Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Ai còn có niềm tin đối với Đảng?

Ai còn có niềm tin đối với Đảng?

000_Hkg4466727-305.jpg
Hình minh họa chụp năm 2011 tại Hà Nội.
Trong những ngày kỷ niệm mùa thu năm 1945 và 69 năm ngày Quốc khánh, mùng 2/9, một lần nữa, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN được truyền thông tập trung ca ngợi. Thế nhưng niềm tin của dân chúng cũng như của chính các đảng viên có thay đổi hay không sau gần 7 thập niên?
“Lỗi là ở gốc rễ”
Truyền thông trong nước những ngày qua đồng loạt đăng tải thông tin nhắc nhớ về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng CSVN lãnh đạo đã làm nên một trang sử vẻ vang, giải phóng nhân dân VN khỏi chế độ thực dân, phong kiến. Nước VNDCCH được ông Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập vào ngày 2/9/1945 với một Nhà nước của dân và vì dân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Khánh sau 69 năm rằng chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng chứ không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Ông Trương Tấn Sang còn nhắc lại câu nói của Nguyễn Trãi “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước” cũng như ông Hồ Chí Minh từng nói “dân là gốc” cho nên mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân phải được chăm lo ở tầm cao mới, chất lượng mới để đất nước phồn vinh và trường tồn.
Một đảng viên Đảng CSVN không muốn nêu tên chia sẻ suy nghĩ của mình sau khi đọc bài viết tâm huyết của vị Chủ tịch nước đương quyền trên Tạp chí Cộng Sản:
    Nói chung niềm tin cũng không còn nhiều vào Đảng nữa nhưng mà bắt buộc người ta vẫn phải ở trong Đảng. Còn nhân dân thì mất niềm tin nhiều hơn đảng viên.  - Một đảng viên
“Có đến 80% không tin rằng Đảng còn vững mạnh nữa. Nói chung đã trải qua nhiều thứ rồi. Bây giờ bọn mình cứ đọc báo, kệ các ông nói gì nói. Ví dụ đơn giản cái nghị quyết Trung ương 4 mà vẫn cứ phải học nhưng bây giờ một đảng bộ chỉ đi học một nửa, còn lại một nửa chỉ đọc báo. Nói chung niềm tin cũng không còn nhiều vào Đảng nữa nhưng mà bắt buộc người ta vẫn phải ở trong Đảng. Còn nhân dân thì mất niềm tin nhiều hơn đảng viên.”
Nghị quyết Trung ương 4 có tiêu đề “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” đang được triển khai với kỳ vọng Đảng sẽ có sức mạnh mới xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Trong khi các bộ ngành, địa phương được cho là đang thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 4 thì dân chúng ngày càng đón nhận tin tức có nhiều đảng viên lần lượt tuyên bố ra khỏi Đảng CSVN. Những người tuyên bố ra khỏi Đảng đều giống nhau ở điểm họ không còn lòng tin vì Đảng CSVN mà họ từng thề tuyệt đối trung thành đã không đi theo đúng tôn chỉ, mục đích như lúc ban đầu là đem lại độc lập, tự chủ, hạnh phúc, dân chủ khi Đảng CSVN hình thành cách nay xấp xỉ một thế kỷ. Tiến sĩ - Bác sĩ trung tá quân đội Đinh Đức Long là người vừa công khai ra khỏi Đảng hồi cuối tháng 8 nói với đài RFA “lỗi là ở gốc rễ”.
Nhồi nhét không thực tế

024_138495-250.jpg
Một bức tranh cổ động trên đường phố Sài Gòn, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.
Một thầy giáo ở Hà Nội, yêu cầu đài RFA không tiết lộ danh tánh, vừa được trường học nơi mình giảng dạy đề cử đi học lớp “đối tượng Đảng” cho đài ACTD biết trong suốt 1 tuần tham gia, Ban Tuyên giáo và giảng viên trường Đảng nhồi nhét những điều không thực tế. Trong khi công nghệ thông tin phát triển một cách mạnh mẽ mà những “cảm tình viên” phải bị nhồi sọ rằng “yêu Đảng mới đồng nghĩa với yêu Tổ quốc” và “vào Đảng vì mục đích xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đất nước chứ không phải vì mục đích tư lợi cá nhân, vì thăng quan tiến chức” càng khiến cho bản thân mất “cảm tình” với Đảng. Thầy giáo này lên tiếng:
“Thật ra, trước khi đi học, Hiệu trưởng đã dặn 1 câu là ‘người ta có dạy như thế nào cũng cấm cháu không được giơ tay phát biểu. Để cho người ta dạy’. Bởi vì người ta rất hiểu bây giờ thông tin đa chiều nên có nhiều điều người ta nói sai lệch. Có thể cán bộ xã ở vùng sâu vùng xa người ta thích nghe nhưng đối với mình việc nhồi nhét những điều không thực tế, không chính xác vào đầu thì cảm thấy rất là lố bịch. Vào lớp học người ta dạy đúng như một con vẹt. Mình cũng là một giáo viên, dạy thế nào thì phải rất khéo léo. Thời buổi này đâu có thể thích nói hưu nói vượn là được. Mình đi học thì mới biết được trong lớp học là như thế. Chắc chắn là học để biết thôi. Không vào Đảng.”
    Có thể cán bộ xã ở vùng sâu vùng xa người ta thích nghe nhưng đối với mình việc nhồi nhét những điều không thực tế, không chính xác vào đầu thì cảm thấy rất là lố bịch.
    -Một thầy giáo
Khi đề cập đến Đảng CSVN, hơn bao giờ hết, đại đa số người dân trong nước đều cho rằng đó là tập hợp của một nhóm người “ăn trên ngồi trước”. Những người tham gia vào Đảng ngày nay thường vì mục tiêu tư lợi cho bản thân, dễ dàng trong con đường quan lộ hơn là thực tâm cống hiến và phục vụ cho xã hội, cho nhân dân như lý thuyết vốn dĩ ban đầu được đề ra của Đảng CSVN. Trong thời gian gần đây, Đảng CSVN được dư luận đánh đồng với “lợi ích nhóm”.
Câu hỏi đặt ra có phải nhiều đảng viên của Đảng CSVN vào Đảng đúng theo như nhận xét của công luận? Người đảng viên không muốn nêu tên cho đài RFA biết thêm:
“Cái này nói chung không phải mình mà rất nhiều. Người ta tham gia thì có rất nhiều yếu tố, như cho tương lai. Như bọn mình có thẻ Đảng thì nhiều cái có lợi hơn trong công việc hay có một lý lịch sạch, chẳng hạn. Đơn giản vậy thôi.”
Lời bộc bạch này không đại diện cho tất cả đảng viên Đảng CSVN. Tuy nhiên, nỗi lo sợ niềm tin của người dân đối với Đảng bị đánh mất mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề cập đến không phải là không có cơ sở. Trong bài viết “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch” của ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh Nhà nước của dân, do dân và vì dân được toàn dân ủng hộ nhưng Chủ tịch nước đã không bàn đến phương hướng chuyển đổi mà lòng dân đang trông đợi thì con thuyền chở 90 triệu dân VN do Đảng CSVN lèo lái chắc chắn sẽ chìm vì thời đại nào sức dân cũng mạnh như nước.
Hòa Ái
(RFA)

Người Buôn Gió - Đôi lời về bài viết của tác giả Liên Sơn

Tác giả Liên Sơn mới đây có ra mắt dư luận một bài viết có nhan đề - Nói đôi chút về mộng mị dân chủ- được nhiều trang website tự do đăng tải. Bài viết đã dấy lên dư luận nhiều , thậm chí có những phê phán gay gắt hoặc những nhận định về động cơ của người viết.
Tuần nay đọc đi đọc lại bài của Liên Sơn, định không muốn viết gì về những vấn đề nội bộ đấu tranh dân chủ. Đây là những vấn đề rất dễ gây đụng chạm, có lẽ chính vì thế tác giả bài viết - Nói đôi chút về mộng mị dân chủ - phải dùng bút danh. Thực ra tôi không ngại gì chuyện va chạm. Chỉ nghĩ mình mổ xẻ vấn đề nội bộ đấu tranh, bọn dư luận viên nhảy vào xâu xé, nên vì thế cố gắng né tránh đến mức tối đa.
Bài viết của Liên Sơn chia làm 3 phần, tác giả tô đậm từng mục.
Phần 1 sùng bái cá nhân.
Mục đầu  tác giả nói về sự tôn sùng cá nhân và đưa ra ví dụ về các nhân vật như Bùi Hằng, Minh Hạnh, Phương Uyên, Cù Huy Hà ...trước tiên phải khẳng định có sự tôn sùng những nhân vật này như tác giả đã đặt ra. Nhưng có một điều quan trọng là sự tôn sùng đó có ở thời điểm nào.? Đây là mấu chốt cần chính xác.
 Ví dụ những người này đang hoạt động, và dư luận thấy những hoạt động của họ, tất cả tôn sùng họ như Liên Sơn nói thì chẳng nói làm gì. Vì lúc đó có thể phải bàn đến chuyện sự tôn sùng thái quá  những người ấy đi quá xa so với vị trí họ đang đứng hay không.
Trích đoạn bài viết - Nói đôi chút về mộng mị dân chủ.
'' Cố nhiên, các danh xưng đẹp đẽ/ kiêu hãnh này thể hiện lòng yêu mến hay thậm chí là sự kỳ vọng lớn lao. Nhưng liệu nó có cần thiết trong giai đoạn này? Khi mà chúng ta chưa cần lắm một trò chơi mang tên phân cấp bằng danh xưng..
Chính “danh xưng sùng bái” thái quá đó dẫn tới hiện tượng, đưa vị trí của một số người bất đồng chính kiến đi quá xa, và lên quá cao so với vị trí mà những người ấy đang đứng. ''

Nhưng Liên Sơn đã bỏ qua một điều, sự tôn sùng này chỉ rộ lên khi những con người trên đã phải trả giá đắt trong chốn lao tù. Mà khi họ trong đó mới được tôn sùng,  thì họ chả có cơ hội nào để dùng '' bằng cấp danh xưng '' gây ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh. Cả Bùi Hằng lẫn Cù Huy Hà Vũ khi bên ngoài hoạt động, những điều tiếng dèm pha về họ không hiếm trong dư luận. Chỉ khi họ bị vào tù rồi, thiên hạ mới đánh giá sự mất mát của họ, vì tình thương yêu với người bị gông cùm, xiềng xích mà thiên hạ nhắc nhở đến nhiều. Tạo thành cái lý do mà Liên Sơn nói là tôn sùng.
Đến cả Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh cũng vậy. Trước khi họ bị bắt, chả ai nhắc nhở gì đến họ, mọi việc họ làm trong âm thầm. Đến khi họ ngồi trong tù rồi, thiên hạ lúc đó mới biết đến và ca tụng họ.
 Đến khi Cù Huy Hà Vũ, Phương Uyên, Minh Hạnh và cả nhiều người trước kia đã được tôn sùng khi ở tù như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung khi ra tù, đều trở thành những người bình thường, khiêm tốn. Chả ai trong số họ đi quá những gì ở vị trí của họ. Thậm chí họ hoà mình vào cuộc đấu tranh như bao nhiêu người khác. Không nề hà như Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc  Truyển, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh...
Như Bùi Hằng ở lần bắt thứ nhất tại Thanh Hà, đông đảo mọi người đều hướng về chị. Tôn vinh chị, nhưng khi chị ra thì những lời đó thưa dần. Không phải thiên hạ bạc bẽo, mà sự tôn sùng đã chuyển hướng cho những người khác đang trong chốn lao tù như Minh Hạnh, Phương Uyên....
 Chúng ta thấy  việc phân cấp danh xưng hay tôn sùng trước kia của dư luận ảnh hưởng đến họ không.Và họ có dùng sự tôn sùng ấy để làm gì ảnh hưởng đến phong trào không.  Câu trả lời là không.
Vì sự tôn sùng ấy chỉ dành cho người ngã ngựa, như người sa cơ. Nó là lời tri ân, chia sẻ với hoàn cảnh của họ lúc đó. Cũng như việc thăm hỏi, chia sẻ với những người bạn bất ngờ bị bệnh phải nằm viện.
Tôi nghĩ sự ca tụng hay tôn sùng mà Liên Sơn nói về họ là sai lầm về thời điểm. Mà thời điểm tôn sùng như đã nói, chỉ có khi họ đã ở trong tù, họ không thể nào biết đến sự tôn sùng ấy mà làm gì đi quá vị trí của mình gây ảnh hưởng đến phong trào. Và dù họ có biết thì họ cũng chả có cách gì để gây ảnh hưởng đến phong trào.
Còn khi họ ra khỏi nhà tù, họ cũng chẳng nhớ đến những danh xưng ấy nữa. Hầu hết họ đều khiêm tốn và thậm chí còn dưới cả mức vị trí của mình. Nói họ đi quá là không đúng chút nào.
Mục thứ hai Liên Sơn nói đến việc dư luận cho rằng chính quyền đang sợ hãi.
Ngay trong phần này, Liên Sơn lại nói đến một đoạn bác lại phần 1.
''Một Bùi Hằng chưa phải là cái gì đó để nhà nước Việt Nam phải sợ hãi. Kể cả những người bị cầm tù trước đó và sau này như Lê Quốc Quân, Nguyễn Tiến Trung, Uyên-Kha, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định….''

Ở đây Liên Sơn chính mình khẳng định những người được tôn sùng ấy chả là cái gì để nhà nước VN phải sợ hãi. Thế mà ở mục trên Liên Sơn lại cho rằng sự tôn sùng sẽ khiến họ đi quá xa, hay sẽ gây ảnh hưởng xấu đến phong trào đấu tranh.
 Tôi nghĩ Liên Sơn chưa đủ bao quát để nhìn sự tôn sùng xuất hiện như thế nào. Vì thế tác giả cứ nhặt hiện tượng thời điểm rồi đưa vào bài viết. Chính vì thế mới xảy ra chuyện lúc đầu lo lắng sự tôn sùng sẽ làm thế nọ, thế kia...sau cùng đoạn khác lại khẳng định những người được tôn sùng chả là cái gì cả.
trích đoạn phần 2
'' Thế nên, một Cù Huy Hà Vũ ở nước ngoài “chữa bệnh” cũng không khác gì một Lê Thị Công Nhân ở trong nước - “Thời hạn quản chế của tôi đã kết thúc từ hơn một năm nay, nhưng cuộc sống vẫn không hề thay đổi mà còn bị bóp nghẹt hơn ”
Có lẽ đến đây thì không cần phải nói thêm về việc tác giả Liên Sơn nói về sự tôn sùng cá nhân , phân cấp danh xưng sẽ ảnh hưởng đến phong trào nữa. Tự tác giả cũng đã khẳng định ở phần thứ 2 này.
Dẫn chứng có thể sai, dẫn đến kết luận sai là chuyện thường. Tuy nhiên khách quan nói ở phần thứ hai Liên Sơn nói đến việc nhiều người nghĩ chính quyền VN sợ hãi thì có thể không sai. Bởi vì chính quyền VN vẫn còn nắm được trong tay đội ngũ công cụ bạo lực khổng lồ, cũng như nhiều phương tiện truyền thông. Nói sợ hãi là quá, nhưng nói không sợ hãi cũng chẳng phải. Nếu nói  đúng thì những tổ chức, con người mà Liên Sơn chê trách ấy, ít nhiều đã khiến nhà cầm quyền lo lắng.
Những bằng chứng về sự lo lắng của nhà cầm quyền khi các tổ chức xã hội dân sự, cá nhân đấu tranh thiết nghĩ quá nhiều, không cần phải dẫn giải.
Ở phần 1 Liên Sơn sai toàn phần, ở phân 2 Liên Sơn sai một nửa.
Phần thứ 3 về vấn đề tổ chức.
Ở phần này, ý kiến cá nhân tôi đồng ý hoàn toàn với những gì tác giả nói. Những điểm yếu trong kết cấu của các tổ chức Liên Sơn vạch ra là hiện hữu. Cần nhìn rõ để khắc phục. Nhưng có điều nếu đọc kỹ phần này, ngoài sự khách quan muốn xây dựng phong trào nói chung, tác giả Liên Sơn đã phê phán hành động của các nhóm khác,  hàm ý muốn để cao nhóm của mình, một nhóm mà đang tự hào rằng mình hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả, không khoe khoang khoác lác như nhóm khác. Tuyên truyền tiếp cận người dân bằng nhiều hình thức dễ gần....
 Chính ý đồ này của tác giả là nội dung khởi nguồn của bài viết.
Một người như Phạm Chí Dũng quá lành để viết ra một bài như thế này, người ta nói là của Phạm Chí Dũng. Tôi thì không tin.
Tuy nhiên thì tôi vui vì có những người như Liên Sơn đấu tranh với nhà cầm quyền cộng sản. Một người nhiều mưu lược và thủ đoạn như vậy mới có thể vạch được kế hoạch đối phó với nhà cầm quyền cộng sản. Để thành công Lý Thuỵ bán cụ Phan, Tào Tháo giết Lã Bá Xa để không ảnh hưởng đến mưu tính của mình. Liên Sơn và nhóm của mình có tố chất để làm được điều ấy, ắt cũng có tố chất thành công khi đối đầu với nhà cầm quyền Việt Nam.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)

Nhìn lại cuộc đấu tranh


 Ở trong nước đang có cuộc trao đổi, nhìn lại cuộc đấu tranh vừa qua để rút ra những kinh nghiệm quý báu cho những người bất đồng chính kiến đang kết hợp với nhau trong các tổ chức xã hội dân sự nhằm thay đổi tình hình. Việc rút kinh nghiệm, kiểm điểm lực lượng là hết sức quan trọng, giúp cho phong trào nhìn rõ thêm chỗ mạnh chỗ yếu của mình, nhìn rõ thêm thế và lực của đối tượng đấu tranh, để chuẩn bị tốt cho các cuộc ra quân kế tiếp.
Trước hết cần xác định mục tiêu đấu tranh của toàn xã hội lúc này là đưa đất ước thoát khỏi chế độ cai trị lỗi thời của thế kỷ trước, xây dựng một hệ thống cai trị tiến bộ, hiện đại, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, xây dựng một nước VN hoàn toàn độc lập, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, có chế độ pháp quyền nghiêm minh, bình đẳng, phát triển hài hòa bền vững, với thành quả được toàn xã hội chung hưởng.
Tuy số tổ chức xã hội dân sự còn ít ỏi, bé nhỏ so với số dân, nhưng so với mươi năm về trước, xã hội dân sự nước ta đã lớn lên khá nhanh, từng bước vững chắc, bao gồm cả Bắc, Trung, Nam và hải ngoại, nhiều ngành nghề, được xã hội tin yêu, được thế giới quý trọng, được các chính quyền và các tổ chức dân chủ, nhân quyền quốc tế ủng hộ.
Rõ ràng xã hội dân sự VN đang phát triển, mặc dầu bị chính quyền đảng trị ra sức cản phá bằng lực lượng công an mang danh hiệu «nhân dân» nhưng thực chất là làm công cụ giữ nhà riêng cho đảng CS và nhóm quan chức tham nhũng chóp bu. Tất nhiên những tổ chức non trẻ mới hình thành trong cuộc đấu tranh gian khổ, đôi khi khốc liệt, có thể có những nhược điểm mang tính chất ấu trĩ. Nay đã đến lúc cần chỉ ra những nhược điểm đó để giúp nhau khắc phục.
Ví dụ như thái độ lạc quan thiếu cơ sở, với nhận định chủ quan là trong Bộ Chính trị có một nhóm gọi là «nhóm đổi mới, cấp tiến, thân phương Tây» có khả năng dành thế áp đảo, tiến hành một cuộc «xoay trục hoành tráng», thực hiện “liên minh toàn diện với Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ». Cũng có cả quan điểm cho rằng Quân đội Nhân dân VN từ khi có tổng tham mưu trưởng mới đã ngả dần sang phương Tây, do Hoa Kỳ lôi kéo và tác động. Theo xu hướng lạc quan như thế, đã có người tin rằng chính quyền sẽ trả tự do cho ba nhà bất đồng chính kiến ở tòa án Đồng Tháp, và một số bà con theo đạo Hòa Hảo còn chuẩn bị cuộc rước đón hân hoan, để rồi rốt cuộc bị thất vọng, sững sờ trước ba bản án quá nặng.
Ngoài ra còn ý kiến cho rằng không nên đề cao quá mức một số nhà bất đồng chính kiến, không nên coi cô Minh Hằng hay luật sư Hà Vũ là «biểu tượng» của cuộc đấu tranh, không nên coi em Phương Uyên là «anh thư của thời đại», không coi Minh Hạnh là «cánh chim báo bão» sắp quật đổ chế độ bất nhân. Theo tôi, không nên quá khắt khe với những lời khen tặng hay danh hiệu có phần quá đà như thế, miễn là người được khen luôn khiêm tốn và ai cũng hiểu đó chỉ là những chữ «thậm nhấn» khi quá tin yêu.
Trong chiều hướng nghiêm khắc như thế, càng không nên đánh giá quá cao chính quyền độc đảng trong cuộc đàn áp tàn khốc những người bất đồng chính kiến để làm yên lòng quan thầy bành trướng, cho rằng «họ không sợ gì phong trào, họ muốn làm gì cũng được, vì luật pháp, công an, tòa án đều nằm trong tay họ». Thật ra, họ sợ chứ, sợ nhiều, sợ từ mọi phía. Họ sợ dư luận xã hội, sợ công luận quốc tế. Họ rất sợ số đảng viên CS lão thành phản tỉnh, họ sợ trí thức có tâm và có tầm, có uy tín xã hội và lập luận chặt chẽ. Họ rất sợ việc hình thành các tổ chức được điều hành chặt chẽ, vươn ảnh hưởng ra ngoài nước, hình thành một mặt trận ngoại giao nhân dân phối hợp với cộng đồng ngoài nước . Họ sợ các blogger tự do lề trái đánh bạt hơn 700 công cụ trên lề phải thưa thớt khách thông tin. Họ sợ 3 chiến sỹ bất đồng chính kiến ở Đồng Tháp nên mới giam tiếp thêm, mới huy động hàng trăm công an bắt bớ gần một trăm bà con ta. Họ sợ quan thầy của họ hơn tất cả các nỗi sợ, nên dù bị mắng là «đứa con hư hỏng phải quay về»,họ đã quay về thật!
Anh chị em bất đồng chính kiến nên nhớ một điều là tình thế của thế lực cầm quyền CS hiện đang ở thế yếu chí mạng, sa sút, thoái hóa, mất uy tín chưa từng có. Không ít bà con ta, qua những đảo lộn lịch sử ở Liên Xô cũ, ở Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông … coi nhóm lãnh đạo hiện tại từ trung ương xuống địa phương là những tên tội phạm chính trị-kinh tế- tài chính-hình sự mặc nhiên sẽ phải ra trước vành móng ngựa tòa án nhân dân, như Nicolas Céausescu ở Romania hay như Erich Honecker ở Đông Đức, một khi sự căm phẫn của nhân dân bùng nổ theo kiểu tức nước vỡ bờ.
Tôi hoàn toàn tán thành phương hướng hành động của các tổ chức xã hội dân sự trong thời gian trước mắt như được anh Nguyễn Quang A nêu lên là: thức tỉnh nhiều thêm, sâu thêm mọi công dân yêu nước đứng lên thực thi mọi quyền tự do của công dân được Hiến pháp bảo vệ không cần xin phép ai, từ đó làm cho xã hội dân sự lớn mạnh không ngừng trong thử thách đấu tranh. Nâng cao dân trí, thực hành dân chủ và nhân quyền là chìa khóa mở cửa tương lai của dân tộc; không nên vội vàng nôn nóng, càng không thể nản chí với thời gian. Hãy vận động thêm những công dân lương thiện, yêu nước thương dân, không sợ chính quyền toàn trị gia nhập các tổ chức xã hội dân sự, cùng nhau phá cái xấu, cái cũ, kiên nhẫn xây dựng tương lai.
Việc xuất hiện Văn đoàn Độc lập tập họp những anh chị em văn nghệ sỹ dân chủ, Hội nhà báo Độc lập hội tụ các anh chị em nhà báo dân chủ, sau khi đã có nhóm các blogger VN và một loạt mạng thông tin lề trái rất có uy tín với bạn đọc, là những phát triển có ý nghĩa. Nên chăng có thêm tổ chức Hội các luật gia độc lập hay dân chủ, Hội các nhà giáo dục dân chủ để tập họp lực lượng luật gia và những nhà giáo dục tiến bộ, 2 lĩnh vực mũi nhọn của một xã hội văn minh.
Hiện có rất nhiều luật sư, nhà luật học tham gia phong trào đang bị tù đày, rất nhiều nhà giáo dục có thiện chí xây dựng một nền giáo dục dân chủ mang tính khai phóng, khuyến khích tư duy độc lập, là điều kiện hội đủ để hình thành Hội luật gia dân chủ và Hội nhà giáo dân chủ.
Theo kinh nghiệm ở Ba Lan và Hungary, các nhà kinh doanh vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng nên tổ chức một hội đoàn độc lập của mình để bảo vệ quyền lợi của giới mình, chống lại sự cạnh tranh phi pháp của các phe nhóm tư bản lớn cũng như sự lấn ép của các tập đoàn quốc doanh độc quyền, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng được Hiến pháp bảo vệ.
Đảng CS cầm quyền đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất. Khủng hoảng học thuyết, ý thức hệ, khủng hoảng về đường lối, cả đối nội lẫn đối ngoại, khủng hoảng kinh tế- tài chính với nguy cơ vỡ nợ nhà nước, khủng hoảng văn hóa về đạo đức xã hội, khủng hoảng về an ninh khi lực lượng công an biến thành tay sai của phe đảng chống lại nhân dân.
Điều cần khẳng định là vừa qua là thời kỳ phát triển, trỗi dậy có khí thế của các tổ chức xã hội dân sự trẻ khỏe và năng động, so với 10 năm trước có thể coi là thời kỳ trưởng thành đáng mừng, làm cho thế và lực cùng vươn lên.
Trong khi lãnh đạo đảng CS chuẩn bị cho Đại hội XII, công bố dự thảo các văn kiện, các tổ chức xã hội dân sự có dịp để phản biện một cách ngay thẳng, mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền phải làm đúng, đầy đủ lời hứa danh dự trong Thông điệp đầu năm, công nhận «người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm», có nghĩa là tôn trọng sự tồn tại, phát triển, hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, tài sản nhân lực và tinh thần quý báu vô giá của nhân dân Việt Nam.
Bùi Tín
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 
(VOA) 

'Lãnh đạo VN cần biết rõ bạn và thù'

Kiến nghị nói Việt Nam nên kết bạn với các nước phương Tây từng là cựu thù
Chính quyền Việt Nam phải giải trình cho người dân rõ về những gì mà họ đã ký kết với Trung Quốc tại Hội nghị Thành Đô cách nay hơn 20 năm, một số vị tướng tá về hưu trong quân đội và công an Việt Nam vừa lên tiếng.
Đây là một trong bốn điểm mà 20 vị tướng tá ký tên vào bản kiến nghị đề ngày 2/9 gửi đến Chủ nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Trao đổi với BBC, Đại tá Bùi Văn Bồng, người từng là cán bộ cao cấp trong báo Quân đội nhân dân, đã xác nhận tính xác thực của bản kiến nghị này.
Ông Bồng cũng bình luận về những đồn đoán liên quan tới nội dung thỏa thuận giữa hai bên từ Hội nghị Thành Đô.
“Chủ quyền đất nước là của toàn dân chứ không phải của các nhà lãnh đạo Đảng,” ông nói, “Cho nên với cương vị lãnh đạo Đảng mà quyết định vận mệnh, lãnh thổ quốc gia là sai hoàn toàn.”
“Hội nghị Thành Đô vẫn đang là một tấm màn bí mật,” ông nhận định.
“Từ khi hội nghị Thành Đô xong, hầu như đường lối đổi mới của Đảng xoay chuyển hẳn. Trong 24 năm vai trò của Đảng ngày càng yếu, uy tín kém đi.”
Kiến nghị được đưa ra vào lúc này, theo ông Bồng, là nhân lúc Đảng đang chuẩn bị văn kiện cho Đại hội 12 để đóng góp ý kiến cho Đảng.
Ngoài điểm về Hội nghị Thành Đô, các vị cựu tướng tá còn thúc giục giới lãnh đạo cam kết cho điều họ gọi là "không được dùng quân đội và công an đàn áp nhân dân, ghi nhận thỏa đáng sự hy sinh của các thương binhh liệt sỹ trong cuộc chiến năm 1979 với Trung Quốc, và xác định chính xác bạn và thù."
“Chúng tôi (những người ký kiến nghị) muốn có sự đổi mới trong các lãnh đạo sao cho có dân chủ, có lợi cho dân và đúng với bản chất truyền thống của quân đội và công an,” ông Bồng nói.
‘Kẻ thù truyền kiếp’

Quân đội Việt Nam phải trung thành với Đảng theo quy định Hiến pháp
Ông giải thích là những vấn đề nêu lên trong các kiến nghị là ‘bức xúc từ lâu lắm rồi’, nhất là việc công an và quân đội được trưng dụng để ‘đàn áp dân’ trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất.
Về kiến nghị xác định rõ ràng bạn thù, ông Bồng nói ông không rõ quân đội Việt Nam hiện nay xác định bạn thù như thế nào nhưng bản thân ông cho rằng ‘Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam vì họ luôn lăm le xâm lược Việt Nam’.
“Pháp với Mỹ là kẻ thù của thời loạn, của hoàn cảnh thế giới nằm trong kế hoạch của các nước tư bản đế quốc một thời,” ông nói thêm.
Bản kiến nghị thu hút được 20 chữ ký của các tướng tá về hưu, đứng đầu là Trung tướng Lê Hữu Đức, cựu cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu.
Ngoài ra còn có năm vị thiếu tướng quân đội khác cũng tham gia ký tên, bao gồm các ông Trần Minh Đức, cựu phó tư lệnh Hậu cần ở Thừa Thiên-Huế, Huỳnh Đắc Hương, cựu tư lệnh kiêm chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Lê Duy Mật, cựu tư lệnh kiêm phó tham mưu trưởng Quân khu 2, Bùi Văn Quỳ, cựu phó tư lệnh chính trị Bộ đội Tăng-thiết giáp và Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu chính ủy Quân khu 4, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.
Đại tá Bồng nói rằng 20 chữ ký này ‘chỉ là sự tập hợp điển hình’ bởi vì các ông ‘không có thời gian kêu gọi vận động mọi người’.
“Trong tâm tư của các cựu chiến binh thì họ ủng hộ đông lắm nhưng khi lên tiếng ủng hộ thì họ sợ sệt thế này thế kia. Có khi bị cho là suy thoái tư tưởng,” ông Bồng nói.
Hội nghị Thành Đô 1990

Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Thành Đô, Tứ Xuyên từ ngày 3 đến ngày 4/9 năm 1990, họ cũng hoan nghênh Cố vấn Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng cùng đi.
 Xem thêm tư liệu không phải của BBC về 'Bấm Hội nghị Thành Đô 1990'.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét