Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Bắc Kinh và Bin Laden

Bắc Kinh và Bin Laden

2011-05-05
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune 20110504 
 

Chia tay bin Laden và bắt tay Pakistan 


Thủ tướng Trung Quốc bắt tay Thủ tướng Pakistan tại thủ đô 
Islamabad, Tháng 12 năm ngoái. Ảnh Tân Hoa Xã


"Thủ đoạn gian manh nhất của Ác Quỷ là làm chúng ta nghĩ rằng nó không có thật!" Ngạn ngữ Tây phương nói vậy, nhưng lại làm những kẻ yếu bóng vía nhìn đâu cũng thấy ác quỷ.

Đó là trường hợp phổ biến của hiện tượng gọi là "thuyết âm mưu", conspiracy theory.

Xa xưa có chuyện phong trào Illuminatis - Illuminés theo Pháp ngữ - ngầm đánh đổ chế độ quân chủ Pháp. Trong mạch văn chương giải trí, Alexandre Dumas và bộ Joseph Balsamo cùng loạt trường thiên nối tiếp (Le Collier de la Reine, La Comtesse de Charny, Ange Pitou, v.v...) làm say mê nhiều thế hệ trước khi có tác giả Dan Brown của Mỹ với truyện Angels and Demons hay The Da Vinci CodeThe Lost Symbol. Nhiều lắm!

Gần hơn thì có Hội Tam Điểm Freemasonry hay các thế lực tài phiệt đã âm thầm chi phối thế giới, hoặc bàn tay nhám của Do Thái đã lũng đoạn từ Âu Châu tới Hoa Kỳ. Gần chúng ta hơn nữa còn có các bang hội Trung Hoa, hiện vẫn hoạt động và xâm nhập vào thượng tầng đảng Cộng sản Trung Quốc!

Từ truyện giải trí, người ta suy ra chuyện chiến lược toàn cầu để giải thích tất cả!

Trong vụ Osama bin Laden bị bắn hạ, hình như có hai nơi mà lý thuyết âm mưu này có vẻ được loan truyền mạnh nhất. Đó là trong thế giới Hồi giáo và trong một số dư luận tại... Việt Nam.

Theo lý thuyết này, được loan truyền từ mấy ngày qua, nhiều người cho rằng Mỹ cố tình không giết mà còn nuôi Osama bin Laden để có lý cớ thi hành những âm mưu mờ ám gì đó. Ngay cả khi Chính quyền Barack Obama loan tin đã hạ sát Osama và thủy táng ngay sau đó, nhiều người vẫn không tin. Có thể là Mỹ đang khai thác bin Laden để lấy thêm tin tức, rồi sau này mới giết.

Chứ vì sao lại lật đật thủy táng một cách mờ ám - mà lại không chịu đưa ra hình ảnh!

Chúng ta không mất thời giờ nói về chuyện ấy mà chỉ nghiệm thấy rằng các dân tộc nhược tiểu và kẻ ít am hiểu - hai chữ lại vần với nhau - thì vẫn thích thuyết âm mưu. Nó cho thấy rằng mình tinh khôn hơn người khác. Lại rất tiện vì cho phép mình chẳng làm gì hết. Bề nào thì Mỹ nó cũng tính cả rồi! Không có Ác Quỷ thì đã có Thiên Mệnh - của Mỹ!

Trong thế giới đó, không có chỗ cho lòng dân và lá phiếu, đôi khi dân chủ chỉ là khẩu hiệu, là giả hiệu. Nó đòi hỏi trách nhiệm và khả năng suy xét. Mệt lắm!

Nhưng trong vụ Osama bin Laden, có một nơi lại phóng ra tín hiệu lạ khiến ta phải nói về âm mưu thật. Đó là Trung Quốc.

***

    Phát ngôn viên Khang Du của bộ Ngoại giao Trung Quốc


Hôm Thứ Ba mùng ba vừa qua, nàng Khang Du - tên đẹp như ngọc Cẩn Du, mặt lạnh như tiền và nói cay như gừng già, họ Khương mà - đã làm đúng nhiệm vụ phát ngôn của bộ Ngoại giao Bắc Kinh: công lao diệt trừ Osama bin Laden là của Cộng hòa Hồi quốc Pakistan!

Trong khi dư luận Hoa Kỳ và cả thế giới than phiền Pakistan thiếu quyết tâm diệt trừ khủng bố, lại còn chứa chấp bin Laden, Trung Quốc đưa ra quan điểm chính thức qua cửa miệng nàng Khang Du: Pakistan đã giữ lời cam kết là không chứa chấp khủng bố trong lãnh thổ, có góp phần thông tin về tình báo, và Trung Quốc sẽ tiếp tục yểm trợ Pakistan trong khi vẫn hợp tác với Hoa Kỳ và Ấn Độ. Vì Trung Quốc cũng bị khủng bố tấn công!

À ra thế....

Lùi lại để nhìn trên toàn cảnh, ta thấy dân chúng Hoa lục, ít ra là qua mạng Internet, không hồ hởi ngợi ca chiến công của Hoa Kỳ bằng lãnh đạo. Đa số thì vẫn nói về Hoa Kỳ như một đế quốc ngang ngược. Hiếm hoi và duyên dáng là nhận định của một blogger: "Thế giới có mười tên gian ác nhất, Mỹ đã giết được một" Chúng ta chẳng thấy là có duyên nếu không nhớ tới Bộ Chính trị trong đảng Cộng sản Trung Quốc có chín Ủy viên!

Khác với quần chúng và y như lãnh đạo Islamabad, Bắc Kinh ca ngợi biến cố này là "dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của quốc tế chống quân khủng bố". Rồi nói thêm rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của khủng bố nên kêu gọi thế giới cùng tăng cường hợp tác. Và rất điệu nghệ, Bắc Kinh không xoáy vào chuyện Hoa Kỳ vi phạm lãnh thổ Pakistan khi giết bin Laden! Nhưng chào mừng 60 năm hợp tác với Pakistan, qua hàng loạt hội nghị vừa kết thúc hôm 29 Tháng Tư.

Bây giờ mới là lúc nói đến âm mưu của Thiên triều! Chẳng có gì là mờ ám cả....


***


Nói theo thuyết âm mưu thì nếu thế giới không có al-Qaeda hay Osama bin Laden thì Trung Quốc cũng mong nặn ra. Cho Mỹ lãnh họa.

Nhưng nhìn vào Hoa lục, lãnh đạo Bắc Kinh có ba thứ ác quỷ mà họ phải diệt trừ là bọn khủng bố, chủ nghĩa sắc tộc cực đoan và các lực lượng ly khai. Còn dân chủ? - Thì dân chúng đã có rồi!

Ba thứ ác quỷ đó đang tung hoành tại Tân Cương ở hướng Tây và kết tinh vào Hồi giáo, với phong trào đòi tự trị của sắc dân Duy Ngô Nhĩ - Đột Quyết, Uighurs. Trong phong trào ly khai, có mũi nhọn gây nhức nhối nhất là lực lượng East Turkestan Islamic Movement (ETIM, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan).

Sau vụ 9-11, khi tham chiến tại A Phú Hãn và vào truy lùng các nhóm khủng bố trốn chạy qua Pakistan thì Hoa Kỳ cũng nhổ một cái gai cho Trung Quốc: cách đây một năm, trong lãnh thổ Pakistan, máy bay không người lái của Mỹ đã bắn hạ một lãnh tụ lực lượng ETIM có liên hệ với al-Qaeda là Abdul Haq al-Turkistani (có tên khác là Memetiming Memett).

Khi ấy, cả Bắc Kinh lẫn Islamabad đều tự ca ngợi là "đã bẻ gãy sống lưng của ETIM"!

Về chiến lược thì Bắc Kinh cần Pakistan ba việc, là canh chừng hướng Tây cho mình, là cung cấp tin tức tình báo cho Hoa Kỳ tiêu diệt quân khủng bố Hồi giáo có thể bén mảng vào Trung Quốc, và thứ ba là gây vừa đủ rắc rối cho Ấn Độ, một quốc gia đối thủ. Vừa đủ thôi mà đừng quá trớn!

Vì vậy, khi Hoa Kỳ tham chiến tại A Phú Hãn, Bắc Kinh vỗ tay bèn tỏ thiện chí. Và làm thợ vịn.

Trung Quốc từ chối yểm trợ Mỹ và Lực lượng Liên quân Quốc tế ISAF về quân sự mà chỉ góp phần tái thiết xã hội - và đầu tư - vào A Phú Hãn và Pakistan. Mục tiêu là kinh tế, là thâu lượm tin tức về khủng bố có thể liên hệ đến Tân Cương, là bành trướng ảnh hưởng qua Ấn Độ Dương và chặn cửa Ấn Độ. Còn chuyện diệt trừ khủng bố là phần vụ của Hoa Kỳ, với sự góp sức thất thường khi có khi không của Pakistan.

Khi tiến vào Trung Á, Hoa Kỳ phải giải quyết luôn mâu thuẫn tại Nam Á, giữa Pakistan và Ấn Độ, và tìm cách cải thiện quan hệ với Ấn Độ, là điều không hợp ý Thiên triều! Cho nên Bắc Kinh cần phá, cũng lại bằng cách yểm trợ tài chánh cho Pakistan khi xứ này bị khủng hoảng năm 2008.

Trong hoàn cảnh Hoa Kỳ mắc bận với quân khủng bố rồi kẹt chân tại A Phú Hãn và Iraq từ gần 10 năm qua, Bắc Kinh có cơ hội tung hoành và bành trướng ra ngoài. Chỉ mong rằng Mỹ vẫn bận chân và đừng ngó ngàng gì tới Đông Á! Bây giờ, bin Laden lại vừa được hóa kiếp sau chín năm bày tháng và hai chục ngày truy lùng. Liệu Hoa Kỳ có rút khỏi A Phú Hãn như dự tính không?

Vì thế, với Bắc Kinh, chuyện bin Laden có ý nghĩa chiến lược hơn chúng ta thường nghĩ.

Thật ra, từ hai năm nay, Trung Quốc đã dè chừng việc Mỹ sẽ triệt thoái khỏi Iraq và A Phú Hãn, và từ đấy quan tâm hơn đến tình hình Đông Á.

Thế rồi năm nay, Cách mạng Hoa nhài gây khó chịu cho các đấng con trời vì làn sóng dân chủ có thể gieo loạn vào Hoa lục. Nhưng cũng khiến họ hy vọng: Iran mà thừa thế quậy thêm thì việc Mỹ rút khỏi Iraq sẽ gặp trở ngại. Đấy cũng là lý do khiến Bắc Kinh thả phiếu trắng chứ không bác bỏ Nghị quyết 1973 của Liên hiệp quốc, để cho Mỹ bị kẹt vào một cuộc chiến khác trong thế giới Hồi giáo. Và có thêm kẻ thù.

Bây giờ, bin Laden bị hạ sát, và lực lượng al-Qaeda đầu não lâm nạn vì nhiều thông tin của bin Laden đã lọt vào tay Hoa Kỳ. Với Bắc Kinh, đó là món quà vừa héo vừa tươi.

Hoa Kỳ dự tính bắt đầu triệt thoái khỏi A Phú Hãn từ tháng Tám này cho đến năm 2014 hay 2015. Với chiến công tiêu diệt được thủ lãnh al-Qaeda, Hoa Kỳ có thể xúc tiến việc triệt thoái như lịch trình sau khi dàn xếp với các lãnh tụ Taliban. Và càng phải trông cậy vào tin tức tình báo do Pakistan cung cấp.
Nhưng khi dư luận và Quốc hội Mỹ thấy ra vai trò mờ ám của Pakistan, vừa là đồng minh của Mỹ vừa ngầm yểm trợ al-Qaeda và một số lãnh tụ Taliban, việc viện trợ cho xứ này sẽ thành nan giải. Nhất là trong hoàn cảnh Hoa Kỳ phải giảm chi ngân sách.

Bắc Kinh theo dõi việc này kỹ hơn ta nghĩ.


***


Từ  2002 đến 2010, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Pakistan tổng cộng là 18 tỷ đô la.

Cho tài khóa 2010, thì Tháng 10 2009, Quốc hội Mỹ đồng ý viện trợ không quân sự cho Pakistan bảy tỷ rưỡi trong năm năm. Qua đầu năm 2010, Tổng thống Obama còn đề nghị tăng viện để "phát triển kinh tế và ổn định cho một khu vực chiến lược có liên hệ đến quyền lợi của Hoa Kỳ". Ngoài ra, ông còn xin thêm hơn ba tỷ đô la viện trợ quân sự riêng cho tài khóa 2010. Quân đội Pakistan thực tế được Mỹ tài trợ đến một phần tư.

Đầu năm nay, cơ quan viện trợ Mỹ USAID và Chương trình Lương thực Thế giới World Food Program của Liện hiệp quốc còn ký một hợp đồng viện trợ hơn tám tỷ đô la giúp Pakistan vượt cơn khủng hoảng.

Vậy mà Tháng Chín năm 2009, cựu Tổng thống Pervez Musharraf công nhận là viện trợ cho Pakistan trong mục tiêu giải trừ lực lượng Taliban lại bị ngộ dụng - dùng sai mục tiêu: chuyển qua việc chuẩn bị chiến tranh với Ấn Độ!

Hồi Tháng Hai, Hoa Kỳ tạm ngưng mọi liên lạc cấp cao với Islamabad và còn dọa cắt viện trợ khi một nhân viên an ninh Mỹ cho một công tác ngoại giao là Raymond Davis bị Pakistan bắt giam dù có sự can thiệp từ phía Hoa Kỳ, và dù đương sự có quy chế ngoại giao. Vì ông ta bắn hạ hai người Pakistan khi bị cướp. Và ngay trước khi có vụ đột kích và hạ sát bin Laden, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân là Đô đốc Mike Mullen công khai than phiền tại Pakistan là Islamabad thiếu thiện chí hợp tác để diệt trừ khủng bố.

Cho nên,  khi toán Hải kích SEAL Team 6 phải lặng lẽ vào sát thủ đô Islamabad để giết bin Laden ngay cạnh trường Võ bị Quốc gia, trong một ngôi nhà được xây dựng cẩn mật từ năm 2005, thì việc viện trợ cho Pakistan sẽ trở thành vấn đề với dư luận và Quốc hội Hoa Kỳ.

Đấy là lúc Bắc Kinh ngợi ca thành tích chống khủng bố của Pakistan. Và hứa hẹn viện trợ!

Âm mưu mờ ám mà công khai là như vậy!


***


Pakistan là một xứ có vấn đề, lại thường xuyên gặp nguy cơ khủng hoảng chính trị ngoài khủng hoảng kinh tế. Năm 2008 xứ này bị rủi ro vỡ nợ đã kêu cứu quốc tế tới cả trăm tỷ mà bị từ chối. Ai có 100 tỷ đô la cho một quốc gia mục nát vì tham nhũng và lại cứ đòi gây chiến với Ấn Độ?

Vì vụ khủng bố 9-11 và chiến dịch A Phú Hãn, Hoa Kỳ phải nhảy vào vừa dọa vừa dụ để có được sự hợp tác miễn cưỡng và khá nhiều lật lọng của Islamabad. Bây giờ, nếu quan hệ với Hoa Kỳ suy yếu đi sau vụ bin Laden - và viện trợ mà bị cắt - Pakistan sẽ cần nguồn tiếp vận kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Dù chẳng bằng Hoa Kỳ thì có còn hơn không!

Chúng ta hiểu ra lời nàng Khang Du.

Bắc Kinh có thể giúp Pakistan nếu Islamabad có thiện chí diệt trừ khủng bố gần biên giới miền Tây với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ mở rộng hợp tác về hải quân và quân sự, phát triển hạ tầng cơ sở về khí đốt, thủy điện và hỏa xa, và nhất là giúp Trung Quốc bước thẳng vào Ấn Độ dương, trổ ra Vịnh Ba Tư, v.v...

Chúng ta nên tò mò ngó vào tấm bản đồ của vùng ranh giới hiểm hóc giữa hai quốc gia.


    Xa lộ Karakoram mà Trung Quốc gọi là 
Côn Luân Công Lộ - Xương sống của Pakistan.


Đây là khu vực có vùng Kashmir được chia làm ba chứ không phải hai mảnh.

Phía Nam là đất Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát - và thường xuyên bị khủng bố Hồi giáo tấn công với sự tham dự mẫn cán của Pakistan. Phía Bắc có vùng Gilgit-Baltistan (hay "Mạn Bắc" - Northern Area) do Paskistan kiểm soát, nằm sát thị trấn Abbottbad là nơi bin Laden bị bắn hạ và gần thủ đô Islamabad mà cũng là đất tiếp giáp với A Phú Hãn. Phía Đông-Bắc, nằm trên hai vùng Kashmir Ấn-Hồi này, lại có vùng Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và là vùng tranh chấp với Ấn Độ.

Trung Quốc đã giúp Pakistan xây một xa lộ nối liền hai thành phố Kashagr và Tashkurgan tại Tân Cương, tiếp giáp với hai nước Kyrgyzstan và Tajikistan, với thành phố Gilgit trong khu vực Kashmir của Pakistan và chạy qua Abbotttabad tới Islamabad. Đó là dự án xa lộ Karakoram ("Côn Luân Công Lộ" của Trung Quốc) dài 1.300 cây số xuyên qua núi đèo! Khu vực hiểm trở này còn có đất Azad Kashmir của Pakistan là nơi Trung Quốc thực hiện hai dự án thủy điện Kohala phía Tây và Neelun Jhelum phía Đông, rất gần với đất Kashmir của Ấn.

Nhờ các dự án xa lộ Karakoram và thủy điện ấy, Trung Quốc đã đưa công binh và công nhân - làm sao phân biệt được? - vào một vùng đất cực kỳ nhạy cảm cho Ấn Độ, khiến một Đô đốc của... Hoa Kỳ, Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương, cũng phải chú ý vì được Chính quyền Ấn nhắc tới hồi năm ngoái. "Đây là vấn đề mà Ấn Độ phải giải quyết, nhưng cũng thuộc phạm vi trách nhiệm của chúng tôi!" Đô đốc Robert Willard đã phát biểu như vậy tại New Dehli.

Bây giờ, Trung Quốc đang mời chào môt dự án kéo dài ống dẫn khí đốt từ Tashkurgan chạy qua Gilgit tới Islamabad và xuyên qua lãnh thổ Pakistan tới hải cảng Gwadar trong vùng Vịnh Ba Tư, cách Iran khoảng 100 cây số. Hải cảng này cũng là một quân cảng trọng yếu do Trung Quốc vừa cải tiến cho Pakistan vào năm 2007. Với ống dẫn khí và sẽ dẫn dầu, Trung Quốc có cơ hội hút dầu từ Trung Đông vào thẳng khu vực bị khóa trong lục địa của mình. Và sẽ kết hợp quan hệ gắn bó lâu dài với Pakistan.

Đề nghị hấp dẫn lắm! Nhưng với điều kiện là xứ Pakistan không bị nội loạn, các tướng lãnh không dung chứa khủng bố và quân đội không quá quắt mà đòi gây chiến với Ấn Độ. Toàn những điều kiện không ai có thể đảm bảo được.

Kết luận?

Sau vụ bin Laden, chưa biết Mỹ có sớm rủt khỏi A Phú Hãn hay chăng, nhưng người ta đã có thể thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ được tăng cường khắng khít. Với hậu quả là khiến Ấn Độ tiến gần hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, và các nước Đông Nam Á.

Cho nên xin hãy đừng bàn nhảm về âm mưu của Mỹ trong việc có giết hay không một kẻ tàn ác, hoặc bin Laden là sống thật hay chết giả. Mà nên ngó về Bắc Kinh. Và chín tay còn lại!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét