Tràn lan phụ gia biến thịt lợn thành thịt bò ở Trung Quốc
(ANTĐ) - Sau An Huy, các tỉnh như Giang Tô, Phúc Kiến, Sơn Đông cũng lần lượt xuất hiện chất phụ gia biến thịt lợn thành thịt bò. Điều đáng nói là chất phụ gia này được bán công khai ở mọi nơi và không bị kiểm soát, khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.
Một loại “cao thịt bò” được bán ở chợ dân sinh, TP Quý Dương, Quý Châu |
Nổi da gà vì phụ gia thực phẩm
Tại chợ bán buôn Hoa Đông, Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, “cao thịt bò” được bày bán tại rất nhiều quầy hàng với giá từ 35-60NDT hộp 1kg. Nhãn hiệu khá đa dạng, thành phần in trên nhãn mác chủ yếu là thịt bò, axit amin, I+G, bột ngọt, thủy phân protein, phạm vi sử dụng gồm: làm gia vị mỳ tôm, chế phẩm thịt, thực phẩm ăn nhẹ... Một chủ hiệu cho biết, từ sau khi nghe tin chất phụ gia này có thể “hô biến” thịt lợn thành thịt bò, nhiều tư thương đã bắt đầu tích trữ hàng.
Phóng viên tờ báo mạng Trung Quốc nhật báo được người bán hàng giới thiệu, thông thường “cao thịt bò” được đóng hộp 1kg, mỗi hộp có thể biến 50kg thịt lợn thành thịt bò. Mỗi kg thịt lợn trên thị trường có giá 22 NDT, thịt bò khoảng 40NDT/kg, do vậy nếu dùng “cao thịt bò”, cứ chế biến 50kg thịt lợn thì lãi được thêm gần 1.000NDT. Ông chủ này cho hay, việc ướp “cao thịt bò” không chỉ có lãi như vậy, mà còn khiến miếng thịt dù đã ôi trở nên tươi ngon hơn với mùi thịt bò rất tự nhiên, do vậy khách hàng của ông ngoài những người chuyên bán mỳ bò hoặc chế phẩm thịt bò, còn có rất nhiều người bán thực phẩm chín, đồ ăn sáng...
Thử nghiệm ngay sau đó được tiến hành theo hướng dẫn, sau khi hòa 10gam “cao thịt bò” vào nước, phóng viên nhúng 500gam thịt lợn vào đó. Chừng hơn một giờ sau, miếng thịt bắt đầu chuyển màu, sau đỏ sậm như thịt bò. Khi thái miếng thịt này ra xào lên, mùi vị càng đậm hơn so với khi để sống, thơm không kém thịt bò.
Ngay sau khi thông tin thịt lợn biến thành thịt bò lan rộng, nhiều người “trong nghề” còn khẳng định “cao thịt bò” không có hại cho sức khỏe. Quan điểm này lập tức bị phản bác. Theo tiến sỹ Mạnh Bằng, Cục Giám sát chất lượng tỉnh An Huy, một số chất phụ gia hiện vẫn được phép sử dụng, song phải trong giới hạn quy định, ví dụ như chất I+G chỉ được phép từ 2%-5%. Tuy nhiên, trên các hộp “cao thịt bò” không hề ghi rõ giới hạn cho phép là bao nhiêu. “Chất phụ gia nếu dùng quá nhiều sẽ làm giảm hemoglobin, một protein nằm trong hồng cầu, về lâu dài có thể sinh ra triệu chứng ngộ độc mãn tính, dẫn tới ung thư”, tiến sỹ Mạnh Bằng cho biết.
Xử lý khó khăn
Không phải tới bây giờ ở Trung Quốc mới xảy ra tình trạng làm giả thịt lợn thành thịt bò để kiếm lợi. Giữa năm 2010, dư luận nước này cũng từng xôn xao về vụ Trác Kỳ Đông, một tư thương ở Phật Sơn, Hải Nam dùng hàn the công nghiệp “hô biến” thịt. Trác Kỳ Đông là chủ một xưởng gia công thịt với 7 nhân công. Hàng ngày, Trác đi mua thịt lợn cũ, ôi về xẻ miếng, giao cho nhân công ngâm vào thứ nước màu đỏ để có màu như thịt bò, ngày hôm sau đem giao buôn tại các chợ.
Tháng 7-2010, cơ quan chức năng kiểm tra xưởng của Trác Kỳ Đông, phát hiện một lượng lớn thịt đã bốc mùi cùng nửa bao tải hàn the công nghiệp giấu trong tủ lạnh. Tháng 3 vừa qua, công an mới bắt được Kỳ Đông tại nơi lẩn trốn, hắn thừa nhận pha hàn the vào dung dịch gồm tiết lợn, bột đậu nành, đường, muối không chỉ khiến thịt lợn biến thành thịt bò mà còn làm cho mỗi 20kg thịt nặng thêm 0,5kg. Cho đến khi bị phát giác, xưởng của Kỳ Đông đã chế biến được 16 tấn “thịt bò” bán ra thị trường và đưa tới các nhà hàng, bếp ăn tập thể.
Vì hàn the công nghiệp nằm trong danh mục chất cấm sử dụng đối với chế biến thực phẩm, nên việc xử lý vụ Trác Kỳ Đông không mấy khó khăn, song với “cao thịt bò” lại là việc khác. Cho tới nay, chất phụ gia này vẫn chưa bị cấm ở Trung Quốc, nên ngoài việc phạt hành chính hành vi làm hàng giả, chế tài xử lý hình sự gần như không có, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng chỉ còn cách phải tự bảo vệ mình.
Bảo Trâm
(Tổng hợp)
“Cao thịt bò” (Beef extract) nấu từ thịt bò đã lọc sạch mỡ, có dạng sền sệt, màu vàng sậm hoặc màu hạt dẻ. Khi ngửi có mùi thịt bò tự nhiên, khi hòa tan trong nước làm dung dịch có màu vàng nhạt. Trước khi bùng lên vụ “thịt lợn biến thành thịt bò”, khá nhiều hàng ăn ở Trung Quốc đã sử dụng như một dạng gia vị nấu ăn. Để phân biệt thịt bò thật và giả, người tiêu dùng có thể căn cứ vào màu sắc, mùi vị, độ nhớt dính, độ đàn hồi của miếng thịt. Mỡ của thịt bò có màu trắng sữa hoặc hơi ngả vàng và ít hơn rõ rệt so với thịt lợn. Bề ngoài mặt miếng thịt lợn thường ẩm hơn thịt bò. Thớ thịt bò thường dài hơn thịt lợn, kết cấu thịt dày hơn, trong khi thớ thịt lợn ngắn và kết cấu cơ lỏng lẻo hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét