Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Việt Nam: Cơ hội cuối cùng hay những bước đột phá cần thiết

Giờ mới thấm hai chữ “viển vông”

(TBKTSG Online) - Thông thường một khi hai nước có xảy ra tranh chấp hay có xung đột, nói tóm lại là “cơm không lành, canh không ngọt” thì kênh tiếp xúc ngoại giao chính thức là con đường giải quyết tốt nhất.
Và một khi cử một đoàn “sứ giả” qua để tìm cách tháo gỡ những vấn đề đang căng thẳng giữa hai nước thì nguyên tắc sơ đẳng là lắng nghe lập luận của nhau, ghi nhận ý kiến của nhau để đem về nghiên cứu.
Thế nhưng đoàn do ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, sang Việt Nam và tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam không đi theo nguyên tắc này.

Cứ lấy tường thuật của Tân Hoa Xã cho khách quan. Hãng tin này trích lời ông Dương Khiết Trì nói rằng Việt Nam phải ngưng ngay việc quấy rối hoạt động bình thường của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và không được tạo thêm những xung đột mới.
Đây là một thái độ không thể chấp nhận bởi suốt cả tháng 5 và xuyên qua tháng 6, người bình tĩnh nhất cũng không thể bỏ qua một sự thật rành rành là Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, cố tình gây ra căng thẳng. Trong tình huống đó, lực lượng thi hành pháp luật của Việt Nam phải ra để thông báo cho họ biết họ đang vi phạm vùng biển Việt Nam như thế nào. Thế mà các bằng chứng bằng hình ảnh đều cho thấy kẻ hung hăng bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam, đâm thẳng vào tàu kiểm ngư Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam đều là của Trung Quốc.
Một thái độ đúng đắn của Trung Quốc phải là đưa ra lời giải thích vì sao họ hành động như vậy chứ không thể có chuyện ngược đời, đòi Việt Nam ngưng quấy rối!
Điều thứ nhì là một khi hai nước đang trao đổi ngoại giao như thế tại sao phía Trung Quốc ngay hôm đó lại hung hãn tiếp tục đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam? (Thông tin từ báo chí cho biết: 15h34 chiều ngày 18-6, tàu dịch vụ dầu khí Trung Quốc số hiệu 252 đã đâm vào mạn trái tàu kiểm ngư 762 của Việt Nam, tại vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 12 hải lý. Cú đâm mạnh làm biến dạng lan can mạn trái và hư hỏng nhiều thiết bị trên tàu 762). Không lẽ phía Trung Quốc không điều khiển được hành động của các cấp bên dưới?
Ngay cả Tân Hoa Xã, cũng trong dịp này, lại tung ra bài viết mang tính vu khống và đe dọa Việt Nam với chủ đề “bốn không được”. (Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông); Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ).
Như đã nói ở trên, thái độ đúng đắn với thông lệ ngoại giao bình thường là tạm ngưng các hoạt động có thể bị gán là khiêu khích nhau một khi hai bên cử đoàn ngoại giao tiếp xúc với nhau. Đằng này Tân Hoa Xã lại có bài viết mang tính “dạy đời” như kiểu một nước lớn o ép một nước nhỏ thì rõ ràng họ đã bỏ qua nguyên tắc ngoại giao sơ đẳng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói trước cộng đồng quốc tế: "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Nay với thực tế diễn ra qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì mới thấm thía hai chữ “viển vông” này.
Nguyễn Vũ 

Việt Nam: Cơ hội cuối cùng hay những bước đột phá cần thiết

Ngay sau khi Trung Quốc gây ra sự cố giàn khoan Hải Dương Thạch Du (HD-981) tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, giới phân tích chính trị quốc tế đã cho thấy đây không nhất thiết là một hành động chiếm đoạt về kinh tế mà chủ yếu là một nước cờ chính trị của Bắc Kinh nhằm tạo tiền lệ cho những bước lấn chiếm khác trong kế hoạch kiểm soát toàn thể Biển Đông Nam Á. Đây vừa là một bước thăm dò vừa là một ngón đòn phủ đầu trước khi Hoa Kỳ có thể thật sự xoay trục sang Châu Á và tái khẳng định vai trò cường quốc Thái Bình Dương. Bước chiến thuật này đã đem lại cho Trung Quốc một thắng lợi ban đầu nhưng qua những phản ứng của Việt Nam và những nước liên quan thì hành động này là một tính toán khá mạo hiểm trong chiến lược “Giấc mơ Trung Quốc ”, một mục tiêu quốc gia được Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức tuyên bố trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ngày 17.3. 2013 và định nghiã là “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.” Mạo hiểm hay không, lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng quyết tâm hành động vì cho rằng thời cơ đã đến.

Đã có nhiều tác giả Việt Nam và ngoại quốc viết về những mục tiêu trước mắt và lâu dài của Trung Quốc qua vụ giàn khoan HD-981, phản bác những luận điệu của lãnh đạo Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên 80 % Biển Đông Nam Á theo bản đồ đường chín đoạn do họ tự vẽ ra, bất chấp luật lệ quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Vì vậy, bài này sẽ không tham gia vào những đóng góp quan trọng của các học giả về cơ sở lịch sử và pháp lý của Việt Nam mà chỉ chú trọng vào một số biện pháp cụ thể cần làm ngay để triệt tiêu mưu đồ của Trung Quốc đang từng bước thực hiện mục tiêu sử dụng Việt Nam làm bàn đạp tiến xuống các quốc gia khác trong khu vực.

Tên khổng lồ tỉnh giấc

Lịch sử chính trị thường nhắc đến câu chuyện Hoàng đế Napoléon Bonaparte sau khi đọc bản dịch cuốn Tôn Tử Binh pháp do một linh mục Pháp sống ở bên Tàu đời nhà Thanh thực hiện, đã phát biểu một nhận xét thú vị: “Hãy để cho tên khổng lồ này ngủ yên, vì khi tỉnh giấc nó sẽ làm rung chuyển thế giới.” Thật ra thì từ thời xa xưa cho đến hết thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc chỉ tự rung chuyển mình bằng những cuộc nội chiến (như thời Đông Chu liệt quốc) hay bị rung chuyển khi ngoại nhân (như Mông Cổ hay Mãn Thanh) chiếm đóng và cai trị, bị tám nước Tây phương (Bát quốc liên quân) trừng phạt đầu thế kỷ 20 và gần đây nhất là bị quân đội Nhật hoàng xâm lăng và hành hạ trong thời Đệ nhị Thế chiến. Công bằng mà nói thì Trung Quốc cũng có làm rung chuyển một số quốc gia láng giềng nhỏ bé như Cao Ly (Triều Tiên) và Việt Nam qua những cuộc chiến tranh xâm lược nhưng rốt cuộc đều bị đánh bại và phải chạy về nước. (Đáng chú ý là vị anh hùng Cao Ly đại thắng quân Nguyên lại là một “thuyền nhân” người Việt: Lý Long Tường, thái tử nhà Lý, chạy sang Cao Ly tị nạn sau khi Trần Thủ Độ diệt nhà Lý để xây dựng nhà Trần. Lý Long Tường đánh thắng quân Nguyên hai lần, được vua Cao Ly phong làm Hoa Sơn Tướng quân.)

Chỉ đến khi Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền năm 1978 Trung Quốc mới thực sự bắt đầu một thời kỳ cải cách và phát triển theo hướng ”chủ nghiã xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Đặng thi hành chủ nghĩa thực dụng về kinh tế, mở cửa làm ăn với các nước Tây phương với câu nói nổi tiếng: “Mèo đen hay mèo trắng không thành vấn đề miễn là nó bắt được chuột.” Nhưng quan trọng nhất trong mưu lược đối ngoại của Đặng Tiểu Bình là âm thầm xây dựng một nước Trung Hoa hùng mạnh bằng chính sách “thao quang dưỡng hối” (giấu cái sáng, nuôi cái tối) tức là giấu diếm nội lực, giả vờ yếu kém để chờ ngày vùng dậy làm bá chủ thiên hạ.

Chính sách ẩn mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình nay đã đến hồi kết thúc. Chỉ trong ba thập kỷ, Trung Quốc từ một nước nghèo đói đã vươn lên thành một siêu cường kinh tế, vượt Nhật Bản để chiếm địa vị thứ nhì sau nước Mỹ, và cũng đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với số tiền cho mượn trên 1300 tỉ đô-la. Thời Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư, Trung Quốc đã giàu nhất thế giới vì nhờ lao động rẻ nên đã trở thành công xưởng của tư bản quốc tế sản xuất hầu hết hàng tiêu thụ khắp các nước. Không giấu được sức mạnh tiền bạc nhưng Hồ Cẩm Đào vẫn tiếp tục lừa thế giới với khẩu hiệu khiêm tốn là “trỗi dậy hoà bình”. Từ 2012, khi Tập Cận Bình kế vị Hồ Cẩm Đào thì “Trỗi dậy hoà bình” được đổi thành “Giấc mơ Trung Quốc”, thể hiện rõ hơn chủ nghĩa dân tộc của một lãnh đạo nhiều quyền lực nhất, cùng một lúc nắm ba chức vụ Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Lời tiên đoán của Napoleon nay được nghiệm đúng: tên “khổng lồ” đã tỉnh giấc và sẽ thật sự làm rung chuyển thế giới. Nhưng rung chuyển đến mức nào và sẽ bị rung chuyển ngược ra sao lại là chuyện khác.

Đặc điểm chung của các lãnh đạo cộng sản độc tài là “nói một đàng làm một nẻo” và kiên quyết phủ nhận những sự thật hiển nhiên. Tập Cận Bình còn hơn cả những người tiền nhiệm ở chỗ không giấu diếm thái độ tự tôn và ngang ngược về mặt đối ngoại dù vẫn luôn luôn dối trá. Đối với Tập, thế kỷ 21 phải là thế kỷ của Trung Quốc vĩ đại, và thời điểm 2014 rất thuận lợi để cho Tập khẳng định quyết tâm thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” khởi sự từ Việt Nam, đối tượng quan trọng nhất nhưng lại dễ dàng nhất. Tập Cận Bình không thể bỏ lỡ cơ hội này dù mới đây Tập đã trơ tráo quả quyết rằng “Trung quốc không có cái gien xâm lược.”

Tại sao Việt Nam?

Một người Việt Nam bình thường nào (và tất cả những học sinh miền Nam trước 1975) cũng biết rõ là từ các triều đại phong kiến hơn hai nghìn năm trước đến thời đại cộng sản ngày nay, các lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn tìm cách xâm chiếm đất nước và đồng hoá dân tộc Việt. Tất cả những quan hệ hoà bình, hữu nghị giữa hai nước đều chỉ là giả tạm và có lợi hơn cho Trung Quốc, tất cả mọi sự viện trợ to lớn của cộng sản Tàu cho cộng sản Việt trong cuộc chiến chống Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà đều là những điều kiện thuận lợi cho việc đẩy Việt Nam vào vòng lệ thuộc Trung Quốc sau chiến tranh. Ngoài ra, vì Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất, cộng sản Tàu còn có lợi ích đặc biệt là “đánh Mỹ cho đến người Việt cuối cùng”.

Trở lại với câu hỏi “Tại sao cộng sản Trung Quốc (CSTQ) lại chọn cộng sản Việt Nam (CSVN) là nạn nhân đầu tiên trong mưu toan làm chủ Biển Đông Nam Á, kiểm soát các nước ASEAN và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương?”, tôi thấy có chín lý do dưới góc nhìn của Bắc Kinh:

1. Việt Nam có vị trí chiến lược then chốt, gần nhất và thuận tiện nhất để Trung Quốc có thể sử dụng vào mục tiêu khẳng định quyền làm chủ Biển Đông Nam Á, khai thác tài nguyên biển và kiểm soát toàn thể các nước trong khu vực.

2. Từ sau bản mật ước Thành Đô năm 1990, Việt Nam đã gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị. Việt Nam lại đang bị suy thoái về kinh tế và không có một đồng minh nào về chính trị và quân sự.

3. Cộng sản Việt Nam không thể rời bỏ chỗ dựa an toàn là Trung Quốc vì cần phải duy trì sự tồn tại của Đảng và chế độ với những đặc quyền đặc lợi quá lớn đã nắm giữ từ lâu trong khi phạm những tội ác quá nặng đối với nhân dân và đất nước.

4. Việt Nam khó khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa vì mắc kẹt với bức công hàm của TT Phạm Văn Đồng gửi TT Chu Ân Lai ngày 14/09/1958. Trên 50 năm qua, nhà nước Việt Nam né tránh vấn đề này nên có rất ít công trình nghiên cứu về pháp lý và lịch sử làm cơ sở tranh cãi so với số lượng nhiều gấp hàng chục lần của Trung Quốc.

5. Các nước ASEAN không đoàn kết và mỗi nước đều có nhiều lợi ích kinh tế riêng qua những quan hệ hợp tác song phương với Trung Quốc.

6. Hoa Kỳ đang phải đối phó với nhiều khó khăn ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới nên chưa thể thật sự xoay trục sang Châu Á như mong muốn. Trung Quốc cần nắm lấy cơ hội trước khi Hoa Kỳ có thể cùng với Nhật xây dựng liên minh chiến lược với ASEAN.

7. Trung Quốc cũng có nhiều khó khăn nội bộ nhưng qua hành động thị oai với Việt Nam và xác định quyền khai thác tài nguyên trên biển Đông Nam Á, lãnh đạo Bắc Kinh có thể khích động chủ nghĩa dân tộc và gỉảm bớt sự bất mãn và chống đối của nhân dân.

8. Hoa Kỳ và Nhật Bản đang có những nỗ lực lôi cuốn Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc giữa lúc tinh thần yêu nước và khát vọng dân chủ của nhân dân Việt Nam đang lên cao, khuyến khích khuynh hướng thoát Trung trong các đảng viên CSVN và hậu thuẫn mạnh mẽ cho khuynh hướng cải cách trong nội bộ lãnh đạo.

9. Nguy hiểm nhất là triển vọng thắng thế của khối yêu nước và cải cách chính trị ở Việt Nam, trong và ngoài Đảng. Nếu Việt Nam thoát Trung và trở thành một nước dân chủ, chế độ độc tài cộng sản ở Trung Quốc sẽ lung lay và chắc chắn phải sụp đổ trong một tương lai không xa.

Chín lý do trên đây khiến lãnh đạo Bắc Kinh phải ra tay sớm, bất chấp luật lệ quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển, và bộ Quy tắc về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông Nam Á (gọi tắt là COC) mà Trung Quốc đã hứa sẽ ký kết với các nước ASEAN tiếp theo bản Tuyên bố về Ứng xử (DOC) đã được các bên ký từ năm 2002.

Riêng đối với Việt Nam, Trung Quốc đã thẳng tay xé bỏ hai bản thoả thuận do lãnh đạo hai bên ký kết năm 2011 và 2013, cam kết giải quyết hoà bình các vấn đề khó khăn giữa hai nước. Tệ hơn nữa, Bắc Kinh đã ba lần bác bỏ lời yêu cầu khẩn cấp của Hà Nội về một cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh để giải quyết hoà bình vụ giàn khoan HD-981. Châm ngôn “16 chữ” và “4 tốt” thể hiện tình đồng chí bền chặt giữa hai đảng anh em được ca tụng hơn 20 năm bỗng nhiên bị quăng vào thùng rác. Hành động trở mặt tàn nhẫn và bất ngờ của Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ có thể giải thích được bằng nguy cơ được nêu lên ở hai điểm số 8 và 9 trên đây.

Phản ứng phức tạp của Việt Nam

Nếu lãnh đạo Việt Nam đã phải bàng hoàng vì sự trở mặt trắng trợn của Bắc Kinh thì lãnh đạo Trung Quốc cũng bị bất ngờ trước khí thế yêu nước bùng dậy mãnh liệt từ phiá nhân dân Việt Nam, một dân tộc tưởng như đã bị chế độ cộng sản thuần hoá thành những con người khiếp nhược chỉ biết tuân lệnh vì đã được dạy dỗ rằng “chuyện gì cũng đã có Đảng và Nhà nước lo.”

Thật đáng tiếc là thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc cậy mình quá giàu và quá mạnh nên không chịu tìm hiểu lịch sử và văn hoá Việt Nam để biết rằng truyền thống chống Trung Quốc xâm lược vốn nằm sẵn trong từng mạch máu, từng thớ thịt của dòng giống Việt từ ngày lập quốc. Bởi vậy, ngay trong hàng ngũ đảng viên CSVN, trừ một số đã nhiễm độc nặng vì địa vị và quyền lợi, những đảng viên yêu nước vẫn kiên quyết đấu tranh cho độc lập và chủ quyển của quê cha đất tổ. Họ cũng sáng suốt nhận ra những sai lầm tai hại của chủ nghĩa cộng sản nên đã dấn thân vào tiến trình chuyển hoá chế độ từ độc tài độc đảng sang dân chủ đa nguyên đa đảng. Nhưng dưới sự cai trị khắc nghiệt của chế độ toàn trị, trí thức và nhân dân không thể bày tỏ lòng yêu nước hay thái độ bất mãn đối với những hành động sai trái của chính quyền. Mọi hoạt động phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền hay đối xử tàn nhẫn với ngư dân Việt Nam đều bị nhà nước ngăn cấm và những người dám lên tiếng đều bị trù dập, bắt giữ và kết án nặng nề.

Nhưng sự chiụ đựng nào cũng có giới hạn và nhà cầm quyền cũng không thể che giấu mãi tội ác của Trung Quốc và thái độ hèn kém của mình. Rốt cuộc ngày phải đến đã đến. Ngày 1 tháng 5, 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ HD-981 cùng hơn 80 tàu vũ trang và máy bay hộ tống vào khu vực Hoàng Sa, hạ đặt giàn khoan này ngay trên Thềm lục địa và trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Các tàu hộ tống giàn khoan đã tấn công các tàu công vụ và dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu và một số người bị thương vong.

Hành động phi pháp và thái độ hống hách của cường quyền Bắc Kinh không chỉ làm bùng dậy lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam mà còn làm cho đám lãnh đạo thân Bắc Kinh phải lo sợ và đành lòng để cho nhân dân biểu tình chống Trung Quốc. Mặc dù cuộc biểu tình đầu tiên được phép ngày 11.5 đã diễn ra tốt đẹp vì nhân dân chỉ biểu dương lòng yêu nước chống quân xâm lược chứ không chống chính quyền, phe thân Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn cuộc biểu tình trong tuần kế tiếp mà họ biết chắc là số người xuống đường tham gia sẽ tăng lên gấp bội. Nhiều nguồn tin cho hay họ đã mướn côn đồ sách động công nhân biểu tình bạo động ở một số cơ xưởng do người ngoại quốc đầu tư, gây thiệt hại vật chất và thương tích cho một số người bị coi là dân Trung Quốc. Mượn cớ có bạo động, chính quyền đã có lý do chính đáng để ra lệnh cấm biểu tình dù ban tổ chức đã thông báo chủ trương bất bạo động. Điều này cho thấy nội bộ lãnh đạo Việt Nam vẫn còn chia rẽ nhưng phe cấp tiến đã bắt đầu tạo được hậu thuẫn của nhân dân yêu nước và khao khát dân chủ.

Tuy nhiên, tình hình mấy tuần qua đã trở nên phức tạp qua những phát biểu và cách hành xử lúng túng và mâu thuẫn của một số nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam trước hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc và những động thái phòng ngừa từ phía Mỹ và Nhật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không nói năng gì, chỉ một mực muốn sang Bắc Kinh cầu cứu Tập Cận Bình nhưng đã bị từ chối. Đại tướng Phùng Quang Thanh thì tại Hội nghị Shangri-La ngày 1 tháng Sáu đã có những lời phát biểu quá nhũn nhặn so với lời lẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ kết án Trung Quốc tại hội nghị cao cấp ASEAN ngày 12 tháng 5, và trong cuộc gặp Tổng thống Philippines tại Manila một tuần sau đó. Gần đây nhất là quyết định (của Bộ Chính trị ?) trì hoãn chuyến đi Washington của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh do lời mời của Ngoại trưởng John Kerry.

Chuyến đi thăm dò lãnh đạo Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 18/6 lại cho thấy có ba sự kiện đáng chú ý:

1. Dù chưa có thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao, các nguồn tin trong nước và ngoại quốc đều cho hay là cuộc đối thoại Dương Khiết Trì-Phạm Bình Minh bị bế tắc vì lập trường hai bên không thay đổi. Các thông tín viên của Reuters nhận xét không có treo cờ hai quốc gia bên ngoài toà nhà họp như thông lệ mỗi khi có khách quan trọng đến thăm và cũng không có tấm hình nào cho thấy hai bên với vẻ mặt tươi cười. Trang tin mang tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đăng một tấm hình cho thấy khi bắt tay nhau, Phạm Bình Minh nhìn thẳng vào mặt người đối diện trong khi Dương Khiết Trì thì nhìn xuống. Người viết blog nhận xét ông Minh có ánh mắt “rực lửa”.

2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực; gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước… Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

3. Một sự kiện khác rất bất ngờ là quan điểm yêu nước vững chắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp kiến Dương Khiết Trì. Bản tin VNTTX ngày 18/6 dẫn lời của ông Trọng: “Tổng Bí thư nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng Năm đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực. Tổng Bí thư khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi; đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình… trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.”

Dù sao, thái độ lúng túng và mâu thuẫn của lãnh đạo Việt Nam vẫn tồn tại, cho thấy phe bảo thủ thân Trung Quốc, dù đã bị Bắc Kinh không thèm đếm xỉa tới nữa, vẫn không dám nghĩ đến việc thoát Trung vì ngoài Trung Quốc ra, họ không có một chỗ dựa nào khác. Có lẽ họ không còn chiếm đa số trong Bộ Chính trị nhưng họ đang tranh thủ lôi cuốn những người “do dự” mà phe yêu nước cấp tiến cũng đang cố gắng thuyết phục. Dù khinh miệt đám tay chân ở Hà Nội, lãnh đạo Bắc Kinh không bỏ qua cơ hội làm suy yếu phe cấp tiến đang gia tăng hợp tác với Mỹ. Chắc chắn đàng sau những cuộc vận động thành phần còn do dự đều có bóng dáng của Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng và các thuộc viên. Mặc dù mục tiêu cuối cùng của các phe đang chống đối nhau trong Đảng CSVN là chiếm được ưu thế trong Đại hội 12 sẽ diễn ra năm 2016, Đảng và Nhà nước vẫn phải có những quyết định liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại từ nay cho đến ngày Đại hội. Liệu có thay đổi gì không? Chúng ta có thể ngờ rằng tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và “nói một đàng, làm một nẻo” sẽ tiếp tục được duy trì như một đồng thuận không chính thức trong nội bộ lãnh đạo. Trong khi đó, bọn bá quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục vừa đánh lừa dư luận vừa lấn tới, từng bước một, nhưng mau hơn trước.

Liệu sự thống nhất bất ngờ giữa hai ông Tổng Bí thư và Thủ tướng về lập trường đối với Trung Quốc qua vụ giàn khoan HD-981 có làm cho những lãnh đạo thân Tàu trong Bộ Chính trị cũng sẽ bớt cản đường trên con đường thoát Trung?

Tổng lực dân tộc và những hành động đột phá

Những nhận định ở phần đầu bài này đã cho thấy năm 2014 là thời điểm thuận lợi nhất cho Trung Quốc tiến hành kế hoạch thống lĩnh Biển Đông Nam Á và trục xuất Hoa Kỳ khỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong hai mươi năm qua, CSVN đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội thoát Trung và cải cách chính trị để đất nước có thể phát triển không thua kém Đại Hàn, Đài Loan hay Singapore. Trước sự trở mặt thình lình của Bắc Kinh, Đảng và Nhà nước Việt Nam không kịp chuẩn bị cho việc bảo vệ chủ quyền trên biển để từ đó sẽ mất luôn khả năng bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Trước tình thế gần như tuyệt vọng đó, Việt Nam chỉ có hi vọng được cứu thoát nếu có một tổng lực dân tộc do sự kết hợp của cả ba thành phần : chính quyền, nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhưng tổng lực dân tộc này chỉ có thể thành tựu nếu mỗi thành phần đều có những hành động đột phá hướng về hai mục tiêu chung: bảo vệ tổ quốc và thực thi dân chủ.

1. Chính quyền

Đây là thành phần chủ yếu vì đang nắm quyền quyết định vận mệnh dân tộc về mặt đối ngoại, nhưng cũng là thành phần suy nhược, nội bộ chia rẽ và không được nhân dân tin cậy. Ai cũng đã thấy rõ là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang chia làm hai: một phe do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu hoàn toàn dựa vào Trung Quốc (thân Tàu) để bảo vệ chế độ độc tài và quyền lợi nhóm, và một phe do Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo chủ trương phải thoát Trung và chuyển hoá thể chế từ độc tài sang dân chủ (thân Mỹ). Trước nguy cơ mất nước, dù có nghi ngờ cả hai phe “vì họ đều là cộng sản”, nhân dân trong nước và cộng đồng hải ngoại vẫn không có lựa chọn nào khác hơn là chống phe thân Tàu và ủng hộ phe thân Mỹ. Nhưng để có thể được toàn dân hậu thuẫn và tạo thành tổng lực dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này phải thật sự chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm. Những lời chỉ trích Trung Quốc cũa ông Dũng từ hơn một năm nay đã trở nên mạnh mẽ đến mức độ dứt khoát và những phát biểu của ông trong thông điệp đầu năm 2014 gửi nhân dân trong nước đã bộc lộ rõ rệt ý muốn “đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, nhưng có thể ông đã không thi hành được ý muốn vì lực cản của đám bảo thủ thân Tàu còn quá mạnh. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chọn thái độ dứt khoát và ở trong một tình thế không thể lùi được nữa thì ông phải có ngay một số hành động đột phá, chẳng hạn:

a. Thành lập ngay một Hội đồng Tư vấn về quan hệ Việt-Trung gồm các trí thức và chuyên gia độc lập trong và ngoài nước. Hội đồng này sẽ làm việc với những Ban Đặc nhiệm (Task Force) về lịch sử, pháp lý, và quan hệ quốc tế của chính phủ để đề xuất những chính sách và biện pháp đối phó với những luận điệu xuyên tạc, thủ đoạn hãm hại và hành động uy hiếp của Trung Quốc. Các thành viên trong hội đồng tư vấn và ban đặc nhiệm sẽ thường xuyên tham khảo với các học giả và chiến lược gia quốc tế có thiện cảm với Việt Nam và chống chính sách bành trướng của Trung Quốc (như Carl Thayer, Jonathan London, Ernest Bower, David Brown). Một hồ sơ tội ác và thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc đối với Việt Nam cần được thiết lập để sẵn sàng có bằng chứng tố cáo trước dư luận quốc tế.

b. Gửi một văn thư kêu gọi lãnh đạo các cấp trung ương và địa phương thức tỉnh trước thái độ tráo trở ngạo mạn của Bắc Kinh, xé bỏ các hiệp ước hoà bình hữu nghị giữa hai nước và quyết tâm biến Việt Nam thành một nước chư hầu. Văn thư cũng kêu gọi toàn thể các đảng viên đang hoạt động hay đã hồi hưu, đặc biệt trong quân đội và công an, hãy thực thi truyền thống oai hùng bảo vệ tổ quốc và nhân dân chống quân xâm lược, và sau hết kêu gọi toàn dân đoàn kết để hợp thành sức mạnh dân tộc cứu nguy đất nước. Thế giới văn minh ở thế kỷ 21 sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vì không một quốc gia nào chịu sự lãnh đạo của một nước cộng sản độc tài như Trung Quốc. Đây có thể là một bản “hịch” lịch sử.

c. Thực hiện tiến trình dân chủ hoá bằng việc ban hành các quyền tự do cơ bản của con người như tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo…, thả hết những tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm bị bắt giữ vì bất đồng chính kiến, đền bù công bằng cho những dân oan bị cưỡng chế đất đai, những công nhân bị bóc lột và đối xử tàn tệ. Về mặt thể chế thì bãi bỏ ngay điều 4 Hiến pháp và thành lập hội đồng lập hiến để soạn thảo một bản Hiến pháp mới trên cơ sở tam quyền phân lập, một quốc hội thực sự do dân bầu và một cơ chế chính trị đa nguyên đa đảng.

Những bước đột phá này nếu được thi hành chắc chắn sẽ được toàn dân nhiệt liệt hoan nghênh, mọi thế lực phản động bán nước và quan thày Bắc Kinh sẽ phải chùn bước, và thế giới dân chủ, văn minh sẽ mở rộng vòng tay đón nhận và giúp đỡ Việt Nam phát triển. Chỉ trong một vài thập kỷ, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu mạnh trong khu vực.

2.Nhân dân trong nước 

Thành phần này tuy không có thực quyền và đã bị áp chế lâu ngày đã bỗng nhỉên bừng tỉnh vì hành động ức hiếp quá đáng của Trung Quốc, đồng thời cũng vì sức chịu đựng chế độ độc tài tham nhũng đã lên đến mức căng thẳng nhất. Trong thời gian chưa đầy một năm, sau những kiến nghị và thư ngỏ đầy thiện chí của nhân sĩ trí thức bị chính quyền vứt bỏ, các nhóm công dân đã liên tiếp theo nhau ra đời không cần xin phép – nay đã lên tới gần ba chục tổ chức – tất cả đều tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền và dân chủ. Một xã hội dân sự đã thật sự thành hình mặc dù vẫn thường xuyên bị hạn chế, đe doạ và một số đã bị bắt giữ. Bất chấp lực lượng an ninh, những hoạt động của xã hội dân sự vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức: diễn đàn điện tử, báo mạng, toạ đàm và hội thảo có chủ đề, thư yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc, thư kêu gọi toàn thể các đảng viên đứng chung với nhân dân, trực tiếp vận động và hội họp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện chính phủ nước ngoài ở Việt Nam, thậm chí đã có thể trực tiếp vận động với Quốc hội và Bộ Ngoại giao ở Hoa Kỳ, Lỉên minh Châu Âu và Hôi đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, kể cả đích thân tham gia những cuộc hội thảo của người Việt ở nước ngoài hoặc trao đổi qua màn hình trực tuyến, v.v.

Dù sao, những tổ chức công dân tự phát ở Việt Nam còn quá mới và quá nhỏ. Thực tế là không có một sự thay đổi chính quyền hay thể chế nào có thể diễn ra mà không do sự tranh đấu của một tổ chức quần chúng lớn mạnh như Công đoàn Đoàn kết (Solidarnosc) ở Ba Lan hay một đảng chính trị đối lập có uy tín như Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở Myanmar. Việt Nam vì bị cộng sản kìm kẹp quá lâu đã không có được những tổ chức công dân hay đảng phái đối lập và những lãnh tụ nổi bật như Lech Walesa hay Aun Sang Suu Kyi. Vì vậy cần phải có sự xuất hiện của ít nhất một tổ chức đủ lớn và đủ khả năng lãnh đạo quần chúng tranh đấu cho lợi ích của quốc gia. Ba tháng trước đây, tác giả Nguyễn Vũ Bình có một bài viết rất đáng chú ý về sự lớn mạnh của Phong trào Dân chủ trong mấy năm qua nhưng vẫn chỉ là “dấu hiệu cho một sự chuyển đổi cơ bản và toàn diện.”

Trong khi chờ đợi và trước nhu cầu cấp bách của tình thế, các tổ chức công dân riêng rẽ hiện nay cần phải kết hợp với nhau thành một liên minh bình đẳng để phối trí các hoạt động có mục tiêu chung và hỗ trợ lẫn nhau. Như tôi đã đề nghị sơ khởi trong bài “Khúc ngoặt lịch sử” (boxitvn, ngày 14/5/2014): “Các nhóm trong Liên minh này đều độc lập và bình đẳng, hợp tác với nhau trên cơ sở mẫu số chung, đại đồng tiểu dị. Đại diện các nhóm sẽ bầu ra một Hội đồng Điều hành của Liên minh theo lề lối dân chủ, căn cứ trên những điều kiện thích hợp, như hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng tổ chức, giao thiệp, v.v. Cũng cần có một bản nội quy ấn định rõ sứ mệnh và cấu trúc của Liên minh, vai trò và trách nhiệm của các nhóm thành viên, nhất là thể thức làm việc cho có hiệu quả và ngăn ngừa được sự lạm dụng quyền lực của một cá nhân hay phe nhóm nào… Như vậy dân tộc mới có đủ sức mạnh bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước đồng thời hậu thuẫn cho sự chuyển đổi thể chế từ độc tài toàn trị sang dân chủ đa nguyên đa đảng một cách trật tự, ôn hoà.” Đây chỉ là sự gợi ý để cho các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở trong nước xem xét và tìm cách thực hiện thích hợp.

Ngày 5 tháng 6 vừa qua, đã có 16 tổ chức xã hội dân sự và tôn giáo lần đầu tiên ngồi lại với nhau tại chùa Liên Trì ở Saigon để thảo luận về sự phát triển XHDS, đòi hỏi chính quyền thực thi những quyền tự do căn bản, và nhấn mạnh vào quyền thành lập công đoàn độc lập. Bốn ngày sau, Liên đoàn Lao động Việt Tự do, gọi tắt là Lao Động Việt (LĐV) ra tuyên cáo xác nhận tham gia cộng đồng xã hội dân sự ở Việt Nam để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người lao động. Đó là những bước đầu tích cực tiến đến sự ra đời của một loại hình chính thức liên kết các tổ chức dân sự, có lãnh đạo và sinh hoạt dân chủ. Điều đáng lo ngại là giữa các tổ chức vẫn có thể có những trở ngại cho sự phối trí và hợp tác, và điều đó, nếu tồn tại, sẽ là một đại bất hạnh cho dân tộc. Mong rằng các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở trong nước có đủ sự sáng suốt, tinh thần trách nhiệm và ý chí vượt qua mọi trở lực để tạo được sức mạnh toàn dân, điều kiện cần thiết để gìn giữ đất nước, thực hiện tiến trình dân chủ và phát triển.

Vai trò của trí thức đặc biệt quan trọng trong việc đối thoại với chính quyền, vận động các đại sứ quán và cơ quan quốc tế (gồm cả giới truyền thông) có đại diện ở Việt Nam, giúp thành lập Liên minh các tổ chức XHDS và giúp thảo kế hoạch và chương trình hoạt động của liên minh nhằm  đẩy mạnh những cải cách về chính trị, kinh tế, giáo dục và xã hội. Trí thức cấp tiến trong hay ngoài Đảng cũng sẽ rất đắc lực trong việc cung cấp thông tin, vận động trí thức và nhân dân Trung Quốc nhận ra chính sách sai lầm và tham vọng lỗi thời của các lãnh đạo Đảng CS đe dọa hoà bình và ổn định trong khu vực, nhất là phá hoại tình thân thiết tự lâu đời giữa hai dân tộc.

Nỗ lực đoàn kết, hợp tác trong tinh thần dân chủ để phục vụ lợi ích chung, bảo đảm lâu dài nền độc lập, toàn vẹn chủ quyền và phát triển bền vững cho đất nước, đó là bước đột phá cần thiết của trí thức và nhân dân trong nước, tự giải thoát ra khỏi mọi áp bức của chế độ cộng sản độc tài, mọi thành kiến nghi kỵ, và giành lại đầy đủ quyền công dân của một nước văn minh, dân chủ.

3. Cộng đồng người Việt hải ngoại 

Kiều dân hay công dân ngoại quốc gốc Việt đều được kể là thành phần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nói gọn là người Việt hải ngoại. Dù ở xa quê hương hay sinh trưởng ở nước ngoài, hầu hết đều vẫn gắn bó tình cảm với nguồn gốc của mình ở những mức độ khác nhau. Tổng số người Việt hải ngoại tính đến nay khoảng trên 4  triệu người, riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 2 triệu. Bài này không đi vào chi tiết về lịch sử và đời sống của người Việt hải ngoại mà chỉ tập trung vào vai trò cần thiết và thích hợp của cộng đồng này, đặc biệt là ở Mỹ, đối với tình hình chính trị ở Việt Nam và các quan hệ Việt-Mỹ-Trung.

Nói chung, quan điểm chính trị của Việt kiều ở Nga và các nước Đông Âu trước đây đối với Việt Nam khác xa nếu không muốn nói là đối nghịch với khối người Việt tị nạn ở những nước không cộng sản từ 1975 cho đến khi chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu theo nhau sụp đổ trong năm 1989. Kể từ đó, quan điểm của những Việt kiều ở những nước cựu cộng sản đã bắt đầu thay đổi và cùng với các cơ hội giao lưu gia tăng từ đó đến nay, những suy nghĩ về tình hình đất nước và nhu cầu dân chủ hoá chế độ đã gần như đồng nhất trong đại khối người Việt hải ngoại.

Từ năm 2010, tôi đã nêu vấn đề hiểm hoạ Trung Quốc và đề cập vai trò của người Việt hải ngoại trong hai bài viết, “Người Việt hải ngoại làm được gì trước hiểm hoạ Trung Quốc” (talawas, 01/03/2010) và “Trước hiểm họa Trung Quốc: Kế hoạch hành động của người Việt hải ngoại” (talawas, 02/07/2010). Như vậy đây là lần thứ ba tôi trở lại vấn đề này nhưng có những nhận định phù hợp với những biến chuyển mới của tình hình, đặc biệt khai triển thêm hai phần về vai trò và những bước đột phá cần thiết của chính quyền cũng như của xã hội dân sự. Vì kế hoạch hành động của người Việt ở nước ngoài đã được trình bày khá đầy đủ trong bài viết ngày 02/07/2010 nên ở đây tôi chỉ nhấn mạnh những điểm chính, nhất là vai trò hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại, một quan điểm đã được nhắc đến trong bài viết ngày 01/03/2010 nêu trên và xác nhận rõ hơn trong bài “Thư gửi bạn bè trong nước…” (boxitvn, 05/03/2013) rằng “việc thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam là việc làm của người trong nước, còn người ở bên ngoài chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ.”

Những điểm chính được tóm tắt (với đôi chút cập nhật) là:

* Trước hiểm họa Trung Quốc và tình thế cấp bách hiện thời, cần ủng hộ những lãnh đạo thật lòng bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam. Nếu ngày nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không những chỉ khẳng định quyết tâm ấy mà còn chủ trương dân chủ hoá chế độ thì người Việt hải ngoại càng cần phải hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự trong nước hậu thuẫn cho ông Dũng đánh bại phe thân Tàu độc tài toàn trị. Một khi đã thoát Trung và thể chế dân chủ đã có cơ sở thì những tội lỗi và sai lầm cuả chế độ cộng sản sẽ được xử lý một cách công bằng, nhân đạo.

* Trí thức và chuyên gia hải ngoại sẽ cùng với các trí thức chuyên gia yêu nước và cấp tiến ở trong nước đóng góp vào việc giúp chính quyền giải quyết các vấn đề khó khăn về đối nội và đối ngoại, thiết lập các dự án cải cách để có thể ổn định được tình hình chính trị, kinh tế và xã hội, giúp đất nước mau chóng trở thành một quốc gia dân chủ và phát triển. Trong nhiều năm qua, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên và các giới trong và ngoài nước đã có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác, tạo thành một nguồn nhân lực và tài nguyên quan trọng với tiềm năng rất phong phú, sẵn sàng được huy động và sử dụng khi có cơ hội và điều kiện thuận lợi. Các tổ chức phi chính phủ từ bên ngoài với những chương trình y tế, giáo dục và nhân đạo cũng đã tạo được nhiều hạt giống cho sự nảy sinh và phát triển xã hội dân sự.

* Cộng đồng người Việt hải ngoại có nhiều điều kiện hơn người trong nước trong việc tiếp cận các cơ quan chính quyền, quốc hội, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế để vận động cho các chính sách có lợi cho Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo chiều hướng dân chủ. Các học giả người Việt ở nước ngoài cũng có nhiều dịp tham gia hội họp và hợp tác với các viện nghiên cứu về Việt Nam, các tổ chức tranh đấu cho quyền con người, các hiệp hội công dân gốc Châu Á-Thái Bình Dương để cùng vận động cho các chương trình, các giải pháp đem lại hoà bình, hợp tác, và phát triển cho các nước trong khu vực.

Việc phân định vai trò của chính phủ, nhân dân và cộng đồng hải ngoại như trên không nhất thiết chỉ thuộc về mỗi thành phần vì trên thực tế có nhiều việc nếu làm chung thì sẽ có hiệu quả hơn. Vấn đề chính là chính phủ – ở đây là chính phủ Nguyễn Tấn Dũng – có đủ quyết tâm thoát ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và thực thi dân chủ hay không. Tôi biết có nhiều nhân sĩ, trí thức ở trong nước trước đây chống ông nay sẵn sàng giúp ông thay đổi tình thế vì sự tồn vong của đất nước. Đây là một nhiệm vụ lịch sử với muôn vàn khó khăn trước mắt. Trong bài “Việt Nam sẽ ra sao sau bài diễn văn Shangri-La” (boxitvn, 19/06/2013), tôi kết luận bằng một lời cầu nguyện: “Cầu Trời khấn Phật cho ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành một Gorbachev Việt Nam”. Nhưng như ngạn ngữ Tây phương đã nói “Hãy tự giúp mình trước thì Trời sẽ giúp ta”, nếu ông Dũng tự giúp ông làm nhiệm vụ lịch sử thì ngoài sự phù hộ của Trời, ông còn có hậu thuẫn của hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, cộng với sự hỗ trợ tận tình của bạn bè quốc tế. Nếu chẳng may vì lý do nào đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thất bại, hay quay lưng lại với nhân dân, thì tình huống đó sẽ được Trời và nhân dân xử lý.

Carpe diem! Hãy nắm lấy thời cơ đang có trong tầm tay. Vì đó cũng là cơ hội cuối cùng.

California, 19 tháng Sáu 2014
Lê Xuân Khoa
——–
Tác giả Lê Xuân Khoa nguyên là Chủ tịch Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (SEARAC) và Giáo sư thỉnh giảng Đại học Johns Hopkins, USA.
 

Chiến lược xoay trục quan hệ kinh tế Việt Trung

Sau khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và kéo theo là tình trạng căng thẳng trong quan hệ hai nước, đã có nhiều ý kiến cho đây là cơ hội để Việt Nam thoát Trung.

Đúng là như thế. Nhưng phải hiểu bản chất của quan hệ kinh tế Việt Trung và phân tích nguyên nhân dẫn tới quan hệ bất bình thường trong thời gian qua mới đề ra được chiến lược, đối sách có hiệu quả.

Nhà thầu Trung Quốc thi công một dự án cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: THANH TAO
Đằng sau những hiện tượng bất bình thường

Quan hệ kinh tế Việt Trung trong 20 năm qua phát triển rất bất bình thường, tiềm ẩn nguy cơ lệ thuộc về kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Việt Nam. Có thể tóm tắt mấy điểm chính về hiện tượng này như sau:

Thứ nhất, cơ cấu ngoại thương giữa hai nước ngày càng phát triển bất bình thường và bất lợi cho Việt Nam.

Không những Việt Nam nhập siêu ngày càng tăng lên bất thường (từ năm 2006 kim ngạch nhập siêu với Trung Quốc lớn hơn cả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường đó) mà cơ cấu cũng có tính chất buôn bán giữa một nước chưa phát triển và nước đã phát triển (xuất khẩu hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế và nhập hàng công nghiệp).

Hơn 10 năm trước (năm 2002) trên TBKTSG tôi có viết bài "Tính chất Bắc - Nam trong quan hệ kinh tế Việt Trung" để cảnh báo vấn đề này. Năm 2009, cũng trên TBKTSG tôi có đăng bài "Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt Trung". Lãnh đạo đất nước chủ trương đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 nhưng không có chiến lược đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai, đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc theo thống kê chính thức thì chưa nhiều (chỉ chiếm độ 3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong các dự án FDI còn hiệu lực đến cuối năm 2013 và xếp thứ 9 trong các nước đầu tư ở Việt Nam), nhưng rất có khả năng nhiều doanh nghiệp đầu tư trên danh nghĩa là của Singapore, Hồng Kông, British Virgin Islands... nhưng trên thực tế là vốn của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều thông tin tuy còn tản mạn nhưng đã cho thấy có hiện tượng đó.

Thêm vào đó, doanh nghiệp Trung Quốc mua hoặc thuê dài hạn (nhiều trường hợp tới 50 năm) nhiều đất rừng và các khu vực ven biển, những nơi nhạy cảm về an ninh quốc gia. Điều bất bình thường ở đây là, khác với những nước đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ có Trung Quốc mới nhắm đến những lĩnh vực nhạy cảm đó. Điều bất bình thường nữa là quan chức Việt Nam, nhất là ở chính quyền địa phương, quá ngây thơ, thiếu cảnh giác trước các dự án này.

Thứ ba, doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án trọng điểm trong các ngành quan trọng của Việt Nam cũng là hiện tượng bất bình thường.

Tuy được các giới có trách nhiệm giải thích là do tiêu chuẩn quan trọng nhất của Việt Nam là giá rẻ. Nhưng đã có nhiều báo cáo cho thấy các dự án của Trung Quốc sau khi thắng thầu đã phải điều chỉnh giá và thương lượng lại, nhiều dự án không xây dựng đúng tiến độ và nhiều trường hợp công trình mới xây xong đã bị hỏng hoặc xuống cấp. Tại sao để tình trạng ấy kéo dài nhiều năm, tại sao vẫn để cho Trung Quốc tiếp tục thắng thầu? Trách nhiệm và năng lực của quan chức Việt Nam thấp đến thế sao? Đó cũng là hiện tượng bất bình thường.

Thứ tư, thật khó hiểu khi đọc những thông tin về số lượng lao động người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam.

Lao động chui quá nhiều chứng tỏ bộ máy quản lý ở trung ương và địa phương quá kém. Vấn đề đâu khó đến nỗi không xử lý ngay được và để kéo dài nhiều năm. Nhưng ngạc nhiên không kém là số lao động được cấp giấy phép cũng nhiều một cách khó hiểu. Thông thường trong những dự án FDI hay dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu thực hiện, người nước ngoài chỉ có thể giữ những vị trí mà người trong nước không đảm nhận được (như kỹ sư có kinh nghiệm, chuyên viên quản lý cao cấp) và sau một thời gian nhất định những chức vụ ấy cũng phải lần lượt chuyển giao cho người bản xứ. Do đó dù ở giai đoạn đầu, số lượng người nước ngoài chỉ có thể bằng vài phần trăm trong tổng lao động của một dự án.

Do đâu mà có hiện tượng bất bình thường này?

Một là, như đã thấy qua khảo sát ở trên, bộ máy quản lý của Nhà nước Việt Nam kém hiệu suất và năng lực, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của một số quan chức các cấp có vấn đề lớn cần phải được cải thiện ngay.

Trước khi quyết định ban hành các chính sách kinh tế đối ngoại phải ý thức được sự tồn tại của Trung Quốc, phải lường trước những tác động, hậu quả đến từ nước láng giềng khổng lồ phía Bắc.

Hai là, từ khi gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có khuynh hướng mở rộng cửa thị trường trong nước cho hàng hóa và tư bản nước ngoài nhưng thiếu các chính sách, biện pháp kiểm soát hữu hiệu để loại trừ những dự án FDI thiếu chất lượng hoặc có vấn đề về an ninh quốc gia, loại bỏ những doanh nghiệp tham gia đấu thầu không có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc có tiền án vi phạm các cam kết.

Riêng đối với Trung Quốc, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng, trong đó có 4 chữ “hợp tác toàn diện”. Những quan chức thiếu tinh thần dân tộc khi bị mua chuộc có thể dựa vào phương châm đó để dễ dàng cấp phép các dự án theo yêu cầu của doanh nghiệp Trung Quốc.

Không thay đổi được tình hình này thì mọi chính sách thoát Trung đều sẽ thất bại.
Những vấn đề ở tầm chiến lược

Ở một bình diện cao hơn, Việt Nam thiếu một tầm nhìn chiến lược trong quan hệ với một nước láng giềng khổng lồ và đang trong quá trình trỗi dậy rất mạnh. Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới chỉ trong thời gian vài mươi năm. Việt Nam không chủ động có chiến lược phát triển mạnh mẽ và đặc biệt có biện pháp đối phó thì bị làn sóng công nghiệp từ phương Bắc đè bẹp là dễ hiểu.

Lý thuyết địa kinh tế cho thấy trung tâm (center) phát triển mạnh mẽ sẽ lôi cuốn các khu vực ngoại vi (periphery) vào quỹ đạo của mình nếu khu vực ngoại vi không thay đổi được các điều kiện kinh tế để xác lập cho mình một trung tâm mới.

Nếu có sự chênh lệch quá lớn về quy mô và về thời điểm cũng như tốc độ phát triển, các hoạt động sản xuất có khuynh hướng tập trung về trung tâm. Nếu hàng rào quan thuế và phí tổn giao thông đủ lớn sẽ làm yếu lực dẫn đó và các khu vực ngoại vi cũng có thể phát triển độc lập với trung tâm.

Nhưng với trào lưu tự do ngoại thương ngày nay và phí tổn giao thông không lớn do sự tiếp giáp địa lý giữa trung tâm và ngoại vi, nguy cơ lệ thuộc của vùng ngoại vi có khả năng cao. Nguy cơ đó chỉ được khắc phục nếu lãnh đạo của vùng “ngoại vi” có ý thức độc lập và tìm mọi cách khắc phục lực dẫn từ “trung tâm”.

Kinh nghiệm của Canada vào cuối thế kỷ 19 khi đối phó với sự trỗi dậy của miền đông bắc nước Mỹ là bài học gợi nhiều ý hay. Để miền đông nam của mình không bị cuốn vào quỹ đạo phát triển của miền đông bắc Mỹ là vùng đã phát triển trước với tốc độ nhanh, Canada đã khẩn trương xây dựng hạ tầng giao thông nối kết hai miền đông nam và tây nam tạo thành một nền kinh tế quốc dân thống nhất đủ mạnh để giảm ảnh hưởng của sự trỗi dậy từ phía Mỹ.

Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là hai nước láng giềng đặc biệt. Là nước nhỏ hơn và đi sau, Hàn Quốc rất lo bị kinh tế Nhật chi phối nên các chính sách kinh tế đối ngoại của Hàn Quốc vào thập niên 1960 và 1970 đều ý thức sự tồn tại của Nhật Bản.

Chẳng hạn trong hai thập niên đó Hàn Quốc có chính sách hạn chế nhận FDI vì sợ các công ty Nhật (có lợi thế về địa lý và văn hóa so với Âu Mỹ) sẽ ồ ạt đến đầu tư. Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm của Nhật nhưng không bị Nhật chi phối là nhờ tầm nhìn, chíến lược của lãnh đạo và nhờ có đội ngũ quan chức vừa có năng lực vừa có tinh thần dân tộc cao.

Phân tích ở trên đã đưa ra được các gợi ý cần thiết để Việt Nam chuyển trục trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Quy mô kinh tế của Trung Quốc lớn hơn Việt Nam nhiều, họ lại phát triển trước và với tốc độ cao hơn. Việt Nam phải ý thức về sự bất lợi này và tìm chiến lược bù trừ với bất lợi đó mới tránh được sức hút của “trung tâm” lớn này. Bài này chưa có điều kiện đi sâu vào các chiến lược cụ thể, trước mắt xin nêu lên mấy điểm sau:

Thứ nhất, phải chỉnh đốn ngay các quan hệ kinh tế với Trung Quốc, từng bước điều chỉnh để kéo các hiện tượng bất thường nói trên trở lại trạng thái bình thường, giống như quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác. Áp dụng các tiêu chuẩn phổ quát, các quy định trong các bang giao kinh tế quốc tế và các chính sách, các quy định của riêng Việt Nam, để loại bỏ những doanh nghiệp, những dự án kém chất lượng, những lao động nước ngoài không cần thiết của bất cứ nước nào, kể cả Trung Quốc.

Thứ hai, trước khi quyết định ban hành các chính sách kinh tế đối ngoại phải ý thức được sự tồn tại của Trung Quốc, phải lường trước những tác động, hậu quả đến từ nước láng giềng khổng lồ phía Bắc. Phương châm này không hàm ý nghĩa kỳ thị với Trung Quốc nếu nhìn từ lý luận về địa kinh tế và kinh nghiệm của thế giới đã nói ở trên.

Thứ ba, trong dài hạn vấn đề căn bản là Việt Nam phải từng bước vững chắc phát triển thành một nước giàu, mạnh, dân chủ, văn minh theo những chuẩn mực phổ quát mà các nước tiên tiến đã đạt được và nhiều nước khác đang hướng tới. Muốn vậy, phải thực hiện ngay cuộc cải cách thể chế toàn diện theo hướng dân chủ hóa và trọng dụng nhân tài mới động viên được các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực có cả trong và ngoài nước, hướng vào các mục tiêu ấy.

Hiện nay, nội lực Việt Nam đang suy yếu, cụ thể là đạo đức xã hội sút kém, bộ máy nhà nước còn nhiều vấn đề, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học đang xuống dốc. Không mạnh dạn cải cách thể chế thì không có tiền đề để phát triển mạnh mẽ. Những cải cách này còn có hiệu quả làm giảm phí tổn hành chánh, tăng chất lượng hạ tầng, chất lượng lao động, và như vậy sẽ bù trừ những bất lợi về quy mô kinh tế so với Trung Quốc.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm một điểm là Việt Nam phải theo đuổi một chế độ chính trị tiến bộ hơn, tốt hơn Trung Quốc thì chất lượng phát triển mới hơn nước láng giềng khổng lồ này và sẽ được thế giới đánh giá cao, từ đó Việt Nam sẽ có một sức mạnh mềm hơn hẳn Trung Quốc.

Trong thời đại toàn cầu hóa này, chính những giá trị đó sẽ thu hút đầu tư và hợp tác từ những nền kinh tế đã phát triển với chất lượng cao như Nhật, Mỹ, Tây Âu. Kết hợp nội lực và ngoại lực theo hướng này sẽ tạo nên sức mạnh đề kháng được với sự trỗi dậy của nền kinh tế khổng lồ ở phía Bắc.
 
Trần Văn Thọ 
Thứ Năm,  19/6/2014
  (TBKTSG)

Bằng cách nào Tàu và Mỹ có thể tránh được một xung đột đầy thảm họa

“...Bằng cách khiêu khích các đồng minh của Mỹ, Bắc Kinh đang ép Mỹ phải lựa chọn giữa việc bỏ bạn bè của mình hoặc lâm chiến với Tàu. Cả hai đại cường đều tin rằng bên kia sẽ xuống nước. Nhưng rất có thể hai bên đều sai. Vậy thì, nước cờ khôn ngoan nhất của Mỹ là thay đổi trò chơi tại châu Á bằng cách san sẻ quyền lực nếu Tàu chịu ứng xử một cách có trách nhiệm...”


Canberra, Australia – Nhiều người thấy khó hiểu vì sao Tàu đang có những hành vi quá hiếu chiến liên quan đến các đòi hỏi chủ quyền của mình tại biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [Biển Đông]. Các lãnh đạo Bắc Kinh hi vọng đạt được điều gì bằng cách gây phẫn nộ cho các nước láng giềng và phá hoại an ninh khu vực?

Thật ra, luận cứ của lãnh đạo Tàu khá đơn giản. Tàu có tham vọng nắm thêm nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn nữa tại châu Á so với những gì họ có được trong mấy thế kỷ trước đây. Và để cho Tàu có thêm quyền lực, thì Mỹ phải giảm bớt quyền lực của mình.

Họ biết rằng địa vị của Mỹ tại châu Á được xây dựng trên hệ thống liên minh và đối tác với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, gồm cả Nhật Bản, Philippines, và Việt Nam. Và họ tin tưởng rằng làm suy yếu các mối quan hệ này là cách dễ nhất để làm suy yếu quyền lực của Mỹ trong khu vực.

Họ còn biết rằng, bên dưới ngôn từ ngoại giao hoa mỹ, nền tảng của những liên minh và đối tác này là niềm tin tưởng của các nước bạn đối với Mỹ, rằng Mỹ có đủ khả năng và sẵn sàng che chở họ khỏi các áp lực của Tàu. Vì thế, cách dễ nhất để Bắc Kinh làm suy yếu quyền lực của Washington tại châu Á là phải phá hoại niềm tin tưởng này.

Bằng cách sử dụng áp lực vũ trang trực tiếp trong các cuộc tranh chấp này, Tàu làm cho các nước láng giềng mong ngóng hậu thuẫn quân sự của Mỹ hơn nữa, và đồng thời Tàu cũng làm cho Mỹ thiếu sốt sắng trong việc cung ứng hậu thuẫn này, vì có một nguy cơ rõ ràng về khả năng xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Tàu. Nói cách khác, bằng cách đối đầu với các nước bạn của Mỹ bằng vũ lực, Tàu đang buộc Mỹ phải đối diện với sự lựa chọn giữa việc bỏ bạn bè và chiến tranh với Tàu.

Bắc Kinh đang đánh cược rằng, trước lựa chọn nghiệt ngã này, Mỹ sẽ thối lui và để mặc đồng minh và bạn bè mình không nơi nương tựa. Tình trạng này sẽ làm suy yếu các liên minh và đối tác của Mỹ, làm xói mòn quyền lực Mỹ tại châu Á, và tăng cường quyền lực của Tàu.

Tàu sẽ tiếp tục tháu cáy Obama

Kể từ khi Tổng thống Obama công bố chiến lược “xoay trục” hướng về châu Á, Tàu liên tục thử nghiệm ý chí của Mỹ trong việc hậu thuẫn các đồng minh về các tranh chấp tại Bãi cạn Scarborough và Đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong thời gian trước chuyến thăm viếng châu Á vào tháng Tư, ông Obama hình như có xu thế rút lui từ các cam kết của Mỹ tại khu vực này, song những tuyên bố táo bạo của ông tại Tokyo và Manila cho thấy rằng ông đã lấy lại quyết tâm để giữ lập trường cứng rắn.

Hiện nay chúng ta có thể dự kiến Tàu sẽ thử nghiệm quyết tâm mới hồi phục này của Mỹ bằng cách sử dụng thêm áp lực. Và đấy là những gì Bắc Kinh đang làm trong vùng biển kế cận Việt Nam. Tàu đang tháu cáy Obama.

Dĩ nhiên, việc tháu cáy này mang theo nhiều rủi ro cho Tàu. Tàu không muốn chiến tranh với Mỹ, vì thế họ phải tin tưởng vào phán đoán của mình rằng Mỹ sẽ xuống nước trước và bỏ bạn bè của mình hơn là dấn thân vào một cuộc chiến với Tàu. Sự tin tưởng này phản ánh hai phán đoán then chốt của lãnh đạo Tàu.

Tại sao Tàu nghĩ rằng họ ở thế thượng phong

Một là, Tàu tin rằng các khả năng quân sự mới nhất của mình có thể từ chối Mỹ một chiến thắng dễ dàng trong một cuộc đụng độ tại các vùng biển Đông Á. Họ cũng biết rằng Mỹ không thể thắng trong các vùng biển ấy mà không cần phát động một chiến dịch rộng lớn nhắm vào lãnh thổ của Tàu. Những cuộc tấn công như thế rõ ràng sẽ đưa đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng, và việc leo thang này có thể sẽ không dừng lại dưới ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Do đó, các lãnh đạo Tàu nghĩ là các lãnh đạo Mỹ hiểu rằng một cuộc chiến tranh với Tàu hiện nay là một cuộc chiến mà Mỹ không thể tin chắc nắm được phần thắng hoặc sẽ giới hạn được mức leo thang của nó.

Hai là, Bắc Kinh tin tưởng rằng Tàu có quyết tâm hơn Mỹ. Washington rõ ràng muốn duy trì vai trò lãnh đạo của mình tại châu Á, nhưng Bắc Kinh thậm chí có quyết tâm hơn trong việc giành lấy quyền lực cho mình bất chấp quyền lực của Mỹ. Điều này khiến lãnh đạo Tàu tin tưởng rằng lãnh đạo Mỹ sẽ không cho rằng Tàu sẽ xuống nước trước trong một cuộc khủng hoảng.

Một tính toán nguy hiểm

Rủi ro là, các chính trị gia tại Washington đồng thuận rằng Bắc Kinh thật sự không dám thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á vì Tàu không muốn nguy cơ đương đầu với Mỹ trong một cuộc chiến mà họ chắc chắn sẽ thua. Nếu nghĩ như vậy là đúng, thì cách ứng xử của Tàu là điên rồ. Nhưng tôi tin khá chắc là Tàu không điên như người Mỹ nghĩ đâu.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều liên tục tăng cường nỗ lực của mình trong cuộc cạnh tranh tại Đông Á, trong khi các khiêu khích của Tàu nhắm vào các nước bạn và đồng minh của Mỹ trở nên táo tợn hơn và các cam kết của Mỹ trong việc hậu thuẫn những nước này trở nên dứt khoát hơn. Cả hai bên đều tin rằng bên kia sẽ xuống nước để tránh một cuộc xung đột vũ trang. Nhưng có một khả năng rất lớn là cả hai bên đều tính sai.

Chia sẻ quyền lực để tránh đại họa

May thay, còn có một phương án lựa chọn khác: Mỹ và Tàu có thể tìm ra một cách để chia sẻ quyền lực tại châu Á. Điều này sẽ khó lòng cho cả hai bên, nhưng nó có thể diễn ra nếu cả hai bên đều nhận ra rằng họ không thể khống chế châu Á trong thế kình cựa nhau.

Hẳn nhiên, Mỹ chưa bao giờ làm điều này trước đây. Nhưng trước đây Mỹ cũng chưa bao giờ đương đầu với một nước vừa giàu vừa mạnh mà Tàu có khả năng trở thành nay mai. Bằng cách nào mà Mỹ khỏi phải chia sẻ quyền lực với Tàu nếu Mỹ muốn duy trì sự hiện diện của mình tại châu Á đồng thời tránh leo thang xung đột với nước đáng sợ này?

Như vậy, nước cờ hay nhất của Mỹ là thay đổi cuộc chơi tại châu Á, bằng cách tình nguyện chia sẻ quyền lực nếu Tàu chịu ứng xử một cách có trách nhiệm. Đề xuất và củng cố một quan hệ chia quyền như vậy đòi hỏi một tài năng chính trị xuất sắc từ các lãnh đạo Mỹ. Tàu sẽ phải chấp nhận một sự hiện diện mạnh mẽ liên tục của Mỹ tại châu Á và Tàu phải tuân theo những qui phạm cơ bản như không dùng vũ lực đối với các nước láng giềng. Và Mỹ sẽ phải coi Tàu như một cường quốc ngang hàng, tôn trọng các lợi ích mà Tàu quan niệm, và không còn giữ địa vị một lãnh đạo khu vực.

Chúng ta không thể biết chính xác việc Mỹ chia sẻ quyền lực với Tàu sẽ diễn ra như thế nào, quan hệ này sẽ có hiệu quả chính xác ra sao, hay thậm chí nó có thể mang lại kết quả gì không. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng phương án lựa chọn duy nhất còn lại sẽ đưa đến thảm họa.

Hugh Whie là giáo sư môn nghiên cứu chiến lược tại Australian National University và là tác giả cuốn The China Choice: Why We Should Share Power [Phương án đối với Tàu: Lý do tại sao chúng ta phải chia sẻ quyền lực].
Hugh White,
The Christian Science Monitor,
ngày 18 tháng Sáu, 2014
Trần Ngọc Cư dịch

Nguồn: How China and the US can avoid a catastrophic clash - Hugh White, The Christian Science Monitor

‘Mỹ nên hợp tác hạt nhân với Việt Nam’

Các nhà vận động chính sách Hoa Kỳ kêu gọi Quốc hội nước này phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Hà Nội.

Viện Năng lượng Hạt nhân Hoa Kỳ (NEI), một tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Mỹ, cho rằng tăng cường hợp tác với Việt Nam sẽ đẩy mạnh ‘xuất khẩu và việc làm’ cho nước Mỹ.

NEI nói Việt Nam có kế hoạch phát triển cơ sở hạt nhân có công suất 10 nghìn megawatt, với các nhà máy đầu tiên đưa vào hoạt động vào thập niên tới.

“Thị trường Việt Nam có thể mang lại từ 10-20 tỷ đô la xuất khẩu cho Mỹ, và tạo ra 50 nghìn việc làm thu nhập cao cho người Mỹ,” phó chủ tịch NEI Richard Myers nói.

Nga và Nhật Bản đã có các thỏa thuận riêng với Việt Nam, khiến các nhà sản xuất công nghiệp hạt nhân Mỹ lo ngại bị chậm chân vào thị trường này.

“Nếu không có thỏa thuận, chúng ta không thể tham gia cuộc chơi, chỉ có thể đứng bên ngoài nhìn vào,” David Durham của công ty năng lượng hạt nhân GE Hitachi nói.

“Nếu nó đến quá trễ, sau khi cuộc cạnh tranh kết thúc, thì cũng sẽ không có giá trị. Thỏa thuận phải đến sớm và dài hạn, bởi đó là mối hợp tác dài hạn.”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cho rằng Việt Nam có thị trường năng lượng hạt nhân đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

'Hạt nhân kèm nhân quyền'

Tổng thống Mỹ Obama phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân song phương với Việt Nam hồi tháng Hai, và đã trình Quốc hội xem xét đầu tháng Năm.

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày làm việc của Quốc hội Hoa Kỳ nếu không bị phủ quyết.

Vào hôm 9/6, Nghị sĩ Adam Kinzinger và Eliot Engel đưa ra nghị quyết ủng hộ thỏa thuận.

“Nước Mỹ có lịch sử đầy tự hào trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân an toàn cho các đối tác tin cậy trên thế giới,” ông Kinzinger nói.

“Thỏa thuận sẽ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao đang được cải thiện của hai nước.”

Tuy vậy, một số nghị sĩ khác cho rằng một dự luật về nhân quyền nên được đi kèm với thỏa thuận hạt nhân, AFP đưa tin.

Mỹ có thỏa thuận hợp tác hạt nhân hòa bình, còn gọi là Hiệp định 123, với hơn 20 quốc gia khác nhau.
  (BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét