Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Con gái Thủ tướng Dũng thêm vai trò mới

Con gái Thủ tướng Dũng thêm vai trò mới

Bà Nguyễn Thanh Phượng (bìa trái) trong một bữa tiệc gây quỹ
Bà Nguyễn Thanh Phượng (áo đen bên trái) được cho là doanh nhân trẻ thành đạt ở Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của cả ba công ty kinh doanh vốn, chứng khoán và bất động sản Nguyễn Thanh Phượng nắm thêm vai trò trong khu vực ngân hàng.

Bà Phượng, sinh năm 1980, là con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tin đăng trên trang web của chính Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt cho hay bà Phượng, chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty quản lý quỹ Bản Việt, chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán Bản Việt và chủ tịch HĐQT công ty bất động sản Bản Việt được bầu làm thành viên HĐQT Ngân hàng Bản Việt.

Bấm Bản tin ngày 3/11 nói Ngân hàng Gia Định đã thông qua việc đổi tên thành Ngân hàng Bản Việt.

“Đại hội cổ đông bất thường sáng ngày 3/11 của ngân hàng TMCP Gia Định (GiaDinhBank) đã thông qua sửa đổi điều lệ đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng (95 triệu đôla) lên 3.000 tỷ đồng (142 triệu đôla)”.

Bấm Đại hội này cũng thông qua việc bầu bổ sung bà Nguyễn Thanh Phượng làm thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2010-2014.

Công ty chứng khoán Bản Việt chính là công ty tư vấn cho GiaDinhBank để chào bán 100 triệu cổ phần nhằm tăng vốn hồi cuối tháng Bảy năm nay.

Bản tin trích điều họ gọi là nguồn tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nói một nhóm cổ đông đã mua với tỷ lệ tối thiểu 30% vốn điều lệ của GiaDinhBank.

“Cổ đông lớn nhất của GiaDinhBank là Vietcombank cũng đã cơ bản hoàn tất thương vụ bán hết 30% vốn cho một số cổ đông”.

Thông tin trên website của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt nói bà Phượng từng làm Giám đốc đầu tư của quỹ Vietnam Holding, một quỹ đầu tư niêm yết trên thị trường chứng khoán London.

“Ngoài ra, bà Phượng từng giữ vị trí Phó Giám đốc tài chính của Công ty Liên doanh Holcim (Việt Nam), một tập đoàn đa quốc gia Thụy Sĩ”.

Chồng bà Nguyễn Thanh Phượng là ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry), thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt.

Ông Hoàng, người Mỹ gốc Việt, hiện là Tổng Giám đốc của Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam (IDGVV), chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, truyền thông và công nghệ kể từ năm 2004.

Trong cuộc Bấm phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ cách đây 5 năm, Nguyễn Thanh Phượng nói "Tôi yêu nghề đầu tư tài chính vì theo quan điểm cá nhân, tôi cho nó là đỉnh cao của rất nhiều nghề".

"Tôi nghĩ có vài điều mà người ta cũng có thể học được từ một cô gái tuổi đôi mươi như tôi....là nên làm nhiều và nói ít thôi", Phượng nói thêm.
‘Người năng động’

Vợ chồng thủ tướng tại một buổi tiếp tân ở London
Hiếm khi thấy Thủ tướng Dũng và phu nhân (bên phải) xuất hiện cùng con cái trước công chúng.

Trong các điện tín ngoại giao Sứ quán Hoa Kỳ gửi về nước bị trang web Wikileaks tiết lộ mới đây, cũng có bức điện liên quan tới con cái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Tp HCM, ông Seth Winnick trong Bấm Công điện ngày 26/12/2006 đã tóm lược tin tức thu thập được về các người con của ông Nguyễn Tấn Dũng trong đó có Nguyễn Thanh Phượng.

Báo Người Việt gần đây trích lời ông Winnick viết: “Phượng giống cha như đúc, và dường như trong ba người con ông thủ tướng, Phượng là người năng động nhất. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô tỏ ra cởi mở, tò mò, và chăm chú. Rõ ràng cô là một người có tài.”

“Tuy thế, việc thăng tiến vượt trội của Phượng, và những cánh cửa rộng mở đón chào Phượng và anh em của cô,” là “bằng chứng cho thấy cách thức mà tầng lớp lãnh đạo (Việt Nam) bảo đảm cho con cái họ những vị trí đầy lợi thế về giáo dục, chính trị và cả kinh tế.”

Công điện đơn cử một vài ví dụ, “Tháng 1/2006, lúc mới hơn 25 tuổi, Phượng đã là giám đốc đầu tư của công ty Vietnam Holding Asset Management, quản trị vốn đầu tư 112 triệu đôla của các nhà đầu tư Thụy Sĩ.

Ðến tháng 11 cùng năm, Phượng lên làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Ðầu Tư Chứng Khoán Bản Việt với nhiều trăm tỷ đồng Việt Nam đến từ các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.”

Tại sao người ta có thể tin tưởng để giao một số vốn không lồ như thế cho một người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm như Phượng?

Tổng Lãnh Sự Seth Winnick trả lời câu hỏi này thay cho lời kết của công điện: “Tất nhiên, về mặt chính trị, giao quỹ đầu tư cho cô con gái cưng của thủ tướng quản lý, là một điều khôn ngoan, nhất là khi quỹ này tập trung vào việc đầu tư trong những ngành mà nhà nước kiểm soát, như dầu khí, ngân hàng và công nghệ thông tin.”

Bức điện này cũng nói về việc Tổng Thống Bush làm Thủ tướng Dũng hơi ngỡ ngàng khi ông Bush đột nhiên đề cập đến mối quan hệ giữa các con ông Dũng với phía Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam của ông Bush hồi năm 2006 để dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội.

Bức điện có đoạn mô tả rằng “Theo một nguồn tin đáng tin cậy ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Tướng Dũng giật mình khi Tổng Thống Bush hỏi han về việc học hành cũng như những liên hệ khác của các con ông tại Hoa Kỳ”.
(BBC)

Ngô Nhân Dụng - Chọc Cải Cách ra mà ngửi

Nghe tin có cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất tại Hà Nội, tôi đã tìm đọc mấy bài tường thuật trên các báo trong nước và các mạng thông tin. Cảm tưởng chung: Đây chỉ là một trò tuyên truyền rất vụng về, mạo xưng là “lịch sử;” mà nó lại nhạt phèo, chẳng có gì mới mẻ đáng coi. Người ta trưng bày những sập gụ, tủ chè, bát đĩa dùng trong nhà địa chủ; bên cạnh cảnh sống bần hàn của những nông dân. Những người tổ chức cuộc triển lãm chắc hy vọng mọi người xem xong sẽ kết luận: Xã hội thời xưa thật lắm cảnh bất công. Nếu có bát công tức là có bóc lột, đó là cách suy nghĩ đơn giản, dễ khiến người ta tin.

Nhưng người biết suy nghĩ sẽ nhận ra điều này: Thời nay cũng nhiều cảnh bất công không khác gì 60 năm trước. Chỉ cần nhìn vào ngôi nhà của một ông Bí Thư Huỳnh Đức Hòa, tỉnh ủy Lâm Đồng, người ta cũng có thể thấy ông giàu có gấp ngàn lần các địa chủ thời 1946-1957. Trong khi đó thì bao nhiêu người lao động đang sống trong các ổ chuột ở thành phố vẫn chạy ăn từng bữa. Và cảnh sống của đồng bào nghèo tại các vùng nông thôn xa; nếu so sánh nhà cửa của họ với ngôi nhà tồi tàn của người nông dân nghèo khổ, của các bần cố nông thời cải cách ruộng đất, chắc cũng như nhau. Nếu khá hơn cũng chỉ hơn đến gấp đôi, gấp ba là cùng. Hố cách biệt giàu nghèo ngày nay tăng lên gấp trăm, gấp ngàn lần so với thời 1950! Nếu có bất công tức là có bóc lột, thì ngày nay ai bóc lột ai?
Do đó, cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất sẽ gây tác dụng ngược. Thay vì “gây căm thù” đối với các địa chủ ngày xưa, cuộc triển lãm sẽ khiến người đi coi nghĩ tới các đại địa chủ thời nay. Một điều hiển nhiên ai cũng thấy: Sau khi Đảng Cộng Sản cướp ruộng đất từ tay các địa chủ, thì nông dân Việt Nam bây giờ có được làm chủ ruộng đất hay không? Câu trả lời là: Không! Ngày nay tất cả ruộng đất thuộc quyền của “nhà nước.” Nhà nước là tay đại địa chủ, nắm quyền cho dân “cấy rẽ,” cho ai thì người ấy được “quyền sử dụng,” chỉ là quyền sử dụng chứ không phải quyền sở hữu. Nhà nước là một bộ máy khổng lồ vô hình, nhưng đại diện của nó là các quan chức, cán bộ từ tỉnh xuống huyện, xuống xã. Họ nắm toàn quyền, ban bố quyền sử dụng cho đám dân đen. Họ có thể lấy lại quyền sử dụng của nông dân để ban phát cho các nhà tư bản đỏ, bồi thường dân một đồng thì thu lời hàng trăm đồng. Cả bộ máy nhà nước này nằm gọn trong tay Đảng Cộng Sản. Đảng là tay đại địa chủ thời nay. Đảng đưa ra khẩu hiệu “Người cầy có ruộng,” nhưng cuối cùng chỉ có đảng là có ruộng, nông dân Việt Nam vẫn đóng vay tá điền. Thay vì các địa chủ thu tô, ngày nay nông dân sống dưới chế độ đảng thu thuế. Báo chí trong nước vừa so sánh số thuế má, dưới nhiều hình thức, tại một tỉnh Thanh Hóa ngày nay còn nhiều hơn các món thuế nông dân phải đóng trong thời thuộc Pháp.
Một phản ứng ngược khác, là người đi xem triển lãm sẽ bất mãn thêm khi thấy đây chỉ là một trò tuyên truyền cũ kỹ, hoàn toàn không phải là lịch sử, dù được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia. Người biết suy nghĩ sẽ thấy, như Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, tại sao một cuộc triển lãm tự xưng là lịch sử mà lại không được trung thực. Ông nói, “... những sai lầm - tội ác do chính quyền gây ra thời đó không được đưa ra, những việc phá tan chùa, đình, miếu, làng, xã...làm phá vỡ những truyền thống đạo lý - văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam qua ngàn năm ...” cũng không được trưng bày ra.
Nhưng việc phá tan những miếu mạo, đình chùa cũng không phải là tội ác văn hóa lớn nhất của Đảng Cộng Sản. Ông Nguyễn Tường Thụy, một người làm blog riêng có tiếng ở Hà Nội đã nhắc đến tội ác khác về văn hóa, là cuộc Cải Cách Ruộng Đất “nó tàn phá luân lý đạo đức lúc bấy giờ” với những cảnh “cha tố con, con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau ...” Và ông nhấn mạnh rằng, “Cải cách ruộng đất là do người Trung Quốc, các chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo và cố vấn...” Một blogger khác, J.B Nguyễn Hữu Vinh đã đi xem triển lãm, kể lại, “Đi bên cạnh, cô thuyết minh viên áo đỏ (nói) liên tục: ‘Cải cách ruộng đất xóa bỏ chế độ người bóc lột người, là cách mạng về quan hệ sản xuất và nông dân đổi đời...’ Tôi quay lại nói, ‘Quan chức Cộng Sản ngày nay thì đất đai, nhà cửa, ăn chơi còn gấp trăm lần địa chủ phong kiến trước đây. Mà tất cả là từ tiền tham nhũng của dân, còn địa chủ phong kiến ngày xưa có ăn chơi cũng là tiền của họ. Bây giờ có ông quan hàng trăm ha đất như chủ tịch Bình Dương thì bọn địa chủ sao so được nhỉ?’”
Nguyễn Hữu Vinh trông thấy một nhiếp ảnh gia đi chụp các vật trưng bày trong phòng triển lãm, khi chụp hình xong, anh ta kết luận, “Thôi, cái hay, là chúng nó đưa ra để dân biết rằng cái giai cấp địa chủ, phong kiến ngày xưa chẳng là cái đ. gì so với bọn quan Cộng Sản tham nhũng hôm nay.” Một di họa văn hóa của thời Cải Cách Ruộng Đất vẫn để lại bóng đen lảng vảng trong xã hội Việt Nam: “Cái gọi là 'thành phần' xuất hiện trong thời đó, cho đến nay tròn 60 năm sau vẫn ám ảnh trong từng tờ hồ sơ, lý lịch của các em nhỏ đến trường, dù chúng chẳng hiểu “thành phần” nghĩa là cái gì và từ đâu ra.”
Cuối cùng, chỉ vì Đảng Cộng Sản tổ chức cuộc triển lãm tuyên truyền vô duyên này, những người như các ông J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ thật của người dân Việt thời nay. Rõ là chỉ làm cho rách việc thêm!
Tại sao Đảng Cộng Sản lại bày ra một trò tuyên truyền gây phản ứng ngược nhiều như vậy? Có thể chỉ vì các cán bộ trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử chẳng có việc gì làm cho qua thời giờ, cho nên họ mới bày vẽ ra cái cuộc triển lãm này. Hay là quý ông bà trong ban văn hóa tư tưởng của đảng đang lo khi chế độ sụp đổ thì mình thất nghiệp, nên cố gắng tô thêm son phấn lên mặt đảng một lần chót? Hoặc có thể đưa ra một giả thuyết táo bạo, rằng có người đã xúi giục họ tổ chức triển lãm để khiêu khích tất cả nông dân miền Bắc, những người đã đi biểu tình đòi ruộng, đòi đất trong những năm qua và bị ông đại địa chủ thời nay đàn áp dã man. Đặc biệt, họ muốn khiêu khích tất cả giới thanh niên, trí thức miền Bắc và đặc biệt là dân Hà Nội, xem có ai dám đứng ra “lật mặt nạ” của Đảng Cộng Sản hay không?
Mà việc lột mặt nạ thì không khó gì cả. Người ta không thể tổ chức một cuộc “phản triển lãm” về những tội ác của Đảng Cộng Sản trong vụ Cải Cách Ruộng Đất. Không thể trưng bày cảnh những người bị gán cho danh hiệu địa chủ bị chôn sống, thò đầu trên mặt đất để nhìn thấy lưỡi cầy kéo qua đầu mình cho tới khi chết. Cảnh này đã có thi sĩ Hữu Loan làm chứng, ông đã kể lại cho con cháu khỏi quên chuyện một địa chủ đã cấp gạo cho trung đoàn của ông trong thời kháng chiến bị hành hạ như vậy. Sau đó, tác giả Màu Tím Hoa Sim đã cưới cô con gái nhà địa chủ này, để đền ơn công cha mẹ cô nuôi dưỡng cả trung đoàn.
Không thể tổ chức triển lãm, nhưng giới thanh niên, trí thức Hà Nội có thể làm một cuộc triển lãm trên mạng. Một cuộc “phản triển lãm” đã xuất hiện trên các mạng ở Việt Nam. Blogger Lê Dũng đã chụp lại các bức ảnh trong phòng triển lãm rồi nêu ra những sai lầm, gian dối. Thí dụ, mấy ông già 60 nhận xét thời 1950 “Đũa nhựa và thìa phíp trắng chưa có!” Hoặc nhìn cái áo của “địa chủ” được trưng bày, có người thấy, “Áo trưng bày này là hàng fake [giả] 100 %. Vì “May bằng máy công nghiệp, viền cứng và thô, thời đó không có máy khâu đó. Đặc biệt áo dài thời đó hoàn toàn khâu tay, mũi khéo và mềm mại.” Đến một bức ảnh, “Bần cố nông làm gì có nồi đồng, có chiếu trải ra hè ăn cơm vậy?” một độc giả của Blog Lê Dũng góp ý “thời đó đã làm gì có modern áo đuôi tôm hả mấy ông giời con?” Một độc giả giấu tên khác nói thẳng: “Nói dối mà không biết ngượng sao, hỡi những kẻ lấy tay che mặt trời? Nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất vẫn còn đầy rẫy, hoặc con cháu họ sẽ lên tiếng. Hay đợi đấy!” Một độc giả ký tên Mượt viết, “Chết thật, dối lừa mãi thế sao?”
Lê Dũng kết luận, “Tóm lại tay nào sắp đặt cái ảnh này là dân vớ vẩn, không có tí kiến thức gì về lịch sử, am hiểu về đồ vật.” Và anh viết thêm, “Dù sao thì tôi vẫn nói với mọi người cùng xem rằng: việc có cái triển lãm này cũng hay, bọn trẻ sẽ tìm nốt nửa còn lại qua gúc gồ, thế thôi vì một nửa sự thật không phải là sự thật.”
Nửa thứ hai của sự thật đã được trình bày từ lâu. Bao nhiêu tác giả đã viết về cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Những tác phẩm mô tả tai họa Cải Cách sớm nhất là “Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương, “Ác mộng” của Ngô Ngọc Bội. Tiếp theo có “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, tiểu thuyết “Ba người khác” của Tô Hoài. Đặc biệt, cuốn “Đèn cù” của Trần Đĩnh gần đây nhất đã cho thấy vai trò của Hồ Chí Minh trong vụ giết bà Nguyễn Thị Năm, chính ông Hồ đã viết bài đăng báo buộc tội bà. Có thể đăng lại những đoạn văn của các tác giả trên, để “triển lãm cho mọi người được thấy sự thật về tội ác của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng trên các mạng đã xuất hiện những câu chuyện thực đau lòng hơn cả những cảnh trong tiểu thuyết. Một độc giả ký tên Lê Tri Điền kể trong Blog Lê Dũng những chuyện xảy ra thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất tại xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; chúng tôi trích vài chuyện: “Có một bà tên Chấn, không hiểu bùa phép nào của đội cải cách mà lên trước ‘ tòa án nhân dân’ nắm râu bố đẻ mà vặt rồi rít lên: Thằng Thể (tên bố bà Chấn)...mày là....mày là...” (bà Chấn sau này ân hận vì tội lỗi với người cha thân yêu của mình nên trở thành người trầm cảm, bà chết vào khoảng năm 1989 trong đói nghèo cô độc). Một chị con gái kể: Tôi thương cha tôi lắm, hắn bắt cha tôi, thúc vô rọ lợn rồi chúc ngược cha tôi đầu cắm xuống đất, tôi lén đem cơm cho cha thấy mặt cha đỏ tím tụ máu sưng tròn như chấy bưởi, cha tôi nói con đi đi! Không du kích biết thì khổ, cha không ăn được cấy chi mô, tôi còn nhỏ quá, chả biết cha có tội chi, thương cha quá mà không dám khóc...” Cuộc phản triển lãm vẫn còn tiếp tục. Dân Hà Nội không để cho người ta khinh thường, bày trò tuyên truyền rẻ tiền trước mắt mình mãi như vậy.
Một người bạn tôi mới trò chuyện với một bà chị lớn tuổi ở Hà Nội qua điện thoại, nhân tiện hỏi, “Chị đi xem cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất tại Bảo Tàng Lịch Sử chưa?” Bà chị trả lời, “Xem làm cái gì? Chúng nó hết khôn dồn ra dại hay sao mà lại đi chọc “c...” ra mà ngửi với nhau như thế hở!”
Đúng là hết khôn dồn ra dại cho nên mới đi chọc Cải Cách ra mà ngửi. Khi một chế độ lâm vào bước đường cùng thì nó mới sinh ra những trò dồ dại, ngớ ngẩn, lung tung beng như vậy.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

Kỷ vật của người bị chết oan

Ngôi từ đường họ Mai làng An Hạ vừa được sửa lại sau bao năm bị trưng dụng làm kho chứa phân hóa học của hợp tác xã. Trong buổi dâng hương khánh thành, mọi người vui mừng đón một người của dòng họ gần năm chục năm mới trở về. Người đó là Mai Hiếu. Ngày ông bỏ làng đi, mới mười ba tuổi, nay đã bước sang tuổi sáu ba, mái tóc đã bạc trắng…
Nghe tin ông Hiếu về, người họ Mai đến mừng. Nhiều người làng An Hạ cũng tò mò đến. Họ được biết ông Mai Hiếu là con của ông Mai Trung - người bị xử bắn oan ức năm chục năm trước. Ông Hiếu bỏ làng ra đi trong tâm trạng đớn đau, nỗi lòng chất chứa biết bao trắc ẩn, có mang theo kỷ vật của ông cha.
Lúc chuẩn bị tế vong linh tổ tiên, ông bà và cô bác… dòng họ Mai, ông Trưởng họ Mai nói với ông Mai Hiếu:
- Từ ngày chú đi, ở nhà bà con trong họ, giỗ Tết vẫn thờ cúng ông bà thân sinh chú. Hiềm nỗi không có tấm hình nào của ông, nên bài vị đành để trống. Nghe nói chú còn giữ được hình và kỷ vật của ông?
Ông Mai Hiếu gật đầu,mở va li, lấy ra một chiếc hộp gỗ nhỏ. Trong chiếc hộp ấy, có tấm hình ông Mai Trung, và một lá cờ đỏ búa liềm lớn bằng một vuông khăn có bốn chữ viết bằng máu: “Đảng ơi, cứu con!”
Ông Mai Hiếu rưng rưng kể:
- Thưa bác cả với bà con trong họ, đây chính là kỷ vật mà bố tôi để lại. Hơn nửa thế kỷ rồi, tôi vẫn ôm hận trong lòng!...
Ông Hiếu không nói được hết lời, ôm mặt khóc.
Mọi người lặng lẽ nhìn tấm hình ông Mai Trung và những chữ ông viết bằng máu trên lá cờ, rồi òa khóc theo ông Mai Hiếu…
Hơn nửa thế kỷ trước…
Một buổi trưa tháng sáu. Tiếng kẻng khua gắt gỏng, mọi người vội vã buông đũa bát xuống mâm cơm chưa kịp ăn, lập cập ra đình làng. Con đường đất gan gà nóng bỏng, người nọ nhìn người kia, dò xét, rồi cắm cúi bước đi trong bộ quần áo nâu bạc phếch, vá chằng vá đụp, đội chiếc mê nón không vành te tua trên đầu… Từ ngày cải cách ruộng đất, những cuộc tập trung đấu tố địa chủ cứ liên miên. Nghe kẻng là dân làng phải tập trung, bất kể sớm, trưa, mưa, nắng. Dân làng dần dần quen chịu nhẫn nhục vì luật lệ hà khắc của đội cải cách ruộng đất. Nhiều người phải dùng cả mánh lới ăn cơm độn, cháo loãng, mặc rách rưới để hòa vào tầng lớp cố nông.
Buổi trưa ấy, Đội cải cách ruộng đất mở phiên tòa đấu tố ông Mai Trung - con cụ Mai Phúc, giàu nổi tiếng làng An Hạ. Gia đình ông có tới bốn chục mẫu “thượng đẳng điền”, mấy chục gian nhà ngói, vài chục con trâu.

Cụ Mai Phúc là nhà nho, tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học, bị thực dân Pháp bắt đi đày tận Angieri. Ông Mai Trung, giác ngộ Cách mạng vào Đảng Cộng sản, làm Bí thư Đảng ủy kiêm xã đội trưởng hồi chín năm kháng chiến, em trai ông đi thoát ly làm tới chức Vụ trưởng ở Bộ Công an…
Nhưng khi cải cách ruộng đất, gia đình ông vẫn bị qui là địa chủ. Đợt một, ông Trung là “địa chủ kháng chiến”. Đợt hai, họ moi ra ba đời trước, rồi qui lên “Địa chủ cường hào gian ác”.
Cả nhà ông Trung đều bị quản thúc, mỗi người một nơi, không cho gặp nhau. Ông Trung bị giam lỏng để lấy cung.
Cách đấy mấy ngày, ông Trung trốn sang nhà tôi được một lúc. Bố tôi nói với ông:
- Năm nay chú bốn chín, cẩn thận kẻo nguy!
Ông Trung nhếch mép, cay đắng:
- Chín năm vào sinh ra tử không chết, chả nhẽ giờ chết dưới tay Đội Cam?
Bố tôi nói:
- Chó dữ cắn càn! Chú phải cảnh giác!
- Chả nhẽ lại đào bem như chín năm? - Ông Trung nói xong nhếch mép cười, rồi than hai đầu gối bị mưng mủ đau nhức quá!...
Bố tôi nhìn hai đầu gối ông Trung, hỏi:
- Sao thế chú?
Ông Trung đáp:
- Nó bắt quỳ lên đống mảnh chai!...
Ông Trung lắc đầu thở dài, đắn đo một lúc, rồi lấy ra lá cờ Đảng đang giấu trong người… Ông nói với bố tôi:
- Tôi đã báo với Đảng tình hình nguy cấp ở ta hiện nay. Đội cải cách lộng hành quá! Nhiều oan ức quá rồi!... Tôi đã viết mấy lá thư mà chưa có ai trả lời. Nay đành lấy máu viết lên cờ Đảng kêu oan vậy. Chú tìm cháu Hiếu, bảo nó lên Hà Nội gấp, gặp chú Dũng giúp tôi…
Bố tôi gật.
Ông Trung đưa lá cờ Đảng cho bố tôi, nói như trăn trối:
- Anh em mình cùng lăn lộn với nhau suốt chín năm, giờ mỗi người một ngả!...
Bố tôi tìm được Mai Hiếu đang bị cách ly ở xóm Trại, ông đưa lá cờ Đảng cho Mai Hiếu. Giấu lá cờ vào cặp sách Hiếu trốn lên Hà Nội ngay đêm ấy.
Sáng sớm hôm sau, đội quân cốt cán bắt trói ông Trung mang đi. Và trưa nay mang ra xử.
Dưới cái nắng như đổ lửa, mấy trăm người làng An Hạ ngồi bệt xuống cái sân gạch, dự phiên đấu tố ông Trung.
Tiếng trống ếch thập thình… Rồi tiếng hô khẩu hiệu: “Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác” rõ dần…
Lúc sau, một đoàn thiếu nhi nhễ nhãi mồ hôi mang băng cờ, rước Đội cải cách ruộng đất đến sân đình.
Đi đầu là Đội trưởng Lê Cam.
Năm ấy, Lê Cam mới ba mươi tuổi, người bé loắt choắt, khuôn mặt lầm lầm, dữ tợn. Cam đi bộ đội được mấy tháng thì hòa bình lập lại, nhờ lý lịch ba đời nghèo khổ, phải làm mõ, nên được chọn làm cán bộ cải cách ruộng đất. Từ khi về làng, Lê Cam tổ chức đấu tố liên miên, bắt hết người này đến người khác.
Lê Cam vốn rất mặc cảm vì mình sinh ra trong một gia đình làm mõ. Ngay từ hồi bé, Lê Cam đã oán ghét người không cùng cảnh với mình. Sự oán ghét ấy lớn lên, đóng vảy trong trái tim bệnh hoạn của Lê Cam biến thành hận thù. Nên bây giờ có quyền trong tay, Lê Cam trả thù một cách hả hê…
Đi sau Cam là Làn, con gái lão Tơn, cũng từng làm mõ.
Làn vừa được kết nạp Đảng, là cốt cán của đội cải cách, ngày đêm họp hành, ăn ở với Cam. Nhìn cái bụng lùm lùm của ả, mấy bà nguýt:
- Chửa đã bốn năm tháng rồi đấy!
Kế đến là Tập “nghễnh ngãng”, là Dựa “chột mắt” và Rính “đẹn”… Tất cả họ đều là thành phần cố nông, vừa mới được chia quả thực hạng A, nhà cửa, giường chiếu, mâm đồng, bát nhang, chủi cùn rế rách… tịch thu của các địa chủ.
Đội Cam và ban chỉ huy bước lên khán đài làm bằng tre, quây cót chung quanh.
Cam ngồi chính giữa cái khẩu hiệu đỏ chói: “Thẳng tay trừng trị bọn địa chủ cường hào gian ác!”
Phía sau khán đài có cây đa cổ thụ. Trước kia bọn trẻ hay leo trèo lên lấy nhựa đa nhai như kẹo mạch nha, và hái những quả đa chín mọng. Từ ngày cải cách ruộng đất, gốc đa trở thành chỗ xử bắn địa chủ, cường hào. Thân cây đa lỗ chỗ những vết đạn…
Đội Cam đưa cặp mắt ti hí đảo xuống sân, thấy đã kín kín người, mới phẩy tay ra lệnh:
- Cho tên Mai Trung vào!
- Rõ!
Năm du kích: ba nam, hai nữ khoác súng, kéo lê ông Mai Trung từ gốc đa vào… Người ông quắt lại nhỏ thó, mái tóc bạc trắng. Ông bị trói quặt hai cánh tay lại sau lưng, quần áo rách bươm, chìa mảng sườn bầm tím và hai đầu gối sưng mọng…
- Quỳ xuống! - Một du kích ra lệnh.
Ông Trung nói:
- Đầu gối tôi đau quá! Không quỳ được nữa!...
Tay du kích lấy mũi súng chọc vào sườn ông:
- Ngoan cố hả? - Rồi y ấn ông Trung xuống.
Đội Cam cầm mảnh giấy ghi danh sách tố khổ, gọi:
- Phạm Thị Xắng?
- Dạ! Có tôi!
Sau tiếng nói như hét lanh lảnh ở giữa sân ấy, mụ Xắng đứng phắt dậy, giật chiếc khăn vuông đội đầu cho mái tóc sổ tung, rồi te te chạy lên…
Mụ Xăng kéo cao cạp quần, chìa hai bắp chân nần nẫn, xỉa xỉa tay vào tận mặt ông Trung, gầm gừ:
- Mày có nhớ đã hãm hiếp bà bao nhiêu lần không?
Dân làng An Hạ, chẳng lạ gì mụ Xắng? Mới hai bảy, hai tám tuổi mụ đã ba đời chồng, nổi tiếng dâm đãng, lăng loàn. Thế mà đấu tố ai, Đội Cam cũng gọi mụ Xắng lên, để mụ vu cho tội hãm hiếp.
Vì muốn được chia quả thực, mụ Xắng trơ trẽn không còn biết nhục nhã, đê tiện là gì…
Sau mụ Xăng là Phới - một thanh niên chưa đầy hai mươi tuổi. Phới kể tội ông Trung bắt mình ngủ với trâu suốt đời.
Phới vừa ngừng lời, Đội Cam gọi tiếp: “Dựa chuột”, “Rính đẹn” lên.
Những người dân này vốn hiền lành, chất phác, giỡ bỗng trở nên điêu ngoa, dữ dằn. Họ xỉa tay vào mặt ông Trung, tru tréo, bảo chính ông trộn cơm vào cát bắt họ ăn…
Lão tập tai bị nghễnh ngãng từ bé, nhảy lên đấm vào mặt ông Trung mấy cái liền, rồi hỏi:
- Mày có biết tại sao tao bị điếc không?
Ông Trung trả lời:
- Ông bị điếc từ bé!...
Lão Tập hét:
- Láo! Tao điếc vì mày! Chính mày đã lấy chiếc dùi nung đỏ xuyên qua hai lỗ tai tao…
Mặt trời xiêu xiêu về hướng Tây, đất và không khí càng rát bỏng hơn. Mấy người ngồi dưới sân say nắng ngã lăn quay.
Ông Trung quắt queo như tàu lá héo.
Mấy du kích dựng ông dậy, kẹp chặt hai bên cho khỏi đổ xuống sân.
Đội Cam gọi một hơi hết danh sách hai chục người lên vạch tội ông Mai Trung, mà không cho ông Trung nói lời nào. Sau đó Cam đứng lên đọc một bản luận tội, vỏn vẹn hai phút. Rồi nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên án xử tử hình ông Mai Trung.
Đội Cam nghênh ngang hỏi dân làng:
- Ai đồng ý giơ tay?
Không biết có bao nhiêu cánh tay đồng tình hoặc miễn cưỡng giơ lên giữa bầu không khí hừng hực, nhoáng nhoàng, quay quắt, loa lóa nắng hè.
Ông Trung hét lên:
- Bà con ơi! Tôi không có tội! Tôi bị oan!...
Dường như chẳng ai nghe thấy tiếng ông Trung. Hàng trăm con người kẻ say nắng, kẻ oán thù, kẻ khinh sợ, hỗn độn sà quần như đàn kiến trong chiếc chảo nóng hừng hực.
Nhưng ông Trung vẫn cố lấy hết sức giãy dụa, quằn quại trong cơn tuyệt vọng để kêu cứu: “Đảng ơi, cứu con! Đảng ơi!...”
Nghe ông Trung nhắc đến Đảng, Đội Cam càng sôi máu vì cảm thấy bị xúc phạm. Bởi từ khi về làng, Cam đã khai trừ ông Trung ra khỏi Đảng rồi.
Đội Cam nhảy phắt từ khán đài xuống, thét du kích:
- Bịt miệng nó lại!
Lão Tập sấn tới chộp lấy cổ ông Mai Trung bóp chặt. Ông lão nghẹn thở há miệng… Một tay du kích lấy thanh tre thọc qua hai hàm răng ông Trung như đóng hàm thiếc ngựa.
Xong, họ lấy chiếc đòn càn, khiêng ông ra, trói vào gốc đa.
Đội Cam lạnh lùng hô:
- Bắn!
“Đoàng! Đoàng! Đoàng!...”
Năm du kích bắn, chỉ có ba viên đạn nổ.
Đội Cam sấn tới, giằng khẩu súng không nổ trong tay cô nữ du kích, lên đạn rồi tiến đến sát ông Trung, nghiến răng bóp cò. “Đoàng!” Viên đạn xuyên vào ngực ông Trung, máu phun cả vào mặt Cam…
Nhưng ông Trung vẫn chưa chết hẳn, ông giãy giụa, chiếc hàm thiếc bị bung ra… ông rướn người hô:
- Đảng ơi!... Cứu con!...
Đội Cam trở ngược cây súng, dọng liên tiếp những báng súng vào đầu nạn nhân!... Máu và óc ông bết vào báng súng…
Ông Trung gục xuống, chết hẳn.
Lúc đó, có một chiếc xe môtô ba bánh cũ kỹ, từ hướng Hà Nội chạy về tới ngã ba đầu làng… Nghe tiếng súng nổ, người đàn ông mặc bộ quân phục công an giật mình, nhảy xuống, hỏi bà cụ Phối bán nước chè:
- Họ vừa bắn ai đấy bà?
Bà Phối đáp:
- Họ bắn cái nhà bác Trung ở xóm đình đấy ông ạ! Gớm! Sao mà họ ác thế không biết!?
Người đàn ông mặc quân phục thất sắc, bảo người lái xe:
- Muộn rồi! Quay lại thôi, đồng chí ơi!...
Đó là ông Mai Dũng em ruột ông Mai Trung. Thì ra Mai Hiếu trốn lên Hà Nội tìm gặp ông Dũng để đưa lá cờ Đảng viết bốn chữ bằng máu kêu oan của ông Trung. Nhờ lá cờ thấm máu ấy, và những lá thư kêu oan trước, ông Dũng đã xin được một lệnh khẩn hoãn xét xử ông Trung. Ông Dũng hộc tốc về làng, nhưng đã muộn!...
Tấm ảnh ông Trung đã bị mờ, nhưng mọi người vẫn nhận ra khuôn mặt phúc hậu.
Những người cùng thời với ông còn sống, kể lại ông Trung đã phát canh, nhưng không thụ tô gần hết ruộng đất tổ tiên để lại, và đã góp vào “tuần lễ vàng” hàng trăm thùng thóc.
Thời kỳ kháng chiến chín năm, ông là một xã đội trưởng gan góc, có lần tên quan ba ở bốt Vũ Hạ đã treo giải đầu ông với giá 50 lượng vàng.
Khi còn sống, bố tôi cũng hay nhắc đến ông Mai Phúc, rồi nói: “Cụ Phúc là nhà nho nên đặt tên con kỹ lắm, Trung là người trung hậu!”
Các vị đầu ngành trong họ Mai họp bàn tìm cách giải quyết kỷ vật ông Trung để lại. Có người nêu ý kiến đóng khung kính lá cờ có bốn chữ ông Mai Trung viết bằng máu để bên hình ông. Nhưng rồi mọi người nhất trí nên hóa vàng cho hương hồn ông Trung thanh thản siêu thoát, và con cháu sau này khỏi phải thấy hình ảnh đau lòng!...
Bữa tiệc dâng hương đang vui, bỗng có tiếng xôn xao ngoài ngõ. Mấy cháu thanh niên nhìn ra, cười nói hô hô:
- Ồ! Lão Cam đến kìa!...
Lão Cam đến thật. Đầu tiên là cái đầu trọc lóc nhô lên, rồi đến cái thân hình loắt choắt lách qua cổng…
Mấy năm nay, hễ nghe chỗ nào có động đũa động bát là lão mò tới. Mưa bão chết cò lão cũng chống gậy đi. Lão vẫn diện chiếc quần kaki màu phân ngựa, chiếc áo bốn túi cài đủ khuy… Tám mươi tuổi, lão đã lẩm cẩm lắm rồi, nhưng vẫn cứ khinh người, nói năng bỗ bã:
- Ông Việt kiều Mỹ mới về đâu rồi!... Cỗ to quá nhỉ! Hì… hì…
- Rồi lão chả thèm đợi ai mời, lách mình vào giữa chiếu ngồi chén tự nhiên.
Không ai thèm chấp lão. Lão già rồi. Vả lại con lão - cái đứa năm mươi năm trước mới lùm lùm trong bụng mụ Làn - giờ chỉ làm cái anh trưởng thôn thôi, mà cũng hách lắm! /.
Minh Diện
(Blog Bùi Văn Bồng)

Nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” nếu cấm bán bia

Dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh bia vừa được công bố trên website của Bộ Công thương sẽ có nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” nếu quy định cấm bán bia cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú…

Người bán và mua đều gặp rắc rối
Tại Điều 16 của dự thảo Nghị định quy định các hành được coi là vi phạm về sản xuất, kinh doanh bia, trong đó có hành vi kinh doanh bia tại vỉa hè và hành vi bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu. Cơ quan soạn thảo là Bộ Công thương đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động rằng, nếu người uống quá mức, uống không đúng chỗ các sản phẩm bia sẽ gây ra những tác hại về sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả công việc và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, gây tai nạn giao thông… Một phần lý lẽ của việc ban hành quy định là vậy nhưng đi sâu phân tích quy định này, có khá nhiều bất hợp lý.
Nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” nếu cấm bán bia

Dưới góc độ y học, ông Nguyễn Trọng An, chuyên gia cao cấp bảo vệ chăm sóc trẻ em, nguyên phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho rằng: “Đúng là uống rượu bia sẽ có tác hại như làm chậm quá trình thụ thai, thai nhi yếu, trẻ sinh ra có thể bị tăng động, giảm thiểu trí nhớ; phụ nữ cho con bú uống bia sẽ gây mùi khó chịu trong sữa… Nhưng nếu cấm bán bia cho người đang có thai, cho con bú sẽ gây rắc rối cho người bán vì bằng mắt thường, với trình độ của người bán hàng rất khó nhận biết ai đang có thai, ai đang cho con bú, ai đang lạm dụng rượu. Chỉ có trường hợp phụ nữ có thai nhiều tháng hay người uống rượu say có hành động bất thường thì may chăng mới biết được".
Không chỉ người bán mà người mua cũng sẽ gặp những tình huống phiền toái. Chị Đặng Hồng Minh ở phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội băn khoăn: “Cơ quan soạn thảo đã tính đến tình huống một người phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú đi mua bia nhưng chỉ mua cho người thân, bạn bè uống nhưng vẫn bị từ chối bán chưa? Để mua được thì họ phải chứng minh như thế nào trong trường hợp này. Thật là quá bất tiện!”
Tại cuộc họp góp ý kiến cho dự thảo này vừa qua,bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Vụ pháp chế Bộ Giao thông -Vận tải đã nói lên băn khoăn chung của không ít người rằng: “Muốn quản lý hiệu quả phải dựa trên nguyên tắc rõ ràng chứ không phải đưa ra các quy định hời hợt rồi đòi cấm. Như vậy, dư luận sẽ cho rằng Nhà nước không quản được thì cấm cho nhanh, người dân, doanh nghiệp họ không phục. Nếu quy định mà chưa kiểm soát được thì nên tạm thời bỏ ra khỏi dự thảo”.
Vì vậy, thay vì cấm bán bia cho phụ nữ có thai, đang cho con bú… một cách khiên cưỡng như trên, nhiều người cho rằng chỉ nên tuyên truyền, giáo dục cho người dân việc sử dụng rượu bia gây tác hại như thế nào với sức khỏe chứ không nên cấm sẽ gây nhờn luật vì bất khả thi.
Không thuộc thẩm quyền
Về nội dung dự thảo cấm bán bia trên vỉa hè, tại cuộc họp nghe các góp ý cho dự thảo mới đây, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công Nghiệp (Bộ Công thương) khẳng định, việc cấm bán bia trên vỉa hè có tính khả thi cao và dựa trên ý thức của người dân và từng địa phương. Theo lập luận này, có lẽ cái dễ nhìn thấy nhất khi dẹp các quán bia vỉa hè là trả lại mỹ quan đô thị, trả lại vỉa hè dành đi cho người đi bộvà kéo theo đó, giảm được nhiều tệ nạn, hậu quả xấu khác cho xã hội.
Tuy nhiên, nhìn sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, văn hóa ẩm thực đường phố trong đó việc uống bia ở vỉa hè rất phát triển nhưng họ không cấm, thậm chí còn khuyến khích phát triển nhưng là sự phát triển được định hướng theo hướng văn minh, lịch sự. Ở Việt Nam cũng đã từng quán cà phê vỉa hè với lịch sử ra đời phát triển hơn trăm năm tại khách sạn Metropole trên phố Ngô Quyền, Hà Nội. Không gian uống cà phê rất yên tĩnh và người uống cũng rất lịch sự. Điều này có nghĩa, văn minh, trật tự hay không, không phải do địa điểm thực hiện mà tất cả đều do cách thức quản lý của chính quyền và ý thức thực hiện của người dân. Những người xây dựng Nghị định có tiên liệu được khi thị trường vẫn tồn tại quy luật “cung - cầu” thì ắt sẽ nảy sinh ra cái gọi là “hoạt động chui”?. Khi đó, việc dẹp bỏ những hoạt động kinh doanh chui này còn khó khăn, tốn kém, tệ nạn hơn gấp nhiều lần việc quản lý hoạt động vào khuôn khổ. Vì vậy, thay vì coi “mối nguy” bán bia vỉa hè thì hãy biến nó trở thành một nét văn hóa văn minh bằng cách đưa ra chính sách quản lý thích hợp, tạo ra những tiêu chuẩn chung, những điều kiện hoạt động và chỉ những cơ sở không đáp ứng được các điều kiện, các tiêu chuẩn đó thì mới cần phải nghiêm khắc xử lý.
Dưới góc độ luật pháp, việc quy định cấm bán bia ở vỉa hè cũng không đúng thẩm quyền ban hành. Về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: “Theo quy định tại Điều 1, Nghị định 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2012 thì: “Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại”. Hoạt động buôn bán, sản xuất hàng hóa, thương mại trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh bia là lĩnh vực do Bộ này quản lý. Trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình, Bộ Công Thương có thể ban hành các quy chuẩn, điều kiện để sản xuất bia và kinh doanh dịch vụ bia. Tuy nhiên, việc cấm bán bia ở vỉa hè thì lại là vấn đề khác. Vỉa hè, lòng đường không là “địa bàn” của Bộ Công thương mà thuộc cơ quan quản lý nhà nước khác. Lĩnh vực này thuộc Bộ Giao thông - Vận tải quản lý chung, ở cấp tỉnh và huyện phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố và ngành giao thông vận tải cấp tỉnh, huyện đó cùng Công an các cấp được phân công trực tiếp quản lý. Vì thế, dự thảo “cấm bán bia vỉa hè” mà Bộ Công thương đưa ra đã “lấn quyền” với cơ quan nhà nước khác”.
Có thể nói, khi ban hành một quy định pháp luật, bên cạnh tính cấp thiết thì cơ quan ban hành phải lường trước được tính khả thi. Dù văn bản pháp luật đáp ứng được tính cần thiết nhưng nếu nó không có tính ứng dụng thì mãi mãi chỉ là những quy định trên giấy. Vì vậy, dự thảo quy định cấm bán bia nêu trên cần được cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ.
THANH QUÝ 
(Nhân dân) 

Suy tư về Phong Trào Chúng Tôi Muốn Biết


Luật Sư Đào Tăng Dực
Constitution Hill 11/9/14

Trong mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng Việt Nam chứng kiến một trong những biến cố mang tính sáng tạo, nhiều ẩn dụ và gây cấn nhất lịch sử mạng. Đó là sự ra đời của Phong Trào Chúng Tôi Muốn Biết dưới sự điều hướng của Mạng Lưới Bloggers Việt Nam (MLBVN), một tổ chức xã hội dân sự do cá nhân các công dân và độc lập đối với hệ thống thông tin do nhà nước tài trợ và đặt dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN).

Thông điệp đơn giản và thông minh của phong trào đã lan tràn như lửa cháy rừng hoang. Thông điệp này như sau:

Chúng tôi, nhân dân muốn chính quyền (tức CSVN) thông tin cho chúng tôi biết những quyết định ảnh hưởng đến quốc gia, nhất là nội dung của thỏa hiệp riêng giữa các đảng CSVN và CSTQ tại Hội Nghị Liên Đảng Thành Đô năm 1990.

Tại hội nghị ô nhục này, cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Nguyên Thủ Tướng Đỗ Mười và Cố Vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Phạm Văn Đồng đại diện cho CSVN

Nguyên Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và nguyên Thủ Tướng Lý Bằng đại diện CSTQ.

Quảng đại quần chúng tại Việt Nam biết rằng, trong hội nghị này, với sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và toàn khối cộng sản Đông Âu, CSVN đã bán nước Việt Nam cho Trung Quốc, hầu mua chuộc sự ủng hộ của Trung Quốc để tiếp tục nắm quyền lực tại Việt Nam.

Tầm mức của tác động bán nước này có thể từ nhượng các vùng đất và biển đến sự sát nhập lâu dài quốc gia Việt Nam vào Trung Quốc, như là một tỉnh hoặc vùng tự trị, ngang hàng với Tây Tạng hoặc Nội Mông.

CSVN dấu kín như bưng nội dung của hội nghị này, không cho quần chúng biết. Dưới chế độ luật lệ khắc khe về bí mật nhà nước và công an trị, mọi đối lập đều bị dập tắt không thương tiếc.

Bây giờ, những công dân còn quan tâm đến vận mệnh quốc gia đều biết rằng, sau Hội Nghị Thành Đô, CSVN, qua Quốc Hội bù nhìn, đã ra sắc luật hoặc đồng ý nhượng một phần Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và hằng chục ngàn cây số vuông Vịnh Bắc Việt cho Trung Quốc.

Thêm vào đó, các phản ứng yếu ớt và buồn cười của CSVN trước sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và thềm lục địa Việt Nam là những chỉ dẫn cho thấy bản chất phản quốc của tác động bán nước này.

Tại sao Phong Trào Chúng Tôi Muốn Biết có thể đi thẳng vào tim óc của người dân Việt?

Lý do có thể một phần phát xuất từ mạng lưới toàn cầu. Thật vậy, trong vòng hai thập niên, mạng lưới này đã đem lại rất nhiều hiểu biết và quyền lực cho người dân. Người dân muốn biết bỡi vì họ ý thức rằng, chỉ cần như là nhân dân, là họ đã sinh ra và được ban bố cho quyền được biết.

Họ cũng biết rằng quyền được biết này đã được khắc ghi trong hiến pháp của mọi quốc gia dân chủ trên thế giới, từ nhiều thế kỷ, trên cả hai bình diện pháp lý lẫn định chế, và nhân dân của các quốc gia này đã hưởng thụ quyền này một cách trọn vẹn.

Có lẽ biểu đạt tốt nhất về sự quan trọng của quyền người dân được biết được tìm thấy trong đoạn văn trích dẫn sau đây từ James Madison, vị Tổng Thống thứ Tư của Hoa Kỳ:

“Một chính quyền của nhân dân mà không có thông tin cho nhân dân, hoặc phương tiện hầu nhân dân có thông tin, chỉ là nhập đề cho một tấn tuồng dối gạt hoặc một thảm họa hoặc có thể cả hai. Sự hiểu biết sẽ thống trị sự ngu dốt vĩnh viễn: Và một dân tộc muốn làm chủ vận mệnh của mình, phải trang bị cho chính mình quyền lực mà sự hiểu biết có thể đem lại.” (Thư viết cho W.T. barry 1822)

Quyền được biết này là một thành phần của một ý niệm kép làm nền tảng cho các chính quyền dân chủ: minh bạch và trách nhiệm.

Trong khi minh bạch trong chính quyền tìm được cảm ứng lập tức với quyền được biết của nhân dân, ý niệm này sẽ không thể bền vững trừ phi chính quyền phải chịu trách nhiệm. Có nghĩa là, trừ phi chính quyền chịu trách nhiệm trước một cơ chế quyền lực cao hơn, có thực quyền để giới hạn những lạm dụng có thể xảy ra.

Tại Hoa Kỳ, dưới hệ thống chính quyền theo tổng thống chế, khái niệm phân quyền hàng ngang của Montesquieu được áp dụng. Tổng thống nắm quyền hành pháp, chịu trách nhiệm không những với Quốc Hội (giữ quyền lập pháp và trong quốc hội có những dân biểu và thượng nghị sĩ của cả chính quyền lẫn đối lập như là những thành phần chính đáng) và Tối Cao Pháp Viện (giữ quyền tư pháp độc lập), mà còn chịu trách nhiệm với một hệ thống báo chí truyền thông tư nhân hùng mạnh và phồn vinh, điều hướng xã hội dân sự và thông tin trực tiếp với nhân dân về bất cứ hành vi sai trái nào của chính quyền.

Tại các quốc gia dân chủ theo quốc hội chế, như Vương Quốc Anh hoặc Úc Đại Lợi, mặc dầu nguyên tắc phân quyền của Montesquieu không được áp dụng triệt để, nhưng những nguyên tắc chịu trách nhiệm tương tự cũng hiện hành và sự hiện hữu của một phe đối lập chính thức trong quốc hội điền khuyết cho sự thiếu vắng phân chia quyền lực giữa hành pháp và lập pháp.

Câu hỏi là: tại sao quyền dược biết của nhân dân là vấn đề tại Việt Nam?

Câu trả lời nằm nơi di sản xã hội chủ nghĩa của dân tộc.

Một cách phiến diện, hiến pháp 2013, trên bình diện pháp lý, đề cập đến những nguyên tắc nền tảng tìm thấy trong những nền dân chủ chân chính, như tam quyền, quyền bầu cử, tự do kinh doanh và kinh tế thị trường. Tuy nhiên đó chỉ là trò hề lừa gạt. Hiến pháp này cũng khắc ghi những khái niệm triệt tiêu những nguyên tắc dân chủ căn bản đó. Thật vậy, điều 4 trao độc quyền chính trị cho đảng CSVN, khái niệm tập trung dân chủ lạ lùng của Lenin buộc mọi cơ cấu hạ tầng phải phục tùng quyền lực của trung ương, Mặt Trận Tổ Quốc chọn ứng cử viên trước khi bầu cử dùm cho đảng CSVN, doanh nghiệp nhà nước ưu thắng doanh nghiệp tư nhân và kinh tế phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nếu chúng ta suy tư thêm về câu trích dẫn của James Madison, thì hình như câu này đưa đến kết luận rằng quyền được biết của nhân dân biến thiên thuận chiều với các quyền tự do dân chủ. Dân chủ càng cao thì sự hiểu biết của người dân về các quyết định của chính quyền càng rộng mở.

Chính vì thế, câu hỏi tiếp theo là: phải làm gì để đem lại dân chủ cho Việt Nam?

Hầu để cho dân chủ và dĩ nhiên quyền được biết của nhân dân được hình thành, chúng ta phải có, không những sự công nhận vô điều kiện trên pháp lý những nguyên tắc dân chủ, mà quan trọng không kém, những định chế dân chủ phải được hình thành.

Dưới sự cai trị của CSVN, những định chế như thế hoàn toàn bị cấm đoán. Không có chính đảng đối lập nào để chất vấn các quyết định của CSVN, đảng và chính quyền là một, không có tư pháp độc lập, không có ủy ban bầu cử độc lập và không có bầu cử độc lập.

Các ứng cử viên được Mặt Trận Tổ Quốc chọn trước, CSVN kiểm soát ba ngành của chính quyền, mọi cơ quan truyền thông là của chính quyền và do chính quyền tài trợ. Trong những điều kiện như thế, thay vì minh bạch và có trách nhiệm, nhà nước Việt Nam mờ đục và vô trách nhiệm.

Dựa theo lời của Lord Acton, quyền lực lũng đoạn và quyền lực tuyệt đối lũng đoạn tuyệt đối. Đảng CSVN thối nát tham nhũng tận răng. Toàn dân đều biết đảng CSVN đã bán chủ quyền quốc gia cho đảng CSTQ, hầu mua chuộc quyền lực chính trị và ngân lượng cho lãnh đạo đảng.

Tầm mức của sự bán nước này chắc là vô cùng sâu thẳm và với sự vươn lên của thời đại tin học, nhân dân muốn biết. Tuy nhiên, sự hiểu biết này chỉ đến với nhân dân qua xác chết của đảng CSVN và hàng ngũ lãnh đạo cao nhất. Bây giờ họ đang chiến đấu để bảo vệ sự sống còn.

Thế kỷ 21 hứa hẹn một cuộc chiến hoành tráng giữa nhân dân Việt Nam và đảng CSVN liên hệ đến vấn nạn quyền hiểu biết thông tin của nhân dân.

Và khi người dân thực sự biết, thì đảng CSVN đã cáo chung và chui tuột vào thùng rác của lịch sử, nói theo từ của chính Vladimir Ilich Lenin vậy.
Luật Sư Đào Tăng Dực
Constitution Hill 11/9/14 

Triển lãm về 'Cải Cách Ruộng Đất' chết yểu (?)

HÀ NỘI (NV) .- Ban Tổ chức triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội thông báo quyết định “tạm đóng cửa” cuộc triển lãm này vì “sự cố về ánh sáng”.

Dân bị nhà nước cướp đất, bị chặn không cho vào xem triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội (Hình: FB Bạch Hồng Quyền)

“Sự cố về ánh sáng” xảy ra hôm 11 tháng 9, sau khi hàng trăm người bị nhà cầm quyền các địa phương cưỡng đoạt nhà cửa, đất đai, từ nhiều nơi ở Việt Nam tìm về Hà Nội khiếu kiện, đổ đến và ngỏ ý muốn vào “xem triển lãm”.

Trước đó,  “Xuân Việt Nam” - một nhóm vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam gửi thư ngỏ, mời mọi người, đặc biệt là thân nhân của các nạn nhân trong cuộc “cải cách ruộng đất”, những người dân bị cưỡng đoạt nhà – đất nay đang kêu oan tại Hà Nội và phóng viên của các cơ quan truyền thông quốc tế đang thường trú tại Hà Nội, đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội để cùng vào xem cuộc triển lãm này vào lúc 9 giờ sáng Chủ nhật 14 tháng 9.

Theo tường thuật của hai facebooker Trịnh Bá Phương và Bạch Hồng Quyền, trưa 11 tháng 9-2014, khi hàng trăm người dân đang kêu oan ở Hà Nội đổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, xếp hàng mua vé vào xem  triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957”, từng được giới thiệu là nhằm “cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc biệt” thì Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ chối bán vé. Họ lấy cớ “đến giờ nghỉ trưa” và cho biết hai giờ chiều cùng ngày mới mở cửa trở lại.

Bảo vệ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nói thêm với những người dân đang kêu oan rằng, chỉ có thể cho họ vào xem triển lãm nếu họ “ăn mặc đàng hoàng”, không mang những cái áo được kẻ - vẽ đủ loại khẩu hiệu đòi công lý, đòi quyền sống.

Tuy những người dân đang kêu oan đã thay áo song tới hai giờ chiều, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn đóng cửa. Lần này, chuyện không bán vé, tiếp đón người đến xem cuộc  triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” được giải thích là vì có “sự cố ánh sáng”.

Liên quan tới việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tạm đóng cửa, ngưng bán vé, tiếp đón người đến xem cuộc  triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957”, blogger Nguyễn Xuân Diện dẫn tin của một nhà báo cho biết, suốt buổi chiều 11 tháng 9-2014, Ban Tuyên giao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về phương thức đối phó với tình huống mới.

Theo đó, cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” sẽ bị dẹp bỏ và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có trách nhiệm chuẩn bị một cuộc triển lãm cổ vật để thay thế. Nếu thông tin này chính xác thì cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 - 1957”, khai mạc hôm 8 tháng 9-2014, sẽ mở cửa đón khách cho tới tháng 12 năm nay, cuối cùng chỉ tồn tại được ba ngày.

Trong thực tế, cuộc “Cải cách ruộng đất” được thực hiện tại miền Bắc Việt Nam từ 1953 – 1956, nhằm tiêu diệt các thành phần bị xem là "bóc lột", "phản quốc", "phản động" như địa chủ, cường hào,thành viên các đảng đối lập... Người ta ước đoán có khoảng 5,000 người bị xử tử oan (trong đó không ít người là ân nhân của Đảng Lao động Việt Nam - tiền thân của Đảng CSVN và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tiền thân của nhà cầm quyền CSVN).

Cuộc “Cải cách ruộng đất” vừa kể khiến miền Bắc Việt Nam tan hoang, nhân tâm ly tán. Những sai lầm này nghiêm trọng tới mức, tháng 9 năm 1956, ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương của  Đảng Lao động Việt Nam đưa  ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, đưa ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Đến tháng 10 năm 1956, ông Võ Nguyên Giáp, thay mặt ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước thừa nhận sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai.

Còn cuộc triển lãm về “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì chia làm bốn mảng. Một đề cập đến chủ trương về cải cách ruộng đất. Một đề cập đến việc thực hiện. Một đề cập đến kết quả “người cày có ruộng”. Mảng cuối cùng đề cập đến “sai lầm và sửa chữa sai lầm” được xem là sơ sài nhất vì chỉ có nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn sửa sai và báo cáo kết quả sửa sai từ một số địa phương.

Cũng vì vậy mà cuộc triển lãm bị công chúng chỉ trích kịch liệt. Trên các diễn đàn điện tử, các blog, hệ thống facebook, người ta gọi cuộc triển lãm là “bỉ ổi”, là “một bằng chứng khác về sự dối trá rẻ tiền, ngu dốt, đáng khinh”. Theo nhiều người, triển lãm này sẽ gợi ý cho những người chưa biết tường tận về “cải cách ruộng đất” tự tìm thông tin để hiểu đúng, hiểu đủ về nó.

Lúc đầu, trả lời báo điện tử VietNamNet, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, mục tiêu chính của cuộc triển lãm nhằm “nhấn mạnh về những thành quả của cải cách ruộng đất”, còn “sai lầm và sửa sai” không phải là mục đích chính. Ông Cương nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải phơi bày sai lầm của lịch sử như vậy”.

Trên Internet, công chúng trưng ra hàng loạt bằng chứng, chứng minh giới lãn đạo Đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của Đảng CSVN) dìm “cải cách ruộng đất” trong biển máu, gây oan khiên cho hàng triệu người là nhằm chứng minh sự trung thành với chủ nghĩa cộng sản để đổi lấy sự hỗ trợ vật chất, củng cố và phát triển quyền lực.

Đó cũng là lý do mà sau khi trả lời điện tử VietNamNet một ngày, lúc trả tời tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đổi giọng. Ông Cường xác nhận, cuộc triển lãm từng được quảng bá là nhằm “cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc biệt”, thật ra “chỉ giới thiệu một phần” tài liệu, hiện vật. Phần lớn còn lại “không thể nào đưa ra hết” và không thể nào “cho phép công chúng tiếp cận”.

Ông Cường thú nhận, điều đó “có thể không thỏa mãn được hết mong muốn của người dân, đặc biệt là những dòng họ, gia đình có liên quan đến cải cách ruộng đất”. Tuy nhiên ông Cường biện bạch, “cuộc cách mạng nào cũng có những tổn thất” nên phải nói với các nạn nhân rằng “sự hi sinh của họ mang lại nhiều điều tích cực cho đất nước thời kỳ đó”. Theo ông Cường, “có những mất mát không thể nào bù đắp và trở thành nỗi đau kéo dài rất lâu và giá trị những bài học ấy luôn có tính thời sự”.

Cách nay vài ngày, trả lời BBC về cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957”, với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bảo rằng, ông không chấp nhận cách giải quyết vấn đề theo kiểu: “Thôi, chuyện lịch sử nó phức tạp quá, không bới ra làm gì nữa”.

Ông Quốc nói thêm, cần phải bàn về việc: “Có cần thiết phải làm một cuộc phát động long trời lở đất như thế, dẫn đến những việc làm cực đoan như thế và để lại những hậu quả nặng nề như thế hay không?”. Sự bàn bạc đó, theo ông Quốc là cho tương lai. Đó là “tinh thần tự chủ, giải quyết vấn đề của nước mình trên cơ sở của nước mình, chứ không phải áp đặt việc học hỏi các nước khác một cách cực đoan”. 
  (Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét