Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Việt Nam rộ lên tin đồn về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh

Việt Nam rộ lên tin đồn về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh

Thụy My -RFI blog
Bài đăng : Thứ sáu 29 Tháng Tám 2014 – Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 29 Tháng Tám 2014 
Từ mấy ngày qua tại Việt Nam đã rộ lên tin đồn về sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên trung ương đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương bị bệnh nặng đang chữa trị ở Mỹ, thậm chí có tin cho biết ông vừa qua đời sáng nay 29/08/2014. Báo chí trong nước đã cải chính tin xấu về tình hình sức khỏe của nhân vật đang phụ trách công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Thanh, 61 tuổi, là Chủ tịch đầu tiên của Đà Nẵng sau khi tỉnh này tách rời khỏi Quảng Nam. Năm 2003 ông giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, và đến cuối năm 2012 khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Nổi tiếng về cách phát biểu thẳng thắn, ông Nguyễn Bá Thanh trong thời gian dài lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã giúp địa phương này trở thành thành phố thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Đà Nẵng cũng có tiếng là một thành phố có cách quản lý linh hoạt, đặc biệt là có bệnh viện ung thư miễn phí hiện đại.Tuy cũng có một số tai tiếng về ông, nhưng nhiều người chờ đợi những động thái mạnh dạn trong công cuộc chống tham nhũng, cho đến giờ hiện vẫn chưa mang lại những kết quả đáng kể. Thế nên các tin tức xấu về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh được rất nhiều người chú ý, khiến các tờ báo lớn của Việt Nam hôm nay phải lên tiếng đính chính. RFI Việt ngữ đã liên lạc với ông Nguyễn Công Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên về thông tin này. Ông cho biết :
Ông Nguyễn Công Khế: Cách đây bốn ngày, có một doanh nghiệp lớn có điện hỏi tôi về cái tin giống như cô hỏi. Tôi cũng bán tin bán nghi, nên tôi gọi điện cho ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng, thì ảnh trả lời với tôi là cách đây một ngày, anh Bá Thanh có trao đổi với ảnh nói chuyện, chuyện trò qua lại không có vấn đề gì.
Sau khi điện cho anh Phúc xong, tôi có gọi điện trực tiếp vào số của anh (Bá Thanh), thì anh bắt máy. Tôi nói : « Anh Bá Thanh ơi, nghe nói có chuyện gì hông ? ». Ổng nói : « Mình đang ở Mỹ để chữa bịnh, ở Washington để khám bịnh lại ». Tôi hỏi : « Sức khỏe ra sao ? ». Ảnh nói : « Sức khỏe rất tốt ». 
Nhưng anh em bên ngoài, chỗ họ cũng có thông tin thì họ nói với tôi thậm chí là bên Singapore khám bệnh thì ảnh chưa hoàn toàn tin, đi qua Mỹ thì nghe nói là đã loại hẳn tình hình nguy hiểm. Không phải là bệnh gì ghê gớm, nguy hiểm đâu ! 
RFI: Thưa anh, như vậy theo anh biết là bệnh gì ?
Ông Nguyễn Công Khế: Nghe nói thôi, vì tôi không giỏi về y khoa, đó là rối loạn hồng tiểu cầu, không biết đó là bệnh gì. Trước đó, khi mới bị bệnh thì tôi hỏi ảnh, ảnh nói là không đến nỗi nào. Và tôi cũng nghe một nguồn tin của một quan chức cao cấp về sức khỏe trung ương, cũng nói đúng như vậy.
Bây giờ ở Việt Nam nhiều tin đồn lắm. Nhưng tôi chắc chắn, vì ảnh mới nhắn tin cho tôi cách đây chừng ba tiếng đồng hồ. Tôi chúc sức khỏe, và ảnh cảm ơn, chúc lại.
RFI: Xin rất cám ơn ông Nguyễn Công Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên.
Ông Nguyễn Công Khế – Việt Nam
(01:11)

Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước

Cuộc nói chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh tối 24/7/2003 là cuộc "đại phẫu" gây chấn động người dân, cán bộ trong và ngoài nước.

Để bạn đọc có dịp so sánh giữa ông Nguyễn Bá Thanh vừa được uỷ nhiệm làm Trưởng Ban Nội chính TƯ với ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó vừa lên làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, chúng tôi xin giới thiệu lại bài tường thuật cách đây 10 năm về cuộc nói chuyện này:

"Đà Nẵng bắt đầu cuộc đại phẫu đau đớn nhưng lành mạnh"

Sau quyết định kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Sở Xây dựng và cách chức Trưởng BQL các dự án xây dựng và công nghiệp dân dụng Đà Nẵng gây chấn động tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vừa tiếp tục có buổi nói chuyện vào tối 24/7 với gần 1.500 cán bộ công chức đang làm những công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước
Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp tham gia thi đấu bóng đá và quyên góp ủng hộ các nạn nhân cơn siêu bão Xangsane năm 2006 ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam 
Qua hơn 28 năm sau ngày giải phóng, lần đầu tiên Đà Nẵng có một buổi nói chuyện “vô tiền khoáng hậu” như vậy. Suốt gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ, các cán bộ công chức Đà Nẵng - trong đó có không ít “vị quan” mới đây còn hoạch hoẹ dân – chen nhau ngồi cả xuống đất vì hội trường không đủ ghế, lắng nghe vị tân Bí thư Thành uỷ nói chuyện. Họ bật cười vì những câu nói tếu, rồi chợt đau nhói khi ngẫm lại ý nghĩa thâm sâu đằng sau nó. Để rồi tự thấy mình trở nên lành mạnh hơn, có nhiều dũng khí hơn để làm “lãnh đạo và đày tớ” của nhân dân!

4 nỗi sợ lớn

Không giấy, không tờ, vừa kết thúc buổi làm việc với một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước CHDCND Lào sang thăm là ông Nguyễn Bá Thanh đến thẳng hội trường, lên ngay diễn đàn và bắt đầu câu chuyện. Hẳn nhiên ông đã chuẩn bị rất kỹ, chứ không như một Phó Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất Đà Nẵng, khi được gọi lên gặp ông (lúc ấy ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch UBND TP - PV) đã phải uống... 3 ly rượu để lấy bình tĩnh nhưng cuối cùng cũng chẳng nói được gì vì... không “thuộc bài”.

Không hề vòng vo, ông vào đề luôn: “Sở dĩ có cuộc gặp hôm nay là vì một sự kiện quan trọng vừa diễn ra: Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1. Tất nhiên chỉ mới “là” đô thị loại 1 thôi, còn để “làm” cho nó thực sự trở thành đô thị loại 1 được người khác tâm phục khẩu phục thì còn gian nan lắm. Nhưng chưa chi đã có người vội nảy sinh tư tưởng chủ quan, và tôi rất sợ từ điều đó sẽ dẫn tới 4 cái mất lớn hơn!”.

Cái mất đầu tiên, ông sợ, là mất thời cơ - điều mà Đà Nẵng đã tạo ra và tận dụng rất tốt khi từ một TP "cấp huyện" (đô thị loại 2 thuộc tỉnh QN-ĐN cũ) trở thành TP trực thuộc TƯ, và hơn 6 năm sau đã là đô thị loại 1. “Nếu không làm mạnh hơn nữa, Đà Nẵng sẽ mất cơ hội vượt lên trở thành TP động lực của miền Trung, chỉ sẽ là một anh làng nhàng trong khu vực mà thôi!”.

Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước
Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp tham dự một phiên toà có tiếng kêu oan của người dân  
Từ đó, ông lo đến cái mất thứ hai: “Nếu tốc độ phát triển của TP trì trệ, không đáp ứng sự trông đợi của nhân dân thì cán bộ sẽ bị kỷ luật, bị thay đổi hoặc hạ tầng công tác. Chưa kể nhiều người tranh thủ quơ quào, kiếm chác còn sẽ bị luật pháp trừng phạt. Vậy là mất cán bộ!”.


 Một khi cán bộ thoái hoá, biến chất như vậy sẽ dẫn đến cái mất gì nữa? “Mất lòng dân – ông nhấn mạnh - Và một khi dân không còn tin chúng ta nữa thì cái mất thứ tư đau lòng hơn cũng rất dễ xảy ra: Mất chế độ!” - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Ông nói rõ: “Đừng nghĩ là dân không biết gì. Trình độ dân trí bây giờ cao lắm, họ thấy hết, biết hết những trò nhũng nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà, nguyên tắc cứng nhắc... tồn tại trong đội ngũ cán bộ chúng ta nhưng không dám nói vì sợ bị trù dập. Họ là dân mà, nên chỉ cầu xin hai chữ bình an. Nhưng nếu được bảo vệ, họ sẽ nói hết. Khi ấy thì không thể che giấu đi đâu.

Dân nhìn đội ngũ cán bộ chúng ta cũng như các anh chị đang nhìn tôi vậy. Tôi ở trên này nhìn xuống chỉ thấy cả rừng người, không phân biệt được anh nào áo xanh, áo đỏ. Nhưng các anh chị ở dưới nhìn lên thì tôi chỉ ho một tiếng, nghiêng đầu sang phải, liếc mắt sang trái một chút là cả ngàn con mắt đều thấy. Dân nhìn chúng ta vậy đó. Bài học Thái Bình vẫn còn đau lắm. Cũng có sự kích động, có những phần tử xấu len vào nhưng chủ yếu là do chúng ta thôi. Dân như nước, đẩy thuyền lên là nước mà lật thuyền cũng là nước. Chúng ta phải sớm tự soi rọi lại mình chứ đừng để xảy ra tức nước vỡ bờ!”.

Cuộc đại phẫu tê tái

Từ cái nhìn, cái biết ấy của dân, ông Nguyễn Bá Thanh đem soi rọi vào đội ngũ cán bộ, công chức TP Đà Nẵng và khẳng định, họ đã làm được rất nhiều việc. Trong đó có không ít việc được nhân dân cả nước ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, các tỉnh thành bạn kéo đến học tập... “Nhưng đây không phải là lúc chúng ta ca tụng nhau. Thành tích hãy để cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Còn sư đoàn ngồi trước mặt tôi đây phải là sư đoàn làm, sư đoàn chiến đấu. Ai mang tư tưởng công thần thì xin mời đi sư đoàn khác!”.

 Ông đặt thẳng câu hỏi với ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công an Đà Nẵng: “Có cái gì ở trạm CSGT Kim Liên (trên QL 1A ở cửa ngõ phía Bắc Đà Nẵng) mà ai vô CSGT cũng đòi cho ra đứng đó. Chỉ ít lâu sau là ai nấy khấm khá cả lên. Tiền ở đâu ra, tài sản ở đâu ra, dân biết hết, còn các anh có biết không?”.
Với sự rạch ròi đó, ông chỉ rõ hàng loạt sai lầm, khuyết điểm đi cùng những “nhân vật” của sự quan liêu, trì trệ, thoái hoá, biến chất – tuy không nhiều nhưng đang tồn tại lẩn khuất trong đội ngũ cán bộ, công chức ở nhiều cơ quan có trách nhiệm tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với dân. Ông nhấn mạnh: “Người dân ngứa sau lưng, gãi không tới nên họ mới nhờ mình gãi. Nếu mình gãi không trúng, cứ nhè trước bụng mà gãi, coi chừng họ gai mắt, đạp xuống sông Hàn uống nước như chơi. Phải bắt cho trúng mạch, gãi cho đúng chỗ “ngứa” của người dân. Đừng cứ ngồi nói lý luận với nhau mà không chịu làm!”


Với ngành thuế, ông nêu ví dụ: Chủ một quán ốc hút ở ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thị Minh Khai đến khóc ở Uỷ ban vì thuế từ 260 ngàn tăng lên 500 ngàn đồng/tháng. Ông giả làm người ăn ốc, vào quán này mới biết quán rất ế vì địa thế không tốt, chủ quán lại kém khâu ăn nói. Ông kêu Cục phó Cục Thuế Đà Nẵng Dương Tấn Lực lên hỏi: “Người ta buôn bán như thế mà thuế tăng gấp đôi, lên đến cả chỉ vàng/tháng thì làm sao sống cho nổi? Anh làm lãnh đạo mà không chú ý, để cán bộ hành dân ra bã đó nghe!”.

Với lực lượng Thanh niên xung kích, ông phê phán thẳng: “Với những kẻ cố tình vi phạm, lạng lách, đánh võng thì không dám làm gì, còn mấy bà trong quê ra, đem chục trứng, mớ rau kiếm sống, lẽ ra chỉ nên nhắc nhở họ thì hùng hùng hổ hổ đổ rổ rau của người ta ra đường. Ai bảo anh làm chuyện vô lễ với dân như vậy?”.



Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước“Ở rạp xiếc, người ta cho mấy con thú ăn hột gì đó thì nó diễn. Một lúc sau lại ngồi lì ra, quất mấy roi cũng không đi, khi nào được ăn thứ hột đó nó mới diễn tiếp. Hãy cẩn thận kẻo mình lại giống như mấy con ở rạp xiếc, không cho ăn là không làm. Kể cả hố xí, mới ngồi thì thấy hôi, mà ngồi một hồi cũng quen. Tôi sợ nhất là thói quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh... trở thành thói quen của cán bộ mình. Sợ kinh khủng!” – Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước

Ông Nguyễn Bá Thanh

Với kiểm lâm, ông chỉ ra: “Người ta mang cả khúc gỗ lớn đi trên đường chứ có phải ở rừng ở núi gì đâu mà khó bắt thế? Hoá ra là cùng đường dây cả, lỡ làm ăn với nhau “thâm niên” rồi, lâu lâu bắt một cú biểu diễn thôi!”. Cũng với ý đó, ông hỏi lãnh đạo Sở VHTT: “Liệu có nên giải tán Đội kiểm tra liên ngành 814 hay không? Hô hào nào là quy định ánh sáng rồi kiểm tra, cấp phép... thế mà tệ nạn trong mấy karaoke đèn mờ vẫn tràn lan!”.

Với các ngành Xây dựng, Địa chính, Quy hoạch, Thuỷ sản - Nông Lâm, các BQL dự án..., ông cũng chỉ thẳng nhiều biểu hiện vòi vĩnh, bắt chẹt nhưng lại rất sở hở trong công tác quản lý. Từ kiểm định sai đến không làm hết trách nhiệm giám sát chất lượng công trình, cố tình gây khó dễ đã tạo nhiều khó khăn lớn đối với nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc ổn định nơi ăn chốn ở, xác định sở hữu nhà đất..., kể cả làm ách tắc các công trình trọng điểm. Nhiều cán bộ, công chức không thông cảm với nỗi khổ của người dân phải di dời, có người vô trách nhiệm làm gần 20 hộ dân thuộc dự án mở rộng sân vận động Chi Lăng bị thiệt hại từ 5 – 50 triệu đồng, gây phản ứng gay gắt trong dân.

Ngược lại, có người nhận đút lót mà làm sai để bị kiện, có người là cán bộ địa chính mà “đạo diễn” cho dân kê khống để kiếm thêm tiền đền bù chia cho mình, móc nối  với cò đất chọn lô ngon mua lại giấy đất để bán kiếm lời... Vậy mà việc quản lý, xử lý của lãnh đạo các cấp còn tỏ ra rất bất cập, đơn cử như ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất: “Ông bảo đuổi mấy chục cán bộ nhưng chỉ có một anh đi tỉnh khác, còn lại đều chạy từ chỗ này qua chỗ kia mà ông không biết. Chỉ biết mình hoàn thành “nhiệm vụ” đuổi, rồi thôi!”.

Kể cả với nhiều công trình thiết yếu của TP thì các cơ quan này cũng tỏ ra rất trì trệ: “Các anh không thấy xấu hổ khi Đà Nẵng là đô thị loại 1 mà tìm hoài không ra nhà vệ sinh công cộng hay sao? Không có nhà vệ sinh, người ta đi bậy ra đường làm sao phạt được? Khó gì chuyện đó mà tôi đã đích thân năm lần bảy lượt đưa các vị đi tìm đất, vậy mà mấy năm rồi vẫn chưa ra nhà vệ sinh công cộng? Khó gì cái đài hoả táng mà nói mấy năm rồi vẫn không có?

Tình trạng giết mổ lậu tràn lan khiến dân kêu không thấu trời vì ô nhiễm, vì tiếng ồn. Vậy mà nói mãi một cái lò giết mổ tập trung vẫn chưa có. Mấy anh ở Sở Thuỷ sản – Nông lâm hình như chưa bao giờ thức đêm đến mấy lò mổ tư nhân để hiểu nỗi khổ của dân ở quanh đó phải không?... Tôi tin không phải khó làm, nhưng các anh ôm nhiều quá, cứ sợ chia ra thì mình mất quyền lợi. Nhưng ôm vô mà sức không làm nổi. Vậy là mọi chuyện cứ ách tắc kéo dài”...

Đau nhói hơn nữa là khi ông đề cập đến tình trạng nhũng nhiễu xảy ra ở Sở LĐ-TB-XH và Sở GD-ĐT: “Tôi đã nói anh Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Sở LĐ-TB-XH) bao nhiêu lần là phải thành lập một bộ phận chuyên trách lo chuyện nhà đất, chính sách cho các Bà mẹ VNAH, các gia đình thương binh liệt sĩ. Khi người ta đến đưa đơn, mình tiếp nhận, hỏi han cặn kẽ rồi trực tiếp đi lo cho người ta. Vậy mà cũng không! Nhiều người công trạng chưa có gì, trình độ cũng chẳng là bao nhưng lớn tiếng hạch sách, xúc phạm những người đã hy sinh xương máu cho mình có cái chỗ ngồi hiện tại. Ai cho phép làm điều vô lễ ấy?

Với ngành GD-ĐT, giáo viên sau khi hết thời hạn đi miền núi, lẽ ra phải được tiếp nhận theo đúng quy định. Vậy mà cũng buộc họ phải chung chi, một chai rượu chưa chịu, phải mấy chục triệu mới cho làm, cho dạy. Có những giáo viên từ trên núi về, hoàn cảnh rất nghèo, rất đáng thương, vậy mà cũng "chặt đầu, lột da" cho được. Họ cầm những đồng tiền đó mà không thấy xấu hổ. Bữa ni ai muốn xin vô chỗ nọ, chỗ kia đều phải tiền hết, bất kể người giỏi, bất kể người xứng đáng được nhận. Đau lòng quá đi, tức không chịu được!”...

Chính thức tuyên chiến!

Ông nhìn đồng hồ: 21h45. “Nói những chuyện thế này tôi có thể nói đến 6 giờ sáng, các anh chị có đủ sức nghe không!”. Một thoáng im lặng. Rồi gần như cả hội trường đồng thanh: “Nghe!” - một phản ứng lành mạnh sau cơn đau tê tái dù ông Nguyễn Bá Thanh vẫn chưa nêu ra hết. Nhưng ông không tiếp tục đề cập đến những biểu hiện kém vui nữa mà định hình các biện pháp sắp tới: “Là cán bộ, công chức phải có tấm lòng với dân. Nhưng tấm lòng đó phải thể hiện bằng hành động chứ không thể nói suông được. Ai cũng nói cán bộ là công bộc của dân, nhưng nên nhớ, Bác Hồ dạy chúng ta, “cán bộ phải là người lãnh đạo, là đày tớ trung thành của nhân dân”. Nghĩa là cán bộ phải tiên phong, đi đầu với một tinh thần tận tuỵ trong phong trào cách mạng để quần chúng noi theo chứ không chỉ có nghĩa “cán bộ là công bộc”. Công bộc mà giàu có, quyền thế như rứa thì cho dân làm công bộc với!”.

Với tinh thần đó, ông phát động trong toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân Đà Nẵng phong trào “tìm và diệt” tiêu cực. Ông cho hay: “Sắp tới Thành uỷ, UBND TP sẽ nghiên cứu hình thành đường dây nóng để cán bộ, nhân dân phản ảnh những tiêu cực mà mình phát hiện thấy. Riêng số điện thoại của tôi luôn luôn công khai (0903500205), ai phát hiện ở đâu có những vị cán bộ, công chức vô lễ với dân, sách nhiễu dân thì cứ gọi cho tôi.



Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trướcTrước đây, tôi chưa nói thì có khi còn châm chước bỏ qua, chỉ nhắc nhở. Nhưng sau buổi nói chuyện này rồi, tôi chính thức tuyên chiến với tệ nạn quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh... của đội ngũ cán bộ, không thể chấp nhận những cán bộ như vậy được nữa. Với tư cách Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phối hợp với lãnh đạo UBND TP tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm!”. Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước

Ông Nguyễn Bá Thanh

Về những vấn đề cụ thể hơn, ông nêu rõ: “Hạn cuối đến 31/12/2003, nếu còn một hộ chính (bên cạnh hộ chính có thể còn có các hộ phụ) nào bị giải toả trắng mà chưa được bố trí đất tái định cư thì Trưởng BQL các dự án phải bị cách chức. Mà không chỉ các Trưởng Ban đâu, nếu phạm vi trách nhiệm rơi vào các vị giám đốc Sở thì cũng cách chức luôn. Các BQL dự án cho dân mua đất tái định cư được nợ từ 5 – 10 năm (trước đây chỉ 5 năm) không phải trả lãi suất, không buộc phải trả từng năm mà trả vào ngày cuối cùng của thời hạn cũng được.

Các chung cư đang bố trí cho các hộ nhà chồ, hộ xoá đói giảm nghèo, nay cho họ hết. Sắp tới xây tiếp hàng chục chung cư nữa để bố trí cho các hộ gia đình chính sách, người nghèo... Người già, người tàn tật được ưu tiên bố trí ở tầng 1. Công khai ra, vì sao anh được bố trí ở tầng 1, chứ không phải nhận năm bảy triệu rồi đưa vào đó. Các hộ chính sách nghèo lâu nay ở nhà Nhà nước, sau khi hoá giá còn nợ năm ba triệu thì xoá cho họ, riêng một trăm mấy chục ngôi nhà giữ làm công sản thì lên danh sách công khai.

Phòng Tiếp dân của TP lúc đầu làm được, nhưng nay thấy có vẻ uể oải, phải chấn chỉnh lại. Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp lưu ý điểm nóng về đền bù giải toả và tái định cư ở khu vực Hoà Khánh; BQL các dự án Tuyên Sơn, Đò Xu, Cẩm Lệ, Bình An, An Hoà... khẩn trương đẩy tiến độ vì mùa mưa gió đã đến gần, nhất là các công trình trường học cho kịp năm học mới...”

“Tự soi rọi lại mình, chúng ta thấy bên cạnh những thành quả vẻ vang vẫn còn nhiều bất cập mà nếu không kịp thời khắc phục, sửa chữa e rằng tình hình sẽ còn phức tạp hơn. Hy vọng với sự tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức và sự hợp tác của nhân dân, tình hình sẽ ngày càng tốt đẹp hơn lên!” – ông Nguyễn Bá Thanh bày tỏ chân tình.
Theo Infonet.

May mà còn nước Mỹ để đến



Đào Như  -VOA

Trung tuần tháng 8 vừa rồi, dư luận trong nước xôn xao về việc ông Trần Ngọc Phi Long, 31 tuổi, Phó phòng Hợp tác Quốc tế của sở Ngoại vụ Thành phố Cần Thơ, sau khi tham dự khóa huấn luyên ngắn hạn tại Canada từ 30/6/2014 đã tìm cách trốn sang Mỹ và sẽ ở lại đây để tiếp tục học xong cấp tiến sĩ. Từ Mỹ, ông Long đã viết thư về tổ chức của ông trong nước xin nghỉ viêc vì lý do gia cảnh và sức khỏe.
Trong khi đó, theo một nguồn tin khác, bà Tạ Thị Dậu, mẹ ông Long, cho hay ông Long gọi điện thoại từ Mỹ về và nói là “con sẽ ở lại Mỹ để học tiến sĩ vì nhà mình nghèo nên khó chứng minh tài chánh, không được, nên con ở lại Mỹ luôn.” Cũng theo Bà Dậu, hiện ông Long đang theo học lớp chuẩn hóa một số chứng chỉ để năm tới được làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Như thế có nghĩa là ông Long được chính thức thu nhận thường trú tại Mỹ.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Long được chính quyền Cần Thơ ưu tiên cho đi tham dự  khóa đào tạo cán bộ ngành. Nhờ giỏi ngoại ngữ, năm 2007 ông Long đã từng được Sở Ngoại vụ Cần Thơ gửi đi tham dự khóa đào tạo cán bộ quan hệ quốc tế tại Anh, với chi phí tổng cộng $15,000 USD. Theo ông Trần  Phước Sơn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Cần thơ, ông Long là một cán bộ có nhiều triển vọng.
Điều lý thú ở đây là nhiều công dân ưu tú của các nước xã hội chủ nghĩa đã bỏ nước ra đi, và vùng đất lý tưởng mà họ đến luôn luôn là nước Mỹ. Từ thế kỷ trước là nhà chí sĩ yêu nước Jose Marti của Cuba, Bác sĩ Lý Chí Tuy của Trung Quốc, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, và đến hôm nay, Cù Huy Hà Vũ, Trần Ngọc Phi Long… và sẽ còn những ai nữa. Theo tiết lộ của báo mạng Nguoi-Viet.com thì “gần đây nhất, đã có hai cán bộ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam đã tìm cách trốn ở lại Mỹ  sau nhiệm kỳ công tác.Hai cán bộ này là bà NHG, nguyên Ủy viên Thương mại  tại Mỹ, và ông BNL, chuyên viên Vụ Chính sách Đa biên…”
Nguyên do chung cũng chỉ vì thế giới xã hội chủ nghĩa đã lỗi thời, không còn phù hợp với xã hội toàn cầu hóa hôm nay, không phát huy được tư duy và tài năng con người vì không biết tôn trọng quyền lợi con người và tự do cá nhân, hạt nhân để xây dựng xã hội tiến bộ tốt đẹp hơn. Những người bỏ nước xâ hội chủ nghĩa để đến Mỹ đều có mẫu số chúng là giương cao ngọn cờ nhân quyền, và kêu gọi tự do, dân chủ cho đất nước họ.
Phải chăng, Hợp Chủng Quốc vẫn là vùng đất hứa của nhân loại tiến bộ? Ở Mỹ, tự do, dân chủ dã trở thành lý tưởng từ lúc khai thiên lập địa của đất nước này. Nữ thần Tự do là biểu tượng của một nước Mỹ tự do, dân chủ hôm nay. Đó là truyền thống đời đời của nước Mỹ. Con tàu Mayflower cùng với những con tàu tỵ nạn sẽ tiếp tục chuyển tải đến nước Mỹ những con người yêu chuộng tư do, dân chủ đến đây để học hỏi, phát triển tư duy, xây dựng sự nghiệp, đồng thời cống hiến, bồi đắp Hợp Chủng Quốc ngày một tươi sáng vẻ vang hơn. Nước Mỹ, bức tranh hài hòa với muộn vàn màu sắc, là bản hợp xướng tuyệt vời của muôn vàn thanh âm khác nhau, là diểm đến lý tưởng cho nhân loại tiến bộ hôm nay.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

‘Ðường băng ma’ và triển vọng trút nợ lên con cháu!

Phạm chí Dũng -Nguoiviet

Bất chấp quá nhiều phản ứng của dư luận dân chúng cùng giới chuyên gia phản biện độc lập, thông tin mới nhất từ “nội bộ” là nhiều khả năng báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành (Ðồng Nai) sẽ nhận được đa số phiếu thuận để có thể trình chính phủ, Quốc Hội xem xét thông qua ngay trong kỳ họp Tháng Mười tới đây.

Mặc dù vẫn phải chờ đợi kết quả kiểm phiếu của 16 thành viên hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nhưng vào ngày 15 Tháng Tám, Hội Ðồng Thẩm Ðịnh Nhà Nước đã tổ chức phiên họp thứ ba và tiến hành bỏ phiếu thông qua báo cáo trên.
Nếu được Quốc Hội “gật,” hiển nhiên dự án có tổng mức đầu tư lên đến $8 tỉ dụng tâm vay mượn ODA này sẽ sáng lạn cơ hội “làm nghèo đất nước” và thêm một lần nữa “đẩy nợ cho tương lai.”
Không “vẽ” làm sao “ăn”?

Chẳng phải chờ đến bây giờ, từ giữa năm 2013 khi dự án sân bay Long Thành khởi động hành sự, quá nhiều dư luận người dân đã lên tiếng phản đối thấm thía và quyết liệt.
Cử tri ở Sài Gòn đã phát kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc Hội: với một số vốn kinh khủng như thế thì có cần thiết dự án sân bay Long Thành trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang suy thoái trầm trọng như thế này hay không? Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa khai thác được hết công suất, làm sao có thể xây dựng những sân bay khác?
Một trong những lý lẽ phản bác sâu sắc nhất thuộc về Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ông Tống giảng dạy ở trường đại học bách khoa Sài Gòn, là người trước đây từng có nhiều ý kiến phản biện về các vấn đề chính trị kinh tế và xã hội, và đương nhiên bị chính quyền ghép vào “đối tượng nguy hiểm.” Ông Nguyễn Thiện Tống đã phải dùng cụm từ “một sự tin tưởng mù quáng” để nói về những dư luận đã được thuyết phục bởi những số liệu của Cục Hàng Không và Tổng Công Ty Cảng Hàng Không đưa ra, khi các cơ quan này cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể đón tối đa 25 triệu khách một năm, không tăng lên được nữa. Do sự quá tải đó, tới năm 2020 cần phải dời ra một địa điểm khác là sân bay Long Thành để có thể đón khách quốc tế được nhiều hơn.
Nhưng ông Nguyễn Thiện Tống phản bác: luận cứ của Cục Hàng Không và Tổng Công Ty Cảng Hàng Không hoàn toàn không đúng. Ông đơn cử, chẳng hạn sân bay Changi của Singapore có diện tích 1,300 hecta, lớn gấp rưỡi sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay (800 hecta), có công suất lên đến 50 triệu khách. Như vậy với 800 hecta của Tân Sơn Nhất, bằng 2/3 Changi, thì lượng khách có thể tăng lên 35 triệu khách một năm. Mà đó chỉ là một so sánh tương đối về diện tích chứ chưa phải tất cả.
Ông Nguyễn Thiện Tống cũng đưa ra những cứ liệu đánh giá khá chuẩn xác, đầy đủ và công bằng, so sánh giữa niên giám thống kê của Cục Thống Kê Thành Phố, với cứ liệu của Tổng Công Ty Cảng Hàng Không Việt Nam, cho thấy hai con số khác xa nhau. Theo Cục Thống Kê, từ năm 2005 đến 2012, tỉ lệ số chuyến bay quốc tế giảm từ 56.5% xuống còn 35.5%. Bên dự án sân bay Long Thành đã dự báo 90% tổng lượng khách là khách quốc tế, chỉ có 10% là nội địa. Trong khi đó, ở Tân Sơn Nhất thì ngược lại: tới 90% là nội địa, chỉ có 10% là khách quốc tế. Ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng khả năng sân bay Long Thành không có khách là điều chắc chắn.
Sự khác biệt giữa hai kết quả tính toán là rất lớn. Như vậy người ta đã cố tình phóng đại số liệu này để xây sân bay Long Thành. Và ông cũng nghi ngờ là nếu cố làm phác ra cho nhiều lên để dự báo nhu cầu tương lai nhiều là “điều rất nguy hiểm.”
Nếu không có khách, sân bay Long Thành sẽ biến thành “đường băng ma.”
Hạn ngạch đạo đức và giới hạn chấm mút
Hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.
Tham nhũng, thất thoát ODA trong suốt nhiều năm qua cho thấy ở Việt Nam đã hình thành những nhóm lợi ích ODA đặc sệt óc tham lam. Ðó là nhóm lợi ích dựa vào hoạt động độc quyền và đặc thù của chính sách, câu kết với những nhóm thân hữu, kể cả với các chính khách để móc ráp, có được những hợp đồng đặc quyền về ODA và phân bổ cho các địa phương, nhận hoa hồng.
Tuy một số quan chức trong chính phủ Việt Nam vẫn không muốn thừa nhận sự thật phũ phàng trên, song tất cả đã phơi bày ra ánh sáng. Tục ngữ Việt “Ði đêm có ngày gặp ma” đã ứng nghiệm dù quá muộn màng. Năm 2012, ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, chính Bộ Ngoại Giao Ðan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11.4 tỉ đồng trên tổng số tiền 69 tỉ đồng do Ðan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19.9 triệu cua-ron.
Và nếu vào năm 2013 phía Thụy Ðiển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt, đến năm 2014 ngay cả Bộ Ngoại Giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.
Thế nhưng nghịch lý quá lớn là trong khi các giải pháp phòng chống tham nhũng lãng phí tuy vẫn được giới chức cao cấp của chính phủ Việt Nam tụng niệm “phải thực hiện một cách quyết liệt,” tuyệt đại đa số các vụ phát hiện về ODA đều do người dân và báo chí, hoàn toàn không phải do nhà nước phát hiện.
Cũng đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là quá nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này lại không được cho phép thành lập, trong khi những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời mọc.
Do vậy nguy cơ tham nhũng trong việc sử dụng nguồn vốn này ngày một tăng, mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng. Nếu nhìn từ “hệ quy chiếu” dự án sân bay Long Thành, đến năm 2020 theo quy hoạch cảng hàng không, Việt Nam sẽ có 26 cảng được đưa vào khai thác so với 21 cảng hiện nay. Có nghĩa sẽ có năm dự án cảng hàng không nữa cũng “khủng khiếp” như sân bay Long Thành, và sẽ lại xuất hiện nhiều tiêu cực. Lúc đó trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Rất nhiều cử tri, người dân đã phải dùng đến cách ví von thê thiết: đó là một cách thức hoàn hảo để đẩy nợ cho tương lai, trút nợ lên đầu con cháu.
Trút nợ, nước ngoài nghĩ gì?
Trong 15 năm vừa qua, Việt Nam đã nhận đến $30 tỉ từ nguồn vốn ODA để thực hiện hàng ngàn dự án phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, hệ thống điện, kể cả xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường, môi sinh. Nhưng không phải tất cả ODA đều cho không, mà chỉ một phần rất nhỏ là viện trợ không hoàn lại. Còn lại chủ yếu là tiền cho vay với lãi suất thực ra không hoàn toàn ưu đãi.
Dù Úc, Nhật, và các nước Liên Âu đều là những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tuy nhiên danh nghĩa đối tác không phải là tất cả. Lòng tin chở được núi lớn, nhưng khi lòng tin bị lợi dụng một cách thậm tệ thì nền kinh tế kiệt quệ sau bảy năm suy thoái của Việt Nam sẽ khó mà chinh phục được ngay cả một vạt đồi.
Hiện tượng cắt giảm ODA đối với Việt Nam cũng vì thế đang có hơi hướng như một phong trào dân sự, có thể lan ra hàng loạt các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Ðan Mạch và Hòa Lan. Ðó và đây, những lời cảnh báo từ các đại sứ quán Châu Âu đã liên tiếp được tung ra.
Nếu không có những biện pháp cứng rắn hơn nhiều để khắc phục tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực ODA, mà ngay trước mắt là vụ việc dự án sân bay Long Thành, chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan sẽ chẳng còn mấy cơ hội để được nhận nguồn tài trợ béo bở này trong thời gian tới.

GS.Nguyễn Lân Dũng: Đổi mới nhưng cần lưu ý quy định của pháp luật

Bàn về ba phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng nói thẳng, không có nơi nào trên thế giới tích hợp như Việt Nam.

Để kịp tiến độ công bố phương án chốt vào đầu năm học mới, hiện Bộ GD & ĐT đang tích cực lấy ý kiến về kỳ thi quốc gia qua các kênh trên tinh thần làm sao để kỳ thi không gây xáo trộn quá lớn, quá khó cho học trò. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một số chuyên gia giáo dục và giáo sư đầu ngành đã cho rằng, người chịu ảnh hưởng lớn nhất trong câu chuyện này chính là các thí sinh, dù có hay không có “kỳ thi quốc gia” thì học sinh cũng không thể trở thành “chuột thí nghiệm” của người lớn.

Không thể vội vàng

GS Nguyễn Lân Dũng đã nói thẳng rằng, cả ba phương án do Bộ Giáo dục đề ra đều không hợp lý và lý giải:

Phương án 1 thi ba môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn. Thi như vậy sẽ dẫn tới học sinh học lệch và hình thành hai loại giáo viên: Giáo viên dạy môn sẽ thi và giáo viên dạy môn không thi, đó là một bi kịch cho cả thầy và trò.

Phương án 2 thi 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Nghe có vẻ hợp lý nhưng như vậy vẫn quá nặng vì phải ôn đầy đủ tất cả các môn, nặng hơn cả nội dung thi như hiện nay.

Phương án 3 thi 11 môn học ở lớp 12 THPT. Tôi chưa thấy nước nào thi theo kiểu tích hợp 11 môn thành 4 bài thi như thế này. Hơn nữa các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ đều rất quan trọng, không thể ghi chép vào các môn khác.

“Tôi rất tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là đừng vội khẳng định sẽ dùng một trong ba phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ đưa ra, cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu”, GS Dũng nhấn mạnh.
GS Nguyễn Lân Dũng: "Cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu". Ảnh: Ngọc Quang.
Việc coi kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quốc gia có thể lấy kết quả này để xét tuyển sinh Đại học, theo giải thích của ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết quả thi có sự phân hóa vì tính theo “biểu đồ hình chuông”, dù 99% đỗ tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 3% loại giỏi, 18-19% loại khá, số còn lại là trung bình.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng thì không thể đồng tình, vì hai lẽ: Thứ nhất, kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn không đáng tin vậy; Thứ hai, nếu nói sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là trái với Luật Giáo dục Đại học.

Khi bàn về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng: “Nếu kỳ thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sẽ có một chức năng được làm tốt, chức năng còn lại thì không tốt. Và xã hội đã có ý kiến nên chọn chức năng tuyển sinh chứ không nên chọn chức năng tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi này mà chọn chức năng chính là tuyển sinh thì không được, bởi Luật Giáo dục Đại học đã giao cho các trường Đại học tự chủ tuyển sinh rồi”.

GS Ngô Bảo Châu cũng có nhận định tương tự: “Từ trước tới nay các kỳ thi THPT ở Việt Nam còn rất nhiều tiêu cực như xem bài nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi… Do vậy, tâm lý chung của người dân là họ sẽ không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi đó, kỳ thi Đại học của Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng và tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử. Tôi nghĩ rằng những nhà làm giáo dục nên ngồi lại tính xem có nên tổ chức lại các kỳ thi hay không”.

Theo GS Dũng, học phổ thông phải có học bạ nghiêm chỉnh và phải có lưu ban: “Tôi thấy hiện nay thi tốt nghiệp THPT mà trượt thì đau khổ lắm, không có em nào đi ôn để thi lại kỳ sau đâu, mà từ đó lo lắng rất nhiều tới cạm bẫy của xã hội. Thế cho nên 99% đỗ tốt nghiệp là chuyện bình thường, mà đã 99% đỗ thì thi làm gì? Cho nên tôi nghĩ rằng không nên có một kỳ thi quốc gia kiểu ấy mà chỉ cần xét tuyển tốt nghiệp THPT, mà giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh sẽ ký duyệt cái đó. Thế tức là em nào đủ điều kiện thì tốt nghiệp, còn em nào chưa đủ thì vẫn phải lưu ban, không có gì phải băn khoăn thương hại và phải cho các em đỗ bằng được như thi tốt nghiệp hiện nay. Không có nước nào trên thế giới này mà lại có kết quả thi tú tài đỗ tới 99% như vậy, mà phổ biến các nước lấy từ 75-85%”.

Không nơi nào trên thế giới tích hợp như Việt Nam

Ngoài ra, trong dự thảo của Bộ Giáo dục nói tích hợp ba môn Lý-Hóa-Sinh thành môn “Khoa học tự nhiên” và tích hợp môn Sử-Địa thành môn “Khoa học xã hội”. GS Nguyễn Lân Dũng phân tích, sau khi tích hợp như vậy thì số giờ cho ngần ấy môn gộp lại chỉ còn 3 tiết/tuần. Nghĩa là mỗi tuần các em chỉ được học môn Sinh học 45 phút.

“Đừng quên là hạnh phúc của mỗi người là được trang bị kiến thức cơ sở trong quãng đời học dưới mái trường phổ thông. Lên cấp III đã phân ban rồi cho nên nếu ở cấp II mà mỗi môn khoa học có từng ấy tiết thì liệu sẽ có dung lượng kiến thức bao nhiêu?”, GS Dũng chia sẻ.
"Tôi muốn cảnh báo để Quốc hội không bị ru ngủ vì câu chữ"
Gs Nguyễn Minh Thuyết

Lâu nay, dư luận xã hội nói nhiều tới chuyện giáo dục dạy chữ nhiều, cho nên lần đổi mới này đang cố “dạy làm người” với 630 tiết dành cho môn Đạo đức – Giáo dục công dân, tương đương với Khoa học xã hội 700 tiết, Khoa học tự nhiên 665 tiết.

Đọc dự thảo này, GS Nguyễn Lân Dũng nói: “Thế thời chúng tôi không được học môn Giáo dục công dân ấy thì chúng tôi hư hết à? Tôi nhớ là thời học giáo dục phổ thông, giáo dục đạo đức chủ yếu là các buổi nói chuyện ngoại khóa. Đó là sự gương mẫu của thầy giáo. Đó là sự gương mẫu của bố mẹ, cộng với sự ổn định của xã hội. Tôi rất ngạc nhiên khi dạy đạo đức mà lại phân cấp lớp dưới dạy cái gì, lớp trên dạy cái gì? Tôi đề nghị là phải xem lại, thứ nhất là không phải dạy đạo đức kiểu ấy mà phải chủ yếu bằng các buổi ngoại khóa, thứ hai là nhiều tiết quá. Vấn đề cần xem lại là có quá nhiều thời gian cho ba môn Đạo đức – Giáo dục công dân, Thể chất, Nghệ thuật. Ba môn này chiếm đến 5 tiết mỗi tuần, mà đáng lẽ ra nên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoại khóa đầy hứng thú”.

GS Nguyễn Lân Dũng nói thẳng rằng, kiểu làm chương trình tích hợp như trong dự thảo của Bộ Giáo dục rất lạ và khó hiểu.

“Tôi thấy các nước họ tích hợp kiểu khác, thí dụ ở Pháp tích hợp Khoa học sự sống và Khoa học trái đất thành một môn học, chứ đâu có tích hợp như Bộ Giáo dục. Xin Bộ cho biết có những nước nào trên thế giới đã tích hợp như vậy với số tiết tương tự?”, GS Dũng nói.

Về việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa, Thủ tướng yêu cầu sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng theo GS Nguyễn Lân Dũng thì do Bộ Giáo dục giữ quyền lập chương trình, liệu có mấy ai muốn đứng ra biên soạn sách giáo khoa tự nhiên và sách giáo khoa xã hội?

“Tôi muốn nói rằng Bộ Giáo dục hãy quan tâm tới các hội chuyên ngành khi xây dựng chương trình. Bộ chọn người tốt hơn hay các hội chúng tôi chọn người tốt hơn?”, GS Dũng bày tỏ.
Ngọc Quang
(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét