Phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La
Đại tướng Phùng Quang Thanh tại diễn đàn an ninh châu Á. Ảnh: AFP. |
Ngày 5/6, tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới.
Thưa Ngài Chủ tịch!
Thưa các quí vị!
Tôi chân thành cảm ơn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc
tế và nước Chủ nhà Xinh-ga-po đã mời tôi tham dự Đối thoại Shangri-La
lần thứ 10 và chia sẻ cùng các quí vị tại phiên họp này.
Tôi đồng tình với đánh giá của các quí vị về vai trò
của Đối thoại Shangri-La trong 10 năm qua với những đóng góp tích cực
vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách
an ninh của các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình
thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn
định và phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên
thế giới.
Thưa các quí vị!
Chủ đề mà Ban tổ chức dành cho tôi “Ứng phó với các
thách thức an ninh biển mới” là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng,
liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế
giới. Nói đến biển trong thế kỷ 21, chúng ta đều có nhận thức chung đó
là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại
đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có
tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền.
Đặc điểm nổi lên của không gian biển thời gian gần đây
là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được
lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia, các lợi ích đó đều mang
tính chiến lược, sống còn.
Trong bối cảnh hiện nay, các mối quan hệ hợp tác đang
phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lớn cho từng quốc gia, cho khu vực
và cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh những khác biệt, mâu
thuẫn, thậm chí xung đột. Chúng ta không nên né tránh và hãy nhìn nhận
nó, những sự hợp tác và khác biệt đó là một thực tế khách quan, là hai
mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển. Vấn đề
là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển
trong thế giới hiện đại- không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó
là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các
quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường
hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột.
Vậy, chúng ta sẽ làm gì với cái nhìn rộng rãi, trên
góc độ đa phương để ngày càng cải thiện tình hình, sử dụng có hiệu quả
tài nguyên, môi trường không gian biển, đem lại lợi ích cho từng quốc
gia, cho khu vực, cũng như cho toàn thế giới?
Trước hết, chúng ta cần có nhận thức chung đúng về giá
trị, về những đặc điểm mới, những lợi ích và thách thức mà tất cả các
quốc gia đều gặp phải. Sự xuất hiện hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền
thống bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống là vấn đề tất yếu nảy
sinh trong quá trình phát triển của thế giới, từ đó càng cần hơn sự hợp
tác rộng rãi, cả song phương và đa phương để cùng giải quyết là một ví
dụ cho thấy tính đa dạng, sự đan xen giữa phát triển và thách thức, giữa
lợi ích và xung đột… trong tình hình hiện nay.
Thứ hai, chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý về các
hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát
triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu
vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc
gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh
thổ… Trước hết, cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về
luật biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố
về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc cùng
nhau xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, việc
tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và xuất hiện các cấu trúc an
ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay
ADMM+ cũng cho thấy nhu cầu và triển vọng hợp tác giữa ASEAN với các
nước đối tác có chung lợi ích trong khu vực, nó sẽ đem lại một tương lai
tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm
của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.
Thứ ba, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hợp tác phát
triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết,
tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Trong đó, hợp tác quốc phòng có
vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nhằm xây dựng và tăng
cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực,
đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động
kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển.
Vùng biển Ma-lắc-ca vừa qua đã có sự ổn định, góp phần
cho sự tăng trưởng của khu vực. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác hải
quân giữa các nước trực tiếp có liên quan như Malaysia, Indonesia,
Singapore và sự ủng hộ của những quốc gia trong và ngoài khu vực. Tương
tự như vậy, việc tăng cường hợp tác hải quân như tuần tra chung, thiết
lập đường dây nóng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và
tiến tới tuần tra chung với Malaysia và Indonesia cũng góp phần tăng
cường an ninh, trật tự trên Biển Đông.
Thứ tư, đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển,
chúng ta cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trên tầm cao chiến
lược và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc
biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch; Và những diễn
đàn như Shangri-La hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng minh bạch quan
điểm về lợi ích, về những thách thức và những quan ngại, đồng thời bày
tỏ chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trong hợp tác, chúng ta cần
bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời phải giữ gìn hòa
bình, ổn định và phát triển trong khu vực - đó là giá trị chung trong
quan hệ lợi ích của tất cả các nước, đồng thời cũng là giá trị to lớn
đối với mỗi quốc gia trong một môi trường lành mạnh, ổn định để phát
triển.
Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi
khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần
đây nhất là vụ ngày 26/05/2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam
bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong
vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy
trì hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình
theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn
hòa bình, ổn định trên Biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các
nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái
diễn.
Thưa các quí vị!
Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh,
chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và
phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là
hòa bình và tự vệ; Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với
quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn
trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe
dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển. Việt Nam luôn coi an ninh
quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là
bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong Cộng đồng quốc tế, tăng
cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các
nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định
và phát triển.
Cuối cùng, chúc các quí vị mạnh khỏe!
Chúc Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét