Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Tin ngày 25/3/2013

Phan Trọng Hiền - Nên đổi lại tên nước thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”!

Sau cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời kể từ ngày 2-9-1945. Đến ngày 2-7-1976, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên nước ta thành “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như hiện nay. Trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, điều 1 (chương I) vẫn giữ nguyên tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tôi đề nghị đổi lại tên nước thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, vì các lý do sau:
“Xã hội chủ nghĩa” là tính từ chỉ đặc trưng, tính chất của một xã hội tốt đẹp mà các nhà cách mạng như K. Marx, F. Engels, V. I. Lenin... đã xây dựng thành một học thuyết và mong muốn phấn đấu vươn tới, với hy vọng biến lý tưởng đó trở thành hiện thực trên toàn thế giới. Chúng ta thường nói nước ta đã và đang phấn đấu đi lên theo con đường (hoặc “định hướng”) xã hội chủ nghĩa. Còn xã hội lý tưởng ấy thực tế như thế nào thì chưa ai có thể xác định được một cách rõ ràng, cụ thể, bởi các văn kiện chính thức xác định nước ta hiện vẫn còn đang ở trong “thời kỳ quá độ” đi lên chủ nghĩa xã hội! Không sử dụng cụm từ “xã hội chủ nghĩa”, điều đó không có nghĩa từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không làm thay đổi định hướng phát triển của nước ta; đây chỉ là việc không lấy mục tiêu làm cụm từ miêu tả tên nước.
Cụm từ “xã hội chủ nghĩa”, kể từ sau năm 1991 đến nay, trên thế giới hầu như chỉ còn duy nhất nước “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngay cả các nước như Trung Quốc, tên nước dùng từ năm 1949 đến nay của họ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Cuba - từ năm 1902 đến nay - vẫn là Cộng hòa Cuba; Lào là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Triều Tiên là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; mặc dù các nước trên, giống như Việt Nam, cũng “định hướng” đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Do đó, theo tôi, hai từ “cộng hòa” và “dân chủ” nên dùng để bổ nghĩa cho tên nước Việt Nam là hợp lý nhất. Nếu sử dụng theo cách viết (nói) thuần Việt, thì là “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”; còn theo cách Hán-Việt, sẽ là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, như tên nước mà chúng ta đã dùng kể từ tháng 9-1945 đến tháng 7-1976.
Ngoài ra, tôi đề nghị trong điều 1 nên giữ lại từ “các” (trong cụm từ “các hải đảo” (như Hiến pháp 1992 đã viết). Từ đó, nguyên văn điều 1 (dự thảo) nên sửa lại thành: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”.
Phan Trọng Hiền
(TBKTSG)

TIN LÃNH THỔ

TIN TRÊN BLOG


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Bàn về chữ Dũng của một bậc quân tử

Khổng Tử dạy rằng, người quân tử là người có ba đức tính lớn: nhân, trí, dũng. Thế nhưng sau này, Mạnh Tử- một nhà nho mang nặng tư tưởng của tôn giáo và sự ảnh hưởng của những lê giáo phong kiến- sợ rằng có nếu quá ca ngợi cái “dũng”, kẻ dưới, kẻ yếu có thể dám chống lại cả bề trên, khi nhận thấy bề trên là kẻ vô đạo. Vì vậy, để phục vụ cho tự tưởng “Quân, Sư, Phụ” mà Mạnh Tử chỉ nêu những đức tính mà người quân tử cần có bao gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đức tính “dũng” đã bị xem nhẹ vì sự áp đặt và quyền lợi của giai cấp phong kiến muốn thống trị người dân bằng đặc quyền lâu dài.
Có lẽ sẽ là rất buồn cười nếu có bác nào đó nói với tôi rằng, phụ nữ biết gì mà bàn về quân tử? Thời phong kiến, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Tôi xin mở một dấu ngoặc cho bài viết này của mình là “bây giờ là thế kỷ 21 rồi”, bao nhiêu nước đang rơi vào tình trạng “dương thịnh, âm suy”; và trong tương lai gần Việt Nam cũng trở nên khan hiếm phụ nữ. Chẳng có một bằng chứng nào về di truyền học, về giải phẫu học, về nhân chủng học nói rằng phụ nữ kém cỏi hơn nam giới về trí tuệ, về sự nhanh nhẹn sắc sảo trong việc ra quyết định về cái uy dũng, thần thái của một người quân tử cả. Vì vậy, khái niệm này tôi xin bàn đến chung cho cả hai giới, nam cũng như nữ.
Như thế, khái niệm người quân tử cũng không phải là đặc quyền chỉ tồn tại ở nam giới mà thôi.
Ảnh: Ông Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp
Khái niệm của Khổng Tử về ba đức tính cơ bản của con người, “Nhân thì không lo, Trí thì không nghi ngờ, Dũng thì không sợ” (Quân tử đạo hữu tam: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ).
“Nhân” là lòng thương yêu giúp đỡ người; có “nhân”
“Trí” là hiểu biết, phân biệt rõ đúng, sai, hay, dở; có trí sẽ không bị nhầm lẫn, không đi sai đường khiến lầm lẫn cuộc đời.
“Dũng” là gan dạ, dám vượt mọi khó khăn, gian nguy; có dũng sẽ không biết sợ: không sợ gian lao, không sợ cường quyền, bạo lực cho dù phải hi sinh cả tính mạng cũng vẫn ngang nhiên và kiên trì đi theo con đường mà mình lựa chọn.
Thế nhưng trong ba phạm trù trên, cái nào quan trọng hơn và cần thiết hơn hay có giá trị tương đương? Ở đây rõ ràng, thiếu một trong ba đặc tính Nhân, Trí, Dũng chúng ta đều phải thừa nhận rằng đó không phải là một người quân tử. Cả ba đặc tính đó là điều kiện cần và đủ của một một đấng trượng phu đúng cách.
Nhân- nếu đòi hỏi triệt để phải có trí, sự có mặt cả hai đặc tính này giúp người đó tìm ra được cách giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu, thiết thực nhất. Nếu có thêm có dũng (gan dạ, kiên trì thực hiện ý định giúp người) thì họ sẽ giúp người đó đến cùng. Nếu chỉ có Nhân thì thường con người dễ bị ủy mị, bị tình cảm chi phối mà thiếu sự phán xét của lý trí.
Nếu một cá nhân nào có chỉ có Dũng, gần như mọi thứ cao đẹp đều bị dẹp bỏ. Dũng khi đó trở thành thứ tính cách ngang tàng, liều mạng, đôi khi là một kẻ gàn bướng, cố chấp, nó trái ngược hoàn toàn với phong thái của người nho nhã, trượng phu. Nói không ngoa, Dũng chỉ có giá trị đạo đức khi phục tùng Trí và Nhân. Dũng là cái nền để Nhân và Trí được bộc lộ, là điểm tựa cho Nhân và Trí toả sáng.
Tuy nhiên, nếu có cả hai phẩm chất Nhân và Trí mà không có Dũng thì sao? Chỉ có Nhân mà không có Dũng là kẻ nhu nhược yếu hèn, ủy mị, chỉ có Trí mà không Dũng là kẻ khôn lỏi, lọc lừa, dùng trí khôn và kiến thức của mình chỉ nhằm mục đích vụ lợi, luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, kẻ chỉ có trí mà vô dũng giống như một loại tắc lè hoa, a dua theo kẻ mạnh, dù biết kẻ mạnh sai trái; khiếp sợ, bạc nhược trước cường quyền bạo lực, dễ đánh mất mình. Nếu kẻ đó lại thiếu thêm chữ Nhân thì đây thực sự là mối nguy hiểm, là thảm họa cho nhiều người.

Sẽ có nhiều người nghĩ rằng, đàn ông thường có lợi thế hơn hẳn phụ nữ ở hình thể, hay có võ nghệ nên họ mới cam đảm, mới có Dũng. Nghĩ vậy là lầm! Cơ bắp hay võ nghệ chỉ yểm trợ phần nào cho sự can đảm mà không thể sánh với lòng can đảm, với cái Dũng được. Biết bao người sức trói gà không chặt mà thừa lòng can đảm, đến nỗi những kẻ đầy võ nghệ, đầy uy quyền cũng vẫn bị khuất phục.
Một tích xưa kể rằng Tần Thủy Hoàng muốn chiếm Anh Lăng nhưng không muốn đánh mà dùng kế, sai người đến bảo An Lăng quân:

- Vua ta muốn đem 500 dặm đất để đổi lấy đất An Lăng là 50 dặm, mong ngài hãy bằng lòng.

An Lăng quân không chịu và nói:
- Cảm ơn nhà vua đã gia ân. Đất tôi dù có 50 dặm nhưng vẫn là đất của tổ tiên để lại, không thể vâng mệnh.

Vua Tần nổi giận, sửa soạn cất quân đi đánh. Bấy giờ có một người áo vải già nua tên là Đường Thư vào xin An Lăng quân để đi sứ sang thuyết vua Tần. Vua Tần nói:

- An Lăng quân khinh ta chăng mà không chịu đổi 50 dặm để lấy mảnh đất rộng gấp mười?
Cỡ như Hàn, Ngụy ta còn diệt huống gì đất An Lăng? 

Đường Thư nói:

- Không phải! An Lăng quân nhận đất của Tiên vương nên phải giữ, dẫu nhà vua đem ngàn dặm cũng không đổi chứ đừng nói 500 dặm.

Vua Tần nổi giận trợn mắt hỏi Đường Thư:

- Tên già ngu ngốc kia, ngươi có biết thiên tử giận thì sao không?

- Thì sao?

- Thiên tử mà giận một cái thì thây phơi trăm vạn, máu loang ngàn dặm.

Đường Thư ôn hòa hỏi lại:

- Đại vương có biết hạng áo vải nổi giận thì sao không?
Vua Tần lồng lộn lên đáp:

- Tụi áo vải mà giận thì chỉ lột mão, cởi dép, dập đầu mà lạy!

Đường Thư nhếch mép cười:

- Cũng có thật! Nhưng đó chỉ là bọn thất phu. Chứ kẻ sĩ giận thì khác. Lúc Chuyên Chư đâm Vương Liễu thì sao chổi lấn át mặt trăng; lúc Nhiếp Chính đâm Hiệp Lũy thì cầu vồng trắng vắt ngang qua mặt trời; lúc Yếu Ly đâm Khánh Kỵ thì chim ưng xanh đá nhau trên điện. Ba vị đó đều kẻ sĩ áo vải, lòng nén uất nên trời mới hiện lộ những điềm như vậy. Nay sắp có thêm tôi nữa là bốn. Kẻ sĩ mà nổi giận thì thây nằm hai cái, máu loang năm bước, thiên hạ để tang, tức như hôm nay.

Nói rồi tuốt gươm đứng lên. Vua Tần sợ quá nhũn người quỳ xuống tạ lỗi:

- Thôi, thôi! Mời tiên sinh ngồi! Làm gì đến nỗi như vậy! Quả nhân hiểu rồi. Hàn, Ngụy bị diệt mà An Lăng quân chỉ có 50 dặm đất mà vẫn giữ được chính là nhờ có tiên sinh đó!
Hôm qua, xem ti vi, nhìn thấy cái cách cười, cái thần thái, cái uy dũng của bác cựu bộ trưởng bộ tư pháp nhà ta, Ts. Nguyễn Đình Lộc, một trong 72 vị trí thức khởi xướng “kiến nghị 72” mà tôi chạnh lòng. Tự hỏi, thế lực nào khiến ông, một người ngồi ở chức phẩm tương đương hàng Thượng Thư ở triều đình phong kiến, thừa tri thức để phán đoán việc đúng việc sai, thừa kinh nghiệm để hiểu được hành động trả đũa của đối phương nếu có, thừa tuổi tác để hiểu được câu danh ngôn “ngựa chết để da, người chết để tiếng” lại co dúm tội nghiệp đến thế, cười cười nói nói ngập ngừng
“…nhưng thật ra thì đến đấy mới được lên trưởng đoàn, đến lúc trao thì mới được lên trưởng đoàn. Còn trước đó thì thật ra những cái bản ấy tôi không tham gia. Tôi không tham gia“ một cách khiên cưỡng? điều gì đã khiến ông rụt rè, khiếp nhược chỉ trong một thời gian quá ngắn mới có 2 tháng 4 ngày khi thời hạn góp ý vẫn chưa kết thúc?
Ngẫm ra, cái “Dũng” của một cô Phạm Thanh Nghiên yếu đuối, của một Lê Thị Công Nhân nhỏ nhắn, của một Nguyễn Thị Minh Hạnh mỏng manh,….nó mới quý giá và cao đẹp làm sao? Cái Dũng đó hóa ra chẳng phải là “đặc sản” chỉ gắn cho những người mang danh là nam nhi chi chí, trí tuệ hơn người, quyền cao chức trọng, bằng cấp tột bực, quyền uy lẫy lừng. Phải chăng ông Lộc thiếu nó vì chữ “Nhân- tình yêu thương đồng bào mình” của ông vẫn còn chưa đủ lớn?
Nòng Nọc
(Blog Hai lúa)

Nguy cơ ngân hàng thành tổng kho hàng ế

Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu đạt tiến độ khá nhanh, phần nhiều là do các NHTM sử dụng các giải pháp kỹ thuật nghiệp vụ là chính, ví dụ trích lập các khoản dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, cơ cấu lại nợ ...
Nhưng có thể  nói rằng dư địa cho những giải pháp kỹ thuật hay nội bộ sẽ ngày một thu hẹp, để sẽ đến giải pháp cuối cùng là phát mại tài sản, hoặc bán nợ, mới có thể làm sạch bảng tổng kết tài sản. Trong khi Đề án thành lập Công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu còn chờ phê duyệt, các NHTM cũng đã và đang tiến hành giải pháp phát mại tài sản để thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc xử lý các tài sản thế chấp không dễ dàng, phải nói đúng là rất khó khăn, đặc biệt với tài sản thế chấp là bất động sản. Dư luận đang lo lắng có thể các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ trở thành tổng kho hàng tồn kho bất động sản, không bán được và đang giảm. giá hàng ngày.
Có thể nói cho đến nay, thế chấp tài sản, chủ yếu là BĐS, vẫn là đặc điểm lớn nhất của tín dụng ngân hàng Việt Nam. Một thống kê được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra, là vào thời điểm cuối tháng 10-2012, dư nợ có tài sản đảm bảo bằng BĐS khoảng 1,24 triệu tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng tổng dư nợ cho vay BĐS khoảng 207.595 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm tỷ trọng 13,5% (bằng khoảng 28.000 tỷ đồng). Cũng phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy, với thực trạng kinh tế này, số nợ xấu từ BĐS và thế chấp bằng BĐS sẽ càng ngày càng phình to.
Các khoản thế chấp bằng BĐS thường có các hình thức. Thế chấp nhà đất đã hoàn thành các thủ tục sở hữu, nghĩa là có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các chứng nhận quyền sở hữu các tài sản trên đất. Thế chấp quyền sử dụng đất, không kèm các tài sản trên đất. Thế chấp quyền thực hiện dự án trên đất. Thế chấp tài sản là các BĐS hình thành trên vốn vay.
Trên thực tế, mặc dù theo đúng các quy định pháp luật, tài sản thế chấp phải là tài sản hợp pháp của người vay, nhưng trong những năm qua, nhiều TCTD đã cho các dự án BĐS vay nhiều khoản tiền lớn ngay từ giai đoạn lập dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, thế chấp bằng các BĐS thành phẩm của dự án, nghĩa là thế chấp bằng những tài sản chưa hề có trên đời này. Và khi thị trường BĐS đóng băng, các dự án không triển khai tiếp được, các TCTD sẽ gặp những khó khăn lớn khi thu hồi các khoản vay. Không phải chỉ vậy,    ngay các khoản thế chấp bằng tài sản thế chấp hợp pháp, các TCTD cũng không dễ thu hồi tài sản của mình.

Lượng bất động sản khổng lồ thế chấp tại các TCTD
Khó khăn trong việc bán tài sản thế chấp
Đối với mỗi loại BĐS thế chấp, đã có những quy định pháp luật để xử lý thu hồi tài sản thế chấp, phát mại, thu hồi tài sản cho vay. Nhưng thực tế, các ngân hàng và TCTD nói chung rất khó thu hồi được vốn cho vay qua việc thu hồi và phát mại BĐS. Trong khi Đề án thành lập Công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu còn chờ phê duyệt, các ngân hàng thương mại cũng đã và đang tiến hành giải pháp phát mại tài sản để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, cái khó nhất trong phát mại tài sản là thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý, kể từ lúc ngân hàng kiện ra tòa, cho đến khi tài sản được bán đấu giá thành công, thường bị kéo dài khá lâu. Thực tế cho thấy, thách thức đầu tiên mà ngân hàng thương mại phải đối mặt là sự bất hợp tác của “con nợ xấu” với tài sản thế chấp là BĐS.
Biểu hiện phổ biến là sự chây ỳ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện thủ tục ký chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp cho chủ nợ. Vì thế, để tòa án mở được phiên tòa xử thành công án phát mại tài sản thường mất khá nhiều thời gian, có nhiều khi mất tới vài năm. Kế đến là việc định giá tài sản và đưa qua tổ chức bán đấu giá. Đây cũng là khâu chiếm nhiều thời gian cho các bước thủ tục như đăng báo thông tin, chọn địa điểm, tiếp nhận đối tượng tham gia… Tóm lại, có khi một khoản nợ xấu có tài sản thế chấp là BĐS, dù có “nguồn gốc pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản” đều tốt, nhưng phải mất vài năm mới xử lý phát mại xong.
Nguyên nhân của sự chậm trễ đến mức gây hại này thường không phải do phía các ngân hàng thương mại, cũng không do thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết, mà là do cách thức xử lý của các chủ thể ngoài ngân hàng. Đó có phần là con nợ, như nói trên; có cả sự chậm trễ đến từ phía các cơ quan công quyền trong việc thực hiện các bước thủ tục. Cho nên có thể nói, trong phát mại BĐS thu nợ, thời gian kéo dài là khâu khó khăn nhất, gây thêm nhiều thiệt hại nhất mà ngân hàng thực sự cần sự hỗ trợ tháo gỡ của Chính phủ. Ngoài khó khăn về thủ tục hành chính và thời gian, việc bán tài sản thế chấp là BĐS tại thời điểm này còn gặp khó khăn về thị trường. Để lách các thủ tục hành chính, các khoản vay nhỏ, thế chấp bằng nhà đất, các ngân hàng hiện nay thường thỏa thuận với các con nợ về việc nhân viên ngân hàng đứng ra bán nhà giúp để thu hồi nợ. Có thể nói đến 60% các rao vặt bán nhà phố, đất ở tại TP Hồ Chí Minh là của các cán bộ ngân hàng đứng bán nhằm thu hồi nợ. Tuy nhiên, các giao dịch thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do đơn giản, tại thời điểm này rất ít người muốn mua nhà, kể cả người có nhu cầu nhà ở, mặc dù nhiều căn nhà giá bán đã thấp hơn định giá thế chấp.
Đối với các tài sản là các dự án đang thực hiện, việc thu hồi tài sản cho vay có thể nói khó như lên trời. Nguyên nhân là hầu hết các sản phẩm của dự án đều chưa hình thành, rất khó để đem bán. Một số dự án ngân hàng cùng chủ đầu tư liên kết để bán, dưới hình thức ngân hàng cho người mua căn hộ vay tiền để mua, thực chất là chuyển nợ từ chủ đầu tư sang người mua căn hộ. Tuy nhiên bán rất khó khăn vì thị trường đang đóng băng và lãi suất cho người mua nhà tại các dự án này vẫn cao ( trên 10%/năm). Một số hoạt động mua bán dự án cũng đã được thực hiện, nhưng số lượng rất ít và hầu hết đều trông vào vốn vay ngân hàng, thực chất vẫn chỉ là hành động chuyển pháp nhân vay. Một số chủ đầu tư các dự án hiện nay muốn chuyển dự án cho ngân hàng điều hành, hoặc chuyển vốn vay thành vốn đầu tư. Ý định này cũng khó thực hiện bởi ngân hàng cũng như các TCTD chỉ là các nhà đầu tư tài chính, họ không thể giỏi hơn các chủ đầu tư BĐS, mà chủ đầu tư BĐS còn thất bại thì ngân hàng nhảy vào không khéo lại xôi hỏng bỏng không. Mặt khác, cả chủ đầu tư và ngân hàng đều không muốn thanh lý dự án, bởi nếu thanh lý dự án sẽ phát sinh số lỗ khổng lồ, không thể giải trình với các cổ đông được. Vì vậy tốt nhất cứ để đấy, ăn vạ chờ…

Ngân hàng sẽ thành tổng kho hàng tồn BĐS
Như vậy, chúng ta có thể thấy, mặc dù lượng tài sản thế chấp bằng BĐS khổng lồ, nhưng để biến khối tài sản này thành tiền để đưa vào vòng quay vốn là điều bất khả thi trong thời gian tới. Tuy nhiên với lộ trình giải quyết nợ xấu, việc thanh lý tài sản thế chấp là BĐS bắt buộc sẽ diễn ra. Lúc đó theo một số chuyên gia sẽ có hai khả năng.
Một là BĐS sẽ ào ra thị trường với giá cực thấp vì mục tiêu của các ngân hàng chỉ là thu hồi vốn vay, cắt lỗ. Các chủ đầu tư lúc đó không còn liên quan tới giá vì nguyên tắc họ đã trả nợ bằng tài sản thế chấp. Với khối lượng thế chấp lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, chắc chắn thị trường khó có thể chấp nhận. Một cuộc khủng hoảng thừa lớn sẽ xảy ra.
Khả năng thứ hai, do ngân hàng không thể phát mại tài sản thế chấp là BĐS thấp quá nhiều so với vốn vay và cần duy trì giá trị tài sản trên sổ sách, lúc đó các ngân hàng cũng như các TCTD sẽ thành tổng kho hàng tồn BĐS. Hàng chục nghìn BĐS sẽ thuộc sở hữu ngân hàng và chi phí bảo tồn, duy tu sửa chữa khối tài sản này sẽ ngốn hết lợi nhuận, mặt khác, hàng triệu tỷ đồng cũng nằm chết tại đó trong khi lãi huy động vẫn phải trả cho người gửi tiền, vốn dành cho sản xuất kinh doanh không có.
Ở bất kỳ khả năng nào, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các TCTD. Bài học về cho vay bừa bãi của những năm qua vẫn chưa thể trả xong trong thời gian vài năm tới.
Trần Việt
(ANTĐ)

Thảo dân - Fair play

Thuật ngữ này trong thể thao nhắc nhở những người tham gia hãy tôn vinh tinh thần thượng võ: chơi cho bình đẳng, chơi cho đàng hoàng.
Chính quyền kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến cho Hiến pháp. Nhưng lâu nay, nhân dân không thấy ý kiến nào khác được công khai ngoài những ý kiến hệt như nhau của các “chuyên gia” của Đảng độc diễn trên VTV, báo Nhân Dân, … mạt sát những ý kiến bị gán cho đủ các tính từ “trái chiều”, “thù địch”, “phủ nhận ĐCS”… Nhân dân thì chẳng hề biết những ý kiến ấy “mặt ngang mũi dọc” thế nào mà các GS, TS Mác-Lê lên án ghế thế! Thật nực cười! Tuy nhiên, qua lời phản bác của các “chuyên gia”, nhân dân dần được biết cơ bản những ý kiến đóng góp ấy của “các phần tử chống đối” là gì rồi.
Nếu Chính quyền thực sự có tinh thần cầu thị, hãy tổ chức một diễn đàn đàng hoàng trên chính phương tiện thông tin đại chúng gồm báo Nhân Dân, VTV và gần nghìn tờ báo và mời nhân dân đối thoại, thảo luận với các “chuyên gia” của Chính quyền về những vấn đề ĐCS đang muốn lấy ý kiến của họ. Tự thân những ý kiến trao đổi giữa nhân dân với các vị “chuyên gia” của Đảng sẽ làm ló rạng điều hay và sự thật.
Rất tiếc, thay vì tổ chức đàng hoàng như vậy, Chính quyền cho những “chuyên gia” của mình độc diễn nhắc lại những điều đã cũ mèm và hùng hổ đe dọa những ai có ý kiến ngược với mình. Như vậy thì Chính quyền tổ chức lấy ý kiến của nhân dân làm gì? Hiến pháp cứ giữ nguyên như cũ cũng được, vì có nhiều điều được quy đinh trong Hiến pháp cũ có được thực hiện đâu. Kể cả điều 4 có thể quay lại như Hiến pháp 1980 cũng không sao. Liên Xô có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, có xe tăng tàu ngầm, có công an mật vụ KGB, có nhà tù, có GULAG, … thế mà đã bốc mả lâu rồi!
Cách lấy ý kiến đóng góp cho Hiến pháp hiện nay là là cách nói chuyện theo kiểu chỉ có kẻ mạnh được nói, còn người được mời đối thoại thì bị dán băng dính vào miệng! Nếu tổ chức thảo luận đàng hoàng với nhân dân trên diễn đàn chính thức chỉ càng làm cho người dân thấy ĐCSVN thực sự mạnh.
Chẳng lẽ đây là sự lặp lại kịch bản của phong trào “trăm hoa đua nở” của bác Mao?
Cái cách đưa mấy vị GS, TS Mác-Lê lên diễn đàn độc diễn nhắc lại những điều đã cũ mèm trong sách mà các nước cố ‘XHCN anh em’ đã vứt bỏ không khác mấy kiểu vừa chơi, vừa bóp d… đối thủ.
Trong thể thao, người ta bảo thế là chơi bẩn – foul play.
Thảo dân
(Quê Choa)

Thêm một người chết tại đồn công an tỉnh Dak Nông

Thêm một trường hợp tử vong ngay tại đồn công an dù nạn nhân là người khỏe mạnh trước khi bị đưa vào đó. Vụ việc được ghi nhận tại trụ sở Công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông.
Người khỏe bị nhốt tại đồn công an và chết
Nạn nhân được người nhà cho biết là ông Hoàng Văn Ngài, sinh năm 1974, cư ngụ tại xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa tỉnh Dak Nong. Ông này qua đời ngay tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa.
Ông này cùng người em là ông Hoàng Văn Tá và một người thân bán lại rẫy cho hai anh em là ông Sùng A Tú, cùng vợ của cả hai anh em bị công an xã và thị trấn Gia Nghĩa đến bắt đi khi họ đang dọn khu rẫy đó hồi ngày 14 tháng 3 vừa qua. Lý do mà phía cơ quan chức năng nêu ra để bắt giữ tất cả là vì họ phá rừng.
Sau hai ngày giam giữ hai người vợ của hai anh em Hoàng Văn Ngài và Hoàng văn Tá được cho về; trong khi đó những người đàn ông vẫn bị giam giữ tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa.
Việc bắt giam được tiến hành mà không có lệnh gì hết như lời ông Hoàng Văn Tá cho biết vào ngày 22 tháng 3 như sau:
“Họ bắt đột xuất, không có giấy tờ báo lệnh bắt về điều gì cả. Những ngày tạm giam họ cũng không có quyết định gì cả. Họ giam hai anh em chúng tôi cùng hai bà vợ: vợ anh Ngài và vợ tôi nữa.”

hoang-van-ngai-305.jpg
Anh Hoàng Văn Ngài qua đời ngay tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông.
Hình do thính giả gửi cho RFA
Dù bị bắt chung nhưng mỗi người đều bị nhốt riêng ở một phòng khác nhau. Ông Hoàng văn Tá kể lại sự việc dẫn đến cái chết của người anh Hoàng văn Ngài như sau:
“Vào ngày 16, khoảng 17 giờ, họ thả vợ tôi cùng vợ anh Ngài ra về rẫy. Đến ngày chủ nhật 17, công an thị xã Gia Nghĩa có thả anh Ngài và tôi ra dọn vệ sinh, lau nhà, rửa xe. Đến khoảng 3 giờ chiều, khi đang điều tra tại phòng anh Ngài, nghe có tiếng ồn, va đập vào tường rất nhiều, ồn ào. Khoảng 16 giờ tôi xin cán bộ công an ra ngoài đi tiểu. Công an dẫn tôi ra ngoài đi tiểu; nhưng tôi không nhìn qua cửa sổ phòng anh Ngài như mọi khi. Khi tiểu xong về, tôi nhìn qua cửa sổ phòng anh Ngài, loại cửa làm bằng kính, đóng kín. Tôi thấy anh Ngài đưa hai tay như là cầu cứu. Tôi xin công an cho tôi đứng lại để xem anh Ngài cần thiết cái gì, công an bảo tôi phải đi vào phòng nhanh, không ngó gì hết. Công an đưa tôi vào phòng.
Một lát sau, công an đi đá bóng về, một công an đi trước chạy về bảo rằng ‘Ôi, ông này chắc chết rồi’. Một lúc sau họ gọi điện xe taxi Mai Linh đến trước cửa trụ sở công an. Họ kéo anh Ngài ra đưa lên xe taxi bốn chỗ, đi cấp cứu. Lúc đó tôi thấy tình hình không ổn, tôi đập cửa nói họ cho tôi ra ngoài để tôi đi thăm nuôi anh tôi. Họ nghiêm cấm, đóng chặt cửa phòng, không cho tôi ra ngoài để thăm nuôi anh tôi. Tôi khóc và ngất khoảng 30 phút; sau đó tôi xin cho tôi ra ngoài để đi theo anh Ngài, thăm nuôi anh. Tôi chắc anh Ngài chết rồi; nhưng họ ngăn tôi đến ba giờ sáng không cho tôi đi thăm anh Ngài.
Đến sáng hôm sau, 5 giờ sáng tôi dậy sớm và nói với công an cho tôi về thăm anh Ngài. Nhưng họ ngăn tôi đến 8 giờ sáng họ mới đưa tôi lên. Có một công an gọi tôi lên phòng trực ban, hội trường của cơ quan. Tôi cùng một công an lên đó, và gặp người nhà ở đó nói là ‘anh chưa biết anh Ngài chết à?’. Vậy là tôi mới biết anh Ngài chết thật, như hôm qua. Họ đưa xác anh Ngài vễ chỗ nhà tang lễ của bệnh viện Đa Khoa tỉnh Dak Nong. Họ mổ thi thể của anh Ngài không có sự chứng kiến của gia đình. Họ lấy một người cũng bị giam giữ trong phòng đứng ra chứng kiến việc mổ thi thể anh Ngài. Họ tự mổ thi thể mà không có sự đồng ý của người nhà. Kết quả khám nghiệm không có thương tích gì. Ông Ngài tự tử.”
Ông Sùng A Tú cũng xác nhận việc ông Hoàng Văn Ngài bị chết tại trụ sở Công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nong khi ông này cũng bị giam tại đó dù rằng không tận mắt thấy được sự việc:
“Vâng, chết tại phòng công an luôn đó. Công an cũng giữ cả tôi.Tôi nghe thấy tiếng ghế kêu, ghế động, không thấy tiếng người kêu.”
Công an trốn tránh
Chúng tôi đã nhiều lần cố gắng liên lạc với ông Châu, phó trưởng Công an thị xã Gia Nghĩa. Vào tối ngày 22 tháng 3, sau hai lần bắt máy, ông này nói không nghe rõ điện thoại vì đang dự liên hoan của một ngân hàng tại đó.
Sang đến chiều ngày 23 tháng 3, chúng tôi gọi lại, máy tắt không thể liên lạc được.

hoang-van-ngai-250.jpg
Anh Hoàng Văn Ngài qua đời ngay tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông. Hình do thính giả gửi cho RFA.
Quyết đòi công lý
Trước cái chết ngay tại trụ sở công an, rồi việc khám nghiệm tử khi không được thông báo cho gia đình nạn nhân đến để chứng kiến, những người thân của nạn nhân Hoàng Văn Ngài đều cho rằng họ phải đòi hỏi công lý cho người chết.
Ông Hoàng Văn Tá nói về điều đó vào tối ngày 22 tháng 3:
“Đây là vấn đề bức xúc vì anh Ngài chết tại phòng Công an. Đề nghị các cấp xem xét, xem lại việc anh Ngài bị chết tại cơ quan công an để lấy công bằng cho công dân Việt Nam chúng tôi, thì chúng tôi mới tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, chính quyền địa phương. Gia đình đang đòi hỏi sự công bằng, hợp lý của Nhà nước Việt Nam. Đòi hỏi nguyên nhân làm sao anh Ngài chết; mà anh Ngài là một người khỏe mạnh khi công an đến chở anh Ngài từ lán đi. Trước đây anh Ngài không hề có bệnh tật mà sao lại chết tại cơ quan công an?”
Suốt mấy năm qua tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra những vụ chết ngay tại trụ sở Công an và cơ quan này cho rằng nạn nhân hoặc đột tử, hoặc tự tử mà chết. Thế nhưng người thân của những nạn nhân đều cho rằng giải thích đó của công an không thỏa đáng, và họ nghi ngờ chính những người giam giữ đã gây ra cái chết cho thân nhân của họ. Một số gia đình quyết đưa vụ việc đến các cơ quan chức năng để khiếu kiện, nhưng phần thua thiệt bao giờ cũng thuộc về gia đình nạn nhân có người thân đã mất.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-03-23

Vụ giết người ở Vĩnh Yên: 6 nghi can liên quan sống trong ngôi nhà của con rể Chủ tịch tỉnh Vĩnh phúc

Vụ án mạng xảy ra đã gần 1 tuần, 6 đối tượng liên quan trực tiếp tới vụ án hiện đã bị bắt giữ.
Tuy nhiên, vì sao nhóm côn đồ lại ở trong ngôi nhà 4 tầng được cho là của con gái và con rể Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là một câu hỏi lớn.
    “Mắt xích” quan trọng trong vụ án nói gì?
Ai nhắn tin đe dọa nhân chứng?
PV báo PL&XH đã liên lạc với anh Nguyễn Văn Hiệp, SN 1986, trú tại Phố Cả, phường Hội Hợp, tỉnh Vĩnh Phúc người được xem là “mắt xích” quan trọng trong vụ án mạng. Được biết, hiện anh Nguyễn Văn Hiệp đã được CQCA cho về nhưng vẫn thường xuyên có mặt để phục vụ quá trình điều tra.
Thông tin về vụ án, anh Nguyễn Văn Hiệp cho biết, đêm 14 rạng sáng 15 -3, anh cùng với nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh đến ăn đêm ở quán Soạn Hạnh.
Tại đây, anh Hiệp đã bắt tay với một thanh niên quen từ trước. Vì đã đi uống rượu liên hoan với những người bạn cùng Cty nên anh Nguyễn Tuấn Anh có nói: “Thằng này là thằng nào, sinh năm bao nhiêu?”. Thái độ của anh Nguyễn Tuấn Anh lúc đó làm cho nhóm thanh niên nói trên “ngứa mắt” và có vẻ bực tức.
Chỉ ít phút sau, anh Hiệp thấy các thanh niên trên đuổi đánh anh Tuấn Anh chạy dọc bờ mương trước quán. Thấy vậy, anh Hiệp chạy theo thì không thấy anh Tuấn Anh đâu.
Một lúc sau nhóm thanh niên quay lại. Chúng hỏi anh Hiệp về địa chỉ nhà cửa của anh Tuấn Anh. “Lúc đó có một tên đạp vào ngực tôi rồi giơ dao vào mặt quát: "Bố chém chết mẹ mày giờ". Mấy tên còn lại can, nên người này mới không xông vào đánh tôi…"- anh Hiệp nói.
Nghĩ anh Tuấn Anh đã chạy thoát nên anh Hiệp dắt xe máy của Tuấn Anh rồi về nhà ngủ. Bà Nguyễn Thị Hải (mẹ của nạn nhân) cũng cho biết, sau khi vụ án xảy ra có hỏi anh Hiệp là tại sao lại đi xe máy của Tuấn Anh mà không thấy anh Tuấn Anh đâu? Hiệp trả lời là có đi về nhà tìm anh Tuấn Anh nhưng thấy cổng đã khóa nên nghĩ anh Tuấn Anh về ngủ và không gọi cổng.
Theo thông tin PV thu thập được, trước đó vào ngày 15 -3, anh Hiệp đã khai báo sự việc với CA phường Hội Hợp. Đến khoảng 22g cùng ngày, anh Hiệp được mời lên CQCA TP Vĩnh Yên để làm việc và bị tạm giữ tại đây sau đó được cho về.
Đến ngày 17-3, sau khi phát hiện thi thể của anh Nguyễn Tuấn Anh tại cống nước nằm trên đoạn mương chạy trước cửa phố Quán Tiên thì anh Hiệp lại bị gọi lên và tạm giữ.
Do không có tài liệu chứng minh anh Hiệp phạm tội nên ngày 18-3, CQCA đã lại cho về. Mặc dù, anh Hiệp là một trong những “mắt xích” quan trọng nên được CQCSĐT mời đến để phục vụ quá trình điều tra.
Về những tin nhắn mà người nhà Nguyễn Văn Hiệp thuật lại là anh Hiệp đã nhận được với những lời lẽ đe dọa, bà Nguyễn Thị Nga - cô ruột của anh Nguyễn Văn Hiệp và là người đã vào thăm và có buổi trò chuyện đầu tiên với anh Hiệp tại nơi tạm giữ nói: "Lúc vào thăm cháu khi đang ở CQCA, Hiệp có kể bị đám người xấu nhắn tin đe dọa sẽ giết cả nhà nếu khai ra bọn chúng".
Tính đến hết ngày 21-3, đã có 6 nghi can liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Tuấn Anh bị bắt giữ. Nghi can thứ 6 bị bắt là Nguyễn Văn Bính, biệt danh là “Bình cong”, SN 1997, trú tại phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng liệu Bình “cong” đã là đối tượng cuối cùng? Tin nhắn đe dọa anh Nguyễn Văn Hiệp là ai? Vẫn đang là những câu hỏi còn để ngỏ.

Ngôi nhà được cho là của con gái và con rể Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Vì sao nhóm đối tượng trong vụ án lại ở trong ngôi nhà 4 tầng?
Liên quan đến vụ án này, đã có tin đồn các đối tượng bị bắt có liên quan trực tiếp tới người thân của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án này.
Anh Nguyễn Văn Hiệp cũng cho biết thêm, nhóm đối tượng có mâu thuẫn và xô xát dẫn đến cái chết của nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh sống ở ngôi nhà 4 tầng màu vàng tại phố Quán Tiên, phường Hội Hợp. Theo thông tin từ người dân, nhóm đối tượng sống ở ngôi nhà này trong một thời gian dài.
Anh Nguyễn Kim Soạn, chủ quán Soạn Hạnh cũng xác nhận các đối tượng bị bắt giữ đã sống tại ngôi nhà 4 tầng từ 1 năm trước.
“Trước khi bị CQCA bắt, các đối tượng này thường ăn sáng và ăn đêm tại quán nhà tôi. Cứ đến cuối tháng là họ thanh toán tiền ăn rất đầy đủ”, anh Soạn nói.
Trong số 6 đối tượng đã bị CQCSĐT CA tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ có 2 đối tượng có HKTT tại Hải Phòng, 1 đối tượng có HKTT tại tỉnh Phú Thọ, 3 đối tượng còn lại có HKTT tại tỉnh Vĩnh Phúc. 2 trong số 6 đối tượng trên cũng được xác định đã từng bị phạt tù về tội cướp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Câu hỏi đặt ra, tại sao các đối tượng có  HKTT khác nhau lại cùng có mặt tại tỉnh Vĩnh Phúc trong đêm xảy ra vụ án? Những đối tượng này đã sinh sống ở đâu và làm gì trong suốt thời gian trước khi vụ án xảy ra?
Theo nguồn tin riêng của PV báo PL&XH thì, trước khi vụ án xảy ra các đối tượng này đã ở ngôi nhà được cho là của con gái và con rể Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiều tháng. Cũng theo nguồn tin này, các đối tượng bị CQCSĐT CA tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ từng là “cát tặc” trên sông Lô. Các đối tượng này đã gây ra nhiều cuộc ẩu đả với người dân xung quanh khu vực khai thác cát. Sau chuyên án 912CT về việc truy quét nạn “cát tặc” và lập lại kỷ cương an ninh trật tự trên dọc tuyến sông Lô của Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45- Bộ Công an) và trước sự truy quét gắt gao của CA tỉnh Vĩnh Phúc, các đối tượng này đã “dạt” về TP Vĩnh Yên và ăn nghỉ tại ngôi nhà 4 tầng được cho là của người thân của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chờ cơ hội quay lại “địa bàn” cũ để tiếp tục hoạt động khai thác cát. Những thông tin liên quan đến nhóm đối tượng này hiện đang được CA tỉnh Vĩnh Phúc điều tra.
Báo PL&XH sẽ thông tin tới bạn đọc khi có thông in mới nhất từ CQCA tỉnh Vĩnh Phúc về vụ án nghiêm trọng này.

Đức Hạnh
(Báo PL&XH)

Kỳ Duyên - Dinh cơ cựu chủ tịch tỉnh và chuyện 'hoa hồng'

Từ lâu, các quốc gia trên thế giới đều có sự lựa chọn biểu tượng quốc hoa, mang ý nghĩa khí chất, khí phách quốc gia mình. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Điều bất ngờ nhất, và cũng thật đáng chú ý. Bức xúc trước vấn nạn tham nhũng ở nước ta, không ít bạn đọc đề xuất biểu tượng là... hoa hồng.
Hoa hồng "nở" trên giấy, sắt thép, bê tông...
Vì sao hoa hồng, vốn là biểu tượng lớn nhất về Tình yêu, cũng là biểu tượng quốc hoa từ lâu của đất nước Bungari - mệnh danh xứ sở Hoa hồng, giờ lại được đề xuất, trong một trạng thái cảm xúc trái ngược, bất bình, một trạng thái tâm lý bị tổn thương. Đó là sự Căm ghét?
Có hoa hồng tây- và có hoa hồng ta. Hoa hồng tây mập mạp, ăn khỏe, hoa hồng ta yếm thế hơn...., đều giống nhau ở chỗ, là loài hoa rất kiêu kỳ, khó tính, đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng.
Có điều, loại hoa hồng mà bạn đọc bình xét, lại là loại hoa hồng "phàm ăn" đến độ, có thể "nở" được ở bất cứ môi trường "chất đất" nào- trên giấy, trên bê tông..., như một bạn đọc báo Đời sống đã thốt lên. Bởi đó là loại hoa hồng mang tên % (phần trăm) do vấn nạn tham nhũng trồng và chăm bón.
Oái oăm, hoa hồng, mà chả phải... hoa hồng.
Hoa hồng nở giữa thiên nhiên có hình hài, có mầu sắc, có hương thơm.
Hoa hồng %, chỉ nở giữa hai bên "đối tác" làm ăn, có duy nhất - mùi "đồng".
Thực ra, tiền hối lộ, và tiền hoa hồng có khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam (TP. HCM) trong một lần trả lời phỏng vấn, từng phân biệt rất rõ:

Tiền hoa hồng là khoản tiền trả cho công sức môi giới một giao dịch. Người nhận khoản tiền đó, hoàn toàn không phải nằm trong vị trí có thể trực tiếp hay gián tiếp quyết định sự thành bại của mối giao dịch.

Còn tiền (ăn) hối lộ là người nhận tiền có một vị trí trực tiếp (hay gián tiếp) có thể quyết định được thành hay bại của một giao dịch. Hoặc chưa cần phải nhận, chỉ cần đưa ra lời hứa hẹn thôi, để quyết định cho giao dịch thành đạt. Như vậy, điểm quan trọng nhất để phân biệt tiền hoa hồng hay tiền hối lộ là vị trí của người nhận tiền.

Hoa hồng %, chỉ nở giữa hai bên "đối tác" làm ăn, có duy nhất- mùi "đồng"

Thế nhưng, từ lâu trong xã hội, khái niệm tiền hoa hồng (%) chỉ được dùng chung cho tất cả hành vi tham nhũng, ăn hối lộ.

Và theo khái niệm chung đó, điều đáng lo ngại, các doanh nghiệp trong xã hội ta đang... hòa ca Triệu bông hồng.

Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố ngày 14/3 mới đây, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sụt giảm chưa từng thấy. Các DN đều bi quan...

Nhưng hoa hồng % vẫn nở tưng bừng, khi môi trường kinh doanh khó khăn (năm 2012) càng tạo dư địa cho tham nhũng (biến tướng). Nếu như PCI 2011 nổi lên tham nhũng vặt, thì hiện tượng này đã giảm đi trong PCI 2012. Nhưng tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên. Có 42% DN đã trả hoa hồng (%) cho cán bộ có liên quan để giành được hợp đồng với cơ quan Nhà nước, tăng rất mạnh so với mức 23% của năm 2011.

Cụ thể, so với năm 2011, ngành xây dựng cơ bản có 42,5% DN phải trả hoa hồng để có hợp đồng, tăng 12%, chiếm tỷ lệ cao nhất. Con số này ở ngành dịch vụ/ thương mại, là 35,4% DN, tăng gấp đôi. Thấp nhất là ngành sản xuất, nhưng vẫn có 34% DN phải trả hoa hồng (tăng gần 4%). Báo cáo cũng cho biết, các DN có liên quan đến các cơ quan chính phủ thường có hành vi chi trả hoa hồng... cao hơn(?)

Còn ông Edmund Malesky, Trường ĐH Duke (Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI nhận xét: Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng càng hoạt động lâu ở Việt Nam càng phải tăng hối lộ. Do đó, họ rất lo ngại mỗi khi Nhà nước ban hành giấy phép hoặc chính sách mới (Tăng tham nhũng, lo ngại hối lộ, ngày 14/3...)

Trong khi đó, vụ việc Vinakhủng vẫn đang để lại những hệ lụy đau xót, không biết sẽ đi về đâu.

Không phải ngẫu nhiên, ngày 19/3, Dân trí đưa tin, các thủy thủ Vinashinlines (Tổng Công ty Hàng hải VN Vinalines) trên tàu Hoa Sen bị bỏ rơi, một lần nữa lại gửi thư về tòa báo kêu cứu. Vì số phận của họ đang sống lay lắt, đủ thứ "không": Không tiền, không nước ngọt, không điện..., phụ thuộc vào con tàu nát có bán được hay không? Con tàu nát đang bị chìm, còn số phận họ trôi nổi, lặn ngụp giữa biển... nợ, mà họ không hề là thủ phạm.

Không phải ngẫu nhiên, mà báo chí mới đây, rộ lên việc đưa hình ảnh trang trại- dinh cơ hoành tráng của một ông chủ tịch tỉnh từng bị cách chức vì lối sống sa đọa. Và so sánh với hình ảnh bà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- Hye khi đi chợ, cầm theo chiếc ví sờn nội địa hiệu Sosandang chỉ trị giá 4.000 won (khoảng 76.000 đồng VN), đã không còn sản xuất hai năm nay. Trong khi lương một tổng thống của Hàn Quốc, như dưới thời ông Lee Myung Bak, vào khoảng 226,38 triệu won, khoảng 4,1 tỷ đồng VN.

Có lẽ sự khác biệt là quan niệm về thang giá trị, lối sống, và khác biệt cả cách kiếm ra đồng tiền chăng? Vì những đồng tiền mà bà Tổng thống Hàn Quốc kiếm được, hẳn nó tương xứng với lao động của bà, nên nó được tiêu dùng cũng ...khiêm nhường, cần kiệm như cách bà dùng chiếc ví.

Dinh cơ hoành tráng của ông chủ tịch tỉnh từng bị cách chức. Ảnh: Song Nguyên/ Khám phá
Còn ở xã hội ta, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng có một tính toán rất đáng nghĩ: Nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua.

Không biết vị quan chức nọ làm chủ tịch tỉnh ở một tỉnh miền núi nghèo nhất, nhì nước đã được hơn... 40 năm chưa? Cũng không biết trong điền viên của ông, giữa bao nhiêu loài cây cảnh quý, hiếm, độc đáo, có loại hoa hồng nào không?

Hay với ông, hoa hồng chỉ "nở" giữa... quyền lực?

Và "nở" trên những số phận đáng thương

Sự phàm ăn của hoa hồng giờ không còn giới hạn, khiến cho hành vi của không ít kẻ trở nên quá bất nhẫn, tàn tệ.

Có hai câu chuyện thương tâm và xót xa, khiến người viết bài không thể không "chọn" là... điển hình. Bởi thứ hoa hồng này, giờ nó nhẫn tâm "nở" cả trên những số phận đặc biệt rất đáng thương, đáng ra phải được chăm sóc.

Câu chuyện thứ nhất: Quan xã ém tiền trợ cấp của người điên (Tiền phong online, ngày 14/3).

Có lẽ các cán bộ UBND xã Thanh Chi (Thanh Chương- Nghệ An) cũng mắc bệnh "điên" không kém, khi làm việc này.

Đó là từ năm 2007, anh Nguyễn Văn Đồng (bị mất trí, điên loạn từ năm 2000, đến mức gia đình phải dùng dây xích xích lại, kẻo gây hại cho dân làng), chỉ được nhận trợ cấp 120 nghìn đồng/ tháng. Năm 2004 được tăng lên 240 nghìn đồng. Bán tín bán nghi, ông Nguyễn Văn Mẫu, người cha khốn khổ lên tận UBND xã để hỏi.

Nhưng không, các cán bộ UBND xã không hề... điên. Như ông Chủ tịch xã này, rất tỉnh, khi trả lời ông Nguyễn Văn Mẫu rằng, chế độ chính sách cao nhất là vậy.

Khổ nỗi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Sự thật cuối cùng vẫn bị phơi bầy. Từ năm 2007, tiêu chuẩn cho "người điên" Nguyễn Văn Đồng là 240.000đồng/ tháng, xã chỉ trả 120.000đồng. Năm 2009, tăng lên 360.000đồng/tháng, xã chỉ trả 240.000 đồng.

Cuối cùng, hơn 2,8 triệu đồng, từng bị các cán bộ xã ỉm đi phải hoàn trả lại cho "người điên" Nguyễn Văn Đồng...

Hết người cha Nguyễn Văn Mẫu, đến lượt người mẹ Trần Thị Hóa (thôn Xuân Long, cũng thuộc xã Thanh Chi). Bà Trần Thị Hóa có đứa con gái Lê Thị Thùy Giang, 20 tuổi, bị u máu, rồi bại liệt. Cũng như ông Mẫu, bà phải "kiên trì" gõ cửa, vận động, cuối cùng, các cán bộ UBND xã Thanh Chi cũng mới chịu hoàn trả hơn 2,8 triệu đồng... không phải của họ.

Rõ ràng, các cán bộ UBND xã Thanh Chi không hề mất trí, chỉ lương tâm cán bộ, và lòng nhân tối thiểu của con người ở họ... bị mất, hay bị tê liệt thôi.

Người cha Nguyễn Văn Mẫu, bị đứa con điên loạn từng đánh chửi thậm tệ, ông không khóc. Nhưng lại khóc vì những cán bộ xã "tỉnh táo", khi ông nghẹn ngào: Định ăn của ai chứ ăn của một đứa tâm thần như rứa, có tội không!?
Anh Nguyễn Văn Đồng bị mất trí, điên loạn từ năm 2000. Ảnh: Quang Long/ Tiền Phong
Câu chuyện thứ hai, là chuyện cơ quan chức năng huyện Tịnh Biên (An Giang) vừa khởi tố, bắt tạm giam năm cán bộ, nhân viên Trường THCS Cao Bá Quát để điều tra về hành vi ăn chặn hơn 1,3 tỷ đồng của học sinh dân tộc nội trú.

Đáng hổ thẹn nhất, họ lại là những người thầy, người cô, hàng ngày luôn dạy học sinh sống thật thà, trung thực. Đó là ông Hiệu trưởng Văn Công Hiển, bà Phó HT Nguyễn Thị Liễu, ông Lê Thanh Đủ (thủ quỹ 2009- 2010), Đỗ Văn Doanh (thủ quỹ từ 2011 đến nay), bà Trần Vy Vân- kế toán.

Ngoài việc chỉ phát cho học sinh số tiền học bổng theo quy định cũ (lẽ ra phải là số tiền học bổng mới theo thông tư mới), điều bất ngờ nữa, nhà trường còn "kê khống" cả số lượng học sinh được nhận thưởng; "kê khống" cả năng lực học sinh, đôn từ khá thành giỏi, hưởng chênh lệch tiền thưởng.

Bệnh dối trá của ngành giáo dục bị xã hội lên án lâu nay, có khi còn được tích tụ chỉ vì những đồng tiền "bẩn" kiểu này?

Số tiền tham nhũng, ăn chặn được của các đối tượng đặc biệt nói trên không lớn. Nhưng nó cho thấy, thứ hoa hồng nhiều "độc tính" này sẵn sàng len lỏi, sẵn sàng mọc ở bất cứ môi trường nào, kể cả môi trường cần nhân tính nhất.

Cho thấy, lương tâm, nhân cách của một số cán bộ chính quyền cơ sở đã bị hoa hồng "tha hóa" tồi tệ.

Bungari vốn là đất nước của hoa hồng, của loài hương hoa thơm ngát thanh bạch, thanh khiết, thanh nhã. Dù vậy, xin đừng để nước Việt cũng được gọi là "đất nước của hoa hồng", nhưng là của thứ "hoa hồng" lại quả, của % trao tay, rất tủi hổ. Thậm chí, có ý kiến nghe đắng ngắt, khi đề nghị chọn hoa xấu hổ là biểu tượng quốc hoa. Một xã hội biết xấu hổ là một xã hội có lòng tự trọng cao. Có thế, xã hội đó mới khá được.

Xương máu của các bậc tiền nhân đã đổ xuống, đâu phải để cho hậu bối giờ đây "trồng" những thứ hoa hồng ma quái, bởi lòng tham. Hơn 300 năm trước đây, đại thi hào Nguyễn Du vô tình đã là một thầy thuốc, có "xét nghiệm" rất tinh tế : Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê.

Nhưng ngược lại, nhiều ý kiến khác vẫn cho rằng, xét cho cùng, hoa hồng hay hoa xấu hổ, nếu thực sự là một biểu tượng kích thích lòng tự tôn, tự trọng của người Việt nhìn thẳng vào những khuyết tật, để tạo nên những đổi thay tích cực, từ những lỗ hổng, những khuyết tật của cơ chế, thì đều là những loài hoa đáng "ngưỡng mộ".

Bởi đã qua lâu rồi, cái thời: Không tự ngắm mình/ Anh chẳng hay đâu/ Hỡi chàng dũng sĩ/ Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo (*)

Nhưng có thể đổi thay tích cực được không?

Chắc chắn rất khó, chừng nào mà xã hội còn bị thao túng bởi các "nhóm lợi ích".

Kỳ Duyên
(Tuần VN)

Đào Tuấn - Tụi bây muốn gì

 
Phải chăng đã đến lúc Bộ Công an cũng như chính quyền phải cấm tiệt các hành vi truy đuổi, sử dụng vũ khí quân dụng để đối xử với một hành vi vi phạm hành chính của lương dân, một hành vi có thể nhìn thấy bằng mắt thường
3 tư thế của người “Cảnh sát nhân dân” vừa xuất hiện trên báo chí trong chỉ 3 ngày qua. Ngày 20.3, ở Pleiku, Gia Lai, hơn chục cán bộ công an và dân quân tự vệ xã Trà Đa đuổi bắt, thậm chí “vào tận trong nhà máy để tìm kiếm”, “lên đạn súng AK, rút súng ngắn chĩa vào đầu” một người dân. Và quát hỏi “Tụi bây muốn gì”. Bị đánh tới tấp, anh nạn nhân “chạy vào phòng bảo vệ đóng cửa trốn”, nhưng bị các cán bộ dùng dùi cui và báng súng đập vỡ cửa kính để mở cửa vào. Không dừng lại đó, nhóm công an xã này còn dùng súng bắn vào phòng.
Lỗi của anh này là “Không đội mũ bảo hiểm”. Và tư thế của anh với những nhà chức trách là tư thế quay lưng, cắm cổ, để chạy, chỉ vì thiếu một cái mũ.
Chủ tịch UBND xã Trà Đa Nguyễn Đình Thức 1 ngày sau đó thanh minh: “Lực lượng của chúng tôi chưa được chính quy, quá trình xử lý còn nóng nảy, chứ nếu là người được đào tạo qua trường lớp thì làm gì có chuyện như thế xảy ra”.
À, thế ra chính dân chúng phải chịu trách nhiệm về sự “không chính quy”.
Ở Đà Nẵng, PV Infonet chụp lại được hình ảnh “người dân và CSGT chỉ mặt nhau khẩu chiến” khi một sĩ quan cảnh sát, bụng bự, mặt đỏ gay vung tay vung chân chỉ mặt dân vô cùng phản cảm. Sự phản cảm không chỉ là tư thế đối đầu mà còn ở những lời lẽ “ngoài chợ” người ta dành tặng cho nhau xung quanh một cái biển số “tử” 13 nút.
Và ở Hà Nội, trật tự đô thị “múa gậy” chặn xe người dân giữa phố.
Chặn đầu. Chỉ mặt. Và đuổi bắt. Nếu muốn có một hậu quả để có thể gióng lên một lời cảnh báo thì hẳn nhiên đó phải là câu chuyện vừa xảy ra ở Bình Dương khi lực lượng chức năng Phường Chánh Nghĩa truy đuổi một người dân khiến anh này đâm vào cột đèn tử vong tại chỗ.
Lỗi của nạn nhân xấu số, thật kinh khủng, cũng chỉ là “Không đội mũ bảo hiểm” chứ chẳng có gì là “phi nghĩa” cả.
Mới biết chánh nghĩa hay phi nghĩa không phải là ở cái tên.
Đọc xong những dòng tin kiểu này, một câu hỏi, vì thế, không thể không đặt ra: Hay giờ đây việc thiếu một cái mũ trên đầu cũng là hành vi phạm pháp đặc biệt nghiêm trọng, đến độ “nhà chức trách” phải truy đuổi, phải vung gậy, phải lên đạn, phải nổ súng, theo lối đồ sát như vậy?
Câu trả lời của thực tế từ Nam ra Bắc là “Đúng”. Nhưng sự lạm quyền chưa phải là câu trả lời cuối cùng.
Câu trả lời chính xác có vẻ đã được Trưởng Công an Phường Thịnh Quang, ông Nguyễn Duy Hưng vô tình tiết lộ. Trả lời Tiền phong “nhân sự kiện” trật tự phường “múa gậy chặn đầu xe”, ông Hưng thật thà: Thú thật do áp lực nặng quá, một tháng bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng, nên anh em mới đi lập chốt, đi phạt. Lỗi nặng nhất là ô tô, nhưng không xử phạt được vì toàn chỗ quen biết, quen ông nọ, ông kia… không làm được.
Cái chết của một nạn nhân đặt ra vấn đề hết sức nghiêm túc vấn đề “nhà chức trách” và nhân dân. Phải chăng đã đến lúc Bộ Công an cũng như chính quyền phải cấm tiệt các hành vi truy đuổi, sử dụng vũ khí quân dụng để đối xử với một hành vi vi phạm hành chính của lương dân, một hành vi có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Và áp lực “chỉ tiêu” khiến lực lượng trật tự nghiệp dư ngang nhiên “múa gậy” giữa phố, giữa ban ngày, giữa thủ đô, giữa cả trăm cả ngàn ánh mắt bất bình của người dân, cho thấy việc đặt ra một chỉ tiêu phạt là hết sức phi lý, hết sức ngớ ngẩn cần phải được dẹp bỏ ngay lập tức.
“Tụi bây muốn gì” ư?
Chúng tôi chỉ xin 2 chữ bình an mà đáng lẽ ra, những người ăn lương từ thuế các anh phải là người bảo vệ.

Đào Tuấn
 

Đọc truyện ngắn: “Bóng anh hùng” đang bị Tỉnh ủy Phú Yên phản đối.

 
Vụ "Bóng anh hùng" là chuyện nội bộ !

Ông Vũ Văn Thoại - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên - cho biết, vụ “Bóng anh hùng” là chuyện nội bộ…
Ngày 21.3, PV Dân Việt đã liên lạc qua điện thoại với ông Vũ Văn Thoại (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên, hiện nghỉ hưu), một trong những người tham gia gửi đơn thư có ý kiến phản đối việc Báo Phú Yên đăng truyện ngắn“Bóng anh hùng” của tác giả Doãn Dũng.
Ông Thoại nói: Truyện “Bóng anh hùng” đăng ở đâu mặc kệ nhưng Báo Phú Yên là của Đảng bộ Phú Yên, không thể muốn đăng gì cũng được. Chúng tôi khiếu kiện là quyền và trách nhiệm của mình.
Vụ việc này là chuyện nội bộ, đang được Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tiến hành xử lý, giải quyết. Tại sao lại đưa lên báo chí, tại sao lại bêu rếu Phú Yên chụp mũ văn nghệ này nọ? Chả lẽ chuyện xấu của gia đình các ông cũng đưa lên báo hết sao? Tôi nói như vậy, các ông cứ đăng báo đi...”.
VPMT
(Báo Dân Việt)
-----------------------
BÓNG ANH HÙNG
(Truyện ngắn của Doãn Dũng)
                
Đúng là tôi đã chết. Tôi đã thành con ma trên núi. Mẹ tôi nhận được giấy báo tử ở nhà, trong giấy ghi rõ tôi đã “hy sinh vì Tổ Quốc”.
             
Nhưng tôi thì luôn nghĩ rằng tôi đã chết vì mẹ mình. Chính mẹ đã đưa tôi đến thế giới lạ lùng này.
            
Xin các bạn chớ hoảng sợ. Người chết không hại được người sống. Người chết chẳng qua là người sống được chuyển đến thế giới khác, cũng có tình cảm và suy nghĩ như người trên trần gian. Sợi dây liên lạc giữa hai thế giới được thông qua một người có khả năng hiểu ngôn ngữ của người chết, như tay nhà văn này chẳng hạn. Hắn nghe tôi kể chuyện và chép lại bằng thứ ngôn ngữ các bạn vẫn hay dùng. Tuy vậy, nếu tình cờ đọc được câu chuyện này mà các bạn không tin thì cũng chẳng sao. Thường vẫn có quá nhiều câu chuyện được người ta kể như thật, nhưng thực ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
              
Đã nhiều năm tôi không về thăm nhà, nơi trước đây tôi đã từng sống cùng mẹ. Đừng tưởng người chết rồi là hết, là chẳng còn gì để mà bận tâm. Nghĩ như vậy là sai lầm! Người chết vẫn về thăm nhà vào những dịp lễ tết, nhất là ngày giỗ của mình. Thằng Quý hằng năm vẫn sửa soạn ba lô về quê ăn giỗ mình, háo hức cứ như hồi còn sống được đi tranh thủ sau đợt bắn đạn thật đạt điểm cao.
             
Căn hộ của mẹ tôi bé xíu, không có nhà xí riêng, ở trên tầng năm của khu tập thể. Hồi còn bé, nửa đêm phải đi xuyên qua dãy hành lang lạnh lẽo hun hút gió, tối như hũ nút để đến được cái nhà xí dùng chung của mấy hộ gia đình là nỗi kinh hoàng của tôi. Không phải lần nào tôi cũng đến được đích an toàn, mà thường xuyên tè dầm dọc đường vì sợ ma. Tôi ao ước có một cái bô nhưng mẹ không mua. Mẹ bảo muốn rèn luyện tôi thành một người đàn ông mạnh mẽ.
               
Mẹ làm công tác xã hội ở phường. Hình như ở hội phụ nữa gì đó. Ban ngày mẹ đi họp, tối đến các gia đình tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, về chính sách mới hoặc bài trừ mê tín dị đoan. Mẹ rất bận.
               
Nhà chỉ có hai mẹ con, bố hy sinh ở chiến trường B. Hồi đầu chỉ được báo là mất tích. Mãi chẳng thấy ông về, sau giải phóng người ta làm lễ truy điệu liệt sỹ cho ông. Đến ngày tôi nhập ngũ, mẹ tôi vẫn chưa biết mộ ông nằm chính xác ở đâu.
               
Một ngày cuối hè, cái ngày mà tôi nhận được tin trượt đại học, mẹ đi làm về gọi tôi lại, bảo: “Thắng này, mẹ đăng ký cho con nhập ngũ đợt này”. Tôi ngơ ngác: “Nhà mình thuộc diện chính sách. Sao con phải đi?” Mẹ mở túi, lấy ra một tập tài liệu đánh máy, mắt vẫn dõi theo những dòng chữ, mồm thủng thẳng: “Ở nhà lêu lổng rồi lại hư mất”. Tôi năn nỉ: “Mẹ cho con thi đại học một năm nữa”. Mẹ vẫn cắm cúi với đống giấy tờ, lạnh lùng nhắc lại: “Mẹ đã đăng ký cho con rồi”.
              
Tôi biết tính mẹ. Mẹ đã phải thay bố vật lộn nuôi tôi, cuộc sống và công việc bắt bà phải hà khắc với chính bản thân mình và con cái. Tôi lại là thằng nhút nhát, từ bé chưa bao giờ dám cãi lời mẹ. Tôi ngậm ngùi chấp nhận sự sắp đặt của bà.
              
Trước ngày nhập ngũ, phường tổ chức một buổi mít tinh tiễn đưa tân binh lên đường. Mẹ cùng hội phụ nữ tặng quà cho chiến sỹ. Mỗi người được hai cái khăn mặt bông và hai tuýp thuốc đánh răng Bông Lan cứng như đất đồi. Khi trao quà cho tôi, mẹ giơ tay ra bắt, lắc lắc mấy cái, nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng rất quan cách: “Chúc đồng chí chân cứng đá mềm, hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”. Tôi không dám nhìn mẹ, tôi cúi đầu xuống lí nhí câu cảm ơn. Tôi thấy mẹ xa lạ vô cùng!
               
Hôm sau tôi lên đường. Sân vận động gần nhà, nơi tôi vẫn đá bóng buổi chiều, chật ních tân binh và người thân đưa tiễn. Đơn vị về lấy quân mang theo rất nhiều vệ binh. Người ta đọc tên và từng người bước lên xe trong vòng tròn mà đám vệ binh đứng làm hàng rào. Những chàng trai ngày thường đá bóng vẫn hùng hổ bắt nạt tôi, bỗng mềm yếu một cách kỳ lạ, thò đầu qua cửa xe, nức nở khóc.
              
Mẹ không đưa tiễn tôi. Sáng hôm ấy mẹ bận việc, bà phải đi hòa giải cho một đôi vợ chồng muốn ly dị. Tôi rất muốn mẹ có mặt ở đây, vào lúc này.
* * *
              
Cái hang Giời Đánh là nhà của tôi và Quý. Thực ra trước đây nó không có tên, hoặc có tên mà chúng tôi không biết. Lính tráng đặt tên cho cái hang này sau cái chết của chúng tôi.
               
Hồi ấy đơn vị tôi nhận nhiệm vụ tái chiếm một số điểm cao trong dãy núi đá vôi của mặt trận. Chỉ huy đã cho tập kết một lượng thuốc nổ khá lớn trong hang để phục vụ công tác chiến đấu. Quý là chiến sỹ bám trụ trên hang trước tôi. Tôi mới được điều lên sau vụ trốn đơn vị về ăn Tết. Nếu so với cánh lính trận nói chung, thì công việc coi kho này thật an toàn và nhàn hạ. Ban ngày chúng tôi ngủ, tối thức nhận hàng của cánh vận tải gùi lên. Địa hình ở đây hiểm trở và ngay sát nách địch, nên cánh vận tải chỉ có thể hoạt động vào ban đêm.
              
Cái hang này không lớn, rộng độ vài mét và sâu hơn hai chục mét. Trên vòm hang, nhũ đá tua tủa chĩa xuống như những tấm sừng lọc thức ăn của con cá voi khổng lồ. Trong cùng hang có một ngách nhỏ bằng phẳng như lát bằng phiến đá to. Lòng hang rộng chúng tôi dùng làm kho, còn cái ngách nhỏ để ngủ.
             
Tôi nhớ rất rõ hôm ấy là ngày mười bốn tháng giêng, trời lạnh và mưa phùn. Đêm hôm trước chúng tôi nhận được một chuyến hàng lớn, cánh vận tải đông và hối hả hơn mọi khi. Những thùng gỗ thông màu xanh xếp chật lối đi. Sau khi kiểm đếm vào sổ sách xong thì trời sáng, chúng tôi chui vào ngách hang bắt đầu ngủ. Pháo địch bắn mạnh và nhiều hơn mọi hôm, tôi nghe thấy từng chặp, nổ từng loạt dài rền rền không dứt. Mạnh đến mức chúng tôi cảm nhận rõ sự rung rung chấn động của vách hang.
              
Ấy vậy mà chỉ năm phút sau chúng tôi chết, bất đắc kỳ tử như bị giời đánh. Cái chết không anh dũng, cũng chẳng hèn nhát nhưng lại nhạt toẹt. Một khối nhũ đá to hơn cột đình đã bị đứt chân do chấn động của cơn mưa đạn pháo, rơi thẳng xuống kích nổ đống vũ khí đạn dược bên dưới. Khối lửa bùng lên, tôi và Quý bị ép chết ngay lập tức. Ngách hang bị đá vùi kín mít. Lòng hang nóng bỏng, khói lửa quánh đặc như trong lò bát quái.
            
Vụ nổ khiến lòng hang biến dạng, vách hang rộng ra, vòm hang trơn tuột chẳng còn lấy một thanh nhũ đá, cứ như thể đứng trong một quả trứng khổng lồ vậy.
            
Chúng tôi sang thế giới bên kia nhanh quá, chỉ trong nháy mắt, không từ từ, không hấp hối. Tim thôi đập và não ngừng hoạt động đến rụp một cái như tắt công tắc điện. Hồn tôi và Quý lìa khỏi xác, bật dậy nhìn nhau, rồi nhìn hai cái xác nát bét ri rỉ máu chảy của mình đang bị đá vùi lấp. Cả hai thằng đều không tin là thể xác mình đã chết, mình đã thành ma. Chúng tôi nhập lại vào xác, cố gắng lắm cũng không khiến được cái xác ấy cử động. Lạ thật! Vẫn thấy mình như đang sống, không chút đau đớn và có thể đi và nhìn xuyên qua vách núi.
             
Vậy là tôi đã thành ma. Ở những quả núi gần đó còn nhiều con ma khác, chúng đang ngủ. Ngày của dương gian là đêm của ma. Hai thằng chúng tôi chợt buồn ngủ rũ mắt, lục tục kéo nhau vào cái ngách hang đã bị bịt kín để tiếp tục giấc ngủ vừa bị cướp mất.
            
Ngủ một trận no mắt thì cánh vận tải mò lên. Mọi ngày giờ này cũng phải dậy để còn nhận hàng. Hôm nay cánh vận tải không gùi không khiêng gì cả, họ chỉ có đòn tre và võng, công cụ để vận chuyển thương binh tử sỹ. Họ lên tìm xác chúng tôi.
          
Một tay đứng trên đống đá vỡ vụn, soi đèn pin nhìn vòm hang nhẵn thín, thở dài: “Còn cái gì đâu, thành tro bụi cả rồi”.
            
Hai thằng chúng tôi thấy vậy gào toáng lên: “Ở đây, chúng tao ở đây”. Chúng tôi lồng lộn tìm mọi cách để báo hiệu nhưng người dương không nghe được tiếng người âm. Đám ấy như điếc lác cả một lũ với nhau. Chúng nhìn ngó một chặp, lấy đòn tre bới bới chọc chọc mấy cái rồi lắc đầu ngao ngán bỏ về.
* * *
                
Chết rồi tôi vẫn không nguôi giận mẹ.
               
Chỉ hai tuần trước đấy, mười giờ tối đêm ba mươi Tết tôi bò về đến nhà sau một chặng đường dài trốn tránh lực lượng kiểm soát quân sự. Mẹ đang làm cơm cúng tất niên, ngẩng lên thấy tôi lù lù đứng giữa nhà. Mẹ lạnh lùng hỏi: “Bỏ ngũ hả?” Tôi im lặng, không dám trả lời mà nhìn lên bàn thờ cầu cứu bố tôi. Trên ấy, khói hương nghi ngút, ánh mắt bố như hư ảo, không ấm cúng mà cũng chẳng ra lạnh lùng.
                  
Tôi lăn ra ngủ vì mệt.
               
Pháo giao thừa nhà hàng xóm đã nổ. Hé mắt thấy mẹ đang lui cui đứng trên chiếc ghế đẩu treo bánh pháo ngoài cửa. Tôi định dậy thì đã thấy mẹ xòe diêm. Tiếng pháo ròn rã nổ váng óc. Ánh lửa lập lòe trong mắt mẹ.
             
Tôi quay lưng lại, trùm chăn lên đầu và ngủ tiếp. Mùng một, mẹ không nỡ mắng đâu mà lo.
             
Khoảng bốn giờ sáng, mẹ lay tôi: “Thắng, dậy đi cho sớm”. Tôi nhỏm dậy, giọng ngái ngủ hỏi lại: “Đi đâu hả mẹ?” Mẹ quàng cái khăn len lên đầu, thít mạnh một cái đầy vẻ cương quyết, nói: “Về đơn vị, mẹ sẽ đi cùng con”. Nói xong mẹ đứng lên, buộc túi bánh và con gà cúng lên ghi đông xe đạp. Trong lòng ấm ức vô cùng nhưng tôi không dám trái lệnh mẹ.
              
Đường phố Hà Nội sớm mùng một vắng tanh, phủ dày một lớp xác pháo. Thảng hoặc mới gặp một đôi trai gái đi chơi giao thừa về muộn trên chiếc xe Cub nổ pành pành. Cô gái ngồi sau thò tay vào túi áo khoác của bạn trai, ôm chặt, đầu giụi vào vai co ro vì rét. Mùi sương mai, mùi hương trầm, mùi thuốc pháo quyện vào nhau ngan ngát hăng hắc, ra mùi của Tết.
               
Hai mẹ con đèo nhau ra bến Nứa tìm xe khách với hy vọng mong manh. Những chiếc xe im lìm đỗ trong bóng đêm. Bến xe vắng lặng không một bóng người. Không tiếng rao đêm, không kẻ nhỡ độ đường, không cảnh chen lấn xô đẩy leo lên xe. Mẹ chạy đôn chạy đáo rút cục cũng tìm được người bảo vệ bến xe để hỏi. Kết quả như đã được đoán: không còn chuyến xe nào.
               
Mẹ đi ra, tóm lấy ghi đông xe từ tay tôi, lắc lắc mấy cái, rồi lại kéo lên dậm xuống như muốn kiểm tra độ chắc chắn của chiếc xe cà khổ. Mẹ nói: “Đi bằng xe đạp. Hai mẹ con mình thay nhau cho đỡ mệt”.
             
Nói thế nhưng mẹ lại đạp xe hướng vào thành phố. Tôi ngồi sau, hồ nghi: “Đi đâu thế mẹ?” Mẹ dứt khoát: “Lên đơn vị”. Tôi bảo: “Đây là đường về nhà”. Mẹ tôi như sực tỉnh, hấp tấp quay đầu, đổ xe. Tôi nhìn thấy ánh đèn đường phản chiếu trên gò má mẹ, trong một giọt nước đang lăn xuống.
              
Gió bấc lùa hơi nước từ dưới dòng sông lên lạnh buốt. Gió quất vào thành cầu ù ù. Tiếng quèn quẹt đều đặn của xích xe cọ vào gácđờxen cộng với tiếng rin rít của đôi pêđan khô dầu vang lên trong đêm tối mịt mùng nghe như tiếng ma hờn. Mẹ con tôi lùi lũi đạp xe vượt sông Hồng. Lúc này tôi mới khóc, vì giận mẹ hay thương mẹ? Có lẽ là cả hai. Sao mẹ không cho con ở lại ăn Tết rồi con sẽ đi. Con muốn ở nhà với mẹ.
           
Cứ kỳ cạch đạp xe như thế đến gần trưa thì tôi nghe thấy tiếng động cơ ì ì từ phía sau. Mẹ nhảy phắt xuống, đứng giữa đường quơ quơ tay chặn xe xin đi nhờ. Đó là chiếc xe Zil 130 mang biển quân sự, chở nhu yếu phẩm cho chiến sỹ trên biên giới. Tay lái xe hơn tôi vài tuổi, quân phục nhầu nhĩ, cẩu thả. Sau khi nghe mẹ tôi trình bày lý do, hắn cười ngất và đồng ý ngay tắp lự. Hắn giúp tôi treo chiếc xe đạp lên đằng sau thùng xe, buộc cố định lại. Xong hắn nháy mắt cười, châm chọc: “Ta lại lên đơn vị ăn Tết, hả?”
             
Đêm hôm ấy mẹ con tôi lên tới đơn vị. Mẹ giao tôi cho đại đội rồi lên tiểu đoàn thưa chuyện với chỉ huy. Sáng hôm sau mẹ nhất quyết đòi về, chả ai can được mẹ. Tôi dõi theo dáng mẹ liêu xiêu đạp xe xa dần cho đến khi mất hẳn. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ khi còn sống.
            
Buổi chiều tôi nhận được lệnh tăng cường lên hang trông kho thuốc nổ.
* * *
            
Tắt tiếng súng, cuộc sống ở chỗ chúng tôi cũng thay đổi dần. Không còn những người bạn mới xuất hiện. Những con ma hàng xóm cũng dần dần bị đội quy tập phát hiện rồi chuyển đi. Người ta xây một cái nghĩa trang to như khu đô thị cách đây mấy chục cây số. Xương cốt nằm đâu thì nhà ở đấy, Quý thỉnh thoảng xuống chơi với anh em rồi lại về. Tôi cũng kịp hiểu một điều, trong thế giới của chúng tôi, không phải ai cũng là anh hùng, không phải ai cũng đến thế giới này bằng cái chết oanh liệt. Tuy vậy, tất cả đều được đối xử bình đẳng. Có lẽ đó là điều dễ chịu nhất mà chúng tôi có thể tự hào về thế giới của mình.
             
Quý về quê ăn giỗ, lên mặc bộ đồ rất lạ, trông như quần áo của chú rể nhưng mầu lòe loẹt, cổ thắt một cái nơ trông rất Tây. Nó chạy chiếc xe máy màu mận chín đỗ xịch trước cửa hang, vẫn ngồi trên xe, lấy gót chân trái gạt chân chống rất điệu nghệ, gọi toáng lên: “Thắng ơi… Thắng”.
             
Tôi nhìn Quý không nén được cười. Quý kéo tôi lại chiếc xe, đẩy tôi ngồi lên rồi bảo: “Chạy thử đi, tiện lắm”. Tôi bảo: “Oách nhỉ, xe này chắc đời mới. Hồi tao với mày đi lính, nhà giàu mới có cái xe tám mốt kim vàng giọt lệ”. Quý phấn khích: “Thay đổi lắm, mày không tưởng tượng được đâu. Nhà tao năm nay khấm khá hơn, các cụ mới đốt cho tao chiếc xe này”.
              
Nói rồi Quý thần mặt ra, nhìn tôi bối rối như lỡ lời. Giọng nó trầm hẳn xuống, gần như là thì thào: “Sao mày không về thăm nhà?” Tôi không trả lời, chui vào ngách hang nằm. Quý mang cái xe máy xuống để dưới chân núi, mặc lại bộ quần áo cũ rách te tua, rồi chui vào nằm cùng tôi. Chẳng ai nói thêm một lời nào.
              
Thực ra là tôi đã từng về thăm nhà. Quý đi hôm trước thì hôm sau tôi cũng về, đúng hôm giỗ mình.
             
Tôi về đến nhà khi ấy trời đã tối. Cái hành lang hun hút năm xưa khiến tôi bật cười, chả có con ma nào ngoài chính tôi. Mẹ không có nhà. Mâm cơm cúng tôi đã nguội ngắt. Hương cháy rụi đến chân. Đồ cúng không có tiền vàng, không có quần áo mới. Tôi đang phải mặc chiếc áo bị hơi nổ xé rách như tổ đỉa nhiều năm nay, cũng thấy chạnh lòng.
          
Trong góc nhà, những tuýp thuốc đánh răng và khăn mặt bông được gói thành những suất quà. Tên thuốc đánh răng lạ hoắc chứ không phải Bông Lan như thời tôi nhập ngũ. Hình ảnh của mẹ khi bắt tay trao quà lại hiện về như mới hôm qua. Cơn hờn giận trào lên, tôi không đợi mẹ nữa, phi một mạch về núi rồi nằm lì trong hang cho đến khi Quý lên.
* * *
           
Mẹ lên tìm tôi. Cũng đúng vào dịp Tết xong, tôi nghe oang oang có giọng người ngoài cửa hang. Cái giọng quen quen, khuôn mặt của một người đàn ông như đã gặp đâu đó mà không thể nhớ ra. Đi sau là một người phụ nữ, vất vả trèo lên những bậc đá. Mẹ, đúng là mẹ tôi. Tôi định ào ra đón mẹ, nhưng nỗi giận hờn lại dìm tôi xuống, khóa chân tay tôi cứng đờ. Tôi nép vào vách đá như chạy trốn, mặc dù tôi có đứng trước mặt thì mẹ cũng không thể nhìn thấy tôi.
            
Người đàn ông kéo mẹ tôi lên miệng hang, chỉ:“Đây cô ạ. Chính là ở cái hang này. Lúc chúng cháu lên, chỉ còn toàn đá vụn”.
          
Tôi đã nhận ra hắn là ai, chính là tay lính vận tải năm xưa. Người chết không có tuổi, nhưng người sống thì già đi theo năm tháng.
             
Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Mười năm kể từ cái đận mẹ đưa tôi về đơn vị để rồi tôi chết nhạt toẹt trong cái hang này. Mười năm khiến mẹ tôi già sụp đi. Tóc mẹ bạc phân nửa. Động tác của mẹ đã chậm chạp đi rất nhiều, nhưng vẫn dứt khoát mang dáng dấp của một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán.
           
Mẹ ngồi lặng lẽ thắp hương. Không khóc, không sì sụp khấn vái, mắt nhắm lại như thể hóa thạch. Tôi tấm tức khóc vì vẫn giận mẹ.
            
Một lúc thì mẹ về. Thằng Quý thấy tôi như vậy cũng không cười nói hi ha như mọi khi, nó đi ra đi vào mà chẳng biết làm gì.
           
Mấy hôm sau Quý bảo: “Chắc là cả kiếp ma ta ở cái hang này. Chẳng ai biết trong hang này vẫn còn xương cốt của ta. Mày cứ định như vậy mãi sao? Ra ngoài cho khuây khỏa rồi về thăm nhà đi. Lấy xe của tao mà đi cho tiện”.
            
Tôi nghe lời nó. Đi lại thăm bạn bè, nhưng không về thăm nhà.
             
Cuối năm ấy mẹ lại lên. Lần này đi rất đông, đủ cả cánh vận tải đêm xưa lên tìm xác chúng tôi, thêm một tay đại úy ở ban chính sách của tỉnh đội và một phụ nữ là nhà ngoại cảm.
              
Người phụ nữ nhắm mắt, lầm bầm cái gì đó trong miệng rồi bất chợt mở to đôi mắt ra. Tôi nhìn thấy mắt cô ta mầu xanh lục, sáng quắc như hai cái bóng đèn. Cơ thể của cô ta dần dần biến đổi, những mạch máu, dây thần kinh trông như búi dây điện. Nội tạng thành những bảng mạch và bóng đèn nhấp nháy. Cô ta như một cái vô tuyến, hoặc là cái điện thoại chứ không phải là con người bằng da bằng thịt.
            
Tôi và Quý ngồi yên một chỗ. Chưa bao giờ chúng tôi gặp một người kỳ lạ như vậy. Hình như cô ta đã nhìn thấy chúng tôi. Cô thông báo với mọi người: “Ở đây có hai vong. Trong ngách hang đằng kia”.
                
Mọi người nghe vậy nháo nhác.
                
Cô ta hỏi tôi và Quý:
- Hai vong tên gì?
                 
Tôi bảo:
- Nguyễn Quyết Thắng – Tôi chỉ sang Quý – Còn thằng này là Nguyễn Đình Quý.
              
Thằng Quý mắt tròn vo, mồm dẩu ra vì ngạc nhiên, sợ rúm lại chẳng nói được câu nào.
               
Cô ta dịch lại lời của chúng tôi cho mọi người nghe. Mẹ tôi khuỵu xuống bất tỉnh. Tay đại úy giở sổ ra đọc gì đó, trời lạnh mà mồ hôi vã ra như tắm, gật đầu lia lịa: “Đúng rồi, đúng rồi”.
            
Họ bắt đầu đào bới cái ngách hang bị vùi lấp hơn chục năm. Một lúc sau thì mẹ tôi tỉnh. Mẹ gào lên: “Thắng ơi. Con ở đâu?” Tôi nói dỗi: “Con không về đâu”. Mẹ lao vào đống đá, dùng tay cào đá bật cả máu tươi. Mẹ khóc. Lần thứ hai tôi nhìn thấy nước mắt mẹ. Lần đầu lúc mẹ đánh đổ xe sớm mùng một Tết năm nào. Nhưng khóc thành tiếng thế này thì bây giờ mới thấy. Mẹ nức nở, không ngớt điệp khúc: “Con không về, mẹ chết không nhắm được mắt”. Khuôn mặt bà đau đớn, co rúm lại, toàn thân run bần bật khiến tôi thấy mình thật tàn ác.
            
Ánh sáng từ mắt của người phụ nữ ngoại cảm đã tắt. Búi dây điện lại trở thành mạch máu và dây thần kinh. Người ta không duy trì trạng thái này được lâu vì rất mệt. Cô ta trở về như những người bình thường và không thể nghe được chúng tôi nữa.
           
Mẹ ngồi bệt xuống nền đá lạnh, tựa lưng vào vách hang, đầu ngoẹo sang một bên, thẫn thờ. Tôi ngồi bên cạnh, ngả hẳn vào mẹ, luồn tay ôm lưng như thời thơ dại. Hình như mẹ cảm nhận được điều ấy, quờ quờ tay mấy lần tìm tôi. Mặt mẹ đã bớt tái, có chút sắc hồng nhưng đôi mắt vẫn buồn rười rượi, nhìn vô định xa xăm.
            
Đến trưa thì họ tìm thấy chúng tôi. Mẹ lại ngất khi nhìn thấy mảnh giấy có dòng chữ tôi viết tên tuổi, quê quán, đơn vị, hàn kín bằng ny lông rồi đút vào túi áo ngực trước khi lên hang. Mẹ bế từng khúc xương tôi vào lòng.
            
Xương cốt của Quý được tỉnh đội chuyển về nghĩa trang liệt sỹ. Nó về với anh em dưới ấy nên vui ra mặt. Quý định diện bộ quần áo chú rể cho sang, nhưng người ta lại mặc cho nó bộ quần áo khác, mầu đỏ có ngôi sao vàng ở ngực. Nó ngắm nghía bộ cánh mới và cũng thấy hài lòng.
* * *
            
Mẹ xin cho tôi về quê. Mẹ đã xây căn nhà ba gian trên quả đồi nhỏ, ở một vùng quê yên bình, nơi trước kia cả cha mẹ tôi từng sinh ra và lớn lên. Mẹ cũng đã tìm thấy cha và đưa ông về đây. Tôi ở gian bên trái, cha tôi ở gian bên phải. Gian giữa đóng khóa im ỉm. Trong buồng của tôi, mẹ đặt một cái bô tráng men trắng toát. Mẹ vẫn nhớ mong ước của tôi thiếu thời.
          
Cha không già hơn tôi là bao nhiêu. Khi ông chết cũng mới chỉ ngoài hai mươi tuổi. Cha nhìn tôi, vỗ vỗ lên vai bảo: “Cha rất hiểu con”. Tôi không biết cha hiểu gì. Khi còn sống, chưa bao giờ tôi được gặp cha. Như đoán được sự nghi hoặc trong ánh mắt tôi. Cha trầm ngâm, giọng buồn buồn:“Đừng giận mẹ”. Ánh mắt cha lúc này khác hẳn, nồng ấm yêu thương chứ không hờ hững như trên bức ảnh năm xưa.
          
Hai cha con nằm ngắm bầu trời dày đặc sao. Có những ngôi sao sáng quắc, có những ngôi sao lập lòe như sắp tắt, còn cả những ngôi sao đã tắt mà mắt ma không nhìn thấy, như thể chúng cũng là những thân phận ở một thế giới khác nữa.
        
Một thời gian sau thì mẹ tôi mất. Tôi không bao giờ biết chính xác lý do gì khiến mẹ chết.
Đó là bí mật của riêng mẹ. Cha con tôi đón mẹ về căn buồng giữa.
           
Mẹ vồ lấy tôi. Chỉ khóc.
          
Hôm ấy cũng là mười bốn tháng giêng, trời lạnh căm căm và mưa phùn ẩm ướt.
(Truyện đăng báo Phú Yên, báo Tuổi trẻ và nhiều nơi khác)

Doãn Dũng
 (Blog BVB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét