng Hải, cho rằng các nước láng giềng của Trung Quốc đang đưa ra những luận điệu về Biển Đông không thỏa đáng vì họ muốn được khai thác nguồn dầu mỏ tại đây.

“Nếu Trung Quốc không lấy lại được lãnh thổ của họ, áp lực từ nhân dân trong nước sẽ lên rất cao”, ông Ni cho biết qua điện thoại.

Tính toán sai lầm về những tranh chấp lãnh thổ có thể làm gián đoạn thương mại trên biển, Dũng cho hay qua bài phát biểu. Ông nêu ra các dẫn chứng rằng hai phần ba tổng lượng thương mại quốc tế đều di chuyển qua Biển Đông.

“Một hành động thiếu trách nhiệm đơn độc hay một tranh chấp cũng có thể dẫn tới sự gián đoạn một lượng giao thương lớn như vậy, và từ đó có thể dẫn tới những hậu quả khó có thể biết được không chỉ đối với nền kinh tế khu vực mà cả toàn thế giới”, Dũng cho biết thêm.

Pentagon cắt giảm ngân khoản

Một quan chức quốc phòng trong một cuộc họp báo dấu tên đã cho biết tại rằng, Hagel muốn cho thấy việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm sang châu Á mà đã được cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố vào tháng Mười một năm 2011 và chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì. Việc tái cân bằng có nghĩa là khoảng 60% tàu hải quân sẽ có căn cứ tại Thái Bình Bương tính tới năm 2020. Con số này hiện nay chỉ ở mức khoảng 50%.

Lầu Năm Góc cắt khoảng 37 tỉ USD khỏi ngân sách của họ trong năm nay và sẽ cắt giảm khoảng 500 tỉ USD trong 9 năm tới. Đây là hệ quả của việc cắt giảm ngân sách trong toàn bộ các chính sách của chính phủ Obama.

Tháng tới, lần đầu tiên Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ thực hiện một cuộc tập trận chung với Indonesia, Đại tá James Barker, giám đốc đào tạo và luyện tập của hạm đội cho hay trong một buổi phỏng vấn. Hoa Kỳ cũng sẽ cung cấp quỹ tập trận với Malaysia.

Trong khi các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh đang mở rộng thì chúng có thể không diễn ra ác liệt như trước, Barker cho biết. “Trong một vài trường hợp chúng tôi thậm chí đã giảm số lượng lính tham dự trong các cuộc tập trận”.

Hagel có những mối duyên nợ với châu Á rất sâu đậm. Bố ông đã từng phục vụ tại chiến trường Thái Bình Dương trong Đệ nhị Thế chiến. Là người đầu tiên từng tại ngũ đứng đầu Lầu Năm Góc, Hagel dành được hai Huân Chương Bội Tinh trong thời gian ông phục vụ tại Việt Nam trong cuối thập niên 1960 và quay trở lại với sự hoài nghi về sức mạnh quân sự.

“Điều duy nhất cho chúng ta thấy là các cuộc chiến tranh không thể lường trước được, và chúng vẫn còn là một hành động bản chất con người”, ông phát biểu trong bài diễn văn khai giảng năm học mới tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point, bang New York.

Xung đột tài nguyên

Ba năm kinh nghiệm của Hagel trong ban điều hành Chevron Corp trước khi ông vào Lầu Năm Góc có lẽ đã chứng minh sự hữu ích trong việc xử lý các mâu thuẫn tại Biển Đông. Ngoài ngư dân, các công ty khai thác khí ga và dầu mỏ cũng đang có những tranh chấp trên biển.

Kể từ năm 2010, khi Bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ lúc đó là Robert Gates đã cảnh báo về những công ty hung hang ở những khu vực này, Trung Quốc đã cắt cáp của tàu thăm dò của Việt Nam, đuổi tàu gần Philippines và mang máy khoan sâu đầu tiên của họ đặt vào trong khu vực có nhiều tranh chấp này. Năm ngoái, China National Offshore Oil Corp của Trung Hoa đã mở chào các vụ đấu thầu trong nhiều  khu vực thăm dò mà Việt Nam đã trao cho các công ty như Exxon Mobil Corp và OAO Gazproom.

Trong tháng Ba vừa qua, các tàu hải quân Trung Quốc đã ghé thăm James Shoal ngoài khơi Malaysia, một khu vực gần nơi mà Royal Dutch Shell Plc (RDSA) và Petroliam Nasional Bhd đang có các hoạt động khai thác dầu và khí đốt. Tháng trước, Trung Quốc đã cho phép các khách du lịch ghé thăm quần đảo Trường Sa mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đóng từ Việt Nam trong năm 1974.

‘Thông điệp rõ ràng’

Tuần trước, Philippines đã biểu tình sau khi tàu hải quân Trung Quốc áp giải một tàu đánh cá tại khu vực biển của nước này, sau khi họ đã mất đi quyền kiểm soát đối với rặng san hô Scarborough về phía Trung Quốc một năm trước. Tổng thống Benigno Aquino vào tuần trước đã quyết định nâng ngân sách nhằm hiện đại hóa quân sự và cho biết chiến hạm tuần dương của Hoa Kỳ thứ hai sẽ tới thăm nước này vào tháng Tám tới đây.

 “Tin nhắn của chúng tôi gửi ra thế giới rất rõ ràng: Cái gì thuộc về chúng tôi thì tức là thuộc về chúng tôi và chúng tôi có thể chiến đấu để bảo vệ bản thân khỏi các mối đe dọa”, Aquino cho biết trong bài nói chuyện với Hải quân Philippines tại thành phố Cavite.

Về phía Việt Nam, Dũng cũng tìm kiếm khả năng tăng cường sức mạnh quân sự của nước mình. Trong chuyến thăm Nga vừa rồi, ông đã gặp đội huấn luyện vận hành tàu ngầm hạng nặng, một trong sáu chiếc mà Việt Nam dự tính sẽ mua. Việc gặp gỡ giữa Hagel và Dũng tại Singapore có thể cho thấy một tin nhắn tích cực đối với khu vực, Richard Bush – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Nam Á tại Viện Brookings ở Washington, cho hay.

“Ông ta không thể đi sai được nếu vận dụng hết khả năng cũng như mong mỏi của kẻ thù cũ đang tìm kiếm một con đường hòa giải”, Bush ám chỉ tới Hagel. “Có những kẻ thù khác ở châu Á cũng có thể học hỏi được từ chuyện này”.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Tòa án Hiến pháp

Người viết bài này muốn nêu ra một số kinh nghiệm về hoạt động của Tòa án Hiến pháp ở các nước dân chủ trước nay để giúp cho Việt Nam trên con đường cải cách.
Biết rằng đây chỉ là giấc mơ không có thật của một người sống xa đất nước, không thể hình dung nổi những gì xảy ra tại quê hương, nơi mà một số nhu cầu tối thiểu về quyền làm người cũng có thể mất khi nào không biết trong kiểu hành xử coi phá nhà dân là “một trận đánh đẹp” của một ông Đại tá CS; hay không đội mũ bảo hiểm chưa chết vì tai nạn giao thông thì đã bị CA một đồn nọ bẻ cho gãy cổ; hoặc nữa bà mẹ từng hy sinh trọn đời cho CQCS mà vì mất đất đội đơn đến trước vườn hoa sát dinh cơ Chính phủ đã bị những tên máu lạnh đẩy chết đứ đừ; hoặc chuyện đang diễn ra hiện nay là một người tù lương tâm – “một người không tầm thường” – mà cả nước đều biết tiếng đã tuyệt thực đến ngày thứ 18, trước sự dưng dưng của cả một bộ máy quyền lực hình như không còn nhân tính, v.v.
Nhưng dù sao, BVN vẫn trân trọng đăng lên nhằm kích thích niềm hy vọng cho tất cả những ai đang kiên trì phấn đấu vì con đường dân chủ hóa chầy chật của mảnh đất này.
Bauxite Việt Nam

http://image.vietstock.vn/2012/09/12/Toa-an-hien-phap-Duc.jpg
Tòa án Hiến pháp Đức
Tòa án Hiến pháp là cơ quan có thẩm quyền bảo vệ các nguyên tắc được công nhận trong Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, bảo vệ các quyền cơ bản của con người được Hiến pháp công nhận. Tòa án Hiến pháp còn có vai trò giám sát tính hợp pháp của các cuộc bầu cử và công bố kết quả bầu cử. Tòa án Hiến pháp là cơ quan tư pháp đặc biệt, các quyết định của Tòa án Hiến pháp là những phán quyết cuối cùng và có tính bắt buộc cao nhất đối với tất các cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan này luôn có vị trí độc lập.
Tòa án Hiến pháp được thành lập lần đầu tiên năm 1920 tại Áo, theo sáng kiến của nhà luật học Hans Kelsen, Tòa án Hiến pháp Áo có vai trò loại bỏ các đạo luật vi hiến, bảo vệ các giá trị của Hiến pháp, Tòa án Hiến pháp cần hoạt động hiệu quả, các quan tòa phải là những người có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết rộng về luật pháp, vì vậy các thành viên của Tòa án này đều là các nhà luật học nổi tiếng trong đó có Hans Kelsen. Tòa án Hiến pháp Áo hoạt động được một thời gian. Sau đó vai trò của Tòa án này không được bàn đến nữa do bối cảnh chiến tranh. Vì Hans Kelsen là người Do Thái, Các sinh viên có khuynh hướng chính trị cực hữu tẩy chay các bài giảng của ông. Sau đó ông bị xua đuổi khỏi Đức và Áo, Hans Kelsen sang Mỹ và được mời làm Giáo sư luật tại Harvard.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, mối quan tâm hàng đầu của các nước Châu Âu là bảo vệ quyền con người và xây dựng Nhà nước pháp quyền, dân chủ. Tòa án Hiến pháp là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện những mục tiêu đó. Chính vì vậy, các nước này đã thành lập Tòa án Hiến pháp theo nguyên mẫu của Áo.
Khác với Tòa án Hiến pháp ở Châu Âu, theo mô hình giám sát luật tập trung, nước Mỹ lựa chọn hình thức giám sát phổ quát, nghĩa là tất cả các cấp tòa án từ trung ương đến địa phương đều có vai trò giám sát luật bằng cách loại bỏ các đạo luật vi hiến trong một vụ việc cụ thể. Tòa án tối cao Mỹ có vai trò bảo vệ Hiến pháp, các phán quyết của Tòa án này được tất cả các Tòa án cấp dưới tuân theo. Vai trò giám sát và loại bỏ các đạo luật vi hiến được chính thức giao cho Tòa án tối cao Mỹ và các tòa án cấp dưới kể từ quyết định lịch sử của chính Tòa án này (Marbury v. Madison, 1803). Với phán quyết quan trọng này, Tòa án tối cao Mỹ đã trở thành Tòa án Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử.
Tòa án Hiến pháp cũng được thiết lập ở các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết trước đây, nhưng hoạt động của các tòa án này rất kém hiệu quả vì nguyên tắc độc lập không được đảm bảo. Sau khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các nước Đông Âu và Nga cơ cấu lại Tòa án Hiến pháp theo mô hình của Đức và Pháp.  Luật cơ bản của các nước này cũng giao nhiều quyền hơn cho Tòa án Hiến pháp và đảm bảo nguyên tắc độc lập của cơ quan này.
Tòa án Hiến pháp trở thành công cụ quan trọng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và dân chủ. Không có cơ quan tư pháp đặc biệt này, Hiến pháp chỉ là văn bản không có sức sống (la lettre morte). Chính Tòa án Hiến pháp đã đưa luật pháp vào cuộc sống hàng ngày, giúp nhân dân hiểu rõ các quyền cơ bản của mình thông qua các phán quyết, chính Tòa án Hiến pháp quy định tất cả các cơ quan Nhà nước và các công dân cần tôn trọng bản khế ước xã hội (le contrat social) là Hiến pháp, để đảm bảo trật tự xã hội và cùng phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng, tự do.
Phần lớn các nước trên thế giới đều có Tòa án Hiến pháp, các nhà lãnh đạo lựa chọn các nhà luật học hay các cá nhân hiểu biết về chính trị và luật pháp, để làm việc ở Tòa án Hiến pháp. Nhà nước cử ra những người tài năng và có trách nhiệm cao nhằm đảm bảo tính hiệu quả của cơ quan này (I). Vai trò và chức năng của Tòa án Hiến pháp được nêu ra rất cụ thể trong Hiến pháp (II). Qua cách thức bầu chọn quan tòa Hiến pháp và tổ chức Tòa án Hiến pháp của các nước, Việt Nam sẽ học tập được nhiều điều để xây dựng Tòa án Hiến pháp (III).

I. Bầu chọn các thành viên vào Tòa án Hiến pháp
Tòa án Hiến pháp có nhiệm vụ bảo vệ các giá trị cơ bản của Hiến pháp, các phán quyết của cơ quan tư pháp đặc biệt này có ảnh hưởng sâu rộng và mang tính định hướng đối với ngành tư pháp. Vì vậy, việc chọn lựa các nhà luật học giỏi vào Tòa án Hiến pháp sẽ đảm bảo thành công trong việc giám sát luật và nâng cao uy tín cho Tòa án Hiến pháp, đồng thời cũng khẳng định việc chọn lựa của các cơ quan có thẩm quyền là khách quan, dựa trên năng lực của cá nhân.
Hiến pháp của các nước dân chủ đều xác định cụ thể các cơ quan cao cấp có thẩm quyền, hay các nhà lãnh đạo có quyền lựa chọn quan tòa Hiến pháp. Điều 56, Hiến pháp Pháp năm 1958 quy định Tổng thống có quyền chọn ra 3 thành viên vào Tòa án Hiến pháp, trong đó một người sẽ là lãnh đạo cơ quan này, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện đều có quyền cử ra 3 thành viên, ngoài 9 thành viên chính thức của Hội đồng Hiến pháp, các Tổng thống mãn nhiệm sẽ trở thành các thành viên trong Hội đồng Hiến pháp, và có thể làm việc đến suốt đời. Hiện tại có 3 quan tòa Hiến pháp Valérie Giscard d’Estaing, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy nguyên là các Tổng thống Pháp mãn nhiệm, 9 thành viên chính thức có nhiệm kỳ 9 năm, và không được bầu lại. Để bảo đảm tính độc lập của Hội đồng Hiến pháp, luật pháp quy định cơ quan này có ngân sách riêng, các thành viên được hưởng mức lương cao (lương và thưởng khoảng 13000 euros mỗi tháng cho mỗi thành viên) và có nhiều chế độ ưu đãi. Các khoản chi tiêu của Hội đồng Hiến pháp đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo tính minh bạch.
Điều ngạc nhiên là Hiến pháp Pháp không nêu các tiêu chuẩn cụ thể để  được chọn vào cơ quan này, cho nên về lý thuyết các công dân Pháp đều có thể trở thành quan tòa Hiến pháp. Trong thực tế, những người được đề cử đều có nhiều kinh nghiệm và đã tham gia chính trị. Ngoài ra, một số nhà luật học tài năng cũng được lựa chọn (trường hợp của nhà luật học George Vedel và Pierre Mazeau trước đây). Các tổ chức chính trị và các nhà lãnh đạo không có quyền gây ảnh hướng đến các phán quyết của các quan tòa Hiến pháp, các quyết định của cơ quan này có giá trị bắt buộc đối với Nhà nước và không thể khiếu nại.                
Tòa án Hiến pháp Ý gồm có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên do Tổng thống cử ra, 5 thành viên được Thượng viện và Hạ viện cùng nhóm họp để bầu chọn, 5 thành viên khác được các Tòa án tối cao về luật công và luật tư cử ra, quan tòa Hiến pháp ở Ý có nhiệm kỳ 9 năm. Khi nhận chức, người được chọn phải tuyên thệ sẽ hoàn thành tốt trọng trách được giao.
Tòa án tối cao Mỹ có 9 thành viên, đều do Tổng thống đề cử và được Thượng viện Mỹ thông qua, Tổng thống cũng có quyền đề cử Chủ tịch Tòa án tối cao, người có ảnh hưởng quan trọng đến các phán quyết của cơ quan này, các quan tòa ở Tòa án tối cao Mỹ có thể đảm nhiệm công việc đến suốt đời. Các thành viên luôn giữ vai trò độc lập, và không thể bị bãi nhiệm, trừ trường hợp duy nhất khi họ mắc phải lỗi nghiêm trọng và có thể bị bãi chức bằng thủ tục impeachment, giành cho các viên chức cao cấp. Các Tổng thống George Bush, Barack Obama đều cố gắng cử ra các quan tòa đại diện cho các cộng đồng người da đen và người Do Thái. Mới đây, Barack Obama đã chọn một người đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Tây Ban Nha. Tổng thống Mỹ phải chọn được người vừa có năng lực, vừa đại diện cho một cộng đồng người, nhưng cũng phải có quan điểm chính trị phù hợp với mình. Khuynh hướng chính trị của Tổng thống Mỹ phản ánh khá rõ trong việc chọn người vào Tòa án tối cao, theo quan điểm bảo thủ hay tự do.
Quan tòa Hiến pháp đều là những người có uy tín trong xã hội, họ hoạt động trong lĩnh vực luật pháp nhiều năm, hoặc là các nhà luật học làm việc trong bộ máy nhà nước, hoặc là các Giáo sư luật hay là các Luật sư giỏi. Hiến pháp quy định khá cụ thể các tiêu chuẩn của quan tòa Hiến pháp. Ví dụ điều 159, Hiến pháp Tây Ban Nha quy định: «Các thành viên của Tòa án Hiến pháp phải là các thẩm phán, các Giáo sư luật, các viên chức hành chính và các Luật sư, tất cả đều là các nhà luật học có chuyên môn, được nhiều người biết đến, họ phải có ít nhất 15 năm kinh nghiệm». Điều 135, Hiến pháp Ý cũng đưa ra các tiêu chuẩn để chọn quan tòa hiến pháp: «Các thành viên ở Tòa án Hiến pháp Ý, là các quan tòa, (có thể là những người đã về hưu), ở các Tòa án tối cao về luật công và luật tư, hoặc là các Giáo sư luật, hoặc là các Luật sư có ít nhất 20 năm kinh nghiệm».
Các điều kiện để trở thành quan tòa Hiến pháp thường rất khắt khe, đối với người được chọn, đó sẽ là vinh dự lớn, họ sẽ hoàn thành sự nghiệp ở một cơ quan tư pháp cao nhất. Đó là ước mơ và cũng là trách nhiệm rất lớn của quan tòa Hiến pháp, vì các phán quyết của họ sẽ góp phần bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ quyền con người. Để bảo đảm nguyên tắc độc lập của Tòa án  này, Hiến pháp của các nước cấm các thành viên không được phép kiêm nhiệm bất cứ công việc gì khác, họ chỉ có thể đảm nhiệm các chức vụ khác một khi không còn giữ vai trò quan tòa Hiến pháp.
Các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp có thẩm quyền cử ra các cá nhân ưu tú vào Tòa án Hiến pháp. Việc lựa chọn các quan tòa Hiến pháp không theo các nguyên tắc dân chủ, vì các thành viên được chọn theo cách chỉ định ở phạm vi hẹp, các quan tòa không được nhân dân bầu trực tiếp. Tuy nhiên, quyền lực tối cao của quan tòa Hiến pháp bắt nguồn từ nhiệm vụ bảo vệ một khế ước xã hội đã được nhân dân chấp nhận, qua trưng cầu dân ý, vì vậy bảo vệ Hiến pháp cũng chính là bảo vệ những điều mà nhân dân mong muốn. Do đó quyền lực tối cao của Tòa án Hiến pháp hoàn toàn có cơ sở. Vai trò bảo hiến của cơ quan này được khẳng định thông qua các phán quyết quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
II. Vai trò và chức năng của Tòa án Hiến pháp
Tòa án Hiến pháp giám sát luật theo ba cách khác nhau: Giám sát tập trung (1), giám sát phổ quát (2) và hình thức giám sát kết hợp (3).
1. Giám sát tập trung
Tòa án hiến pháp là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xem xét và loại bỏ các đạo luật vi hiến (theo mô hình giám sát tập trung của Châu Âu), khi một đạo luật được Nghị viện thông qua, các nhà lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng quan trọng như cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp, có quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của đạo luật. Trong thời gian này, đạo luật sẽ không được ban hành.
Hiến pháp Tây Ban Nha ghi nhận Thủ tướng, 50 Thượng nghị sĩ, 50 Hạ nghị sĩ, các cơ quan hành pháp đại diện cho các vùng có quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của các đạo luật và các quyết định dưới luật.
Điều 61, Hiến pháp Pháp cũng quy định Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện có quyền yêu cầu Tòa án Hiến pháp giám sát các đạo luật trước khi ban hành, ngoài ra 60 Thượng nghị sĩ hay 60 Đại biểu Quốc hội của phe đối lập tại hai viện cũng có quyền yêu cầu Hội đồng Hiến pháp giám sát các đạo luật gây tranh cãi.
Giám sát các đạo luật trước khi ban hành, có nghĩa là loại bỏ các đạo luật vi hiến ngay từ trong «trứng nước», đạo luật có thể bị coi là vi hiến hoàn toàn, hoặc một trong các điều khoản vi hiến, trong trường hợp này, hai khả năng có thể xảy ra. Tổng thống sẽ ban hành đạo luật, nhưng điều khoản vi hiến sẽ bị loại bỏ. Hoặc toàn bộ đạo luật sẽ được Nghị viện thảo luận lại, sau đó đạo luật sẽ được quan tòa Hiến pháp xem xét một lần nữa, nếu các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghi ngờ về khả năng vi hiến của đạo luật. Đạo luật sẽ chỉ được ban hành khi được quan tòa Hiến pháp công nhận, các điều khoản phù hợp với Hiến pháp, nếu không đạo luật đó tiếp tục bị treo.
2. Giám sát phổ quát
Giám sát luật phổ quát là hình thức giám sát ở Mỹ, tất cả các cấp tòa án đều có quyền loại bỏ các đạo luật vi hiến trong một vụ việc tranh chấp. Tính hợp hiến của đạo luật được xem xét trong một trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ loại bỏ đạo luật trong hoàn cảnh cụ thể, đạo luật sẽ không bị loại bỏ, và vẫn được áp dụng trong các tình huống khác. Đạo luật chỉ chính thức bị loại bỏ nhờ phán quyết cuối cùng của Tòa án tối cao Mỹ.
So sánh giữa hai hình thức giám sát của Mỹ và Châu Âu, mỗi hình thức giám sát đều có ưu điểm và khuyết điểm. Giám sát tập trung sẽ loại bỏ ngay từ ban đầu đạo luật vi hiến, và không ai quan tâm đến nữa, cho dù một số điều khoản của đạo luật có thể đem lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội, văn hóa… Tuy nhiên không ai có thể đo hết lợi ích cũng như tác hại của đạo luật vì nó chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế. Giám sát tập trung sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức của các cơ quan công quyền.
Giám sát phổ quát là hình thức giám sát luật triệt để, các đạo luật một khi được ban hành chính thức đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Những lợi ích của đạo luật được phát huy, những tác dụng tiêu cực của đạo luật sẽ bị loại bỏ khi bị coi là vi hiến. Tính hiệu quả của đạo luật được khẳng định trong các hoàn cảnh cụ thể. Điều này không có ở hình thức giám sát tập trung.
3. Kết hợp cả hai hình thức giám sát
Hiện nay các nước Châu Âu có xu hướng kết hợp cả hai hình thức giám sát tập trung và phổ quát. Nếu giám sát tập trung bắt nguồn từ những nghi ngờ của các nhà lãnh đạo về tính hợp hiến của đạo luật, giám sát phổ quát có nguồn gốc từ những thắc mắc và kiến nghị của công dân trong các vụ việc cụ thể, khi công dân nhận thấy đạo luật đang áp dụng vi phạm các quyền tự do của mình được Hiến pháp bảo vệ. Trong hoàn cảnh đó, công dân có quyền gửi đơn trực tiếp đến Tòa án Hiến pháp, yêu cầu cơ quan này can thiệp.
Điều 53, Hiến pháp Tây Ban Nha ghi nhận các quyền tự do của công dân cần được các cơ quan công quyền tôn trọng, công dân có quyền yêu cầu các tòa án dân sự bảo vệ các quyền tự do một khi các quyền ghi trong Hiến pháp bị vi phạm, công dân có thể gửi đơn đến Tòa án Hiến pháp.
Điều 61-1, Hiến pháp Pháp cũng công nhận, khi một vụ việc được xét xử ở tòa án dân sự hay tòa án hành chính, nếu một điều luật vi phạm các quyền cơ bản được Hiến pháp công nhận, công dân có quyền thắc mắc về điều đó trước tòa, quan tòa cấp dưới sẽ tạm ngừng xét xử vụ việc và gửi kiến nghị của công dân đến Tòa án tối cao về dân sự hoặc Hội đồng nhà nước (Tòa án tối cao giải quyết các tranh chấp giữa công dân với Nhà nước), hai cơ quan này sẽ giải quyết, hoặc sẽ yêu cầu Hội đồng Hiến pháp can thiệp.
Bên cạnh hình thức giám sát tập trung, hình thức giám sát luật phổ quát được hầu hết các nước Châu Âu áp dụng, nhờ đó quyền con người được bảo vệ tốt hơn. Điều khác biệt duy nhất giữa Châu Âu và Mỹ là giám sát luật được toàn bộ các cấp tòa án đảm nhiệm tại Mỹ, còn ở Châu Âu, nhiệm vụ này được giao cho một cơ quan đặc biệt là Tòa bảo hiến.
Giới thiệu một số nét cơ bản về Tòa án hiến pháp ở các nước phương Tây tạo cơ sở để chúng ta quan tâm hơn về Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam. Trong bài viết tiếp theo, người viết bài này sẽ phân tích và đưa ra một số ý kiến cá nhân về Hội đồng Hiến pháp, nhằm đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phan Thành Đạt
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chi phí vận tải quá lớn – Một nguyên nhân gây lỗ cho Tân Rai và Nhân Cơ

Đã thừa nhận công khai là thua lỗ mà vẫn nhảy vào cuộc như một con thiêu thân, đó là những động thái không thể hiểu được của cái Tập đoàn nhà nước TKV mà chúng tôi đã cảnh báo từ cách đây 4 năm và kiên trì đấu tranh không mỏi cho đến khi họ phải lòi ra sự thật. Vì sao vơ lấy cái tổn hại kinh tế khủng về cho đất nước mình trong khi đào quặng lên, tung bụi mù mịt, phá hoại rừng cây, xóa bỏ những vườn cà phê, hạt tiêu, xua đuổi hết văn hóa cổ truyền của người dân bản địa, làm nát bấy môi trường,… rồi chở đi xa mấy trăm cây số làm hỏng hết đường sá, chỉ cốt để dâng quặng cho “ông anh”, vậy mà vẫn “tự nguyện” thế nhỉ? Sao không mở mắt mà nhìn sang chính bên “ông anh”, ngay cái Tập đoàn khai thác alumin làm ăn với TKV là Chinalco cũng đã phải ngừng các dự án ở Australia vì biết rằng thua lỗ? Phải có một món nợ truyền kiếp gì đây mà các ngài đành cụp tai, cong lưng xuống, bắt quân gia quần quật làm để trả nợ chứ không thể có cách lý giải khác. Viên TBT đã nghỉ hưu tài nông đức mỏng từng ký kết một cách ngoan ngoãn với hai cựu chúa tể đại Hán Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào những hiệp ước vô nguyên tắc ở đâu rồi, hãy chờ đến lúc ra trước dân chúng để trả lời về “món nợ” này. Và Đại tướng còn tại thế đấy, những ai xúc phạm vỗ mặt đến uy danh ĐT trên vấn đề mà ĐT đặc biệt quan tâm vì an nguy của Tổ quốc, nếu còn chút thiện lương cũng xin hãy tự mình ngẫm nghĩ.
Bauxite Việt Nam

Những chiếc xe tải nặng đậu trước cổng nhà máy Tân Rai
Người dân sống dọc tuyến đường 725, QL20 qua thành phố Bảo Lộc về tới ngã ba Dầu Giây – Đồng Nai đã “quen dần” với hình dáng của những chiếc xe đầu kéo cỡ lớn thay vì những thùng container 40 feet ở phía sau thường thấy loại xe này lắp đặt thùng ben để chuyên chở than từ Gò Dầu lên Tổ hợp Tân Rai, có bạt che kín mít.
Trước bãi xe cạnh cổng nhà máy đầy bùn đất đỏ nhiều xe đang chờ đến lượt đổ than hoặc chuẩn bị cho chuyến đi mới…
Với tải trọng trên dưới 40 Tấn, loại xe này sẽ góp sức tàn phá cầu đường mà chúng chạy qua hàng ngày…
Nó là “hung thần” nhưng cũng là cứu cánh cho hai Tổ hợp Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ trong (và hơn?) chục năm tới!
 Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã âm thầm tổ chức xuất khẩu chuyến hàng alumin đầu tiên từ Tổ hợp bauxite Tân Rai về cảng Gò Dầu.
Có thể vì quá lo lắng hoặc xen lẫn vui mừng nên Vinacomin đã thận trọng giữ gìn, không làm rùm beng, không mời báo giới truyền thông tới đưa tin cho dư luận hay biết. Tuy nhiên, trên báo Tuổi trẻ và một vài tờ báo khác vẫn “chộp” được nhiều hình ảnh về những chiếc xe phủ bạt kín mít, chất alumin đóng bao… quá tải nên bị cảnh sát giao thông Lâm Đồng, Đồng Nai xử lý.
Dẫu có trục trặc kỹ thuật nhưng rồi con tàu nhận alumin đã rời bến cảng Gò Dầu an toàn. Chắc rằng, Vinacomin sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để việc tổ chức vận chuyển, bốc xếp alumin xuất khẩu sẽ dần vào nề nếp. Tuy nhiên, dù sẽ chuyên nghiệp hơn, dù có kế hoạch tập kết hàng nhanh hơn, thời gian lưu kho thấp hơn… thì vấn đề cốt lõi nhất, không thể khắc phục được là cự ly vận chuyển dài 210km từ Tân Rai về Gò Dầu và tương lai, từ tổ hợp bauxite Nhân Cơ về Gò Dầu dài 320km là một “hàm” bất biến trong một khoảng thời gian dài (mười, mười lăm năm nữa?) nếu không có tuyến đường sắt thay thế.


Với loại xe chở nặng 40 tấn này, chẳng mấy chốc cầu đường sẽ hư nát
Hiện nay, để phục vụ cho Tổ hợp Tân Rai, Vinacomin đang tổ chức vận chuyển than cám và than cục từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) vào cảng Gò Dầu bằng loại tàu biển trọng tải 3.000 DWT. Giá tiền vận chuyển đường biển bình quân 300.000 đ/T cộng với khoảng 460.000 đ/T vận chuyển đường bộ, cộng với tiền xếp dỡ đã ngốn trên dưới 800.000 đ/T. Riêng với than, Tân Rai phải chi xấp xi 400 tỷ đồng mỗi năm trả cho Công ty cổ phần vận tải, Sài Gòn Công ty cổ phần giao nhận Thuận Phong (Vinatrans). Nếu tính thêm các khoản chi phí vận tải các loại nhiên liệu (dầu DO, FO), đá vôi, NaOH, H2SO4… thì mỗi năm, Tổ hợp Tân Rai phải chi khoảng 30 triệu USD cho việc nhập các loại nhiên liệu, vật tư bảo đảm cho nhà máy hoạt động đúng công suất thiết kế.
Với cự ly dài thêm 110km tính từ cửa nhà máy Tân Rai lên tới Nhân Cơ – ĐăkNông, tổ hợp bauxite Nhân Cơ sẽ phải chi phí khoảng 48 – 50 triệu USD tiền vận chuyển. Sau này, khi Tân Rai xuất khẩu alumin đạt sản lượng 600.000 T/năm thì tiền vận chuyển mỗi năm ở mức 300 tỷ đồng/ năm (15 triệu USD) và với Nhân Cơ sẽ ở mức 360 – 380 tỷ đ/năm (18 triệu USD). Tổng hợp lại, chi phí vận chuyển 2 chiều đối với tổ hợp Tân Rai là 45 triệu USD/ năm và Nhân Cơ là 62 – 65 triệu USD/ năm, chiếm tỉ lệ 20 – 30% giá thành sản phẩm.
Đây là một trong vài nguyên nhân chính gây lỗ triền miên cho Tân Rai hôm nay và một vài năm nữa là Nhân Cơ mà không có cách nào khắc phục nổi khi còn hoàn toàn phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Và, đó cũng là yếu tố quan trọng khiến giá alumin của Việt Nam không thể cạnh tranh được trên thị trường khu vực và thế giới.
Thử so sánh với ngành công nghiệp khai thác bauxite ở Australia sẽ thấy rõ điều này…
Hiện nay ở Australia có các “đại gia” giàu kinh nghiệm khai thác và chế biến bauxite là Alcoa World Alumina Australia (Tập đoàn Alcoa – Mỹ chiếm tỉ lệ 60% và Alumina Australia chiếm 40%) Rio Tinto và BHP – Billington. Hầu hết các nhà máy bauxite đều ở gần biển và có hệ thống vận chuyển bằng đường sắt tới cảng hoặc tới các nhà máy chế biến nhôm nên chi phí vận tải rất thấp. Điển hình như tổ hợp Wagerup ở Tây Australia. khu khai thác quặng bauxite đặt ở Willawdale có hệ thống băng tải quặng tinh đến nhà máy Wagerup dài 15km. Alumin (công suất 2,4 triệu T/năm) được chuyển bằng đường sắt tới cảng Bunbury (dài 70km) hoặc chở đến nhà máy luyện nhôm ở Victoria nơi có nguồn điện dồi dào và giá rẻ.
Tập đoàn BHP – Bilington có tổ hợp alumina Wesley đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển rất thấp. Sản phẩm của họ nhờ vậy, vẫn mang về lợi nhuận trong khi thị trưởng alumin thế giới chìm trong cơn khủng hoảng dài. Vì vậy, ngay cả Tập đoàn công nghiệp nhôm Trung Quốc (Chinalco) đã phải dừng dự án khai thác bauxite ở Aurukun gần Weipa miền bắc Australia dù đã ký hợp đồng thuê. Họ cũng phải từ bỏ dự định xây dựng nhà máy chế biến alumin ở phía nam Wiepa do sau khi tính toán chi phí đầu tư lớn và phải tuân thủ những ràng buộc khắt khe của Luật Bảo vệ môi trường và có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức dân sự đại diện cho người dân sống xung quanh dự án nhưng giá alumin thấp sẽ gây lỗ lớn cho Chinalco.
Nêu ví dụ trên để thấy các nhà đầu tư bao giờ cũng đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu và khi thấy trước thua lỗ là họ quyết định ngừng ngay dù đã tốn kém nhiều tiền của công sức để tiếp cận và chuẩn bị dự án. Chinaclo – một tập đoàn mạnh của nhà nước Trung Quốc cũng phải chùn tay trước những dự án có dấu hiệu thua lỗ mặc dù họ dư thừa tiền của nhưng cũng phải tôn trọng các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của họ.
Vậy mà, khi buộc phải thừa nhận hai dự án thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ không có hiệu quả, người ta có cảm giác Vinacomin tự nguyện “nhảy vào lửa” một cách khá thoải mái, chấp nhận “lỗ” 5 năm, 7 năm, mỗi năm vài trăm tỷ đồng để mơ mộng đến ngày nào đó của gần chục năm nữa, giá alumin bỗng cao ngất ngưởng để họ sẽ “lấy lại” những gì đã mất???
Lê Trung Thành
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chỉ số hạnh phúc cao, Việt Nam chọn "ngày hạnh phúc"

Ngày Hạnh phúc Thế giới được tổ chức bởi Liên hợp quốc lần đầu tiên vào ngày 20/3/2013. Hưởng ứng chương trình có ý nghĩ tốt đẹp này, Việt Nam cũng sẽ có “Ngày hạnh phúc” đầu tiên vào ngày 20/3/2014.
Hưởng ứng “Ngày Hạnh phúc 20/3” của Liên Hiệp Quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ra quyết định lấy ngày 20/3/2014 là “Ngày Hạnh phúc” Việt Nam.
Theo đó, chương trình nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, về chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, nghĩa vụ của gia đình, các cơ quan liên quan đến gia đình; về kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống, bạo lực gia đình, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về gia đình.
Ngày hạnh phúc của Việt Nam sẽ là ngày để tôn vinh những giá trị gia đình
Ngày hạnh phúc của Việt Nam sẽ là ngày để tôn vinh những giá trị gia đình
Bên cạnh đó, thông qua chương trình sẽ tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình.
Nhiều người cho rằng, với một quốc gia thường xuyên có chỉ số hạnh phúc thuộc hàng cao nhất thế giới, việc Việt Nam hưởng ứng ngày hạnh phúc là hoàn toàn dễ hiểu. Bảng đánh giá Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) được công bố hôm 14/6/2012 là kết quả nghiên cứu của Quỹ kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh. Về HPI, Việt Nam chỉ xếp sau Costa Rica – đất nước lần thứ hai liên tiếp đứng đầu trong danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
Năm 2010, hơn 70% số hộ cả nước đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, mục tiêu từ nay tới năm 2015 là tiếp tục giữ vững kết quả này.
Năm 2010, hơn 70% số hộ cả nước đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, mục tiêu từ nay tới năm 2015 là tiếp tục giữ vững kết quả này.
Thậm chí có người còn cho rằng số lượng ngày hạnh phúc trong năm của Việt Nam nên tăng thêm nữa, khoảng 3 tháng/lần hoặc có thể lên đến 1 tháng/lần để phù hợp với chỉ số hạnh phúc cao chót vót của Việt Nam.
Điều này cũng hoàn toàn hợp lý với định hướng Ngày hạnh phúc của nước ta là để tôn vinh các giá trị gia đình bởi Việt Nam là đất nước có tỷ lệ gia đình văn hóa rất cao. Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 - 2010), phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã thu hút trên 90% gia đình tham gia, từ gần 8,7 triệu hộ được công nhận Gia đình văn hóa năm 2000, tới năm 2010 đã tăng lên hơn 16 triệu hộ (cả nước có tổng số hơn 22,6 triệu hộ gia), đạt tỷ lệ 70,8%.
Về phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, từ gần 18.000 làng (bản, thôn, ấp…) và tổ dân phố (khu phố, khu dân cư) văn hóa được công nhận năm 2000, đã tăng lên gần 58.300 đạt danh hiệu văn hóa năm 2010 (trên tổng số gần 87.000 làng, tổ dân phố trên cả nước), đạt tỷ lệ 67%. Đã có 1,2 triệu Người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp (trong đó cấp tỉnh trên 249.000 người, cấp huyện trên 239.000 người, cấp xã trên 712.000 người).
Thiết nghĩ, với số lượng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc lớn, chỉ số hạnh phúc cao, ngày hạnh phúc được tổ chưc liên tục âu cũng có sự hợp lý.
Mai Mai (Tổng hợp từ Dân Trí, Phunutoday)

Vì sao Việt Nam đàn áp người biểu tình chống TQ?

000_Hkg8650241-305.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm Chủ nhật 02/06/2013.AFP
Trong thời gian gần đây, cung cách nặng tay và tích cực ngày càng khó hiểu mà giới cầm quyền VN dùng để ứng phó với người dân biểu tình yêu nước, chống TQ xâm lược khiến công luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và đặt nhiều nghi vấn.

Xâm phạm lợi ích nhà nước?

Giữa lúc người dân Việt trong nước tiếp tục bị đàn áp, đánh đập, giam giữ, bị sách nhiễu kiểu “tru di tam tộc”… ngày càng đáng ngại chỉ vì họ bày tỏ lòng yêu nước chống TQ xâm lược, thì nhà văn, họa sĩ người gốc TQ, tên Rose Tang, đang cư ngụ tại New York, Hoa Kỳ tự hỏi “vì sao chính quyền Việt Nam huy động công an đánh đập, bắt giam hàng chục người biểu tình… phản đối việc Trung Quốc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Việt Nam trên Biển Đông”. Và nhà văn Rose Tang thắc mắc tiếp rằng “Không lẽ các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Hà Nội không học được gì từ ông anh lớn của họ ở Bắc Kinh?”.
Khi được hỏi về tình trạng công an cùng xã hội đen tiếp tục đàn áp thô bạo những người biểu tình yêu nước, TS Jonathan Daniel London, chuyên gia từng làm việc dài lâu ở VN, “thấy rất buồn”, như ông lên tiếng mới đây với Đài ACTD:
Sự kiện vừa qua rất đáng buồn. Một lần nữa người dân Việt Nam đã biểu tình đưa quan điểm của mình đối với hành vi phi lý của Trung Quốc. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng cho Việt Nam mà những người đi biểu tình phải đối phó với hành vi thô bạo của công an thì tôi thấy rất buồn.
Tân Hoa Xã hôm mùng 3 tháng 6 vừa rồi rằng Công an Hà Nội đã ra tay bắt người biểu tình, đồng thời nhanh chóng tống nhốt họ vào xe cảnh sát, những người khác xông ra thì bị công an bao vây”. Vẫn theo Tân Hoa Xã thì “Cuộc biểu tình mới nhất này nhấn mạnh cung cách Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc khi đối mặt với áp lực trong nước”.
000_Hkg8650243-305.jpg
Công an, an ninh trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm Chủ nhật 02/06/2013.
Nhà báo Đinh Tấn Lực từ trong nước nêu ngay câu hỏi rằng “cung cách ứng xử với người yêu nước ấy là như thế nào?”. Theo nhà báo Đinh Tấn Lực thì đó là bước tiến của cái cung cách xã hội đen sẵn sàng tung chân đạp vào mặt nhân dân cho đến hè nhau lôi nạn nhân vào hàng rào để “tẩn hội đồng”; Đó là bước tiến của cái cung cách gọi là “thi hành công vụ” nhưng lại siết cổ người yêu nước quẳng lên xe, đập còng vào đỉnh hộp sọ cho nạn nhân ngất xỉu; Đó là bước tiến của cái cung cách mà blogger Đinh Tấn Lực gọi là “ăn thịt truyền thông”, từ đập ống kính vào gáy phóng viên AP cho tới “nhà báo hả, tao đánh chết… mày luôn!” ở Văn Giang vừa qua, hay sẵn sàng thực hiện điều gọi là “di lý” các nữ phóng viên AFP về trại cải tạo gái mại dâm; Đó là bước tiến của cái cung cách gọi là “phục hồi nhân phẩm” đến mức xuất hiện khẩu hiệu “Lộc Hà – điểm hẹn của người yêu nước”.
Vẫn theo nhà báo Đinh Tấn Lực, đó là cái cung cách lục soát bằng tay khắp người những phụ nữ bị bắt vào đồn công an; Đó là cái cung cách chuẩn bị sẵn danh sách những người cần bắt giam và lên sẵn phương án bắt nóng/bắt cóc/bắt nguội; lên sẵn danh sách những người cần bỏ tù, rồi áp đặt họ với những bản án tù dài lâu với những tội danh rất đỗi mơ hồ, từ “tuyên truyền chống nhà nước” cho đến “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”; Đó cũng là bước tiến của cái cung cách hành hung người yêu nước đang trong vòng lao lý…

“Bênh vực” cho phương Bắc

Những cung cách như vậy hoàn toàn tương phản với những gì mà Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng, lên tiếng mới đây tại diễn đàn Shangri-La ở Singapore, khiến GS Nguyễn Hưng Quốc bên Úc lưu ý rằng “nhiều nhà báo và blogger Việt Nam liên hệ ngay đến các vụ đàn áp hoặc tuyên truyền giả dối của chính quyền Việt Nam ở trong nước: Trên diễn đàn quốc tế, Thủ tướng kêu gọi tôn trọng các giá trị và chuẩn mực chung mà mọi người trong ‘thời đại văn minh’ đều tôn trọng thì ở trong nước, chính phủ của ông ta lại bắt bớ, đánh đập, bắt bỏ tù vô số người dân vô tội chỉ vì họ lên tiếng chống lại Trung Quốc hoặc đòi hỏi những quyền làm người căn bản nhất”.
Khi được hỏi về cung cách cư xử của giới cầm quyền đối với người dân biểu tình yêu nước, chống TQ xâm lược chứ không phải chống chính quyền, nhưng họ vẫn bị ngăn chận, đàn áp thô bạo khiến công luận nghĩ là giới cầm quyền “bênh vực” cho phương Bắc, nhà văn Thuỳ Linh cho biết:
“Người ta sẽ chuyển cái lòng căm hận với giặc ngoại xâm thành lòng căm hận với chính quyền! Đó là điều chắc chắn, và hiện nay đang là như thế.”
Và nhà văn Thuỳ Linh nhân tiện cảnh báo rằng thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy rằng người dân trong nước càng ngày càng không sợ chính quyền, mà ngược lại, họ còn chống đối rất quyết liệt –  kể cả bằng bạo lực.

Hiệu ứng Thiên An Môn: Thuật ngữ “Vịt To Vàng” bị chặn

Danluan

Josh Chin | China Real Time Report
Ngọc Hoà chuyển ngữ


Như một cuộc đối đầu giữa David và gã khổng lồ Goliath diễn ra hàng năm vào ngày 4 tháng 6 của đất nước, các hoạt động kiểm duyệt trên trang web hàng đầu của Trung Quốc có chức năng như mạng Twitter ngăn chặn việc tìm kiếm thuật ngữ “Vịt To Vàng” và loại bỏ biểu tượng ngọn nến được sử dụng để thể hiện nỗi tang thương giữa những người sử dụng Internet Trung Quốc mong muốn tưởng nhớ cuộc đàn áp biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989 và bộ máy kiểm duyệt trực tuyến rộng khắp Trung Quốc.
ob-xs117_duckma_g_20130604045626.jpg
Một sự tưởng tượng lại hình ảnh nổi tiếng có tên “Tank Man” được đưa lên mạng Sina Weibo (Trung Quốc) để kỷ niệm cuộc đàn áp các sinh viên biểu tình ngày 04 tháng 6 năm 1989 ở Thiên An Môn (Ảnh: Sina Weibo).Trước lễ kỷ niệm vào thứ Ba, trang Sina Weibo đã xem xét lại một cuộc thử nghiệm ngắn hạn với bộ lọc tinh vi hơn. Cuối tuần trước, các tìm kiếm có liên quan đến cuộc đàn áp bị ngăn chặn trên trang web này đột nhiên cho xuất hiện các kết quả vô thưởng vô phạt, nhưng được lựa chọn cẩn thận. Nhưng cho đến đêm thứ Hai, những tìm kiếm này lại bị chặn trở lại.
Kiểm duyệt trên trang Sina cũng bận rộn với việc xóa bỏ các hình ảnh có liên quan đến Thiên An Môn trên trang web, bao gồm một loạt ảnh đùa cợt tái tạo bức ảnh biểu tượng “Tank Man”, được chụp khi các xe quân sự Trung Quốc đang cố gắng rời khỏi quảng trường.
ob-xs119_angry_d_20130604050128.jpg
Một phiên bản của hình ảnh “Tank Man” dựa trên trò chơi video “Angry Birds” của Rovio bởi nhóm biếm họa Hexie Farm (Ảnh: Sina Weibo).
Trong một phiên bản được tạo ra bởi người vẽ tranh biếm họa của Hexie Farm, một con chim màu xanh trong trò chơi “Angry Birds” của Rovio đứng trước một dòng xe tăng lợn, lông cánh dựng lên bày tỏ một cử chỉ thách thức. Những người khác đăng tải các hình ảnh khác nhau tái tạo hoạt cảnh Tank Man bằng Lego.
Trong số những ảnh nổi bật nhất là hình ảnh một dãy vịt cao su quá khổ thay thế những chiếc xe tăng – liên quan đến con vịt màu vàng khổng lồ hiện đang chiếm ngự cảng Victoria ở Hồng Kông đã gây ra làn sóng bắt chước và mua bán giá rẻ về vịt trên đất liền.
Trang Sina đã không đáp ứng lại ngay trước yêu cầu bình luận.
Khi Hồng Kông chuẩn bị tổ chức lễ cầu nguyện ban đêm hàng năm vào ngày 04 tháng 6, các nhà hoạt động AIDS tại Bắc Kinh và nhà bất đồng chính kiến nổi bật, ông Hu Jia, hôm thứ Hai đã đưa ra lời kêu gọi người Trung Quốc đại lục mặc màu đen để đánh dấu lễ kỷ niệm. “Tôi hy vọng những người đi du lịch tự do ở Hồng Kông sẽ đi đến cảng Victoria Park và xuất hiện tại sự kiện này,” ông Hu viết trên Twitter, dù bị chặn ở Trung Quốc nhưng vẫn có thể truy cập thông qua phần mềm tránh né kiểm duyệt mạng của Trung Quốc. “Những người nào ở Đại lục không thể đến được Hồng Kông nên mặc màu đen để tưởng nhớ sự kiện ngày 4 tháng Sáu một cách khôn khéo.”
Ông Hu sau đó nói đùa rằng việc mua áo thun đen ở Trung Quốc có thể sớm bị yêu cầu phải đăng ký bằng tên thật, ám chỉ đến những nỗ lực gần đây của chính quyền thành phố Côn Minh ở miền Nam, có lẽ trước áp lực dư luận, đã ngăn chặn cuộc biểu tình chống lại một nhà máy hóa chất bằng cách yêu cầu những người mua mặt nạ và áo thun trắng phải đăng ký bằng chứng minh nhân dân. Những người biểu tình trước đó đã sử dụng mặt nạ làm đạo cụ và mặc áo thun xịt khẩu hiệu chống ô nhiễm.
Các tìm kiếm “áo thun đen” cũng đã bị chặn trên trang Sina Weibo vào thứ Ba.
thien_an_mon_lego.jpg
Một phiên bản Lego của hình ảnh “Tank Man” được đưa lên Sina Weibo hôm thứ Ba (Ảnh: Sina Weibo).
Bất chấp sự kiểm duyệt và những nỗ lực liên tục của chính quyền nhằm giảm nhẹ tầm quan trọng của các cuộc biểu tình năm 1989, mà Bắc Kinh mô tả là một “cuộc bạo loạn phản cách mạng”, mối quan tâm đến các cuộc đàn áp dường như vẫn còn rất lớn trong số những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Theo GreatFire.org, một tổ chức giám sát kiểm duyệt Trung Quốc, các tìm kiếm cho “4 6″ – cho ngày 4 tháng 6 – đã xuất hiện một thời gian ngắn trong danh sách các thuật ngữ được tìm kiếm hàng đầu trên trang Sina Weibo vào sáng thứ Ba.Do không thể nói chuyện cởi mở về cuộc đàn áp, thay vì vậy, một số người sử dụng trang Sina Weibo đăng tải các ý kiến ghi nhận sự xuất hiện của những đám mây đen trên Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu ở miền Nam khoảng giữa trưa thứ Ba.
“Trời thấy những gì mọi người thấy, Trời nghe những gì mọi người nghe,” nhà viết sử Zhang Lifan trích dẫn từ Kinh Thư, một trong năm văn bản Nho giáo cổ điển. “Hôm nay, trái tim của Trời cảm nhận được những gì trong trái tim của nhân dân.”
Một người sử dụng trang Sina Weibo khác: “Điều này dường như có nghĩa là một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ, nhưng tôi không thể tìm kiếm nó.”
Nguồn: Josh Chin, Tiananmen Effect: ‘Big Yellow Duck’ a Banned Term, China Real Time Report, ngày 04 Tháng Sáu 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

Sự khác nhau giữa nông dân và cán bộ

TTC -  Vì sao người người, nhà nhà ai cũng muốn con mình sau này sẽ là cán bộ mà không phải là nông dân? Vậy thì cán bộ và nông dân khác nhau ở điểm nào? Chúng tôi đưa ra vài so sánh để mọi người có thể biết được sự khác nhau cơ bản ấy:
- Nông dân thường ngủ sớm và dậy rất sớm. Tại vì ngủ trễ nên cán bộ dậy cũng rất trễ.
- Nông dân thường đi làm sớm, về rất muộn. Cán bộ đi làm muộn và về rất sớm.
- Nông dân thường mắng con trâu. Cán bộ thường mắng dân.
- Bạn nhà nông là con trâu. Bạn cán bộ là cán bộ.
- Áo quần nông dân thường nhăn trong khi mặt hay cười. Áo quần cán bộ thẳng, mặt lại hay nhăn.
- Nông dân yêu ruộng đồng. Cán bộ yêu nhiều thứ.
- Nông dân “lên chức” tức có cháu. Cán bộ lên chức tức sắp giàu.
- Vợ nông dân thường ra đồng. Vợ cán bộ thường đứng ngóng ở “cửa sau”.
- Vợ nông dân hỏi: “Chừng nào gặt?”. Vợ cán bộ hỏi: “Lương đâu?”.
- Mặt nông dân đen vì nắng. Mặt cán bộ đỏ vì bia.
- Đầu cơ nghiệp của nhà nông là con trâu, của cán bộ là con dấu.
- Thấy phong bì, nông dân biết có thư. Thấy phong bì, cán bộ nghĩ thứ khác.
- Nông dân than mệt mỏi. Cán bộ than nhức đầu.
- Nông dân sợ trời bão. Cán bộ sợ “trời không thương”.
- Nông dân thường khoe quen với cán bộ này cán bộ nọ, chả khi nào cán bộ khoe quen nông dân nọ, nông dân kia.
- Có cán bộ lấy bằng giả “đi cày” ở công sở nhưng chẳng có nông dân nào dùng trâu giả để cày ruộng.
ĐOÀN NHẬT TIÊN  (Khánh Hòa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét